Thơ “hành lạc” của Nguyễn Công Trứ Với dòng thơ “an lạc” thế giới
Trong di sản văn học không đồ sộ lắm về số lượng, nhưng khá đa dạng về chủ đề, thể tài của Nguyễn Công Trứ có một mảng sáng tác rất đặc sắc, lâu nay vẫn được gọi là thơ văn “cầu nhàn hưởng lạc” hay là thơ văn “hành lạc”...
Đã gần hai thế kỉ, từ thế hệ này qua thế hệ khác, chúng được lưu truyền rộng rãi trong công chúng độc giả trí thức Việt Nam, được tán thưởng và bình phẩm nhiều và chính chúng đã góp phần rất to lớn tạo nên hình ảnh Nguyễn Công Trứ trong
tâm thức bạn đọc, với diện mạo riêng không giống ai, khó so sánh với
bất cứ một ai trên văn đàn Việt Nam. Trong các chủ đề khác mà ngòi bút Nguyễn Công trứ tham gia khai thác cùng với các thi gia Việt Nam khác thì xem ra ông Nguyễn có nhiều địch thủ mạnh hơn mình. Nói về thế thái nhân tình mà trong đó đồng tiền, óc vụ lợi chi phối tất cả thì trước Nguyễn Công Trứ ba thế kỉ, Nguyễn Bỉnh
Khiêm đã nói cô đúc hơn và thấm thía hơn. Diễn tả tâm trạng bi phẫn,
bất đắc chí của con người tài cao đức trọng nhưng không áp dụng được vào
đâu, không thể thực hiện được mảy may những hoài bão của mình thì cùng
thời với Nguyễn Công Trứ,
Cao Bá Quát còn đạt thành tựu đặc sắc hơn. Châm biếm đạo đức xã hội hủ
bại, lột mặt nạ lũ hiền nhân quân tử giả dối ngự trị trong xã hội thì Hồ
Xuân Hương đanh thép hơn, sắc bén hơn. Phỉ báng thói đời lố lăng, ô
trọc thì Nguyễn Khuyến, Tú Xương cụ thể hơn, chua cay hơn. Nói lên nỗi buồn muôn thuở của nhân sinh, bi kịch của kiếp người thì ngòi bút Nguyễn Du
sâu sắc, thống thiết hơn nhiều. Nhưng khẳng định nhu cầu hưởng thụ của
con người, nâng nó lên thành cả một triết lí có sức thu phục nhân tâm
thì không mấy ai làm được như Nguyễn Công Trứ. Đây chính là điểm mạnh, điểm độc đáo của ông, và chính nơi đây, Nguyễn Công Trứ gặp
gỡ, giao tiếp mãnh liệt với thời đại ngày nay, con người hôm nay, với
lí tưởng nhân sinh mà người Việt Nam và cả loài người đang quan tâm.
Đáng tiếc, trong những năm qua, cái phần rất lí thú, rất đặc sắc này trong di sản Nguyễn Công Trứ còn bị nhìn nhận thiên lệch và đánh giá hời hợt, chưa thoả đáng. Chỉ xin trích dẫn một tư liệu làm bằng chứng. Trong bộ Lịch sử văn học Việt Nam, phần Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX (1), tác giả Nguyễn Lộc đã dành hẳn một chương để giới thiệu thân thế sự nghiệp, phân tích thơ văn Nguyễn Công Trứ.
Chương sách này chứa đựng nhiều nhận định đúng đắn và sâu sắc. ở nhiều
trang, đề cập tới những khía cạnh phức tạp, đầy mâu thuẫn trong nhân
cách, hành trạng Nguyễn Công Trứ, tác giả đã có một cách nhìn rất thấu đáo, “tri kỉ” với đối tượng của mình. Chẳng hạn, nói về việc Nguyễn Công Trứ trấn áp các cuộc nổi loạn của nông dân, tác giả nhấn mạnh : “Nguyễn Công Trứ bao giờ cũng đinh ninh rằng việc mình làm là vì dân vì nước”. Vì thế cho nên “Nguyễn Công Trứ một
mặt tham gia đàn áp các phong trào nông dân khởi nghĩa, mặt khác ông
lại hết sức chăm lo cuộc sống đói nghèo của họ”. Hay đây, một chân lí
nữa mà tác giả khẳng định : “Nguyễn Công trứ làm việc tận tụy suốt đời. Trước đây, nhiều lúc người ta thiên lệch khi nói đến nhân cách của Nguyễn Công Trứ. Họ chỉ thấy ở ông một con người phóng túng, ngông nghênh, về già còn lấy vợ trẻ mười tám đôi mươi mà quên mất Nguyễn Công Trứ là một ông quan rất thanh liêm và chính trực”. Phân tích thơ Nguyễn Công Trứ,
tác giả tán dương chủ nghĩa lạc quan, tinh thần tích cực nhập thế ở
những bài thơ nói về “chí nam nhi” và nhận xét khá tinh tế rằng trong
quan niệm về “nam nhi” của Nguyễn Công Trứ không
chỉ có ý thức về bổn phận đối với “thân, quân” mà còn có ý thức về vai
trò và giá trị của cá nhân mình. “Mầm mống những bi kịch trong cuộc đời Nguyễn công Trứ chính là ở đó”. Thế nhưng, chuyển sang phần thơ văn “hành lạc” của Nguyễn công Trứ, tác giả khẳng định dứt khoát và thẳng thừng : “Nhận định về triết lí hành lạc của Nguyễn Công Trứ,
chúng ta thấy nó bao hàm một nội dung hoàn toàn tiêu cực, có tính chất
đồi truỵ, không một điểm nào còn có ý nghĩa trong cái triết lí ấy. Có
thể nói đó là sự kết hợp tư tưởng hư vô chủ nghĩa với tư tưởng khoái lạc
chủ nghĩa của giai cấp thống trị trong giai đoạn suy tàn”. Tác giả cho
rằng Nguyễn Công Trứ sa vào “hành lạc”, ca ngợi thú ăn chơi là vì bất mãn với triều đình nhà Nguyễn, bất mãn với thời cuộc. “Quá trình diễn biến tư tưởng của Nguyễn Công Trứ từ quan niệm chí nam nhi đến triết lí hành lạc là quá trình sụp đổ hoàn toàn của lí tưởng xã hội ở nhà thơ này”.
Không bàn sâu về nhân cách của Nguyễn Công Trứ liên
quan đến triết lí “hành lạc” (nhân cách ấy tất nhiên là không hoàn
thiện, có những điểm đáng chê trách, cũng như ở hầu hết tất cả mọi
người, có điều là những phẩm giá sáng chói ở Nguyễn Công Trứ là
một sự thật lớn hơn và như một triết gia phương Tây đã nói, “con người
ưu việt không phải là con người không có khuyết điểm, mà là con người có
nhiều ưu điểm”), chỉ xin lưu ý tới hai điều. Thứ nhất, những nhận định
khắt khe như trên về triết lí hành lạc trong thơ Nguyễn Công Trứ mâu
thuẫn rõ rệt với giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mĩ của những bài thơ
ấy mà người thưởng thức nào không có định kiến cũng cảm nhận thấy. Cầm kì thi tửu, Chơi xuân kẻo hết xuân đi, Yêu hoa, Chữ nhàn, Thích chí ngao du, Uống rượu tự vịnh, Hành tàng, Bài ca ngất ngưởng và cả Tuổi già cưới vợ hầu
là những bài thơ hay, có bài rất hay, mà như đã nói ở trên, cha ông
chúng ta thuộc giới trí thức thượng lưu đã truyền tụng tán thưởng từ
lâu, trước khi thơ Nguyễn Công Trứ được
xuất bản và bình phẩm trên sách báo. Sự chọn lọc của nhân dân từ đời
này qua đời khác ít khi sai lầm và phải được các nhà nghiên cứu, phê
bình tính tới. ở đây cần nhắc đến cả những giai thoại dân gian về tính
đa tình của Nguyễn Công Trứ. Những giai thoại rất hóm hỉnh và đầy cảm tình với nhà thơ ấy cũng mâu thuẫn với cái nhìn khắc nghiệt ở một số giới đối với Nguyễn Công Trứ.
Và khi sự đánh giá của một hoặc của cả một thế hệ nhà phê bình mâu
thuẫn với sự chọn lọc ấy thì rất nên xem xét lại để đi đến những nhận
định mới thoả đáng hơn, chuẩn xác hơn. Trong văn học cổ của chúng ta,
thơ văn “hành lạc” của Nguyễn Công Trứ không
phải là hiện tượng phức tạp, khó kiến giải duy nhất. Thơ Hồ Xuân Hương
còn phức tạp hơn, hóc búa hơn. Và càng từ bỏ những định kiến về chúng,
càng áp dụng nhiều góc độ, phương pháp luận nghiên cứu mới, nhưng luôn
luôn tính tới sự chọn lựa thẩm mĩ của cha ông, chúng ta càng tiến gần
hơn tới nhận thức chân xác hơn về những giá trị văn hoá ấy.
Điều
thứ hai mà chúng tôi đề nghị lưu ý là không có một cứ liệu lịch sử hoặc
văn bản nào cho phép khẳng định rằng những bài thơ “hành lạc” của Nguyễn Công Trứ đa số được làm vào giai đoạn cuối đời của ông và là sản phẩm của sự bất mãn, chán chường đối với công danh hoạn lộ, một kiểu phản ứng tiêu cực đối với xã hội đương thời. Trong cuốn Thơ văn Nguyễn Công Trứ (2), GS. Trương Chính sắp xếp đa số thơ “hành lạc” vào giai đoạn thứ nhất - “thời bạch diện thư sinh” - trước khi ra làm quan. Thực ra, như ông viết, một số bài có thể đặt vào bất cứ giai đoạn nào trong cuộc đời Nguyễn Công Trứ. Do đó, ta có thể nói rằng Nguyễn Công Trứ suốt
đời làm thơ “hành lạc”. Và cũng như vậy, sẽ không xa chân lí, nếu ta
nói rằng hầu như suốt đời, trong cuộc sống cũng như trong sáng tác, Nguyễn Công Trứ vừa “hành đạo”, vừa “hành lạc”, vừa “làm” vừa “chơi”. Giữa “hành đạo” và “hành lạc”, giữa cái “làm” và cái “chơi” ở Nguyễn Công Trứ có sự gần gũi, thống nhất khá kì thú, xin được nói đến sau. Bây giờ ta hãy xác định nội dung và tinh thần chữ “hành lạc” ở Nguyễn Công Trứ.
Trước hết, cần nói đến một yếu tố mới, khá đậm đặc ở thơ văn Nguyễn Công Trứ so
với quan niệm “hành lạc” trong văn học cổ điển ở nước ta và ở Trung
Quốc. Đó là yếu tố diễm tình, sắc tình. Nếu trong văn chương “nghiêm
chỉnh” được truyền thống Nho giáo sùng mộ “hành lạc” là “bầu rượu túi
thơ”, là “ngao du sơn thuỷ”, là “cầm kì thi họa” với người tri kỉ đồng
giới, tức là các thú tiêu khiển thanh cao và tao nhã, thì trong cái
“hành lạc” ở Nguyễn Công Trứ có
yếu tố tình dục, có những khao khát khoái lạc xác thịt đằng sau và bên
cạnh những thú vui tinh thần. Chính điều này làm cho không phải mọi
người xưa nay đều ưa Nguyễn Công Trứ và
cho đến bây giờ những người theo quan niệm đạo đức khe khắt vẫn cho ông
là “tục” và “suy đồi”.Yếu tố hiếu sắc, nhục dục ấy trong thơ Nguyễn Công Trứ đa
phần được thể hiện rất tế nhị, được che đậy rất có nghệ thuật, nhưng
cũng có khi được bộc lộ trơ trẽn. Tuy nhiên, cần phải khẳng định rằng
trong thơ Nguyễn Công Trứ,
cái nhục dục không bao giờ biến thành cái dâm dục, không bao giờ có cái
không khí “tính dục bao trùm tất cả” như trong nhiều bài thơ Hồ Xuân
Hương, hay nói đúng hơn là những bài thơ mang tên Hồ Xuân Hương. Cái
nhục dục bản năng trong thơ Nguyễn Công Trứ được
kiềm chế và chi phối bởi những yếu tố có tính chất văn hoá : tinh thần
thanh lịch, chất tài tử hào hoa phong nhã, thị hiếu thẩm mĩ sành sỏi,
tinh vi, không chấp nhận tất cả những gì là thô bỉ, xô bồ, là xác thịt
trần trụi.
Chơi cho lịch mới là chơi,
Chơi cho đài các, cho người biết tay.
Tài tình dễ mấy xưa nay !
Đọc thơ “hành lạc”, thơ nói về thú uống rượu, thú hát ả đào, thú đánh tổ tôm của Nguyễn Công trứ,
ta không thể không ngạc nhiên trước cái khẩu khí hào mại, trước cái cảm
hứng anh hùng không giả tạo tí nào mà tác giả đã đưa vào những chủ đề
tưởng chừng rất vặt vãnh và không xứng đáng ấy.
Sách có chữ “nhân sinh thích chí”
Đem ngàn vàng chác lấy tiếng cười...
... Phong lưu cho bõ kiếp người...
... Cuộc hành lạc vẫy vùng cho phỉ chí...
... Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy,
Nếu không chơi thiệt ấy ai bù !
Không
thể hiểu chữ “chơi” ở đây theo nghĩa hiện thực dung tục, như là lối ăn
chơi trác táng bạt mạng, bán trời không văn tự. “Cuộc chơi”, “tiếng
cười” ở đây mang màu sắc hội hè rõ ràng, chúng khẳng định mình quyết
liệt trước hiện thực cuộc sống thường nhật có sức mạnh đè bẹp, trước trí
khôn thông thường, trước lối sống ki bo góp nhặt của người đời, trước
lễ giáo, tục lệ nghiêm trang chán ngắt trong xã hội... Chúng đòi cho con
người một cuộc sống thứ hai, một thế giới thứ hai.
Nhân sinh bất hành lạc,
Thiên tuế diệc vi thường.
Con người sống trên đời cần chơi và phải biết chơi. Nâng tư tưởng “hành lạc” lên thành triết lí sống, Nguyễn Công Trứ biểu
lộ tính nhân bản rất sâu sắc và anh minh, và tỏ ra “đồng thanh tương ý,
đồng khí tương cầu” một cách lạ lùng với thời đại ngày nay khi con
người ngày càng cần cảm thấy có nhu cầu thể hiện mình không chỉ như một
sinh vật tinh khôn (homo sapiens), sinh vật chế tạo (homo faber) v.v...,
nhưng còn như một sinh vật chơi (homo ludens). Chỉ cần nhắc đến vai trò
của thể thao và các cuộc thi thể thao trong đời sống nhân loại hôm nay
là rõ.
Tinh thần thao lược, tinh thần thi tài đua sức, tinh thần thượng võ, mã thượng tiềm ẩn rất phong phú trong thơ Nguyễn Công Trứ.
Cái “chơi” trong thơ ông hoàn toàn không phải là sự phóng dục buông
tuồng, ngược lại, nó đòi hỏi một sự làm chủ bản thân cao độ, sự hun đúc ý
chí, mài rũa tài nghệ không ngơi. Trong sự “chơi”ấy, đằng sau cái say
mê là sự tỉnh táo, đằng sau cái hăm hở là sự bình tĩnh, bên cạnh chí
hiếu thắng là sự sẵn sàng chấp nhận thất bại, thái độ “nhập cuộc” nghiêm
túc cực độ song hành với cái nhìn thanh thản, nhẹ nhõm, cười cợt đối
với “cuộc chơi”. Triết lí “hành lạc” trong thơ Nguyễn Công Trứ,
xét về cốt lõi, đồng nghĩa với một triết lí nhân sinh sâu rộng hơn đã
nảy sinh và tồn tại hàng ngàn năm ở phương Đông cũng như ở phương Tây - triết
lí “an lạc”, trong đó chữ “an” có ý nghĩa tinh thần, ý nghĩa chủ quan
nặng hơn ý nghĩa vật thể khách quan. Cái “an” hiểu theo nghĩa ấy là điều
kiện tiên quyết để cho con người hưởng được cái “lạc”, tức là đạt được
mục đích sống.
Ta sẽ hiểu rõ hơn triết thuyết “hành lạc” trong thơ Nguyễn Công trứ nếu đem đối chiếu với triết thuyết “hành đạo” cũng được thể hiện rất rõ nét trong thơ ông. ở Nguyễn Công trứ,
chữ “hành đạo” theo quan niệm Nho giáo (sự ra giúp đời, làm bổn phận
với nước với dân) được bao trùm bởi một ý niệm khác mà ông gọi bằng
nhiều chữ : “chí khí anh hùng”, “chí nam nhi”, “nợ tang bồng”, “nợ nam
nhi”... Thực hiện chí nam nhi, trả sạch nợ tang bồng là lẽ tồn tại của
con người trong trời đất. Vậy thì giữa lẽ tồn tại ấy với sự “hành lạc”
có quan hệ gì không ? Một từ - chìa khoá trong một bài thơ tứ tuyệt của Uy Viễn tướng công đã làm sáng tỏ vấn đề :
Nhân sinh ba vạn sáu nghìn thôi,
Vạn sáu tiêu nhăng hết cả rồi !
Nhắn con tạo hoá xoay thời lại,
Để khách tang bồng rộng đất chơi !
Té
ra cả “hành lạc” lẫn “hành đạo’, cả sự hưởng thú vui lẫn việc thực hiện
sứ mệnh của người anh hùng trên đời đều là sự chơi, cuộc chơi. Trong
cuộc chơi kéo suốt đời ấy, con người luôn luôn phải dốc hết sức mình mưu
cầu thắng lợi, vững tin rằng cuộc chơi có ý nghĩa, đồng thời biết ứng
phó bình thản, cao tay với những rủi may do “hoá nhi đa hí lộng” đem lại
(người chơi với trời đất thì trời đất cũng chơi lại với người !). Bậc
anh hùng trượng phu vì vậy vừa khao khát công danh,
vừa “vô cầu”, “yên sở ngộ”, vừa hăng say nhập thế, vừa biết thanh thản
xuất thế, vừa biết “hành” vừa biết “tàng”, coi hành tàng về thực chất
không khác gì nhau (“hành tàng bất nhị kì quan”). Hiển vinh hay bị sỉ
nhục, thành đạt hay thất bại - người trượng phu đều chấp nhận một cách thản nhiên.
Linh khâm bảo hợp thái hòa,
Sạch không trần lụy ấy là thần tiên...
... Vào vòng cương toả chân không vướng,
Tới cuộc trần ai áo chẳng hoen.
Ý chí ấy, quyết tâm ấy được khẳng định trở đi, trở lại trong thơ “hành đạo” của Nguyễn Công Trứ,
và xem ra ông đã thực hiện được ý chí ấy bằng cả cuộc đời mình, đó là
niềm kiêu hãnh của ông. Theo chúng tôi, các nhà nghiên cứu ở ta, bắt đầu
từ Nguyễn Bách
Khoa trở đi, áp dụng hơi cứng nhắc phương pháp xã hội học duy vật lịch
sử, đã nhấn mạnh quá mức tâm trạng bi quan, yếm thế ở Nguyễn Công Trứ từ khi ông gặp bế tắc trên đường hoạn lộ, phải cáo về hưu. Nhiều sáng tác của Nguyễn Công Trứ trong giai đoạn này nói lên tinh thần khác hẳn. Chỉ một Bài ca ngất ngưởng
cũng đủ cho thấy vẫn cái khí phách cứng cỏi ấy, vẫn cái bản lĩnh cao
cường ấy, vẫn cái tự cao tự đại, coi thường khen chê của người đời ấy - tất
cả đều không giống tí nào cái tâm lí thất bại chủ nghĩa oán đời, cay
cú, hằn học với đời. Trong bài thơ nói trên cũng như ở nhiều thi phẩm
khác, Nguyễn Công Trứ vừa diễu cợt người đời, vừa diễu cợt bản thân mình. Tiếng cười tự trào xuyên suốt qua sáng tác Nguyễn Công Trứ từ
buổi thiếu thời đến tuổi già nua là biểu hiện của năng lực làm chủ bản
thân phi thường, nhờ năng lực ấy mà ông mới có thể ngẩng cao đầu đi qua
mọi thăng trầm, biến cả cuộc đời mình thành một cuộc chơi đẹp, cuộc chơi
cao tay, nêu gương sáng cho hậu thế. Tiếng cười tự trào đã đạt hiệu quả
tuyệt mĩ trong bài thơ “hành lạc” cuối mùa của Nguyễn Công Trứ : Tuổi già cưới vợ hầu.
Nếu không có sự tự diễu cợt mình một cách rất hóm hỉnh, rất duyên dáng
như thế thì bài thơ sẽ rất dễ rơi vào cái trụy lạc, cái dâm đãng nhơ
nhuốc. Nhưng với tiếng cười tự trào lanh lảnh, từ bài thơ lại toát lên
một tính người phóng khoáng, một chủ nghĩa nhân bản quảng đại và bao
dung, vượt xa ra ngoài khuôn khổ cái đạo lí “khắc kỉ phục lễ” khô cứng
và hẹp hòi.
*
* *
Trong văn học Việt Nam, Nguyễn Công Trứ là
hiện tượng độc đáo có một không hai. Trực giác nói với chúng ta rằng
ông cũng không giống hẳn một ai trên văn đàn thế giới. Trong thơ mình,
cụ Nguyễn nhiều lần ngưỡng mộ
nhắc đến Khuất Nguyên, Lí Bạch, Tô Thức, nhưng rõ ràng cụ khác họ ở
nhiều điều cơ bản. Thể ca trù của ta và những bài thơ ca trù diễm tình
của Nguyễn Công Trứ có chịu ảnh hưởng gì của từ khúc Đường - Tống không ? Các nhà Trung Hoa học của chúng ta sẽ phải giải đáp câu hỏi này. Nếu nói riêng về thơ “hành lạc” của Nguyễn Công Trứ thì
chắc không dễ nào tìm thấy những hiện tượng tương đồng với chúng trong
thơ cổ Trung Quốc với quan niệm “văn dĩ tải đạo” chi phối cảm hứng sáng
tác của cả các thi nhân nhập thế theo tư tưởng Khổng - Nho hay xuất thế theo tư tưởng Lão - Trang. Nhưng nếu ta nhìn sang những nền văn hoá khác - những
nền văn hoá lấy con người với tất cả những nhu cầu tự nhiên của nó làm
thước đo vạn vật thì sẽ thấy ở đấy đã rất sớm hình thành những dòng thơ
ca với những môtíp chủ đạo gần gũi với thơ “cầu nhàn hưởng lạc” của Nguyễn Công Trứ và
nhiều nhà thơ cổ điển khác của nước ta. ấn Độ và Ba Tư từ ngàn xưa đã
cống hiến cho loài người nhiều thi sĩ kiệt xuất ca ngợi niềm vui sống
trên đời, ca ngợi những lạc thú trần gian của con người; những thi nhân
ấy đã tìm thấy nguồn thi hứng vô tận trong rượu và tình yêu, trong rượu - thi - ca - nhạc - vũ - ái
tình, đem những sướng vui đích thực ấy đối chọi với cái vinh hoa phù
phiếm, giả dối của bọn vương giả, cái giàu sang loè loẹt của lũ trọc
phú. Chỉ cần nhắc đến những tên tuổi lừng lẫy như Hafiz (Ba Tư), Surdas,
Mirza Galib (ấn Độ)... cũng đủ thấy được cả dòng chảy lớn lao này.
Ở châu Âu, từ thời kì Hi - La đã hình thành hẳn một dòng thơ hưởng lạc rất được hâm mộ mang tên vị thuỷ tổ của nó - nhà
thơ Hi Lạp Anacréon. Những bài thơ của Anacréon còn lưu truyền được đến
ngày nay miêu tả ông như một ông già râu tóc bạc phơ mê say những cô
gái trẻ và luôn luôn bị các cô ấy phản bội hoặc ruồng bỏ vì các chàng
thanh niên cường tráng. Lời và giọng thơ tình của Anacréon vừa thống
thiết lại vừa bông lơn, khiến người đọc Việt Nam liên tưởng tới cụ Nguyễn Uy
Viễn sống 25 thế kỉ sau Anacréon và ở một khu vực văn hoá hoàn toàn
khác biệt. Anacréon đã khởi xướng cả một trường phái thơ với rất nhiều
môn đệ bắt chước ông, vịnh hoạ ông, Cái triết lí hưởng lạc trong dòng
thơ Anacréontique với niềm đam mê tuổi trẻ, sắc đẹp đan thoa một cách
đầy hóm hỉnh với một cái nhìn thanh thản nhẹ nhõm đối với đời người ngắn
ngủi phù du, đối với thế sự chìm nổi, thất thường. Dòng thơ ấy sau này
đã gặp gỡ và được đơm hoa kết trái thêm bởi triết học épicure. épicure
dạy con người không lẩn tránh việc đời, cả những việc quốc sự, biết
hưởng thụ những lạc thú trên đời, trong đó có lạc thú tình ái, nhưng
biết đặt lên cao hơn hết sự yên tĩnh tự tại của tâm hồn. Chính sự thanh
trong yên tĩnh không thể khuấy động, sự độc lập không thể xâm phạm ấy
của tinh thần mới đảm bảo cho con người một cuộc sống không đau khổ và
sợ hãi, với những thú vui không thể tước đoạt. Hấp thụ tư tưởng minh
triết của épicure, dòng thơ Anacréontique từ hưởng lạc phát triển thành
dòng thơ “an lạc” hùng vĩ với những tác giả rất lớn như Théocrite,
Virgile, Horace... Đến giai đoạn này, nó đã tiếp thu vào nội dung và
nguồn cảm hứng một môtíp mới, vô cùng quan trọng, làm cho nó trở nên gần
gũi với thơ ca phương Đông : đó là niềm vui thú thưởng ngoạn thiên
nhiên, thú vui sống giữa lòng thiên nhiên; nó lấy cuộc sống tự nhiên
thuần phác ấy làm tiêu chuẩn đối lập với lối sống bon chen danh lợi cung
đình và cuộc sống xô bồ, huyên náo nơi đô thị.
Bị
lãng quên trong mười thế kỉ trung cổ, dòng thơ Anacréontique lại hồi
sinh mãnh liệt ở châu Âu vào thời Phục Hưng. Đại diện nổi bật nhất cho
dòng thơ này ở Pháp là đại thi hào Ronsard. Như mọi người đều biết, bước
vào con đường văn nghiệp, Ronsard đã thất bại liên tiếp trong những tác
phẩm tụng ca, trường ca sử thi chiều theo thị hiếu của vua chúa, quan
lại thời ấy, và ông đã chỉ thực sự tìm thấy mình, nhận ra đường đi cho
mình khi, học tập Horace và Anacréon, ông chuyển sang sáng tác thơ tình,
thơ “hành lạc”. Những bài thơ Ronsard gửi những người tình có thật và
tưởng tượng : Cassandre, Marie, Hélène... chứa chan tình yêu đời, say mê
những lạc thú tự nhiên trên đời, phỉ báng đạo đức khắc khổ giả dối theo
tư tưởng tôn giáo thần quyền đã làm cho tên tuổi Ronsard trở nên bất
tử, bên cạnh Rabelais, Montaigne cùng các văn hào nhân văn chủ nghĩa
khác.
Sau
thời Phục Hưng, dòng thơ Anacréontique ở châu Âu không bị cạn đi, mà
phát triển đi vào chiều sâu, với những biến tướng tương hợp với bản sắc
của từng nền văn học dân tộc. Trong số hàng chục, hàng trăm tác giả tiếp
tục truyền thống thi ca này xin chỉ nhắc đến hai thi sĩ sống và sáng
tác cùng thời với Nguyễn Công Trứ và
trong tiểu sử cũng như tính cách có nhiều nét tương đồng với ông. Người
thứ nhất không phải là ai khác mà là Goethe. “Con người Đức vĩ đại
nhất” này (như Ăngghen gọi ông) đã mấy chục năm trời làm quan cho một
tiểu vương quốc nhỏ tí xíu, sống giữa vòng vây của những viên quan lại
không thể nhìn ra tầm vóc khổng lồ của ông. Nhưng Goethe đã không cho
phép mình bất mãn, không cho phép mình trút bỏ nghĩa vụ “vi thần”. Nhiệt
tình hoạt động rất sôi nổi ở Goethe đi đôi với tinh thần bình thản gần
như của thần tiên trước mọi biến cố trong xã hội và trong đời riêng đã
làm cho rất nhiều người quen biết ông phải ngạc nhiên. Trong sáng tác,
ông cũng bộc lộ đầy đủ tinh thần épicure. Vào những năm 1790, sau khi đi
du lịch ý về, Goethe viết chùm thơ Những khúc bi ca La Mã.
Không có một chút gì là bi thương trong những “khúc bi ca” ấy. Ngược
lại, từ đầu đến cuối, chúng chan chứa niềm hoan lạc của tinh yêu, hoan
lạc tinh thần và xác thịt. Những dòng thơ miêu tả bàn tay nhà thơ say
sưa thám hiểm những cao nguyên và thung khe trên thân thể người tình,
rồi giữa đêm gõ nhịp thơ trên những đốt xương sống của người yêu đang
say giấc nồng - lúc
mới xuất hiện đã gây sốc cho cả xã hội thượng lưu để một thế kỉ sau
được tán thưởng như là những viên ngọc của thơ ca Đức. Hai mươi lăm năm
sau Những khúc bi ca La Mã, cuộc gặp gỡ với thơ Hafiz và thơ “hành lạc” Ba Tư đã kích thích Goethe đối tác bằng cả một tập thơ dày - Đông - Tây thi tập - ở
đây cái hoan lạc của sự giao hoà thân xác và tâm hồn được nâng lên
thành nguyên tắc tối cao và đồng thời là hạnh phúc viên mãn nhất của
nhân sinh. Những dòng thơ ngợi ca rượu – nhạc - thơ - ái tình, ca ngợi những lạc thú của tình yêu đã thấm được khí phách hào mại mà chúng ta đã quen bắt gặp trong thơ “hành lạc” của Nguyễn Công Trứ.
Cũng vào những năm đầu thế kỉ XIX ấy, ở Nga có một nhà thơ lớn khác - Derzhavin mà Belinski gọi là “người cha của các thi nhân Nga” - đã cho in một tập thơ mang tiêu đề Những bài ca Anacréontiques. Derzhavin có một số phận và tính cách còn giống Uy Viễn tướng công của
chúng ta hơn cả Goethe : ông cũng trải qua một tuổi trẻ hàn vi, cũng
văn võ song toàn, cũng tham gia đàn áp khởi nghĩa nông dân, cũng làm
quan dưới ba đời vua, cũng ba chìm bảy nổi vì tính nết ngang tàng và
cương trực, cũng đạt tới chức thượng thư rồi bị phế truất vì quá chăm lo
cho lợi ích quốc gia, lo hơn cả hoàng đế và cả triều đình. Thế thì
Derzhavin đã phản ứng như thế nào đối với tất cả những bất công,
những sự bạc đãi và ngược đãi ấy ? Suốt đời ông vẫn hăm hở hoạt động ở
bất cứ chức vị nào. Còn trong thơ thì... ta hãy đọc bài thơ Tự nhủ trong tập thơ Những bài ca Anacréontiques của ông :
Lăng xăng mãi làm gì
Gánh vác bao phận sự
Để thế gian sỉ vả
Chỉ vì ta thẳng ngay.
Việc đời thôi để người khác làm thay,
Thiếu gì những hiền nhân khôn khéo.
Cho bản thân họ tài lo liệu
Lại uốn lưỡi giỏi trước đế vương.
Đã mang tiếng ẩm ương
Vì thật thà bộc trực,
Thì an phận nơi tư thất
Bồ bịch với nàng thơ và lũ đàn bà.
Thần Erot cũng bồng bột như ta,
Từ nay không xa rời nhau một phút !
Uống gọt, ăn ngon, ngủ say tít !
Thà cứ lười chảy thây,
Thù oán thôi đừng gây,
Việc quốc sự từ nay chừa nhé,
Thi thoảng mới quấy rầy thần công lí.
Từ nay tuần ba buổi
Chơi vui với nàng thơ
Rồi mau mau cáo từ
Vào giường ôm vợ trẻ.
Một bài thơ “hành lạc” của một người dị tộc, dị giáo mà giả sử được đọc, chắc Nguyễn Công Trứ của chúng ta cũng không chê là kém cỏi. Lời lẽ, cách diễn đạt có phần còn mộc mạc, dân dã hơn thơ cụ Nguyễn, nhưng tứ thơ, thần thơ thì tương hợp, hai cốt cách, hai bản ngã có thể so sánh với nhau.
Thơ “hành lạc” cũng như toàn bộ di sản văn học của Nguyễn Công Trứ còn
đương chờ đợi được phát hiện lại, việc làm này sẽ rất hiệu năng cho sự
chấn hưng thực sự văn hoá nước nhà. Trên đây chỉ là vài suy nghĩ của một
độc giả mới phát hiện ra cho mình thơ Nguyễn Công Trứ và còn thiếu nhiều hiểu biết về nền văn hoá cổ truyền của dân tộc, mong được các chuyên gia chỉ giáo và bổ khuyết.
1994
Bài viết rất hay, xin cảm ơn
Trả lờiXóa