Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Freud với vấn đề quan hệ giữa văn hóa, tôn giáo và khoa học

Freud với vấn đề quan hệ giữa văn hóa, tôn giáo và khoa học  

Trong di sản đồ sộ của nhà phân tâm học Sigmund Freud (1856-1939) có một loạt tác phẩm mà ở đấy ông xuất hiện trước công chúng độc giả không chỉ như một nhà khoa học, mà còn nhiều phần hơn như một triết gia, một nhà tư tưởng cất tiếng phát biểu về một số hiện tượng trọng yếu của đời sống xã hội loài người. Chuyên luận Tương lai của một ảo tưởng bàn về vai trò, vị trí của tôn giáo trong nền văn hóa hiện tại và tương lai của nhân loại thuộc về những trước tác như thế. Nó được công bố năm 1927, khi tên tuổi Freud đã lừng lẫy toàn cầu, khi phân tâm học mà ông là người sáng lập từ một phương pháp chẩn đoán và trị bệnh tâm thần đã phát triển thành một học thuyết tâm lý chung, soi sáng bằng một ánh sáng mới mọi mặt của tâm hồn và nhân cách con người, hơn thế nữa, đã biến thành một triết thuyết, một trào lưu tư tưởng làm chấn động đời sống tinh thần của xã hội phương Tây, gây nên nhiều tranh luận gay gắt và có quy mô lớn, có thể nói bổ đôi công luận thành phe bênh và phe chống thuyết Freud.

Âm vang của những tranh luận ấy đã ảnh hưởng trực tiếp đến chuyên luận Tương lai của một ảo tưởng mà, như ta thấy, một phần lớn được cấu tạo như một cuộc đối thoại căng thẳng giữa tác giả chuyên luận và người phản biện tưởng tượng không chia sẻ những quan điểm của ông. Hình thức đối thoại, ít được sử dụng trong văn triết luận thời nay, làm cho bài viết của Freud trở nên sinh động, hấp dẫn, cuốn hút người đọc vào những vấn đề phức tạp, hóc búa mà nó đề cập. Trước khi đi vào nội dung chuyên luận, cần phải nói rằng Freud phát biểu ý kiến về tôn giáo ở đây tuyệt không như một tài tử ngẫu hứng. Trong nhiều thập niên, ông quan tâm sát sao đến lĩnh vực này và đã viết một loạt công trình về nó. Công trình lớn đầu tiên - Vật tổ và cấm kỵ (1913) - là một thử nghiệm táo bạo, áp dụng lý thuyết phân tâm học, tìm về tận cội nguồn của tôn giáo, xác định (nói đúng hơn giả định với một độ xác suất đáng kể) sự phát sinh của nó từ một sự kiện kịch tính trong bầy người hoang dã - sự giết chết người cha chung, thủ lĩnh của bầy đàn, bởi những người con trai, từ đó mà hình thành những thị tộc tôtemic với tục thờ bái vật tổ riêng của từng thị tộc (tôtem) và luật ngoại hôn nghiêm ngặt. Trong một tác phẩm khác - Tâm lý đại chúng và phân tích cái tôi (1921) Freud, vẫn trung thành với phương pháp luận phân tâm học, phác thảo một xã hội học tôn giáo, cho thấy cái cơ chế tâm lý bảo đảm sự vận hành của các định chế, lề luật tôn giáo trong các cộng đồng người. Sau khi đã công bố Tương lai của một ảo tưởng, Freud sẽ còn hơn một lần trở lại với đề tài tôn giáo. Cuốn sách cuối cùng của ông, ra mắt bạn đọc sau khi ông đã qua đời - Moise và nhất thần luận (1939) - chuyên bàn về các tôn giáo độc thần, thiết lập phổ hệ của chúng. Như vậy, cần phải xem tôn giáo học (cùng với thần thoại học) là một bộ phận hữu cơ của một triết học văn hóa mà Freud cùng với một số môn đệ của ông nhiều năm dày công xây dựng.
Nét dễ thấy ở cái tôn giáo học, cũng như ở toàn bộ triết học văn hóa ấy, là tính vô thần luận, tính duy vật triệt để của chúng. Trong Tương lai của một ảo tưởng, cũng như ở những tác phẩm khác của mình, Freud nhất quán khẳng định nguồn gốc thuần túy con người của mọi tín ngưỡng, tôn giáo và cương quyết bác bỏ những giải thích siêu nhiên, thần khải. Nhiều trang viết của ông, lý giải sự ra đời của tôn giáo từ ý thức của con người về sự yếu đuối, bất lực của mình trước những sức mạnh tự nhiên và những thế lực xã hội, khiến người đọc không thể không nhớ đến những luận điểm quen thuộc của nhà khai sáng thế kỷ XVIII và cả các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác, về nhiều mặt là người thừa kế tinh thần của những nhà khai sáng ấy. Chính Freud cũng thừa nhận trong chuyên luận rằng ông không nói một cái gì về tôn giáo mà trước ông “nhiều con người ưu tú đã nói một cách hoàn hảo hơn, mạnh mẽ hơn, biểu cảm hơn” và “cái mới duy nhất” mà ông đã “bổ sung cho sự phê phán của các bậc tiền bối vĩ đại của mình” là đưa vào đấy một “cơ sở tâm lý học xác định”. Chính cái cơ sở tâm lý học ấy đáng được quan tâm xem xét để thấy được Freud mới mẻ, độc đáo, sâu sắc, nhìn xa thấy rộng đến đâu trong việc nhận thức, đánh giá một hiện tượng vô cùng to lớn, phức tạp và trường cửu trong đời sống loài người như tôn giáo.
ở những khái quát của nó, tâm lý học Freud chính là nhân học của ông - nhân học này trong lịch sử văn minh nhân loại thường được xem như là bước thứ ba “hạ nhục” con người - sau phát hiện của Kopernik và sau học thuyết Darwin. Dưới con mắt quan sát và khảo nghiệm của nhà phân tâm học Freud, con người tuyệt không phải là “hình ảnh và thể tương đồng của Thượng Đế”, như tôn giáo dạy nó, mà chỉ là một vật sống tuy có trí năng đấy, nhưng trong mọi cảm nghĩ và hành vi luôn luôn bị chi phối bởi những thèm muốn bản năng, hay là “những thích muốn nguyên khởi” mù quáng và thấp hèn, mà trong đó bản năng tính dục (hay là dục năng - libido) đóng vai trò chủ đạo. Những bản năng ấy mang tính di truyền, chúng tái sinh cùng với từng con người sinh ra trên mặt đất này và không biến mất ngay trong xã hội văn minh nhất. Trong Tương lai của một ảo tưởng, Freud gọi tên ba thích muốn nguyên khởi của con người tiền sử chưa được khắc phục hoàn toàn trong xã hội hiện đại: thích muốn loạn luân, thích muốn ăn thịt người và thích muốn giết người. Cái tự nhiên của con người, theo Freud, mang tính phản xã hội, phản văn hóa sâu sắc. Mâu thuẫn gần như đối kháng giữa văn hóa với bản tính con người là đặc điểm, truyền cho nhân học và văn hóa học của Freud một kịch tính thường trực. Để có được xã hội loài người, để những con người có thể sống chung được với nhau và hợp tác với nhau chinh phục thiên nhiên, việc đầu tiên phải làm là thiết lập những cấm kỵ đối với những “thích muốn nguyên khởi” ác hại nhất, phản xã hội nhất, ở các cá thể con người. Những cấm kỵ ấy, mà phạm vi ngày một mở rộng, cùng với những giới luật, mệnh lệnh, định chế khác, theo Freud, tạo thành cốt lõi của văn hóa. Văn hóa trong mọi thời đại được thiết lập, duy trì và phát triển bởi một thiểu số ưu tú của loài người và áp đặt bằng những phương tiện cưỡng chế cho cái đa số lười nhác, vô ý thức, quen nuông chiều những thích muốn của mình. Chính tính cưỡng chế ấy của văn hóa, những cấm kỵ và những hạn chế nghiêm ngặt mà nó đặt ra cho những sở thích, ham muốn tự nhiên của con người, cộng với sự bất bình đẳng trong sự phân phối những lợi ích vật chất, cộng với sự thống trị của thiểu số đối với đa số là nguồn gốc thường trực của sự bất mãn với văn hóa ở con người, nhất là con người đại chúng. Sự bất mãn thường xuyên ấy của quần chúng luôn luôn có nguy cơ chuyển hóa thành những hành vi bạo loạn, phá phách, đe dọa sự tồn tại của văn hóa. Vì thế mà nó phải chế tác ra một loạt công cụ vật chất và tinh thần để bảo vệ mình, trong đó một trong những công cụ quan trọng nhất, hữu hiệu nhất là tôn giáo.
Tôn giáo, như Freud phân tích trong chuyên luận mà chúng tôi đương nói đến, không chỉ thần thánh hóa những sức mạnh tự nhiên vô hồn, thiết lập giữa chúng với con người kiểu quan hệ theo khuôn mẫu quan hệ giữa người cha hùng mạnh, đầy quyền năng nhưng cũng giàu lòng thương với đứa con nhỏ yếu ớt, dại dột, luôn luôn cần đến sự giáo dưỡng, che chở của bề trên, mà, điều quan trọng hơn, tôn giáo còn linh thiêng hóa những kỷ cương, luật lệ, tiêu chuẩn đạo đức do chính con người đặt ra, truyền cho chúng tính thiên mệnh chí lương chí thiện, biến chúng thành cái mà từng con người cần tự nguyện tuân thủ, cam chịu những gánh nặng, những hi sinh thiệt thòi trong cuộc đời ngắn ngủi này vì sự đền thưởng bằng cuộc sống vĩnh phúc trong thế giới bên kia. Như vậy, Freud nói, xét về mặt tâm lý, tôn giáo góp phần rất quan trọng làm cho cuộc sống loài người trở nên chịu đựng được, hòa giải con người không chỉ với thiên nhiên mà với cả văn hóa.
Nhưng, thừa nhận tác dụng tích cực của tôn giáo trong sự duy trì nền văn hóa loài người, Freud, giống như nhiều nhà tư tưởng vô thần luận khác, chỉ xem tôn giáo như là một hiện tượng đặc thù của tuổi ấu thơ của nhân loại, cần được khắc phục trong những bước trưởng thành tiếp theo của nó. Hơn thế nữa, không đếm xỉa đến tình cảm tôn giáo vẫn sống trong hàng triệu, hàng tỉ con người đương thời, nhà phân tâm học ở thành Vienne nhận định tôn giáo như là “một bệnh nhiễu tâm ám ảnh chung của loài người; cũng như ở trẻ em, nó phát sinh từ mặc cảm oedipe, từ thái độ đối với người cha”. Có thể hỏi nhà khoa học Freud ông đúng đến đâu về mặt phương pháp luận, khi triển khai sang người cha tưởng tượng ở trên trời (mà bên cạnh không có người mẹ tưởng tượng!) cái quan hệ quyến luyến với người mẹ có thật và thù địch với người cha có thật ở đứa trẻ nhỏ trên trái đất này - cái là cốt lõi của “mặc cảm oedipe”. Nhưng vị tất cần làm việc ấy vì nó là thứ yếu, vì tác phẩm Tương lai của một ảo tưởng mang rất ít nội dung phân tâm học chuyên biệt, một số luận điểm của nó chỉ thỉnh thoảng được tác giả nhắc đến như là những chân lý đã được chứng minh. Trọng tâm của chuyên luận nằm ở chỗ khác - ở sự khẳng định rằng thế giới quan và nhân sinh quan tôn giáo, trong vòng bao nhiêu thế kỷ chiếm lĩnh tâm thức loài người, phải được và sẽ được thay thế bằng thế giới quan và nhân sinh quan khoa học. Cũng như nhiều nhà khoa học trước, cùng thời và sau ông, Freud phản đối, cự tuyệt tôn giáo vì nó mâu thuẫn với khoa học, vì toàn bộ nó, như ông quan niệm, là một “ảo tưởng”, ảo tưởng ấy tuy gắn bó mật thiết với những ước vọng to lớn nhất, mãnh liệt nhất của con người, nhưng không đứng vững được trước sự phê phán của trí tuệ và tất yếu phải nhường chỗ trong tâm hồn con người cho tri thức khoa học tỉnh táo, xây dựng trên lý trí và khảo nghiệm. Sống trong thời đại, khi mà sự phát triển vũ bão của khoa học kỹ thuật đã làm gia tăng rất lớn sức mạnh của con người, thay đổi hẳn bộ mặt của trái đất, Freud xem ra không nuôi dưỡng những kỳ vọng vô biên về khả năng của khoa học. Gọi Logos (trí tuệ) - nguồn lực chính của khoa học - là Thượng Đế mới của loài người, ông viết: “Vị Thượng Đế của chúng ta, có thể, không toàn năng lắm và ngài chỉ có thể thực hiện được một phần nhỏ của cái mà những tiền nhiệm của ngài đã hứa hẹn”. Từ bỏ những “ảo tưởng an ủi” của tôn giáo, con người phải chấp nhận một cách phục tùng “những tất yếu vĩ đại của số phận” - trước hết là cái chết không có sự phục sinh hay không có sự sống tiếp theo trong thế giới bên kia. Noi theo Kant, Freud trách cứ tôn giáo truyền bá một thứ đạo đức vị lợi, trông chờ vào sự đền thưởng cho từng cá nhân nơi thiên giới. Quả cảm và tự tôn “nhường trời cho các thiên thần và lũ chim sẻ”, Freud nói mượn lời Heine, con người từ nay trở đi sẽ chỉ trông cậy vào sức lực của mình, sẽ tập trung tất cả những sức lực được giải phóng ấy vào việc cải thiện cuộc sống trần gian, làm cho nó trở nên chịu đựng được đối với mọi người, làm cho văn hóa không còn đè nén một ai nữa. Đó chính là nội dung của cái “cương lĩnh tối thiểu” mà Freud - nhà tư tưởng kiến nghị với loài người, và ông đinh ninh vào tính hiện thực của nó. Nhưng điều kiện tiên quyết cho sự thực hiện cương lĩnh ấy, Freud nhắc đi nhắc lại, là sự từ bỏ tôn giáo với những quan niệm phản khoa học và những hứa hẹn hão huyền của nó. Như một bước đầu thiết yếu và mở ra nhiều triển vọng, Freud đề nghị tách tôn giáo khỏi nhà trường, thực hiện một nền giáo dục phi tôn giáo triệt để. Những bước đồng bộ tiếp theo, dựa vào những thành tựu ngày càng to lớn và có sức chinh phục nhân tâm của khoa học, sẽ làm cho niềm tin tôn giáo không ngừng xói mòn và cuối cùng biến mất hẳn khỏi đời sống loài người. Trở lại với sự so sánh tôn giáo với bệnh nhiễu tâm ấu thời, nhà phân tâm học áo bày tỏ niềm tin tưởng lạc quan rằng trong tương lai không xa lắm “nhân loại sẽ vượt qua giai đoạn nhiễu tâm ấy, tương tự như những đứa trẻ vượt qua chứng nhiễu tâm của mình”.
                                                                                                                    *
                                                                                                              *           *
Từ ngày Freud công bố chuyên luận của mình, hơn bảy thập niên đã trôi qua - một quãng thời gian đủ để kiểm nghiệm những luận điểm và những tiên báo của ông về quan hệ giữa văn hóa, tôn giáo và khoa học. Đánh giá khách quan những luận điểm ấy, trước tiên cần phải thừa nhận ở chúng một tính tiêu biểu lớn: đa số các nhà khoa học, đặc biệt khoa học tự nhiên, trong thế giới ngày nay vẫn giữ lập trường phủ định đối với tôn giáo, tương tự như Freud. Cuộc đối đầu, hay là “chiến tranh” giữa khoa học và tôn giáo, bắt đầu từ thời Phục Hưng, vẫn đương tiếp tục và chưa có dấu hiệu kết thúc, nhưng đã đem lại cho khoa học rất nhiều thắng lợi quan trọng. ở mọi quốc gia hiện đại, nơi chế độ nhà nước thế tục được thiết lập thay thế nhà nước thần quyền, khoa học đã chiếm giữ vững chắc vai trò chủ đạo trong nền giáo dục quốc dân, hoặc đẩy hoàn toàn tôn giáo ra khỏi lĩnh vực này, hoặc chỉ dành cho nó vị trí ngoại khóa, thứ yếu. Tôn giáo, tín ngưỡng trở thành việc riêng, thành đối tượng lựa chọn tự do của từng cá nhân con người, mà nhà nước, xã hội không can thiệp vào. Nhưng mất đi vị trí thống trị và tính áp đặt xưa kia, tôn giáo trong xã hội hiện đại thu nhận được kiểu tồn tại mới, mà, trái với mong đợi của Freud, khoa học không có khả năng tiêu diệt. Cái này được quy định bởi nhiều nguyên do, trong đó có bởi ngay bản chất của tri thức khoa học. Như chính triết học khoa học thời nay chỉ ra, bản thân khoa học, trong mọi lĩnh vực, có giới hạn của mình, nó không thể giải đáp được tất cả các thắc mắc mà trí ham hiểu biết của con người đặt ra. Với tất cả những thành tích kỳ vĩ trong việc giải thích thế giới, xã hội và con người, khoa học không trả lời được câu hỏi cuối cùng: “Vì sao tất cả lại như thế?” Chẳng hạn vì sao - như vật lý học hiện đại cho biết - vũ trụ vật chất của chúng ta, với những thuộc tính và quy luật xác định được, lại bắt đầu hình thành khoảng 15 tỷ năm trước đây từ một “vụ nổ lớn” (big bang), hiện vẫn đang ở trong giai đoạn dãn nở mà rất có thể sẽ được thay thế bằng giai đoạn co rút? Có sức mạnh phi vật chất nào không điều khiển sự dãn nở và co rút ấy? Những câu hỏi như thế, mà chúng nhiều vô kể, về nguyên nhân cuối cùng của các sự vật vẫn được để ngỏ và có lẽ mãi mãi sẽ để ngỏ, tạo lĩnh vực tồn tại cho những học thuyết siêu hình và tín ngưỡng tôn giáo, chúng cũng xứng đáng được xem xét với thái độ tôn trọng như là những sản phẩm hữu cơ của văn hóa loài người. Các nhà thần học hiện đại không hề nao núng niềm tin trước những phát hiện mới của khoa học, chúng có thể mâu thuẫn với nghĩa chữ của các sách thánh cần được kiến giải lại, nhưng không thể làm lung lay nhận thức đinh ninh ở những người tin đạo là “có luật tức là có người lập luật” (lời của Giáo hoàng Jean - Paul II).
Có một vấn đề quan trọng nữa đã không được Freud để ý đúng mức trong chuyên luận của mình. Mỉa mai những “ước vọng ấu trĩ” của con người về sự đền thưởng cho những đau khổ, hi sinh trong cuộc sống hiện tại bằng hạnh phúc vĩnh hằng trong cuộc sống tương lai, nhà tâm lý học Freud để lọt khỏi con mắt của mình một thực tế nhân bản to lớn là chính sự tồn tại cái cuộc sống tương lai chân phúc và bất tử ấy trong các nền tôn giáo đem lại cho các tín hữu niềm tin tưởng vào ý nghĩa của cuộc sống hiện nay của họ. Nếu những con người bình thường nhất cũng tìm kiếm ý nghĩa không thể thiếu được cho sự tồn tại của mình, thì các nhà khoa học chân chính lại càng không thể không tìm kiếm ý nghĩa cho sự tồn tại và tiến hóa của vũ trụ và cho vị trí của con người ở đấy - đó là một đòi hỏi bức thiết, một mệnh lệnh của trí tuệ - cái Trí Tuệ (Logos) mà Freud đề cao đến sùng bái. Và không ít nhà khoa học lớn, khác với Freud, đi đến nhận thức rằng cái ý nghĩa của vạn vật ấy đồng nhất với ý tưởng chung của các tôn giáo về một Sinh Linh tối thượng, chí thiện và chí minh, sáng tạo ra thế giới và hoạt động ở trong đó. Albert Einstein viết: “Trong thế kỷ của chúng ta chỉ những người tin đạo sâu sắc mới có thể là những nhà khoa học nghiêm túc... Tôi không thể tìm được một từ ngữ nào tốt hơn từ “tôn giáo” để chỉ niềm tin vào bản chất hữu trí của thực tại”. Werner Heisenberg, tác giả chính của cơ học lượng tử, nói: “Tôn giáo không chỉ là nền móng của đạo đức, nó trước hết là cơ sở của sự tin cậy. Xuất hiện sự tin cậy vào thế giới, niềm tin vào ý nghĩa của sự tồn hữu của chúng ta trong đó”. Andrei Sakharov, nhà vật lý Nga lỗi lạc, thú nhận trong Hồi ký của mình: “Tôi không tin vào một giáo điều nào cả, tôi không ưa những giáo hội chính thống, đặc biệt những giáo hội liên kết chặt chẽ với nhà nước hoặc có đặc điểm chủ yếu là tính nghi lễ, hay lòng cuồng tín và bất khoan dung. Nhưng đồng thời tôi không thể hình dung được Vũ Trụ và cuộc sống con người mà lại không có một bản nguyên truyền ý nghĩa cho chúng, không có một nguồn “nhiệt” tinh thần, nằm bên ngoài vật chất và những quy luật của nó. Có lẽ có thể gọi cảm giác ấy là tình cảm tôn giáo”.
Như vậy, trong ý thức của những nhà khoa học lớn ấy, không có sự đối kháng không thể khắc phục giữa khoa học và tôn giáo. Nhiều nhà khoa học hiện đại, tuy họ chưa chiếm đa số, cũng suy nghĩ như thế. Trong tình hình hiện nay, khi sự phát triển với tốc độ chóng mặt trước đây của nhiều ngành khoa học cơ bản đương chững lại trước những bí mật của tự nhiên xem ra không thể giải tỏa, trong khi ấy thì tôn giáo, đặc biệt đạo Kitô, đã thực hiện nhiều cách tân, từ bỏ nhiều quan niệm sai lầm thâm căn cố đế, cuộc đối đầu giữa tôn giáo và khoa học đang bộc lộ xu hướng chuyển hóa thành đối thoại. Xuất hiện và ngày càng tìm được nhiều người ủng hộ một nhận thức mới về khoa học và tôn giáo như là hai cánh thiết yếu của một nền văn hóa chung của nhân loại - điều hoàn toàn trái ngược với quan điểm của Freud.
Thái độ phủ định tôn giáo của Freud, như nó được thể hiện trong chuyên luận Tương lai của một ảo tưởng mang rõ sắc thái duy lý chủ nghĩa và thực chứng chủ nghĩa. Trong các nguồn tri thức của con người, Freud chỉ tín nhiệm và chỉ đề cao lý trí / lý tính và không tin cậy trực giác cùng với các hình thức nhận thức phi lý tính khác. “Không có cấp nào cao hơn lý trí”, “chỉ là ảo tưởng rằng có thể chờ đợi một cái gì đó ở trực giác và ở sự tự đào sâu”. Nhưng chính lịch sử khoa học đã minh chứng, trực giác đóng vai trò quan trọng thế nào trong những phát hiện, khám phá lớn nhất của khoa học. Sự phân tích triết học hoạt động khoa học cũng cho thấy trực giác gia nhập như một thành tố không thể thiếu vào ngay tư duy lôgic của các nhà khoa học thực thụ, trong đó có Freud (phương pháp “liên tưởng tự do” trong phân tâm học của ông chủ yếu dựa vào trực giác!). Và ở đâu lý trí hữu hạn của con người không thâm nhập vào được, ở đấy trực giác cùng với những phương pháp minh triết cổ truyền như trầm tư, nhập định, quán tưởng (cái mà Freud gọi là “sự tự đào sâu”) có thể đem lại những thông tin quý giá được khoa học ghi nhận. Nhà triết học và tâm lý học Mỹ William James (1842-1910), một đồng nghiệp đi trước Freud, đã viết về đề tài này một cuốn sách lớn cho đến nay vẫn không mất giá trị - Sự đa dạng của kinh nghiệm tôn giáo. Nhưng đối với Freud, khối kinh nghiệm to lớn ấy không tồn tại, bởi một lẽ đơn thuần là nó chỉ có ở một số người, chứ không phải ở tất cả mọi người! Cũng với tinh thần thực chứng chủ nghĩa ấy Freud xem xét vấn đề niềm tin tôn giáo. Ông đòi hỏi ở các đối tượng tôn giáo một tính “kiểm chứng được”, hệt như ai ai cũng có thể kiểm chứng được thông báo địa lý học: “thành phố Konstanz nằm bên hồ Boden”. Nhưng nếu chỉ những gì kiểm chứng được mới là cái đáng tin, thì còn đâu sự khác biệt giữa cái biết và cái tin, và hiện tượng niềm tin (không chỉ niềm tin tôn giáo, mà mọi niềm tin) khi ấy sẽ biến sạch khỏi đời sống loài người. Cái đó sẽ chẳng là một sự nghèo nàn hóa, nông cạn hóa đời sống con người đến mức không thể tưởng tượng - điều mà Freud chắc chắn không mong muốn?
                                                                                                    *
                                                                                             *           *
Như đã nói, ảnh hưởng của học thuyết Freud đến đời sống tinh thần của nhân loại trong thế kỷ vừa qua không đo hết được, thế nhưng ngay trong thời kỳ thịnh trị nhất, nó vẫn luôn luôn vấp phải sự phê phán nghiêm khắc từ nhiều phía. Hiện nay, nó đương bị tấn công mãnh liệt ở những luận điểm cơ bản của mình bởi tâm lý học nhận thức năng (psychologie cognitive); nền tâm lý học này khám phá ra ở con người cái bản năng nhận thức chi phối cảm nghĩ và hành xử của nó còn mãnh liệt hơn, sâu sắc hơn cái vô thức dục năng của Freud. Song dù số phận của học thuyết Freud có sẽ là thế nào đi nữa, thật khó phủ nhận cống hiến lớn lao của nó cho tiến trình tự nhận thức của loài người. Bằng những khảo nghiệm khoa học, Freud và các cộng sự của ông đã cho thấy cái ác, cái ích kỷ mù quáng, cái phá hoại nằm sâu đến đâu trong bản thể con người, là một đe dọa lớn thế nào cho văn hóa, văn minh loài người, và kinh nghiệm lịch sử đắng cay của thế kỷ XX đã chứng nhận sự anh minh quả cảm của ông. Không phải ngẫu nhiên mà tất cả các chính thể phát xít và toàn trị tồn tại trên bạo lực và mê hoặc quần chúng đều thù ghét và bài trừ phân tâm học của Freud. Song, thừa nhận tất cả những công lao to lớn của Freud, vẫn không thể nhắm mắt trước những khiếm khuyết, phiến diện trong học thuyết của ông về con người và xã hội. Hình như chính Freud - nhà tư tưởng đã bị ám ảnh nặng bởi những phát hiện nhân học tiêu cực của Freud - nhà khoa học, cho nên đã tuyệt đối hóa chúng trong những công trình văn hóa học của mình. Văn hóa, như Freud mô tả nó, mang tính thuần túy cưỡng chế và thuần túy tất yếu, ở đấy không có chỗ cho niềm vui sáng tạo tự do, trong đó có hoạt động tự do của cái thiện. ở cuối chuyên luận của mình, bàn về xã hội mà ông mong ước, nơi trí tuệ sẽ được dành ưu tiên tuyệt đối, Freud nói rằng xã hội ấy cũng sẽ xem “tình yêu con người” là một trong những mục tiêu chính của mình, nhưng trong văn cảnh của chuyên luận, cái “tình yêu” ấy lơ lửng không có chỗ dựa. Để yêu con người, để đối xử với nó một cách có tình, chứ không chỉ có lý, cần nhìn thấy trong thực thể của nó không chỉ cái ác, mà cả cái thiện hay ít nhất khả năng của cái thiện. Cái thiên lương, lương năng ấy ở con người đã không được Freud đánh giá đúng mực - ngay cả ở những lý tưởng cao cả nhất của loài người ông cũng nhìn thấy căn rễ ái kỷ chủ nghĩa (narcissisme). Về phương diện này ông khác với C.G.Jung (1875-1961), người học trò lỗi lạc nhất đã ly khai ông thầy của mình vì những bất đồng mang tính nhân sinh quan sâu sắc. Jung cũng viết nhiều công trình về tâm lý học tôn giáo, nhưng tôn giáo theo ông không phải là một chứng nhiễu tâm ấu thời của loài người, như Freud quan niệm, mà là một “chức năng tâm lý tất yếu” của đời sống con người; “cái thiêng”, “cái thánh thần” không phải là “ảo tưởng” nhất thời,mà là một “ý niệm cổ mẫu” (archétype) tồn tại trong tâm linh loài người và được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự trải nghiệm cái thiêng, cái thánh thần vừa làm cho con người cảm nhận được sâu sắc nhất sự bé nhỏ và bất lực của mình, vừa truyền cho nó cảm giác dự phần vào một cái gì đó vĩ đại, vĩnh hằng, có sự tồn tại viên mãn. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, với những bài học đớn đau mà nó đem lại cho từng con người biết suy nghĩ, từng ngã thể, Jung viết mấy công trình nghiên cứu liền về cái “Tự Ngã” (das Sebst, the Self) - một thực thể tâm linh, một cổ mẫu đối lập với cái “tôi” khuyết tổn, bất toàn của con người nghiệm chứng, nhưng không đe dọa xóa bỏ nó, mà có thể thu nạp nó vào thành phần của mình như cái cao hơn thu nhận vào mình và cải hóa bên trong mình cái thấp hơn. Cái Tự Ngã, với những biểu tượng khác nhau trong những nền văn hóa và thời đại khác nhau: Đạo, Atman, Chúa Hài Đồng, Đá Minh Triết... kết hợp trong mình những ý niệm muôn đời của loài người về sự hài hòa vũ trụ, về cái bất tận, bất diệt, thánh thiện và hoàn hảo. Nhiệm vụ và mục đích chân chính của mỗi ngã thể là bằng mọi nỗ lực có định hướng lớn lên từng bước tới Tự Ngã.                        
Như vậy, trong những học thuyết tâm lý học khác nhau mở về phía triết học có thể có những quan niệm rất khác nhau về vai trò, ý nghĩa của tôn giáo và vị trí của nó trong văn hóa quá khứ, hiện tại và tương lai của nhân loại. Chuyên luận hàm súc của Freud về vấn đề này cung cấp cho người đọc nhiều dưỡng chất tinh thần, kích thích những suy ngẫm, kiểm nghiệm về thế giới và con người.

1 nhận xét: