Chân dung Nguyễn Du (Kỳ 10)
- Nhóm tác giả(*)
Tiếng khóc Tố Như
[Phạm Thếng]
Năm Minh Mệnh nguyên niên tuế thứ Canh Thìn, tháng 8 ngày mồng 10, tại kinh thành Huế, tắt nghỉ nhà thơ mà sự nghiệp còn lưu lại hậu thế mãi mãi, như một gia bảo làm say sưa và hãnh diện con cháu, nhưng đôi khi cũng như một ám ảnh đè nặng lên tâm tư nhiều người.
Tương truyền khi lâm chung, Nguyễn Du có khẩu chiếm hai câu thơ:
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Chúng ta mạn phép nghĩ rằng ví thử linh hồn người còn phảng phất ở cõi cửu u, chắc cũng đã nhiều phen được hả hê đối bao nhiêu hương sùng bái của quốc dân bấy nay.
Vinh dự cuối cùng [1] vừa dâng cho người có lẽ là "Một tháng diễn thuyết về truyện Kiều" của Trường Cao đẳng Sư phạm. Thật là vĩ đại! Chẳng rõ các quý cụ có phát minh được điều gì mới lạ gớm ghiếc không?
Còn gì nữa? Ba ngàn câu thơ, một thế kỷ rưỡi, cày đi xới lại, ngâm, vịnh, lẩy, tập, thêu thùy lý thuyết, thưởng thức tán dương. Kẻ chê bai cũng có nhưng càng chê càng nâng cao tác phẩm bởi vì đã có kẻ chê tất nhiên phải có kẻ đứng ra bênh vực, tìm ra nhiều khía cạnh khác để tán dương thêm lên.
Từ những lời như hoa như gấm của các nhà Nho đến những lời lẽ như dao như kéo của lớp tân học. Từ những bài bình luận thí sinh non nớt vụng dại đến những thiên khảo cứu giáo sư uyên bác tinh vi. Thưởng thức một mình chán lại đem ra công cộng diễn thuyết, tung lên mặt báo tranh luận. Ôi những cuộc tranh luận về truyện Kiều từ khi văn đàn của nước ta có báo chí! Còn đề tài nào phong phú bằng, hào hứng bằng, lúc nào cũng có thể khơi ra, nhân một chi tiết nhỏ nhặt nhất, một câu, một chữ, một chủ từ, một dấu phẩy. Và lúc nào cũng thấy những cây bút đầy thiện chí sẵn sàng xông vào.
Người ta còn nhớ, nóng hổi, cuộc đấu bút nẩy lửa bốn năm trước đây ở Hà Nội, nhân phần tư một câu Kiều, giữa một nhóm học giả uyên bác hạch sách nhau nào không biết tra tự điển, nào không biết cưỡi ngựa. Bấy nhiêu om sòm để lại chẳng làm mỉm cười người nơi chín suối ư?
Xưa thì, nói theo kiểu Trần Trọng Kim, từ kẻ ngu phu ngu phụ đến bậc hiền nhân quân tử, nay từ cậu học trò nho nhoe dọn cái bằng trung học đến những ông lớn thông thái ngồi ở bộ, không ai là không biết ba chữ Kim Vân Kiều. Từ một câu chuyện "chắp nhặt dông dài" làm lúc trà dư tửu hậu, để cho thiên hạ mua vui những trống canh thừa, mà nay công nhiên vào cửa lớn, ngồi chủ vị, chiếm một phần ba chương trình, thành kính giáo huấn cho cả một giai cấp văn bằng. Chẳng là một vinh dự quá ý ước muốn của tác giả ư?
Vinh dự ấy lại vượt cả bây giờ, toả ra quốc tế. Những ông Tây thực dân sang khai hoá xứ này trước kia đều biết danh một nàng Kiều sắc nước hương trời. René Craysac uốn tóc mặc "jupe" cho nàng, định dắt nàng về Tây làm gia bảo. Chẳng đợi người ta tìm đến, các học giả Annam sành chữ Pháp đã vinh hạnh làm cái công việc rước nàng ra giới thiệu với khách Lăngsa. Lại mới đây, gần kề đây, Vương Thuý Kiều lại được cái hân hạnh vô song được một ông tổng trưởng kim sinh viên, ministre étudiant (danh từ của Cung Giũ Nguyên trong La Conscience matheureuse chez Nguyễn Du) là ngài Trần Cửu Chấn gợi lại bóng dáng diễm huyền (nói theo kiểu tuồng Kim Chung) trước toà khảo quan đạo mạo trong Viện Sorbonne. Vẻ vang thay! Giờ đây chắc chắn phải đến lượt bọn tân học hậu tiến giới thiệu với những ông bạn người Mỹ. Nên lắm thay!
Tóm lại thì thi phẩm bất hủ của Nguyễn Du đã nghiễm nhiên trở thành một trong những danh tác đã, theo lời của một nhà văn Pháp, Jean Cocteau: "Vượt qua ngục thanh tẩy (purgatoire) và bay lên trời đứng im, bất động, cho đời đời chiêm ngưỡng".
Tôi thường khi những đêm mưa gió, pha trà Thiết quan âm đốt hương Ngọc long diên, ngồi đọc Kiều. Tư tưởng con người như thế, gặp cảnh ngộ như thế, rồi qua tiếng tơ đồng thầm lặng, cầu bóng dáng lạc trong thiên cổ, thì thấy mảnh hồn thơm như quanh quất đâu đây trên nóc, bên thềm mơ màng đồng vọng. Nhưng mà thảng thốt "Chiêm chi tại tiền, hốt yên tại hậu". Giật mình, lại chỉ thấy giấy trắng mực đen, sờ phải những câu thơ rời rạc lổng chổng như những bộ xương. Mình mình trường dạ, nào hồn Tố Như?
Tố Như tử có được người ta khóc không?
Truyện Kiều có được người ta hiểu không?
Đó là những câu hỏi mà tôi thường tự hỏi mỗi khi xảy ra những vụ tranh luận hoặc viết lách tiếng tăm về truyện Kiều. Nhất là những cuộc bút chiến, chi li tế toái cùng nghĩa tận lý, tuy nhiên kết cục bao giờ cũng treo lửng vì không ai chịu ai, ai cũng có lẽ của người ấy. Tôi bèn lẩn thẩn nghĩ rằng giá ta có thể làm thế nào, dùng thuật đồng thiếp chi chi, mà làm cho tác giả hiện về mươi phút lên tiếng trọng tài thì khoẻ biết mấy cho tụi chúng ta.
Tôi lại lan man nghĩ rằng chúng ta nên cẩn thận ngay từ giờ, nhắn nhủ các thi bá, văn hào nào sắp đi vào vĩnh cửu hãy ngồi lại chịu khó chú thích kỹ càng văn thơ các ông để cho sau này hậu thế khỏi nhọc công cãi nhau khám phá ý văn cùng nỗi lòng các ông. Nên bắt chước thi sĩ Tản Đà. Người in thơ mình ra lại kèm cả lời giải, lời bình: "Hay ở chỗ đó, hay là như thế. Đến thế là tuyệt, tuyệt đó!" Tuy nhiên lại có điều phiền là những chỗ những bài thi sĩ cho là hay là tuyệt đó, vị tất độc giả ngày nay đã đồng tình. Sự tuyển lựa của người ngày nay sự thật đã hướng về những khía cạnh chắc chắn thi sĩ không ngờ tới.
Cho nên rút bài học gần kề ấy, tội "lại bèn nghĩ lại" rằng ví thử tác giả truyện Kiều có tái sinh mà lên tiếng trong cũng cuộc tranh luận, vị tất đã được người ta nghe theo. Một việc hình thức cỏn con đủ hiểu, là việc trước đây mấy cụ sửa văn Kiều: "Thế này mới đúng mới hay, thế ấy là nghĩa lý quái gì!". Mỗi cụ lại đều có cái hay cái đúng của mình. Cho nên có thể chắc chắn ta ví thử Nguyễn Du có trở về mà lên tiếng, cũng chẳng dồn được vào im lặng những cây viết chủ quan và háo thắng. Người trước mắt còn khó thông cảm nói chi kẻ xa xôi nằm trong thiên cổ. Một câu một chữ còn như vậy, nói chi lý thuyết sâu xa.
Cho nên ngẫm nghĩ tôi lại càng thêm hoài nghi mà tự hỏi: Truyện Kiều có được người ta hiểu không? Tố Như có được người ta khóc không? Trong hơn một thế kỷ nay từ khi tác phẩm ra đời, nào những ai đã cảm truyện Kiều? Mà trước sau bởi những duyên cớ ra sao?
Cuối triều Nguyễn, các nhà Nho có nói đến Kiều khi thì để ngông nghênh một "lão Viên già", khi thì để xỏ xiên một "con đĩ Đạm", khi thì để đổ tất cả tội lỗi lên đầu "hoá công". Chỉ là gửi gắm bóng gió, mượn trống để động phách. Sang thế kỷ này phong trào các ông Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim xướng ra, đề cao Kiều, chú giải Kiều, diễn thuyết Kiều tất nhiên nhằm một chủ ý. Các ông Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng đả kích Kiều cũng vì một ẩn ý riêng. Nguyễn Bách Khoa đả kích tất cả, lại nhằm một chủ ý rõ rệt hơn cả. Cho đến chúng ta ngày nay, bọn học trò nhai Kiều để đi thi, các ông thầy đồ mài Kiều làm kế sinh nhai, mấy ông tiến sĩ vác Kiều đi lòe thiên hạ đặng kiếm mảnh bằng về lòe bà con (để rồi lại vất Kiều vào xó tủ cho bụi phủ nhện chăng). Từng thời đại, từng đoàn thể, từng cá nhân xông vào Kiều, khác chi một phường bấu xấu, khi để kiếm lợi, khi thì cầu danh. Nào ai đã thực bụng yêu Kiều? Nào ai đã khóc Tố Như?
Của đáng tội, cũng có đôi khi chẳng vì lợi mà còn vì tình. Nhưng đây nữa, dù vì tình chăng nữa, thì cũng chỉ là vì mình, vẫn vì một ý chủ quan. Người ta phóng đại một nét son người ta ưa, nhấn mạnh vào một nốt nhạc người ta thích, có khi tưởng tượng hẳn ra một hương thơm người ta yêu. Chung quy chỉ là – mượn chữ họ Chu – "bán không chi tưởng" cả. Giằng đi kéo lại, vo tròn bóp méo, nào ai đã biết Truyện Kiều là cái chi chi?
Điều đó đáng trách, đáng la không? Không. Bởi vì chẳng qua là cái định luật cái số phận chung của các danh tác văn chương.
Kléber Haedens nói rằng những danh tác văn chương chẳng phải như lời Jean Cocteau, một khi bay lên trời là đứng im bất động. Trái lại, "chúng gặp gỡ nhau, cải dạng do ảnh hưởng thời gian trôi qua và cũng tùy thời gian trả lời vào những câu hỏi khác nhau, đưa ra những lời nhắn bảo nhau".
Có thể nói những danh tác giống như những tấm gương sáng treo cao, hậu thế ngẩng lên nhìn vào và càng sùng bái nồng nhiệt khi thấy hình ảnh mình trong đó hùng tráng hoặc bi đát, đáng trọng hay đáng thương. Còn như đàng sau tấm kiếng có gì, ai lo biết đến? Ai cần biết đến? Mà đã dễ biết được sao?
Ai đã bảo quyển sách cũng như cái quán trọ Y Pha Nho, độc giả thấy ở đấy cái gì mình đem đến. Có thể nói nó như tình trường, người ta nhìn ra cái gì người ta ưa. Anh chàng si tình quỳ dưới chân người yêu ngước đôi mắt say sưa lên, khám phá ra nào suối tóc, nào giếng mắt, nào trời trán, nào biển miệng, nào núi mũi. Nhưng mà tất cả những thức ấy, mỹ nhân đã có từ khi lọt lòng mẹ, mỹ nhân vẫn ăn vẫn ngủ, mỹ nhân nào biết gì đâu? (Ví thử mỹ nhân có một linh hồn mà tình lang muốn tìm vào dễ đã được đâu?) Chung quy toàn là những cái "tưởng thấy" bên ngoài cả.
Nhưng mà thôi đi "triết gia!". Đừng làm cho chúng tôi mất thú vui. Cái gì ở đời này chẳng là "tưởng thấy", tán tụng, hoan hô, ái tình và sự nghiệp, tất cả mật thiết, văn chương. Nhưng mà là những cái tưởng thấy cần thiết. Nó tô điểm cho cuộc đời. Nó là lẽ sống.
Thế thì bữa nay, bước vào năm thứ 138, sau ngày thi hào tạ thế, chúng ta đốt nén hương lòng, dâng niềm kính nhớ, chúng ta còn có thể tưởng thấy những gì đây?
Trước hết mường tưởng bóng dáng một con người vô cùng cao nhã và lịch lãm "gặp phải thời ấy, bước vào cảnh ấy, ngổn ngang những biến cố trước mặt, chồng chất những khối lối trong lòng mới phải mượn bút mực để chép ra" (Lời tựa của Thập thanh thị).
Con người ấy chắc phải đau khổ lắm mới lấy hai chữ "Đoạn Trường" mà đặt tên cho thi phẩm thân yêu như thế. Con người ấy chắc phải tha thiết với nhân sinh lắm mới khi đã sắp trả hình hài cho cát bụi, mà còn thốt ra những lời thơ đầy nước mắt nhân thế như vậy.
Và ngày nay cách nhau thiên cổ, đọc lại câu chuyện kiếm gãy hoa rơi ấy còn có thể thấy gì đặng cảm động chúng ta?
Đất nước chúng ta cũng vừa trải qua hơn 10 năm ly loạn. Biết bao nhiêu nàng Kiều sẩy chân lìa nhà, lạc vào vòng giáo dựng gươm trần, kề lưng hùm sói, ê chề phấn son. Bây giờ thanh bình trở lại, nếu may mắn thoát hàm rồng cá, chẳng hay trên giải đất tự do này đã tìm được những chàng Kim đủ hào hiệp để băng bó vết thương lòng chưa?
Có thể nói cả dân tộc Việt Nam ta, trong giai đoạn vừa qua, cũng là một nàng Kiều mà Việt Cộng chính là tên Mã Giám Sinh mày râu nhẵn nhụi đã một sớm lợi dụng cơn gia biến sấn tới lôi đi.
Rồi thì:
Thoắt buôn về, thoắt bán đi
Nơi thì lừa đảo nơi thì xót thương!
Cho đến ngày nay ác mộng đoạn trường xem đã liễu. Dưới ánh sáng miền Nam, phải chăng hết cơn bĩ cực đã đến tuần thái lai?
Nhưng mà nghĩ lại thì:
Bấy chầy gió táp mưa sa
trăng đã khuyết, huê đã tàn, quả mai đã qua kỳ ba bảy. Cho nên gốc hòe chồi quế, mở mắt với đời về sau, ấy là trông mong tất cả vào "con em nó" ở miền Nam này đó!
...................................................
(*):Vũ Hoàng Chương – Nguyễn Sỹ Tế – Nguyễn Văn Trung – Trần Bích Lan – Đinh Hùng – Doãn Quốc Sỹ – Việt Tử – Trần Thanh Hiệp – Phạm Thếng – Thanh Tâm Tuyền – Vũ Khắc Khoan – Nguyễn Thị Sâm
.................................
[1]Bài này tác giả viết năm 1957, nhân ngày kỷ niệm Nguyễn Du
[Phạm Thếng]
Năm Minh Mệnh nguyên niên tuế thứ Canh Thìn, tháng 8 ngày mồng 10, tại kinh thành Huế, tắt nghỉ nhà thơ mà sự nghiệp còn lưu lại hậu thế mãi mãi, như một gia bảo làm say sưa và hãnh diện con cháu, nhưng đôi khi cũng như một ám ảnh đè nặng lên tâm tư nhiều người.
Tương truyền khi lâm chung, Nguyễn Du có khẩu chiếm hai câu thơ:
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Chúng ta mạn phép nghĩ rằng ví thử linh hồn người còn phảng phất ở cõi cửu u, chắc cũng đã nhiều phen được hả hê đối bao nhiêu hương sùng bái của quốc dân bấy nay.
*
Vinh dự cuối cùng [1] vừa dâng cho người có lẽ là "Một tháng diễn thuyết về truyện Kiều" của Trường Cao đẳng Sư phạm. Thật là vĩ đại! Chẳng rõ các quý cụ có phát minh được điều gì mới lạ gớm ghiếc không?
Còn gì nữa? Ba ngàn câu thơ, một thế kỷ rưỡi, cày đi xới lại, ngâm, vịnh, lẩy, tập, thêu thùy lý thuyết, thưởng thức tán dương. Kẻ chê bai cũng có nhưng càng chê càng nâng cao tác phẩm bởi vì đã có kẻ chê tất nhiên phải có kẻ đứng ra bênh vực, tìm ra nhiều khía cạnh khác để tán dương thêm lên.
Từ những lời như hoa như gấm của các nhà Nho đến những lời lẽ như dao như kéo của lớp tân học. Từ những bài bình luận thí sinh non nớt vụng dại đến những thiên khảo cứu giáo sư uyên bác tinh vi. Thưởng thức một mình chán lại đem ra công cộng diễn thuyết, tung lên mặt báo tranh luận. Ôi những cuộc tranh luận về truyện Kiều từ khi văn đàn của nước ta có báo chí! Còn đề tài nào phong phú bằng, hào hứng bằng, lúc nào cũng có thể khơi ra, nhân một chi tiết nhỏ nhặt nhất, một câu, một chữ, một chủ từ, một dấu phẩy. Và lúc nào cũng thấy những cây bút đầy thiện chí sẵn sàng xông vào.
Người ta còn nhớ, nóng hổi, cuộc đấu bút nẩy lửa bốn năm trước đây ở Hà Nội, nhân phần tư một câu Kiều, giữa một nhóm học giả uyên bác hạch sách nhau nào không biết tra tự điển, nào không biết cưỡi ngựa. Bấy nhiêu om sòm để lại chẳng làm mỉm cười người nơi chín suối ư?
Xưa thì, nói theo kiểu Trần Trọng Kim, từ kẻ ngu phu ngu phụ đến bậc hiền nhân quân tử, nay từ cậu học trò nho nhoe dọn cái bằng trung học đến những ông lớn thông thái ngồi ở bộ, không ai là không biết ba chữ Kim Vân Kiều. Từ một câu chuyện "chắp nhặt dông dài" làm lúc trà dư tửu hậu, để cho thiên hạ mua vui những trống canh thừa, mà nay công nhiên vào cửa lớn, ngồi chủ vị, chiếm một phần ba chương trình, thành kính giáo huấn cho cả một giai cấp văn bằng. Chẳng là một vinh dự quá ý ước muốn của tác giả ư?
Vinh dự ấy lại vượt cả bây giờ, toả ra quốc tế. Những ông Tây thực dân sang khai hoá xứ này trước kia đều biết danh một nàng Kiều sắc nước hương trời. René Craysac uốn tóc mặc "jupe" cho nàng, định dắt nàng về Tây làm gia bảo. Chẳng đợi người ta tìm đến, các học giả Annam sành chữ Pháp đã vinh hạnh làm cái công việc rước nàng ra giới thiệu với khách Lăngsa. Lại mới đây, gần kề đây, Vương Thuý Kiều lại được cái hân hạnh vô song được một ông tổng trưởng kim sinh viên, ministre étudiant (danh từ của Cung Giũ Nguyên trong La Conscience matheureuse chez Nguyễn Du) là ngài Trần Cửu Chấn gợi lại bóng dáng diễm huyền (nói theo kiểu tuồng Kim Chung) trước toà khảo quan đạo mạo trong Viện Sorbonne. Vẻ vang thay! Giờ đây chắc chắn phải đến lượt bọn tân học hậu tiến giới thiệu với những ông bạn người Mỹ. Nên lắm thay!
Tóm lại thì thi phẩm bất hủ của Nguyễn Du đã nghiễm nhiên trở thành một trong những danh tác đã, theo lời của một nhà văn Pháp, Jean Cocteau: "Vượt qua ngục thanh tẩy (purgatoire) và bay lên trời đứng im, bất động, cho đời đời chiêm ngưỡng".
*
Tôi thường khi những đêm mưa gió, pha trà Thiết quan âm đốt hương Ngọc long diên, ngồi đọc Kiều. Tư tưởng con người như thế, gặp cảnh ngộ như thế, rồi qua tiếng tơ đồng thầm lặng, cầu bóng dáng lạc trong thiên cổ, thì thấy mảnh hồn thơm như quanh quất đâu đây trên nóc, bên thềm mơ màng đồng vọng. Nhưng mà thảng thốt "Chiêm chi tại tiền, hốt yên tại hậu". Giật mình, lại chỉ thấy giấy trắng mực đen, sờ phải những câu thơ rời rạc lổng chổng như những bộ xương. Mình mình trường dạ, nào hồn Tố Như?
Tố Như tử có được người ta khóc không?
Truyện Kiều có được người ta hiểu không?
Đó là những câu hỏi mà tôi thường tự hỏi mỗi khi xảy ra những vụ tranh luận hoặc viết lách tiếng tăm về truyện Kiều. Nhất là những cuộc bút chiến, chi li tế toái cùng nghĩa tận lý, tuy nhiên kết cục bao giờ cũng treo lửng vì không ai chịu ai, ai cũng có lẽ của người ấy. Tôi bèn lẩn thẩn nghĩ rằng giá ta có thể làm thế nào, dùng thuật đồng thiếp chi chi, mà làm cho tác giả hiện về mươi phút lên tiếng trọng tài thì khoẻ biết mấy cho tụi chúng ta.
Tôi lại lan man nghĩ rằng chúng ta nên cẩn thận ngay từ giờ, nhắn nhủ các thi bá, văn hào nào sắp đi vào vĩnh cửu hãy ngồi lại chịu khó chú thích kỹ càng văn thơ các ông để cho sau này hậu thế khỏi nhọc công cãi nhau khám phá ý văn cùng nỗi lòng các ông. Nên bắt chước thi sĩ Tản Đà. Người in thơ mình ra lại kèm cả lời giải, lời bình: "Hay ở chỗ đó, hay là như thế. Đến thế là tuyệt, tuyệt đó!" Tuy nhiên lại có điều phiền là những chỗ những bài thi sĩ cho là hay là tuyệt đó, vị tất độc giả ngày nay đã đồng tình. Sự tuyển lựa của người ngày nay sự thật đã hướng về những khía cạnh chắc chắn thi sĩ không ngờ tới.
Cho nên rút bài học gần kề ấy, tội "lại bèn nghĩ lại" rằng ví thử tác giả truyện Kiều có tái sinh mà lên tiếng trong cũng cuộc tranh luận, vị tất đã được người ta nghe theo. Một việc hình thức cỏn con đủ hiểu, là việc trước đây mấy cụ sửa văn Kiều: "Thế này mới đúng mới hay, thế ấy là nghĩa lý quái gì!". Mỗi cụ lại đều có cái hay cái đúng của mình. Cho nên có thể chắc chắn ta ví thử Nguyễn Du có trở về mà lên tiếng, cũng chẳng dồn được vào im lặng những cây viết chủ quan và háo thắng. Người trước mắt còn khó thông cảm nói chi kẻ xa xôi nằm trong thiên cổ. Một câu một chữ còn như vậy, nói chi lý thuyết sâu xa.
Cho nên ngẫm nghĩ tôi lại càng thêm hoài nghi mà tự hỏi: Truyện Kiều có được người ta hiểu không? Tố Như có được người ta khóc không? Trong hơn một thế kỷ nay từ khi tác phẩm ra đời, nào những ai đã cảm truyện Kiều? Mà trước sau bởi những duyên cớ ra sao?
*
Cuối triều Nguyễn, các nhà Nho có nói đến Kiều khi thì để ngông nghênh một "lão Viên già", khi thì để xỏ xiên một "con đĩ Đạm", khi thì để đổ tất cả tội lỗi lên đầu "hoá công". Chỉ là gửi gắm bóng gió, mượn trống để động phách. Sang thế kỷ này phong trào các ông Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim xướng ra, đề cao Kiều, chú giải Kiều, diễn thuyết Kiều tất nhiên nhằm một chủ ý. Các ông Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng đả kích Kiều cũng vì một ẩn ý riêng. Nguyễn Bách Khoa đả kích tất cả, lại nhằm một chủ ý rõ rệt hơn cả. Cho đến chúng ta ngày nay, bọn học trò nhai Kiều để đi thi, các ông thầy đồ mài Kiều làm kế sinh nhai, mấy ông tiến sĩ vác Kiều đi lòe thiên hạ đặng kiếm mảnh bằng về lòe bà con (để rồi lại vất Kiều vào xó tủ cho bụi phủ nhện chăng). Từng thời đại, từng đoàn thể, từng cá nhân xông vào Kiều, khác chi một phường bấu xấu, khi để kiếm lợi, khi thì cầu danh. Nào ai đã thực bụng yêu Kiều? Nào ai đã khóc Tố Như?
Của đáng tội, cũng có đôi khi chẳng vì lợi mà còn vì tình. Nhưng đây nữa, dù vì tình chăng nữa, thì cũng chỉ là vì mình, vẫn vì một ý chủ quan. Người ta phóng đại một nét son người ta ưa, nhấn mạnh vào một nốt nhạc người ta thích, có khi tưởng tượng hẳn ra một hương thơm người ta yêu. Chung quy chỉ là – mượn chữ họ Chu – "bán không chi tưởng" cả. Giằng đi kéo lại, vo tròn bóp méo, nào ai đã biết Truyện Kiều là cái chi chi?
Điều đó đáng trách, đáng la không? Không. Bởi vì chẳng qua là cái định luật cái số phận chung của các danh tác văn chương.
Kléber Haedens nói rằng những danh tác văn chương chẳng phải như lời Jean Cocteau, một khi bay lên trời là đứng im bất động. Trái lại, "chúng gặp gỡ nhau, cải dạng do ảnh hưởng thời gian trôi qua và cũng tùy thời gian trả lời vào những câu hỏi khác nhau, đưa ra những lời nhắn bảo nhau".
Có thể nói những danh tác giống như những tấm gương sáng treo cao, hậu thế ngẩng lên nhìn vào và càng sùng bái nồng nhiệt khi thấy hình ảnh mình trong đó hùng tráng hoặc bi đát, đáng trọng hay đáng thương. Còn như đàng sau tấm kiếng có gì, ai lo biết đến? Ai cần biết đến? Mà đã dễ biết được sao?
Ai đã bảo quyển sách cũng như cái quán trọ Y Pha Nho, độc giả thấy ở đấy cái gì mình đem đến. Có thể nói nó như tình trường, người ta nhìn ra cái gì người ta ưa. Anh chàng si tình quỳ dưới chân người yêu ngước đôi mắt say sưa lên, khám phá ra nào suối tóc, nào giếng mắt, nào trời trán, nào biển miệng, nào núi mũi. Nhưng mà tất cả những thức ấy, mỹ nhân đã có từ khi lọt lòng mẹ, mỹ nhân vẫn ăn vẫn ngủ, mỹ nhân nào biết gì đâu? (Ví thử mỹ nhân có một linh hồn mà tình lang muốn tìm vào dễ đã được đâu?) Chung quy toàn là những cái "tưởng thấy" bên ngoài cả.
Nhưng mà thôi đi "triết gia!". Đừng làm cho chúng tôi mất thú vui. Cái gì ở đời này chẳng là "tưởng thấy", tán tụng, hoan hô, ái tình và sự nghiệp, tất cả mật thiết, văn chương. Nhưng mà là những cái tưởng thấy cần thiết. Nó tô điểm cho cuộc đời. Nó là lẽ sống.
*
Thế thì bữa nay, bước vào năm thứ 138, sau ngày thi hào tạ thế, chúng ta đốt nén hương lòng, dâng niềm kính nhớ, chúng ta còn có thể tưởng thấy những gì đây?
Trước hết mường tưởng bóng dáng một con người vô cùng cao nhã và lịch lãm "gặp phải thời ấy, bước vào cảnh ấy, ngổn ngang những biến cố trước mặt, chồng chất những khối lối trong lòng mới phải mượn bút mực để chép ra" (Lời tựa của Thập thanh thị).
Con người ấy chắc phải đau khổ lắm mới lấy hai chữ "Đoạn Trường" mà đặt tên cho thi phẩm thân yêu như thế. Con người ấy chắc phải tha thiết với nhân sinh lắm mới khi đã sắp trả hình hài cho cát bụi, mà còn thốt ra những lời thơ đầy nước mắt nhân thế như vậy.
Và ngày nay cách nhau thiên cổ, đọc lại câu chuyện kiếm gãy hoa rơi ấy còn có thể thấy gì đặng cảm động chúng ta?
Đất nước chúng ta cũng vừa trải qua hơn 10 năm ly loạn. Biết bao nhiêu nàng Kiều sẩy chân lìa nhà, lạc vào vòng giáo dựng gươm trần, kề lưng hùm sói, ê chề phấn son. Bây giờ thanh bình trở lại, nếu may mắn thoát hàm rồng cá, chẳng hay trên giải đất tự do này đã tìm được những chàng Kim đủ hào hiệp để băng bó vết thương lòng chưa?
Có thể nói cả dân tộc Việt Nam ta, trong giai đoạn vừa qua, cũng là một nàng Kiều mà Việt Cộng chính là tên Mã Giám Sinh mày râu nhẵn nhụi đã một sớm lợi dụng cơn gia biến sấn tới lôi đi.
Rồi thì:
Thoắt buôn về, thoắt bán đi
Nơi thì lừa đảo nơi thì xót thương!
Cho đến ngày nay ác mộng đoạn trường xem đã liễu. Dưới ánh sáng miền Nam, phải chăng hết cơn bĩ cực đã đến tuần thái lai?
Nhưng mà nghĩ lại thì:
Bấy chầy gió táp mưa sa
trăng đã khuyết, huê đã tàn, quả mai đã qua kỳ ba bảy. Cho nên gốc hòe chồi quế, mở mắt với đời về sau, ấy là trông mong tất cả vào "con em nó" ở miền Nam này đó!
...................................................
(*):Vũ Hoàng Chương – Nguyễn Sỹ Tế – Nguyễn Văn Trung – Trần Bích Lan – Đinh Hùng – Doãn Quốc Sỹ – Việt Tử – Trần Thanh Hiệp – Phạm Thếng – Thanh Tâm Tuyền – Vũ Khắc Khoan – Nguyễn Thị Sâm
.................................
[1]Bài này tác giả viết năm 1957, nhân ngày kỷ niệm Nguyễn Du
Bài viết rất hay, tôi rất thích
Trả lờiXóa