Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Bài Học Kinh Thánh-II

Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 11 (Ru-tơ 2:11-12)
Chúng ta đến đoạn 2 câu 11 trong loạt bài nghiên cứu Kinh Thánh của chúng ta về câu chuyện tình rất đẹp của Ru-tơ. Ru-tơ, người nữ Mô-áp, góa bụa đã đi với Na-ô-mi trở về Bết-lê-hem, xứ Giu-đê là quê hương của Na-ô-mi. Kế đó, Ru-tơ ra đồng để mót lúa, cố gắng đi theo những con gặt để lượm những bông lúa còn sót hầu cho cô và Na-ô-mi có đồ ăn để sống. Chúng ta đã đọc thấy nàng Ru-tơ được Bô-ô để ý đến, ông đã nói chuyện thật là tử tế với nàng khi ông bảo: Hãy ở lại đây, đừng xa khỏi chỗ nầy. Nếu có khát, hãy đi uống nước nơi bình của chúng sẽ múc cho.
Chúng ta đã thấy phản ứng của Ru-tơ đối với hành động tử tế nầy khi nàng nói: Vì duyên cớ nào tôi được ơn trước mặt ông, đến đỗi ông đoái xem tôi, vốn là một người ngoại bang, là người bị rủa sả. Bô-ô trả lời cho nàng trong câu 11, "Bô-ô đáp: Người ta có thuật cho ta nghe mọi điều nàng đã làm cho mẹ chồng nàng, từ khi chồng nàng chết, và cách nào nàng đã lìa cha mẹ, xứ sở sanh của nàng, đặng đi đến một dân tộc mà nàng không biết trước." Bô-ô đang tỏ cho Ru-tơ biết là ông có một kiến thức rất nhạy bén về việc của nàng, Bô-ô không xa lạ gì với Ru-tơ cả. Trong thành Bết-lê-hem nhỏ bé nầy Bô-ô đã nghe hết tất cả về Na-ô-mi, bà con của ông, về việc bà ra đi cách đây mười năm. Chồng bà là Ê-li-mê-léc, cũng là bà con với Bô-ô, đã qua đời, hai đứa con cũng chết. Ông đã nghe về việc Na-ô-mi trở về cùng với vợ của một trong hai đứa con của bà, nàng dâu đó tên là Ru-tơ. Ông cũng bày tỏ rằng ông nhận biết việc rời bỏ quê hương, cha mẹ của nàng, từ bỏ tất cả những kỷ niệm nơi nàng đã lớn lên để được cùng đi với Na-ô-mi; để Ðức Chúa Trời của Na-ô-mi có thể trở thành Ðức Chúa Trời của Ru-tơ; để sống nơi mà Na-ô-mi sống. Ðây là một bức tranh rất đẹp về việc Ðức Chúa Trời biết chúng ta.
Vì cớ tội lỗi của chúng ta, khi chưa được cứu, chúng ta là những kẻ xa lạ với Ðức Chúa Trời. Nhiều lần chúng ta theo đường riêng, chạy theo sự giàu sang của thế gian nầy. Chúng ta phạm hết tội nầy đến tội khác, những tội lỗi gớm ghiếc xấu xa, những tội lỗi có tính toán. Chúng ta biết là mình xúc phạm đối với Chúa nhưng khi bị rơi vào sự khó khăn, hỗn độn của thế gian, chúng ta tự hỏi: Ðức Chúa Trời có quan tâm đến không, Ngài có bận tâm đến những gì đang xảy ra hay không? Ðức Chúa Trời có thật sự biết rõ hoàn cảnh của chúng ta không hay chỉ một mình chúng ta cô đơn? Có phải Ðức Chúa Trời không quan tâm gì đến chúng ta? Nhiều khi đến bước đường cùng của mình, chúng ta không biết sẽ quay về hướng nào. Có khi chúng ta muốn gieo mình xuống sông để kết liễu cuộc đời, hy vọng rằng sự chết sẽ làm cho nỗi ghê sợ nầy sẽ chấm dứt, bởi vì chúng ta cảm thấy rằng không ai biết, không ai nghĩ đến mình cả.
Nhưng chúng ta thấy Chúa bày tỏ ra ở đây, sự thật không phải như vậy. Ngài dùng Bô-ô làm hình bóng cho chúng ta biết rằng Ngài biết hết tất cả: "Ta biết tất cả những chi tiết trong đời sống của con". Kinh Thánh chép: "Cha các ngươi biết các ngươi cần sự gì trước khi chưa xin Ngài", Ma-thi-ơ 6:8. Thực tế, khi nói đến sự cứu rỗi, bạn biết Ðức Chúa Trời biết chúng ta khi nào không? Ngài biết chúng ta trước khi Ngài dựng nên thế gian nầy. Trước khi "Ðức Chúa Trời phán rằng: Phải có sự sáng, thì có sự sáng". Trước khi "Ngài làm nên khoảng không, phân rẽ nước ở dưới khoảng không, cách với nước ở trên khoảng không". Trước khi Ngài dựng nên mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao và vũ trụ kỳ bí tuyệt vời nầy cho chúng ta. Trước khi Ngài dựng nên cá biển, thú vật, chim trời, trước khi Ngài dựng nên con người đầu tiên trên mặt đất nầy. Ðức Chúa Trời biết từng tên của chúng ta là những người sẽ được cứu. Chúng ta đọc trong Ê-phê-sô 1:4, "Trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Ðấng Christ". Ðức Chúa Trời biết tất cả về chúng ta. Thực tế, Giăng 6:44 chép: "Ví bằng Cha, là Ðấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta". Chúng ta biết, khi chúng ta bắt đầu quay lại với Chúa Cứu Thế bởi vì chính Ðức Chúa Trời là Ðấng dự phần chủ động trong việc nầy. Ngài đã quyết định cứu chúng ta cho nên Ngài bắt đầu kéo chúng ta lại.
Cũng vậy, Bô-ô đã nói những lời tử tế với Ru-tơ rằng ông biết hết tất cả về nàng, bạn có thể an trí rằng đây là hình bóng về Ðức Chúa Trời nói với chúng ta một cách nhân từ. Ngài bắt đầu mở con mắt thuộc linh của chúng ta đối với Tin Lành, bởi vì Ngài biết chúng ta, Ngài biết Ngài sẽ làm gì đối với chúng ta. Bạn chú ý ngôn ngữ nầy, "Bô-ô đáp: Người ta có thuật cho ta nghe mọi điều nàng đã làm cho mẹ chồng nàng, từ khi chồng nàng chết, và cách nào nàng đã lìa cha mẹ, xứ sở sanh của nàng, đặng đi đến một dân tộc mà nàng không biết trước." Câu nói nầy nhắc chúng ta về người nào trong Kinh Thánh? Bạn có nhớ Áp-ra-ham, người được gọi là "cha hết thảy những kẻ tin" không? (Rô-ma 4:11). Áp-ra-ham sống khoảng 900 năm trước Ru-tơ và Bô-ô, khi rời bỏ Cha-ran ông rất giàu có. Ðức Chúa Trời bảo ông đi đến xứ mà Ngài sẽ chỉ cho, chúng ta đọc thấy Áp-ra-ham vâng theo lời Chúa. Ông lìa bỏ bà con, gia đình đi đến xứ Ca-na-an. Tại đó, ông ở trong lều trại, là khách lạ, người ngoại bang, ông bỏ lại tất cả với mục đích vâng theo mạng lệnh của Chúa. Dĩ nhiên, Áp-ra-ham là hình bóng về những tín hữu, như Ru-tơ trong câu chuyện nầy.
Khi chúng ta được cứu, chúng ta từ bỏ tất cả những điều mà chúng ta ưa thích, chúng ta quay lưng lại với thế gian nầy. Nếu cần thiết phải làm, chúng ta cũng quay lưng lại với gia đình trong trường hợp gia đình không muốn chúng ta theo Chúa Giê-xu. Có thể chúng ta phải lìa bỏ họ để đi vào xứ mà chúng ta chưa hề biết trước kia, xứ đó là nước thiên đàng. Ðó là xứ mà chúng ta phó thác mình vào tay Chúa Giê-xu, để trở thành công dân trong vương quốc của Ðức Chúa Trời. Ðây là một bước lớn của đức tin, chúng ta chưa vào xứ nầy bao giờ, chúng ta không biết chính xác điều gì sẽ xảy ra. Chúng ta đọc những điều nầy trong Kinh Thánh, nhưng chúng ta không kinh nghiệm được trời mới đất mới cho đến ngày phán xét, hoặc dĩ nhiên, cho đến khi chúng ta qua đời. Khi qua đời, chúng ta sẽ về với Chúa trên thiên đàng, lúc đó chúng ta mới kinh nghiệm được sự cứu rỗi thật sự. Nhưng trên đất nầy, chúng ta vẫn phải sống như là khách lạ, khách bộ hành. Chúng ta phải tự bỏ mình đi, dâng hiến trọn vẹn cho Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ðây là những gì xảy ra cho những người Ðức Chúa Trời biết, và những điều nầy xảy ra trong đời sống của chúng ta vì chính Ðức Chúa Trời kéo chúng ta lại với Chúa Giê-xu, Ngài mở con mắt và lỗ tai thuộc linh của chúng ta để chúng ta sẽ đáp lại sự kêu gọi nầy.
Một lần nữa trong câu 11, chúng ta thấy Ru-tơ là một hình bóng đẹp về những tín hữu được sanh lại khi nàng rời bỏ quê hương của nàng, xứ bị rủa sả để vào trong đất hứa, đến Bết-lê-hem là Nhà bánh. Nàng đã làm điều đó với đức tin, chỉ với đức tin. Nàng chưa hề đến đó trước kia, nàng chỉ tin rằng đây là hướng mà nàng phải đi. Ðó là những gì chúng ta làm, chúng ta rời bỏ thế gian rủa sả nầy, thế gian không còn là nơi để chúng ta đặt sự hi vọng nữa. Chúng ta phó thác đời sống mình nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu, như đức tin của trẻ con, biết rằng trong Ngài, chúng ta sẽ có sự bảo đảm.
Trong câu 12, Bô-ô nói những lời khi mới nghe chúng ta ưa thích lắm, "Nguyện Ðức Giê-hô-va báo đáp điều nàng đã làm; nàng đã đến núp dưới cánh Giê-hô-va, Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên; cầu xin Ngài thưởng cho nàng cách trọn vẹn." Khi đọc câu nầy chúng ta nói rằng: Ðó thấy không? Bô-ô đang nói với Ru-tơ rằng nàng sẽ không hối hận về việc nàng đã làm khi nàng theo Na-ô-mi, theo Ðức Chúa Trời của Na-ô-mi, theo dân sự của Na-ô-mi, Ngài sẽ báo trả công việc làm của nàng. Nghĩa là, Ngài sẽ trả công cho nàng, thưởng cho nàng cách trọn vẹn vì nàng đã đến núp dưới cánh của Ngài.
Ngay tức thì, chúng ta sẽ nói rằng câu nầy không có ý nghĩa thuộc linh gì cả, bởi vì Ðức Chúa Trời không trả cho những việc chúng ta làm khi chúng ta đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nếu Ru-tơ là hình bóng của những ai được cứu, khi nàng đến Bết-lê-hem là Nhà bánh, ít nhất câu nầy không thể áp dụng ý nghĩa thuộc linh được ở đây. Bởi vì chúng ta được cứu không phải bởi việc làm của chúng ta, chúng ta chỉ bám vào thập tự giá với hai bàn tay trắng mà thôi. Chúng ta không đến với Chúa bằng những công trạng của chúng ta, chúng ta không đến với Chúa với ý nghĩ rằng Chúa mắc nợ chúng ta điều gì đó. Nhưng bạn thấy, đây là ngôn ngữ mà Chúa nói với chúng ta về sự cứu rỗi.
Trước hết, loại việc làm gì mà Chúa muốn nói ở đây? Khi Bô-ô nói với Ru-tơ: "Nguyện Ðức Giê-hô-va báo đáp điều nàng đã làm" Hãy xem phần sau của câu nầy, "nàng đã đến núp (trust: tin cậy) dưới cánh Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên". "Tin cậy" là chữ chìa khóa trong câu nầy, bởi vì công việc mà Ru-tơ làm: lìa bỏ cha mẹ, xứ sở thật ra không phải là công việc. Dầu vậy, khi nàng phó thác mọi sự nơi Na-ô-mi, nơi Ðức Chúa Trời của bà, nơi dân tộc của bà, có nghĩa là nàng đặt sự tin cậy của nàng vào nơi Ðức Chúa Trời, nơi Na-ô-mi và dân tộc của bà. Ðây là công việc được nói đến trong câu 11 nầy, đó không phải là công việc mót lúa, đó là công việc phó thác đời mình nơi Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên khi nàng theo Na-ô-mi về Bết-lê-hem, là Nhà bánh.
Bạn có nhớ? Trong sách Tin Lành Giăng, Chúa Giê-xu đã nói với chúng ta về một công việc đặc biệt mà Ðức Chúa Trời muốn chúng ta làm. Giăng 6:29 "Ðức Chúa Giê-xu đáp rằng: Các ngươi tin Ðấng mà Ðức Chúa Trời đã sai đến, ấy đó là công việc Ngài." Ðây là công việc chúng ta làm mà Ðức Chúa Trời ưa thích. Ðối với Ðức Chúa Trời, tất cả những công việc khác không có giá trị gì, những việc đó đều bị cám dỗ bởi tội lỗi, tất cả đều như áo nhớp. Công việc chúng ta làm có liên quan đến Ðức Chúa Trời, đem lại mối tương giao giữa chúng ta với Chúa là tin nhận Chúa Giê-xu. Nhưng đức tin mà chúng ta có lại là quà tặng của Ðức Chúa Trời, nên tất cả đều đến từ Ðức Chúa Trời. Nói cách khác, công việc mà chúng ta làm không xứng đáng gì cả. Công việc được nói đến ở đây đơn giản chỉ tin cậy vào Chúa Cứu Thế Giê-xu là Cứu Chúa thì sẽ được cứu.
Ở đây nói rằng: "... đến núp (trust) dưới cánh Giê-hô-va". Câu "dưới cánh Ngài" được chép nhiều lần trong Kinh Thánh khi nói về sự che chở, chăm sóc của Ðức Chúa Trời trên dân sự của Ngài. Thí dụ, Thi Thiên 17:6-8, "Hỡi Ðức Chúa Trời, tôi cầu nguyện cùng Chúa, vì Chúa sẽ nhậm lời tôi: Xin Chúa nghiêng tai qua mà nghe lời tôi. Hỡi Ðấng dùng tay hữu cứu kẻ nương náu (trust) mình nơi Ngài khỏi những kẻ dấy nghịch cùng họ, xin hãy tỏ ra sự nhơn từ lạ lùng của Ngài. Cầu Chúa bảo hộ tôi như con ngươi của mắt; hãy ấp tôi dưới bóng cánh của Chúa." Ðây là lời cầu nguyện của người tin Chúa đặt sự tin cậy mình nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nương náu dưới bóng cánh Chúa có nghĩa là chúng ta phó thác đời mình nơi Ngài, chúng ta được Chúa chăm sóc rất cẩn thận như con ngươi của mắt Ngài. Ðây là bài học mà chúng ta nhận được trong câu 12, "nàng đã núp dưới cánh Giê-hô-va". Chúng ta đọc trong Thi Thiên 63:5,8 "Linh hồn tôi được no nê dường như ăn tủy xương và mỡ; miệng tôi sẽ lấy môi vui vẻ mà ngợi khen Chúa. Khi trên giường tôi nhớ đến Chúa, bèn suy gẫm về Chúa trọn các canh đêm; vì Chúa đã giúp đỡ tôi, dưới bóng cánh của Chúa tôi sẽ mừng rỡ. Linh hồn tôi đeo theo Chúa; tay hữu Chúa nâng đỡ tôi." Ở "dưới bóng cánh" Chúa có nghĩa là Ngài nâng đỡ, chăm sóc chúng ta; Ngài sẽ làm những điều tốt nhất cho chúng ta. Câu nầy bày tỏ về sự chăm sóc lạ lùng của Chúa Cứu Thế Giê-xu đối với những ai đặt sự tin cậy vào Ngài.
Một câu chót liên quan đến điều nầy mà chúng ta muốn xem thêm trong Phục-truyền-luật-lệ-ký 32: 9-11. ễ đây, Chúa nói về dân Y-sơ-ra-ên, ngôn ngữ nầy rất gần với câu mà chúng ta đọc thấy trong sách Ru-tơ, "Vì phần của Ðức Giê-hô-va là dân Ngài, Gia-cốp là cơ nghiệp Ngài. Ngài tìm được người trong một nơi rừng rú, tại nơi vắng vẻ, giữa những tiếng hét la của đồng vắng. Ngài bao phủ người, săn sóc người, gìn giữ người như con ngươi của mắt mình. Như phụng hoàng phấp phới dỡn ổ mình, bay chung quanh con nhỏ mình, sè cánh ra sớt nó, và cõng nó trên chéo cánh mình thể nào, thì một mình Ðức Giê-hô-va đã dẫn dắc người thể ấy, không có thần nào khác ở cùng người..." Nói cách khác, Ðức Chúa Trời dùng hình ảnh sè cánh ra trên dân Y-sơ-ra-ên nghĩa là Ngài canh giữ, dẫn dắc họ. Ngài chăm sóc họ như con ngươi của mắt Ngài. Cũng vậy, chúng ta có bức tranh nầy trong sách Ru-tơ khi Bô-ô nói rằng Ru-tơ đã tin cậy nơi Chúa, "Nàng đã đến núp dưới cánh của Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên." Chúng ta còn một điều khó xử trong câu 12 nầy, "... cầu xin Ngài thưởng cho nàng cách trọn vẹn." Phần thưởng gì mà Chúa ban cho những người tin cậy nơi Ngài? Có nhiều người nói rằng: Nếu chúng ta làm việc một cách hết lòng trong vườn nho của Chúa khi chúng ta rao giảng Tin Lành, thì chúng ta sẽ được thưởng cho công việc nầy, có phải ý của câu nầy muốn nói như vậy ở đây không? Chúng ta sẽ xem xét điều nầy một cách cẩn thận, trước khi chúng ta tiếp tục học câu kế tiếp. Chúa thật sự muốn nói gì khi Ngài nói: "cầu xin Ngài thưởng cho nàng cách trọn vẹn".
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 12 (Ru-tơ 2:12-13)
Trong bài học vừa rồi chúng ta học đến câu 12 và bắt đầu xem xét câu hỏi: Ðức Chúa Trời muốn nói gì khi Ngài nói với Ru-tơ qua Bô-ô: "nàng đã đến núp dưới cánh Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của y-sơ-ra-ên; cầu xin Ngài thưởng cho nàng cách trọn vẹn"? Phần thưởng gì mà Ðức Chúa Trời ban cho những người tin cậy nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Trước hết, chúng ta biết rằng sự cứu rỗi của chúng ta hoàn toàn bởi ân điển của Ðức Chúa Trời. Kinh Thánh chép trong Ê-phê-sô 2:8-9, "Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Ðức Chúa Trời. Ấy chẳng phải bởi việc làm đâu, hầu cho không ai khoe mình." Không có trường hợp nào sự cứu rỗi của chúng ta hay một phần của sự cứu rỗi liên quan đến việc làm của chúng ta. Nhưng điều gì xảy ra khi chúng ta được cứu? Ðức Chúa Trời ban thưởng cho chúng ta điều gì trong sự cứu rỗi của chúng ta? Trong Rô-ma 8:32 chúng ta đọc những chữ thật đầy ý nghĩa, "Ngài đã không tiếc chính con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự (all things) luôn với Con ấy cho chúng ta sao?" Nói cách khác, Ðức Chúa Trời ban tất cả mọi sự cho chúng ta, nghĩa là không có sự hạn chế.
Chúng ta sẽ xem thêm những câu khác trong Kinh Thánh về những gì Ngài ban cho chúng ta hay chữ phần thưởng có nghĩa gì. Hê-bơ-rơ 1:2, "rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi con Ngài, là con mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật (all things), lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian". Hãy ghi nhớ trong trí câu nầy: "Chúa Cứu Thế Giê-xu kế tự muôn vật" và trở lại Rô-ma 8:17, "Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: kẻ kế tự Ðức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Ðấng Christ". Ô! ở đây nói về chúng ta là những người được cứu thì cũng là kẻ kế tự. Bạn thấy sự liên hệ của câu nầy với Rô-ma 8:32 không? "thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự (all things) luôn với con ấy cho chúng ta sao?" Theo Hê-bơ-rơ 1:2 thì Chúa Giê-xu kế tự muôn vật (all things), thực tế Ngài là Cứu Chúa, là Ðấng Cứu chuộc của thế gian. Rô-ma 8:17 chép, chúng ta là kẻ đồng kế tự với Ðấng Christ, sẽ thừa hưởng cơ nghiệp giống như Chúa Giê-xu.
Bạn có thể nghĩ ra điều gì nữa cộng thêm vào những gì mà Ðức Chúa Trời đã ban cho chúng ta qua chương trình cứu rỗi của Ngài không? Tôi thường nghe nói về nhiều người làm công việc Chúa dữ dội, cố gắng giảng đạo, làm việc lành vì họ tin rằng vào ngày sau rốt, Ðức Chúa Trời sẽ thưởng cho họ một cách đặc biệt, Ngài sẽ trả công cho họ về những công việc lành mà họ làm. Làm sao có thể được khi mà Ðức Chúa Trời đã ban tất cả mọi sự nằm trong chương trình cứu rỗi, mà Chúa Giê-xu là kế tự muôn vật? Không còn gì nữa để ban cho, không còn gì nữa có thể cộng thêm vào. Bạn thấy không? Chúng ta không thể cộng thêm vào ân điển của Chúa. Tên cướp trên thập tự giá được cứu ở giờ phút chót của cuộc đời hắn hay sứ đồ Phao-lô làm việc chăm chỉ cả đời của ông trong việc rao giảng Tin Lành, cả hai cùng có một phần thưởng trọn vẹn, họ là kẻ kế tự của muôn vật. Không cách nào chúng ta có thể nghĩ ra phương pháp để làm cho công việc của chúng ta có giá trị thêm, để được lãnh phần thưởng. Chương trình cứu rỗi của Ðức Chúa Trời là ân điển, là quà tặng và bao gồm tất cả những gì mà Ngài có thể ban cho chúng ta.
Hãy xem ngôn ngữ đầy ý nghĩa trong Sáng-thế-ký 15:1, "Sau các việc đó, trong sự hiện thấy có lời Ðức Giê-hô-va phán cùng Áp-ra-ham rằng: Hỡi Áp-ra-ham! ngươi chớ sợ chi; ta đây là một cái thuẫn đỡ cho ngươi, phần thưởng của ngươi là lớn lắm" (Trong tiếng Anh "là phần thưởng lớn của ngươi"). Hãy suy nghĩ câu nầy, "Chính Ðức Chúa Trời là phần thưởng cho ai đặt đức tin mình nơi Ngài". Bạn không thể nào thêm vào Chúa điều gì nữa. Khi Ðức Chúa Trời trở nên phần thưởng lớn của chúng ta, chúng ta đã đạt đến điểm cao nhất của sự ban thưởng rồi. Ngài là phần thưởng trọn vẹn, Ngài và tất cả những gì Ngài có thì đã ban cho chúng ta như là phần thưởng trong chương trình cứu rỗi của Ngài.
Một phần trong sự cứu rỗi mà Chúa ban cho chúng ta là những ơn phước khi chúng ta trung tín bước theo Ngài trên thế gian nầy. Bất cứ ai trong chúng ta đã đặt sự tin cậy vào Chúa Giê-xu và muốn bước theo Ngài một cách vâng phục, thì sẽ khám phá ra rằng Chúa ban cho chúng ta hết ơn phước nầy đến ơn phước khác. Chúng ta có sự vui mừng về sự cứu rỗi, vui mừng khi thấy người khác được cứu, vui mừng vì hướng dẫn gia đình bước theo sự tin kính Chúa, vui mừng khi chúng ta vâng phục Chúa, vui mừng nhận ra rằng tội lỗi của chúng ta đã được đền trả. Chúng ta được bảo đảm rằng chúng ta sẽ không bị quăng vào địa ngục, chúng ta có sự nhận biết lạ lùng về sự hiện diện của Chúa Giê-xu trong đời sống của chúng ta, biết rằng Ngài sẽ không bao giờ rời bỏ chúng ta vì Kinh Thánh nói như vậy. Nhưng đó không phải là công giá của những gì chúng ta làm. Ðây là tất cả những gì xảy ra khi chúng ta được cứu, là một phần trong ân điển mà Ngài ban cho chúng ta vì chúng ta được cứu.
Ðức Chúa Trời không mắc nợ bất cứ ai trên mặt đất nầy. Bất cứ lúc nào bạn có sự suy nghĩ trong trí của bạn rằng: "Ðức Chúa Trời mắc nợ tôi về những điều tôi làm; tôi được cứu, tôi hãnh diện về sự cứu rỗi của tôi, nhưng Ðức Chúa Trời mắc nợ tôi vì tôi làm việc rất sốt sắng, phải có một phần thưởng cho tôi", xin hãy từ bỏ suy nghĩ đó đi. Ðức Chúa Trời không bao giờ mắc nợ chúng ta về những gì chúng ta làm, bởi vì không có gì chúng ta làm đáng cho Ngài chú ý tới. Chỉ có lý do duy nhất là Ðức Chúa Trời nhìn xem chúng ta với lòng thương xót, nhân từ; với lòng yêu thương. Bởi ân điển của Ngài, Ngài cho chúng ta được làm kẻ kế tự, đây là điều mà tư tưởng chúng ta cần tập trung vào. Phần thưởng trọn vẹn đến với chúng ta là sản phẩm của ân điển Ngài.
Các môn đồ gặp rắc rối khi đối diện với câu hỏi nầy. Sau khi họ từ bỏ cả gia đình, mọi sự để theo Chúa Giê-xu và họ tự hỏi không biết có phần thưởng đặc biệt nào cho họ không. Phi-e-rơ hỏi Chúa trong Lu-ca 18:28-30 "Nầy, chúng tôi đã bỏ mọi sự mình có mà theo thầy. Ðức Chúa Giê-xu phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, người nào vì cớ nước Ðức Chúa Trời mà bỏ nhà cửa, cha mẹ, anh em, vợ con, thì trong đời nầy được lãnh nhiều hơn, và đời sau được sự sống đời đời". "Và đời sau được sự sống đời đời". đó là phần cuối trong chương trình cứu rỗi của chúng ta. Cả thân thể, linh hồn được ở với Chúa Giê-xu, chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự sống đời đời. Tất cả những điều đó là bởi ân điển của Chúa mà thôi.
Khi Kinh Thánh nói về mão triều thiên, "lãnh mão triều thiên của sự sống" "mão triều thiên vinh hiển" , tất cả những mão triều thiên nầy là hình bóng bày tỏ rằng chúng ta được chiến thắng. Chúng ta chiến thắng không phải vì những gì chúng ta làm. Chúng ta chiến thắng vì Chúa Giê-xu đã làm, chiến thắng trong Chúa Giê-xu, vì vậy mão triều thiên vinh hiển, mão triều thiên sự sống là sản phẩm của ân điển Ðức Chúa Trời. Không có một con người nào, dù cho sống thánh thiện đến đâu, có thể dự phần công sức mình để xứng đáng nhận những phần thưởng nầy. Tất cả những gì chúng ta nhận là quà tặng của Ðức Chúa Trời. Ðó là phần thưởng trọn vẹn mà Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta bởi vì chúng ta đặt sự tin cậy mình nơi Ngài như chúng ta đọc trong Ê-phê-sô 2:8-9, đức tin nơi Ngài cũng là quà tặng bởi ân điển Ngài. "Ví bằng Cha, là Ðấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta".
Trở lại câu 12, Bô-ô nói với Ru-tơ: "Nguyện Ðức Giê-hô-va báo đáp điều nàng đã làm; cầu xin Ngài thưởng cho nàng cách trọn vẹn" Bô-ô có thể không biết chính xác những gì ông nói, chắc chắn là ông không biết sự sâu sắc khôn ngoan trong câu nói của ông, nhưng Thánh Linh của Ðức Chúa Trời đã nói qua ông để ban cho chúng ta một nền tảng, tập trung sự chú ý của chúng ta vào phần thưởng mà Ðức Chúa Trời ban cho những ai tin nhận Ngài, phần thưởng đó không tùy thuộc vào công trạng gì cả. Chữ Giê-hô-va có nghĩa là Ðức Chúa Trời cứu rỗi, một danh xưng của Ðức Chúa Trời đặc biệt chỉ về Chúa Giê-xu, là Ðấng đến như là người cứu chuộc của chúng ta.
Tiếp tục, chúng ta thấy phản ứng của Ru-tơ đối với lời lẽ tử tế nhân từ của Bô-ô. (Câu 13) "Nàng thưa rằng: Hỡi chúa! chúa đã an ủi và giục lòng kẻ tôi tớ chúa, cầu chúa lấy lòng ân huệ đãi tôi, dẫu rằng tôi không đồng bực cùng các tớ gái chúa!" Khi chúng ta đọc câu chuyện tình nầy, với những mẫu đối thoại giữa Bô-ô và Ru-tơ giống như là hai người bắt đầu quen nhau. Bô-ô là chủ ruộng, là người giàu có và quyền thế, Ru-tơ là một người ăn xin, là khách lạ đến từ Mô-áp. Chàng bắt đầu cư xử với nàng bằng tất cả sự trìu mến, còn nàng thì thật sự khiêm nhường đáp lại lòng tử tế đó. Nàng trả lời: "Hỡi chúa! chúa đã an ủi và giục lòng kẻ tôi tớ chúa, cầu chúa lấy lòng ân huệ đãi tôi". Khi đọc ngôn ngữ nầy, chúng ta ngạc nhiên tự hỏi, tại sao nàng lại chọn ngôn ngữ nầy? Có nhiều việc khác nàng có thể nói với Bô-ô. Nếu đặt chúng ta trong cương vị của Ru-tơ chắc chắn là chúng ta có nhiều lời lẽ để nói với Bô-ô. Nhưng nàng chọn ngôn ngữ nầy thật thận trọng dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh bởi vì Ðức Chúa Trời muốn dạy chúng ta một lẽ thật thuộc linh sâu sắc qua những lời nói nầy. Bạn đã biết Bô-ô là hình bóng về Chúa Cứu Thế hay là Ðức Chúa Trời như chúng ta đã thấy lặp đi lặp lại nhiều lần. Sau nầy khi học đến đoạn 3 và 4, chúng ta sẽ thấy ông được trình bày như là một người bà con của Ru-tơ, người cứu chuộc. Chúng ta sẽ thấy chương trình cứu rỗi được xem thấy từ khía cạnh nầy đến khía cạnh khác khi chúng ta xem xét những lời đối thoại của Bô-ô, Ru-tơ hay là Na-ô-mi. Ở đây nàng nói: "cầu chúa lấy lòng ân huệ đãi tôi". Ðó là lời tuyên bố của những ai tìm kiếm sự cứu rỗi.
Khi chưa được cứu, đứng trước mặt Ðức Chúa Trời, chúng ta không xứng đáng với bất cứ điều gì. Chúng ta đến cùng Ðức Chúa Trời để xin ân huệ của Ngài, cầu xin Ngài đoái đến chúng ta với lòng nhơn từ thiên thượng của Ngài để Ngài có thể tha thứ tội lỗi của chúng ta. Chúng ta sẵn sàng nhìn nhận Ngài là 'chúa tôi', chúng ta sẵn sàng hạ mình trước mặt Ngài, sẵn sàng phó thác đời sống mình cho Ngài. Khi Ru-tơ cầu xin ân huệ nơi Bô-ô là người mà nàng xưng là 'chúa tôi', thì cũng giống như vậy, chúng ta đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu để cầu xin ân điển của Ngài. Chúng ta sẵn sàng nhìn nhận Ngài là "Chúa của đời sống tôi, tôi không còn muốn đi theo ý riêng mình nữa, tôi chỉ muốn tin cậy nơi Ngài".
Chúng ta thấy nàng nói: "chúa đã an ủi và giục lòng kẻ tôi tớ chúa". Chữ an ủi ở đây là một chữ rất thú vị, bởi vì chữ nầy được dùng và gây ấn tượng rất sâu sắc trong sách Ê-sai 40:1. Ðức Chúa Trời nói với dân Y-sơ-ra-ên về việc Ngài sẽ tiêu diệt họ vì tội lỗi của họ, về việc Ngài sẽ khiến sự tàn phá giáng trên họ để trừng phạt tội lỗi của họ. Ðồng thời, Ngài lại mang đến cho họ một thông điệp của ân điển, nói với họ về sự Ðấng Mê-si hiện đến, "Ðức Chúa Trời của các ngươi phán rằng, hãy yên ủi, hãy yên ủi dân ta. Hãy nói cho thấu lòng Giê-ru-sa-lem, và rao rằng sự tranh chiến của nó đã trọn; tội lỗi nó đã được tha; nó đã chịu gấp hai từ tay Ðức Giê-hô-va vì các tội mình". Rồi Ngài tiếp tục nói đến sự dọn đường cho Chúa Cứu Thế Giê-xu trong câu 10,11: "Nầy, Chúa Giê-hô-va sẽ lấy quyền năng mà đến; Ngài dùng cánh tay mình mà cai trị. Nầy, sự ban thưởng Ngài ở nơi Ngài, sự báo trả Ngài ở trước mặt Ngài. Ngài sẽ chăn bầy mình như người chăn chiên; thâu các con chiên con vào cánh tay mình và ẳm nó vào lòng; từ từ dắt các chiên cái đương cho bú".
Ai đã đến như là người chăn hiền lành? Ai đã đến để tìm và cứu kẻ bị mất? Dĩ nhiên, đó là Chúa Cứu Thế Giê-xu, điều nầy được gắn liền với Ê-sai 40:2, "tội lỗi nó đã được tha". Chúa Cứu Thế đến như là người chăn hiền lành, bước lên thập tự giá để đền trả tội lỗi cho những ai đặt sự tin cậy của mình nơi Ngài. Trong bối cảnh nầy Chúa nói trong câu 1: "Hãy yên ủi, hãy yên ủi dân ta. Hãy nói cho thấu lòng Giê-ru-sa-lem, và rao rằng sự tranh chiến của nó đã trọn; tội lỗi nó đã được tha". Ðể nói những lời yên ủi với dân Y-sơ-ra-ên thì Ngài nói rằng Ðức Chúa Trời đã cung cấp sự cứu rỗi, Ðức Chúa Trời đã giải quyết vấn đề tội lỗi của họ. Ngài bày tỏ rằng họ không còn tranh chiến với Ngài nữa, họ được hòa thuận với Ngài. Ðó là điều được thấy trong Ru-tơ 2:13 khi nàng nói với Bô-ô, "chúa đã an ủi và giục lòng kẻ tôi tớ Chúa".
Thêm một lần nữa, nàng không nghĩ đến sự phong phú thuộc linh trong câu mà nàng nói, nàng nói với Bô-ô theo cách của loài người. "Ông thật là niềm an ủi cho tôi nhiều lắm." Nhưng trong bối cảnh của Kinh Thánh, câu nầy chỉ đến một điều rất tuyệt vời cho chúng ta. Những ai đã đặt sự tin cậy của mình vào Chúa Cứu Thế Giê-xu đã được an ủi theo như ý nghĩa của Ê-sai 40, nghĩa là tội lỗi của họ đã được tha. Họ đã đến với dòng huyết của Chúa Cứu Thế Giê-xu và không còn phải trả lời cho tội lỗi của họ nữa. Chúng ta xem tiếp, "giục lòng kẻ tôi tớ chúa" , hãy để ý chữ nầy: "giục lòng". Tại sao Ðức Chúa Trời khiến cho Ru-tơ dùng chữ nầy? Chúng ta sẽ xem xét tiếp trong bài học tới.
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 13 (Ru-tơ 2:13-14)
Chúng ta đọc câu Ru-tơ nói với Bô-ô trong Ru-tơ 2:13. Ru-tơ là người đến từ Mô-áp, là ăn mày, không có tài sản gì cả và bây giờ được Bô-ô là người giàu có, là chủ ruộng ở Bết-lê-hem để ý đến. "Nàng thưa rằng: Hỡi chúa! chúa đã an ủi và giục lòng* kẻ tôi tớ chúa, cầu chúa lấy lòng ân huệ đãi tôi, dẫu rằng tôi không đồng bực cùng các tớ gái chúa!" Bô-ô ở đây là hình bóng về Ðức Chúa Trời rao truyền Tin Lành, còn Ru-tơ là hình bóng về những người chưa được cứu, những người ở dưới sự rủa sả của tội lỗi đáp lại tiếng gọi của Tin lành, trở nên được cứu vì đã tin cậy vào Chúa Cứu Thế Giê-xu. Trong ngôn ngữ nầy Chúa bày tỏ cho chúng ta rằng, khi Chúa nói với chúng ta, Ngài nói với lòng của chúng ta. Câu: "giục lòng* kẻ tôi tớ chúa" thật sự có ý nghĩa rằng: nói với thực thể của con người chúng ta.
Chúng ta có câu: "Nói vào lỗ tai nầy, ra lỗ tai kia" có nghĩa là lời nói không đụng đến lòng. Có bao giờ bạn chú ý đến điều nầy không? Khi bạn cố gắng làm chứng cho người khác về Chúa, họ nghe bạn, có thể họ mĩm cười đồng ý với bạn, nhưng bạn có cảm giác rằng họ không hiểu gì cả. Những gì bạn nói không có ý nghĩa gì đối với họ, không có sự đáp lại mang tính chất từ trong lòng của họ. Ðó là vì người chưa được cứu bị mù quáng bởi tội lỗi, họ không có tai để nghe, họ không có ý muốn để đáp lại.
Khi Tin Lành được rao giảng khắp thế gian, mọi người có thể nghe được tiếng gọi của Tin Lành, họ có thể nghe những lời được rao giảng. Nhưng chỉ khi nào Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta lỗ tai để nghe, chỉ khi nào Ngài làm cho chúng ta nghe về thuộc linh thì chúng ta mới thật sự nghe được về Tin Lành. Lúc Chúa nói với lòng của chúng ta, thì chúng ta mới nhận ra lẽ thật Tin Lành của Chúa, chúng ta mới nhận ra mình là tội nhân. Khi Ðức Chúa Trời nói chúng ta đang ở dưới cơn thạnh nộ của Ngài, thì chúng ta cảm thấy rằng: Ðúng vậy! chúng ta cần có một Cứu Chúa. Ðó là Ðức Chúa Trời nói với lòng của chúng ta, đó là ý nghĩa của câu nầy khi Ru-tơ nói với Bô-ô rằng "... giục lòng* kẻ tôi tớ Chúa... dẫu rằng tôi không đồng bực cùng các tớ gái chúa!"
Bạn thấy ở đây Bô-ô ô nói thẳng với lòng của Ru-tơ, nàng nhận ra rằng ông nói một cách nghiêm trang, không đùa giỡn. Cô có thể thấy được rằng ông để ý đến cô, cô có thể thấy mối liên hệ ràng buộc đang nẩy nở ra giữa họ và cô cũng nhận ra rằng cô không xứng đáng gì cả, không bằng các đầy tớ gái của ông nữa. "Tôi là khách lạ, là ngoại bang, là đàn bà bị rủa sả..." như chúng ta thấy lặp đi lặp lại nhiều lần trong sách Ru-tơ. Bạn thấy không? Ðây là cách mà Ðức Chúa Trời đến với chúng ta. Ngài không nói với lòng của chúng ta, Ngài không mở mắt thuộc linh của chúng ta sau khi chúng ta trở nên xứng đáng, sau khi chúng ta trở nên người đạo đức, sau khi chúng ta từ bỏ những tội lỗi cũ.
Ðức Chúa Trời nói với chúng ta khi chúng ta là kẻ có tội, "Nhưng Ðức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Ðấng Christ vì chúng ta chịu chết." (Rô-ma 5:8). Ðức Chúa Trời bắt đầu với chúng ta khi chúng ta còn trong địa vị tội lỗi hư mất của mình. Dù bạn lún sâu trong tội lỗi cỡ nào, dù bạn cảm thấy mình tội lỗi lớn lao thế nào trước mặt Ðức Chúa Trời, Ngài bắt đầu nói với bạn tại chỗ đó. Khi bạn bắt đầu có cảm giác rằng bạn muốn đáp lại, bạn muốn đến cùng Ðức Chúa Trời, bạn thấy bạn cần có sự cứu rỗi, đó là Ðức Chúa Trời đang nói với lòng bạn, Ngài đang mở mắt thuộc linh của bạn. Những ai mở cửa lòng mình đó là người được ban cho lỗ tai để nghe. Ðức Chúa Trời đã làm cho họ có khả năng nghe được nên họ muốn nghe về Tin Lành.
Tiếp tục câu 14, chúng ta lại gặp ngôn ngữ rất thú vị. Tôi rất sung sướng khi học sách Ru-tơ nầy, nhiều lần chúng ta gặp ngôn ngữ rất kỳ quặc. Thực tế, đây là điều mà bản dịch King James bị phê bình, thỉnh thoảng chúng ta thấy ngôn ngữ kỳ quặc và cho rằng đó là tiếng Anh cũ. Chúng ta thích có bản dịch mới để đọc cho dễ hơn, nghe trôi chảy hơn. Tôi chắc rằng nếu bạn lấy bất cứ bản dịch nào khác và đọc sách Ru-tơ thì bạn sẽ thấy ngôn ngữ khác xa với bản King James. Nếu bạn đọc bản diễn ý thì bạn sẽ thấy những chỗ kỳ quặc đã được làm cho trôi chảy. Nhưng lý do mà bản King James đọc nghe kỳ cục bởi vì nó trung tín với cách mà Ðức Chúa Trời viết Kinh Thánh.
Ðức Chúa Trời viết Kinh Thánh không chỉ là hình ảnh lịch sử cho chúng ta mà thôi nhưng cũng là những lẽ thật thuộc linh được giấu trong ngôn ngữ nầy. Khi đọc Kinh Thánh, bạn gặp những câu kỳ quặc không có nghĩa lý chút nào, bạn có thể an trí rằng có một lẽ thật thuộc linh sâu sắc ở đó. Có thể bạn sẽ không khám phá ra lẽ thật gì ngay trong lúc đó, nhưng nếu bạn tiếp tục nghiên cứu, rất có thể với ý muốn tối cao của Ðức Chúa Trời, Ngài sẽ mở mắt thuộc linh của bạn. Khi bạn so sánh Thánh Kinh với Thánh Kinh có thể bạn sẽ thấy tại sao Ðức Chúa Trời lại dùng ngôn ngữ kỳ lạ như vậy.
"Trong bữa ăn Bô-ô lại nói cùng nàng rằng: Hãy lại gần, ăn bánh nầy và nhúng miếng nàng trong giấm. Vậy, nàng ngồi gần bên các con gặt. Người đưa cho nàng hột mạch rang, nàng ăn cho đến no nê, rồi để dành phần dư lại." (Câu 14). Khi đọc qua câu nầy vài lần thì bạn thấy rằng kỳ quặc quá phải không? Rất dễ hiểu khi Bô-ô bảo Ru-tơ đến ăn bánh vì bánh là đồ ăn thông dụng khi chúng ta đói, dĩ nhiên, đó là điều mà chúng ta tìm thấy trong câu chuyện tình, không có gì khó cả. Nhưng câu "nhúng miếng nàng trong giấm" có nghĩa gì? Thực tế, có thể họ dùng giấm chung với bánh mì để làm cho vị chua chua như chúng ta dùng dưa chua, nhưng đó không phải là món chính của bữa ăn. Nhưng ở đây Bô-ô đang nhấn mạnh "nhúng miếng nàng trong giấm".
Tôi có đọc bản dịch đã sửa đổi, và những dịch giả không thích câu nầy nên dịch là "nhúng miếng nàng trong rượu". Dĩ nhiên, rượu được thông dụng hơn trong bữa ăn vào thời đó hơn là giấm, giấm là thứ mà người ta không dùng nhiều. Nếu bạn để dưa vào trong giấm bạn sẽ đổ thêm nước vào để cho bớt chua, giấm chỉ là một phần rất nhỏ của bữa ăn. Tại sao Ðức Chúa Trời lại bận tâm nói với chúng ta "nhúng miếng nàng trong giấm"? Nếu chúng ta đọc tiếp câu sau "Người đưa cho nàng hột mạch rang" , câu nầy cũng không có lý chút nào phải không?
Hãy trở lại câu 14 để tìm hiểu xem tại sao Ðức Chúa Trời lại chọn ngôn ngữ nầy, "Hãy lại gần, ăn bánh nầy và nhúng miếng nàng trong giấm". Chữ 'giấm' được dùng chỉ hơn mười hai lần trong Kinh Thánh, nhưng chỗ quan trọng nhất mà chữ 'giấm' được dùng trong Tân ước liên quan đến sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu, "Quân lính cũng giỡn cợt Ngài, lại gần đưa giấm cho Ngài uống" (Lu-ca 23:36). Ðây là điều đã làm trong Cựu ước, không phải là ý kiến mới tách rời ra khỏi Cựu ước, Dĩ nhiên, sách Ru-tơ là một sách trong Cựu ước, lời Ðức Chúa Trời chỉ là một. Những gì chúng ta tìm thấy trong Tân ước thường liên quan mật thiết đến Cựu ước, những gì chúng ta tìm thấy trong Cựu ước cũng thường liên quan mật thiết với Tân ước.
Chúng ta tìm thấy trong Thi Thiên 69, Ðức Chúa Trời nói trước về việc Ðấng Christ lên thập tự giá, Thi Thiên 69:21 "Chúng nó ban mật đắng làm vật thực tôi, và cho tôi uống giấm trong khi khát." Chúng ta hãy xem những gì xảy ra liên quan trong việc Chúa bị đóng đinh. Trong Ma-thi-ơ 27:48, ngay sau khi Chúa Giê-xu kêu lớn tiếng: "Ðức Chúa Trời tôi ơi! Ðức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi?" Ngài đang chịu đựng chỗ tận cùng của địa ngục, gánh chịu cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời khi Ngài bị Ðức Chúa Trời lìa bỏ vì cớ tội lỗi của chúng ta. Chú ý việc xảy ra trong câu 48, "Liền có một người trong bọn họ chạy lấy một miếng bông đá, và thấm đầy giấm, để trên đầu cây sậy mà đưa cho Ngài uống." Ngài uống giấm! Vì vậy, bạn thấy giấm tương quan với đáy của địa ngục, tương quan với cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời đổ xuống trên Chúa Cứu Thế Giê-xu khi Ngài khốn khổ vì cớ tội lỗi của chúng ta. Ðây là cách mà Ðức Chúa Trời dùng chữ 'giấm' trong Kinh Thánh.
Cũng vậy, chúng ta đọc thấy trong Ru-tơ 2:14, khi Bô-ô bảo Ru-tơ trong câu chuyện tình lịch sử nầy, khi tình yêu bắt đầu chớm nở giữa Bô-ô và Ru-tơ, khi ông nói với nàng "nhúng miếng nàng trong giấm" ., ông được Ðức Chúa Trời hà hơi để dùng ngôn ngữ nầy, ngôn ngữ kỳ lạ! Có thể họ có một ít giấm để góp phần vào bữa ăn, nhưng Ðức Chúa Trời viết câu đó trong Kinh Thánh để kéo sự chú ý của chúng ta đến với Cứu Chúa Giê-xu khi Ngài bị treo trên thập tự giá đền trả cho tội lỗi của chúng ta. Bạn thấy không? Nói theo ý nghĩa thuộc linh, Bô-ô đang bảo Ru-tơ dự phần trong sự đóng đinh vào thập tự giá với Ðấng Christ.
Khi Chúa Cứu Thế chết cho tội lỗi của chúng ta, Ngài là người thay thế. Ðáng lẽ bạn và tôi là người bị cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời đổ xuống trên chúng ta. Chúa Cứu Thế làm điều đó trong chỗ của chúng ta, Ngài uống giấm thay cho chúng ta, Ngài bị Ðức Chúa Trời lìa bỏ thay cho chúng ta. Khi được cứu, chúng ta ở trong Chúa Giê-xu. Chúng ta dự phần trong sự chết, sự chôn và sự sống lại của Ngài. Câu "nhúng miếng nàng trong giấm" nghĩa la dự phần với ta trong sự khốn khổ khi ta lên thập tự giá, gánh chịu sự thạnh nộ của Ðức Chúa Trời vì tội lỗi của ngươi, bằng cách nầy tội lỗi của ngươi sẽ được tha thứ".
Ðó là sự cứu rỗi lạ lùng mà Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta. Ðiều nầy cũng gắn liền với ăn bánh nữa. Bạn nhớ trong lễ tiệc thánh chúng ta làm gì để nhớ đến Chúa? Chúng ta ăn bánh để nhớ đến thân thể của Chúa Cứu Thế vỡ ra, chúng ta biết là về thuộc linh, chúng ta gắn liền với Chúa Giê-xu. Chúng ta ăn thân thể Ngài, Ngài là Bánh hằng sống. Trong phần đầu của câu 14, chúng ta có một bức tranh thật đẹp về việc chúng ta được dự phần với Chúa Giê-xu khi Ngài lên thập tự giá vì tội lỗi của chúng ta. Ngài trãi qua cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời qua sự việc uống giấm làm kiểu mẫu.
"Vậy, nàng ngồi gần bên các con gặt." Ai là các con gặt? Bạn có nhớ, Chúa Giê-xu nói trong Giăng 4:35,36 "Hãy nhướng mắt lên và xem đồng ruộng đã vàng sẵn cho mùa gặt. Con gặt đã lãnh tiền công mình và thâu chứa hoa lợi cho sự sống đời đời, hầu cho người gieo giống và con gặt được cùng nhau vui vẻ." Con gặt là hình bóng về những tín hữu được sanh lại, là những người bận rộn với Chúa Cứu Thế trong việc rao giảng Tin Lành, hầu cho những người nhận sự cứu rỗi được gặt ra từ đồng ruộng của thế gian.
Bây giờ Ru-tơ ăn bánh và nhúng miếng trong giấm bởi vì nàng được nhận diện gắn liền với Chúa Cứu Thế trong sự khốn khổ của Ngài, trong việc nhận lấy cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời cho tội lỗi của nàng. Nàng ngồi gần bên các con gặt, nàng bây giờ cũng được kể vào trong những người được cứu, nàng là hình ảnh của những người đến với thân thể của Chúa Cứu Thế. Vâng, nàng là người Mô-áp, nàng là người đàn bà bị rủa sả, nhưng Chúa Cứu Thế đã bị rủa sả thay cho nàng, nàng là hình bóng cho tất cả những người chưa được cứu trong tất cả các nước trên thế giới.
Nếu chúng ta trở lại cùng Chúa Cứu Thế Giê-xu, dự phần trong sự đóng đinh với Ngài bởi vì chúng ta đặt sự tin cậy của mình vào nơi Ngài, thì chúng ta không còn bị rủa sả nữa. Chúng ta ngồi với những con gặt, ngồi với những tín hữu được sanh lại, với những đầy tớ của Ðức Chúa Trời, được Ðức Chúa Trời công nhận là chứng nhân cho Ngài trong công việc của con gặt trên thế gian nầy. Bạn có thấy bức tranh cứu rỗi thật đẹp được mở ra trước mắt của chúng ta trong ngôn ngữ kỳ quặc được Ðức Chúa Trời dùng trong câu chuyện tình lạ lùng giữa Bô-ô và Ru-tơ không? Mới nhìn qua thì kỳ quặc, nhưng đó là vấn đề mấu chốt về những điều lạ lùng cho chúng ta.
Chúng ta đọc tiếp: "Người đưa cho nàng hột mạch rang" Theo nguyên văn tiếng Hê-bơ-rơ, chữ 'đưa' nầy được dùng chỉ một lần trong Kinh Thánh là trong câu nầy, vì vậy rất khó để biết nghĩa của chữ nầy là gì. Có người dịch là sắm sẵn. Tại sao họ lại dùng hột rang? Thêm một lần nữa, chữ nầy cũng không được thông dụng lắm, chữ 'rang' có nghĩa là nướng, nướng bắp hoặc lúa. Chữ nầy dính líu đến những điều khác như thế nào? Chữ hột rang được dùng trong Kinh Thánh liên hệ với Lễ Vượt qua, câu nầy không được dùng nhiều lắm trong Kinh Thánh. Trong Lê-vi-ký 23:14 nói về Lễ Vượt qua "Các ngươi chớ ăn hoặc bánh, hoặc hột lúa rang, hoặc lúa đương ở trong gié cho đến chánh ngày nầy, tức là ngày các ngươi đem dâng của lễ cho Ðức Chúa Trời mình. Mặc dù ở nơi nào, ấy là một lệ định đời đời cho con cháu các ngươi."
Chúng ta đọc trong Giô-suê đoạn 5 về việc dân Y-sơ-ra-ên vào đất hứa, Giô-suê 5:10,11 "Dân Y-sơ-ra-ên đóng trại tại Ghinh ganh trong đồng bằng Giê-ri-cô, và giữ lễ Vượt qua nhằm ngày mười bốn tháng nầy, vào lối chiều tối. Ngày sau lễ Vượt qua, chánh ngày đó dân sự ăn thổ sản của xứ, bánh không men và hột rang." Chúng ta thấy hột rang được liên kết với Lễ Vượt qua. Tại sao điều đó làm hình bóng trong Lễ Vượt qua, tại sao trong Ru-tơ nói rằng: "Người đưa cho nàng hột mạch rang"? Chúng ta có thể nói đây là chuyện tình cờ vì đó là đồ ăn của họ. Vâng, có thể như vậy, nhưng trừ khi chúng ta không tìm thấy những việc tình cờ như vậy nữa trong Kinh Thánh. Ðức Chúa Trời có mục đích và ý định đặc biệt khi dùng ngôn ngữ nầy. Chúng ta sẽ xem xét kỹ khi chúng ta bắt đầu học bài tới.
"Vả, trước hết tôi đã dạy dỗ anh em điều mà chính tôi đã nhận lãnh, ấy là Ðấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh Thánh" I Cô-rinh-tô 15:3
*Nguyên văn: "nói với lòng" (spoken to the heart).

Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 14 (Ru-tơ 2:14-15)
Một cách kiên nhẫn, chúng ta cố gắng tìm hiểu Ðức Chúa Trời muốn nói gì với chúng ta qua câu chuyện tình rất đẹp, đầy ý nghĩa nầy khi chúng ta theo dõi những cuộc đối thoại, những việc xảy ra giữa Ru-tơ và Bô-ô. Ru-tơ, người Mô-áp, bị rủa sả, đàn bà góa, không có tài sản gì cả. Bô-ô, người giàu có và quyền thế, là hình bóng về Ðức Chúa Trời, hình bóng về Chúa Cứu thế Giê-xu. Càng học câu chuyện tình nầy chúng ta càng thấy ân điển của Chúa, Ngài thật sự ban cho chúng ta kiến thức về sự cứu rỗi qua những lời Ngài viết trong sách Ru-tơ.
Chúng ta đang đến câu 14 đoạn 2, ở đây Ru-tơ được Bô-ô mời ăn chung với các con gặt: "Hãy lại gần, ăn bánh nầy và nhúng miếng nàng trong giấm. Vậy, nàng ngồi gần bên các con gặt." Chúng ta đã thấy đây là hình ảnh về việc Ðức Chúa Trời muốn chúng ta gắn liền với Ngài trong sự bị đóng đinh của Ngài. Một khi chúng ta kinh nghiệm được sự chết, sự chôn và sự sống lại trong Chúa Giê-xu thì chúng ta ngồi cùng các con gặt, chúng ta cũng được sanh lại. Chúng ta cũng được Ðức Chúa Trời làm cho có đủ tư cách để ra đồng trong mùa gặt của Tin Lành.
Chúng ta đã xem thấy rằng hột mạch rang có liên quan đến Lễ Vượt qua, là một món ăn được đặc biệt chỉ đến trong Lễ Vượt qua (Lê-vi-ký 23, Giô-suê 5:11). Tôi nghĩ rằng Ðức Chúa Trời đặc biệt nói đến hột mạch rang bởi vì Lễ vượt qua là một Lễ nói trước về Chúa Giê-xu. Dĩ nhiên, đó là lễ được lập ra khi dân Y-sơ-ra-ên đi ra khỏi Ê-díp-tô. Ê-díp-tô trong Kinh Thánh là hình bóng về nhà nô lệ, đó là hình bóng về nô lệ cho tội lỗi. Lúc dân Y-sơ-ra-ên ra đi khỏi Ê-díp-tô, họ bôi huyết chiên con lên mày cửa để thiên sứ vượt qua khỏi nhà họ, bất cứ nhà nào có huyết bôi trên mày cửa thì con trai đầu lòng không bị giết. Vì vậy, mỗi năm dân Y-sơ-ra-ên phải kỷ niệm Lễ Vượt qua để nhắc nhở họ nhớ đến việc ra đi lạ lùng của họ. Thực tế, thiên sứ đã không giết họ, họ được bảo tồn để cả dân tộc có thể đi ra khỏi xứ Ê-díp-tô.
Việc đó chỉ về Chúa Giê-xu, là Ðấng mà trong Kinh Thánh gọi là Lễ Vượt qua của chúng ta. Ngài là Ðấng làm cho chúng ta không còn ở dưới tay thiên sứ của sự chết, không còn ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời. Chúng ta có thể thoát ra khỏi vòng nô lệ của tội lỗi để vào trong sự vinh hiển bởi sự cứu rỗi, trở thành công dân trong vương quốc của Chúa Cứu Thế. Thật ra, ý nghĩa thật của Lễ Vượt qua là một luật lệ chỉ về Chúa Giê-xu sẽ đến, còn Lễ Tiệc Thánh thì nhìn ngược về sự việc Chúa Giê-xu đã đến. Nếu gợi lại, bạn sẽ thấy rằng Lễ Tiệc Thánh được lập ra cùng lúc với Lễ Vượt qua cuối cùng mà Chúa Giê-xu dự. Trong phòng cao nơi mà Ngài tập trung các môn đồ lại trước khi Ngài bị đóng đinh, Ngài ăn Lễ Vượt qua, và cũng cùng bữa ăn đó Ngài lập ra Lễ Tiệc Thánh. Hai lễ nầy có liên hệ mật thiết với nhau, một lễ thì chỉ về sự đến của Chúa Giê-xu, còn lễ kia thì chỉ ngược về việc Chúa Giê-xu đã thật sự đền trả cho tội lỗi của chúng ta.
Trong Ru-tơ 2:14, chúng ta đã thấy giấm liên quan đến việc chúng ta được gắn liền với Chúa Giê-xu qua sự chịu khổ của Ngài. Việc ăn bánh liên quan đến thân thể của Chúa Giê-xu, để chúng ta nhớ đến sự chết của Ngài, Ngài đã chết thay cho chúng ta. Cũng vậy, hột mạch rang chỉ về Lễ Vượt qua và cũng chỉ về thập tự giá, chỉ về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Hột bắp nướng, hột mạch rang thật ra muốn nói về của lễ thiêu của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nướng một vật gì có nghĩa là để vật đó lên trên lửa. Chúa Cứu Thế là Bánh hằng sống đã bị để lên trên lửa, Ngài đã chịu đựng lửa của địa ngục để cho chúng ta được cứu, Ngài là của lễ thiêu. Theo ý định của Bô-ô, ông đưa cho Ru-tơ hột mạch rang, ông đã diễn đạt những gì xảy ra cho chúng ta là những tín hữu. Chúng ta được gắn liền với Chúa Cứu Thế trong việc chịu khổ của Ngài, trong của lễ thiêu là chính mạng sống Ngài.
Chú ý chỗ nầy, "nàng ăn cho đến no nê" , chữ no nê được dùng ở đây có nghĩa là nàng có quá đủ. Qua sự rộng lượng của Bô-ô nàng có quá đủ, ông đã đưa cho nàng nhiều đến nỗi còn dư lại. Chúng ta biết điều nầy bởi vì khi chúng ta đọc đến câu 18, khi Ru-tơ trở về nhà vào chiều tối gặp Na-ô-mi, "Ru-tơ trút phần bữa ăn dư ra mà trao cho người". Chúng ta sẽ xem xét ý nghĩa nầy khi chúng ta học đến câu 18, bây giờ thì chúng ta thấy Bô-ô đưa cho Ru-tơ đồ ăn nhiều đến nỗi nàng ăn no nê. Nhu cầu của nàng đã được thỏa đáp và cũng còn thừa lại. Ðiều nầy nhắc chúng ta về câu chuyện Chúa Giê-xu nuôi năm ngàn người và bốn ngàn người phải không? Ban đầu thì không thể kiếm ra bánh và cá đủ để nuôi một người, nhưng sau khi Chúa Giê-xu bẻ bánh phân phát ra thì năm ngàn người, không kể đàn bà và trẻ em được no nê, rồi Ngài sai các môn đồ đi lượm những bánh thừa thì được 12 giỏ đầy.
Cũng vậy, khi Ðức Chúa Trời cung cấp bánh thuộc linh cho chúng ta thì sẽ quá đủ cho chúng ta. Ngài làm cho chúng ta đầy tràn, Ngài là nguồn cung cấp cho mọi nhu cầu. Không còn gì nữa để cho chúng ta ham muốn khi chúng ta đến với dòng huyết của Chúa Cứu Thế, khi chúng ta được nuôi mình tại thập tự giá. Khi đến với Chúa Giê-xu, chúng ta được ban cho đủ mọi điều chúng ta cần. Bạn có nhớ bài học chúng ta đã học về phần thưởng trọn vẹn không? Ðức Chúa Trời bày tỏ rằng: vì sự cứu rỗi mà Ngài ban cho chúng ta, chúng ta được kế tự muôn vật, đồng kế tự với Ðấng Christ. Chính Ðức Chúa Trời là phần thưởng lớn cho chúng ta. Bạn có thấy ân điển trọn vẹn của Chúa không? Sự phong phú tuyệt vời của ân điển Ngài không lời nào có thể mô tả được. Ân điển Ngài ban cho chúng ta thật dư dật, vô lượng vô biên!
Chúng ta sẽ xem tiếp câu 15: "Ðoạn, nàng đứng dậy đặng mót. Bô-ô truyền lịnh cho các đầy tớ mình rằng: Hãy để cho nàng mót, dẫu ở giữa các bó lúa, chớ làm xấu hổ nàng." Lần nữa, Ru-tơ ở đây là hình ảnh của những người làm việc ngoài đồng, nàng đi lượm giữa các bó lúa, nàng tự động trở thành một trong những người thợ gặt, chúng ta sẽ thấy điều nầy rõ hơn khi chúng ta học đến câu 19. Nàng bắt đầu gặt từ trong những bó lúa, như chúng ta sẽ đọc trong câu 17: "Ru-tơ mót trong ruộng cho đến chiều tối, đập lúa mình đã mót". Ðập lúa có nghĩa là làm cho những hột lúa rụng ra khỏi cọng rơm chỉ để lấy toàn là lúa hột có thể ăn được mà thôi. Ðó là công việc gặt lúa phải không? Ru-tơ đã dự phần trong công việc gặt lúa. Vâng, trong câu chuyện tình nầy nàng vẫn còn là người đàn bà góa bụa nghèo đi mót lúa, nhưng trong ý rộng hơn của câu nầy, nàng được nhìn nhận như là người đang gặt lúa, nàng lượm giữa những bó lúa.
Câu "chớ làm xấu hổ nàng" chữ xấu hổ thường được dùng trong Kinh Thánh có nghĩa là ở dưới sự rủa sả, dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời . Ê-sai 45:17, "Duy Y-sơ-ra-ên đã được Ðức Giê-hô-va cứu cho, được sự cứu đời đời, đến đời đời vô cùng các ngươi không còn mang hổ mang nhơ". Trong câu nầy chữ "mang hổ mang nhơ" có nghĩa ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời. Những dân tộc nào không được cứu, trong ngày sau rốt tất cả tội lỗi của họ sẽ bị phơi bày ra. Họ sẽ bị xấu hổ trước mặt Ðức Chúa Trời bởi vì tất cả tội lỗi của họ, họ sẽ biết họ đã phạm tội chống lại cùng Ðức Chúa Trời quyền năng và cơn thạnh nộ của Ngài sẽ đổ ra trên họ. Nhưng những ai được cứu sẽ không bao giờ bị đem ra bêu xấu, không bao giờ bị xấu hổ trước mặt Ðức Chúa Trời bởi vì không còn sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Vì vậy trong câu 15, chúng ta có hình ảnh của Ru-tơ là đại diện cho những người đã được cứu, những người dự phần trong huyết báu của Chúa Cứu Thế. Nàng được gắn liền với việc "nhúng miếng nàng trong giấm" , biểu hiện cho sự khủng khiếp của cơn thạnh nộ Ðức Chúa Trời trút đổ trên Chúa Giê-xu vì cớ tội lỗi của chúng ta. Bây giờ nàng cũng trở thành một trong các con gặt, dầu nàng vẫn còn mót lúa, nhưng nàng gom các bông lúa lại và "đập lúa mình đã mót". Nàng gặt phần việc được giao cho nàng, đó là công việc của thợ gặt. Bô-ô nói rằng "chớ trách móc nàng" nghĩa là đừng làm cho nàng cảm thấy xấu hổ vì nàng mót lúa trong ruộng. Ðây là một hình ảnh sâu hơn về những người được liên hệ với Chúa Giê-xu. Dù tội lỗi của chúng ta lớn đến mức độ nào, dù chúng ta bị rủa sả, nhưng chúng ta không còn bị xấu hổ, chúng ta không còn bị bẽ mặt trước Ðức Chúa Trời.
Bạn có nhớ A-đam và Ê-va trong vườn Ê-đen không? Khi họ phạm tội chống nghịch lại cùng Ðức Chúa Trời, họ đã làm gì? Có phải họ xấu hổ không? Họ nhận ra rằng họ bị lõa lồ và cố gắng che thân bằng những lá vả. Tại sao họ phải che đậy thân thể của họ? Họ đã từng lõa lồ và đứng trước sự hiện diện của Ðức Chúa Trời trước kia và không cảm thấy xấu hổ gì. Bạn thấy đó! họ xấu hổ, vì về thuộc linh, họ bị lõa lồ. Sự lõa lồ của thân thể là hình bóng về việc tội lỗi họ bị phơi bày trước mặt Ðức Chúa Trời. Vì vậy, sự trách mắng của Ðức Chúa Trời đổ trên họ, cho nên họ cần có gì đó để che đậy sự lõa lồ lại. Dĩ nhiên, đồ che dậy mà họ chọn thì không đúng, Ðức Chúa Trời đã ban cho họ da thú để mặc. Ðiều nầy chỉ về việc đổ huyết ra để có thể có được đồ che thân đúng cách. Việc đổ huyết hay việc giết con thú là chỉ về Chúa Cứu Thế Giê-xu, Ngài là Chiên con bị giết để tội lỗi, sự xấu hổ của chúng ta được che đậy, đó là hình ảnh của câu 15 ở đây. Khi Bô-ô nói "chớ trách móc nàng" nghĩa là nàng không còn bị xấu hổ, về thuộc linh nàng không còn ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời, nàng bây giờ là hình bóng về những người được cứu.
"Vậy, Ru-tơ mót trong ruộng cho đến chiều tối, đập lúa mình đã mót..." Bạn biết không? Có một ý kiến rất là thích thú ở đây, chữ "chiều tối" trong Kinh Thánh thường là hình bóng về ngày tận thế. "Trong khi còn ban ngày, ta phải làm trọn những việc của Ðấng đã sai ta đến; tối lại, thì không ai làm việc được." Giăng 9:4. Dĩ nhiên, ý nghĩa đầu tiên của trường hợp nầy nói về thời điểm Tin Lành không còn rao giảng, không còn cơ hội cho sự cứu rỗi nữa, nhưng cũng chỉ về ngày tận thế. Khi Chúa Cứu Thế trở lại nghĩa là chiều tối đã đến, đó là thời gian cho mùa gặt. Nếu bạn đọc Ma-thi-ơ đoạn 13, bạn sẽ thấy thí dụ Chúa so sánh vương quốc của Ngài với đồng lúa vào mùa gặt.
Mùa gặt là ngày sau rốt, Ngài sẽ phân chia lúa mì và cỏ lùng, rơm rạ ra. Dĩ nhiên, lúa mì là hình bóng về những tín hữu được sanh lại. Xin bạn đọc I Cô-rinh-tô 6:2 và Khải huyền đoạn 2, Ðức Chúa Trời nói về những tín hữu sẽ cùng với Ðấng Christ phán xét thế gian. Chúng ta sẽ phán xét loài người, chúng ta sẽ phán xét các thiên sứ. Nghĩa là, chúng ta sẽ phán xét những ai chống nghịch lại cùng Ðức Chúa Trời. Trong ý nghĩa đó, chúng ta đập lúa, chúng ta phụ giúp trong mùa gặt, phân chia lúa hột ra khỏi rơm rạ. Hình ảnh đó chúng ta có ở đây khi Ru-tơ đập lúa nàng đã mót.
Hãy xem phần cuối của câu 17: "hứng được chừng một ê-pha lúa mạch". Tại sao Chúa cung cấp cho chúng ta sự kiện nầy? Chúng ta có thể nói theo câu chuyện lịch sử, Bô-ô rất rộng rãi với nàng. Nàng đến cánh đồng nầy vào buổi sáng là một người đàn bà nghèo, góa bụa, khách lạ, bị rủa sả, hi vọng sẽ mót được một ít chỗ nầy, một ít chỗ khác. Có thể nhờ làm việc siêng năng cả ngày, nàng có thể có đủ đồ ăn cho nàng và Na-ô-mi vào chiều hôm đó. Thường thường, đó là những gì người đi mót lúa có thể kiếm được trong ruộng. Nếu có đủ con gặt và họ gặt rất là cẩn thận thì chắc là sót rất ít, nhưng hãy xem số lượng lúa dư dật mà nàng mót chỉ trong một ngày, một ê-pha! Một ê-pha lúa mì chừng 20 lít, phải nhiều bông lúa gom lại mới được chừng nầy. Làm sao mà nàng có được nhiều lúa như vậy? Lý do là vì Bô-ô đối xử rất tốt với nàng, Bô-ô quá nhân từ quan tâm đến nàng cho nên nàng được nhiều lúa như vậy. Nhưng chúng ta tự hỏi, có ý nghĩa thuộc linh nào trong chữ ê-pha không?
Tôi không dám chắc chữ ê-pha là hình bóng về gì nhưng tôi biết một điều. Trong Lê-vi-ký 5:11, Ðức Chúa Trời chỉ dạy trong việc mang của lễ chuộc tội đến với Chúa thì có một phần mười ê-pha bột lọc. "Nếu không phương thế cho có một cặp cu hay là cặp bò câu con được, thì người vì tội mình đã phạm, phải đem một phần mười ê-pha bột lọc làm của lễ chuộc tội, không nên đổ dầu trên và cũng không nên thêm nhũ hương, vì là một của lễ chuộc tội". Một phần mười của vật gì đó tương đương với toàn phần. Một của lễ chuộc tội đầy đủ biểu hiện bằng một ê-pha bột lọc. Khi người tín hữu trong Cựu ước dâng một phần mười về lợi tức có nghĩa là họ dâng tất cả cho Ðức Chúa Trời. Vì vậy chúng ta có thể nói trong câu 17 chép: "chừng một ê-pha lúa mạch" nghĩa là sự trọn vẹn cho một của lễ hi sinh, Ðức Chúa Trời đã che đậy tội lỗi của nàng hoàn toàn. Tôi không chắc chắn lắm trong sự giải thích nầy nhưng chắc rằng phải có ý nghĩa gì đó cặp theo với điều nầy. Thứ nhất, lẽ thật mà Ðức Chúa Trời ban cho ở đây là sự dư dật quá đỗi của mùa gặt nên nàng mót được cả một ê-pha. Ðối với đàn bà, đó là một số lượng rất lớn khi mót chỉ trong một ngày. Thứ nhì, điều nầy có thể liên quan đến một ê-pha trong của lễ chuộc tội. Tất cả tội lỗi của Ru-tơ đã được đền trả.
Trong bài học tới chúng ta sẽ học câu 16, một ngôn ngữ thú vị được dùng ở đây. Ðây là câu mà Bô-ô nói, "Cũng hãy rút vài gié trong bó lúa, bỏ rớt cho nàng lượm lấy, và chớ trách móc nàng chút nào". Một lần nữa, đây là ngôn ngữ thật kỳ quặc phải không? Khi đọc câu nầy chắc bạn sẽ lấy làm lạ, nếu bạn đọc những bản dịch hiện đại thì sẽ thấy người ta thay đổi để cho câu nầy có ý nghĩa hơn. Trong bài học tới chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao Chúa lại dùng ngôn ngữ kỳ quặc như vậy, có ý nghĩa thuộc linh gì Ðức Chúa Trời cho chúng ta ở đây không?
"Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Ðức Chúa Giê-xu Christ." Rô-ma 8:1
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 15 (Ru-tơ 2:16)
Khi tiếp tục học sách Ru-tơ, nhiều lần chúng ta khám phá ra rằng, sách Ru-tơ không phải là một sách mà nhìn sơ qua chúng ta có thể hiểu được. Tôi chắc rằng nhiều lần bạn đọc sách nhỏ nầy, bạn sẽ tự hỏi tại sao Chúa lại đặt sách nầy trong Kinh Thánh. Có lẽ lý do lớn nhất mà bạn nghĩ ra là: Ðức Chúa Trời đã bày tỏ cho chúng ta thấy rằng ngay cả người đàn bà bị rủa sả là Ru-tơ, người Mô-áp, có thể trở thành một người trong dòng dõi của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Rõ ràng, nàng là một trong những tổ tiên của Chúa Giê-xu về phần xác thịt. Nhưng khi học thật kỹ càng sách Ru-tơ, chúng ta tìm thấy nhiều ngôn ngữ rất kỳ quặc. Ðức Chúa Trời đã chọn lựa từng chữ rất là cẩn thận, bởi vì nhiều hơn là tình tiết của một câu chuyện tình hấp dẫn, chúng ta sẽ bắt đầu thấy rằng từng câu, ngay cả từng chữ đều ám chỉ đến sự cứu rỗi mà Ðức Chúa Trời đã hoạch định cho chúng ta. Tôi hy vọng rằng bạn sẽ không cảm thấy khó chịu khi chúng ta tìm thấy lẽ thật thuộc linh trong sách Ru-tơ.
Ðể tìm ra lẽ thật thuộc linh giấu kín trong sách Ru-tơ hay bất cứ sách nào trong Kinh Thánh, chúng ta không thể dùng sự suy đoán đến trong trí của mình và nói rằng có thể hiểu thế nầy hoặc hiểu thế khác. Chúng ta phải gắn chặt với Kinh Thánh, chính Kinh Thánh giải thích cho Kinh Thánh. Chúng ta không được tìm những lẽ thật thuộc linh sâu sắc một cách không căn cứ, hoặc từ suy nghĩ của chúng ta, nhưng phải tìm trong Kinh Thánh để xem Ðức Chúa Trời có ban cho chúng ta kết luận nào không, và phải chắc rằng những gì chúng ta tìm kiếm đã được chép ở một chỗ nào đó trong Kinh Thánh. Kinh Thánh là cả một khối dính liền, Kinh Thánh là lời của Ðức Chúa Trời đáng tin cậy, trí óc của chúng ta thì không thể tin cậy được. Bạn đã nhận thấy rằng khi chúng ta học sách Ru-tơ, những bài học thuộc linh mà chúng ta nhận được luôn luôn hướng về tính chất căn bản của sự cứu rỗi.
Tôi thích nói về sự cứu rỗi tuyệt vời mà Ðức Chúa Trời ban cho tôi, nhưng không phải vì thế mà tôi cứ tìm kiếm điều gì đó liên quan đến sự cứu rỗi trong từng câu và nếu có thể vặn cho méo mó hay lật bề trái ra bề phải thì cứ tự tiện làm. Không! làm như vậy rất sai lầm, như vậy là đi ngược lại với ý định của Kinh Thánh. Khi chúng ta so sánh những chữ được dùng ở đây và những chỗ khác trong Kinh Thánh, so sánh với thực tế của sự cứu rỗi thì thấy có mối liên hệ rất rõ rệt, luôn luôn gắn liền với sự cứu rỗi. Khi tìm kiếm lẽ thật thuộc linh, chúng ta sẽ thấy những lẽ thật thuộc linh luôn liên quan đến sự cứu rỗi. Trong Tân Ước, khi Chúa Giê-xu nói thí dụ thì Ngài thường nói "Nước thiên đàng giống như..." "Nước thiên đàng giống như hạt cải hay người gieo giống". Nhiều lần như vậy, Ngài gắn liền những thí dụ với nước thiên đàng. Nhưng nước thiên đàng là gì? Nước thiên đàng là nước của Ðức Chúa Trời hay vương quốc của Chúa Cứu Thế.
Ðó là vương quốc lạ lùng mà chúng ta bước vào khi chúng ta được cứu. Chúa Giê-xu nói về điều nầy với Ni-cô-đem rất rõ ràng trong Giăng 3:3,5 "Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Ðức Chúa Trời", "Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Ðức Chúa Trời". Nghĩa là, trừ khi bạn được rửa sạch bởi lời của Ðức Chúa Trời trong đời sống bạn, bạn không thể nào bước vào thiên đàng được. Nước thiên đàng gắn liền với sự cứu rỗi, Chúa Giê-xu là vua của vương quốc mà chúng ta sẽ bước vào khi chúng ta được cứu. Như Cô-lô-se 1:13 chép: "Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi quyền của sự tối tăm, làm cho chúng ta dời qua nước của Con rất yêu dấu Ngài". Vì thế, chúng ta không ngạc nhiên khi chúng ta tìm thấy ý nghĩa thuộc linh trong những chữ hay câu kỳ quặc trong sách Ru-tơ và thấy rằng nó gắn liền với nước thiên đàng hay sự cứu rỗi.
Chúng ta không bao giờ phủ nhận sự kiện lịch sử, sự thực tế của những gì đã xảy ra. Có Ru-tơ, có Bô-ô, có Na-ô-mi, Bết-lê-hem, xứ Mô-áp và những câu đối thoại mà chúng ta đọc trong sách Ru-tơ đã thật sự xảy ra. Ðáng buồn thay! nhiều người bắt đầu cảm giác rằng trong Kinh Thánh có lẽ thật thuộc linh và trong sự sốt sắng của họ muốn tìm ra ý nghĩa thuộc linh đó, họ đã phủ nhận sự thực tế của lời Ðức Chúa Trời. Cuối cùng, họ đi đến kết luận rằng Kinh Thánh đơn giản chỉ là một bức tranh bằng chữ, những bài học thuộc linh, hay chỉ là một câu chuyện thí dụ lớn mà Ðức Chúa Trời đã viết.
Như vậy chúng ta không cần tìm hiểu về sự kiện lịch sử vì chúng ta không tin Kinh Thánh có ý nghĩa lịch sử hay có giá trị lịch sử. Họ đặt cả Kinh Thánh ngang hàng với những thí dụ mà Chúa Giê-xu dạy. Khi Ðức Chúa Trời nói về sự sáng tạo trong Sáng-thế-ký chương 1, Ngài đã không bịa chuyện để kể cho chúng ta rồi sau đó chúng ta sẽ đọc và quyết định là trong câu chuyện hấp dẫn nầy có lẽ thật thuộc linh nào đó, không đời nào! Chúng ta phải nhớ rằng chương 1 của Sáng-thế-ký hay bất cứ phần nào của Kinh Thánh viết về câu chuyện trong lịch sử thì những câu chuyện đó đã thật sự xảy ra. Những câu chuyện đó là có thật và được chép lại trong Kinh Thánh. Cũng vậy, trong sách Ru-tơ chúng ta biết rằng có Ru-tơ, có Bô-ô, có Na-ô-mi.
Bạn có nhớ không? Trong Mác 4:33-34 "Ấy bởi nhiều lời thí dụ như cách ấy mà Ngài giảng đạo cho họ, tùy theo sức họ nghe được. Ngài chẳng hề giảng cho chúng mà không dùng thí dụ". Chúa Giê-xu đã trở thành Lời trong xác thịt, Ngài đã đến để sống bày tỏ ra Lời của Ðức Chúa Trời, Ngài được nhận diện là Lời của Ðức Chúa Trời. Vì Kinh Thánh là lời của Ðức Chúa Trời, vì Chúa Giê-xu dùng nhiều thí dụ và chẳng hề giảng mà không dùng thí dụ cho nên chúng ta chắc chắn rằng có nhiều thí dụ xuyên suốt Kinh Thánh. Có nhiều thí dụ Chúa Giê-xu tỏ ra cho chúng ta thật sự là những lẽ thật thuộc linh được giấu trong sự kiện lịch sử. Vâng! nhiều câu chuyện trong những thí dụ Ngài kể thì không có thật trong lịch sử, nghĩa là những câu chuyện nầy đã không xảy ra và Chúa Giê-xu cũng đưa ra những bằng chứng như vậy.
Mặt khác, nhiều việc xảy ra mà Chúa Giê-xu đã làm có thật trong lịch sử, nhưng những câu chuyện đó cũng là những thí dụ trong ý nghĩa thuộc linh sâu sắc hơn được Ðức Chúa Trời nhấn mạnh qua những câu chuyện lịch sử nầy. Thí dụ, khi Chúa Giê-xu chữa lành người bại, Ngài đã không đơn giản chữa lành một người bệnh bại chỉ để bày tỏ rằng Ngài có thể làm phép lạ chữa lành và không còn gì thêm nữa. Không! không chỉ như vậy đâu. Qua câu chuyện nầy Ðức Chúa Trời bày tỏ cho chúng ta biết rằng ngay cả người bị bại từ lúc mới sanh, không có khả năng làm gì cả bởi vì hoàn cảnh bại xuội của người đó, thì cũng giống như vậy, tâm linh của con người chúng ta bị bại xuội.
Chúng ta không có khả năng sống đời sống như cách mà Ðức Chúa Trời đã dựng nên chúng ta để hưởng đủ mọi điều mà Ngài ban cho chúng ta trong mối tương giao với Ngài. Khi Chúa Giê-xu đến, Ngài chữa lành người bệnh bại, người mù hay kêu người chết sống lại. Cũng vậy, Ngài đến chữa cho chúng ta là những người bại, người mù, người chết về thuộc linh. Khi chúng ta áp dụng những câu chuyện lịch sử trong các sách Tin Lành, khi chúng ta nhìn sâu vào lẽ thật thuộc linh, chúng ta sẽ thấy sứ điệp cứu rỗi rất đẹp được trình bày bằng một phương cách rất hay.
Bạn còn nhớ câu chuyện người mù trong Giăng 9 không? Môn đồ hỏi Chúa Giê-xu rằng tội của ai, của người hay của cha mẹ người. Câu trả lời của Chúa Giê-xu thật đầy thú vị, "Ðó chẳng phải tại người hay cha mẹ đã phạm tội; nhưng ấy để cho những việc Ðức Chúa Trời được tỏ ra trong người". Công việc của Ðức Chúa Trời là đem Tin Lành để chữa lành bệnh tật tội lỗi của linh hồn chúng ta, đó là công việc mà Ngài đã đến để bày tỏ ra cho thế gian nầy. Ngài đã chữa lành người mù, đơn giản bày tỏ rằng ngay cả người nầy bị mù mà ta có thể chữa lành được thì cũng vậy, ta có thể chữa lành tâm linh mù lòa của các ngươi. Ðó là lý do cho những thí dụ, dĩ nhiên có lý do khác cho những thí dụ như Chúa Giê-xu giải thích trong sách Tin Lành Mác (4:11,12).
Nghĩa là, những ai đến với Kinh Thánh mà không tin cậy Kinh Thánh một cách tuyệt đối, những ai không xem Kinh Thánh là lời của Ðức Chúa Trời sẽ không bao giờ khám phá ra lẽ thật thuộc linh. Họ sẽ nhìn vào những câu chuyện lịch sử hay thí dụ mà Chúa Giê-xu kể và nói rằng: Có ý nghĩa gì trong đó đâu, hay họ sẽ đi đến một kết luận sai lầm về những gì Ðức Chúa Trời muốn nói. Ðức Chúa Trời giấu Tin Lành khỏi họ bằng cách nầy. Vì vậy, có nhiều người đọc Kinh Thánh không nhận được sự sâu sắc và đầy ý nghĩa tuyệt vời của Kinh Thánh mà Ðức Chúa Trời trình bày cho chúng ta về sự vinh hiển của sứ điệp cứu rỗi từ trang nầy đến trang khác. Họ đọc những sách nầy và cảm thấy không có gì dính líu đến thông điệp của sự cứu rỗi. Cuối cùng, họ kết luận: "Ðây chỉ là một câu chuyện tình, có một tình tiết rất hay trong câu chuyện giữa Bô-ô, Ru-tơ và Na-ô-mi, có thể đơn giản cho là như vậy".
Nhưng khi chúng ta thật sự biết rằng đây là lời của Ðức Chúa Trời, khi chúng ta thật sự biết rằng Ðức Chúa Trời có một sứ điệp tuyệt vời cho nhân loại, đó là sứ điệp cứu rỗi. Khi chúng ta thật sự biết rằng Ðức Chúa Trời không viết Kinh Thánh một cách vẫn vơ, không mục đích. Khi chúng ta biết từng lời, từng chữ là lời thánh và chính xác chữ mà Ngài muốn nói với chúng ta. Khi chúng ta bắt đầu thấy Kinh Thánh là khải thị của trí óc vô biên của Ðức Chúa Trời, thì chúng ta sẽ bắt đầu khám phá ra lẽ thật thuộc linh mà Ðức Chúa Trời đã giấu trong lời của Ngài. Vì vậy, đây là những gì mà chúng ta làm trong khi học sách Ru-tơ. Tôi hi vọng rằng chúng ta sẽ được thách thức đọc Kinh Thánh nhiều lần.
Tôi làm gián đoạn trong bài học nầy để xem xét những gì chúng ta đang làm một cách khách quan. Bởi vì không có điều gì bắt buộc chúng ta tiếp tục áp dụng một phương pháp học Kinh Thánh, rồi sau đó khám phá ra rằng tất cả công việc đó không theo ý của Thánh Kinh gì cả. Nếu chúng ta làm bất cứ việc gì trong đời sống của chúng ta, nếu chúng ta hiểu về bất cứ giáo lý nào thì chúng ta sẽ không ngần ngại đối diện, xem xét một cách khách quan, đây có phải là những gì chúng ta muốn làm hay không? Ðây là cách mà chúng ta làm trong bài học hôm nay, đơn giản xem xét toàn bộ thông lệ của việc tìm kiếm ý nghĩa thuộc linh trong ngôn ngữ thuộc về lịch sử của sách Ru-tơ. Tôi chắc rằng có nhiều người trong quí vị cảm thấy khó chịu khi học những điều nầy. Nhưng bạn có nhận thấy rằng khi học sách Ru-tơ, chúng ta luôn luôn gắn liền Kinh Thánh với Kinh Thánh không? Chúng ta luôn tìm thấy ý nghĩa thuộc linh sâu sắc bởi gắn liền với những phần khác của Kinh Thánh. Thật ra, chúng ta để sách Ru-tơ hướng dẫn chúng ta đến những phần khác trong Kinh Thánh.
Bây giờ chúng ta đang đến chương 2 câu 15, trong bức tranh nầy chúng ta thấy Ru-tơ ăn trưa với Bô-ô, nàng ăn bánh và nhúng miếng nàng trong giấm. Bô-ô đã rất thận trọng bày tỏ ý của ông bằng cách đưa cho nàng hột mạch rang. Trong sự kiện nầy chúng ta đã thấy một bức tranh rất đẹp về tính chất sự cứu rỗi bởi được nhận diện với Chúa Cứu Thế trong sự đóng đinh với Ngài. Chúng ta đã thấy nàng trở ra để mót, đây là bức tranh cho thấy nàng đã trở nên một trong những con gặt. Ðồng lúa đã chín vàng và nàng đang gặt lúa, đập lúa, nàng là đại diện cho những người tín hữu được sanh lại.
Chúng ta là con gặt trong mùa gặt của đồng lúa thế gian, khi chúng ta rao giảng Tin Lành là chúng ta gặt lúa. Chúng ta gặp những người dự phần trong vương quốc của Ðức Chúa Trời, những người mà Ðức Chúa Trời đã lựa chọn để được sanh lại, đây là một phần trong chương trình gặt lúa. Chúng ta đã thấy rằng nàng mót được rất nhiều, một ê-pha lúa mạch. Ê-pha không chỉ bày tỏ sự dư dật, bởi vì một ê-pha lúa mạch là một thùng lúa, số lượng rất nhiều đối với một người đàn bà nghèo, yếu đuối mót được trong một ngày, nhưng cũng là một bức tranh về tình yêu thương của Ðức Chúa Trời cho chúng ta và sự dư dật của Chúa Giê-xu. Chúng ta đã xem xét điều nầy trong Lê-vi-ký 5:11 nói về của lễ chuộc tội.
Trong lễ chuộc tội dân Y-sơ-ra-ên phải đem theo một con chiên, nếu họ không thể có được con chiên thì có thể thay bằng một cặp chim cu hay bò câu, nếu họ nghèo quá không lo nổi một cặp chim thì họ phải mang đến một phần mười ê-pha bột lọc. Chúng ta đã thấy một phần mười của ê-pha là tượng trưng cho cả ê-pha, thật ra là đồng nghĩa với con chiên. Dĩ nhiên, con chiên là hình bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu, vì vậy một ê-pha là hình bóng về Chúa Giê-xu. Khi chúng ta được gắn liền với Chúa Giê-xu, chúng ta sẽ ở trong Ngài, Ngài được ban cho chúng ta. Tôi tin rằng một ê-pha chỉ về sự dư dật của ân điển Ðức Chúa Trời ban Ðức Chúa Giê-xu cho chúng ta. Chúng ta đã thấy hình ảnh đẹp nầy khi chúng ta học về phần thưởng trọn vẹn trong Sáng-thế-ký 15:1, Ðức Chúa Trời phán với Áp-ra-ham rằng Ngài là phần thưởng rất lớn của ông. Theo tôi, đây là bài học Chúa dạy chúng ta về chữ một ê-pha hột mạch rang mà Ru-tơ mót được. Nàng đã thật sự tiếp nhận Chúa Cứu Thế như là phần thưởng lớn cho nàng, một ê-pha là hình bóng về Chúa Cứu Thế.
Chúng ta sẽ đến câu mà chúng ta không có dịp học trong bài nầy, câu 16. Dầu sao thì chúng ta sẽ đọc và xem xét trong bài học tới. "Cũng hãy rút vài gié trong bó lúa, bỏ rớt cho nàng lượm lấy..." Thật ra ý định của câu nói nầy Bô-ô bảo các đầy tớ rút lúa ra khỏi bó với mục đích là làm rớt, và theo luật lệ nếu lúa rớt thì họ không trở lại để lượm, phải để dành cho những người nghèo, góa bụa, khách lạ. Tất cả những điều nầy đều gắn liền với Ru-tơ, bởi cách nầy nàng sẽ lượm được nhiều hơn. Ðức Chúa Trời muốn nói gì qua ngôn ngữ nầy bởi vì nhiều hơn việc Bô-ô bảo các đầy tớ làm bộ bỏ lúa rớt, chắc có một ý nghĩa thuộc linh sâu sắc ở đây.
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 16 (Ru-tơ 2:16-17)
Trong Ru-tơ 2:16 Ðức Chúa Trời cho chúng ta một ngôn ngữ rất khác thường, Bô-ô nói với các đầy tớ của ông: "Cũng hãy rút vài gié trong bó lúa, bỏ rớt cho nàng lượm lấy, và chớ trách móc nàng chút nào". Ngôn ngữ nầy rất là lạ, khi chúng ta xem trong tiếng Hê-bơ-rơ thì chúng ta sẽ càng thấy nhiều bất thường. Ngay tức thì chúng ta sẽ có cảm giác rằng lẽ thật gì mà Chúa đã giấu trong những lời lẽ buồn cười nầy?
Chư "hãy rút" trong câu 16, tiếng Hê-bơ-rơ là: shâlal, nguyên gốc chữ nầy có nghĩa là 'cướp của', 'tước đoạt'và thường thường được dùng trong ý nghĩa nầy. Những chỗ khác trong Kinh Thánh không bao giờ dịch chữ nầy là "hãy rút". Những dịch giả của Kinh Thánh không biết làm gì với chữ nầy nên dịch la ?227;y rút". Họ kết luận: với ý định của câu nói nầy bởi vì Bô-ô bắt đầu yêu Ru-tơ cho nên ông đối đãi với nàng rất rộng rãi, nhân từ. Ông đã dặn bảo các đầy tớ rút ra vài gié lúa trong những bó làm rơi rớt xuống đất, và theo luật lệ của xứ thì nếu có những bông lúa nào rơi rớt thì không được trở lại lượm lấy mà để dành cho người nghèo, khách lạ, góa bụa. Dĩ nhiên, trong ruộng nầy Ru-tơ là người hội đủ các điều kiện đó. Nàng góa bụa, nghèo túng, người ngoại bang vì đến từ một xứ khác, điều nầy bày tỏ sự thông cảm của Bô-ô đối với nàng để cho nàng có đủ lúa.
Chúng ta đã thấy là đến chiều thì nàng đã mót được một ê-pha lúa mạch. Có thể bạn sẽ nghĩ rằng câu chuyện tình mà Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta ở đây nếu viết bằng ngôn ngữ đơn giản thì sẽ dễ hơn. Chắc chắn là tác giả của sách Ru-tơ, nếu không được Ðức Chúa Trời hà hơi thì sẽ viết như thế nầy: Bô-ô dặn bảo các con gặt thỉnh thoảng phải làm rớt những bông lúa để Ru-tơ có thể mót được. Nhưng ở đây chúng ta có những lời lẽ thật là kỳ quặc, bởi vì Ðức Chúa Trời đã chọn những chữ nầy.
Chữ được dịch là "vài gié" thật ra là chữ tsebathim, chữ nầy được tìm thấy chỉ có một lần trong Kinh Thánh là ở trong câu nầy. Nếu dùng Kinh Thánh làm tự điển giải thích Kinh Thánh thì rất khó ở đây. Dịch giả Kinh Thánh cũng không biết phải làm gì với chữ nầy nên có người dịch là 'ý định', người khác dịch là 'một nắm' mặc dầu trong tiếng Hê-bơ-rơ không có chữ nào giống như vậy. Nhưng có một chữ khác trong tiếng Hê-bơ-rơ rất gần với chữ nầy, đó là tseba, năm chữ cái đầu của chữ nầy gắn liền với chữ trong câu 16, tỏ ra rằng gần như những chữ nầy cùng một gốc. Chữ đó thường được dịch là 'ý muốn' hay 'ý định', rất gần với chữ "đưa" trong câu 14, nghĩa là ý của Bô-ô muốn Ru-tơ có hột mạch rang. Bày tỏ ý của Ðức Chúa Trời muốn gắn liền chúng ta với kinh nghiệm thập tự giá.
Bây giờ hãy xem chữ thứ ba, "bỏ rớt" cho nàng lượm lấy. Chữ được dịch là "bỏ rớt" ở đây cũng có nghĩa là 'cướp của' hay 'của cướp', cùng một chữ với "hãy rút". Như vậy chữ nầy cũng có nghĩa là 'cướp của'. Nếu dịch sát nghĩa câu 16 thì chúng ta được Ðức Chúa Trời viết cho chúng ta qua sách Ru-tơ như thế nầy: "Cũng hãy 'có ý định'?ướp của', để 'của cướp' cho nàng lượm lấy, và chớ trách móc nàng chút nào". Tôi chắc rằng theo sự kiện lịch sử thì ý định bỏ rớt những gié lúa và những lúa bị rơi rớt sẽ được dành cho người mót lúa, nhưng tại sao Ðức Chúa Trời dùng loại ngôn ngữ nầy?
Chữ 'cướp của' trong Kinh Thánh có ý nghĩa rất đặc biệt. Khi hai quân đội có chiến trận, bên nào chiến thắng thì sẽ chia của cướp, có nghĩa là họ sẽ xông vào nhà của quân địch và cướp của. Chúa Giê-xu dùng ngôn ngữ nầy trong Ma-thi-ơ 12:29 khi Ngài nói rằng Ngài phải trói Sa-tan lại, "Hay là, có lẽ nào, ai vào nhà một người mạnh sức để cướp lấy của, mà trước không trói người mạnh sức ấy được sao? Phải trói người mạnh sức rồi mới cướp của nhà người được". Thật sự câu nầy ra từ Ê-sai 49:24, "Vậy của cải bị người mạnh bạo cướp lấy, há ai giựt lại được sao? người công bình bị bắt làm phu tù, há ai giải cứu được sao? Song Ðức Giê-hô-va phán như vầy: Thật, những kẻ bị người mạnh bạo bắt lấy sẽ được cứu thoát, mồi của người đáng sợ sẽ bị giựt lại. Vì ta sẽ chống cự kẻ đối địch ngươi, và chính ta sẽ giải cứu con cái ngươi". Nói cách khác, Ðức Chúa Trời bày tỏ rằng Sa-tan là người mạnh sức, phu tù của Sa-tan sẽ bị giựt lại, những phu tù là những 'của cướp'của Sa-tan. Dĩ nhiên, phu tù là hình bóng về những người được cứu khi Chúa Cứu Thế trói Sa-tan lại. Chúa Giê-xu rao giảng Tin Lành ra cho thế gian để những người tin Ngài sẽ thoát khỏi vương quốc, ngục tù của Sa-tan mà vào trong vương quốc của Ngài. Nhà của Sa-tan bị xông vào cướp, đó là cách mà chữ 'cướp của'được dùng trong Kinh Thánh.
Trong Ê-sai 53, chúng ta có một chương rất đẹp liên quan về việc Ðấng Mê-si sẽ đến, dĩ nhiên là chỉ về Chúa Cứu Thế Giê-xu, Ê-sai 53:9, "Người ta đã đặt mồ người với những kẻ ác, nhưng khi chết, người được chôn với kẻ giàu; dầu người chẳng làm điều hung dữ và chẳng có sự dối trá trong miệng. Ðức Giê-hô-va lấy làm vừa ý mà làm tổn thương người, và khiến gặp sự đau ốm. Sau khi đã dâng mạng sống người làm tế chuộc tội, người sẽ thấy dòng dõi mình; những ngày người sẽ thêm dài ra, và ý chỉ Ðức Giê-hô-va nhờ tay người được thạnh vượng. Người sẽ thấy kết quả của sự khốn khổ linh hồn mình, và lấy làm thỏa mãn. Tôi tớ công bình của ta sẽ lấy sự thông biết về mình làm cho nhiều người được xưng công bình; và người sẽ gánh lấy tội lỗi họ". ễ đây nói về việc Chúa Cứu Thế sẽ đến để cứu một số đông người về cho Ngài bởi mang gánh lấy tội lỗi của họ. Chú ý câu 12, "Vậy nên ta sẽ chia phần cho người đồng với người lớn. Người sẽ chia của bắt với những kẻ mạnh, vì người đã đổ mạng sống mình cho đến chết, đã bị kể vào hàng kẻ dữ, đã mang lấy tội lỗi nhiều người, và cầu thay cho những kẻ phạm tội". Câu: "Người sẽ chia của bắt với những kẻ mạnh" là ngôn ngữ có nghĩa: Ngài lấy lại của cướp từ người mạnh là Sa-tan.
Sa-tan đã giữ cả thế gian nầy trong sự nô lệ suốt 11.000 năm, từ khi A-đam sa ngã đến khi Chúa Giê-xu xuống thế gian, chỉ có rất ít người tin Chúa trong giai đoạn nầy. Thời Nô-ê chỉ có 8 linh hồn, trong thời Ê-li trên cả thế giới chỉ có 7.000 người không quì lạy thần Ba-anh. Khi Chúa Giê-xu đến, thế giới có rất ít người tin Chúa, nhưng Chúa Cứu Thế đến để lấy lại của cướp đó từ tay của Sa-tan. Sau khi Chúa Giê-xu lên thập tự giá, nhiều người đã được cứu, 3.000 người được cứu chỉ trong một buổi trưa của ngày lễ Ngũ tuần, thời gian ngắn sau đó thì thêm 5.000 người nữa, và điều nầy cứ tiếp diễn trong suốt thời Tân ước. Chúa Cứu Thế đang chia của cướp với người mạnh, nghĩa là Ngài đang lấy lại của cướp ra khỏi vương quốc của Sa-tan. Ðó là ý nghĩa của chữ 'của cướp'được dùng hai lần ở đây trong câu 16.
Bạn có nhớ câu 14 trong vài bài học trước không? Chúng ta có hình ảnh Ru-tơ được nhận diện là một trong những người tín hữu, và bây giờ nàng là con gặt. Những tín hữu là con gặt đang gặt trên cánh đồng thế gian, chúng ta đang cướp của người mạnh sức. Theo như ngôn ngữ của Ê-sai 53, chúng ta đang chia của cướp với người mạnh sức. Chúng ta là đại sứ của Ðấng Christ, công việc của chúng ta là gặt trên cánh đồng thế gian, khi chúng làm công việc đó, nghĩa là chúng ta đang cướp của người mạnh sức. Ðây là lẽ thật thuộc linh trong câu 16, Ru-tơ được mô tả ở đây không phải là người đàn bà Mô-áp bị rủa sả bởi Ðức Chúa Trời nữa, vâng nàng bắt đầu từ đó, nhưng bây giờ nàng được mô tả như là những người đang ở dưới sự gìn giữ chăm sóc của Chúa Giê-xu, nàng là người đã được cứu. Hình ảnh được mở ra ở đây là nàng đang mót lúa trong ruộng, và nàng đang cướp của kẻ thù, nàng đang lượm những của cướp. Ðây là điều chúng ta làm khi chúng ta rao giảng Tin Lành, mỗi khi có người được cứu khi chúng ta chia xẽ Tin Lành, chúng ta đang xông vào nhà người mạnh sức để cướp của. Chúng ta được Ðức Chúa Trời dùng như là một công cụ để lấy lại những phu tù từ nhà của Sa-tan.
Việc nầy được thực hiện trong ý định của Ðức Chúa Trời, không phải việc nầy được làm một cách tình cờ, thất thường. Ðức Chúa Trời có một kế hoạch đã được cân nhắc kỹ lưỡng về sự cứu rỗi cho người chưa được cứu. Ngài biết chính xác ai sẽ được cứu, Ngài biết rõ thời điểm nào người ta sẽ được cứu. Ðức Chúa Trời biết từ ban đầu cho đến cuối cùng. Khi chúng ta chia xẽ Tin Lành là chúng ta xông vào nhà của Sa-tan để cướp của, và của cướp thì nhiều lắm bởi vì Ðức Chúa Trời dự định cứu nhiều người rãi rác trên thế gian nầy. Sự thật, nếu so sánh với tổng số người trên thế gian thì chỉ là những kẻ sót lại, một con số rất nhỏ, nhưng nếu chúng ta nhìn vào con tổng số người được cứu trong suốt 13.000 năm lịch sử của trái đất thì con số đó rất lớn. Ðây là những của cướp mà chúng ta xông vào nhà Sa-tan để cướp khi chúng ta phục vụ Chúa Giê-xu như là đại sứ của Ngài.
Rồi câu 16 tiếp tục, "và chớ trách móc nàng chút nào". Chúng ta đã xem thấy chữ 'cướp của' khi Ru-tơ đóng vai đại sứ của Ðấng Christ, xông vào nhà của Sa-tan khi nàng mót lúa trong ruộng. Nàng làm công việc của con gặt, đồng lúa đã chín vàng, và lúa là hình ảnh của những tín hữu được sanh lại. Họ được sanh lại bởi vì họ được nghe Tin Lành qua những người con gặt, những người chia xẽ, vì vậy nhà Sa-tan bị xông vào cướp của. Bây giờ chúng ta đọc "và chớ trách móc nàng chút nào", chữ "trách móc" thường được dùng trong Kinh Thánh với ý nghĩa rất đặc biệt. Chữ Hê-bơ-rơ nầy thường được dùng để minh họa về những người ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời. Trong Ê-sai 17:13, chúng ta tìm thấy chữ nầy được dùng ở đây khi nói về những người trên thế gian là thù địch với Ðức Chúa Trời. "Thật, các dân tộc chạy xông tới như nhiều nước đổ ầm ạc; nhưng Ngài sẽ quở trách họ, thì đều trốn xa, bị đùa đi như rơm rác trên núi khi gió thổi, như luồng bụi gặp cơn bão." Ðây là tính chất của chữ "trách móc" hay "quở trách", nghĩa là những người nầy ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời, họ sẽ bị đùa đi xa khỏi Ngài, họ sẽ bị quăng vào địa ngục. Tuy nhiên, những người nào phục vụ như là đại sứ của Ðấng Christ thì không bị quở trách, nghĩa là họ sẽ không đi vào địa ngục.
Thật ra chúng ta có sự kiện lịch sử ở đây, Bô-ô đơn giản nói với đầy tớ của ông rằng: Hãy để cho nàng tự do mót trong ruộng, đừng ngăn cản nàng làm công việc nầy, không trách móc dưới bất cứ hình thức nào, đây là ý định của ta tỏ cho các ngươi. Bô-ô thật sự quan tâm đặc biệt đến Ru-tơ, ông muốn đặt sự bảo vệ nầy trên nàng. Nhưng ý nghĩa thuộc linh, Ðức Chúa Trời nói rằng, những ai là đại sứ của Ðấng Christ, những ai thật sự được sanh lại và đang làm công việc xông vào nhà của Sa-tan để cướp của qua việc chia xẽ Tin Lành, thì không còn ở dưới sự phán xét nữa. Chúng ta là con hợp pháp của Ðức Chúa Trời, chúng ta không còn bị Ðức Chúa Trời trách móc, không còn ở dưới cơn thạnh nộ của Ngài, không còn bị hình phạt vì cớ tội lỗi của chúng ta. Chúng ta là những đại sứ tự do hợp pháp của Ðấng Christ để làm việc và có đủ mọi thứ phước của Ðức Chúa Trời khi chúng ta làm công việc nầy. Thật lạ lùng làm sao về những gì mà Ðức Chúa Trời nói với chúng ta qua chữ "trách móc" nầy. Có chữ xem như rất vô tư, vô thuởng vô phạt nhưng khi chúng ta bắt đầu đào sâu vào, bắt đầu tìm hiểu Ðức Chúa Trời dùng nó như thế nào thì chúng ta sẽ thấy Ðức Chúa Trời có cả chương trình cứu rỗi của Ngài được gói gọn chỉ trong một chữ.
Chúng ta hãy tiếp tục câu 18, bắt đầu một phân đoạn mới hãy xem Ðức Chúa Trời sẽ nói gì. Dĩ nhiên, theo sự kiện lịch sử thì rất là đơn giản. Nàng bắt đầu bằng một người đàn bà góa sợ sệt, khách ngoại bang, không biết điều gì sẽ xảy ra cho nàng bởi vì nàng bị rủa sả. Người Mô-áp không được phép có mối liên hệ gì với người Giu-đa, họ không được vào trong đền thờ cho đến mười đời, họ thật sự là một dân tộc bị rủa sả. Nhưng ở đây, người chủ ruộng đối xử với nàng rất tử tế, ông biết tất cả về nàng, ông muốn chắc rằng nàng có đủ nước uống, ông cho nàng ăn trưa và đưa cho nàng nhiều hơn nàng có thể ăn, cho nên sau khi ăn xong nàng vẫn còn dư lại và đem về cho mẹ chồng nàng là Na-ô-mi. Ông cũng muốn chắc rằng khi nàng mót thì sẽ mót thật nhiều, vì vậy cuối cùng nàng mót được một ê-pha lúa mạch.
Ðến cuối ngày, "Nàng vác đem trở vào trong thành; bà gia nàng thấy lúa nàng đã mót. Ðoạn, Ru-tơ trút phần bữa ăn dư ra mà trao cho người." Nghĩa là nàng đưa cho Na-ô-mi những gì còn dư lại sau khi nàng ăn trưa, dĩ nhiên nàng cũng đem về sản phẩm một ngày làm việc của nàng. Ðó là sự kiện trong câu chuyện tình lịch sử mà chúng ta đang có trước mặt. Trong bài học tới chúng ta sẽ nói thêm về việc đi vào trong thành, rồi chúng ta sẽ tiếp tục câu 18 và xem ý nghĩa thật sự của câu nầy. Khi bạn đọc câu nầy cẩn thận bạn cũng sẽ thấy ngôn ngữ nầy có một chút bất thường trong đó. Ðến khi chúng ta gặp lại lần tới, cầu xin Chúa ban phước cho bạn cách dư dật.
"Nhưng Ðức Chúa Trời đáp lại thể nào? Ta đã để dành cho ta bảy ngàn người nam chẳng hề quì gối trước mặt Ba-anh. Ngày nay cũng vậy, có một phần còn sót lại theo sự lựa chọn của ân điển. Nhưng nếu bởi ơn thì chẳng phải bởi việc làm nữa; bằng chẳng thì ơn không phải là ơn. Vậy thì làm sao? Ấy là dân Y-sơ-ra-ên chẳng được điều mình tìm; song những kẻ lựa chọn thì đã được, và những kẻ khác thì bị cứng lòng, như có chép rằng: Ðức Chúa Trời đã cho họ mờ tối, con mắt chẳng thấy, lỗ tai chẳng nghe, cho đến ngày nay." Rô-ma 11:4-8
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 17 (Ru-tơ 2:18-19)
Chúng ta đọc trong Ru-tơ 2:18 thấy rằng Ru-tơ đã xong một ngày làm việc của nàng, "Nàng vác lúa trở vào trong thành; bà gia nàng thấy lúa nàng đã mót. Ðoạn, Ru-tơ trút phần bữa ăn dư ra mà trao cho người". Tôi tin rằng lẽ thật thuộc linh trong ngôn ngữ nầy là: Khi được cứu, chúng ta bước vào thành của Ðức Chúa Trời, giống như Áp-ra-ham, chúng ta mong đợi một thành ở trên trời. Thành phố mà Ru-tơ đi vào là Bết-lê-hem, là Nhà Bánh. Thành Bết-lê-hem là hình bóng về Chúa Cứu Thế, vì Ngài là Bánh Hằng Sống, Ngài là Ðấng mà chúng ta bước vào khi chúng ta được cứu. Xin xem trong Rô-ma 8:1, "Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào cho những kẻ ở trong Ðức Chúa Giê-xu Christ". Ngài là thành phố của Ðức Chúa Trời mà chúng ta bước vào khi được cứu. Chúng ta sẽ bước vào thành Giê-ru-sa-lem mới thật sự khi sự cứu rỗi của chúng ta hoàn tất.
Khi đọc câu 14, chúng ta thấy Bô-ô đưa cho Ru-tơ hột mạch rang, bánh mì; nàng nhúng miếng nàng trong giấm, nàng ăn cho đến no nê rồi để dành phần dư lại... Bây giờ chúng ta thấy nàng trút phần bữa ăn dư ra mà trao cho Na-ô-mi, điều đó chỉ rõ sự phong phú dư dật của Tin Lành. Thực tế lạ lùng đó là khi Ðức Chúa Trời cứu chúng ta, Ngài đổ đầy chúng ta bằng Tin Lành của Ngài, không phải chỉ đủ cho chúng ta mà thôi mà cũng đủ để chúng ta có thể chia xẻ lại cho người khác nữa. Chúng ta không nên ích kỷ về Tin Lành. Có bao giờ bạn hết sức ham muốn một vật gì đó, mà vật đó chỉ có một hay vài cái mà thôi, bạn thích món đó lắm và bạn biết rằng có người cũng thích món đó nữa. Vì vậy, bạn sẽ không nói với ai khi bạn biết món đó đang có ở đâu đó. Bạn sẽ lẳng lặng đến chỗ đó để mua hay là chiếm lấy món đó trước khi người khác mua hoặc chiếm lấy. Bạn có kinh nghiệm như vậy trong đời của bạn không? Ðó là cách mà chúng ta cư xử một cách ích kỷ trên thế gian nầy. Chúng ta luôn luôn lo lắng cho riêng mình, muốn chắc rằng mình sẽ nhận được điều gì đó đến với chúng ta, chúng ta không lo lắng gì nhiều về người khác.
Nhưng khi nói về Tin Lành của Chúa Cứu Thế Giê-xu, chúng ta không nên quên điều nầy: Ðây không phải là điều mà chúng ta cư xử một cách ích kỷ dưới bất cứ hình thức nào. Chúng ta không cần bí mật biết chắc rằng mình được cứu và nắm khư khư điều đó trong tay, sợ rằng ai đó sẽ lấy mất, sợ rằng sẽ không đủ nếu chia xẻ với những người xung quanh. Ðiều đó không đúng với Tin Lành. Khi Ðức Chúa Trời cứu chúng ta Ngài ban cho chúng ta sự cứu rỗi đầy đủ. Không có việc thiếu hụt, kiệt quệ từ nguồn cung cấp của Ðức Chúa Trời, nhiều người sẽ được cứu giống nhau một cách chính xác từ nguồn cứu rỗi đầy tràn. Ðây là bức tranh mà Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta, sau khi Ru-tơ ăn trưa tại bàn của Bô-ô, là hình bóng nàng được nhận diện trong sự chịu khổ của Chúa Cứu Thế, vì Bô-ô là hình bóng về Chúa Giê-xu. Có dư dật cho nàng và dư dật cho người khác nữa. Vì vậy, phần còn dư lại nàng trao cho Na-ô-mi là hình ảnh về người được cứu vui mừng, hân hoan chia xẻ Tin Lành đó với người khác.
Sự cứu rỗi của Ðức Chúa Trời có sẵn cho tất cả mọi người. Bất cứ ai tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu thì sẽ được cứu. Chúng ta không bao giờ nói rằng rất khó có đủ khi chúng ta chia xẻ với những người xung quanh. Chúng ta không nên tìm hiểu xem ai là người ưu tiên cho Tin Lành lạ lùng nầy. Thật vậy, Tin Lành nầy rất lạ lùng vì tội lỗi của chúng ta được đền trả để khỏi phải chịu hình phạt nơi địa ngục. Chúng ta sẽ ở đời đời trên thiên đàng, trong trời mới, đất mới với Chúa Cứu Thế Giê-xu và không còn chịu trách nhiệm về những tội lỗi của mình vào ngày phán xét nữa. Ôi sự cứu rỗi thật tuyệt vời làm sao! Nhưng chúng ta không nên nghĩ rằng điều nầy chỉ dành cho một hay hai người trong chúng ta; "Ðức Chúa Trời sẽ tha thứ cho chỉ một, hai người mà thôi nên tốt hơn chúng ta là người đầu tiên bước vào, sẽ không có đủ cho người khác đâu dù họ cũng đang tìm kiếm".
Kinh Thánh dạy chúng ta rằng, bất cứ ai tìm sẽ gặp. Dĩ nhiên, chúng ta tìm kiếm sự cứu rỗi mà Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta một cách thành thật, khiêm nhường thì chúng ta sẽ gặp được. Không bao giờ nghĩ rằng bạn là một đại tội nhân mà chương trình cứu rỗi của Ðức Chúa Trời không cứu bạn được. "Sự cứu rỗi đó có thể cứu những người tốt hay những loại người khác mà thôi chớ không thể cứu tôi được vì tôi là một tội nhân gớm ghiếc; tôi đã phạm những tội lỗi quá xấu xa nên chắc Ðức Chúa Trời không thể tha thứ cho tôi được, sự cứu rỗi đó không đủ cho tôi đâu". Không! Không có lý chút nào, không phải như vậy đâu. Tin Lành có đủ cho bất cứ ai đến với Ngài, đó là lẽ thật mà Ðức Chúa Trời bày tỏ cho chúng ta trong câu 18 nầy.
Khi đọc câu chuyện tình nầy và xem xét từng câu, từng chữ chúng ta lần lần quen thuộc câu chuyện nầy hơn và thấy nhiều ngôn ngữ rất buồn cười. Ru-tơ được trình bày cho chúng ta như là một người đàn bà rất dễ mến, khiêm nhường, vâng phục. Một người mà chúng ta rất khâm phục bởi vì sự khiêm nhường của nàng, câu nói của nàng. Thực tế, nàng đã lìa bỏ xứ sở của mình để đi theo Na-ô-mi, nàng nói chuyện với Bô-ô rất khiêm nhường. Chúng ta rất vui khi nhận ra nàng là một thiếu nữ ngoan hiền, nhưng bây giờ hãy xem cách mà nàng nói, có vẻ như không xứng hợp với nàng, ít nhất là theo ý của tôi.
Câu 19, "Bà gia nói: Ngày nay, con có mót ở đâu?" Câu hỏi nầy rất hợp lý, ruộng của ai mà con vào mót? Ru-tơ đi ra và vào trong ruộng của Bô-ô, có nhiều việc thật thú vị xảy đến với nàng, bây giờ nàng trở về nhà với một ê-pha lúa mạch và bữa ăn trưa dư, hột mạch rang. Na-ô-mi thấy tức cười quá! Ruộng của ai mà con vào mót? Sao mà con được phước nhiều quá vậy? Ðây là việc không bình thường cho người khách lạ, góa bụa, nghèo nàn. Bình thường, nếu con vào trong ruộng của ai đó mót cả ngày và trở về với chỉ một mớ, đủ cho vài bữa ăn chớ không có nhiều như thế nầy, con vào mót trong ruộng của ai? Con có làm việc ở đâu? Con làm việc ở chỗ nào ngày hôm nay? Phước cho người nào đã tiếp nhận con!
Na-ô-mi đã già, kinh nghiệm, bà hiểu rằng có ai đó thông cảm, quan tâm đặc biệt đến Ru-tơ cho nên nàng có nhiều lúa như vậy, chuyện nầy khó có thể xảy ra được. "Nàng nói cho bà gia mình hay mình có làm việc với ai*. Nàng nói: Người mà tôi có làm việc với* ngày nay, tên là Bô-ô". Ðó là một câu nói quá tự phụ, câu nói đó không xứng hợp với Ru-tơ, nàng nói câu đó thật không đúng chút nào. Nàng nói ở đây, tôi và Bô-ô làm việc chung với nhau, tôi làm việc với Bô-ô. Nếu theo tính cách của câu chuyện tình thì nàng nên nói rằng: Tôi đi vào trong ruộng của Bô-ô để mót, tôi được cho phép lượm những bông lúa rớt. Bô-ô và những thợ gặt rất bận rộn nhưng họ cũng thông cảm cho hoàn cảnh của tôi nên họ để tôi mót chỗ họ làm việc. Ðúng ra, đó là việc mà nàng làm, nhưng ở đây nàng nói, tôi làm việc với Bô-ô. Nàng gắn liền nàng với Bô-ô giống như nàng là con gặt hợp pháp trong cánh đồng, làm như là nàng được Bô-ô mướn vào làm việc trong ruộng. Nàng đâu phải là công nhân của Bô-ô, nàng đâu có gặt lúa cho Bô-ô giống như những con gặt khác, nàng làm việc cho chính nàng. Dùng ngôn ngữ như vầy là sai, không có lý chút nào nếu chỉ là trong câu chuyện tình.
Nhưng chúng ta đã học biết từ lâu rằng, chắc chắn Ru-tơ nói những câu nói nầy, nhưng nàng nói không phải vì cá tính của nàng, hay nàng hiểu lầm. Ðức Chúa Trời hướng dẫn nàng nói những chữ nầy để được chép lại cho chúng ta, bởi vì qua những lời nói nầy Ðức Chúa Trời có bài học thuộc linh muốn nói với chúng ta. Nàng đã vào ruộng của Bô-ô để mót lúa, nàng vào đó như là một người nghèo, khách lạ, góa bụa, như là người không có gì cả trên thế gian nầy. Thật sự nàng không có gì liên quan đến những người thợ gặt, nhưng khi chúng ta học qua những câu 14-17, chúng ta đã thấy rằng áp dụng theo nghĩa thuộc linh, nàng được nhận diện gắn liền với những con gặt. Trong bài học thuộc linh, nàng đã trở nên giống như những người đã được sanh lại, là những người phục vụ Chúa Cứu Thế Giê-xu một cách hợp pháp. ễ đây, Bô-ô là hình bóng về Chúa Giê-xu, vì vậy một cách hợp pháp, đúng đắn nàng trả lời cho bà gia của nàng là Na-ô-mi, tôi làm việc với Bô-ô ngày hôm nay.
Khi chúng ta chia xẻ Tin Lành của Chúa Cứu Thế Giê-xu, chúng ta đang làm công việc mà Chúa Giê-xu đã làm. Xin xem trong Giăng 14:12, chúng ta có lời chú thích về việc nầy ở đây, Chúa Giê-xu nói: "Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, kẻ nào tin ta, cũng sẽ làm việc ta làm; lại cũng làm việc lớn hơn nữa, vì ta đi về cùng Cha." Công việc của Chúa Cứu Thế Giê-xu mà chúng ta làm và cũng sẽ làm việc lớn hơn nữa là gì? Có người nói là làm phép lạ, có người nói là làm những dấu kỳ huyền bí. Dĩ nhiên, chúng ta biết rằng không phải như vậy. Chúa Giê-xu kêu kẻ chết sống lại, Chúa Giê-xu khiến bão tố yên lặng, Chúa Giê-xu hóa bánh và cá ra nhiều, Chúa Giê-xu chữa lành mười người phung, Chúa Giê-xu làm nhiều việc lạ lùng khác mà không bao giờ được ai lặp lại từ đó cho đến bây giờ.
Nếu chúng ta tìm kiếm phép lạ thì chúng ta sẽ bị gạt, Kinh Thánh nói không thật với chúng ta. Phép lạ không phải là công việc mà Chúa Giê-xu đến để làm, thật sự Ngài đã làm những phép lạ vì những mục đích đặc biệt, nhưng đó không phải là công việc của Ngài. Chúng ta đọc trong Lu-ca 4:43, "Nhưng Ngài phán cùng họ rằng: Ta cũng phải rao Tin Lành của nước Ðức Chúa Trời nơi các thành khác; vì cốt tại việc đó mà ta được sai đến". Nói cách khác, Ngài được sai đến để rao giảng Tin Lành, Ngài đã giảng trong nhà hội tại Ga-li-lê. Hãy nhớ, Chúa Giê-xu nói: "Cha đã sai ta thể nào, thì ta cũng sai các ngươi thể ấy" (Giăng 20:21), "Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người" (Mác 16:15). Công việc mà Chúa Giê-xu đã đến để làm là rao giảng Tin Lành. Vâng, Ngài đến cũng để lên thập tự giá, chúng ta không thể làm công việc đó. Chúng ta bước vào kinh nghiệm thập tự giá bởi vì chúng ta được cứu trong Chúa Cứu Thế chớ thật ra chúng ta không đóng góp gì cả trong việc Chúa Giê-xu bước lên thập tự giá. Nhưng trong khu vực của công việc mà Chúa Cứu Thế đến để giảng Tin Lành, nơi đó chúng ta cũng là công nhân trong mùa gặt của Chúa, chúng ta đang làm công việc của Chúa, chúng ta làm việc với Ðấng Christ. Ðó là bức tranh mà chúng ta có trong Ru-tơ 2:19, Bô-ô là người chịu trách nhiệm về mùa gặt, ông là hình bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Công việc của toán thợ gặt là gặt lúa trong ruộng, công việc của Chúa Cứu Thế là gặt trên cánh đồng thế gian nầy. Ngài "đã đến để tìm và cứu kẻ bị mất" (Lu-ca 19:10). Tin Lành được rao giảng ra và Ðức Chúa Trời hoán cải những người mà Ngài dự định cứu. Ngài vào nhà của Sa-tan, giải phóng những người ở dưới ách nô lệ của tội lỗi, đó là công việc của Ðức Chúa Trời.
Khi được cứu, chúng ta chia xẻ Tin Lành với người khác, chúng ta dâng đời sống mình hầu việc Chúa để Tin Lành được rao giảng ra, lúc đó chúng ta cũng đang bước vào công việc của Ðấng Christ. Vì vậy, Ru-tơ là hình của những người được cứu trong câu 14, nàng vẫn tiếp tục mót lúa nhưng bây giờ trong ý nghĩa thật nàng được gắn liền với những con gặt, nàng cũng đập lúa, nàng cũng làm công việc của thợ gặt giống như những con gặt, trong ý nghĩa đó nàng được gắn liền với Bô-ô trong công việc gặt lúa. Theo ý nghĩa thuộc linh nàng được nhận diện gắn liền với Chúa Cứu Thế Giê-xu khi Ngài làm công việc gặt lúa trong mùa gặt, "Nàng nói cho bà gia mình hay mình có làm việc với ai*". Xin nhớ, trong câu 18, nàng đã trao cho bà gia nàng phần bữa ăn còn dư sau khi nàng đã ăn no nê. Ðiều đó bày tỏ rằng nàng đang sẵn sàng để chia xẻ với người khác, giây phút nầy Na-ô-mi là hình bóng về những người tiếp xúc với những tín hữu được sanh lại. Vì vậy, nàng đang chia xẻ Tin Lành tuyệt vời với bà gia của nàng. Khi được cứu, chúng ta bày tỏ cho những người xung quanh biết chúng ta đang được gắn liền với ai, chúng ta tỏ cho họ biết về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúng ta là những người tuyên bố cho người khác biết về những gì chúng ta học được từ Lời của Ðức Chúa Trời liên quan đến sự cứu rỗi lạ lùng qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Khi làm điều đó, chúng ta làm công việc của Ðức Chúa Trời, bày tỏ công việc của Ðức Chúa Trời ra, chia xẻ Tin Lành với người khác.
Bây giờ chúng ta đọc xuống câu 20, "Na-ô-mi đáp cùng dâu mình rằng: Nguyện Ðức Giê-hô-va ban phước cho người, vì Ngài** không dứt làm ơn cho kẻ sống và kẻ chết! Tiếp rằng: Người đó là bà con của chúng ta, vốn là trong những kẻ có quyền chuộc sản nghiệp ta lại". Trong câu nầy chúng ta được giới thiệu về Bô-ô là hình bóng của người chuộc sản nghiệp. Hình ảnh nầy sẽ được mở rộng với mức độ lớn hơn khi chúng ta học đến chương 3 và 4. Chúng ta sẽ tìm thấy ông là hình bóng của Chúa Cứu Thế. Chữ "bà con" được dùng trong câu 20, có nghĩa là chuộc lại. Chúa Cứu Thế đến như là Ðấng Cứu Chuộc của chúng ta. Chúng ta sẽ xem xét cẩn thận hơn câu 20 trong bài học tới và cũng xem xét câu nói: "** không dứt làm ơn cho kẻ sống và kẻ chết!". Ðức Chúa Trời muốn nói gì trong ngôn ngữ nầy: ... cho kẻ sống và kẻ chết"?
*Theo nguyên văn... làm việc với ai" (không có chữ chủ).
**Chữ nầy theo nguyên văn chỉ về Bô-ô, dịch là người thì đúng hơn.
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 18 (Ru-tơ 2:20-21)
Chúng ta tiếp tục học một cách chậm rãi trong quyển sách tuyệt vời mà Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta là sách Ru-tơ. Có lẽ chúng ta đã đọc nhiều lần, hầu hết những lần đọc đó chúng ta nghĩ rằng đây là một câu chuyện tình rất thú vị tỏ ra rằng dầu người đàn bà Mô-áp bị rủa sả vẫn có thể trở thành một người trong dòng dõi của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nhưng khi học xuyên qua sách nầy, chúng ta tìm thấy rằng Ðức Chúa Trời trình bày Tin Lành cho chúng ta bằng nhiều khía cạnh khác nhau qua quyển sách lạ lùng nầy. Bạn có nhớ trong bài học vừa rồi chúng ta đã bàn về sự đầy đủ dư dật của Tin Lành? Ðó là sau khi chúng ta được cứu thì vẫn còn dư dật để chia xẻ cho những người khác.
Khi Ðức Thánh Linh được đổ xuống trong ngày lễ Ngũ Tuần để bắt đầu công việc mà Chúa Giê-xu đã ủy thác là giảng Tin Lành ra khắp thế gian. Ðức Thánh Linh sử dụng chúng ta là những người tín hữu được sanh lại để lo cho công việc nầy. Chúa Giê-xu là đầu, chúng ta là thân thể, vì thế chúng ta hoàn tất công việc mà Chúa Giê-xu đã làm. Trong Giăng 7:38, Ðức Chúa Giê-xu tuyên bố rằng: "Kẻ nào tin ta thì sông nước hằng sống sẽ chảy từ trong lòng mình", sông nước hằng sống là hình bóng về Tin Lành. Chúa Giê-xu nói với người đàn bà Sa-ma-ri trong Giăng 4:14, "Nhưng uống nước ta sẽ cho, thì chẳng hề khát nữa. Nước ta cho sẽ thành một mạch nước trong người đó văng ra cho đến sự sống đời đời". Nước đó là Tin Lành, chúng ta sẽ không còn khát khao về sự công bình. Chúng ta không còn ở trong địa vị xa lạ với Ðức Chúa Trời nữa một khi chúng ta đã uống nước Tin Lành, một khi chúng ta được sanh lại. Từ trong chúng ta sông nước hằng sống nầy sẽ tuôn chảy ra khi chúng ta chia xẻ Tin Lành với người khác.
Câu 20, "Na-ô-mi đáp cùng dâu mình rằng: Nguyện Ðức Giê-hô-va ban phước cho người, vì Ngài* không dứt làm ơn cho kẻ sống và kẻ chết! Tiếp rằng: Người đó là bà con của chúng ta vốn là trong những người có quyền chuộc sản nghiệp ta lại". Chữ "làm ơn" ở đây thỉnh thoảng trong Cựu Ước dịch là Ảlàm ơnẢ, nhưng thường thường được dịch là Ảthương xótẢ. Bô-ô là hình bóng về Chúa Giê-xu đã bày tỏ lòng thương xót vô biên của Ðức Chúa Trời cho chúng ta. Thực tế, Chúa Cứu Thế Giê-xu là Cứu Chúa của chúng ta chỉ do lòng thương xót của Ngài. Chúng ta hoàn toàn không xứng đáng với sự cứu rỗi nầy, Ðức Chúa Trời nhân từ vô cùng, Ngài nhìn xem chúng ta và động lòng thương xót, nhờ đó chúng ta biết được tình yêu của Ngài khi chúng ta đáp lại tiếng gọi của Tin Lành.
Trước hết chúng ta xem xét câu văn nầy theo sự kiện lịch sử. Tại sao Na-ô-mi nói: "Nguyện Ðức Giê-hô-va ban phước cho người, vì Ngài* không dứt làm ơn cho kẻ sống và kẻ chết!"? Ai là kẻ sống và kẻ chết mà Na-ô-mi đang muốn nói? Dĩ nhiên, người sống mà bà muốn nói là chính bà và Ru-tơ. Họ đã trở về Bết-lê-hem là những người nghèo góa bụa. Bô-ô nhận biết câu chuyện nầy, biết tất cả về Ru-tơ và Na-ô-mi bởi vì Na-ô-mi là người bà con rất gần với Bô-ô. Chắc chắn là Na-ô-mi đang nhìn thấy Bô-ô đang tỏ lòng thương xót đối với bà và dâu của bà là Ru-tơ. Khi ông làm vậy thì cũng có nghĩa là ông đang bày tỏ lòng tử tế đối với người đã chết. Chồng của bà Na-ô-mi là Ê-li-mê-léc, hai con là Mạc-lôn và Ki-li-ôn, họ đã chết. Cho nên khi Bô-ô tỏ lòng tử tế đối với Na-ô-mi, là góa bụa của Ê-li-mê-léc chỉ rõ rằng ông quan tâm và bày tỏ lòng thương yêu của ông đối với Ê-li-mê-léc, Mạc-lôn và Ki-li-ôn. Khi ông bày tỏ lòng thương xót của ông đối với Na-ô-mi và Ru-tơ, ông đã không dứt "làm ơn cho kẻ sống và kẻ chết".
Dĩ nhiên, có ý nghĩa thuộc linh sâu sắc ở đây. Bô-ô là hình bóng về Chúa Cứu Thế, Ngài thương xót kẻ sống và kẻ chết. Trong ý nghĩa thuộc linh, chúng ta chỉ bắt đầu sống khi chúng ta có sự sống đời đời. Ê-phê-sô 2:1-3 dạy chúng ta rất rõ ràng, Cô-lô-se 3:1, Giăng 5:24 cũng dạy như vậy. Chúng ta đã chết về thuộc linh trước khi chúng ta được cứu. Khi chúng ta được sanh lại, chúng ta nhận được sự sống đời đời, linh hồn chúng ta được sống lại và sẽ không bao giờ chết nữa. Sau khi chúng ta được cứu, lòng thương xót của Ðức Chúa Trời vẫn tiếp tục theo chúng ta. Thực tế, những lời hứa của Ngài bắt đầu đầy tràn. Ngài nói: "Ta sẽ không lìa ngươi đâu, không bỏ ngươi đâu"; Ngài nói: Chúng ta là "kẻ kế tự và đồng kế tự với Ðấng Christ". Ngài tuyên bố rằng chúng ta sẽ sống đời đời với Ngài trên trời mới và đất mới. Ngài nói rằng chúng ta có thể "dạn dĩ đến gần ngôi ơn phước của Ngài". Sự thương xót của Ðức Chúa Trời nhân lên dư dật khi chúng ta sống trong Chúa Cứu Thế. Bất cứ ai đã được sanh lại có thể làm chứng về điều nầy.
Nhưng Ngài cũng là Ðấng bày tỏ lòng thương xót trên những người chết. Ðó là, trước khi chúng ta được cứu, về thuộc linh chúng ta đã chết, cũng như hiện nay vẫn còn nhiều người trên thế gian đang chết về thuộc linh mà Ðức Chúa Trời sẽ bày tỏ lòng thương xót đối với họ. Ðiều nầy chỉ rõ sự tuyệt vời, vô biên của lòng thương xót; sự nhân từ và tình yêu không bờ bến của Ðức Chúa Trời. Chúng ta hoàn toàn không xứng đáng với sự cứu rỗi. Xin chú ý chỗ nầy, trong câu kế tiếp Na-ô-mi nói với Ru-tơ: "Người đó là bà con của chúng ta". Bà nói câu nầy bởi vì theo thực tế, Ru-tơ đã tình cờ vào trong ruộng của người bà con rất gần với họ. "Người đàn ông mà con mới quen và đã đối xử tử tế với con là bà con rất gần với chúng ta". Thật ra, chữ mà bà dùng ở đây là chữ "người chuộc", ông có quyền chuộc chúng ta.
Sự việc là như thế nầy, Ê-li-mê-léc làm chủ một sở đất ở tại Bết-lê-hem, bởi vì cơn đói kém đến trong xứ như khi chúng ta học trong phần mở đầu của sách Ru-tơ, không nghi ngờ chi cả, Ê-li-mê-léc đã bán sở đất của mình. Thật ra, sở đất đó thuộc về gia đình của Ê-li-mê-léc, mà Na-ô-mi là vợ. Theo luật pháp của người Giu-đa là luật pháp của Ðức Chúa Trời ban cho họ, dù thế nào đi nữa đất đó phải còn lại trong gia đình của Ê-li-mê-léc. Ðất đó có thể bán đi trong lúc nghèo khổ, nhưng có thể chuộc lại bởi Ê-li-mê-léc từ người mà ông đã bán cho. Nếu Ê-li-mê-léc không có khả năng để mua lại vì ông quá nghèo thì có thể chuộc lại bởi một người bà con gần của ông. Nếu việc nầy không xảy ra thì đến năm hân hỉ, sở đất đó sẽ tự động được trả về cho gia đình của Ê-li-mê-léc.
Vì Na-ô-mi là người duy nhất còn sống trong gia đình của Ê-li-mê-léc, là bà con trực hệ, vợ của Ê-li-mê-léc. Trong khi bà vẫn còn tư cách là chủ đất theo một ý nghĩa nào đó, nhưng bà không sở hữu đất đó trong lúc nầy vì bà rất nghèo khổ, không có tài sản gì cả. Vì vậy, cần phải có người bà con gần chuộc sở đất lại cho bà để đất đó vẫn còn lại trong gia đình. Bô-ô là một trong những người bà con gần mà ông có thể hành động như là một người chuộc sản nghiệp. Ông có đủ tư cách theo như luật pháp của Ðức Chúa Trời, dưới luật pháp mà những người thời đó phải tuân theo để chuộc đất và giao lại cho Na-ô-mi. Ðây là một điều quá lớn lao đòi hỏi nơi Bô-ô. Ðiều nầy không đến với suy nghĩ của Na-ô-mi chút nào rằng Bô-ô sẽ làm như vậy thay cho Na-ô-mi hay cho Ru-tơ là góa bụa của một trong hai đứa con trai của bà. Dầu sao đi nữa khi dùng chữ "bà con" nầy, ít nhất chúng ta sẽ biết bà đang nhìn thấy điều gì. Tuy nhiên, có lẽ thật thuộc linh ở đây.
Chúng ta đã thấy Bô-ô là hình bóng về Chúa Cứu Thế bày tỏ sự nhân từ đối với người sống và người chết, điều đó chỉ về sự cứu rỗi. Chúa Giê-xu tỏ lòng thương xót những người đã chết về thuộc linh bằng cách cứu họ, và Ngài cũng thương xót những người đã được cứu bởi làm Chúa và Ðức Chúa Trời của họ, bởi cho họ làm kẻ kế tự v.v... Tại sao Ngài lại làm điều nầy? Lý do Ngài làm điều nầy bởi vì Ngài là người bà con của chúng ta, có nghĩa Ngài là Ðấng Cứu Chuộc chúng ta. Ðó là tại sao Ngài "không dứt làm ơn cho kẻ sống và kẻ chết". Nếu Ðức Chúa Trời không hoạch định chương trình cứu chuộc thì Ngài sẽ không bao giờ làm ơn cho chúng ta, chúng ta xứng đáng đi vào địa ngục.
Luật pháp của Ngài đòi hỏi rằng "Tiền công của tội lỗi là sự chết", sự thánh khiết công bình của Ngài đòi hỏi phải thi hành luật đó, và sự chết theo cái nhìn của Chúa là ở trong địa ngục đời đời. Dầu Ðức Chúa Trời là Ðấng Tạo Hóa, không cách nào Ngài có thể cứu chúng ta được, chúng ta phải thỏa mãn công lý của Ðức Chúa Trời, chúng ta phải bị quăng vào địa ngục. Nhưng Ðức Chúa Trời không chỉ là Ðấng Tạo Hóa, Ngài cũng bày tỏ chính Ngài là Ðấng Cứu Chuộc, là người bà con. Ngài là Ðấng có thể chuộc chúng ta lại. Chúng ta đã bị bán cho Sa-tan vì tội lỗi của chúng ta, Sa-tan là chủ của chúng ta và chỉ có Ðức Chúa Trời mới có thể giải phóng chúng ta khỏi sự nô lệ nầy bằng cách trở thành Ðấng Cứu Chuộc chúng ta.
Tiếp tục câu 21, "Ru-tơ, người Mô-áp tiếp rằng..." Bạn có thấy thêm lần nữa không? Ðức Chúa Trời không để cho chúng ta quên đi, Ngài khăng khăng: đây là Ru-tơ, người Mô-áp. Người Mô-áp có nghĩa gì? Bạn có nhớ trong những bài học đầu không? Người Mô-áp là người bị rủa sả, là những người không thể vào trong đền thờ cho đến mười đời, người bị xem như là chó dưới con mắt của dân Giu-đa. Ở đây Ðức Chúa Trời dùng Ru-tơ, người Mô-áp làm hình bóng về bạn và tôi là những người bị rủa sả bởi tội lỗi của chúng ta, nhưng chúng ta cũng kinh nghiệm được sự cứu rỗi, từng trãi tình yêu thương và lòng nhân từ của Ðức Chúa Trời. Cũng vậy, Ru-tơ người Mô-áp, đàn bà bị rủa sả cũng kinh nghiệm được sự tử tế của Bô-ô, là kiểu mẫu về Chúa Cứu Thế.
"Ru-tơ, người Mô-áp tiếp rằng: Người cũng có nói cùng tôi rằng: Hãy ở cùng các đầy tớ ta cho đến chừng làm xong hết mùa gặt." Chúng ta có trước mặt cuộc đối thoại giữa Na-ô-mi và Ru-tơ, sau một ngày đầu tiên Ru-tơ mót lúa trong ruộng thì Na-ô-mi và Ru-tơ vui mừng quá đỗi. Họ cứ nói về điều nầy, điều kia đã xảy ra trong ngày đó, những gì Bô-ô nói hay Ru-tơ nói hoặc người khác nói. Nhưng từ trong tất cả những câu đối thoại giữa Ru-tơ và Na-ô-mi vào cuối ngày, Ðức Chúa Trời đã chọn vài câu trong đó mà Ngài muốn chép lại trong Kinh Thánh.
Ðiều nầy cũng thật sự xảy ra trong cả Kinh Thánh, mỗi câu trong Kinh Thánh đã được Ðức Chúa Trời cẩn thận lựa chọn từ hàng triệu câu mà Ngài có thể dùng để dạy cho chúng ta tối đa về chân lý. Qua lời đối thoại trong buổi tối nầy, Ru-tơ nói với bà gia mình: "Người cũng có nói cùng tôi rằng: Hãy ở cùng các đầy tớ ta cho đến chừng làm xong hết mùa gặt". Dĩ nhiên, đó là một ơn phước tuyệt vời cho Ru-tơ, chuyện nầy rất khó có thể xảy ra được.
Bô-ô có thể nói: Cô đã mót trong ruộng nầy cả ngày nay, tôi thật sự lo cho cô nhiều, tội nghiệp cô bởi vì tôi biết cô rất nghèo; nhưng cô có một ngày thật tốt, mót được một ê-pha lúa đủ để cho cô và mẹ chồng của cô ăn chừng một tháng, cô có thể trở lại đây vào tuần tới hay vài tuần nữa để mót... nếu ông không muốn nói rằng: Cô biết không? Cô là người Mô-áp, tôi không chắc rằng tôi muốn thấy cô lãng vãng xung quanh đây. Tôi không muốn những người thợ gặt của tôi quá gần gũi thân mật với cô. Cô là người ngoại bang, là khách lạ, còn có nhiều người nữa ở tại Bết-lê-hem nầy cũng cần mót lúa.
Rất dễ cho Bô-ô nói những lời như vậy, Ru-tơ không xứng đáng hơn những điều đó bởi vì cô là người ngoại bang, là khách lạ. Nhưng, không! Bô-ô nói với Ru-tơ: "Hãy ở cùng các đầy tớ ta cho đến chừng làm xong hết mùa gặt". Thật là phước hạnh cho Na-ô-mi và Ru-tơ khi suy nghĩ điều nầy, công việc mót lúa của một người khách lạ thật không có gì là hứa hẹn, nhưng chính Bô-ô là người bà con gần, người có quyền thế và giàu có, quan tâm đến Ru-tơ và khuyến khích nàng ở lại. Hình như họ thấy sự việc tiến triển một cách rất khả quan bởi vì Ru-tơ có thể mót ở ruộng của Bô-ô, cô được tiếp đãi ân cần và được khuyến khích ở lại đó.
Nhưng áp dụng lẽ thật thuộc linh ở đây là gì? Ðức Chúa Trời đã chép như vậy không phải chỉ để cho chúng ta biết Ru-tơ khích lệ Na-ô-mi bằng ngôn ngữ nầy. Thật ra, ngôn ngữ nầy nói với chúng ta nhiều điều. Tính chất tự nhiên của tín hữu là sau khi chúng ta được sanh lại, chúng ta phải gần gũi với những người cùng đức tin với mình. Những đầy tớ được nói đến ở đây là con gặt, họ là hình ảnh về những người tín hữu được sanh lại, là những người bận rộn trong mùa gặt rao giảng Tin Lành của Chúa. Nhắc lại lời của Chúa Giê-xu, "Hãy nhướng mắt lên và xem đồng ruộng, đã vàng sẵn cho mùa gặt" (Giăng 4:35), "Vậy, hãy cầu xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình" (Ma-thi-ơ 9:38).
Những người rao giảng Tin Lành là con gặt. Ðây là công việc, đặc ân và bổn phận của mọi tín hữu được sanh lại, Ðức Chúa Trời bảo chúng ta hãy gần gũi nhau, sát vai nhau cho đến cuối mùa gặt. Câu nầy rất song song với những lời trong Tân Ước, Hê-bơ-rơ 10:25, "Chớ bỏ qua sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm nhưng phải khuyên bảo nhau, và hể anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy". Ngày ấy là ngày nào? Ðó là ngày của Chúa, là ngày phán xét, là ngày tận thế. Chúng ta phải ở cùng nhau vì đó là chương trình của Ðức Chúa Trời cho chúng ta khi chúng ta được cứu. Chúng ta phải gia nhập vào một giáo hội giữ lời dạy của Ðức Chúa Trời để chúng ta có thể khuyến khích, thúc giục, thông công và thờ phượng chung với nhau. Ðức Chúa Trời biết nhu cầu của chúng ta, Ngài biết điều gì tốt nhất cho chúng ta khi chúng ta được cứu. Tuyệt vời thay khi chúng ta thuộc về một hội thánh của Chúa Cứu Thế Giê-xu, chúng ta có thể thông công với những người cũng yêu mến Ngài.
*Chữ nầy theo nguyên văn chỉ về Bô-ô, dịch là người thì đúng hơn.
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 19 (Ru-tơ 2:22-3:1)
Chúng ta đã đến Ru-tơ 2:21 trong bài học vừa rồi và thấy Ru-tơ nói với Na-ô-mi về Bô-ô đã rất rộng lượng đối với nàng, khuyến khích nàng ở lại với đầy tớ của ông cho đến cuối mùa gặt. Câu 22: "Na-ô-mi nói cùng Ru-tơ, dâu mình, rằng: Hỡi con gái ta, lấy làm phải cho con đi với các tớ gái người, chớ cho người ta gặp con trong một ruộng khác." Lúc nầy Na-ô-mi bày tỏ sự quan tâm của một người mẹ đối với Ru-tơ, bà lặp lại những gì Bô-ô đã nói. Bà muốn nói rằng ý kiến đó hay lắm, không tốt cho con đi vào ruộng của người khác, bởi vì có thể có người sẽ gạ gẫm con, con có thể gặp nhiều rắc rối ở đó. Ở lại với tớ gái, thợ gặt của ông thì con sẽ được quan tâm chăm sóc bởi Bô-ô. Dĩ nhiên, có lẽ thật thuộc linh ở đây mà Ðức Chúa Trời muốn dạy chúng ta.
Khi được cứu, chúng ta trở nên một phần trong thân thể của Chúa Cứu Thế, chúng ta phải gắn liền với một giáo hội rao giảng trung tín lẽ thật của Lời Ðức Chúa Trời. Ðang khi chúng ta ở trong giáo hội nầy, chúng ta sẽ nghe nói về một giáo hội khác có nhiều việc lạ xảy ra, một "tin lành" khác có vẻ thú vị lắm. Nhưng chúng ta đã gắn liền với Tin Lành tin rằng chỉ có Kinh Thánh và toàn bộ Kinh Thánh là Tin Lành thật, hãy ở đó. Ðừng đi vào ruộng khác, sẽ có người gài bẫy để chúng ta dần dần đi xa khỏi Tin Lành thật. Ðức Chúa Trời quan tâm đến chúng ta và bảo chúng ta rằng, không nên đi ra để mời gọi sự cám dỗ đến. Ngài muốn chúng ta ở chung với những tín hữu là những người trung tín giữ lời Chúa.
Trong câu 23 chúng ta đọc: "Vậy, nàng ở cùng các tớ gái của Bô-ô, đặng mót cho đến hết mùa gặt lúa mạch và mùa gặt lúa mì; nàng ở nhà của bà gia mình." Bạn thấy không? Chúng ta phải tiếp tục làm thợ gặt cho Ðức Chúa Trời đến ngày cuối cùng. Câu "nàng... mót cho đến hết mùa gặt lúa mạch và mùa gặt lúa mì" liên quan đến ngày Chúa Giê-xu trở lại. Khi mùa gặt chấm dứt, Chúa Cứu Thế sẽ trở lại trong đám mây vinh hiển để cứu tất cả những người đã được cứu. Nhưng chúng ta phải làm việc cho đến khi Ngài trở lại, phải "đi khắp thế gian giảng Tin Lành cho mọi người". Chúng ta phải sử dụng tất cả những sức lực để những người được chọn sẽ được cứu khi chúng ta rao giảng Tin Lành.
Ma-thi-ơ 24:14, "Tin Lành nầy về nước Ðức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến". Ðó là một cách nói để chỉ rằng chúng ta phải trung tín rao giảng Tin Lành của Chúa Cứu Thế Giê-xu cho đến ngày cuối cùng. Dĩ nhiên, nếu Chúa không đem chúng ta về với Ngài trước một cách cá nhân qua sự chết, điều nầy có thể xảy ra và người còn ở lại, là một phần trong thân thể của Chúa Cứu Thế sẽ tiếp tục gặt khi chúng ta đã về với Chúa rồi. Ru-tơ ở đây là hình bóng về những người được cứu, là người bị rủa sả nhưng được Chúa Cứu Thế mua chuộc và đã trở thành con gặt trong đồng ruộng của Chúa, trung tín cho đến ngày cuối cùng.
Khi xem câu 1 của chương 3, một lần nữa chúng ta thấy ngôn ngữ thật kỳ cục. Ðây là câu chuyện tình rất đẹp về tình yêu của Bô-ô đối với Ru-tơ cũng là cho Na-ô-mi, và tình thương của Na-ô-mi dành cho Ru-tơ cũng như của Ru-tơ đối với Na-ô-mi. Có nhiều yếu tố mà chúng ta muốn theo dõi, nhưng rải rác đó đây chúng ta thấy có những ngôn ngữ, những câu rất kỳ cục làm như không xứng hợp trong câu chuyện tình rất hay nầy. Chúng ta đã khám phá lý do cho những điều đó, Ðức Chúa Trời đã chọn những câu được nói bởi Na-ô-mi, Ru-tơ hay Bô-ô để dạy về lẽ thật thuộc linh.
Cũng vậy, trong câu nầy chúng ta xem thấy sự kỳ cục, "Na-ô-mi, bà gia Ru-tơ, nói cùng nàng rằng: Hỡi con gái ta, mẹ phải lo cho con một chỗ an thân*, làm cho con được phước hạnh". Bình thường chắc Na-ô-mi sẽ không dùng loại ngôn ngữ như thế nầy, chúng ta sẽ mong đợi bà nói rằng: "Hỡi con gái ta, mẹ sẽ tìm cho con một mái gia đình, hay một người chồng cho con, làm cho con được phước hạnh", nhưng nói rằng: "Mẹ phải lo cho con một chỗ an thân*" thì không phải là ngôn ngữ bình thường được dùng trong thời đó hay thời bây giờ. Ðức Chúa Trời đã hướng dẫn Na-ô-mi nói và chép lại cho chúng ta bởi vì có một lẽ thật thuộc linh sâu sắc trong câu nầy.
Ở đây, Na-ô-mi nói theo thực tế lịch sử, bà đang tìm kiếm sự khá giả cho nàng dâu của mình là Ru-tơ. Lúc nầy là cuối mùa gặt, Ru-tơ và Na-ô-mi đã sống nhờ vào những lúa mà Ru-tơ mót từng ngày. Họ khám phá ra Bô-ô là bà con gần với họ, Ru-tơ đã vào mót trong ruộng của ông, ông đã đối xử rất rộng rãi với nàng. Bây giờ là cuối mùa gặt, làm gì bây giờ? Họ vẫn là hai người đàn bà góa bụa, không có sản nghiệp gì cả, họ vẫn cô đơn trên thế gian nầy, phải có điều gì tồn tại lâu dài hơn cho Ru-tơ.
Na-ô-mi là người đã lớn tuổi, không cách nào bà có thể lập gia đình được nữa, nhưng Ru-tơ tương đối còn trẻ. Nàng lập gia đình chỉ trong thời gian ngắn và góa bụa cho nên có thể nói nàng tương đối còn trẻ, nàng có thể tái giá. Mong muốn của Na-ô-mi là nàng sẽ tìm gặp một người chồng để nàng có thể nghỉ ngơi, sẽ được phước hạnh, vì vậy bà sắp sửa đề nghị một kế hoạch rất táo bạo. Ðó là bà muốn Ru-tơ tìm cách lập gia đình với Bô-ô, chúng ta sẽ tìm hiểu bà làm việc nầy như thế nào.
Chúng ta sắp đọc ngôn ngữ ở đây với trí óc xác thịt của chúng ta, nếu chúng ta có trí óc khiêu dâm, nghĩa là tư tưởng của chúng ta chạy theo những ham muốn tội lỗi về tình dục bậy bạ, chắc chắn chúng ta sẽ hiểu sai về sự đề nghị chép trong chương 3. Chúng ta đọc thấy sau khi Bô-ô ngủ trong sân đạp lúa thì Ru-tơ sẽ đi vào, dỡ mền của Bô-ô và nằm ngủ ở đó trọn cả đêm. Ðủ thứ loại suy nghĩ xác thịt tội lỗi có thể tràn ngập trí óc của chúng ta, nhưng xin cho tôi nói điều nầy trước khi chúng ta học chương 3. Không có chuyện thuộc về bản chất xác thịt được chép ở đây, điều nầy không nằm trong suy nghĩ của Na-ô-mi hay của Ru-tơ, cũng không nằm trong những câu nầy.
Xem câu 11 chúng ta sẽ không vướng vào suy nghĩ sai lầm, sống sượng, nhưng nếu chúng ta suy nghĩ theo cách không trong sạch sẽ có sự chói tai ở đây. Câu 11, Bô-ô nói: "Vậy bây giờ, hỡi con gái ta, chớ sợ chi: ta sẽ làm cho nàng mọi điều nàng sẽ nói; vì cả dân sự trong thành ta đều biết rằng nàng là một người đàn bà hiền đức**". Ðây là tiếng tốt của Ru-tơ sau khi nàng gần gũi với họ vài tháng bởi cách sống của nàng, bởi mối liên hệ của nàng với những người tớ trai trẻ ở đó, bởi mối liên hệ của nàng với Bô-ô. Nàng là một ngưòi đàn bà đức hạnh, không có sự nhạy cảm ham muốn xấu xa ở nơi nàng hay Na-ô-mi.
Chúng ta hãy xem xét những gì chép trong chương 3 một cách thật cẩn thận để tìm thấy điều thật sự muốn nói ở đây là gì. Bắt đầu với câu 1, trong vài bài tới chúng ta sẽ đi sâu hơn, tuy nhiên tôi muốn nhấn mạnh: Ðừng nghĩ theo cách thời bây giờ, nghĩa là chúng ta đang đến đoạn nóng bỏng của câu chuyện. Không! ý đó hoàn toàn không có ở đây, những gì có ở đây là cao quí, tinh khiết và trong sạch, khi đi sâu vào chúng ta sẽ thấy rất rõ ràng. Ðiểm nổi bật bây giờ là Na-ô-mi quan tâm rằng Ru-tơ sẽ được an thân và được phước.
Khi học qua sách Ru-tơ chúng ta thấy rằng Ðức Chúa Trời đã dùng câu chuyện nầy để cho chúng ta khía cạnh tự nhiên của sự cứu rỗi. Chúng ta đã nhìn thấy Ru-tơ trong địa vị bị rủa sả, tội nhân bắt đầu vào ruộng để mót lúa và sau đó được nhận diện là một trong những người thợ gặt, nàng đã trở nên giống như những người đã được cứu. Chúng ta đã thấy sự chịu khổ của Chúa Cứu Thế thể hiện qua bữa ăn trưa mà Bô-ô đưa cho Ru-tơ trong chương 2, và cũng sẽ thấy Bô-ô càng ngày sẽ làm hình bóng cho Chúa Cứu Thế Giê-xu nhiều hơn.
Bạn biết không? Ðức Chúa Trời nói về sự nghỉ ngơi trong Hê-bơ-rơ cũng như trong Ru-tơ 3:1. Hê-bơ-rơ 4:1-3, "Vậy, đang khi còn có lời hứa cho vào sự yên nghỉ của Chúa, hãy lo sợ, kẻo trong chúng ta có ai bị trừ ra chăng. Vì Tin Lành nầy đã rao truyền cho chúng ta cũng như cho họ; những lời họ đã nghe không ích chi hết, vì trong khi nghe, chẳng lấy đức tin nhận lời đó thuộc về mình. Về phần chúng ta là kẻ đã tin, thì vào sự yên nghỉ, như Ðức Chúa Trời đã phán rằng: Nầy là lời thề ta đã lập trong cơn thạnh nộ: Chúng nó sẽ chẳng hề vào sự yên nghỉ ta!... Dầu vậy, công việc của Ngài đã xong rồi từ buổi sáng thế", Ðức Chúa Trời đang nói về dân Do Thái đã không vào sự yên nghỉ bởi vì họ không tin. Sự yên nghỉ mà Ðức Chúa Trời muốn nói là sự cứu rỗi.
Trước khi được cứu, bất cứ ai chưa được tái sanh, theo lối suy nghĩ riêng của mình, nghĩ rằng có những yêu cầu cần thiết có thể làm đẹp lòng Ðức Chúa Trời. Người đó làm việc siêng năng để cố gắng vào sự yên nghỉ của Chúa, dù công việc chỉ như áo nhớp mà thôi. Người đó làm đủ mọi cách để có thể vào thiên đàng, cố gắng hòa thuận lại với Ðức Chúa Trời. Người đó làm vậy vì nghĩ rằng những việc tốt của mình đủ làm cho Ðức Chúa Trời chú ý đến và sẽ đối xử tử tế với họ, dù rằng những việc xấu xa thì nhiều hơn.
Ðây là trường hợp chung của nhân loại, con người tìm kiếm đến Ðức Chúa Trời bằng hàng trăm cách khác nhau. Có thể họ được nghe về giáo lý của tôn giáo nào đó hay của "tin lành", nhưng không phải là Tin Lành thật. Rằng, họ phải làm việc thật sốt sắng, làm chứng cho tôn giáo hay "tin lành" đó, trở thành nhà tuận đạo, vì nghĩ rằng bằng cách nầy họ sẽ được xưng công bình bởi Ðức Chúa Trời. Con người, trong đường lối riêng của mình bằng cách nầy hay bằng cách khác cố gắng vào sự yên nghỉ của Ðức Chúa Trời. Nhưng Ðức Chúa Trời bảo với chúng ta cách nào có thể vào được sự yên nghỉ.
Cách để vào sự yên nghỉ đó là hãy ngừng làm việc. Nghĩa là chúng ta phó thác mình vào Chúa Cứu Thế Giê-xu, nhìn nhận rằng công việc của chúng ta sẽ không đưa chúng ta vào thiên đàng. Chúng ta theo kế hoạch cứu rỗi của Ðức Chúa Trời có nghĩa là ngừng làm việc, nhìn nhận mình là tội nhân và cầu xin Chúa ban cho chúng ta đức tin để chúng ta có thể tin. Hoàn toàn ủy thác đời mình vào chương trình cứu rỗi mà Ðức Chúa Trời đã sắp đặt, nghĩa là chỉ qua Chúa Cứu Thế chúng ta mới có thể được cứu. Ðó là cách mà chúng ta vào sự yên nghỉ của Chúa. Thỉnh thoảng, Ðức Chúa Trời dùng Na-ô-mi làm hình bóng cho người chưa được cứu, đôi khi là hình bóng cho người đã được cứu, trong chương 3 Ru-tơ là hình bóng cho người chưa được cứu. Ðiều mà Na-ô-mi quan tâm là nàng sẽ tìm được sự yên nghỉ, nói về thuộc linh nghĩa là yên nghỉ trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Dĩ nhiên bà không có ý nầy trong đầu của bà, nhưng đây là ý của Ðức Chúa Trời qua cuộc đối thoại giữa Na-ô-mi và Ru-tơ.
Khi chưa được cứu, đây là sự yên nghỉ chúng ta tìm kiếm, chúng ta không nghỉ ngơi, chúng ta cố gắng làm việc để tìm cho ra câu trả lời, tìm cho ra lẽ thật. Nhưng vì chúng ta là nô lệ cho tội lỗi, là tôi mọi của Sa-tan nên không có sự yên nghỉ cho chúng ta. Chúng ta tìm được sự yên nghỉ trong Chúa Cứu Thế Giê-xu khi chúng ta ngừng sự cố gắng làm việc để nhận sự cứu rỗi. Tôi hi vọng đây là sự yên nghỉ mà bạn tìm được trong Chúa Giê-xu, khi tiếp tục học sách Ru-tơ bạn sẽ thấy tính chất tuyệt vời của sự cứu rỗi. Nếu bạn chưa được cứu, bạn được khuyến khích phó thác đời của bạn cho Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Chú ý phần hai của câu, "... mẹ phải lo cho con một chỗ an thân*". Ðây là sự yên nghỉ mà chúng ta tìm kiếm cho những người thân yêu của chúng ta, yên nghỉ trong sự cứu rỗi. Ðể "làm cho con được phước hạnh", chữ phước hạnh ở đây là chữ được dùng nhiều lần trong Kinh Thánh nói về tính chất tự nhiên của sự cứu rỗi. Thí dụ, trong Phục-truyền-luật-lệ-ký 5:29, "ồ! chớ chi dân nầy thường có một lòng kính sợ ta, hằng giữ theo các điều răn ta như thế, để chúng nó và con cháu chúng nó được phước đời đời." Cách duy nhất để câu nầy được ứng nghiệm là được cứu, chỉ cách đó chúng ta sẽ bắt đầu giữ điều răn của Ðức Chúa Trời theo cách Ngài vui lòng. Chúng ta làm việc lành bởi vì chúng ta đã nhận được sự sống lại của linh hồn, chúng ta được thúc đẩy bởi chính Ðức Chúa Trời. Hơn nữa, chúng ta đã được bao phủ bởi sự công bình của Chúa Cứu Thế cho nên Ðức Chúa Trời nhìn chúng ta như thể chúng ta chưa hề phạm tội. Ðể được phước của Chúa nghĩa là tội lỗi của chúng ta được đền trả. Không còn sự thù hằn giữa chúng ta với Ðức Chúa Trời, nghĩa là chúng ta sẽ có mối liên hệ tốt đẹp với Ðức Chúa Trời, đây là sản phẩm của sự cứu rỗi.
Trở lại chương 3, chúng ta thấy Na-ô-mi có một kế hoạch. Bà nhận ra Bô-ô là bà con và chắc chắn bà cũng nhận biết Ru-tơ hiện đang được Bô-ô yêu mến. Bởi vì bà là bà con gần của Bô-ô nên chắc chắn bà thấy được sự tríu mến của ông hơn là sự ưa thích bình thường. Vì vậy, bà nghĩ ra một kế hoạch qua đó bà sẽ giúp Ru-tơ bày tỏ cho Bô-ô biết rằng Ru-tơ mong muốn ông đóng vai làm người chuộc sản nghiệp, hay ít nhất ông sẽ yêu mến cô và cưới cô. Nếu tiếp tục học sách Ru-tơ chúng ta sẽ thấy là đúng, Na-ô-mi thật sự hi vọng Bô-ô sẽ trở thành người chuộc sản nghiệp cho gia đình của Ê-li-mê-léc và cũng cưới Ru-tơ nữa.
Tôi không biết tại sao bà chọn kế hoạch đặc biệt nầy, theo một ý nghĩa nào đó đây là một kế hoạch kỳ cục, táo bạo. Khi nhìn sự việc nầy chúng ta sẽ nhận ra bà chọn kế hoạch nầy bởi vì qua đó Ðức Chúa Trời dạy chúng ta về lẽ thật thuộc linh. Tôi nghĩ rằng đây không phải là loại kế hoạch mà nhiều người khác sẽ nghĩ đến, nhưng Na-ô-mi phác họa kế hoạch nầy và đối với bà rất là có lý. Bài học tới chúng ta sẽ xem xét kế hoạch nầy để xem bà có ý định gì trong trí của bà.
"Hãy cảm biết sự khốn nạn mình, hãy đau thương khóc lóc; hãy đổi cười ra khóc, đổi vui ra buồn. Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên."
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 20 (Ru-tơ 3:2)
Trong câu 1 chương 3, Na-ô-mi nói với Ru-tơ rằng bà mong muốn Ru-tơ tìm được sự nghỉ ngơi, phước hạnh. Chúng ta cũng đã thấy đây là hình ảnh về sự quan tâm đến những người thân yêu, những người xung quanh chúng ta, hầu cho chúng ta có thể tìm được sự nghỉ ngơi cho họ. Sự nghỉ ngơi mà Na-ô-mi muốn Ru-tơ có đó là tìm được một mái ấm gia đình, một người chồng, có được sản nghiệp. Mùa gặt đã chấm dứt, Ru-tơ không còn mót lúa trong ruộng của Bô-ô nữa bởi vì không còn có lúa để mót. Bây giờ hi vọng điều xảy đến cho Ru-tơ sẽ tốt hơn việc tiếp tục thân góa bụa của nàng, sống với mẹ chồng cũng góa bụa. Vì vậy bà có một kế hoạch qua đó bà sẽ tìm được một hoàn cảnh tốt hơn cho Ru-tơ.
Dĩ nhiên, hình bóng ở đây là chúng ta tìm kiếm sự sống đời đời cho những người mà chúng ta quan tâm đến. Ðây là sự nghỉ ngơi mà chúng ta muốn những người thân yêu của chúng ta có được. Chúng ta thấy họ sống trong sự đau khổ, cố gắng tìm kiếm sự vui vẻ tạm bợ trong đời sống nầy. Chúng ta biết rằng chỉ có cách duy nhất để được nghỉ ngơi đó là dựa vào cánh tay của Chúa Cứu Thế Giê-xu, yên nghỉ dưới sự chăm sóc quyền năng của Ngài. Ðiều đó có được chỉ khi nào họ được sanh lại, chỉ khi nào họ không còn tìm kiếm mối tương quan giữa họ với Chúa bằng sự cố gắng của chính họ mà chỉ giao thác đời họ cho Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Chúng ta tiếp tục câu 2 thì sẽ thấy rõ kế hoạch của bà như thế nào. Như chúng ta đã xem trong bài học vừa rồi thì thấy rằng đây không phải là một kế hoạch mà một người mẹ chồng tiêu biểu nghĩ đến. Ðây là một kế hoạch nguy hiểm, một kế hoạch gom nhóm nhiều sự hiểu lầm, có tính chất xác thịt, có hại. Nhưng bà chọn kế hoạch nầy bởi vì Ðức Chúa Trời hướng dẫn bà. Ngài quan tâm đến sự cao thượng hơn là mối liên hệ giữa Ru-tơ, Na-ô-mi và Bô-ô. Sự quan tâm của Ðức Chúa Trời là dạy về lẽ thật thuộc linh. Khi kế hoạch nầy được mở ra trước mắt, chúng ta sẽ thấy sự đẹp đẽ tuyệt vời của lẽ thật thuộc linh chảy tràn ra từ kế hoạch nầy.
Tôi hi vọng rằng khi chúng ta học bài học nầy bạn sẽ dành thì giờ đọc qua sách Ru-tơ, để những câu nầy sẽ nằm trong trí của bạn. Khi bạn suy nghĩ về những câu đó bạn sẽ cố gắng nghĩ ra những áp dụng thuộc linh, bởi vì qua cách nầy Ðức Chúa Trời sẽ nuôi dưỡng đời sống tâm linh của bạn. Ngài không chỉ làm cho bạn buồn cười bằng một câu chuyện tình thú vị để bạn có thể nói rằng, "Ồࡠtôi biết về câu chuyện đó, tôi biết Ru-tơ, Na-ô-mi..." Nhưng thật ra qua câu chuyện nầy bạn có thể nói rằng bởi vì Ru-tơ nói vậy, Bô-ô nói như thế, nên tôi học thêm được về sự cứu rỗi lạ lùng mà Ðức Chúa Trời ban cho tôi.
Ở đây Na-ô-mi nói với Ru-tơ trong câu 2, "Vả, con đã theo các tớ gái của Bô-ô, mà người ấy vốn là bà con của chúng ta. Chính đêm nay người phải đi sảy lúa mạch nơi sân đạp lúa người. Hãy tắm rửa, xức dầu và mặc quần áo, rồi đi xuống sân đạp lúa; nhưng trước khi người chưa ăn uống xong, con chớ làm cho người nhận biết mình. Khi người nằm ngủ, hãy để ý xem người nằm nơi nào; rồi đi dỡ mền dưới chơn người và nằm xuống chính người sẽ nói điều gì con phải làm. Nàng thưa rằng: Mọi điều mẹ đã nói với con, con sẽ làm". Ru-tơ đã được Bô-ô biết nhiều, ông cũng đã tỏ ra quan tâm đến nàng. Chúng ta gom góp được từ trong ngôn ngữ của sách Ru-tơ, rất có thể Bô-ô là một người đã già. Có lẽ ông đã già bằng Ê-li-mê-léc, là anh em ruột hay anh em họ của Ê-li-mê-léc, cha chồng của Ru-tơ, dĩ nhiên Ru-tơ là đàn bà góa còn trẻ. Na-ô-mi bắt đầu thấy rằng không chỉ là một sự quan tâm ngẫu nhiên giữa hai người nầy là Ru-tơ và Bô-ô, vì vậy bà nghĩ ra một ý kiến. Bà bảo Ru-tơ tỏ cho Bô-ô biết nàng sẵn sàng làm đầy tớ của Bô-ô, không phải là đầy tớ như những đầy tớ khác, mà sẽ lập gia đình với Bô-ô.
Về mối liên hệ giữa chồng và vợ, Kinh Thánh nói rằng: Vợ phải thuận phục chồng. Ðức Chúa Trời đã ra luật lệ nầy để chúng ta có sự đằm thắm trong gia đình. Phải có một người đứng đầu trong gia đình và tình cờ Ngài chọn người đàn ông làm chủ gia đình. Nằm dưới chân của Bô-ô khi ông đang ngủ bày tỏ rằng nàng sẵn sàng phục vụ ông như là chúa của mình đến hết cuộc đời. Sau trận chiến, người chiến thắng thường đạp chân trên cổ của kẻ thua trận để tỏ ra rằng người đó đã đánh bại kẻ thù mình. Ru-tơ sẽ cho Bô-ô biết rằng nàng sẵn sàng thuận phục ông. Vì vậy, nằm dưới chân của Bô-ô, Ru-tơ có ý nói rằng tôi sẵn sàng làm vợ của ông.
Như tôi đã nhấn mạnh trong bài học vừa rồi, Ru-tơ là một người đàn bà đức hạnh. Không có sự ám chỉ về tình dục ở đây, không có ý kiến cho rằng Ru-tơ gợi ý: "Chúng ta có thể có quan hệ tình dục trước khi đám cưới". Ðó là sự gớm ghiếc, đó là tà dâm, điều đó đi ngược lại với tất cả những lời dạy trong Kinh Thánh. Tội lỗi đó lan tràn và nhân lên nhiều trong thời đại nầy, rất phổ biến nhưng không phải vì vậy mà không phải là tội. Bất cứ sự liên hệ tình dục nào trước hôn nhân là tà dâm. Không có chuyện làm vợ chồng thử, không có ám chỉ loại quan niệm như thế ở đây. Na-ô-mi đã đề xuất điều nầy và Ðức Chúa Trời sẽ dùng nó để minh họa một lẽ thật thuộc linh rất sâu sắc tuyệt vời.
Bà nói với Ru-tơ: "Con sửa soạn cho sạch sẽ, mặc đồ tốt nhất của con, Bô-ô rất bận rộn trong sân đạp lúa của ông, tối nay ông sẽ rất mệt mõi". Na-ô-mi biết rằng Bô-ô thường ngủ lại sân đạp lúa, ông làm việc cả ngày và ngủ lại đó để qua bữa sau có thể làm việc sớm. "Khi ông nằm ngủ, con xem chừng ông nằm ở đâu, rồi nhẹ nhàng dỡ mền ông ra để nằm dưới chân. Ông sẽ khám phá ra con ở đó và nhận biết ý của con muốn nói rằng: tôi muốn trở nên vợ của ông, tôi muốn phục tùng ông, rồi mẹ và con sẽ đợi xem điều gì sẽ xảy ra". Na-ô-mi có thể nghĩ đến một người bà con khác để nhờ họ nói với Bô-ô rằng bà muốn ông cưới Ru-tơ, nhưng Ðức Chúa Trời hướng dẫn Na-ô-mi trong việc nầy để có điều muốn nói với chúng ta.
Trước hết, chúng ta đọc trong câu 3, Na-ô-mi nói với Ru-tơ: "Hãy tắm rửa, xức dầu và mặc quần áo...". Câu nói nầy rất nặng, ám chỉ bình thường Ru-tơ không được sạch sẽ. Na-ô-mi muốn nói, trước khi đi con nên tắm rửa, không thôi người khác sẽ ngửi thấy mùi hôi của thân thể con. Ðây không phải là điều mà chúng ta mong đợi trong một câu chuyện tình. Na-ô-mi nên nói với Ru-tơ như thế nầy: "Con hãy sửa soạn cho đẹp, xức dầu cho thật thơm", nhưng bà nói "Hãy tắm rửa", thấy không hay chút nào phải không? Nhưng bạn biết không? Ðức Chúa Trời chọn ngôn ngữ và hướng dẫn Na-ô-mi nói câu nầy bởi vì có một lẽ thật thuộc linh sâu hơn.
Hãy nhớ, đại ý trong câu 1 cho chúng ta biết rằng Na-ô-mi muốn tìm một sự nghỉ ngơi cho Ru-tơ để nàng sẽ được phước hạnh. Nói theo thuộc linh, bà tìm kiếm sự cứu rỗi cho Ru-tơ để nàng có sự sống đời đời. Câu "Hãy tắm rửa" là một cách nói khác chỉ về cùng một vấn đề. Ðể được sự cứu rỗi, tội lỗi của chúng ta phải được rửa sạch. Chúng ta đọc trong Giăng chương 3, Chúa Giê-xu nói với Ni-cô-đem "Các ngươi phải sanh lại", "Nếu một người chẳng sanh lại thì không thể thấy được nước Ðức Chúa Trời". Chúa Giê-xu nói với Ni-cô-đem một cách dứt khoát: Ðể tìm được sự nghỉ ngơi, để được phước hạnh cho linh hồn của mình, ngươi phải được sanh lại. Ðó là một cách nói khác để nói rằng: "Ni-cô-đem, tội lỗi của ngươi phải được rửa sạch".
Trong Ê-xê-chi-ên 18, khi Ðức Chúa Trời đến với dân tộc Do thái để nói với họ rằng họ đang ở dưới sự phán xét của Ngài bởi vì tội lỗi của họ, cuối cùng trong câu 31 Ngài nói: "Hãy liệng xa các ngươi mọi sự phạm pháp mà tự mình đã làm. Hãy làm cho mình lòng mới và thần mới; vì, hỡi nhà Y-sơ-ra-ên, làm sao mà các ngươi muốn chết?" Nói cách khác, Ngài nói rằng các ngươi đã phạm tội chống nghịch ta và cách duy nhất mà các ngươi được sửa sai lại đó là có một tấm lòng mới, một tâm linh mới. Chúa Giê-xu cũng nói với Ni-cô-đem giống như vậy, ngươi phải được sanh lại, những gian ác ngươi cần phải được tẩy sạch.
Khải huyền 19:7 nói về hôn lễ của cô dâu và Chiên Con là tuyệt đỉnh của lòng ước mong khi sự cứu rỗi của chúng ta được hoàn tất. Chúng ta bước vào với Chúa Cứu Thế hoàn toàn vì chúng ta thuộc về Ngài, Ngài đã mua chuộc chúng ta bằng chính huyết của Ngài. "Chúng ta hãy hớn hở vui mừng, tôn vinh Ngài; vì lễ cưới Chiên Con đã tới, và vợ Ngài đã sửa soạn, đã cho người được mặc áo sáng láng tinh sạch bằng vải gai mịn (vải gai mịn tức là công việc công bình của các thánh đồ).". Bạn thấy ngôn ngữ nầy gần như song song với Ru-tơ 3:3 phải không? Na-ô-mi bảo Ru-tơ hãy tắm rửa và mặc quần áo vào, bà nói rằng con phải sửa soạn bởi vì con sắp đề nghị một cuộc hôn nhân.
Ðám cưới mà Ðức Chúa Trời quan tâm không phải là đám cưới của Bô-ô và Ru-tơ. Ðám cưới Ðức Chúa Trời nghĩ đến trong phân đoạn nầy là đám cưới của một người chưa được cứu với Chúa Cứu Thế Giê-xu. Khi được cứu, chúng ta trở thành cô dâu của Chúa Cứu Thế, lúc mà sự cứu rỗi của chúng ta được hoàn tất thì chúng ta sẽ thành hôn cùng Chúa Giê-xu đời đời. Chúng ta phải được sửa soạn trước khi bắt đầu có mối liên hệ trong hôn nhân, chúng ta phải được rửa sạch, nhưng làm sao để được rửa sạch? Dĩ nhiên, bởi phó thác đời sống mình hoàn toàn vào Chúa Cứu Thế Giê-xu là Cứu Chúa của chúng ta, Ngài là Ðấng duy nhất có thể rửa sạch tội lỗi của chúng ta. Kinh Thánh nói trong Tít 3:5, "sự rửa về sự lai sanh và sự đổi mới của Thánh Linh", nghĩa là sự sanh lại, đây là hành động của Ðức Thánh Linh trong việc rửa sạch tội lỗi của chúng ta. Ê-phê-sô 5:27, Ðức Chúa Trời nói về sự rửa dùng Lời, khi Lời của Ðức Chúa Trời đụng đến lòng của chúng ta, Ngài làm cho chúng ta được tinh sạch khỏi tội lỗi mình. Trừ khi chúng ta được rửa sạch, chúng ta không thể có được mối liên hệ với Chúa Cứu Thế Giê-xu, chúng ta không thể làm cô dâu của Ngài. Dĩ nhiên, Ngài là Ðấng rửa sạch tội lỗi của chúng ta.
Chúng ta đọc tiếp "... xức dầu...", Na-ô-mi bảo Ru-tơ xức dầu thơm để Bô-ô sẽ ngửi được mùi thơm phảng phất đó. Ðiều nầy cũng có lý, nhưng nếu nói theo nghĩa thuộc linh, chúng ta phải được xức dầu, trở nên thầy tế lễ cho Ðức Chúa Trời. Trong Cựu ước, trước khi một người lên ngôi vua thì sẽ được xức dầu, khi thầy tế lễ được phong chức thì cũng được xức dầu. Giống như vậy, khi được cứu, chúng ta được xức dầu bởi Ðức Thánh Linh để có đủ tư cách: là thầy tế lễ cầu thay cho người khác trước mặt Ðức Chúa Trời, là tiên tri rao giảng Lời của Ðức Chúa Trời đến với người khác, và là vua vì chúng ta không chỉ cai trị thân thể của chúng ta mà thôi mà chúng ta cũng cai trị vương quốc của Sa-tan nữa. Vì vậy, rất cần thiết cho chúng ta được xức dầu để trở nên cô dâu của Chúa Cứu Thế.
Tiếp tục: "... và mặc quần áo", chúng ta có thể dựa vào câu nầy để cho rằng Na-ô-mi bảo Ru-tơ mặc quần áo tốt nhất vào. Dĩ nhiên, theo ý nghĩa thuộc linh, có một loại quần áo nhất định mà chúng ta phải mặc để có thể bước vào tiệc cưới. Bạn có nhớ? Chúa Giê-xu kể thí dụ về một người mở tiệc cưới và mời khách đến dự, khi tất cả mọi người đã vào phòng tiệc thì có một người bị loại ra bởi vì người đó không có áo lễ và bị quăng vào địa ngục. Loại quần áo lễ gì mà chúng ta cần phải có để có thể bước vào tiệc cưới? Ðó là áo công bình của Chúa Cứu Thế. Cần phải có sự công bình của Chúa đậy lên chúng ta, chỉ lúc đó chúng ta mới có thể bước vào phòng tiệc. Nếu chúng ta có loại áo nào khác, nếu chúng ta cố gắng tạo mối liên hệ với Chúa bởi việc lành, bởi việc làm cao thượng của chúng ta, những điều đó không đem chúng ta vào thiên đàng được. Chúng ta sẽ bị quăng vào địa ngục, chúng ta vẫn còn ở dưới luật pháp và luật pháp sẽ xét xử chúng ta.
Ðể được vào tiệc cưới cần thiết phải có quần áo mà Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta, đó là sự công bình của Chúa Cứu Thế. Sự công bình của Ngài trở nên sự công bình của chúng ta, rồi chúng ta sẽ bắt đầu làm việc công bình bởi vì sự công bình của Ðức Chúa Trời đã áp đặt trên chúng ta. Trước hết, Ngài ban cho chúng ta một tâm linh mới và trong tâm linh mới nầy chúng ta sẽ bắt đầu sống một cách sống làm vinh hiển danh Chúa. Câu 3, "rồi đi xuống sân đạp lúa; nhưng trước khi người chưa ăn uống xong, con chớ làm cho người nhận biết mình". Theo sự kiện lịch sử, Na-ô-mi nói với Ru-tơ: "Ðừng làm cho Bô-ô ngạc nhiên tại sao con lên đó, đừng đứng cà kê ở đó trong bộ quần áo tốt nhất của con để cho người thấy con và không hiểu tại sao. Chỉ đứng xa xa đâu đó và xem chừng người đang làm gì, đợi đến khi người ăn uống xong và nằm ngủ, hãy để ý xem người nằm nơi nào, sau đó khi trời tối con sẽ không bị nhầm lẫn để có thể đến nằm dưới chân của người". Khi nào thì Ru-tơ sẽ tỏ mình ra cho Bô-ô biết? Ðến khi ông ăn uống xong, đó là theo sự kiện lịch sử, nhưng ý nghĩa thuộc linh là gì?
Cho đến khi Chúa Cứu Thế ăn uống xong chúng ta không làm cho Chúa nhận biết rằng chúng ta mong muốn cuộc hôn nhân với Ngài. Ngài phải ăn và uống gì để có thể trở nên Cứu Chúa của chúng ta rồi sau đó chúng ta mới được Ngài nhận diện? Chắc chắn, trước khi Chúa Giê-xu lên thập tự giá Ngài không thể là Cứu Chúa của chúng ta. Ngài cần phải lên thập tự giá, nếu không sẽ không có sự cứu rỗi. Dĩ nhiên, chúng ta phải nhớ rằng thập tự giá nằm ngoài thời gian. Những người sống trong thời Cựu Ước cũng được cứu bởi vì họ dự phần trong sự thực tế của thập tự giá. Họ được cứu sau thập tự giá trong ý nghĩa thập tự giá với tới thời điểm bắt đầu thời gian.
Vì vậy trong ý nghĩa thật, những người được cứu không ai được Chúa Cứu Thế nhận diện cho đến khi Ngài kinh nghiệm sự chịu khổ của thập tự giá. Chúa Cứu Thế là trái đầu mùa của những kẻ ngủ và chúng ta theo gót chân của Ngài. Bài học tới chúng ta sẽ xem xét câu: "... trước khi người chưa ăn uống xong, con chớ cho người nhận biết mình."
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 21 (Ru-tơ 3:3)
Khi học sách Ru-tơ chúng ta đã thấy hai đứa con trai của Na-ô-mi qua đời cùng với chồng của bà trong xứ Mô-áp, bây giờ chỉ còn một mình bà và nàng dâu là Ru-tơ, người Mô-áp cũng góa bụa. Hai người đàn bà nầy rất cô đơn tại Bết-lê-hem là quê hương của Na-ô-mi. Chúng ta thấy Ru-tơ được Bô-ô là người bà con gần của Na-ô-mi, có thể là anh em của Ê-li-mê-léc, để ý đến. Thực tế Ru-tơ hay Na-ô-mi có thể đòi hỏi nơi Bô-ô trong một mức độ nào đó.
Chúng ta xem trong Phục-truyền-luật-lệ ký 25:5-6, "Khi anh em ruột ở chung nhau, có một người chết không con, thì vợ của người chết chớ kế đôi cùng người ngoài; anh em chồng phải đi đến cùng nàng, cưới nàng làm vợ, y theo bổn phận của anh em chồng vậy. Con đầu lòng mà nàng sanh ra sẽ nối danh cho người anh em chết, hầu cho danh của người ấy chớ tuyệt khỏi Y-sơ-ra-ên." Chúng ta sẽ không học sâu vào điều ám chỉ ở đây trong lúc nầy nhưng sẽ xem xét cẩn thận hơn khi chúng ta học chương 4. Theo khúc Kinh Thánh nầy, Ðức Chúa Trời có một chương trình cho dân Y-sơ-ra-ên. Nếu thực hiện được thì dòng dõi sẽ được tiếp nối qua hôn nhân để tên tuổi được lưu truyền.
Khi người chồng chết không có con thì người anh em hoặc bà con gần còn độc thân phải cưới người đàn bà góa của anh em mình làm vợ, qua đó họ sẽ sanh con làm dòng dõi của anh em người đó được lưu truyền. Ðứa con đầu lòng của cuộc hôn nhân nầy là biểu tượng của sự tồn tại mãi mãi về dòng dõi của người đã chết, hầu cho sản nghiệp của người nầy không bao giờ bị chấm dứt. Ðây là luật lệ trong xứ Y-sơ-ra-ên, sau nầy chúng ta sẽ xem xét về áp dụng thuộc linh.
Na-ô-mi lập gia đình với Ê-li-mê-léc, Ê-li-mê-léc qua đời sau khi sanh được hai con trai. Cả hai Mạc-lôn và Ki-li-ôn đều cưới vợ và chết trước khi sanh con, vì thế dòng dõi của Na-ô-mi và Ê-li-mê-léc chấm dứt bằng cái chết của Mạc-lôn và Ki-li-ôn. Cho nên, Na-ô-mi có quyền tìm một người bà con gần để lập gia đình với bà hầu cho dòng dõi của Ê-li-mê-léc được lưu truyền. Nhưng Na-ô-mi đã già, bà không còn có thể sanh con được nữa, do đó không cách nào dòng dõi của Ê-li-mê-léc được tồn tại mãi mãi qua việc Na-ô-mi lập gia đình với một người bà con gần.
Hơn nữa, dòng dõi của Mạc-lôn và Ki-li-ôn cũng chấm dứt vì họ chết trước khi sanh con. Nếu Na-ô-mi tái giá và sanh con thì cũng không nối tiếp được dòng dõi của Mạc-lôn và Ki-li-ôn mà chỉ nối tiếp dòng dõi cho Ê-li-mê-léc mà thôi. ễ đây, chúng ta có Ru-tơ, dầu nàng là người Mô-áp, là người ngoại bang, khách lạ đối với dân Y-sơ-ra-ên nhưng nàng liên hệ đến dòng dõi của Mạc-lôn là con trai của Ê-li-mê-léc. Nếu Ru-tơ có thể tìm được một người bà con của Mạc-lôn bằng lòng cưới nàng làm vợ và sanh con thì ít nhất dòng dõi của Mạc-lôn cũng được tồn tại cũng như dòng dõi của Ê-li-mê-léc.
Ðó là điều được nhìn thấy trong kế hoạch táo bạo trong câu 3 ở đây. Na-ô-mi gợi ý cho Ru-tơ trong việc đề nghị đi đến hôn nhân với Bô-ô. Bô-ô là người bà con gần của Ê-li-mê-léc, có thể là anh hay em, Kinh Thánh không nói chúng ta biết liên hệ bà con của họ gần như thế nào. Có thể Bô-ô có trách nhiệm trong việc làm cho dòng dõi của Ê-li-mê-léc và Mạc-lôn được lưu truyền. Bởi vì ọt-ba ở lại Mô-áp nên không cách nào dòng dõi của Ki-li-ôn tồn tại mãi được.
Ru-tơ đề nghị lập gia đình với Bô-ô là ý kiến đề xuất của Na-ô-mi, đây không phải là chuyện bất thường hay chưa bao giờ nghe nói đến mà là một việc làm hợp pháp. Chúng ta thấy đề nghị của bà có vẻ như không gia giáo chút nào, bà bảo Ru-tơ đợi đến khi Bô-ô nghỉ công việc đạp lúa trong ngày, ăn xong và đi ngủ, lúc ông đang ngủ thì dỡ mền để nằm dưới chân ông. Qua cách thức chủ động đó nàng bày tỏ với Bô-ô rằng, tôi tự nguyện làm vợ của ông, tự nguyện phục tùng ông. Chắc chắn cách nầy thật không có gia giáo. Nhưng chúng ta thấy những điều nầy xảy ra bởi vì tình yêu lạ lùng của Ðức Chúa Trời được bày tỏ cho chúng ta. Chúng ta có câu chuyện tình của Bô-ô và Ru-tơ ở đây, nhưng câu chuyện tình cao quí hơn trong ý định nầy đó là tình yêu của Chúa Cứu Thế Giê-xu cho những người tín hữu được sanh lại.
Chúng ta đã đến chương 3 khi Na-ô-mi nói với Ru-tơ "Hãy tắm rửa, xức dầu và mặc quần áo, rồi đi xuống sân đạp lúa; nhưng trước khi người chưa ăn uống xong, con chớ làm cho người nhận biết mình." Chúng ta đã thấy trong ý nghĩa thuộc linh, việc ăn và uống liên quan đến việc Chúa Giê-xu lên thập tự giá. Nhưng liên quan như thế nào? Hãy nhớ rằng Kinh Thánh là quyển sách chú dẫn cho chính Kinh Thánh. Khi chúng ta muốn tìm hiểu câu nào đó trong Kinh Thánh, nơi tốt nhất để chúng ta tìm kiếm đó là Kinh Thánh. Hãy tìm chữ hay ý nào liên quan và so sánh, bằng cách đó chúng ta có thể khám phá ra một đoạn khác đang nói về câu mà chúng ta đang thắc mắc.
Trong Giăng 4:32, chúng ta đọc: "Ngài đáp rằng: Ta có một thứ lương thực để nuôi mình mà các ngươi không biết. Vậy môn đồ nói với nhau rằng: Có ai đã đem chi cho thầy ăn chăng? Ðức Chúa Giê-xu phán rằng: Ðồ ăn của ta tức là làm theo ý muốn của Ðấng sai ta đến, và làm trọn công việc Ngài." Bạn thấy không? Chúa Cứu Thế có lương thực để ăn và Ðức Chúa Giê-xu bày tỏ rằng lương thực mà Ngài ăn là làm theo ý muốn của Cha Ngài. Ý muốn của Cha Ngài là gì? Ý của Ðức Chúa Trời muốn Chúa Giê-xu trở thành người cứu chuộc, làm Cứu Chúa của chúng ta như Giăng 3:16 chép, "Vì Ðức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời". Ðức Chúa Cha đã sai Ðức Chúa Con, như Chúa Giê-xu nói: "Chính Cha là Ðấng đã sai ta, cũng làm chứng về ta" (Giăng 5:37).
Chúa Giê-xu được Cha Ngài sai đến thế gian để làm của lễ chuộc tội, cung cấp sự rửa sạch tội lỗi của chúng ta bằng cách đổ huyết của Ngài ra trên thập tự giá và cam chịu hình phạt của địa ngục thay cho chúng ta. Ðây là lương thực mà Chúa Giê-xu đến để ăn, cho đến khi Ngài ăn xong đồ ăn nầy, cho đến khi Ngài lên thập tự giá, Ngài chưa phải là Cứu Chúa của chúng ta. Nếu Ngài không lên thập tự giá, sẽ không có sự cứu rỗi, không cách nào chúng ta có thể trở thành vợ hứa của Chiên Con, không cách nào chúng ta có thể bước vào mối liên hệ tâm linh với Chúa Giê-xu. Ðây là điều được minh họa trong câu 3, "nhưng trước khi người chưa ăn uống xong, con chớ làm cho người nhận biết mình".
Một lần nữa xin nhắc lại, sự bị đóng đinh trên thập tự giá của Chúa Giê-xu nằm bên ngoài thời gian. Trong Khải Huyền 13:8, Ngài là "Chiên Con đã bị giết từ buổi sáng thế". Sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu có hiệu lực từ lúc bắt đầu thời gian cho đến lúc chấm dứt thời gian. Việc Ngài lên thập tự giá nằm trong một khoảng thời gian, đó là vào năm 33 (Sau Chúa Cứu Thế) nhưng thật ra giá trị sự chuộc tội của thập tự giá bao phủ tất cả nhân loại, từ khi bắt đầu cho đến khi tận thế. Trừ khi Chúa Giê-xu lên thập tự giá, sẽ không có sự chuộc tội, không cách nào chúng ta có thể đề nghị cuộc hôn nhân giữa Ngài với chúng ta. Chúng ta không thể nào đến và nói với Ngài "Chúa có đồng ý làm Chúa Cứu Thế của chúng con không, chúng con có thể bước vào mối tương quan thuộc linh với Ngài được không?"
Chú ý câu 3 nói: "nhưng trước khi người chưa ăn uống xong". Chúng ta có tìm thấy chỗ nào trong Kinh Thánh liên quan đến sự uống của Chúa Giê-xu không? Chúng ta nhớ, khi Chúa Giê-xu ở trong vườn Ghết-sê-ma-nê Ngài cầu nguyện cùng Ðức Chúa Trời: "Cha ơi! nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi con!" Chén nầy là chén gì? Ðó là chén thạnh nộ của Ðức Chúa Trời. Ngài uống sự hình phạt thay thế chúng ta bởi vì Ngài trở nên tội lỗi vì chúng ta. Cho đến khi Chúa Giê-xu chịu đựng cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời vì cớ tội lỗi của chúng ta, chúng ta không được Ngài nhận ra. Chỉ khi nào Ngài uống chén thạnh nộ của Ðức Chúa Trời chúng ta mới được Ngài nhận diện, được làm con cái của Ngài, được làm kẻ kế tự trong vương quốc của Ðức Chúa Trời và những ơn phước theo đó nữa. Chúa Giê-xu trước hết phải ăn, nghĩa là làm theo ý muốn của Ðức Chúa Trời trong việc lên thập tự giá, Ngài phải uống chén thạnh nộ của Ðức Chúa Trời thì mới làm Cứu Chúa của chúng ta được.
Tiếp tục câu 4, "Khi người nằm ngủ*, hãy để ý xem người nằm nơi nào". Theo sự kiện lịch sử Na-ô-mi đang bảo Ru-tơ, chú ý xem ông sẽ nằm ngủ nơi nào, để không bị nhầm lẫn hoặc vấp vào vật gì, sau đó lúc trời tối con sẽ nhẹ nhàng dỡ mền nằm dưới chân người. Ðây là sự kiện đã thật sự xảy ra trong lịch sử, nhưng bài học thuộc linh gì chúng ta có ở đây? "Khi người nằm ngủ*" chữ "nằm*" thường được dùng trong Kinh Thánh để biểu hiện cho sự chết hay ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời.
Trong Ê-sai 43:14-17, Ðức Chúa Trời nói về cơn giận của Ngài đối với người không được cứu, trong phân đoạn nầy Ngài nói về Ba-by-lôn là hình bóng về vương quốc của Sa-tan. "Ðức Giê-hô-va Ðấng Cứu Chuộc các ngươi, Ðấng Thánh của Y-sơ-ra-ên phán như vầy: Vì cớ các ngươi, ta sẽ sai đến Ba-by-lôn, khiến chúng nó, tức là người Canh-đê, như là người chạy trốn, xuống các tàu mình đã lấy làm vui mừng. Ta, Ðức Giê-hô-va là Ðấng Thánh của các ngươi, Ðấng tạo thành Y-sơ-ra-ên, tức Vua các ngươi. Ðức Giê-hô-va là Ðấng đã mở lối trong biển và đường vượt qua đường nước mạnh, khiến xe, ngựa, cơ binh và lính mạnh nhóm lại, - thảy đều nằm* cả tại đó, sẽ không dậy nữa, bị ngột và tắt đi như tim đèn".
Chữ "nằm*" ở đây cùng một chữ trong Ru-tơ, phân đoạn nầy bày tỏ rằng, họ ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời, họ sẽ ở trong địa ngục đời đời. Ðây là hình bóng mà Ðức Chúa Trời dùng khi Ngài nói về việc nằm xuống. Trong Gióp 21:26, cũng nói về những người không được cứu, "Cả hai đều nằm* chung trong bụi đất, giòi sâu che lấp họ". Chúa Giê-xu đã lấy ý nầy khi nói về địa ngục "đó là nơi sâu bọ của chúng nó chẳng hề chết và là nơi lửa chẳng hề tắt" (Mác 9:48). Nói cách khác, Ðức Chúa Trời dùng phân đoạn trong Ru-tơ chương 3 để nói về thập tự giá. Bô-ô ăn uống và nằm xuống liên quan đến sự gánh chịu cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời.
"Khi người nằm ngủ*, hãy để ý xem người nằm nơi nào; rồi đi dỡ mền dưới chân người và nằm xuống". Câu "hãy để ý xem người nằm nơi nào" theo sự kiện lịch sử thì dễ hiểu, Ru-tơ phải chú ý chỗ nào để khi trời tối không thấy rõ có thể đến đúng chỗ. Thật ra chữ "để ý" trong Kinh Thánh thường được dịch là "biết". Nói theo ý nghĩa thuộc linh, để được cứu, chúng ta phải đến đâu để tìm gặp Chúa Giê-xu? Có phải chúng ta đi đến thủ đô của nước chúng ta đang ở không? Chúng ta sẽ đi lên ngọn núi thật cao để được gần thiên đàng nhất, hay là chúng ta sẽ đi xuống sâu trong lòng biển để tìm gặp Chúa Cứu Thế? Hoặc chúng ta sẽ đi tận đầu cùng đất hi vọng sẽ gặp Chúa Giê-xu ở đó?
Không! Chỉ có một chỗ duy nhất chúng ta có thể tìm gặp Chúa Cứu Thế mà chúng ta cần phải biết. Ðó là tại thập tự giá! Tại thập tự giá chúng ta có mối liên hệ với Chúa Cứu Thế Giê-xu, tại thập tự giá tội lỗi của chúng ta bị đóng đinh, tại thập tự giá Chúa Giê-xu trở nên tội lỗi vì chúng ta. Chúa Giê-xu nằm xuống nơi thập tự giá để chịu khổ vì tội lỗi của những người được cứu. Vì vậy, khi rao giảng Tin Lành, chúng ta phải nói về sự chết của Chúa Giê-xu, về hình phạt mà Ngài phải chịu. Chúng ta phải nói về thập tự giá vì Ngài đổ huyết ra cho chúng ta, tất cả đều tập trung vào thập tự giá.
Chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi có nhiều điều để nói về thập tự giá trong Kinh Thánh. Khi tôi dùng chữ thập tự giá có nghĩa là toàn bộ sự chuộc tội, sự chịu khổ của Chúa Cứu Thế Giê-xu khi Ngài gánh chịu cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời vì tội lỗi của chúng ta. Nếu chúng ta mong muốn được cứu, chúng ta đến nơi mà Ngài nằm, chúng ta phải biết nơi đó ở đâu, đó là nơi thập tự giá. Chúng ta có thể biết được khi chúng ta đến với Lời của Ðức Chúa Trời là Kinh Thánh. ễ đó, chúng ta sẽ tìm gặp Chúa Giê-xu chịu đựng hình phạt thay cho tội lỗi của chúng ta.
Trong bài học tới chúng ta sẽ tìm hiểu câu: "rồi đi dỡ mền dưới chân người và nằm xuống". Ðây là một thái độ rất táo bạo của Ru-tơ, dĩ nhiên, nhiều lần chúng ta thấy nàng được nói đến là một người đàn bà đức hạnh. Không có ám chỉ điều gì sai trái về phía nàng, nhưng tại sao Ðức Chúa Trời để cho Na-ô-mi dạy Ru-tơ làm như thế nầy: "... rồi đi dỡ mền dưới chân người và nằm xuống"? Chắc chắn phải có ý nghĩa thuộc linh cho chúng ta ở đây, chúng ta sẽ tìm hiểu điều nầy trong bài học tới.
Khi tiếp tục học sách Ru-tơ, tôi xin mời bạn đọc sách nầy thật cẩn thận. Nếu bạn thấy có câu nào, chữ nào liên quan đến những chỗ khác trong Kinh Thánh, hãy đánh dấu ngoài lề trong Kinh Thánh của bạn, để bạn sẽ tham khảo sau nầy. Tôi tin rằng sau khi chúng ta cùng học sách nầy với nhau, bạn sẽ nhận được một cảm kích mới về sự cứu rỗi tuyệt vời mà Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta.
*Theo nguyên văn "nằm xuống".
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 22 (Ru-tơ 3:4-6)
Chúng ta đã thấy Ru-tơ được Na-ô-mi dạy: "Con hãy đi đến sân đạp lúa của Bô-ô sau khi ông ăn uống xong và đi nằm, đợi trời tối con sẽ vào, dỡ mền dưới chân ông để nằm xuống rồi ông sẽ bảo con mọi điều con phải làm". Ðức Chúa Trời muốn nói gì trong câu "dỡ mền dưới chân người"? Chúng ta xem trong Ê-sai 20:2, trong trường hợp đặc biệt nầy, Ðức Chúa Trời đã bảo Ê-sai làm một thí dụ trong bài học nghịch lại dân Ê-díp-tô và Ê-thi-ô-bi.
"Trong lúc đó Ðức Giê-hô-va nhờ con trai A-mốt là Ê-sai, mà phán rằng: Hãy đi, cổi bao gai khỏi lưng ngươi, và lột giày khỏi chơn ngươi. Ê-sai vâng lời, đi trần, và chơn không. Ðức Giê-hô-va bèn phán rằng: Như đầy tớ ta là Ê-sai đã đi trần và chơn không trong ba năm, làm dấu và điềm chỉ về Ê-díp-tô và Ê-thi-ô-bi thể nào, thì những phu tù của Ê-díp-tô và lưu tù của Ê-thi-ô-bi, cả trẻ lẫn già, cũng bị vua A-si-ri giải đi trần và chơn không, bày mông ra thể ấy, để làm nhục nước Ê-díp-tô. Bấy giờ chúng nó sẽ sợ sệt và hổ thẹn vì cớ Ê-thi-ô-bi, là sự trông cậy mình, và Ê-díp-tô, là sự vinh hiển mình." Bạn có thấy Ðức Chúa Trời ban cho một thí dụ lịch sử ở đây không? Ê-sai đã thật sự làm điều nầy, ông phải đi trần truồng và chơn không trong ba năm để làm một dấu nghịch lại Ê-díp-tô và Ê-thi-ô-bi, vì cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời đổ ra trên họ. Họ sẽ bị lên án, sẽ bị đi lưu đày bởi vua A-si-ri vì họ đã chống nghịch lại cùng Ðức Chúa Trời. Ði chơn không cũng tựa như trần truồng hay lõa lồ.
Dựa theo Kinh Thánh, lõa lồ theo nghĩa thuộc linh là ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời. Bạn có nhớ chuyện trong vườn Ê-đen không? Khi A-đam và Ê-va phạm tội chống nghịch lại cùng Ðức Chúa Trời, họ đã khám phá ra điều gì trước hết? Họ nhận ra rằng họ bị lõa lồ. Tại sao đây không phải là điều xấu hổ của họ trước khi họ phạm tội, thể xác họ trước đó cũng bị trần truồng mà? Bây giờ thì họ nhanh chóng lấy lá vả để che thân. Tại sao đây là một vấn đề khó khăn cho họ? Bạn có thấy không? Sự lõa lồ được nhìn thấy ở đây sâu xa hơn là sự lõa lồ về thể xác. Ðó là, lõa lồ về thuộc linh trước mặt Ðức Chúa Trời.
Trước khi phạm tội, họ rất hòa hợp với Ðức Chúa Trời, họ hoàn toàn vâng theo lời dạy của Ngài. Không có tội lỗi, hổ thẹn nào cả ở trong họ, mối liên hệ của họ với Ðức Chúa Trời hoàn toàn tốt đẹp. Nhưng khi phạm tội, họ nhận ra rằng Ðức Chúa Trời có thể thấy và biết hết tất cả tội lỗi của họ. Về thuộc linh, họ bị lõa lồ trước mặt Ðức Chúa Trời. Họ thật sự mong muốn có gì để che đậy cho nên về thể xác họ đã lấy lá vả đóng khố che thân. Ðức Chúa Trời đã ban cho họ áo bằng da thú, áo bằng da thú chỉ về loại áo mà chúng ta cần phải có hầu cho tội lỗi của chúng ta được cất đi, áo đó là huyết của Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Khi người ta treo Chúa Giê-xu lên thập tự giá, họ đã lột trần Ngài. Vâng, Ngài bị lõa lồ về thể xác, nhưng điều đó minh họa một lẽ thật thuộc linh rằng, Ngài đã bị lõa lồ trước mặt Ðức Chúa Trời vì cớ tội lỗi của chúng ta. Lõa lồ là hình bóng được dùng trong Kinh Thánh có nghĩa là ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời, tất cả tội lỗi bị phơi bày ra. Phương cách duy nhất để được cứu chữa khỏi sự lõa lồ thuộc linh là được mặc áo công bình của Chúa Cứu Thế Giê-xu, được che đậy bởi huyết của Ngài. Chỉ lúc đó chúng ta mới có thể đứng được trước mặt Ðức Chúa Trời. Trong Ê-sai 20, chúng ta thấy Ê-sai không chỉ trần truồng về thể xác mà cũng đi chơn không nữa. Ðiều đó nhấn mạnh rằng, chơn không cũng là một phần của sự lõa lồ, bày tỏ sự lõa lồ hoàn toàn của Ê-sai. Vì thế, khi Kinh Thánh chép về người nào đó đi chơn không, chúng ta có thể dựa vào điều nầy để biết rằng Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta một lẽ thật thuộc linh sâu hơn về sự lõa lồ tâm linh hay là ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời.
Khi Giăng Báp-tít rao giảng sự ăn năn và bắt đầu nói về sự đến của Ðấng Mê-si là Ðấng mà ông đang rao giảng. Trong Giăng 1:26, "Giăng trả lời: Về phần ta, ta làm phép báp têm bằng nước; nhưng có một Ðấng ở giữa các ngươi mà các ngươi không nhận biết. Ấy là Ðấng đến sau ta, ta chẳng đáng mở dây giày Ngài". Tại sao ông lại nói như vậy? Có phải Giăng Báp-tít đang nói: Chúa Giê-xu rất vĩ đại, còn tôi thì hèn mọn, ngay cả tôi không xứng đáng làm một đầy tớ nhỏ để giúp Ngài cởi giày ra khi Ngài mệt? Bạn có thể kết luận rằng đó là ý nghĩa ở đây, nhưng tôi thì nghĩ rằng Giăng Báp-tít dùng ngôn ngữ nầy dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh, có thể, ngay cả ông không thật sự nhận biết ông đang nói gì. Có thể với suy nghĩ của ông, ông không xứng đáng làm một đầy tớ hèn mọn để giúp Chúa Giê-xu trong đó có việc mở dây giày Ngài. Nhưng trong sự quan tâm của Kinh Thánh, có một lẽ thật thuộc linh rất sâu ở đây.
Ðể trở thành Cứu Chúa cho Giăng Báp-tít, điều đó thật sự cũng là cho mỗi chúng ta, Chúa Giê-xu cần phải bị lõa lồ thay cho chúng ta. Nghĩa là, Ngài bị phơi bày ra trước mặt Ðức Chúa Trời với tất cả tội lỗi của chúng ta. Vì vậy, khi Chúa Cứu Thế lên thập tự giá, chúng ta là người mở giày Ngài ra. Vì cớ tội lỗi của chúng ta, chân Ngài phải bị trần, hay Ngài phải bị lõa lồ về thuộc linh. Chúng ta không xứng đáng để được Ngài làm Cứu Chúa, không xứng đáng để được Ngài cứu. Chúng ta đáng phải đi địa ngục, đáng phải tự mang lấy cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời cho tội lỗi của mình. Luật pháp của Ðức Chúa Trời tuyên bố rằng "Tiền công của tội lỗi là sự chết" và chúng ta là người phải đền trả. Chúng ta không xứng đáng cũng như Giăng Báp-tít không xứng đáng cởi giày Ngài ra để Ngài bị lõa lồ về thuộc linh.
Chỉ bởi ân điển tuyệt vời không cách nào hiểu được của Chúa nên chúng ta mới được cứu. Ðây là hình ảnh mà chúng ta thấy trong Ru-tơ chương 3, Ru-tơ sẽ vào và "dỡ mền dưới chân người", nói về thuộc linh, Chúa Cứu Thế phải trở nên có tội vì nàng. Ru-tơ là người đàn bà Mô-áp bị rủa sả, cũng vậy, tất cả chúng ta đều bị rủa sả vì cớ tội lỗi của chúng ta. Khi chúng ta đến với Chúa Giê-xu, chúng ta lột trần chân Ngài ra, nhìn lên Ngài như là người bị lõa lồ thuộc linh thay cho chúng ta. Chúng ta không xứng đáng để làm điều nầy nhưng chúng ta phải làm, bởi vì đây là cách duy nhất để chúng ta có thể trở thành vợ hứa của Chúa Cứu Thế, cách duy nhất để chúng ta có thể được Ngài cưới, được làm kẻ kế tự, được cứu chuộc. Ru-tơ đã làm hành động nầy với sự vô tư không nhận biết bài học thuộc linh sâu sắc mà nàng đang truyền đạt. Nàng làm cho chân Bô-ô phơi bày ra là hình bóng về tất cả những người đến với Chúa Giê-xu, nhìn nhận Ngài bị lõa lồ thay cho mình.
Kinh Thánh chép tiếp: "và nằm xuống". Khi chúng ta đến với thập tự giá để tìm gặp Chúa Giê-xu, ở đó chúng ta nằm xuống, ở đó chúng ta cùng chết trong Chúa Cứu Thế, ở đó chúng ta kinh nghiệm sự chịu khổ đời đời qua Chúa Cứu Thế. Dĩ nhiên, Chúa Giê-xu đã chịu đựng điều nầy nhưng sự chuộc tội của Ngài đã áp đặt trên chúng ta. Chúng ta được nhận diện với Ngài trong kinh nghiệm thập tự giá, bị đóng đinh với Ngài, bị chôn và đồng sống lại với Ngài. Ðây là mối tương giao thắm thiết giữa chúng ta với Chúa Giê-xu khi Ngài lên thập tự giá. Vì vậy, khi Ru-tơ nằm xuống là hình ảnh của những người đến với thập tự giá, nhìn nhận rằng Ngài là người mang thế tội, nhìn nhận rằng Chúa Giê-xu là người chịu đựng cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời, đã bị lõa lồ thuộc linh vì cớ tội lỗi của mình và hoàn toàn gắn chặt với Ngài trong kinh nghiệm thập tự giá. Chỉ lúc đó chúng ta mới trở thành cô dâu của Chúa, mới thuộc về Ngài đời đời.
Chúng ta đọc tiếp: "chính người sẽ nói điều gì con phải làm. Nàng thưa rằng: Mọi điều mẹ đã nói với con, con sẽ làm". Khi đến với Chúa Giê-xu nơi thập tự giá, chúng ta không đến bằng ý riêng của mình mà đến bằng sự vâng phục hoàn toàn. Chúng ta đã bị phá sản về thuộc linh, tự trong đáy lòng chúng ta biết rằng không có giải pháp nào, không cách nào để chúng ta có thể trở lại cùng Cha được. Chúng ta đến với một thái độ vâng phục hoàn toàn tất cả những gì Chúa Giê-xu bảo chúng ta phải làm. Ðây là điều mà Na-ô-mi đang bảo Ru-tơ, "chính người sẽ nói điều gì con phải làm". Dĩ nhiên, theo sự kiện lịch sữ, Na-ô-mi nghĩ rằng chiến lược của bà hi vọng sẽ thành công. Bô-ô sẽ bảo Ru-tơ bước kế tiếp để việc thành hôn sẽ được thành tựu; hoặc ông sẽ nói: Không! ta không thể làm người chuộc sản nghiệp được, ta không muốn cưới nàng vì lý do gì đó, thì sự việc sẽ rõ ràng và Na-ô-mi sẽ cố gắng tìm giải pháp khác để kiếm một người chồng cho dâu của mình. Dù sự việc xảy ra như thế nào Ru-tơ phải hoàn toàn vâng lời Bô-ô.
Khi đến với thập tự giá, chúng ta phải hoàn toàn vâng theo những gì Chúa Giê-xu bảo chúng ta phải làm. Chúng ta không đến với thái độ tự kiêu, với kế hoạch cứu rỗi do chúng ta vạch ra mà đến để nghe lời của Chúa Cứu Thế. Chúng ta biết rằng Ngài có một chương trình cứu rỗi hoàn hảo dành cho chúng ta. Ru-tơ đã bày tỏ ra sự vâng phục trọn vẹn khi nàng nói với Na-ô-mi trong câu 5: "Mọi điều mẹ đã nói với con, con sẽ làm". Chúa Cứu Thế đến và bảo chúng ta rằng, chúng ta phải tin Chúa Giê-xu, Ngài bảo chúng ta phải hạ mình xuống. Kinh Thánh bảo chúng ta đến với Ðức Chúa Trời với "lòng đau thương thống hối". Kinh Thánh cho biết chỉ trong Chúa Giê-xu mới có sự cứu rỗi, không còn có cách nào khác để đến cùng Cha. Nếu chúng ta thật tâm muốn được cứu thì chúng ta phải vâng theo những Kinh Thánh nói.
Chúng ta không đưa ra ý kiến riêng của mình nói rằng, Ðức Chúa Trời phải là thế nầy, hoặc chương trình cứu rỗi của Ðức Chúa Trời phải như thế đó. Có lần nào bạn nói với ai đó rằng, để muốn được cứu chúng ta phải dẹp bỏ những sự kiêu ngạo cá nhân, tự tôn tự đại của chúng ta mà phải nhìn nhận rằng chúng ta không thể làm gì được để có sự cứu rỗi; thì người ta sẽ kết luận rằng nếu tôi phải làm những điều đó, nếu tôi phải nhìn nhận rằng tôi là một tội nhân đồi bại, nếu tôi phải chịu tin rằng tôi là một con giòi, thì tôi không muốn loại cứu rỗi đó. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể có hành động giống như vậy, điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ không được cứu, sẽ không kinh nghiệm được tình yêu của Ðức Chúa Trời, sống tiếp tục không có sản nghiệp, tiếp tục thân góa bụa, đó là sự ngu độn hoàn toàn của chúng ta.
Chúng ta không thấy Ru-tơ phản ứng giống như vậy, không thấy Ru-tơ phản đối với Na-ô-mi, nói rằng: Thưa mẹ, mẹ đòi hỏi con làm chuyện khó có thể làm được, mẹ bảo con đi vào nơi đó lúc ban đêm như vậy rồi dỡ mền để nằm dưới chân trần của ông thật là táo bạo quá. Giả sử nếu người ta tìm gặp con thì có thể hiểu lầm rằng con có sự ham muốn xấu xa trong suy nghĩ của con. Nếu cứ giả sử thế nầy hay giả sử thế khác thì Ru-tơ sẽ không bao giờ có thể trở nên vợ của Bô-ô. Ðiều đó chỉ có thể được nếu nàng vâng phục hoàn toàn, sẵn sàng lắng nghe những lời dạy bảo, dù lời dạy bảo đó khó khăn như thế nào thì nàng cũng vâng theo một cách tỉ mỉ.
Câu 6, "Nàng bèn đi xuống sân đạp lúa, và làm theo mọi điều mẹ chồng mình đã dặn". Bạn có nhớ trong câu 3, "Hãy tắm rửa, xức dầu và mặc quần áo, rồi đi xuống sân đạp luá"? Bạn thấy câu, "đi xuống sân đạp lúa" được lặp lại không? Chúng ta có cảm giác rằng câu nầy được chép ở đây không phải là một chuyện tình cờ. Dĩ nhiên, theo lịch sữ đây là một sân đạp lúa, nơi gom nhóm những rơm rạ, cỏ lùng để bỏ, chỉ lấy những lúa hột mà thôi. Theo sự kiện lịch sử thì rất dễ thấy, đây là công việc của Bô-ô, đây là nơi ông nằm xuống sau khi ông ăn uống xong. Nhưng tại sao Ðức Chúa Trời nhấn mạnh câu "đi xuống sân đạp lúa" ?
Bạn có nhớ Chúa Giê-xu nói với các môn đồ rằng: "Hãy nhướng mắt lên và xem đồng ruộng, đã vàng sẵn cho mùa gặt" (Giăng 4:35). Ðức Chúa Trời đã vẽ ra bức tranh thế gian là đồng ruộng, khi Tin Lành được giảng ra thì lúa được gặt. Khi những bông lúa được gặt thì những cỏ lùng cũng bị cắt xuống và mùa gặt được kết thúc tại sân đạp lúa là lúc lúa được tách rời ra khỏi rơm rạ. Khi chúng ta nghe Tin Lành thật của sự cứu rỗi rao giảng, một là, chúng ta được nằm trong số những lúa hột, sẽ được gom nhóm lại nơi nhà của Cha; hai là, chúng ta sẽ coi thường Tin Lành, quay lưng lại và sẽ trở thành rơm rạ, cỏ khô, sẽ bị đốt bằng lửa. Ðây là nơi chúng ta gặp Chúa Giê-xu, tại sân đạp lúa.
Thật sự Ðức Chúa Trời nói về ngày tận thế là mùa gặt, khi chúng ta nhận được sự cứu rỗi hoàn toàn, khi mọi sự được bày tỏ ra trong kế hoạch của Ðức Chúa Trời, nhưng thật ra mùa gặt xảy đến lúc chúng ta nghe về Tin Lành. Trở lại Ma-thi-ơ 3:11b-12, Giăng Báp-tít nói về sự Chúa Giê-xu đến, "Ấy là Ðấng sẽ làm phép báp-têm cho các ngươi bằng Ðức Thánh Linh và bằng lửa. Tay Ngài cầm nia mà dê thật sạch sân lúa mình, và Ngài sẽ chứa lúa vào kho, còn rơm rạ thì đốt trong lửa chẵng hề tắt". Chúng ta được báp têm bằng Ðức Thánh Linh và bằng lửa vì Chúa Giê-xu đã chịu đựng lửa địa ngục thay cho chúng ta, Ngài đã làm sạch chúng ta bằng Thánh Linh bởi thực tế rằng Ngài đã trở nên tội lỗi để chịu hình phạt địa ngục thay cho chúng ta.
Khi Tin Lành được rao giảng giống như sân đạp lúa, là nơi gom góp lúa lại và rơm rạ thì sẽ bị đốt trong lửa chẳng hề tắt. Những ai không đáp lại tiếng gọi của Tin Lành thì vẫn còn bị lệ thuộc vào địa ngục, bởi vì tội lỗi của họ chưa được đền trả. Chúng ta sẽ được kể vào trong số lúa hay là bị kể là rơm rạ? Ðó là những điều chúng ta học được trong bài nầy.
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 23 (Ru-tơ 3:7)
Na-ô-mi dạy bảo Ru-tơ vào chỗ của Bô-ô đang nằm sau khi xong một ngày làm công việc gặt lúa, lột trần chân của ông ra để bày tỏ rằng nàng tự nguyện làm vợ của Bô-ô. Chúng ta thấy rằng nàng hoàn toàn vâng theo những gì Na-ô-mi bảo nàng làm. Cũng vậy, khi Tin Lành đến với chúng ta, Ðức Chúa Trời tuyên bố rằng chúng ta phải tin nhận Chúa Giê-xu thì chúng ta sẽ vâng phục những gì Ngài nói. Thực tế, Kinh Thánh nói về việc tin nhận nơi Chúa Giê-xu có nghĩa là chúng ta phải phó thác cả đời mình vào Chúa Giê-xu, phải giao trọn đời mình cho Ngài, như vậy chúng ta mới thật sự trên đường dẫn đến sự cứu rỗi.
Câu 7, "Khi Bô-ô đã ăn uống xong, lòng đương mừng rỡ, đi nằm ở bên một đống lúa mạch kia". Chúng ta đã thấy bài học thuộc linh mà Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta. Bô-ô ăn và uống là hình bóng về Chúa Giê-xu phải sẵn sàng làm theo ý muốn của Ðức Chúa Trời, phải uống chén thạnh nộ của Cha Ngài. Chữ "mừng rỡ" thật ra được dịch không sát nghĩa lắm ở đây. Chữ nầy nên dịch là "tốt lành", có nghĩa là ông nhận ra rằng ông đã làm tốt công việc của mùa gặt. Ông đã làm việc khó nhọc trọn cả ngày, có một bữa ăn ngon lành và bây giờ nằm xuống, thỏa lòng, bình an vì đã làm xong tất cả công việc của ngày.
Nhưng nói về thuộc linh, Ðức Chúa Trời ám chỉ điều gì ở đây? Tôi tin rằng có một lời chú thích rất đẹp ở chỗ nầy. Xin luôn ghi nhớ rằng Bô-ô là hình bóng về Chúa Cứu Thế trở thành người cứu chuộc của chúng ta. Trong Giăng 17, khi Chúa Giê-xu chưa lên thập tự giá, Ngài cầu nguyện cùng Ðức Chúa Cha, "Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm. Cha ôi! bây giờ xin lấy sự vinh hiển con vốn có nơi Cha trước khi chưa có thế gian mà làm vinh hiển con nơi chính mình Cha. Con đã tỏ danh Cha ra cho những người Cha giao cho Con từ giữa thế gian; họ vốn thuộc về Cha, Cha giao họ cho Con, và họ đã giữ lời Cha..." Ngài tiếp tục mô tả sự trung tín của Ngài trong việc vâng theo Lời Cha.
Chú ý câu 4, "Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm". Thật ra Chúa Giê-xu chưa lên thập tự giá nhưng bởi vì sự vâng phục của Ngài thật trọn vẹn, bởi vì ý định của Ngài là sẽ hoàn toàn vâng theo tất cả những gì Ðức Chúa Cha đòi hỏi Ngài làm. Ngài biết Ngài sẽ làm những điều đó giống như Ngài đã làm rồi, Ngài có thể nói Ngài đã làm xong. Vâng, Ngài còn phải lên thập tự giá, nhưng trong ý định của Ngài, Ngài không nghi ngờ chút nào rằng Ngài sẽ làm trọn ý muốn của Cha Ngài. Mặc dầu vài giờ sau đó trong vườn Ghết-sê-ma-nê Ngài cầu nguyện rằng, "Cha ơi! nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con!" Ngài đã không cầu nguyện bằng sự chống nghịch lại, hay là miễn cưỡng làm theo ý Cha. Ngài chỉ muốn nhấn mạnh rằng: Không còn có cách nào khác, nếu có, Cha Ngài đã làm rồi, chỉ có cách duy nhất là Chúa Giê-xu phải trở thành người chuộc chúng ta bởi uống chén thạnh nộ của Ðức Chúa Trời, bởi chịu đựng địa ngục vì tội lỗi của chúng ta.
Trong Giăng 17, Ngài giống như Bô-ô trước khi người nằm xuống, xin nhớ rằng theo nghĩa thuộc linh nằm xuống và phơi bày chân ra là hình bóng về Chúa Giê-xu lên thập tự giá. Trước khi người nằm xuống, trong lòng người thấy thỏa lòng bởi vì đã làm trọn công việc một cách tốt lành. Rồi chúng ta đọc tiếp, "... đi nằm ở bên một đống lúa mạch kia". Chúng ta biết nằm xuống liên hệ đến việc lên thập tự giá. Trong Giăng 17, Chúa Giê-xu cầu nguyện "Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm", rồi Ngài phó sự sống Ngài bằng cách lên thập tự giá.
Chúng ta thấy hai trường hợp song song ở đây, Bô-ô "nằm ở bên một đống lúa mạch kia". Lúa mạch chỉ về những tín hữu sẽ trở nên một thân thể của Ðấng Christ. Trong II Sử ký 31:5-10 nhấn mạnh về chữ 'đống', "Khi chỉ dụ của vua mới truyền ra, thì dân Y-sơ-ra-ên đem đến rất nhiều sản vật đầu mùa về ngũ cốc, rượu, dầu, mật và những thổ sản khác; chúng đem đến một phần mười của mọi vật thật rất nhiều. Người Y-sơ-ra-ên và người Giu-đa ở trong các thành xứ Giu-đa, cũng đều đem đến nộp một phần mười về bò và chiên, cùng một phần mười về các vật đã biệt riêng ra thánh cho Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của chúng, rồi để ra từng 'đống'. Tháng thứ ba, chúng khởi gom lại từng 'đống', và qua đến tháng 7 mới xong. Khi Ê-xê-chia và các quan trưởng đến, thấy các 'đống' ấy thì ngợi khen Ðức Giê-hô-va, và chúc phước cho dân Y-sơ-ra-ên của Ngài. Ê-xê-chia hỏi thăm những thầy tế lễ và người Lê-vi về tích những 'đống' ấy..."
Chữ 'đống' trong Ru-tơ cùng một chữ với những chữ 'đống' ở đây. Chúng ta thấy chữ 'đống' được lặp lại bốn lần ở đây, chữ nầy không được dùng đến thường trong Kinh Thánh, vì vậy việc dùng chữ nầy ở đây có nhiều ý nghĩa. Chữ 'đống' ở đây là nói về lễ vật đầu mùa mà dân sự mang đến cho Ðức Chúa Trời. Chữ trái đầu mùa được dùng trong Kinh Thánh chỉ về những người được cứu. Trong Khải huyền 14:4, "Những kẻ ấy chưa bị ô uế với đàn bà, vì con trinh khiết. Chiên Con đi đâu, những kẻ nầy theo đó. Những kẻ đó đã được chuộc từ trong loài người, để làm trái đầu mùa cho Ðức Chúa Trời và Chiên Con."
Nói cách khác, đống lúa là hình bóng về những người được cứu, là những ai được đem đến như là lễ vật cho Chúa. Khi chúng ta rao giảng Tin Lành cứu rỗi để người ta được cứu nghĩa là chúng ta đang gặt lúa, đây là trái đầu mùa mà chúng ta mang đến cho Chúa. Họ là kết quả của mùa gặt, hình bóng chữ đống chỉ về họ là hình ảnh về ân điển dư dật của Ðức Chúa Trời. II Sử ký 31, bày tỏ điều nầy khi dùng chữ đống nhiều lần, đống "ngũ cốc, rượu, dầu, mật và những thổ sản khác" được mang đến cho Chúa làm lễ vật đầu mùa là hình bóng về sự cứu rỗi tuyệt vời mà Ðức Chúa Trời ban cho nhiều người từ mọi quốc gia, đông như sao trên trời, như cát bãi biển. Trở lại Ru-tơ 3:7, "Bô-ô... đi nằm ở bên một đống lúa mạch kia", ông nằm xuống liên hệ gần gũi với đống lúa mạch mà ông đã gặt. Bạn thấy sự liên hệ mật thiết trong sự bị đóng đinh vào thập tự giá của Chúa Cứu Thế mà chúng ta là trái đầu mùa của Ngài không? Chúng ta là những người được gặt cũng ở với Ngài tại thập tự giá.
Bạn biết không? Huyết của Chúa Giê-xu bao phủ tất cả những người được cứu bất kể họ được cứu khi nào. Trong Khải huyền 13:8 chép, Chúa Cứu Thế là "Chiên Con đã bị giết từ buổi sáng thế". Dù Chúa Giê-xu thật sự bước lên thập tự giá vào một thời điểm trong năm 33 sau Chúa, nhưng ảnh hưởng sự đổ huyết của Chúa Giê-xu bao phủ ngay cả trước khi Ðức Chúa Trời dựng nên trời đất. Vì vậy, khi A-đam, Ê-va, A-bên, Nô-ê hay bất cứ người được cứu khác phạm tội thì đã có một Cứu Chúa được cung cấp cho họ. Bởi vì huyết của Chúa Giê-xu bao phủ ngược lại thời gian, từ khi bắt đầu của những ai được cứu. Cùng một hình thức đó, huyết của Chúa Cứu Thế cũng bao phủ đến ngày nay cho những người được cứu và cho đến khi chấm dứt thế giới nầy.
Ðây là hình ảnh mà Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta ở đây khi Kinh Thánh chép rằng, Bô-ô "đi nằm ở bên một đống lúa mạch kia". Thật là một bức tranh đẹp về sự chuộc tội của Chúa Cứu Thế, bao phủ tội lỗi của tất cả những ai tin cậy nơi Ngài. Những người trong thời Cựu Ước được cứu bởi huyết của Chúa Giê-xu cũng giống chính xác như những người trong Tân Ước. Tất cả chúng ta đều được cứu cùng một cách qua huyết của Chúa Cứu Thế Giê-xu, không cần biết chúng ta được cứu khi nào đều được nhận diện là 'đống lúa'. Như II Sử ký 31 chép, những đống ngũ cốc được mang đến cho Ðức Chúa Trời, chúng ta là trái đầu mùa của sự cứu rỗi mà Ðức Chúa Trời cung cấp, là mùa gặt của Ngài.
Chúng ta tiếp tục đọc, "nàng bèn đi đến nhẹ nhẹ, dỡ mền dưới chơn người rồi nằm xuống". Trong bài học rồi chúng ta đã tìm hiểu về việc làm phơi bày chân ra, hình bóng có nghĩa là chúng ta làm cho Chúa Giê-xu bị lõa lồ về thuộc linh vì chúng ta. Ngài đứng lõa lồ trước mặt Ðức Chúa Trời vì tội lỗi của chúng ta để mang gánh cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời vì cớ chúng ta. Nằm dưới chân là hình bóng về sự gắn liền chúng ta với Ngài trong sự chết, sự chôn và sống lại. Chúng ta ở trong Chúa Giê-xu trong tế lễ chuộc tội của Ngài. Ðức Chúa Trời hình phạt chúng ta qua Chúa Giê-xu là người thay thế cho chúng ta.
Câu "nàng bèn đi đến nhẹ nhẹ" là một câu rất thú vị. Chữ được dùng ở đây chỉ tìm thấy bốn, năm lần trong cả Kinh Thánh, nhưng rất lạ là trong Xuất-Ê-díp-tô-ký dùng đến ba lần nói về những thuật sĩ trong lúc Môi-se đem tai vạ đến xứ Ê-díp-tô. Ðức Chúa Trời dùng Môi se khiến nước biến ra huyết, mang đến ếch nhái, ruồi muỗi... Chúng ta đọc thấy những thuật sĩ bởi phù chú của họ, họ cũng khiến nước sông hóa ra máu và khiến ếch nhái bò lên, nhưng họ không thể dùng phù chú để mang muỗi đến. Chữ 'phù chú' là cùng một chữ được dùng ở đây, thật ra chữ 'phù chú' không phải là một chữ đúng, bởi vì ở một vài chỗ khác trong Kinh Thánh chúng ta tìm thấy chữ gần giống như chữ được dịch là nhè nhẹ ở đây thì được dịch là bí mật, riêng tư.
Thật ra, đây là điều được chép trong Xuất-ê-díp-tô-ký, các thuật sĩ hóa nước thành huyết bằng một cách bí mật, hay bằng hành động bí mật của họ. Hiển nhiên, họ không thể thật sự hóa nước thành ra huyết, chỉ có Ðức Chúa Trời mới làm được điều nầy. Họ không thể hóa ếch nhái ra nhiều, nhưng bằng một hành động bí mật của họ, họ đã làm một phần nhỏ giống như tai vạ mà Ðức Chúa Trời giáng trên xứ Ê-díp-tô. Tôi nghĩ, đây cũng là ý nghĩa của câu nầy. Không phải nàng đến nhè nhẹ, mà nàng đến một cách bí mật, hay riêng tư, không để cho ai biết. Sau nầy chúng ta sẽ đọc trong câu 14, sau khi nàng bị Bô-ô phát giác ra, và chuẩn bị về nhà thì Bô-ô nói rằng, "Chớ cho người ta biết rằng có một người nữ vào sân đạp lúa", vì rất dễ bị hiểu lầm. Ru-tơ là một người đàn bà đức hạnh và không có suy nghĩ xấu nào. Nhưng theo sự kiện lịch sử, phải chắc rằng không ai có thể hiểu lầm nên "Chớ cho người ta biết rằng có một người nữ vào sân đạp lúa". Ru-tơ đi vào một cách bí mật, kín đáo dỡ tấm đậy chân của Bô-ô ra để nằm xuống và bị phát giác bởi Bô-ô.
Bài học thuộc linh là gì? Khi chúng ta đến với Chúa Cứu Thế, việc mà chúng ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường nầy. Ðược sanh lại là những gì xảy ra trong lòng của chúng ta, rất kín đáo, riêng tư. Những điều nầy xảy ra sâu tận trong đáy lòng của chúng ta đến nỗi nhiều khi chúng ta không nhận ra chúng ta được sanh lại khi nào. Vâng, sau đó Bô-ô và Ru-tơ sẽ ở trong tiệc cưới, Bô-ô nhận lời đề nghị của Ru-tơ, sẽ có lời tuyên bố của chủ tiệc cưới về mối liên hệ vợ chồng nầy. Cũng vậy, sau khi được cứu, được sanh lại, đời sống của chúng ta sẽ bày tỏ cho mọi người biết là chúng ta có sự liên hệ mật thiết với Chúa Giê-xu, người ta sẽ bắt đầu thấy mùi thơm của Chúa Giê-xu hay bắt gặp trái của Thánh Linh phản ảnh qua đời sống của chúng ta. Chúng ta sẽ bày tỏ một cách chính thức cho người khác thấy rằng chúng ta đã để Chúa làm Chúa và Cứu Chúa của chúng ta. Tất cả những điều nầy sẽ xảy ra sau khi chúng ta gặp gỡ Chúa Cứu Thế một cách bí mật, riêng tư.
Chúng ta có thể trở nên được cứu bất cứ nơi nào chúng ta đang ở. Có thể bạn đang ở trong một cư xá nhiều tầng, bạn không biết Mục sư hay thầy dạy đạo nào, bạn không biết điều đầu tiên phải làm là gì khi bạn nói chuyện với một trong những người nầy. Nếu bạn thật tâm tin những Kinh Thánh phán với bạn rằng, bạn là một tội nhân, bạn đang ở dưới cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời. Nếu bạn chịu hạ mình xuống, sẵn sàng làm một đầy tớ của Ðức Chúa Trời, sẵn sàng làm theo ý của Ngài, sẵn sàng chấp nhận chương trình cứu rỗi mà Ngài đã đặt để trong Kinh Thánh, thì bạn có thể được cứu ngay chỗ bạn đang ở. Ðó là một mối liên hệ bí mật, riêng tư xảy ra trong lòng bạn khi bạn giao thác đời bạn cho Chúa Giê-xu.
Dĩ nhiên, Ðức Chúa Trời là Ðấng làm công việc cứu rỗi. Ngài là Ðấng mở mắt thuộc linh của bạn, ban cho bạn tấm lòng mới. Ngài là Ðấng làm cho bạn được sanh lại để nhận sự sống lại của linh hồn. Tất cả những điều nầy được làm trong sự sâu kín của tấm lòng bạn, không ai có thể thấy những gì xảy ra, chỉ có Ðức Chúa Trời biết khi Ngài ban cho bạn tấm lòng mới. Tôi tin rằng đây là bài học thuộc linh mà chúng ta đọc ở đây khi "nàng đi nhè nhẹ" để nằm xuống dưới chân của Bô-ô. Tuyệt vời làm sao khi chúng ta có một Cứu Chúa như vậy, và "hiện nay là thì giờ thuận tiện" để chúng ta có thể đến với Ngài bằng cách nầy. Tôi hi vọng rằng, nếu bạn chưa được cứu, bạn sẽ không trì hoãn, bạn sẽ không phải trải qua một lễ nghi hay nói một câu thần chú nào, hoặc làm điều nầy điều nọ mà chỉ đơn giản giao thác đời bạn cho Chúa Cứu Thế Giê-xu, kêu xin với Chúa trong sự đau thương thống hối rằng, "Con là người có tội!".
Bài học tới chúng ta sẽ tiếp tục câu 8, chúng ta sẽ thấy Bô-ô sợ hãi vào lúc nửa đêm, khi ông nghiêng mình qua. Lần nữa, đây là ngôn ngữ lạ, chúng ta sẽ tìm hiểu Ðức Chúa Trời muốn nói gì.
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 24 (Ru-tơ 3:8)
Chúng ta đã thấy Ru-tơ đi vào sân đạp lúa vào ban đêm, nàng đã để ý xem Bô-ô sẽ nằm ngủ nơi nào sau khi ông xong một ngày làm việc và ăn tối. Rồi thì nàng sẽ đến đó một cách bí mật, dỡ tấm đậy chân của Bô-ô ra và nằm xuống nơi chân của Bô-ô. Hãy xem điều gì sẽ xảy ra, Ru-tơ 3:8, "Nửa đêm, Bô-ô sợ hãi nghiêng mình qua, kìa thấy có một người nữ nằm tại dưới chơn mình." Câu nầy nằm trong câu chuyện tình thì có lý lắm. ễ đây Bô-ô đang nằm ngủ, thỏa lòng sau một ngày làm việc, nằm kế bên đống lúa mạch, đắp mền, cởi giày ra để cảm thấy thoải mái hơn. Vào nửa đêm, ông nghĩ là ông ở đây chỉ một mình, nhưng ông khám phá ra có một người khác đang nằm tại dưới chân ông. Một thoáng sợ hãi đến với ông: Ai đây? Có chuyện gì đang xảy ra? Vì trời tối không thấy rõ, nên ông hỏi: "Ngươi là ai? Nàng đáp: Tôi là Ru-tơ, kẻ tớ gái ông". Tất cả sự việc nầy đã xảy ra và Ðức Chúa Trời đã chép lại bởi vì có một lẽ thật thuộc linh sâu sắc mà Ðức Chúa Trời muốn mở ra cho chúng ta xem.
Trước hết chúng ta xem chữ "nửa đêm". Chúng ta đã thấy lặp lại nhiều lần, Bô-ô là hình bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu trong sự chuộc tội. Chúng ta đã thấy Bô-ô ăn và uống có nghĩa Chúa Giê-xu làm theo ý muốn của Cha và uống chén thạnh nộ của Ðức Chúa Trời vì tội lỗi của chúng ta. Ông nằm xuống là hình bóng về Chúa Giê-xu chịu đựng địa ngục thay cho chúng ta. Khi Ru-tơ lột trần chân Bô-ô ra là hình bóng về Chúa Giê-xu bị lõa lồ thuộc linh thay cho những người được cứu bởi Ngài, Ngài mang gánh lấy hết tội lỗi của chúng ta và Ðức Chúa Trời đã hình phạt Ngài. Ngài bị phơi bày, bị lõa lồ về tất cả những tội lỗi nầy trước mặt Ðức Chúa Trời.
Bây giờ chúng ta thấy Chúa tiếp tục lẽ thật thuộc linh trong chữ "nửa đêm". Bạn có nhớ khi Ðức Chúa Trời giết con trai đầu lòng của người Ai-cập không? Trong Xuất-ê-díp-tô-ký 12:29-30, "Vả, khi giữa đêm, Ðức Giê-hô-va hành hại mọi con đầu lòng tại xứ Ê-díp-tô, từ thái tử của Pha-ra-ôn ngồi trên ngai mình, cho đến con cả người bị tù, và hết thảy con đầu lòng của súc vật. Ðương lúc ban đêm, Pha-ra-ôn, quần thần cùng hết thảy người Ê-díp-tô đều chờ dậy; có tiếng kêu la inh ỏi trong xứ Ê-díp-tô, vì chẳng một nhà nào là không có người chết".
Người Y-sơ-ra-ên đã bôi huyết của chiên con lên mày cửa, khi Ðức Giê-hô-va trải qua trong đêm đó thì Ngài sẽ vượt qua nhà của người Y-sơ-ra-ên vì họ được bảo vệ bởi huyết của chiên con. Chiên con là hình bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu. Trong Kinh Thánh Ngài được gọi là Lễ Vượt qua của chúng ta. Sự chết con đầu lòng của người Ê-díp-tô là hình bóng về sự hình phạt đời đời sẽ đến với những người không được cứu. Lúc thiên sứ của sự chết đến là vào lúc nửa đêm.
Vào lúc nửa đêm đó, Ðức Chúa Trời đã giáng cơn thạnh nộ của Ngài trên người Ê-díp-tô là hình bóng về cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời trên những người không được cứu trên. Ðó cũng là cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời giáng trên Chúa Cứu Thế Giê-xu vì cớ tội lỗi của chúng ta, để Ngài có thể trở nên Lễ Vượt qua của chúng ta, để Ngài có thể che đậy tội lỗi của chúng ta. Vì vậy, "nửa đêm" có liên quan đến cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời, liên quan đến ngày phán xét và địa ngục, cũng giống bức tranh mà chúng ta vừa học. Khi Bô-ô nằm xuống là hình ảnh về địa ngục, "nửa đêm" là hình ảnh về thời điểm của cơn thạnh nộ Ðức Chúa Trời. Ngài đã trở nên tội lỗi vì chúng ta và bây giờ cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời đến trên Chúa Giê-xu.
Theo sự kiện lịch sử chỉ đơn giản vào lúc nửa đêm nhưng theo ý nghĩa thuộc linh là thời điểm mà cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời đổ ra trên Chúa Giê-xu vì tội của chúng ta. Chúng ta không ngạc nhiên khi đọc thấy rằng "Bô-ô sợ hãi", chữ 'sợ hãi' cũng có nghĩa là 'run hãi'. Run hãi vì Ngài đang ở trong sự hiện diện của Ðức Chúa Trời toàn năng. Trong Xuất-ê-díp-tô-ký 19:16, "Qua sáng ngày thứ ba, có sấm vang chớp nhoáng, một áng mây mịt mịt ở trên núi, và tiếng kèn thổi rất vang động; cả dân sự ở trong trại quân đều run hãi". Chữ 'run hãi' cùng một chữ với 'sợ hãi' trong Ru-tơ 3:8. Dân Y-sơ-ra-ên run hãi vì quyền năng kinh khiếp của Ðức Chúa Trời hiện ra tại núi Si-nai.
Dĩ nhiên, khi Chúa Giê-xu lên thập tự giá Ngài phải đối diện với cơn thạnh nộ khủng khiếp của Ðức Chúa Trời. Chúa Cứu Thế đứng trước mặt Ðức Chúa Trời khi cơn thạnh nộ của Ngài đổ ra để Ngài có thể đền trả hoàn toàn cho tất cả tội lỗi của chúng ta. Chúng ta đọc trong Hê-bơ-rơ 5:7, "Khi Ðấng Christ còn trong xác thịt, thì đã kêu lớn tiếng khóc lóc mà dâng những lời cầu nguyện nài xin cho Ðấng có quyền cứu mình khỏi chết". Khi Ngài ở trên thập tự giá đã kêu lớn tiếng: "Ðức Chúa Trời tôi ôi! Ðức Chúa Trời tôi ôi! sao Ngài lìa bỏ tôi?" (Mathiơ 27:46). Ðây là thực tế của địa ngục khi Ngài đứng trước Ðức Chúa Trời phẫn nộ. Ðức Chúa Trời đã từ bỏ Chúa Cứu Thế về thể xác, cách thực tế, cách khủng khiếp và có tính cách đời đời bởi vì Ngài đang trả cho tội lỗi của chúng ta. Trong ý nghĩa đó, Chúa Cứu Thế sợ hãi cũng như khi Ngài ở trong vườn Ghết-sê-ma-nê "Cha ôi, nếu có thể được xin cho chén nầy lìa khỏi con!" (Mathiơ 26:39).
Nếu bạn chưa được cứu. Nếu bạn chưa giao thác ý riêng của bạn cho Chúa Cứu Thế Giê-xu giống như Ru-tơ sắp sửa vâng theo Bô-ô. Nếu bạn không sẵn sàng hạ mình xuống để nhìn lên Chúa Cứu Thế như là Chúa và Cứu Chúa của mình. Khi ngày phán xét đến, bạn sẽ đứng trước cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời. Trong Cựu Ước, thỉnh thoảng Ðức Chúa Trời hình phạt những người không vâng theo Ngài để chứng tỏ cho chúng ta biết rằng cơn thạnh nộ của Ngài đổ trên những người không được cứu. Ngày nay chúng ta đi sâu vào tội lỗi mình và nghĩ rằng không cần lo sợ Ðức Chúa Trời. Ngài là một Ðấng yêu thương ở trên trời cao kia. Ngài yêu thương nhiều lắm, thông cảm nhiều lắm, cách nầy hay cách khác Ngài sẽ đối xử với chúng ta một cách tử tế. Không! sự việc không phải như vậy đâu, chúng ta chỉ tự đánh lừa mình mà thôi.
Theo một ý nghĩa, Ðức Chúa Trời rất kiên nhẫn, nhưng khi ngày phán xét đến, chúng ta sẽ không còn nhìn thấy Ngài như là một người cha nhân từ hay là một người bạn tốt đồng cảnh ngộ hiểu tất cả tội lỗi của chúng ta. Chúng ta sẽ nhìn thấy Ngài là một Ðức Chúa Trời thánh khiết. Chúng ta sẽ thấy Ngài trong oai nghi phẫn nộ, khi Ngài đổ sự hình phạt của Ngài ra trên chúng ta, Ngài sẽ đưa chúng ta vào địa ngục vì cớ tội lỗi của chúng ta. Ðây là những điều sẽ xảy đến cho những ai không được cứu.
Bô-ô sợ hãi là hình ảnh về Chúa Cứu Thế, cũng vậy chúng ta cũng sẽ run hãi khi chúng ta đứng trước ngôi phán xét của Ðức Chúa Trời, nếu tội lỗi của chúng ta không được che phủ bởi huyết của Ngài. Chúng ta đọc trong Khải huyền 6:15, khi Chúa Cứu Thế đến trên đám mây, "các vua ở trên đất, các quan lớn, các tướng quân, các kẻ giàu, các kẻ quyền thế, các kẻ tôi mọi, các người tự chủ đều ẩn mình trong hang hố cùng hòn đá lớn trên núi, chúng nói với núi và đá lớn rằng: Hãy rơi xuống chận trên chúng ta, đặng tránh khỏi mặt của Ðấng ngự trên ngôi, và khỏi cơn giận của Chiên Con! Vì ngày thạnh nộ lớn của Ngài đã đến, còn ai đứng nổi?" Ðó là cơn thạnh nộ đáng sợ của Ðức Chúa Trời chống lại những ai không được cứu.
Xin bạn đừng ngần ngại đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu, đừng hỏi vặn Ðức Chúa Trời, hãy vâng phục. Có lời hứa rằng, nếu bạn tin nhận Chúa Giê-xu, nếu bạn giao thác đời bạn cho Ngài, tin cậy Ngài thì bạn sẽ được cứu. Trở lại, chúng ta đọc, "Nửa đêm, Bô-ô sợ hãi, nghiêng mình qua". Lần nữa, chữ dùng ở đây được lựa chọn rất cẩn thận vì Ðức Chúa Trời sắp dạy về một lẽ thật thuộc linh. Ngài chọn chữ 'nghiêng mình'. Ðây là chữ trong tiếng Hê-bơ-rơ được dùng chỉ một đôi lần, một chỗ rất đầy ý nghĩa được tìm thấy trong Các-quan-xét 16:29, trong câu nầy không được dịch là 'nghiêng mình' mà được dịch là 'với lấy', chúng ta sẽ xem thấy mối liên hệ nầy một cách nhanh chóng.
Trong Các-quan-xét chép về Sam-sôn là một trong các quan xét trên dân Y-sơ-ra-ên, cuối cùng Sam-sôn phạm tội cùng Ðức Chúa Trời và nói với Ða-li-la về nguồn gốc sức mạnh của ông. Dĩ nhiên, nguồn gốc sức mạnh của ông từ sự vâng theo Lời của Ðức Chúa Trời chớ không phải do tóc ông dài. Vì ông không vâng theo Ðức Chúa Trời cho nên người Phi-li-tin cắt tóc của ông làm cho ông mất đi sức mạnh. Họ móc mắt của ông và nhốt ông vào trong ngục.
Trong vòng 20 năm, Sam-sôn là một cái gai trước mắt của họ vì nhiều lần ông đã chống phá họ, không có cách nào họ có thể bắt giữ ông được vì sức mạnh phi thường của ông, vì Ðức Chúa Trời ở cùng ông. Bây giờ họ đang ở trong một cái đền rất lớn để kỷ niệm lễ lớn cho thần của họ. Các quan xét 16:27-30, "Vả, đền đầy những người nam người nữ, và hết thảy các quan trưởng Phi-li-tin đều ở đó; tại trên sân mái đền cũng có độ ba ngàn người nam và nữ xem Sam-sôn làm trò. Bấy giờ Sam-sôn kêu cầu cùng Ðức Giê-hô-va mà rằng: Chúa Giê-hô-va ôi! xin Ngài nhớ lại tôi. Hỡi Ðức Chúa Trời! xin ban sức lực cho tôi chỉ lần nầy mà thôi, hầu cho tôi báo thù dân Phi-li-tin về sự mất hai con mắt tôi. Sam-sôn với lấy hai cây cột ở chính giữa..." Chữ 'với lấy' trong nguyên văn là cùng một chữ với chữ 'nghiêng mình qua' trong Ru-tơ 3:8.
Ðiều gì đã xảy ra khi Sam-sôn với lấy hai cây cột đền? "Sam-sôn với lấy hai cây cột ở chính giữa đỡ chịu cái đền, một cây ở bên hữu và một cây ở bên tả, nhận vào, mà rằng: Nguyện tôi chết chung với dân Phi-li-tin! Ðoạn người ráng hết sức, xô hai cây cột, đền đổ xuống trên các quan trưởng và cả dân sự ở đó. Ấy vậy, trong lúc chết, Sam-sôn giết nhiều người hơn là giết trong khi còn sống." Bạn thấy ở đây Sam-sôn là hình bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Chúa Cứu Thế Giê-xu chịu chết để đem sự cứu rỗi đến cho chúng ta, nhưng trong sự chết của Ngài, Ngài cũng đem lại sự hình phạt đời đời cho những ai chống nghịch lại Ngài. Khi Chúa Giê-xu lên thập tự giá, Ngài mang sự sống đến cho những người tin nhận nơi Ngài, nhưng đó cũng là nơi bảo đảm sự chết đến với những người không được cứu. Kinh Thánh chép trong Hêbơrơ 2:14 "Vậy thì, vì con cái có phần về huyết và thịt, nên chính Ðức Chúa Jêsus cũng có phần vào đó, hầu cho Ngài bởi sự chết mình mà phá diệt kẻ cầm quyền sự chết, là ma quỉ". Ma quỉ là kẻ cầm quyền trên những người không được cứu, và bởi vì ma quỉ bị hủy diệt tại thập tự giá nên tất cả những người không được cứu chắc chắn sẽ bị xét đoán.
Có ai ở tại thập tự giá nữa? Một người nữ, đó là Ru-tơ, làm hình bóng về những tín hữu được sanh lại, là những người ở dưới sự cai trị của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Bởi vì chúng ta đã trở nên được cứu, vì quyền lợi của chúng ta mà Chúa phải sợ hãi lúc nửa đêm. Vì ích lợi cho chúng ta mà sự chết đã đến với Ngài. Chúng ta nằm đó tại nơi chân của Ngài.
Câu 9, "Bô-ô hỏi: Ngươi là ai?" đây là một câu hỏi hợp lý để hỏi Ru-tơ trong trường hợp nầy vì ông không biết chuyện gì đang xảy ra. Bô-ô đang ngủ, giật mình thức dậy lúc nửa đêm, nghiêng mình qua và thấy một người nữ đang ở đó nên hỏi rằng: "Ngươi là ai?" Về thuộc linh, một câu hỏi có thể hỏi là: Chúng ta là ai mà dám đến nơi thập tự giá để tìm Chúa Giê-xu? Kinh Thánh cho biết chúng ta là ai khi chúng ta ở ngoài Chúa Cứu Thế? Vâng, chúng ta được dựng nên theo ảnh tượng của Ðức Chúa Trời và Ngài yêu thương chúng ta theo ý nghĩa đó, vì là một phần trong công cuộc sáng tạo. Nhưng Kinh Thánh cũng chép rằng, chúng ta bị truất khỏi, giống như nói về kẻ ác, không ai còn nhớ đến nữa.
Chúng ta không có sản nghiệp, chúng ta là khách lạ đối với Chúa. Chúng ta không ra gì cả. Kinh Thánh dùng ngôn ngữ nầy: Chúng ta là giòi bọ dưới cái nhìn của Ðức Chúa Trời. Làm sao chúng ta dám đến cùng Chúa Giê-xu? Ngươi là ai mà dám đến cùng ta? Ðây là câu hỏi mà Bô-ô đang hỏi Ru-tơ. Chúng ta là ai mà dám đến cùng Chúa Cứu Thế? Chúng ta không xứng đáng với sự cứu rỗi bằng cách nầy hay cách khác.
Nhưng thực tế, Bô-ô là con đường duy nhất mà Ru-tơ có thể có được sản nghiệp cho Ê-li-mê-léc và Mạc-lôn. Ông là người bà con gần, nàng phải đến với ông. Chúng ta sẽ thấy trong câu trả lời của nàng cho Bô-ô. Cũng vậy, khi chúng ta đến với Chúa Cứu Thế, chúng ta chỉ đến với hai bàn tay trắng. Chúa Giê-xu phán rằng: "Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha" (Giăng 14:6). Chúng ta chỉ có thể đến cùng Ðức Chúa Trời qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngay cả chúng ta không ra gì cả, ngay cả chúng ta không xứng đáng với sự cứu rỗi, chúng ta cũng dám đến nơi chân thập tự giá một cách khiêm nhường để kêu xin sự thương xót nơi Ðức Chúa Trời. "Lạy Chúa, xin thương xót con!"
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 25 (Ru-tơ 3:9)
Chúng ta sẽ tiếp tục học về câu chuyện tình lạ lùng được chép lại cho chúng ta trong Kinh Thánh, sách Ru-tơ. Mùa gặt đã hết, Na-ô-mi và Ru-tơ đang bắt tay vào một kế hoạch rất táo bạo. Na-ô-mi bảo Ru-tơ đề nghị một cuộc hôn nhân với Bô-ô. Bô-ô là một người giàu có và quyền thế sống tại thành Bết-lê-hem, ông là một người bà con gần với Na-ô-mi và trong ý nghĩa đó cũng bà con với Ru-tơ vì nàng đã thành hôn với Mạc-lôn. Nàng sẽ đề nghị ông cưới nàng.
Sau một ngày gặt lúa, Bô-ô mệt mõi và nằm ngủ thì Ru-tơ sẽ vào đó một cách im lặng để nằm dưới chân ông. Làm như vậy có nghĩa là nàng bày tỏ muốn làm vợ của Bô-ô. Ðây là một kế hoạch rất kỳ cục, táo bạo và nhiều sự nguy hiểm dính líu tới. Ru-tơ là người Mô-áp, là đàn bà bị rủa sả, thuộc về một quốc gia bị rủa sả, đến với Bô-ô là dòng dõi của Bết-lê-hem, là con cháu của chi phái Giu-đa để đề nghị ông cưới nàng là một ý kiến kỳ quặc. Yêu cầu ông cưới một người nữ Mô-áp có nghĩa là bảo ông liên lụy vào một hành động tội lỗi, bởi vì người Y-sơ-ra-ên không được cưới gả với dân Mô-áp. Luật pháp đã nói rõ họ không được dự vào cuộc hôn nhân như vậy. Vì thế, Ru-tơ đến với Bô-ô cách nầy chỉ chuốc lấy phản ứng khủng khiếp từ Bô-ô mà thôi.
Bô-ô có thể tìm thấy nàng nằm tại chân của mình và nổi giận vì nàng dám đến đó để đòi ông cưới nàng. Ông có thể nói rằng: "Ta đã thương xót nàng, đối xử tử tế với nàng trong thời gian mà nàng mót lúa trong ruộng của ta là quá đủ rồi. Ngày nào nàng còn đi ăn xin thì ta đối xử tử tế với nàng bởi vì nàng cũng là bà con với ta, nhưng cưới nàng hả? Không, ngàn lần không! Sao nàng dám đến với ta để đề nghị ta cưới nàng? Sao nàng dám cả gan gạ gẫm ta cách nầy? Ta không thể nào cưới nàng, ta không muốn cưới nàng, đừng bao giờ nói với chuyện với ta nữa". Thật vậy, Ru-tơ làm cách nầy chỉ gây cho Bô-ô nóng giận mà thôi, vì thế kế hoạch nầy rất là nguy hiểm.
Nhưng Ru-tơ và Na-ô-mi có một nan đề rất khó xử. Dòng dõi của Ê-li-mê-léc và Mạc-lôn đã đến hồi chấm dứt, họ không có con cái. Cách duy nhất để cho dòng dõi của Ê-li-mê-léc và Mạc-lôn được nối tiếp mãi mãi đó là có ai đó phải cưới Na-ô-mi hay Ru-tơ. Họ sẽ sanh con thay cho Mạc-lôn hay Ê-li-mê-léc, qua đứa con đó thì dòng dõi của họ sẽ được lưu truyền và sự nghiệp của họ sẽ được tồn tại. Na-ô-mi đã già không thể thành hôn với ai để sanh con được cho nên không còn gì để trông đợi ở Na-ô-mi. Ru-tơ thì còn trẻ, nàng có thể tái giá và sanh con, nếu nàng tái giá thì không khác gì mời gọi ai đó cưới đàn bà Mô-áp, đàn bà bị rủa sả, nhưng không còn cách nào khác. Nàng là người duy nhất có liên hệ với dòng dõi của Mạc-lôn để có thể lưu truyền dòng dõi, để có thể làm cho sự nghiệp của Ê-li-mê-léc và Mạc-lôn được tồn tại.
Luật pháp của dân Y-sơ-ra-ên đã tuyên bố rõ ràng, nếu một người đàn bà có chồng và chồng chết không con thì người bà con gần sẽ cưới người đàn bà đó để sanh con nối tiếp cho dòng dõi của anh em mình đã chết. Dựa vào luật đặc biệt đó, bao gồm luật pháp của Ðức Chúa Trời, Na-ô-mi và Ru-tơ mới dám đến cùng Bô-ô để thấy ông thật sự hạ mình xuống cưới người đàn bà bị rủa sả nầy, để thực hiện đúng như luật pháp đã tuyên bố. Chúng ta đã thấy kế hoạch nầy mô tả về Chúa Cứu Thế Giê-xu khi Ngài đền trả cho tội lỗi của chúng ta. Ru-tơ giở mền dưới chân Bô-ô ra là hình bóng về người tin Chúa làm cho Ngài bị lõa lồ thay cho mình. Ngài gánh chịu cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời thay cho tội lỗi của chúng ta.
Giăng Báp-tít nói rằng: "Ta chẳng đáng mở dây giày Ngài" (Giăng 1:27). Ý kiến mong rằng Chúa Giê-xu trở nên tội lỗi vì cớ tôi không thể nào chấp nhận được. Ngài phải đứng lõa lồ trước mặt Ðức Chúa Trời vì tội của tôi và gánh lấy cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời là một đề nghị kỳ quặc. Thật là một ý nghĩ táo bạo khi chúng ta đến với thập tự giá bằng cái nhìn nầy. Nhưng chúng ta không còn có cách nào khác. Không cách nào chúng ta có thể được chuộc khỏi tội lỗi của chúng ta để có được sản nghiệp. Chúng ta bị truất khỏi vì cớ tội lỗi của chúng ta và bị để dành cho địa ngục. Không còn cách nào để trở lại cùng Cha, không còn cách nào để hưởng được sự nghiệp đời đời.
Ngoài Chúa Cứu Thế Giê-xu, không còn cách nào để trở nên giống như A-đam và Ê-va ban đầu thông công mật thiết với Ðức Chúa Trời. Ngài là người cứu chuộc duy nhất có thể cung cấp câu trả lời mà chúng ta phải đến. Chúng ta đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu để mong đợi Ngài sẽ hạ mình xuống trở nên giống như chúng ta, bị nhục nhã thay cho chúng ta. Ngài phải từ bỏ vinh hiển của Ngài, Ngài phải rời khỏi thiên đàng để mang gánh lấy tội lỗi của chúng ta và phải gánh chịu cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời bởi vì Ngài đã trở nên tội lỗi vì chúng ta.
Thật là một điều khủng khiếp chúng ta đòi hỏi nơi Chúa Giê-xu khi chúng ta đến với Ngài để xin Ngài làm Cứu Chúa của chúng ta. Thật không thể nào hiểu được rằng chúng ta dám đến cùng Chúa Cứu Thế Giê-xu để đòi hỏi Ngài làm điều nầy. Nhưng đó là tình yêu thương của Ðức Chúa Trời, là chương trình đã được dự liệu nên chúng ta mới dám đến. Chỉ có cách nầy chúng ta mới có thể được cứu.
Bạn đã thấy Ru-tơ đã vâng theo kế hoạch nầy, nằm dưới chân của Bô-ô. Vào nửa đêm ông sợ hãi khi ông nghiêng mình qua là hình ảnh của Chúa Giê-xu trên thập tự giá. Nửa đêm là hình bóng về sự hủy diệt vì tội lỗi mà Ngài mang lấy. Ngài sợ hãi trước sự hiện diện của Ðức Chúa Trời. Tiếng kêu đau đớn thốt ra từ đôi môi của Ngài: "Ðức Chúa Trời tôi ôi, Ðức Chúa Trời tôi ôi, sao Ngài lìa bỏ tôi?" Sự sợ hãi đó đến với Ngài ngay tại vườn Ghết-sê-ma-nê, "mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất". Thật là kinh khiếp biết bao khi phải đối diện với Ðức Chúa Trời thánh khiết đang đổ cơn thạnh nộ ra. Cho nên Chúa Giê-xu khẩn thiết kêu xin cùng Cha, Cha ôi! còn có cách nào khác nữa không, con phải uống chén nầy sao? Và trong sự vâng phục trọn vẹn của Ngài, Chúa Giê-xu nói: "Song không theo ý muốn Con, mà theo ý muốn Cha" (Ma-thi-ơ 26:39). Chúa Giê-xu vâng phục để đền trả cho tội lỗi của chúng ta, nếu chúng ta tin cậy nơi Ngài. Thật tuyệt vời làm sao Cứu Chúa của chúng ta!
Chúng ta thấy khi Bô-ô nghiêng mình qua so sánh với trường hợp của Sam-Sôn vớ lấy hai cột đền là hình ảnh Chúa Giê-xu chiến thắng và cũng bảo đảm đem sự đoán xét đến cho những người không được cứu. Giống như Sam-Sôn vớ lấy hai cây cột đền và xô ngã cái đền của người Phi-li-tin, làm cho hàng ngàn người bị chết trong cái chết của Sam-Sôn. Cũng vậy, trong cái chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu, Ngài cũng bảo đảm rằng sự đoán xét sẽ đến trên hàng tỉ người trên thế gian không được cứu và trên Sa-tan. Những người không được cứu một ngày nào đó sẽ gánh chịu lấy cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời.
Bô-ô nói hỏi Ru-tơ: "Ngươi là ai?" , một câu hỏi rất hợp lý. Khi chúng ta đến với thập tự giá, câu hỏi được đặt ra: Chúng ta là ai? Tại sao chúng ta đến đó? Có nhiều người cố gắng đến với thập tự giá bằng cách mặc lên giá trị riêng, sự đạo đức và việc lành của họ. Những người đó không có gì dính líu đến chân thập tự giá vì họ nghĩ rằng họ công bình. Khi những người Giu-đa, người Pha-ri-si, những người lãnh đạo trong giáo hội thời đó muốn tỏ cho Chúa Giê-xu thấy sự công bình của họ, Chúa Giê-xu đã đáp lại rằng: "Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội" (Ma-thi-ơ 9:13). Nếu các ngươi đến với ta bằng sự công bình của chính các ngươi thì ta chẳng có gì cho các ngươi. Cách duy nhất mà các ngươi có thể đến với ta là giống như chiếc bình trống không. Các ngươi phải nhìn nhận mình giống như Ru-tơ, người đàn bà Mô-áp bị rủa sả.
"Nàng đáp: Tôi là Ru-tơ". Câu nói đó nói lên tất cả rằng, người đàn bà đang nằm dưới chân ông là khách ngoại bang, người xa lạ, người đàn bà từ một xứ bị rủa sả. Dân tộc Y-sơ-ra-ên không được cưới gả. Sao nàng dám đến đây? Sao nàng dám đề nghị ta cưới nàng? Ðó là phản ứng mà chúng ta nghĩ là Bô-sẽ làm. Khi đến với thập tự giá, chúng ta nhìn nhận rằng tôi không ra gì cả, tôi không xứng đáng, tôi là một tội nhân, tôi là đối tượng cho cơn phẫn nộ của Ðức Chúa Trời, tôi xứng đáng phải đi vào địa ngục, tôi không thuộc về nơi nầy. Vì vậy, Ru-tơ nói rằng, tôi là Ru-tơ, là người Mô-áp, ông đã bày tỏ lòng thương xót trên tôi, ông đã tử tế đối với tôi, tôi thấy rằng ông quan tâm đến tôi.
"Tôi là Ru-tơ, kẻ tớ gái ông". Chữ "tớ gái" thường được dịch trong Kinh Thánh là đầy tớ hay nô lệ. Khi nàng nói nàng là tớ gái có nghĩa rằng nàng muốn trở nên người đầy tớ. Giống như câu chuyện của đứa con trai hoang đàng. Khi nó trở về nhà cha nó, nó không dám nghĩ rằng nó là đứa con kế nghiệp, nó chỉ muốn được mướn làm như người đầy tớ vậy thôi. "Những người đầy tớ trong nhà cha ta còn sung sướng hơn ta ở đây phải ăn vỏ đậu của heo". Cũng vậy, Ru-tơ nói rằng "tôi là kẻ tớ gái ông", tôi muốn ông làm chúa của tôi, tôi muốn được hầu hạ ông, bởi vì ông là câu trả lời duy nhất cho nan đề của tôi.
Rồi nàng nói tiếp: "xin đắp mền ông trên kẻ tớ gái ông, vì ông có quyền chuộc sản nghiệp tôi". Chữ "mền" ở đây là một chữ rất thú vị, nhiều chỗ trong Kinh Thánh dịch chữ nầy là "cánh". Bạn có nhớ trong chương 2:12, "Nguyện Ðức Giê-hô-va báo đáp điều nàng đã làm; nàng đã đến núp dưới cánh của Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên". Chữ cánh đó là cùng một chữ với chữ mền ở đây, "xin đắp mền ông" có thể dịch là "xin giang cánh ông ra trên kẻ tớ gái ông". Nói cách khác, tôi muốn ở dưới sự chăm sóc của ông, tôi muốn được làm người vợ để hầu hạ ông, tôi muốn có sự liên hệ mật thiết với ông, bởi vì chỉ có ông mới giải quyết được nan đề của tôi.
Chúng ta đọc trong Ê-xê-chi-ên sẽ thấy sự bày tỏ rất đẹp về tình yêu thương của Ðức Chúa Trời đối với những người không đáng thương. Ê-xê-chi-ên 16, Ðức Chúa Trời nói về tình yêu thương của Ngài dành cho dân Y-sơ-ra-ên, Ngài nói trong câu 3: "Ngươi khá nói rằng: Chúa Giê-hô-va phán cùng Giê-ru-sa-lem như vầy: Bởi cội rễ và sự sanh ra của mầy ở đất Ca-na-an; cha mầy là người A-mô-rít, mẹ là người Hê-tít." Chúa đi ngược dòng thời gian lại từ lúc Áp-ra-ham, ban đầu Áp-ra-ham không phải là người Do-thái, ông bắt đầu là một dân ngoại.
Câu 4-5: "Về sự mầy sanh ra, trong ngày mầy mới đẻ, rún mầy chưa cắt, chưa rửa mầy trong nước cho được thanh sạch, chưa xát bằng muối, chưa bọc bằng khăn. Chẳng có mắt nào thương mầy, đặng làm một việc trong những việc đó cho mầy vì lòng thương xót mầy; song mầy đã bị quăng giữa đồng trống trong ngày mầy sanh ra, vì người ta gớm mầy."
Cũng giống vậy, Ru-tơ là người đàn bà bị rủa sả, dân Y-sơ-ra-ên ban đầu không ra gì, là dân ngoại, xa lạ với Ðức Chúa Trời. Rồi tình yêu thương của Ðức Chúa Trời đổ ra trên dân Y-sơ-ra-ên trong câu 6-10: "Khi ta qua gần mầy, thấy mầy tắm trong máu mình, ta phán cùng mầy rằng: Dầu ở giữa máu mầy, hãy sống! Thật, ta phán cùng mầy rằng: Dầu ở giữa máu mầy, hãy sống! Ta đã làm cho mầy thêm nhiều ra, như vật đồng ruộng mọc lên. Mầy đã nẩy nở, lớn lên, và trở nên đẹp đẽ lắm. Vú mầy dậy lên, tóc mầy dài ra, nhưng hãy còn ở lỗ và trần truồng. Khi ta qua gần mầy, và nhìn mầy, nầy, tuổi mầy nầy, mầy đã đến tuổi yêu mến. Ta lấy áo ngoài ta trùm trên mầy, che sự trần truồng mầy. Phải, ta thề cùng mầy và kết giao ước với mầy, thì mầy trở nên của ta, Chúa Giê-hô-va phán vậy.
Ta rửa mầy trong nước, làm cho sạch máu vấy mình mầy, và xức dầu cho. Ta mặc áo thêu cho mầy, cho mầy mang giày sắc lam, thắt lưng mầy bằng vải gai mịn, đắp cho mầy bằng hàng lụa." Ðó là hình ảnh vinh hiển nhất của sự cứu rỗi mà Ðức Chúa Trời cung cấp cho chúng ta. Câu 8 chép: "Ta lấy áo ngoài ta trùm trên mầy, che sự trần truồng mầy."
Trước khi được cứu, về thuộc linh, chúng ta bị trần truồng trước mặt Ðức Chúa Trời. Chúa bao phủ chúng ta bằng cánh bóng của Ngài nên chúng ta không còn trần truồng trước mặt Ngài nữa. Chúng ta được bao phủ bởi áo công bình của Chúa Cứu Thế. Ðây là điều mà Chúa ám chỉ trong câu 9 khi Ru-tơ nói với Bô-ô, dầu nàng không hiểu gì về ý nghĩa thuộc linh ở đây, nhưng Ðức Chúa Trời hiểu. Ngài hướng dẫn Ru-tơ nói câu: "Xin đắp mền ông trên kẻ tớ gái ông". Nói cách khác, nàng nói: Chỉ dưới bóng cánh của Chúa, sự trần truồng của con mới được che đậy, con muốn được nhận diện trong sự chuộc tội của Ngài, con muốn tội lỗi con được che phủ bởi huyết của Ngài. Ðây là hình ảnh rất đẹp mà chúng ta có trong câu nầy.
Lần tới chúng ta sẽ thấy sự ám chỉ trong câu nói của nàng: "vì ông có quyền chuộc sản nghiệp tôi" , và trong câu 10 Bô-ô nói với Ru-tơ: "Việc nhơn từ con làm lần sau nầy, lại còn trọng hơn lần trước; vì con chẳng có theo những gã trai trẻ, vô luận giàu hay nghèo". Chúng ta tự hỏi, không biết có ý nghĩa thuộc linh gì ở đây?
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 26 (Ru-tơ 3:10-11)
Càng ngày càng tăng dần, khi tiếp tục học sách Ru-tơ chúng ta khám phá đây thật là một ẩn dụ lịch sử tuyệt vời. Trong những bài học đầu chúng ta đã thấy Chúa Giê-xu chỉ nói bằng những thí dụ, "Ngài chẳng hề giảng cho chúng mà không dùng thí dụ" (Mác 4:34). Thí dụ là những câu chuyện thuộc về đất mang ý nghĩa thuộc về trời. Trong sách Ru-tơ chúng ta có một câu chuyện thật đã xảy ra trong lịch sử tại thành Bết-lê-hem cách nay hơn 3.000 năm. Câu chuyện nầy được chép lại để chúng ta có một cái nhìn sâu hơn vào tính chất lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên, theo đó là gia phổ của Chúa Giê-xu và nhiều việc khác nữa. Nhưng cũng khám phá ra một cách rất đẹp là qua câu chuyện lịch sử nầy Ðức Chúa Trời đã ban cho chúng ta một lẽ thật thuộc linh sâu sắc tuyệt vời, bày tỏ cho chúng ta biết tính chất tự nhiên của sự cứu rỗi mà Ðức Chúa Trời cung cấp cho chúng ta.
Bây giờ chúng ta đến chương 3 câu 9, Ru-tơ đã bị Bô-ô phác giác ra khi nàng đang nằm dưới chân của ông, "Bô-ô hỏi: Ngươi là ai? Nàng đáp: Tôi là Ru-tơ, kẻ tớ gái ông; xin đắp mền ông trên kẻ tớ gái ông, vì ông có quyền chuộc sản nghiệp tôi"*. Chữ "bà con" như chúng ta đã nhấn mạnh nhiều lần trong bài học nầy là một chữ cùng nghĩa với chữ "người cứu chuộc". Khi nghe chữ nầy được dùng ở đây, ngay tức thì chúng ta thấy Bô-ô được dùng làm hình bóng về Chúa Cứu Thế Giê-xu bởi vì Ngài là Ðấng Cứu Chuộc. Hãy ôn lại tại sao Bô-ô là người bà con quan trọng đối với Ru-tơ.
Ru-tơ là đàn bà góa, nàng đã thành hôn với Mạc-lôn, con trai của Ê-li-mê-léc, nhưng Mạc-lôn và Chi-li-ôn qua đời không người nào có con. Cho nên dòng dõi của Ê-li-mê-léc sẽ bị cắt đứt, không có người thừa hưởng cơ nghiệp trong dòng dõi của ông. Chỉ có cách duy nhất để duy trì dòng dõi nầy là hai người đàn bà góa phải lập gia đình với người bà con gần để đứa con đầu lòng của người bà con đó được sanh ra cho người anh em đã chết. Chúng ta đọc trong Phục-truyền luật-lệ-ký 25:5,6 "Khi anh em ruột ở chung nhau, có một người chết không con, thì vợ của người chết chớ kết đôi cùng người ngoài; anh em chồng phải đi đến cùng nàng, cưới nàng làm vợ, y theo bổn phận của anh em chồng vậy. Con đầu lòng mà nàng sanh ra sẽ nối danh cho người anh em chết, hầu cho danh của người ấy chớ tuyệt khỏi Y-sơ-ra-ên". Ðó là luật pháp mà Ðức Chúa Trời đã đặt ra.
Vì Ru-tơ là vợ của Mạc-lôn, ngay cả nàng người bị rủa sả, người Mô-áp, đáng lý nàng không được lập gia đình với dân Y-sơ-ra-ên, nhưng thực tế nàng đã lập gia đình với một người Y-sơ-ra-ên nên nàng có quyền khiếu nại về việc nầy. Cách duy nhất để dòng dõi của Mạc-lôn được lưu truyền mãi thì một người bà con phải cưới Ru-tơ, đó là tại sao Ru-tơ dám đến cùng Bô-ô để xin ông cưới nàng. Hiển nhiên, Bô-ô chưa lập gia đình, rất có thể ông đã già, là anh hay em của Ê-li-mê-léc. Ông đã đối xử tử tế với Ru-tơ, và ông là cách duy nhất để nàng có thể tìm được giải pháp cho nan đề của nàng trong việc lưu truyền dòng giống cho Ê-li-mê-léc và Mạc-lôn. Ðây là lý do chúng ta đến cùng Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài là Ðấng Cứu Chuộc của chúng ta, cách duy nhất để chúng ta có được sự sống, cách duy nhất để chúng ta có được sản nghiệp, cách duy nhất để tên của chúng ta không bị tuyệt mất. Kinh Thánh dùng ngôn ngữ khi nói về những người không được cứu, "không ai còn nhớ đến họ nữa". Ði vào điạ ngục và ở trong đó đời đời có nghĩa là không có phần gì trong sự thừa hưởng sản nghiệp.
Con người được dựng nên để sống trên đất nầy, để sống trong sự hiện diện của Ðức Chúa Trời, đây là trường hợp của A-đam và Ê-va trong vườn Ê-đen. Nhưng vì cớ tội lỗi, con người trở nên xa lạ với Ðức Chúa Trời, bị truất khỏi và sẽ phải ở trong địa ngục đời đời. Sản nghiệp của con người đã bị cất mất, không còn tương lai gì cho con người. Cách duy nhất để con người có thể tìm lại được sản nghiệp là phải đến cùng Chúa Cứu Thế Giê-xu, phải đến với Ngài một cách khiêm nhường và kêu xin sự thương xót của Ngài. Chỉ lúc đó chúng ta mới có thể đứng được với Ðức Chúa Trời, chỉ lúc đó chúng ta mới được trở nên con cái của Ngài và thừa hưởng tất cả những gì Ngài đã hoạch định cho con người. Ðó là điều được ám chỉ ở đây khi nàng nói: "vì ông là người bà con gần của tôi".
Chúng ta đã thấy đây là một kế hoạch rất nguy hiểm, Bô-ô có thể có phản ứng ngược lại. "Sao nàng dám đến để gạ gẫm ta cách nầy? Sao nàng dám đưa một đề nghị kỳ quặc như vậy? Vâng, có thể ta là bà con gần với nàng, nhưng nàng là người đàn bà bị rủa sả, nàng nên đi tìm câu trả lời một nơi nào khác". Nhưng, hãy chú ý sự đáp lại một cách nhân từ của Bô-ô trong câu 10, "Người nói: Hỡi con gái ta, nguyện Ðức Giê-hô-va ban phước cho con". Bạn thấy không? Bô-ô yêu Ru-tơ, Bô-ô động lòng và sẽ bày tỏ lòng thương xót trên Ru-tơ. Bô-ô là hình bóng của Chúa Cứu Thế Giê-xu khi chúng ta đến với Ngài với tất cả tội lỗi của chúng ta, với tất cả sự đau khổ của con người, với tất cả bản tánh chống nghịch.
Khi chúng ta nhìn lại tất cả những tội lỗi xấu xa mà chúng ta đã làm trong đời sống của chúng ta và trình dâng lên Ðức Chúa Trời: "Lạy Chúa, xin thương xót tôi, vì tôi là kẻ có tội", Ðức Chúa Trời không nói rằng,"Hãy xem lại, ngươi là một kẻ dơ dáy, bẩn thỉu, thối nát, tội lỗi, đừng đến với sự hiện diện thánh khiết của ta, ta không có gì liên hệ đến ngươi, sao ngươi dám đến để đòi hỏi điều gì đó nơi ta?" Không! không! đó không phải là cách mà Ðức Chúa Trời phản ứng lại khi chúng ta đến với Ngài trong tấm lòng tan vỡ, trong sự đau khổ vì tội lỗi của chúng ta. Ðức Chúa Trời phán rằng: Hỡi con, phước cho những kẻ nghèo khó về thuộc linh, phước cho kẻ than khóc, than khóc vì tội lỗi của họ.
Ở đây, Bô-ô nói: "Hỡi con gái ta, nguyện Ðức Giê-hô-va ban phước cho con". Hỡi con gái ta! Hỡi con gái ta! Bạn có thấy sự quan trọng trong ngôn ngữ đó không? Bô-ô được nhận diện giống như Ru-tơ, ông đã không nói: Ngươi là đàn bà bị rủa sả, khách lạ, dòng dõi của ngươi không thể vào trong đền thờ đến 10 đời. Nhưng ông nói: "Hỡi con gái ta", ta với con có sự gắn bó chặt chẽ, ta nhận con là một người trong gia đình của ta. Ðó là điều xảy ra khi chúng ta đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu, Ngài nói: Hỡi con trai, con gái ta. Khi được sanh lại, chúng ta trở nên con cái của Ðức Chúa Trời, được nhận làm con nuôi trong gia đình của Ðức Chúa Trời, trở nên kẻ kế tự với Chúa Giê-xu. Ðức Chúa Trời gọi Con Ngài, Chúa Cứu Thế Giê-xu: "Nầy là con yêu dấu của Ta" và Ngài cũng đến với chúng ta là những kẻ nghèo, đau khổ, tội nhân lạc mất trong địa vị mà gọi rằng: Hỡi con trai, con gái ta. Ôi! lạ lùng làm sao tình thương chiếu cố của Ðức Chúa Trời, thật ngọt ngào và nhân từ! "Hỡi con gái ta, nguyện Ðức Giê-hô-va ban phước cho con". Ðây là phản ứng mà chúng ta nhận được khi chúng ta đến tại chân thập tự giá.
Tôi có dịp nói chuyện với nhiều người và trong câu nói của họ ám chỉ rằng: "Tôi phạm tội, tôi đã làm những chuyện thật khủng khiếp, làm sao mà Ngài có thể chiếu cố đến để đáp lại với tôi một cách nhân từ, làm sao Ngài có thể tha thứ tội lỗi của tôi được". Không ai xa lạ đối với Ðức Chúa Trời hơn là Ru-tơ xa lạ với Bô-ô, bởi vì nàng là đàn bà bị rủa sả, người Mô-áp. Nàng là người mà dân Y-sơ-ra-ên không bao giờ được lập gia đình với dưới bất cứ hoàn cảnh nào. Bây giờ Bô-ô nói với Ru-tơ "Hỡi con gái ta, nguyện Ðức Giê-hô-va ban phước cho con". Ðó là cách mà Chúa Giê-xu đến với chúng ta. Khi chúng ta đến với Ngài với lòng đau thương thống hối, Ðức Chúa Trời hứa trong Thi Thiên 51:17, "Ðức Chúa Trời ôi! lòng đau thương thống hối Chúa không khinh dễ đâu". Nếu bạn đến với Chúa bằng tấm lòng tan vỡ, nếu bạn kêu xin sự thương xót của Ngài, Ngài sẽ trút sự nhân từ của Ngài xuống trên bạn.
Chúng ta tiếp tục trong câu 10, "Việc nhơn từ con làm lần sau nầy, lại còn trọng hơn lần trước; vì con chẳng có theo những gã trai trẻ, vô luận nghèo hay giàu". Trước hết hãy xem xét về sự kiện lịch sử, Bô-ô có ý gì khi nói câu nầy? Chữ nhơn từ trong tiếng Hê-bơ-rơ thường được dịch là thương xót. Khi Ru-tơ lập gia đình với Mạc-lôn, nàng đã tỏ lòng thương xót đối với Mạc-lôn qua sự tự nguyện làm vợ và giao thác đời nàng cho Mạc-lôn. Khi Mạc-lôn chết nàng đã tự nguyện theo Na-ô-mi, bỏ xứ Mô-áp để đi đến Bết-lê-hem là quê hương của Mạc-lôn và Na-ô-mi.
Ru-tơ có thể lập luận, tôi không thiếu nợ gì với Mạc-lôn cả, anh ta cưới tôi như là một người vợ trong tội lỗi, bây giờ anh đã chết thì tôi có thể lập gia đình với bất cứ ai mà tôi muốn. Có nhiều người trai trẻ trong vòng những con gặt, một số cũng rất đẹp trai, một vài trong bọn họ cũng bày tỏ sự quan tâm đến tôi, tôi nên theo đuổi một người trong bọn họ. Không, Ru-tơ vẫn luôn quan tâm đến mối liên hệ với Mạc-lôn, Mạc-lôn chết không con nối dõi. Cách duy nhất mà Ru-tơ có thể bày tỏ lòng thương xót trên Mạc-lôn đó là nàng phải chắc rằng nàng sẽ lập gia đình với một người bà con gần. Một người nào đó, dưới cái nhìn hợp pháp của Ðức Chúa Trời có thể cung cấp một đứa con để dòng dõi của Ê-li-mê-léc được tiếp tục.
Chúng ta đoán rằng Bô-ô có lẽ đã già khi ông nói nhiều lần: "Hỡi con gái ta". Có ai muốn lập gia đình với một người lớn mình ba, bốn mươi tuổi không? Có thể có những lý do khác khiến Ru-tơ không muốn lập gia đình với Bô-ô. Nhưng bởi vì tình thương của nàng dành cho Mạc-lôn, Ê-li-mê-léc, Na-ô-mi, nàng biết rằng nếu có thể được, nàng phải lập gia đình với Bô-ô là người bà con gần. Vì vậy Bô-ô nói: "Việc nhơn từ con làm lần sau nầy lại còn trọng hơn lần trước" nghĩa là, con vẫn còn quan tâm đến những người đã chết, những người mà con có mối liên hệ qua việc lập gia đình với Mạc-lôn, "vì con chẳng có theo những gã trai trẻ, vô luận nghèo hay giàu", con không chú ý đến những người trai trẻ để tìm giải đáp của sự ích kỷ riêng, con chỉ nghĩ đến những người mà con có mối liên hệ với, vì vậy cầu xin Chúa ban phước cho con. Cũng giống vậy, Chúa Giê-xu tuyên bố: "Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót". Bạn có thấy sự giống nhau trong câu nầy? Ru-tơ được Bô-ô khen ngợi ở đây là có lòng rất thương xót vì vậy nàng cũng sẽ nhận được sự thương xót. Ðây là điều sẽ xảy ra khi Ðức Chúa Trời kéo chúng ta, chúng ta sẽ có lòng thương xót đến những người xung quanh chúng ta. Chúng ta quan tâm đến sự phúc lợi của họ, chúng ta động lòng trắc ẩn đối với họ. Khi chúng ta là con cái của Chúa, cảm giác thương xót người khác, ý thức giúp đỡ người khác được phát triển ra trong đời sống của chúng ta, bởi vì chúng ta vui hưởng sự thương xót của Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Sự thương xót nầy được nhìn thấy rõ ràng khi chúng ta dâng đời sống của mình trong công việc hầu việc Ngài, sẵn sàng đem dâng tất cả nơi bàn thờ của Ngài để Tin Lành có thể được rao giảng ra khắp thế gian. Bởi vì quyền lợi lớn nhất mà chúng ta có thể đem đến cho những người trên thế gian là để họ cũng trở nên con cái của Ðức Chúa Trời, để họ cũng được sanh lại, để họ cũng có được sự sống đời đời. Vì vậy, khi chúng ta chia xẻ tài sản, tiền bạc, sức lực, đời sống của chúng ta, lúc đó chúng ta bày tỏ sự thương xót đối với những người thế gian. Chúng ta bước theo dấu chân của Chúa Cứu Thế Giê-xu là Ðấng bày tỏ lòng thương xót đối với chúng ta. Ðó là hình ảnh mà chúng ta có ở đây, một khía cạnh khác trong tính chất căn bản của sự cứu rỗi, "Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót!" (Ma-thi-ơ 5:7).
Ru-tơ thật sự bắt đầu kinh nghiệm được sự thương xót của Bô-ô khi ông tuyên bố rằng nếu có thể được, ông sẽ cưới nàng. Rồi ông nói trong câu 11: "Vậy bây giờ, hỡi con gái ta". "Hỡi con gái ta!" Ô! tôi thích nghe câu nầy quá. Câu nầy nhắc cho tôi nhớ rằng tôi là con cái của Ðức Chúa Trời. Ngài đã làm cho tôi trở nên con cái của Ngài, tôi không xứng đáng gì cả, nhưng Ngài nhìn tôi và gọi rằng: Hỡi con trai ta. Ngài có nhìn bạn và gọi bạn rằng: Hỡi con trai ta, hỡi con gái ta không? Nếu bạn là con cái của Ðức Chúa Trời, nếu bạn được sanh lại, nếu bạn đến với ngôi ân điển một cách khiêm nhường thì trường hợp nầy cũng đúng với bạn.
"Vậy bây giờ, hỡi con gái ta chớ sợ chi". Trước khi được cứu chúng ta sợ nhiều điều: sợ cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời vì cớ tội lỗi của chúng ta, sợ Sa-tan vì nó cai trị trên chúng ta, sợ hậu quả của tội lỗi. Sự sợ hãi ở khắp mọi nơi, nhưng khi chúng ta ở dưới sự gìn giữ, chăm sóc của Chúa Giê-xu, khi Ðức Chúa Trời giang cánh Ngài trên chúng ta, khi Ngài che đậy tội lỗi của chúng ta bằng sự công bình của Ngài thì chúng ta không còn sợ hãi nữa. Chúng ta không còn sợ cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời, không sự Sa-tan vì nó là kẻ thù đã bị đánh bại. Chúng ta không sợ sự sống, không sợ sự chết vì chúng ta biết rằng Ðức Chúa Trời không bao giờ lìa, không bao giờ bỏ chúng ta. Thi Thiên 23:4, "Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào; vì Chúa ở cùng tôi". Ðây là điều xảy ra khi chúng ta được cứu, không còn gì để cho chúng ta sợ nữa.
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 27 (Ru-tơ 3:11-13)
Chúng ta vừa thấy Bô-ô trả lời rất tử tế với Ru-tơ khi ông khám phá ra nàng đang nằm dưới chân ông. Nàng đến để yêu cầu ông cưới nàng vì ông là người bà con gần của nàng. Ông là người duy nhất có thể giải quyết nan đề của nàng về việc cung cấp một sản nghiệp cho Ê-li-mê-léc và Mạc-lôn. Bô-ô nói với nàng rằng: "Hỡi con gái ta, chớ sợ chi". Cũng vậy, khi chúng ta đặt đức tin mình nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu, chúng ta không còn sợ gì nữa. Ðức Chúa Trời ban thiên sứ Ngài gìn giữ chúng ta. Không một sợi tóc nào trên đầu chúng ta rơi xuống mà Cha trên trời không biết. Trên hết chúng ta không còn sợ Sa-tan, nó không còn cai trị trên chúng ta, nó không còn là chủ của chúng ta nữa. Chúng ta không sợ cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời vì cớ tội lỗi của chúng ta bởi vì đã được đền trả tất cả. Thật tuyệt vời làm sao khi chúng ta được cứu!
Rồi Bô-ô nói trong câu 11: "Ta sẽ làm cho nàng mọi điều nàng sẽ nói." Bạn thấy không, nàng đến để yêu cầu ông cưới nàng hầu cho sản nghiệp bên chồng của nàng có thể được tồn tại. Họ có thể sanh con qua cuộc hôn nhân nầy thay cho gia đình của Ê-li-mê-léc. Bô-ô bày tỏ sự sẵn lòng làm điều nầy. Theo sự kiện lịch sử, đây là hành động cao thượng của tình yêu về phía Bô-ô, chúng ta không nên quên rằng Ru-tơ là người Mô-áp. Ở đây ông nói: "Ta sẽ làm cho nàng mọi điều nàng sẽ nói." Có nghĩa là ông phải hạ mình xuống, nghĩa là ông sẽ lập gia đình với một người đàn bà tội lỗi. Chắc chắn ông sẽ bị những người cùng quê nhạo báng, ngay cả ông có thể bị cho là iiên lụy vào một tội lỗi khủng khiếp, rất có thể ông sẽ không được vào đền thờ nữa. Vì vậy, đây là hành động nhân từ và tình yêu tuyệt vời về phía Bô-ô. Ðây thật sự là một câu chuyện tình, tình yêu của một người đàn ông dành cho một đầy tớ gái đã chiến thắng tất cả những chướng ngại trong sự mong muốn vâng phục và cũng như trong sự tiếp tục thông cảm mà ông đã có. Ðây là hình ảnh về tình yêu của Chúa Cứu Thế dành cho chúng ta.
Ðể trở nên người trung bảo giữa chúng ta, để trở nên người cứu chuộc của chúng ta Ngài phải rời bỏ đền ngà của Ngài, Ngài phải tự lột bỏ vinh hiển của Ngài, trở nên giống như chúng ta. Ngài phải tự làm nhục mình, tự hạ mình xuống, chịu đựng người ta nhổ trên mặt, bị đánh đập. Ngài mang gánh tội lỗi của chúng ta trên thân Ngài, Ngài bị nhận diện giống như chúng ta. Khi chúng ta đến cùng thập tự giá, Chúa Cứu Thế nói với chúng ta: Ta sẽ làm Cứu Chúa của con. Tất cả ai gõ sẽ được mở, ai tìm sẽ gặp." Ðây là mục đích mà Chúa Cứu Thế đi ra "để tìm và cứu kẻ bị mất."
Rồi chúng ta đọc tiếp: "Vì cả dân sự trong thành ta đều biết rằng nàng là một người đàn bà hiền đức." Chữ "thành" ở đây thường thường được dịch là "cổng", rất hiếm khi dịch là "thành". Theo bối cảnh lịch sử dịch như vầy sẽ là chính xác nhất: "Vì tất cả những "cổng" của dân sự ta đều biết rằng nàng là một người đàn bà hiền đức." Chúng ta nhớ trong cổng của thành những trưởng lão ngồi đó để xét xử những vụ kiện. Chúng ta sẽ đọc được điều nầy trong Ru-tơ 4. Khi Bô-ô đến cổng thành, ông đã yêu cầu những trưởng lão ngồi xuống để xét xử đến việc ai là người bà con gần để chuộc sản nghiệp của Mạc-lôn, Ê-li-mê-léc, Na-ô-mi và Ru-tơ. Ðó là trong cổng của thành sự xét xử được đưa ra. Những trưởng lão trong thành đã nhìn vào Ru-tơ, là một người khách lạ đã đến ngụ tại Bết-lê-hem, nàng là loại người nào? Có phải nàng là gái mãi dâm không? Nàng là ai mà Mạc-lôn lại cưới nàng? Nàng là người Mô-áp nên chúng ta cần theo dõi nàng cho thật kỹ.
Thành Bết-lê-hem đã xem nàng là một người đàn bà đức hạnh. Dĩ nhiên họ đã xem xét nàng rất là cẩn thận khi nàng mót lúa trong ruộng, nhiều lời báo cáo đến với những người cai trị trong thành cho nên không ai có thể chỉ trích nàng điều gì. Tất cả những người trưởng lão ngồi tại cửa thành để xét xử dân trong thành Bết-lê-hem đã phải kết luận rằng nàng là một người đàn hiền đức. Thật tuyệt vời làm sao khi có được tiếng tốt là một người đàn bà hiền đức. Có bao nhiêu đàn bà ngày hôm nay được cái tiếng tốt ấy? "Nàng là một người đàn bà đức hạnh." Chúng ta đang sống trong thời buổi mà hình như cách duy nhất chúng ta có thể được chấp nhận nếu chúng ta là người thâm độc. Nhiều người gái trẻ nghĩ rằng cách duy nhất để họ được nổi tiếng là làm mất đi đức hạnh của họ. Chỉ có cách đó con trai mới hẹn hò với họ, chỉ có cách đó họ mới tìm được sự vui vẻ trong đời sống, chỉ có cách đó họ mới có thể gài bẩy người khác như là chồng của họ. Thật là vô nghĩa!
Ðể làm một người đức hạnh có nghĩa bạn phải là người mạnh mẽ, dám đứng một mình, dám gìn giữ tiếng tốt của bạn, dám gìn giữ tiết trinh của mình, dám bày tỏ ra rằng tôi muốn phục vụ Chúa. Bạn thấy Ru-tơ được tiếng tốt là người đàn bà đức hạnh, đây là điều làm cho Bô-ô rất hài lòng, bởi vì đây là loại người đàn bà mà ông muốn cưới. Vâng, nàng là người bị rủa sả, là dân Mô-áp, nhưng trong đời sống tại Bết-lê-hem, nàng đã bày tỏ rằng nàng là một người đàn bà đức hạnh. Nếu một người gái trẻ quyết định trong lòng rằng, tôi sẽ gìn giữ trinh tiết của tôi, tôi sẽ không để cho ai lợi dụng tôi. Trước khi tôi lập gia đình, tôi sẽ không trao thân tôi trong bất cứ sự liên hệ tình dục nào. Tôi sẽ giữ cho trong trắng trước mặt Ðức Chúa Trời. Những người trai trẻ yêu mến Chúa cũng vậy, những người đó có thể hi sinh tất cả để tìm cho được người nữ đức hạnh. Khi có một người con gái, không bao giờ dám nói đến chuyện chăn gối, dám đứng một mình trong cách cư xử ngọt ngào, dịu dàng để hầu việc Chúa, điều nầy sẽ đánh mạnh vào số đông những người muốn tìm một người vợ thật sự yêu mến Chúa.
Tôi hi vọng có những người trẻ ngày hôm nay dám gìn giữ đức hạnh của mình. Vâng, có thể bạn sẽ bị một số người cười chê, nhạo báng, có thể sẽ bị mất một số bạn bè. Những người muốn hẹn hò sẽ không bao giờ hò hẹn với bạn nữa khi bạn từ chối họ đụng đến bạn. Kinh Thánh chép trong I Cô-rinh-tô 7:1-2, "Tôi tưởng rằng đàn ông không đụng đến đàn bà là hay hơn." Ðức Chúa Trời biết rõ hết mọi sự, Ðức Chúa Trời biết rõ vật thọ tạo mà Ngài đã dựng nên, vì qua sự đụng chạm sự ham muốn sẽ nổi dậy và tiến đến mối liên hệ về tình dục. Ngài khiến như vậy để ban phước cho sự liên hệ trong hôn nhân, phước hạnh của tình chăn gối giữa chồng và vợ, phước hạnh trong việc duy trì nòi giống khi những em bé sẽ được ra đời trong gia đình đó. Ðức Chúa Trời biết hết tất cả điều nầy, nhưng chương trình của Ngài chỉ dành cho mối liên hệ trong hôn nhân, bên ngoài hôn nhân thì "đàn ông không đụng đến đàn bà là hay".
Vì vậy, đàn bà phải gìn giữ tiết trinh của họ, nàng phải nói với người hẹn hò với mình rằng: Không! không được. Bây giờ thì không được, chúng ta chỉ mới làm quen với nhau, chúng ta sẽ tìm hiểu về nhau, chúng ta sẽ đi chơi vui vẻ với nhau trong tình bạn, chúng ta sẽ nói chuyện với nhau về giá trị của sự tiết trinh. Chúng ta không để cho sự việc lẫn lộn nhau, dễ buông thả bởi vì chúng ta chỉ thích nhau về thể xác, điều đó chỉ đến trong mối liên hệ hôn nhân mà thôi. Ðó là nguyên tắc mà Ðức Chúa Trời đã đặt ra, đó là điều xảy ra khi chúng ta mong muốn trở thành người đức hạnh trước mặt Chúa.
Trong ý nghĩa thuộc linh ở đây, Ðức Chúa Trời đã không nói điều nầy chỉ đơn giản cho chúng ta biết về sự thật trong lịch sử mà thôi. Thực tế trong lịch sử nàng là một người đàn bà đức hạnh, nhưng trong Chúa Cứu Thế, khi chúng ta giao thác đời mình cho Ngài, Ðức Chúa Trời nhìn xem chúng ta là người đức hạnh. Không, tự chúng ta không phải là người đức hạnh, Kinh Thánh nói rất rõ về điều đó. Chúng ta chính là tội nhân, chúng ta phản loạn chống nghịch lại Ðức Chúa Trời. Nhưng chúng ta được xem như không có tội khi Chúa Cứu Thể là Ðấng Cứu Chuộc của chúng ta.
Trong Ê-phê-sô 5:27, Ðức Chúa Trời nói về Hội Thánh không vết, không nhăn. Chúng ta không vết, không nhăn chỉ vì chúng ta được bao phủ bởi sự công bình của Chúa Cứu Thế. Nói về thuộc linh, ai là cái cổng của dân sự? Ai là người nói rằng: "Ta là cái cửa" ? (Giăng 10:9) Ai là người cai trị trên toàn thể nhân loại. Có phải là Ðức Chúa Giê-xu không? Ngài là Ðấng được nói đến ở đây khi câu nầy chép: "Vì tất cả những 'cổng' của dân sự ta đều biết rằng nàng là một người đàn bà hiền đức." Chúa Giê-xu biết rằng chúng ta là một người đàn bà hiền đức, nghĩa là Ngài biết rằng chúng ta được xưng công bình trong Ngài, tội lỗi của chúng ta đã được tha thứ bởi vì Ngài đã đền trả cho chúng ta. Chỉ trong ý nghĩa đó chúng ta mới trở nên đức hạnh trước mặt Chúa Cứu Thế, chỉ trong ý nghĩa đó chúng ta mới là cô dâu trọn vẹn của Ngài. Ðó là cách mà Ðức Chúa Trời đem chúng ta đến với Ngài, Ngài che đậy tất cả tội lỗi của chúng ta để khi Ngài nhìn chúng ta qua Chúa Cứu Thế như là chúng ta không bao giờ có tội.
Câu 12, "Bây giờ, điều đó quả thật, ta có quyền chuộc sản nghiệp nàng lại; song có một người khác lại là bà con gần hơn ta." Câu nầy giống như rải cát vào bánh răng phải không? Chúng ta nghĩ rằng cuộc hôn nhân sắp sửa tiến hành, nhưng tình yêu không trôi chảy dễ dàng, có người khác bà con lại gần hơn. Bô-ô muốn chắc rằng người đàn ông đó có cơ hội trước hết là khiếu nại việc sản nghiệp, bày tỏ sự thương tình trên Ru-tơ để cưới nàng vì cớ Mạc-lôn và Ê-li-mê-léc. Chúng ta sẽ xem xét thật kỹ lưỡng ai là người bà con gần ở đây khi chúng ta học trong chương 4. Bây giờ chúng ta hãy tiếp tục đọc câu 13, "Hãy ở đêm lại đây. Ðến sáng nếu người kia muốn chuộc sản nghiệp nàng lại, thì người buộc phải làm; còn nếu như người không đẹp lòng chuộc sản nghiệp nàng lại, thì ta chỉ Ðức Giê-hô-va hằng sống thề rằng chắc sẽ chuộc sản nghiệp nàng lại! Hãy ở lại ngủ đây cho đến sáng." Ông nói, "Ta sẵn lòng cưới nàng, nhưng người bà con khác có quyền ưu tiên hơn, hãy để cho người đó có cơ hội, nếu người đó không cưới thì ta sẽ cưới nàng. Nàng có thể nằm dưới chân ta cho đến sáng rồi lúc sáng sớm trước khi người khác có thể nhìn thấy nàng, nàng có thể trở về với Na-ô-mi." Sự cảm thông của Bô-ô đối với nàng thật rất lớn.
Trong ngôn ngữ nầy chúng ta thật sự thấy được điều xảy ra khi chúng ta đến với thập tự giá, "hãy ở lại đây cho đến sáng". Về thuộc linh, ban đêm là biểu hiệu cho vương quốc của Sa-tan. Khi Giu-đa đi ra để mưu phản Chúa Giê-xu, lúc đó vào ban đêm, là giờ của quyền lực tối tăm. Ban đêm, tối tăm là đồng nghĩa với cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời, là địa ngục. Nói theo thuộc linh, Bô-ô là hình bóng về Ðấng Mê-si, Ngài đang chịu đựng thạnh nộ của Ðức Chúa Trời vì tội lỗi của chúng ta. Khi Chúa Cứu Thế gánh chịu cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời được xem như chúng ta chịu đựng cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời. Vì vậy, khi Ru-tơ nằm dưới chân của Bô-ô, là bức tranh chúng ta được nhận diện với Ngài khi Ngài chịu đựng địa ngục vì tội của chúng ta. Ngài chịu đựng cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời tương đương với ở trong địa ngục đời đời thay cho chúng ta. Chúng ta nằm với Ngài, chúng ta bị đóng đinh với Ngài khi chúng ta đến với thập tự giá. Khi Ngài chỗi dậy lúc trời sáng, chúng ta cũng chỗi dậy. Bởi vì Ngài đã sống lại, chúng ta cũng sẽ sống lại với Ngài.
Bạn thấy phần sau của câu 13, "Ta chỉ Ðức Giê-hô-va hằng sống thề rằng chắc sẽ chuộc sản nghiệp nàng lại! Hãy ở lại ngủ đây cho đến sáng." Ðó là lời thề của Bô-ô, ông thề rằng ông sẽ là người chuộc sản nghiệp của nàng. Ðó chính là điều mà Chúa Giê-xu là Ðức Chúa Trời đã làm. Ngài cũng thề rằng Ngài sẽ là Ðấng Cứu Chuộc chúng ta. Trong Hê-bơ-rơ 6:13 chép, "Khi Ðức Chúa Trời hứa cùng Áp-ra-ham, và vì không thể chỉ đấng nào lớn hơn, nên Ngài chỉ chính mình Ngài mà thề với người rằng: Chắc ta sẽ ban phước cho ngươi nhiều, và khiến hậu tự ngươi sanh sản đông thêm."
Nói cách khác, Ðức Chúa Trời thề rằng Ngài sẽ làm ứng nghiệm lời hứa mà Ngài đã hứa cùng Áp-ra-ham và lời hứa nầy được ứng nghiệm trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Trong Chúa Cứu Thế, Áp-ra-ham trở nên cha của nhiều dân tộc, trong Chúa Cứu Thế những dòng dõi của Áp-ra-ham từ mọi quốc gia sẽ được phước, trong Chúa Cứu Thế chúng ta hưởng được cơ nghiệp thiên đàng mà Ðức Chúa Trời hứa cùng Áp-ra-ham rằng ta sẽ ban cho ngươi xứ nầy. Chúng ta đọc thấy điều nầy trong Rô-ma 4:13, "Vả, ấy chẳng phải bởi luật pháp mà có lời hứa cho Áp-ra-ham hoặc dòng dõi người lấy thế gian làm gia nghiệp, bèn là bởi sự công bình của đức tin."
Ðức Chúa Trời đã thề rằng điều nầy sẽ ứng nghiệm. Lu-ca 1:73, "Theo như Ngài đã thề với Áp-ra-ham là tổ phụ chúng tôi, mà hứa rằng khi chúng tôi đã được cứu khỏi tay kẻ nghịch thù, Ngài sẽ ban ơn lành cho chúng tôi, trước mặt Ngài, lấy sự thánh khiết và công bình mà hầu việc Ngài, trọn đời mình không sợ hãi gì hết." Bô-ô thề rằng sẽ làm người chuộc sản nghiệp cho Ru-tơ thì cũng giống vậy, Ðức Chúa Trời chỉ chính mình Ngài mà thề, bày tỏ rằng Ngài sẽ không quên lời hứa chuộc lại dân sự của Ngài.
"Còn tôi, tôi biết rằng Ðấng Cứu Chuộc tôi vẫn sống." Gióp 19:25
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 28 (Ru-tơ 3:14)
Chúng ta đã học đến câu 13 của chương 3 trong bài học vừa rồi và đã thấy Bô-ô thề rằng ông sẽ làm công việc của một người chuộc sản nghiệp cho Ru-tơ. Nếu người kia không làm công việc của người chuộc sản nghiệp thì ông sẽ làm việc ấy. Ðây là một bảo đảm lớn cho Ru-tơ cũng như cho gia đình Ê-li-mê-léc và Mạc-lôn. Dù cho việc gì có xảy ra thì sản nghiệp của họ cũng được tồn tại. Chúng ta cũng đã thấy lời hứa của Ðức Chúa Trời sẽ được ứng nghiệm liên quan đến sự cứu rỗi khi chúng ta đọc trong Hê-bơ-rơ chương 6 và Lu-ca 1.
Có nhiều người lý luận rằng Hê-bơ-rơ chương 6 chỉ liên quan đến lời hứa về đất hứa tại xứ Ca-na-an mà thôi. Tôi xin đọc vài câu trong Giô-suê 21 để khẳng định một lần nữa đối với những người nghĩ rằng Chúa còn những lời hứa cho nước Y-sơ-ra-ên. Ðức Chúa Trời thật sự hứa ban một xứ cho dân Y-sơ-ra-ên và Ngài đã thành tín với lời hứa nầy. Giô-suê 21:41-45, "Thế thì, Ðức Giê-hô-va ban cho Y-sơ-ra-ên cả xứ mà Ngài đã thề ban cho tổ phụ họ. Dân Y-sơ-ra-ên nhận làm sản nghiệp và ở tại đó. Ðức Giê-hô-va làm cho tứ phía đều được an nghỉ, y như Ngài đã thề cùng tổ phụ họ, chẳng có một kẻ thù nghịch nào còn đứng nổi trước mặt họ. Ðức Giê-hô-va phó hết thảy kẻ thù nghịch vào tay họ. Trong các lời lành mà Ðức Giê-hô-va đã phán cho nhà Y-sơ-ra-ên, chẳng có một lời nào là không thành: thảy đều ứng nghiệm hết."
Trong lời công bố nầy Ðức Chúa Trời đã chỉ rõ rằng mỗi phần trong lời hứa mà Ngài đã hứa với Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp hay dân Y-sơ-ra-ên liên quan đến xứ Ca-na-an hay phước hạnh trên quốc gia Y-sơ-ra-ên đã được Ngài làm thành cả. Ðáng buồn thay cho đến ngày hôm nay có nhiều người nói rằng Ðức Chúa Trời vẫn còn hành động qua nước Y-sơ-ra-ên. Nếu bạn đọc hầu hết những sách viết về vấn đề nầy thì sẽ không thấy họ đề cập đến Giô-suê 21:40-45. Ðức Chúa Trời rất cẩn thận chỉ rõ rằng Ngài đã làm thành tất cả những lời hứa mà Ngài hứa với dân Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, trong những lời hứa mà Ngài đã hứa với Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp liên quan đến đất đai, liên quan đến phước hạnh cho dân Y-sơ-ra-ên thì cũng có một phần rất sâu sắc tuyệt vời về tâm linh vẫn chưa được ứng nghiệm.
Khi Ngài nói với Áp-ra-ham rằng ông sẽ là cha của nhiều dân tộc. Thực tế điều nầy không thể được ứng nghiệm trên nước Y-sơ-ra-ên vì nước Y-sơ-ra-ên chỉ là một quốc gia. Ðiều nầy chỉ có thể được ứng nghiệm trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài là dòng dõi của Áp-ra-ham và trong Ngài những dân tộc sẽ trở nên con cháu của Áp-ra-ham. Chúng ta đọc thấy điều nầy rất hay trong Ga-la-ti 3:6, "Như Áp-ra-ham tin Ðức Chúa Trời, thì đã kể là công bình cho người, vậy anh em hãy nhận biết rằng những kẻ có đức tin là con cháu thật của Áp-ra-ham." Kinh Thánh cũng biết trước rằng Ðức Chúa Trời sẽ xưng dân ngoại là công bình bởi đức tin, nên đã rao truyền trước cho Áp-ra-ham tin lành nầy: "Các dân sẽ nhờ ngươi mà được phước." Và trong câu 29: "Lại nếu anh em thuộc về Ðấng Christ, thì anh em là dòng dõi của Áp-ra-ham, tức là kẻ kế tự theo lời hứa." Ðây là khía cạnh thuộc linh trong lời hứa mà Ðức Chúa Trời hứa với Áp-ra-ham và điều nầy chỉ có thể được ứng nghiệm trong Chúa Cứu Thế.
Khi chúng ta nói về khía cạnh thuộc linh thì chúng ta cũng phải nhớ rằng theo nghĩa đen sự ứng nghiệm về những ơn phước trên dân Y-sơ-ra-ên như Ngài đã tuyên bố trong Giô-suê 21 đã được Ngài làm thành tất cả. Lời hứa về thuộc linh cho Áp-ra-ham nằm trong đặc tính của nghĩa đen. Có một dòng dõi của Áp-ra-ham theo nghĩa đen qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúng ta không phải dòng dõi thuộc về thể xác nhưng dòng dõi về thuộc linh. Thực tế, những tín hữu thật sự được sanh lại là con cháu của Áp-ra-ham qua Chúa Giê-xu.
Phần sau của lời thề liên quan đến Ðức Chúa Trời trong việc thực hiện lời hứa của Ngài được nhìn thấy trong Ru-tơ chương 3 khi Bô-ô nói: "Ta chỉ Ðức Giê-hô-va hằng sống thề rằng chắc sẽ chuộc sản nghiệp nàng lại." Ðây là điều mà Hê-bơ-rơ 6:13-17 chép về Ðức Chúa Trời chỉ chính mình Ngài mà thề rằng Ngài sẽ làm thành lời hứa của Ngài. Câu 14, "Chắc ta sẽ ban phước cho ngươi nhiều và khiến hậu tự ngươi sanh sản đông thêm." Lời tuyên bố nầy trong Tân Ước để chỉ rõ về tính chất thật của sự cứu rỗi.
Tiếp tục Ru-tơ 3:14, "Vậy nàng ngủ ở nơi chân người cho đến sáng." Chúng ta đã thấy trong bài học vừa rồi, đây là hình bóng về những tín hữu bị đóng đinh trong Chúa Cứu Thế. Nghĩa là chúng ta dự phần với sự chết, sự chôn và đồng sống lại với Chúa bởi vì Ngài trở nên tội lỗi vì chúng ta. Chúng ta ở trong Ngài khi Ngài gánh chịu cơn thạnh nộ của Ðức Chúa Trời. Chúa Giê-xu là ngôi sao mai, Ngài phục sinh vào sáng Chúa Nhật là trái đầu mùa của những ai tin cậy nơi Ngài. Trong Ê-phê-sô 2:5, Ðức Chúa Trời nói về tính chất sự cứu rỗi của chúng ta, "Nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Ðấng Christ ố ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu." Chúa Giê-xu là sao mai đã sống lại, chúng ta cũng sống lại trong Ngài như chúng ta đồng chết, đồng chôn với Ngài. Chúng ta nằm nơi chân Ngài trọn đêm cho đến sáng.
Bây giờ chúng ta đến một chữ rất buồn cười theo ý nghĩa thuộc linh dầu theo sự kiện lịch sữ thì không có gì là buồn cười. Trong câu 14 chép rằng: "rồi dậy sớm, trước khi hai người có thế nhìn biết nhau; vì Bô-ô nói rằng: Chớ cho người ta biết rằng có một người nữ vào sân đạp lúa." Theo bối cảnh lịch sữ thì rất có lý. Ru-tơ là một người đàn bà đức hạnh và chắc chắn là Bô-ô cũng là một người đàn ông đạo đức. Họ biết có những trò bịp bợm, nhưng đây là một đề nghị hôn nhân đáng tôn kính. Mọi sự đều hoàn toàn thận trọng, nhưng Kinh Thánh chép, "Bất cứ việc gì tựa như điều ác thì phải tránh đi" (1Tê-sa-lô-ni-ca 5:22). Cả Bô-ô và Ru-tơ không ai muốn tỏ ra điều gì giống như điều dữ. Vì vậy lúc sáng sớm, trước khi có ai đó biết được thì ông muốn Ru-tơ phải rời khỏi đó để người khác không biết được là nàng đang ở trong sân đạp lúa, là điều rất dễ bị hiểu lầm bởi những người tại Bết-lê-hem.
Theo sự kiện lịch sữ thì rất có lý nhưng nếu suy nghĩ về áp dụng thuộc linh của câu nầy như chúng ta đã học trong những bài trước, là mỗi câu, mỗi chữ đều có ý nghĩa thuộc linh sâu sắc lạ lùng. Chúng ta tự hỏi, Ngài muốn nói gì ở đây? Nếu nàng cung kính đề nghị một cuộc hôn nhân; nàng là hình bóng về những người đến với Chúa Giê-xu để cầu xin sự cứu rỗi, là những người muốn được nhận diện với Ngài trong kinh nghiệm thập tự giá không lẽ họ không muốn cho ai biết sao? Nếu chúng ta đến cùng Chúa Giê-xu và trình dâng tất cả tấm lòng mình cho Ngài không lẽ chúng ta sợ sự hiểu lầm về điều ác nào đó sao? Việc nầy hình như mâu thuẫn về tính chất thuộc linh bình thường như đáng phải có.
Thật ra, hãy xem xét về sự cứu rỗi một cách vô tư. Khi một người thật sự được sanh lại, được nhận diện ở với Chúa Giê-xu, ai thật sự biết được giây phút đó? Trong trường hợp của Ru-tơ và Bô-ô sau đó thì cả làng sẽ biết rằng họ có ý định lập gia đình với nhau, nhưng trong giây phút nàng nằm dưới chân ông thì không ai biết được. Nói về thuộc linh, khi chúng ta được cứu, nằm dưới chân Ngài tại thập tự giá, được nhận diện với Ngài khi Ngài gánh chịu cơn thạnh nộ vì cớ tội lỗi của chúng ta, có ai biết chính xác giây phút đó không? Vâng! sau đó thì chúng ta sẽ thấy ảnh hưởng của ân điển Ðức Chúa Trời trong lòng của những người tin. Chúng ta sẽ thấy rằng người đó bắt đầu yêu mến Chúa và muốn vâng phục Ngài. Chúng ta sẽ thấy người đó nói với những người khác rằng người đó yêu mến Chúa và làm chứng cho người khác về sự cứu rỗi của họ. Vâng điều đó sẽ đến sau nhưng chính xác giây phút nhận được sự cứu rỗi không ai biết được.
Tôi đã thấy điều nầy xảy ra trong đời sống của nhiều người. Lần đầu tiên khi tôi gặp họ, họ rất hoang mang, sợ sệt không hiểu đâu là lẽ thật. Sau đó họ bắt đầu dốc đổ lòng của họ ra trước mặt Chúa. Họ bắt đầu học Kinh Thánh và thông công với những con cái của Chúa. Chừng một hay hai năm sau khi chúng ta nhìn những người nầy thì chúng ta có thể nói một cách tin tưởng rằng: Tôi biết anh đó đã được sanh lại, tôi biết cô đó yêu mến Chúa và đặt hết sự tin cậy của cô vào nơi Ngài. Nhưng giây phút chính xác khi họ được sanh lại, khi Ðức Chúa Trời thật ban cho họ tấm lòng mới thì không ai biết được. Ðó là công việc biến đổi của Ðức Chúa Trời. Một cách bí ẩn Ngài làm việc nầy bằng phép lạ của ân điển Ngài trong lòng của người được sanh lại và ban cho họ một tấm lòng mới.
Ngay trong trường hợp của sứ đồ Phao-lô trên đường Ða-mách bị ngã xuống, ông đã hỏi rằng: Chúa là ai? Ba ngày sau đó ông cầu nguyện thống hối trước mặt Chúa nhưng ông vẫn chưa được sanh lại cho đến khi A-na-nia đến với ông. A-na-nia là một thầy giảng ở thành Ða-mách vẫn còn phải bảo Phao-lô: "Hãy chờ dậy, cầu khẩn danh Chúa mà chịu phép báp têm và làm sạch tội lỗi mình đi." Ông vẫn chưa được sanh lại, tội lỗi của ông vẫn chưa được rửa sạch mặc dầu ông bắt đầu đối diện với Ðấng mà cả cuộc đời ông trước đó chưa bao giờ đối diện.
Một thực tế về sự cứu rỗi liên quan đến vấn đề ai biết ai được cứu. Chúng ta nhìn xem thế giới Cơ đốc giáo ngày hôm nay và thấy rằng nhiều người nói rằng họ là Cơ đốc nhân. Trong giáo hội mà bạn đang đi cũng như trong giáo hội của tôi có nhiều người tự cho rằng Chúa Cứu Thế là Cứu Chúa của họ. Họ dự tiệc thánh, công khai xưng nhận đức tin, tham dự những buổi nhóm và sinh hoạt đều đặn. Gần như chúng ta có thể nói rằng họ được cứu, thật ra chúng ta không thể biết được ai được sanh lại. Chúng ta tin rằng có một số người nào đó chắc đã được sanh lại, nhưng chúng ta không biết chắc thật sự ai được sanh lại bởi vì chúng ta không thể thấy được lòng của con người.
Trong thế giới gọi là Cơ đốc giáo có nhiều "tin lành" khác hơn là Tin Lành thật. Họ cũng dùng chữ Cơ đốc nhân, họ cũng nói về huyết của Chúa Cứu Thế nhưng theo định nghĩa họ không phải là Tin Lành thật. Tin lành của họ có thẩm quyền khác hơn là Kinh Thánh. Họ dùng Kinh Thánh là một phần thẩm quyền của họ nhưng họ cũng có thẩm quyền khác, cách khác mà họ nghĩ rằng Ðức Chúa Trời phán với họ một cách thiêng liêng. Vì vậy họ có một thẩm quyền khác, nhưng thế gian nhìn vào những người nầy trông giống như những Cơ đốc nhân.
Dù sao thì chỉ vào ngày phán xét, lúc được cất lên không trung chúng ta sẽ được chứng tỏ rằng chúng ta được sanh lại hay không. Chỉ đến lúc đó cả thế gian sẽ biết rằng ai thật sự được cứu. Trong Ma-thi-ơ 7, Chúa Giê-xu nói về những tiên tri giả, những người nầy nói với Chúa trong ngày phán xét rằng: "Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhơn danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhơn danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhơn danh Chúa mà làm phép lạ sao? Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm công gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta!" Trong cuộc đời của họ, chắc chắn họ được trông thấy như những Cơ đốc nhân mạnh mẽ trong Chúa, nhưng ngày phán xét đến thì họ chưa phải là Cơ đốc nhân bao giờ. Vì vậy cô dâu của Chúa Cứu Thế là người thật sự được sanh lại và được nhìn nhận trong ngày sau rốt.
Chúng ta đọc trong Rô-ma 8:19, "Thật thế, muôn vật ước ao nóng nảy mà trông đợi con cái Ðức Chúa Trời được tỏ ra." Bởi vì lúc đó vũ trụ nầy sẽ được chuộc khỏi sự rủa sả và trở nên trời mới đất mới như chúng ta đọc trong Rô-ma nói về tương lai lúc Chúa Cứu Thế trở lại một cách đầy vinh hiển để gom nhóm những tín hữu thật đến cùng Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ðó là lúc sẽ biết được ai đã đến sân đạp lúa, "chớ cho người ta biết rằng có một người nữ vào sân đạp lúa." Những ai thật sự được sanh lại, có sự gặp gỡ với Chúa Cứu Thế trong đời họ, bất cứ sống vào thời điểm nào, họ đã được sàng sảy. Họ là những hột lúa được gom vào vựa, được gom lại ở với Chúa Cứu Thế Giê-xu, nhưng họ là ai, chỉ được biết khi ngày sau rốt.
Trong sự gặp gỡ với Chúa Giê-xu, chúng ta không biết được ai là người được cứu. Có một người mà chúng ta cần phải xét đoán xem có thật sự gặp gỡ Chúa Cứu Thế chưa đó là: "TÔI". Mỗi người chúng ta cần phải nhìn lại lòng của chính mình. Tôi đã được sanh lại chưa? Tôi có phải là con cái của Ðức Chúa Trời không? Ru-tơ đã gặp gỡ Bô-ô và biết rằng Bô-ô sẽ là người chuộc sản nghiệp nàng. Cũng vậy, khi chúng ta trở nên được cứu, chúng ta có thể biết được trong lòng của chúng ta. Chúng ta không phải đợi cho đến ngày tận thế mới biết được chúng ta được cứu hay không. Chúng ta có thể biết được một cách chắc chắn rằng chúng ta đã được sanh lại nếu chúng ta tìm đến Chúa là Ðấng Cứu Chuộc của chúng ta giống như Ru-tơ đã đến cùng Bô-ô.
Trong bài học học tới chúng ta sẽ xem xét một câu rất khó là câu 15. Bô-ô làm một việc mà chúng ta không biết rằng ông đang nghĩ gì. "Người lại nói: Hãy giơ ra áo tơi của nàng mặc, rồi nắm nó cho chắc. Nàng bèn giơ ra; người trút cho sáu đấu lúa mạch, biểu nàng đem đi; đoạn người trở vào thành." Ông làm việc nầy có ý nghĩa gì?
Bài Học Kinh Thánh
NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LINH TRONG CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA RU-TƠ
Bài 29 (Ru-tơ 3:15-16)
Chúng ta đang học đến Ru-tơ 3:15. Ru-tơ đã đến với Bô-ô để yêu cầu xin ông làm người chuộc sản nghiệp cho nàng. Ông đã đồng ý làm theo đề nghị của Ru-tơ. Bây giờ là sáng sớm, ông muốn nàng rời khỏi đó để không ai biết rằng nàng đã đến sân đạp lúa, ông không muốn có sự hiểu lầm trong trí của dân làng Bết-lê-hem.
Nhưng trước khi nàng đi, ông đã làm một việc rất lạ. "Người lại nói: Hãy giơ ra áo tơi của nàng mặc, rồi nắm nó cho chắc. Nàng bèn giơ ra; người trút cho sáu đấu lúa mạch, biểu nàng đem đi; đoạn người trở vào thành." "đấu" ở đây không có trong nguyên văn, người dịch đã thêm chữ nầy vào để cho có lý hơn thay vì "trút cho sáu lúa mạch". Có nhiều khía cạnh về việc nầy hình như rất lạ. Nếu ông thật sự muốn tặng cho Ru-tơ một món quà, chắc chắn ông sẽ không muốn cho nàng mang lúa vào sáng sớm như vậy. Tốt hơn ông nên nói rằng lúc nào đó trong ngày ta sẽ sai đầy tớ mang đến cho nàng một ít lúa bởi vì ta thương nàng lắm. Ông thương nàng nhiều lắm cho nên bắt nàng ra về mang theo số lúa như một đầy tớ như vậy thấy không đúng chút nào. Nếu ông thật sự muốn tặng nàng thì ông nên để vào một cái bao hay vật gì mà họ dùng để đựng lúa vào thời đó để nàng có thể mang đi dễ dàng. Nhưng nàng mang số lúa đó bằng gì? Bằng áo của nàng.
Ðức Thánh Linh đã hướng dẫn ông hành động một cách kỳ lạ như vậy để khi việc nầy được ghi lại cũng phục vụ cho ẩn dụ lịch sử. Chúng ta biết điều nầy đã xảy ra, ông lấy sáu phần, sáu tách hay sáu gì đó để trút lên áo của nàng. Kinh Thánh không nói rõ chi tiết nhưng đây là một đơn vị để lường lúa, có lẽ theo ý nghĩa lịch sử, Bô-ô làm điều nầy là một dấu chỉ về tình yêu của ông đối với Ru-tơ. Chắc chắn chúng ta có cảm giác rằng việc nầy có một lẽ thật thuộc linh vì ngôn ngữ nầy rất là lạ theo bối cảnh lịch sử.
Trước hết, Ru-tơ có mặc áo choàng, khi chúng ta đến với Chúa Cứu Thế Giê-xu giống như Ru-tơ đến với Bô-ô, tất cả chúng ta đều có đồ mặc. Ðồ mặc mà chúng ta có trước khi chúng ta đến với Ngài là công việc của chúng ta, đồ che đậy mà chúng ta thử dùng để làm hòa với Ðức Chúa Trời. Trước khi được cứu, chúng ta thử làm điều nầy điều nọ. Chúng ta cố gắng sống một đời sống đạo đức, cố gắng vâng giữ luật pháp của Ðức Chúa Trời, thận trọng trong cách sống của chúng ta bởi vì chúng ta muốn là người xứng đáng trước mặt Ðức Chúa Trời. Chúng ta cố gắng ép xác mình bằng mọi cách có thể được bởi vì chúng ta muốn Ðức Chúa Trời nhìn và thấy chúng ta xứng đáng.
Nhưng tất cả những đồ mặc đó không có giá trị gì, nó không thể che đậy được tội lỗi của chúng ta. Mỗi lần chúng ta cố gắng vào thiên đàng bằng công việc của chính mình hay một phần công việc thiện của mình thì sẽ không bao giờ thành công. Công việc thiện của chúng đều bị vấy bẩn bởi tội lỗi. Chúng ta mang sự vấy bẩn đó đến với Ðức Chúa Trời để yêu cầu Ngài nhìn công việc lành của chúng ta tưởng rằng chúng ta tốt lắm. Những việc đó sẽ không bao giờ giải hòa giữa chúng ta với Ðức Chúa Trời, sẽ không cung cấp cho chúng ta sản nghiệp được. Bô-ô nói với Ru-tơ: "Hãy giơ ra áo tơi của nàng"*. Nói cách khác, hãy cất khỏi ngươi những ý nghĩ cho rằng ngươi sẽ được cứu bởi những việc thiện lành của mình vì nó không ích lợi gì cả.
"Nàng bèn giơ ra; người trút cho sáu đấu lúa mạch". Sáu lúa mạch là gì? Trong Kinh Thánh số sáu thường chỉ đến sự sáng tạo. Bạn có nhớ trong Sáng Thế Ký chương một Ðức Chúa Trời dựng nên trời đất trong sáu ngày, và ngày thứ bảy Ngài nghỉ. Công việc sáng tạo là công việc của Ðức Chúa Trời, con người không có dự phần gì trong việc đó. Cuối cùng ngày thứ bảy Ngài nghỉ. Trong Kinh Thánh đó cũng là hình bóng về công việc cứu chuộc của Ðức Chúa Trời. Ðức Chúa Trời làm công việc cứu chuộc chúng ta, xong thì Ngài nghỉ.
Chúng ta đọc trong Hê-bơ-rơ 4:4,5 "Vì luận về ngày thứ bảy, có chép rằng: Ngày thứ bảy Ðức Chúa Trời nghỉ cả các công việc Ngài. Lại một chỗ khác có chép rằng: Chúng nó sẽ chẳng hề vào sự yên nghỉ ta." Ở đây cùng một chữ "nghỉ" Ðức Chúa Trời nói về sự nghỉ ngơi sau khi sáng tạo và Ngài nói về sự nghỉ ngơi chúng ta sẽ vào khi chúng ta được cứu. Vì vậy Ngài đặt sự nghỉ ngơi sau khi sáng tạo và sự nghỉ ngơi của sự cứu rỗi ngang nhau. Theo cách ấy, Ngài đặt sáu ngày sáng tạo và công việc mà Chúa Cứu Thế Giê-xu đã làm để cứu chúng ta song song nhau bởi vì chúng ta có thể bước vào sự yên nghỉ của Chúa Giê-xu duy nhất nhờ bước vào công việc mà Ngài đã làm. Ngài đã làm công việc cứu rỗi bằng cách lên thập tự giá. Chỉ khi nào công việc đó hoàn tất thì chúng ta mới được cứu. Cho nên chúng ta đọc trong Hê-bơ-rơ 4:10, "Vì ai vào sự yên nghỉ của Ðức Chúa Trời, thì nghỉ công việc mình, cũng như Ðức Chúa Trời đã nghỉ công việc của Ngài vậy." Khi chúng ta bước vào sự yên nghỉ mà Ðức Chúa Trời cung cấp được làm kiểu mẫu bởi sự nghỉ sau khi sáng tạo, thì chúng ta cũng nghỉ công lao của chính chúng ta để bước vào sự yên nghỉ của Ngài.
Chúng ta cũng thấy điều nầy rất đẹp trong sách Ru-tơ, Bô-ô bảo: "Hãy đưa ta áo tơi của nàng". Hãy giao lại công việc của chúng ta cho Chúa Cứu Thế, hãy ngừng công việc của chúng ta. Bô-ô nói, hãy để ta trút lên áo đó sáu lúa mạch và sẽ trở thành đồ mặc cho nàng. Nói cách khác, hãy để công việc ta làm trên thập tự giá là đồ mặc cho ngươi rồi thì ngươi sẽ thật sự bước vào sự yên nghỉ đời đời. Bạn có thể bắt đầu thấy được hình ảnh nầy không?
Bạn có nhớ khi Ðức Chúa Trời ban mười điều răn chép trong Xuất Ê-díp-tô ký, Ngài phán: "Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh". Trong Phục truyền Luật-lệ ký chương 5, Ðức Chúa Trời cho biết lý do phải giữ ngày Sa-bát Ngài phán trong câu 12, "Hãy giữ ngày nghỉ đặng làm nên thánh, y như Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi đã phán dặn ngươi. Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày; nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi: chớ làm một công việc nào hết, hoặc ngươi, con trai con gái, tôi trai tớ gái của ngươi, hoặc bò, lừa, hoặc một trong các súc vật của ngươi, hay là khách ở trong nhà ngươi, hầu cho tôi trai và tớ gái ngươi cũng được nghỉ như ngươi. Khá nhớ rằng ngươi đã làm tôi mọi nơi xứ Ê-díp-tô, và Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi dùng tay quyền năng giơ thẳng ra đem ngươi ra khỏi đó; bởi cớ ấy cho nên Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi có dặn biểu ngươi phải giữ ngày nghỉ."
Bạn thấy không? Ðức Chúa Trời cho biết lý do phải giữ ngày sa bát vì dân Y-sơ-ra-ên bị làm nô lệ tại xứ Ê-díp-tô và Ngài đã dắt họ ra khỏi đó bằng cánh tay quyền năng của Ngài, Ngài đã giải thoát họ khỏi sự làm nô lệ cho xứ Ê-díp-tô. Làm nô lệ cho xứ Ê-díp-tô và được cứu ra khỏi đó là hình bóng về nô lệ cho tội lỗi và được giải thoát bởi Chúa Cứu Thế Giê-xu. Vì vậy, Ðức Chúa Trời xem ngày sa bát ngang hàng với sự cứu rỗi của chúng ta. Chúa Giê-xu là hình bóng về ngày Sa-bát bởi vì trong Ngài chúng ta được tự do khỏi làm nô lệ tại Ê-díp-tô, nghĩa là nô lệ cho tội lỗi. Chúng ta được tự do phục sự Ðức Chúa Trời trong đồng vắng trên đường đến xứ Ca-na-an như dân Y-sơ-ra-ên đã làm. Nhưng trong Xuất Ê-díp-tô ký chương 20, khi Ðức Chúa Trời nói về giữ ngày sa bát thì Ngài đưa ra một lý do khác về việc giữ ngày sa bát, câu 11 "vì trong sáu ngày, Ðức Giê-hô-va đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ: vậy nên Ðức Giê-hô-va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh."
Xin nhớ, ngày sa bát là hình bóng về sự yên nghỉ mà Ðức Chúa Trời cung cấp qua Chúa Cứu Thế Giê-xu, và sáu ngày dựng nên trời đất vì thế cũng là hình ảnh về sự cứu chuộc mà Ðức Chúa Trời cung cấp qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Bạn có nhớ ngày thứ nhất Ðức Chúa Trời dựng nên sự gì không? "Ðức Chúa Trời phán rằng: Phải có sự sáng; thì có sự sáng." Và ai đã đến làm sự sáng của thế gian? Chúa Cứu Thế Giê-xu đã đến làm sự sáng của thế gian. Có một sự song song trực tiếp ở đây giữa sự sáng tạo nên trời đất và sự cứu chuộc mà Ðức Chúa Trời cung cấp qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ðây là điều mà chúng ta thấy trong Ru-tơ chương 3 khi Bô-ô bảo Ru-tơ: "Hãy đưa ta áo tơi của nàng", rồi ông trút vào sáu lúa mạch.
Về thuộc linh, Ðức Chúa Trời bảo chúng ta: Hãy giao cho ta đồ mặc bằng công lao của các ngươi, những việc đó không giúp ích gì cho ngươi trong việc nhận lấy sự sống đời đời. Hãy để ta đổ đầy nó bằng công việc của chính ta, rồi ngươi sẽ là người nhận được sự yên nghỉ thuộc về những người kinh nghiệm sáu ngày làm việc mà ta đã kinh nghiệm. Ðây là cách mà chúng ta đến với thập tự giá, chúng ta được chất đầy công việc của Chúa Cứu Thế Giê-xu. "... đoạn người trở vào thành." Thành mà chúng ta sẽ vào nhờ chiếc áo công bình của Chúa Cứu Thế, nhờ công việc của Ngài đã làm. Khi chúng ta được bao phủ bởi sự yên nghỉ của Ngài, chúng ta bước vào sự yên nghỉ của sự cứu rỗi và sẽ không bao giờ cố gắng làm việc để trở nên hòa thuận lại cùng Ðức Chúa Trời, để lập công với Ngài. Chúng ta vào trong thành của Ðức Chúa Trời, thành của Ðức Chúa Trời thật ra là chính Ngài, chúng ta bước vào trong Ngài. Ngài là nơi cư trú đời đời của chúng ta. Ðó là hình ảnh đẹp mà chúng ta thấy ở đây.
Tiếp tục học câu 16, chúng ta đọc "Ru-tơ trở về nhà bà gia mình; người hỏi: Có phải con gái ta chăng?" Khi Bô-ô khám phá ra Ru-tơ vào lúc nửa đêm ông đã hỏi: Ngươi là ai? Ông đã không biết nàng là ai vì lúc đó ban đêm, ông cũng không nghĩ ra được ai là người đang nằm dưới chân ông. Nhưng chúng ta đã thấy theo nghĩa thuộc linh ám chỉ tại thập tự giá Ðức Chúa Trời hỏi tại sao chúng ta đến với thập tự giá? Chúng ta đến đó với công việc của chính chúng ta, chúng ta đến đó mong rằng Ðức Chúa Trời sẽ nhận ra chúng ta bởi vì những gì chúng ta đã làm hay là với một sự hạ mình van xin sự cứu rỗi bằng hai bàn tay trắng? Chúng ta có đang đến với Chúa bằng lòng đau thương thống hối không?
Bây giờ chúng ta thấy Na-ô-mi hỏi cùng một câu hỏi: Ngươi là ai, có phải con gái ta chăng? Theo bối cảnh lịch sử thì không có lý, nhưng theo nghĩa khác thì cũng có lý. Hiển nhiên bà biết rằng đó là Ru-tơ, họ đã sống với nhau nhiều năm. Bà biết Ru-tơ một cách tận tường, bà là người sai Ru-tơ đi để hỏi Bô-ô làm chồng nàng. Bà hoàn toàn nhận thấy được tất cả những chuyển biến, vì vậy khi Ru-tơ trở về nhà lúc sáng sớm nơi Na-ô-mi và Ru-tơ sống, Na-ô-mi không cần phải hỏi: Ngươi là ai? Bà biết đó là Ru-tơ, nhưng theo ý nghĩa khác có một sự khéo léo về việc nầy. Bà thật ra hỏi rằng: Con vẫn còn là Ru-tơ người Mô-áp, người đàn góa không có tương lai hay con đã thành công trong việc yêu cầu cuộc hôn nhân? Con sẽ trở thành bà Bô-ô không? Vì vậy chúng ta thấy rằng bà thật ra hỏi: Con có thành công trong việc nhận được sự cứu giúp từ Bô-ô không? Tương lai con sẽ ra thế nào? Chúng ta chỉ đoán vậy thôi, chúng ta không thật sự biết tại sao bà nói như vậy.
Nhưng chúng ta biết Ðức Thánh Linh của Ðức Chúa Trời một lần nữa khiến bà nói những chữ nầy và ghi lại cho chúng ta để chúng suy gẫm ý nghĩa thuộc linh mà Chúa muốn nói ở đây. Câu nói nầy liên quan đến mối liên hệ giữa con người với Chúa Cứu Thế. Bạn biết, có hai loại người trên thế gian. Những người được cứu và những người không được cứu. Người được cứu thuộc về vương quốc của Chúa Cứu Thế, họ có tên và một chỗ ở với Ngài. Người không được cứu là tôi mọi cho Sa-tan, số phận của họ sẽ ở trong địa ngục và không ai còn nhớ đến họ nữa.
Sau khi chúng ta cúi xuống tại thập tự giá, chúng ta bắt đầu tìm kiếm Chúa Cứu Thế. Có câu hỏi cho chúng ta: Ngươi là ai? Từ thời điểm đó ngươi là ai? Ngươi vẫn còn là tôi mọi cho Sa-tan không hay ngươi đã trở thành con cái của Ðức Chúa Trời? Tôi tin rằng đó là điều ám chỉ trong câu nói ở đây. Mỗi người trong chúng ta có thể tự hỏi câu nầy. Chúng ta là ai? Có phải chúng ta giống như những người khác trên thế gian không ngừng đau khổ, hy vọng rằng một ngày nào khác, ở đâu đó, sẽ có một kế hoạch mà chúng ta không thật sự biết và mọi sự sẽ được tỏ ra lúc cuối cùng. Hay là, chúng ta có thể biết được: Tôi là con cái của Ðức Chúa Trời, tên của tôi đã được biên vào đó, tôi đã được chọn bởi Chúa Cứu Thế từ trước khi sáng thế, tôi biết tôi đã được sanh lại, tôi biết tôi được an toàn đời đời.
Ngươi là ai? Bạn là ai khi bạn đọc bài học nầy? Bạn có biết được Chúa Giê-xu là Cứu Chúa của bạn không? Ðó là một câu hỏi quan trọng, trừ khi chúng ta có thể trả lời câu hỏi nầy một cách khẳng định, quả quyết: Vâng! tôi biết Chúa Cứu Thế là Cứu Chúa của tôi bởi vì tôi đã thật sự hạ mình trước mặt Ngài, tôi đã giao thác trọn đời tôi cho Ngài. Tôi biết rằng tội lỗi của tôi đã được tha. Tôi yêu mến Ðức Chúa Trời bằng hết cả tấm lòng của tôi, bởi vì Ngài đã cứu tôi. Trừ khi chúng ta có thể trả lời như vậy, chúng ta vẫn còn là nô lệ của Sa-tan và bị dành sẵn cho địa ngục. Cầu xin Ðức Chúa Trời ban ân điển của Ngài trên bạn.
*Nguyên văn "Hãy đưa ta áo tơi của nàng".

1 nhận xét:

  1. Hãy sống thật tốt với mình, với mọi người bạn sẽ nhận được cái kết có hậu

    Trả lờiXóa