Phong cách và cấu trúc của bài phê bình phim
Poster phim Traffic
Có lẽ điều hấp dẫn nhất và mối nguy hiểm phổ biến nhất trong việc viết phê bình phim là phải tiếp cận tài liệu của bạn như thể bạn đang “ở trong bộ phim vậy”.
Miêu tả và phân tích những gì bạn nhìn thấy như thể nó chỉ là đề tài
của một cuộc nói chuyện ngẫu hứng hoặc một “sự đoán già đoán non” cho
bạn bè hay những người trong lớp thì rốt cuộc, bạn sẽ không có được một
bài phê bình hiệu quả và tinh tế. Bài viết hay về bất kỳ chủ đề nào được
nâng cao bởi một phong cách thư thái, nhưng sự hấp dẫn của tính gần
gũi, lập tức của bộ phim không nên làm bạn sao nhãng sự chú ý cũng như sự chuẩn bị mà một bài luận về phim ảnh
cần đến. Những chỉ dẫn dưới đây đưa ra nhiều bước cơ bản để có một bài
phê bình hay. Nếu chúng rõ ràng, hãy để chúng đưa đường dẫn lối cho bạn.
Trong bộ phim Day For Night (1973),
đạo diễn Francois Truffaut đưa ra lời bình luận về khoảng cách không
thể tránh khỏi của một ý đồ rất tuyệt và một việc thực thi những điều
cần thiết của một dự án. Phê bình phim cũng
tương tự như vậy. Trong cả hai việc trên, cách diễn đạt cuối cùng của
chúng ta liên quan đến vấn đề chỉnh sửa và làm việc, như Truffaut đã nêu
lên trong phim của
ông, rằng có thể thay đổi và thậm chí phát triển thêm ý tưởng ban đầu.
Vượt lên tất cả, điều này có nghĩa là những công cụ để thực thi những ý
tưởng đó – trong trường hợp này, những nguyên tắc để có được bài viết có
hiệu quả - phải được đầu tư công sức tương tự như việc nhà phê bình
nhào nặn ra ý tưởng cho nó vậy. Chúng ta đã xem hầu hết các phim được
làm nên trên cơ sở một ý tưởng tuyệt vời, tuy nhiên chúng không hấp dẫn
vì lý do kỹ thuật nghèo nàn. Nhà phê bình nên thận trọng với sai lầm
tương tự.Khi một khán giả xem và chê bai một bộ phim, họ sử dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau và với ngôn từ phê bình đã đề cập ở chương trước, bài viết thật sự dễ hơn nhiều. Nên trút gánh những mối lo lắng thông thường về việc tìm ra ý tưởng hay lập luận nếu bạn làm theo những bước sau một cách có phương pháp.
Nếu bạn có được những ghi chú hay thì bạn đã đi một đoạn đường dài trong chặng đường “trước khi viết”. Yếu tố quan trọng nhất tiếp theo của bài luận là một chủ đề cụ thể, rõ ràng – một luận đề - nó cho phép bạn thâm nhập một hay nhiều bộ phim từ một góc độ khả thi. Trọng tâm rõ ràng này còn cho phép bạn làm một bản phân tích thấu đáo trong giới hạn số trang nhất định, song song với việc cho phép bạn mở rộng chủ đề để thu hút người đọc. Cho dù người giáo viên giao cho bạn một chủ đề chung chung thì thông thường, bạn phải giới hạn lại để nó cụ thể và mang tính cá nhân hơn. Bàn về nạn phân biệt chủng tộc trong bộ phim The Birth of a Nation của D.W.Griffith có thể xem là một đề tài quá rộng lớn trong phạm vi mười trang giấy. Ngược lại, một bài luận tập trung vào một chi tiết quá nhỏ, chẳng hạn như các đồ đạc được dùng trong một cảnh của phim đó có thể xem là quá nhỏ nhặt, không đáng kể cho một bài luận dài trừ phi nó được xử lý một cách khéo léo và được mở rộng qua quá trình nghiên cứu.
Như chúng tôi đã nêu, phạm vi và trọng tâm của bài luận sẽ phụ thuộc vào khán giả mà bạn tiên liệu cho bài viết của mình. Một khán giả có hiểu biết sẽ không bao giờ hứng thú với cốt chuyện quen thuộc hoặc những thông tin đại loại như “Griffith là một nhà làm phim người Mỹ”. Nhà phê bình quyết định đối tượng khán giả của mình càng sớm thì họ sẽ định hình giới hạn cho bài viết của mình càng nhanh. Đây là một bước then chốt trong cách viết phê bình phim bởi vì những giới hạn đó sẽ dẫn đường cho phần nhiều những gì bạn nói ra hay xem được, đặc biệt là trong suốt lần xem thứ hai.
Một nhiệm vụ cơ bản khác nữa trong chặng đầu tiên của việc
viết phê bình là phác thảo những nét chính chủ đề của bạn. Nhiều nhà phê
bình tài năng khi không dùng đến bản phác thảo vì thấy rằng nó quá bó
hẹp. Số nhà phê bình khác thì lại thấy rằng việc vạch ra những cái cơ
bản là thực sự cần thiết, đặc biệt là do bản chất lướt qua nhanh của bộ phim.
Trong điều kiện tốt nhất, một nhà phê bình lập ra một bản đề cương
trong khi sắp xếp các ghi chú theo một quan điểm rõ ràng, mạch lạc về bộ phim.
Bản đề cương có thể ở bất kỳ dạng nào, theo thứ tự từ những gì quan sát
và suy nghĩ được đến hàng loạt các điểm chính rồi đến các mảnh giấy lập
luận được đánh số và phân chia mục hẳn hoi, có tiêu đề lớn và tiêu đề
nhỏ. Những bản đề cương rất hữu ích cho tính logic của sự lập luận. Một ý
nghĩ rõ ràng không nằm trong bản đề cương sẽ giá trị vô cùng khi bạn
xem bộ phim lần
thứ hai hay thứ ba. Nó sẽ thành một ống kính giúp bạn chụp nhanh những
chi tiết có ý nghĩa mà bạn bỏ sót trong lần xem thứ nhất. Dưới đây,
trong một bản đề cương sơ lược của một học sinh cho bài luận một trang
về bộ phim Life is Beautiful
(1997) của đạo diễn Roberto Benigni, người viết dùng những câu có cấu
trúc trọn vẹn để đảm bảo rằng những ý tưởng hoàn chỉnh sẽ định rõ những
phần chính của luận đề. (Hình 22):
Life is Beautiful là Phim hài, kinh dị
I. Điều gây sốc và nổi bật nhất trong phim Life Is Beautiful là nó sử dụng ngôn ngữ hài để mô tả sự ghê người của nạn tàn sát người Do Thái vào thời Hitler.II. Thông thường, những bộ phim về nạn tàn sát người Do Thái thì hết sức đáng sợ:
a. Đây là một sự kiện lịch sử đã từng và vẫn còn là điều không thể hiểu nổi.
b. Hai ví dụ: bộ phim Night and Fog và Schindler’s List
III. Life is Beautiful không tránh khỏi việc trình chiếu những hình ảnh đau thương và khó có thể tin được của nạn phát xít và cuộc tàn sát người Do Thái:
a. Sự hung bạo của những người dân thường
b. Sự mất nhân tính ở những trại tập trung
c. Những cảnh chết chóc
IV. Sự cứu rỗi tạm thời từ những cảnh ghê rợn này trở thành tiếng nói và tài hóm hỉnh của người cha.
a. Tiếng nói như sự lãng mạn
b. Tiếng nói như bản dịch hài hước
c. Tiếng nói của cậu con trai như lời thuyết minh của bộ phim.
V. Kết luận: Mặc dù không bao giờ có hoặc có thể từng có cái gì đó vui vẻ về những chiếc trại chết người trong thời Chiến tranh thế giới thứ Hai, bộ phim Life is Beautiful mô tả sự phòng thủ của con người qua giọng điệu hài hước của người cha đối với cậu con trai.
Hình 22. Viết một bài phê bình về bộ phim phức tạp như phim Life Is Beautiful (1997) sẽ luôn bắt nguồn từ một kế hoạch và trọng tâm mà đã vạch ra cụ thể tính logic của bài luận.
Khi đã viết, bài viết phải tách khỏi bản đề cương này và chắc chắn
trở nên rõ ràng và chi tiết hơn. Tuy nhiên, một bản đề cương của bất kỳ
thể loại nào đều có thể là nền tảng mà dựa trên cơ sở đó, bạn có thể xây
dựng nên những ý tưởng phức tạp hơn.
Cảnh trong phim Personal
Một bài viết thật sự theo dạng bài luận đòi hỏi những nguyên tắc chỉ đạo cơ bản và quan trọng để nhắc nhở và gợi lại thường xuyên. Bởi vì một bài phê bình phim có nghĩa là sáng tạo lại bộ phim và một viễn cảnh thông qua ngôn ngữ, cách dùng từ ngữ chính xác và thận trọng là hết sức quan trọng. Tính cụ thể là yếu tố trọng tâm của một vài bài phê bình phim vì phần lớn độc giả phụ thuộc rất nhiều vào sự hình dung, mường tượng nên cảnh phim. Hơn nữa, tính chính xác mà nhà phê bình mô tả cho những gì cô ta/anh ta nhìn thấy thường là cách thuyết phục nhất để đưa ra một luận điểm. Sau khi xem cảnh biểu tình trong phim Fata Morgana (1970) của đạo diễn Werner Herzog, một nhà phê bình thiếu kinh nghiệm có thể viết như sau: “Hàng loạt phát đạn từ đâu bay đến, kèm theo những tiếng chửi rủa om sòm và nhiều tên điên khùng”. Một nhà phê bình có kinh nghiệm, như tác giả của đoạn văn dưới đây, thì phả một sức sống mới vào những hình ảnh với cách diễn đạt sôi nổi và cụ thể để bình luận những điều đó:
Trường đoạn hùng hậu nhất có thể là một ẩn dụ sâu sắc của địa ngục trên trần gian: một tay trống bị tâm thần và một người đàn bà chơi đàn piano xác xơ trên cái sân khấu bé xíu trong một nhà thổ biểu diễn khúc nhạc mà họ đã chơi không biết bao nhiêu lần một cách vô cảm, liên tu và lạc điệu. “Trong thời kỳ Hoàng kim, đàn ông sống hòa thuận cùng người vợ sống”, người bình luận cho hay, vì họ được chụp hình chụm đầu vào nhau, với tất cả sự ác nghiệt của nhà làm phim nhân văn – người phải trình bày mọi thứ. Ở đoạn kết thúc của cảnh trên, họ vẫn bất động. Không hề có tiếng vỗ tay hoan nghênh. (Vogel 76).
Ý nghĩa biểu hiện và nghĩa bao quát
Ý nghĩa biểu hiện và nghĩa bao quát là những công cụ tu từ được nhà phê bình sử dụng có thể hiệu quả hay không hiệu quả. Ý nghĩa biểu hiện là nghĩa theo từ điển của một từ; vì thế film và movie (phim ảnh nói chung) có cùng chung một nghĩa biểu hiện. Nếu như bạn nói sequence (trường đoạn) thì không nói shot; nếu bạn muốn nói Phong cách Hollywood thì đừng cảm thấy hài lòng với phong cách cổ điển vì cụm từ thứ hai diễn tả một thể loại đặc biệt của nền điện ảnh Hollywood hoặc của Châu Âu. Hãy nhớ rằng: hãy nói những gì bạn muốn nói và tránh dùng những từ ít mang giá trị biểu hiện như sự vật (thing) hay khía cạnh (aspect).
Nghĩa bao quát là bất cứ sự liên tưởng hay hàm ý của một từ mà bạn nhìn thấy. Đối với nhiều người, từ Film mang nhiều ý nghĩa bao quát phức tạp và có tính trí tuệ, còn movie thì có ý nghĩa bao quát gắn liền với sự giải trí cho đám đông quần chúng. Cả hai từ Hollywood và Cổ điển (classical) đều mang nhiều ý nghĩa bao quát (chẳng hạn như thương mại hoặc sự thiết lập) mà nhà phê bình nên nhận thức khi nào thì dùng chúng. Mack Sennett, người sáng lập ra hội Keystone Cops, đã dè dặt với ngôn ngữ phê bình không thích hợp khi ông nói rằng: “có một điều kỳ diệu và tuyệt vời” trong những bộ phim của ông mà “không có một thứ ngữ pháp cao siêu nào có thể giải thích nổi” .
Giọng điệu – Lối diễn đạt
Giọng điệu của một bài luận có thể khác nhau rõ rệt, từ giọng châm biếm trào phúng của một số độc giả đến vẻ giáo huấn, lên mặt dạy đời của những nhà lý thuyết phim ảnh. Giọng điệu là tất cả những hiệu quả của từ vựng bạn đã dùng cũng như cách bạn sử dụng chúng, và mỗi một bài luận đều có một giọng điệu riêng hay nói cách khác là “tiếng nói của người viết”. Hãy thận trọng với giọng điệu mà bạn sử dụng trong bài viết của mình; có một vài lối diễn đạt - giọng điệu không phù hợp lắm so với những cách khác. Châm biếm, hài hước và giận dữ là những cách kém hiệu quả nhất để trình bày một chủ đề có tính hứa hẹn và thuyết phục. Một bài viết mở đầu “Cái gọi là tác phẩm điện ảnh này sẽ không bao giờ lôi cuốn một khán giả thông thường nào” cho thấy ngay rằng nhà phê bình như một người quá định kiến, không thể nào đưa ra một lời nhận xét cân bằng được. Cũng đề cập về vấn đề đó nhưng với một giọng điệu hài hòa hơn thì sẽ là: “Vấn đề với phim nghệ thuật là ở chỗ nó xa lạ với đám đông khán giả - những người quen thuộc với câu chuyện phim đơn giản, dễ hiểu hơn”. Nhà phê bình cần phải nhận thấy một sự thỏa hiệp đúng mức giữa hai giọng điệu thông thường với nghiêm trang. Bản chất của sự thỏa hiệp đó sẽ phụ thuộc vào chính bạn cũng như chủ đề cụ thể trong bài viết của bạn. Không nên dùng nhiều từ lóng hay những từ khoác lát mà bản thân bạn ít sử dụng. Một nhà phê bình ý thức được lối diễn đạt sẽ giữ được giọng điệu nhất quán xuyên suốt cả bài viết mà không thay đổi từ câu này sang câu khác hay từ đoạn này sang đoạn khác.
Cuối cùng, hãy cẩn thận với những dấu ngoặc kép để có được lối diễn
đạt gián tiếp hay giọng điệu khéo léo hoặc là giọng châm biếm. Nếu bạn
muốn diễn đạt một nhân vật có cách cư xử như là mẫu đàn ông nổi trội và
nghiêm khắc thì không nên hài lòng với cách viết đơn giản kiểu anh ta
là “một gã ‘thực sự tự do phóng túng’”. Dấu ngoặc kép trong trường hợp
này không giải thích được điều gì cả. Chúng thường khiến cho những câu
văn của bạn không rõ ràng, mạch lạc mà thôi.
Poster phim Personal
Một khó khăn thông thường trong cách dùng từ là phải giữ cho cách chọn từ mới mẻ và đa dạng. Những nhà phê bình có kinh nghiệm dựa vào tính lặp lại của những từ ngữ chính yếu để phục vụ cho ý đồ nhấn mạnh và tiếp tục của mình. Tuy nhiên sự lặp lại do lười biếng hay thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến bài văn nhạt nhẽo, chán ngắt, dài dòng: nhiều lần nhắc đến từ “đạo diễn” trong một đoạn văn ngắn có thể làm bực mình. Bạn có thể dễ dàng khắc phục lỗi lặp từ đó bằng cách thay thế một danh từ riêng (Romero) hay một mạo từ (ông ấy). Khi bạn cảm thấy mình bị mắc kẹt trong một đống những từ lặp không cần thiết, hãy thay đổi những đoạn miêu tả và cụm từ của bạn. Đừng bắt buộc phải thay đổi bằng cách sử dụng những từ mà không hợp với phong cách của bạn.
Xu hướng phụ thuộc vào những từ sáo rỗng, rập khuôn cũng là phiên bản của cùng một vấn đề trên: sự thay thế vội vàng và cách dùng ngôn từ thiếu cân nhắc của để diễn đạt một cách rõ ràng. Những đoạn lặp lại và những lời châm biếm chua cay mà chúng ta thường thấy ở các bài điểm phim là một dạng cụ thể cho cách dùng những câu sáo rỗng. Chúng chỉ ra những cụm từ nhưbom tấn hoặc một bộ phim mà mọi người nên xem vô nghĩa như thế nào.
Ở đoạn văn dưới đây, Robin Wood sử dụng nhiều cụm từ mà tất cả chúng ta đã từng nghe trước đây (vẫn còn nhiều nghi vấn hoặc thật là tiếc rằng), và ông ta trình bày quan điểm của mình chỉ bằng việc lặp lại của các từ như sinh lực, buồn cười - lố bịch, nghệ sĩ hay tính bạo lực. Tuy nhiên, ở đây, Wood đã cho thấy những cụm từ thông dụng có thể đóng góp như thế nào cho một giọng điệu thư thái và sự lặp lại của từ ngữ đôi khi cũng dẫn đến sự khác biệt rõ ràng hơn như thế nào trong ý tưởng:
Giá trị của tác phẩm của Sam Peck vẫn còn nhiều nghi vấn; không có xúc cảm mãnh liệt. Và nghệ thuật diễn tả sinh lực và niềm đam mê như gắn kết sự thôi thúc cá nhân ít nhất cũng đòi hỏi sự chú ý với thái độ tôn trọng. Bộ phim The Wild Bunch (1969) và Straw Dogs (1971), cho dù mọi người có đánh giá thế nào thì chúng vẫn có một sự liên kết giữa tính bộc trực, ngay thẳng và một sức mạnh mà khiến người nghệ sĩ không sợ trở nên lố bịch; những ai tự cho là đã phát hiện ra chúng chẳng có gì hơn vẻ buồn cười thì có lẽ họ đã hạ thấp chính bản thân họ từ tính tàn bạo và lan truyền của hai bộ phim. Trong khi đó, ai đưa ra lời phê bình ở đoạn mở đầu rằng thật là tiếc là theo quan điểm của công chúng và hầu hết các nhà phê bình thì những bộ phim cao quý và được cho là hay nhất của Peckinpal…đã bị cảnh tượng và tính bạo lực nổi loạn của những tác phẩm có tiếng xấu làm cho lu mờ - một sự bạo lực mà rõ ràng là yếu tố nổi cộm trong cá tính nghệ sĩ của ông nhưng không phải là toàn bộ câu chuyện. (771 – 772).
Tính tiết kiệm
Một nhà phê bình nên nhắm vào hai mục đích nghệ thuật chủ yếu sau: phải tiết kiệm và hấp dẫn. Tiết kiệm có nghĩa là diễn đạt một cách chính xác những gì bạn cần nói và cắt bỏ những từ ngữ hay câu văn nào không thêm thông tin nào hay không phục vụ cho mục đích nghệ thuật.
Nhiều nhà phê bình bị mắc kẹt trong đống chữ nghĩa và không tài nào sắp thành những câu để diễn tả một ý tưởng trọn vẹn. Khi gặp phải điều này, hãy quay lại với một bản đề cương và nói ra những ý tưởng của bạn theo những hình ảnh và cảnh phim cụ thể sẽ giúp bạn bắt đầu được nhiều câu trôi chảy. Tuy nhiên, vấn đề ngược lại là một nỗi phiền toái không thua kém gì so với lỗi trên: nghĩa là đôi khi nhà phê bình phun ra hàng đống câu chữ theo một lối lộn xộn, lung tung lại không nắm bắt được ngữ nghĩa của những câu mà họ viết ra. Con mắt của nhà phê bình hãy chú ý rằng câu văn dưới đây dài dòng một cách không cần thiết:
Có nhiều cảnh khó khăn và đòi hỏi nhiều trong bộ phim Swept Away (1975) của LinaWertmuller – những cảnh khiến cho bộ phim như một bản nhạc opera.
Cắt bỏ và làm cho nó gọn gàng hơn, nhà phê bình nên sửa câu trên lại như sau:
Swept Away (1975) của Lina Wertmuller là một bộ phim đòi hỏi nhiều và giàu nhạc tính opera.
Thường thường, bạn có thể loại bỏ bớt lỗi dài dòng như thế này bằng cách để ý những chỗ thừa từ, cấu trúc câu dài dòng (ví dụ như “có”) những cách sử dụng chính xác dạng bị động (Dùng “Blake Edward, đạo diễn phim Pink Panther (1964)” thay vì dùng “Bộ phim Pink Panther (1964) được đạo diễn bởi Blake Edward”), hoặc là những từ ngữ mà có thể được lược bỏ nhưng không ảnh hưởng gì đến sắc thái của câu. Xem lại đoạn văn dưới đây, nhà phê bình sẽ nhận thấy sự dài dòng hết mức của nó:
Mặc dù đóng vai trò chủ yếu và hết sức quan trọng trong cách mà bộ phim diễn đạt, một trong những cái bị bỏ sót của bài nghiên cứu trong sự uyên thâm về phim ảnh là chứng minh xem nhiều sự đa dạng và khác nhau đáng kể trong cách thức sử dụng hội thoại như thế nào và cách mà chức năng của nó thay đổi nhanh chóng như thế nào qua lịch sử và từ đạo diễn này sang đạo diễn khác.
Không thiếu sót thông tin nhưng đoạn văn dưới đây sẽ hay hơn, cô đọng hơn:
Mặc dù lời thoại của phim đóng vai trò chủ chốt nhưng hầu hết các nhà nghiên cứu đã bỏ lỡ sự tiến triển cũng như cách sử dụng đa dạng của nhiều đạo diễn khác nhau.
Những cấu trúc đa dạng
Một phong cách hấp dẫn đòi hỏi không chỉ là viết về một đề tài hấp dẫn. Nó còn đòi hỏi cách diễn đạt đề tài qua từng câu văn mà có thể hài hòa và nhấn mạnh một cách tốt nhất vốn vật liệu của bạn, bởi vì giữ được sự thích thú của độc giả - luôn là một mục tiêu của bất cứ nhà phê bình nào – đòi hỏi những câu văn mà bạn trình bày sự phân tích của mình ở dạng hiệu quả nhất. Một vài tác giả “vụt lên từ một thế bất lợi”, trình bày một cách tự nhiên và huyên thuyên những ý tưởng của mình trong một đoạn văn sống động. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta bị tắt ở những chỗ lún về mặt phong cách – một chỗ tắt mà hầu hết các bài viết thông thường của sinh viên là sử dụng không đa dạng những câu tường thuật đơn giản. Để tránh khỏi những vết lún này, chúng ta phải dùng đến vài chiến lược trong phong cách viết để biến những câu văn của chúng ta linh hoạt và rõ ràng, dứt khoát hơn.
Cách nói song song gợi nên sự chú ý về mối liên hệ hoặc sự cân bằng giữa hai hoặc nhiều sự việc hay ý tưởng:
Hollywood movies have 3 purposes: to entertain, to make money, and to advertise a way of life. (Do not write: “to entertain, to make money, and advertising a way of life”).
Những cách nối câu sẽ kết hợp hai câu có liên quan với nhau bằng một liên từ (và, nhưng, hoặc là…), như vậy sẽ có được một câu ghép và nét đa dạng về nhịp điệu trong cấu trúc câu văn:
Những bộ phim của Hollywood được làm ra chủ ý là để giải trí, kiếm lời và sâu xa hơn là chúng nhằm để quảng cáo cho một lối sống.
Sự nối câu theo cấp bậc chính phụ sẽ kết hợp hai hoặc nhiều câu thành một câu phức mà có thể sắp lại những ý tưởng đó để giảm bớt cái này và nhấn mạnh cái kia:
Mặc dù những bộ phim của Hollywood nhằm để giải trí và quảng cáo cho một lối sống nhưng chức năng chủ yếu của chúng là để kiếm tiền.
Trong đoạn văn dưới đây, nhà phê bình đã bị mắc kẹt trong đống cấu trúc câu và bài viết thì vụn nát và chán ngắt:
Ingmar Bergman nguyên là nhà làm phim người Thụy Điển. Ông tham gia vào phim ảnh và ca kịch kể từ năm 1944. Bộ phim nổi tiếng nhất của ông có lẽ là phim The Seventh Seal (1956) và bộ phim này bộc lộ được những mối quan tâm tiêu biểu của Bergman với một nỗi lo lắng mang tính xã hội và thần học. Bộ phim phức tạp về hình ảnh nhất của ông là phim Persona (1966) và nó kiểm chứng tình trạng lo lắng đó vì nó đặc biệt liên quan đến những hình ảnh, những tính cách và nghệ thuật phim ảnh.
Sửa những câu này lại, nhà phê bình sẽ truyền đạt nội dung đó một cách hiệu quả và chắt lọc hơn thông qua những cấu trúc câu song song, sự nối ghép bằng những liên từ và nối theo quan hệ chính-phụ:
Tham gia vào phim ảnh và kịch kể từ năm 1944, Ingman Bergman nguyên là nhà làm phim Thụy Điển. Mặc dù bộ phim The Seventh Seal (1956) là bộ phim nổi tiếng nhất của ông nhưng bộ phim phức tạp về hình ảnh nhất lại là phim Persona; trong khi đó bộ phim thứ nhất khắc họa những mối quan tâm tiêu biểu của Bergman với nỗi lo lắng mang tính xã hội và thần học, bộ phim thứ hai kiểm tra lại mối lo lắng ấy vì nó liên quan đến hình ảnh, tính cách và nghệ thuật phim ảnh.
Trong khi sửa đổi để những câu trên hiểu quả hơn, nhà phê bình còn khiến chúng rõ ràng, rành mạch hơn: trong câu thứ nhất, đó là bằng cách ghép câu theo thứ bậc chính-phụ thông tin ít quan trọng về quá khứ của Bergman, câu thứ hai, đó là bằng cách tạo ra những mệnh đề song song mà có thể so sánh được hai bộ phim và cách không đề cao phim The Seventh Seal. Có thể cấu trúc lại những câu trong bài viết trước theo nhiều cách khác nhau. Cấu trúc của chúng được định ra không chỉ vì tính hiệu quả mà còn theo ý đồ mà người viết muốn nhấn mạnh đến.
Khi bạn viết dựa trên những ghi chú và những suy nghĩ, tốt nhất là đừng nên dồn công sức tìm kiếm những từ chính xác hoặc những cụm từ phù hợp nhất. Ở giai đoạn này mục tiêu của bạn là viết lên giấy những ý tưởng của mình một cách nhanh nhất và hoàn chỉnh nhất ở mức có thế. Thời gian chỉnh sửa và thêm thắt câu cú là khi bạn chỉnh sửa bản nháp, khi bạn nhận thức rõ hơn cách nào có thể nâng cao hiệu quả bài viết của mình.
Đoạn văn mạch lạc
Trong một bộ phim, nhiều yếu tố tạo ra sự dàn cảnh (diễn viên, đạo cụ…) trở thành một bộ phận của một cảnh quay; nhiều cảnh quay tạo nên cảnh phim và sau đó là một trường đoạn; nhiều trường đoạn tạo nên lối tự sự. Cách phát triển một bài luận có thể được xây dựng theo trình tự như trên. Bài viết có thể không cụ thể như biểu đồ, tuy nhiên, việc dùng từ ngữ chính xác và phong phú sẽ tạo nên những câu văn sinh động, những câu văn có cấu trúc chặt chẽ sẽ tạo nên những đoạn văn mạch lạc và thống nhất.
Không có một độ dài tiêu chuẩn cho một đoạn văn hay mà cũng không có một số lượng đoạn văn nhất định trên một trang giấy. Một bài viết độ 500 từ thì thường khoảng 4 đến 5 đoạn, và một đoạn triển khai thường có ít nhất 4 hoặc 5 câu. Tuy nhiên, số lượng đoạn văn và độ dài tương ứng của chúng còn phụ thuộc vào những ý tưởng của bài lập luận. Theo nguyên tắc, số lượng đoạn văn trong một bài viết sẽ tuân theo một đề cương chi tiết và đầy đủ. Nếu bạn chỉ có hai hoặc ba đoạn hoặc chỉ là những đoạn rất ngắn, bài luận của bạn cũng có thể thiếu những ý tưởng hay hoặc những ý tưởng đó chưa được khai thác trọn vẹn hoặc chưa triển khai một cách chính xác. (Mặc dù bài viết báo chí, như bài điểm báo vẫn thường dựa trên những đoạn văn rất ngắn nhưng đây không phải là kiểu phân đoạn thích hợp cho một bài viết phê bình).
Cho dù đoạn văn chỉ có vài dòng hay mươi mười câu thì nó phải có một ý tưởng mà có thể liên kết các câu văn lại với nhau một cách rõ ràng. Ý tưởng thống nhất này nên được trình bày ngay ở trong câu chủ đề của mỗi đoạn văn, tức là câu có thể vạch ra ý niệm chung cho cả đoạn. Khi đặt câu này ở đầu đoạn, bạn sẽ giúp cho người đọc theo được mạch của đoạn văn. Đôi khi, câu chủ đề của bạn lại là câu thứ hai. Rất ít khi không cần đến câu chủ đề và trong hầu hết mọi trường hợp, bạn không nên đặt tóm tắt phim ở vị trí của câu chủ đề, câu tóm tắt phim đơn giản là câu chỉ kể lại một phần nào đó của chuyện phim. Thông thường, một câu chủ đề định nội dung của đoạn văn và thông báo ý chính của đoạn văn cho dù ý đó được phát triển qua hai hoặc ba ý có liên quan. Chú ý trong đoạn văn dưới đây, ý chính (“phong thái ung dung của người anh hùng miền Tây”) được xác định rõ ngay trong câu đầu tiên. Cũng nên để ý thêm cách mà tác giả tạo ra một cách chuyển tiếp trôi chảy (từ đoạn trước về phim găngxtơ) thông qua cách đặt đúng chỗ cụm từ “ngược lại”:
Ngược lại, anh hùng miền Tây là nhân vật có phong thái ung dung. Anh ta giống với găngxtơ ở điểm cô độc và u sầu. Tuy nhiên, sự sầu muộn của anh chàng miền Tây là do sự nhận thức “đơn giản” rằng cuộc đời thì không thể nào tránh khỏi nghiêm trọng chứ không phải do sự bất thường trong tính khí của anh ta. Ngoài ra, sự cô độc của anh ta là có hệ thống, chứ không phải do tình huống áp đặt vào, tuy nhiên nó thuộc về anh ta một cách sâu sắc và biểu lộ vẻ hoàn hảo của anh ta. Một gã găngxtơ phải chống đối hay lôi kéo những người khác một cách bạo lực. Theo đó, những người miền Tây không bị ép buộc đi tìm kiếm tình yêu; có lẽ, họ được chuẩn bị để đón nhận nó, tuy nhiên, anh ta không đòi hỏi qua mức cho phép của tình yêu và chúng ta thấy rằng anh ta luôn ở trong những tình huống mà tình yêu ở trạng thái trớ trêu nhất. Nếu có một người phụ nữ mà anh ta yêu thương, cô ta thường không hiểu được động cơ của anh ta; và anh ta nhận ra rằng không thể nào giải thích cho cô ta là không có ích gì khi “chống lại” những điều này: chúng thuộc về thế giới của anh ta. (Warshow 137).
Ở đây, những nét tính cách của người anh hùng miền Tây được miêu tả một cách riêng biệt: viễn cảnh cuộc đời anh ta, cội nguồn của nỗi cô độc, suy nghĩ của anh ta đối với tình yêu và bạo lực. Tuy nhiên, mỗi đặc tính có thể liên quan và phụ thuộc vào câu chủ đề về “phong thái ung dung” của anh ta. Giống như hầu hết các đoạn văn hay khác, đoạn này cho thấy một sự mở đầu tổng quát và rõ ràng, sau đó phát triển từ các điểm cụ thể đến một kết luận sâu sắc và mạnh mẽ.
Ví dụ tiếp theo về việcp hân đoạn sẽ có một cấu trúc phức tạp hơn. Chú ý cách sử dụng thành công của những cụm từ chuyển tiếp (“Xét một cách khái quát hơn”, “song”, “tuy nhiên”, vân vân) để nối các bộ phận của câu, các câu riêng biệt và những đoạn riêng biệt:
Về chất lượng âm thanh, một bộ phim trung bình của giữa những năm bốn mươi, bất kể ở Hollywood, Pháp hay Anh quốc, mô tả mộ bước tiến bộ quan trọng so với những nỗ lực ban đầu vào cuối những năm 20. Tuy nhiên, xét một cách khái quát hơn, bộ phim của những năm 40 vẫn còn giữ nguyên những yếu tố kế thừa tực tiếp từ những bộ phim trước. Mỗi bước của quá trình này đều được cải thiện dần - từ chiếc micrô đến máy in, từ máy khuếch đại âm thanh đến loa phóng thanh – song, công nghệ in ấn và thâu âm quang học cơ bản vẫn giữ nguyên. Ngay trước khi chiến tranh, một phần nhờ vào công nghệ thời chiến của Đức mà nền công nghiệp thâu âm nói chung và lồng tiếng cho phim nói chung đã tiến một bước vượt bậc, tiến đến sự hoàn hảo của kỹ thuật ghi âm từ tính. Tuy nhiên, với tất cả những tiến bộ quan trọng về mặt kỹ thuật, cuộc cách mạng thâu âm từ tính đã vấp phải ngay sự phản đối về mặt tài chính. Không ai nghi ngờ rằng thu âm từ tính thì dễ hơn, được sử dụng nhẹ nhàng hơn, nó là dụng cụ dễ di chuyển hơn, ít tốn tiền hơn và cho ra những kết quả tốt hơn; tuy nhiên, những rạp chiếu phim không được trang bị để chiếu những bộ phim thay thế đường từ tính cho dải âm thanh quang học truyền thống. Chỉ vì Hollywood trì hoãn việc ra đời của âm thanh trong nhiều năm thì dẫn đến việc trì hoãn sự ra đời của những âm thanh tốt hơn trong nhiều thập kỷ. Hơn hai mươi lăm năm sau khi kỹ thuật ghi âm được ứng dụng rộng rãi, chỉ một vài rạp chiếu phim (thường chỉ với giá cao, buổi ra mắt lần đầu, chương trình biểu diễn ở thành phố lớn) được trang bị thiết bị âm thanh từ tính. Trớ trêu thay, trong nhiều năm, nhà làm phim không chuyên trung bình cộng tác với thiết bị âm thanh cao siêu có được những tiện nghi sản xuất âm thanh tốt hơn và hiện đại hơn nền điện ảnh xóm giềng.
Tuy nhiên, Hollywood đã có thể cấp vốn cho kỹ thuật mới theo cách khác. Mặc dù những nhà làm phim khắp thế giới tiếp tục sử dụng dải âm thanh quang học cho những bản phim sao chép để phát hành nhưng họ đã bắt đầu từ rất sớm để phục vụ cho việc thâu âm trong lõi từ (vào cuối năm 1971, 75 phần trăm việc thâu âm bản sản xuất gốc, thâu âm nhạc và lồng tiếng ở Hollywood đều được làm trên thiết bị thâu âm từ tính). Hoàn tất những nhiệm vụ mà đĩa thu bắt đầu, việc ghi âm từ tính sẽ tách dải ghi âm ra khỏi hình ảnh và kỹ thuật hình ảnh quang học. Hiện nay, bất cứ nguồn âm thanh nào cũng dễ dàng được thâu, hòa và tái hòa nhạc một cách riêng rẽ so với hình ảnh (vì thế mà nó làm đơn giản hóa sự vận dụng âm thanh nổi mà hiện nay thường kết hợp với nhau với những khổ màn hình rộng mới). (Altman 48).
Đây là những đoạn khá phức tạp, một phần là do đề cập đến quá nhiều thông tin, một phần nữa là do đoạn đầu tiên chứa nhiều ý tưởng. Đặc biệt là người viết đã bàn đến hai vấn đề như kiểu hai mặt của đồng tiền: ở mặt này là những tiến bộ trong kỹ thuật âm thanh vào thời hậu Thế Chiến II (được nói đến ngay trong câu mở đầu), còn mặt kia là sự thất bại của Hollywood trong việc ứng dụng những tiến bộ đó.
Tác giả cân nhắc và đối chiếu hai sự phát triển này bằng cách vạch ra sự logic của tiến trình đó từ thời tiền chiến đến thời hiện đại, ngoài ra, tác giả kế nối chúng lại với nhau thông qua từ nối chủ yếu như Tuy nhiên. Cũng để ý thêm cách mà sự lặp lại tiến trình này được nhấn mạnh một cách khéo léo như thế nào ở phần giữa của đoạn đầu tiên với câu mở đầu: “Không có gì nghi ngờ”; câu này có cấu trúc song song, hai phần của nó được tách ra nhờ dấu chấm phẩy và mỗi phần trình bày một phiên bản của một điểm có gồm có hai phần mà đoạn văn nêu ra. Hơn nữa, đoạn văn thêm mạch lạc và sinh động của đoạn nhờ những chi tiết cụ thể và các sự kiện lịch sử. (Khi bạn viết những bài báo thiên về phân tích hơn là lịch sử thì loại thông tin này không cần thiết và hợp lý lắm. Tuy nhiên phải luôn cố gắng làm cô đọng và phong phú ý tưởng của câu chủ đề với những sự kiện rõ rành hoặc những chi tiết cụ thể trích ra từ bộ phim).
Cuối cùng, đoạn văn cho thấy được sự chuyển tiếp khéo léo giữa hai đoạn, bắt đầu với từ tuy nhiên và cụm từ “nói một cách khác”. Đảm bảo rằng sự chuyển tiếp giữa các câu văvà các đoạn văn phải đem đến sự rõ ràng, mạch lạc và phóng phú cho bài viết của bạn. Sử dụng các từ và cụm từ đặc biệt thích hợp cho mục đích này, như hơn nữa hoặc thật ra, là một cách để để làm tăng thêm sự mạch lạc; cách thứ hai là lặp lại những từ chính của phần cuối đoạn văn trước như người viết này đã lặp lại từ Hollywood và kỹ thuật. Phải luôn đảm bảo rằng người đọc có thể theo được sự chuyển đổi logic từ đoạn này sang đoạn khác.
Các đoạn giới thiệu
Phần nhiều trong chúng ta - giống như Alvy Singer, nhân vật trong phim Annie Hall từ chối bước vào rạp chiếu phim khi chỉ trễ có vài phút - nhận thức được sự mở đầu quan trọng đến mức nào. Mặc dù nhiều bộ phim của Hollywood nhanh chóng đi vào những câu chuyện và phong cách tầm thường nhưng mười phút đầu đem đến cho khán giả trường đoạn hấp dẫn và mới lạ nhất (đây là cách để giữ cho khán giả khỏi rời ghế). Những cách mở đầu à yếu tố quyết định cho bất cứ cách trình diện nào, và bất kể bài luận của bạn dài bao nhiêu thì tạo đoạn đầu tiên hợp lý sẽ là điều quan trọng nhất trong bài luận của bạn.
Một bài luận sẽ lôi kéo được sự thích thú của người đọc nếu nó đề cập đến thông tin hoặc đưa ra một luận điểm và đoạn mở đầu là chỗ đầu tiên khêu gợi sự quan tâm. Bắt đầu bài viết của mình với hàng loạt chuyện cũ rích như – Frank Capra là một đạo diễn người Mỹ, những bộ phim của ông rất nổi tiếng và cứ tiếp như thế… - thì nó không thể nào khuyến khích độc giả tiếp tục đọc được. Thậm chí khi một độc giả ( người hướng dẫn của bạn) bị buộc phải thôi đọc một bài viết có một đoạn mở đầu chán ngắt thì đoạn đầu tiên tạo ra một sự mong đợi co bài viết của bạn. Đoạn đầu tiên là một nơi lý tưởng để độc giả của bạn có được một khái niệm rõ ràng về chủ đề bạn đang hướng đến và cách thức bạn phát triển chủ đề đó: câu chủ đề nêu một cách chính xác và đặc biệt luận đề của bài viết. Thậm chí trong những bài luận dài và nhiều tham vọng thì hướng đi của nó cũng cần được nêu rõ như là một tấm biển chỉ đường và sự khiêu khích đối với người đọc:
Vào cuối những năm 1930, sự nhìn nhận của mọi người về Hollywood đã thay đổi. Những tu sĩ ở các tỉnh xa xôi, tù túng cũng có thể tạo quy tụ được đám đông bằng cách chống lại tội lỗi trên màn bạc, các quan tòa và những nhà cải cách đó đây tiếp tục duy trì những bộ phim đưa thế hệ trẻ dễ bị tác động đến với tội ác. Tuy nhiên, trong những vòng lý thuyết và văn chương và trong những bài báo, tạp chí chủ chốt, những nhà làm phim được nhìn nhận với vẻ tôn trọng hơn, kính sợ và thậm chí ghen tỵ, như là những giáo sư có quyền năng sáng tạo ra điều kỳ lạ và mơ ước của dân tộc. (Sklar 195).
Tiêu đề của bài viết: “Tạo ra Điều kỳ lạ về văn hóa: Walt Disney và Frank Capra” đã thu hút sự chú ý của rất nhiều độc giả - những người biết đến hai cái tên này nhưng tiêu đề đã không cần phải đặt chúng vào trong một cái nền chung chung. Tuy nhiên, với những cách mở đầu hay như vậy thì đoạn mở đầu không chỉ đơn giản là lặp lại tiêu đề đó (“Bài viết này sẽ bàn về điều kỳ lạ trong văn hóa qua những bộ phim của Walt Disney và Frank Capra”). Thay vào đó, bài viết giới thiệu chủ đề của nó theo kiểu bao quát hơn nhưng đồng thời cũng cụ thể hơn. Mở đầu bằng một chỉ dẫn lịch sử rõ ràng (vào cuối những năm 30), đoạn văn miêu tả sự chuyển đổi lịch sử cụ thể giữa những người cho rằng điện ảnh là phù phiếm với những người cho rằng điện ảnh là phương tiện truyền thông quan trọng mang tính văn hóa. Với cách lập luận như là một nền tảng này, đoạn văn đưa đề tài về quyền năng của những bộ phim của Disney và Capra đến sáng tạo ra những điều kỳ diệu mang tính xã hội.
CHÚ Ý RẰNG: Bất kể bạn có đưa ra tiêu đề trước khi bắt đầu viết đoạn đầu tiên hoặc sau khi bạn hoàn tất bản cuối cùng hay không thì phải luôn khiến cho tiêu đề trở thành một lối dẫn dắt thú vị và có tính thông tin vào đoạn văn đầu tiên: nó nên bao quát đủ cho gợi ra đề tài của bài viết nhưng cũng đủ cụ thể để gợi cảm hứng cho người đọc. “Những chuyện tưởng tượng về văn hóa” sẽ là một đề tài quá rộng lớn cho ví dụ trên; “Walt Disney và Frank Capra” thì lại là một tiêu đề không rõ ràng và quá mông lung, mơ hồ.
Một đoạn văn mở đầu nên xác định mục tiêu của bài nghiên cứu (ở bài viết này là về những nhà làm phim vào cuối những năm 30) và đề tài mà người viết nhắm đến (ở bài viết này là những chuyện kỳ lạ về văn hóa và lịch sử). Thông thường, trọng tâm là sự phân tích về một phim cụ thể hay một yếu tố nào đó của bộ phim. Bạn có thể sắp xếp một đoạn đầu tiên bằng cách chuyển từ một sự gợi mở chung chung đến một câu cụ thể trong bài viết của mình. Hoặc là như theo cách mà ví dụ cuối cùng đã nêu, bạn có thể đi từ những ví dụ cụ thể một đề tài bao quát hơn (nhưng không được quá rộng) mà bài viết của bạn sẽ triển khai.
Giới thiệu một lời trích dẫn mang tính khơi gợi hoặc một hình ảnh rõ ràng là một cách để khiến cho đoạn đầu tiên hấp dẫn. Bất kể bạn dùng phương pháp nào thì mục tiêu của bạn cũng là thuyết phục độc giả ngay lập tức rằng bạn có vài điều quan trọng cần phải nói, một lý lẽ cần được trình bày, những quan sát không rõ ràng. Mặc dù phần còn lại của bài viết sẽ phát triển và mở rộng cho những gợi ý đầu tiên, bạn nên làm rõ rằng bài viết của bạn đang nói về vấn đề gì và phương pháp nào bạn dùng để nghiên cứu đề tài mình đã chọn. Nếu bạn viết ra và điều chỉnh đoạn văn này để phù hợp với độ dài và giới hạn của bài viết, từ đó sẽ dễ viết hơn: không có gì chung chung và vớ vẩn hơn câu chủ đề mông lung như kiểu (“Đây là bài nghiên cứu về phim Traffic (2000)”) khi người viết nghi ngờ rằng liệu anh ta hay cô ta có cảm thấy đủ để viết về một đề tài hẹp hơn.
Trong nhiều phương pháp, đoạn văn đầu tiên là đoạn quan trọng nhất
của bài viết; nó cho biết bạn hiểu khá rõ lập luận của mình sẽ đi đến
đâu, mặc dù sẽ có vài kết luận trong suốt bài viết. Cho dù hình thành
nên đoạn giới thiệu là điều quan trọng trong bản phác thảo đầu tiên
nhưng bạn nên lập kế hoạch để kiểm tra lại và viết lại đoạn đó ở bản
phác thảo kế tiếp. Ở giai đoạn này, viết một đoạn đầu tiên hiệu quả trở
nên dễ dàng hơn nhiều.
Cảnh trong phim Seventh seal
Đối với vài sinh viên, một chiến lược phổ biến để đạt đến một đoạn kết là nói lại chính đề mở đầu theo lối văn phong khác (Vì vậy, tôi vừa trình bày…). Tuy nhiên, cách này có vẻ máy móc và không hay ho gì cho mấy. Một đoạn kết, cũng giống như đoạn mở đầu, là đoạn hay nhất để lôi cuốn sự quan tâm của độc giả và để họ nán lại và nhận thấy rằng họ vừa đọc những điều thú vị mà bản thân nó chứa đựng những hàm ý vượt ra khỏi những giới hạn của bài viết. Tóm tắt đôi chút cũng không phải là một ý kiến không hay, đặc biệt là khi chủ đề hơi phức tạp, rối rắm; thậm chí trong trường hợp như vậy thì những ý tưởng phía trước được lặp lại không chỉ để nhắc nhở người đọc những gì họ vừa đọc qua mà là để nhấn mạnh ý cuối cùng, như Dudley Andrew đã viết trong đoạn kết sau:
Như vậy, mặc cho bộ phim Diary of a Country Priest rõ ràng là ở dạng kín nhưng bản thân nó lại ở dạng rộng mở. Đó là bộ phim được viết nên từ những trang ghi chép của một cuốn vở, tuy nhiên nó được sắp đặt theo ánh sáng và âm thanh. Sự tập trung và lề lối của cuốn nhật ký đã cho phép thánh chức có được sự thanh thản tâm hồn vào những phút cuối cùng – một điều rõ ràng cho thấy sự đối nghịch với người bạn chối từ cửa phật một cách thảm thương. Công cụ hà khắc của kiến thức – bài viết của ông – đã đưa ông vào trọng tâm cùng với hình ảnh, vì thế, đã khiến cho ông trở thành một tín đồ của Chúa. Thời đại của phong cách điện ảnh, điều này thông qua một lề lối nguyên văn tương tự mà cuối cùng Bresson có thể vượt ra xa hơn điện ảnh và hòa mình với mục tiêu của ông, một cuốn tiểu thuyết. Bằng cách vượt xa hơn điện ảnh thông qua điện ảnh, ông ta đã đi đến một cuộc cách mạng trong đạo đức luân thường và tiềm năng của việc chuyển thể; ông ta đã làm nên một cuốn tiểu thuyết trong cảnh tượng và âm thanh chứ không phải là nắm bắt được đề tài của mình nhiều như trở thành nó.
Những đoạn kết thường nhằm bao quát một luận đề phức tạp một cách rất chặt chẽ. Tuy nhiên, lướt qua những điều tổng quát là đầy rủi ro. Một vài đoạn kết luận hiêụ quả nhất khép lại luận đề trong gới hạn bài viết cụ thể đó song song với việc mở ra những vấn đề khác.
Trong đoạn kết của một bài thảo luận về những bộ phim và các công trình nghệ thuật nhiếp ảnh của Leni Reifenstahl, Richard Meran Barsam cẩn thận đi từ cái riêng đến cái chung, dẫn dắt những con số và tiêu đề về lịch sử và đi đến những kết luận rõ ràng về người phụ nữ này cũng như các tác phẩm nghệ thuật của bà ta, tuy nhiên người viết vẫn giữ được một giọng điệu khá hài hòa và cởi mở để hướng người đọc đến những vấn đề khác như:
Phim Nuba sẽ tương tự các tác phẩm khác của bà ta vì nó diễn tả lại cái thế giới đặc biệt đã lôi cuốn trí tưởng tượng của bà kể từ khi bà còn là một đứa trẻ. Thế giới của Leni Reifenstahl là một thế giới tách biệt, một thế giới của những hang động pha lê, của những người đàn ông luôn nghĩ rằng mình là siêu nhân, của những cở thể người khiến mình trông như những vị thánh thông qua phim ảnh, của những chiến binh trên một đồng bằng tối tăm và lạ lẫm. Thật sự, thế giới này có tồn tại, nhưng trong trí tưởng tượng của cô ta, nó trở thành một thực thể hoàn toàn khác lạ. Bị bao bọc bởi niềm tin của bà vào thế giới đó, nên Leni Reifenstahl vẫn giữ sự tách biệt của những tác phẩm nghệ thuật của bà với thế giới đời thường. Bà không thể hiểu được tại sao nhiều người trên thế giới không chấp nhận bà hay những truyền thuyết của bà; như bà đã xuất bản nhứng bức hình của Nuba (đối với vài người, đó là một hành động táo bạo và ấn tượng của sự sám hối), bà ta nghĩ rằng những tài liệu này sẽ cho thấy niềm tin của bà vào sự chân thật, tử tế và hòa hợp của con người với tự nhiên. Dĩ nhiên, những bức hình của Nuba chỉ ra những mặt này, tuy nhiên chúng là những bức hình của một thế giới không hiện hữu. May thay cho loài người, những bức hình của bà về Hitler cho thấy một thế giới khác cũng không hiện hữu nhưng thế giới sẽ không quên rằng bà nhận ra điều này là cần thiết và có lẽ, thậm chí là có lợi, để tạo ra bức hình đó và sáng tạo ra những chuyện hoang tưởng phả vào tác phẩm Triu nó mp of the Will (tạm dịch là Sự chiến thắng của ý chí) với một sức mạnh ghê sợ. Là một phụ nữ thật sự khó hiểu, Leni Reifenstahl chống lại những truyền thuyết mà bà đã tạo riêng cho bản thân mình, chống lại nó ngay cả khi nó ám ảnh theo bà tận những năm cuối đời. Leni Reifenstahl hòa mình với truyền thuyết của mình, không thể tách rời ra khỏi thế giới mà bà tưởng tượng nên. Bà có được mọi thứ mà bất cứ nghệ sĩ nào kể từ thời Daedalus mơ ước, ngoại trừ sức mạnh để sụp đổ, để thừa nhận lỗi lầm, để vượt ra khỏi cái ranh giới mong manh giữa đời thực và nghệ thuật. (37).
Có thể nói, đoạn văn hoa mỹ cuối cùng này có vẻ hơi dài. Tuy nhiên, những đoạn kết và đoạn mở luôn bóng bẩy hơn những đoạn khác và bất kể có dùng lối văn phong chân thực hay không thì người viết cũng nên cố gắng diễn đạt phong phú, đặc biệt là ở những điểm quan trọng của bài luận.
Danh mục những điều tạo nên một bài viết hiệu quả
Mỗi một người viết có những thủ thuật và chiến lược viết lách riêng. Dưới đây là vài chỉ dẫn, gợi ý và những lời nhắc nhở ngắn gọn:
Phải chuẩn bị cho một bộ phim. Trước khi xem một bộ phim, đặt ra những câu hỏi sơ qua về thời gian và địa điểm làm ra bộ phim, và về những mong đợi của bạn liên quan đến nó. Hỏi xem trong số những điều khiến bạn chú ý khác như kỹ thuật, nghệ thuật, kinh doanh, cái nào có thể chỉ ra cho bạn một hướng đi tốt khi viết về phim.
Học cách xem một bộ phim một cách cẩn thận và ghi chú. Hãy để cho những câu hỏi chung chung, sơ sài của bạn trở thành những câu hỏi cụ thể và rõ ràng hơn khi bạn mổ xẻ bộ phim. Điều gì có vẻ là quan trọng nhất của nó?Điều gì có vẻ bất thường nhất về nó?
Hãy để những câu hỏi dẫn dắt bạn đến một đề tài dễ dàng kiểm soát được mà có liên quan đến cả về những chủ đề của bộ phim và những yếu tố kỹ thuật cũng như hình thức của nó. Một đề tài như “Tìm hiểu về Nhân dạng trong phim Citizen Kane” có lẽ là một đề tài quá rộng lớn đối với một bài tiểu luận; một đề tài khá hấp dẫn hơn sẽ là “Thời thơ ấu của Kane: Sự khởi đầu của Khủng hoảng Nhân dạng”. Sự trọng tâm hơn của đề tài thứ hai cho phép bạn xem xét những đoạn và trường đoạn một cách chi tiết.
Cố gắng xem lại bộ phim ít nhất một lần sau khi quyết định viết về một đề tài nào đó. Mở rộng những ghi chép của bạn theo điểm này, thêm vào những chi tiết mà bạn có thể bỏ sót trog quá trình xem lần đầu.
Phải giữ cho bài luận đề của bạn rõ ràng; biến những dòng chép thành những mảnh giấy ghi chép (hoặc là ở dạng một tờ giấy nếu bạn thích) để mà bạn có thể sắp xếp những ghi chú này thành một nhóm ý tưởng logic và mạch lạc. Bắt đầu luận đề của mình với lời trình bày về vấn đề mà bạn dự định đề cập đến. Sau đó, tập hợp và sắp đặt những ý cụ thể của bài luận, sử dụng những dẫn chứng cụ thể từ bộ phim và lời giải thích của bạn về dẫn chứng đó. Các bài viết hay thường bắt đầu từ những điểm ít mang tính bàn cãi cụ thể về một chủ đề riêng rồi đến những điểm phức tạp hơn về phong cách và kỹ thuật. Hãy nhớ rằng bạn đang có một độc giả - người đã xem bộ phim đó nhưng bạn phải thuyết phục họ về điểm mà bạn mong muốn tạo ra.
Nhiều nhà phê bình nhận thấy cách phát thảo ra việc tổ chức của bài viết dưới dạng đề cương là một điều hữu ích. Tùy thuộc vào thói quen và sở thích của bạn mà đề cương có thể rất chi tiết và phức tạp hoặc chỉ chung chung, gồm vài ý chính. Nếu bạn thường gặp rắc rối trong việc tổ chức và phân đoạn, bạn sẽ muốn khiến cho đề cương hoàn chỉnh chừng nào tốt chừng nấy. Thậm chí ở mỗi phần của đề cương, bạn còn thích viết thành những câu hoàn chỉnh như những tiêu đề; những cái này sẽ trở thành những câu chủ đề về sau.
Bắt đầu viết. Đối với nhiều người viết chuyên nghiệp cũng như các sinh viên, đây là phần khó nhất của giai đoạn viết, và chúng ta có rất nhiều cách khiến cho quá trình này chậm lại (ghi chú thêm, xem phim lại lần nữa, gọt bút chì thêm lần nữa). Việc trì hoãn sẽ không giúp cho bài tập này trở nên dễ dàng hơn. Lập ra một đề cương có thể giúp ích cho bạn vì nó bao gồm việc viết, tuy nhiên khi đề cương có ích đủ cho bạn thì bạn nên viết ra những ý tưởng một cách thỏa mái hoặc theo ngẫu hứng. Chậm lại và tưởng tượng việc giải thích đề tài của mình với một người bạn. Chủ yếu để có được vài câu văn trên trang giấy; bạn có thể lựa chọn, phân loại lại những ý tưởng trong thời gian sau.
Khi viết, bạn phải luôn luôn nghĩ về đề tài của mình, triển khai xa hơn những ý tưởng của mình. Hầu hết chúng ta không biết chính xác những gì mình nghĩ về một đề tài phức tạp cho đến khi chúng ta bắt đầu vạch rõ các suy nghĩ của mình ra. Bản thân việc viết trở thành một quá trình khám phá về cái mà thấy lợi thế nhất. Kiểm tra sự logic bằng cách phát thảo ra một đề cương về những gì bạn vừa viết. Trau chuốt đoạn mở đầu và đoạn kết luận. Xem xét những vấn đề rộng lớn hơn về cách tiếp cận của mình. Bài viết chủ yếu bàn về vấn đề lịch sử hay hình thức phim? Bạn có thích sự thống nhất về văn hóa của bộ phim? Nếu bạn nhấn mạnh một phương pháp cụ thể, hãy quyết định phạm vi nào mà bạn sẽ định hướng cho cách tiếp cận ban đầu cho bài viết của mình.
Xem lại; luôn luôn phải xem lại. Nên dành nhiều thời gian trong quá trình xem xét bản nháp đầu tiên với các lần sửa lại, tốt hơn là một vài ngày. Không ai viết một bản hoàn chỉnh ngay trong lần đầu tiên trước khi họ cảm thấy thỏa mái và chắc chắn về bài luận. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, hãy tự nhắc mình rằng: Kịch bản phim có thể buộc phải sửa đi sửa lại hàng chục lần trước khi người đạo diễn bắt đầu làm phim, và một khi bộ phim được làm ra, việc dựng phim có thể là quá trình bao gồm rất nhiều công đoạn xem xét, sửa chửa. Thời gian mà bạn cho phép giữa bản viết đầu tiên và các bản sửa lại nên là khoảng để bạn rà soát lại bài viết của mình với cái nhìn mới mẻ. Kiểm tra tính logic, những câu chủ đề và câu chính đề. (Liệu nó có còn ăn khớp với bài viết của bạn không?). Kiểm tra để thấy rằng bạn lập luận và triển khai luận đề của mình chứ không chỉ là xác nhậ nó. Đọc toàn bộ bài viết, xem những cách diễn đạt vụng về, những đoạn chuyển tiếp kém giữa các câu, các đoạn cũng như những ừ ngữ không chính xác. Liệu những ví dụ bạn đưa ra đã hợp lý chưa? Liệu những trích dẫn của bạn có chính xác? Nếu có thời gian, hãy đặt tờ giấy sang một bên và sửa chữa lần cuối cùng.
Chú ý: Nếu bạn đánh bài luận trên máy tính hoặc máy đánh chữ, xem lại ít nhất một bản nháp trên giấy là một điều rất quan trọng, vì bạn sẽ dễ phát hiện các lỗi hơn khi viết trên giấy.
Đánh máy, in ra hoặc sao chép bằng tay qua một trang giấy sạch sẽ, làm theo những chỉ dẫn dưới đây về mặt canh lề, chú thích ở cuối trang… (trang 154-169). Phải chắc chắn rằng bạn không phá bỏ hay lạm dụng bất cứ điều luật nào về việc ăn cắp ý tưởng. (trang 159 – 162).
Đọc và sửa bản sao cuối cùng và sửa lại bất cứ lỗi nào mà thấy cần thiết. (trang 154 – 156).
K ngờ phê bình phim cũng thú vị vậy
Trả lờiXóaBài viết rất hấp dẫn bạn đọc, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa