Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Điển tích Tang hồ bồng thỉ ( Bài 2)

Tang hồ bồng thỉ ( Bài 2)


Tang : Cây dâu, lá dùng để chăn tằm, quả chín ăn ngon gọi là tang thẩm 桑 葚
Hồ : Cái cung gỗ
Bồng : Cỏ bồng. Mùa thu thì chết khô, gió thổi bay tung gọi là phi bồng 飛 蓬
Thỉ : Cái tên
Tang hồ bồng thỉ, nghĩa là cung làm bằng gỗ dâu, tên làm bằng cỏ bồng. Tục Trung Hoa ngày xưa, hễ sanh con trai thì dùng loại cung tên này bắn sáu phát; một phát lên trời, một phát xuống đất và bốn phát theo bốn hướng Đông Tây Nam Bắc. Tiếp theo, trước cửa nhà, phía tả treo cung, phía hữu treo tên; cho thiên hạ biết nhà mình mới sanh đặng hoàng nam. Việc làm này ngụ ý khi trưởng thành, người con trai sẽ mang chí lớn “hai vai gánh vác sơn hà”, tung hoành ngang dọc bốn phương trời.
Thỏa (phỉ) chí tang bồng
“Tang bồng” vốn là cách nói vắn tắt của thành ngữ “Tang hồ bồng thỉ”. Với nghĩa ấy, “tang bồng” thường kết hợp với các đơn từ khác để tạo thành những câu như “Chí tang bồng”, “Nợ tang bồng”.
Thành ngữ “thoả chí tang bồng” hay “phỉ chí tang bồng” dùng để diễn tả sự toại ý trong công cuộc thực hiện chí lớn.
Chú thích thêm
Thông tin trên mạng, ngoài trang nhà “Quê Hương”, đa số đều ghi nhầm thành ngữ trên là “Tang bồng hồ thỉ”. Đảo ngược lại như thế, chẳng khác chi biến những thành ngữ “Mai thê hạc tử”, “Ngọc diệp kim chi”,v.v… ra “Mai hạc thê tử”, “Ngọc kim diệp chi”,v.v… hoặc đổi “Đầu voi đuôi chuột”, “Nem công chả phượng”,v.v… thành “Đầu đuôi voi chuột”, “Đầu voi đuôi chuột”, “Nem chả công phượng”,v.v…

1 nhận xét:

  1. Không viết thì thôi, đã viết thì phải đúng; bởi ngữ pháp Việt Nam rất phong phú

    Trả lờiXóa