Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Chân "Nam" Đá Chân "Xiêu'"

Trong đời sống, chúng ta thường bắt gặp những thành ngữ như: Giấc Nam Kha, Tây Thi, Nguyệt Lão, Liễu Chương Ðài ... hoặc Prômêtê, Gót Asin, Hồng Thủy ... hoặc Tú Bà, Chí Phèo, Xuân Tóc Ðỏ ... Ðó là những Ðiển tích, lấy trong văn hóa cổ, kim của Trung Quốc, phương Tây, Việt Nam, thường là những tên người, tên đất, những hình tượng văn học trong thần thoại, truyền thuyết, văn học, lịch sử ..., đầy tính thơ ca và chứa đựng biết bao ý nghĩa sâu xa. Với mong muốn làm phong phú thêm vốn sống của bạn đọc, góp phần nhỏ bé nâng cao trình độ hiểu biết văn hóa nhân loại, chuyên mục "Ðiển tích Văn học" ra đời với mục đích ấy, mời các bạn đến với chuyên mục của chúng tôi!


Bà Ðế
Ngày xưa, dưới triều Lê, vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh nam bắc, giặc giã nổi lên tứ tung trong nước. Ở làng Đỗ Hải sát ven bờ biển miền Bắc thuyền bọn cướp bể Tàu ô thường hay ra vào đánh phá. Một hôm, một chiếc thuyền trận lớn từ phía tây nam dong buồm thẳng vào vịnh Hạ Long, ngang đầu làng Đỗ Hải thì rẽ lái vào bờ, tìm đến chỗ vắng vẻ mà thả neo. Trên thuyền lớn ròng xuống một chiếc ghe nhỏ cho một vị tướng trẻ tuổi cùng năm người lính hộ vệ lên bờ. Trên cánh đồng cỏ cạnh bãi bể, một cô gái đang cắt cỏ hát nghêu ngao. Vị tướng lắng nghe tiếng hát ngọt ngào hướng đi về phía ấy. Người con gái quê ngửng đầu lên, ngạc nhiên, sợ hãi thấy quan quân trước mắt vứt liềm toan bỏ chạy. Vị tướng gọi lại cho biết mình là một hoàng tử họ chúa Trịnh đi tuần ngoài biển ghé qua đây, muốn vào làng. Cô gái cắt cỏ nghe nói trở nên bạo dạn, dẫn đường đi trước. Qua đỉnh một ngọn đồi nhìn ra khắp vùng, hoàng tử dừng chân dưới gốc cổ thụ im mát, ra dấu cho đám tùy tùng lui. Còn lại một mình với cô gái quê da thịt dậy thì, hoàng tử kéo tay ôm choàng lấy vào lòng. Cô gái cố vùng vẫy gỡ ra song hai cánh tay khỏe mạnh càng siết chặt lại. Rồi chiếc áo gấm hoàng bào phủ lên lớp vải nâu sồng. Đến lúc cô gái quê mở mắt ra thì vị hoàng tử đã đâu mất, thấy bên cạnh mình một nén vàng óng ánh trên cỏ. Nàng đưa mắt nhìn ra phía biển, thấy chiếc thuyền buồm đã chạy xa phía Hạ Long, chỉ còn một chấm trắng trên nền trời. Tổn thương cả thể xác lẫn tâm hồn, nàng ứa nước mắt cầm nén vàng lên rồi mạnh tay quẳng vào bụi. Từ ngày đó, cô gái cắt cỏ mất cả giọng hát hồn nhiên. Ba tháng sau, một hôm đội cỏ về nhà, nàng bỗng thấy hoa mắt, trời đất như sụp đổ, ngã lịm trên đường làng. Bụng nàng cứ lớn dần, bà mẹ nghi ngờ tra hỏi, nàng tình thật kể lại việc đã qua. Bà mẹ không ngớt lời chửi mắng, nguyền rủa và đánh đập cô gái chửa hoang, rồi báo tin xấu hổ cho chồng hay. Để tránh tiếng nhục nhã với làng nước và khỏi phải phạt vạ, cả gia đình gồm ông bà nội, cha mẹ và cô chú, bà bác họp lại để xử tội đứa con gái bất hạnh. Muốn ém nhẹm tiếng xấu cho giòng họ, mọi người đồng ý bắt nàng thả trôi sông. Nàng bị đưa xuống ghe, trói tay chân lại, buộc đá vào cổ, rồi chở ra ngoài khơi, đẩy xuống biển. Khi quẳng nàng xuống biển, lạ thay người con gái chửa hoang đeo nặng trĩu đá vẫn trồi lên mặt nước. Người ta phải lấy sào nhận xuống một hồi xác mới chịu chìm. Song từ đó, ghe thuyền qua lại vùng này thấy cô gái thường hiển hiện trên sóng nước làm nhiều việc linh ứng. Dân chúng miền duyên hải lấy làm sợ hãi, dựng miếu thờ ở ngọn đồi trông ra biển, gọi là đền Bà Đế ngày nay hãy còn dấu tích.

Chân Nam Đá Chân Xiêu
Bấy lâu nay, có lẽ nhờ vào nghĩa của từ "đá" đứng giữa hai vế mà người ta đều hiểu đúng nghĩa đen của thành ngữ này là "chân nọ đá vào chân kia", và lại cũng có lẽ do hiểu từ "xiêu" trong kết hợp "chân xiêu" một cách đơn thuần là "xiêu xẹo" nên ngẫu nhiên người ta cũng hiểu được nghĩa bóng của thành ngữ này là "đi đứng không vững vàng". Nhưng tại sao "chân nam" lại là chân này và "chân xiêu" lại là chân kia ?
Thực ra, "nam" là do "đăm", còn "xiêu" là do "chiêu" đọc chệch mà thành. "Đăm" và "chiêu" là hai từ cổ thuần Việt có nghĩa "bên phải" và "bên trái". Từ điển "Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của (1895) còn ghi : "đăm" là "tay mặt, tay hữu"; "chiêu" là "tay trái, tay tả". "Đăm" và "chiêu" còn thấy ở nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ như :
"Tay chiêu đập niêu không vỡ"
hoặc
"Gà kia mày gáy chiêu đăm
Để chúa tao nằm, tao nghỉ chút nao".

"Đăm", "chiêu" trong "gà gáy chiêu đăm" hoặc suy nghĩ "đăm chiêu" đã thoát ra khỏi nghĩa đen là "phải trái" để mang nghĩa bóng là "lo nghĩ vất vả, lo nghĩ trước sau". (Từ điển của hội Khai Trí Tiến Đức 1932).
Như vậy thành ngữ "chân nam dá chân xiêu" đọc đúng phải là "chân đăm đá chân chiêu" tức chân phải đá chân trái để chỉ "trạng thái đi đứng không vững vàng".
"Ông cụ Bèo đi bán củi ở chợ Nghệ về, đã làm mấy chén rượu ở chợ, chân đăm đá chân chiêu về đến nhà".
(Quang Dũng - "Nhà đồi").

Sau nữa, nếu không đau ốm hoặc say sưa mà lại cũng "chân nam đá chân xiêu" thì chỉ là những người "vội vàng tất tưởi". Đây là nghĩa thứ hai của thành ngữ này : "Nhà Chỉn cũng nghèo thay ! Nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tả chân nam đá chân chiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc".
(Nguyễn Khuyến).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét