Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Nguyễn Công Trứ - Ngất ngưỡng hồn thông reo

Nguyễn Công Trứ - Ngất ngưỡng hồn thông reo

Qua sự nghiệp thơ ca để lại, Nguyễn Công Trứ luôn thể hiện mình là một mối mâu thuẫn lớn, một tập hợp lớn, các xu hướng triết học của thời đại phong kiến lúc suy tàn.
Trong ông có đủ cả Khổng, Phật, Lão, lại có khi không còn một ông nào ngoài bản thân mình trơ ra như phỗng: “Ta mặc ta mà ai mặc ai”, “Chẳng biết ta ta vẫn là ta”. Có khi Nguyễn Công Trứ vật vã muốn thoát khỏi tam giáo tưởng đã đồng nguyên trong ông như kiềng ba chân; nhưng có lúc chúng lại chia rẽ và chống đối nhau như nước với lửa khiến ông phải ù té chạy về phía hường hường yến yến: “Có yến yến hường hường mới thú”. Con người xã hội hướng ngoại và con người cá nhân hướng nội nơi ông từng biết cách hài hoà nhau, nương tựa nhau như thực hoà với mộng. Con người Khổng giáo nghiêm trang nơi ông đã mượn cái tủm tỉm Đạo giáo mà nhìn giang san bằng cái nhìn chúm chím: “Mở mặt thấy giang san cười chúm chím”. Chính tinh thần “chúm chím” này của Nguyễn Công Trứ đã hoá giải được mâu thuẫn đời mình, khiến ông đi qua mọi vinh nhục, vượt thoát thời đại để đến với chúng ta không phải chỉ như một khải thị mà chính là niềm xúc cảm thi ca.
Chữ Danh của đạo Khổng đã đầy đọa Nguyễn Công Trứ suốt hàng chục năm trong địa ngục hàn vi, nên ông từng biết thế nào là nhân tình thế thái:
“Quân tử cố cùng thêm thẹn mặt
Anh hùng khi gấp cũng khoanh tay”.
Qua bao nhiêu cú nhảy ê đầu khoa cử, con cá chép lấm láp bùn đất làng Uy Viễn này mới hoá rồng bằng Giải nguyên năm 1819 khi đã 41 tuổi. Mấy chục năm làm anh học trò nghèo, cuối cùng nhà thơ đã thực hiện được cái mộng của đạo Nho:
“Có trung hiếu nên đứng trong giời đất
Không công danh thì nát với cỏ cây”.
“Đã mang tiếng ở trong giời đất
Phải có danh gì với núi sông”,
“Chí những toan xẻ núi lấp sông
Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ”,
“Đã từng tắm gội ơn mưa móc
Cũng phải xênh xang hội gió mây”...
Ông đã làm đủ cả quan văn, quan võ, đã bị chuyển đổi xê dịch hết nơi này qua nơi khác, đã năm lần bị cách chức, thậm chí có khi bị giáng xuống làm lính trơn tại Quảng Ngãi. Ông đã phò vua hết mình và giúp dân hết mực. Ông từng khai hoang lập ra huyện Tiền Hải, Kim Sơn và khẩn hoang vùng biển miền Quảng Yên, An Hải... Đi hết mọi lĩnh vực, mọi nẻo đường đạo Khổng trong đời mình, Nguyễn Công Trứ mới tìm ra cải vẻ “chúm chím” của giang san Đạo giáo. Cái giang san ấy ở tại lòng ông, là con người cá nhân hướng nội tìm cách cân bằng với con người triết lí hành động xã hội hướng ngoại Nho giáo. Nguyễn Công Trứ nhiều khi đã để cái lốt rồng phượng nằm chỏng chơ ngoài chốn quang trường, trở về bản-thể-cá-chép của mình mà tung tẩy, chờn vờn theo phép lí ngư vọng nguyệt, để sống với triết lí nhàn - lạc phong - nguyệt sở trường. Ông giàu có đến vô cùng, kho lẫm của ông cả vũ trụ:
“Gió trăng chứa một thuyền đầy
Của kho vô tận biết ngày nào vơi”
Đây là câu lục bát hay nhất Việt Nam viết về thú phong nguyệt, đẩy vẻ tiêu dao thưởng ngoạn thiên nhiên của thơ ca Nôm tới cõi khôn cùng. Nhà thơ đã biết cách cỡi lên ngọn gió mà phi thành ngựa, đồng thời lấy ánh trăng làm y phục để thong dong trong trời đất như đi lại trên sân nhà mình. Thậm chí, ông còn biến gió mát trăng thanh thành tư tưởng sống, tri thức sống, tuồng như cuốn sách phong nguyệt này càng đọc càng vô cùng tận: “Lấy gió mát trăng trong làm tri thức”. Nhà thơ đâu chỉ lấy phong nguyệt làm chuyện chơi, mà còn tự biến mình thành học trò muôn năm của trăng gió. Mới biết đạo gió trăng của ông cao siêu hơn triết lí hưởng nhàn Đạo giáo nghìn đời từng đi tìm tiên trong tục, tìm tục trong tiên. Đạo phong nguyệt của Nguyễn Công Trứ phải chăng là đạo ngất ngưởng: “Ngất ngưởng chẳng tiên mà chẳng tục”, “Không Phật, không Tiên, không vướng tục”, “Trong triều ai ngất ngưởng như ông”... Nguyễn Công Trứ đã mang vào văn học Việt Nam một trường phái thơ ngất ngưởng. Ông ngất ngưởng cả khi triết lí về nỗi bơ vơ kiếp người, toan thổi vào nỗi cô đơn bản thể người kia tí tiếu ngạo giang hồ của niềm “chúm chím” trào lộng.
“Thoắt sinh ra thời đà khóc choé
Trần có vui sao chẳng cười khì”.
Tiếng “khóc chóe” kiếp người dường như đã bị tinh thần ngất ngưởng “cười khì” chặn lại. Nhà chúm chím học, nhà ngất ngưởng học Nguyễn Công Trứ chừng như muốn biến thành Ngu Công lấp bể khổ Phật giáo bằng trăng trăng gió gió, bằng rượu rượu thơ thơ và bằng cả hường hường yến yến nữa:
“Cơn chếch choáng xoay vần trời đất lại
Chốc ngâm nga xáo trộn cổ kim đi”.
Từ thuở có thơ ông, trời đất với xưa nay hình như đã được xoay vần lại, được xáo lộn lại trong cõi hữu tình cho hợp với vẻ ngất ngưởng con người: “Giắt lỏng giang san một túi”. Xem thế, mới biết phong độ con người này làm thước càn khôn bất quá cũng tầy gang. Hồn thơ ông tuồng như đắm đuối trong vẻ “xanh xanh” vô cùng trời đất: “Giời biếc biếc nước xanh xanh một vẻ”. Những câu thơ tám chữ rất hiện đại này tràn đầy trong các bài ca trù của ông, phải chăng là nền tảng cho thể thơ “phi thất ngôn”, thể thơ tám chữ tân thời của Thơ mới 1932 - 1945? Nhà thơ lập ra đạo ngất ngưởng Việt Nam lại cũng chính là người đã đóng góp công cách tân thơ mới Việt Nam sau này bằng những câu thơ mà bất kì thi sĩ hiện đại nào cũng phải nghiêng mình bái phục: “Này tiếng tinh tính tỉnh tình tinh”. Ca dao có câu “Người xinh cái nết cũng xinh / Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn”. Nguyễn Công Trứ đã nối dài cái nhấm nhẳng ca dao “tỉnh tình tinh” từ nhịp ba lên thành nhịp ngũ âm: “Tinh tính tỉnh tình tinh” rất ảo diệu hàm súc vậy.
Cuộc đời quan trường với cốt cách đạo mạo, nghiêm túc, cương cường Nho giáo: “Đạo lập thân phải giữ lấy cương cường” có thể làm tâm hồn Nguyễn Công Trứ rắn lại thành đá nếu ông không tự giải thoát bằng tinh thần ngất ngưởng, bằng vẻ lả lướt của triết lí nhàn - lạc rất “tinh tính tỉnh tình tinh” kia. Nhà thơ ngất ngưởng nhập hồn vía gió trăng váo xác thân tửu sắc nhẹ nhàng như khi ông rót giang san vào túi thơ mà hưởng lạc:
“Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy
Nếu không chơi thiệt ấy ai bù”,
“Chơi cho lịch mới là chơi
Chơi cho đài các cho người biết tay”
Ông cho rằng sống không hưởng lạc cầm bằng có thọ nghìn tuổi cũng chỉ như đứa trẻ con chết non:
“Nhân sinh bất hành lạc
Thiên tuế diệc vi thương”.
     Nhà thơ quả như đứa trẻ ham chơi trong cõi đàn bà:
“ Kìa những người mái tuyết đã phau phau
Run rẩy kẻ đào tơ còn mảnh mảnh”.
Tuy nhiên, trong cõi ăn chơi vô cùng tận này, nhà thơ vẫn để lòng thương người lên hàng đầu, tuyệt đối không rẻ rúng, không chà đạp phũ phàng liễu yếu đào tơ. Điều này, hầu như các nhà nghiên cứu phê bình văn học khi tìm hiểu triết lí hành lạc của ông thường bỏ qua. Ấy là khi ông an ủi cô đào già bằng một câu thơ rất hay, rất nhân đạo chủ nghĩa:
“Giăng xế nhưng mà cung chẳng khuyết
Hoa tàn song lại nhuỵ còn tươi”.
Câu thơ tình nghĩa dành cho cô đào quen biết từ thuở hàn vi, giờ gặp lại cô đã già, ông vẫn cưới cô làm lẽ. “Giăng xế” mà cung vẫn có chị Hằng, mà cung vẫn “Chẳng khuyết” vì có tình quân tử là ta lấp đầy. “Hoa tàn song lại nhụy còn tươi” thế mới là tình yêu Nguyễn Công Trứ theo kiểu Kim Kiều: “Hoa tàn mà lại thêm tươi / Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”. Những người đàn bà kia dù có xuống tuyền đài vẫn cứ còn mát ruột, hồn cứ còn trẻ trung tươi thắm mãi vì những câu thơ chung tình một thuở. Một con người coi hành lạc là lẽ sống, từng ăn chơi tót chừng như Uy Viễn tướng công lại là người từng có lúc phải quặn thắt chia lìa đôi lứa:
“Tình ấy trăng kia như biết với
Chia làm hai nửa giọi hai bên”.
Vầng trăng bị xẻ nửa trong mối tình Thúc Sinh - Thuý Kiều cũng là vầng trăng đa tình Nguyễn Công Trứ:
“Nghĩ mình chưa phải tình Kim Trọng
Mà đó đà mang nợ Thuý Kiều”.
Nguyễn Công Trứ còn lưu lại tình yêu thương làm cảm động cả hồn kim chỉ:
“Đáng lẽ bút nghiên mà kiếm mã
Thương ôi kim chỉ cũng phong trần”.
Câu thơ ngót hai trăm năm rồi đọc lên vẫn còn thấy hiện ra cả một thời đại “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi” (Chinh phụ ngâm). Dù Nguyễn Du đã khoá nỗi phong trần vào câu lục bát tuyệt vời song nó vẫn lén đưa đẩy phận kim chỉ của Nguyễn Công Trứ vào “cõi hồng trần” mà thổi đến với chúng ta. Nguyễn Công Trứ không chỉ là nhà thơ của chí làm trai, của triết lí nhàn-lạc mà còn là một nhà thơ tình tuyệt diệu như những câu thơ vừa trích. Ông đưa được chữ Nhân của thánh hiền vào ngay cả chốn hành lạc, đưa chữ Tình vào cả chỗ ăn chơi. Chưa có nhà thơ Việt Nam nào viết được một bài thơ hay trọn vẹn về nỗi nhớ nhung trai gái như bài “Tương tư của ông:
“Tương tư không biết cái làm sao
Muốn vẽ mà chơi vẽ được nào”
Thế nhưng nhà thơ đã lấy trăng gió mà vẽ được “Cái làm sao” để nỗi tương tư có hình hài, dáng vóc:
“Trăng soi trước mặt ngờ chân bước
Gió thổi bên tai ngỡ miệng chào”.
Nhờ nỗi nhớ người yêu, nhà thơ đã phát hiện ra rằng trong trăng có gái và trong gái có trăng. Thảo nào, Hồ Xuân Hương từng mượn trăng rằm để khoe cái mõm mòm của mình: “Một trái trăng thu chín mõm mòm”. Nguyễn Du mượn nửa vành trăng khuyết mà tả Thuý Kiều đêm khuya quay quắt nhớ Thúc Sinh đến mòn mỏi, héo gầy: “Nửa vầng trăng khuyết ba sao giữa trời”. “Gió thổi” hoá “Miệng chào”, “Trăng soi” thành “Chân bước” chính là lúc nhà thơ như con cá chép vừa mắc lưới tương tư. Chừng ông chưa gỡ nổi nỗi ám ảnh về cuộc đời như “mồm cá”, biết đâu mà uốn lưỡi câu ta, biết đâu ăn ở cho vừa lòng nhân thế:
“Ai hay lặn lội đo mồm cá
Mà biết vuông tròn uốn lưỡi câu”
Đã có khi nhà thơ thử áng chừng: “đo mồm cá” mà “uốn lưỡi câu”, câu được con cá nhàn - lạc trong biển cả phong nguyệt. Nhưng nhiều khi “lưỡi câu” ông không vừa nói với “mồm cá” cuộc đời, nên khi buông câu trên biển khổ Phật giáo, nhà thơ chỉ giật được con cá hư không:
“Xáo giời đất cổ kim kim cổ
Mảnh hình hài có có không không”.
Con bướm hoài nghi Trang Chu đã đậu lên bánh xe luân hồi mà án ngữ con đường hoan lạc, con đường hoạn lộ nơi Nguyễn Công Trứ, khiến Khổng Lão có kết lại như núi non đôi khi cũng hoá bào ảnh, chiêm bao: “Ôi nhân sinh là thế ấy, như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao”. Có khi ngẫm thân phận người, ông hoài nghi tất cả, hư không tất cả:
“Cái hình hài đã chắc thiệt chưa
Mà lẽo đẽo khóc sầu rứa mãi”.
Nỗi hư vô đời người ám ảnh nhà thơ, khiến con người ham vui hay buồn bất chợt, buồn lây sang cả nước non: “Non nước, nước non ngao ngán nỗi”. Ông nén nỗi đau vào đời vào tiếng cười buốt ruột:
“Nghe như chọc ruột tai làm điếc
Giận đã căm gan miệng mỉm cười”.
Vì: “Sự đời tráo trở giống bàn tay”. Ông mượn cây vông mà nói nỗi tím ruột bầm gan bằng hai câu thơ rất hay:
“Tuổi tác càng già càng xốp xáp
Ruột gan không có có gai chông”
Có lẽ ông đã móc ruột gan mình tặng trăng gió, tặng tình nhân hết nên chỉ còn toàn xốp xáp ruột vông, toàn có gai cùng chông tủa, nhức buốt cả hồn thơ, nhức buốt cả hậu thế đọc thơ ông nữa. Ông vừa vui vừa buồn, vừa hi vọng vừa tuyệt vọng, vừa muốn làm nhà sư trong cõi hành lạc, vừa muốn làm tướng quốc lại vừa thích ẩn dật tu tiên. Nguyễn Công Trứ giống con nai trong thơ Xuân Diệu bị buổi chiều tàn của chế độ phong kiến đánh lưới, quẫy đạp mong thoát ra mà không sao thoát được, đành nhờ thi ca thở than: “Giời đất chi mà rứa mãi ru”. Bị đêm tối của thời đại dìm nghỉm, ông đành ngồi đợi canh gà thế kỉ:
“Đêm gà eo óc trời chưa rạng
Tình tự này ai có biết chăng?”.
     Năm 1858, một năm trước khi chết, lúc đã 80 tuổi, ông vẫn xin vua ra cầm quân chống giặc Tây Dương xâm lăng cửa biển Đà Nẵng. Một con người dũng mãnh và quyết liệt như thế, đa tình như thế, ngất ngưởng vắt qua hai thế kỉ như dải Hoành Sơn của thời gian và thi ca như thế lại cũng là người biết nhún mình xuống bằng chúng sinh mà lên chùa lạy Phật:
“Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì”.
Có điều cách lên chùa của Nguyễn Công Trứ thật dễ thương và dễ nể, dù hậu thế Nguyễn Nhược Pháp có riêng theo cô nương ỏn ẻn lên chùa cũng không sao sánh nổi. Chứng như yếu tố “từ bi” “đủng đỉnh một đôi dì”. Phật giáo kết hợp có chất tiêu dao nhàn tản Đạo giáo được tinh thần ngất ngưởng Việt hoá, đã biến ông thành cây thông văn học reo hồn thơ suốt hai thế kỉ thi ca:
“Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.
Có lẽ vì giận lẫy thời đại mình mà ông nói vậy thôi, chứ con người yêu đời như Nguyễn Công Trứ chắc chắn nếu có kiếp sau, ông lại cứ thích làm người và thích làm cả cây thông reo trên đỉnh trời giá rét. Chừng như ông vừa ngất ngưởng trên những vần thơ như là những thời đại xưa, những chúm chím xưa, vừa cười vừa nói, đàn ca chợt biến đâu mất cả như nhà thơ vừa viết đâu đây:
“Trong cười nói hỏi tên gì chẳng biết
Liếc trông ra nào thấy đâu nào”...


Nguồn:  Những vì sao văn học, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2004, tr.90-101.

1 nhận xét: