Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Churchill, Roosevelt, Stalin những ngày cuối Thế chiến II

Jon Meacham
Churchill, Roosevelt, Stalin những ngày cuối Thế chiến II
"Franklin và Winston", cuốn sách của phó tổng biên tập tạp chí Newsweek Jon Meacham, mô tả quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill. Những phần trích sau đây ghi lại những cuộc thảo luận giữa Roosevelt, Churchill và Joseph Stalin năm 1943.
(1)
Stalin (trái), Churchill (phải) và Roosevelt tại hội nghị Tehran.
"Vào thời điểm tham gia hội nghị Tehran, người ta nhận ra rằng tình hình đang thay đổi", trợ lý nội các chiến tranh Anh, ngài Ian Jacob nhớ lại. "Mỹ đang xây dựng sức mạnh. Tính tới thời điểm đó, số lính Anh tham gia các trận chiến tương đương với lính Mỹ, nhưng thế cân bằng đó sẽ không còn trong tương lai".
Jacob nói tiếp: "Roosevelt cũng thấy rõ rằng, khi chiến tranh kết thúc, chỉ còn hai cường quốc tồn tại - Nga và Mỹ... Từ đó, London và Washington không còn thân thiết như trước".
Churchill bị cảm lạnh và viêm họng vào đúng ngày khởi hành 12/11/1943. Tình trạng của ông ngày một tồi tệ. Roosevelt liền đánh điện thăm hỏi: "... sẽ thật hân hạnh khi được gặp lại ông. Tôi hy vọng sức khoẻ của ông sẽ khá hơn".
Trước hội nghị Tehran, hai nhà lãnh đạo dự định gặp nhau tại Cairo. Tuy nhiên, vì lo ngại về an ninh, Roosevelt đánh điện cho Churchill, thông báo "đối phương đã biết địa điểm họp" và đề nghị chuyển tới Khartoum. Hơi lém lỉnh, Churchill, cho rằng Cairo được lính Anh bảo vệ chắc chắn, bác bỏ mối lo ngại: "Hãy đọc cuốn Saint John, chương 14, tiết 1-4. Đừng để trái tim ông lo lắng: hãy tin vào Chúa, tin vào tôi... Tôi sẽ chuẩn bị một địa điểm cho ông".
Bức điện đang trên đường sang Mỹ thì Churchill bắt đầu tự trách mình. Có phải ông đã quá phô trương khi so sánh bản thân với Chúa? Liệu ông đã quá vội vàng khi nói "hãy tin tưởng vào tôi"? Roosevelt sẽ nghĩ về ông thế nào? Tuy nhiên, Thủ tướng Anh sớm khuây khoả với tin tức tốt lành. Tổng thống Mỹ bác bỏ mọi phản đối của các trợ lý và kế hoạch đến Cairo không thay đổi.
Bà Clementine nhẹ nhàng cảnh báo Churchill nên cẩn trọng khi thảo luận với Roosevelt trong những ngày tới. Biết rằng Churchill thất vọng vì Mỹ không ủng hộ chiến dịch của Anh nhằm vào đảo Leros, đông Địa Trung Hải, bà viết thư gửi Thủ tướng: "Em sợ rằng cho tới nay, chuyến đi của anh không vui vẻ và dễ chịu. Cảm lạnh đã làm anh khổ sở và khó chịu. Em cũng biết Leros đã làm anh vô cùng mệt mỏi. Nhưng anh đừng bao giờ quên rằng lịch sử sẽ phán xét. Ý chí, lòng kiên nhẫn và tính cao thượng sẽ là một phần trong sự vĩ đại của anh. Vì vậy, đừng để bản thân tức giận. Em thường nghĩ đến điều anh nói, đó là điều tồi tệ nhất là Đồng minh không có Đồng minh!...".
Bìa cuốn sách
Bìa cuốn sách "Franklin và Winston".
Diễn viên Sarah Churchill cùng đi Cairo với cha. Cô chưa bao giờ gặp Roosevelt và bị cuốn hút ngay khi gặp. "Ai cũng biết ông có vấn đề về sức khoẻ, nhưng hai phút sau, vấn đề đó không còn nữa", Sarah tỏ lòng kính trọng về sự tinh thông của Tổng thống Mỹ.
Một hôm, ở Cairo, Thủ tướng Anh nói với con gái: "Hãy sắp xếp một chiếc xe. Cha muốn đi thăm Nhân sư và Kim tự tháp. Cha muốn biết chúng ta và Roosevelt có thể thân thiết đến mức nào trong xe, vì nếu có thể, cha muốn nắm được tổng thống. Nhưng cha không định làm ông ta thấy chúng ta không thể thân thiết hơn". Sau một cuộc điều tra ngắn, hai cha con nhận ra rằng họ có thể làm được điều đó. Thủ tướng Anh vội vã trở lại khu nhà, tìm Roosevelt và nói: "Ngài tổng thống, ông có thể tới thăm Nhân sư và Kim tự tháp. Tôi đã sắp xếp tất cả". Sự nhiệt tình của Churchill có sức mạnh đến mức, Sarah nhớ lại, Roosevelt gần như lao ra khỏi ghế, nhưng rồi chợt nhớ ra là ông không thể làm như vậy và ngồi lại vào chỗ. Quay sang Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Anh nói: "Chúng tôi sẽ đợi ông trong xe".
Lễ Tạ ơn diễn ra khi hai nhà lãnh đạo ở Cairo, và Roosevelt đã mang theo mấy con gà tây. "Hãy coi nhau như người nhà", Roosevelt nói với Churchill. Và Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Anh ăn tối cùng Sarah, Elliott Roosevelt, John Boettiger, Harry và Robert Hopkins. "Harry đã sắp đặt một đội quân nhạc chơi ở ban công", Boettiger viết thư cho Anna Roosevelt. "Chúng tôi dùng cocktail trước khi ăn, rồi uống sâm banh". Churchill về sau cũng thừa nhận tất cả đã có bữa tiệc hết sức vui vẻ. "Hai con gà tây lớn được bày trên bàn. Ngài tổng thống chủ trì bữa tiệc hết sức chuyên nghiệp", Thủ tướng Anh hồi tưởng. Ông cảm ơn Roosevelt vì thời gian thư giãn đó.
Rồi tất cả sang phòng hoà nhạc. Những bản nhạc Carry Me Back to Old Virginny, Marching Through Georgia... cất lên. Thủ tướng Anh mời Pa Watson, thư ký yêu quý của Tổng thống Mỹ, nhảy. "Chỉ sau vài giờ, sự cẩn trọng không còn nữa. Không khí rất thân mật", Churchill viết trong nhật ký chuyến đi.
 
Jon Meacham
Churchill, Roosevelt, Stalin những ngày cuối Thế chiến II
(2)
Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt.
Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt.
Tehran là địa điểm gặp gỡ tiếp theo. Tổng thống Mỹ tới thủ đô Iran trước Thủ tướng Anh khoảng 45 phút. Sarah Churchill nhớ lại chuyến đi vào thành phố thật "khủng khiếp" với hai cha con. Ôtô tiến lên phía trước chậm, rất chậm, qua những con đường đông đúc ngựa xe.
"Ai cũng có thể bắn cha tôi hay ném lựu đạn vào chúng tôi", Sarah nói. "Đám đông vây quanh xe. Tôi nhẹ nhàng đặt tay lên đầu gối cha, tay ông nhẹ nhàng đặt lên tay tôi". Churchill thu hút đối phương. "Tôi nhìn thẳng vào đám đông, khi họ nhìn tôi", Thủ tướng Anh nhớ lại. Khi cả đoàn tới công sứ quán Anh, Churchill ra lệnh cho Phó trưởng khu cảnh sát Thompson thắt chặt an ninh.
Đó chưa phải là giây phút khó chịu cuối cùng với Thủ tướng Anh ở Tehran. Nhà ngoại giao trẻ người Mỹ nói tiếng Nga Chip Bohlen đi theo phiên dịch cho Roosevelt. Bohlen nhớ ngày 28/11 là "một buổi chiều chủ nhật tuyệt vời ở Iran, trời trong xanh, nắng đẹp". Tuy nhiên, Churchill vẫn cảm thấy tồi tệ. "Một điều trùng hợp không may là vào đúng dịp này, giọng anh vẫn bị khò khè vì cảm lạnh", bức điện ông đánh gửi bà Clementine có đoạn. Churchill muốn Roosevelt cùng cư trú trong công sứ quán Anh. Roosevelt thì muốn lưu lại đại sứ quán Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh có tin đồn về những âm mưu ám sát, Roosevelt giữ nguyên quyết định, hơn nữa, Stalin cũng sẽ tham dự hội nghị.
Joseph Stalin.
Joseph Stalin.
Churchill yêu cầu gặp Roosevelt trước cuộc gặp 3 bên, để giải quyết các vấn đề quân sự sẽ bàn với Stalin trước. Tổng thống Mỹ từ chối. Ông muốn gặp riêng nhà lãnh đạo Liên Xô trước. Roosevelt tin rằng ông có thể xoay sở với Stalin tốt hơn nếu Churchill vắng mặt. Tổng thống Mỹ không muốn bị Thủ tướng Anh trói chặt, không muốn ngồi nghe những bài phát biểu về chiến dịch này hay chiến dịch kia. Ông nghi ngờ Churchill sẽ ép ông ủng hộ kế hoạch tấn công đảo Rhodes và Dardanelles. Roosevelt không muốn thực hiện chiến dịch này vì nó sẽ trì hoãn cuộc xâm chiếm xuyên biển Măngsơ 1-2 tháng. Dấu hiệu giông bão xuất hiện ở công sứ quán Anh vì Churchill bị loại khỏi cuộc gặp Roosevelt - Stalin.
"Thủ tướng bị đau họng và mất giọng", tướng Brooke viết trong nhật ký. "Ông không khoẻ và thường xuyên tức giận. Với giọng điệu càu nhàu và thất thường, Churchill nói chuyện với Harriman. "Ông nói ông vui vẻ tuân lệnh; rằng ông có quyền được đóng vai trò chủ trì hội nghị, vì tuổi tác, vì tên ông bắt đầu bằng chữ C và vì tầm quan trọng lịch sử của ông với Vương Quốc Anh mà ông đại diện", trợ lý Harriman nhớ lại. "Rồi ông rút lại tất cả các lý lẽ đó, nhưng khăng khăng ở một chuyện. Đó là ông được tổ chức bữa tiệc tối ngày 30, nhân dịp sinh nhật lần thứ 69. Thủ tướng khẳng định sẽ say khướt và sẵn sàng rời đi ngay hôm sau". Nhớ lại đợt cảm lạnh và cảm giác đau lòng, Churchill cho biết: "Còn lâu tôi mới khoẻ trở lại. Tôi bị cảm lạnh và viêm họng nặng đến mức có lúc tôi gần như không nói được. Tuy nhiên, ông Moran với thuốc men và sự chăm sóc tận tình đã giúp tôi nói được những gì phải nói, thực tế là rất nhiều". Tuy nhiên, Churchill vẫn phải đợi đến 4 giờ.
Lúc 3 giờ, Stalin gọi điện cho Roosevelt. Trong bộ quân phục kaki với huân chương Lenin trên ngực, Stalin cười khi đi tới chỗ Roosevelt, lúc đó đang ngồi trên ghế tựa. Mike Reilly, nhìn chằm chằm vào những cận vệ tháp tùng Stalin, nghĩ nhà lãnh đạo Liên Xô "trông nhỏ bé, nhưng có nhân tố gì đó làm ông vĩ đại".
"Tôi rất vui được gặp ông", Roosevelt nói với Stalin. "Tôi đã cố gắng cho cuộc gặp này trong một thời gian dài". Nhà lãnh đạo Liên Xô tỏ ý hài lòng được gặp Tổng thống Mỹ và khẳng định sự trì hoãn kéo dài trước đó hoàn toàn là do ông bận giải quyết các vấn đề quân sự, chứ không phải tế nhị ám chỉ đến cuộc chiến với Đức, khi cuộc chiến ở tháng thứ 30.
Roosevelt và Stalin biết cách nói ngắn gọn để duy trì không khí dễ hiểu trong hội đàm, điều mà Churchill lém lỉnh đôi khi quên với người Nga. "Churchill rất lôi cuốn khi bắt đầu nói, nhưng ưu điểm đó không còn khi ông làm việc thông qua phiên dịch", Harriman nhớ lại. "Những bài phát biểu dài dòng của thủ tướng, dù với bạn bè thân thiết, quá dài để dịch, và ông bị mất thính giả".
Roosevelt sẽ không để điều này xảy ra với mình. "Đây là cuộc gặp ban đầu để hiểu nhau, đối thoại nhanh chóng chuyển hết từ chủ đề này sang chủ đề khác", Bohlen nhớ lại. Buổi ban đầu là quan trọng nhất. Theo biên bản cuộc họp của phiên dịch, Roosevelt hỏi tình hình bên phòng tuyến phía Liên Xô như thế nào, Stalin trả lời mọi chuyện "không phải là quá tốt". Tổng thống Mỹ ước giá như ông có sức mạnh đánh bật 30-40 sư đoàn Đức khỏi mặt trận phía Đông và vấn đề đó, tất nhiên, là một trong những chủ đề ông dự định thảo luận ở Tehran.
Khi vấn đề Pháp được nêu ra, Roosevelt không bỏ phí thời gian mà nói ngay ông và Churchill không phải lúc nào cũng thống nhất. Roosevelt và Stalin chỉ trích de Gaulle, và thái độ chống de Gaulle của nhà lãnh đạo Liên Xô một phần là do "phản ứng của người cảm thấy rằng bất kỳ nước nào sụp đổ nhanh chóng như Pháp thì cũng không đáng được coi trọng hay lưu tâm". Phiên dịch Bohlen nhớ lại: "Tôi không thể không cảm thấy nghi ngờ khi nghe Stalin nói. Tôi cho rằng ông đang nghĩ về lâu về dài. Ông dự đoán một nước Pháp hùng cường sống lại sẽ là trở ngại với tham vọng châu Âu của Liên Xô".
 
Jon Meacham
Churchill, Roosevelt, Stalin những ngày cuối Thế chiến II
(3)
Stalin (phải), Churchill (trái) và Roosevelt tại hội nghị Tehran.
Đề cập đến Ấn Độ, Roosevelt cảnh báo Stalin không nên đem độc lập đến tiểu châu lục cùng Churchill. Nhà lãnh đạo Liên Xô đồng ý và nhận định đó là một "điểm nhức nhối" của Thủ tướng Anh.
Khi chia tay, Tổng thống Mỹ tỏ ý vui mừng được ở trong đại sứ quán của Liên Xô vì ông sẽ có cơ hội gặp chủ nhà trong những tình huống không chính thức nhiều hơn.
Tại trại Anh, Churchill lòng nóng như lửa đốt. Các trợ lý và Thủ tướng Anh hết sức lo ngại về cuộc gặp riêng Roosevelt - Stalin. Nhận tin tình báo khi phiên thảo luận Xô - Mỹ kết thúc, người Anh nghe phong thanh về nội dung hội đàm, trong đó có lời khuyên của Roosevelt rằng không đáng thảo luận về Ấn Độ với Churchill. Và Tổng thống Mỹ hối thúc nhà lãnh đạo Liên Xô giữ quan điểm cứng rắn trong hội nghị 3 bên.
Roosevelt, Churchill và Stalin cuối cùng cũng bắt đầu phiên họp toàn thể đầu tiên ở đại sứ quán Liên Xô. Sự sắp đặt khiến người ta khá ngột ngạt vì thời tiết nóng. Căn phòng khá rộng được bố trí ghế lớn, một chiếc bàn tròn phủ vải len xanh. Rèm buông ở cửa sổ, thảm thêu treo trên tường". Roosevelt đóng vai trò chủ trì, và ông thích phong cách tiến hành hội nghị - thoải mái, thậm chí là có tán gẫu.
Đặc điểm của 3 ông lớn hoàn toàn khác nhau. Roosevelt tỏ ra quyến rũ. Vì trẻ nhất, Tổng thống Mỹ chào mừng những người lớn tuổi hơn. Ám chỉ đến Stalin, Roosevelt tỏ ý vui mừng vì có người Nga là thành viên mới trong gia đình. Churchill thì cho rằng, hội nghị này có thể là sự tập trung lớn nhất của các cường quốc thế giới. Stalin nói thẳng: "Chúng ta hãy bàn các vấn đề".
Roosevelt bắt đầu với vấn đề Thái Bình Dương. Stalin cho biết, Liên Xô đánh giá cao những lĩnh vực mà các nước đang phối hợp, và thực tế là người Đức đang cố tình bất hợp tác. Đây là một tin tốt, vì lời lẽ của nhà lãnh đạo Xô viết chứng tỏ nước này sẽ giúp đỡ. Cuộc hội đàm chuyển sang vấn đề khác.
Roosevelt cho rằng 3 nước phải ủng hộ quyết định Quebec về cuộc xâm chiếm biển Măngsơ trong tháng 5. Tuy nhiên, không nên làm bất cứ việc gì trước năm 1944 vì biển Măngsơ thực sự là "một dòng nước gây khó chịu". Churchill tuyên bố Anh có tất cả các lý do để biết ơn biển Măngsơ đã là dòng nước gây khó chịu - ông đang ám chỉ đến năm 1940 và nửa đầu năm 1941, khi hai người đang cùng tham gia đàm phán với Churchill kia không tham gia cuộc xung đột, như ông.
Trong 3 nhà lãnh đạo, có một người duy nhất có sức mạnh phá vỡ tình bạn Roosevelt - Churchill. Stalin khi đó nhợt nhạt hơn, nhưng chưng diện hơn so với hồi mùa hè năm 1941. Nhà lãnh đạo Liên Xô mặc bộ quân phục có cầu vai vàng dập ngôi sao lớn màu trắng, đinh ghim màu đỏ. Stalin vẽ nguệch ngoạc và hút thuốc trong các phiên họp. Giọng ông nhỏ, nhưng vừa đủ nghe.
Có thể Stalin cho rằng không cần phải nói to khi đề cập đến những vấn đề của Liên Xô. Ông biết mình cần gì. Roosevelt đề nghị Stalin nói ra suy nghĩ của ông về các chiến dịch ở Địa Trung Hải, những chiến dịch mà nếu được thực thi, có thể có nghĩa phải trì hoãn cuộc tấn công xuyên biển Măngsơ. Stalin trả lời, thật không khôn ngoan nếu phân bổ nỗ lực của quân Đồng minh, Pháp là địa điểm tấn công. Churchill thì nói: "Chính phủ Anh, Mỹ đã quyết định tiến hành cuộc xâm chiếm xuyên biển Măngsơ vào cuối mùa xuân hoặc mùa hè năm 1944. Lực lượng vào thời điểm đó lên tới 16 sư đoàn Anh và 19 sư đoàn Mỹ, tổng cộng là 35 sư đoàn. Tuy nhiên, còn 6 tháng nữa mới đến đầu mùa xuân năm 1944. Tôi và Tổng thống Mỹ đã tự hỏi nên làm gì trong 6 tháng đó với nguồn lực sẵn có ở Địa Trung Hải, để giảm sức nặng cho Nga, mà không phải trì hoãn chiến dịch xuyên biển Măngsơ không quá khoảng 1-2 tháng".
Có cần phải để trợ lý của các bên xem xét nên làm chuyện gì ở Địa Trung Hải không? Roosevelt nói cá nhân ông cảm thấy không nên trì hoãn chiến dịch tấn công xuyên biển Măngsơ, và trì hoãn có thể cần thiết nếu các chiến dịch ở phía đông Địa Trung Hải được thực thi. Tuy nhiên, Churchill không từ bỏ các mặt trận khác. "Tôi nghiêm túc hy vọng tôi không bị đề nghị phải nhất trí về thời điểm cứng nhắc của các chiến dịch như ngài tổng thống Mỹ đề xuất", Thủ tướng Anh nhớ lại. Churchill ưa thích sự linh hoạt trong thời điểm tấn công biển Măngsơ. Ông đề xuất để các trợ lý xem xét các khả năng khác nhau vào buổi sáng hôm sau. Stalin, lần đầu tiên tỏ vẻ gắt gỏng, phàn nàn rằng ông không dự định bàn đến các vấn đề kỹ thuật quân sự và không có nhân viên quân sự ở Tehran. "Thế nhưng nguyên soái Voroshilov sẽ cố gắng hết sức", nhà lãnh đạo Liên Xô khẳng định.
 
Jon Meacham
Churchill, Roosevelt, Stalin những ngày cuối Thế chiến II
(4)
Churchill và Roosevelt
Churchill (trái) và Roosevelt.
Churchill cố gắng giữ thái độ tốt nhất. Ông nói: "Mặc dù là những người bạn lớn, sẽ thật vô ích nếu chúng ta tự dối mình rằng chúng ta đã xem xét kỹ mọi vấn đề. Thời gian và lòng kiên nhẫn là cần thiết". Churchill nghĩ vẫn còn hy vọng.
Có thể, cuối cùng, tốt nhất, ông có thể cứu vãn chiến lược của Anh khỏi Roosevelt và Stalin.
Vừa mới quay gà và nướng bánh bí đỏ ở Cairo, nhóm đầu bếp của Roosevelt làm bít tết cho bữa tối. Sau khi pha rượu martin, Tổng thống Mỹ đưa cho Stalin và chờ phản ứng. Nhà lãnh đạo Liên Xô không nói gì. Roosevelt lên tiếng hỏi ông suy nghĩ thế nào về đồ uống. Stalin trả lời: "Ồ, được đấy. Nhưng nó làm lạnh bụng". Hai nhà lãnh đạo trao đổi với nhau mà không có sự tham gia của Churchill.
"Khi vừa tới Tehran, Stalin đã gọi điện cho anh", Roosevelt viết thư cho bà Daisy sau đó. "Tất nhiên, anh không đứng dậy khi ông ấy bước vào phòng. Bọn anh bắt tay, và ông ấy ngồi xuống. Anh bắt gặp Stalin nhìn chân và mắt cá chân anh một cách tò mò. Sau đó, anh chiêu đãi ông ấy bữa tối, và ngồi ở bàn khi ông cùng cộng sự bước vào. Khi Stalin đã yên vị ở bên phải anh, ông quay sang phiên dịch và nói: Nói với ngài Tổng thống rằng tôi đã hiểu ông ấy phải nỗ lực thế nào để thực hiện chuyến đi dài như vậy. Nói với ông ấy rằng lần sau tôi sẽ đến chỗ ông". Hai người đang cố gắng thiết lập mối liên hệ về văn hoá, tư tưởng, khí chất. (Mặc dù trong "lần sau", tại hội nghị Yalta năm 1945, Roosevelt thậm chí còn phải đi xa hơn).
Cuộc đối thoại trong bữa tối chuyển sang vấn đề mà Churchill không ưa thích. Tiếp tục những nhận xét trước đó với Roosevelt, Stalin lên án người Pháp. "Toàn bộ giai cấp cầm quyền Pháp đã mục nát tới tận xương tuỷ", nhà lãnh đạo Liên Xô nói. "Trao cả đất nước cho Hitler, Pháp đã chủ động giúp kẻ thù chung, và vì vậy, họ không đáng để được Đồng minh xem xét. Thật không công bằng và hết sức nguy hiểm nếu để Pháp cho chế độ cũ quản lý".
Churchill đề cập đến vấn đề bảo vệ đồng minh bị áp bức ở phía bên kia biển Măngsơ. Thủ tướng Anh cho rằng không thể tưởng tượng được một thế giới văn minh mà không có Pháp. Stalin không quan tâm. Từ cuộc gặp riêng với Tổng thống Mỹ, tất nhiên, ông đã biết rằng điều này va chạm với Roosevelt (trên thực tế, tại bàn đàm phán, Roosevelt nói "đồng ý một phần" với Stalin), làm Churchill, không phải lần đầu tiên hay cuối cùng, trở thành người lạc lõng.
Chuyển sang vấn đề Đức, Stalin có vẻ ủng hộ chia cắt và áp dụng biện pháp khắt khe nhất, nhằm ngăn chặn chủ nghĩa quân phiệt Đức tái diễn. Nhà lãnh đạo Liên Xô cho biết ông không nghĩ có thể tin tưởng đất nước này sẽ hoà bình. Ông nhắc lại vụ Leipzig năm 1907, khi 200 công nhân Đức không thể tập trung tại một cuộc tụ tập quan trọng, vì không có người kiểm soát ở ga xe lửa để dập vé lúc đến. Không có vé đã đục lỗ, những đại diện tích cực của giai cấp lao động Đức không dám rời khỏi sân ga. Stalin cho rằng không có hy vọng thay đổi trạng thái tâm lý hoàn toàn vâng lời nhà chức trách. Không ai trong phòng tỏ ra đủ táo bạo, hay đủ mất lịch sự để chỉ ra sự mỉa mai trong lập luận về một nước khác của nhà lãnh đạo Liên Xô. Tổng thống Mỹ cho rằng cả buổi tối thật "dễ chịu" với ông cho tới khi bất thình lình kết thúc.
Roosevelt chuẩn bị nói thì đột nhiên, mặt xanh lét, ông ôm trán. Tất cả mọi người đều ngạc nhiên vì trước đó, Tổng thống Mỹ không hề phàn nàn, cũng không ai thấy ông có dấu hiệu bực dọc hay lo lắng. Lúc đó là khoảng 10h30 tối. Mike Reilly, John Boettiger và Ross McIntire, bác sĩ riêng của tổng thống, đang ăn tối ở bên ngoài đại sứ quán thì nhận được tin xấu.
"Tôi cố gắng hỏi nhưng họ cứ đẩy tôi vào xe. Mike thì nói: Chúng ta phải nhanh lên, ông chủ đang ốm", Boettiger kể lại sau đó. "Tim tôi se lại và chúng tôi nhanh chóng đến đại sứ quán Liên Xô... Chúng tôi lao vào toà nhà và vào phòng họp... Ross cũng vào ngay lập tức để xem chuyện gì xảy ra. Tổng thống thấy ổn cả ngày nhưng sau bữa tối, ông thấy hơi mệt. Ross cho biết dạ dày ông bị đầy hơi. Bác sĩ riêng cho uống vài viên thuốc và tổng thống thấy thoải mái. Tất cả nhẹ nhõm".
Nói chuyện với con rể trong 10 phút, Roosevelt tỏ ra hài lòng về mọi phương diện với ngày vừa qua, ngày mà Churchill cảm thấy ít bị giám sát và mâu thuẫn nhất. Nhiều vấn đề đã được thoả thuận.
 
Jon Meacham
Churchill, Roosevelt, Stalin những ngày cuối Thế chiến II
(5)
Thủ tướng Anh Churchill
Thủ tướng Anh Churchill.
Trở lại phòng hội nghị, nơi các vị khách đã ra về sau khi Roosevelt được đẩy đi, Churchill với hy vọng hội nghị của 3 bên không bị biến thành chuyện riêng giữa 2 ông lớn, có cơ hội nói chuyện riêng với Stalin. Ngồi trên ghế sofa, hai nhà lãnh đạo trao đổi về Đức và Ba Lan.
Tuy nhiên, câu chuyện mà người Mỹ mang đến cho nhà lãnh đạo Liên Xô đã có tư tưởng chống Churchill. Phần lớn cuộc đối thoại là do Thủ tướng Anh nói chuyện.
Churchill tới gặp Roosevelt buổi sáng hôm sau. Biết rằng Stalin và Roosevelt đã gặp riêng, và đang có chung quan điểm, Thủ tướng Anh đề nghị tổng thống Mỹ cùng dùng bữa trưa trước cuộc họp toàn thể chiều hôm đó. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ từ chối và phái Harriman tới giải thích với Churchill rằng ông không muốn Stalin biết hai người gặp riêng. Churchill rất ngạc nhiên, vì cho rằng 3 người phải đối xử với nhau với niềm tin như nhau.
Lời từ chối còn làm Churchill day dứt. "Không hề giống ông ấy chút nào", Thủ tướng Anh thì thầm. Roosevelt từ chối ăn ở nhà người mà ông vừa nâng cốc chúc mừng nhân dịp lễ Tạ ơn trong bầu không khí thân thiện. Churchill ngạc nhiên vì vị trí bất ổn của mình trong con mắt Tổng thống Mỹ. Thủ tướng Anh còn nhận được báo cáo: Ngay sau bữa trưa, Roosevelt đã có cuộc nói chuyện với Stalin và Molotov, hai bên đã bàn đến nhiều vấn đề quan trọng, trong đó đặc biệt có kế hoạch cai quản thế giới hậu chiến của Washington.
Tại trụ sở cùng Stalin lúc 15h45' ngày 29/9/1943, Tổng thống Mỹ đưa ra quan điểm về Bốn Cảnh sát và tổ chức Liên Hợp Quốc, với một hội đồng điều hành giải quyết các tranh chấp và thực thi trật tự. Stalin có vẻ quan tâm nhưng không hứa hẹn gì. Ông lo ngại liệu quyết định của một cơ quan như vậy có "ràng buộc" không. Roosevelt trả lời: "Có và không" - dấu hiệu chứng tỏ vẫn còn phải làm nhiều việc. Tuy nhiên, hội đàm vẫn tiếp diễn. (Trong ngày cuối cùng của hội nghị, nhà lãnh đạo Liên Xô cân nhắc về "một tổ chức toàn cầu và không mang tính khu vực").
Rồi cả hai sang phòng bên, nơi Churchill sẽ có bài phát biểu. Anh đã đặt một lưỡi kiếm nghi thức, Thanh kiếm Stalingrad, để tỏ lòng kính trọng cuộc chiến chống Hitler của Liên Xô. Thủ tướng Anh vẫn bình tĩnh bất chấp mối nghi ngờ về những gì đã diễn ra giữa Roosevelt và Stalin một lúc trước.
"Sau vài lời giải thích, khi tôi trao thanh kiếm tuyệt đẹp cho Stalin, ông nâng nó lên môi và hôn lưỡi kiếm. Thật ấn tượng!", Churchill nhớ lại. "Thanh kiếm được mang khỏi phòng hết sức trọng thể, với sự hộ tống của một cận vệ danh dự Nga. Khi đám rước rời khỏi, tôi thấy Tổng thống Mỹ ngồi trong phòng, rõ ràng bị lay động". Giây phút đoàn kết tan nhanh khi cả 3 ông lớn bàn chuyện.
Hội nghị sa vào khủng hoảng, và câu hỏi thực sự đặt ra là liệu nó có thành công hay không. Tại một cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng trước đó vài giờ, Anh, lần đầu tiên do dự, phản đối việc đưa ra ngày giờ cụ thể tiến hành chiến dịch tấn công biển Măngsơ.
Stalin phải là người chơi bài poker giỏi. Những lời nói của ông bí hiểm như nhân sư và không thể biết ông đang nghĩ gì. Nhà lãnh đạo Liên Xô không nói nhiều, nhưng sự xen vào của ông, với giọng nói nhỏ và không có cử chỉ gì, là trực tiếp và quyết đoán. Đôi khi những lời nói đó bất ngờ đến mức khiếm nhã. Stalin làm không ai mảy may nghi ngờ rằng chính ông là chủ nhà. Sau hơn 2 năm quân Đồng minh tranh cãi, thay đổi, thực hiện đòn nhử chiến thuật, tín hiệu lẩn tránh đang ở quanh chiếc bàn phủ khăn xanh.
"Ai sẽ chỉ huy chiến dịch xuyên biển Măngsơ?", Stalin hỏi. Roosevelt thừa nhận vấn đề đó chưa được giải quyết: Tổng thống Mỹ đang cố gắng lựa chọn giữa Marshall và Eisenhower.
Churchill chứng kiến sự trao đổi không thoải mái giữa Roosevelt và Stalin. "Stalin nói thẳng rằng chiến dịch sẽ tiến tới con số không, nếu không có một nhân vật phụ trách toàn bộ công tác chuẩn bị", Thủ tướng Anh nhớ lại. Stalin nhắc lại tên một sĩ quan Anh, trung tướng Frederick Morgan, sẽ là tham mưu trưởng dưới quyền một chỉ huy tối cao chưa được đề cử. Nhà lãnh đạo Liên Xô nói thẳng rằng chừng nào còn chưa có chỉ huy tối cao, ông không thể coi cam kết về chiến dịch xuyên biển Măngsơ là nghiêm túc. Với ông, việc chỉ định là một đảm bảo cụ thể rằng cuộc xâm chiếm sẽ diễn ra. Roosevelt, tự cho mình là thực tế và cứng rắn, có thể lúng túng trước thách thức từ Stalin.
Quan sát viên Robert Sherwood cho biết Roosevelt khi đó rất muốn đề cử một viên tướng, nhưng cá tính chờ xem của ông đã thắng thế. Tổng thống Mỹ dự đoán hội nghị sẽ kết thúc với cam kết về chiến dịch biển Măngsơ, vì vậy ông cứ để chiều hướng thảo luận diễn ra như vậy. Churchill có thái độ tranh cãi khôn ngoan, phát biểu quanh co (ông vốn là bậc thày ở lĩnh vực này), Stalin thì bàn thẳng vào những vấn đề mà người khác lẩn tránh. Roosevelt ở giữa, tương tự như nhà hoà giải, trọng tài và là người đưa ra quyết định cuối cùng.
Stalin đưa ra thời điểm cụ thể - tháng 5 và không muộn hơn. "Tôi không quan tâm chiến dịch sẽ diễn ra ngày 1, 15 hay 20. Nhưng một thời điểm xác định hết sức quan trọng", Stalin nói với Roosevelt và Churchill với giọng điệu quả quyết.
 
Jon Meacham
Churchill, Roosevelt, Stalin những ngày cuối Thế chiến II
(6)
"Tôi ước giá như mình đặt câu hỏi trực tiếp với ngài thủ tướng về cuộc tấn công xuyên biển Măngsơ", Stalin nói, mắt nhìn Churchill. "Liệu Thủ tướng Anh và các cộng sự có thực sự tin vào chiến dịch đó không?".
Ngay cả khi đang phải chịu sức ép, tài hùng biện của Churchill vẫn tuyệt vời. "Trong điều kiện trước đây đã tuyên bố Chiến dịch xuyên biển Măngsơ sẽ được thực thi khi thời điểm đến, nhiệm vụ của chúng tôi là vượt qua eo biển để chống người Đức", Churchill trả lời.
Cơ hội cuối cùng của Thủ tướng Anh đang ở trong tầm tay vì có được sự hỗ trợ ngầm và đôi khi là công khai của Roosevelt. Quân Đồng minh thì đang tiến từ phía đông sang phía tây, thực thi một chiến dịch nguy hiểm làm người ta nhớ đến sự sụp đổ của thế hệ trước. Sau khi châm điếu xì gà, Churchill tiếp tục tiến lên. Ông lập luận kẻ thù đang bận chiếm giữ đảo Rhodes, bao vây các đảo khác của Hy Lạp và mở lại Dardanelles. "Nếu Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý tham chiến, thì những chiến dịch đó là cần thiết để giữ 68 máy bay trên Địa Trung Hải phục vụ cho cuộc xâm chiếm xuyên biển Măngsơ, có thể buộc phải trì hoãn 1-2 tháng trong chiến dịch tổng thể", Churchill nói. Thủ tướng Anh vì vậy không muốn đưa ra cam kết cố định rằng chiến dịch xuyên biển Măngsơ sẽ diễn ra vào 1/5 với Stalin.
3 nhà lãnh đạo trao đổi rất nhiều. Tuy nhiên, cuối cùng, Roosevelt ủng hộ quan điểm của Stalin hơn so với lập trường xuyên biển Măngsơ sẽ là một chiến dịch chi phối của Churchill. Thủ tướng Anh đã thất bại. Tổng thống Mỹ đã lựa chọn nhà lãnh đạo Liên Xô.
Cuộc họp thất bại. Churchill khó chịu, do câu hỏi trực tiếp của Stalin. Thủ tướng Anh đi lại trong phòng, lẩm bẩm: "Không làm gì hơn ở đây được nữa". Sắp tới sẽ là một buổi tối dài: Stalin sẽ là chủ trì.
"Ngài bị muộn rồi", người hầu phòng nhắc Churchill.
"Chết tiệt", Churchill nói rồi đến tham dự bữa tiệc.
Stalin chủ trì bữa tối Nga cổ điển, với rượu vodka và rượu vang. Chiến lược bàn ăn tối của Stalin có mục đích lật ngược quan điểm trực tiếp tấn công Pháp của Churchill. Thủ tướng Anh cũng có vẻ lôi cuốn với thực đơn. Stalin lách đến chỗ Churchill nói chuyện. Không hề nhân nhượng, nhà lãnh đạo Liên Xô hàm ý rằng Churchill - đã nhắc đến vấn đề chống Hitler trước đó - đang ấp ủ khuynh hướng ủng hộ người Đức và muốn một nền hoà bình hoà hoãn. Lời lẽ cứng rắn đang phát ra từ một người đã bỏ thoả thuận với Hitler 4 năm về trước. Cảm lạnh đang ngày một tồi tệ hơn, sắp bước sang tuổi 69, và quá mệt mỏi với cả ngày, Churchill không thể tìm đúng từ để phản ứng. Thay vì tỏ ra căm phẫn hay biến đó thành trò đùa, Thủ tướng Anh có giọng điệu buồn rầu với vẻ tội lỗi. Phong cách đó không hề giống với Churchill chút nào.
Chứng kiến hoàn cảnh khổ sở của Churchill tại bàn ăn, rõ ràng Roosevelt không giúp đỡ, không cử chỉ đảm bảo, không lời lẽ an ủi. Trợ lý thủ tướng Anh Bohlen không ưa thái độ của Tổng thống Mỹ, người không chỉ ủng hộ Stalin mà còn có vẻ thích trao đổi Churchill-Stalin. Lẽ ra Roosevelt phải bảo vệ cho người bạn thân đồng thời là đồng minh đang bị Stalin gây sức ép chứ.
Đối thoại Stalin-Churchill thật gay gắt. Đối mặt với Stalin và cảm thấy bị Roosevelt loại bỏ, Churchill ở trong thế tiến thoái lưỡng nan. "Tại Tehran, lần đầu tiên tôi nhận ra rằng đất nước mình nhỏ bé thế nào", Thủ tướng Anh sau này nhớ lại. "Ở đó, tôi ngồi bên gấu Nga và bò Mỹ, ở giữa là lừa Anh. Tuy nhiên, con lừa đó lại biết con đường trở về đúng đắn".
Trong cuộc đối thoại lạnh lùng đó, Roosevelt hoặc im lặng hoặc sát cánh bên Stalin, để mặc Churchill. Tổng thống Mỹ có kế hoạch riêng: Ông không để mọi người thấy mình ủng hộ Thủ tướng Anh chống nhà lãnh đạo Liên Xô, ngay cả bên bàn ăn. Churchill cũng nhận ra điều đó. Rồi Stalin bắt đầu nói đến một khía cạnh nghiêm trọng, thậm chí là chết người trong biện pháp trừng phạt người Đức. "Phải thanh toán bộ tham mưu Đức", nhà lãnh đạo Liên Xô tỏ quyết tâm. "50.000 người phải bị bắn chết".
Churchill thất kinh. Tuy nhiên, ông cũng tin rằng nhà lãnh đạo Liên Xô đang đề xuất một kế hoạch trừng phạt nghiêm túc
 
Jon Meacham
Churchill, Roosevelt, Stalin những ngày cuối Thế chiến II
(7)
Thủ tướng Anh Churchill.
Thủ tướng Anh Churchill.
"Quốc hội và công chúng Anh sẽ không bao giờ chấp nhận hành quyết hàng loạt", Churchill nói. "Nếu điều đó xảy ra trong chiến tranh, bạo lực sẽ lại đến với những người chịu trách nhiệm ngay sau khi vụ tàn sát đầu tiên diễn ra. Liên Xô không nên ảo tưởng".
Stalin không suy suyển. "50.000 sĩ quan phải bị bắn", ông kiên quyết.
Churchill giờ thực sự tức giận và nói: "Thà tôi bị đuổi ra vườn và tự bắn mình còn hơn là bôi nhọ bản thân và quốc gia bằng điều ô nhục này".
Roosevelt thấy mắt Thủ tướng Anh long lên. Tổng thống Mỹ quyết định nêu vai trò là trọng tài trong phe Đồng minh và ủng hộ lập trường của Stalin. "Như mọi khi, dường như tôi có nhiệm vụ làm trung gian hoà giải khi tranh cãi xảy ra", Roosevelt nói. Ông đưa ra một nhượng bộ - chỉ 49.000 sĩ quan Đức bị bắn. Churchill nhớ lại, với con số này, Roosevelt hy vọng sẽ đưa toàn bộ vấn đề trở thành những câu nói đùa. "Trợ lý Eden cũng tỏ dấu hiệu để trấn an tôi rằng tất cả chỉ là trò đùa", Thủ tướng Anh cho biết.
Cuộc khủng hoảng sắp qua đi thì Elliott Roosevelt làm vấn đề tồi tệ hơn. Con trai Tổng thống Mỹ không được tham dự phiên thảo luận này, nhưng người ta phát hiện anh đang đứng bên cửa nên mời vào. Ngay sau khi cha phát biểu, Elliott, vốn đã uống rất nhiều sâm banh, khẳng định ông chân thành nhất trí với kế hoạch của Stalin và chắc chắn quân đội Mỹ sẽ ủng hộ đến mức nào.
"Sự xâm phạm" này, như Churchill mô tả, làm Thủ tướng Anh hết sức tức giận và ông quát tháo ngay ở bàn thảo luận. Churchill không thể không tức giận ngài tổng thống Mỹ và con trai. Thủ tướng Anh không còn cách nào khác là bộc lộ cơn giận về cách đối xử của người mà mình cho là bạn. Churchill bỏ sang phòng khác. "Đó là một căn phòng tranh tối tranh sáng", Thủ tướng Anh nhớ lại. "Tôi ôm trán, tưởng tượng ra Stalin cùng Molotov tuyên bố họ đang chiếm ưu thế".
Rồi Churchill cũng chấp nhận trở lại phòng họp cùng Stalin Roosevelt, nhưng không bao giờ thừa nhận là đã sai. Phần còn lại của buối tối trôi qua êm ả.
Tuy nhiên, đó thật là một ngày đầy giông bão. Churchill thất vọng vì không được đồng minh quan tâm, rồi bị bạn là Roosevelt đặt ra xa. Nếu Tổng thống Mỹ thông cảm với cảm giác của Thủ tướng Anh, thì ông đã không làm như vậy. Roosevelt lại còn lấy làm thích thú. "Joe trêu Thủ tướng Anh như một đứa trẻ. Thật thú vị", Tổng thống Mỹ nói với nội các sau đó.
Sáng hôm sau, Churchill lại nhóm họp cùng hai nhà lãnh đạo Xô, Mỹ. Hai người có thể chơi trò này. "Thực tế Tổng thống Mỹ đã tiếp xúc riêng với Stalin và ngụ tại Đại sứ quán Liên Xô, ông cũng tránh gặp riêng tôi kể từ khi rời Cairo, bất chấp mối quan hệ mật thiết và cách hai bên cùng giải quyết những vấn đề sống còn, khiến tôi phải tìm cách gặp trực tiếp Stalin", Thủ tướng Anh nhớ về ngày 30/11/1943.
Một mình với Stalin, Churchill tự nhận là đã hết lòng với Mỹ. Rồi ông cho rằng Roosevelt có thể đang gây khó khăn cho Mặt trận thứ hai. Churchill thừa nhận rằng bản thân rất cảm mến người Mỹ. "Điều tôi sắp nói ra đây không nên được hiểu là làm mất thể diện người Mỹ và tôi vẫn hoàn toàn yêu mến họ, nhưng có những chuyện nên nói thẳng, giữa hai người", Thủ tướng Anh nói với Nguyên soái Liên Xô.
Khả năng trì hoãn chiến dịch xuyên biển Măngsơ, ông nói với Stalin, thuộc trách nhiệm về phía Liên Xô nhiều hơn Anh. Người Mỹ đang gây sức ép đòi tiến hành một chiến dịch chống Nhật ở vịnh Bengal và Churchill không nhiệt tình với ý tưởng đó. Nếu chiến dịch đó không xảy ra, thì sẽ có đủ nguồn lực để tấn công Địa Trung Hải và phát động chiến dịch xuyên biển Măngsơ như dự kiến. Rồi nhắc đến vấn đề chỉ huy tối cao cho chiến dịch xuyên biển Măngsơ, Thủ tướng Anh cho rằng "vấn đề cấp thiết là phải quyết định ai làm tổng tham mưu sớm". Churchill đảm bảo với Stalin là ông đã hối thúc Roosevelt quyết định trước khi tất cả rời Tehran. Nhà lãnh đạo Liên Xô bình luận việc đó thật tốt.
Với Churchill, Stalin nói thẳng lý do tại sao ông nhất quyết đòi tiến hành chiến dịch xuyên biển Măngsơ càng sớm càng tốt. "Nếu không có chiến dịch vào tháng 5/1944, Hồng quân sẽ cho rằng không có chiến dịch nào trong cả năm", nhà lãnh đạo Liên Xô nói. "Thời tiết sẽ xấu và chúng ta sẽ gặp khó khăn về đi lại, vận chuyển... Nếu không có thay đổi lớn nào trên chiến trường châu Âu năm 1944, thì người Nga sẽ gặp khó khăn. Chúng tôi sẽ mệt mỏi vì chiến tranh. Cảm giác bị cô lập có thể phát triển trong Hồng quân".
3 ông lớn cùng ăn trưa, và Roosevelt đọc to khuyến nghị của Đồng minh. "Chúng tôi sẽ tiến hành chiến dịch xuyên biển Măngsơ trong tháng 5, đồng thời với chiến dịch phụ trợ nhằm vào miền nam nước Pháp ở quy mô lớn nhất". Tổng thống Mỹ viết nhật ký: "Hội nghị đã diễn ra tốt đẹp mặc dù tôi thấy rằng mình hợp tác với Nga về kế hoạch quân sự. Sáng nay, người Anh cũng bắt tay và tôi thấy nhẹ nhõm".
30/11/1943 là sinh nhật lần thứ 59 của Churchill. "Tôi chủ trì bữa tối thứ 3 diễn ra ở công sứ quán Anh. Điều này là không thể tranh cãi. Anh và tên tôi đều ở vị trí đầu trên bảng chữ cái so với hai nước còn lại. Ngoài ra, tôi hơn Roosevelt và Stalin 4-5 tuổi", Churchill nhớ lại.
 
Jon Meacham
Churchill, Roosevelt, Stalin những ngày cuối Thế chiến II
(8)
Sarah Churchill kể lại đó là một bữa tiệc không bao giờ quên. Bàn tiệc chứng tỏ sự tao nhã của người Anh. Pha lê và bạc lấp lánh trong ánh nến. Roosevelt ngồi ở bên phải Churchill, còn phía bên trái Thủ tướng Anh là Stalin.
"3 nước chúng ta kiểm soát toàn bộ lực lượng hải quân và 3/4 không quân toàn thế giới, và điều hành gần 20 triệu binh lính đã từng tham gia những cuộc chiến khốc liệt nhất trong lịch sử loài người", Churchill nói. "Tôi không thể không vui mừng vì con đường dài tới chiến thắng mà chúng ta đã trải qua kể từ mùa hè năm 1940. Khi đó, chúng ta đơn độc, không có vũ khí ngoài không quân và hải quân. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chống lại sức mạnh Đức - Italy, dù gần như toàn bộ châu Âu đã ở trong tay đối phương".
Churchill và Roosevelt thắt cà vạt đen, Stalin mặc quân phục. Những cốc rượu không bao giờ vơi, champagne tràn ngập. Với Sarah Churchill, Stalin là "một nhân vật đáng sợ, với đôi mắt ti hí", nhưng đêm nay, trông ông có vẻ vui tính. "Những đốm sáng trên mắt ông giống ánh nắng trên dòng nước đen", con gái Thủ tướng Anh kể lại. Stalin thường gây chú ý bằng khiếu hài hước nhẹ nhàng. Thường thì mục tiêu là Churchill. Khi Tổng thống Mỹ nói, nhà lãnh đạo Liên Xô thường lắng nghe một cách tôn trọng. Trong khi đó, ông không ngại ngắt quãng Churchill bất cứ khi nào có cơ hội.
Phát hiện được chi tiết đó, Thủ tướng Anh quyết định chúc mừng Roosevelt và Stalin. Roosevelt, Churchill nói, đã cống hiến cả cuộc đời để bảo vệ những người thấp cổ bé họng. Còn người khách Liên Xô đã giành danh hiệu "Stalin Vĩ đại". Rồi Tổng thống Mỹ nói về sự ngưỡng mộ từ lâu với Winston Churchill và sự vui mừng về tình bạn giữa hai người đã phát triển trong khi chiến tranh xảy ra.
Sau khi Churchill, với tư cách chủ trì, nói cái mà ông cho là câu nói kết thúc bữa tiệc, Stalin hỏi liệu ông có thể phát biểu được không. Thế là trung tâm cửa bữa tiệc đổ dồn vào vị khách danh dự và sự hy sinh của Liên Xô vì Roosevelt và Mỹ.
"Tôi muốn nói với các bạn rằng, theo quan điểm của Nga, những gì Tổng thống và nhân dân Mỹ đã làm là để chiến thắng", Stalin nói. "Những nhân tố quan trọng nhất trong cuộc chiến này là máy móc. Mỹ đã chứng tỏ rằng họ có thể sản xuất 8.000-10.000 máy bay mỗi tháng. Nga chỉ có thể chế tạo 3.000 máy bay. Còn Anh là 3.000-3.500, trong đó đa số là máy bay ném bom. Vì vậy, Mỹ là đất nước của máy móc. Không có những cỗ máy đó, chúng ta có thể thua trận. Tuy nhiên, thực lòng mà nói, không có Churchill, thì phần lớn châu Âu đã rơi vào tay Hitler trước khi Roosevelt và Stalin tham chiến".
Hết
 
 
 
 

1 nhận xét: