Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Giang hồ Sài Gòn Chương V

Giang hồ Sài Gòn
Chương V
Tôi ở tù chung với Điền Khắc Kim
C
ôi ở tù chung với Điền Khắc Kim tại chuồng cọp khu C trại 7, Côn Đảo, một thời gian ngắn khoảng đầu đầu năm 1974.
Tôi bị giam ở khu C đâu khoảng vài tháng thì Điền Khắc Kim mới từ đất liền ra đảo. Dĩ nhiên hắn lập tức được tống vào khu C.
Tôi nhớ đi chung với Kim khi ấy có một số tay tù thường phạm sừng sỏ khác, mà nổi cộm hơn cả là Biện Thành Huệ và Năm Lương. Huệ được gọi “Huệ Râu” đầu gấu khu Chi Lăng (quanh sân bay Tân Sơn Nhất), nổi đình đám nhờ dám bắn chết quân cảnh Mỹ; còn Năm Lương thường gọi “Lương già” là một trong các quân sư của Đại cathay. Số này đều được đặc cách, người một phòng, kể cả Điền Khắc Kim. Tình cờ, phòng giam bọn họ gần ngay phòng giam tôi nên mỗi khi tôi “quay phim” tất cả đều nghe được và tỏ ra thích thú.
Tất nhiên, chỉ giờ tắm nắng tôi mới gặp Kim. Thấy hầu hết tù hình sự thường phạm gọi tôi bằng anh; xưng em; hắn hỏi tuổi tôi, và khi biết tôi lớn hơn hắn đến 4 tuổi, Kim gọi anh xưng em ngọt sớt.
Tôi còn nhớ Kim dáng người tầm thước, chỉ ngang cỡ tôi (1,63m), ốm nhách, da ngăm đen tai tái, cặp lông mày rậm và hơi xếch.
Kim có óc tưởng tượng khá phong phú. Tới nhớ có một lần, đổ thùng cầu, tắm giặt xong, hắn khoác tay tôi đi qua đi lại cho giãn gân cốt, nói đủ thứ chuyện. Bỗng hắn báo: “Anh có biết lúc này em ước gì không?” - tất nhiên tôi không biết, Kim tiếp - “Em ước gì trời tự nhiên thiệt lạnh, biển đóng thành nước đá, anh em mình cứ thế chạy riết một hơi về đất liền (!)”
Có hôm, đang đi dao, Kim dừng lại, bảo tôi: “Em chỉ cho anh coi cái này, thằng Thiệu (tổng thống miền Nam khi ấy) cũng chưa được coi bao giờ”,” vừa nói vừa kéo lưng quần chỉ cho tôi xem vết thẹo còn đỏ hỏn ngay phía dưới rún.
Nhân đó hắn kể tôi nghe: “Đây là vết thẹo em bị bắn khi bị vây bắt bên quận 4, trúng đạn bị thương khá nặng mà vẫn trốn thoát, không bị bắt.”
Và theo lời hắn, nào có chỉ là huyền thoai, tài ba gì ghê gớm, chẳng qua nhờ ăn may: “Em núp ngay sau gốc cây, thấy bọn cảnh sát tìm kiếm ở đâu đâu mà tức cười. Chắc chúng tưởng em phải bỏ chạy và đã chạy xa rồi. Đúng ra em cũng phải làm vậy, nhưng ngặt vết thương nặng quá nên không thể bỏ chạy nổi, ai dè thành hên!”
Kim còn nói thêm, lúc bị bắt trở lại, hắn khai thiệt núp ngay sau gốc cây, bọn cảnh sát không tin; vả lại, nếu đúng vậy, hóa ra cảnh sát biến thành một lũ ngốc (!) thể nào cũng bị cấp trên rủa cho te tua, nên buộc hắn phải “phịa” chuyện nhảy xuống kênh chạy trốn.
Chớ theo Kim “Anh nghĩ thử xem, vết thương như vầy sao em dám nhảy xuống kênh quận 4, dơ hết cỡ, thế nào chẳng nhiễm trùng; và làm sao lội nước nổi, bơi nổi với mớ ruột lòi cả ra ngoài?”
Cũng vậy, Kim kể tôi nghe tiếp về vụ hắn trốn thoát khi bị bắt, lúc được đưa qua bệnh viện Sài gòn để trị bệnh. Biết Kim là tên tù có biệt tài vượt ngục, cảnh sát phái một nhân viên theo canh giữ 24/24, mặc dù Kim đã bị còng một tay vào thành giường. Ấy thế mà ban đêm, Kim không những trốn thoát, mà còn còng tay tên cảnh sát vô thành giường thay cho mình! Chính qua vụ này, báo chí lúc ấy thổi phồng Kim quá đáng, coi như hắn có tài xuất quỉ nhập thần.
Thật ra, chẳng phải quỉ thần gì, bởi theo lời Kim kể: “Bị còng tay vô thành giường, em buồn chán, cả ngày nằm ngủ. Ngủ suốt ngày khiến ban đêm không ngủ nổi nữa, hai mắt cứ thao láo. Ngược lại, gã cảnh sát canh chừng em đương nhiên phải thức cả ngày, nên khỏang nửa khuya hắn gục xuống ngủ say như chết. Thấy thời cơ đã đến, cái thứ còng răng ai đã bị qua rồi thì lạ gì: Chịu khó bóp hết răng còng - em ốm nhách, cỡ tay nhỏ nên ráng chịu đau chút xíu là xong - lấy bắt cứ thứ gì, thường là cọng chiếu, cài ngang là kéo ra cái rột. Thoát còng, em đã định chuồn êm, nhưng thấy gã cảnh sát ngủ vùi chợt nảy ý nghĩ vui vui, lấy còng còng tay hắn vô thành giường trước khi chuồn...”
Có lần, cũng trong giờ tắm nắng, vui miệng tôi hôi Kim trong những lần “làm án” có kỷ niệm nào “để đời” hay không. Kim không do dự: “Có đấy. Một lần nửa đêm về sáng, em “đột vòm”, lọt vô một căn nhà ở Cư xá Đô thành. Thông thường, việc làm đầu tiên của em khi vô nhà là mở sẵn cửa chính, khép hờ, đề phòng khi bị phát hiện vọt cho lẹ. Nhà có chiếc xe gắn máy mới tinh, thấy bắt thèm. Em lục túi quần áo của tay chủ nhà treo trên móc áo kiếm tiền. Ai dè trong túi ngoài tiền bạc, giấy tuỳ thân của chủ nhà lại còn có đầy đủ giấy tờ xe và luôn cả chìa khóa. Vậy là em chỉ việc mở cửa, dắt xe, ung dung lên xe dong tuốt, chưa khi nào ăn hàng ngon bằng bữa ấy!”
Có lần, vui miệng, tôi hỏi Kim “Nếu có một ngày nào đó, Kim vào một ngôi nhà “ăn” hàng, ai dè phát hiện chủ nhà lại là tôi, Kim tính sao?” Hắn cười vui vẻ, đáp ngay khỏi suy nghĩ: “Em kêu anh dậy, anh em tụi mình đi nhậu!”
Tuy vậy, Điền Khắc Kim không được những tay giang hồ cộm cán mấy nể trọng.
Số tù hình sự nổi tiếng như Lâm Chín ngón, Chương khùng, Việt Parker, Hùng be... sau này kể tôi nghe chuyện tù thường phạm chém Trung sĩ Cách ở Chí Hoà, khiến những tay giang hồ nổi đình đám khi ấy đang bị nhốt tại đây đều được chuyển qua trại giam Gia Định. Vừa qua Gia Định, tên tù đang làm thư ký trại giam này, có vẻ nhơn nhơn tự đắc, hất mặt hỏi: “Tụi mày biết tao là ai không? Tao là Điền Khắc Kim đây!” Lâm Chín ngón liền “đại diện” cả bọn nhào tới, một tay chộp cổ Kim kẹp nách (Lâm to con, khoẻ, cao 1,70 m), tay kia nhanh nhẹn rút cây viết bi trong túi áo Kim, đâm vào đầu Kim. Viết bị đâm trúng chiếc sẹo ngang trán - chính là vết đạn Kim bị bọn cảnh sát bắn trúng trong một trận đấu súng - trợt ngang...
Những tay giang hồ này chê Kim không dám đâm chém, dưới trướng lại không có đệ tử, nên gọi hắn là “tướng cướp cô độc”.
Trong thời gian ở chung khu C trại 7 với tôi, tôi để ý thấy các đàn anh Huệ Râu, Lương già cũng chỉ đối xử với Kim như đàn em, và Kim đối với những tay này cũng không hé dám tỏ ra “trên cơ”, thậm chí ngang cơ bao giờ”.
Cả bọn trật tự coi khu, tuy phần nào nể Kim, nhưng rõ ràng chỉ coi hắn thuộc loại có số má, nhưng chưa phải đại ca gì ghê gớm lắm (như đối xử với cỡ Huệ Râu, và sau này là Lâm Chín ngón, Tuấn Đả, Khương đại).
Tiếc rằng thời gian Kim ở Côn Đảo không bao lâu, vì chỉ khoảng trên dưới một tháng sau hắn lại được đưa về đất liền để điều tra về một vụ án khác. Về sau nghe nói ở Côn Đảo về, Kim bị nhốt ở Vị Thanh, và đã vượt ngục tại đây...

1 nhận xét:

  1. Sài Gòn thời xưa có rất nhiều giang hồ, nhưng cũng có giang hồ vẫn còn chút tình như Kim

    Trả lờiXóa