Giang hồ Sài Gòn
Chương II
ái chết của Đại Cathay
Có lẽ không mấy ai không biết tiếng Đại Cathay, trùm du đãng nổi tiếng nhất trước 1975 (và mãi đến sau này), người đứng đầu trong “tứ đại giang hồ” (Đại, Tỳ, Cái, Thế).
Bị đày ra đảo Phú Quốc, Đại Cathay tìm cách vượt ngục vào rạng sáng ngày 9-1-1967, và được coi là mất tích luôn từ đó.
Sự thật Đại Cathay đã chết. Nhưng bao quanh cái chết của anh ta vẫn còn nhiều uẩn khúc và có lẽ mãi mãi bao trùm trong bí mật...
Có thể nói, một cách nào đó, cái chết của Đại Cathay cũng là một “huyền thoại” giống như nhiều huyền thoại xoay quanh cuộc đời của anh ta.
Từ sau khi Đại Cathay được coi là mất tích, đã có khá nhiều câu chuyện đồn đại với các tình tiết ly kỳ, hấp dẫn về “đoạn kết” của nhân vật này. Loại trừ các câu chuyện hoàn toàn không có đủ cơ sở để tin cậy như Đại Cathay đã trốn thoát khỏi đảo Phú Quốc sang Thái Lan “gác kiếm giang hồ” sống cuộc đời bình dị, hoặc Đại Cathay đã chỉ huy một cánh quân giải phóng tiến chiếm Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào 30-4-1975 và đã anh dũng hy sinh... ít nhất cũng có ba câu chuyện khác nhau với “đầy đủ chứng cứ” :
(l) Đại Cathay đã chết tại trường đua Phú Thọ trong dịp Tết Mậu Thân (1968),
(2) Đại Cathaybị Trần Tử Thanh, thiếu úy biệt kích ngụy, và tổ biệt kích của y giết theo lệnh Nguyễn Cao Kỳ,
và (3) bị quân du kích của Mặt trận Giải phóng miền Nam bắn chết tại khu vực núi Khu Tượng trên đảo Phú Quốc.
Nhưng, trước khi đi sâu vào các chi tiết “có thể tin được” nhờ các nhân chứng người thật việc thật qua các lời đồn đại trên, xin mời các bạn cùng chúng tôi lược qua tiểu sử của Đại Cathay và một số câu chuyện liên quan đến tay trùm du đãng nổi tiếng này.
Tại sao lại là “Đại Cathay” ?
Điểu tưởng như đơn giản nhất là họ tên thật, ngày tháng năm sinh và tên cha mẹ của Đại Cathay cũng đã gặp rắc rối: Lê Văn Đại, tức Nguyễn Văn Đại, tự Đỗ Minh Đức, tự Dũng, tự Đại Cathay. Năm sinh lúc thì 1944, khi thì 1940, lại có lần ghi 1941 hoặc 1945.
Cha Đại Cathay có ba tên: Nguyễn Văn Cự, Lê Văn Cự và Lê Văn Trự. Mẹ cũng có ba tên: Lê Thị Hưng, Lê Thị Hương và Lê Thị Duyên.
Việc này đã được Đại Cathay thú thật trong một lần bị Tổng nha Cảnh sát (ngụy) thẩm vấn:
“Riêng về năm sanh và tên cha mẹ, tôi tự ý khai để đánh lạc hướng trong cuộc xét hỏi của nhân viên công lực, mà hiện tôi không còn nhớ rõ” (trích lời khai trong lần bị bắt vào đêm 8-4-1964).
Dẫu sao, cũng có thể khẳng định Đại Cathay lúc nhỏ ở với cha mẹ tại chân Cầu Mống (quận l), sau chuyển qua đường Đỗ Thành Nhân (Khánh Hội, quận 1), theo học văn hóa đến năm 1954 thì nghỉ học vì cha mất, phải ở nhà phụ giúp mẹ buôn bán và làm... du đãng.
Cũng có người kể, vào khoảng năm 1950, vườn hoa bên cạnh Cầu Mống nối Sài Gòn với Khánh Hội khi đó có một vựa củi lớn đối diện với hội trường Diên Hồng (hiện là Sở Thương mại Thành phố). Bố mẹ của Đại Cathay làm nghề chẻ củi thuê cho vựa củi này.
Đại lúc ấy còn “nhóc tì” là một thằng bé hiền lành, ít nói, dẫu có tướng “ngầu”. Suốt ngày, Đại thơ thẩn chơi đùa bên phía hội trường Diên Hồng, vòng ra con đường sau lưng hội trường là đường Nguyên Công Trứ.
Ngay góc con đường này có một rạp hát và chiếu bóng không lấy gì làm sang trọng lắm có tên rạp Cathay. Tại đây, chú bé Đại kết thân với nhiều trẻ em bụi đời khác làm đủ thứ nghề như đánh giày, bán báo, bán kem... Lũ lối này đánh lộn như cơm bữa, mà thông thường Đại luôn đánh thắng kể cả những đứa lớn tuổi và lớn con hơn nhờ Đại vốn liều lĩnh, lì lợm, thêm có “năng khiếu” đánh lộn (!).
Gần rạp Cathay có khu Dân Sinh và bót cảnh sát quận 1. Bót này nổi tiếng dữ dằn với những ông đội xếp, mà thời ấy kêu là “mã tà” hoặc “phú lít” (police).
Gần như ngày nào đám trẻ con bụi đời cũng bị mã tà túm cổ về các tội đánh lộn, ăn cắp vặt, móc túi... và bị đánh đập ra trò. Đại cũng nhiều lần bị túm, dù không gầy án cũng bị đập để cảnh sát bắt khai ra đồng bọn. Lối lấy cung khủng khiếp nhất đối với bọn trẻ là bị bắt quì xuống, hả to họng để “mã tà” bỏ tọt một con gián còn sống nhăn vô. Con gián cuống cuống tìm đường thoát, chui theo cuống họng xuống, dãy dụa, cào cổ họng, bao tử làm chú nhóc ói đến mật xanh mật vàng. Qua những lần bị xử phạt như vậy Đại vẫn nhất định không khai gì và được thả, lại lang thang ra rạp xi-nê Cathay đánh lộn tiếp. Đám bụi đời nhóc tì ngưỡng mộ và phục Đại tính lì lợm hơn người, đặt biệt danh “Đại Cathay”.
Đúng là du đãng
Năm 1955, Ngô Đình Diệm thắng lực lượng Bình Xuyên của Bảy Viễn và các giáo phái chống đối ông ta ở miền Tây. Thành phố Sài Gòn, khi ấy là thủ đô Việt Nam Cộng hòa, cũng được chỉnh trang lại phần nào để mang bộ mặt mới. Vựa củi bên cạnh Cầu Mống bị dẹp để biến thành công viên. Bố mẹ Đại mất việc làm, dời nhà sang bên kia sông, ngụ tại con hẻm hãng phân Khánh Hội. Con nít, trẻ nhỏ ở bên đó thuộc khu bến tàu cũng chẳng vừa gì, vì ảnh hưởng của đời sống chính cha mẹ chúng và những người lớn ưa nhậu nhẹt thường xuyên gây lộn. Đại Cathay xông vô “trận địa mới” ngay và cũng thường xuyên thắng.
Đã có chút “máu mặt”, Đại Cathay kéo rốc đám anh em bụi đời đó sang khu Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh, họp lại làm ăn. Chỉ sau một thời gian ngắn, gây vài vụ án, tiếng tăm Đại Cathay nổi như cồn, làm lu mờ dần những tay anh chị du đãng khét tiếng hồi đó.
Cũng vì du đãng, tính đến khi mất tích, Đại Cathay bị bắt tổng cộng 10 lần (không tính những lần còn là chú nhóc), trong đó có ba lần bị đưa ra tòa xử. Nói chính xác hơn, trừ lần đầu, ngày 30-11-1959, Đại Cathay bị bắt giải Tòa sơ thẩm Sài Gòn xử hai tháng tù ở tội danh “oa trữ giấy cầm đồng hồ đeo tay”, cả 9 lần sau đó Đại Cathay đều bị bắt về các tội danh “du đãng, bênh bạn chém quân nhân bị thương tích ở khu Dân Sinh” (bị bắt ngày 8-5-61, Tòa sơ thẩm Sài Gòn xử 5 tháng tù ở), “đầu sỏ du đãng” (bị bắt giải Tòa sơ thẩm Sài Gòn ngày 7-11-61, được miễn tố), “du đãng, cố ý đả thương nhân viên công lực trong lúc hành sự” (bị Cảnh sát quận 2 bắt ngày 1-3-62, giam cứu số 4268, trả tự do ngày 21-4-62), “du đãng đặc biệt” (Cảnh sát Đô thành bắt ngày 26-6-1965), v.v...
Nên có thể nói, Đại Cathay đúng là du đãng, chớ không phải ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp như nhiều tội phạm hình sự khác.
Cụ thể và chi li hơn, có thêm một lần Đại Cathay bị bắt không hẳn vì tội danh du đãng: Lúc 9 giờ đêm 13-6-1962, nhà hàng Vạn Lộc ở số 32 đường Trần Hưng Đạo bị ném lựu đạn. Cảnh sát (ngụy) bắt 3 tên Thạch Linh, Thạch Minh và Đỗ Trí Dũng để điều tra. Những tên này khai và Đại Cathay bị bắt ngày 20-6-1962 - đúng một tuần sau. Nhưng cuộc điều tra “không đem lại kết quả” và gần ba tháng sau, Đại Cathay được thả tự do, cụ thể vào ngày 12-9-62.
Xin trích lại một phúc trình của nhân viên Ban 4 phòng Hình cảnh gởi lên chủ sự phòng nói về Đại Cathay:
“... Chúng tôi đã mật điều tra trong vùng Đô thành và ghi nhận những tin tức về Đại Cathay như sau: tên Đại Cathay đã sống không nghề nghiệp từ lúc 19 tuổi, y đã kết hợp một số thanh niên cùng tình trạng tổ chức những vụ đánh chém lộn khắp vùng Sài Gòn Chợ Lớn, y đã hai lần tổ chức chém người tại khu Dân Sinh (Q2) và tại Chợ Lớn. Ngoài ra y cũng đã bị chém một lần tại đường Lê Lai. Đặc biệt, số người bị đánh chém cũng như đã chém y đều thuộc thành phần lưu manh, du đãng...”.
(Phúc trình ngày 15-1-1966 do Lý Văn Vàng, Võ Minh Nhựt ký tên, bên cạnh có Phó Cảnh sát trưởng Trần Văn Ơn xác nhận).
Ngoài những điểm gan lì, “chịu chơi”, Đại Cathay còn chơi rất đẹp không chỉ với dân chơi mà còn với bạn bè, nên chẳng bao lâu đã nổi lên thành “nhân vật du đãng số một” thời Mỹ ngụy.
Xin kể một trong những chuyện “chơi đẹp” của Đại Cathay:
Viên “tướng râu kẽm” Nguyễn Cao Kỳ lúc ấy cố chứng tỏ ông ta muốn chấn hưng đạo đức, lành mạnh hóa xã hội nên ra lệnh thành lập “Trung tâm Bài trừ Du đãng” nằm gần cầu Bình Triệu, là một khu đất rộng có thể xây cất nhiều dãy nhà làm phòng giam. Đại úy Trần Kim Chi được cử làm giám đốc, đương nhiên dưới quyền điều khiển của Tổng nha Cảnh sát khi đó do Nguyễn Ngọc Loan nắm quyền tối cao.
Một buổi chiều, nhà văn Nguyễn Thụy Long (khi đó làm phóng viên cho một nhật báo) được mời đến Trung tâm. Đại úy Chi cho Thụy Long biết vừa bắt được mấy tay đàn em của Đại Cathay. Và cũng liền đó, ông ta nhận được giấy mời của Đại Cathay đến nhà hàng Paramouth dự tiệc vào tối hôm đó.
Biết Thụy Long vốn quen biết Đại Cathay từ trước, Đại úy Chi mời Thụy Long đi cùng.
Theo lời Thụy Long kể, 7 giờ tối hôm đó, hai người cùng nhau đến nhà hàng. Xe hơi vừa dừng lại trước cửa Paramouth, Đại Cathay thân hành ra tận cửa đón khách. Anh ta có dáng người vừa tầm, ăn mặc nhũn nhặn, áo sơ-mi trắng bỏ trong quần màu sẫm, tóc hớt ngắn, đeo kính gọng bạc. Trông Đại Cathay hiền lành như một thư sinh chớ không phải một tay anh chị khét tiếng, đã thế còn ăn nói rất lịch sự.
Đại Cathay hướng dẫn khách lên tầng trên của nhà hàng sang trọng, mờ ảo trong ánh đèn màu. Rượu sâm-banh, những món ăn ngon lành, thịnh soạn được dọn ra, nhưng nhà hàng sao lại vắng hoe ngoại trừ bàn tiệc mà Đại Cathay đãi khách? Đại Cathay thân mật rót rượu mời nhập tiệc và nhỏ nhẹ giải thích rằng tối nay nhà hàng dành riêng để phục vụ khách của anh ta, không một ai khác được lai vãng: Anh ta đã “mua” nhà hàng trọn đêm.
Trong bữa tiệc, Đại Cathay ngỏ lời với Đại úy Chi xin thả mấy tay đàn em vừa mới bị Trung tâm bắt giữ, Đại Cathay sẽ không quên ơn Đại úy. Thỏa thuận không đi đến kết quả, tuy nhiên Đại Cathay vẫn giữ vẻ lịch sự, nâng ly mời:
- Chuyện không thành thì thôi, nhưng đêm nay mình cứ vui đã, các vị là khách chúng tôi mời. Xong tiệc ở đâỵ, quí vị có thể tiếp tục cùng chúng tôi vui tiếp ở một nơi khác. Thưa Đại úy, cuộc đời này mình chẳng thể nói trước được điều gì!
Và Đại Cathay đã được cảnh sát ngụy đối xử rất đặc biệt. Xin dẫn chứng: Ngày 8-4-1964, lúc 22 giờ 15, Ban Bài trừ Du đãng thuộc Tổng nha Cảnh sát bắt Đại Cathay tại xã Phú Nhuận , giải giao đến Tổng nha ngày 10-4-64. Đến 11 giờ ngày 25-5-64, ủy ban An ninh nội bộ Tổng nha Cảnh sát nhóm họp tại văn phòng Trung tá phụ trách khối cảnh sát đặc biệt để “cứu xét những can phạm mới khai thác xong để trình Trung tá Tổng Giám đốc Cảnh sát quốc gia quyết định”.
Chỉ riêng việc Đại Cathay được ủy ban An ninh Tổng nha Cảnh sát Quốc gia họp để cứu xét chung với “can phạm Việt Cộng” cũng đủ biết anh ta được chính quyền cũ “ưu ái” biết dường nào!
Cuối cùng, sau khi nhận thấy không thể “cải tạo” nổi Đại Cathay, Tổng nha Cảnh sát Quốc gia quyết định đưa anh ta ra “an trí” tại đảo Phú Quốc vào ngày 28-11-1966.
Trại Cửu Sừng
Khác với đảo Côn Lôn (sau được đổi thành Côn Sơn và hiện nay là Côn Đảo), thời Pháp thuộc đảo Phú Quốc chưa hề có trại giam. Thời Ngô Đình Diệm cũng vậy. Mãi đến “đệ nhị cộng hòa” của Nguyễn Văn Thiệu, Phú Quốc mới hình thành hai trại giam, một dành cho tù binh (tức là số bộ đội miền Bắc vô chiến đấu và bị bắt tại miền Nam), một dành cho “dân chơi” và số tù chính trị quốc gia (chỉ số chống đối chế độ Sài Gòn khi ấy nhưng không liên quan gì với Mặt trận Giải phóng miền Nam - hầu hết là số người can dự vào cuộc chống đối Thiệu ở miền Trung do bác sĩ Mẫn cầm đầu).
“Dân chơi” được đưa ra Phú Quốc lúc đó chỉ khoảng vài chục người, toàn thuộc loại du đãng, chém lộn có nhiều thành tích “có vằn có vện” (không phải cướp của giết người, cũng không được đưa ra tòa xét xử) như Hải Phòng Kin, Sú Hùng, Lâm Chín ngón, Bảy Xi, Hải Súng, Quảy Thầu Hao, Hắc Quảy Chảy, Đực Bà Tiểu, Thanh Tưa, Lắm Mổ bụng, Hùng Mỏ chuột, Hòa Áo thun... Và đương nhiên, trong số đó có Đại Cathay.
Trại giam thứ hai này được xây cất vội vàng theo kiểu dã chiến, gần ngay sân bay thuộc thị trấn Dương Đông - và do đó cũng không mấy xa bãi biển (không phải trại giam tù binh do Mỹ xây dựng, nằm trên đường đi từ Dương Đông đến An Thới, cách thị trấn Dương Đông đến hơn 20 km). Vội vàng đến nổi trại giam chưa kịp đặt tên ngoài một danh từ khá hoa mỹ sử dụng trên giấy tờ: “Trại hướng nghiệp Phú Quốc”.
Số can phạm mới chuyện từ đất liền tới trại, buồn tình không biết làm gì, cả ngày dài cổ giải trí bằng bộ bài mạt chược. Đánh bài mãi cũng đâm chán, đến một lúc nào đó, bác sĩ Mẫn cao hứng tuyên bố:
- Tụi nó không đặt tên cho trại này thì chúng ta phải đặt tên mới được!
Cả bọn nhao nhao đồng ý. Sau một hồi bàn tán, ai nấy nhất trí sẽ xáo bộ bài và để một người làm “đại diện” rút một cây bài. Tên cây bài này sẽ là tên trại. Đại Cathay được hân hạnh đề cử làm người rút cây bài ấy. Và Đại Cathay đã rút trúng con bài cửu sừng.
Trại Cửu Sừng từ đó thay cho tên “Trại hướng nghiệp Phú Quốc” (thật ra trại đâu có dạy cho ai nghề gì - chẳng có người dạy, cũng chẳng có xưởng trại, máy móc... chi ráo lấy gì mà “hướng nghiệp” ?).
Chiếc áo lạnh dát vàng (?)
Theo lời kể của một trung úy cảnh sát dã chiến có nhiệm vụ canh gác trại Cửu Sừng thì:
“Trong một chuyến thăm nuôi, tôi thấy trong đám thân nhân những người tù có thân nhân của Đại Cathay. Đó là vợ ba của Đại, khá xinh đẹp, nghe đâu thuộc gia đình tử tế và bản thân chị ta là người học thức. Trong những món đồ thăm nuôi hậu hĩnh, có một chiếc áo blouson. Chiếc áo màu đen, sau lưng thêu bản đồ Việt Nam chia đôi. Nửa trên phía Bắc thêu chỉ đỏ, phía miền Nam thêu chỉ vàng và hai chữ Việt Nam thêu to tướng trên vai lưng áo. Loại áo này bán rất nhiều ở đường Lê Thánh Tôn, Sài Gòn khi đó, dành cho lính Mỹ mang về nước làm kỷ niệm. Thật ra chiếc áo này chẳng ấm áp gì, những đường may lại vụng về, xấu xí. Khi khám xét đồ thăm nuôi, tôi nhấc chiếc áo đó lên xem xét. Chiếc áo nặng trịch, ngoài sức tưởng tượng! Lần vào lưng áo, tôi biết có những thỏi gì đó như những thỏi kim loại nhưng mềm. Tôi toan lên tiếng thì một vị sếp của tôi lừ mắt ra hiệu tôi trả lại áo cho Đại Cathay. Tôi không còn cách nào khác là đưa chiếc áo cho Đại Cathay ôm trở về trại”.
“Điều bất ngờ nhất là chỉ một ngày sau, vào buổi tối, Đại Cathay đã trốn thoát khỏi trại cùng với một đàn em thân tín. Theo lời kể lại của lính gác thì Đại Cathay khi trốn đi đã mặc quần áo hải quân cùng với một số binh sĩ vừa lính vừa sĩ quan. Họ được hộ tống ra bãi biển dùng ca-nô chạy ra một chiếc tàu hải quân đậu sẵn ngoài khơi”.
Phẩn cuối lời kể của viên trung úy cảnh sát dã chiến gần đúng với nội dung công điện hỏa tốc được gởi từ “Trại hướng nghiệp Phú Quốc” về Tổng nha Cảnh sát Quốc gia...
Sự thực về chuyện vượt ngục của Đại Cathay
Tuy nhiên, lời kể của viên trung úy cảnh sát dã chiến cũng như nội dung công điện hỏa tốc trên đều chỉ đúng ở phần đầu.
Chúng tôi đã trực tiếp gặp một số đàn em của Đại Cathay liên quan mật thiết đến chuyện vượt ngục này, và qua phối kiểm các nguồn tin thu được, xin dựng lại câu chuyện như sau:
Sau khi nhận được “chiếc áo lạnh dát vàng”, Đại Cathay tỏ ra rất phấn khởi, bàn bạc với số đàn em thân tín, tính chuyện vượt ngục. Đại Cathay cho biết, anh ta đã mua chuộc được một số người trong Ban Quản đốc “Trại hướng nghiệp Phú Quốc” (gồm Đại úy Nghĩa, Trung úy Long, Trung úy Tảo), đồng thời liên hệ được với một tàu hải quân. Tất cả đều sẵn sàng để Đại Cathay vượt ngục cùng với một vài tay đàn em thân tín và giúp họ trốn qua Thái Lan. Gần một chục tay đàn em xin đi theo Đại Cathay gồm Hải Súng, Lâm Chín ngón, Xì kíp, Hùng Mỏ chuột, Lắm Mổ bụng... Nhưng Hải Súng tham mưu:
- Thằng Lâm (Chín ngón) lóc chóc, để nó đi theo là bể chuyện.
Kẹt nỗi Lâm Chín ngón lại là cánh tay đắc lực thân cận của Đại Cathay và rất được Đại Cathay thương yêu. Suy nghĩ mãi đến gần nữa đêm, Đại Cathay bảo Lâm Chín ngón:
- Tao nghe nói mày còn chơi xì ke phải không? Bỏ đi. Chơi thứ đó hại người lắm. Mày phải nghe lời tao!
- Dạ... Nhưng bỏ gay quá.
- Tao cho mày chích lần này là lần chót!
Vừa nói, Đại Cathay vừa kêu đàn em chích vào mạch máu ở cánh tay Lâm Chín ngón một liều ma túy gấp đôi liều bình thường. Liều thuốc này do chính Hải Súng pha chế, lại thêm cả một số “chất xúc tác” để tăng ép-phê. Kết quả Lâm Chín ngón “phê”, ngủ say như chết.
Giờ “G” vượt ngục đã đến. Đại Cathay và 5 tên đàn em lặng lẽ chui qua hàng rào trại giam. Đêm hôm ấy trời tạnh ráo, nhưng ánh sáng lập lòe của những vì sao không đủ soi tỏ cảnh vật. Bỗng có tiếng quát lớn:
- Ai đấy?
Tiếp theo là tiếng súng bắn báo động liên hồi và hỏa châu vụt tỏa sáng trên bầu trời. Thì ra do giờ giấc hợp đồng không chặt chẽ, Đại Cathay và bọn đàn em bò ra hàng rào trại giam không đúng ca trực của tốp lính gác đã bị mua chuộc.
Cũng có nguồn tin cho rằng không phải nhiều dân chơi xin vượt ngục theo Đại Cathay, mà thực ra Đại Cathay phân công nhiều người cùng đi theo, để phòng khi gặp chuyện sẽ “tung hỏa mù” giúp Đại Cathay dễ bề trốn thoát. Dù hiểu theo cách nào, đạn vẫn tiếp tục nổ, hỏa châu tiếp tục nối đuôi nhau soi sáng khu trại giam như ban ngày, nhưng không còn cách nào khác vì đã lỡ “phóng lao”, bọn vượt ngục cứ thế liều chết phóng chạy. Xì kíp, Hùng Mỏ chuột... bị bắt. Chỉ còn Đại Cathay và Hải Súng chạy thoát. Tuy nhiên họ không dám chạy về phía bãi biển để ra tàu hải quân như kế hoạch vạch sẵn, mà lao bừa theo hướng ngược lại: chui vô rừng, lần lên phía Bắc đảo...
Đến đây, trước khi viết tiếp về chuyện vượt ngục của Đại Cathay, chúng tôi thấy nên nhắc lại một số “huyền thoại” của nhân vật này để bạn đọc tiện theo dõi...
“Mặc cả” giữa Đại Cathay và Tổng nha Cảnh sát
Đại Cathay đang trong lứa tuổi phải đi quân dịch, nhưng anh ta vẫn “phây phây” khoác đồ xi-vin ngông nghênh trên đường phố giữa Sài Gòn. Một viên tướng, vốn có cảm tình với Đại Cathay - và có lẽ phần nào cũng muốn “chơi trội” - nhắn gặp Đại Cathay, thân mật khuyên:
- Để khỏi phải động viên, anh chịu phiền làm gạc-đờ-co (cận vệ) cho tôi là xong chuyện!
Đại Cathay cười cười đáp lại rất thiệt tình:
- Tôi đi đâu cũng có hàng chục “gạc-đờ-co” nay lại làm “gạc-đờ-co” cho ngài, không lẽ bỏ mấy thằng “gạc-đờ-co” của tôi thất nghiệp?
Nghe kể, có một lần giới “dân chơi” xôn xao vì tin Nguyễn Ngọc Loan thừa lệnh Nguyễn Cao Kỳ chính thức mời Đại Cathay “đàm phán” để giải quyết nhằm triệt tận gốc rễ nạn du đãng tại Sài Gòn - Gia Định.
Để gây ấn tượng cho buổi đàm phán này, Đại Cathay đến điểm họp với tiền hô hậu ủng chưa từng có trong lịch sử giang hồ miền Nam: Bữa ấy Đại Cathay chễm chệ trên chiếc Chevrolet gắn máy lạnh do Tư Gáo cầm lái - nên nhớ xe hơi có gắn máy lạnh khoảng giữa thập niên 1960 của cả Sài Gòn có thể đếm trên đầu ngón tay (xe này Đại Cathay mua lại của bà Bút Trà). Cặp theo Chevrolet là hơn chục chiếc Honda 67 đen bóng, xoáy nòng chở đôi theo bảo vệ cho “đại ca”.
Cuộc đàm phán diễn ra trong vòng bí mật, tuy nhiên sau đó nội dung vẫn bị rõ rỉ, đồn đại ra giới giang hồ. Theo đó, Nguyễn Ngọc Loan, có Mã Sâm Nhơn phụ tá, yêu cầu Đại Cathay từ giã cuộc đời du đãng, tuyên bố giải tán các băng, đảng dưới trướng. Tất cả anh em hoàn lương bảo đảm không ai bị làm khó dễ, còn được tạo điều kiện làm ăn. Ngược lại, kẻ nào trái lệnh, tiếp tục gây ân oán, Đại Cathay có nhiệm vụ “triệt”. Bù lại, Đại Cathay được đặc cách làm thư ký cho Nguyễn Ngọc Loan, với cấp bậc tương đương biên tập viên hoặc thẩm sát viên.
Cũng theo tin đốn, Đại Cathay ra giá “mặc cả” chỉ đồng ý đề nghị trên với hai điều kiện: Một là, phải để lại Cảng Sài Gòn cho giới giang hồ có đất làm ăn, hai là anh em dân chơi được quyền “bảo kê” các sòng bài.
Cuộc “đàm phán” giằng co mãi, nhiều tỉ lệ ăn chia được đặt ra, nhưng không đi đến thống nhất.
Lại có tin đồn (toàn là tin đồn!) Đại Cathay được đề nghị giữ chức Trưởng ty Cảnh sát quận 9 (tức vùng Thủ Thiêm). Đổi lại, Đại Cathay phải lập công bằng cách bắt gọn bọn đàn em. Việc này Đại Cathay từ chối thẳng thừng: “Tôi vốn là thằng du đãng, không thể nào bán đứng bạn bè, cũng là du đãng như tôi!”
Dù thế nào, rốt cuộc “đàm phán” cũng không thành. Trung tâm Bài trừ Du đãng được thành lập.
Nhiểu “kẻ biết chuyện” còn kể thêm, sau cuộc “đàm phán” bất thành với Đại Cathay, Tổng nha Cảnh sát Quốc gia khi ấy chuyển qua “đàm phán” với một trùm du đãng khác khá nổi danh trong giới người Hoa: Tín Mã Nàm. Kẻ đứng làm trung gian cho cuộc “đàm phán” sau này là Trung tá Trụ, Trưởng ty Cảnh sát quận 5. Tín Mã Nàm đã đồng ý “chiêu hồi”, chỉ cho cảnh sát bắt vô số dân chơi người Hoa đẩy ra trại Cửu Sừng, Phú Quốc như Hải Phòng Kin, Sú Hùng, Cọp Chảy, Quảy Thầu Hao, Hắc Quảy Chảy... Nhờ vậy, Tín Mã Nàm được trọng dụng, dựa vào thế lực của cảnh sát để tác yêu tác quái một thời. Nhưng “thiên bất dung gian” Tín Mã Nàm đã chết trong bệnh tật, khổ sở vì thiếu xì ke.
Còn Đại Cathay, vốn đã nổi danh lại càng lừng lẫy sau vụ “đàm phán” được thổi phồng lên rằng anh ta đã cương quyết không bán đứng giới giang hồ để mua chiếc lon thiếu tá cảnh sát, còn dám công khai bảo vệ dân chơi trước mặt viên tướng chỉ huy trưởng Tổng nha Cảnh sát Quốc gia. Nghĩa khí này quả là đáng nể phục, xứng đáng làm đại ca của những đại ca. Tham vọng của Đại Cathay bắt đầu nổi lên. Anh ta tuyên bố với bọn đàn em rằng muốn trở thành một nhân vật như Bảy Viễn thời thực dân Pháp còn tạm chiếm, thành một ông “vua” trong kinh doanh bất cứ thứ gì ngoài vòng pháp luật: đĩ điếm, ma túy, bài bạc...
Nhưng phàm ở đời, những kẻ không biết tự lượng sức mình, không biết đâu là điểm dừng rất dễ bị diệt vong - hoặc theo nghĩa bóng, hoặc theo nghĩa đen.
Đến đây, chúng tôi xin trở lại lý giải từng câu chuyện đồn thổi về đoạn kết của Đại Cathay.
Đại Cathay “chỉ huy” cánh quân cách mạng dịp Tết Mậu Thân?
Khá nhiều nhật báo xuất bản tại Sài Gòn vào thời điểm ấy đã loan tin “giật gân sốt dẻo” trên sau đợt tổng tấn công của Mặt trận Giải phóng miền Nam năm 1968.
Tin cho rằng Đại Cathay đã “chỉ huy một cánh quân Việt Cộng tấn công vào hướng tây bắc Sài Gòn và bị bắn hạ trước trại nhảy dù Hoàng Hoa Thám, gần Ngã tư Bảy Hiền.”
Có báo còn thêm tình tiết để bạn đọc có thể tin được như “người ta tìm thấy trong xác chết một hộp quẹt Zippo có khắc tên Trần Đại ở nắp, một cuốn nhật ký viết về tiểu sử đời một tay du đãng, tự nhận mình là nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết viết về xã hội đen của một tác giả nổi tiếng xuất bản ở Sài Gòn...”.
Nguyễn Thụy Long (tác giả tiểu thuyết Loan mắt nhung, được cho là viết về Đại Cathay) khi đó đang là phóng viên một tờ nhật báo ở Sài Gòn, vừa nghe tin trên vội xách máy ảnh chạy thẳng lên ngã tư Bảy Hiển hỏi thăm bà con tại chỗ, tìm khắp khu vực quanh trại nhảy dù Hoàng Hoa Thám song chẳng tìm thấy bất cứ chi tiết nào xác nhận nguồn tin ban đầu trên. Xác Đại Cathay không có, hộp quẹt Zippo cũng không, quyển nhật ký cũng không nốt.
Thụy Long bèn lần mò hỏi các giới chức có thẩm quyền chỉ huy trận đánh tại đây (về phía Mỹ, ngụy), họ trả lời tất cả xác chết của chiến binh Mặt trận Giải phóng miền Nam đều đã được đem chôn tập thể ở đâu đó.
Riêng Đại úy Trần Bá Ngôn khẳng định: “Tôi biết chắc đó là Đại Cathay vì hồi còn mang lon thiếu úy, tôi đã có lần đánh nhau tay đôi với anh ta và đã thấy anh ta dùng chiếc hộp quẹt Zippo này. Xác Đại Cathy đã được chôn chung với các xác chết khác”. Tuy nhiên khi Thụy Long hỏi thêm chôn ở đâu thì ông ta... tắc tị.
Về chiếc hộp quẹt Zippo và cuốn nhật ký, Đại úy Ngôn kể:
“Có một lính nhảy dù vốn là đàn em của Đại Cathay đã cất giữ những thứ này làm vật kỷ niệm”.
Thụy Long hỏi anh lính nhảy dù này là ai, họ tên ra sao, thuộc đơn vị cụ thể nào, Đại úy Ngôn đều không thể nào trả lời được.
Thụy Long dò hỏi thêm nhiều nhà báo, phóng viên, nhiếp ảnh... ở Sài Gòn hồi đó, nhưng không một ai ghi nhận thêm tình tiết nào khác, cũng không ai chụp được một pô ảnh nào khả dĩ chứng thực nguồn tin trên.
Nhằm chứng minh cho việc Đại Cathay đi theo Mặt trận Giải phóng miền Nam, có thêm tin đồn một trung tướng trong chính quyền Thiệu, do rất có cảm tình với Đại Cathay, đã đứng ra tổ chức chuyện vượt ngục cho Đại Cathay. Đại Cathay đã trốn thoát khỏi đảo, trở về đất liền. Nhưng khi tàu chở Đại Cathay vừa tới Cà Mau thì gặp quân du kích của Mặt trận Giải phóng miền Nam tấn công. Rốt cuộc lính tráng trên tàu lớp tử thương, lớp đầu hàng tình nguyện đi theo quân giải phóng - trong số này có Đại Cathay.
Tin đồn trên là hoàn toàn vô căn cứ, vì như chúng tôi đã tường thuật rõ ở phần trước: Đại Cathay vượt ngục nhưng chưa hề trốn thoát khỏi đảo Phú Quốc.
Vì vậy, nguồn tin Đại Cathay chỉ huy một cánh quân Mặt trận Giải phóng miền Nam tấn công vào hướng Tây Sài Gòn và bị bắn hạ trước trại nhảy dù Hoàng Hoa Thám, theo chúng tôi chỉ là một tin vịt, như vô số nguồn tin vịt khác thường có trên báo chí khi ấy.
Trần Tử Thanh giết chết Đại Cathay?
Trần Tử Thanh lúc ấy đeo lon thiếu úy biệt kích dù, tính khá bốc phét, nhất là khi khoe thành tích của mình, kể cả những thành tích mà nếu có đúng 100% cũng không ai khoe. Thí dụ Thanh khoe chính hắn đã “chơi” Chu Tử tức Chu Văn Bình (khi đó là chủ bút báo Sóng thần), và cũng chính hắn đã “mần” Thượng tọa Thích Thiện Minh.
Đặc biệt, khi đã có chút hơi men, Thanh ba hoa đủ thứ chuyện, khó mà tin được trong lời kể của hắn sự thực chiếm bao nhiêu phần trăm. Có điều, câu chuyện kể về Đại Cathay của Trần Tử Thanh được coi là “có đầu có đũa”, hơn nữa, theo lời kể, hắn là nhân vật chính, là “người hùng” trong câu chuyện. Xin nhường lời cho tay thiếu úy biệt kích dù này:
“Bữa ấy moa đang ngồi ở một quán cà-phê quen thuộc nằm trên đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng). Bỗng một tay cảnh sát chìm quen mặt đến gần nói nhỏ với moa: “Thưa Thiếu úy, có lệnh của ông Tướng gọi gấp”. Ông Tướng theo tụi moa hiểu ngâm với nhau là Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan tức Sáu Lèo, giám đốc Tổng nha Cảnh sát Quốc gia. Biết có chuyện tối quan trọng, moa rời quán cà-phê ngay. Tại Tổng nha, moa gặp đủ mấy đứa trong nhóm của moa. Tụi moa được lệnh lên đường ngay để thi hành một nhiệm vụ đặc biệt.
Nghề biệt kích là vậy. Đã quen với những nhiệm vụ loại này nên bọn moa chẳng đứa nào thắc mắc. Tất nhiên không thể có thời gian trở về nhà nói lời từ biệt với người thân, bọn moa được đưa thẳng ra phi trường. Trực thăng đã chờ sẵn bốc bọn moa lên ngay. Khi trực thăng đã lơ lửng giữa bầu trời, bọn moa mới được phát mỗi thằng một bọc đồ. Với kinh nghiệm sẵn có, bọn moa vội mở ra, trong đó thế nào cũng có một gói nhỏ đựng tiền. Nhìn tiền là mình biết ngay sẽ được thả xuống đâu. Nếu là tiền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chắc ăn là sẽ nhảy dù xuống miền Bắc. Nếu là tiền ria ắt phải xuống đất Căm-bốt. Còn nếu tiền Việt Nam Cộng hòa thì yên trí chỉ lòng vòng ở miền Nam. Nhưng lần này, vừa mở gói đồ, moa biết ngay mình khỏi phải đi đâu xa: Trong đó là một bộ bà ba đen, đôi dép râu và chiếc nón tai bèo. Như vậy chắc như bắp là bọn moa phải hóa trang làm “Việt Cộng”, có điều chưa biết nơi mình đáp xuống.
Thế rồi trực thăng lướt trên mặt biển mênh mông. Tay sĩ quan trên trực thăng lúc này mới lên tiếng dặn dò:
- Các anh được lệnh giả làm Việt Cộng. Súng AK đây. Nhiệm vụ lần này không lấy gì làm nguy hiểm, nhưng phải thực hiện thành công và khôn khéo. Theo báo cáo chính thức của cảnh sát Phú Quốc, Đại Cathay và đồng bọn mới vượt ngục tối qua. Ta bắt lại gần hết, chỉ hai đứa trong đó có Đại Cathay trốn thoát, chúng đã chạy vô rừng mất dạng. Trực thăng sẽ đổ các anh xuống bìa rừng, để các anh vô rừng truy lùng hai tên này bắn chết chúng. Nhớ phải giữ bí mật, làm sao cho mọi người không ai biết ông tướng hạ lệnh thủ tiêu Đại Cathay) không ai biết chúng ta giết tay trùm du đãng này nghe!
Biết những chuyện công tác kiểu này có hỏi thêm cũng vô ích, bọn moa lặng lẽ thay đồ biệt kích bằng quần áo bà ba đen, dép râu. Tay sĩ quan dặn thêm:
- Làm sao cho mọi người đều hiểu Việt Cộng giết Đại Cathay là tốt nhứt nên các anh mới phải hóa trang. Nếu lộ thì phiền phức lắm đó!
“Phiền” nghĩa là gì, moa thừa biết. Sau mấy ngày luồn rừng lội suối, bọn moa phát hiện Đại Cathay cùng tên đồng bọn của hắn tại chân núi Khu Tượng. Chẳng lôi thôi gì, moa “phơ” luôn.
Hà hà... nào ai ngờ Đại Cathay danh tiếng lừng lẫy một thời lại dễ dàng gục ngã trước mũi súng của moa!”.
Câu chuyện do Trần Tử Thanh vừa kể, theo như nhận định của chúng tôi ngay từ ban đầu, khó có thể tin vì thiếu rất nhiều tình tiết cụ thể. Rất tiếc, chúng tôi không có điều kiện gặp trực tiếp Trần Tử Thanh để hỏi thêm anh ta đã bắn Đại Cathay mấy phát đạn, đạn trúng vô đâu? Đại Cathay có phản ứng gì không? Làm cách nào anh ta nhận diện, biết chắc đó là Đại Cathay? Giết xong Đại Cathay anh ta lấy gì làm bằng chứng để báo cáo lại với thượng cấp? Ai đã chôn cất, dựng bia mộ cho Đại Cathay? Cùng tổ biệt kích với Trần Tử Thanh còn có những ai, mấy người, tên gì? Bắn chết Đại Cathay xong, làm cách nào anh ta trở lại Sài Gòn? Nguyễn Ngọc Loan có ý kiến gì khi được báo cáo lại tình hình? v.v... và v.v...
Và, nếu đúng vậy, tại sao Tổng nha Cảnh sát Quốc gia lại ra “báo cáo tầm nã” (giống lệnh truy nã hiện nay) đối với Đại Cathay và Hải Súng?
Tuy nhiên, cũng phải đặt câu hỏi ngược lại: làm cách nào Trần Tử Thanh biết được chính xác Đại Cathay chết ở chân núi Khu Tượng?
Dẫu sao, không thể phủ nhận nỗi bực bội - nếu không nói là căm ghét - của Nguyễn Ngọc Loan và một số tướng tá khác đối với Đại Cathay.
Lời kể của Hòa Áo thun.
Hòa Áo thun là dân chơi thuộc loại đàn em của Đại Cathay bị đưa ra trại Cửu Sừng cùng lúc với “đại ca”. Anh ta tên thật là Hòa, mang biệt danh trên vì trên người có xâm hình một chiếc áo thun ba lỗ màu chàm đậm, khiến thoạt nhìn tưởng như lúc nào anh ta cũng khoác áo thun trên người, dù thực ra đang ở trần cùi cụi.
Sau khi Đại Cathay và Hải Súng vượt ngục Cửu Sừng được một thời gian, Hòa áo thun cũng trốn trại nhân khi ra ngoài làm khổ sai. Nhưng ít tuần sau, khi quân ngụy mở cuộc hành quân lên mạn Bắc Đảo, Hòa Áo thun lớ ngớ bị bắt trở lại.
Và sau đấy là lời kể của Hòa Áo thun:
“Tại Bắc Đảo có lực lượng khá đông anh em du kích của Mặt trận Giải phóng miền Nam. Lúc tôi đi lạc vô căn cứ, anh em hỏi thăm, biết tôi là tù hình sự đào thoát, đối đãi rất tử tế. Anh em cho tôi một bịch gạo, một cần câu để câu cá, tự kiếm lấy thức ăn. Lúc quân đội (ngụy) hành quân, lực lượng du kích quen thuộc đường đi nước bước, lần đi đâu hết trơn. Còn mình tôi chẳng biết trốn vô ngóc ngách nào, đành để bị bắt”.
Riêng tin liên quan Đại Cathay, Hòa Áo thun cho biết:
“Khoảng giữa đường từ thị trấn Dương Đông lên Bắc Đảo có một ngọn núi có tên núi Khu Tượng. Ngay tại đây có hai ngôi mộ mới đắp đất có bia mộ mang tên Lê Văn Đại và Võ Văn Hải. Bà con ở khu vực này đồn rằng Đại Cathay và Hải Súng đã bị anh em du kích bắn chết vì chống lại cách mạng. Họ còn đồn đại về chuyện Đại Cathay đánh lộn với “Việt Cộng” hồi anh ta bị giam ở khám lớn Chí Hòa”.
Vụ ẩu đã diễn ra liên tục hai ngày hai đêm giữa tù chính trị và tù thường phạm tại khám Chí Hòa với hàng ngàn người tham gia vào giữa năm 1966 có thể nói đã đi vào “lịch sử trại giam”. Khi tôi được chuyển từ Tổng nha Cảnh sát Quốc gia sang Chí Hòa (tháng 6-1966), vụ việc đã chấm dứt hơn một tháng, nhưng dư âm vẫn còn sôi động. Kế đó, tôi lại bị đưa từ khu FG (khu giam tù chính trị) sang khu ED, thoạt đầu ở phòng 1E3, sau chuyển sang 3D (nơi trước dùng giam tù tử hình, sau dùng nhốt một số tù chính trị “đặc biệt” - từng nổi tiếng với “con ma vú dài” ). Lầu 3D cũng chính là nơi ở của số anh em tù chính trị vừa mới xung đột với tù thường phạm. Vào thời gian tôi ở khu ED, Đại Cathay bị nhốt ở phòng 3E4, cũng có đôi lần gặp tôi nói chuyện tào lao. Về sau, tôi còn hỏi thêm chi tiết về vụ ẩu đã trên và được nhiều anh em cả tù chính trị lẫn tù thường phạm từng trực tiếp tham gia kể lại. Xin phục dựng lại vụ xung đột có thể nói khá chính xác qua lời kể của những người trong cuộc thuộc cả đôi bên.
Vụ ẩu đã giữa tù chính trị và tù thường phạm tại khám Chí Hòa 1966
Hôm ấy, vào khoảng 5 giờ chiều, đã hết giờ hành chính nên hầu hết giám thị về nghỉ, chỉ còn một vài tên trực nhưng thường bọn chúng giao cho số trật tự (luôn do tù hình sự án nhẹ, được bọn chúng tin tưởng) điều hành sau khi khóa trái cửa khu.
Dưới sân dãy E thuộc khu ED khám Chí Hòa có bể chứa nước lớn, dành cho can phạm ở các phòng thuộc toàn khu ED (sân dãy D không có bể nước) luân phiên nhau tắm giặt và hứng nước mang lên phòng nấu ăn. Vào giờ đó các phòng thuộc tầng trệt và ba tầng lầu bên dãy E đều đã khóa cửa, các can phạm thường án (tù hình sự) đã hết giờ ra tắm nắng, giặt giũ. Theo thông lệ, đến lượt anh em tù chính trị trên lầu 3D sử dụng hồ nước.
Tuy nhiên, vẫn còn ba can phạm thường án dưới sân chơi: Của Gia Định biệt danh “Hùm xám Gia Định” (trùm du đãng miệt Gia Định), do vai vế, muốn giải lao tới chừng nào vô phòng giam cũng được, Ngọc “heo” là trật tự giữ chìa khóa các phòng giam, có nhiệm vụ đóng mở cửa toàn khu ED, và Đại Cathay, hôm ấy đi tòa án để khai cung mới về. Cũng do mới về, nên mặc dù không phải tới lượt mình, Đại Cathay cũng chen lấn vô nhóm anh em tù chính trị, xát xà bông tắm rửa. Rất tự nhiên, anh ta đưa nguyên cả chiếc đầu dính xà-bông tùm lum vô vòi nước.
Một bác tù nhân đã lớn tuổi, râu tóc bạc như cước, cản lại:
- Chú à, tụi tui đang hứng nước nấu ăn, sao chú lại đưa đầu toàn xà bông vô?
Đại Cathay cãi:
- Mắt tôi đầy xà bông, có thấy chi đâu. Bác hứng nước hồi nào?
- Giờ này là giờ của tụi tôi, sao chú chen ngang?
Hai bên còn đang lời qua tiếng lại, có lẽ lần đầu tiên trong tù mới có kẻ dám cự cãi không chịu phục tùng Đại Cathay, thì bất ngờ Của Gia Định nhảy tới, vung chần đá vào ngực bác lớn tuổi, nhằm bênh vực (?) cho đại ca của mình. Thử tưởng tượng, một gã cao khoảng 1,75 m, to con, lực lưỡng, tung đòn taekwondo vô ngực một ông già trên 60 tuổi. Ông già tức thì “hự” lên một tiếng, máu rỉ qua khóe mép, gục xuống. Mấy chục anh em tù chính trị không nén nổi tức giận, nhào tới, kẻ tay không, người cầm thùng, xô, kẻ lượm gạch, đá nhất tề tấn công Của Gia Định. Đại Cathay và Ngọc heo cũng bốc lên, xông vô vòng chiến đấu bênh Của.
Cuộc chiến không cân sức nhanh chóng kết thúc với kết quả dăm anh em tù chính trị bị thương nhẹ, còn cả ba tù hình sự đều bất tỉnh nhân sự, nằm thẳng cẳng với nhiều vết thương khắp đầu, mình, chân, tay. Trong khi ấy, thấy “đại ca” bị tấn công, bị số đông “bề hội đồng” (như trên đã nói, dãy E khu ED trông thẳng xuống sân E gồm ba tầng lầu một tầng trệt, các phòng đều giam tù thường án), số tù hình sự trong 16 phòng giam la hét vang dội, yêu cầu mở khóa cửa phòng để ra hổ trợ cho đồng bọn. Nhưng chìa khóa các phòng đều do Ngọc heo mang trong người, không ai mở khóa nên họ tìm cách phá cửa phòng.
Cuối cùng, nhiều phòng lần lượt bị phá cửa. Tù hình sự ùa theo cầu thang, tràn xuống sân mỗi lúc một đông, mang theo nào chổi, nào gậy, nào cây sắt... Bây giờ tính quân số đôi bên đảo ngược. Phía tù chính trị trở thành thiểu số. Anh em vội kéo nhau rút lên lầu 3D cố thủ. Cuộc hỗn chiến được khu FG kế bên nhìn thấy rõ. Tổng cộng 32 phòng giam bên khu này nhốt toàn chính trị phạm và anh em hô khẩu hiệu vang dội, hỗ trợ đồng đội. Bọn giám thị nhà tù Chí Hòa lúc này mới có mặt, nhưng không thể làm gì để ngăn cản nổi tình trạng hỗn loạn mỗi lúc một dâng cao.
Dù một số bị thương, với nỗ lực phi thường mà chủ yếu là đoàn kết thành một khối, anh em tù chính trị đã rút được hết lên lầu 3D, dùng chai, lọ, mảnh lu nước bể... bất cứ thứ gì trong tầm tay, ném ra ngăn cản địch thủ.
Cùng thời gian này, Đại Cathay, Của Gia Định và Ngọc heo được đưa đến bệnh xá, sau chuyển ra bệnh viện bên ngoài cấp cứu. Khoảng 9 giờ tối hôm đó, có tin nhắn từ bệnh viện về rằng cả ba đều đã chết. Số tù thường phạm nổi giận đùng đùng, hấp tấp đốt đèn cầy sáng rực khu ED, tổ chức tang lễ cho các đại ca, đòi “nợ máu phải trả bằng máu”. Họ vừa khóc lóc, vừa kéo rốc lên tiếp tục tấn công lầu 3D.
Mãi đến bây giờ tôi vẫn không biết chính xác nguồn tin Đại Cathay, Của Gia Định và Ngọc heo bị chính trị phạm đánh chết do ai tung ra, chỉ có thể suy đoán do số giám thị gác trại giam Chí Hòa, vì tù nhân không thể trực tiếp đến bệnh viện để lấy tin. Rất có thể, bọn giám thị muốn tạo mâu thuẫn giữa tù chính trị và tù hình sự theo kiểu “chia để trị” và “dĩ tù trị tù”. (Viết thêm: năm 1967, khi bị đầy ra Côn Đảo, tôi gặp Của Gia Định làm “chuyên môn” tại đây. “Chuyên môn” là danh từ ngoài đảo khi ấy gọi số tù hình sự được trao nhiệm vụ theo dõi, kiểm soát công việc khổ sai, đi lại, ăn ở của tù chính trị, đặc biệt là điều tra, đánh đập tù chính trị khi họ “vi phạm nội qui nhà tù”. Của Gia Định khét tiếng là một hung thần trong ban chuyên môn đối với chính trị phạm ở Côn Đảo trong thời gian này).
Và cứ như vậy, cuộc chiến kéo dài suốt hai ngày hai đêm tại khu ED khám Chí Hòa. Trực tiếp tham gia là số tù hình sự giam tại dãy E (16 phòng, mỗi phòng bình quân có từ 40- 50 người, vậy tổng số khoảng 800 người) và trên dưới 100 tù chính trị ở lầu 3D.
Sau khi đánh bất tỉnh Đại Cathay, Của Gia Định và Ngọc heo, phía chính chính trị phạm chỉ lo cố thủ. Nhờ địa thế lầu 3D có cấu trúc đặc biệt dùng giam tù tử hình (tôi từng bị nhốt tại đây hơn nữa năm nên biết rất rành): hành lang ở giữa, hai bên là những phòng nhỏ, cửa sắt đây không có chấn song mà chỉ có lỗ thông gió), đầu hành lang là cửa chắn song sắt, nhất là nhờ đoàn kết nhất trí và lòng dũng cảm, anh em tù chính trị đã giữ vững “trận địa”, đẩy lùi vô số đợt tấn công của đối phương. Gián tiếp tham gia (như hò hét trợ oai, đập thùng thiếc, thau nhôm, xô... để tăng khí thế, la khẩu hiệu yêu cầu bọn quản đốc và giám thị Chí Hòa giải quyết, đốt đèn cầy sáng rực vào ban đêm... là cả khu FG với khoảng gần 2.000 chính trị phạm.
Kết quả, ngoài ba tù thường phạm bất tỉnh lúc ban đầu, không ai bị trọng thương hoặc tử vong. Số bị thương nhẹ thì rất nhiều nhưng không thống kê được. Tất cả đều được chăm sóc, băng bó tại chỗ, không ai phải đưa ra bệnh viện ngoài điều trị.
Mọi việc trở lại bình thường sau khi Đại Cathay, Của Gia Định và Ngọc heo đều trở lại khu ED mạnh khỏe.
Sự việc là như vậy, bắt nguồn từ một nguyên nhân khá vu vơ, tuy khởi đầu là Đại Cathay, nhưng thực tế do Của Gia Định trực tiếp gây ra, và, một cách nào đó, được số giám thị trại giam Chí Hòa tiếp tục châm dầu. Đến khi hàng trăm chính trị phạm và thường phạm tham chiến thì đúng là không một ai có thể cản nổi.
Kết thúc một huyền thoại
Như vậy, mặc dù chưa tìm đủ chứng cứ để kết luận Đại Cathay đã bị ai giết, giết như thế nào, bằng thứ vũ khí gì, tôi có thể mạnh dạn khẳng định: Đại Cathay đã chết, mộ hiện nằm tại núi Khu Tượng.
Khoảng đầu những năm 1990, trong lần gặp một cán bộ công tác lâu năm ở đảo Phú Quốc, tôi có hỏi về hai ngồi mộ ở núi Khu Tượng, anh xác nhận:
- Đúng là ở đó có hai ngôi mộ, một mang tên Đại, tôi không nhớ rõ họ, và ngôi mộ kia tôi không nhớ tên...
Dân giang hồ còn sót lại mà tôi có dịp gặp mặt sau này như Lâm Chín ngón, Bảy Xi, Lắm Mổ bụng... cũng đều ngậm ngùi:
- Đúng là anh Đại đã chết rồi. Nấm mộ của anh hiện nằm ngoài Phú Quốc.
Cái chết của Đại Cathay không khỏi làm nhiều người suy nghĩ. Người ta ai cũng phải chết, đã đành là vậy. Nhưng một người như Đại Cathay, khi sống khét tiếng giang hồ, “thần tượng” của giới dân chơi, mà đến với cái chết lại rất giản đơn, lặng lẽ. Phải chăng đó cũng là “quả kiếp nhân duyên”, luật bù trừ của tạo hóa?
Cái chết của Đại Cathay còn được coi như dấu chấm hết và là sự cáo chung của “dân chơi” hồi thập niên 1960, với các đặc tính: chơi trội và chơi “có hậu” theo luật giang hồ.
Bài viết rất hay, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa