Sự tương tác giữa mã của người gửi và mã của người nhận
trong tiếp nhận văn học
(TS. Lê Thị Hồng
Vân)
Có thể nói, cuộc cách mạng trên lĩnh vực lý luận phê bình văn học
diễn ra ở phương Tây, kéo dài gần suốt thế kỉ XX, thực chất là tiến trình chuyển
dịch trung tâm chú ý từ tác giả sang văn bản đến người đọc. Trong quá trình đó,
tư duy lý luận văn học đã soi sáng bản chất của tác phẩm từ nhiều góc nhìn khác
nhau, qua đó, ngày càng tiếp cận sâu hơn vào bản chất của nó.
Trên
nền tảng những thành tựu nghiên cứu của ngôn ngữ học hiện đại và các khoa học
lân cận như cấu trúc - kí hiệu học, lý thuyết thông tin, triết học Hiện tượng
luận..., lý luận văn học từ hiện đại đến hậu hiện đại đã phát hiện ra bản chất đối
thoại của tác phẩm văn học, từ đó khai mở một hướng tiếp cận mới để khám
phá bản chất và phương thức tồn tại của tác phẩm văn học trong mối quan hệ với
người đọc, với hoạt động tiếp nhận.
Từ góc nhìn của lý thuyết thông tin,
có thể thấy, bản chất của văn bản văn học là một hệ thống kí hiệu; bởi vậy,
để có tác phẩm văn học, không chỉ cần đến văn bản với đầy đủ các đặc trưng văn
học mà còn phụ thuộc vào người đọc - người giải mã kí hiệu văn bản nữa. Việc
nghiên cứu bản chất của tác phẩm trong mối quan hệ với người đọc cũng như sự
tương tác giữa lập mã và giải mã sẽ làm sáng tỏ thêm những vấn đề
quan trọng trong bản chất và phương thức tồn tại của tác phẩm mà lý luận từ
phía sáng tác không giải thích được, giúp soi sáng những yếu tố gây nên tính
khả biến của tác phẩm trong tiếp nhận văn học.
Trong giới hạn của bài biết này,
chúng tôi sẽ nghiên cứu bản chất của tiếp nhận văn học trong mối quan hệ tương
tác, đối thoại giữa mã của người gửi vớimã của người nhận. Trong
sự tương tác này, văn bản là sự mã hoá thông tin thẩm mỹ của nhà văn; đến lượt
mình, người đọc thực hiện một qui trình ngược lại: giải mã văn bản để tiếp nhận
thông điệp thẩm mỹ.
Theo lẽ thông thường, sự hiểu nhau
là mục đích cuối cùng và là cứu cánh của mọi hình thức thông tin - giao tiếp.
Theo đó, một hành vi giao tiếp chỉ có thể đạt được hiệu quả tối ưu khi thông
tin thu được từ người nhận trùng khớp với thông tin phát đi từ người gửi. Bởi
vậy, trong các hành vi thông tin - giao tiếp thông thường, người gửi tin và
người nhận tin phải cùng chung một bộ mã, tức sự giao tiếp chỉ có thể diễn ra
khi người phát tin và người nhận tin cùng ở trong một “kênh” giao tiếp, trong
một hoàn cảnh cụ thể, với một “vốn chung” về lịch sử, xã hội… Trái lại, khám
phá tính chất kí hiệu của văn bản văn học, các nhà kí hiệu học đều không phủ
nhận rằng, “trong quá trình truyền thông tin, trên thực tế không phải là một,
mà là hai bộ mã được sử dụng: một bộ là để mã hoá, và bộ kia - để giải mã thông
báo”(1). Bởi vậy, nghiên cứu sự tương tác giữa mã của người gửi với
mã của người nhận, cũng như tính chất và mức độ tương thích giữa hai bộ mã này
sẽ giúp soi sáng bản chất và phương thức tồn tại của tác phẩm văn học trong
tiếp nhận.
Một khi người gửi và người nhận
không cùng chung một bộ mã thì các tình huống sau đây có thể xẩy ra:
1. Trường hợp không có sự tương thích giữa
mã của người gửi với mã của người nhận.
Đó là khi hai bộ mã bị “lệch pha”,
tức không cùng một “kênh” giao tiếp. Thực tế cho thấy, tình huống này dù không
tất yếu và phổ biến, nhưng cũng không hiếm khi đã từng xẩy ra trong tiếp nhận
văn học, mà nguyên nhân có thể do từ cả hai phía, người giải mã, hoặc người lập
mã.
a) Khi người giải mã dùng một bộ
mã khác lạ, ngoài dự kiến của người lập mãđể giải mã văn bản, khi đó ý
nghĩa mà người đọc phát hiện ra sẽ đối lập với nghĩa chủ ý của tác giả. Lý
thuyết tiếp nhận gọi đó là hiện tượng “phản tiếp nhận”. Theo nhà nghiên cứu
Trần Đình Sử, đặc trưng của “phản tiếp nhận” là “tìm thấy tư tưởng của tác phẩm
ngược chiều với khuynh hướng tư tưởng của tác giả, cắt nghĩa ngược lại với
khuynh hướng tác giả”. Ví dụ: nhà văn Lỗ Tấn khi tiếp nhận tác phẩm Nhị thập
tứ hiếu đã nhận ra tính chất phản nhân văn ngay trong một tác phẩm mà mục
đích của người viết là giáo dục đạo hiếu đối với cha mẹ theo lối phong kiến(2).Trong
lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều, hiệntượng phản tiếp nhận cũng từng diễn
ra ở thời phong kiến, khi xu thế tiếp nhận phổ biến đều ca ngợi trinh tiết,
phẩm hạnh và tấm lòng hiếu nghĩa của Kiều thì Nguyễn Công Trứ lại mạt sát, kết
tội Kiều là kẻ mượn danh chữ hiếu để làm điều tà dâm. Cách hiểu này hiển nhiên
là nằm ngoài mong muốn của Nguyễn Du, khi có nhiều bằng chứng cho thấy ông đã
dành những tình cảm trân trọng cho nàng Kiều.
Như vậy, phản tiếp nhận không chỉ là
hiện tượng tiếp nhận ngược lại với chủ ý của tác giả, mà còn là sự tiếp nhận đi
ngược lại với sự cắt nghĩa đã trở thành truyền thống phổ biến ở những người đi
trước. Trong đời sống văn học của chúng ta những năm gần đây, hiện tượng này
cũng xẩy ra ngay với những tác phẩm quen thuộc được giảng dạy trong nhà trường.
Nhà nghiên cứu Phan Trọng Luận cho biết, có giáo viên kể rằng, khi học về tác
phẩm Tắt đèn, có học sinh đánh giá chị Dậu thấp hơn cô Kiều về mặt đạo
đức, vì cô Kiều là cô gái còn trinh tiết mà dám bán mình chuộc cha, trong khi
chị Dậu vì quá câu nệ về thân xác mà không dám hy sinh vì chồng con. Tác phẩm Đôi
mắt của Nam Cao cũng được hiểu với nhiều khía cạnh khác lạ so với cách hiểu
đã từng phổ biến và quen thuộc. Nếu trước đây, Hoàng được coi là nhân vật phản
diện, một trí thức chợ đen sống ích kỷ, hưởng lạc, xa rời cách mạng, thì giờ
đây có ý kiến lại chiêu tuyết cho Hoàng với lập luận rằng: “Có tường hoa, có
chó dữ, có nhà riêng, có vợ đẹp con ngoan với nếp sống sang trọng nhiều hương
vị, nhiều thú vui thì có gì đáng trách?”. Thậm chí, có người còn triết lý táo
bạo hơn về lý tưởng: “Hoàng không thích cách mạng, không thích đi với cộng sản
nên không chịu hợp tác và tự sống tách biệt theo lý tưởng sống của anh ta thì
sao nhỉ? Vẫn có thể là một người lương thiện, một người dân bình thường, ta quá
thiên vị về ý thức hệ trong việc đánh giá”. Có em học sinh còn nhận xét rằng
Hoàng nhìn người nông dân có phần đúng; hoặc phát biểu rằng “thích cả Hoàng lẫn
Độ”(3).
Những cách cảm nhận, đánh giá khác
lạ về những tác phẩm quen thuộc trên đây đã cho thấy, các tác phẩm này đã được
nhìn nhận, đánh giá lại bằng một bảng giá trị văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ khác
với những tiêu chí, chuẩn mực đã trở thành quen thuộc một thời.
Lý giải nguyên nhân của hiện tượng
phản tiếp nhận, nhà nghiên cứu Trần Đình Sử cho rằng đây là một hiện tượng văn
hóa, “thường xẩy ra khi thời đại có bước ngoặt lịch sử hoặc do giao lưu, tiếp
xúc với một nền văn hóa khác”. Đó là “một cách tiếp nhận tác phẩm dưới một hệ
hình mới, một hiện tượng hợp qui luật của những thời đang biến đổi”(4).
Như vậy, có thể thấy, những hiện tượngtiếp nhận đi ngược lại với truyền thống
trên đây có nguyên nhân từ phía người đọc, dưới tác động của những thay đổi có
tính bước ngoặt trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng, khi xã hội có
sự thay đổi từ trongnền tảng tư duy, khi những giá trị cá nhân được ý thức, khi
tinh thần cởi mở, dân chủ được đề cao, khi sự giao lưu văn hóa được mở rộng.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, cùng với
nguyên nhân từ phía người đọc, do tác động của những yếu tố xã hội, cũng không
thể bỏ qua một nguyên nhân nội tại vốn đã tiềm ẩn trong văn bản.Đó là do văn
bảnđược cấu trúc như một “đề án tiếp nhận”, chứa đựng tiềm năng để có thể giải
mã theo nhiều cách khác nhau, nên khi thực hiện sự tương tác với người đọc có
thể khiến cho ý nghĩa của nó đi ngược lại với sự chủ ý của nhà văn. Như vậy,
phản tiếp nhận cũng là một kiểu tiếp nhận, miễn là không tuỳ tiện, không thoát
licác kí hiệu hình tượng của văn bản. Hiện tượng phản tiếp nhận, do đó, cũng là
kết quả của sự tương tác giữa văn bản với người đọc, khi bộ mã của người
nhậncó sự thay đổi ngoài dự kiến của người gửi.
b) Khi người lập mã dùng một bộ
mã khác lạ để mã hóa thông tin nghệ thuật, khi đó văn bản sẽ “thách đố” với
bộ mã tiếp nhận quen thuộc của người đọc. Điều này đã được chứng nghiệm trong
lịch sử phát triển của văn học nhân loại, khi xuất hiện những trào lưu mới với
những cách tân nghệ thuật có tính bước ngoặt, làm thay đổi những giá trị đã
định hình của truyền thống, trong khi người đọc với bộ mã tiếp nhận quen thuộc
lại chưa thể thích nghi. Chẳng hạn, cuối thế kỉ XVIII, sự ra đời của trào lưu văn
học lãng mạn ở Pháp đã bị chối từ bởi một công chúng đang có sẵn bộ mã tiếp
nhận văn chương cổ điển, khi họ vẫn đang đánh giá thơ ca bằng các tiêu chuẩn
thi pháp mang tính qui phạm mẫu mực của Chapelain và Boileau. Vào cuối thế kỉ
XIX, một cuộc “đụng độ” tương tự cũng diễn ra giữa Baudelaire, Mallarmé và các
nhà thơ của Chủ nghĩa tượng trưng với một công chúng văn học đang quen với khẩu
vị của Chủ nghĩa tự nhiên. Và gần đây nhất, vào nửa sau của thế kỉ XX, độc giả
của Chủ nghĩa hiện thực lại bị “sốc” trước một khẩu vị thẩm mỹ hoàn toàn mới
lạ, buộc họ phải thay đổi, điều chỉnh cái “phông” tri thức thẩm mỹ của mình cho
thích hợp để có thể thâm nhập vào cái “mê hồn trận” của Chủ nghĩa hậu hiện đại.
Ly khai triệt để với truyền thống tôn ti, trật tự khép kín và ổn định của Chủ
nghĩa hiện thực thế kỉ XIX, chối từ vai trò là “người thư kí trung thành” của
thời đại, đoạn tuyệt với tôn chỉ phản ánh cuộc sống một cách chân thực “với
toàn bộ các hình thức của đối tượng”, nhà văn hậu hiện đại đã không mời mọc
người đọc mộtmón ăn đã được dọn sẵn, mà chỉ cung cấp những nguyên liệu còn thô
mộc, “sống sít”,có vẻ như chưa từng được “sơ chế”, để buộc người đọc tự chế
biến lấy theo khẩu vị của mình. Sự cách tân toàn diện và triệt để về thi pháp
sáng tạo của văn chương hậu hiện đại thực sự là một thách đố to lớn đối với
kinh nghiệm thẩm mỹ của đại đa số công chúng vốn đã quá quen với bộ mã của văn
chương hiện thực chủ nghĩa.
Hiện nay, khi trên thế giới, người
đọc đã thích nghi với khẩu vị nghệ thuật của Chủ nghĩa hậu hiện đại, thì phần
đông công chúng bạn đọc Việt Nam vẫn chưa hết “dị ứng” với món ăn tinh thần mới
mẻ này. Những tác phẩm mang hơi hướng của Chủ nghĩa hậu hiện đại xuất hiện trên
văn đàn Việt Nam vào đầu những năm 80 của thế kỉ XX, khởi đầu từ các truyện
ngắn của Nguyễn Minh Châu (Bức tranh; Người đàn bà trên chuyến tàu
tốc hành; Bến quê; Phiên chợ Giát,…) với các nhân vật được coi là
“lạ lẫm”, “dị biệt”, “khó hiểu”, không giống với đời thường đã khiến cho nhiều
nhà văn và nhà phê bình - những độc giả bậc cao cũng “không biết ông nói cái
gì”. Sau đó là sự xuất hiện của Phạm Thị Hoài, và đặc biệt là Nguyễn Huy Thiệp
với hàng loạt truyện ngắn như Không có vua; Kiếm sắc; Vàng lửa; Phẩm tiết;
Con gái Thủy thần; Cún,… Mỗi tác phẩm của ông là một sự kiện làm xôn xao dư
luận công chúng người đọc, thậm chí gây tranh luận gay gắt trong giới chuyên
môn, khi họ nhìn thấy trong đó những chi tiết “tự nhiên chủ nghĩa”, “xuyên tạc
lịch sử”, “hạ bệ thần tượng”… Đến nhà phê bình lão luyện như Nguyễn Đăng Mạnh
còn cảm thấy bất lực khi thừa nhận: “Đọc truyện Nguyễn Huy Thiệp lắm lúc cảm
thấy thật sự hoang mang. Vì chẳng hiểu anh định nói gì - đúng là chủ đề không
rõ ràng. Nhiều truyện của Nguyễn Huy Thiệp, thật tình không biết giảng giải thế
nào”(5). Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn cũng cảm thấy căng thẳng vì
“đọc truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp cũng giống như cuộc vật lộn với chính bản
thân mình. Rất khó tìm thấy nơi để tâm hồn có thể nghỉ ngơi trong những trang
viết của ông”(6). Những tranh luận, “hoang mang” hay “căng thẳng”
chung qui chỉ là do sự không tương thích giữa mã của người gửi với mã của
người nhận. Nếu không nắm được nguyên tắc chung của bộ mã hậu hiện đại,
không nắm được “luật chơi” (những nguyên tắc mỹ học) của nó, không có trong tay
“chìa khoá” để giải mã nó, thì đối diện với chúng ta, văn bản hậu hiện đại chỉ
là một thế giới đóng kín, bí ẩn, vô nghĩa, chẳng hơn gì một thứ “văn bia bằng
ngôn ngữ khác”, khiến chúng ta, hoặc là đành bất lực trong hành động “kính nhi
viễn chi”, hoặc là hờ hững quay đi.
Trong tình huống khi văn bản “thách
đố” với bộ mã tiếp nhận quen thuộc của người đọc, để sự giao lưu thông điệp
được diễn ra, đòi hỏi người đọc phải thay đổi bộ mã, tức phải điều chỉnh tầm
đón nhận cho tương thích với khẩu vị thẩm mỹ mới. Tuy nhiên, do được xây đắp
bởi một nền tảng tinh thần tương đối ổn định nên việc “cơ cấu” lại bộ mã tiếp
nhận (tầm đón nhận) của một công chúng văn học là điều không thể thực hiện
trong ngày một ngày hai, mà là cả một quá trình đòi hỏi ở người đọc sự nỗ
lực để tự vượt mình. Quá trình đó, theo các nhà xã hội học văn học, cần một
khoảng thời gian từ 25 đến 30 năm, tính từ thời điểm xuất hiện một sự cách tân
nghệ thuật đến khi nó “đào luyện” được một công chúng người đọc có tầm đón nhận
tương thích. Lịch sử nghệ thuật nhân loại đã minh chứng điều này, khi có không
ít những tác phẩm lúc mới ra đời từng bị người đọc ghẻ lạnh, từng phải chịu một
số phận hẩm hiu, nhưng sau đó một thời gian, công chúng đã không còn thờ ơ với
nó khi họ đã xác lập được một tầm đón nhận tương thích, khi họ đã tìm được “chìa
khóa” để có thể mở cánh cửa đi vào tác phẩm. Đó là trường hợp cuốn tiểu thuyết Bà
Bovary của G.Flaubert khi mới xuất hiện đã bị công chúng tẩy chay, nhưng
rồi sau đó, khi hình thức kể chuyện mới được chấp nhận, tác phẩm văn học này đã
trở nên nổi tiếng thế giới. Trào lưu Thơ mới xuất hiện trên văn đàn Việt
Nam vào đầu những năm 30 của thế kỉ trước cũng là một sự “tuyên chiến” với tầm
đón nhận truyền thống vốn được xác lập bởi nền thơ ca cổ điển dân tộc đã từng
tồn tại nhiều trăm năm. Chỉ từ khi hai nhà phê bình Hoài Thanh và Hoài Chân mở
ra “một thời đại mới trong thi ca”, qua đó định hướng, khơi mở cho người đọc về
một tầm đón nhận mới - tầm đón nhận của văn chương hiện đại, thì vị thế của Thơ
mớicũng từ đó bắt đầu được khẳng định.
Như thế, các hình thái văn học (nói
riêng và nghệ thuật nói chung) phân biệt nhau trước hết bởi chúng đã sử dụng
những bộ mã khác nhau để mã hoá các thông tin về đời sống.Theo đó, mỗi hình
thái văn học đều có độc giả của mình cùng với “chìa khóa” riêng cho sự giải mã.
Điều đó cũng nói lên rằng, sự không tương thích giữa mã của người gửi với mã
của người nhận không phải là hiện tượng hi hữu, thậm chí còn là một tất yếu
trong tiến trình vận động, đổi mới của văn học ở những thời điểm có sự thay đổi
bước ngoặt.
2. Trường hợp có sự tương thích
giữa mã của người gửi với mã của người nhận
Do trong khi mã hoá thông tin, người
phát tin tất yếu phải hướng đến đối tượng người nhận tin, phải tính đến khả
năng giải mã của đối tượng này để lựachọn“bộ mã” cho phù hợp,nên tình huống
thông thường, phổ biến, và cũng là điều kiện tất yếu để hoạt động tiếp nhận văn
học được diễn ra “xuôi chèo mát mái”, là khi có sự tương thích giữa mã của
người gửi với mã của người nhận.
Theo nhà kí hiệu học Iu.M.Lotman,
“mọi văn bản nghệ thuật chỉ thực hiện chức năng xã hội của mình khi có thông
tin thẩm mỹ trong cái tập thể đồng thời với nó. Bởi vì sự giao tiếp kí hiệu yêu
cầu không chỉ văn bản mà cả ngôn ngữ, nên tác phẩm nghệ thuật được tiếp nhận
chỉ riêng mỗi nó, không có bối cảnh văn hóa xác định, không có một hệ thống
nhất định của các mã văn hóa, thì cũng giống như thứ “văn bia bằng ngôn ngữ
không hiểu được”(7).
Tuy nhiên, tính chất và mức độ của
sự tương thích này sẽ thay đổi trong quá trình tương tác giữa văn bản với người
đọc qua các thời đại, trong những bối cảnh xã hội và văn hóa khác nhau. Trong
trường hợp văn bản và người đọc ở trong cùng một thời đại, sự tương đồng thường
lớn hơn sự khác biệt, do người viết và người đọc cùng ở trong một tầm đón nhận
chung của cộng đồng (cùng truyền thống nghệ thuật và kinh nghiệm, thị hiếu thẩm
mỹ, môi trường văn hóa lịch sử, tư tưởng,…). Khi đó, “khoảng cách thẩm mỹ” giữa
tầm đón nhận mà nhà văn dự kiến (mã của người gửi) và tầm đón nhận thực tế (mã
của người nhận) không lớn, sự giải mã văn bản, nhờ đó, thường diễn ra thuận lợi
và đồng hướng như nhà văn muốn.
Dù vậy, ngay cả trong trường hợp này
thì sự trùng khớp hoàn toàn giữa mã của người gửi với mã của người nhận trong
giao tiếp văn học cũng là điều bất khả, khi nguyên do có từ nhiều phía.
- Về phía người nhận, ngoài
bộ mã chung của thời đại, mỗi người còn có bộ mã của riêng mình do bị qui định
bởi vốn liếng văn hóa nghệ thuật, bởi năng lực và kinh nghiệm, thị hiếu thẩm
mỹ, bởi đặc thù của cấu trúc tâm lý, tình cảm của cá nhân (các yếu tố cá nhân
của tầm đón nhận). Trên cơ sở bộ mã riêng của mình, khi tiếp xúc với một văn
bản, người đọc sẽ tổ chức các yếu tố ngẫu nhiên thành một hệ thống và đem lại ý
nghĩa cho chúng. Do đó, từ người truyền tin đến người nhận tin,cũng như giữa
người nhận này với người nhận khác, số lượng các yếu tố mang tính cấu trúc và
có nghĩa sẽ thay đổi theo chiều hướng gia tăng. Đây cũng là lý do để các nhà lý
luận Giải cấu trúc đưa ra lý thuyết của mình trên cơ sở coi việc đọc và cắt
nghĩa văn bản là hành vi giải cấu trúc. Với họ, nghĩa của văn bản không
tồn tại trong không gian cấu trúc của văn bản, mà ở trong chủ thể sử dụng văn
bản. Và vì người đọc nào cũng có phương án giảicấu trúc của riêng mình,
không cóqui trình, công thức cắt nghĩa, giải cấu trúc thống nhất chung cho mọi
người, do đó ý nghĩa của tác phẩm văn học trong mỗi người đọc là khác nhau.
- Về phía người gửi, từ trong
ý thức sáng tạo, khi cùng lúc phải sắm cả hai vai trò sáng tạo và tiếp nhận, để
tạo ra mối quan hệ giao tiếp, đối thoại, nhà văn - một cách chủ động, đã tạo ra
một sự giằng co giữa hai thế đối lập:
a) Một mặt, từ phía tiếp nhận, nhà
văn muốn hướng đến một loại người đọc lý tưởng cho tác phẩm của mình, khi người
lập mã và người giải mã cùng ở trong một “kênh” giao tiếp, sự thống nhất nghĩa
vì thế có thể đạt được khi sự khám phá ý nghĩa tiềm tại của văn bản diễn ra
đúng như mong đợi, hoặc chí ít, cũng gần như thế.
b) Mặt khác, từ vị trí của người
sáng tạo, nhà văn lại cũng nỗ lực để tác phẩm của mình xuất hiện như một sự
“thách thức” trước cảm quan thẩm mỹ của người đọc đương thời, tức là nó cần
phải “xúc phạm” đến cách nhìn và chuẩn mực đánh giá thông thường của người đọc,
làm thay đổi tầm đón nhận của họ. Theo đó, một văn bản có giá trị thẩm mỹ không
phải chỉ ở khả năng gây hứng thú cho người đọc bằng việc vừa gợi lên những sự
chờ đợi quen thuộc của họ, mà vượt lên điều đó, nó còn phải biết “phủ định”
những gì đang có xu hướng trở thành quen cũ, sáo mòn.
Ngoài các nguyên nhân từ phía người
gửi và người nhận, trong vai trò là phương tiện chuyển tải thông tin, văn bản
văn học như là một “cấu trúc ngôn từ động” cũng góp phần quan trọng khiến cho
thông tin đi từ người gửi đến người nhận không phải là một đường thẳng mà còn
nhiều khúc quanh, lắm lối rẽ.Sự lệch pha trong giao tiếp văn học, do đó, là một
tất yếu. Điều này đã được chứng minh một cách thuyết phục qua những thành tựu
nghiên cứu về bản chất của tác phẩm văn học từ các góc nhìn của ngôn ngữ học,
cấu trúc luận, hiện tượng luận.
Ý nghĩa toát ra từ văn bản, do đó,
là ý nghĩa siêu ngôn ngữ, nó sẽ phong phú hơn hẳn ý định ban đầu của chủ thể
phát ngôn, so với những gì tác giả có thể ý thức được. Bởi vậy, là hiển nhiên
khi, bên ngoài sự chủ ý của nhà văn, ngôn ngữ luôn luôn nảy sinh những vấn đề
khác. Chính do tính bấp bênh, “không xác quyết” của ngôn ngữ văn chương mà các
nhà phê bình thuộc trường phái hình thức Nga ví ngôn ngữ như là “con tắc kè
hoa”. Còn nhà văn thiên tài V.Hugo thì cũng từng phải thừa nhận sự bất lực
trước ngôn ngữ, khi ông viết trong Lời tựa vở kịch Cromwell rằng: “Ngôn
ngữ cũng như biển cả,chúngkhôngngừng biến động. Có những lúc chúng rời bỏ một
bờ này của thế giới tư duy và tràn sang một bến khác”(8). Đó cũng là
lý do để mỹ học phương Đông khi nói về ngôn từ trong văn bản văn học thường hay
dùng các cụm từ như: “ý tại ngôn ngoại”, “thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý”, “ý
tuy sở tuỳ giả, bất khả ngôn truyền giả” (cái mà ý theo đến, không thể dùng lời
truyền đạt hết được), “ngôn hữu tận, nhi ý vô cùng” (lời có hạn mà ý vô cùng)(9).
Cùng với tính “cơ động”, “mềm dẻo”
của ngôn từ, xét về phương diện kết cấu, như một đòi hỏi tất yếu, văn bản văn
học không tồn tại như một vật thể cố định, bất biến mà là một “mã nguồn mở”,
trong đó chứa những điểm trống và những sự việc không xác định. Đó là một “sơ
đồ”, một “bộ xương” (R.Ingarden); một “đề án tiếp nhận”, “một tiềm năng để tiếp
nhận”, “một chương trình nhận thức” (H.R.Jauss); một “kết cấu vẫy gọi”
(W.Iser); một “mô hình nghệ thuật” (Iu.M.Lotman); một “máy thu có nhiều dải
sóng” (M.B.Khraptrenco)... Chính cái kết cấu mở này đã tạo điều kiện tối
đa cho sự gia tăng các khả năng lựa chọn của người đọc.
Như vậy, là một cấu trúc giao tiếp,
một đối tác đối thoại, văn bản văn học không thể khép kín và đồng nhất với
chính nó – đó là một cấu trúc kí hiệu luôn tạo sinh ý nghĩa, do đó, “văn
bản nghệ thuật có thể xem như văn bản đã được giải mã nhiều lần” (Iu.M.Lotman).
Nói cách khác, “cái văn bản văn học tưởng như đã hoàn thành và khép kín ấy vẫn
luôn tạo ra khả năng để có thể lý giải hàng ngàn cách khác nhau mà tính độc
đáo, không lặp lại của nó vẫn không thay đổi”(10). Và như thế, sự
giải mã của người đọc luôn phong phú hơn, thậm chí là bất ngờ so với thông điệp
mà nhà văn muốn chuyển tải là điều tất yếu.
Như vậy, ngay cả trong tình huống
tối ưu nhất, khi mã của người gửi và mã của người nhận ở trong cùng một kênh
giao tiếp thì nghĩa mà người đọc nhận được cũng không thể trùng khớp với nghĩa
chủ ý mà nhà văn muốn chuyển tải qua văn bản, do không thể có sự trùng hợp
tuyệt đối giữa sáng tạo và tiếp nhận, khi cơ chế lập mã và giải mã là hai quá
trình diễn ra ngược nhau; khi văn bản văn học là một hệ thống kí hiệu đặc thù,
một thế giới mở ngỏ, đa nghĩa với nhiều tình huống mơ hồ, không xác định; khi
tác phẩm văn học là sản phẩm của hai lần ý thức, trong đó cả hành vi sáng tạo
lẫn tiếp nhận đều cố gắng “bảo toàn cái tôi một cách quyết liệt”; và khi tác
phẩm là sản phẩm của mối quan hệ mà sự đối thoại làm cho nó luôn luôn không thể
nắm bắt. Theo đó, nếu sự trùng khớp giữa mã của người gửi với mã của người nhận
trong các hoạt động thông tin khác được đặt ra như một mục đích, một đòi hỏi
tất yếu, thì ngược lại, tronggiao tiếp văn học, điều đó không thể là một tất
yếu, bởi không có một căn cứ có sức thuyết phục nào để có thể khẳng định rằng,
một thông điệp sẽ được giải mã theo cách mà nó đã được lập mã. Và điều đó lại
càng không thể là mục đích, bởi đó là con đường ngắn nhất để văn học tự triệt
tiêu chính mình. Như thế, điều kiện tối ưu cho tiếp nhận văn học là khi mã tiếp
nhận và mã truyền đạt vừa tương đồng lại vừa khác biệt, khiến cho văn bản văn
học vừa “khả giải” lại vừa “bất khả giải”; đó đồng thời cũng là điều kiện để
duy trì mối quan hệ giao tiếp, đối thoại giữa văn bản và người đọc, bởi nếu
“không giải thích được thì thơ vô vị, mà giải thích được thì hết vị”.
Những căn cứ khoa học trên đây đã
cho thấy, điều mà quan niệm tiếp nhận truyền thống gọilà hiện tượng “tri âm”
trong nghệ thuật và cũng là lý tưởng của tiếp nhận, là mục đích đạt tới của một
sáng tác nghệ thuật có giá trị, thực ra chỉ là ảo tưởng. Quan niệm này xuất
phát từ niềm tin giản đơn rằng, ngôn ngữ và các phương tiện nghệ thuật là những
công cụ chỉ biết phục tùng tuyệt đối ý đồ của người sáng tạo; theo đó, tiếp
nhận văn học được quan niệm như một hoạt động chỉ diễn ra đơn phương, độc
hướng, những nội dung thông tin được truyền thẳng từ nơi phát đến nơi nhận,
trong đó người đọc chỉ đóng vai trò tiếp nhận một cách thụ động. Đó cũng là lý
do để lý luận phê bình văn học truyền thống coi việc tìm hiểu, khai thác ý đồ
sáng tạo của nhà văn là mục đích của tiếp nhận văn học.
Tóm lại,là một sản phẩm của sự chủ
ý và cả không chủ ý, nên trong mọi tình huống tiếp nhận, ngay cả
trong điều kiện tối ưu nhất thì vẫn luôn luôn có một “khoảng cách thẩm mỹ” giữa
mã của người gửi với mã của người nhận, giữa tầm đón nhận của độc giả với những
thông điệp đã được mã hóa trong văn bản. Khoảng cách này qui định giá trị thẩm
mỹ của tác phẩm, được thể hiện ra bằng phản ứng của công chúng và thái độ đánh
giá của giới phê bình.Theo H.R.Jauss, khoảng cách thẩm mỹ càng lớn thì giá trị
nghệ thuật của tác phẩm càng cao, ngược lại, nếu khoảng cách này càng nhỏ thì
có nghĩa là tác phẩm đó đã tiến gần tới lĩnh vực của “nghệ thuật nấu ăn”, của
sự giải trí đơn thuần(11). Tuy nhiên, theo chúng tôi, dù tỉ lệ thuận
với giá trị nghệ thuật của tác phẩm, nhưng khoảng cách thẩm mỹ không được vượt
quá “ngưỡng” tiếp nhận của người đọc, bởi nếu giữa mã của người gửi và mã của
người nhận không duy trì được mức độ tương thích cần thiết thì tác phẩm sẽ
không gây được hiệu ứng thẩm mỹ, thậm chí sẽ bị người đọc chối từ.
Nếu trong một thời đại, sự trùng hợp hoàn toàn giữa mã của người gửi và
mã của người nhận đã không thể xẩy ra, thì khi văn bản và người đọc khác nhau
về thời đại, không cùng chung một truyền thống nghệ thuật, một môi trường văn
hóa lịch sử, hiển nhiên là khoảng cách thẩm mỹ giữa tầm đón nhận dự kiến trong
văn bản và tầm đón nhận của người đọc thực tế lại càng xa hơn.
Vậy có thể hiểu được một văn bản khi
nó ra đời ở thời đại khác, tức là xa lạ về mặt văn hóa lịch sử so với người
đọc?
Về phía thực tiễn tiếp nhận, chúng
ta đã có vô số bằng chứng cho thấy, những tác phẩm văn học lớn, có giá trị đều
có khả năng vượt qua những giới hạn về thời gian, không gian để nhập cuộc, để
trở thành “đồng đại” với nhiều thời đại khác. Và ở mỗi thời đại, trong những
môi trường sống khác nhau, nó lại được hình dung ra với những diện mạo mới hơn.
Nếu văn học và nghệ thuật ra đời ở thời đại nào chỉ là tài sản tinh thần của
thời đại ấy, thì ngày nay chúng ta sẽ chẳng có lý do gì để đọc lại những kiệt
tác văn chương của nhân loại khi nó là sản phẩm của những thời đại đã lùi xa về
quá khứ.
Về phía lý luận, câu hỏi đặt ra cho
chúng ta là, vì sao văn bản văn học lại có thể vượt qua thời đại của nó để trở
thành “đồng đại” với người đọc ở các thời đại khác, để nó có thể “nói mãi không
cùng”?
Các hệ thống lý luận văn học hiện đại
và hậu hiện đại đã lý giải vấn đề này theo hai hướng chính, hoặc là nghiêng về
phía văn bản, hoặc là nghiêng về phía người đọc:
- Từ phía văn bản, xuất phát
từ đặc trưng của phản ánh nghệ thuật, mỹ học và lý luận văn học mácxít từ
G.Lukács, C.Caudwell, E.Fischer đến M.B.Khraptrenko, bằng những cách diễn đạt
khác nhau, đều giải thích nguyên nhân làm nên sức sống vượt thời gian của tác
phẩm văn học được quyết định bởi tính đặc thù của đối tượng và phương thức phản
ánh làm nên tính đa mã của văn bản, khi hình tượng văn học là “một cái máy thu
có nhiều giải sóng”, có khả năng bao chứa cuộc sống phong phú, đa tầng, đa
chiều. Đó là lý do để tác phẩm có thể mở rộng phạm vi tác động khi kết nối với
những hiện tượng mới của thực tại, để nó được phát hiện ra trong những diện mạo
mới.
- Từ phía người đọc, các quan
điểm lý luận hậu hiện đại từ Mỹ học tiếp nhận đến Giải cấu trúc, ở những mức độ
khác nhau, đã dành quyền quyết định cho người đọc và xem nhẹ vai trò khách quan
của văn bản. Thậm chí, đến giai đoạn phát triển cao trào, Giải cấu trúc đã hầu
như phủ nhận vai trò của văn bản, “xem tác phẩm văn học như là phạm vi phụ gia
của năng lực sáng tạo của ngườiđọc, như là phạm vi tự biểu hiện thẩm mỹ của họ”(12).
Phụ thuộc “điểm nhìn di động”, với tính đa mã của tiếp nhận, người đọc đã đem
lại ý nghĩa, giá trị và quyết định số phận lịch sử của tác phẩm qua các thời
đại.
Nghiên cứu bản chất của tác phẩm văn
học từ mối quan hệ giữa văn bản và người đọc có thể thấy, tác phẩm văn học
là sản phẩm của sự tương tác, đối thoại giữa mã của người gửi với mã của người
nhận. Theo đó, nếu lý giải yếu tố quyết định phương thức tồn tại và đời
sống lịch sử của tác phẩm văn học mà chỉ nghiêng về một trong hai phía, hoặc
văn bản, hoặc người đọc thì đều phiến diện và cực đoan như nhau. Khi văn bản
được đặt trong tương quan với người đọc, mặc dù tính đa nghĩa của tác phẩm có
cơ sở từ đặc trưng cấu trúc mở của văn bản, song nó đã được nhân
lên nhiều, và nhiều hơn nữa do tính chất đa mã của tiếp nhận. Và như
vậy, sẽ mãi mãi còn lại với thời gian những tác phẩm văn học chưa hình thành
trong cuộc hành trình của văn bản đến với thế giới bất tận của người đọc1
Bài viết rất hấp dẫn
Trả lờiXóa