Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

SAI, ĐÚNG TRONG CÁCH DÙNG TỪ HÁN VIỆT

SAI, ĐÚNG TRONG CÁCH DÙNG TỪ HÁN VIỆT
và vấn đề "giải pháp".
(in trên Văn nghệ số 32 ngày 9/8/2008)
Hữu Đạt.
Từ Hán Việt - đó là câu chuyện đã được bàn luận từ rất lâu nhưng luôn là vấn đề thời sự nóng bỏng. Bởi lẽ, ngoài tư cách là đối tượng nghiên cứu của khoa học ngôn ngữ ( trực tiếp là của bộ môn từ vựng học), nó còn là một hiện tượng thường đụng chạm tới trong giao tiếp hàng ngày. Việc dùng từ Hán Việt như thế nào được gọi là đúng, thế nào là sai hoàn toàn không phải là vấn đề đơn giản. Vì những lẽ đó, trong mấy năm gần đây, báo Văn nghệ của Hội nhà văn đã dành nhiều trang đăng tải ý kiến của các học giả, các nhà nghiên cứu và bạn đọc về vấn đề này. Đây là một việc làm rất hữu ích.
Tuy nhiên, cho đến nay, việc quan niệm thế nào là đúng, thế nào là sai trong cách dùng từ Hán Việt, cũng như việc định ra một giải pháp nhằm khắc phục tình trạng sử dụng tùy tiện loại từ này hiện vẫn còn nan giải. Tình hình đó cho thấy tính phức tạp của vấn đề, đồng thời cũng phản ánh những yêu cầu cấp bách của xã hội.
Trứơc hết, chúng tôi tán thành với quan niệm của tác giả Vũ Cao Phan là, nếu như không có giải pháp cho vấn đề trên thì tình hình dùng từ Hán Việt sẽ ngày càng bừa bãi ( xem thêm Văn nghệ số 27 ngày 5-7-2008). Hậu quả tất yếu là, tiếng Việt không những bị mất đi sự trong sáng mà bức tranh ngôn ngữ của thời hiện đại sẽ ngày càng biến loạn.Điều này sẽ tạo ra những trở ngại lớn cho việc tiếp thu và truyền thụ những kiến thức của khoa học công nghệ. Không phải ngẫu nhiên mà từ lâu, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhắc nhở chúng ta cần phải quan tâm đến việc "giữ gìn và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt".
Nhưng trước khi đi tới giải pháp, chúng ta cần có sự thống nhất với nhau trên một số quan niệm căn bản. Dù rằng, quan niệm bao giờ cũng mang tính cá nhân, song chí ít cũng phải xuất phát từ góc độ khoa học. Có như vậy, câu chuyện mới không trở thành cuộc tranh luận bàn tròn, không có hồi kết thúc.
Như đã nói, từ Hán Việt là một hiện tượng phức tạp. Nó là kết quả của quá trình giao lưu và tiếp xúc ngôn ngữ giữa hai dân tộc Hán và Việt trong nhiều thế kỷ. Do những nguyên nhân lịch sử và địa lý đặc biệt, cuộc tiếp xúc ngôn ngữ của hai thứ tiếng này có những đặc trưng riêng khó tìm thấy ở các cuộc tiếp xúc ngôn ngữ khác. Bởi thế, tính chất, đặc điểm và cách sử dụng của từ Hán Việt cũng hoàn toàn khác với các loại từ như Hán- Nhật, Hán-Hàn, Hàn - Triều...cũng do tiếp xúc ngôn ngữ mà nên. Sự khác biệt ấy thể hiện trước hết ở phương diện, khối lượng từ Hán Việt trong kho từ vựng tiếng Việt là rất lớn ( Theo các kết quả thống kê từ vựng học, trong một số phong cách chức năng, chẳng hạn, trong phong cách hành chính,số lượng các từ Hán Việt lên tới 80-85%). Thứ hai, quá trình xử lý các yếu tố gốc Hán ( các từ gốc Hán) trong tiếng Việt cũng hoàn toàn khác với các ngôn ngữ khác trong vùng cùng có quan hệ tiếp xúc với tiếng Hán. Đây là những lý do khiến cho các nhà nghiên cứu không chỉ của Việt Nam mà ngay cả của Trung Quốc cũng phải thừa nhận: Từ Hán Việt là một loại từ đặc biệt trong vốn từ vựng tiếng Việt. Nó không thuộc lớp từ vay mượn mà là của tiếng Việt đích thực. Bấy lâu nay, trên báo chí cũng như các tài liệu nghiên cứu, việc bỏ dấu gạch nối giữa hai chữ Hán và Việt( không viết là "Hán-Việt" mà viết "Hán Việt" ) chính là nhằm thể hiện quan niệm này.
Có lẽ, do chưa có điều kiện quan tâm đầy đủ đến vấn đề mà một số tác giả, trong đó có tác giả Vũ Cao Phan từng viết " Mặc dù được sử dụng nhiều và phát triển ngày càng phong phú trong ngôn ngữ Việt, về mặt chính thức từ Hán-Việt vẫn bị coi là thứ từ vay mượn" ( Vũ Cao Phan "Thử đề xuất một giải pháp" Văn nghệ số 27 ngày 5-7-2008, tr 21). Theo chúng tôi được biết, cho đến nay chưa có một tài liệu chính thức nào của Nhà nước ( tức các Nghị định, Quyết định, Thông tư, Chỉ thị hoặc các văn bản luật, sách giáo khoa...) công bố một quan niệm như trên.
Cho đến nay, một quan niệm có thể được coi như có tính thống nhất gần như hoàn toàn ở hầu hết các nhà nghiên cứu Việt ngữ, chính là: "Từ Hán Việt là các từ mà người Việt mượn từ tiếng Hán, nhưng được đọc theo cách của người Việt Nam". Theo các kết quả được được đông đảo giới học giả chấp nhận thì, từ Hán Việt là các từ gốc Hán được du nhập vào Việt Nam khỏang từ đời Đường. Sở dĩ người ta vạch ra một điểm mốc như vậy là vì, từ trước đời Đường cũng đã có một số từ gốc Hán du nhập vào tiếng Việt trong quá trình tiếp xúc ngôn ngữ. Những từ này được người Việt quen dùng tới mức quên cả nguồn gốc của nó nên được coi như là từ thuần Việt. Tuy nhiên về mặt khoa học, để gọi tên chính xác các từ loại này người ta đã dùng khái niệm từ "Hán cổ" hay "Hán Việt cổ" để phân biệt với các từ Hán Việt xuất hiện từ đời Đường trở về sau ( có tác giả còn phân chia chi tiết hơn các từ loại này thành từ Hán thượng cổ và từ Hán cổ).
Mặc dù định nghĩa như đã nêu, nhưng không có một nhà nghiên cứu nào lại không nêu thêm một vấn đề thứ hai: Từ Hán Việt là một bộ phận rất quan trọng của kho từ vựng tiếng Việt. Nó hoàn toàn không giống như các từ mà tiếng Việt vay mượn của tiếng Pháp, tiếng Anh và một số ngôn ngữ khác.
Như vậy, hoàn toàn không có vấn đề như tác giả Vũ Cao Phan đặt ra là: do chưa nhìn thấy đúng vai trò và tầm quan trọng của từ Hán Việt nên chúng ta chưa có giải pháp khoa học về vấn đề này. Đặc biệt là chưa chú ý dạy nó ở bậc học phổ thông.
Vậy thì nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng dùng từ Hán Việt bừa bãi và sai nhiều như hiện nay ? Chúng tôi đồng tình với tác giả Vũ Cao Phan, trước hết đó là do sự am hiểu ngôn ngữ và tính cẩn trọng của người viết. Thứ hai là do trách nhiệm của những người biện tập trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, đài truyền thanh, truyền hình và xuất bản. Tuy nhiên, để cho minh bạch, cũng cần làm rõ giới hạn giữa sự cẩu thả trong công tác biên tập và trình độ xử lý loại từ này trong các văn bản.
Thực ra, cái gọi là từ Hán Việt chỉ tồn tại trong nhận thức của các nhà nghiên cứu hoặc các trí thức có am hiểu ít nhiều về ngành khoa học nghiên cứu về ngôn ngữ chứ nó không tồn tại trong nhận thức của toàn dân. Nếu chúng ta thử làm một công tác điều tra về xã hội học thì sẽ thấy rằng, không phải chỉ với học sinh mà ngay cả với các giáo viên cấp phổ thông trung học ( thậm chí một số giáo viên dại học) việc nhận diện đâu là từ Hán Việt, đâu là từ thuần Việt cũng chẳng phải dễ dàng gì.
Một câu hỏi đặt ra: Tại sao đại bộ phận người dân Việt Nam ( khoảng trên 90%) không phân biệt được Hán Việt hay không phải là Hán Việt nhưng trong giao tiếp họ vẫn sử dụng được nó một cách khá thuần thục mà lại ít mắc lỗi ( tức là không có sự hiểu nhầm trong việc trao dổi thông tin) ? Trong khi đó, các hiện tượng sai lệch trong việc sử dụng loại từ này lại chủ yếu rơi vào các nhà báo, các nhà văn, nhà thơ, ...những người có điều kiện xuất hiện tên tuổi của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng ? Một câu hỏi vui vui có tính phản biện cho định đề của nhiều học giả đã bàn về vấn đề này là: Phải chăng, chính vì được học về từ Hán Việt, biết ít nhiều về từ Hán Việt mà họ lại càng hay sử dụng sai? Điều đó tưởng như nghịch lý, nhưng thực tế, những đối tượng như vừa dẫn chính là những người có điều kiện học hành và tiếp xúc với từ Hán Việt nhiều nhất! Vậy thì cái giải pháp áp dụng dạy từ Hán Việt cho học sinh từ bậc phổ thông có đủ lý do tồn tại?
Để thực sự có một giải pháp hữu hiệu cho việc khắc phục tình trạng dùng từ Hán Việt khá bừa bãi hiện nay, trước tiên chúng ta cần có một quan niệm chung thống nhất, việc dùng từ Hán Việt thế nào gọi là đúng, thế nào gòi là sai?
Chúng tôi nhất trí với tác giả Vũ Cao Phan khi cho rằng, nếu cứ dùng từ Hán Việt như một vài tác giả trên tờ Thể thao và Văn hóa (và một số báo khác...) thì quả là tình hình sẽ rất lộn xộn trong việc hiểu và giải nghĩa thông tin. Vì rằng, thực ra vấn đề không phức tạp và khó hiểu nhưng chính người viết lại làm cho nó rắc rối và khó hiểu do cách sử dụng từ ngữ của mình. Điều này có thể do người viết chưa hiểu nghĩa từ, có thể do người viết sính nói chữ, muốn rút tít đề bài báo cho ấn tượng nhàm câu khách nên hậu quả là đã đưa đến tình trạng như tác giả Vũ Cao Phan đã phân tích.
Tuy nhiên, chúng tôi lại không hoàn toàn nhất trí với ông trong khá nhiều trường hợp. Chẳng hạn, khi xem xét tới tính sai, đúng của việc dùng từ Hán Việt ông lại thường thiên về việc đối chiếu từ nguyên. Đây là việc làm có phần cứng nhắc, dẫn đến việc làm mất đi tính năng động của từ Hán Việt với tư cách là một sự sáng tạo rất linh hoạt của người Việt Nam. Trên thực tế, các từ gốc Hán khi du nhập vào tiếng Việt hầu hết đã bị biến đổi do áp lực của cấu trúc tiếng Việt. Có nghĩa là, chỉ sau một thời gian, bản chất Hán của các từ này đã bị tiếng Việt đồng hóa để không còn cái vẻ nguyên dạng ban đầu. Hoặc là nó bị biến đổi về ngữ âm, hoặc là nó bị biến đổi về ngữ nghĩa theo cách tri nhận mới của người Việt Nam qua cái vỏ âm thanh ban đầu. Có thể dẫn ra vô số trường hợp để nói về điều này. Chẳng hạn, từ "hy sinh" trong tiếng Hán có nghĩa chỉ con vật dùng tế Trời hoặc thần linh. Nhưng khi vào tiếng Việt nó lại có ý nghĩa là " chết vì một lý tưởng cao cả" hay " tự nguyện nhận về phần mình những thiệt thòi mất mát vì lợi ích chung của cộng đồng" ( Vd "anh ấy đã hy sinh vì tổ quốc" hoặc "Bác Hồ đã hy sinh cả cuộc đời mình cho sự nghiếp đấu tranh giải phóng dân tộc"). Từ "đáo để" trong tiếng Hán có nghĩa là "đến đáy", nhưng khi đi vào tiếng Việt nó lại có nghĩa là cách cư xử không đẹp, khiến người ta khó gần; hoặc có khi nó được dùng làm tiếng đệm nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của tính từ giống như các từ chỉ mức độ "vô cùng", "rất", "lắm" ( Ví dụ " Nó nói hay đáo để!"...). Không một người Việt Nam nào khi uống rượu lại nâng cốc và nói " Nào, ta cạn đáo để đi!" chính là vì từ "đáo để" với tư cách là từ Hán Việt đã khác hoàn toàn với nghĩa từ nguyên của nó. Cho nên, phải tùy trường hợp để xem xét cái sai, cái đúng là nằm ở đâu để phân tích cho sát hợp chứ không thể chỉ căn cứ vào nghĩa gốc của từ nguyên để bắt bẻ. Trong bài báo của mình, tác giả Vũ Cao Phan có đưa ra phê phán một số trường hợp dịch. Chẳng hạn, ông quan niệm, dịch cụm từ "thuyết ba đại biểu" của Đảng Cộng Sản Trung Quốc thành " thuyết ba đại diện" là chưa phù hợp mà phải dịch là "thuyết ba đại biểu" mới đúng. Điều này thật khiên cưỡng. Vì rằng, như đã nói, từ Hán Việt tuy có nguồn gốc từ tiếng Hán, nhưng nó đích thị hoàn toàn là của người Việt Nam, được dùng theo cách của người Việt Nam. Sở dĩ người dịch cụm từ trên đã phải chuyển thành "thuyết ba đại diện" là vì, từ "đại diện" ngoài các nghĩa khác cũng có nghĩa là "đại biểu". Còn nếu dịch là "thuyết ba đại biểu" thì người Việt Nam tuyệt đại đa số sẽ hiểu thành học thuyết chỉ "ba người tiêu biểu" hoặc học thuyết " ba người". Sự lựa chọn cách dịch bị tác giả Vũ Cao Phan phê phán, chúng tôi lại cho rằng đó là một sự sáng tạo cần thiết. Cũng như vậy, việc dịch cụm từ "xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc" chưa hẳn đã thiếu chuẩn xác như tác giả Vũ Cao Phan nhận định .Vì rằng, khi phê phán cách dịch này, tác giả Vũ Cao Phan mới chỉ tính đến cái nghĩa phát triển mà không tính đến cái nghĩa gốc- nghĩa từ nguyên còn được bảo lưu đối với từ Hán Việt này. Với nét nghĩa mới này thì từ "đặc sắc" còn có nghĩa dùng để chỉ một sự vật hiện tượng mang đậm màu sắc địa phương.
Hơn nữa, muốn biết dịch như vậy là sai hay đúng còn phải căn cứ vào nhiều tiêu chuẩn khác nữa đối với yêu cầu dịch thuật. Đối với các văn bản như văn bản hành chính, pháp luật, khoa học, thì ngoài yêu cầu về nghĩa còn phải chú ý đến cả tính thuật ngữ của nó. Với tiêu chuẩn này thì cách dịch "xây dựng CNXH mang màu sắc Trung Quốc" rõ ràng dài dòng hơn vì phải dùng đến một cụm từ. Còn cách dịch"xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc" mang tính thuật ngữ rất cao. Về sắc thái, ý nghĩa của nó cũng "đầy" hơn so với cách dịch "xây dựng CNXH mang màu sắc Trung Quốc".
Ngoài ra, trong trường hợp này lại còn chú ý phải thái độ, quan điểm của người dịch (tán đồng hay không tán đồng, tin hay chưa tin vào mô hình CNXH kiểu này). Nghĩa là, đứng trên quan điểm của lý thuyết giao tiếp có thể đánh giá, cách dịch "xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc" là một cách dịch thông minh. Nó cho ta hai cách hiểu. Cách hiểu thứ nhất "đây là mô hình xây dựng CNXH mang đậm/ đặc màu sắc Trung Quốc". Còn cách hiểu thứ hai thì hàm một ý nghĩa chưa tin: dù sao, mô hình xây dựng CNXH kiểu như vậy mới chỉ là một thử nghiệm ở Trung Quốc. Nó sẽ ra sao thì còn phải chờ thời gian mới có câu trả lời. Điều này, xét cho cùng, cũng đúng với tinh thần của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Những điều chúng tôi vừa phân tích cho thấy, việc đánh giá tính đúng, sai trong quá trình sử dụng từ Hán Việt, dựa vào quan hệ với từ nguyên chỉ là một phần, điều quan trọng là phải dựa vào hai điểm mấu chốt: một là, cách tri nhận của cộng đồng người Việt đối với cái vỏ âm thanh vốn có nguồn gốc từ tiếng Hán; hai là mục đích nói năng của người tạo lập văn bản/ ngôn bản. Điểm thứ hai cho phép tính sáng tạo, năng động của người dịch ( tất nhiên, sáng tạo thế nào để được cộng đồng ngôn ngữ chấp nhận là một vấn đề). Còn điểm thứ nhất cho phép sự mở rộng biên độ về nghĩa của từ cũng như khả năng kết hợp các yếu tố từ vựng để tạo lập từ mới. Đây chính là nguyên nhân làm cho nhiều từ Hán Việt có khả năng phái sinh nghĩa rất cao ( chúng tôi nhấn mạnh phái sinh chứ không phải phát sinh) khiến cho ngay cả những người Trung Quốc cũng không thể hiểu được các nét nghĩa mới của cái từ Hán vốn là gốc gác của họ. Ví dụ, "đồng tiền" trong tiếng Hán chỉ có nghĩa là "sự vật bằng kim loại bằng đồng, bằng kẽm, được đúc mỏng, ở giữa có lỗ vuông hay tròn và bề mặt có ghi niên đại". Nhưng khi du nhập vào tiếng Việt và trở thành từ Hán Việt, nó lại có các nét nghĩa mới mà trong nghĩa từ nguyên không có. Đó là các nét nghĩa: chỉ quyền lực ( Vd Hạt tiêu nó bé nó cay /Đồng tiền nó bé nó hay cửa quyền- ca dao), chỉ chỗ lõm có duyên trên má người con gái ( Vd Má lúm đồng tiền). Trong khoảng nửa thế kỷ gần đây, từ Hán Việt này còn được bổ sung thêm một ý nghĩa mới là chỉ phương tiện quan trọng nhất cho sự tiến thân hoặc duy trì sự sống hay sự công bằng ( Vd Đồng tiền là tiên là Phật/ là sức bật của tuổi trẻ / là sức khỏe của tuổi già / là cái đà của danh vọng /là cái lọng che thân / là cán cân công lý...)( Xin lưu ý là ở đây chúng tôi chỉ phân tích sự vận động về nghĩa của từ chứ chưa phân tích cái tính triết lý trong các câu nói trên là đúng hay sai).
Sự mở rộng biên độ về nghĩa của từ Hán Việt là một qui luật nội tại của ngôn ngữ Việt. Qui luật này đảm bảo cho khả năng vô tận của các ký hiệu ngôn ngữ trong việc chuyển tải sự năng động và sáng tạo của từ duy. Vì rằng, vỏ âm thanh của bất kỳ ngôn ngữ nào dù lớn đến đâu vẫn chỉ có giới hạn, trong khi nhận thức của con người là vô hạn. Để cân bằng trạng thái vô lý về mặt hình thức này, việc cấp cho các vỏ âm thanh đã có những nét nghĩa mới là sự đương nhiên. Nếu xem xét tính đúng, sai trong việc dùng từ Hán Việt mà không tính tới điều này thì vô hình trung chúng ta ta đã làm chết cứng tư duy và khả năng sáng tạo của người Việt. Chẳng hạn, đã có một thời báo chí từng phê phán cách dùng từ " sát nhập". Nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng phê phán, dùng "sát nhập" là sai mà phải dùng "sáp nhập" mới đúng. Thế nhưng, cứ sau một thời gian thì từ "sát nhập" lại được dùng trở lại như là một hiện tự nhiên. Sức sống của từ này không phụ thuộc vào ý chí của một vài nhà nghiên cứu. Vì sao vậy? Nếu xem xét kỹ ta sẽ thấy, đây hoàn toàn không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên. Trái lại nó có căn nguyên từ các hiện tượng mang tính xã hội. Như ta đã biết, phụ âm p vốn không có trong tiếng Việt mà là một âm mượn từ tiếng Pháp, rất khó phát âm. Nó là phụ âm cuối trong âm tiết sáp. Khi phát âm cả tổ hợp từ ghép sáp nhập, do ảnh hưởng của âm nh ( âm mở đầu của âm tiết đứng sau) nên âm p bị biến dạng đi.
Ở đây có một sự nhầm lẫn đáng bàn. Đó là cách định nghĩa từ Hán Việt căn cứ vào nguồn gốc hoàn toàn khác với việc xếp đặt vị trí của nó trong kho từ vựng chung.Ấy là chưa nói, tỷ lệ sai sót trong việc nhận diện ở đối tượng này còn chiếm một tỷ lệ rất cao( theo một số cứ liệu chúng tôi điều tra thì có đến trên 85% số giáo viên trung học được hỏi đều có sự nhận diện không chính xác). Điều đó cho thấy, cái tiềm thức về sự hiểu biết từ Hán Việt hay thuần Việt thực ra là không quan trọng. Quan trọng đối với người sử dụng ngôn ngữ là vấn đề từ khó hay không khó. Ý nghĩa này tương tự với cái nghĩa của nghĩa từ nguyên trước khi du nhập là "sắc thái riêng, sắc thái đặc biệt"(Chẳng hạn, người ta thường nói: "Chôm chôm, xoài riêng, măng cụt ...là những sản vật đặc sắc của miền Nam"). Rõ ràng, với câu nói này thì "đặc sắc" không chỉ có nghĩa là "xuất sắc tuyệt vời" tác giả đã nói.P vốn là phụ âm môi-môi, nay bị âm mặt lưỡi nh kéo lui về phía sau nên kết quả đã biến thành âm t là một âm đầu lưỡi răng. Cộng đồng người Việt chấp nhận từ ghép này vì nó thuận với cách phát âm của người Việt mà xét về nghĩa nó lại dễ hiểu và không sai với nghĩa vốn có. Quả thực, một người Việt Nam bình thường không thể hiểu "sáp nhập" là gì, vì họ không thể giải thích được nghĩa của "sáp". Nhưng "sát" thì ai cũng hiểu là " liền nhau","gần nhau", "sát cạnh nhau". Có " sát liền nhau" mới "nhập làm một được ( Vd Sơn Tây sát nhập với Hà Đông thành Sơn Tây. Không thể có chuyện Sơn Tây sát nhập với Ninh Bình thành Sơn Ninh được).



Cũng như vậy, trong thời kỳ đổi mới, việc xuất hiện từ ghép " kích cầu" lần đầu tiên trên báo chí đã bị một số người yêu thích tiếng Hán công kích quyết liệt, cho rằng đó là sự sử dụng từ Hán Việt tùy tiện, bừa bãi làm mất đi sự trong sáng của tiếng ta. Thế nhưng, chỉ sau chừng một năm thì từ ghép này đã được dùng phổ biến và đến nay thì không ai còn hoài nghi về độ chuẩn xác của nó nữa. Vì sao lúc đầu các tác giả của nó bị phê phán mạnh mẽ như vậy ? Đó là do thói quen ngôn ngữ. Trong thời kỳ bao cấp, chúng ta tuân theo lý thuyết "kế hoạch hóa" nên "kích cầu" mới chỉ được dùng với tư cách là một từ tổ chứ không phải là từ ghép với ý nghĩa là "tác động để nâng cao cây cầu lên". Nay trong điều kiện kinh tế mới, tiếng Việt cần bổ sung các thuật ngữ chuyên ngành. Các nhà kinh tế đã tạo ra từ ghép này bằng cách rút gọn cụm từ " kích thích nhu cầu". Đây chính là một sự sáng tạo rất đáng khuyến khích. Bởi vì, trong tiếng Việt đã có tiền đề tạo ra từ ghép kiểu này( Vd Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Liên Xô).
Sự phong phú trong cách sáng tạo rất riêng của người Việt Nam trong quá trình sử dụng các từ Hán Việt đã mở ra một sức sống mới cho các vỏ âm thanh vốn đã cũ trong việc diễn đạt những nhận thức mới của tư duy. Bởi thế, khi bàn đến việc sử dụng loại từ này thế nào cho thật chuẩn xác chúng ta không thể không chú ý đến những tác động của biến đổi xã hội, tâm lý cũng như hoàn cảnh kinh tế trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể của người Việt. Cách sử dụng từ "giải phóng" là một ví dụ. Với nghĩa gốc là " làm cho thoát khỏi ách chiếm đóng, nô dịch để được tự do", khi du nhập vào Việt Nam, người Việt đã tạo cho nó nhiều nét nghĩa mới (Vd, Trước khi kết thúc buổi học, thấy học trò xôn xao muốn nghỉ sớm, người thầy nói " Thôi được, cho giải phóng"; sau hồi lâu đường xá bị tắc vì xe cộ, một người reo lên "Đường được giải phóng rồi"; khi lái xe phải chờ lâu trong chuyện bốc dỡ hàng liền gọi người bốc vác "giải phóng hàng nhanh lên hộ tôii"; khi hai gia đình phải sống chung trong căn hộ tập thể nhiều năm, nay được tách ra ở riêng cũng nói" Chờ đợi mãi, nay mới được giải phóng"....). Nếu ta cứ căn cứ vào nghĩa của từ gốc mà bắt bẻ dùng như thế là tùy tiện thì thật cứng nhắc và chưa hiểu đúng qui luật vận động của ngôn ngữ.
Cái lý do hiển nhiên làm cho các từ Hán Việt trở thành một bộ phận đích thực của tiếng Việt chứ không phải là từ vay mượn chính là ở những điểm này. Ngoài sự thay đổi về cách đọc cũng như việc mở rộng hay thu hẹp, thậm chí biến đổi hoàn toàn về ý nghĩa, từ Hán Việt còn có khả năng sản sinh từ mới rất cao. Cái đó, người ta gọi là khả năng cấu tạo từ. Hiện tượng này xảy ra trong tiếng Việt hiện đại rất nhiều. Có thể đưa ra một loạt các từ như: nội ô, cứu hạn, cứu đói, cứu thương, cứu nguy,tiểu phẫu, đại phẫu, tiểu đoàn, trung đoàn... cách tạo ra các từ mới kiểu này xuất phát từ cách tri nhận riêng của người Việt với các yếu tố gốc Hán "nội", "cứu", "tiểu", trung", "đại"...
Nếu xem xét toàn diện hơn, các từ Hán trong quá trình du nhập vào Việt Nam không chỉ chịu áp lực của tiếng Việt nên đã biến đổi về nghĩa, về âm thanh, về khả năng cấu tạo mà còn có những khả năng hoàn toàn mới về khả năng kết hợp cú pháp. Có rất nhiều yếu tố, trong tiếng Hán không thể đứng độc lập thành một từ, nhưng khi vào tiếng Việt, người Việt lại cấp cho nó khả năng này. "Dân" là một trong các ví dụ như vậy. Trong tiếng Hán, "dân" không có khả năng tách ra thành từ độc lập. nhưng trong tiếng Việt người ta lại nói và viết: "làm tốt công tác dân vận theo phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân" hoặc" nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin"( Văn kiện Đại hội Đảng X Đảng Cộng Sản Việt Nam)
Tất cả những điều chúng tôi trình bày ở trên cho thấy, từ Hán Việt là một vấn để rất phức tạp. Khi đánh giá tính đúng, sai của việc dùng nó không thể chỉ dựa vào vốn tiếng Hán là đủ mà cần có một cách nhìn bao quát ở một diện rộng, bao gồm rất nhiều vấn đề. Có như vậy, ta mới tách ra được các hiện tượng sai đích thực và các hiện mang tính sáng tạo, đặc biệt trong cách tạo từ của các nhà khoa học, các nhà kinh tế, các nhà báo và các nhà văn. Mặt khác, để tiến tới một giải pháp khả quan cho việc xử lý vấn đề này cũng cần cân nhắc tới rất nhiều mặt. Nhất là phương pháp dạy cho học sinh hệ thống vốn từ này.
( Kỳ sau: Tiến tới một giải pháp cho việc tiếp nhận và sử dụng từ Hán Việt).


1 nhận xét: