Quan niệm mới về ngôn ngữ văn
chương
Trần Sáng
Trần Sáng
Sẽ là dài dòng không cần thiết,
nếu cứ bắt đầu một văn bản có liên quan đến ngôn ngữ (đặc biệt là ngôn ngữ văn
chương) bằng những lời phi lộ về tính quan thiết của nó đối với lĩnh vực này.
Nếu như bắt buộc phải thực hiện thao tác này (như tính cấp thiết của đề tài rồi
đến nội dung). Thì có lẽ không có dẫn dụ nào hàm súc và thích đáng hơn là trưng
ra lời mở đầu cua một văn bản tôn giáo là Kinh Cựu Ước. “Khởi thuỷ là lời”.
Chính thế! Sự hình thành của Lời (tiếng) hiểu rộng ra là ngôn ngữ, chính là
khởi sự cho tất cả, đây là một bước ngoặt vĩ đại nhất trong lịch sử phát triển
của xã hội loài người, từ đây lằn ranh giữa loài người với các loài sinh
vật khác, đã được phân rõ bằng một vạch thời đại đậm nét. Từ thứ ngôn
ngữ thô sơ của bầy người nguyên thuỷ (thứ ngôn ngữ mà theo nhà triết học Trần
Đức Thảo thì tầng cử chỉ trội vượt hơn tầng khẩu thiệt) đến
thứ ngôn ngữ hoàn chỉnh bao gồm ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, rồi đến ngôn ngữ
văn chương, đó là cả một sự kỳ diệu. Nhưng là một sự kỳ diệu đầy mâu thuẫn, Bởi
cũng như tất cả mọi sự vật hiện tượng khác trong thế giới vật chất này, hình
như chưa bao giờ loài người có một quan niệm thống nhất về ngôn ngữ nói chung
và ngôn ngữ văn chương nói riêng. quan niệm thịnh hành nhất là ngôn ngữ (ở đây
xin được khu biệt vào ngôn ngữ văn chương) là coi ngôn ngữ như một công cụ của
tư duy. Ở nước ta học sinh phổ thông trung học thường được dạy rằng:
“Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của
văn học” (M.Gorki).như màu sắc đối với hội họa, âm thanh đối với âm nhạc, hình
khối đối với kiến trúc. Nói cho cùng, văn học là nghệ thuật
của ngôn ngữ. Từ đó có thể hiểu rằng ngôn từ có quyền năng vô biên, nó vừa được
dùng để mô tả thế giới vật chất vô cùng vô tận vừa là công cụ ghi lại những
xung động vi tế nhất trong thế giới nội tâm sâu thẳm của con người. Với ý hướng
đó những đối tượng của ngôn ngữ hiện lên với một ý nghĩa tường minh. Những câu
thơ như:
Non cao những ngóng cùng trông
/Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày/Xương mai một nắm hao gầy /Tóc mây một
mái đã đầy tuyết sương (Tản Đà), hay: Con gặp lại nhân dân như nai về
suối cũ/Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa (Chế Lan Viên). Hoặc : “em
ơi Ba Lan mùa tuyết tan, đường Bạch Dương sương trắng, nắng tràn” (Tố
Hữu)...là nh ững câu thơ hay, tuy nhiên
Tuy nhiên sự e ấp, kín đáo của
nàng thơ, bất quá cũng chỉ được giấu giếm dưới một làn the mỏng mảnh. Khó có
thể thoả mãn được các nhà thám hiểm ưa khám phá.
Ở những góc nhìn khác, vấn đề
quan hệ giữa ngôn ngữ và tồn tại từng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà tư
tưởng. Những hoài nghi triết học về khả năng của ngôn ngữ trong việc nhận thức
chân lý, trong việc tái hiện hình ảnh của thế giới khách quan đã nảy sinh từ
Platon, Lessing và gần đây là các nhà Giải cấu trúc luận như J. Derida, R.
Barthes…Trong thiên tiểu luận viết dưới hình thức đối thoại “Trên đường đến
với ngôn ngữ”, Martin Heidegger đã nói rõ về sự hạn chế của ngôn ngữ trong
việc "chỉ ra các sự vật trong mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa
chúng". M.Heidegger đặc
biệt chú ý đến vai trò của ngôn ngữ trong việc tạo lập thế giới. Ngôn ngữ không
chỉ chuyển tải ý nghĩa của người phát ngôn mà chúng có thể tạo nên một thế giới
độc lập. Và ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể. Sở dĩ có tình trạng đó là
bởi ngôn ngữ là một hệ thống kí hiệu, và theo F.D. Saussure, mối quan hệ giữa
nó với cái được biểu đạt luôn luôn là quan hệ có tính võ đoán.
Cho nên, cái gọi là tính chính xác trong sự biểu đạt, xét cho cùng cũng chỉ là
cách nói có tính ước lệ. Ở một dạng thức cụ thể Nguyễn Tuân, một nhà văn có
quan điểm ngôn ngữ văn chương hay ở sự trong sáng, đồng thời cũng được coi là
một bậc thầy về ngôn ngữ Việt cũng đã có những hoài nghi tương tự khi ông loay
hoay, băn bó, cân nhắc mãi trước cái sự phải tả sao cho đúng màu xanh của vụng
Biển Cô Tô:
“xanh như gì nhỉ? Xanh như lá
chuối non? Xanh như lá chuối già? Xanh như mùa thu ngả cốm làng Vòng? Nước biển
Cô Tô đang đổi từ vẻ xanh này sang vẻ xanh khác. Nó xanh như cái màu áo Kim Trọng
trong tiết Thanh minh? Đúng một phần thôi. Bởi vì con sóng đang dội lên kia đã
gia giảm thêm một chút gì, đã pha biển sang màu khác. Thế thì nước biển xanh
như cái vạt áo nước mắt của ông quan Tư Mã nghe đàn trên con sóng Giang Châu
thì có đúng không? Chưa được ư? Thế thì nó xanh như một màu áo cưới, được
không? Hay là nói thế này: nước biển chiều nay xanh như một trang sử của loài
người, lúc con người phải viết vào thân tre? Nghe hơi trừu tượng quá phải
không? Mà kìa, nhìn cho kĩ mà xem, nước biển đang xanh như cái màu xanh dầu
xăng của những người thiếu quê hương. Cũng không phải là sợ lai căng, nhưng
nghe có vẻ vẫn chưa trúng, vẫn chưa ổn phải không? Sóng vẫn kế tiếp cái xanh
muôn vẻ mới, và nắng chiều nay luôn thay màu cho sóng. Mà chữ thì không tài nào
tuôn ra kịp với nhịp sóng" (Cô Tô).
Nói như nhà phê bình văn học
Nguyễn Đăng Mạnh thì, đây hoàn toàn không phải chuyện khoe chữ, làm dáng, mà là
chân thành thú nhận sự thất bại khi đua tranh với tạo hoá. Cái bảng màu của nhà
văn dù phong phú đến đâu thì cũng chỉ là những tín hiệu ngôn ngữ, sản phẩm của
tư duy, không thể nào trùng với thực tại khách quan. Nhà văn càng cố tìm
cách so sánh, liên tưởng bao nhiêu, càng xa bản chất sự vật bấy nhiêu. Cho nên,
đặt vấn đề tính chính xác của ngôn từ trong những trường hợp như thế này dễ rơi
vào cảm tính, chủ quan. Không bao giờ có sự đồng nhất giữa cái biểu đạt và cái
được biểu đạt.
Nằm trong trường ý nghĩa này.
Hiện nay ngôn ngữ văn chương được nhìn nhận như một “sơ đồ mời gọi”
một “kết cấu vẫy gọi”. Nó không cam phận ngựa thồ để chuyển tải ý
nghĩa từ chủ thể tác phẩm đến người đọc. Nó bắt buộc người đọc phải nhọc tâm,
khổ tứ trong cuộc khám phá văn bản, hòng đào sâu, tát cạn tác phẩm đ ể tìm ra
lớp trầm tích ngữ nghĩa sâu sa. Đó không phải là những văn bản đơn âm, đơn
điệu, một chiều. Nói như M. Bakhtin đó là những văn bản đa âm, phức điệu,
nhiều chiều, những văn bản biết đối thoại với độc giả. Vì thế những cách đọc
thụ động, máy móc, chai cứng, thiếu tính sáng tạo sẽ hoàn toàn những bó tay
những câu thơ như:
“Em về mấy thế kỷ sau, ngó
trăng còn thấy nguyên màu ấy không,/ ta đi gửi lại đôi dòng, lá rơi có
dội lại trong sương mù?”. (Bùi Giáng). Hoặc : “ Ngựa
buông vó và mây về ngang trên lưng đồi/ trời xanh lá đàn sâu ngủ quên trong tóc
chiều/cuộc đời đó nửa đêm tiếng ca như than phiền/bàng hoàng lạc gió mây
miền/trùng trùng ngoài khơi nước lên sóng mềm. (Trịnh Công Sơn-Dấu chân
địa đàng). Ở những mức độ khác nhau, phong cách đó cũng chính là sự lựa chọn
hành ngôn của một số thi sĩ hoặc văn sĩ hiện đại như : Lê Đạt, Hoàng Hưng,
Dương Tường, Nguyễn Quang Thiều, Phan Huyền Thư (thơ) Nguyễn Bình Phương, Thuận
(tiểu thuyết)
Hương thắp ba lần/ không đáp
lửa/Hồn có nhà/ hay bát mộ đi xanh
(Thanh Minh- Lê đạt)
Ta khóc vụng một ngày thưa bóng
mẹ /Tiềng gà buồn mổ rỗ mặt hoàng hôn (10 khúc cảm-Nguyễn Quang Thiều).
Một khi người đọc đã thực sự vào
cuộc, tất họ sẽ dũng cảm vượt qua trùng trùng những biểu tượng, để đến
với bản chất đối thoại của ngôn ngữ, và một cách tự nhiên họ sẽ thừa nhận
tính tất yếu của tinh thần dân chủ cũng như tự do tư tưởng và tự do ngôn luận.
Thiết tưởng đó chính là vai trò tích cực của ngôn ngữ (theo quan niệm
mới) đối với văn chương và cuộc sống này.
Bài viết rất hữu ích
Trả lờiXóa