Về
thăm lại Bà mẹ Gio Linh
12:41:48, 05/02/2008
|
|
Đối với tôi, cái tin Phạm Duy trở về nước sống là một tin đầy xúc động. Hồi gặp anh vội vã ở Paris (Pháp), tôi đã được nghe anh tiết lộ về cái khả năng "hứng bất tử" này, và không quan tâm mấy vì nó hoàn toàn viển vông. Nhưng bây giờ, anh đã lặng lẽ làm việc với các "cửa ải thủ tục" để được phép trở về nước. Trở về làng Phượng Dục để xây lại cổng làng và hoàn chỉnh gia phả sau thế hệ nhà văn Phạm Duy Tốn. Ấy mới biết, dù lạc loài đến mấy thì điều làm cho người ta suy nghĩ đến đầu tiên, chính là hai chữ "nguồn cội". Hồi ấy, nghe tin tôi làm việc ở Quảng Trị, anh có hẹn sẽ đi với tôi về Gio Linh. Tôi đã nhất trí như vậy, nhưng hoàn cảnh nay đã khác. Tôi báo anh, qua máy: “Anh cứ tìm đến tòa soạn Tạp chí Cửa Việt ở thị xã Đông Hà, rồi nhờ một phóng viên đưa anh về Gio Linh. Anh cứ yên tâm, bà con trong làng sẽ rất vui mừng được đón tiếp tác giả Bà mẹ Gio Linh”. Thật bất ngờ, vào một buổi sáng đẹp trời, một người đàn ông dáng cao to, tóc trắng như cước xuất hiện trước cửa phòng tôi và đó chính là nhạc sĩ Phạm Duy. Tôi nhìn lướt qua anh, thấy anh chẳng thay đổi gì so với mấy chục năm trước sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm, thuở anh về hát Tình ca cùng với một người đàn bà Mỹ nói tiếng Việt khá sành sõi và dĩ nhiên là khá đẹp. Và giữa hai chúng tôi đã có một cuộc chiến làm rung chuyển thế giới. Tôi không nhấc chân đi được, chỉ biết ngồi trên xe lăn nhìn anh. Tôi rất yên tâm khi nhờ người phóng viên đã rành rẽ mọi nơi, mọi chuyện khắp địa bàn tỉnh Quảng Trị đưa anh đi. Người phóng viên lên xe dẫn đường cho anh Phạm Duy về làng Mai Xá. Giữa đường, anh Phạm Duy giải thích về huyền thoại Bà mẹ Gio Linh cho người dẫn đường nghe. Hồi ấy, nhân một chuyến đi thực tế nông thôn ở Quảng Trị, anh có về công tác ở làng Mai Xá và sáng tác bài hát Bà mẹ Gio Linh trong một đêm, lúc nằm trên giường tre ở chiến khu. "Tôi làm xong tôi khóc. Tôi nhớ hoài, tôi khóc như một đứa con nít". Tiếng khóc ấy như một tiếng nấc uất nghẹn quanh quẩn trong lòng Phạm Duy trong những năm anh sống ở hải ngoại. Dù ăn món gì, dù đang uống ly rượu gì, chợt nghĩ đến Bà mẹ Gio Linh là anh thấy mất vui. "Người ta hay nói đến chữ ăn năn. Riêng mình, tôi thấy ái ngại sao ấy. Bởi vì nó dễ quá. Chỉ mong sao được về đến tận nơi các anh đã hy sinh, được đốt ba nén nhang và nghiêng mình trước mộ hai anh. Đó là việc mình phải làm sau cùng trong lần hồi hương này, để cuộc trở về này có ý nghĩa". Xe vẫn chạy bon bon trên đường ra Mai Xá. Người bạn vẫn ngồi yên bên cạnh Phạm Duy, lần lượt kể cho anh nghe về ngôi làng huyền thoại. Ai cũng biết Cửa Tùng là địa điểm của vua Duy Tân ra bàn với ông khóa Bảo về việc dấy nghĩa Cần Vương; vì thế địa bàn Gio Linh đây, có thể xem như cái nôi của Cần Vương. Sau chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, tiến sĩ Nguyễn Tự Đồng (dân hay gọi là ông Đốc Đồng) đánh trống tụ nghĩa tại làng Hà Thượng. Tục truyền rằng khoảng năm 1925, Quảng Trị nổi danh với những vườn đào tụ nghĩa. Đó là vườn đào của ông Nguyễn Khoa Bảo ở Cam Lộ, vườn đào Linh Yên, Triệu Phong của cụ đề đốc Nguyễn Thành Đốc, về sau bị giặc Pháp xử trảm ở bãi bồi làng Nhan Biều; vườn đào Bồ Bản của cụ Ấm Muộn, vườn đào Bích Khê của cụ hoàng giáp Hoàng Hữu Bính và vườn đào Mai Xá, Gio Linh của tú tài Trương Quang Cung. Những vườn đào rậm rạp, lá cây che mắt giặc Pháp nên được các môn đệ phong trào Cần Vương lấy làm chỗ họp mặt bàn việc khởi nghĩa. Thuở ấy ở các vườn làng Mai Xá, có hàng loạt cây mai mùa xuân nở hoa vàng rực rỡ, từ đó có phong trào "mai vàng tụ nghĩa". Ấy là không khí náo nức chung của huyện Gio Linh trước ngày khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, đến nỗi Tỉnh ủy Quảng Trị năm 1949 có quyết định phong tặng Gio Linh danh hiệu "Huyện kháng chiến kiểu mẫu". "Đấy là bối cảnh lịch sử để bài hát Bà mẹ Gio Linh ra đời. Bây giờ nói cụ thể về các liệt sĩ của bài hát, bác có muốn nghe không?" - người phóng viên hỏi. Dĩ nhiên là anh Phạm Duy rất muốn biết, không phải như đầu đuôi một câu chuyện đã trở thành huyền thoại, mà như một mảnh đất nước ở "phía bên kia", mà từ lâu đã mờ khuất trước mắt anh, giống như một hình bóng của làng quê chìm đắm dưới làn khói mù của lửa đạn. "Nhờ chú cho tôi nghe kỹ đầu đuôi câu chuyện Bà mẹ Gio Linh" - nhạc sĩ Phạm Duy nói với người dẫn đường. Nguyên khu vực này có hai làng cùng một gốc, là làng Mai Xá Chánh và Mai Xá Thị. Anh Nguyễn Đức Kỳ (xã đội trưởng) quê ở Mai Xá Thị; còn anh Nguyễn Phi (cán bộ bình dân học vụ xã) ở làng Mai Xá Chánh. Lính Pháp ở đồn Nhĩ Hạ bắt được hai anh ở ngoài đồng, đem hành quyết rồi cắt đầu găm vào đòn xóc, đem bêu ở bên đường, lấy dầu bi-dăng-tin bôi cho óng mượt, giả dạng đi phố. Trong khi đó, từ phía đình làng Mai Xá, tấp nập những bóng dáng của các bà mẹ Gio Linh cắp thúng mủng giả vờ đi chợ, nhưng thực ra là đi lấy đầu liệt sĩ làng Mai Xá. Ngày giặc Pháp chặt đầu hai liệt sĩ là 16.8.1948. Hồi ấy ở Quảng Trị, giặc Pháp có tục giết người rồi đem đi bêu đầu ở giữa chợ. Có một cậu phóng viên nhân một chuyến đi thực tế ở đồng bằng Triệu Phong muốn điều tra thực hư bài hát Bà mẹ Gio Linh. Kết quả thật bất ngờ, có đến hơn một trăm bà mẹ quê đều tự nhận mình là bản gốc của Bà mẹ Gio Linh. Hồi đó, chị tôi đi buôn ở chợ Chùa, có bữa chị như lạc giọng, đốt mấy nén nhang và một nải chuối, lâm râm cúng lạy ở ngoài hiên. Chị bảo tôi rằng làm thế để cúng vong hồn những người chết oan và bị Tây chặt đầu cắm ở bên đường. Đó là dấu vết của bài hát Bà mẹ Gio Linh theo như tôi được biết, bài hát quả nhiên đầy sức sống: Cái chết đau thương của hai liệt sĩ không làm cho làng Mai Xá ngã quỵ mà nhân thành hàng trăm con người tự nguyện đứng lên bảo vệ làng quê dù phải phơi thây ở bên đường. Các nhà thơ dân gian mọc lên như hoa, ca ngợi cái hùng khí của "mai vàng tụ nghĩa": "Con mang theo dòng máu anh hùng - Sống chiến đấu, chết toàn danh tiết - Con ra đi hình hài tuấn kiệt - Con trở về có chiếc đầu thôi". Các bà mẹ mang thúng đi lấy đầu con, đó là mẹ Lê Thị Cháu (còn gọi là Diêu Cháu) và bà Khương Thị Mén, thím của liệt sĩ Nguyễn Đức Kỳ; mẹ Hoàng Thị Sáng và bà Bùi Thị Con, thím của liệt sĩ Nguyễn Phi. Lấy được đầu về, các mẹ đã giấu ở trên tra, gần nóc nhà để tránh Tây lùng sục. Sau đó, đem chôn vào hai cái hộp vuông phù hợp với chiếc đầu. Lần đầu tiên người Việt Nam đem chôn người thân bằng một chiếc hộp vuông. Đầu anh Kỳ được chôn tại vùng Đôộng, Mai Xá Thị, đầu anh Phi được chôn tại nghĩa địa Cồn Dài. Nhạc sĩ Phạm Duy bùi ngùi nghe lại đoạn băng ghi âm của gia đình ghi lại cuộc phỏng vấn anh và ca sĩ Thái Thanh của đài Pháp RFI thực hiện năm 2001. Thống thiết nhất là giọng của Thái Thanh: "Một bà mẹ bình thường, con cái đã là một gánh nặng lớn của mẹ rồi, huống chi lại phải mất con trong thời chiến tranh nữa. Cái bi kịch này nó ghê gớm quá. Lần nào hát Bà mẹ Gio Linh tôi cũng khóc". Riêng với Phạm Duy, bi kịch Bà mẹ Gio Linh ngay từ đầu đã trở thành một ám ảnh nghệ thuật đeo bám lấy tâm hồn anh, nhất định "không buông tha" để tâm hồn anh đỡ bị giày vò. Chợt nhớ lại một đêm năm 1951, lúc bước chân qua Phát Diệm, Phạm Duy thấy mình mãi khóc bằng một giọt nước mắt lạ lùng, có khi giọt nước mắt ấy rơm rớm trong khóe mắt; hoặc tuôn dào dạt như muốn lấp đầy khoảng trống trong lồng ngực, không phải là người ngoài cuộc mà chỉ người trong cuộc mới biết. Đó là một khoảnh khắc vàng của một đời nghệ sĩ trong cuộc sống phong trần của anh. Sự quay trở về lần này của Phạm Duy chính là hành động để anh tạ tội với Mẹ Việt Nam, để xin người cho "đi lại từ đầu". Ôi, Mẹ Việt Nam luôn bao dung và nghiêm nghị sẽ nhìn xuống mỉm cười trên mái tóc bạc trắng như cước của đứa con tài hoa, phung phá và nay biết hối lỗi, Mẹ Việt Nam sẽ chứng giám cho thành tâm của anh. Sách Yếu Lược Đông Pháp ngày xưa có nói đến một kẻ lãng du mãi đi tới trước mặt mình, tự nhiên đứng chân, đi ra khỏi cổng làng, băng qua những núi non, những đại dương, băng qua những quốc gia, những nền văn hóa, vẫn tiếp tục bước tới, tới nữa, tới mãi... Đến một lúc gần như "hết đất" để đi tới, người lữ khách dừng chân, nhìn lại, và ô kìa...! Chỗ đứng chân đầu tiên lại xuất hiện trước mắt anh. Người lữ hành là người luôn luôn quay lại trên vết chân của mình. Với Phạm Duy, vết chân đầu tiên để anh bước vào lịch sử chính là ngôi làng Mai Xá huyền thoại này và như vậy, anh là một Người Trở Về, vâng Come back Sorriento, "và sẽ thấy kiếp xưa bước nhẹ về"... "đi lại từ đầu". Như lời anh đã viết trong ca khúc Kỷ niệm mới đây. Nãy giờ ham nói chuyện, người phóng viên mới để ý rằng mình đang đưa anh Phạm Duy đi băng qua ngõ làng Mai Xá, hướng đến một nền nhà cũ. Đó là nền nhà thời thơ ấu của anh Nguyễn Đức Kỳ, căn nhà đã biến mất từ lâu, nền nhà đã bị cày vỡ dùng để trồng trọt, con đường rộng lên ngã tư Sòng cũng băng qua đó. Nhạc sĩ Phạm Duy đứng yên, đốt mấy cây hương cắm lên nền nhà lẩm bẩm: "Đến rồi!" và lấy giọng hát bài Bà mẹ Gio Linh. Anh hát nghẹn ngào, giọng vang như mọi lần nhưng trầm hơn. Bà mẹ đứng cạnh anh úp nón trước ngực, cất tiếng thở dài. Đó là mẹ Diêu Cháu của anh Kỳ. Bài hát này in ở Huế, lời của nó được tác giả sửa lại nhưng thanh niên trong làng vẫn thuộc y nguyên lời đầu tiên:
...Nghẹn
ngào không nói một câu
Bà mẹ Gio Linh tức mẹ Diêu Cháu, đứng bên
cạnh Phạm Duy, nét mặt xúc động tràn trề, Phạm Duy ngoảnh mặt lại, cúi xuống
nhìn mẹ, rồi bỗng nhiên buột miệng:Mang khăn gói đi lấy đầu Đường về thôn xóm buồn teo Xa xa tiếng chuông chùa reo… - Mẹ đẹp như một vị thánh. Mẹ Diêu Cháu mắt hấp háy, da mặt hồng hào như thời con gái, dáng hơi bối rối. Nhạc sĩ Phạm Duy hát xong bài Bà mẹ Gio Linh, đứng nghiêm thẳng người, cây đàn guitar cũ chống ở trước bụng, trong tư thế của người chiến sĩ đứng chống gươm, mặc niệm trước đồng đội đã khuất.
16.11.2007
|
Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012
Về thăm lại Bà mẹ Gio Linh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Chuyến thăm này rất ý nghĩa
Trả lờiXóa