Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Văn chương Truyện Kiều (2)

Văn chương Truyện Kiều (2)
II. Loại tư sản

Từ năm 1919 trở đi, trên mặt tạp chí Nam phong bổng nổi lên một trào lưu sùng mộ Truyện Kiều rầm rộ và nhiệt liệt. Bắt đầu, là ông chủ nhiệm tạp chí ấy: ông Phạm Quỳnh, một nhà tân học vừa đồng hóa được những tư tưởng tư sản ở Tây phương lại vừa cố giữ cái nền nếp tinh thần đào luyện trong Nho giáo của Đông phương. Hưởng ứng với ông Phạm Quỳnh sốt sắng nhất là học giả Trần Trọng Kim. Rồi, nối lời hai ông, cả một toán binh thanh niên Tây học (Vũ Đình Long, Nguyễn Triệu Luật, Nguyễn Tường Tam, v.v.) nhảy vào phong trào tập Kiều, đem cái sở đắc về phương pháp thưởng thức văn chương lĩnh hội được ở nhà trường Pháp áp dụng vào sự phân tích cái hay cái khéo của từng câu từng chữ trong tập thơ Đoạn trường của Nguyễn Du. Tạp chí Nam phong suốt mấy năm trời chất đầy những bài bình Kiều của loạt thanh niên Âu hóa đó.



Sự ca tụng Truyện Kiều ấy được kết thúc bằng cuộc kỷ niệm Nguyễn Du ở hội quán Khai trí Tiến đức Hanoi tháng Septembre 1924. Chính trong buổi kỷ niệm này, ông Phạm Quỳnh đã hai lần hô lên một cách say sưa câu nói bất hủ của ông: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn nước ta còn”. Ông lại cho rằng Truyện Kiều là một cuốn Phúc âm của người Việt Nam, phàm đã là người Việt Nam thì phải học, phải thưởng thức, phải lấy sự có nó làm vinh dự. Bài “Chính học và tà thuyết” của nhà chí sĩ Ngô Đức Kế viết ra chính là để đáp lại cái chủ trương ấy của phái Nam phong.



Xét cho kỹ, phong trào học Kiều do các nhà trí thức tân học kia chủ xướng chỉ là con đẻ của cái bản chất lịch sử của đẳng cấp tư sản Việt Nam hồi bấy giờ. Đẳng cấp này, nhờ cuộc Âu chiến, đã bắt đầu có điều kiện để phát triển mạnh mẽ. Con em họ sinh trưởng ở thị thành đã đón tiếp được ngọn gió tư tưởng Tây phương trong cái học đường Trung và Cao đẳng của Chính phủ Bảo hộ mở ra từ trước cuộc Âu chiến[1].



Các phần tử trí thức tư sản tốt nghiệp ở các học đường này ra đều hăng hái muốn kề vai gánh vác việc giang sơn đất nước, để thực hiện những tư tưởng thu thái được của văn hóa tư sản Tây phương. Những bao nhiêu mộng tưởng cao siêu đẹp đẽ ấy lúc va đụng vào sự thực đều bị tan vỡ một cách đau thương.



“Cho nên, than người bạc mệnh, tức là than thân mình… Nay ta đọc Truyện Kiều mà có “khóc người đời xưa” thì những người thức giả hẳn không ai cho là “khéo dư nước mắt nữa”. (Trần Trọng Kim – “Tựa truyện Truyện Thúy Kiều”)



Đó là cái lẽ chính nó kích thích các nhà trí thức tư sản ca tụng Truyện Kiều say mê đến thế. Ngoài lẽ ấy ra, họ còn ca tụng Kiều là để tỏ rằng dân tộc mình cũng đồng đẳng với những dân tộc mình cũng đồng đẳng với những dân tộc khác về một phương diện nào đó – phương diện văn chương. Về điểm này, ông Phạm Quỳnh đã viết:



“Đối với những kẻ nào chê rằng người Việt Nam chúng ta không có văn chương, các bạn hãy đọc cho họ nghe những câu thơ của Nguyễn Du mà tất cả các bạn hẳn đã thuộc lòng, hoặc những câu thơ của Nguyễn Công Trứ, hoặc những bài thơ của Hồ Xuân Hương, rồi các bạn thử hỏi họ xem đã có mấy nền văn chương trên thế giới có được những câu thơ đậm đà tao nhã như thế, dĩnh ngộ như thế; biểu diễn bằng một hình thức hoàn toàn đến thế những tình cảm khác màu sắc đến thế và sâu sắc đến thế không? (Bài: “Etudes classiques sino annamitos’’ – Sách Nouveaux essais franco-annamites). Trong một bài đề là: “Vers une doctrine nationale’’ cũng in trong sách ấy ông Phạm Quỳnh lại trích dẫn một bài báo ký tên là André Gaudbye đăng trong tờ Ami du people indochinois ngày 16.4.1934 thuật câu nói sau đây của Francis de Miomaudre về ngày kỷ niệm nhà thi sĩ Ba Tư Ferdowsi, tác giả tập thơ Shahnameh (Sách của các vua):



“Một dân tộc bị chinh phục muốn giải thoát chỉ cần có một từ ngữ đã được quy định bởi một văn phẩm kiệt tác”. Như vậy tỏ rằng ông tin ở “cái sứ mệnh giải phóng dân tộc của những tập văn kiệt tác” là nhường nào!



Lòng tin tưởng ấy lại càng tố cáo rõ thêm trạng thái bất lực của giai cấp tư sản. Chỉ còn biết đặt hy vọng giải thoát cho dân tộc vào một tập thơ: tất nhiên đó không phải là thái độ của một giai cấp đang đóng một vai trò tiến hóa trong lịch sử.



Nhưng Truyện Kiều không phải chỉ có những câu thơ kiều diễm để mà đem khoe khoang với người ngoài. Nó cũng không phải chỉ có cái triết lý đầu hàng vận mệnh để giai cấp tư sản nương vào đó mà tự an ủi, tự biện hộ. Nó còn có cái mà nhà nho Ngô Đức Kế gọi là sự tà dâm nữa. Nó lại còn có cả một ý thức hệ phong kiến nữa. Ca tụng Truyện Kiều, các nhà trí thức tư sản không thể không phát biểu ý kiến về hai điểm ấy.



Thực ra hai cái đó (tà dâm và luân lý phong kiến) không thể dung nhau được. Một là theo luân lý phong kiến thì phải kết án chuyện “giăng thề quạt ước” vượt ngoài lễ giáo đã mô tả ở Truyện Kiều. Một là bênh vực ái tình mê đắm thì phải đạp lên luân lý phong kiến. Các nhà trí thức tư sản ở xứ ta đã dung hòa cả ái tình mê đắm và luân lý Nho giáo. Họ không dám kết án ái tình mê đắm (một yếu tố trong ý thức hệ tư sản mà họ đại diện) mà lại cũng không giẫm đạp lên luân lý phong kiến (hoàn cảnh lịch sử đã dồn họ vào cái thế thỏa hiệp với giai cấp quý tộc và địa chủ). Ta hãy nghe một đại biểu của phái trí thức tư sản lên tiếng về vấn đề ấy:



“Truyện Kiều… có luân lý gì không? Thiết tưởng một người đàn bà con gái đang “phong gấm rủ là” mà bị cơn gia biến biết bán mình để giữ cho trọng đạo hiếu và lúc lưu lạc giang hồ mà giữ được lòng tiết nghĩa như nàng Kiều thì dầu ở đời nào nước nào ai cũng phải kính phục. Tuy trong truyện có tả những cảnh thanh lâu, những phường gian ác, nhưng có đem bầy tỏ những cái xấu xa dơ bẩn ấy ra thì mới rõ cái đoạn trường của một bậc giai nhân đáng thương xót là bao nhiêu làm cho người xem truyện sinh ra cái mối lòng thương lòng giận. Thương là thương cái số kiếp con người ta hay phải lắm điều chìm nổi khắt khe; giận là giận một xã hội hiếm hoi thiện tính lương tâm; để đến nỗi những kẻ liễu yếu đào tơ phải những bước gớm ghê chua xót. Có cái lòng thương ấy thì người ta mới muốn làm những điều từ thiện; có cái lòng giận ấy thì người ta mới mong mỏi muốn sửa đổi việc đời cho thành ra có cái xã hội hay hơn đẹp hơn. Đọc một quyển sách mà nẩy ra được những cái cảm tình mật thiết với loài người như thế thì quyển sách ấy chắc là không phải không có luân lý. Thế mà nói đến Truyện Kiều thì nhiều người chê là Truyện Kiều tà dâm, nhảm nhí. Những người ấy một hạng là tính nông nổi không chịu mất công mà nghĩ ngợi cho ra lẽ phải trái; một hạng là bọn giả đạo đức…



… Nàng Kiều có nặng về đường tình ái thật, nhưng cái tình ái mà trong sạch thì có điều gì là dở? Vả làm người, trừ những kẻ trơ như mộc thạch chỉ biết ăn biết ngủ thì ai là người đã khỏi cái nợ tình ái? Tình ái mà như nàng Kiều trước sau biết nặng lời non nước, biết “lấy hiếu làm trinh”, biết nhân biết nghĩa thì sao lại cho là không có luân lý được?



Ta nay cứ xem Truyện Kiều không phải là chỉ vì văn hay ý sâu mà thôi nhưng lại vì những điều nhân nghĩa trí tín nữa; thật là quyển sách rất có luân lý, rất thanh nhã vậy”. (Trần Trọng Kim – “Tựa Truyện Thúy Kiều”)



Đoạn văn này, có hai lý luận khác nhau mà cùng tố cáo một dụng ý giống nhau là: thỏa hiệp ý thức hệ phong kiến với ý thức hệ tư sản. Bằng lý luận thứ nhất, ông Trần dùng một quan niệm tư sản để bênh vực một văn phẩm phong kiến. Không ai còn lạ rằng văn chương, theo quan niệm phong kiến, phải có tính cách công thức và truyền đạo. Có tính cách công thức nghĩa là phải mô tả mỗi loại sự kiện (tự nhiên, tâm lý, xã hội) đúng với cái trạng thái bất biến đã định sẵn của nó trong trật tự phong kiến, không được ghi chép những cái gì “đặc sắc” của “cá thể”.



“Những nhân vật trong văn chương trung cổ (phong kiến) không phải là những cá tính đặc biệt mà phải là “mẫu người” điển hình. Và ngay cả những cách sinh hoạt của các mẫu người điển hình này cũng bị ấn định sẵn rồi. Chỉ có người Thày Tu, người Lái Buôn, người Ẩn Sĩ”.[2] Tả người đã phải như thế, tả các loại trí thức hay xã hội cũng phải theo nguyên tắc công thức ấy. Hơn nữa, sự mô tả còn phải có mục đích tuyên truyền hoặc biểu dương cái trật tự đang có hay cái Đạo – cái ý thức hệ - vẫn dùng để chính thức hóa trật tự ấy. Bởi vậy, một điều kị nhất của nhà văn phong kiến là sự tả thực. Văn nghệ tả thực và văn nghệ phong kiến là hai cái không thể đứng chung với nhau một chiều được. Xét trong lịch sử các văn học thì nghệ thuật tả thực ở đâu đâu cũng chỉ nẩy nở được cùng với giai cấp tư sản. Tinh thần “tả thực” là một tinh thần tư sản.



Để trả lời những người công kích Truyện Kiều là tà dâm, ông Trần Trọng Kim đã biện hộ sự mô tả “những cảnh thanh lâu những phường tàn ác” trong truyện, lấy lẽ rằng: có đem bầy tỏ những cái xấu của xã hội thì mới khiến người ta thương người đau khổ (Kiều) và giận xã hội thiếu thiện tính; và như vậy tức là Truyện Kiều có luân lý vì đã làm “nẩy ra được những cảm tình mật thiết với loài người”.



Đó là một luận điệu trăm phần trăm tư sản. Nếu Truyện Kiều vì tính cách “tả thực” của nó mà có luân lý, như ông Trần nói, thì cũng chỉ “có luân lý” với những người có ý thức hệ tư sản thôi. Còn đối với những người phê bình văn chương theo nguyên tắc phong kiến thì Truyện Kiều là vô luân lý chính vì nó đã “tả những cảnh thanh lâu những phường tàn ác… đã đem bầy tỏ những cái dơ bẩn xấu xa ấy ra”.



Nhưng bàn như vậy chỉ là muốn đứng vào quan điểm ông Trần để bác cái lý luận của ông đã dùng đến, chứ thực ra Truyện Kiều có tính cách tả thực như ông Trần đã gán cho nó đâu. Thực ra, bao nhiêu cái dơ bẩn, Nguyễn Du đã giấu đi hết hoặc đã dùng văn chương để gói ghém vào một hình thức thanh tao. Bao nhiêu nhân vật trong Truyện Kiều đều nhiễm một mầu sắc công thức đằm thắm không thể đánh lộn với một văn phẩm tả thực tư sản được.



Các nhà nho công kích Truyện Kiều là vô luân lý không phải vì nó phô bầy những cái dơ bẩn ra mà chỉ vì nó tả những hành vi trái với luân lý phong kiến (như hành vi của nàng Kiều lúc thề thốt với Kim Trọng). Ông Trần cũng như giai cấp ông – vẫn phải tán dương nhân nghĩa trí tín trung hiếu (luân lý Nho) nên cố tình bênh vực những cái đó trong Truyện Kiều rồi ngụy biện theo lối chủ quan thiên lệch vậy.



Sự ngụy biện ấy càng tỏ lộ ra ở lý luận thứ hai trong đoạn văn kia của ông Trần Trọng Kim. Ở lý luận này, ông Trần lại đem một quan niệm phong kiến để bào chữa cho một hành vi tư sản (tôi muốn nói: cái tình ái mê đắm của nàng Kiều). Ông cật vấn phe địch:



“Tình ái mà như nàng Kiều trước sau biết nặng về lời non nước, biết lấy hiếu làm trinh, biết nhân biết nghĩa thì có luân lý hay không?”



Nếu tình ái của nàng Kiều chỉ là thế thì tất nhiên là có luân lý lắm rồi (chữ luân lý hiểu theo ông Trần). Nhưng tình ái mà (như nàng Kiều) “mối manh chưa có, thề thốt đã nhiều”, mà “trăng thề, quạt ước” với trai trước khi được lệnh của cha, mà “sánh vai về chốn thư hiếu” với trai, mà “chén hà sánh giọng quỳnh hương” với trai giữa lúc canh trường nhà vắng, tình ái như thế thì có đúng với giáo lệnh của luân lý phong kiến không? Ông Trần nói đến tình ái của nàng Kiều chỉ nói đến sự “lấy hiếu làm trinh”, sự nhân nghĩa là những cái không dính gì đến tình ái cả. Ông quên mất cái khác nhau của bản đàn ân ái đó. Dù muốn bào chữa cho Kiều đến đâu ta cũng phải nhận rằng tình ái của Kiều với Kim Trọng lúc “trăng thề quạt ước” thật là vô luân lý (tất nhiên là xét theo quan điểm luân lý phong kiến). Nói như ông Trần trên kia là nói thiên đi để tránh sự bế tắc về luân lý[3].



Muốn biện hộ cho tình ái của nàng Kiều đáng lý nhà trí thức tư sản phải luận theo ý thức hệ tư sản thì mới hợp lẽ. Mà cũng chỉ có đem chủ nghĩa cá nhân tư sản ra mới bênh vực được hành vi tình ái của nàng Kiều. Không đứng ở lập trường tư sản mà lại cố ý đứng ở lập trường phong kiến, một mực cho rằng tình ái của Kiều không phải trái gì với luân lý nho – như ông Trần đã làm – thì thật là bất chấp cả luân lý, bất chấp cả sự thực. Thái độ của ông Trần chỉ chứng thực rằng giai cấp tư sản đã cộng tác mật thiết với giai cấp quý tộc phong kiến ở địa hạt tư tưởng và luân lý[4].



Nói rút lại, các nhà trí thức tư sản cũng vẫn đứng ở quan niệm luân lý để phê bình Truyện Kiều mà lại là quan điểm của luân lý phong kiến. Họ cũng đã biết đem cái đẹp và hình thức của Truyện Kiều ra phát huy, “cải tiến”, họ cũng biết thưởng thức cái phần tình cảm của các vai trò trong Truyện Kiều. Nhưng họ vẫn đặt luân lý của truyện lên trên tất cả - trên cả “ý sâu” trên cả “văn hay”, trên cả tình cả cảnh. Mà hễ còn ca tụng Truyện Kiều theo quan điểm luân lý phong kiến thì vẫn không tài nào tránh được dư luận búa rìu của phái Ngô - Huỳnh. Muốn ca tụng Truyện Kiều, phải đứng ở lập trường ý thức hệ tư sản mà phê phán. Đó là công việc của các nhà trí thức tiểu tư sản Việt Nam (Đào Duy Anh, Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư) sau khi phái Nam phong im hơi lặng tiếng. Đến thời kỳ này, vấn đề Truyện Kiều lại bầy ra một cục diện mới khác hẳn trước đáng cho ta chú ý.



III. Loại tiểu tư sản



Những ý kiến phê bình Truyện Kiều của các nhà trí thức tiểu tư sản xứ ta tuy phức tạp nhưng đều xây dựng trên quan niệm chung, chống hẳn lại quan niệm phong kiến là “văn chương không kể đến luân lý”. Họ đều chủ trương rằng phê bình một tập thơ (như Truyện Kiều) không thể đem luân lý ra mà định giá được. Một văn phẩm có giá trị riêng của nó không dính dấp gì đến giá trị luân lý cả. Quan niệm này được một đại biểu của phái trí thức tiểu tư sản – ông Đào Duy Anh – nói ra rất rành mạch trong quyển khảo luận về Kim Vân Kiều của ông (chương thứ tám). Sau khi lược thuật các lời phê phán của các người khen Kiều (Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Kỳ Nam) và chê Kiều (Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng), ông Đào kết luận: “Lời tán tụng… cũng quá đáng như sự mạt sát… mà quá đáng là vì hai bên đến lấy tư tưởng luân lý mà phê bình phán đoán một tác phẩm nghệ thuật. Chúng ta sở dĩ yêu chuộng Truyện Kiều không phải vì nó có thể làm quyển sách luân lý cho đời, mà chỉ vì trong sách ấy Nguyễn Du đã dùng những lời văn thần diệu để rung động tâm hồn ta...” (trang 197).



Đó cũng là ý kiến chung của tất cả các nhà học giả, văn nhân, nghệ sĩ tiểu tư sản khác (Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu…) Tất cả đều cố giữ cho văn nghệ một đời sống độc lập trong một thế giới độc lập, tại đó luân lý không đặt chân vào.

Tuy nhiên, mặc dầu cùng chủ trì một nguyên tắc căn bản ấy, các nhà tri thức tiểu tư sản kia cũng vẫn không đồng tư tưởng với nhau khi luận đến nghệ thuật. Chung quanh vấn đề Truyện Kiều, họ đã chia ra làm hai phái lớn:



1. Phái Đào Duy Anh



2. Phái Hoài Thanh



Phái Đào Duy Anh chú trọng đặc biệt vào giá trị tình cảm của Truyện Kiều:



“Chúng ta sở dĩ yêu chuộng Truyện Kiều… chỉ vì trong sách ấy Nguyễn Du đã dùng những lời văn thần diệu để rung động tâm hồn ta, khiến mỗi câu văn chúng ta ngâm, hoặc khi Kiều Kim gặp gỡ, hoặc khi gia biến, hoặc khi Kiều bị đầy đọa, hoặc khi tái ngộ chàng Kim đều chan chứa đồng tình: chỉ vì Nguyễn Du đã đem những câu văn “vừa lâm ly vừa ủy mị vừa giải thứ, vẻ hệt một người tài mệnh trong mười mấy năm trời” trải qua nhiêu những nỗi đau đớn ê chề mà vẫn giữ trọn tấm lòng thanh bạch, bởi vì Nguyễn Du đã gieo vào lòng ta những mối hứng thú tế nhị thanh cao, cùng những mối cảm tình thương người, nhất là thương người phải giày vò vì phận mệnh, chỉ vì đây mới là lẽ chính – Nguyễn Du đã gieo trong lòng ta một mối tin chắc chắn, một mối hy vọng dồi dào với tiếng nói của ta…” (Đào Duy Anh – Sách đã dẫn – trang 177 - 178).



Phái Hoài Thanh tán thành cái lẽ cuối cùng mà ông Đào vừa nói đến (Truyện Kiều làm cho ta tin và hy vọng vào tiếng nói của ta) gác bỏ những lẽ ở giữa (truyền những cảm tình thương người, tả một người giữ trọn tấm lòng thanh bạch) và đặt cả công phu tán Kiều của họ lên lẽ thứ nhất (lời văn thần diệu). Trong một bài báo nhan đề “Nội dung và hình thức” đăng ở một số tạp chí Tao đàn năm xưa, ông Hoài Thanh có chủ trương rằng: cái “nội dung” của Truyện Kiều theo ý ông chính là những lời thơ đẹp, những hình ảnh tài tình, nghĩa là cái mà người ta vẫn gọi là hình thức của nó. Truyện Kiều đáng cho ta ca ngợi không phải vì nó biểu dương quan niệm này hoặc truyền đạt cảm tình thanh tao nọ, mà chỉ vì nó đẹp: chữ đẹp, lời đẹp, hình ảnh đẹp, âm điệu đẹp. Như thế là nó có giá trị duy nhất của một văn phẩm chỉ là giá trị về kỹ thuật (valeur technique) – giá trị về hình thức.



Với quan niệm tiểu tư sản ấy, vấn đề Truyện Kiều, ở con mắt nhiều người, hồ như đã được giải quyết thỏa đáng rồi. Hiện nay mọi người đều công nhận rằng Truyện Kiều dù luân lý có đáng chê, tư tưởng cổ không hợp thời nữa, cũng vẫn đáng ca tụng, đáng kỷ niệm, sống đời đời với non sông Việt Nam, vì nó là một tập thơ hay, bất hủ - “Đại Việt thiên thu tuyệt diệu từ” để theo câu nói của Phan Thạch Sơn.



Về mối liên lạc giữa quan niệm nghệ thuật với các trào lưu lịch sử ở Pháp trong thế kỷ 19, giáo sư P. Martino đã nhận xét (trong sách Parnasse’ et Symbolisme).



“Sự đắc thắng của thuyết nghệ thuật vị nhân sinh hay của thuyết nghệ thuật vị nghệ thuật, ngoài nguyên nhân văn học ra, còn có nhiều nguyên nhân chính trị và xã hội nữa. Năm 1830 sự thành công của Cách mạng kích thích và vun xới những quan niệm của Saint–Simon và của thuyết Nghệ thuật hữu ích; năm 1850, chế độ phản động của họ Nã-phá-luân mở đường một cách gián tiếp cho thuyết Nghệ thuật vị nghệ thuật. Đến năm 1880, chế độ Cộng hòa lại cổ lệ cho nghệ thuật tả chân thực nghiệm…” (tr. 243).



Định luật xã hội học ấy đem dùng để cắt nghĩa những biến thái của quan niệm nghệ thuật trong vòng ba bốn mươi năm nay ở xứ ta (chung quanh vấn đề Truyện Kiều) không phải là không đúng.



Từ hồi Nam phong đến giờ, chung quanh vấn đề Truyện Kiều, ta nhận thấy quan niệm về nghệ thuật đã trải qua nhiều dạng thái khác nhau. Mới thoạt đầu (khoảng 1918-1928) là quan niệm nghệ thuật vị luân lý. “Ta nay cứ xem Truyện Kiều không phải là chỉ vì văn hay ý sâu mà thôi, nhưng lại vì những điều nhân nghĩa trí tín nữa”. – Trần Trọng Kim – “Nghệ thuật vị xã hội”. “Văn chương… là một cách rải rắc tư tưởng học thuật ra thiên hạ, tư tưởng học thuật hay thì quốc vận cũng hay, tư tưởng học thuật dở thì quốc vận cũng dở” (Phan Kế Bính – Việt Hán văn khảo, tr. 109 – Trung Bắc Tân Văn xuất bản 1930). Đó là thời kỳ mà ông Phạm Quỳnh chê thi sĩ Tản Đà chỉ biết ngồi trạm cửa võng khéo léo tỉ mỉ (nghĩa là chỉ biết gọt văn rũa chữ cho réo rắt mỹ miều) trong lúc mọi người đang nỗ lực xây nền móng cho lâu đài quốc học.



Sau đó ít lâu, khoảng 1930–1935, nẩy ra quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật của phái Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư. Quan niệm này đồng thời với một thời kỳ phản động về chính trị. Kịp tới hồi tranh đấu xã hội bồng bột (1935-1939). Hai quan niệm nghệ thuật vị nhân sinh do các nhà trí thức duy vật đề xướng lại một phen đắc thắng.

Đến thời kỳ 1940 tới gần đây, cục diện chính trị và xã hội bầy ra một tính cách trầm trệ, ngừng tiến hóa thì lại nẩy ra cái quan niệm của ông Đào Duy Anh dung hòa hai chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh, ca tụng Truyện Kiều vì lời văn tuyệt diệu mà cũng lại vì nó làm nẩy ra lòng thương người ở độc giả, vì nó tả một tâm hồn thanh bạch bền bỉ mà cũng lại vì nó quan hệ đến tương lai của Việt ngữ.



Ông Đào Duy Anh đã nói hộ mọi người khi ông đề nghị: “Văn học giới nước Nam ta sau này có lẽ cần phải có một học phái chuyên nghiên cứu Truyện Kiều thì may ra mới phát huy được hết chân giá trị của áng văn bất hủ ấy”.



Viết cuốn tiểu luận này tác giả chú ý phê bình cái quan niệm tiểu tư sản kia về Truyện Kiều. Chúng ta thử xét xem:



1. Cái “chân giá trị” của Truyện Kiều ở hình thức hay ở nội dung?

2. Truyện Kiều có phải là một áng văn “bất hủ” không?

3. Thi vị Truyện Kiều có thật hợp với tâm hồn Việt Nam ngày nay nữa không?



Và nhân đó, chúng ta sẽ đi tìm một nguyên tắc vững chãi làm nền tảng cho khoa phê bình văn học.

                                                                        *

Phần thứ hai - Văn chương Truyện Kiều



Chương I - Cái hay của Truyện Kiều



Bàn về giá trị văn chương của Truyện Kiều, một người đồng thời với Nguyễn Du – Mộng Liên Đường chủ nhân – đã viết:



“Trong một tập, thủy chung lấy bốn chữ ‘Tạo vật đố tài’ tóm cả một đời Thúy Kiều: khi lai láng tình thơ, người tựa án khen tài châu ngọc; khi nỉ non tiếng nguyệt, khách dưới đèn đắm khúc tiêu tao, khi duyên ưa kim cải non bể thề bồi; khi đất nổi ba đào cửa nhà tan nát, khi lầu xanh khi rừng tía, cõi đi về nghĩ cũng chồn chân, khi kinh kệ khi can qua mùi từng trải nghĩ mà tê lưỡi. Vui buồn tan hợp mười mấy năm trời, trong cuốn văn tả ra như hệt không khác gì một bức tranh vậy.

Xem đến chỗ giấc mộng đoạn trường tỉnh dậy mà căn duyên vẫn gỡ chưa rồi; khúc đàn bạc mệnh gẩy xong mà oán bận vẫn còn chưa hả thì dẫu đời xa người khuất không được mục kích tận nơi nhưng lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc cũng phải thấm thía ngùi ngùi đau đớn như đứt ruột… Nếu không phải con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì tài nào có cái bút lực ấy”.



Hơn trăm năm nay, các học giả, văn nhân, thi sĩ không ai là không biểu đồng tình với Mộng Liên Đường về điểm ấy[5].



Và từ Phạm Quý Thích đến Chu Mạnh Trinh, suốt gần một thế kỷ, khi nói đến cái văn tài của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, ai cũng đều bình luận theo cái lối bình luận của Mộng Liên Đường chủ nhân cả.



Ông Phan Kế Bính, trong sách Việt Hán văn khảo soạn năm 1918 là người thứ nhất đã đem cái óc thưởng thức văn chương rất hiện đại ra mà phân tích cái đẹp, cái tài tình của thơ Truyện Kiều. Ta hãy nghe nhà nho ấy bình luận:



“Xem toàn quyển truyện không có một tiếng nào là tiếng đục, không một câu nào là câu non. Giọng văn nhẹ nhàng, ý tứ lưu loát, tá dụng những điển tích cũng tài mà nhất là những chỗ tả cảnh tả tình, tình cảnh nào như vẽ ra tình cảnh ấy:



Lơ thơ tơ liễu buông mành,
Con oanh học nói trên cành mỉa mai.



Thực rõ cảnh mùa xuân!



Dưới trăng quyên đã gọi hè,
Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông.



Thực rõ ra cảnh mùa hạ!



… Tả đến người nào lại hợp với khẩu khí và tính cách của người ấy mới lại khéo thay!



Thoạt trông nhờn nhợt màu da
Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao!



Và mấy câu:



Này này sự đã quả nhiên,
Thôi đà cướp sống chồng min đi rồi.

Cho đến câu:



Cớ sao chịu ép một bề
Gái lơ mà đã ngứa nghề sớm sao.

Thực như vẽ ra hình dáng và rõ ra giọng lưỡi của một người mụ giàu…



… Lại như những chỗ tả ngón đàn mỗi chỗ tả một khác mà chỗ nào cũng thần tình, những chỗ tả lòng thương nhớ mỗi đoạn tả một tứ mà tứ nào cũng não nùng. Nói rút lại thì trong toàn thiên chữ nào cũng êm, câu nào cũng thoát, đoạn nào cũng dồi dào ý tứ, tả đến tinh thần, nhời ít nhẹ nhàng mà ý thì bát ngát, càng đọc càng thấy hay, càng nghe càng thấy thú, không khi nào chán tai được. Thực là văn chương tuyệt phẩm của nước Nam ta!”.[6]



Đó là những lời giải thích cái hay của văn chương Truyện Kiều in ra từ năm 1918. Sở dĩ chúng tôi trích đăng một đoạn dài như vậy là bởi muốn để bạn đọc có tài liệu mà so sánh với các lối bình luận Kiều từ 1918 về sau. Nếu các bạn dõi theo sự bình phẩm văn Truyện Kiều qua mấy nhà học giả đứng đắn như Trần Trọng Kim (1926), Đào Duy Anh (1943), Dương Quảng Hàm (1944) thì các bạn sẽ nhận thấy rằng phương pháp mà các nhà đó dùng để bình luận văn chương Truyện Kiều vẫn là cái phương pháp đã dùng từ 1918. Cũng vẫn cái lối phân tích những cách tả cảnh tả tình, tả người, tự thuật, đàm thoại, dùng chữ, dùng điển của Nguyễn Du, rồi thêm vào ít lối bình phẩm như: thật là tài, thật là khéo hoặc “xét tâm lý rất rành”… “bút pháp rất gọn gàng linh động”… lời văn âm điệu du dương, v.v.



Đây là cách giải thích văn Kiều của ông Trần Trọng Kim:



“… Tiên sinh có cái tài dùng một chữ hay là một cái cảnh nào để gợi cái tâm tình của tiên sinh định tả ra. Người đàn bà lưu lạc ngồi một mình nhớ nhà:



Song sa vò võ phương trời
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng.



Hai chữ hoàng hôn và hôn hoàng láy đi láy lại thật là gợi ra một cảnh sầu muộn hôm nào cũng một màu một vẻ như thế… Tả các vai người thì người nào vẽ hệt người ấy… Mã giám sinh thì quá niên trạc ngoại tứ tuần, mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao. Tú Bà thì: Thoắt trông nhờn nhợt màu da, ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao… Đến cách tả cảnh thì tưởng không ai làm thế nào mà tả được gọn gàng, rõ ràng hơn Tố Như tiên sinh… Mỗi một cảnh chỉ có độ bốn câu thơ là cùng, thế mà tả được không thiếu không thừa, cảnh nào ra cảnh nấy…”[7]



Còn đây là một đoạn bình luận văn Kiều của ông Đào Duy Anh (năm 1943):



“Tả bước chân người trong mộng, Nguyễn Du nói lãng đãng như gần như xa, tả người phá của thì quen thói bốc trời; tả lão con buôn thì cò kè bớt một thêm hai, tả mụ “trùm” ngồi để bắt kỹ nữ lạy thì nói vắt nóc lên giường, tả một anh hùng thì nói chọc giời quấy nước; những tiếng ấy toàn là những tiếng thường dùng do Nguyễn Du chắp lại, mà sự hội họp ngẫu nhiên của chúng vẽ hệt ra cái khí tượng của từng người. Tả cảnh đêm mà nói mịt mù dặm cát đồi cây thì ta thấy rằng trong đêm mà có trăng; tả sự hành hình mà nói xương bay thịt nát thì đọc đến phải rùng mình, tả cảnh mà nói song trăng quạnh quẽ vách mưa rã rời thì ta thấy hiển hiện ngay một cảnh nhà đổ nát bỏ không đã lâu…



… Nhiều khi trong một câu thơ, chỉ một chữ mà làm nổi cả câu, không thể đem chữ khác mà thế được… như trong câu Cậy em em có chịu lời, Nguyễn Du dùng chữ cậy chứ không dùng chữ nhờ là vì chữ cậy đã có nghĩa tin cậy phó thác mà lại còn khiến câu thơ dễ đọc hơn chữ nhờ, còn chữ chịu đúng hơn chữ nhận là vì…



… Xem ít thí dụ trên ta thấy vô luận là tả người, tả cảnh tả tình, Nguyễn Du khéo chọn những chữ có nhịp điệu thích đáng nhất có thể gây trong tâm hồn người đọc những rung động đặc biệt khiến người đọc có thấy người thấy cảnh hay cảm động thiết tha như chính người trong cuộc vậy…” (Khảo luận về Kim Vân Kiều, trang 152 – 154).



Ông Dương Quảng Hàm, - cũng như các ông Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh, - bình luận văn Kiều cũng không được ra ngoài lề lối ấy. Phê bình cuốn Việt Nam văn học sử yếu của ông Dương Quảng Hàm, ông Nguyễn Mạnh Tường đã chê ông Dương về đoạn nói đến cái hay của Truyện Kiều.



“Đối với quyển Kim Vân Kiều, ông Dương Quảng Hàm có vẻ trân trọng hơn, nhưng chính vấn đề cốt yếu là vấn đề văn chương, ông chỉ nói qua thôi. Ông khen cụ Nguyễn Du có tài tả cảnh, tả người, tả hình và dùng điển. Còn nghệ thuật của cụ ông không nói đến. Ông không cắt nghĩa tại làm sao quyển Kim Vân Kiều chứa chan thi vị và tại sao thi vị đó rất hợp với tâm hồn người Việt Nam chúng ta. Hợp cho đến nỗi ta tưởng tượng rằng nếu tâm hồn ta có thể lên tiếng được thì sẽ hòa điệu theo thơ của Kim Vân Kiều” (Thanh nghị số 92).



Lời chê trách này có thể đem gởi gấm cho tất cả những người đã giải thích văn thơ Truyện Kiều từ trước tới giờ. Cái lầm của các người đó là chỉ chú trọng phân tích có cái điêu luyện về kỹ thuật làm văn của Nguyễn Du mà sao nhãng hẳn cái phần nghệ thuật của Truyện Kiều.



Nghệ thuật của Truyện Kiều không phải ở sự tả tình, tả cảnh, tả người, dùng chữ dùng điển của tác giả nó. Những cái tiểu xảo kỹ thuật này không đủ ban cho Truyện Kiều cái “thi vị chứa chan”, nó huyền hoặc người đọc như một sức mạnh phù thủy. Nghệ thuật của Truyện Kiều là ở cái thể cách truyền cảm đặc biệt, cái cấu tạo đặc biệt của nó. Chính cái thể cách đó đã làm ra thi vị Truyện Kiều và chính cái cấu tạo đặc biệt kia đã làm ra kiến trúc nghệ thuật của Truyện Kiều.



Nghiên cứu văn chương Truyện Kiều mà không tìm đến dạng thái của cấu tạo đó, không dò đến cái thể cách đã điều khiển sự sáng tác ra hệ thống này tức là chưa nghiên cứu đến gốc rễ cái hay, cái đẹp của Truyện Kiều vậy.



Nhưng trước khi khảo sát đến cái hay cái đẹp của Truyện Kiều, chúng ta cần phải đính chính lại một quan điểm sai lầm của ông Hoài Thanh (mà cũng là của nhiều người) về phương pháp phê bình nghệ thuật. Theo ý ông Hoài Thanh thì “cái đẹp của Đoạn trường tân thanh, cái chất thơ bàng bạc trong cả quyển truyện cần phải được cảm thấy một cách hồn nhiên. Cứ phân tích, cứ giảng giải, nó sẽ tan đi. Đến đây phải im hơi, phải nhẹ bước mới hòng nhận thấy cái đẹp, cái khí dịu dàng thùy mị, khí tráng lệ huy hoàng”.



Ông Hoài Thanh chủ trì rằng không thể phân tích được cái đẹp của Truyện Kiều, bởi ông cho nó là biểu thị của một thiên tài, mà theo quan niệm của ông thì thiên tài là một cái gì huyền bí lắm vì nó thuộc về địa hạt u ẩn của linh hồn, của “tâm” khoa học không thể nào giải thích được. Cũng trong bài báo có đoạn văn trích trên kia, ông đã viết: “Với ông Nguyễn Bách Khoa, cái gì cũng rõ ràng như hai lần hai là bốn. Ông có ngờ đâu rằng sự thực huyền diệu hơn nhiều, nhất là, khi sự thực đó là con người Nguyễn Du. Ông dang tay phản kích con người Nguyễn Du chẳng khác gì một nhà bác sĩ phân tích thây ma trong phòng mổ xẻ. Thực là tàn nhẫn! Và cũng thực là thô thiển!...”



Nói khác đi, ông Hoài Thanh cho rằng trong con người vẫn có một phần sâu kín thăm thẳm mà khoa học không thể lùa lưỡi dao phân tích vào được. Phần đó là linh hồn con người, là cái điểm tinh anh huyền diệu, phải dùng đến cái tâm mới cảm thông được. Ông đã nói: “Muốn bước vào một thế giới như thế giới Đoạn trường tân thanh, thái độ đúng với khoa học hơn cả là bỏ hết những kiến thức về khoa học ở ngoài cửa để đi vào một tấm lòng chân thành và thanh khiết. Còn như đưa vào đây những kiến thức rềnh ràng, những khí cụ chỉ nên dùng trong phòng thí nghiệm thì thực là trái với khoa học…”



Chính cái linh hồn ấy, cái tinh anh ấy, ở Nguyễn Du, đã tạo ra cái chất thơ bàng bạc trong Truyện Kiều. Đã không phân tích được cái gốc (linh hồn Nguyễn Du) thì tất nhiên cũng không sao phân tích được cái ngọn (chất thơ trong Đoạn trường tân thanh). Do quan niệm thần bí ấy về thiên tài đã nẩy ra quan niệm duy tâm về nghệ thuật là một sản vật thiêng liêng có tính cách hoàn toàn tinh thần không chịu sức chi phối của một sự kiện vật chất nào. Nghệ sĩ là một loại siêu nhân không bị hoàn cảnh xã hội quy định mà lại còn tạo ra được những thể cách sống mới cho hoàn cảnh. Bởi vậy không nên và không thể ràng buộc cái tự do của nghệ sĩ bằng bất kỳ kỷ luật nào. Nghệ sĩ muốn làm gì thì làm, muốn sáng tạo cái gì thì sáng tạo, chỉ kể đến nghệ thuật, không kể đến xã hội nhân quần. Tóm lại, quan niệm của ông Hoài Thanh là quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật vậy.



Thuyết nghệ thuật vị nghệ thuật đã bị đánh đổ từ lâu rồi, chúng ta không cần đem bàn luận làm gì nữa[8]. Ở chương sau đây, chúng ta sẽ chỉ phê bình quan niệm của ông Hoài Thanh về thiên tài và giá trị một văn phẩm, đã phát biểu trong bài báo dẫn trên kia.

(còn tiếp)

Nguồn: Văn chương Truyện Kiều. Khảo luận của Nguyễn Bách Khoa (Trương Tửu). Tạp chí Văn mới, Nxb Hàn Thuyên, Hà Nội 1945. Bản điện tử: talawas thực hiện.





[1] Đây là một đoạn văn của nhà trí thức Phạm Quỳnh, người đã đề xướng ra việc học Kiều, nói về lịch sử và ý nghĩa trường Cao đẳng đầu tiên ở xứ ta… “Nhưng cuộc nội biến năm 1908 và mấy năm sau… chứng tỏ rằng chính phủ bảo hộ và dân bị bảo hộ không tin cậy nhau nữa. Đứng trước tâm trạng ấy của phái thượng lưu Việt Nam, quan Toàn quyền Bean nhất quyết thi hành sự cải cách… Ngài lập ra những ban xét về việc sửa đổi sự duy học bản xứ. Ngài mở mang thêm những trường Pháp-Việt đang có, những trường này từ trước tới giờ chỉ theo đuổi mục đích đào luyện lấy những người đủ sức học làm thông ngôn để dùng trong việc cai trị, ngài đặt thêm một bực học bổ túc cao hơn bực học thực tiễn ấy để dự bị học sinh đi tới bực Trung học. Ngài lại còn đi xa hơn nữa: muốn cắt đứt hết sự oán trách của các nhà trí thức thượng lưu cho rằng chính phủ không muốn “khai hóa” dân Việt Nam, ngài sáng lập ra Đông Dương cao đẳng học đường; đây là trường Cao đẳng đầu tiên ở xứ ta, tuy không mở được lâu nhưng cũng thỏa mãn được nguyện vọng của người Việt Nam. Không những chỉ có loạt thanh niên theo học nó mà cả đến những nhà cựu học nữa cũng nhiệt liệt hoan nghênh nó… Tôi còn nhớ tất cả cái sung sướng cái hăng hái nhiệt thành của tôi lúc tôi cùng các bạn tôi đến biên tên vào sổ những sinh viên theo học trường Cao đẳng ấy…”(Phạm Quỳnh – bài “L’Evolution annamite” in ở sách Nouveaux essais franco-annamites – Bùi Huy Tín xuất bản - 1938). Trường Cao đẳng ấy mở được ít lâu thì đóng cửa. Sau đến khi ông Sarraut sang làm toàn quyền mới lại nối chí ông Bean mở lại trường Cao đẳng và khuyếch trương việc học thêm ra.

 


[2] Jean Casson: Cervantès – E.S.I. 1936.



 


[3] Về điểm này ông Đào Duy Anh cũng có biện hộ cho Kiều như sau đây: “… Khi hai người Kim Trọng và Thúy Kiều gặp gỡ ở vườn Thúy, thái độ Thúy Kiều tuy là phong tình mà tránh được điều cẩu hợp thì dẫu là nhà nho thủ cựu cũng khó buộc tội mối tình qui kết về hôn nhân ấy”. (Khảo luận về Kim Vân Kiều. Trang 94). Ông Đào cũng đứng ở quan niệm tư sản mà bênh vực Kiều vậy. Nếu đứng ở quan niệm nhà nho (nhà nho thôi chứ đừng nói đến nhà nho thủ cựu) nếu ông tin thành thực rằng “nam nữ thụ thụ bất thân”, nếu ông tin thành thực rằng về hôn nhân “cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đấy”, nếu ông tin như một nhà nho rằng luân lý gia đình nghiệt ngã, không công nhận sự phát triển của ái tình, nếu ông tin thế thì ông sẽ thấy rằng nội một điều người con gái của Vương viên ngoại đêm hôm một mình lẻn sang nhà một người con trai, uống rượu gảy đàn thề thốt đính hôn với nhau cũng đủ cho nhà nho buộc tội rồi. Cứ phải cẩu hợp mới là trái với luân lý nhà nho hay sao? Cũng trong sách của ông, trang 101, phê bình Kim Trọng, ông đã viết: “Ta đừng lấy tâm lý người đời nay mà xét người đời xưa”. Vậy mà ông đã phạm vào điều cấm kỵ ấy.

 

1 nhận xét: