Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Truyện ngắn Lỗ Tấn


Khổng Ất Kỷ


Các quán rượu ở Lỗ trấn có một cách sắp đặt khác hẳn nơi khác: Quán nào cũng có một cái quày to, hình thức thợ ngoảnh ra đường cái; phía trong quày có sẵn nước nóng lúc nào cũng có thể hâm rượu được. Trưa hay chiều, các bác thợ đi làm về, người nào cũng đến bỏ ra bốn đồng trinh mua một bát rượu, - đó là chuyện hơn hai năm về trước, bây giờ mỗi bát cũng phải đến nữa đồng - rồi đứng tựa vào quầy, uống khi còn nóng bỏng, vừa uống vừa nghỉ cho đỡ mệt. Nếu chịu bỏ thêm một đồng nữa thì có thể mua được một đĩa măng muối mặn hoặc một dĩa đậu hồi hương làm thức nhắm.
Còn bỏ ra hơn mười đồng thì có thể mua được một đĩa thịt xào. Nhưng những khách hàng này phần nhiều là bọn áo cộc không mấy ai chơi sang như vậy. Chỉ có những vị khách áo dài mới đi vào tận phòng trong, gọi rượu, gọi thịt, ngồi uống khề khà.
Từ hồi mười hai tuổi, tôi (1) đã đến làm công cho quán rượu Hàm Hanh ở chỗ cửa ô đi vào trấn.(2) Ông chủ quán bảo là tôi dáng người đần độn quá, e không hầu nổi các vị khách áo dài, thôi ra đứng ngoài làm việc vặt vậy. Khách áo cộc ở ngoài, tuy dễ dãi hơn nhiều, nhưng cũng lắm ông hay sách hoạch, kỳ kèo đáo để. Thường thường họ đòi được nhìn tận mắt xem rượu có thật múc ở vò ra hay không, đòi nhìn tận mắt xem trong ấm có nước lã hay không, lại đòi được nhìn tận mắt xem khi tôi đặt ấm vào nước nóng. Có thế mới an tâm. Kiểm soát chặt chẽ như vậy, thì làm thế nào mà pha nước vào đây! Cho nên được mấy ngày ông chủ quán lại bảo là tôi không thể đứng bán hàng được. May mà người đưa tôi đến đây là chỗ thân tình với ông ta lắm, nên ông ta không thải ra mà để cho tôi chuyên coi việc hâm rượu, một việc hết sức tẻ nhạt.
Từ đó, tôi đúng cả ngày trong quày, chăm chú làm công việc của mình. Tuy không đến nỗi không làm tròn phận sự, nhưng tôi thấy buồn và chán ghê. Ông chủ quán thì mặt dữ lắm, khách hàng cũng chẳng ai dễ thương, tôi khó lòng vui lên được. Chỉ khi nào có bác Khổng Ất Kỷ đến thì mới có thể cười được ít tiếng. Cho nên mãi đến nay vẫn còn nhớ bác ta.
Bác Khổng Ất Kỷ là người độc nhất mặc áo dài mà lại đứng trước quày uống rượu. Bác ta người to cao, mặt tai tái, giữa những nếp răn thường có vài vết sẹo, lại có một bộ râu hoa râm lổm xổm, rối như mớ bòng bong. Áo tuy là áo dài nhưng vừa bẩn vừa rách, hình như hơn mươi năm nay chưa hề vá mà cũng chưa hề giặt. Bác ta nói chuyện với ai, mở miệng là chi hồ giả dã(3) làm cho người ta chẳng hiểu gì hết. Vì bác ta họ Khổng, nên người ta mới lấy ba chữ Khổng ất Kỷ trong cái câu cũng khó hiểu: "Thượng đại nhân Khổng ất Kỷ"(4) in son trên các thiếp đồ mà đặt biệt hiệu cho. Hễ bác ta bước chân đến quán là bao nhiêu khách đều nhìn bác ta mà cười dậy lên hết. Có người hỏi: 
- Ông Khổng ất Kỷ này! Sao trên mặt lại có một vết thương mới nữa rồi!
Bác ta không trả lời, nói vào trong quày:
- Hâm cho hai bát rượu, và lấy ra đây một đĩa đậu hồi hương nhé!
Rồi xỉa ra chín đồng trinh.
Mấy người kia lại cố ý nói to:
- Nhất định lại xoáy cái gì của nhà ai rồi!
Bác ta trừng mắt lên cự:
- Sao khi không các người lại bịa chuyện làm mất danh giá người ta đi như thế? 
- Danh giá cái gì? Chẳng phải hôm trước chính mắt tớ trông thấy ông ăn cắp sách nhà ông Hà rồi bị treo ngược lên đánh là gì?
Bác ta đỏ mặt, trán nổi gân xanh, cãi lại:
- Lấy sách không phải là ăn cắp! Có biết chữ mới lấy sách chứ? Thế mà bảo là ăn cắp được à?
Tiếp theo là những câu khó hiểu nào là "Quân tử cố cùng" (5), nào là gì "giả hồ", làm cho mọi ngươi cười dậy lên. Trong quán ngoài quán không khí nhộn hẳn.
Nghe người ta bàn tán riêng với nhau thì bác Khổng ất Kỷ vốn cũng có đi học, nhưng thi mãi không đỗ, lại không biết lảm gì ra ăn, do đó, càng ngày càng túng quẫn đến nỗi gần phải đi ăn xin. May được cái viết chữ tốt, nên đi chép sách thuê kiếm cơm. Khổ một nỗi, tính nết không ra gì, thích rượu mà lại nhác làm. Ngồi chép được vài hôm, thế là cả người lẫn sách vở, giấy bút, nghiên mực đều biến mất tang. Mấy lần như vậy, chẳng ai thuê chép nữa. Không còn cách nào khác, bác ta đôi khi phải giở ngón xoáy. Nhưng ở quán rượu chúng tôi thì bác ta đứng đắn hơn ai hết, lúc nào cũng sòng phẳng. Có khi không có tiền mặt thì tạm ghi vào bảng. Nhưng chưa hết tháng, thế nào cũng trả đủ rồi, và tên bác ta lại được xóa đi.
Bác Khổng ất Kỷ uống hết nửa bát rượu thì sắc mặt lại đã trắng dã ra y như trước, không đỏ nữa. Có người đúng cạnh lại hỏi:
- Ông Khổng ất Kỷ này! Ông biết chữ thật đấy chứ? 
Bác ta nguýt một cái, tỏ ý không thèm cãi lại. Thì họ đã nói tiếp:
- Làm thế nào mà đến một chút tú tài cũng không gỡ được hả? 
Tức thì trông bác ta tiều tụy, bối rối hẳn, mặt tái mét, miệng lẩm bẩm cái gì. Lần này thì toàn những chi hồ giả dã, không hiểu chút gì cả. Lúc ấy, mọi người lại cười dậy lên. Trong quán ngoài quán không khí nhộn hẳn. 
Nhân những dịp đó, tôi cũng có thể cười góp vào, ông chủ quán không mắng. Vả lại, mỗi lần thấy bác Khổng ất Kỷ, ông ta cũng thường hỏi đùa như thế làm cho ai nấy phải bật cười. Bác Khổng ất Kỷ biết là mình không thể cùng nói chuyện với những người kia được bèn quay lại nói chuyện với bọn trẻ con. Có lần bác ta hỏi tôi:
- Đã đi học chưa?
Tôi khẽ gật đầu. 
- Đi học rồi à? Để ta khảo xem nào! Chữ hồi trong đậu hồi hương viết thế nào nào?
Tôi nghĩ bụng: người dáng như ăn mày thế kia mà lại dám khảo mình ư? Tôi quay mặt đi, không buồn trả lời. Chờ một hồi lâu, bác ta nói, giọng khẩn thiết:
- Không biết à? Để ta bày cho. Nhớ lấy nhé! Nhũng chữ ấy thì phải nhớ mới được. Tương lai làm ông chủ quán, biên sổ sách phải dùng đến đấy! 
Tôi nghĩ bụng giữa ông chủ quán với tôi còn cách bậc nhiều lắm, mà ông chủ quán của tôi có bao giờ ghi chữ đậu hồi hương vào sổ đâu! Vừa buồn cười, vừa khó chịu, tôi trả lời uể oải:
- Ai mượn bác bày. Chẳng phải là thảo đầu trên chữ hồi là về là gì?
Bác ta ra vẻ thích thú lắm, gõ hai móng tay dài xuống mặt quày, gật đầu nói:  
- Giỏi đấy! Giỏi đấy! Chữ hồi có bốn cách viết, biết không?
Tôi càng khó chịu, bĩu môi bỏ đi. Bác ta vừa nhúng móng tay vào rượu định viết lên mặt quày, nhưng thấy tôi thờ ơ thì lại thở dài, tỏ vẻ tiếc cho tôi lắm.
Có mấy lần, bọn trẻ con hàng xóm nghe tiếng cười cũng chạy đến xem, vây lấy bác ta. Bác ta lấy đậu cho mỗi đứa một hột. Ăn hết đậu, chúng nó vẫn đứng đấy không đi, mắt nhìn dán vào cái đĩa. Bác ta hoảng lên, xòe cả năm ngón tay ụp lấy đĩa, cúi khom xuống, nói:
- Chẳng còn bao nhiêu nữa!
Rồi đứng thẳng dậy, nhìn đĩa đậu, lắc đầu:
- Không nhiều nữa. Nhiều ư? Có nhiều đâu. (6)
Thế là bọn trẻ con cuời ồ lên, chạy tứ tán.
Bác Khổng ất Kỷ mua vui cho người ta như vậy đó, nhưng không có bác thì cũng thế thôi!
Một hôm, hình như vào khoảng hai ba ngày trước tết Trung thu, ông chủ quán ngồi thong thả tính tiền. Ông ta hạ tấm bảng xuống, bỗng dưng nói:
- Đã lâu không thấy lão Khổng ất Kỷ đến nhỉ? Còn nợ mười chín đồng trinh kia đấy!
Tôi mới sực nhớ ra là đã lâu lắm bác ta không đến quán thật. Một người khách nói:
- Làm thế nào mà đến được! Bị đánh què chân rồi!
Ông chủ quán nói:
- Thế à?
- Vẫn giữ cái thói ăn cắp. Lần này điên hay sao lại nhè nhà cụ Cử Đinh mà ăn cắp. Của nhà ấy mà hòng ăn cắp à?
- Rồi thế nào?
- Rồi thế nào à! Rồi viết tờ thú, xong là lôi ra đánh suốt đêm, què chân mới thôi!
- Rồi thế nào nữa?
- Rồi què chân.
- Què chân rồi thế nào nữa? 
- Thế nào, ai biết được? Có lẽ chết rồi cũng nên.
Ông chủ quán không hỏi nữa, cứ ngồi thong thả tính tiền.
Tết Trung thu qua. Gió thu càng ngày càng lạnh, xem chừng gần sang đông. Tôi suốt ngày đứng cạnh lò cũng phải mặc áo bông. Một buổi chiều, quán rượu vắng khách. Tôi đang ngồi, mắt lim dim, bỗng nghe có tiếng ai gọi:
- Hâm cho một bát rượu nhé!
Tiếng nói nhỏ nhưng nghe quen lắm. Nhìn chẳng thấy một ai cả. Đứng dậy nhòm ra thì ra là bác Khổng ất Kỷ đang ngồi trệt dưới quày, ngay chỗ bậc cửa. Mặt bác ta đen sạm, võ vàng, trông không ra hồn người. Bác ta mặc một chiếc áo kép rách ngồi xếp bằng hai chân, dưới lót một tấm bao lác có hai dây thùng bằng rơm treo vào vai. Bác ta nhìn thấy tôi lại nói: 
- Hâm cho một bát rượu!
Ông chủ quán cũng thò đầu ra nhìn và lên tiếng:
- Ông Khổng ất Kỷ đấy à? Còn nợ mười chín đồng trinh đấy nhé!
Bác ta ngẩng mặt lên vẻ tiều tụy: 
- Món ấy... lần sau sẽ hay. Bây giờ, có tiền mặt. Rượu ngon đấy nhé!
Ông chủ quán vẫn như mọi lần, nhìn bác ta cười:
- Này ông Khổng ất Kỷ! Lại xoáy của ai cái gì rồi?
Nhưng lần này, bác ta không chối hẳn, chỉ nói một câu:
- Thôi đừng đùa.
- Đùa à! Không xoáy thì sao lại bị đánh què chân thế kia!
Bác ta nói khe khẽ: 
- Ngã què... Ngã... Ngã...
Mắt bác ta nhìn ông chủ quán trông có vẻ van xin đừng nói nữa. Lúc đó, có mấy người cũng vừa đến. Họ cùng ông chủ quán cười dậy lên. Tôi hâm rượu, bưng ra đặt trên bậc cửa. Bác ta nắm trong túi áo rách lấy ra bốn đồng trinh bỏ vào tay tôi. Tôi thấy tay bác ta lấm những bùn. Thì ra bác ta đi bằng tay! Một lát sau, uống hết rượu, bác ta thong thả chống tay lết đi giữa tiếng nói tiếng cười của những người xung quanh.
Từ đó về sau, lâu lắm, tôi không hề thấy bác Khổng ất Kỷ đâu nữa. Cuối năm, ông chủ quán hạ tấm bảng xuống, nói:
- Lão Khổng ất Kỷ còn nợ mười chín đồng trinh kia đấy!
Đến tết Đoan ngọ năm sau, lại nói:
- Lão Khổng ất Kỷ còn nợ mười chín đồng trinh kia đấy!
Đến tết Trung thu thì không nghe nói nữa. Và cuối năm, cũng chẳng thấy bác ta đến.
Cho đến bây giờ tôi chẳng hề gặp lại. Có lẽ bác Khổng ất Kỷ chết thật rồi chăng?
Tháng 3 năm 1919 
* Truyện này đăng lần đầu tiên tạp chí Tân thanh niên tháng 4 năm 1919. Cuối chuyện có mấy lời chua của tác giả như sau: truyện ngắn vụng về này, tôi viết xong một ngày mùa đông năm ngoái. Ý định lúc đó là miêu tả một cảnh sống trong xã hội để độc giả xem chơi, chứ chẳng có thêm ý gì. Nhưng từ khi dùng hoạt tự để in thì có người bỗng dưng dùng tiểu thuyết để công kích người này người khác. Nhà văn đó đi vào một con đường đen tối nên có thể làm cho tư tưởng người đọc cũng theo tư tưởng mình mà trở thành hư hỏng. Y đã lấy tiểu thuyết làm một thứ dụng cụ để hắt nước bẩn, người bị bẩn chưa biết là ai. Thật là một điều đáng thương, đáng giận hết sức. Cho nén tôi phải thanh minh ở đây để khỏi phải bị hiểu nhầm, làm hại đến nhân cách người đọc. 16-3-1919."
Chú thích
(1) Lỗ Tấn dùng ngôi thứ nhất. nhưng ông không hề làm công cho quán rượu Hàm Hanh bao giờ. Đây là một cách viết làm cho câu chuyện trở thành thân mật, có dáng dấp một thiên hồi ức.
(2) Theo Tôn Phục Viên trong cuốn Một vài việc về ông Lỗ Tấn và Chu Hà Thọ trong cuốn Nhà cũ của Lỗ Tấn, thì quán rượu Hàm Hanh là một quán rượu có thật. và cũng có một nhân vật giống như Khổng ất Kỷ. Ông này họ Mạnh, người ta gọi là Mạnh phu tử, và là bà con xa với Lỗ Tấn. Nhưng hình tượng này có một ý nghĩa điển hình. Khổng ất Kỷ đại biểu cho tầng lớp trí thức dưới trong xã hội phong kiến, bị chế độ khoa cử đầu độc trở thành một người vô dụng.
(3) Chi hồ giả dã các hư tự dùng trong văn ngôn. Ý là: nói theo chữ nghĩa trong sách, tỏ ra có học hơn người.
(4) Trên các thiếp đồ ngày trước thường có viết câu bằng chữ son như sau: "Thượng đại nhân, Khổng ất Kỷ. Hóa tam thiên, thất thập sĩ. Nhĩ tiểu sinh, bát cửu tử. Giai tác nhân, khả tri lễ dã". Câu này đã có từ lâu, từ đời Minh và có thể từ đời Đường, Tống. Thuờng đọc ba chữ một, giống như tam tự kinh, đại khái là kể sự nghiệp của Khổng tử và khuyên trẻ con gắng học. Những chữ này lại giản đơn nên dùng để tập đồ. Ở ta. ngày trước đi học chữ nho, cũng lấy câu này tập đồ.
Theo ông Hứa Khâm Văn, tác giả tập Phân tích Gào thét, thì chính là Thượng đại nhân, thánh ất dĩ tức là Thượng cổ đại nhân, Khổng thị nhất nhân nhi dĩ. Thời thượng cổ chỉ có một người vĩ đại là Khổng tử mà thôi). Chữ dĩ nhầm là kỷ. thành ra ý nghĩa không rõ. Ở Việt Nam, cũng thường đọc thánh ất dĩ
(5) Quân tử cố cùng, chữ trong sách Luận ngữ nghĩa là người quân tử dù trong lúc cùng khốn cũng giữ trọn tiết, không thay đổi.
(6) Câu này nguyên văn là: Đa hồ tai, bất đa dã, chữ trong sách Luận ngữ.

Nhật ký người điên

Hai anh em nhà nọ, nay tạm giấu tên, đều là bạn thân của tôi ngày trước ở trường trung học. Xa cách lâu ngày dần dần vắng tin nhau. Gần đây, tình cờ được tin một trong hai người ốm nặng; nhân về quê chơi, có ghé thăm, nhưng lại chỉ gặp người anh. Ông ta cho biết người ốm chính là người em.
- Cám ơn anh không ngại đường xa đến thăm, nhưng chú nó nay đã lành rồi, hiện đang đến tỉnh X, chờ được bổ đi làm việc.
Rồi cười phá lên, lấy ra hai tập nhật ký, bảo có thể xem đấy biết được bệnh trạng lúc bấy giờ thế nào; chỗ bạn cũ với nhau, chẳng có gì ngại. Cầm về, đọc qua một lượt, biết anh ta mắc bệnh "bách hại cuồng"(2) . Tập nhật ký đó viết rất lộn xộn, không có thứ tự, lại lắm câu hết sức hoang đường. Cũng chẳng ghi ngày tháng, duy màu mực và nét chữ có khác nhau, biết không phải viết một mạch. Cũng có những đoạn khá mạch lạc, xin trích ra đây hiến các nhà y học làm tài liệu nghiên cứu. Những chữ viết sai cũng cứ để vậy, không thay đổi. Chỉ có tên người, tuy là người ở chốn thôn quê, không ai biết, không quan hệ đến đại thể, nhưng cũng đổi hết. Còn như tên tập nhật ký thì chính người viết, sau khi khỏi bệnh, đề như vậy, cứ để nguyên.

Ngày 2 tháng 4 năm Dân Quốc thứ 7
I
Đêm nay, trăng đẹp quá.
Hơn ba mươi năm nay, không thấy; hôm nay thấy tinh thần sảng khoái lạ thường. Mới biết hơn ba mươi năm nay, mình toàn sống trong tăm tối. Nhưng phải hết sức cẩn thận. Nếu không, tại sao con chó nhà họ Triệu lại lườm mình như thế?
Mình sợ là phải lắm.
II

Hôm nay không trăng. Biết là không ổn rồi. Lúc sáng bước chân ra cửa, đã hết sức cẩn thận, thế mà ông Triệu lại nhìn mình bằng một con mắt quái gở: hình như sợ mình mà cũng hình như muốn hại mình. Còn có bảy tám người nữa chụm đầu thì thầm với nhau về mình, lại sợ mình thấy. Những người gặp trên đường cũng đều như thế cả. Có một người dữ tợn nhất, há hốc miệng, nhìn mình, cười một cái, làm mình lạnh toát từ đầu đến chân. Cho biết họ đã sắp đặt đâu vào đó cả rồi!
Nhưng mình không sợ, cứ đường mình mình đi. Phía trước, một bầy trẻ cũng đang bàn tán gì về mình. Ánh mắt cũng y hệt ánh mắt ông Triệu, mặt cũng tái mét. Nghĩ bụng không hiểu chúng nó thù gì mình mà cũng lại như thế? Mình không nhịn được, nói to: "Cái gì nào? Nói đi?", thì chúng nó bỏ chạy.
Mình nghĩ không rõ mình với ông Triệu, cả với những người gặp trên đường, có thù oán gì. Chỉ hai mươi năm trước đây, mình có giẫm lên cuốn sổ ghi nợ mấy mươi đời của cụ Cố Cữu(3). Cụ ta rất không bằng lòng. Ông Triệu tuy không quen biết gì cụ Cố Cữu, nhưng nhất định có nghe phong thanh, rồi bất bình thay, rủ cả với những người gặp trên đường kia oán mình, chống lại mình. Nhưng mấy đứa trẻ kia? Hồi đó, chúng nó chưa đẻ, tại sao bây giờ cũng trợn mắt kỳ dị như thế, hình như sợ mình mà hình như cũng muốn hại mình? Thật là làm cho mình kinh hãi, làm cho mình vừa ngạc nhiên vừa đau xót.
Hiểu ra rồi! Đó là bố mẹ chúng nó bày vẽ cho!
III

Suốt đêm không sao ngủ được. Việc gì cũng phải suy nghĩ mới vỡ nhẽ.
Bọn họ, trước có kẻ bị ông huyện cùm kẹp, có kẻ bị thân hào vả miệng, có kẻ bị nha lại cướp vợ cướp con, có kẻ cha mẹ bị chủ nợ bức quá phải tự sát, nhưng bấy giờ, họ đâu có đáng sợ và hung ác như hôm qua!
Lạ nhất là người đàn bà hôm qua ngoài phố, vừa đánh con vừa nói: "Đồ ranh con! Tao có ăn được thịt mày một miếng mới hả giận!" Con mắt bà ta lại cứ nhìn mình chòng chọc. Mình thất kinh hồn vía, không làm sao che giấu được nỗi sợ hãi. Thế rồi cả đám người đứng đấy, mặt tái mét, răng nhọn hoắt, phá lên cười. Lão Năm Trần chạy lại lôi bừa mình về.
Lôi bừa mình về nhà, người trong nhà đều giả vờ không biết mình. Ánh mắt cũng y như những người kia. Mình vừa bước chân vào phòng sách thì họ liền khóa trái cửa, nhốt lại, y như nhốt gà nhốt vịt. Việc này càng khiến cho mình không hiểu họ định làm cái gì.
Mấy hôm trước, người tá điền bên thôn Lang Sói sang báo mất mùa, kể chuyện với ông anh mình rằng bên ấy, có một tên đại ác vừa bị người ta đánh chết. Có kẻ đến moi tim moi gan đem về rán mỡ ăn cho được can đảm. Mình nói xen vào mấy câu thì ông anh và người tá điền trố mắt nhìn. Hôm nay, mới biết là ánh mắt họ cũng giống hệt ánh mắt những người gặp ngoài đường kia!
Nghĩ lại mà lạnh từ đầu đến chân.
Họ đã ăn được thịt người thì vị tất lại không ăn được thịt mình!
Rõ ràng câu nói "Ăn thịt mày một miếng..." của người đàn bà nọ, tiếng cười của những người mặt tái mét, răng nhọn hoắt kia, và mẩu chuyện của người tá điền hôm trước, đều là những ám hiệu cả. Mình thấy rõ trong lời nói của họ có thuốc độc, trong giọng cười họ có dao găm. Răng thì nhăn ra trắng hếu. Toàn là bọn ăn thịt người!
Theo mình nghĩ, tuy mình không phải là một người ác, nhưng từ ngày mình giẫm lên cuốn sổ ghi nợ của cụ Cố Cữu, thì không còn thể nói chắc được nữa. Hình như họ có ý định gì, không thể nào đoán ra được. Huống hồ, họ giở mặt một cái là có thể đổ riệt cho người ta là người ác. Còn nhớ hồi ông anh bầy cho mình làm luận. Mặc dù nhân vật đem ra bàn tốt đến đâu, hễ tìm được cách chê vài câu là ông ta khuyên cho mấy khuyên. Và đối với những nhân vật xấu, hễ lựa lời bào chữa, là ông ta phê ngay bên cạnh "Phiên thiên diệu thủ, dữ chúng bất đồng" (Có tài biện luận! Độc đáo!). Như vậy thì mình làm sao đoán biết được tâm địa họ thế nào? Huống hồ khi họ đã muốn ăn thịt mình!
Việc gì cũng phải suy nghĩ mới vỡ nhẽ. Cổ lai, việc ăn thịt người thường lắm, mình cũng còn nhớ, nhưng không được thật rõ. Liền giở lịch sử ra tra cứu thử. Lịch sử không đề niên đại, có điều trang nào cũng có mấy chữ "nhân, nghĩa, đạo đức" viết lung tung tí mẹt. Trằn trọc không sao ngủ được, đành cầm đọc thật kỹ, mãi đến khuya mới thấy từ đầu chí cuối, ở giữa các hàng, ba chữ: "Ăn thịt người".
Những chữ đó trên trang sách và những lời nói của người tá điền cũng lại cười khì khì và trợn mắt nhìn mình một cách quái gở.
Mình cũng là người, họ định ăn thịt mình thật!
IV

Sáng nay, ngồi yên tĩnh được một lúc. Lão Năm Trần bưng cơm vào. Một đĩa rau, một đĩa cá hấp. Mắt cá trắng dã và cứng đơ, miệng há hốc ra, trông y như bọn ăn thịt người kia. Ăn mấy miếng, thấy nhờn nhờn, không biết thịt cá hay thịt người đây. Thế là mửa nhào ra hết!
Mình nói: "Ông Năm à! Nói giùm với anh tôi rằng ở đây buồn lắm, tôi muốn ra vườn dạo quanh một lúc".
Lão Năm không trả lời, đi thẳng, đứng lại một lát, rồi đến mở cửa.
Mình cứ ngồi im để xem họ xử trí với mình ra làm sao. Biết chắc họ nhất định không chịu buông tha mình đâu. Quả nhiên, ông anh dẫn một lão già nào vào, bước rất thư thả. Lão ta có cặp mắt rất dữ, sợ mình trông thấy, nên cứ cúi gầm mặt xuống đất, chỉ nhìn trộm mình qua đôi kính trắng. Ông anh nói:
- Hôm nay hình như chú có đỡ hơn thì phải?
Mình nói:
- Vâng.
Ông anh nói:
- Hôm nay mời cụ Hà đến xem mạch cho chú.
Mình nói:
- Được.
Kỳ thực, há mình lại không biết lão già này chỉ là một tay giết người trá hình hay sao? Rõ ràng lấy cớ đến bắt mạch để dò xem béo hay gầy. Với cái công đó, lão ta sẽ được chia một phần mà ăn. Mình cũng chẳng sợ. Tuy không hề ăn thịt người, nhưng mình còn can đảm hơn họ nhiều. Cứ đưa tay ra, xem lão ta giở trò gì. Lão ta ngồi xuống, nhắm mắt lại, sờ sờ mó mó một lúc, lại ngồi thừ ra một lúc, rồi giương tròn đôi mắt quỉ sứ, nói:
- Không nên nghĩ vơ vẩn. Tĩnh dưỡng mấy ngày là khỏi.
"Không nên nghĩ vơ vẩn. Tĩnh dưỡng...". Tĩnh dưỡng cho béo, tự nhiên họ sẽ được nhiều thịt mà ăn! Mình thì được cái gì? Làm thế nào "khỏi" được? Bọn họ muốn ăn thịt người, nhưng lại cứ lấm la lấm lét, muốn che giấu đi, không dám đường hoàng ra tay, làm mình chết cười đi được. Không nhịn nổi, mình cười phá lên, thích thú quá. Riêng mình, mình biết tiếng cười của mình là một tiếng cười dũng cảm, nghĩa khí. Lão già và ông anh mặt cứ tái đi, bị cái dũng cảm, cái nghĩa khí của mình áp đảo.
Nhưng mình dũng cảm thì họ lại càng muốn ăn thịt mình, hòng chia sẻ chút dũng cảm đó. Lão già ra khỏi cửa, bước được mấy bước, đã ghé tai nói thầm với ông anh:
- Cho ăn ngay (4).
Ông anh gật đầu. Té ra có cả anh nữa hay sao! Điều vừa phát hiện, tuy giống như bất ngờ, nhưng thật ra thì cũng đã biết rồi. Ông anh mình cũng cùng một bọn với những người ăn thịt mình! ông anh mình là một kẻ ăn thịt người! Mình là em một kẻ ăn thịt người! Chính mình bị ăn thịt nhưng lại vẫn là em một kẻ ăn thịt người!
V

Mấy hôm nay nghĩ lại: giả thử lão già kia không phải là tay giết người trá hình mà quả là thầy thuốc thật thì lão ta cũng vẫn là một kẻ ăn thịt người. Tổ sư các ông ấy là Lý Thời Trân đã viết rõ ràng trong cuốn Bản thảo gì gì ấy(5) rằng: thịt người có thể rán ăn được. Lão ta còn có thể nói lão ta không ăn thịt người nữa ư?
Còn như ông anh mình, cũng chẳng phải là ai đổ oan cho đâu! Hồi ông ta giảng sách cho mình, chính miệng ông ta nói có thể "đổi con mà ăn" ("Dịch tử nhi thực"). Lại một lần, ngẫu nhiên bàn luận đến một người không tốt nào đó, ông ta liền nói không những phải giết đi, lại còn phải "xẻo thịt mà ăn, lấy da mà làm nệm" ("Thực nhục tẩm bì")(6). Hồi ấy mình còn nhỏ, nghe nói, tim cứ đập mãi. Hôm trước người tá điền thôn Lang Sói sang nói chuyện ăn gan người, ông ta chẳng lấy làm lạ chút nào cả, cứ gật đầu lia lịa. Đủ rõ tâm địa ông ta vẫn ác như trước. Đã có thể "đổi con mà ăn" thì cái gì mà chẳng đổi được, người nào mà chẳng ăn được. Trước kia mình chỉ nghe ông ta giảng, cũng hồ đồ cho qua đi. Bây giờ mới biết rằng ngay khi ông ta giảng, không những mép ông ta còn nhậy mỡ người mà bụng ông ta thì đang tơ tưởng đến chuyện ăn thịt người!
VI

Tối om om. Không biết ngày hay đêm nữa. Con chó nhà họ Triệu lại sủa lên rồi!
Hung ác như sư tử, khiếp nhược như thỏ, giảo quyệt như hồ ly...
VII

Mình biết mưu của họ rồi. Ra mặt giết thì không muốn và cũng không dám, sợ tai vạ, nên họ thông đồng với nhau, bủa lưới bức mình phải tự sát. Cứ nhìn bộ điệu của bọn đàn ông đàn bà ngoài phố hôm nọ và hành vi ông anh mấy hôm nay, có thể rõ được tám chín phần. Tốt nhất là mình cởi thắt lưng ra, cột lên xà nhà, rồi treo cổ cho chết đi. Họ không mang tội giết người mà vẫn được như ý muốn. Tất nhiên họ sẽ sung sướng mà reo cười lên. Bằng không thì mình phải khiếp sợ, buồn rầu mà chết. Dù có gầy đi ít nhiều, họ cũng vui lòng.
Họ chỉ ăn được thịt chết! Nhớ trong sách nào có nói đến một con vật tên là hyène(7), mắt rất dễ sợ và hình thù rất xấu xí, thường ăn thịt chết, xương to mấy cũng nhai nát ra rồi nuốt tất. Nghĩ mà rùng mình! Con hyène là bà con với lang sói, lang sói là họ hàng với chó. Hôm trước con chó nhà họ Triệu cứ lườm mình, đủ biết nó cũng đồng mưu với những người kia và đã ăn ý với nhau từ trước. Lão già nọ dù có cúi gầm mặt xuống đất, há có thể lừa nổi mình!
Đáng thương hại nhất là ông anh mình. Ông ta cũng là người, sao ông ta không sợ mà lại mưu với bọn kia ăn thịt mình nhỉ? Hay là vốn đã quen đi như thế từ lâu rồi, không cho là chuyện trái nữa chăng? Hay là táng tận lương tâm rồi, biết mà cứ làm chăng?
Mình nguyền rủa những kẻ ăn thịt người, và phải bắt đầu nguyền rủa ông ta trước. Muốn khuyên can những kẻ ăn thịt người, cũng phải bắt đầu khuyên can ông ta trước.
VIII

Thật ra, điều đó nhẽ ra họ phải biết từ lâu rồi!...
Bỗng có một người nào đi vào, trạc trên dưới hai mươi tuổi, nhìn không rõ tướng mạo, mặt tươi cười hớn hở, gật đầu chào mình. Cái cười của anh ta không ra vẻ chân tình. Mình liền hỏi:
- Ăn thịt người, có nên không?
Anh ta vẫn cười mà nói:
- Không phải là năm đói kém thì sao lại ăn thịt người?
Mình hiểu ngay anh ta cũng một phường thích ăn thịt người. Mình càng can đảm lên, cứ hỏi:
- Có nên không?
- Chuyện đó hỏi làm gì? Ông đến là hay... nói đùa... Hôm nay trời đẹp lắm.
- Phải, trời đẹp lắm, trăng sáng lắm, nhưng mà tôi hỏi anh "có nên không?"
Anh ta ngỏ ý không thích mình hỏi như thế, trả lời vu vơ:
- Không...
- Không nên à? Thế sao họ cứ ăn?
- Đâu có chuyện ấy!
- Đâu có chuyện ấy à? Bên thôn Lang Sói, người ta vừa mới ăn đấy! Lại trong sách cũng chép như thế, bằng chữ đỏ mực còn tươi rói.
Mặt anh ta tái xanh. Anh ta tròn mắt, nói:
- Có lẽ có. Xưa nay vẫn thế...
- Xưa nay vẫn thế thì nên à?
- Tôi không muốn nói với ông về chuyện đó nữa. Và ông cũng không nên nói nữa. Ông càng nói càng sai.
Mình nhảy chồm lên, giương to mắt. Anh ta liền biến mất. Mồ hôi ướt đẫm cả người. Anh ta còn ít tuổi hơn ông anh mình nhiều, nhưng cũng một phường. Nhất định là bố mẹ anh ta bày vẽ cho anh ta. Sợ anh ta đã bày vẽ cho con anh ta rồi cũng nên! Chả trách ngay cả bọn trẻ con cũng nhìn mình một cách dữ tợn.
IX

Muốn ăn thịt người khác, nhưng lại sợ người khác ăn thịt nên họ giữ miếng nhau, nhìn nhau ngờ vực...
Bỏ được tâm địa ấy đi mà yên trí làm việc, đi đứng ăn ngủ, khoan khoái biết chừng nào! Chỉ cần qua được bước khó khăn đó, vượt qua được cửa ải đó. Nhưng bọn họ, cha con, anh em, vợ chồng, bè bạn, thầy trò, thù địch, và cả những người không hề quen biết nhau nữa đều cùng một bè với nhau, khuyến khích nhau, lôi kéo nhau, dù chết cũng không chịu bước qua bước đó.
X

Sáng sớm, đi tìm ông anh. ông ta đang đứng ngoài cửa nhìn trời. Mình đi đến sau lưng, đứng ở khung cửa rồi nói rất bình tĩnh, rất hòa nhã.
- Anh à! Có điều này muốn nói với anh.
Ông ta vội vã quay lại, gật đầu:
- Nói gì cứ nói đi.
- Chỉ có điều này thôi, nhưng khó nói quá. Anh này, có lẽ xưa kia, khi con người còn man rợ, họ đã từng ăn thịt người. Nhưng rồi về sau, tâm tư thay đổi, có kẻ không ăn nữa, muốn trở nên tốt, nên họ đã trở thành người, trở thành những người chân chính. Có kẻ vẫn ăn... Cũng như sâu bọ, có thứ biến thành chim, cá, khỉ, và cuối cùng biến thành người. Có kẻ không muốn trở nên tốt, đến nay vẫn là sâu bọ. Kẻ ăn thịt người so với kẻ không ăn thịt người, xấu hổ biết mấy! Sợ còn xấu hổ hơn sâu bọ so với khỉ nhiều nhiều lắm.
Dịch Nha(8) nấu thịt con cho Kiệt, Trụ ăn. Đó là chuyện ngày trước. Ai biết được từ khi Bàn Cổ khai thiên lập địa, người vẫn ăn thịt người, cho đến con Dịch Nha, và từ con Dịch Nha cho đến ông Từ Tích Lâm(9) rồi từ ông Từ Tích Lâm cho đến cái anh gì bên thôn Lang Sói! Năm ngoái, trên tỉnh có mấy tên phạm nhân bị chém, còn có người mắc bệnh lao lấy bánh bao chấm máu liếm(10).
Họ định ăn thịt em, một mình anh cố nhiên không làm gì được, nhưng hà tất anh phải vào hùa với họ! Kẻ ăn được thịt người thì cái gì mà không làm được. Họ đã ăn được thịt em thì cũng có thể ăn được thịt anh. Cùng một bọn, họ cũng có thể ăn được thịt nhau. Chỉ cần bước một bước thôi, chỉ cần bỏ ngay cái thói ấy đi thì ai nấy đều được yên ổn, thái bình. Đành rằng xưa nay vẫn thế, nhưng bây giờ chúng ta có thể tốt với nhau hơn. Không được ư? Anh ơi! Em tin rằng anh sẽ nói có thể được. Nhưng hôm nọ, khi người tá điền đến xin giảm tô, anh lại nói là không thể được.
Lúc đầu, ông ta chỉ cười nhạt, nhưng rồi cặp mắt trở nên hung dữ. Đến khi mình nói toạc những ý nghĩ bí mật của họ thì mặt ông ta xanh đi. Một đám đông xúm trước cổng, trong đó có ông Triệu và con chó nhà ông ta. Họ chen chúc nhau thò đầu vào xem. Có kẻ mình không nhìn rõ mặt, hình như họ lấy vải trùm đầu lại, có kẻ mặt vẫn xanh lè, răng vẫn nhọn hoắt, miệng mỉm cười. Mình biết là họ cùng một phường, cùng là những kẻ ăn thịt người cả. Nhưng cũng biết tâm tư họ không giống nhau. Có kẻ thì cho cứ nên ăn, vì xưa nay vẫn thế; có kẻ thì cho không nên ăn, nhưng vẫn cứ muốn ăn, lại sợ người khác nói toạc ra, nên khi nghe mình nói, họ giận lắm, tuy họ vẫn mỉm miệng cười nhạt.
Lúc đó, ông anh mình bỗng trở nên hung dữ quát to:
- Đi đi! Người điên chứ có gì mà xem!
Lúc đó, mình lại hiểu ngay mánh khóe của họ. Không những họ không chịu thay đổi, mà họ đã sắp đặt sẵn để vu cho mình là điên! Sau này, ăn thịt mình, không những họ sẽ được thái bình vô sự, mà có lẽ có người còn cám ơn họ là đằng khác. Người tá điền nói người bị đưa ra ăn thịt là một người ác. Cũng là mánh khóe ấy. Cũng là giọng lưỡi ấy!
Lão Năm Trần bước vào, mặt cũng hầm hầm. Làm sao bịt được miệng mình! Mình cứ nhất định nói cho họ rõ:
- Các người có thể thay đổi được. Hãy thực tâm mà thay đổi đi! Nên biết rằng sau này không ai dung thứ cho kẻ ăn thịt người sống trên thế gian này nữa đâu!
Các người không thay đổi thì các người cũng sẽ bị ăn thịt cả. Dù có con đàn cháu lũ, cũng sẽ bị những người chân chính tiêu diệt, chẳng khác gì người đi săn tiêu diệt lang sói!
- Cũng giống như sâu bọ mà thôi!
Đám người trước cổng bị lão Năm Trần xua đuổi đi hết. Không rõ ông anh mình cũng đi đâu mất. Lão Năm Trần khuyên mình nên vào trong nhà. Trong nhà tối om om. Trên đầu, kèo, xà nhà rung chuyển lên. Rung chuyển một hồi rồi to dần, chất đống trên người mình.
Nặng quá thể, không nhúc nhích được. ý hẳn là sẽ đè mình chết mất thôi! Biết là không phải nặng thật, mình cố giãy giụa, mồ hôi đổ ra như tắm. Nhưng vẫn cứ nói:
- Các người thay đổi ngay đi, thành tâm mà thay đổi đi. Các người nên biết rằng tương lai, người ta không dung thứ cho những kẻ ăn thịt người đâu!...
XI

Không thấy mặt trời nữa. Cửa cũng đóng kín. Ngày ngày hai bữa cơm.
Cầm đũa lại nghĩ đến ông anh. Hiểu ra rồi, tại sao mà đứa em gái mình lại chết. Cũng là vì ông ta cả. Hồi đó, nó mới lên năm, dễ thương quá! Tưởng như là còn trông thấy nó trước mắt. Mẹ khóc mãi. ông ta khuyên đừng khóc nữa. Chắc là ông ta đã ăn thịt đi rồi, bây giờ nghe khóc, ông ta cầm lòng không đậu. Nếu như còn cầm lòng không đậu, thì...
Đứa em gái mình bị ông anh ăn thịt, mẹ có biết thế hay không, mình làm sao hiểu được!
Nghĩ có lẽ mẹ cũng biết. Chẳng qua khi khóc, mẹ không nói ra đó thôi. Chắc cũng cho là phải. Còn nhớ hồi lên bốn lên năm, mình đang ngồi hóng mát trước nhà, nghe ông anh nói rằng: Cha mẹ ốm đau, con phải cắt một miếng thịt, nấu chín, dâng cho cha mẹ, mới là có hiếu. Mẹ cũng không cãi lại. Ăn được một miếng thì tất nhiên có thể ăn cả con người. Nhưng bây giờ nhớ lại thì hôm ấy, nghe mẹ khóc, thương tâm quá đi mất! Thật là một chuyện lạ lùng!
XII

Không thể nghĩ được nữa.
Bây giờ mới biết mình đã sống bao nhiêu năm ở một nơi mà người ta ăn thịt lẫn nhau từ bốn nghìn năm nay. Đứa em gái mình chết đúng vào lúc ông anh lên cai quản trong nhà. Vị tất ông ta đã không đem thịt nó trà trộn với các thức ăn rồi giấu giếm đi, đưa cho mọi người ăn!
Vị tất vô ý mình đã chẳng ăn một vài miếng thịt của đứa em! Và bây giờ đây đến lượt mình...
Mình là một kẻ có truyền thống ăn thịt người trên bốn nghìn năm; lúc đầu không biết nhưng bây giờ biết rồi thì khó lòng mà nhìn mặt những người chân chính.
XIII


Chắc cũng còn những đứa trẻ chưa từng ăn thịt người chứ?
Hãy cứu lấy các em!(11)

Chú thích

(1) Truyện này trước đăng ở Tân thanh niên, số tháng 5 năm 1918. Trong lịch sử văn học Trung Quốc đó là tác phẩm đầu tiên đả kích chế độ phong kiến một cách sâu sắc.
(2) Một thứ bệnh điên, người bệnh lúc nào cũng thấy người ta bức hại mình.
(3)Cố Cữu: lâu đời. Cụ Cố Cữu là một tên tượng trưng chỉ những nhân vật bảo thủ. Cuốn sổ ghi nợ nói ở đây ám chỉ lịch sử thống trị tràng kỳ của giai cấp phong kiến. Giẫm lên cuốn sổ ghi nợ ấy tức là có hành vi chống lại chế độ phong kiến.
(4) Nguyên văn: cản khẩn ngật bãi: ý ông thầy thuốc muốn nói: Cho uống ngay. Chữ ngật có nghĩa là ăn và cũng có nghĩa là uống (như ngật trà, ngật dược: uống chè, uống thuốc). Đây là một cách chơi chữ rất tài, không dịch được.
(5) Chỉ cuốn Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân (1518-1593) đời Minh. Đó là bộ sách kinh điển nghiên cứu dược tính của Trung Quốc. Gồm 52 quyển.
(6) "Dịch tử nhi thực", "Thực nhục tẩm bì" là chữ trong Tả truyện. Dịch tử nhi thực nguyên là chỉ cảnh tượng thê thảm khi thành bị bao vây. "Người nước Sở vây nước Tống, người nước Tống đổi con mà ăn, chặt xương mà nhen lửa. Thực nhục tẩm bì là lấy trong câu Tấn Châu Xước nói với Tề Trang công: "Nhưng hai người đó cũng là loài cầm thú, tôi sẽ xẻo thịt mà ăn, lấy da mà làm nệm". Hai người đó chỉ Thực Xước và Quách Tối, người nước Tề bị Châu Xước bắt được.
(7) Con hyène (i-e-nơ) thường đi theo sư tử, hổ và ăn những miếng thịt thừa của những con vật kia để lại.
(8) Dịch Nha người nước Tề, đời Xuân thu, có tài nấu nướng. Truyền rằng Tề Hoàn công than thở chưa hề được biết mùi vị thịt trẻ con ra sao. Dịch Nha bèn nấu thịt con mình dâng lên Tề Hoàn công.
(9) Từ Tích Lâm ám chỉ Từ Tích Lân, một nhà cách mạng cuối đời Thanh. Năm 1907, ông đâm chết tên tuần vũ tỉnh An Huy, tên là Ân Minh, bị bắt rồi bị hại. Bọn tay chân Ân Minh moi gan nấu ăn. Đây là một chữ viết sai (Lân thành ra Lâm) như nói trong lời nói đầu, mà tác giả không sửa chữa, cứ để nguyên.
(10) Xem truyện Thuốc
(11) Tháng 1 năm 1918, khi đã giác ngộ về giai cấp, không tin vào tiến hóa luận nữa, Lỗ Tấn có viết:
"... Bây giờ nếu lại đăng một bài nghị luận rất mực ôn hòa như "hãy cứu lấy các em" thì, ngay tôi, nghe cũng thấy rỗng tuếch" (Trả lời ông Hữu Hằng, Tạp văn, tập II, tr.68).
Trương Chính dịch

Con Diều


Bắc Kinh vào mùa đông, mặt đường phủ đầy tuyết. Những cành cây giơ lên giữa trời quang đãng, một vài cánh diều chấp chới xa xa. Đối với tôi, đó là một cảnh tượng lạ lùng và buồn thảm.

Vào độ tháng hai, khi nàng xuân đến, chính là mùa thả diều ở quê tôi. Mỗi lần nghe tiếng chong chóng kêu, ngửa mặt nhìn lên trời, tôi thấy ngay cánh diều “con cua” màu mực nhạt, hay cánh diều con rết màu xanh lá mạ, ngoài ra còn có những cánh diều ngói trông buồn tẻ, chúng bay thấp, không có chong chóng, cô đơn, thảm hại, rất đáng thương.

Nhưng vào mùa thả diều, dương liễu đã nẩy mầm trên mặt đất, những cây sơn đảo nở hoa sớm, phần nhiều đã đơm nụ, chúng hòa lẫn với màu áo quần trẻ con và cảnh sắc trên trời, hợp thành một vẻ yên ắng của ngày xuân.

Tôi đang ở chốn nào kia chứ ? Chung quanh là cái rét buốt xương của mùa đông giá. Tôi đã xa quê hương nhiều năm rồi, những mùa xuân xưa tưởng đã chết trong tôi nay lại hiện về, bay bổng giữa bầu trời kia.

Nhưng tôi vốn không thích thả diều, hơn thế nữa, tôi chán ghét chúng. Vì tôi cho đấy là trò chơi của những đứa trẻ vô tích sự. Em tôi lại khác tôi hoàn toàn. Lúc ấy nó mới chừng mười tuổi, gầy trơ xương, hay bệnh hoạn, thế mà nó lại mê thả diều lắm đấy.

Một phần vì nó không có tiền, một phần vì tôi cấm đoán, không cho nó chơi diều, nên nó chỉ còn biết há cái miệng dễ thương ra, mặt ngửa nhìn trời một cách mê mẩn, có khi đến hàng nửa ngày.

Khi thấy một cánh diều từ xa rơi xuống thì nó sợ hãi kêu lên, lúc thấy hai con diều “miếng ngói” đang cuốn vào nhau, và rồi chúng rời ra được thì nó thích chí nhảy ầm lên. Đối với tôi những cử chỉ của nó như thế quả thật khó chịu, đáng ghét.

Hôm nọ, đột nhiên tôi nghĩ rằng, hình như đã mấy ngày nay tôi không gặp mặt nó, nhưng tôi lại nhớ một điều, tôi đã thấy nó nhặt những cành cây khô trong vườn sau hè.

Và tôi chợt hiểu hết. Tôi vội chạy vào gian buồng nhỏ chứa những dụng cụ linh tinh, ít người lui tới. Tôi mở cửa thì quả nhiên bắt gặp nó giữa đống đồ lặt vặt bám đầy bụi. Nó đang ngồi trên chiếc ghế nhỏ, mặt quay vào chiếc ghế đẩu lớn, khi nhận ra tôi, nó kinh hoàng đứng bật lên gương mặt tái hẳn và co rúm cả người.

Cạnh chiếc ghế to, có một khung tre được kết thành hình cánh diều bươm bướm nhưng chưa bồi giấy, trên ghế đặt một đôi chong chóng nhỏ là mắt con bướm, nó đang lấy từng mẩu giấy nhỏ dán lên và cũng gần xong rồi.

Tôi cảm thấy thỏa mãn vì đã khám phá ra điều bí mật ấy, nhưng lại tức giận khi nó dám lén tôi tự động cố làm trộm món đồ chơi của những thằng bé vô tích sự.

Ngay tức khắc tôi bẻ gãy một cánh của con bướm rồi vứt đôi chong chóng xuống đất, lấy chân đạp bẹp dí. Nếu nói về địa vị lớn bé, kể cả chuyện sức lực, nó đều không so sánh được với tôi, đương nhiên tôi là người chiến thắng hoàn toàn. Và khi đó, tôi ngạo nghễ đi ra, bỏ mặt nó đứng chết trân trong căn phòng chật hẹp với nỗi tuyệt vọng của mình.

Sau này, nó như thế nào tôi không hề biết mà cũng chẳng quan tâm.

Nhưng rồi sự trừng phạt đã đến với tôi. Sau một thời gian chúng tôi xa cách nhau, tôi là một người có tuổi trung niên. Thật bất hạnh cho tôi ! Khi tôi tình cờ xem một quyển sách nước ngoài, bàn về thiếu nhi, tôi mới hiểu ra rằng chơi đùa là một hành vi chính đáng của tuổi thơ, và đồ chơi là những vị thiên sứ của chúng vậy.

Lúc ấy, màn kịch hồi thơ dại, cái cảnh độc ác giết chết nguồn vui của một người mà đã hai mươi năm qua, chưa lần nào tôi nhớ đến, thì nay nó lại hiện về trước mắt tôi, khiến trái tim tôi biến thành một cục chì nặng chịch, trì kéo xuống.

Nhưng trái tim tôi không bị trì kéo để đứt rời mà nó lơ lửng đâu đâu, nặng trĩu, chình chịch và kéo xuống, trì xuống mãi …

Tôi cũng có cách khác để bù đắp những thiếu sót đã qua là xin lỗi em tôi và muốn nghe nó nói : “Ô ! em nào có giận anh”, chỉ có thế trái tim tôi mới nhẹ nhõm, việc ấy có thể thực hiện được.

Lần nọ, chúng tôi gặp nhau, gương mặt hai đứa đã hằn sâu thêm nhiều nếp nhăn dau khổ của cuộc đời nhưng trái tim tôi vẫn nặng trĩu. Chúng tôi dần dần nhắc đến chuyện ngày thơ ấu. Tôi liền thuật lại câu chuyện ấy, tự nhận lỗi mình thật quá điên rồ, cái khờ dại của thời bé con : “Ô ! em đâu có giận anh”.

Tôi nghĩ nó sẽ nói thế và tôi sẽ được bình an tâm hồn.

“Có chuyện đó à ?”. Em tôi cười và hỏi một cách ngạc nhiên như thế, như thể nó nghe chuyện của ai kia chứ.

Nó chả nhớ gì hết !

Quên hết, không hờn giận, có nghĩa là chẳng cần chuyện tha thứ. Không oán trách hoặc đó là chuyện nói dối.

Bây giờ ngày xuân quê hương tôi nằm trong khoảng trời xa lạ. Tôi còn gì mong ước nữa, lòng tôi lắng đọng hơn.

Chuyện xưa làm tôi nhớ những ngày đã mất, cái thời thơ ấu vương vấn nỗi buồn chơi với ấy mà. Tôi chỉ còn cách tìm nơi ẩn lánh trong bầu trời ngây ngất của mùa đông tuyết phủ.

Nhưng chung quanh tuyết rơi chỉ thêm nỗi lạnh lùng.

Vương Trung Hiếu dịch

LỄ CẦU PHÚC


Cuối năm âm lịch, bao giờ cũng có vẻ đúng là cuối năm, ở nơi thôn quận thì thôi khỏi phải nói, cả ở lưng trời cũng thấy hiển hiện cái cảnh tượng “Tết đến sau lưng”. Giữa những đám mây chiều nặng và xám, chốc chốc lại lóe ra một tia sáng, tiếp theo là những tiếng ống lệnh ỳ ầm tiễn chân ông Táo về trời, những ống lệnh đốt ở nơi tiếp cận nổ dữ dội hơn, tiếng nổ váng tai còn chưa ngừng, mà trong không khí đã âm ỉ, tản mát mùi thơm thuốc pháo. Tôi về tới quê nhà, Lỗ Trấn, đúng vào một đêm như thế. Gọi “quê nhà” là gọi thế thôi, chứ thực ra tôi không còn cửa nhà gì ở đây, bởi vậy cho nên tôi phải đến ở tại nhà ông Tư Lỗ. Ông Tư là người trong họ, đối với tôi là vai trên, đúng ra tôi phải gọi là chú Tư, ông là một viên giám sinh già nghiên về lý học. Người ông trông vẫn không khác xưa mấy, chỉ già hơn đôi chút, nhưng vẫn chưa để râu. Vừa trông thấy tôi, ông vồn vã hàn huyên, hàn huyên xong, ông bảo trông tôi bây giờ béo đẫy, bảo tôi béo đẩy xong ông liền chửi kịch liệt cái tụi Tân Đảng. Nhưng tôi biết không phải ông mượn cớ để chửi cạnh tôi: là vì người ông chửi vẫn là Khang Hữu Vi đấy. Có điều chuyện trò như vậy lỗ mãng và trái cựa quá, cho nên một lát sau, tôi liền một mình lui vào thư phòng.
Sáng hôm sau, tôi dậy rất trễ, cơm trưa xong, tôi đi thăm mấy người bà con và bạn cũ, ngày thứ ba cũng thế. Trông họ cũng không ai khác trước lắm, chỉ già hơn chút ít mà thôi, và nhà nào cũng bận rộn sắm sửa để làm lễ “cầu phúc”. Ở Lỗ Trấn này, lễ ấy là lễ to nhất về dịp cuối năm, lễ làm hết sức linh đình, thành kính để đón Phúc Thần, cầu cho sang năm, cả năm may mắn. Giết gà, mổ ngỗng, mua thịt lợn, cố tâm tắm rửa cho thật kỹ, đàn bà con gái, cánh tay ngâm nước đỏ ửng, có người vẫn còn đeo cả vòng bạc, kéo lối xoắn thừng. Nấu nướng xong, đũa cắm lung tung bên các món ăn, thế là lễ “cầu phúc” rồi đấy, sang canh năm, cỗ bàn bày ra và đèn đốt, nhang dâng để khấn vái “chư vị phúc thần, đồng lai phố hưởng”, chỉ có đàn ông mới được lễ, lễ xong lẽ tự nhiên là lại đốt ống lệnh. Năm nào cũng thế, nhà nào cũng vậy -chỉ cốt mỗi một điều là sửa nổi lễ, mua nổi ống lệnh, thế thôi. Năm nay cố nhiên cũng lại thế. Chiều trời u ám hơn, về chiều lại thêm tuyết xuống, bông tuyết có cái to bằng hoa mai phấp phới bay đầy trời, giữa những đám khói, trong một cảnh tượng tấp nập, làm cho Lỗ Trấn vẩn ngầu như một vùng hèm rượu. Lúc tôi vào thư phòng của chú Tư, thì trên mái ngói đã trắng những tuyết, ánh vào sáng cả căn buồng, làm nổi bật bức chữ thọ to, màu son, rập nét của Trần Đoàn Lão Tổ, treo trên vách, câu đối thì một vế rơi, cuộn lồng bồng để trên một chiếc ghế dài, vế kia vẫn nguyên vị, viết mấy chữ “sự lý thông đạt, tâm lý hòa bình”, tôi lẩn mẩn đến trước cái bàn kê bên cạnh cửa sổ, giở xem thì thấy có chồng sách gì như pho Khang Hy tự điển, chưa chắc đã trọn bộ, một bộ “Cận tư lục tạp chú” và một bộ “Tứ thư Thần”. Tôi định bụng thế nào sáng mai tôi cũng ra đi.
Vả lại cứ nghĩ đến cái chuyện hôm qua gặp chị Tường Lâm là đủ làm cho tôi không thể ở yên được nữa. Lúc đó vào buổi chiều, tôi đi thăm một người bạn ở phía đông Lỗ Trấn về, ra đến bờ sông thì trông thấy chị, và cứ trông cái khóe mắt chị trừng trừng cũng đủ rõ ràng chị tiến lại để gặp tôi. Trong số những người bạn tôi gặp lại lần này ở Lỗ Trấn, thay đổi nhiều nhất có thể nói rằng không ai bằng chị: mái tóc hoa râm năm năm về trước, năm nay đã trắng toát, trông thật chẳng còn vẻ gì là vẻ trên dưới bốn mươi, mặt hốc hác quá, da thì vàng xỉn ngả đen, cả đến cái vẻ rầu rĩ năm xưa, nay cũng mất hết, trông cứ đực như mặt gỗ, chỉ còn mỗi cặp mắt, đôi lúc chuyển động là còn tỏ ra đó là một vật sống. Một tay chị xách chiếc làn tre, trong có cái bát mẻ không đựng gì, tay kia cầm chiếc gậy trúc đầu dưới toét dài hơn cả người chị, chị bây giờ rõ ràng và hoàn toàn là một mụ ăn mày rồi.
Tôi bèn đứng dừng lại, sẵn sàng đợi chị đến xin tiền.
- Thày mới về chơi? Chị hỏi tôi trước như thế.
- Phải.
- Thế thì hay quá. Thày là người có học lại đi nhiều, biết rộng. Tôi đang muốn hỏi thày một việc. Cặp mắt lờ đờ của chị bỗng sáng hẳn lên.
Câu hỏi hết sức bất ngờ của chị làm tôi chưng hửng.
- Nghĩa là…Chị tiến lại gần thêm vài bước, hạ thấp giọng, và vẻ rất bí mật, nói tiếp một cách rất khẩn thiết: Nghĩa là…Con người ta khi chết rồi, linh hồn có còn hay không?
Tôi rợn người, thấy chị nhìn tôi chòng chọc mà có cảm tưởng như lưng bị gai, lòng bối rối hơn cả khi ở nhà trường, lúc bất thình lình phải thi một bài chưa kịp học mà giáo sư lại nhè đứng ngay bên mình. Linh hồn có hay không, chuyện ấy xưa nay chính tôi, tôi chưa hề nghĩ đến tí nào bao giờ, nhưng lúc này phải trả lời chị, thì phải trả lời làm sao cho xuôi đây? Trong giây phút trù trừ, tôi nghĩ bụng: tục vùng này tin ma quỷ, vậy mà chị này lại nghi ngờ, hay là chi bằng ta nói chuyện hy vọng: hy vọng rằng có, lại hy vọng rằng không…Người ta đã đến bước đường cùng rồi, thì còn làm cho họ thêm đau khổ làm gì, thôi thì bất nhược, cứ trả lời rằng có đi.
- Cũng có thể là có. Tôi ậm ừ trả lời
- Nếu như vậy thì cũng có địa ngục?
- Ồ! Địa ngục ấy à? Tôi rất kinh ngạc và đành trả lời ỡm ờ: Địa ngục? Đúng lý ra thì phải có…nhưng mà cũng vị tất…Ai hơi đâu mà để tâm đến những chuyện ấy?
- Thế thì người trong một nhà chết đi đều có thể lại trông thấy mặt nhau?
- Ờ! Thấy được hay không thấy được nhỉ? Lúc đó tôi thấy tôi vẫn chỉ là một người hoàn toàn ngu dốt: đắn đo cái gì, tính toán cái gì mà ba câu hỏi đều không kham nổi cả ba. Nghĩ thế, tôi đâm sợ và muốn lật lại mấy câu trả lời vừa rồi:
- Cái đó…Thật ra, tôi không nói rõ được…Thật ra, rốt cuộc, linh hồn có hay không, tôi cũng không nói rõ được.
Thừa lúc chị không hỏi dồn nữa, tôi liền rảo bước, vội vàng chuồn thẳng về nhà chú Tư, trong lòng rất lấy làm áy náy, tự nghĩ trả lời như thế, e có khi nguy hiểm cho chị. Ý hẳn, trong lúc người ta “cầu phúc”, chị cảm thấy nói mình.
- Thế thì hay quá. Thày là người có học lại đi nhiều, biết quạnh hiu, nhưng biết đâu chị lại chẳng có một ý nghĩ khác, và nhân câu tôi trả lời mà việc xảy ra thì lời nói của tôi thật phải chịu phần nào trách nhiệm…Nghĩ như vậy, nhưng sau lại tự cười mình, cho rằng câu chuyện tình cờ, chẳng có ý nghĩa sâu xa gì mà mình lại cứ cân nhắc tỉ mỉ, chả trách mấy nhà giáo dục, người ta bảo là lẩm cẩm, mắc bệnh thần kinh cũng phải, vả chăng đã nói rõ rằng “tôi không nói rõ được” để lật lại tất cả những câu trả lời trước rồi, thì dù có xảy ra việc gì đi nữa, cũng chẳng mảy may dính dấp đến mình.
“Không nói rõ được” là một câu nói cực kỳ được việc. Những người trẻ tuổi cả gan, việc đời chưa trải, thường mạnh bạo giải quyết những điều thắc mắc hộ người, mách thầy mách thuốc vạn nhất xảy ra điều gì không hay thì ơ đâu chưa thấy, thấy ngay oán đổ trên đầu, nhưng một khi đưa cái câu “không nói rõ được” kia ra mà kết luận, thì mọi việc lại êm ru. Trong giờ phút này, tôi càng cảm thấy chỗ cần thiết của cái câu nói ấy, ngay đến nói chuyện với mụ ăn mày, cũng nhất định không nên trút bớt cái câu ấy đi.
Tuy nhiên, tôi vẫn cứ thất không yên tâm, qua một đêm rồi mà chốc chốc lại sực nhớ đến câu chuyện và phấp phỏng như thể sắp có việc gì không lành xảy ra, giữa cảnh trời tuyết âm u, trong cái phòng sách buồn dứt, cảm giác thắc mắc áy náy càng thêm mãnh liệt bội phần. Bất nhược đi thôi, sáng mai lên tỉnh. Món vây cá tần của hiệu “Phúc Hưng Lâu” một đồng một mâm lớn, vừa ngon vừa rẻ, chẳng biết bây giờ đã tăng gia chưa? Bè bạn ăn chơi năm trước, bây giờ bốn phương tan tác, nhưng món vây cá thì không ăn không xong, dù cho có phải chỉ ăn một mình…Bất luận thế nào sáng mai cũng nhất định đi.
Nhân đã nghiệm thấy thường thường những việc tôi chỉ muốn đừng xảy ra đúng như tôi đoán, những việc tôi cho rằng vị tất đã xảy ra như tôi đoán thì lại cứ xảy ra đúng phăm phắp, cho nên việc này, tôi rất sợ cũng như thế mất thôi. Thì y như rằng: sự tình đặc biệt đã chớm, bắt đầu. Chập chiều, tôi thấy nhà trong mấy người xúm nhau lại góp chuyện, hình như bàn tán việc gì nhưng một lát sau lại thấy im bặt, chỉ thấy chú Tư vừa đi vừa nói lớn:
- Không sớm, không muộn, nhè đúng lúc này…Đủ biết cái giống nhà nó lẩm cẩm.
Thoạt đầu tôi ngạc nhiên, sau thấy băn khoăn quá, vì câu nói hinh như có dính dấp đến tôi. Nhìn thử ra cửa, thì cửa không có ai. Chờ mãi, đến lúc sắp sửa cơm chiều, đứa đầy tớ mướn tạm đến pha trà, tôi mới có dịp dò hỏi:
- Vừa rồi, ông Tư cáu ai thế?
- Chị Tường Lâm, chứ ai? Đứa đầy tớ trả lời gọn thon lỏn.
- Chị Tường Lâm à? Thế làm sao? Tôi hỏi dồn.
- Cỗi rồi!
- Chết rồi à? Tim tôi bỗng thắt lại, hầu như muốn nhảy lên, mặt chắc cũng biến sắc. Nhưng tại đứa đầy tớ một mực không ngẩng lên, cho nên nó không nhận thấy. Tôi lấy lại bình tĩnh và hỏi tiếp:
- Chết lúc nào?
- Lúc nào? Đêm qua, mà có khi thường sáng nay, tôi không nói rõ được.
- Làm sao mà chết?
- Làm sao mà chết? Nghèo thì chết, chứ còn làm sao? Đứa đầy tớ điềm nhiên trả lời, vẫn không ngẩng đầu nhìn tôi, và cứ thế đi ra.
Tuy vậy, nỗi kinh hoàng của tôi chỉ là chuyện trong chốc lát mà thôi, sau đó, tôi nghĩ: cái việc phải xảy ra bây giờ đã xảy ra rồi, thì thôi chả cần vịn vào cái câu “không nói rõ được” của mình và cái câu “nghèo thì chết” của đứa đầy tớ để tự an ủi, tự tha thứ, lòng tôi cũng đã thấy nhẹ nhõm đi dần dần rồi. Có điều thỉnh thoảng hình như vẫn hơi áy náy. Cơm chiều dọn ra, chú Tư nghiễm nhiên ngồi tiếp tôi. Ý tôi cũng muốn được nghe ít nhiều câu chuyện chị Tường Lâm, nhưng tôi biết: mặc dầu đã đọc qua câu “quỷ thần giả, nhị khí chi lương năng”, chú Tư vẫn còn kiêng kỵ nhiều thứ lắm, gần lúc làm lễ “cầu phúc” mà đem những chuyện chết chóc, ốm đau ra nói với chú, thì thật là tối ư bất khả. Nếu cực chẳng đã, dễ đành phải dùng những tiếng nói trạnh, nói lóng, nhưng khốn nỗi, tôi lại không biết những tiếng ấy, thành thử mấy lần toan hỏi mà rồi nửa chừng lại thôi. Thấy vẻ mặt lập nghiêm của chú tôi bỗng sinh nghi: Có lẽ chú thấy tôi không sớm, không muộn, nhè đúng hôm nay đến quấy rầy chú thế này, thì chú cũng cho tôi là giống lẩm cẩm, cho nên lập tức, tôi nói cho chú biết rằng sáng mai tôi sẽ rời Lỗ Trấn lên tỉnh, để lòng chú được sớm thoải mái, khỏi bận bịu. Chú không thiết tha nài tôi ở lại. Một bữa cơm ăn tẻ ngắt tẻ ngơ.
Ngày đông vốn ngắn, lại thêm tuyết sa, bóng tối chôc đã bao trùm cả thị trấn. Dưới đèn, mọi người bận rộn, nhưng ngoài sông, cảnh vật rất tịch mịch. Hoa tuyết rơi trên thảm tuyết dày, tiếng kêu rào rào khiến người nghe cảm thấy đìu hiu. Một minhf bên ngòn đèn dầu lạc ánh lửa vàng khè, tôi nghĩ đến chị Tường Lâm, con người tứ cố vô thân, con người bị thiên hạ quăng vào giữa đống rác rưởi, cái thứ đồ chơi cũ nát ngấy mắt ấy, trước đây còn phơi tênh nghênh ra giữa đám nhơ nhớp khiến cho những người sống hả hê, có khi phải lấy làm lạ rằng tại sao nó cứ còn mãi đấy, -cái thứ đồ chơi ấy, hiện nay đã được con quỷ Vô Thường hốt đi rồi. Linh hồn có hay không, tôi không biết; nhưng hãy nói ngay đến cái kiếp này; sống mà không thiết sống thì chết quách, dù chỉ là để cho những người chán mình khỏi phải ngứa mắt thấy mình, chết như thế vừa vì người, vừa vì mình, chết như thế vẫn không phải là lầm lẫn. Vừa lắng nghe tiếng hoa tuyết rơi ngoài song xào xạc, vừa ngẫm nghĩ lan man, tôi thấy lòng tôi như dần dần thư thái lại.
Thế nhưng những điều mắt thấy tai nghe về nửa đời chị Tường Lâm, từ trước đến giờ rời rạc, thì đến đây cũng được nối lại thành một miếng liền.
Chị không phải là người Lỗ Trấn. Đầu mùa đông năm nọ, nhà chú Tư cần thay đổi đứa tớ gái, bà lão Vệ, là người dắt mối, liền đưa chị lại làm thay. Chị đầu quấn cái bện vải trắng, mặc quần thâm, áo kép màu lam, áo cánh nguyệt bạch, tuổi trạc hăm sáu hăm bảy, da mặt xanh vàng, nhưng đôi má thì vẫn đỏ. Bà lão Vệ gọi chị là Tường Lâm và nói chị là láng giềng của nhà mẹ mình, vì chồng chết nên mới phải đi làm mướn. Chú Tư cau mày, thím Tư biết ý chồng không thích mướn người góa bụa, nhưng vì thấy cung cách chị đứng đắn, chân tay vạm vỡ, mắt lại chỉ nhìn xuống, chẳng nói một lời, rõ ra vẻ một người biết phận, chịu khó, cho nên chú Tư cau mày thì mặc chú, thím cứ để cho chị ở lại. Trong thời kỳ thử việc, chị làm suốt ngày, hình như ngồi không thì buồn vậy; gia dĩ sức lực chị khỏe, chẳng thua gì đàn ông, cho nên đến ngày thứ ba thì đã đinh xong công xá: mỗi tháng năm trăm đồng tiền.
Ai cũng gọi chị là Tường Lâm, không hỏi chị họ gì, nhưng vì bà lão mối là người Vệ Gia Sơn, mà nói chị là láng giềng với bà lão, cho nên có lẽ chị cũng họ Vệ. Chị rất ít lời, ít điều, có ai hỏi mới nói, không thì thôi, mà trả lời cũng chỉ vắn tắt. Mãi đến mười mấy ngày sau mới vỡ dần ra rằng chị ở nhà còn có một mụ mẹ chồng cay nghiệt, và một thằng em chồng hơn mười tuổi đã đi kiếm được củi, và kém chị mười tuổi, ấy về thân thế chị, người ta chỉ biết có thế thôi.
Tháng ngày đi mau quá, chị không hề trễ nãi công việc, ăn uống thì thế nào xong thôi, và không quản công tiếc sức. Ai cũng bảo: “đầy tớ gái nhà ông Tư chăm chỉ, nhanh nhẹn quá, thật đàn ông không bằng”. Cuối năm, nào quét tước, nào lau chùi, nào giết gà, mỗ ngỗng, suốt đêm nấu cỗ “cầu phúc”, trăm việc một tay chị đảm đương chẳng cần mượn tạm thêm người đỡ đần. Thế mà chị lại lấy làm hả hê, khóe miệng dần dần thoáng một nụ cười và mặt mày đã thấy béo trắng ra.
Vừa sang năm mới, lúc chị đi vo gạo ngoài bờ sông về, mặt chị bỗng thất sắc, nói rằng vừa rồi xa xa nhắc thấy một người đàn ông quanh quẩn phía bên kia sông, coi giống ông bác chồng chị lắm e có khi ông ấy đến cốt tìm chị cũng nên. Thím Tư nghi ngại lắm, hỏi gặng cho rõ ngọn ngành, thì chị lại không nói. Chuyện đến tai chú Tư, chú chau mày bảo:
- Hỏng! Có lẽ của này nó trốn nhà.
Mà quả chị trốn nhà thật. Không bao lâu, lời suy đoán ấy đúng sự thực.
Sau đó chừng mười lăm ngày, câu chuyện dần dần đã lắng đi, thì bỗng thấy bà lão Vệ đưa một người đàn bà trạc ngoài tam tuần đến, bảo đó là mẹ chồng chị Tường Lâm. Người đàn bà tuy có vẻ sơn cước, nhưng trong lúc ứng thủ, tỏ ra rất ung dung, ăn nói cũng thạo, thăm hỏi xong rồi, thị ngỏ lời xin lỗi, nói mình ra đây là chủ ý gọi con dâu về, vì giêng, hai, công việc bận rộn mà nhà thì neo người, chỉ có một trẻ một già, làm không xuể việc.
Chú Tư nói:
- Nếu mẹ chồng nó cần nó về, thì còn biết nói làm sao nữa!
Thế là tính toán công xá, tất cả một nghìn bảy trăm năm mươi đồng tiền -chị vẫn gửi cả chủ, chưa tiêu đồng nào- giao cả cho người mẹ chồng. Thị này còn xin lại cả quần áo của con dâu, cảm ơn rồi mới bước đi. Lúc đó đã đúng ngọ.
- Ô kìa, thế gạo đâu? Con Tường Lâm chả đi vo gạo rồi là gì? Một lúc sau, thím Tư mới sực nhớ, giật mình hỏi. Ý chừng ngót dạ, thím đã nhớ đến bữa trưa.
Bấy giờ người ta mới mỗi người mỗi ngả đi tìm cái rá vo gạo. Thoạt đầu, thím chạy xuống bếp, sau lên nhà trên, cuối cùng mới vào buồng ngủ nhưng chẳng thấy bóng vía chiếc rá vo gạo đâu. Chú tư, bước một, đi ra cửa tìm cũng không thấy, đến lúc ra bờ sông, mới thấy ra vẫn ngay ngắn nằm tốt ở đấy, bên cạnh còn cả một cây rau.
Những người được mục kích việc xảy ra mách rằng: buổi sáng có một chiếc thuyền mui trắng ghé bến, mui che kín mít, không biết trong có những ai, nhưng lúc chưa xảy ra việc thì không ai để ý đến chiếc thuyền ấy. Tới lúc chị Tường Lâm ra vo gạo, vừa mới quỳ xuống, thì hai người đàn ông trong thuyền vụt nhảy ra, trông có vẻ người sơn cước, một đứa ôm chặt lấy chị, còn đứa kia thì giúp sức, lôi tuột xuống thuyền. Chị Tường Lâm còn khóc và kêu được mấy tiếng, rồi im bặt, muốn chừng đã bị chúng lấy cái gì nhét vào miệng. Kế đó, thấy hai người đàn bà chạy lên, một lạ mặt, còn một thì là bà lão Vệ. Dòm vào trong thuyền, trông không được rõ lắm, nhưng hình như chị bị trói, nằm trên sạp thuyền.
Chú Tư nói:
- Khả ố! Nhưng mà…
Hôm ấy, thím Tư phải tự nấu lấy cơm. Thằng con của chú thím, là A Ngưu, phải vào đun bếp. Sau bữa cơm, bà lão Vệ trở lại.
Chú Tư nói:
- Khả ố!
- Thế nghĩa là thế nào? Ghớm cho cái mụ này, còn dám trở lại đây mà trông mặt người ta! Thím Tư đang rửa bát vừa trông thấy bà lão Vệ thì nổi xung lên nói: “Chính mụ đưa nó lại, rồi lại chính mụ hùa với chúng nó mà cướp nó đi, làm lung tung beng cả lên, người ta trông vào còn ra cái thể thống gì? Mụ muốn bêu giếu nhà tôi để làm trò cười cho thiên hạ phải không?
- Ôi chao! Ôi chao! Thưa bà, con thật mắc lỡm! Vì thế con mới trở lại đây lần này để thưa lại cho rõ ràng. Chị ấy đến nhờ con kiếm việc hộ, con có biết đâu rằng chị ấy lại giấu mẹ chồng. Xin lỗi ông Tư bà Tư, thật là con lú lấp, không để ý cẩn thận. Xin lỗi ông chủ, bà chủ, may mà các ngài xưa nay là bậc khoan hồng đại lượng không thèm chấp trách lũ nhỏ mọn chúng con. Bận này con nhất định đưa lại hầu ông bà một đứa thật tươm tất để chuộc tội.
Chú Tư nói:
- Nhưng mà…
Thế là cái vụ chị Tường Lâm êm, chả bao lâu người ta cũng quên khuấy đi.
Chỉ có thím Tư, vì những đầy tớ mướn sau, đứa thì hay ăn, đứa thì làm biếng, có đứa cả hay ăn lẫn làm biếng, chẳng đứa nào thím vừa ý, cho nên thím vẫn nhắc đến chị Tường Lâm, mỗi lần nhắc đến như thế, thím lại một mình lẩm bẩm: “Chả biết bây giờ con bé ra sao?” Nghĩa là thím vẫn có ý mong chị trở lại. Nhưng sang giêng năm sau thì thím hết hy vọng.
Tháng giêng sắp hết, bà lão Vệ đến mừng tuổi, rượu đã say khước, mụ bảo vừa về Vệ Gia Sơn thăm mẹ, vì ở lại chơi mấy ngày cho nên ra trễ. Trong lúc nói chuyện, lẽ tự nhiên thím Tư và mụ lại nhắc đến chị Tường Lâm.
- Chị ấy à? Mụ Vệ vui vẻ nói: Bây giơf đến thời vận rồi. Trước khi đi bắt chị về, bà mẹ chông đã nhận lời gã chị cho lão Sáu Hạ ở Hạ Gia Úc rồi, cho nên về nhà chưa được mấy ngày đã lên kiệu hoa cho người ta khiêng đi.
- Ôi chao! Mẹ chồng quí thế! Thím Tư lấy làm lạ, nói.
- Ôi chao! Thưa bà, bà là chỗ danh gia vọng tộc thì bà dạy thế, chứ với chúng con, con nhà bách tính, ở nơi sơn cước thì cái đó có hề gì? Chị Tường Lâm còn có thằng em chồng, nó cũng phải lấy vợ. Nếu không gả bán chị thì lấy tiền đâu mà cưới xin? Mẹ chồng chị thế mà là tay đảm đang sáng suốt tính toán đâu ra đấy cả, nên mới đem gả chị cho người Thượng đấy. Gả cho người trong làng thì tiền cưới chả được mấy đồng. Đàn bà ít ai chịu lấy chồng Thượng, cho nên mới được đến số tám vạn. Hiện giờ thì cưới nàng dâu thứ hai rồi, dẫn cưới hết có năm vạn, trừ tất cả các phí tổn khác về việc vui mừng này, vẫn hãy còn thừa được một vạn. Đấy bà xem, tính toán có giỏi không?...
- Thế mà chị Tường Lâm chịu ư?
- Làm gì có chịu với chẳng chịu ỏe ọe giở quẻ thì ai chẳng ỏe ọe giở quẻ, cứ lấy thừng trói lại ấn vào kiệu hoa khiêng về nhà trai choàng mũ hoa vào đầu, lễ tổ xong, đóng chặt cửa buồng lại là ổn hết. Nhưng chị Tường Lâm thì quả là khác thường, nghe nói lúc đó chị làm thật dữ quá. Người ta đều bảo đại khái chị đã đi ăn đi ở nhà người có học thức cho nên cũng có cái khác người. Thưa bà, chúng con đã thấy nhiều cảnh dở dang ép buộc phải bước đi bước nữa thì giở đủ trò, thị thì kêu khóc, thị thì nói: chết đi cho rồi, thị thì lúc về đến nhà trai, làm lung tung dở dang cử lễ, thậm chí có thị còn đập cả đuốc hoa. Nhưng chị Tường Lâm thì thật khác thường: họ nói, dọc đường chị một mực la ó, chửi bới, lúc về đến Hạ Gia Úc thì cổ đã khản đặc, kéo chị ở kiệu ra, hai người đàn ông và thằng em chồng cố sức giữ chặt lấy chị mà vẫn không làm nổi lễ: họ vừa lơ đễnh xổng tay một cái là ối thôi, A di đà phật! Chị đã đập ngay đầu vào góc hương án, thủng hoắm một miếng tường, máu tươi tung tóe, dịt đến hai nắm tàn nhang, buộc cả hai vuông vải đỏ mà máu vẫn không cầm. Cho đến lúc xúm nhau đun chị ta cho bằng được vào “động phòng” với chú rễ, khóa trái cửa lại rồi, mà chị vẫn cứ chửi. Ôi chao! thật là…Mụ Vệ lắc đầu, nhìn xuống, không nói nữa.
- Thế rồi ra sao? Thím Tư hỏi tiếp.
Mụ Vệ ngước mặt lên đáp:
- Nghe nói nằm cả ngày hôm sau không dậy.
- Thế rồi sao nữa?
- Rồi sao? Dậy! Cuối năm đẻ con, con giai, sang năm mới này hai tuổi rồi. Mấy hôm con ở lại chơi bên má con, có người đến Hạ Gia Úc về nói chuyện có trông thấy mẹ con chị, mẹ cũng béo tốt, con cũng béo tốt, nhà lại không có mẹ chồng, chồng lại là người sức vóc biết đường làm ăn, mà nhà lại là nhà của mình. Ấy à, đến lúc khá rồi!
Từ đó, thím Tư cũng không nhắc đến chị Tường Lâm nữa.
Nhưng vào khoảng cuối thu, sau khi được nghe cái tin “đến lúc khá rồi” ấy chừng hai cái tết, bỗng lại thấy chị Tường Lâm đứng trước thềm nhà chú Tư. Chiếc làn tròn hình củ mã -thầy của chị, chị để trên một chiếc bàn, còn bọc chăn áo thì chị để dưới mái hiên. Đầu vẫn cuốn cái bện trắng, vẫn mặc quần thâm, áo kép lam, áo cánh nguyệt bạch, mặt vẫn xanh vàng, duy có đôi má thì không còn huyết sắc nữa, mắt vẫn nhìn xuống, kẽ mắt có ngấn lệ in, mà mắt cũng không được tinh thần như trước. Mà lần này, cũng lại bà lão Vệ dẫn đến, mặt mụ làm ra bộ từ bi, mụ kể lể với thím Tư:
-…Đúng câu người ta nói: “gió mây biến đổi khôn lường”, chồng chị người khỏe mạnh thế, đang lúc đầu xanh tuổi trẻ, có ngờ đâu lại nửa đời nửa đoạn với bệnh thương hàn, ốm đã khỏi rồi, đi ăn căm nguội vào, thành ra phải lại. May mà có được mụn con, chị lại đảm: kiếm củi, hái trà, nuôi tằm, làm được cả. Kể ra cứ thế ở vậy thì cũng được. Có ngờ đâu đứa bé lại bị chó sói tha mất. Cuối mùa xuân vừa rồi, ai biết đâu chó sói còn về? Bây giờ, trơ trọi một thân một mình. Bác chồng lại đuổi đi để lấy nhà. Thật là hết đường, chỉ còn cách là đến nhờ chủ cũ. Được cái, bây giờ, chị không còn bị vướng víu gì nữa, mà trong nhà ta đây lại vừa hay đang lúc muốn thay người, cho nên con đưa chị lại. Con thiết nghĩ, mượn người đã thuộc đường quen ngõ rồi, thực ra bao giờ cũng hơn mượn người lạ nước lạ cái nhiều.
- Con thật là ngu dại, ngu dại thật. Chị Tường Lâm ngước cặp mắt lờ đờ, nói tiếp: Con chỉ biết là mùa tuyết xuống trong núi không có mồi, thì thú dữ về bản, con không biết rằng mùa xuân nó cũng về được. Một hôm, vừa tảng sáng, con mở cửa, lấy đỗ bỏ vào một chiếc làn con, bảo thằng Mao của chúng con cầm ra ngồi ngạnh cửa mà bóc vỏ. Thằng cháu Mao dễ bảo lắm cơ, con bảo sao, cháu nghe vậy, cháu chạy ra cửa, còn con thì chẻ củi, vo gạo ở sau nhà, đổ gạo vào nồi rồi, mới tính luộc đỗ. Con gọi “A Mao”, nhưng mà không thấy cháu thưa, chạy ra xem thì chỉ thấy đỗ vãi tung tóe đầy đất, chứ không thấy cháu Mao của chúng con đâu cả. Cháu là đứa không hay chạy sang nhà người khác chơi, con sang hỏi các nhà thì không thấy cháu thật. Con cuống quít nhờ người đổ đi tìm. Cho đến quá trưa, tìm đi tìm lại, vào tận hốc núi, thì thấy, một chiếc giày con mắc trên một bụi gai. Mọi người đều bảo: Hỏng rồi, có lẽ bị với chó sói rồi. Đi sâu vào nữa, quả nhiên thấy cháu nằm sóng sượt giữa một cái hang cỏ, lòng gan bị ăn sạch, còn toang hoang mỗi cái bụng không, tay cháu vẫn nắm chặt cái làn con…
Chị nói tiếp, nhưng nghẹn ngào, không nên câu.
Thoạt đầu thím Tư còn trù trừ, nhưng đến lúc nghe kể xong câu chuyện thì mắt thím đỏ hoe. Ngẫm nghĩ một lát, thím bảo mang cái làn tròn và bọc chăn áo xuống nhà dưới. Mụ Vệ thở phào một cái, như vừa cất được gánh đầy, chị Tường Lâm thì có vẻ xởi xang hơn lúc mới đến một chút, và không đợi ai chỉ dẫn, chị tự mang chăn áo vào để gọn gàng một nơi. Từ đó, chị lại ở cho thím Tư.
Người ta vẫn gọi chị là chị Tường Lâm.
Nhưng, lần này cảnh ngộ chị thay đổi rất nhiều, nhiều phi thường. Chị vào làm được vài ba ngày, thì chủ nhà nhận thấy chị không còn nhanh chân lẹ tay như trước nữa, trí nhớ cũng suy sút nhiều, mặt đã như thây ma, mà cả ngày lại không thấy bóng dáng một nụ cười, trong lời ăn tiếng nói của thím Tư, đã thấy lộ chút bất mãn. Lúc chị mới đến, chú Tư tuy vẫn chiếu lệ chau mày, nhưng xét vì xưa nay mướn người đầy tớ gái là một việc không dễ gì, nên chú cũng không phản đối lắm, chỉ dặn ngầm thím Tư rằng tuy những quân ấy có lẽ rất đáng thương, nhưng họ đã làm bại hoại gia phong, dùng họ đỡ đần công việc thì còn được, chứ việc cúng bái thì chớ để chúng mó tay vào, nhất thiết cỗ bàn, tự tay mình làm lấy là hơn, nếu không thì, uế tạp thế, ông bà ông vãi nào ăn.
Việc hệ trọng nhất trong nhà chú Tư là việc cúng vái. Xưa kia, những ngày lễ bái là ngày chị Tường Lâm rất bận, bây giờ những ngày ấy lại là những ngày chị rảnh rang. Bàn kê giữa nhà, màn treo trên bàn, chị hãy còn nhớ và chiếu lệ toan bày rượu, đặt đũa như xưa. Thím Tư vội hét:
- Chị Tường Lâm để đấy! Tôi bày.
Chị Tường Lâm vội vàng rụt tay lại, đi lấy cây đèn cắm nến.
Thím Tư vội thét:
- Chị Tường Lâm để đấy! Tôi lấy.
Chị loanh quanh mấy vòng, rốt cuộc chả có việc gì mà làm, đành lánh ra chỗ khác, lòng sinh ngờ vực. Ngày hôm ấy chị không làm được một việc gì khác, ngoài việc ngồi đun bếp ra.
Người trong trấn vẫn gọi chị là chị Tường Lâm, nhưng gọi với một giọng điệu rất khác trước, họ vẫn chuyện trò với chị, nhưng với vẻ cười của họ bây giờ lạnh lùng. Chị không hề để ý đến những chỗ đó, cứ là ngước mắt lên mà kể cho hết mọi người nghe cái câu chuyện của mình –câu chuyện suốt ngày ấy qua đêm khác chị không sao quên được.
Chị nói:
“Con thật là ngu dại! ngu dại thật! Con chỉ biết là mùa tuyết xong, trong núi không có mồi thì thú dữ mới về bản, con không biết rằng mùa xuân nó cũng về được. Một hôm, vừa tảng sáng, con mở cửa, lấy đỗ bỏ vào một chiếc làn con, bảo thằng Mao của chúng con cầm ra ngồi ngạnh cửa mà bóc vỏ. Thằng cháu Mao dễ bảo lắm cơ, con bảo sao, cháu nghe vậy, cháu chạy ra cửa, còn con thì chẻ củi, vo gạo ở sau nhà, đổ gạo vào nồi rồi, mới tính luộc đỗ. Con gọi “A Mao”, nhưng mà không thấy cháu thưa, chạy ra xem thì chỉ thấy đỗ vãi tung tóe đầy đất, chứ không thấy cháu Mao của chúng con đâu cả. Cháu là đứa không hay chạy sang nhà người khác chơi, con sang hỏi các nhà thì không thấy cháu thật. Con cuống quít nhờ người đổ đi tìm. Cho đến quá trưa, tìm đi tìm lại, vào tận hốc núi, thì thấy, một chiếc giày con mắc trên một bụi gai. Mọi người đều bảo: Hỏng rồi, có lẽ bị với chó sói rồi. Đi sâu vào nữa, quả nhiên thấy cháu nằm sóng sượt giữa một cái hang cỏ, lòng gan bị ăn sạch, còn toang hoang mỗi cái bụng không, tay cháu vẫn nắm chặt cái làn con…Nói đến đấy, chị nghẹn ngào thổn thức, nước mắt trào ra.
Câu chuyện ấy thế mà công hiệu đáo để, bọn đàn ông nghe kể đến đó thường hết tươi cười, hết thú, bỏ đi, còn bọn đàn bà thì chẳng những có vẻ khoan dung đối với chị, nét mặt lập tức hết cả vẻ khủng khỉnh, mà họ còn khóc theo hết khối nước mắt nữa. Có những bà già, không được nghe chị kể ngoài đầu đường, phải cố tình tìm đến nghe câu chuyện thảm thương ấy. Đến lúc chị thổn thức thì các cụ đều không cầm nổi những giọt nước mắt chạy quanh, các cụ thở than một hồi, rồi thỏa thuê ra về, vừa đi vừa bàn tán tíu tít.
Chị cứ thế kể đi kể lại câu chuyện bi thảm, nó thường hấp dẫn dăm ba người đứng lại nghe.
Nhưng chẳng bao lâu người nghe đều thuộc lòng câu chuyện, đến cả những bà tụng kinh niệm phật, từ bi nhất hạng, bây giờ cũng không còn một tí dấu vết nước mắt. Về sau, tất cả người trong trấn hầu như đều thuộc lòng những câu chị nói, hễ nghe đến là họ chán ngấy phát nhức đầu.
- Con thật là ngu dại! ngu dại thật! Chị mở đầu.
- Phải rồi! “Con chỉ biết là mùa tuyết xuống, trong núi không có mồi thì thú dữ mới về bản…”Rồi họ bỏ đi.
Chị há hốc mồm, chưng hửng ngước mắt nhìn theo, rồi cũng đi nốt, tựa hồ chính mình cũng thấy mất thú rồi. Tuy nhiên, chị vẫn cứ vớ vẩn, vẫn mong nhân một câu chuyện gì đó -chẳng hạn như chuyện một nắm đậu, chuyện một cái làn con, chuyện một đứa trẻ nhà ai- để gợi câu chuyện thằng Mao của mình. Hễ trông thấy đứa trẻ nào độ vàiba tuổi là chị nói:
- Ôi chao! Giá cháu Mao nhà chúng con mà còn, thì cháu cũng bằng từng ấy rồi…
Trẻ con thấy cái mắt chị nhìn là sợ khiếp, túm ngay áo mẹ mà lôi đi. Thế là chị lại chỉ còn trơ mỗi một mình, rốt cuộc rồi chán, chị cũng đi nốt. Về sau, người ta cũng lại thuộc tính tình chị, cứ động trông thấy trước mặt có đứa trẻ nào là họ lại mủm mỉm hỏi chị trước:
- Này chị Tường Lâm! Giá thằng Mao nhà chị mà còn thì nó đã bằng từng ấy đấy nhỉ?
Và tất nhiên chị đã hiểu rằng nối đau thương của mình, bấy nay thiên hạ nhiều ngày nhai hít, thưởng thức chán rồi, bây giờ chỉ còn là cái bã, thì nó chỉ đáng cho người ta chán mứa và nhổ toẹt đi, thế nhưng trên cái vẻ mỉm cười của thiên hạ, chị hình như cũng cảm thấy có cái gì vừa lạnh vừa nhọn, đã thế thì còn mở miệng mà làm gì. Chị chỉ nhìn họ một cái, chứ tịnh không một lời đáp lại.
Lỗ Trấn ăn tết, hết năm nọ đến năm kia, cứ từ hai mươi tháng chạp trở đi là bắt đầu bận rộn. Lần này, nhà chú Tư phải mượn một đứa ở trai làm buổi, mà việc làm vẫn không xuể, phải gọi thêm mụ Liễn là người tu hành ăn chay kiêng sát sinh, chỉ chịu rửa bát dĩa, ấm chén thôi. Chị Tường Lâm thì, ngoài việc đun bếp ra, chẳng còn việc gì khác, chỉ ngồi xem mụ Liễu làm. Những cánh tuyết nhỏ rơi lưa thưa.
- Ôi chao! Con thật ngu dại…Chị Tường Lâm nhìn trời, thở dài lẩm bẩm như nói một mình.
Mụ Liễu bực mình, nhìn vào mặt chị, bảo:
- Chị Tường Lâm lại thế rồi đấy. Tôi hỏi chị: chứ cái sẹo ở cái góc trán chị đó, có phải độ ấy chị đập ra không?
Chị Tường Lâm ậm ừ trả lời:
- Ờ…ờ…
- Thế tôi hỏi chị, độ đó tại sao, về sau, chị lại chịu nhỉ?
- Tôi ấy à?
- Phải, chị ấy. Tôi tưởng chính chị cũng muốn chết đi, nếu không thì…
- “Ồ, ồ…bà thử xem xem!” Chị cười.
Cái mặt nhăn nheo của mụ Liễu cũng cười theo, trông co rúm lại như một cái hạt đào! Đôi mắt ti hí và héo hắt của mụ cứ một lần nhìn cái sẹo lại một lần nhìn vào mắt chị, làm chị ngượng hết cả người,vờ quay ra nhìn tuyết rơi…
Mụ Liễu làm ra vẻ bí mật nói:
- Chị Tường Lâm ạ, thật ra chị tính hớ. Ráng thêm một tí, đã thế thì đập nữa cho thật chết có phải hay không. Bước đi bước nữa, ăn ở với chồng sau được hai năm bây giờ thành ra mang cái tội to tướng. Chị nghĩ mà xem, mai sau chị sẽ thác xuống âm phủ, hai con ma đực kia sẽ tranh giành nhau, thì chị biết nhận ai, đừng ai cho phải? Diêm Vương chỉ còn cách là cưa chị ra làm đôi mà chia cho chúng nó. Ta tưởng thế thì thực là…
Vẻ sợ hãi hiện rõ trên nét mặt chị Tường Lâm. Đây là một điều khi còn ở nơi sơn thôn, chị chưa từng bao giờ được biết.
- Ta tưởng nên sớm lo chống đỡ đi là hơn, chị đến ngay miếu thổ địa mà quyên vào đó một cái ngạch cửa, thế cho mình để nghìn người dẫm lên, muôn người bước qua thì mới chuộc được cái tội kiếp này, chết đi khỏi khổ.
Ngay lúc ấy, chị Tường Lâm không trả lời ra sao, nhưng coi vẻ chị buồn khổ khác thường; sáng hôm sau dậy, hai mắt chị thâm quầng. Cơm sáng xong, chị chạy lại ngôi miếu thổ địa ở phía tây Lỗ Trấn để xin quyên một chiếc ngạch cửa. Lúc đầu, ông từ khăng khăng không bằng lòng. Mãi đến lúc chị lo buồn đến phát khóc, ông ta mới miễn cưỡng chịu nhận lời. Số tiền phải nộp là mười hai ngàn đồng tiền.
Đã lâu, chị không chuyện trò với ai cả, vì cái đề tài “thằng Mao” người ta nghe ngấy rồi; nhưng từ hôm mụ Liễu tán phiêu với chị đến nay, hình như có tiếng đồn đi hay sao mà nhiều người lại thấy mới, họ chỉ toàn nói chuyện về cái sẹo trên trán chị thôi.
- Này chị Tường Lâm, tôi hỏi chị nhá: “Tại sao ngày ấy chị lại chịu”. Một người hỏi.
Người khác vừa nhìn cái sẹo, vừa nói góp:
- Ôi chao! Tiếc quá, mất toi cái đập đầu không!
Cứ nhìn cái vẻ cười, nghe cái giọng nói của họ, đại khái chị cũng đã biết họ đang chế giễu mình, cho nên chị chỉ trừng mắt chứ không trả lời nửa câu, về sau, chị chẳng buồn đến cả ngoảnh đầu lại. Suốt ngày, đôi môi mím chặt với cái sẹo ở trán –cái sẹo mọi người coi như một dấu vết điếm nhục-, chị lẳng lặng quét nhà, lẳng lặng vo gạo, rửa rau. Gần đầy năm, chị nhận của thím Tư giao tận tay số tiền công từ trước dồn lại, tính ra tiền tây được mười hai đồng, và xin nghỉ để đi đến đàng phía tây thị trấn. Nhưng ước chừng chưa ăn xong bữa cơm thì đã thấy chị trở về, thần khí rất thư thái, con mắt cũng tỉnh táo hơn nhiều, có vẻ như thích chí, chị nói cho thím Tư biết rằng, chị đích thân đã đến miếu thổ địa quyên cái ngạch cửa.
Gặp kỳ tế tổ vào dịp Đông chí, chị càng ra sức làm lụng, thấy thím Tư bày biện lễ vật và cùng thằng Ngưu khiêng bàn ra kê giữa nhà, chị thản nhiên chạy đi lấy bát đũa và chén nậm, thì thím Tư vội thét:
- Để đấy, chị Tường Lâm!
Chị rụt vội tay như người phải bỏng, đồng thời mặt xám đi và cũng không đi lấy cây đèn nến nữa, cứ thế đứng đờ người ra. Đến lúc chú Tư lên đèn hương, bảo chị tránh ra chỗ khác, chị mới bỏ đi. Lần này thì chị thay đổi khác thường, hôm sau, không những mắt chị sâu hoắm xuống, cả đến tinh thần cũng suy sụp. Và chị sinh ra rất nhút nhát, không những sợ đêm tối, sợ bóng đen mà thấy người cũng sợ nữa: trông thấy chủ mình mà cũng lấm lét như chuột ngày, nếu không thì lại ngồi đực ra như bụt mọc vậy. Chưa được nửa năm, đầu tóc chị nhuốm bạc, trí nhớ lại càng tồi, thậm chí thường quên cả đi vo gạo.
- Chị Tường Lâm làm sao thế nhỉ? Biết thế thì trước chả giữ lại cho xong! Có lúc thím Tư nói ngay vào mặt chị như vậy, có ý cảnh cáo để chị coi chừng.
Nhưng chị vẫn cứ thế, hết đường trông mong nhanh nhẩu trở lại. Nhà chủ bèn tính chuyện cho chị về với mụ Vệ. Lúc tôi còn ở Lỗ Trấn thì mới tinh vậy thôi. Tuy nhiên cứ xem xem cung cách thì thế nào ý đinh ấy rồi cũng thành sự thực. Nhưng ở nhà thím Tư ra, chị đi ăn mày ngay, hay là sau khi về nhà mụ Vệ rồi chị mới đi ăn mày, thì điều đó tôi không rõ được.
Pháo lệnh nổ gần, kêu to quá, làm tôi thức giấc, đèn lửa trong nhà trông như hạt đỗ vàng to, kế đến là những tràng pháo dây từng hồi lạch tạch: chú Tư làm lễ “cầu phúc” đấy, chắc sắp sang canh năm rồi. Dưới ánh đèn mung lung, tôi nằm lắng nghe tiếng ống lệnh nơi xa văng vẳng nổi liên hồi, hình như nó hợp thành một vòm mây đặc vang rộn âm thanh, xen lẫn với những đám hoa tuyết bay múa phấp phới mà ôm ấp lấy cả cái thị trấn này. Giữa những tiếng ồn ào bao phủ lấy mình, tôi có cái cảm giác lạn tản mà cũng như thư thái, bao nhiêu nỗi ngờ lo, từ sáng sớm đến chập tối, bây giờ trút sạch cả vào bầu không khí “cầu phúc”, để chỉ còn thấy như trời đất, quỷ thần, sau khi phối hưởng tất cả lợn, rượu, hương, hoa, phút này say khước, đang la đà loạng choạng, cùng sửa soạn ban cho lũ người Lỗ Trấn một nguồn hạnh phúc vô biên.

(1924)

Cố hương


Tôi không quản trời lạnh giá, về thăm làng cũ, xa những hai ngàn dặm mà tôi đã từ biệt hơn hai mươi năm nay.
Đang độ giữa đông. Gần về đến làng, trời lại càng u ám. Gió lạnh lùa vào khoang thuyền, vi vu. Nhìn qua các khe hở mui thuyền, thấy xa gần thấp thoáng mấy thôn xóm tiêu điều, hoang vắng, nằm im lìm dưới vòm trời màu vàng úa, không nén được, lòng tôi se lại.
A, đây thật có phải là làng cũ mà hai mươi năm trời nay tôi hằng ghi lấy hình ảnh trong ký ức không?
Hình ảnh làng cũ trong ký ức tôi không giống hẳn như thế này. Làng cũ tôi đẹp hơn kia! Nhưng nếu phải nhớ rõ đẹp như thế nào, nói rõ đẹp ở chỗ nào thì thật không có hình ảnh, ngôn ngữ nào diễn tả ra cho được.
Phảng phất thì cũng có hơi giống đấy. Tôi nghĩ bụng: Hẳn làng cũ mình vốn chỉ như thế kia thôi, tuy chưa tiến bộ hơn xưa, nhưng cũng vị tất đến nỗi thê lương như mình tưởng. Chẳng qua là tâm hồn mình đã đổi khác, bởi vì về thăm chuyến này, lòng mình vốn đã không vui.
Về thăm chuyến này, ý định là để từ giã lần cuối cùng ngôi nhà cũ nơi cả đại gia đình chúng tôi đời đời ở chung với nhau, mà chúng tôi đã phải đồng tình bán cho người ta rồi, nội năm nay phải giao cho họ. Vì thế, tôi cần phải về trước tết vĩnh biệt ngôi nhà yêu dấu và từ giã làng cũ thân mến, đem gia đình đến nơi đất khách tôi đang làm ăn, sinh sống.
Tinh mơ sáng hôm sau, tôi về tới cổng nhà. Trên mái ngói, mấy cọng tranh khô phất phơ trước gió. Đủ rõ nhà không đổi chủ không được. Những gia đình khác có lẽ đã dọn đi rồi cho nên cảnh tượng càng hiu quạnh. Tôi vừa bước vào gian nhà chúng tôi ở thì mẹ tôi đã chạy ra đón. Hoằng, đứa cháu vừa mới lên tám tuổi, cũng chạy theo sau.
Mẹ tôi rất mừng rỡ, nhưng nét mặt ẩn một nỗi buồn thầm kín. Mẹ tôi bảo tôi ngồi xuống, nghỉ ngơi, uống trà, không đả động gì đến chuyện dọn nhà cả. Cháu Hoằng chưa gặp tôi bao giờ chỉ dám đứng đằng xa nhìn tôi chòng chọc.
Nhưng rồi chúng tôi cũng bàn đến chuyện dọn nhà. Tôi nói nhà trên kia đã thuê xong, cũng đã sắm được ít đồ đạc, giờ hãy đem các thứ đồ gỗ ở nhà này bán đi hết lấy tiền mua thêm sau. Mẹ tôi cho cũng phải và bảo hành lý đã thu xếp gọn gàng đâu vào đấy cả rồi, đồ gỗ không tiện chuyên chở cũng bán được một ít rồi, nhưng tiền chưa thu vén được đủ.
Mẹ tôi nói:
- Con hãy nghỉ ngơi vài hôm, đi thăm các nhà bà con một chút rồi mẹ con mình lên đường.
- Vâng.
- Có anh Nhuận Thổ lần nào đến chơi cũng nhắc nhở đến con và rất mong có ngày được gặp con. Mẹ đã nhắn tin cho anh ấy biết chừng ngày nào con về. Có lẽ anh ấy cũng sắp đến thôi.
Lúc bấy giờ trong ký ức tôi, bỗng hiện ra một cảnh tượng thần tiên, kỳ dị: Một vừng trăng tròn vàng thắm treo lửng lơ trên nền trời xanh đậm, dưới là một bãi cát bên bờ biển, trồng toàn dưa hấu, bát ngát một màu xanh rờn. Giữa ruộng dưa, một đứa bé trạc mười một, mười hai tuổi, cổ đeo vòng bạc, tay lăm lăm cầm chiếc đinh ba, đang cố sức đâm theo một con "tra"(1) . Con vật bỗng quay lại, luồn qua háng đứa bé, chạy mất.
Đứa bé ấy chính là Nhuận Thổ. Khi tôi quen Nhuận Thổ, cách đây khoảng chừng ba mươi năm, Nhuận Thổ chỉ độ lên mười. Lúc đó thầy tôi hãy còn, cảnh nhà sung túc, tôi đàng hoàng là một cậu ấm. Năm ấy là năm đến lượt nhà tôi lo giỗ tổ. Nghe nói thì cứ hơn ba mươi năm mới đến lượt lo giỗ này một lần, cho nên rất linh đình. Giỗ vào tháng giêng; lễ vật rất nhiều, các đồ tế rất sang, người đến lễ cũng rất đông, vì thế phải đề phòng mất cắp. Nhà tôi chỉ nuôi một người ở tháng (địa phương tôi, người đi làm thuê chia làm ba hạng, ở năm gọi là "trường niên", làm thuê từng ngày gọi là "đoản công", nhà mình cũng có cày, chỉ giỗ tết, hay vụ thu tô, đến làm mướn cho người ta thì gọi là "ở tháng"). Người ở bận quá, làm không hết việc, liền xin thầy tôi cho gọi thằng con là Nhuận Thổ đến để nó trông coi các thứ đồ tế cho.
Thầy tôi bằng lòng. Tôi cũng rất thích vì đã có nghe nói đến Nhuận Thổ, lại biết Nhuận Thổ với tôi tuổi cũng suýt soát bằng nhau. Hắn sinh tháng nhuận, ngũ hành khuyết thổ (2), nên bố hắn đặt tên là Nhuận Thổ. Hắn bắt chim tước thì tài lắm.
Vì vậy ngày nào tôi cũng mong cho mau đến năm mới. Năm mới đến thì Nhuận Thổ cũng đến mà! Chờ mãi mới hết năm. Một hôm, mẹ tôi bảo: "Thằng Nhuận Thổ đến rồi đấy!" Tôi liền chạy ra xem. Hắn đang đứng trong bếp, khuôn mặt tròn trĩnh, nước da bánh mật, đầu đội mũ lông chiên bé tí tẹo, cổ đeo vòng bạc sáng loáng. Đủ biết bố hắn quí hắn như thế nào: sợ hắn khó nuôi, bố hắn đã nguyện trước thần phật làm vòng xích, xích lại. Hắn thấy ai là bẽn lẽn, chỉ không bẽn lẽn với một mình tôi thôi. Khi vắng người, hắn mới nói chuyện với tôi. Vì thế chưa đầy nửa ngày, chúng tôi đã thân nhau.
Không biết bấy giờ chúng tôi có nói với nhau những gì, chỉ nhớ rằng Nhuận Thổ thích chí lắm. Hắn bảo lên tỉnh hắn mới được trông thấy những điều hắn chưa bao giờ trông thấy cả.
Hôm sau, tôi rủ hắn bẫy chim. Hắn nói:
- Không được đâu! Phải chờ tuyết xuống cho nhiều đã. Làng em toàn đất cát, hễ tuyết xuống thì em quét lấy một khoảnh đất trống; dùng một cái que ngắn chống một cái nong lớn, rắc ít lúa lép, thấy chim tước xuống ăn, đứng đằng xa giật mạnh sợi dây buộc vào cái que, thế là chim bị chụp vào nong hết. Thứ nào cũng có: sẻ đồng, chào mào, "bột cô", sẻ xanh lưng(3).
Vì thế, tôi lại càng chờ ngày tuyết xuống.
Nhuận Thổ lại nói:
- Bây giờ trời đang rét lắm. Đến mùa hè, anh xuống nhà em chơi. Ban ngày, chúng mình ra biển nhặt vỏ sò, màu đỏ có, màu xanh có, đủ cả. Có cả sò "mặt quỷ", sò "tay phật". Tối đến, em và thầy em đi canh dưa thì anh cũng đi...
- Canh trộm à?
- Không phải. ở làng em, người đi qua đường khát nước hái một quả dưa ăn, không kể là lấy trộm. Canh là canh lợn rừng, nhím, tra. Này nhé! Sáng trăng. Có tiếng sột soạt. Tra đang ngốn dưa đấy! Thế là cầm đinh ba khe khẽ tiến lên...
Hồi đó -và cho cả đến bây giờ nữa - tôi vẫn chưa biết con tra là con gì. Chẳng căn cứ vào đâu, tôi cứ tưởng tượng hình thù nó như con chó con nhưng dữ tợn hơn.
- Nó không cắn à?
- Đã có đinh ba rồi. Tiến lên gần, thấy tra là đâm ngay. Giống ấy tinh khôn lắm. Nó quay lại, đâm thẳng về phía mình rồi luồn qua háng mình, biến mất. Lông, da nó trơn như mỡ.
Tôi chưa hề biết trên đời này lại có những chuyện mới lạ như vậy: bên bờ biển có những con sò đủ màu sắc như thế kia; và có được quả dưa hấu ăn cũng phải trải qua bao nhiêu là nguy hiểm. Trước đây tôi chỉ biết quả dưa hấu bán ở hàng hoa quả mà thôi!
- Ở đất cát chúng em, lúc thủy triều dâng lên, có rất nhiều những con "cá nhảy", cứ nhảy lung tung, hai chân như chân nhái.
Trời ơi! Nhuận Thổ hắn biết nhiều chuyện lạ lùng lắm, kể không xiết! Những chuyện đó, bạn bè tôi từ trước đến nay, không ai biết cả. Chúng nó không biết là vì trong khi Nhuận Thổ sống bên bờ biển thì chúng nó, cũng như tôi, chỉ nhìn thấy một mảnh trời vuông trên bốn bức tường cao bao bọc lấy cái sân mà thôi!
Nhưng tiếc thay, đã hết tháng giêng. Nhuận Thổ phải về quê hắn. Lòng tôi rộn ràng, tôi khóc to lên. Hắn lẩn trong bếp, cũng khóc mà không chịu về. Nhưng rồi bố hắn cũng lôi hắn đi. Sau đó, hắn có nhờ bố hắn mang lên cho tôi một bọc vỏ sò và mấy thứ lông chim rất đẹp. Tôi cũng có vài lần gửi cho hắn ít quà. Nhưng từ đấy chúng tôi không hề gặp mặt nhau nữa(4).
Bây giờ mẹ tôi nhắc đến Nhuận Thổ, ký ức tôi bỗng dưng như bừng sáng lên trong chốc lát. Tôi cảm thấy tựa hồ tôi đã tìm ra được quê hương tôi đẹp ở chỗ nào rồi. Tôi trả lời mẹ tôi:
- Thế thì hay quá! Anh ta... ra sao?
- Anh ta ấy à? Tình cảnh cũng chẳng ra gì.
Mẹ tôi vừa nói vừa nhìn ra phía ngoài
-... Mấy người kia lại đến! Nói mua đồ gỗ nhưng cứ tiện tay mang bừa đi. Mẹ phải ra xem xem sao.
Mẹ tôi đứng dậy, đi ra. Ngoài cửa có tiếng đàn bà đang hỏi chuyện. Tôi gọi cháu Hoằng đến gần, hỏi vớ vẩn: hỏi nó đã biết viết chưa, có thích đi xa không.
- Chúng ta có đi tàu hỏa không, bác?
- Có, chúng ta đi tàu hỏa.
- Thế có đi thuyền không, bác?
- Có, đi thuyền trước... Bỗng có tiếng ai lạ, the thé nói to lên:
- Thế này rồi kia à! Râu mọc dài thế này rồi kia à!
Tôi giật mình, vội ngửng đầu lên thì trông thấy một người đàn bà, trên dưới năm mươi tuổi, lưỡng quyền nhô ra, hai tay chống nạnh, không buộc thắt lưng, chân đứng chạng ra, giống hệt cái com-pa trong bộ đồ vẽ, có hai chân bé tí.
Tôi rất lấy làm ngạc nhiên.
- Không nhận ra à! Ngày bé tôi vẫn bế anh đấy!
Tôi lại càng ngạc nhiên hơn. May mà lúc đó mẹ tôi bước vào, đỡ lời cho:
- Cháu nó đi xa lâu ngày thành ra quên hết cả. Con nhớ nhá!
Rồi ngoảnh về phía tôi nói:
- Đây là thím Hai Dương ở xế cửa nhà ta đây mà! Thím mở hàng bán đậu phụ.
À! Nhớ ra rồi. Hồi tôi còn bé, quả có một chị Hai Dương vẫn ngồi trong quán bán đậu phụ xế cửa nhà tôi, người ta gọi chị là "nàng Tây Thi đậu phụ". Nhưng hồi đó, chị xoa phấn, lưỡng quyền không cao như thế này, môi cũng không mỏng như bây giờ. Và chị cứ ngồi suốt buổi nên tôi cũng chưa hề được nhìn thấy cái dáng điệu "com-pa" của chị. Hồi đó người ta nói, sở dĩ hàng đậu phụ bán chạy là vì có chị ta. Song có lẽ vì tôi không cùng lứa tuổi với chị, cũng chưa bao giờ bị chị ta làm cho đắm đuối, cho nên mới quên bẵng đi. Nhưng cái "com-pa" kia lấy làm bất bình lắm, tỏ vẻ khinh bỉ, cười kháy tôi như cười kháy một người Pháp không biết đến Nã Phá Luân(5), một người Mỹ không biết đến Hoa Thịnh Đốn(6) gì vậy! Rồi nói:
- Quên à? Phải rồi, bây giờ cao sang rồi thì để ý đâu đến bọn chúng tôi nữa!
Tôi hốt hoảng, đứng dậy, nói:
- Đâu có phải thế! Tôi...
- Thế thì tôi nói anh nghe nhé! Anh Tấn này! Anh bây giờ sang trọng rồi, còn cần quái gì các thứ đồ gỗ hư hỏng này nữa. Chuyên chở lại lịch kịch lắm. Cho chúng tôi khuân đi thôi. Chúng tôi nhà nghèo dùng được tất.
- Có gì đâu mà sang trọng! Chúng tôi cần phải bán các thứ này đi để...
- Ái chà! Anh bây giờ làm quan rồi mà bảo là không sang trọng? Những ba nàng hầu. Mỗi lần đi đâu là ngồi kiệu lớn tám người khiêng, còn bảo là không sang trọng? Hừ! Chẳng cái gì giấu nổi chúng tôi đâu!
Tôi biết không thể nói làm sao được, đành ngậm miệng, đứng trầm ngâm.
- Ôi chào! Thật là càng giàu có càng không dám rời một đồng xu! Càng không dám rời một đồng xu lại càng giàu có!
Mụ "com-pa" tức giận, miệng lẩm bẩm, quay gót thong thả đi ra, tiện tay giật luôn đôi bít tất tay của mẹ tôi giắt vào lưng quần, cút thẳng.
Sau đó, lại có mấy người bà con hàng xóm và mấy người thân thuộc đến thăm. Tôi vừa tiếp khách vừa tìm chút thì giờ rảnh sửa soạn hành lý. Như thế mất ba, bốn ngày.
Một hôm, trời rét lắm. Quá trưa, tôi vừa ăn cơm xong, đang ngồi uống trà, bỗng nghe như có tiếng ai ở ngoài đi vào. Ngoảnh ra xem, tôi ngạc nhiên vô cùng, vội vàng đứng dậy ra đón.
Người đi vào là Nhuận Thổ. Tuy tôi nhận ra ngay Nhuận Thổ, nhưng lại không phải là Nhuận Thổ trong ký ức tôi. Anh cao gấp hai trước; khuôn mặt tròn trĩnh, nước da bánh mật trước kia nay đổi thành vàng xạm, lại có thêm những nếp răn sâu hóm. Cặp mắt giống hệt cặp mắt bố anh ngày trước, mi mắt viền đỏ húp mọng lên. Tôi không lấy làm lạ: ở miền biển, gió thổi suốt ngày, đại để ai cũng thế cả. Anh đội một cái mũ lông chiên rách tươm, mặc một chiếc áo bông mỏng dính, người co ro cúm rúm, tay cầm một bọc giấy và một tẩu thuốc lá dài. Bàn tay này cũng không phải là bàn tay tôi còn nhớ, hồng hào, lanh lẹn, mập mạp, cứng rắn, mà vừa thô kệch vừa nặng nề, lại nứt nẻ như vỏ cây thông.
Lúc bấy giờ tôi mừng rỡ vô cùng, nhưng chưa biết nói thế nào cho phải, đành chỉ hỏi:
- À, anh Nhuận Thổ, anh đã đến đấy à!...
Thật ra, tôi còn có rất nhiều chuyện để nói tiếp, tưởng chừng có thể tuôn ra như nước chảy: nào là chim chào mào, nào là cá nhảy, vỏ sò, tra... nhưng không biết hình như có cái gì chẹn lại, chỉ loanh quanh trong đầu óc, không thốt ra thành lời được.
Nhuận Thổ đứng dừng lại, nét mặt vừa hớn hở vừa thê lương, môi mấp máy, nhưng cũng nói không ra tiếng. Rồi bỗng anh lấy một dáng điệu cung kính, chào rất rành mạch:
- Bẩm ông!
Tôi như điếng người đi. Thôi đúng rồi! Giữa chúng tôi đã có một bức tường khá dày ngăn cách. Thật là bi đát. Tôi cũng nói không nên lời.
Anh ta ngoảnh đầu lại gọi:
- Thủy Sinh. Con không lạy ông đi kìa!
Anh liền kéo đứa bé nấp sau lưng anh ra. Trông nó giống hệt anh hai mươi năm về trước, chỉ điều vàng vọt, gầy còm hơn một tí, và cổ không đeo vòng bạc mà thôi.
- Thưa, đây là cháu thứ năm đấy ạ! Chưa đi đâu bao giờ, cứ thấy ai là lẩn tránh...
Mẹ tôi và cháu Hoằng chừng đã nghe thấy tiếng, từ trên gác đi xuống. Anh Nhuận Thổ nói:
- Lạy cụ ạ! Thư cụ con đã nhận được, biết ông có về chơi, thật mừng quá!
Mẹ tôi vui vẻ nói:
- Ấy, sao lại khách tình thế! Chẳng phải là trước kia, vẫn gọi nhau bằng anh em cơ mà? Cứ gọi là anh Tấn như trước thôi!
- Ái chà! Cụ thật là... Như thế thì còn ra thể thống nào nữa. Hồi đó, còn nhỏ dại, chưa hiểu....
Anh Nhuận Thổ vừa nói vừa gọi Thủy Sinh lại chào, nhưng thằng bé bẽn lẽn, bám sát vào lưng bố.
Mẹ tôi nói:
- Cháu Thủy Sinh đấy à? Cháu thứ năm phải không nhỉ? Toàn là người lạ, chả trách rụt rè là phải. Hoằng đâu, dẫn em ra chơi đi!
Hoằng nghe nói liền gọi Thủy Sinh. Thủy Sinh nhẹ nhàng, khoan khoái cùng Hoằng đi ra. Mẹ tôi bảo Nhuận Thổ ngồi. Anh ngập ngừng một lát rồi cũng ngồi xuống, để cái tẩu dựa vào mé bàn, đưa cái gói giấy ra nói:
- Ngày đông tháng giá, chẳng có gì. Đây chỉ là ít đậu xanh của nhà phơi khô, xin ông...
Tôi hỏi thăm gia đình. Anh chỉ lắc đầu.
- Bẩm, vất vả lắm! Cháu thứ sáu cũng đã giúp được việc, nhưng nhà vẫn không đủ ăn, lại có được sống yên ổn đâu!... Chỗ nào cũng hỏi tiền, chẳng có luật lệ gì cả. Mùa lại mất. Trồng được gì là gánh đi bán tất. Chỉ đóng thuế chợ là đã cụt vốn rồi. Không đem bán thì lại thối mục hết.
Anh cứ lắc đầu. Những nếp răn khắc sâu trên mặt anh tuyệt nhiên không động đậy. Trông anh phảng phất như một pho tượng đá. Có lẽ anh chỉ cảm thấy khổ nhưng không nói ra được hết, ngồi trầm ngâm một lúc, rồi cầm lấy dọc tẩu, lặng lẽ hút thuốc.
Mẹ tôi hỏi chuyện anh, biết nhà anh bận lắm việc, ngày mai phải về, lại chưa ăn cơm trưa, liền bảo anh xuống bếp rang cơm ăn.
Anh đi ra. Mẹ tôi và tôi đều than thở, buồn cho cảnh nhà anh: con đông, mùa mất, thuế nặng, lính tráng, trộm cướp, quan lại, thân hào, đày đọa thân anh khiến anh trở thành đần độn, mụ mẫm đi(7)! Mẹ tôi bàn với tôi:
- Cái gì không cần chở đi thì cho anh ta hết. Cứ để cho tùy ý chọn, lấy cái nào thì lấy.
Đến chiều anh chọn xong mấy thứ: một đôi bàn dài, bốn chiếc ghế dựa, một bộ tam sự và một cái cân. Anh lại xin tất cả các đống tro (ở quê tôi, người ta nấu bằng rơm, rạ, tro có thể dùng bón đất cát), chờ khi nào chúng tôi lên đường là đem thuyền đến chở.
Đêm đến, chúng tôi cũng có nói vài ba câu chuyện phiếm, toàn là những chuyện chẳng quan trọng gì. Sáng hôm sau, anh đem Thủy Sinh về.
Chín ngày sau, chúng tôi lên đường. Sáng sớm, Nhuận Thổ đã đến rồi. Thủy Sinh không đi theo. Anh chỉ đem theo một đứa cháu gái năm tuổi để trông thuyền. Chúng tôi bận rộn suốt ngày, không có thì giờ trò chuyện. Khách khứa cũng nhiều. Kẻ đến đưa chân, người đến lấy đồ đạc. Có kẻ vừa đưa chân vừa lấy đồ đạc. Gần tối, chúng tôi xuống thuyền thì tất cả đồ đạc trong ngôi nhà cũ, hư hỏng, to nhỏ, xấu tốt đều mang đi sạch trơn như quét.
Thuyền chúng tôi thẳng tiến. Trong hoàng hôn, những dãy núi xanh hai bên bờ sông đen sẫm lại, nối tiếp nhau chạy lùi về phía sau lái.
Tôi và cháu Hoằng ngồi tựa cửa thuyền, cùng nhìn phong cảnh mờ ảo bên ngoài. Bỗng cháu Hoằng hỏi:
- Bác này! Lúc nào chúng ta lại trở về nhỉ?
- Trở về? Sao cháu chưa đi đã nghĩ đến chuyện trở về?
- Nhưng mà thằng Thủy Sinh nó hẹn cháu đến nhà nó chơi cơ mà.
Hoằng giương to đôi mắt đen nháy nhìn tôi, ngây người suy nghĩ.
Tôi và mẹ tôi cũng đều có ý buồn, vì thế mà lại nhắc đến Nhuận Thổ. Mẹ tôi nói:
- Cái chị Hai Dương, "nàng Tây Thi đậu phụ" ấy mà! Từ khi nhà ta bắt đầu sửa soạn hành lý, chẳng ngày nào là chị ta không đến. Hôm trước, chị ta đứng cạnh đống tro, moi ra hơn mười chiếc, cả bát lẫn đĩa, bàn tán một hồi rồi nói quyết rằng Nhuận Thổ vùi vào đấy để khi nào xúc tro là mang đi luôn. Chị ta khám phá ra việc đó, tự cho mình là có công, liền lấy ngay cái "cẩu khí sát" (một dụng cụ ở quê tôi người ta dùng nuôi gà làm bằng một tấm ván, trên có song song, trong đựng thức ăn, gà chỉ việc thò cổ vào mổ còn chó thì đứng nhìn, chịu chết), rồi chạy biến. Tuy chị ta lùn và chân bé tí tẹo thế mà chạy cũng nhanh đáo để!
Ngôi nhà cũ xa dần, phong cảnh làng cũ cũng mờ dần, nhưng lòng tôi không chút lưu luyến. Tôi chỉ cảm thấy xung quanh tôi là bốn bức tường vô hình, nhưng rất cao, làm cho tôi vô cùng lẻ loi, sầu muộn. Hình ảnh đứa bé oai hùng, cổ đeo vòng bạc, đứng giữa ruộng dưa hấu, tôi vốn nhớ rõ lắm, nhưng bây giờ bỗng nhiên cũng mờ nhạt đi, khiến tôi lại càng thêm ảo não.
Mẹ tôi và cháu Hoằng đã ngủ rồi.
Tôi nằm xuống, nghe nước róc rách vỗ vào mạn thuyền, biết là tôi đang đi theo con đường của tôi. Tôi nghĩ bụng: tôi và Nhuận Thổ, tuy cách bức đến như thế này, nhưng con cháu chúng tôi vẫn còn thân thiết với nhau. Chẳng phải là cháu Hoằng đang tưởng nhớ đến Thủy Sinh đó ư? Tôi mong ước chúng nó sẽ không giống chúng tôi, không bao giờ phải cách bức nhau cả... Nhưng tôi cũng không muốn chúng nó vì thân thiết với nhau mà phải vất vả, chạy vạy như tôi, cũng không muốn chúng nó phải khốn khổ mà đần độn như Nhuận Thổ; cũng không muốn chúng nó phải khốn khổ mà tàn nhẫn như bao nhiêu người khác. Chúng nó cần phải sống một cuộc đời mới, một cuộc đời mà chúng tôi chưa từng được sống.
Tôi nghĩ đến những niềm hy vọng, bỗng nhiên hoảng sợ. Khi Nhuận Thổ xin chiếc lư hương và đôi đèn nến, tôi cười thầm, cho rằng anh ta lúc nào cũng không quên sùng bái tượng gỗ.
Nhưng bây giờ, điều tôi đang gọi là hy vọng đây, biết đâu không phải là một thứ tượng gỗ tự tay tôi chế tạo ra? Có khác chăng là những điều anh ta mong ước thì gần gũi, còn những điều tôi mong ước thì xa vời đó thôi.
Tôi đang mơ màng, thì trước mắt tôi hiện ra cảnh tượng một cánh đồng cát, màu xanh biếc, cạnh bờ biển; trên vòm trời xanh đậm, treo lửng lơ một vừng trăng tròn vàng thắm. Tôi nghĩ bụng: đã gọi là hy vọng thì không thể nói đâu là thực, đâu là hư. Cũng giống như những con đường trên mặt đất; kỳ thực, trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi.
--------
(1) Theo bức thư của Chương Y-Bình gửi cho người dịch tiểu thuyết của Lỗ Tấn ra tiếng Nga thì ông ta đã có hỏi Lỗ Tấn. Lỗ Tấn trả lời, đó là một tên thú ông tùy tiện đặt ra. Cũng là một loại lợn rừng.
(2) Theo lời mê tín về tướng số thì mệnh người có ngũ hành: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Có đủ ngũ hành là số tốt, khuyết một hành là số xấu. Khuyết hành nào thì lấy tên hành ấy mà đặt tên, có thể bổ cứu cho vận mệnh.
(3)Trong bài Từ vườn bách thảo đến trường Tam vị (Nhặt cánh hoa tàn, Tạp văn. I), Lỗ Tấn cũng có nhắc lại một kỷ niệm tương tự như thế, nhưng lại nói "đó là cách mà bố Nhuận Thổ bày vẽ cho". Nhuận Thổ, một người có tên thật là Chương Vận Thủy, người Thiệu Hưng. Bố anh là Phúc Khánh, một người nông dân kiêm nghề đan lát, thường đến làm thuê ở nhà tác giả.
(4) Trong đoạn này, Lỗ Tấn hết sức ca ngợi Nhuận Thổ, xây dựng hình ảnh một em bé nông thôn, trong trắng, chất phác, nhiều tình cảm, vì có lao động nên tháo vát và biết nhiều chuyện hơn các em bé con nhà địa chủ. Ta có thể gặp lại những điều nhận xét này trong bài Hát tuồng ngày rước thần. Trong bài tựa Tuyển tập truyện ngắn bằng tiếng Anh, ông có viết một câu thành thực như sau: "Tôi sinh trưởng trong một gia đình lớn ở đô thị, từ bé chịu giáo huấn của sách vở và thầy đồ, cho nên cũng xem đại chúng cần lao như bức tranh hoa điểu. Có khi dũng cảm thấy cái giả dối và thối nát của cái gọi là xã hội thượng lưu, song tôi vẫn ham mộ cái yên vui của nó. Nhưng quê ngoại mẹ tôi là nông thôn, khiến tôi thỉnh thoảng gần gũi nông dân, dần dần biết họ suốt đời bị áp bức, chịu bao đau khổ, chứ đâu có được như bức tranh hoa điểu. Về sau... ngẫu nhiên có dịp được viết văn, tôi bèn dùng hình thức truyện ngắn lần lượt viết ra sự trụy lạc của cái gọi là xã hội thượng lưu và nỗi bất hạnh của xã hội lớp dưới". Cố hương, A.Q. chính truyện, Lễ cầu phúc là những truyện như thế.
(5) Tức Napoléon (1766-1821), vua nước Pháp nổi tiếng một thời.
(6) Tức Washington (1732-1799), một trong những người xây dựng nước Cộng hoà Mỹ (?!)
(7) Kể từ khi tên bán nước Viên Thế Khải chết đi (1916), bọn đế quốc càng tranh giành nhau ảnh hưởng ở Trung Quốc, giúp cho một số quân phiệt gây nội chiến liên miên, tạo nên cảnh đục nước béo cò. Bọn địa chủ lại càng tăng cường bóc lột điạ tô, cho vay nặng lãi, đem sự tổn hại của chúng trút lên đầu người nông dân lao động.
Trương Chính dịch

1 nhận xét: