THƯ, HỌA
Cứ theo truyền thuyết, vua Phục Hi nhân việc nghĩ ra bát quái mà sáng tạo “long thư”, vua Thần Nông xem lúa mà chế ra “tuệ thư”, Hoàng Đế nhìn mây mà đặt ra “vân thư”, vua Nghiêu được rùa thần mà làm ra “qui thư”, Đại Vũ đúc chín đỉnh mà tạo ra “chung đỉnh văn”… Thế nhưng đó chỉ là huyền thoại và không còn dấu tích gì để lại, và chính những nhân vật đó cũng không biết thực hư có hay không chẳng khác gì những truyện trong mười tám đời Hùng Vương của ta.
Hầu hết những văn tự trước đời Tần mà người Trung Hoa còn di tích gọi là “kim văn” vì đều là những chữ khắc trên các đồ kim loại nay còn tìm ra được. Sau đời Tần, chữ viết được tìm thấy là chữ khắc trên bia đá, nên gọi là “bi văn”.
Từ những di chỉ mà các nhà khảo cổ đào được, thứ chữ tối cổ của Trung Hoa là chữ khắc trên những mảnh xương (giáp cốt văn). Người ta lần đầu tìm được loại chữ này năm thứ 26 đời vua Quang Tự nhà Thanh (tức năm 1900 sau TL), tại An Dương (Hà Nam) và chính vì căn cứ theo những di tích còn sót trên mai rùa và xương thú nên được đặt tên là giáp cốt. Chữ này do người đời nhà Ân (1766 - 1123 TTL) khắc để dùng vào việc bói toán. Phương pháp là dùng son hay mực viết lên sau đó dùng dao tô lên những nét đó. Theo nét khắc, người ta cho rằng 3000 năm trước người Tàu đã biết dùng bút lông vì nét có chỗ to, chỗ nhỏ không đều.
Cũng khi người ta tìm ra giáp cốt văn thì ở Đôn Hoàng (Cam Túc) và Tân Cương lại tìm thấy một số thư trát tức là những quân lệnh mà các tướng lãnh giao dịch với nhau, viết trên các thẻ gỗ và mảnh giấy, thuộc về đời Hán. Đó là những di tích về chữ viết cổ nhất người ta tìm thấy vào thời đó.
Nếu tính thực sự một bản viết có nghệ thuật còn lưu truyền nghĩa là được bảo tồn vì tài hoa của tác giả, ta có thể kể đến “Bình Phục Thiếp” (Viết sau khi khỏi bệnh) của Lục Cơ (261-303) đời Tấn. Vào thời đó, kỹ nghệ làm giấy còn thô sơ, không giữ được lâu như kim thạch, xương bò, mai rùa hay tre gỗ nên những chữ viết lưu lại tới nay không còn mấy. Ngay cả bức thiếp nổi tiếng là “Lan Đình Thiếp” của Vương Hi Chi viết năm 353, vẫn được coi là chí bảo cũng không phải là bản thực mà là người sau bắt chước lại. Bản mà chúng ta thấy ngày hôm nay là một bản nhại lại viết đời Đường (618-906) nghĩa là sau đến vài trăm năm. Dù người sau có giỏi thế nào thì nét bút cũng không thể hoàn toàn giống, nhất là một bản viết luôn luôn có hồn của thư gia, lại không được quyền dậm lại, nên nhiều lắm thì chúng ta cũng chỉ biết được một cách viết chứ không thể biết được thực sự Vương Hi Chi viết chữ ra sao.
Về thể loại, trước đời Tần người Tàu viết chữ gọi là “đại triện”, là chữ biến thể của giáp cốt văn. Chữ đại triện theo thời gian biến đổi từ đời Thương sang đời Chu đã trở nên vô cùng phức tạp. Đến đời Tần, thừa tướng Lý Tư đơn giản hóa chữ đại triện, tổng hợp và loại trừ những lối viết của các địa phương, thống nhất thành một loại chữ mới gọi là “tiểu triện”. Sang đời Hán, công việc cải tiến chữ viết vẫn được tiếp tục và thành chữ viết mà ngày nay chúng ta gọi là chữ ‘lệ” vì là thứ chữ viết chính thức dùng trong việc giấy tờ, giao dịch. Chữ lệ đường nét đã biến hóa và đậm nhạt khác nhau chứ không còn như chữ triện nữa. Những góc cạnh thường có hình cong nơi chữ triện, nay “ra góc”, nghĩa là chuyển hướng đột ngột từ ngang sang dọc hay ngược lại.
Hình dáng cũng chuyển từ khuynh hướng dọc (chiều dọc dài hơn chiều ngang, tức portrait) sang ngang (chiều ngang dài hơn chiều dọc, tức landscape). Tới thời Nam Bắc triều, từ chữ lệ người ta biến sang chữ khải, tức là thứ chữ chân phương mà người ta còn dùng ngày nay. Công trình biến đổi đó kéo dài và liên tục suốt ba trăm năm.
Vào thời này, hai chính sách của miền Nam và miền Bắc khác nhau. Miền Nam không cho lập bia nên chữ viết còn lại là chữ viết trên giấy. Trái lại miền Bắc lại hay khắc vào đá, nhất là kinh Phật. Nam thiếp, Bắc bi chính là từ đó.
Vào thời kỳ này, nhân vật nổi tiếng nhất trong giới thư mặc là Vương Hi Chi. Vương Hi Chi (307-365?) sống vào thời Đông Tấn, ngay từ khi ông còn tại thế đã nổi danh về bút thiếp. Ông sở trường khải thư và hành thư, rất được người đời Đường ưa chuộng. Vua Đường Thái Tông vì thích chữ của ông nên ban thưởng rất hậu cho những ai dâng tiến bút thiếp họ Vương. Khi được tờ thiếp Lan Đình, ông sai người bắt chước để sao ra nhiều bản, phát cho cận thần. Bản chính của tờ thiếp này sau theo nhà vua chôn trong mộ.
Đời Đường là giai đoạn mà văn hóa Trung Hoa phát triển rất mạnh, nhất là văn chương, thi phú. Văn chương thì cổ văn luật thi được hình thành (tức các thể thơ mà ta gọi là thơ Đường, phép làm thơ gọi là Đường luật). Lý Bạch, Đỗ Phủ, Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên… là những thi, văn gia nổi tiếng. Cho đến nay, thơ Đường vẫn phong phú hơn mọi triều đại khác. Chính từ thời nay mà ba lối chữ triện, lệ, chân được kiện toàn và được đặt tên là “cận thể văn”. Lối viết chữ khải được người ta chuộng, là lối chữ viết rõ ràng, đầy đủ nét. Nhiều nho sĩ chỉ vì có tài viết chữ đẹp mà thành danh, nên không lấy làm lạ khi danh thần cũng là danh thư gia. Ta có thể kể Âu Dương Tuân, Ngu Thế Nam, Chử Toại Lương, Tiết Tắc vào thời Sơ Đường, Nhan Chân Khanh, Liễu Công Quyền thời Thịnh Đường. Thời Sơ Đường các thư gia nét chữ gầy và mạnh, đến Nhan Chân Khanh thì nét chữ đậm ra và chữ cũng to ngang, còn Liễu Công Quyền coi như người sau cùng của thời chữ khải. Cả sáu người đều là những thư gia tài danh và các đời sau đều coi đó là khuôn mẫu cho kiểu viết chân phương. Hiện nay, các bản tập viết chữ Tàu bày bán tại các tiệm sách thường là chữ phóng của những người này.
Sang đời Tống, thư pháp chú trọng đến “thiếp”. Thiếp tức là những bản mẫu của danh gia được khắc lại trên gỗ hay đá, rồi tô mực mà in lại. Theo nguyên nghĩa thì thiếp là chữ viết thẳng lên lụa hay giấy, khác với “bi” là chữ khắc lên trên các tấm bia bằng đá. Thế nhưng từ đời Tống thì dù bản chính hay bản vỗ cũng đều gọi là thiếp cả. Tuy vẫn theo khuôn mẫu đời Tấn, đời Đường nhưng đời Tống người ta không còn quá thiên về khải thư như trưóc. Các thư gia lúc này nghiêng về mỹ thuật trong phép viết cũng như tạo ra những đường nét riêng, tìm chỗ độc đáo hơn là bắt chước. Bốn người nổi tiếng nhất đời Tống là Tô Thức (Đông Pha), Hoàng Đình Kiên, Mễ Phế và Thái Tương. Người sau xưng là Tô Hoàng Mễ Thái, tứ đại gia.
Đời Nguyên tương đối ngắn, chỉ khoảng một trăm năm (1260- 1368) nhưng lại có một nhân tài kiệt xuất trong lịch sử nghệ thuật Trung Hoa. Đó là Triệu Mạnh Phủ, một thi, họa, thư gia mà rất nhiều người chịu ảnh hưởng. Những người viết chữ nổi tiếng đời Nguyên như Khang Lý Quì Quì, Kha Cửu Tư, Tiên Vu Khu, Trương Vũ đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của ông. Thời Nguyên thư pháp chỉ chuộng lối cổ, thích viết thiếp.
Sang đời Minh, nho gia vẫn tiếp tục con đường mà Tống, Nguyên đã vạch ra, và thời này có rất nhiều nhân tài được coi như thời kỳ cực thịnh của thiếp học. Đầu đời Minh có Tam Tống tức Tống Khắc, Tống Quảng và Tống Toại. Giữa đời Minh có Chúc Duẫn Minh, Văn Trưng Minh, Vương Sủng. Cuối đời Minh có Hình Đồng, Trương Thụy Đồ, Đổng Kỳ Xương, Mễ Vạn Chung, người đời gọi là Hình Trương Đổng Mễ tứ gia. Trong bốn người thì Đổng Kỳ Xương nổi tiếng hơn cả. Đời Minh người ta chuộng lối viết theo kiểu hành thư (viết hơi nhanh, đá thảo) và thảo thư (viết tháu).
Đời nhà Thanh người ta vẫn chuộng đường lối từ thời Minh. Vua Khang Hi (1662-1722) rất thích thư pháp của Đổng Kỳ Xương còn vua Càn Long (1736-1975) thì thích thư pháp của Triệu Tử Ngang (Mạnh Phủ). Vì được hoàng đế ưa chuộng, thư pháp của hai nhà này càng được nhiều người bắt chước. Dưới thời Gia Khánh (1796-1821) và Đạo Quang (1821-1850) người ta lại chuộng lối viết của thư gia đời Đường là Âu Dương Tuân, và vẫn sùng thượng thiếp học. Sang đời Hàm Phong, Đồng Trị vì chưng nhiều cổ tích được khai quật nên người ta vỗ lại được nhiều bản văn khắc trên đồng khí và bia đá.
Đời Thanh nhân tài nhiều người nổi tiếng chẳng hạn như Thanh sơ cóVương Đạc, Phó Sơn, đời Càn Long thì có Trương Chiếu, Lưu Dung. Bi học có Đặng Thạch Như, Hà Thiệu Cơ, Trương Dụ Chiêu. Nhiều vị hoàng đế và thân vương triều Thanh cũng là những người văn mặc tiếng tăm, chẳng hạn như vua Khang Hi, Càn Long, Thành Thân Vương.
Nghi thức mà kẻ sĩ chú trọng trong phép viết chữ gồm cả thái độ khoan dật khi cầm thỏi mực mài trên nghiên, cách cầm ngọn bút, qui tắc của từng nét khi đầu bút chạm vào tờ giấy. Trong suốt hai ngàn năm qua, hầu như những định lệ này chỉ thay đổi rất ít và những phương pháp tập luyện cho đến nay, nếu thực sự muốn trở thành một thư gia, họa gia, người ta vẫn phải cố công theo đuổi một thời gian dài. Người không am tường nhìn vào một bức viết chỉ thấy những nét loằng ngoằng không có ý nghĩa gì. Thế nhưng đối với những người sành sỏi, chuyên môn, một bức viết trở thành sống động, có hồn. Mỗi nét là một nguồn sống, mang lại tiết điệu cho toàn cục. Người xem chữ không những nhìn những nét chữ mà nhìn cả những khoảng trống, từ vị trí mỗi chữ đến khoảng cách của hai hàng. Những ý nghĩa đó chúng ta không tìm thấy trong phương pháp viết của Âu Châu.
Nói đúng ra, phép viết chữ không phải chỉ Trung Hoa mới có mà hầu hết mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ đều có những cách riêng để trình bày chữ viết sao cho cân đối nhịp nhàng. Thế nhưng đặc biệt với ngưòi Trung Hoa, phép viết chữ, và chính những chữ đó đã trở thành thiêng liêng. Bùa chú của họ cũng là một cách đem một uy lực thần bí vào trong chữ viết. Chiết tự cũng là một lối đem ý nghĩa mới vào những nét ngang nét dọc. Thời Hán học còn thịnh hành, những nhà nho khi ra đường gặp một tờ giấy rơi đều nhặt về đem đốt chứ không để cho thứ chữ mà người ta gọi là của thánh hiền đó bị hoen ố, dơ bẩn. Trước đời Đường, viết chữ cũng được coi như một nghệ thuật cao hơn hội họa, một công phu của bậc thượng lưu, vương giả. Hội họa thời đó chỉ được xếp vào hàng kỹ thuật, một tiện nghệ hơn là một thú thanh cao. Nếu một võ sinh trước khi đi quyền phải ngưng thần, tụ khí, tưởng tượng ra một địch thủ vô hình giao đấu với mình thì một thư pháp gia cũng thế. Khi mài mực, tuy bàn tay mài đều đặn nhưng cả một trang chữ đã hiện ra trong đầu và cánh tay đã tự viết những chữ vô hình trên mặt nghiên. Những nét đậm nhạt, nặng nhẹ đã nằm sẵn và thỏi mực, cán bút chính là cánh tay người nghệ sĩ nối dài.
Một điểm đáng lưu ý là chính trong thư pháp, người Tàu đã xây dựng nên một trường phái ấn tượng và từ tinh thần nghệ thuật của thư pháp, họ đã nảy sinh ra họa pháp. Hội họa của Trung Hoa không mang tính chất miêu tả ngoại vật như họa pháp Tây Phương nên cũng không truyền thần cảnh vật. Một bức tranh Tàu bao giờ cũng mang một ý nghĩa và để cho người xem tự mình tìm hiểu lấy bằng cảm nhận, đặt mình vào tâm cảnh mà người họa gia muốn gửi gấm. Không những đường nét nói lên ýnghĩa mà chính những khoảng trống cũng quan trọng không kém[2]. Họa sĩ trước hết phải là một thư gia và đường nét bút mực quan trọng hơn việc ghi hình ảnh trước mắt lên giấy vải. Một bức tranh thủy mặc bao giờ cũng phải có thêm những dòng chữ lạc khoản và đề thơ dù là của chính tác giả hay một người khác và nét nào là nét vẽ, nét nào là nét chữ không phải dễ dàng phân biệt.
Tạ Thạch đời Tống là người giỏi khoa chiết tự. Một hôm nhà vua ăn mặc giả làm thường dân đến thử tài. Gặp Tạ Thạch ở ngoài đường, nhà vua lấy cây gậy trúc cầm tay vạch xuống đất một chữ nhất, bảo đoán thử. Tạ Thạch nhìn người lạ hồ nghi, nói:
- Chữ nhất hợp với chữ thổ thành chữ vương. Ngài không phải là người thường.
Nài viết thêm một chữ khác để cho rõ. Nhà vua mỉm cười nguệch ngoạc viết một chữ vấn là hỏi. Tạ Thạch giật mình, sụp lạy:
- Bên trái là chữ quân, bên phải cũng là chữ quân. Hẳn đây là hoàng thượng.
Về sau, Tạ Thạch mắc án phải đi đày. Tù xa qua một chân núi, gặp một người con gái bảo là mình cũng biết xem chiết tự. Tạ viết tên mình hỏi xem cát hung thế nào. Người con gái đáp:
- Chữ Tạ vốn là ba chữ thốn, ngôn, thân hợp lại. Ông là người chỉ dùng tấc lưỡi, lời nói mà lập thân (thốn ngôn trung lập thân).
Tạ lại hỏi tiếp về tương lai. Cô gái nói:
- Tên ông là Thạch, thạch gặp bì thành chữ phá.
Quả nhiên người đẩy tù xa họ Bì. Tạ Thạch kinh ngạc, bảo người con gái viết thử một chữ để đoán. Cô gái mỉm cười:
- Tôi đứng đây cũng thành chữ rồi, việc gì phải viết.
Tạ Thạch nói:
- Nhân là người, đứng cạnh núi là sơn. Sơn với nhân là tiên. Chẳng lẽ cô là tiên à!
Cô gái không trả lời, biến mất.
Có lẽ đoạn sau đây của Kim Dung trong tác phẩm Ỷ Thiên Đồ Long Ký, mô tả Trương Thúy Sơn viết hai mươi bốn chữ trên vách đá cho chúng ta thấy cái tung hoành, phóng dật của phép viết chữ Hán của một thư gia.
“Trương Thúy Sơn nói:
- Tôi không muốn tỉ thí binh khí với tiền bối, chỉ thi viết vài chữ thôi.
Nói xong, chàng chậm rãi đi đến gần vách đá nơi ngọn núi ở phía bên trái, hít một hơi dài, hai chân nhún một cái, phóng mình nhảy lên. Võ công của phái Võ Đương vốn dĩ đứng vào bậc nhất thiên hạ, lúc này lại là lúc gặp phải hiểm nguy sống chết, lẽ nào lại không hết sức ra tay? Thân hình tung lên khoảng hơn một trượng, lập tức chàng sử dụng công phu tuyệt kỹ Thê Vân Túng, chân phải đạp vào vách núi một cái, mượn sức, lại vọt lên hai trượng nữa. Phán quan bút trong tay nhắm thẳng vào mặt đá, xoẹt xoẹt xoẹt mấy tiếng, đã viết xong chữ “võ”. Một chữ vừa viết xong, thân hình chàng như muốn rơi xuống. Trương Thúy Sơn uốn mình tay trái vung chiếc ngân câu, đã trúng một chỗ nhô ra trên vách, chiếc móc chịu cả sức nặng đong đưa. Tay phải lại tiếp tục viết chữ “lâm”. Hai chữ này, mỗi nét mỗi gạch, đều do Trương Tam Phong đêm khuya suy nghĩ đắn đo mà sáng tạo ra, bên trong bao hàm cương nhu, âm dương, tinh thần khí thế, phải nói là đạt đến cao điểm công phu của phái Võ Đương. Tuy Trương Thúy Sơn công lực còn non, nét bút hằn vào đá chưa sâu mấy nhưng hai chữ rồng bay phượng múa, bút lực hùng kiện, tưởng như dùng khoái kiếm trường thương đục thành.
Viết hai chữ xong, chàng viết tiếp chữ “chí”, chữ “tôn”. Càng viết càng nhanh, chỉ thấy đá vụn lả tả rơi xuống, tưởng như linh xà uốn khúc, trông như mãnh thú vươn mình, khoảnh khắc đã xong hai mươi bốn chữ. Việc khắc chữ lên vách đá có khác gì hính ảnh trong thơ Lý Bạch:
Tiêu phong sậu vũ kinh táp táp,
Lạc hoa phi tuyết hà mang mang.
Khởi lai hướng bích bất đình thủ,
Nhất hàng sổ tự đại như đẩu.
Hoảng hoảng như văn quỉ thần kinh,
Thời thời chỉ kiến long xà tẩu.
Tả bàn hữu túc như kinh lôi,
Trạng đồng Sở Hán tương công chiến.
(Gió rít mưa sa rơi lộp bộp,
Hoa rơi tuyết thổi rét căm căm.
Trên vách viết ra không ngừng lại,
Một hàng chữ to bằng cái đấu.
Bàng hoàng nghe tựa quỉ thần kinh,
Đâu đâu cũng thấy rồng rắn lượn,
Quét phải, uốn trái như sấm chớp,
Khác gì Sở Hán đang giao tranh)
Trương Thúy Sơn viết đến nét cuối của chữ “phong” rồi, cả ngân câu lẫn thiết bút cùng đẩy mạnh vào vách núi, uốn mình rơi xuống đất, nhẹ nhàng khéo léo làm sao đứng ngay bên cạnh Ân Tố Tố.
Tạ Tốn chăm chăm nhìn ba hàng đại tự trên vách núi một lúc thật lâu, không nói một lời. Sau cùng y thở dài một tiếng:
- Tôi không viết nổi, xin chịu thua.
Nên biết là từ “võ lâm chí tôn” cho đến “thùy dữ tranh phong” tổng cộng hai mươi bốn chữ, vốn do Trương Tam Phong ý đáo thần hội, suy đi nghĩ lại mà sáng chế ra, đều do ở bút ý. Một nét ngang, một nét dọc, một cái chấm, một cái phảy, đều là toàn do dung hợp những gì tinh diệu nhất của võ công. Giá như chính Trương Tam Phong đến đây, nhưng trước chưa qua một đêm cùng cực suy nghĩ, ắt cũng không có được cái tâm cảnh như thế. Ví dù có suy nghĩ hồi lâu, muốn viết hai mươi bốn chữ lên vách núi, cũng không thể nào đạt được trình độ xuất thần nhập hóa như thế này. Tạ Tốn có biết đâu nguyên do bên trong, tưởng rằng vì việc bảo đao Đồ Long trước mắt phát khởi tranh chấp, Trương Thúy Sơn lập tức tự ý viết ra ba hàng chữ mà từ lâu cố lão vẫn truyền. Thực ra, ngoài hai mươi bốn chữ này nếu bảo Trương Thúy Sơn viết những chữ khác, so sánh nét bút yếu mạnh, nông sâu sẽ thấy khác xa ngay.” (Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Minh Hà Xã, Hongkong 1976 quyển 1, trang 207-8)
---
[1] Phép viết chữ
[2] Oriental painting in water color may be said, to be an art of suggestion rather than representation; it achieves the difficult aim of communicating not by what is shown but by what is left empty and inferred. Myers, Bernard S. Understanding the Arts , Henry Holt and Company New York 1958 trang 185
Bài viết rất hay, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa