Danh nhân văn hóa – lịch sử : Trương Vĩnh
Ký
Trương
Vĩnh Ký, còn có tên J.B. Trương Chánh Ký, hoặc Pétrus Ký, sinh ngày 06.12.1837
tại làng Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã
Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), là con thứ ba của Lãnh binh Trương
Chánh Thi và bà Nguyễn Thị Châu. Lên năm tuổi, Vĩnh Ký bắt đầu học chữ Hán. Đến
chín tuổi cha mất. Lúc này, có một nhà truyền giáo người Pháp, thường gọi là
cha Long, thấy cậu bé Ký có trí thông minh nên đem về trường dòng ở Cái Nhum
dạy học chữ Latin. Năm 12 tuổi, Trương theo cha Hòe (tức linh mục Belleveaux)
sang học tại Trường Pinhalu ở Phnom
Penh.
Năm
1851, Trương được trường này cấp học bổng sang học tại Chủng viện Pinang ở
Indonesia - một trung tâm đào tạo linh mục cho các nước Đông Nam Á. Tại Tổng
chủng viện Pinang, Trương Vĩnh Ký trong quá trình học tập đã tỏ ra "có khả
năng thu nhận khác thường" hệ thống tư tưởng và các tri thức khoa học tự
nhiên cũng như xã hội đương thời, đến nỗi ngay các nhân vật có tiếng tăm lúc ấy
cũng phải ngạc nhiên và khen ngợi trí thông minh và trình độ "học vấn uyên
bác" của ông… Ông cũng tỏ ra là một người có năng khiếu về ngôn ngữ học.
Ngoài các sinh ngữ Pháp, Anh, Latin, Hy Lạp, Ấn Độ, Nhật, ông còn thông thạo cả
tiếng Y Pha Nho, Trung Quốc, Mã Lai, Lào, Thái, Miến Điện.Trương Vĩnh Ký hoạt
động chủ yếu trên lĩnh vực văn hóa, ngoại trừ 8 tháng hoạt động ở Viện Cơ mật
của triều đình Huế và 8 tháng làm phiên dịch trong phái đoàn Việt Nam sang
Pháp.
Tháng
2.1859, quân Pháp đánh chiếm Gia Định, ông được giám mục người Pháp Lefèbre chỉ
định làm thông ngôn cho bộ chỉ huy "Đoàn quân chiếm đóng" ở Nam Kỳ.
Tháng 6.1863, thực dân Pháp cử ông làm phiên dịch cho phái bộ "chuộc đất”
của triều đình do Phan Thanh Giản cầm đầu sang Pháp. Trong chuyến đi này, ngoài
nhiệm vụ thông ngôn được đảm nhận một cách xuất sắc, ông còn tiếp xúc với một
số nhân vật cao cấp của chính quyền Pháp, gặp gỡ một số nhà văn nổi tiếng như
Victor Hugo, Littré, Renan… đi thăm nhiều nơi ở Pháp và một số nước khác như Bồ
Đào Nha, Tây Ban Nha, Ai Cập, Italia và được Giáo hoàng La Mã tiếp. Trong hành
trình kéo dài 8 tháng, cả đi lẫn về, Trương Vĩnh Ký có dịp sống gần gũi với hai
vị quan đại thần Phan Thanh Giản và Phạm Phú Thứ; đó không chỉ là hai vị quan
đại thần, mà còn là những nhân vật đáng kính về tài đức. Trương Vĩnh Ký cũng có
cơ hội đề hiểu rõ hơn về nội tình đất nước và đồng bào của mình. Chính trong
hồi ký sau chuyến đi này, Trương đã viết: "Tôi trở về với tâm hồn sung
sướng vô cùng". Có thể nói chuyến đi này đã góp phần định hướng những suy
tư và hoạt động của ông tìm về văn hóa dân tộc một cách tích cực hơn.
Sau
khi chiếm xong 6 tỉnh Nam Kỳ, các "Toàn quyền đô đốc” (Geuverneurs –
Amiraux) đã sử dụng Trương Vĩnh Ký như một quan chức An Nam đầu tiên của chính
quyền Pháp đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng như: giáo sư Pháp văn Trường Thông
ngôn (1866 – 1868 ), chủ bút tờ Gia Định báo (1868), Giám đốc trường Sư phạm
kiêm thư ký Hội đồng thành phố Chợ Lớn (1872), giáo sư quốc văn và Hán văn cho
người Pháp và Tây Ban Nha ở Trường Tham biện Hậu bổ (Collège des
administrateurs stagiaires – 1874)… Tháng 2.1876, Trương Vĩnh Ký được Toàn
quyền Paul Bert cử làm giám quan cố vấn cho vua Đồng Khánh ở Viện Cơ mật đến
tháng 10.1876 thì trở về Sài Gòn. Sau cái chết đột ngột của Paul Bert
(11.11.1886), Trương Vĩnh Ký không còn được trọng dụng như trước. Ông dùng thì
giờ còn lại để đọc sách, báo, nghiên cứu, viết sách và dạy ở Trường Hậu bổ và
Trường Thông ngôn.
Trong
lĩnh vực văn hóa, Trương Vĩnh Ký đã chứng tỏ có kiến thức uyên bác về nhiều
mặt, không chỉ trong khoa học xã hội mà cả trong khoa học tự nhiên. Đặc biệt về
hoạt động sưu tầm, biên khảo, phiên âm, phiên dịch, ông đạt những thành tựu
đáng kể. Ông dịch sách chữ Hán, phiên ra chữ quốc ngữ những bản cổ văn Việt Nam
như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Phan Trần, Gia huấn ca, Lục súc tranh công… biên
soạn Chuyện đời xưa, Chuyện khôi hài v.v…Ông có một năng lực làm việc phi
thường. Trong khoảng thời gian 40 năm (1858 - 1898), Trương Vĩnh Ký đã để lại
cho đời 118 tác phẩm, bao gồm sách nghiên cứu, sưu tầm, dịch, phiên âm trong đó
có hàng chục quyển sách viết bằng Pháp văn. Ở buổi đầu giao tiếp giữa hai nền
văn hóa Tây phương và Đông phương tại Việt Nam, một sự nghiệp đồ sộ như thế
quả là hiếm có. Trương Vĩnh Ký có chân trong hàng chục hội khoa học châu Âu, ở
cuối thế kỷ XIX J.Bouchot, một học giả Pháp, gọi ông là "một nhà bác học duy
nhất ở Đông Dương và cho chí ở nước Trung Hoa hiện đại nữa”(1).
Ở
nước ta trước đây, một số nhà nghiên cứu đã đánh giá những cống hiến của ông
khá cao. Nguyễn Văn Tố tóm tắt sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký trong 3 tiếng “Bác
học, Tâm thuật, Khiêm tốn"(2) và, trong lời tựa cuốn Trương Vĩnh Ký của Lê
Thanh, ông cho rằng họ Trương là "một nhà lập ngôn bất hủ… một tay cự
phách trong văn học, đã nổi tiếng là một nhà sư phạm". Vũ Ngọc Phan, trong
tập Nhà văn hiện đại đã viết: "Còn Trương Vĩnh Ký thì thiệt là một nhà bác
học. Ông không những là một nhà văn, một nhà viết sử, một nhà dịch thuật mà còn
là một người giỏi về ngôn ngữ". Mặt khác, cũng có nhiều ý kiến phê phán,
buộc tội họ Trương là đã cộng tác với thực dân, phản lại Tổ quốc, như Lê Thanh
trong quyển Trương Vĩnh Ký, Trần Huy Liệu trong Lịch sử 80 năm chống Pháp, Phạm
Long Điền và Nguyễn Sinh Duy trong quyển Cuốn sổ bình sanh của Trương Vĩnh Ký…
Những
ý kiến trái ngược nhau tùy thuộc vào chỗ đứng, cách nhìn và đánh giá khác nhau
của từng người đối với nhân vật lịch sử này. Cũng cần thấy thêm rằng do bản
thân cuộc đời hoạt động của Trương Vĩnh Ký có nhiều điều phức tạp và rắc rối.
Con người giàu tài năng và có sức làm việc to lớn như thế, đến cuối đời đã rơi
vào hoàn cảnh nghèo nàn, túng bấn. Về mặt tinh thần, lúc sinh thời ông cũng đã
bộc lộ nhiều băn khoăn, khắc khoải. Hai câu cuối của Bài thơ tuyệt mệnh như
muốn gửi gấm tâm sự cho người đời sau, khi phẩm bình về sự nghiệp của ông:
Cuốn sổ bình sanh công với
tội
Tìm nơi thẩm phán để thừa sai
Tìm nơi thẩm phán để thừa sai
Ông
mất ngày 01.9.1898 tại Sài Gòn, hưởng thọ 62 tuổi. Hiển nhiên, Trương Vĩnh Ký
đã có những sai lầm về chính trị, mặc dù hoạt động chính trị của ông rất ngắn
ngủi so với hoạt động văn hóa. Nhưng những hoạt động ở lĩnh vực thứ hai này lại
không thể tách rời với tư tưởng chính trị khá nhất quán của ông là phục vụ
trung thành nước Pháp, như ông đã hơn một lần thừa nhận. Tuy nhiên không vì vậy
mà ta xếp ông vào hàng những tay sai bán nước như Tôn Thọ Tường, Đỗ Hữu Phương,
Trần Bá Lộc, từ đó đi đến phủ nhận toàn bộ những cống hiến của ông đối với văn
hóa của dân tộc. Đáng chú ý nhất là những đóng góp vào sự phát triển và phổ cập
chữ quốc ngữ ở giai đoạn ban đầu, vào lịch sử phát triển báo chí, cũng như
trong lĩnh vực văn học và ngôn ngữ học v.v…Những năm gần đây, trong bầu không
khí tinh thần cởi mở, đường lối đổi mới, một số công trinh nghiên cứu về Trương
Vĩnh Ký được đăng tải trên các tạp chí, hoặc in thành sách, thể hiện một quan
điểm lịch sử khách quan và rộng rãi hơn, một cách nhìn bình tĩnh và khoa học
hơn!
Câu chuyện rất hấp dẫn
Trả lờiXóa