Truyền thống khoa bảng Nghệ An |
|
Đăng ngày : 10/7/2011 11:13:58 AM | |
Nghệ An là vùng đất "địa linh nhân kiệt", người xứ Nghệ tuy có cuộc sống khó khăn song nổi tiếng hiếu học. Thời đại nào, xứ Nghệ cũng có người đỗ đạt cao, đem tài ra giúp dân, giúp nước. | |
Văn
miếu tỉnh Nghệ An được làm vào thời Nguyễn Gia Long (1803) có đôi câu
đối nổi tiếng, biểu thị nền văn hiến và sĩ khí của nhân dân xứ Nghệ như
sau:
Hoan Châu văn khí thiên niên trụ Học đạo chính tâm vạn cổ truyền. (Hoan Châu văn khí ngàn năm vững; Học đạo chính tâm muôn thuở còn). Hoan Châu - xứ Nghệ (Nghệ An - Hà Tĩnh) được người xưa coi là vùng đất "Địa linh nhân kiệt"; là đất có khí thiêng sông núi và sinh ra nhiều hào kiệt, Phan Huy Chú đã có nhận xét: "Nghệ An núi cao sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng, gọi là đất có danh tiếng hơn cả ở Nam Châu. Người thì thuận hòa mà chăm học... được khí tốt của sông núi, nên sinh ra nhiều bậc danh hiền" (Lịch triều hiến chương loại chí - Phan Huy Chú). Cùng với lịch sử phát triển của Nho học Việt Nam (1075 - 1919), thì truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo và khoa bảng của người Nghệ An cũng luôn được nuôi dưỡng và phát huy. Các bà mẹ ở xứ Nghệ đã có ý thức chăm lo việc đèn sách cho con ngay từ khi chúng mới được sinh ra, khi còn bú ẵm, nằm nôi, qua những lời ru: Con ơi mẹ dạy con này, Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm Làm người đói sạch, rách thơm Công danh là nợ nước non phải đền. Mảnh đất Nghệ An tuy giàu tiềm năng về kinh tế, nhưng hết sức khó khăn về khí hậu, thiên tai. Con người Nghệ An phải vươn lên trong cuộc sống, nên nổi tiếng chăm lao động, chiến đấu giỏi, hiếu học... Đa số Nho sĩ xưa đều rất nghèo, có không ít "ông Nghè, ông Cống sống bởi ngọn khoai; anh học, anh nho nhai hoài lộc đỗ". Có gia đình ăn cháo, ăn khoai ngày ba bữa, mà cả nhà ông cháu, cha con đều thi đậu" "Sáng khoai, trưa khoai, tối khoai, ngày ba bữa; Ông đỗ, cha đỗ, con đỗ, đỗ cả nhà". Học trò xứ Nghệ xưa đều phải vượt khó, ăn sắn, ăn khoai, ăn ngô trừ bữa, ngày làm đêm học, nên thường lấy sự kiên nhẫn tạo ra thành quả trong học tập. Nhiều học trò phải học dưới ánh trăng, học trên lưng trâu, đốt lá cây để đọc sách, dùng mo cau thay giấy, bút là cành cây viết chữ trên đất... Có thầy không có nhà để mở lớp, học trò đông, phải đưa trò lên núi học ngay ở ngoài trời, viết chữ lên đá... Thế mà, thầy nổi tiếng dạy hay, trò nổi tiếng học giỏi, đậu cao. Họ phải phấn đấu trong học tập, bằng tính kiên trì, nhẫn nại, cần kiệm... Về nội dung học tập thì học trò xứ Nghệ thường không chuộng "hoa mỹ" mà cốt "văn hùng" lúc đi thi, làm bài cũng thế. Nếp sống trong học tập của học trò xứ Nghệ có thể gọi là "khổ học", đã trở thành một nét thuộc bản sắc truyền thống văn hóa địa phương. Niềm khát vọng vươn lên trong khoa bảng của người dân xứ Nghệ rất mãnh liệt. Hình ảnh ông Nghè "vinh quy bái tổ", "võng anh đi trước, võng nàng theo sau", là ước mơ cháy bỏng của các sĩ tử, của cha mẹ và vợ con họ. Hình ảnh "văn phòng tứ bảo" (bút, giấy, nghiên, mực...) cùng với bảng vàng, bảng hổ đề danh... in đậm trong tiềm thức người dân và được tái hiện, nhập hồn vào núi, ao, cồn, doi, quê hương xứ sở. Nhà văn hóa Đặng Thai Mai đã có nhận xét tinh tế rằng: "Khi mà chế độ khoa cử còn thịnh, cơ hồ mỗi một làng đều nhìn thấy trong mắt của mình một cái bảng, một quản bút, một án thự.." Nhiều địa danh quen thuộc như thế và được coi là rất nổi tiếng đã có ở khắp nơi trên đất Nghệ An. Huyện Diễn Châu có: Nho Lâm, Bút Điền, Bút Trận, Văn Hiến, Văn Vật, Thủ Phủ. Huyện Quỳnh Lưu có: Bút Luyện, Văn Thái, Văn Khúc, Tam Khôi. Huyện Đô Lương có: Văn Khuê, Văn Trường, Văn Lâm. Huyện Nam Đàn có: Khoa Cử, Khoa Trường. Huyện Yên Thành có: Văn Hội, Định Khoa. Huyện Anh Sơn có Mực Điền. Thị xã Cửa Lò có: Hòn Mực, Núi Bảng... chính vì thế, mà truyền thống học hành, đua nhau chiếm bảng rất được coi trọng ở xứ Nghệ. Các địa phương có nhiều người đậu bảng, lại càng thêm tự hào. Làng Quỳnh Đôi có câu: Làng ta khoa bảng thật nhiều Như cây trên núi, như diều trên không Theo Khoa bảng danh trường biên của Hồ Sĩ Tôn, từ 1444 đến 1725, Quỳnh Đôi có hơn 700 người đậu từ tú tài đến tiến sĩ. Cả huyện Quỳnh Lưu, tính từ thời Hậu Lê có 15 tiến sĩ, thì trong đó Quỳnh Đôi chiếm 12 vị. Việc học ở đây đã như trở thành một nghề truyền thống và được mệnh danh và "Làng học Quỳnh Đôi". Làng học nổi tiếng có nhiều người học giỏi, đậu cao, có gia đình liên tiếp nhiều đời thi đậu thủ khoa, đã đi vào ca dao xứ Nghệ: Đô Lương dệt gấm thêu hoa Quỳnh Đôi tơ lụa, thủ khoa ba đời. Nhân dân ở đây rất coi trọng việc học, nên khoán ước của làng quy định rất cụ thể nhằm cổ vũ về việc học, thi cử, đậu đạt, khao thưởng, đón rước người vinh quy bái tổ... Rất nhiều làng xã khác ở Nghệ An cũng rất nổi tiếng về học hành, khoa bảng, như: Trung Cần, Xuân Liễu, Xuân Hồ (Nam Đàn); Kim Khê, Đông Hải (Nghi Lộc); Võ Liệt, Đồng Văn, Đại Định (Thanh Chương); Lý Trai, Như Lâm (Diễn Châu); Quang Trung, Vân Tụ (Yên Thành); Văn Trường (Đô Lương),v.v. Những làng, xã nổi tiếng về khoa bảng đều có xây nền văn từ để tôn thờ đạo Nho và dựng bia khắc tên những người thi đậu. Tống Võ Liệt có 6 bia ghi tên 377 người đỗ tú tài, 63 người đỗ hương cống - cử nhân, hai người đỗ tiến sĩ và hai người đỗ phó bảng. Làng Vân Tập, tổng Thái Xá, huyện Diễn Châu có ghi tên một vị đại khoa, ba vị Hương tiến, 14 vị Hiệu sinh. Sinh đồ, Tú tài... Bia văn từ huyện Nam Đàn do Hoàng giáp Bùi Dương Lịch soạn năm Gia Long 17 (1818) có đoạn như sau; "Từ Vũ huyện ta lại ở vào nơi rất đẹp đẽ có núi Hùng Lĩnh, Sông Lam nổi tiếng của Nghệ An. Từ khi có nhân văn đến nay, thi Hội, thi Hương, có nhân tài nối tiếp. Tuy từng đời có thay đổi nhưng dòng tư văn trước sau không dứt...". Nhân dân còn lập miếu tôn thờ các ông Nghè, ông Cống khai khoa cho làng xã, có công với nước làm ông Tổ, làm Thành hoàng làng và Phúc thần, như Ngô Trí Hòa ở Diễn Kỷ, Phan Kim Vỹ ở Thanh Giang, Bùi Hữu Nhẫm ở Thanh Thủy... Trạng nguyên Bạch Liêu ở Mã Thành, Yên Thành được Hội tư văn của huyện Đông Thành lập đàn thờ ở trên núi Đông Sơn. Hằng năm, đến ngày giỗ ông, con cháu và các sĩ tử của huyện đều tới giỗ ông - một vị "Thủy tổ khai khoa" - ở đây có đôi câu đối ca ngợi đức sáng của ông: Sinh tiền bật dĩ Đông A đế, Mật hậu năng vi Nguyễn Xá thần (Sống không nhận quan tước của vua Trần; Chết mong làm phúc thần cho dân Nguyễn Xá). Trạng nguyên Bạch Liêu là niềm vinh dự lớn cho quê hương, xứ sở, nên nhân dân ghi nhớ và lưu truyền công trạng của ông mãi mãi: Trạng nguyên đệ nhất tam khôi Nhất danh, nhất giáp, đầu ngôi bảng vàng. Mũ rồng, áo tía vua ban Lọng xanh đi trước, lọng vàng đi sau... Những người học giỏi, có tài văn học, còn được nhân dân tôn sùng gọi là "Tứ lân", "Tứ hổ"... Huyện Nam Đàn có "Tứ hổ" là: San, Đôn, Lương, Quý (tức là: Phan Văn San, Lê Bá Đôn, Trần Văn Lương, Vương Thúc Quý) đều đậu cử nhân. Riêng San (Phan Bội Châu) đậu Giải nguyên. Một lần họ rủ nhau đi hát phường vải ở xã Nam Kim, bị bên gái vặn hỏi: Bốn chàng quê quán ở đâu? Xin tường danh tính để sau khuyên mời. Phan Văn San đã nhanh nhẹn thay mặt các bạn trả lời rằng: Nam Đàn tứ hổ là đây San, Đôn, Lương, Quý một bầy bốn anh. Họ Hồ có bốn nhà nổi tiếng học giỏi, đỗ cao và có văn học: Hồ Sĩ Dương, Hồ Phi Tích, Hồ Sĩ Đống, Hồ Sĩ Tôn, được xếp vào "Tứ Hồ tự cổ chiếm văn minh" (bốn nhà đều xứng là đại gia đình văn chương của họ Hồ). Việc học tập của người dân xứ Nghệ xưa có thể nói là rất phổ cập và hoàn toàn do gia đình tự lo liệu. Một gia đình không đến nỗi đứt bữa, không lo điều gì hơn là cấp cho con dăm ba chữ để có thể thờ cúng tổ tiên, ông bà, có thể đọc được gia phả, biết được cách cư xử đối với anh em, họ hàng và làng xóm. Gia đình nào khá giả thì có thể mời một ông thầy đồ về nhà mình để dạy cho con cháu trong nhà; hoặc nhiều gia đình hợp tác mời thầy về dạy học con em trong xóm, trong làng. Đây là mầm mống của các trường tư. Nghệ An có rất nhiều trường và có nhiều thầy dạy giỏi nổi tiếng, có thể kể: Dương Tồn, Hồ Sĩ Dương, Hồ Sĩ Đống, Nguyễn Đức Đạt, Nguyễn Văn Giao, Nguyễn Thức Tự, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Năng Trình, Vương Thúc Quý, Nguyễn Nguyên Thành, Trần Đình Phong, Đặng Văn Thụy, Hoàng Mậu, Đặng Nguyên Cẩn,v.v. Thầy Nguyễn Thức Tự ở làng Đông Chử xã Thịnh Trường, huyện Nghi Lộc, được các sĩ phu ở xứ Nghệ đánh giá là bậc thầy về kinh sử và nhân cách. Học trò của thầy là các nhà khoa bảng rất nổi tiếng, như: Đinh Văn Chấp, Nguyễn Đức Lý, Hoàng Kiêm, Nguyễn Mai, Ngô Đức Kế, Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Thúc Dinh, Đặng Nguyên Cẩn... Ngay khi thầy còn đang sống, các sĩ phu và học trò của thầy đã quyên góp tiền của để xây nhà thờ và xây lăng cho thầy. Ngày thầy mất, Phan Bội Châu đang sống ở nước ngoài đã làm bài văn điếu gửi về kính viếng thầy, trong đó có những câu như sau: Đạo thông thiên địa Học bác cổ kim Kinh sư dĩ đắc Nhân sư nan tầm (Đạo thông cả trời đất, Học rộng khắp xưa nay; Thầy dạy chữ dễ gặp; Thầy dạy làm người khó tìm) Truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo chính là môi trường tốt nhất tạo nên ý chí cho lớp sĩ tử Nghệ An vươn lên dành những vị trí cao nhất trong các khoa thi Hương, thi Hội. Ngoài Trại trạng nguyên Bạch Liêu, Nghệ An còn có ba cha con Hồ Tông Thốc, Hồ Tông Đốn, Hồ Tông Thành đều đậu Trạng nguyên đời Trần. Một nhà ba Trạng nguyên ngồi Một gương từ mẫu cho đời soi chung. Có sĩ tử trong một năm đậu luôn hai khoa thi Tiến sĩ và Đông các, một năm được hai lần vinh quy, như Hồ Sĩ Dương, Nguyễn Đình Cổn. Có khoa thi lấy đậu năm đệ nhất giáp, thì Nghệ An chiếm hai: Đinh Bạt Tụy, Phan Tất Thông (Đinh Bạt Tụy đậu Đình nguyên). Nhiều sĩ tử đậu đầu hai khoa thi (song nguyên) như: Hồ Sĩ Đống, Nguyễn Ngọc, Nguyễn Đức Quý, Vương Hữu Phu (Hội nguyên - Đình nguyên); Nguyễn Hữu Lập, Nguyễn Văn Giao (Giải nguyên - Đình nguyên); Cao Quýnh, Phạm Nguyễn Du (Giải nguyên - Hội nguyên)... Đặc biệt có khoa thi Tiến sĩ, cả nước chọn được ba, thì Nghệ An chiếm hai, lại là hai cha con: Ngô Trí Tri và Ngô Trí Hòa. Có khoa thi Tiến sĩ chỉ lấy đậu hai đệ nhất giáp Thám hoa, thì cả hai cùng ở một tổng (Nam Kim, Nam Đàn) là Nguyễn Đức Đạt và Nguyễn Văn Giao. Sau ngày vinh quy bái tổ, Nguyễn Đức Đạt qua thăm nhà Thám giao, thấy nhà chỗ nào cũng có đậu (đậu mới thu hoạch), liền ra vế đối: Trong nhà đậu, ngoài sân đậu, cha thi đậu, con học đậu, thi vân: đa đậu thử chi vị dã Nguyễn Văn Giao nhìn ra ngoài sân, thấy hàng dâm bụt đang trổ nhiều hoa, liền đối lại: Trên cây hoa, dưới gốc hoa, bái vinh hoa, tôi Thám hoa, thi viết: trùng hoa bất diệt ghi hồ Nghệ An còn nổi tiếng là cái nôi sinh ra nhiều nhà khoa bảng cho cả nước. Trường thi Hương Nghệ An được lập từ đời Lê Thái Tông (1438), nổi tiếng là nơi để nhà nước quân chủ lựa chọn nhân tài. Riêng triều Nguyễn, Trường tổ chức được 42 khoa thi, lấy đậu 882 Cử nhân, trong đó có 595 người Nghệ An. So với cả nước, triều Nguyễn lấy đậu 5.232 Cử nhân, thì tỷ lệ Cử nhân người Nghệ An cũng chiếm cao nhất so với các tỉnh khác (595/5.232 = 11,4%). Hiện nay, những người biên soạn cuốn sách Khoa bảng Nghệ An đã lập được danh mục tổng cộng 1.164 vị trong đó có 190 Tiến sĩ và Phó bảng (45 Phó bảng), 145 Hội thí trúng Tam trường, Nhị trường, 318 Hương cống triều Lê, 595 Cử nhân triều Nguyễn. Truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của nhân dân Nghệ An còn được tiếp tục và phát huy cho mãi đến ngày nay. Nhiều lớp thầy trò xứ Nghệ đã nhanh chóng tiếp thu những thành tựu khoa học tiên tiến của thế giới, trở thành các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học nổi tiếng trong nước và thế giới như: Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Cảnh Toàn, Hoàng Đình Cầu, Đào Vọng Đức, Nguyễn Thị Thiều Hoa, Trần Tuấn Hiệp, v.v. và nhiều nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, nhiều nhà nghiên cứu thuộc đủ các ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội khác.
TÍNH CÁCH VÀ CON NGƯỜI XỨ NGHỆ
(02/12)
Xứ Nghệ bao gồm đất Nghệ An và Hà Tĩnh, từ huyện Quỳnh Lưu ở phía Bắc cho tới Kỳ Anh ở phía Nam với chiều dài khoảng 200 km, tuy hai vùng hành chính khác nhau nhưng đều là một, một tiểu vùng văn hóa thống nhất. Kỳ thực, người Nghệ An và Hà Tĩnh trong nếp nghĩ và sinh hoạt hằng ngày đều không có sự phân chia tách bạch đâu là Nghệ An đâu là Hà Tĩnh. có thể nói, đó là một ranh giới mờ. Trong bài viết này, tôi cũng không có ý định tách bạch vì làm điều này là rất khó mà nhìn nhận điểm chung thống nhất trong tính cách Nghệ đã được hình thành từ bao đời nay.
Đâu là hằng số văn hóa tính cách xứ Nghệ? Dưới góc nhìn của nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn hóa thì xứ Nghệ có nhiều điểm mạnh trong tính cách, nói rộng ra là nhân cách, khó pha lẫn với một vùng miền nào khác của đất nước. Cố học giả Đặng Thai Mai khi nói về con người Nghệ, cho rằng " can đảm đến sơ xuất, cần cù đến liều lĩnh, kiên quyết đến khô khan và tằn tiện đến "cá gỗ". Gs. Vũ Ngọc Khánh một người con của chính đất Nghệ đã nghiên cứu và đưa ra những nhận định, được giới nghiên cứu tán thành, đó là trong mỗi con người Nghệ, có: - Một kẻ bình dân khố chạc (tiếng địa phương là khố dây, chỉ hạng người cùng cực) - Một con người chữ nghĩa văn chương - Một chiến sĩ tiền phong cách mạng. Cả ba nhân vật đều có 4 đặc điểm chung nhau: - Cái chất lý tưởng trong tâm hồn - Sự trung kiên trong bản chất - Sự khắc khổ trong sinh hoạt - Sự cứng cỏi trong giao lưu. Từ góc nhìn cá nhân, tôi nhận thấy người Nghệ có mấy điểm ưu trội: - Ý chí vượt khó, khắc phục hoàn cảnh, tiến thủ. Người Nghệ do hoàn cảnh thiên nhiên khắc nghiệt, đời sống kinh tế nghèo khổ nên trong cuộc sống luôn thể hiện phẩm chất kiên cường, chấp nhận và khắc phục hòan cảnh với ý chí và quyết tâm cao, thể hiện một tinh thần vươn lên không biết mệt mỏi. - Chịu khó học hành, ham học hỏi, hiếu học, cầu học và có ý chí thành danh bằng con đường học vấn. Con em xứ Nghệ bao đời nay luôn chịu khó học hành, thành đạt trên con đường khoa cử trong các triều đại phong kiến còn lưu danh sử sách. nhiều học giả, tên tuổi văn hóa lừng danh trong thời hiện đại, đó là niềm tự hào không phải vùng đất nào cũng có được. Truyền thống đó vẫn được tiếp nối trong từng gia đình xứ Nghệ không phải trong hòan cảnh nghèo khó mà ở những gia đình thành đạt, giàu có thì họ vẫn ý thức rất rõ giá trị của học vấn, của sự thành đạt bằng con đường học vấn. Trên đất nước này đất Nghệ được coi là một vùng đất học. Ham học, hiếu học đã đi vào từng nếp nhà, nếp nghĩ của người dân xứ Nghệ. Vì vậy, nhà nhà ai cũng mong con em mình học hành đỗ đạt và sẵn sàng tạo mọi điều kiện để con cái được học tập thành danh, thành người dẫu chỉ bằng cũ sắn cũ khoai người Nghệ cũng dốc sức ăn học thành tài. Hiếu học trở thành một phẩm chất nổi trội, một hằng số trong văn hóa tính cách của người Nghệ. - Khí khái, thẳng thắn nhưng giàu tình cảm, chân thành trong quan hệ và trong ứng xử. Trong quan hệ ứng xử, người Nghệ thường là chân thành thẳng thắn đến mức khí khái, mà như Gs Khánh gọi là cứng cỏi trong giao lưu. Vì thế, trong quan hệ không phải lúc nào cũng dễ được mọi người xứ khác hiểu, chấp nhận. Đôi lúc cứng rắn nguyên tắc đến mức xem là "gàn". Có thể nói "gàn" cũng là một nét tính cách người Nghệ. Tuy nhiên, gàn đây không phải là gàn dỡ mà gàn một cách có lý trí. Điều gì làm nên hằng số văn hóa tính cách xứ Nghệ Nhiều người có cách lý giải khác nhau về văn hóa xứ Nghệ, tính cách Nghệ, phần lớn đều do thiên nhiên nghèo khổ, do khắc nghiệt...có thể nói đó là những nét cơ bản nhưng để lý giải được tính cách Nghệ, văn hóa Nghệ quả là không dễ. Theo tôi, đó là sự cộng hưởng của hàng loạt nhân tố mà nói theo ngôn ngữ của người xưa là Thiên - Địa- Nhân, theo ngôn ngữ của chủ nghĩa duy vật lịch sử là các điều kiện kinh tế xã hội. - Về Thiên địa: tự nhiên, khí hậu, phong thổ, sông suối, sản vật... - Nhân ở đây không chỉ là yếu tố chủ quan của từng con người cụ thể mà là lối sống, nếp sống của con người, sinh hoạt vật chất của con người được hình thành và lưu giữ qua bao đời. Những yếu tố này, cộng hưởng nhau, tác động lẫn nhau tao ra một môi trường địa - nhân văn cho người Nghệ. - Vì khó khăn nên phải chắt chiu tằn tiện. Hình ảnh ông đồ Nghệ đi dạy học với con cá gỗ đã trở thành một giai thoại đôi khi mang tính châm biếm về sự chắt chiu tằn tiện của người Nghệ. Điều này, có lý của nó, người Nghệ quanh năm thiên nhiên khắc nghiệt, làm không đủ ăn nên làm cho họ phải tiết kiệm, phải làm nhút, làm tương, muối cà, muối mắm để dự trữ lâu dài. Trong chi tiêu đều phải chừng mực, đắn đo sao cho hợp với hoàn cảnh của mình, điều này cũng không phải là thói quen xấu. - Vì nghèo khó nên ước mơ vươn cao, bay xa. Trên mảnh đất nghèo xứ Nghệ, khó khăn, khắc khổ người Nghệ luôn mơ ước vươn cao bay xa, thoát khỏi cảnh lam lũ, vì thế người Nghệ rất nhiều con em đi ra, lập nghiệp ở các vùng thành phố và những vùng kinh tế mới. nhiều con em xứ Nghệ học tập trụ lại thành phố, tha hương cầu thực, thành danh ở xứ Người. Nếu khảo sát khắp đất nước, số lượng cư dân trong thời hiện đại có gốc gác Nghệ tĩnh là chiếm tỉ lệ rất lớn. Ngay ở thủ đô Hà Nội con số đó theo ước tính của các nhà khoa học là đến ½. - Vì muốn chế ngự tự nhiên, khẳng định sức mạnh của mình nên mưu cầu học tập, lấy học tập làm động lực con đường vinh quang. Học tập, đây được xem là một phương thức tối ưu nhất để thoát nghèo, thoát khổ, vươn cao bay xa, khẳng định sức mạnh của con người về mặt trí tuệ, sự thành đạt theo kiểu nếp nghĩ của Nho giáo "học nhi ưu tắc sĩ". - Vì thiên nhiên khắc nghiệt nên tính cách của người Nghệ bộc trực thẳng thắn, trọng nghĩa tình ...Phong thổ khí hậu có ảnh hưởng đến tính cách con người, đó là điều đã được nhiều lý thuyết đề cập. Sinh ra trong môi trường thiên nhiên không mấy ưu đã người nghệ thường khí khái, coi trọng nghĩa khí, không chịu luồn cúi, ít xu nịnh giả tạo...người Nghệ khi mới tiếp xúc, người vùng miền khác không phải lúc nào cũng dễ chịu nhưng khi đã chơi tiếp xúc lâu thì dễ thân quý vì người Nghệ nhìn chung rất chân thành và nhiệt tình với bè bạn. Đây là những nét tính cách được sản sinh ra trong truyền thống văn hóa rất riêng của người Nghệ, đúng như Mác đã từng luận chứng trong luận điểm "Trong tính hiện thực của nó, con người là tổng hòa của những quan hệ xã hội" . Hoàn cảnh ấy đã sả sinh ra những con người với những đặc điểm tính cách riêng, và chính những con người ấy đã cộng hưởng tạo dựng những cái riêng thành cái bản sắc riêng của một vùng miền. Liệu tính cách Nghệ có thay đổi cùng những thay đổi, phát triển của kinh tế xã hội? Xét cho cùng, văn hóa tính cách là sản phẩm của điều kiện kinh tế - xã hội. Điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi thì văn hóa tính cách tất nhiên sẽ có những biến đổi để thích ứng. Thực tế, cùng với thời gian, sự giao thoa, tiếp nhận văn hóa các vùng miền, tính cách của người Nghệ, văn hóa Nghệ đã ít nhiều biến đổi. Ví dụ: năng động cởi mở hơn, bỏ đi tính cục bộ địa phương, bớt đi tính khí khái bộc trực, hội nhập tiếp biến với thế giới bên ngoài...nhưng cũng cần phải thấy rằng, văn hóa tính cách luôn có tính nhất quán và ổn định của nó, vì bản thân giá trị văn hóa sẽ tỏa sáng và buộc ta nhận ta thấy cái giá trị cần phải giữ gìn tiếp thu. Do đó, văn hóa vẫn luôn được kế thừa lưu truyền bồi đắp để trở thành hằng số văn hóa. Những nét đẹp trong tính cách người Nghệ vẫn được và cần được giữ gìn phát huy. Ví như các phẩm chất nổi bật chịu khó, hiếu học vẫn được giữ gìn và phát huy vì đó là một tập tính tốt đẹp mà bao đời nay người Nghệ đã cổ vũ phát huy truyền thống này. Về hiếu học, tôi đã đi nhiều vùng miền đất nước, giảng dạy nhiều khóa sinh viên, tôi có cảm nhận rằng, sinh viên xứ Nghệ chăm chỉ học hành, nỗ lực học tập nhiều hơn sinh viên ở những vùng miền khác. Đó là một thực tế nhiều người thừa nhận. Và tất nhiên những cái xấu, bảo thủ (như gia trưởng, cục bộ, tằn tiện...) dần dần được loại trừ hoặc trở thành cái tính không nổi trội ở người Nghệ nữa. Người Nghệ sẽ làm gì để phát huy hằng số văn hóa tính cách Nghệ Phát huy truyền thống đẹp đẽ để phát triển đó là một nguyên lý của mọi cộng đồng người. Người Việt Nam nói chung, người Nghệ nói riêng cần phải nhìn nhận nghiêm túc khoa học về vấn đề này, để tận dụng lợi thế "tiềm năng sẵn có" của mình. Theo chúng tôi, người Nghệ hôm nay và có thể là trong tương lai nữa, cần: - Ý thức được sức mạnh văn hóa truyền thống để từ đó coi trọng, tôn vinh, tạo điều kiện để các nhân tố điển hình được nẩy nở, phát huy. Vì văn hóa bao giờ cũng được biểu hiện thông qua tấm gương văn hóa (nhà văn hóa, không gian văn hóa, vật thể văn hóa...) - Xóa bỏ những tập tính xấu, cởi mở đón nhận văn hóa 4 phương, khắc phục những điểm yếu trong văn hóa tính cách để thích nghi theo hướng hiện đại, chuẩn mực, văn minh. - Chú trọng phát triển kinh tế - xã hội tạo điều kiện để con em học hành làm vẻ vang truyền thống quê hương, cần có chính sách khuyến khích những nhân sĩ trí thức xứ Nghệ trở về bằng nhiều cách khác nhau, giúp đỡ quê hương. - Giữ gìn và tạo dựng các tượng đài danh nhân, các nhà văn hóa,...để các thế hệ sau noi theo học hỏi, nhân lên sức mạnh truyền thống của quê hương (lòng tự hào và sĩ diện cũng là một động lực thúc đẩy sự phát triển rất mạnh mẽ). Trong thời đại toàn cầu hóa, phát triển kinh tế và văn hóa trên cơ sở ổn đinh chính trị - xã hội là những nội dung cơ bản để đi tới bến bờ hạnh phúc, văn minh, tiến bộ. Để làm được điều này, người Nghệ chỉ có thể trên cơ sở khai thác hiệu quả nội lực văn hóa của mình, đó cũng là một cách để bồi đắp, khẳng định những hằng số văn hóa xứ Nghệ bao đời, không những thế còn nâng văn hóa ấy lên một tầm cao mới. |
Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012
Xứ Nghệ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Rất tuyệt
Trả lờiXóa