Về hai tác phẩm cuối đời của Trần Đức Thảo: Những nghiên cứu về biện chứng học và Logic sống động của thời hiện tại (Kỳ 3) ([1])
- Cù Huy Chử & Cù Huy Song Hà
Mối liên hệ giữa sinh học, xã hội và tâm thần là đề tài mà Trần Đức Thảo đã ấp ủ từ lâu, có thể nói sau khi viết tác phẩm Từ Husserl đến Marx trở về Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Sau khi từ Việt Bắc về Hà Nội (1955), Trần Đức Thảo đã viết Nguồn gốc ý thức trong cuộc tiến hóa của hệ thần kinh ([2]).
Tiếp theo đó, Trần Đức Thảo công bố hàng loạt công trình về đề tài này, như: Sur l’origine de chimpanzés (Về nguồn gốc loài người vượn) (1963) ([3]); Le mouvement de l’indication comme forme originale de la conscience (Động tác chỉ trỏ như là cấu tạo gốc của ý thức cảm quan) ([4]), De l’indication de l’object à la formation de l’image typique (Từ dấu hiệu của khách thể đến sự hình thành hình ảnh điển hình) ([5])…, đặc biệt là tác phẩm Recherches sur l’originaire du langage et de la conscience (Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức) ([6]). Trên cơ sở đó, Trần Đức Thảo đã nghiên cứu con người nói chung tồn tại, hiện hữu trong con người cá thể, cá nhân-nhân cách.
Thực ra mối liên hệ giữa sinh học và tâm thần đã được đặt ra trong triết học từ thế kỷ XVI, với sự ra đời của
triết học Descartes. Khái niệm tâm lý được Descartes gọi là tâm hồn.
Nhưng Descartes luôn luôn đặt sinh học và tâm lý trong trạng thái lưỡng
phân của nhị nguyên luận. Trần Đức Thảo đã trích thư của Descartes gửi
cho công nương Elisabeth để nói rõ điều ấy:
“Hiểu mối liên hệ tồn tại giữa hai sự vật, là hiểu hai sự
vật ấy như một… Bởi vì Công nương nhận thấy gán cho vật chất sự mở rộng
đến tâm hồn thì dễ hơn là gán cho tâm hồn cái năng lực làm vận động một
thể xác và tự nó vận động mà không có vật chất, tôi cầu mong Công nương
muốn tự do gán vật chất ấy và sự mở rộng ấy đến tâm hồn”. ([7]) Như vậy, theo Descartes, thể xác và linh hồn là hai thực thể độc lập, nhưng phải nhận thức rằng từ thể xác sẽ mở rộng, sẽ biến hóa thành linh hồn.
Đến
thế kỷ XIX, Leibniz đã phê phán Descartes như sau: “Đối với cái gì là
tư duy thì chắc chắn nó không thể là một biến dạng có thể biết được của
vật chất, nghĩa là con người cảm và nghĩ không phải là một vật máy móc
như chiếc đồng hồ hoặc cái cối xay gió”. ([8]) Như vậy, Leibniz đã phê phán, phủ nhận quan điểm cơ học về sự
xuất hiện và sự hoạt động của tâm lý. Điều ấy cũng có nghĩa là tâm lý
chỉ xuất hiện từ những cơ thể sống, nghĩa là trên cơ sở sinh học. Nguyên
lý trên được khoa học thần kinh ra đời trong thế kỷ XX xác nhận và chứng minh, bằng nhận xét thực tế và bằng công cụ máy móc.
Nét
đặc trưng của tâm lý động vật là động vật hoạt động có tính định hướng.
Ví dụ, một con mèo bắt chuột thì trước khi vồ bắt con chuột nó phải có
một thời gian nhất định để rình con chuột. Khi con chuột xuất hiện đúng
tầm thì con mèo mới vồ bắt nó. Khi nêu ví dụ này, Trần Đức Thảo đặt ra
câu hỏi: vậy thì hình ảnh con chuột ở bên ngoài con mèo, tại sao con mèo
đã vồ bắt nó một cách chính xác. Khoa học thần kinh đã chứng minh bằng
công cụ máy móc, xác nhận rằng hình ảnh con chuột xuất hiện, vận động có
trong não bộ con mèo. Rõ ràng tâm lý động vật như vậy là có định hướng.
Nhưng định hướng ấy không được lưu lại trong não bộ con mèo. Mỗi một
lần loài động vật có vú muốn thực hiện một hành vi nào đó để đạt được
mục đích trong hoạt động sống của chúng như con mèo vồ chuột, con chó
tìm mồi, con trâu, bò đi tìm cỏ để ăn… những hành vi ấy lại phải bắt đầu
từ đầu. Nghĩa là trong não của chúng, các định hướng tâm lý không được
lưu lại để tạo ra kinh nghiệm cho sự hoạt động của sự sống.
Khác
với tính định hướng của tâm lý động vật, tâm lý con người là có tính
chủ định, bởi vì trong não bộ của con người có sự thống nhất giữa khách
quan và chủ quan. Trong các hành vi của con vật, tuy đã có sự định
hướng, nhưng về bản chất con vật, sự tồn tại của nó cũng chỉ là như một phần của tự nhiên, mà nó chưa tách
được ra khỏi tự nhiên ấy, do tâm lý động vật chưa có tính chủ định,
nghĩa là động vật chưa có tính chủ quan. Nó chưa xác định nó là nó.
Husserl trong các mô tả hiện tượng học của ông về ý thức sống trải, đã vấp phải một dữ kiện hoàn toàn có thực nhưng cũng hoàn toàn không thể hiểu được đối với việc phân tích về tính chủ định. Đó là cái mà ông gọi là hylè,
một vật chất không hình thù và không xác định, nhưng cần phải thừa nhận
sự tồn tại của nó vì nó xuất hiện như cái nền trên đó vẽ nên các hình
thái của cái chủ định nhắm tới. Cái hylè ấy được thể hiện ở
ý thức như là một yếu tố không xác định đầu tiên xuất hiện ở giới hạn
bên dưới cái sống trải, một dữ kiện thuần túy thực ra không có ở trong
cái sống trải mà chỉ là một sự hiện diện giản đơn trên nền, sự hiện diện
này người ta không thể nào phủ nhận nhưng cũng không biết nói gì về nó.
Để làm rõ vấn đề ấy, ở đây cần tham khảo thêm tác phẩm Recherches sur l’originaire du langage et de la conscience (Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức). Trong tác phẩm này,
Trần Đức Thảo đã có sự sáng tạo rất lớn trong việc tìm ra mối liên hệ
giữa sinh học, tức bộ óc của con người, với các cơ quan tứ chi, cảm giác
trong mối liên hệ biện chứng đã đưa đến sự phát triển quả cầu não và vỏ
não, tức mối liên hệ của cảm giác với toàn bộ hệ thần kinh và hệ thần
kinh vận động đưa đến tâm lý, năng lượng thần kinh và năng lượng tâm
thần trong mối quan hệ biện chứng đã đưa đến đời sống
tinh thần của con người. Chính đây là cái nền vật chất được hình thành
trong sự sống trải của con người để trên cái nền ấy xuất hiện tâm lý,
tinh thần của con người, cái mà Husserl mơ hồ cảm thấy như là một lực
lượng vật chất mà ông chưa giải thích được. Trần Đức Thảo đã giải thích
nó một cách rõ ràng trong việc phân tích mối liên hệ giữa năng lượng
thần kinh và năng lượng tâm thần.
Trần Đức Thảo đã khám phá ra cái mà Husserl gọi là hylè.
Trong mối quan hệ biện chứng phức tạp giữa năng lượng thần kinh và năng
lượng tâm thần, thì sự xuất hiện của hình ảnh thân thể xã hội bản thân
nằm trong vỏ não của mỗi cá thể cá nhân-nhân cách, và gắn liền với nó là
hình ảnh thân thể xã hội bản thân của riêng bản thân, cũng hiện hữu
trong não của mỗi cá thể cá nhân-nhân cách. Hình ảnh thứ nhất kêu gọi
hình ảnh thứ hai và hình ảnh thứ hai đáp
lại làm cho năng lượng thần kinh phát triển đến tần số rất lớn, và đến
lượt năng lượng thần kinh kích phấn đã làm cho năng lượng tinh thần tăng
lên đến vô cùng. Đó là cơ sở vật chất để tạo ra âm hiệu và chỉ hiệu đưa
đến sự ra đời của ngôn ngữ và ý thức. Đó là một quá trình biện chứng, phức tạp và đa dạng dẫn đến tâm lý và ý thức về cái
chủ quan của con người. Do đó trong tâm lý của con người thống nhất
biện chứng cái khách quan, tức thế giới bên ngoài của mỗi cá thể cá
nhân-nhân cách, và cái chủ quan, tức tâm lý và ý thức tồn tại, hiện hữu
trong cá thể cá nhân-nhân cách. Chính vì vậy, trong hành vi và hoạt động
của con người luôn luôn thể hiện tâm lý mang tính chủ định.
Theo Trần Đức Thảo trình bày trong chương 3: Mối liên hệ giữa sinh học, xã hội và tâm thần, thì tâm lý người là bắt nguồn và phát triển từ tâm lý động vật. Có thể luận giải nhận thức ấy của Trần Đức Thảo như sau:
Con
người sinh ra từ trong lòng giới động vật. Trong giới động vật, quan hệ
cơ bản là mỗi con vật hoạt động theo hệ thống phản xạ, mà căn bản là
phản xạ cá thể của nó, bảo vệ sự sinh sống của bản thân nó. Đấy là tính
cách cá thể động vật, tạo nên do cái hệ thống bản năng xuất phát từ
những nhu cầu cơ bản của sự sống.
Nhưng ngay từ lớp Cá đã xuất hiện một loại phản xạ rất đặc biệt, là phản xạ tập đoàn, thể hiện một cách phổ biến ở tuổi trẻ. Những con cá bột, những con nòng nọc bao giờ cũng bơi với nhau. Dĩ nhiên, con nào tách ra ngoài cái khối chung thì không thể sống sót được, vì bất kỳ con vật nào trong nước cũng có thể nuốt nó liền.
Những
con chim con, gà con, voi con, chó con, mèo con v.v… bao giờ cũng đi
với nhau, dù có hay không có mẹ dẫn đường. Ở những loài khỉ mà mỗi lứa
chỉ có một con, khi những con khỉ con không còn bú mẹ nữa, thì chúng tập
hợp lại thành nhóm nhi đồng, thiếu niên. Con nào tách ra khỏi nhóm và tập đoàn thì không thể nào giữ an toàn.
Bắt đầu từ lớp cá, khi những con vật nhỏ lớn lên, thì trong một số loài, chúng mất cái phản xạ tập đoàn của tuổi trẻ, và tiến hành đời sống
riêng lẻ. Nhưng đa số các loài động vật thì vẫn duy trì cái phản xạ kia
và phát triển nó lên thành một số cử chỉ tập đoàn. Trong hoạt động phản
xạ của con vật, đây là cái mặt khác biệt, đối lập với hệ thống phản xạ
cá thể, xuất phát từ bản năng, tức là đối lập với tính động vật.
Sở dĩ sinh ra cái mặt đối lập như thế thì chính là do sự lựa chọn tự nhiên. Đời sống tập thể bảo đảm điều kiện bảo vệ tốt hơn, và như thế là sinh ra những phản xạ tập thể,
lúc đầu là có điều kiện. Rồi sự lựa chọn tự nhiên làm cho cái hình thái
phản xạ tập thể trở thành vô điều kiện, tức là bẩm sinh.
Ở đây, chúng ta phải phân biệt hai con
đường phát triển. Một là con đường của những tập đoàn không xương sống,
ở đấy quan hệ giữa các cá thể được quy định theo những đặc điểm hữu cơ
và đời sống
tập thể tiến hành một cách hầu như máy móc, chủ yếu là theo những phản
xạ vô điều kiện. Điểm cao nhất trên con đường này là cái tổ ong.
Hai là
con đường của những tập đoàn động vật có xương sống. Ở đấy quan hệ giữa
các cá thể phát triển ngày càng mềm dẻo và phong phú, do vai trò ngày
càng tăng cường của những phản xạ có điều kiện phát triển đặc biệt với
sự giáo dục của tập đoàn, và vai trò của những dấu hiệu (âm hiệu và chỉ
hiệu).
Trong đời sống tập đoàn, một số phản xạ có điều kiện sinh ra từ những quan hệ hỗ tác giữa
những con vật với thiên nhiên và với môi trường tập đoàn. Đây là những
phản xạ tập đoàn, gồm những phản xạ tập thể và những phản xạ liên hệ với
tập đoàn. Sự lựa chọn tự nhiên làm cho một số phản xạ tập đoàn trở
thành vô điều kiện. Đấy là cái tính tập đoàn, đối lập với cái tính cá thể động vật xuất phát từ bản năng, tức là từ những nhu cầu cơ bản của sự sống.
Ăng-ghen
nói: “Những tổ tiên khỉ của chúng ta là có tính tập đoàn. Một điều rất
rõ ràng là không thể nào con người, là động vật có tính tập đoàn cao
nhất, lại có thể xuất phát trực tiếp từ một tổ tiên không có tính tập
đoàn” ([9]).
Hiện
nay, chúng ta biết rằng những loài khỉ còn sống bây giờ không thể nào
là tổ tiên của họ Nhân, vì chúng đã quá chuyên môn hóa theo một hướng
khác. Các tài liệu khoa học hiện đại cho rằng tổ tiên của chúng ta là
thuộc cùng một phân bộ với khỉ, nhưng theo một dòng khác với khỉ bây
giờ. Dù sao chăng nữa, trong bất kỳ trường hợp nào thì tổ tiên ta cũng
đã phải trải qua những trình độ phát triển ngang với những loài
khỉ mà chúng ta biết hiện nay. Đây là quy luật tiến hóa của bộ óc, nó
phải qua những trình độ tổ chức nhất định trong lớp thú và bộ linh
trưởng. Tất cả các loài khỉ hiện nay đều sống tập đoàn, và những tập
đoàn này là những ví dụ mà chúng ta có thể phân tích để rút ra những nét
chung, rồi dựa vào đấy để quy định cái trình độ đời sống
tập thể mà tổ tiên chúng ta - không kể thuộc dòng dõi nào trong bộ linh
trưởng - đã phải đạt được trước khi tiến lên họ Nhân, và trở thành, như
Ăng-ghen nói: “động vật có tính tập đoàn cao nhất”.
Đứa
bé người vào tháng thứ ba, khi thấy một người cử động thì cười. Một
điều đáng chú ý là nụ cười ấy không liên quan gì với dáng điệu riêng của
người mẹ. Đứa bé cười khi thấy bất kỳ mặt người nào gật gù trước mặt
nó. Thậm chí một cái mặt nạ gật gù cũng đủ để làm cho nó cười.
Tức
là đứa bé đáp lại sự có mặt của một hình cảm giác đặc thù mà nó đã có
cái mẫu bẩm sinh trong tổ chức bộ óc của nó: đấy là cái khung mặt với
cái trán, đôi mắt và cái mũi. Nếu lấy tay hoặc một cái gì đó che phần
dưới, tức là che cái miệng và cằm, thì đứa bé vẫn cười. Trái lại, nếu
che phần trên hay nhắm hai mắt, thậm chí chỉ nhắm một mắt, hoặc nếu nghiêng mặt làm cho đứa bé chỉ thấy một bên, thì nó không cười nữa.
Rõ
ràng cái khung mặt với cái trán, đôi mắt và cái mũi là một kích thích
đặc thù vô điều kiện, gợi lên cái tính năng động tập thể đã phát triển
trong sự tiến hóa của các tập đoàn động vật, đặc biệt là ở trình độ khỉ.
Nó đã có vai trò hết sức cơ bản trong quá trình sinh ra giống người và
do sự lựa chọn tự nhiên đã trở thành di sản bẩm sinh trong trẻ sơ sinh.
Ăng-ghen nói: “Theo tôi thì bản năng xã hội là một trong những đòn bẩy
quan trọng của sự phát triển của con người từ khỉ” (Thư của Ăng-ghen gửi
P. L. Lawrow), 12-17 tháng 11-1875). ([10])
Trẻ em sơ sinh trong hai tuần đầu thì chưa hoạt động thị giác. Sau đấy thì mắt nó theo được một điểm sáng. Rồi dần dần nó biểu hiện tri giác về hình.
Đến tháng thứ ba, nó tri giác một cái hình đặc thù làm cho nó phản ứng
rất mạnh; nụ cười của đứa bé rất đẹp, và cả thân thể của nó rún rẩy
trong sự phấn khởi mừng rỡ. Sự phấn khởi này hoàn toàn vô tư, không liên
quan đến nhu cầu cơ thể. Vào tuổi ấy đứa bé đôi khi đã bắt đầu có thể
giơ tay khi thấy vú mẹ hoặc lọ sữa quen thuộc, nhưng nó không có sự phấn
khởi mừng rỡ lạ thường khi thấy một bộ mặt chỉ có cái trán, đôi mắt,
cái mũi gật gù. Bộ mặt này chính là bộ mặt của con khỉ khi nó vận động
tập thể. Cái miệng hướng xuống đất thì không trông thấy, tức là chỉ thấy
cái trán, đôi mắt, cái mũi. Tức là cái nụ cười của đứa bé làm cho nó
rún rẩy cả thân thể từ đầu đến chân, là tái diễn sự kích động tập thể do
sự tác động lẫn nhau trong một tập đoàn khỉ đang vận động. ([11])
Câu
hỏi đặt ra tiếp theo: vậy cái khác nhau giữa tâm lý động vật và tâm lý
của các loài khỉ cao cấp, rồi đến tâm lý người, là ở chỗ nào? Trần Đức
Thảo chỉ rõ: tâm lý của các loài khỉ cao cấp và sau đó là tâm lý người
không chỉ có tính định hướng, mà còn có tính chủ định.
Trần Đức Thảo còn phân tích thêm: vậy tính chủ định của tâm lý khỉ cao
cấp và của con người do đâu mà có? Câu trả lời là: sự phát triển của tập
tính khỉ tinh tinh là hoạt động bầy đàn, đã trở nên một tập tính cố
định, chặt chẽ. Sự sống bầy đàn của khỉ tinh tinh là sự phủ định ở mức
cao nhất sự sống bầy đàn của các lớp động vật có vú trước đó. Chó cũng
sống bầy đàn, trâu bò cũng sống bầy đàn, nhưng tính bầy đàn chưa chặt
chẽ. Nhưng đến loài khỉ, đặc biệt là khỉ cao cấp, thì hoạt động sống
thành bầy đàn đã mang tính chặt chẽ, thậm chí là có tính tổ chức, như là
sự phân ngôi thứ, hay là chúng biết tổ chức đi hái lượm, tổ chức chia
quả thực. Ví dụ, một con khỉ tinh tinh đầu đàn đứng ra chỉ hiệu cho cả
đàn khỉ thì cả đàn khỉ ấy theo hướng chỉ hiệu ấy để tìm mồi hoặc trốn
chạy khi có “kẻ thù” xuất hiện.
Từ
khỉ cao cấp chuyển sang người khéo thì tâm lý có tính chủ định ấy đã
được cố định hóa như là nét đặc trưng của tính loài, loài người bắt đầu
xuất hiện. Đến khi chuyển sang người khôn, nghĩa là xã hội bắt đầu xuất
hiện như một thực thể mang tính ổn định, thì tâm lý mang tính chủ định
ấy hoàn toàn được khẳng định trong mỗi con người cá thể cá nhân-nhân
cách, cũng như cả toàn xã hội.
Vậy là sự xuất hiện tâm lý không thể tách
rời mặt sinh vật trong con người vốn có tiền sử từ xa xưa trong sự xuất
hiện giống loài, nghĩa là trong sự xuất hiện của tế bào thần kinh cho
đến lúc thần kinh phát triển thành não bộ. Ở loài khỉ, hộp sọ là 500 cm3, đến người khéo là 700 cm3, và người khôn là 1.200 cm3, đến người tinh khôn (homo sapien) là 1.300 cm3.
Sự phát triển của thần kinh và não bộ gắn liền với tập tính của loài
động vật, ở loài khỉ là biết sống theo tập đoàn, ở khỉ cao cấp là biết
sống theo tập đoàn ít nhiều có tính tổ chức, ở loài người là biết sống
thành xã hội. Trong tác phẩm này, sáng tạo của Trần Đức Thảo là, ông đã chỉ rõ điểm xuất phát của xã hội loài người là từ đâu, ở đâu.
Vậy xã hội là gì? Theo Trần Đức Thảo thì: “Xã hội là hệ thống được sản sinh ra do tác động
qua lại của con người, và bản chất của con người trong thực tế hiện
thực của nó nằm trong toàn bộ hệ thống các quan hệ xã hội”. ([12])
Trong quan hệ xã hội có hai khía cạnh thống nhất trong quan hệ biện chứng:
- Một là,
nói xã hội là hệ thống bởi vì xét theo chiều rộng cũng như chiều sâu,
các quan hệ giữa người và người trong xã hội tuy rất phong phú, đa dạng
nhưng luôn luôn thống nhất, từ quan hệ sản xuất vật chất đến quan hệ sản
xuất tinh thần, từ kinh tế đến chính trị, đến văn hóa đều thống nhất
thì sự sống của con người mới vận hành được, mới phát triển được, đó là
chiều rộng. Nhưng những quan hệ ấy phát triển thành tầng lầng lớp lớp
trong lịch sử từ xã hội khởi nguyên cho đến xã hội hiện tại, đó là chiều
sâu.
- Hai là, bản chất của con người nằm trong hệ thống các quan hệ xã hội. Ở đây cũng có mấy khía cạnh cần được nhận thức:
+ Thứ nhất, theo Trần Đức Thảo, cái gọi là bản chất của con người chính là con người nói chung. Cái bản chất ấy tồn tại hiện hữu trong mỗi cá thể cá nhân-nhân cách. Ở đây cũng có thể hiểu hai mặt chủ quan, khách quan tồn tại trong con người xã hội là vì thế.
+ Thứ hai, các quan hệ xã hội là cái có trước trong sự sống của mỗi cá nhân, của mỗi thế hệ. Mỗi cá nhân, mỗi thế hệ khi ra đời thì
trước đó đã có xã hội. Như vậy, xã hội có trước, cá nhân có sau. Các
quan hệ xã hội như là cái có trước, tạo ra điều kiện và môi trường cho
các thế hệ, các cá nhân xuất hiện, phát triển. Nguyên lý xã hội có trước, cá nhân có sau
khẳng định các quan hệ xã hội như là định chế cho các thế hệ, các cá
nhân tồn tại, phát triển. Đến lượt các thế hệ, các cá nhân lại tạo ra
các quan hệ xã hội mới cho sự sống của chúng phát phát triển và để lại
di sản cho các thế hệ tiếp nối chúng phát triển. Chính các thế hệ, các
cá nhân vừa là sản phẩm của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất có trước, vừa là chủ thể của các lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất mà họ sáng tạo.
Nhưng
cần hiểu các quan hệ xã hội luôn luôn là kết quả biện chứng của lịch sử
tự nhiên đưa đến lịch sử xã hội, con người. Bởi vậy, các quan hệ xã hội
không tách rời con người trong mối quan hệ với tự nhiên, với vũ trụ. Đời sống
tâm lý của các thế hệ, của các cá nhân luôn luôn mang trong nó các quan
hệ xã hội hiện thực và các quan hệ giữa chúng với vũ trụ, vừa được giải
quyết trong đời sống hiện thực, vừa chưa được giải quyết trong đời sống
hiện thực ấy. Tâm linh của con người như là hiện thân, như là kết quả
của cái đã được giải quyết là cái chưa được giải quyết trong mối quan hệ
với thiên nhiên và xã hội sâu thẳm ấy. Vì vậy, cái cảm giác có giá trị
và ý nghĩa của nó, đưa đến sự hình thành trí tuệ và lý trí của con
người. Vì lẽ đó, như Trần Đức Thảo từng nói, có cái mờ-ảo-người. Đứng trước cái mờ-ảo-người,
lý trí, trí tuệ của con người vừa phải tuyên chiến với nó, vừa phải
nâng đỡ nó. Thái độ đối với tín ngưỡng và tôn giáo là như thế. Trong các tác phẩm của Mác và Ăng-ghen thể hiện rất rõ điều ấy.
Sự
tiếp nối sự phát triển của các giống loài động vật và phủ định nó để
chuyển hóa từ loài động vật phát triển cao nhất là người vượn, thì con
người đã bước vào xã hội loài người. Quá trình phát triển của xã hội
loài người từ người khéo, đến người khôn, tức thời kỳ tiền sử, khởi
nguyên của xã hội loài người là một quá trình biện chứng phủ định của
phủ định. Các xã hội tiếp nối sau đó cũng phát triển theo quy luật phủ
định của phủ định.
Xã
hội có từ bao giờ? Trần Đức Thảo trả lời: Vào thời kỳ đồ đá cũ, việc
sản xuất ra các phương tiện sinh hoạt ở người khéo léo, cùng với các địa điểm làm việc tập thể, nhà cửa, toàn bộ làm thành một lán trại. Lán trại là một không gian xã hội được quy định bởi không gian tự nhiên, cho phép chuyển từ quan hệ sống thành xã hội sang các quan hệ xã hội đầu tiên với ngôn ngữ của đời sống hiện thực, ngôn ngữ bên trong, và ngôn ngữ phát biểu thành lời, trong đó sinh ra cái sống trải của ý thức con người.
Nếu ta xem xét các tàn dư còn lại hiện tại của các xã hội săn bắt-hái lượm mà tất cả thuộc về con người cực kỳ khôn ngoan
hiện nay xuất hiện từ Thời đại đồ đã giữa, chúng ta có thể tìm thấy
trong các tầng sâu trầm tích từ thời Con người khéo léo hình ảnh của xã
hội cội nguồn, trong đó các sản phẩm để chung được phân chia đều nhau, trong đó kể cả sự tự do của quan hệ tình dục.
Việc chuyển từ hình thức cuối cùng đã suy yếu rộng rãi của chủ nghĩa cá thể động vật và của sự thống trị của giống đực sang hình thức đầu tiên, bình đẳng, về các quan hệ xã hội, bao hàm một chế độ mẫu hệ dựa trên hiệu suất đều đặn của công việc hái lượm và giữ gìn các sản phẩm thực
vật, trong khi công việc săn bắt với các kỹ thuật của thời đó còn bấp
bênh và thịt thì trong các điều kiện như thế chưa thể nào đưa vào dự trữ
được.
Cuộc cách mạng mẫu hệ được áp dụng vào lúc ra đời ngôn
ngữ và ý thức do đòi hỏi của cuộc sống trải nghiệm phải có sự phù hợp
của các quan hệ sản xuất với sự phát triển của các lực lượng sản xuất,
đã thiết lập nên quyền lực của phụ nữ trong cộng đồng trong toàn bộ thời
gian kéo dài của thời đại đồ đá cũ. Đến thời đại đồ đá cũ phát triển
cao hơn, vì lý do có những tiến bộ trong kỹ thuật săn bắt, ưu thế của
nền kinh tế hái lượm không còn rõ rệt nữa, và tập thể những người phụ nữ
đã phải tăng cường quyền lực của họ bằng một hệ tư tưởng về chế độ mẫu hệ mà ngày nay còn lại đến chúng ta vô số các biểu tượng về chính các nữ thần.
Vào
Thời đại đồ đá giữa, Thời đại đồ đá mới, đại đa số các bộ lạc vẫn còn
theo mẫu hệ hoặc là theo dòng mẹ, các bộ lạc theo phụ hệ nói chung vẫn
còn giữ những ký ức về nguồn gốc mẫu hệ. Nhưng không một bộ lạc theo mẫu hệ nào, người ta có thể tìm thấy dấu hiệu về một chế độ phụ hệ có từ trước đó.
Cuộc
cách mạng mẫu hệ của thời nguyên thủy chỉ cho phép vượt qua các quan hệ
động vật và con người xã hội sinh ra trong những giới hạn chật hẹp được
di truyền của nhóm vài chục cá thể thuộc loài Vượn phương Nam. Sự phát
triển của các lực lượng sản xuất được chế độ mới giải phóng dẫn đến
những xung đột giữa các cộng đồng nhỏ độc lập lấn nhau ranh giới các bãi
săn bắt.
Vào thời Acheuléen ([13]),
sự tiến bộ kỹ thuật làm tăng việc cạnh tranh giữa các cộng đồng đối với
việc sở hữu các đất đai săn bắt và hái lượm. Việc đồng nhất ở mỗi con
người về hình ảnh kép cơ thể của chính nó và cộng đồng xã hội của nó lẫn với môi trường tự nhiên của nó, hai hình
ảnh được phản chiếu cái này với các khác trong ngôn ngữ từ bên trong và
lại một lần nữa nhân đôi lên khi phản chiếu lẫn nhau như vậy thành hai hình
ảnh sống trải, sự đồng nhất này phát triển đến cực độ ý thức của nó là
chủ cộng đồng và đem lại cho nó một hình thức độc chiếm hoàn toàn trong ý
thức bản ngã về mỗi cộng đồng địa phương.
Cuộc cách mạng mẫu hệ trong lán trại của Con người khéo léo với sự hình thành đầu tiên của ngôn ngữ và ý thức là sự phủ định tính động vật trong xã hội loài người nguyên thủy: đó là sự phủ định thứ nhất.
Nhưng xã hội ấy tự phủ định chính nó
trong việc phát triển các lực lượng sản xuất của nó, dẫn đến chỗ tự phá
hủy trong các cuộc xung đột với chính các cộng đồng địa phương của nó.
Sự tự phủ định ấy như là sự phủ định thứ hai, trên thực tế đó là sự phủ định cái phủ định thứ nhất,
nói một cách khác là một sự khôi phục nào đó tính động vật trên phương
diện nhiều mặt của tính xã hội đã đạt được - trong đó có việc ăn thịt
người giữa các cộng đồng.
Một sự phủ định của phủ định như vậy là sự phủ định thứ ba,
làm tăng mạnh mâu thuẫn nội bộ của xã hội cộng đồng khởi thủy giữa phát
triển các lực lượng sản xuất của nó với tính hẹp hòi hệ thống của các
quan hệ cộng đồng địa phương của nó. Một sự phát triển thêm quá mức mâu
thuẫn nội bộ của hệ thống tìm thấy giải pháp của nó ở sự bành trướng mới
các lực lượng sản xuất, trong đó xuất hiện các hình thức hợp tác đầu tiên giữa các cộng đồng láng giềng, chúng là sự phủ định hiện tượng ăn thịt người giữa các cộng đồng ấy.
Hiện tượng ăn thịt người khi là sự phủ định của phủ định thì sự phủ định chính nó được đặt ra như là sự phủ định cái phủ định của phủ định, nói một cách khác là sự phủ định thứ tư mở đường cho một yếu tố mới. Sự hợp tác giữa các cộng đồng láng giềng trong thực tế là một cái mới đem tới sự khác biệt
vào trong sự đồng nhất truyền thống của các cộng đồng địa phương độc
chiếm. Sự khác biệt này phát triển thành một sự trung gian, nghĩa là
trong chế độ mẫu hệ thời đại đồ đá cũ, việc trao đổi những người đàn ông
của các phụ nữ theo mẫu hệ theo quy ước về chế độ ngoại hôn đã làm trung gian cho việc chuyển từ xã hội cộng đồng địa phương sang các bộ lạc.
Ở đây hình thức tụt lùi của việc khôi phục tính động vật trong sự phủ định của phủ định bị xóa bỏ và thay thế bằng một bước nhảy vọt mới về chất, một sự tiến bộ lắp lại một lần nữa của con người - sinh thành trong con vật bằng hôn nhân ngoại hôn.
Với chế độ ngoại hôn, khẳng định con người thật sự trở thành người, bởi vì truyền giống theo sự hòa huyết. Trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước,
Ăng-ghen cho rằng đây là một bước chuyển biến quan trọng, người thật sự
là người, bởi vì nó nhận ra nhau trong đồng loại. Tâm lý của con người
cũng vì vậy có bước phát triển đặc biệt, sự yêu thương nhau hoàn toàn
mang tính xã hội.
Toàn bộ lịch sử xã hội thời khởi nguyên, con người tồn tại trong đôi điều kiện tự nhiên, là sản phẩm của
sự chiếm hữu, sở hữu thời khởi nguyên, hình thức sở hữu đầu tiên của
lịch sử loài người. Con người vừa chiếm hữu, sở hữu cái cộng đồng mà
trong đó mỗi cá nhân tồn tại, vừa chiếm hữu, sở hữu tự nhiên mà chủ yếu
là đất đai, là trụ sở để con người tồn tại. Con người như vậy tồn tại,
hiện hữu trong sự thống nhất hai mặt: chủ quan và khách quan.
Chính con người nói chung
đã hình thành và phát triển trong quá trình lâu dài của sự xuất hiện và
phát triển giống người, với các quan hệ xã hội có trong thời khởi
nguyên, tiền sử. Con người nói chung sẽ đi suốt trường kỳ lịch sử
của loài người như một giá trị đảm bảo cho loài người, con người phát
triển bền vững. Chính trong trường kỳ lịch sử ấy, con người nhận ra sự
thật trong mối quan hệ với tự nhiên, với xã hội. Cũng chính trong quá
trình ấy, con người nhận ra cái Thiện và cái Ác trong mối quan hệ biện
chứng của nó để tồn tại, phát triển. Quá trình đó là quá trình hình
thành, phát triển tâm lý, ý thức. Con người là một thực thể động vật-xã
hội, nghĩa là mặt sinh vật của con người đã bị phủ định bởi mặt xã hội,
và mặt xã hội ấy của người phát triển trong biện chứng phủ định của phủ
định. Do vậy, con người luôn luôn vươn tới sự hoàn thiện sản xuất giá
trị vật chất và giá trị tinh thần, hoàn thiện các quan hệ xã hội, hoàn
thiện bản thân mình. Con người biết Mĩ hóa sự sống của mình và bản thân mình.
Ý thức về cái Chân, cái Thiện, cái Mĩ
sau khi đã xuất hiện, trong mỗi bước phát triển của nó đã tạo ra cái
thế giới người để con người tồn tại trong đó. Cái ý thức ấy là kết quả
của sự thống nhất mối liên hệ các mặt: sinh học, xã hội và tâm thần.
Hiển nhiên tâm lý, tâm thần, ý thức của xã hội, của con người là sản phẩm của vật chất, tức mặt sinh học của con người và các hoạt động mang tính vật chất để sản xuất ra đời sống
của con người, nhưng đến lượt tâm lý, tâm thần, ý thức của xã hội, của
con người lại sáng tạo ra thế giới, mang tính người, mang tính xã hội.
Đó là cơ sở lý luận để xác lập quyền con người trong sự phát triển xã
hội.
Kết luận
Tác phẩm Những nghiên cứu về biện chứng học của Trần Đức Thảo là sự tổng kết quá trình nghiên cứu của ông về con người, đặc biệt là đời sống
tinh thần của con người, tức ý thức theo quan điểm duy vật biện chứng
nhân bản. Trên lĩnh vực đó, để hoàn thành và thể hiện quan điểm duy vật
biện chứng nhân bản, Trần Đức Thảo đã phê phán triệt để tư duy triết học
siêu hình và khắc phục nó.
Sáng tạo đặc sắc của Trần Đức Thảo là: ông đã xây dựng lý thuyết về con người nói chung, xây dựng lý thuyết về mối
liên hệ giữa sinh học, xã hội, tâm thần. Đó chính là sự thống nhất của
biện chứng sản xuất vật chất của con người trong mối liên hệ với tự
nhiên đưa đến nền sản xuất vật chất xã hội với sự sản xuất của đời sống tinh thần, tức tâm lý, tâm thần, tâm linh, ý thức. Nhưng tâm lý, tâm thần, ý thức cũng là sản phẩm của
quá trình phủ định của phủ định trên nền tảng vật chất đặc thù của
chúng, tức bộ não người, với sự phản xạ của thần kinh và sự phóng chiếu
của hình ảnh xã hội và hình ảnh cá nhân, tạo ra năng lượng tâm thần để
hình thành tâm lý, ý thức. Quá trình sống trải của con người chính là sự
thống nhất biện chứng giữa sản xuất vật chất và sản xuất tinh thần,
luôn luôn định hướng con người về phía
tương lai, bởi nền sản xuất vật chất không ngừng phát triển, mở rộng
không ngừng giới hạn của cái tất yếu để nền sản xuất tinh thần cũng mở
rộng theo hướng phát triển tự do. Đến lượt nền sản xuất tinh thần tác động trở lại làm cho nền sản xuất vật chất không ngừng mở rộng. Đó chính là con đường hình thành và phát triển con người nói chung,
cũng là con đường loài người, con người mãi mãi vươn tới tự do. Cái tất
yếu và cái tự do được đặt ra trong mối quan hệ biện chứng. Quá trình
phủ định biện chứng diễn ra trong sự hình thành xã hội loài người và sự
hình bản chất con người trong thời khởi nguyên, đã tạo ra lớp giá trị ban đầu.
Cái lớp giá trị khởi nguyên vốn đã được mở rộng trong quá trình phát
triển của lịch sử loài người tất yếu sẽ đưa ta đến một xã hội công bằng,
tự do, bình đẳng, bác ái. Đến xã hội đó, nền sản xuất vật chất, theo
nghĩa chung nhất của nó, phát triển ở trình độ cao, sẽ không ngừng được
mở rộng để tự do của con người sẽ phát triển toàn diện cả chiều sâu và
chiều rộng. Đời sống tinh thần và ý thức con người có điều kiện để hoàn thành sứ mạng của nó, tác động
tích cực trở lại nền sản xuất vật chất xã hội, làm cho con người gắn bó
hơn với tự nhiên, với xã hội, với lịch sử, con người như vậy cũng không
ngừng mở rộng giới hạn của tự do. Con người nói chung,
tức bản chất con người không ngừng tự phát triển, tự khẳng định trong
quá trình lịch sử ấy. Đó là nét đặc sắc của triết học Trần Đức Thảo, do
ông đã nhận chân được giá trị của hiện tượng học của Husserl.
Tư
tưởng trên đây của Trần Đức Thảo sẽ giúp cho chúng ta hoạt động thực
tiễn có hiệu quả hơn. Muốn xây dựng xã hội mới có hiệu quả, chúng ta
phải đặt nền móng của nó trên sự hiểu biết về con người và tôn trọng quyền con người như là sản phẩm tất yếu của sự sống con người. Đó cũng là mục đích chiến đấu suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn một nhà báo, Người đã nói, mục đích chiến đấu của Người là: “Cả đời tôi
chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, đó là dân tộc được độc lập tự
do. Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Trong ngôn từ giản
dị ấy đã thấm nhuần sâu sắc chân lý: mối liên hệ thống nhất, biện chứng
giữa sinh học, xã hội và tâm thần.
TP. Hồ Chí Minh, 30/9/2011
[1] Bài viết này chúng tôi gửi tặng Tạp chí Văn hóa Nghệ An.
[2] Trần Đức Thảo. Nguồn gốc ý thức trong cuộc tiến hóa của hệ thần kinh. Hà Nội: Tập san Đại học Sư phạm, số 1, tháng 5-1955, tr. 7-26; và số 2, tháng 6-1955, tr. 59-75.
[3] Trần Đức Thảo. Sur l’origine de chimpanzés(Văn bản viết tay). Tác phẩm được lưu giữ tại Thư viện Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà.
[4] La Pensée, No 128, Juilet-Août, 1966, p. 3-24.
[5] La Pensée, No 147, Septembre-Octobre, 1969, p. 3-46; La Pensée, No 148, Novembre-Décembre, 1969, p. 71-111; La Pensée, No 149, Janvier-Février, 1970, p. 93-106.
[6] Trân Duc Thao. Recherches sur l’originaire du langage et de la conscience. Paris: Editions Sociales, 1973.
[7] Trần Đức Thảo. Sự hình thành con người. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, tr. 103.
[8] Leibniz, Lời tựa cuốn ‘Những tiểu luận mới về lý trí con người’. Trích theo: Trần Đức Thảo. Sự hình thành con người. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, tr. 103.
[9] Ăng-ghen. Biện chứng của tự nhiên. Bản tiếng Pháp, Ed. Sociales, tr. 174. Trích theo Trần Đức Thảo.
[10] Xem: Ăng-ghen, Thư gửi Pi-ốt La-vrô-vích La-vrốp. Nguồn: Các Mác và Phri-đrích Ăng-ghen, Tuyển tập, tập 4. Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1980, tr. 598-599.
[11]
Trong những lần chúng tôi đi theo Trần Đức Thảo ở các nhà trẻ ở Hà Nội,
Trần Đức Thảo đã có nhận xét như trên. Ông còn giải thích cho chúng
tôi, tại sao đứa trẻ chỉ cười rún rẩy khi nhìn thấy chiếc mặt nạ có hình
ảnh cái trán và đôi mắt, chứ không cười và rún rẩy khi cái mặt nạ bị
che đi cái trán và đôi mắt. Sở dĩ thế vì trong các tập đoàn động vật, từ
con bò, và đặc biệt đến con khỉ, khi hoạt động, đặc biệt khi kiếm ăn,
thì những con khác chỉ nhận ra đồng loại của mình ở cái trán và đôi mắt,
điều ấy trở thành phản xạ mang tính bẩm sinh trong con người. Trần Đức
Thảo nói thêm với chúng tôi: người bảo mẫu thường dỗ đứa trẻ đang khóc
bằng cách bế một đứa trẻ khác lên trước mặt nó, lập tức đứa trẻ sẽ trở
nên vui vẻ hơn, bởi cái phản xạ bẩm sinh trong nó được thức dậy. Ông
nói, điều đó như là sự giao thoa của các luồng ánh sáng trên cái nền của
một bức tường, cái phản xạ bẩm sinh được phóng chiếu làm cho tâm lý đứa
trẻ trở nên hoạt bát và phong phú.
[12] Trần Đức Thảo, Sự hình thành con người, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, tr. 112.
[13] Một giai đoạn trong thời kỳ Đồ đá cũ.
Ông Trần Đức Thảo có những tác phẩm rất nổi tiếng
Trả lờiXóaBạn nói rất chính xác
XóaBài viết rất hay, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa