Tướng Nguyễn Sơn
Hôm nay đọc thấy bài này viết về tướng Nguyễn Sơn. Thấm
thoát mà đã đến ngày sinh nhật 100 năm của ông. Cố nhiên, tôi chỉ biết ông qua
sách báo mà thôi, chứ ông ấy còn cao tuổi hơn Ba tôi. Lần đầu tiên tôi nghe đến
tên ông là tôi nghe lén khi Ba tôi kể về ông này trong những buổi tiệc tùng ở
nhà. Từ đó, tôi tìm hiểu và đọc khá nhiều về ông tướng có thể nói là huyền
thoại này. Nghe nói gần đây vợ ông có viết một cuốn hồi kí mà tôi tìm chưa ra.
Ông
Nguyễn Sơn tuy là nhà quân sự nhưng rất thích văn nghệ, và ông bảo vệ giới văn
nghệ sĩ hết mình. Ít ai biết rằng ông tướng này chính là người đứng ra làm lễ
thành hôn cho Phạm Duy và Thái Hằng trong thời kháng chiến. Phạm Duy có viết
hồi kí và có hẳn 1 chương viết về tướng Nguyễn Sơn. Xin trích lại đây vài đoạn
để các bạn biết thêm về tướng Nguyễn Sơn (đây là đoạn viết khi Phạm Duy và đoàn
văn nghệ về Thanh Hóa vào thập niên 1940s):
“Nhưng
người mà tôi mong được gặp nhất ở đây là tướng Nguyễn Sơn. Tôi được nghe rất
nhiều huyền thoại về ông từ khi danh tướng có nhiều kinh nghiệm chiến trường
này từ Trung Cộng trở về nước rồi được Hồ Chí Minh cử vào Quảng Ngãi để lập một
mặt trận với mục đích ngăn không cho Quân Đội Pháp mở rộng chiến trường ra phía
Bắc vào những ngày đầu của cuộc kháng chiến Nam Bộ. Chắn chắn Nguyễn Sơn là
người thu hút được hầu hết các văn nghệ sĩ ở vùng suôi gia nhập vào những tổ
chức kháng chiến ở đây.
Cũng
phải công nhận là ở Thanh Hoá, từ khi xẩy ra cuộc kháng chiến toàn quốc cho tới
khi có Hiệp Định Geneve, đã không bao giờ có một cuộc giao tranh lớn nhỏ nào
xẩy ra cả. Quân Đội Pháp có thể mở nhiều cuộc càn quét ở các khu vực khác,
nhưng họ không có đủ quân để tiến vào nửa phần ngoài của Chiến Khu IV này. Tình
hình ở ba tỉnh Quảng Bình-Quảng Trị-Thừa Thiên (gọi tắt là Phân Khu Bình-Trị-Thiên)
thì rất là sôi động nhưng tình hình ở ba tỉnh Thanh Hoá-Nghệ An-Hà Tĩnh (gọi
tắt là Phân Khu Thanh-Nghệ-Tĩnh) thì rất là an ninh. Dân chúng ở đây có đầy đủ
thóc gạo để ăn. Không những thế, tỉnh Thanh Hoá còn là nguồn tiếp tế lương thực
cho các vùng trung du và thượng du ở miền ngoài. So với những Chiến Khu ở Việt
Bắc và so ngay cả với Chiến Khu III là miền đồng bằng, tôi thấy đời sống ở
Chiến Khu IV này rất là dễ chịu và là nơi lý tưởng để tập trung văn nghệ sĩ.
Nhất là tại đây lại có hai người của chính quyền rất chú trọng tới vấn đề văn
hoá là Đặng Thái Mai và tướng Nguyễn Sơn.
…
Trong
thời gian vừa mới gia nhập Đoàn Văn Nghệ Quân Đội Liên Khu IV và đang trong
thời kỳ tập dượt trước khi lên đường đi công tác xa, hằng đêm chúng tôi thường
tới sinh hoạt với tướng Nguyễn Sơn, hoặc để biểu diễn thử cho ông ta coi, hoặc
để nghe ông ta nói chuyện về kinh nghiệm làm công tác văn nghệ trước đây trong
Hồng Quân Trung Hoa. Nguyễn Sơn có vẻ rất thích loại dân ca mới của tôi. Tôi
rất khoái Nguyễn Sơn vì thấy ông ta khác hẳn các ông "cách mạng" mà
tôi đã gặp, tính tình cởi mở hơn, vóc dáng quắc thắc hơn, hiểu biết về văn nghệ
hơn. Ngoài ra, ông tán gái cũng giỏi lắm. Một thiếu nữ trẻ măng có cái tên là
Hoài luôn luôn ở gần gụi ông, lúc đó ông cũng đã quá 40 tuổi rồi. Điều này đã
làm cho Ban Thường Vụ ở trên Trung Ương khổ tâm lắm. Dần dà, tôi biết thêm về
tiểu sử của ông.
…
Trong
những đêm sinh hoạt giữa văn nghệ sĩ và vị Tư Lệnh của Chiến Khu, về vấn đề văn
nghệ, chúng tôi thường được nghe ông nói về Tào Ngu và vở kịch Lôi Vũ và chúng
tôi đã học hỏi được ở ông rất nhiều điều để có thể đem áp dụng vào công tác văn
nghệ của chúng tôi lúc bấy giờ. Điều này cũng chẳng lấy gì làm lạ vì tướng
Nguyễn Sơn đã từng là đoàn trưởng của nhiều đoàn ca kịch trong Hồng Quân Trung
Hoa từ khi ông là đồng chí của Mao Trạch Đông.
…
Để
hiểu rõ con người Nguyễn Sơn hơn nữa, xin kể một chuyện vặt về viên tướng Tư
Lệnh này: Là người nghiện thuốc lá, lúc nào trong túi cũng có một bao thuốc
thơm hảo hạng "3 con 5", một hôm, Nguyễn Sơn đi ra phía Cầu Hàm Rồng
và đi qua một trạm gác. Tuy là tướng đó nhưng có lúc nào ông mặc quân phục đâu?
Mặt thì xạm nắng, người thì khô đét, tóc thì như rễ tre, lại ưa mặc quần đùi,
ai trông cũng tưởng là một anh binh bét, lính tốt đen. Nguyễn Sơn đang
đứng ở dưới chân cầu, vừa móc túi lấy thuốc lá ra hút thì một anh dân quân đứng
gác ở gần đó đi tới và phê bình:
-- Tại sao đồng chí lại hút thứ thuốc lá quốc cấm này? Tôi phải tịch thu, không đưa thì tôi bắt đồng chí ngay lập tức.
Cận vệ vội chạy lại túm cổ anh dân quân và hỏi:
-- Có biết ai đây không? Tướng Tư Lệnh đó.
Nhưng Nguyễn Sơn đã gạt anh cận vệ ra, nhe răng cười và nói với anh dân quân:
-- Cậu làm như vậy là đúng, xin nộp đồng chí bao thuốc lá.
Đi khỏi chỗ đó một quãng đường, Nguyễn Sơn mặt tỉnh khô, bảo cận vệ đưa cho ông bao thuốc "3 con 5" khác.”
-- Tại sao đồng chí lại hút thứ thuốc lá quốc cấm này? Tôi phải tịch thu, không đưa thì tôi bắt đồng chí ngay lập tức.
Cận vệ vội chạy lại túm cổ anh dân quân và hỏi:
-- Có biết ai đây không? Tướng Tư Lệnh đó.
Nhưng Nguyễn Sơn đã gạt anh cận vệ ra, nhe răng cười và nói với anh dân quân:
-- Cậu làm như vậy là đúng, xin nộp đồng chí bao thuốc lá.
Đi khỏi chỗ đó một quãng đường, Nguyễn Sơn mặt tỉnh khô, bảo cận vệ đưa cho ông bao thuốc "3 con 5" khác.”
(Hồi
kí Phạm Duy, chương 56).
Kỷ
niệm 100 năm ngày sinh Lưỡng quốc Tướng quân Nguyễn Sơn (1-10-1908 - 1-10-2008)
Nguyễn Sơn - Vị tướng của tình hữu nghị Việt – Trung
Tôi có may mắn được chiến đấu dưới quyền chỉ huy của tướng Nguyễn Sơn
thời kháng chiến chống Pháp khi ông là Tư lệnh kiêm Chính ủy Chiến khu thứ Tư
(nay là Quân khu 4) và tôi là cán bộ tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 57. Tôi cũng
nhiều lần được trò chuyện với ông ở Trung Quốc năm 1950 và 1955 khi tôi sang
Trung Quốc học tập và công tác.1. Ông tên thật là Vũ Nguyên Bác, sinh ngày 1-10-1908 tại phố Yên Ninh, Hà Nội, nguyên quán ở làng Kiêu Kỵ thuộc huyện Gia Lâm. Lên 7 tuổi ông vào học Trường Đỗ Hữu Vỵ, sau đó học Trường Sư phạm nội trú Hà Nội. Chịu ảnh hưởng của gia đình và phong trào yêu nước, năm 1925 ông giác ngộ và được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Sau đó ông bí mật sang Quảng Châu, Trung Quốc.
Sau khi tham gia lớp huấn luyện chính trị đặc biệt do Nguyễn Ái Quốc tổ chức, ông được cử đi học Trường Quân sự Hoàng Phố do Tôn Trung Sơn sáng lập với sự giúp đỡ của cố vấn Liên Xô.
Tháng 8-1927, Vũ Nguyên Bác gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 12 năm đó, cuộc khởi nghĩa Quảng Châu bùng nổ. Cùng với các đồng chí Trung Quốc và Việt Nam, ông tham gia cuộc khởi nghĩa Quảng Châu. Cuộc khởi nghĩa thất bại và bị dìm trong biển máu.
Tạm lánh sang Thái Lan, hoạt động trong tổ chức cách mạng của Việt kiều. Giữa năm 1928 Vũ Nguyên Bác trở lại Trung Quốc. Ông qua Hồng Công rồi vào khu căn cứ Đông Giang tham gia chiến tranh du kích, làm chính trị viên đại đội. Từ đó ông lấy tên là Hồng Thủy.
Mùa thu năm 1934, Chủ tịch Mao Trạch Động chủ trương tiến hành cuộc Vạn lý trường chinh dài hơn 12.000km từ Giang Tây lên Thiểm Bắc. Hành quân trong đội hình Phương diện quân thứ nhất, Hồng Thủy là một trong bốn người nước ngoài và là người Việt Nam duy nhất tham gia cuộc Vạn lý trường chinh gian khổ ấy.
Năm 1937, phát xít Nhật gây chiến tranh xâm lược Trung Quốc. Đảng Cộng sản chủ trương chấm dứt nội chiến, hợp tác với Quốc dân Đảng để đoàn kết toàn dân chống Nhật. Hồng quân ở Hoa Bắc đổi tên là Bát Lộ quân, ở Hoa Đông lấy tên là Tân Tứ quân. Thời kỳ đầu chiến tranh chống Nhật, Hồng Thủy được Bộ Tổng chỉ huy Bát Lộ quân cử đi xây dựng căn cứ kháng Nhật ở vùng Đông Bắc tỉnh Sơn Tây, lần lượt giữ các chức vụ: Bí thư Khu ủy 4 huyện Ngũ Đại, Phó Bí thư Đảng ủy khu Đông Bắc Sơn Tây; Tổng phụ trách lớp huấn luyện cán bộ ở Vương Gia Trang. Sau đó, ông phụ trách báo “Kháng địch” của quân khu Tấn Ký Sát, rồi làm giáo viên chính trị Trường Quân chính kháng Nhật. Từ năm 1939 đến 1942, ông về Phân hiệu hai Đại học Quân chính kháng Nhật ở Hà Bắc.
2. Tháng 8-1945, khi Hồng Thủy đang học tại Trường Đảng Trung ương ở Diên An thì cuộc kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc kết thúc, cuộc Tổng khởi nghĩa của nhân dân Việt Nam bùng nổ. Được tin Cách mạng Tháng Tám thành công và nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời do cụ Hồ Chí Minh làm chủ tịch, ông xin được về ngay tổ quốc. Lúc đó ông chưa biết Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc tức Lý Thụy – người thầy cách mạng của mình hai mươi năm về trước. Từ Diên An, ông đáp máy bay đi Trùng Khánh rồi tìm đường về Hà Nội. Để giữ bí mật, ông đổi tên là Nguyễn Sơn từ đấy.
Nguyễn Sơn trở về nước khi thực dân Pháp đã gây chiến tranh xâm lược miền Nam, Hồ Chủ tịch và Thường vụ Trung ương Đảng bổ nhiệm ông làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam. Cùng với các đồng chí lãnh đạo và quân dân miền Nam, ông đã góp phần tích cực ngăn chặn bước tiến của quân xâm lược Pháp thời kỳ đầu kháng chiến. Tháng 5-1946, trên vùng tự do Liên khu 5, ông thành lập và trực tiếp làm hiệu trưởng Trường Sĩ quan lục quân Quảng Ngãi để đào tạo cán bộ cho các chiến trường.
Tháng 7-1947, ông được bổ nhiệm làm Khu truởng kiêm Chính ủy chiến khu thứ 4 gồm sáu tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh, Bình, Trị, Thiên, chức vụ Đảng là Phó Bí thư khu ủy. Mùa xuân năm 1948, trong đợt phong quân hàm đầu tiên của Quân đội Nhân dân Viêt Nam, ông được phong thiếu tướng.
Cuối năm 1949, ông rời Khu 4 ra Việt Bắc rồi sang Bắc Kinh vào giữa năm 1950 khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vừa ra đời. Sau một thời gian làm việc ở cơ quan Mặt trận thống nhất Trung ương và học tập ở Học viện Quân sự Nam Kinh, năm 1954 ông về Bộ Tổng giám huấn luyện Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, giữ chức Phó Cục trưởng Cục Điều lệnh, Tổng Biên tập tạp chí huấn luyện chiến đấu. Ngoài tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, ông học thêm tiếng Nga và có khả năng dịch tài liệu tiếng Nga sang tiếng Trung Quốc.
Năm 1955, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc lần đầu tiên tổ chức phong quân hàm và khen thưởng tổng kết, ông được phong hàm thiếu tướng và được tăng thưởng Huân chương Bát nhất, Huân chương Độc lập và Huân chương Giải phóng, đều là hạng nhất. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Chính phủ Trung Quốc đối với những đóng góp xuất sắc của ông – người nước ngoài duy nhất đã đi suốt quá trình xây dựng quân đội cách mạng Trung Quốc từ những ngày gian khổ hiểm nguy cho đến ngày thắng lợi.
3. Năm 1956, các bác sĩ Trung Quốc phát hiện ông bị khối u ác tính, đã phẫu thuật nhưng không kết quả. Được Đảng Trung Quốc thông báo, Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng ta có ý định đưa ông sang Liên Xô với hy vọng chữa khỏi bệnh cho ông. Tuy nhiên, sau khi xem bệnh án gửi sang, các giáo sư Liên Xô cho biết bệnh ông không có khả năng chữa khỏi. Trung ương Đảng nhất trí để ông và gia đình về Việt Nam.
Cuối tháng 9-1956, tôi được giao nhiệm vụ lên Bằng Tường đón ông. Đến nơi tôi được biết Đảng và Chính phủ Trung Quốc đã tổ chức một chuyến tàu đặc biệt đưa ông từ Bắc Kinh về Bằng Tường. Tại đây, đại diện Đảng, chính quyền và quân đội Trung Quốc đã lưu luyến tiễn ông qua biên giới. Dạo ấy, sau 9 năm kháng chiến, đường sắt Đồng Đăng – Hà Nội chưa khôi phục xong, chúng tôi dùng ô tô đưa ông và gia đình về Hà Nội. Ông rất cảm động khi thấy có người quen lên đón và dặn tôi, khi vượt qua biên giới, tìm một chỗ thuận tiện cho đoàn xe dừng lại, để ông “tận hưởng phút giây hạnh phúc khi đặt chân lên mảnh đất quê hương”.
Tôi đã thực hiện những điều giản dị mà ông ao ước. Nhưng tiếc là về nước được hơn một tháng, ông đã ra đi trong niềm tiếc thương của nhân dân và quân đội hai nước Việt – Trung, khi vốn kiến thức và kinh nghiệm đang độ chín muồi, khi đất nước và quân đội đang rất cần những vị tướng như ông.
HOÀNG MINH PHƯƠNG
Bài viết rất hay, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa