Trịnh Công Sơn - Vết chân dã tràng (Phần II)
III. VẾT CHÂN DÃ TRÀNG NGÀN NĂM IN DẤUTầm ảnh hưởng nhạc TrỊnh Công Sơn trước năm 1975
Ngày
tôi chào đời, nhạc của Trịnh Công Sơn đã nổi tiếng khắp miền Nam. Ngay
từ thời thơ ấu, tôi đã thuộc lòng những bài hát của ông. Ngày ấy, dù
không hiểu gì về ca từ bài hát nhưng qua tiếng hát của những người chị
ngâm nga, hằng ngày, hằng ngày nó thấm vào tim tôi “Mẹ ngồi ru con /
Đong đưa võng buồn / Đong đưa võng buồn / Mẹ ngồi ru con / Mây qua đầu
ghềnh / Lạy trời mưa tuôn”... “Đại bác ru đêm dội về thành phố / Người
phu quét đường dừng chổi lắng nghe/”. Thời ấy, thế hệ chúng tôi ai
lại không thuộc nhạc của ông, khi hằng đêm chúng tôi vẫn thường nghe
tiếng súng nổ, tiếng hỏa châu rơi... giai điệu buồn bã, đều đều như
tiếng cầu kinh ấy, đã quá quen thuộc. Đến khi lớn lên, khi bắt đầu hiểu
biết và trải nghiệm cuộc đời, những ca từ thấm đẫm tình yêu thương về
thân phận con người của Trịnh Công Sơn đã là người bạn đồng hành cùng
tôi trong từng chặng đời. Nó như một thứ bùa mê mà mỗi con người đều
mang theo để làm cứu cánh khi thấy lòng cô đơn, buồn khổ, hay trong
những lúc hân hoan, say đắm.
Không
chỉ riêng tôi, trên đất nước Việt Nam này, ảnh hưởng của Trịnh Công Sơn
rất to lớn, gần như người dân Việt nào cũng đều thấy mình trong từng
bài hát của ông. Ông nói hộ cho con người những âu lo, những vò xé,
những thao thức, những đớn đau, những tiếc nuối, những ngỡ ngàng và cả
những hoài nghi, những mê đắm... về thân phận con người, về chiến tranh
nhân loại, về tình yêu thương gắn bó, về sự tan nát chia xa... ông đi
cùng với họ, an ủi, tâm tình bên họ. [36;459] Có ông cuộc đời như
vơi bớt niềm đau, cái chết cũng không còn ghê gớm nữa. Vì ông đã giúp họ
hiểu ra sự thật của kiếp người. Vậy thì, tại sao không sống thanh thản
cho đời nhẹ nhàng hơn.
Trước
năm 1975, mặc dù nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn bị chính quyền miền
Nam cấm đoán, nhưng nhạc của ông vẫn được hát không chính thức trong
các giảng đường, trường học, hộp đêm. Những bài tình ca, những bài tình
tự quê hương dân tộc vẫn được thu băng và bày bán khắp các đường phố. Có
không ít người miền Nam Việt Nam vào thời đó thuộc bài hát của ông, từ
người già đến em bé, từ trí thức đến người bình dân.
Để hiểu rõ điều đó, hãy nghe nhận định của Hoàng Nguyên Nhuận: “...Nếu Huế là thánh địa của Phật giáo và nếu bản nhạc Phật Giáo Việt Nam
của Lê Cao Phan là nhịp đạo hành của thanh niên Phật tử, thì Trịnh Công
Sơn chính là nhịp đập con tim của phong trào thanh niên trên đường vận
động hòa bình, độc lập và an lạc cho đồng bào đồng loại tại các thành
phố miền Nam...”. [10; 180]
Trong luận văn viết về đề tài “Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn”, cô Yoshii Michiko có đề cập đến một tư liệu của Kondo Koichi, đặc phái viên chiến tranh tờ SanKei của Nhật - có văn phòng tại Sài Gòn trước 1975 - đã từng nhắc đến hiện tượng này: “Diễm
xưa: Thiên tài Trịnh Công Sơn đã soạn ra giai điệu của bài hát này, bài
hát đã được cả miền Nam Việt Nam yêu thích. Người ta nói rằng nữ ca sĩ
Khánh Ly, cũng là một trong những tài năng mà người ta chỉ gặp một lần
trong suốt 100 năm. Bài hát này bị cấm dưới chế độ ông Thiệu sau khi
phát hành không lâu. Lối ẩn dụ chống chiến tranh ở đây quá đặc biệt. Và
trong số họ có một người cấp bậc đại úy, dường như anh đã có lý khi
chứng tỏ sự hiểu biết của mình về điều đó. Thực tế, một vị đại tá của
một trung đoàn có nhiệm vụ bảo vệ Đà Lạt đã nói: “Nghệ thuật là nghệ
thuật. Phản chiến hay không, người ta không cần biết”. Và đã không nghe
theo lệnh của tổng hành dinh. Ngược lại, ông đã khích lệ cả những binh
lính của ông, hát những kiệt tác của “thiên tài duy nhất mà miền Nam
Việt Nam có thể ca ngợi với thế giới”.[64]
Một nhà báo Nhật khác thường lui tới hộp đêm của Khánh Ly trên đường Tự Do kể: “Hằng
đêm vào đầu giờ, người ta chỉ nghe những bài hát cho phép, nhưng đêm
gần tàn, Khánh Ly bắt đầu hát những bài hát phản chiến của Trịnh Công
Sơn, và trên thực tế, công chúng chỉ đến để nghe những bài hát này”.[64]
Điều
đó chứng tỏ, những bài hát phản chiến của Trịnh Công Sơn dù đã bị cấm
đoán trong thời chiến tranh nhưng người dân vẫn hát vang trên khắp phố
phường, làng mạc. Vẫn được đánh máy, in ronéo chuyền tay nhau trong các
phong trào thanh niên và ngay cả trong những sĩ quan cao cấp của chính
quyền miền Nam.
***
Nhạc
Trịnh Công Sơn ảnh hưởng rộng rãi ở miền Nam trước 1975 chúng ta đã
biết, thế còn ở miền Bắc thì sao? Những nhân chứng dưới đây giúp chúng
ta sáng tỏ:
Nhạc sĩ Văn Cao viết: “...Tôi
đã gặp Sơn từ những ngày đất nước còn chia hai miền và còn chìm trong
khói lửa. Tôi muốn nhắc đến ở đây một kỷ niệm không thể quên ở nhà một
người bạn trẻ. Đêm ấy lần đầu tiên tôi nghe (cũng có nghĩa là gặp) Trịnh
Công Sơn... Những bạn trẻ hát cho tôi nghe gần suốt đêm hàng loạt ca
khúc Trịnh Công Sơn (không biết họ học ở đâu?) hát say sưa đến nỗi đứt
cả dây của cây đàn ghi-ta duy nhất có trong nhà”. [58; 17]
Nhà thơ Nguyễn Duy kể rằng, ở dọc Trường Sơn, bộ đội miền Bắc cũng đã từng nghe tình ca của Trịnh: “Mặt trận Đường Chín-Nam Lào (1971)... trong căn hầm kèo bên dòng sông Sêbănghiêng... Nghe, nghe trộm - vâng, lúc đó gọi là nghe trộm đài Sài Gòn, tình cờ “gặp” Trịnh Công Sơn qua giọng hát Khánh Ly... Diễm xưa... Mưa vẫn mưa rơi... Làm sao em biết bia đá không đau... Quỷ thật! Giai điệu ấy và lời ca ấy tự nhiên “ghim” lại trong tâm tưởng tôi ngay từ phút bất chợt ấy. Rồi Như cánh vạc bay...
Quái thật!... Cảm nhận bất chợt, những bài hát rất mượt mà, đắm đuối
ấy... ừ thì có buồn đấy, đau đấy, quặn thắt nữa đấy... nhưng còn là cái
gì lành mạnh nảy nở trong đó. Hình như là cái đẹp. Cái đẹp trong câu
nhạc. Cái đẹp trong ca từ, cả xác chữ lẫn hồn thơ. Bảng lảng, lờ mờ, khó
phân định cho đúng nghĩa, nhưng rõ ràng là đẹp, đẹp làm sao... và để
lại cái ám ảnh thẩm mỹ”. [29; 44]
Theo
tài liệu của Đặng Tiến: Tác giả Nguyễn Văn Thọ, trước đây là bộ đội
miền Bắc, sau đó lao động xuất khẩu Ðông Âu, hiện đã về nước, viết: “Năm
1972, khi ấy tôi là bộ đội trong rừng Trường Sơn. Thằng bạn tôi, sau
chiến dịch Lam Sơn 719 vớ được cái đài Sony rất tốt. Đêm Trường Sơn, chờ
cho mọi người đi ngủ hết, chúng tôi lén mở đài BBC và cả đài Sài Gòn.
Đấy là lần đầu tiên tôi được nghe tiếng hát Khánh Ly với Nhạc Trịnh Công
Sơn. Chúng tôi là lớp người lớn lên từ Miền Bắc, thường quen với những
khúc thức hùng tráng. Trong tiếng chộn rộn rú rít của sóng vô tuyến, tôi
vẫn thấy một giọng lạ của một thứ âm nhạc mới. Một
thứ nhạc da diết, đầy lãng đãng từ ca từ, tới khúc thức. Một thứ nhạc
xanh không giống bất cứ nhạc xanh nào mà tôi từng nghe, kể cả trong
những đĩa hát quay tay cổ mở suốt ngày rên rỉ ở đầu chợ trời những ngày
sau hòa bình. Rất lạ, với tôi khi đó Nhạc Trịnh Công Sơn như làn gió
khởi từ xa xăm đâu đó, tách khỏi hận thù trận mạc, tha thiết một tình
yêu đồng loại, giống nòi, yêu bè bạn, hòa bình, đạo lý. Nó lạ, vì lối ca
từ phi tuyến tính, không giống cách viết truyền thống trên những ca
khúc của Hà Nội khi đó”.
Và đáng quý hơn nữa, tác giả này đã ghi lại cảm giác khi tiến quân vào
Sài Gòn trưa ngày 30 tháng Tư 1975, ông nghe Trịnh Công Sơn đang hát bài
Nối vòng tay lớn trên đài phát thanh Sài Gòn: “Mặt đất bao
la... anh em ta về... gặp nhau trong bão lớn quay cuồng trời rộng...
Lời ca không phải là tiếng thách thức tử thủ. Lời ca không phải là tiếng
bể máu như kết cục thường thấy của chiến cuộc, lời ca khi ấy làm chùng
xuống không khí thù hận và hằn học. Chúng tôi tiến vào Sài Gòn... Nối
vòng tay lớn. Chiến tranh nào bao giờ chẳng có mặt trái, nhưng tiếng hát
kia, bản nhạc ấy, mở ra cho cả hai bên nghe như một liều thuốc vô hình
đã làm chùng xuống một thời khắc dễ nổi cáu và nổi đóa. Đấy là kỷ niệm
thứ hai của tôi về anh”. [9]
Tiếng
hát làm chùng tay súng. Một ngày, một giờ mà sinh mệnh của hàng triệu
con người nằm trên đường tơ kẽ tóc, một sự kiện như thế không trọng đại
hay sao? Văn học nghệ thuật Việt Nam đã bao nhiêu lần đóng vai trò đó?
[9]
Tầm ảnh hưởng nhạc TrỊnh Công Sơn sau 30/4 năm 1975
Sau
năm 1975, một thời gian dài nhạc Trịnh bị cấm biểu diễn, kể cả những
bài tình ca và những bài tình tự quê hương, dân tộc. Trịnh Công Sơn sống
cuộc đời im lặng và cô độc. Cho đến cuối những năm 80 đầu những năm 90 - thời
mở cửa, nhạc Trịnh Công Sơn mới được chính thức phổ biến. Tuy nhiên,
trong những năm chính quyền không cho phép, mặc nhiên người dân ở cả hai
miền Nam - Bắc vẫn nghe nhạc của ông trên khắp nẻo đường đất nước, từ những nơi núi rừng heo hút cho đến chốn thị thành.
Nhạc của ông cũng truân chuyên như cuộc đời ông vậy.
Nguyễn Đắc Xuân kể lại rằng: “Sau
ngày thống nhất đất nước, cùng với hàng hóa tiêu dùng của miền Nam, các
băng nhạc của Trịnh Công Sơn bắt đầu xâm nhập giới trí thức miền Bắc.
Đứng trên lầu 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) – cơ quan Văn nghệ miền Bắc, tôi
nghe vang vọng từ phía Nhà xuất bản Văn học một gia đình nào đó mở Gia tài của mẹ, Nối vòng tay lớn... của Trịnh Công Sơn”. [28; 123]
Đi từ Nam ra Bắc, chúng ta dễ dàng bắt gặp những quán cà phê mang tên “Nhạc Trịnh” hay mang tên tựa đề bài hát của ông: Hạ trắng, Diễm xưa, Biển nhớ… Dấu ấn ngôn ngữ của Trịnh Công Sơn còn bàng bạc trên văn chương của người đương thời.
Ngày
nay, đi đến bất cứ nơi đâu trên trái đất này, nếu có cộng đồng người
Việt sinh sống, thì nơi đó có nhạc Trịnh Công Sơn. Nhà văn Nguyễn Quang
Sáng viết: “Hơn mười năm qua, đi đâu, bất cứ nơi nào, trong nước hay
ngoài nước, nơi nào có người Việt Nam, là nơi đó tôi được nghe nhạc
Sơn. Nhớ năm 1987, trong dịp sang Đông Berlin, khi tôi vừa ngồi
yên trong xe, thì anh bạn lái cho tôi bảo: “Nghe Trịnh Công Sơn nhé?”.
“Có à?”. Tôi ngạc nhiên. “Sao lại không!” và giọng của Khánh Ly “Mưa vẫn
mưa bay trên từng tháp cổ...” lại cùng tôi vang trên các nẻo đường Đông
Berlin trong đêm thu”. Tại Paris, quận 13... Một hôm tôi đến, vào một
quán phở, một cái quán có nhiều khách chống Sơn: lạ, tôi lại nghe họ mở
nhạc của Sơn. Rồi đầu tháng Bảy 1989 ngồi trong một quán ăn Việt Nam ở
New York, trong ánh đèn mờ, tôi cũng lại nghe nhạc của Sơn... Hóa ra
người ghét Sơn, chống Sơn vẫn không thể không nghe nhạc Sơn. Từ đó, có
thể nói, nghệ thuật của Trịnh Công Sơn đã vượt qua khỏi sự hằn thù...”. [31; 273-274]
Hãy nghe những lời phát biểu về tầm ảnh hưởng của Trịnh Công Sơn.
Nhà thơ Phạm Tiến Duật: Gần
nửa thế kỷ sáng tác ca khúc, hành trình của Trịnh Công Sơn là hành
trình của một trái tim yêu người, yêu giống nòi, luôn luôn tìm cách trả
lời những câu hỏi không phải của khối óc mà là câu hỏi của chính trái
tim anh đặt ra, trong đó, sự trăn trở giữa cái bản ngã và phi bản ngã là
sự trăn trở thường trực... các nhà thơ từ Nam đến Bắc đều coi anh là
thi sĩ .[38; 455]
Nhà văn Phạm Thị Hoài: Thế
kỷ vừa rồi hiếm khi cho chúng ta một nghệ sĩ đặc biệt như thế. Ông
không phải là một trong những nhạc sĩ lỗi lạc nhất, song hầu như không
ai khác từ lúc sinh thời đã để lại một ảnh hưởng rộng rãi như vậy với
người làm nhạc và người nghe nhạc Việt Nam. Ông không phải là một ca sĩ
trứ danh, song ông đã được so với Bob Dylan, và đem lại cho danh hiệu kẻ
du ca một ý nghĩa hiện đại. Ông không phải là một trong những nhà thơ
sáng giá nhất, song cách ông đặt lời bài hát đã thành một trường phái và
dựng nên một phong cách ngôn ngữ xứng đáng được ghi nhận trong lịch sử
văn học Việt Nam. Ông không phải là một trong những chiến sĩ của hòa
bình, tự do và nhân phẩm kiên cường nhất, song với đông đảo bạn hữu và
quần chúng, ông đã tượng trưng cho những giá trị ấy. [38; 457]
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong bài Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người tình lãng du của nhiều thế hệ, đã tự hỏi: “...
Vì sao mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được công chúng hâm mộ đến thế? Có lẽ
chính anh là một nhà thơ được hát lên. Ca từ của anh không chỉ là giàu
chất thơ người ta thường nói, mà đấy là những bài thơ thực sự, những bài thơ thấm đẫm triết lý về cuộc sống, về tình yêu, về sự sinh ra và trở về cát bụi của phận người ngắn
ngủi... Khi được nhờ chọn một số bài thơ tình hay nhất thế kỷ, nhà
nghiên cứu văn học Hoàng Ngọc Hiến đã tâm đắc tiến cử lời bài ca “Đêm
thấy ta là thác đổ” của Trịnh Công Sơn. Nhưng những lời thơ ấy được hát
lên bằng nhạc của chính tác giả, thì nó bỗng trở thành những câu kinh
bất hủ. Và người ta nói rằng, âm nhạc của anh là những bài kinh cầu bên
vực thẳm về thân phận và tình yêu”. [37; 171]
Đó
là nhận định của các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng. Và chúng ta hãy nghe
tình cảm chân thành của những con người bình thường khác, đó là những
người mẹ nhọc nhằn, những cô gái ăn sương, những em bé không hề biết ông
là ai, nhạc Trịnh Công Sơn đã ảnh hưởng họ như thế nào:
“Bà mẹ vợ của tôi, chồng bị bệnh nằm một chỗ đã nhiều năm, một tay
nuôi 8 đứa con dại. Mùa hè năm 1975, cậu con trai thứ hai lại bị mất
tích trên đường theo bộ đội vào giải phóng Sài Gòn. Bà hết sức đau khổ.
Hằng ngày đứng nấu cơm rửa chén phục vụ gia đình bà tự an ủi mình với
“Cỏ xót xa đưa”. Bà mẹ đẻ của tôi ở Đà Lạt, hơn nửa đời người vất vả
nuôi con, cuối đời rất sùng đạo Phật. Bà thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn
vì bà cho rằng Nhạc Trịnh Công Sơn có hơi hám “cát bụi giải thoát”.
Người ta nói âm nhạc Trịnh Công Sơn chỉ thích hợp với tuổi trẻ. Các bà
mẹ tôi không còn trẻ nữa mà cũng thích nhạc Trịnh Công Sơn. Các bà thích
không vì tuổi còn yêu mà chính là nhạc Sơn đã nói hộ các bà về thân
phận của kiếp người sống trong cõi tạm. Các bà mẹ tôi thích nhạc Trịnh
Công Sơn khi chưa biết Trịnh Công Sơn là ai. Cũng giống như các em bé
trên miền núi huyện Hướng Hóa (Quảng Bình) vào những đêm trăng quây quần
giữa sân hát vang “Em sẽ là mùa xuân của mẹ, em sẽ là màu nắng của
cha...”, các em không biết tác giả bài ca ấy là ai. Các em cũng không
cần biết tác giả làm gì. Các em chỉ cần biết lời của bài ca đó chính là
ước mơ của các em”.[28; 123-124] Ngoài ra, còn có một chứng từ khác của Hoàng Phủ Ngọc Tường về các cô gái ăn sương: “Cách
đây mấy năm, một đêm khuya tôi vừa uống rượu về, ngang qua công viên
nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn; từ sau một gốc cây, một cô gái mặc áo hồng bước
ra, kéo tay tôi. Tôi ôn tồn từ chối. Liền sau đó, một cô áo đỏ, rồi áo
lục... toàn là nhan sắc hương phấn, giống như trong Hồng lâu mộng.
Tôi liền khoát tay ra hiệu mình bị nhiễm HIV nặng, các em lập tức dãn
ra... Lúc này tôi mới để ý tới giọng hát khe khẽ từ bóng tối bên vệ
đường... một cô gái áo đen... vẫn ngồi đấy từ đầu. Không thèm bận tâm gì
tới cuộc ríu rít của những “đồng nghiệp” của cô vây quanh tôi, chỉ mải
chìm đắm trong giai điệu của bài hát mà cô yêu thích, và tôi nghe rõ:
“Đi về đâu hỡi em. Hãy lau khô dòng nước mắt. Đời gọi em biết bao lần”.
Tôi thầm hiểu rằng đến với cô gái bất hạnh trong phận người lúc này, quả
không thể là Phạm Duy hoặc bất cứ nhạc sĩ nào khác, mà chính là Trịnh
Công Sơn”. [19; 93-94]
***
Những
bài hát của Trịnh Công Sơn đã phổ biến và ảnh hưởng sâu rộng không chỉ
trong lòng người dân Việt Nam, mà còn lan xa trên thế giới.
Ở
Mỹ, người ta coi ông như là một Bob Dylan của người Việt và ông được
mời sang sống ở đó như là một người dân di tản với mức thu nhập bảo đảm
cuộc sống an nhàn.
Ở Pháp, Mỹ, Nga, Đức, Nhật có nhiều bài báo viết về Trịnh Công Sơn như của các nhà báo Jean-Claude
Pomonti, Jacques Boyer (Pháp), Murray Hiebert, Jon Liden, John Schafer
(Mỹ), Frank Gerke (Đức), Irina Zisman (Nga)... và nhiều bài hát được
dịch sang tiếng Anh, Pháp, Nhật. [7; 123 -146]
Năm 1970 ở Nhật Bản, bài Diễm xưa được tuyển vào vòng chung kết những bài hát hay của nước ngoài và bài Ca dao Mẹ
được giải “Đĩa vàng” và bán được hai triệu bản. Tiếp theo thành công
này, vào năm 1972, Mainichi Broadcasting đã đề nghị Trịnh Công Sơn sáng
tác một bài hát đặc biệt dành tặng cho Hiroshima và Nagasaki. Và Trịnh
đã sáng tác ca khúc Như tiếng thở dài.[64] Nhạc Trịnh đặc biệt
được người Nhật yêu thích, vì những giai điệu bài hát của ông như những
lời ru rất gần gũi, quen thuộc với người Nhật.
Năm 1980 ca khúc Diễm xưa và bản dịch Utsukushii Mukashi
được đài truyền hình lớn nhất ở Nhật NHK chọn làm nhạc phẩm chính cho
một bộ phim nội dung trình bày những khác biệt văn hóa giữa một người
Nhật có vợ Việt Nam. Tháng Bảy 2004, Diễm xưa trở thành nhạc
phẩm châu Á đầu tiên được Viện Đại học Kansai Gakuin đưa vào chương
trình giáo dục của Viện trong bộ môn Văn hóa và Âm nhạc. [35]
Năm
2004, “Giải thưởng Âm nhạc hòa bình thế giới” (WPMA) được trao cho nhạc
sĩ Trịnh Công Sơn vì lý tưởng hòa bình mà ông đã đấu tranh không mệt
mỏi cho hạnh phúc của nhân loại.
Tên ông được ghi trong bộ bách khoa Le Million của Pháp (tập 8 trang 122, Genève 1973).
Kỳ sau: Trịnh Công Sơn và chiến tranh Việt Nam
Bài viết rất hay, xin cảm ơn
Trả lờiXóa