Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

SẢN XUẤT, PHÁT HÀNH PHIM HIỆN NAY

SẢN XUẤT, PHÁT HÀNH PHIM HIỆN NAY 

Điện ảnh Việt Nam thập niên đầu TK XXI khác thập niên cuối TK XX và càng khác điện ảnh thời bao cấp. Trong những năm gần đây, với lối đi riêng và xu hướng mới, điện ảnh Việt Nam trực diện nhiều vấn đề trong sản xuất, phát hành phim.


Sản xuất phim, một góc bức tranh và xu hướng

Trong những năm gần đây, tham gia vào các hoạt động điện ảnh không chỉ có một số hãng nhà nước mà còn nhiều hãng tư nhân, ở cả lĩnh vực sản xuất và phát hành. Trong khi điện ảnh nhà nước bị thu hẹp thì điện ảnh tư nhân phát triển, nhất là việc sản xuất các bộ phim giải trí.


Liên quan tới sản xuất phim ở Việt Nam, một nghịch lý khi xã hội hóa điện ảnh rất giàu sức sống thì lộ trình cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn, một phần do ngành điện ảnh với bản chất hoạt động là công ích, khả năng kinh doanh tạo lợi nhuận không cao, nên hạn chế nhiều tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư muốn tham gia cổ phần hóa. Tuy vậy, điện ảnh vẫn thuộc số các sản phẩm thương mại đạt lợi nhuận cao, mà doanh thu không ít phim do các hãng tư nhân sản xuất, phát hành những năm gần đây là một ví dụ sinh động.



Cũng liên quan hữu cơ tới quy trình sản xuất phim ở một số hãng nhà nước, ngoài sự hợp tác bộ ba biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất vẫn là một thách thức lớn, là rào cản cho các dự án, thì quy trình sản xuất phim ở Việt Nam lại đơn giản, hợp đồng ít điều khoản ràng buộc trách nhiệm quyền lợi cụ thể của các bên, khi xảy ra trục trặc, các nhà làm phim ít có cơ sở để giải quyết. Trong hợp đồng làm phim nước ngoài, các điều khoản ràng buộc trách nhiệm của nhau rất chi tiết. Ngoài ra, trong bối cảnh đó, vai trò quan trọng nhất là nhà sản xuất phim lại hầu như chưa được vận hành, sử dụng đúng nghĩa, đúng cách trong quy trình sản xuất điện ảnh còn nửa vời vừa bao cấp vừa xã hội hóa.

Về kinh phí, một bộ phim truyện nhựa của hãng phim nhà nước chỉ được duyệt chi dưới 10 tỷ đồng. Trong khi kinh phí các bộ phim do nhà nước đặt hàng đều được khoán cho đạo diễn, đạo diễn lại khoán cho họa sĩ, kỹ thuật... và mỗi người tự cân đối thu chi trong lãnh địa của mình, toàn quyền với tác phẩm, từ điều chỉnh êkíp đến thu chi tài chính. Về cơ chế sản xuất, do không có người cầm trịch (tổng công trình sư xâu chuỗi toàn bộ quy trình) nên thay mặt nhà sản xuất tại hiện trường thường là chủ nhiệm hoặc trợ lý đạo diễn… Trong khi các hãng phim nhà nước chỉ cần hoàn thành chỉ tiêu hàng năm, tìm cách nuôi bộ máy nhân sự thì các giám đốc kiêm nhà sản xuất tập trung nhiều hơn vào việc cắt giảm kinh phí làm phim để trả lương nhân viên và hệ lụy là việc sản xuất các tác phẩm điện ảnh bị ảnh hưởng không ít vì cơ chế đó.


Ngoài các phim đặt hàng, việc nhiều phim truyện nhựa Việt Nam (nhất là của các hãng tư nhân) chỉ tập trung vào dịp tết cũng tạo nên hạn chế đáng kể về đề tài. Nhu cầu cười của khán giả làm cho nhà sản xuất gần đây sa vào xu hướng làm phim hài hoặc hành động, kinh dị. Trong khi đó những đề tài khác thuộc thể loại tâm lý xã hội, đặc biệt là phim thiếu nhi, thì gần như bị bỏ ngỏ. Không chỉ ở thành phố lớn, tại những tỉnh, thành khác, các em nhỏ chỉ còn cách xem ké phim người lớn. Những đề tài chính thống của các hãng phim nhà nước chưa có đột phá về nhiều mặt (kịch bản hay, đề tài hấp dẫn và đa dạng, đạo diễn có tài, nhà sản xuất chuyên nghiệp, huy động được nhiều nguồn lực xã hội…) khiến quy trình sản xuất, chất lượng tác phẩm có vấn đề, nên đầu ra gặp nhiều khó khăn.



Ở Hãng phim Truyện Việt Nam, gần đây một số phim như Tâm hồn mẹ hoàn thành vào tháng 6-2011, Mùa cỏ cháy đã hoàn thành và chiếu vào dịp 22-12-2011. Cơ sở điện ảnh này đang triển khai dự án phim lịch sử Những người viết huyền thoại, lấy bối cảnh đường Trường Sơn huyền thoại, hoàn thành nhiều dự án phim và triển khai một số đề tài phim về lãnh tụ, lịch sử, chiến tranh, Tây Nguyên… Trong những năm tới, Hãng phim Truyện Việt Nam có xu hướng tập trung vào mảng phim truyện nhựa từng thành công trong những năm trước đây, bên cạnh việc tiếp tục các dự án phim truyền hình dài tập (năm 2010, nếu Hãng phim Truyện Việt Nam đã sản xuất 160 tập phim thì dự kiến trong năm 2011 có thể sản xuất trên 200 tập phim). Để chuyển hướng trong sản xuất, hãng phải tìm được cơ chế đầu tư, sản xuất phù hợp, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực.



Sản xuất phim của các hãng phim nhà nước do vấn đề nhân lực, cơ chế đầu tư, tư duy sáng tác, cung cách điều hành sản xuất và sự tách rời sản xuất, phát hành chưa tạo được những thay đổi nên không có những đổi mới đáng kể. Có thể giám đốc vẫn là nhà sản xuất, như vậy không tránh khỏi tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, vì cơ chế sản xuất phim theo thông lệ thế giới, nhà sản xuất không kiêm giám đốc hãng phim.

Thời gian qua, nhiều hãng phim tư nhân như Thiên Ngân, BHD, Phước Sang… đã tạo nên dấu ấn và sức sống trong sản xuất phim, khi biết biến điện ảnh thành con bò sữa. Điều đáng nói, nhiều phim của các hãng này không chỉ được ghi nhận ít nhiều về mặt sáng tạo nghệ thuật, mà còn tạo nên thành công rõ rệt về mặt doanh thu phòng vé, nhờ biết sản xuất phim với nhiều yếu tố của quy trình sản xuất, phát hành, chiếu bóng theo cơ chế và tư duy mới. Trong đó, người ta thấy manh nha nền công nghiệp điện ảnh ở quy mô nhỏ, khi bài toán khép kín sản xuất, phát hành, chiếu bóng được giải bởi sự quản lý, điều hành chặt chẽ và cả quy trình ấy luôn gắn đồng tiền đi liền khúc ruột, của đau con xót…
Nhìn chung, việc sản xuất phim của các hãng tư nhân còn phụ thuộc vào thị trường điện ảnh Việt Nam, dù có phát triển trong thời gian gần đây, vẫn còn nhiều tồn tại, số lượng người có thói quen đến rạp chưa nhiều. Đó cũng là lý do vì sao phim Việt chỉ ra rạp vào dịp tết để phục vụ nhu cầu của khán giả. Thành công về doanh thu của một số phim Để mai tính, Long ruồi vừa qua đem lại kinh nghiệm cho các hãng phim tư nhân trong việc mở rộng vai trò sản xuất phim trong năm chứ không chỉ vào dịp tết. Với chiến lược không ngừng học hỏi, sáng tạo và tự vượt lên chính những thành công, tùy vào dự án cụ thể, nhiều cơ sở cho thấy họ sẽ có những quyết định đầu tư hợp lý trong sản xuất phim thời gian tới, với những xu hướng đã lộ rõ và được thực tế kiểm chứng. Vì vậy, vấn đề của các hãng phim tư nhân là cần phải có thị trường vào những thời điểm khác nhau trong năm để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Nhưng để thị trường phim có thể phân bố đều cho những mùa khác trong năm, các nhà sản xuất, phát hành cần có giải pháp hữu hiệu để đi đến một cách làm thống nhất. Chia sẻ thị phần, bù lại họ sẽ đạt được mục đích chung là có được thị trường phim Việt Nam trong mùa hè, Noel thay vì chỉ sản xuất trong năm và phát hành vào dịp tết.
Để có thể tìm giải pháp cho vấn đề, cần nhìn nhận khách quan các xu hướng sản xuất phim hiện nay. Hiện các hãng phim quốc doanh có xu hướng lấy ngắn nuôi dài là cùng với việc sản xuất phim truyện nhựa với số lượng hạn chế, sản xuất phim truyền hình dài tập được coi là cứu cánh, và vì thế nhiều nhân tài, vật lực của hãng phim đã được tập trung cho việc sản xuất phim truyền hình. Dù rất khó và đói, nhưng sẽ là tốt hơn nếu hãng phim chỉ chuyên sản xuất phim truyện nhựa.
Khi điện ảnh là sản phẩm văn hóa đặc biệt, nhiều phim của các hãng nhà nước vẫn được hỗ trợ sản xuất. Trong bối cảnh đó, có thể tham khảo việc các nhà làm phim Thái Lan nói về việc họ không được nhà nước hỗ trợ. Ai muốn làm phim thì nhà nước chỉ cho mượn 500.000 USD, nếu thu hồi được thì trả, nhưng làm xong thì bắt buộc phải công chiếu trong nước một tuần. Nhà nước không đánh thuế phim nội và tất cả các dịch vụ liên quan đến làm phim, nhưng đánh thuế rất cao phim nhập.
Không phải không có giải pháp cho sản xuất phim, nhất là với điện ảnh nhà nước. Theo đó, các hoạt động điện ảnh, trong đó có việc sản xuất phim, cũng liên quan tới chính sách vĩ mô, tức điện ảnh có được xem là lĩnh vực văn hóa mũi nhọn. Và để phát triển, điện ảnh quốc doanh hiện nay cần được chuyển đổi cơ chế một cách triệt để, tức thay bằng việc tồn tại ba cơ chế như hiện nay (công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên, sự nghiệp có thu) có thể chuyển tất cả sang doanh nghiệp. Đây đang là một xu hướng khả thi. Ngoài ra, xây dựng tập đoàn điện ảnh Việt Nam như cách mà Hàn Quốc, Trung Quốc đã làm, theo đó, công việc sản xuất phim phải gắn kết với hàng loạt hoạt động có tính chất thương mại khác… cũng là một trong những giải pháp có cơ sở thực tế.


Phát hành phim, xu hướng và giải pháp

Theo một thống kê vào tháng 5-2010, cả nước hiện có 107 cụm rạp, rạp chiếu phim, trong đó có 90 rạp thuộc sở hữu nhà nước, 17 cụm rạp thuộc các thành phần kinh tế khác. Điều đáng chú ý là toàn bộ các cụm rạp thuộc thành phần kinh tế ngoài nhà nước đều đầu tư ở thành phố lớn và người nghèo khó có điều kiện tiếp cận. Trong khi ở các địa phương, rạp chiếu phim lại liên tục được bán hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Hiện tại, có 13 tỉnh, thành không còn rạp chiếu phim...
Mặt khác, việc phát hành phim hiện nay đang khiến 70% địa bàn và 90% khán giả chưa tiếp cận hay được hưởng lợi từ hoạt động này. Với đa số địa phương, các rạp tồn tại èo uột, kinh doanh không hiệu quả. Nhiều tỉnh thành, rạp bị thu hồi, biến thành cao ốc, trung tâm thương mại, siêu thị... Với đồng bào miền núi, nông thôn, hải đảo,..., xem phim từ các đội chiếu bóng lưu động là cách hưởng thụ duy nhất. Theo thống kê, cả nước hiện còn khoảng 400 đội chiếu bóng lưu động, nhưng sau gần 40 năm kể từ khi ra đời, đội chiếu bóng lưu động vẫn không thay đổi, chưa được đầu tư tương xứng, nguồn phim được phân bổ về hàng năm rất ít. Và thường chỉ có dịp lễ tết, phim mới đến được với đồng bào vì kinh phí hoạt động hạn hẹp, không đủ tổ chức liên tục các chuyến chiếu lưu động.
Do phim giải trí vẫn là lựa chọn hàng đầu của các nhà sản xuất vì đảm bảo an toàn cho quá trình thu hồi vốn và phát sinh lãi, không ít đạo diễn đã nhận ra rằng việc sản xuất và phát hành phim nghệ thuật ở Việt Nam là một sự mạo hiểm, nhiều rủi ro. Tuy vậy, việc phát hành phim thuộc các thể loại đều có khó khăn riêng, điều đó cũng giải thích lý do doanh thu phòng vé thất bại của nhiều phim có đề tài truyền thống, kể cả những phim như Đừng đốt và dự đoán tới đây là Mùi cỏ cháy
Ở mảng phát hành, sự tràn ngập của các phim ngoại (nhất là dạng như Avatar) đã đẩy nhiều phim Việt Nam khỏi rạp chiếu. Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM, trung bình 2 tuần có một sản phẩm phim ngoại được nhập. Phim trong nước được sản xuất với giá trung bình 5 tỷ đồng, trong khi đó phim nước ngoài mua cao nhất cũng chỉ 50.000 USD (bằng 1/3). Đó chính là lý do thị trường phim Noel và dịp lễ luôn ngập tràn phim Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Không kể những phim nhựa chiếu tết, trước đó hàng loạt phim trong nước từng được nhắc đến nhiều đều gặp khó khăn trong việc phát hành tại Việt Nam. Một số phim được chiếu tại rạp Fafilm (TP.HCM), Trung tâm CPQG (Hà Nội); một số có được những buổi chiếu nhỏ lẻ và khiêm tốn tại phòng chiếu phim của Idecaf (cả Hà Nội và TP.HCM), cho dù là những phim được nhiều khán giả mong đợi.
Ngoài ra, cụm rạp liên doanh Diamond tại TP.HCM và Fafilm Việt Nam thỉnh thoảng cũng phát hành một số phim, tuy nhiên số lượng không đáng kể. Tuy vậy, dù số lượng phim nhập và phát hành đứng vị trí nhất nhì ở Việt Nam cũng khó trụ được ở thị trường giải trí vốn đầy bất trắc này. Tức có nguồn phim nhưng phải có hệ thống rạp trong tay thì mới đảm bảo sự tồn tại trong cả 3 khâu sản xuất, phát hành, chiếu bóng...
Dù có vẻ tách bạch, nhưng thời gian qua, hầu hết các nhà phát hành đều biết rằng họ phải liên kết để cùng tồn tại và phát triển. Các nhà phát hành phim ngoại đều có một giao ước ngầm trong việc sắp xếp phim ra rạp (nếu là phim lớn thì càng phải sắp xếp để tránh trùng thời điểm công chiếu, it nhất mỗi phim phải chênh nhau từ 1 - 2 tuần), các rạp có nhiệm vụ đưa phim của nhau vào cùng chiếu.
Đã nhiều năm nay, việc các nhà phát hành phim tư nhân tổ chức các chương trình tiếp thị, quảng cáo rầm rộ cho một bộ phim mới chuẩn bị ra rạp đã trở nên hết sức bình thường. Chiến dịch quảng bá phim trên các phương tiện truyền thông, những buổi ra mắt phim hoành tráng… giờ đây đang được đẩy lên ở mức cao hơn (đơn cử việc PR các phim Những nụ hôn rực rỡ, Để mai tính, Long ruồi, Hotboy nổi loạn…). Tính chuyên nghiệp của một đơn vị phát hành phim không chỉ là cách thức tổ chức, chiến lược tạo sức hút bằng những sự kiện, mà còn là sự đeo bám dai như đỉa và tìm mọi cách đẩy sự chú ý của một bộ phim tăng lên nếu nhà phát hành cảm nhận lượng khách bắt đầu giảm. Trong khi đó, hiện nay công nghệ phát hành phim nhà nước vẫn theo một công thức cũ (tổ chức mời báo chí xem phim, treo một số băng rôn trên đường phố, để tờ rơi tại phòng vé, nếu có thêm kinh phí thì quảng cáo truyền hình), cách thức quảng cáo, tiếp thị phim còn thiếu tính chuyên nghiệp…
Việc phát hành, tức đầu ra cho phim Việt Nam, hiện có sự va đập của rất nhiều mâu thuẫn, nhưng không phải không có giải pháp. Các nhà sản xuất nên chủ động tìm đầu ra ở chính cơ sở của mình. Học các đơn vị sản xuất phim tư nhân, các hãng phim nhà nước cần có bộ phận chuyên trách (bộ phận marketting) theo quy trình khép kín, từ khâu kịch bản đến sản xuất và phát hành.
Hiện nay, một trong những giải pháp cho phát hành phim nhà nước được nhiều ý kiến thống nhất, đó là nhà nước phải hỗ trợ phát hành, phải có quy định cụ thể tỷ lệ chi phí phát hành phim chiếm bao nhiêu % trong chi phí sản xuất phim. Nếu đã bỏ ra cả chục tỷ đồng cho sản xuất thì không có lý do không chỉ vài chục triệu đồng dành cho quảng cáo. Nhìn những bộ phim nước ngoài, phim tư nhân được chăm chút về phát hành, chắc hẳn các nhà làm phim Việt Nam phải thay đổi cách làm khi những tác phẩm điện ảnh được đầu tư nhiều tâm sức, tiền của mà không đến được với khán giả.
Ngoài ra, có thể đề xuất 9 giải pháp cụ thể:
Không phân biệt khi nhận phát hành. Có thực tế là một số nhà phát hành sẵn sàng phát hành phim Việt của các hãng khác, không phân biệt tư nhân hay nhà nước. Điều đó phải được ủng hộ. Đương nhiên trước khi phát hành một bộ phim Việt, họ sẽ làm việc rất kỹ với nhà sản xuất để có lợi nhất cho nhà sản xuất và bộ phim.
Cơ chế phát hành phim Việt theo lựa chọn của mình. Ngoài phát hành phim, một số nhà phát hành tư nhân còn là nhà nhập khẩu và nhà sản xuất phim tư nhân vào loại lớn nhất Việt Nam hiện nay. Như vậy, kế hoạch phát hành phim Việt do các hãng khác sản xuất với họ vừa là tình yêu với điện ảnh nước nhà vừa là công việc kinh doanh lâu dài, mang tính chiến lược.
Giải quyết tốt các mối liên hệ hữu cơ. Để phát hành tốt, cần tạo thói quen xem phim trong nước cho người Việt, sau đó là tăng nhu cầu sản xuất phim Việt trong giới làm phim, khiến thị phần phim được mở rộng dần lên. Tuy vậy, do thị trường phim trong nước hiện nay quá nhỏ, nên chưa thể nói đến cạnh tranh mà phải kết hợp để xây dựng trước.
Luôn tìm tòi các cách làm khác nhau và hiệu quả. Ngoài hình thức đợi phim sản xuất ra, có người đến chào bán phim rồi nhà phát hành mới lên kế hoạch phát hành như hiện nay, trong thời gian tới nhiều nhà phát hành chủ động hơn, có thêm nhiều hình thức khác nhau để chủ động khai thác phim ngày một nhiều và hiệu quả hơn.
Luôn lên kế hoạch phát hành sớm. Với một số phim, nhà phát hành lên kế hoạch phát hành từ trước ngày bấm máy. Nếu là công ty sản xuất phim kiêm nhà phát hành thì họ làm việc với nhiều đạo diễn càng tốt để sản xuất đa dạng các thể loại phim. Hiện một số nhà phát hành tư nhân đã có kế hoạch tổ chức phát hành và tiếp thị cho phim Việt của một số đối tác vào tết và hè năm 2012.
Sự nhất quán. Với việc mua lại phim để phát hành, một số nhà phát hành sẽ luôn đi theo hướng phim phải thu hút, hấp dẫn được khán giả nhưng với chất lượng cao. Nhiều phim đã sản xuất và cất kho của Việt Nam, chất lượng kỹ thuật quá kém, khó thích ứng với hệ thống kỹ thuật của các rạp hiện đại, chưa kể nội dung không hấp dẫn, sẽ rất khó tìm được nhà phát hành.
Giảm giá vé. Nhiều nhà phát hành sẽ không giảm giá vé xem phim Việt Nam trong hệ thống rạp của mình. Đó có thể là một quan điểm nghiêm túc về chất lượng và thương hiệu phim Việt. Nhưng với tình hình người Việt Nam chưa mấy mặn mà với phim Việt Nam như hiện nay, điều đó có thể dẫn đến tình trạng trống rạp và kéo theo hệ lụy là sự thua thiệt cho nhà phát hành.
Tùy vào sở thích và thu nhập. Những phim Việt Nam, một số nhà phát hành đã bán đúng giá vé rạp quy định mà vẫn thu hút khán giả. Những phim Việt sắp tới họ vẫn làm như vậy, giá vé là do rạp quyết định và họ không phân biệt phim trong nước hay nước ngoài. Tuy nhiên, khán giả có nhiều lựa chọn vì họ chiếu tại các hệ thống rạp với mức vé khác nhau (như Chơi vơi đã chiếu ở hai hệ thống rạp Hà Nội là Megastar với mức giá khá cao từ 50.000 - 80.000đ, nhưng cũng đồng thời chiếu tại Trung tâm CPQG với mức vé 30.000 - 40.000đ). Ở TP.HCM, phim chiếu tại 4 hệ thống rạp, tùy vào sở thích và thu nhập, khán giả vẫn có thể xem phim.


Nguyên tắc: đôi bên cùng có lợi. Việc phát hành phim trong nước trước mắt có thể gọi là chia sẻ khó khăn với các nhà làm phim, ủng hộ phim Việt, nhưng về lâu dài chính các nhà phát hành và nhà sản xuất phim sẽ cùng có lợi.

        Điện ảnh Việt Nam, với vai trò lịch sử trong từng giai đoạn phát triển, đang đi con đường của mình, nhưng con đường quan trọng nhất là đến được với khán giả. Muốn vậy, phải có phim hay. Bức tranh điện ảnh hôm nay, nhất là ở gam màu sức sống của điện ảnh tư nhân, khiến người ta nếu không lạc quan thì chẳng nên quá bi quan. Dù còn khó khăn, nhưng với không ít cách làm hay, mới và hiệu quả, những người làm điện ảnh vẫn có cơ sở tin rằng tới đây việc sản xuất, phát hành có nhiều đổi mới theo hướng tích cực, để phim Việt Nam đến được nhiều hơn với khán giả.

Nguồn: Tạp chí VHNT số 332, tháng 2-2012

2 nhận xét: