Nhân vật Ả đào: Từ cuộc sống đến thơ văn (Kỳ 7)
- Đoàn Anh Đào
a- Thế nhưng, giữa xã hội phong kiến hà khắc luật lệ và đầy rẫy định kiến, người ả đào không phải là không có tri âm. Nhiều tác giả tuy cũng là nhà nho nhưng lại thường đặt mình vào cương vị của người ả đào, từ đó hiểu và thông cảm với cuộc đời bạc mệnh của họ. Các tác phẩm tỏ nỗi thương cảm người ả đào xuất hiện lẻ tẻ ở một vài tác giả.
Tác giả Trần Tán Bình khi gặp cô đào Trang là em gái của một người bạn cũ, đã xót xa cho thân phận cô: “Vì đâu vương lấy nợ tài hoa/ Bắt luân lạc trời già âu cũng độc/ Cha án sát, anh thời Đốc học/ Nền đỉnh chung bỗng chốc hóa truân chuyên”(Tặng cô đầu Trang – Trần Tán Bình). Tác giả tỏ lòng thương người con gái “con nhà” đàng hoàng, gia giáo bỗng chốc trở thành con hát, chịu thân phận tủi nhục truân chuyên. Trong tác phẩm này đã xuất hiện những từ ngữ như “nợ tài hoa”, “luân lạc", “truân chuyên” dành mô tả đời sống, thân phận người ả đào; và thái độ tác giả, thay vì “đắc ý”, “say sưa”, “hú hí” là “sa nước mắt”, “lặng ngắt một hồi”, là buông lời cảm thán bất lực: “Đời người đến thế thời thôi/ Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi” (Tặng cô đầu Trang). Hay như Dương Tự Nhu, dan díu lắm, ăn chơi nhiều nhưng cũng có lúc dừng lại suy ngẫm, nhìn thấy nỗi tủi nhục của giai nhân vì tài sắc không được mấy người trân trọng, ông thở than: “Hỏi những lúc gió trăng, trăng gió/ Biết yêu hoa dễ có mấy người/ Than ôi sắc nước hương trời!” (Tặng cô đầu Phú). Dương Tự Nhu là tác giả sáng tác nhiều về nhân vật ả đào, với những tác phẩm như: Gặp cô đầu Khanh, Tặng cô đầu Văn, Tặng cô đầu Phú, Tặng cô đầu Kim..., nhưng hầu hết các bài hát nói của ông đề cập đến mối tình ả đào – khách chơi tri kỷ, gắn bó, mang phong thái đa tình, lụy tình là chủ yếu. Có lúc, ông cũng buông lời bỡn đùa các cô đào (Bỡn cô đầu Năm lấy anh hàng vải một ngày rồi lại bỏ), nhưng chúng tôi đồ rằng đây không phải là tinh thần chính trong các tác phẩm viết về ả đào của ông. Có thể nói những lời thương cảm hiếm hoi trong Tặng cô đầu Phú là điểm sáng nhân đạo trong thơ ông.
Ở tác giả Phạm Đình Hổ, cảm hứng thương cảm người ả đào xuất hiện liền mạch hơn, xâu nối trong một vài tác phẩm. Chúng tôi không nói đến những ghi chép của ông về người ả đào trong Vũ trung tùy bút hay Tang thương ngẫu lục, chúng tôi đang nói về tập thơ Đông Dã học ngôn thi tập. So với hai tác phẩm trên thì Đông Dã học ngôn thi tập không nổi tiếng bằng, nhưng đây lại là nơi tập trung tâm sự, cảm xúc, suy nghĩ của Phạm Đình Hổ nhiều hơn bất cứ tác phẩm nào khác. Chúng tôi tìm thấy trong đó nhiều bài thơ về thiếu nữ, ca nữ rất cảm xúc, chứng tỏ sự quan tâm của ông tới thân phận phụ nữ nói chung và ả đào nói riêng. Đông Dã học ngôn thi tập có hai bài thơ viết về người ca nữ, là bài Cựu ca cơ (Con hát xưa) và Tiểu ca cơ (Con hát nhỏ). Trong cả hai bài, ông đều thể hiện tấm lòng thấu hiểu cuộc đời bất hạnh của ả đào, thậm chí còn sâu sắc hơn cả người trong cuộc.
Đề dẫn vào bài Cựu ca cơ viết: “Lúc bấy giờ tôi đi thăm con gái, đường đi qua hồ Trúc Bạch, đang đi thấy có năm, sáu người đàn bà bàn luận với nhau về việc đời đổi thay. Tôi nấp bên gốc cây nghe chuyện. Nhân đó mà thành bài thơ” (26, tr.308). Tác giả không sáng tác trên chiếu đàn tiệc rượu, không nói đến cái thú phong lưu đàn hát say sưa, cũng không kể chuyện tình ái, ông nói đến cuộc đời của những ca nữ cuối thời Lê – Trịnh, vì những đổi thay quyền lực liên miên mà trở nên phiêu bạt: “Phủng trang cựu lệ Tuyên phi viện/ án phách tân truyền Lại bộ ca/ Tang hải kỷ hồi kinh nhập mộng/ Quần thoa vô kế mạn thùy ba” (Cung Tuyên phi ấy dâng khay/ Vì quan Lại bộ trổ tài cầm ca/ Bể dâu trong mộng xót xa/ Phận hèn cam chịu sóng xô gió đùa – Cựu ca cơ) và không quên đồng cảm với nỗi nhớ nhung về những ngày vàng son cũ. Sự quan tâm của ông không dừng lại ở đó. Thương người ca nữ xưa phải chịu cảnh phiêu bạt, nhưng ông còn xót xa hơn cho những ca nữ trẻ thơ ngây, chưa biết những tủi nhục ê chề của số kiếp ca nhi:
Cô bé mười hai đẹp nõn nà
Một mình uốn lượn múa rồi ca
Mày non mây thấm xanh mươn mướt
Gót ngọc hương theo dáng điệu đà
Bình sinh không hiểu tâm can khách
Chau chuốt còn lo vạt áo sa
Đường đời dằng dặc ai là kẻ
Cởi áo ngân điêu chuộc bé ra?
Tiểu ca cơ - Phạm Đình Hổ (Bản dịch thơ)
Ca nữ mười hai tuổi được miêu tả với những tính từ tươi
mới, duyên dáng, gợi lên vẻ đẹp yểu điệu, trong sáng và thơ ngây. Đây
có lẽ là một ca nữ mới vào nghề, chưa hiểu biết về những uẩn khúc tối
tăm trong lòng khách chơi, những cảnh ngộ bất hạnh éo le mà nàng sẽ gặp phải, nên mới mải mê “một mình uốn lượn múa rồi ca” và “chau chuốt còn lo vạt áo sa”. Tấm lòng thương cảm của tác giả bộc lộ rõ rệt qua câu thơ cuối: “Đường đời dằng dặc ai là kẻ/ Cởi áo ngân điêu chuộc bé ra?” Đó vừa là nỗi niềm băn khoăn mơ hồ, vừa là cảm giác bi quan cho số phận ca nữ. Tác giả xót
xa vì biết trước sự trong sáng tuyệt vời ấy rồi cũng sẽ bị dập vùi
trong bể khổ không người cứu vớt. Đó thật sự là tấm lòng thấu hiểu đến
tột cùng cảnh ngộ, thân phận của những người ả đào – kỹ nữ trong xã hội của Phạm Đình Hổ. b- Phải đến Nguyễn Du, tấm lòng đồng cảm với thân phận bạc mệnh và trân trọng tài năng của người ả đào mới trở thành mạch cảm hứng xuyên suốt hệ thống tác phẩm, trở thành chủ đề nổi bật nhất trong các trước tác mà ông để lại. Nguyễn Du tiếp xúc và mê say hát ả đào từ nhỏ, khi ông còn sống trong nhà anh cả là Nguyễn Khản. Trong một không gian gần gũi như vậy, Nguyễn Du chắc chắn không lạ lùng gì với đời sống, thân phận, tâm sự, tình cảm của những người ả đào này. Ngay mẹ ruột của ông, tuy không phải là một ả đào nhưng cũng xuất thân từ làng quan họ, và cuộc đời bà cũng có nhiều nét tương đồng với những ả đào – kỹ nữ thời đó. Càng lớn, tiếp xúc nhiều với cuộc sống, Nguyễn Du càng có cơ hội nhìn rộng và thấu hiểu thân phận của những người ả đào ngoài xã hội. Bài thơ Cảm cựu kiêm trình Cần chánh học sỹ Nguyễn hầu của nữ sỹ Hồ Xuân Hương hé lộ mối quan hệ thân thiết, thậm chí sâu nặng tình cảm của Nguyễn Du với bà - người được nghi vấn là một kỹ nữ thượng thặng. Trong những năm lánh nạn về quê cha ở chân núi Hồng Lĩnh, ông lại có cơ hội đi lại, quen biết với các phường hát nổi tiếng ở đây như phường hát Cổ Đạm. Các bài thơ về sau của ông như Long thành cầm giả ca, Điếu La thành ca giả càng cho chúng ta thấy những mối quan hệ gặp gỡ, tiếp xúc thường xuyên của Nguyễn Du với tầng lớp ả đào - kỹ nữ. Ông có lẽ cũng là một khách chơi nức tiếng, nhưng thay vì thể hiện nỗi say sưa, thú ăn chơi giống như các tác giả khác, ông lựa chọn con đường song hành cùng những uẩn khúc, đắng cay trong cuộc đời người ca nữ, dành phần lớn thời gian sáng tác về cuộc đời của họ và thể hiện niềm thương cảm, tiếng khóc xót xa của ông trước những thân phận ấy.
Thực ra, tác phẩm Nguyễn Du trực tiếp viết về người ả đào không nhiều. Có hai tác phẩm nổi bật hơn cả, đó là Long thành cầm giả ca và Điếu La thành ca giả. ở cả hai tác phẩm này, Nguyễn Du đều bộc lộ tấm lòng cảm thương vô hạn với cô Cầm và cô Nguyệt – hai người ca nữ xấu số. Giai thoại gắn với bài Điếu La thành ca giả được Vũ Ngọc Khánh kể lại trong Ba trăm năm lẻ như sau: “Nguyễn Du dã ghé Cổ Đạm nhiều lần, làm quen nhiều đào nương danh tiếng, trong số đó có nàng Nguyệt. (...) Cô Nguyệt không họ hàng thân thích gì với ông. Ông chỉ biết nàng trong một tiệc đàn ở Cổ Đạm. Cô gái ấy có giọng hát hay, sắc đẹp quyến rũ, một cuộc sống giang hồ trôi nổi nhưng vẫn giữ được phẩm chất. Con người ấy đã mất trong cảnh nghèo nàn khốn khó, không người chăm sóc giữa lúc ốm đau. (...) Nguyễn Du sang thôn Triều Khẩu, hỏi thăm và viếng nàng một bài thơ” [16, tr. 100, 119]. Bài thơ Nguyễn Du viếng cô Nguyệt chính là bài Điếu La thành ca giả:
Non bồng sa xuống một cành xinh
Sắc đẹp màu xuân nức sáu thành
Cõi thế ai thương người bạc mệnh
Dưới mồ riêng hứa kiếp phù sinh
Phấn son lúc sống chưa rồi nợ
Trăng gió đời sau luống để danh
ý hẳn trần gian không kẻ biết
Suối vàng làm bạn với Kỳ Khanh
Điếu La thành ca giả - Nguyễn Du (Bản dịch thơ)
Long thành cầm giả ca cũng ra đời trong một hoàn cảnh
đặc biệt không kém. Trong một lần quay trở lại thăm thành Thăng Long,
Nguyễn Du có tham dự một tiệc hát do các bạn ông tổ chức. Trong số những
ca nữ được mời đến giúp vui hôm đó, có một ca nữ đã già, sắc mặt vàng
võ, dáng người tiều tụy nhưng tiếng đàn thì khác lạ và tuyệt hay. Tiếng
đàn đặc biệt đó khiến Nguyễn Du để ý. Ông nhận ra người ca nữ chính là
cô Cầm – danh ca nổi tiếng một thời. Sự tiều tụy, sa sút của nàng khiến
Nguyễn Du cảm thương mà làm bài ca này. Phần nguyên dẫn trước khi vào tác phẩm, ông viết: “Tôi
không biết nàng là ai, nhưng nghe tiếng đàn thì dường như đã quen biết,
nên động lòng thương. Tiệc xong, hỏi thì chính là người trước kia đã
gặp. Than ôi! Người ấy sao đến nỗi thế! Tôi bồi hồi không yên, ngẩng lên
cúi xuống, ngậm ngùi cho cảnh xưa và nay. Người ta trong trăm năm, những vinh nhục buồn vui thường không lường được”
[Dẫn theo Vũ Ngọc Khánh, 16, tr. 151]. Trong tác phẩm, Nguyễn Du hết
lời ngợi ca tài đàn ca của cô Cầm, và thể hiện nỗi đau xót trước những
lưu lạc truân chuyên của nàng:
Trăm năm chớp mắt có gì đâu
Truyện cũ thương tâm nhỏ lệ sầu
Từ lánh về Nam đầu đã bạc
Giai nhân nhan sắc cũng phai màu
Long thành cầm giả ca – Nguyễn Du (Bản dịch thơ)Sự bất hạnh của giai nhân có thật. Nỗi thương cảm của thi nhân cũng là thực lòng. Theo như những giai thoại kể lại thì cả hai ca nữ này đều không thân thiết với Nguyễn Du, chỉ một hai lần gặp mặt, nhưng thi nhân lại thành thật nhỏ lệ khóc thương người mệnh bạc. Nỗi niềm thương cảm trong lòng Nguyễn Du là vô cùng lớn, được tích tụ qua bao nhiêu năm tháng chứng kiến sự bất hạnh của người ả đào trong xã hội, nên trước những thân phận cụ thể như cô Cầm, cô Nguyệt, ông mới xúc động buồn thương đến thế. Chúng ta có thể hiểu rằng thái độ của ông với hai người ca nữ này chính là thái độ đối với nhân vật ả đào nói chung.
Mặc dầu không có nhiều tác phẩm trực tiếp viết về ả đào, nhưng cảm hứng từ thân phận người ả đào lại kéo dài, xuyên suốt qua các tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Du như Văn tế thập loại chúng sinh và Đoạn trường tân thanh. Các nhân vật nữ xuất hiện trong thơ Nguyễn Du không mang danh tính ả đào, nhưng lại có nhiều nét tương đồng với người ả đào mà tiêu biểu là nhân vật Thúy Kiều và Đạm Tiên. Hai nhân vật này mang cái vỏ kỹ nữ Trung Hoa, nhưng tinh thần, cốt cách, đời sống, tâm sự, số phận thì không khác gì các ả đào Việt Nam thế kỷ XVIII – XIX. Tất nhiên, ở đây chúng ta phải xét đến yếu tố kỹ nữ Việt Nam và kỹ nữ Trung Quốc vốn có nhiều nét tương đồng trong nghề nghiệp và thân phận. Chính vì có nhiều điểm giống nhau mà Nguyễn Du đã chọn một tác phẩm của Trung Quốc để gửi gắm tấm lòng nhân đạo đối với các kỹ nữ Việt Nam.
Đạm Tiên xuất hiện trong Truyện Kiều không nhiều, nhưng bóng dáng bạc mệnh của nàng cứ đeo đuổi, ám ảnh và phản chiếu vào cuộc đời kỹ nữ của Thúy Kiều trong suốt tác phẩm. Chúng tôi nghĩ rằng để câu chuyện kết thúc có hậu, Nguyễn Du đã để Thúy Kiều sống và đoàn tụ cùng gia đình, nhưng nếu đi theo logic thực tế, Thúy Kiều đã chết trên sóng nước Tiền Đường. Bóng dáng Đạm Tiên đi theo Thúy Kiều trong tác phẩm có thể hiểu là hình ảnh ẩn dụ về linh hồn Thúy Kiều sau khi chết, là sự khắc họa toàn vẹn nỗi bất hạnh của người kỹ nữ trong cả hai thế giới sống và chết: “Sống làm vợ khắp người ta” nhưng “Hại thay thác xuống làm ma không chồng”. Nhưng câu thơ thương cảm trong tác phẩm, không kể xuất hiện ở ngữ cảnh nào, đều là dành chung cho kiếp kỹ nữ tài hoa mà mệnh bạc:
- Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
- Thương thay cũng một thân người
Khéo thay mang lấy sắc tài làm chi
- Nghĩ đời mà ngán cho đời
Tài tình chi lắm cho trời đất ghen
Truyện Kiều – Nguyễn Du
Sự trân trọng thương cảm
Nguyễn Du dành cho Đạm Tiên và Thúy Kiều là rất lớn. Ông ngợi ca hết
mực tài sắc của cô Cầm, cô Nguyệt, Đạm Tiên, Thúy Kiều. Ông là tác giả duy nhất nói lời minh oan, chiêu tuyết cho kỹ nữ bất chấp quan niệm Nho giáo. Trong Truyện Kiều, không ít lần Kiều được chiêu tuyết qua lời của Tam Hợp đạo cô (Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều/ Mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm/ Lấy tình thâm trả nghĩa thâm/ Bán mình đã động hiếu tâm đến trời), của Kim Trọng (Như nàng lấy hiếu làm trinh/ Bụi nào cho đục được mình ấy vay?). Tuy sinh sau Nguyễn Du nhưng Nguyễn Công Trứ lại giữ quan điểm hà khắc hơn nhiều: “Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa/ Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm” (Vịnh Thúy Kiều). Thúy Kiều là hình tượng kỹ nữ tiêu biểu nhất trong thơ Nguyễn Du, là nhân vật tập trung tất cả tinh hoa và thái độ trân trọng của nhà nho đối với những người ả đào
đang sống, đang đau đớn, bất hạnh trong xã hội. Chúng tôi muốn dừng lại
ở đây để đưa ra một so sánh. Như đã nói ở trên, những ả đào có công cũng được xã hội vinh danh và nhớ ơn. Nhiều nơi nhân dân còn lập đền thờ phụng, khói hương tứ mùa. Nhưng nhân dân
chỉ nhớ ơn một vài người trong số hàng trăm hàng ngàn kỹ nữ, còn thái
độ phổ biến của xã hội vẫn là coi khinh họ. Nguyễn Du không tỏ thái độ
vinh danh bề nổi, mà cảm thương cho số phận đa số kỹ nữ trong xã hội. Thái độ của nhân dân xuất phát từ sự nhớ ơn một vài cá nhân, không loại trừ việc gửi gắm khát vọng vươn lên tầng lớp trên của người nông dân, còn thái độ của Nguyễn Du rõ ràng xuất phát từ những chứng kiến thực tế, sự thấu hiểu hoàn cảnh, thân phận của kỹ nữ. Sau Truyện Kiều, cảm hứng về người kỹ nữ một lần nữa được nhắc lại trong Văn tế thập loại chúng sinh:
Cũng có kẻ lỡ làng một kiếp
Liều tuổi xuân buôn nguyệt bán hoa
Ngẩn ngơ khi đã về già
Ai chồng con tá, biết là cậy ai?
Sống đã chịu một đời phiền não
Thác lại nhờ hớp cháo lá đa
Đau đớn thay phận đàn bà
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?
Văn tế thập loại chúng sinh – Nguyễn Du
Không còn nghi ngờ gì nữa, Nguyễn Du là nhà nhân đạo
chủ nghĩa lớn nhất của văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII
cho đến hết thời kỳ văn học trung đại. Trong xã hội nam quyền phong
kiến, phụ nữ là những người chịu nhiều khổ nhục nhất, trong đó, người ả đào lại là những phụ nữ khổ nhục hơn cả. Nhưng bất chấp những định kiến xã hội và lập trường Nho giáo, Nguyễn Du vẫn thể hiện thái độ trân trọng tài năng và đồng cảm
tột cùng với nỗi đau khổ của người kỹ nữ, những người “sống đã chịu một
đời phiền não”, không người đoái thương, nương tựa. Trần Nho Thìn cho
rằng, triết lý tài mệnh tương đố trong Truyện Kiều chính là sự đúc kết những cảnh ngộ, thân phận người ả đào trong xã hội Việt Nam thời Nguyễn Du sống: “Triết lý nêu trong Truyện Kiều về tài mệnh tương đố hẳn bắt nguồn từ những quan sát và suy ngẫm lâu dài của Nguyễn Du về thân phận của người ả đào mà ông đã có dịp chứng kiến ngay trong gia đình mình rồi sau đó ông lại tiếp tục bắt gặp đây đó trên đường đời” [35, tr.146]. Nguyễn Du trở thành nhà nhân đạo
chủ nghĩa chính là bởi lý do này: ông đã vượt thoát ra khỏi tầm kiểm
soát tư tưởng của chính học thuyết mà mình theo đuổi để quan sát đời
sống thực tế, đồng điệu tâm hồn với những thân phận khổ đau bất hạnh
nhất trong xã hội. Ông nổi bật hơn các nhà nho khác chính ở điểm này. Có
thể thấy rằng Nguyễn Du thân là đại thần mệnh trọng của triều đình,
nhưng ông tự xếp mình vào hội tài tình, ngang hàng với những người phụ
nữ tài hoa mà yểu mệnh. Bởi thế mới có chuyện khóc nàng Tiểu Thanh nhưng
lại nghĩ đến mình: “Không biết ba trăm năm lẻ nữa/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như?” (Độc Tiểu Thanh ký). c- Sau Nguyễn Du, tinh thần nhân đạo này được kế thừa ở một số tác giả thời kỳ đầu thơ Mới như Tản Đà, Xuân Diệu, nhạt dần về sau có một số tác giả như Nguyễn Tuân, Trần Huyền Trân... Trong số những tác giả này, đáng chú ý có Tản Đà với một số tác phẩm như Cánh bèo, Hơn nhau một chén rượu mời, Thề non nước... ở Tản Đà, chúng ta vẫn còn tìm thấy hình ảnh của một nhà nho cuối mùa đã rơi rụng gần hết tư tưởng trung quân ái quốc nhưng mê nghe hát ả đào và giữ nhiều mối quan hệ liên lạc với các đào nương, giống như các nhà nho tiền bối. Ông vẫn giữ cho mình phong thái đa tình, lụy tình của người tài tử, với thái độ trân trọng giai nhân, bởi cho rằng giai nhân tài tử vốn cùng một giống nòi: “Hồng tụ thanh sam quân thi lệ” (ống tay áo đỏ (người đẹp) và vạt áo xanh (thư sinh) đều chứa nước mắt - Hơn nhau một chén rượu mời). Trong các tác phẩm viết về nhân vật ả đào, Tản Đà đều thể hiện tấm tình thương cảm và thấu hiểu. Đặc biệt, trong truyện ngắn Thề non nước, Tản Đà đã miêu tả được cảnh ả đào và khách chơi cùng xướng họa, làm thơ, rất tâm đắc với nhau về văn chương. Đây là chuyện khá phổ biến trong các cuộc hát ca trù nhưng ngoài Tản Đà ra, không ai nói đến.
Người ả đào tuy gợi lên sự thương cảm trong lòng thi nhân, nhưng trong hệ thống các tác phẩm của Tản Đà, nhân vật ả đào không chiếm vị trí quan trọng như trong hệ thống sáng tác của Nguyễn Du, hay nói cách khác cảm hứng về thân phận người ả đào không phải là cảm hứng chính trong các sáng tác của ông. Các tác phẩm viết về nhân vật ả đào không phải là bộ phận văn chương có giá trị của Tản Đà. Mạch cảm hứng thương cảm của Nguyễn Du về nhân vật ả đào – kỹ nữ, sau Tản Đà cũng không kéo dài. Họ chỉ tồn tại thêm một thời gian ngắn đầu thế kỷ XX, rồi sau đó biến mất. Có thể lý giải hiện tượng này bằng sự suy thoái của ca trù và sự biến chuyển của các ả đào thế hệ mới, cùng với sự suy tàn của Nho học và các nhà nho. Cuộc đời, thân phận của các ả đào cũng không còn là vấn đề thời sự. Càng đi sâu vào thế kỷ XX, xã hội càng bị hút theo các vấn đề mới hơn của người phụ nữ như tự do, giải phóng...; các nhà văn, nhà báo cũng để nhiều tâm sức hơn vào các vấn đề mới này. Sự nhạt dần rồi biến mất của nhân vật ả đào trong văn chương là một tất yếu của thời đại./.
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa