Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Nhạc trong phim - cuộc sống thứ hai của điện ảnh

Nhạc trong phim - cuộc sống thứ hai của điện ảnh
Thứ năm, 14 Tháng 8 2008 14:09 (GMT+7)
(TGĐA) - Những bộ phim ăn khách từ Oan hồn (Ghost), Titanic, NottingHill hay những bộ phim kinh điển như Giai điệu âm nhạc (The Sound of music) kéo theo sự lên ngôi của các ca khúc trong phim và album nhạc phim. Nhạc phim là con dao tác động kép vừa hỗ trợ vừa nâng cao tính trữ tình, cảm xúc của bộ phim, mà nhờ vào đó, sức mạnh lan tỏa của điện ảnh càng được hâm nóng, trẻ hóa, vươn xa hơn.
Titanic (1997) làm chấn động bản xếp hạng âm nhạc Billboard
Từ vai trò là yếu tố phụ trợ trong phim, nhạc phim dần được phát triển, nâng cao vị thế, gây ảnh hưởng lớn tới hiệu quả chung của bộ phim : yếu tố cơ bản của phim, hỗ trợ cảm xúc cho nhân vật/phim/khán giả, tạo dấu ấn không phai, đưa phim ảnh lại gần cuộc sống. Sự gắn kết giữa điện ảnh và âm nhạc bền chặt đến mức đạo diễn và nhà soạn nhạc phim trở thành êkíp : nhắc đến phim của Steven Spielberg thì người ta nhớ ngay đến John Williams, còn phim của Hitchcock không thể thiếu bàn tay của ông trùm âm thanh kinh dị - Bernard Herman. Thành công của bộ phim là đòn bẩy cho sức tiêu thụ mạnh của album nhạc phim. Nhờ có điện ảnh, nhạc phim có dịp toả sáng, đánh bóng những tên tuổi âm nhạc mới hay những “cựu binh” vang bóng một thời. Phim Oan hồn (1990)thành công kéo theo bản nhạc bất hủ Giai điệu được giải phóng (Unchained Melody) của anh em Righteous Brother lên quán quân ở bảng xếp hạng âm nhạc. Quả bom tấn doanh thu 2 tỉ đôla Titanic (1997) làm chấn động bản xếp hạng âm nhạc Billboard bằng album nhạc phim và “dọn cỗ” cho nữ danh ca Canada - Celine Dion bán hàng triệu đĩa đơn Trái tim vẫn xao động (My heart will go on), một bản ballad đẹp - ca khúc chính của phim. Cùng với kĩ thuật âm thanh hiện đại, phát triển (âm thanh nổi Digital Surround, AC3Digital, kĩ thuật hoà âm phối khí tối tân (mixing, engineering), nhạc phim được khai thác, phát huy thế mạnh tối đa trong phim như một xu thế tất yếu trong công nghiệp điện ảnh hiện đại. Đó là yếu tố nghệ thuật, đồng thời là yếu tố thương mại, thu hút khán giả đối với bộ phim.
 Phân loại nhạc trong phim

Nhạc trong phim có thể tạm chia làm 3 loại như dưới đây

1) Overture/Intermission/Entr’acte và Exit Music

Đó là những bản nhạc dạo đầu, viết cho dàn nhạc giao hưởng, được chia thành các chương : Mở đầu - Nghỉ giữa giờ - Tiếp nối và Kết thúc, được lồng ghép khớp với bố cục phim. Những tác phẩm hoành tráng có độ dài trên 180 phút thường không thể thiếu cấu trúc này. Trong những phim kinh điển như Cuốn theo chiều gió(1939), Lawrence ở xứ Arập(1962), Bác sĩ Zhivago(1965), 10 điều răn của Chúa(1956), nhạc dạo đầu và kết thúc là yếu tố góp phần tạo nên sự hoành tráng, công phu, tỉ mỉ của một tác phầm đồ sộ. Đặc biệt trong Lawrence ỏ xứ Arập (đạo diễn David Lean), khi đoạn nhạc Overture nổi lên, màn hình vẫn kín đặc bởi một màu đen, tiếng nhạc Overture mạnh, dồn dập, gấp gáp gợi nên sự tò mò, kịch tính hấp dẫn bộ phim. Nếu phần mở được viết với âm hưởng khai mạc, thì phần kết được viết với sự cô đọng nhất, thư giãn nhất như âm hưởng đọng lại của một bộ phim. Đó là thời gian để người xem hồi tưởng, suy ngẫm về bộ phim vừa thưởng thức.

2) Nhạc nền (Theme) và nhạc phim (score)
Nhạc nền là những giai điệu không lời, mang tính chủ đạo của nhạc trong phim, được thai nghén sau khi các nhà soạn nhạc nền nắm bắt ý tưởng nghệ thuật của đạo diễn, bám sát nội dung, chủ đề, cảm xúc chính của phim. Những tác phẩm nhạc nền xuất sắc có thể kể tên trong các phim : Xa mãi Châu Phi (1985), Chuyện tình (1970), Người đưa thư (Il Postino) (1995), Rạp chiếu bóng Paradiso Cinema Paradiso-1989. Nhạc phim là những đoạn nhạc không lời, thời lượng ngắn hơn, không có tính chủ đề, khái quát cao như nhạc nền, điểm xuyết cho một phần bộ phim, chúng góp phần tô vẽ, hỗ trợ cho kịch tính, tâm trạng, cảm xúc nhân vật lên cao độ mong muốn (đặc biệt trong những phim tình cảm hiện đại như Notting Hill(1998). Nếu nhạc nền là cột sống, thì nhạc phim chỉ là những xương sườn. Cũng có thể hiểu nhạc nền  là một nhạc phim chính, cốt yếu nhất, chủ đạo nhất của nhạc trong phim.)

3) Ca khúc trong phim

Nếu như nhạc nền/nhạc phim tô điểm cho cảm xúc, kịch tính của phim thì ca khúc trong phim chính là cảm xúc cất tiếng hát bằng ngôn từ đẹp nhất. Vẻ đẹp của ca từ trong ca khúc thực sự làm nên chuyện, một nét đẹp của phim để người xem hoàn toàn hoà nhập với bộ phim, với trạng thái của nhân vật. Một bộ phim hay có thêm 1 bài hát hay thì không có gì bàn cãi về sự yêu mến, thích thú của khán giả dành cho phim đó. Những Em có cảm thấy tình yêu đêm nay (Can You feel the love tonight) trong phim Vua Sư Tử(1994), Khi anh tin (When you believe) trong phim Hoàng tử Ai Cập(1998), Em phải yêu anh (You must love me) trong phim Evita(1996), Come what may trong Cối xay gió đỏ (2001) là món quà bất ngờ mà những bộ phim tặng cho khán giả dễ nghe nhưng không dễ quên.
Hiệu quả của nhạc phim đối với bộ phim

1) Yếu tố cốt lõi của phim
Trong phim âm nhạc, chắc chắn không thể thiếu nhạc phim. Nhạc phim (bao gồm cả nhạc nền, ca khúc trong phim) giữ vai trò xương sống, yếu tố để nhận dạng thể loại phim ca nhạc với những thể loại  khác. Tỉ lệ trung bình giữa thời lượng các nhân vật hát và nói là 1:1, (nhạc phim có phần nhỉnh hơn). Do vậy, không có gì có thể quan trọng hơn chất liệu âm nhạc trong thể loại phim này. Âm nhạc hay phải luôn đi kèm với phương thức sử dụng hợp lí, tính toán kĩ của người đạo diễn, biên kịch phim để đạt hiệu quả thể hiện như mong muốn. Lấy ví dụ trong phim ca nhạc thành công Đêm của một ngày nặng nhọc (A hard day’s night –1964) với sự tham gia của ban nhạc huyền thoại Beatles - diễn viên chính của phim. Nội dung phim rất đơn giản, kể về một ngày bình thường trong cuộc sống của 4 “con bọ” John Lennon, Paul McCartney, George Harrison và Ringo Starr. Bộ phim thực chất là cuốn phim tài liệu nói về một ngày làm việc của nhóm nhạc huyền thoại, gồm các video clip ca nhạc liên kết khá mạch lạc. Âm nhạc trong phim được sử dụng gần như trọn vẹn album nhạc cùng tên của nhóm, được lồng ghép ăn nhập, tài tình vào những cảnh ban nhạc ở quán rượu, trên sàn diễn, trong studio. Thành công bộ phim chủ yếu dựa trên album nhạc Đêm của một ngày nặng nhọc và thời điểm bộ tứ được hâm mộ cuồng nhiệt ở 2 bên bờ Đại Tây Dương. Ông bầu George Martin khai thác triệt để khả năng của “những con gà đẻ trứng vàng” bằng cuộc dạo chơi lí thú trong điện ảnh. Điều đáng bàn ở bộ phim này không phải là kịch bản, quay phim, hoá trang mà chính là album nhạc phim. Album này ra đời  năm 1964, bao gồm 13 sáng tác của nhóm mà không phải vay mượn của những tác giả khác như những album trước. Chất liệu âm nhạc trẻ, giản dị, mang đậm “hơi thở” Beatles, thêm vào đó hình ảnh “những cậu bé vàng” trên và sau sàn diễn, làm các fan hâm mộ mê mệt, không rời mắt khỏi màn hình. Âm nhạc trong phim là yếu tố cốt lõi của phim, lôi cuốn khán giả đến rạp, là chìa khoá cho thành công của bộ phim thương mại này. Giới phê bình luôn đánh giá album soundtrack này là album nhạc phim hay nhất mọi thời đại.

2) Sự minh hoạ tâm trạng nhân vật bằng âm nhạc

Vai trò của nhạc phim trở nên khá thiết yếu trong những phim không có nội dung, kịch bản ngắn hay ít thoại. Ngôn ngữ của âm nhạc được sử dụng tinh tế, phù hợp sẽ thay thế được lời thoại trong phim. Trong trường hợp này, nhạc phim trở thành tiếng nói thứ hai của nhân vật, là cách thức minh hoạ tâm trạng nhân vật bằng âm nhạc của người đạo diễn. Một trong những đạo diễn tài tình lồng nhạc trong phim là đến Vương Gia Vệ. Trong “Tâm trạng đang yêu”(2000), nhạc phim là tâm trạng câm lặng trở nên biết nói của nhân vật. Tiếng violon buồn da diết như xoắn lấy hết bước đi, lấp đầy tâm trạng trống trải của Lizhen khi cô đi mua đồ ăn, cô lập nhân vật với cuộc sống thực. Vương Gia Vệ sử dụng nhạc phim cực kì nhịp nhàng, khớp với tâm trạng của nhân vật trong những nấc thang tình cảm khác nhau. Những lúc thăng, trầm và buồn đặc biệt là những giây phút không nói, âm nhạc trở thành ngôn từ vẽ nên tâm trạng nhân vật trong những khoảng khắc lặng câm. Kết thúc phim là đoạn nhạc buồn “xót ruột gan”, như chạm khắc nỗi buồn bất tận vào không gian chật hẹp của phim (đúng như tâm trạng người đàn ông không dám thổ lộ tình cảm của mình). Trong Năm 2046 (2004), óc thẩm mĩ sắc bén của Vương vẫn đi sâu vào khai thác thế mạnh nhạc phim của mình. Nhạc trong phim có giai điệu mơ màng, đượm buồn nhưng rất trữ tình và sâu lắng. Tính chất nhạc phim sử dụng phù hợp với tính chất phim hiện thực/ viễn tưởng/ tình cảm, có sự giao thoa mạnh giữa 3 thì : quá khứ, hiện tại và tương lai (nhưng vẫn man mác luyến tiếc quá khứ). Bộ phim này(có thể coi là phần 2 của Tâm trạng đang yêu), tương đối khó xem, khó hiểu, nhưng nhạc phim rất trữ tình, dễ nghe, thông qua nhạc phim có thể hiểu phần nào tâm trạng nhân vật và tổng thể của phim.
3) Hỗ trợ cảm xúc cho khản giả

Khán giả xem phim đồng nghĩa với việc chăm chú theo dõi đời sống nhân vật (bởi nhân vật là trung tâm của cuốn phim). Đời sống nhân vật có nhiều trúc trắc, nhiều diễn biến, nhiều trạng thái cảm xúc thì mới tạo ra sức hấp dẫn khán giả. Tuy nhiên, giữa khán giả và nhân vật luôn tồn tại một khoảng cách vô hình bởi hình ảnh/yếu tố thị giác đôi khi không thể truyền tải trọn vẹn lưu lượng cảm xúc của nhân vật. Vai trò của nhạc phim trong trường hợp này là thu hẹp khoảng cách giữa khán giả và phim, hỗ trợ cảm xúc cho khán giả. Nhờ bổ sung thêm chất liệu âm nhạc, đời sống nhân vật nói chung và trạng thái cảm xúc nói riêng trở nên sống động hơn, sâu hơn, hiện thực hơn. Do vậy, lực dính giữa phim và khán giả sẽ tăng lên nhanh chóng. Rạp chiếu bóng Paradiso là một phim tình cảm/ lãng mạn để lại nhiều cảm xúc trong khán giả. Thử tưởng tượng cảnh chàng trai Salvatore đợi chờ cô gái trong mưa, cảnh 2 người dạo chơi trên cánh đồng, hôn nhau trong mưa sẽ nhạt, khô cứng ra sao nếu thiếu những giai điệu “có hồn” của nhà soạn nhạc Ennio Morricone ? Nhạc phim hỗ trợ dư cảm xúc cho nhân vật, tô điểm màu sắc lãng mạn, cổ điển cho tình yêu của nhân vật chính, đồng thời là nhân tố trung gian giúp khán giả hiểu thấu nội tâm nhân vật. Vẫn là cảnh đời chờ, nhưng trong khung cảnh thôn dã hơn, một cô gái đang đợi chờ một thầy giáo làng trong phim Đường về nhà(2000) của Trương Nghệ Mưu. Nhạc phim sử dụng như phép ẩn dụ, đó là cảm xúc của nhân vật, ẩn nấp trong sự chờ đợi của cô gái và bừng sáng trong hạnh phúc khi cô gái gặp được thầy giáo làng. Nụ cười khiến khuôn mặt cô tươi tắn, rạng rỡ hơn bao giờ hết khi gặp mặt người mình đem lòng yêu mến. Bộ phim mộc mạc trở nên rực rỡ hơn khi khoác trên mình một giai điệu êm dịu và mang đậm “chất quê”. Nhạc phim đã tăng cường cảm xúc cho ba đối tượng : nhân vật, phim và khán giả, biến nét đẹp trong cảm xúc nhân vật trở thành vẻ đẹp chung của phim - một chuyện tình trong sáng, lãng mạn và thuần khiết. Khán giả không quá khó khăn để cảm thụ một cốt truyện giản dị và cách dựng phim tinh tế của đạo diễn.
4)  Dấu ấn không quên của bộ phim
Bên cạnh việc xây dựng, tìm kiếm những khuôn hình đẹp, nhiều đạo diễn tìm cách khai thác những bản nhạc hay, ấn tượng để tạo dấu ấn không quên trong khán giả. Ai đã từng xem bộ phim Bác sĩ Zhivago (1965) thì không thể không yêu mến bản nhạc tình có một không hai của nhà soạn nhạc Maurice Jarre. Trên màn ảnh, trong khoảng khắc đẹp của phim, tuyết trắng dần tan, nhân vật Zhivago theo dõi khung cảnh mùa xuân ấm áp tràn đến, cánh đồng hoa vàng rực rỡ trong ánh nắng mùa xuân và giai điệu của bản nhạc nhẹ nhàng vang lên. Tiếng đàn tumbalaika trong bản nhạc Chủ đề của Lara (Lara’s Theme) ngân nga, reo vui  khi đôi tình nhân đi về bên nhau trong hạnh phúc, hoà mình trong khung cảnh nông thôn hoang dã. Nhạc phim là điểm nhấn thực sự cho tình yêu giữa Zhivago và Laura, bay bổng, gài cảm xúc vào trong khán giả rất nhanh chóng. Hay Bữa sáng ở Tiffany (1961), đừng tìm cách xoá đi hình ảnh cô gái Holly (Audrey Hepburn) ôm đàn ghita, ngồi trên cửa sổ hát “Sông trăng” (Moon River) trong đầu bạn. Nhân vật chính đẹp từ phục trang đến diễn xuất, kết hợp với một giai điệu nhạc phim ấm áp, ca từ trau chuốt đã biến bài hát trở thành phim. Nhắc đến bộ phim, khán giả phải nhớ ngay đến bài hát có giai điệu classic mượt mà. Ca khúc xuất sắc này còn được khai thác, làm mới lại trong bộ phim hiện đại như Giáo dục tồi tệ (2004) của Almodovar. Làm sao có thể lãng phí  kho tài nguyên cảm xúc quý giá như Sông trăng ? Lấy một ví dụ khác, trong Phù thuỷ xứ OZ (1939), ca khúc trong phim Bên trên cầu vồng(Over the rainbow) là ca khúc được giới phê bình chọn là ca khúc hay nhất trong phim của lịch sử điện ảnh. Giai điệu jazz ngọt ngào vẫn được chắt lọc, âm vang trở lại trong những phim hài/ lãng mạn hiện đại như Bạn có thư(1997) hay 50 cái hẹn đầu tiên (2004). Điều này chứng tỏ những bản nhạc phim, ca khúc kinh điển trong phim không bao giờ đánh mất chỗ đứng vững trãi trong lòng khán giả. Khán giả nhớ đến ca khúc, đồng thời nhớ ngay về bộ phim nguyên thủy mà ca khúc được dính kết.

Không bó hẹp ở thể loại phim tình cảm, thể loại phim hành động/ phiêu lưu/ cao bồi miền Tây cũng sở hữu những bản nhạc phim ấn tượng không kém. Trong Thiện, Ác, Tà(The Good, The Bad, The Ugly - 1970)của đạo diễn Sergio Leon, cũng có một bản nhạc không lời rất ấn tượng, không thể nào quên. Âm thanh độc đáo, lạ lẫm, hoang dã vang lên, rất ăn nhập với một phim cao bồi Spaghetti kiệm lời, với lối quay tập trung cận. Một ví dụ khác như Những cuộc phiêu lưu của Indiana Jones (1981,1984,1989)- chùm phim phiêu lưu 3 tập của Steven Spielberg, nhạc phim gắn liền với những kì tích của tiến sĩ khảo cổ học Jones. Âm thanh giòn giã gắn chặt với nhân vật, thành quả khám phá của anh ta, đã trở thành nhạc hiệu của phim. Nhạc phim trở thành logo “tiếng” của phim, báo hiệu cho sự xuất hiện của nhân vật và cả bộ phim Indiana Jones.


4) Gia vị không thể thiếu của kịch tính

Chuỗi diễn biến của kịch tính có thể coi là món đặc biệt trong bữa tiệc hình ảnh & âm thanh đạo diễn dành tặng cho khán giả vì tính bất ngờ, sự đẹp mắt (kết quả tất yếu của sự phát triển mâu thuẫn bên trong nhân vật và thế giới xung quanh). Thường những món đặc biệt phải sử dụng những gia vị độc đáo, kích thích trực giác của người xem từ thích thú đến  khó quên. Nhạc phim là lựa chọn số 1 để tạo ra sức hút nam châm đó, lôi cuốn khán giả đến đỉnh điểm. Trở lại đầu thập niên 60, để cùng khám phá tại sao bộ phim Tâm thần hoảng loạn ( Psycho-1960) của Hitchcock được bình chọn là ấn phẩm kinh dị xuất sắc nhất của mọi thời đại. Hãy nhớ lại cảnh khi nạn nhân nữ (Janet Leigh đóng) bị sát hại trong buồng tắm, sự xuất sắc trong nghệ thuật thể hiện, chỉ đạo máy quay, ánh sáng thì không có gì phải bàn (tạo nên hình ảnh hung thủ rất mờ ảo, bí ẩn và đặc tả cái chết của nạn nhân rất ấn tượng). Nhưng điều đáng nói là nếu thiếu thứ gia vị “Nhạc phim Kinh dị” của phù thuỷ âm thanh Bernard Herman thì kịch tính có hấp dẫn như vậy không ? Thứ âm thanh kì bí, nghe rùng rợn, hồi hộp đến thót tim, làm người xem phải sởn gai ốc vì sự mau lẹ và bí hiểm của tên sát nhân, kèm thêm tâm lí tò mò của khán giả về kịch tính sắp xảy đến. Nhạc phim là chất xúc tác đặc biệt cho diễn biến của kịch tính, tăng thêm vị hấp dẫn của phim đối với khán giả. Âm thanh của nhạc phim làm gia tăng nỗi sợ hãi bản năng của con người, biến ảo tưởng trở thành thực tế. Kịch tính “nút” tiếp tục xảy ra khi nhân vật thám tử truy tìm nạn nhân bị giết. Từng bước chân lên cầu thang giẫm lên trên thứ âm nhạc “ớn lạnh” làm khán giả dễ dàng cảm nhận được sự sợ hãi ẩn chứa trong từng bước chân. Không phải chờ đợi nhiều, án mạng đã xảy ra tức thì, kẻ sát nhân lộ diện bằng con dao đâm thám tử ngã xuống cầu thang và chính âm nhạc rờn rợn của Herman là lưỡi dao thứ hai đâm trượt tim khán giả đang nhảy múa trong nỗi sợ. Hiển nhiên, đầu óc tính toán của “ông trùm kinh dị” không thể bỏ qua một yếu tố quan trọng như nhạc phim để thổi bùng nỗi sợ hãi người xem đến tột đỉnh. Nhạc phim là thứ gia vị đặc biệt, kích thích trực giác của người xem một cách độc đáo, thú vị và bất ngờ.
 

5) Đưa điện ảnh tới gần cuộc sống thực

Bạn hãy thử lắng nghe  Soundtrack nhạc phim Giai điệu âm nhạc (Đứng thứ 2 trong danh sách 100 album nhạc phim xuất sắc nhất mọi thời đại). Nếu chưa xem phim, bạn chỉ cảm nhận nhạc trong phim rất đỗi bình thường, giai điệu vui tươi, nhí nhảnh, hay nhưng chưa thực sự lôi cuốn. Khi đã thưởng thức cuốn phim rồi, bạn sẽ nhận thấy khác hẳn. Trong đầu bạn, hình ảnh cô quản gia Maria say mê âm nhạc dần hiện lên, cô đi xe đạp, dạo chơi, dẫn đường cho lũ trẻ, dạy chúng hát, dạy những nốt nhạc căn bản. Hình ảnh ấm áp, vui tươi của hạnh phúc gia đình trong cuốn phim đã đem đến sinh khí mới, cuộc sống thực cho bài hát và cho cả album nhạc phim. Vẻ đẹp của nhạc phim được cảm nhận chi tiết, tinh tế, thâm thúy hơn. Rõ ràng, hai yếu tố hình ảnh và âm thanh có thể tồn tại độc lập nhưng sự kết hợp của chúng đã tạo nên một chỉnh thể thống nhất, hoà hợp và hoàn chỉnh. Đó là mối quan hệ biện chứng. Điện ảnh trở nên đẹp hơn, giàu cảm xúc hơn, đa chiều hơn nhờ âm nhạc và âm nhạc trở nên sinh động hơn, tượng hình hơn nhờ sự minh hoạ thị giác của điện ảnh. Điện ảnh tiến lại gần hơn với cuộc sống thực mà không bắt người xem dán mắt vào màn hình nữa. Nhạc phim đã đánh thức giác quan cảm nhận của khán giả bằng thính giác, để não bộ họ hình dung, tái tạo những thước phim xuất sắc, làm nền, nổi bật cho những giai điệu du dương nhất. Đó chính là cuộc sống thứ hai của phim ảnh, một cuộc sống hạnh phúc đưa phim ảnh tiến lại gần hơn với thực tế. 

Lời kết

Nhạc trong phim là yếu tố không thể bỏ qua và xem nhẹ trong nền công nghiệp điện ảnh hiện đại. Nhạc phim hỗ trợ, nâng cao, kết dính chặt với nhân vật, trạng thái tình cảm, bộ phim/ khán giả. Tựu chung, nhạc phim là mắt xích góp phần đưa điện ảnh tiến tới gần cuộc sống thực, để sự thích thú của khán giả gắn chặt với hai yếu tố : hình ảnh và âm thanh.

1 nhận xét:

  1. Một bộ phim chưa có nhạc thì mới hoàn thành được 50% mà thôi

    Trả lờiXóa