NGHIÊN CỨU, LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH ĐIỆN ẢNH TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Một nền
điện ảnh phát triển toàn diện thừa nhận vai trò và sự tồn tại cần thiết
của công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình với tư cách là cầu nối quan
trọng giữa khâu sáng tác với công chúng. Một nền công nghiệp điện ảnh có thể đạt tới một số thành tựu về nghề
nghiệp, doanh thu, gây tiếng vang và thu hút công chúng nếu không được
định hướng bởi công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình đích thực và
chuyên nghiệp thì sớm muộn cũng đi vào ngõ cụt. Lịch sử nền sản xuất
công nghiệp điện ảnh nổi tiếng Hollywood cho thấy rất rõ quy luật này.
Về chức
năng, nhiệm vụ cũng như định dạng của chuyên ngành nghiên cứu, lý luận,
phê bình trong tình hình chung của điện ảnh nước ta hiện nay, chúng tôi
xin lạm bàn như sau.
Nếu xét kỹ, chuỗi thuật ngữ quen thuộc được nhiều nhà báo, nhà phê bình phim sử dụng trong các bài viết, thực ra có một lôgíc
của nó. Chẳng hạn, người ta không thể tùy tiện đảo ngược thuật ngữ
thành lý luận, phê bình, nghiên cứu, vì như vậy sẽ không có nghĩa và
hoàn toàn đi ngược với quy trình của tư duy, thao tác khoa học. Ngay
trong Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội và Trường Đại học Sân
khấu - Điện ảnh TP.HCM cũng định danh khoa chuyên ngành nghiên cứu, lý luận, phê bình điện ảnh.
Sinh viên trong khoa được cung cấp chương trình học gồm các chuyên
ngành chế tác điện ảnh như công tác đạo diễn, diễn xuất - hình thể, nghệ
thuật quay phim, biên kịch, biên tập phim, thiết kế mỹ thuật điện ảnh, âm nhạc trong phim…; các giáo trình cơ sở về mỹ
học, lý luận văn học, xã hội học, lịch sử văn minh thế giới, lịch sử
điện ảnh Việt Nam, lịch sử điện ảnh thế giới ( liên tục trong 4 học kỳ)
và 2 chuyên ngành riêng là phân tích phim (môn cung cấp kỹ năng) và lý luận điện ảnh (trang bị lý thuyết, cơ sở phương pháp luận về điện ảnh). Như vậy, về tổng thể, sinh viên được trang bị bề rộng kiến thức các ngành lẫn chiều sâu về phương pháp, kỹ năng làm nghề… Trên lý thuyết thì sinh viên khi ra trường sẽ vừa là một nhà khoa học trẻ có kiến thức chuyên sâu về khoa
học điện ảnh (điện ảnh học), vừa có năng lực sử dụng lý thuyết ấy để
nhận định, phân tích, lý giải các hiện tượng có liên quan đến điện ảnh.
Ngoài ra, sinh viên cũng có khả năng kỹ năng, phân tích sâu, đánh giá và
thẩm định được trọn vẹn các giá trị nội dung và hình thức của một tác phẩm điện ảnh.
Thực tế cho thấy, nhu cầu đào tạo của khoa không nhiều, cách vài 3 năm mới tuyển sinh, số lượng
trên dưới 10 sinh viên. Gần đây Trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM tổ chức
thi tốt nghiệp cho 2 khóa lý luận phê bình điện ảnh và sân khấu với
tổng số hơn 10 cử nhân (điện ảnh có 3, 4 người) với chất lượng đầu ra khá cao. Tuy nhiên, do đặc thù về lĩnh vực đào tạo nên sinh viên ra trường vẫn khó phát huy được khả năng của mình. Số theo đuổi và tồn tại được với nghề còn ít ỏi. Thành tựu cũng khiêm tốn. Có trường hợp bỏ nghề sớm hoặc trở nên nghiệp dư hóa sau một thời
gian ngắn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó có môi
trường xã hội, định hướng giá trị nghề nghiệp và quan trọng hơn cả là
thiếu ý thức rõ về nghề. Bản thân người sinh viên còn lúng túng ngay cả khi cần lý giải về công việc mà mình theo đuổi. Nhiều bạn cho rằng phải xem nhiều phim, viết bài đều
đặn là đủ để có kỹ năng làm nghề và trưởng thành dần trong môi trường
công tác. Vì nhận thức đơn giản như thế nên họ dễ vấp phải những lực cản
và thách thức của cạnh tranh xã hội. Ngoài ra, xã hội Việt Nam vẫn bảo
lưu những ứng xử theo lối biết điều, biết người, biết ta, kính trên, nhường dưới theo phép tắc và trật tự của chữ lễ. Một môi trường mà học thuật không phải là giá trị tối cao trong tranh luận để tìm kiếm chân lý, thì việc bỏ nghề rẽ sang một hướng khác là rất dễ hiểu và phổ biến.
Tất nhiên, một sinh
viên nếu chịu khó tích lũy và hoàn thành luận văn tốt nghiệp vào loại
khá trở lên, nếu phải “rẽ ngang” vì hoàn cảnh, theo tôi cũng đủ năng lực
để trở thành một nhà báo phê bình và sống được với nghề, dù trong tương lai chắc chắn không thể trở thành một chuyên gia điện ảnh đúng nghĩa. Mọi vấn đề và
nguyên nhân, xét đến cùng, vẫn là ở bản thân mỗi sinh viên, sao cho có
đủ ý chí và lòng đam mê nghề nghiệp để hoàn thiện dần cả 3 khâu - 3 lĩnh
vực: chắc về nghiên cứu cơ bản; giỏi về lý thuyết lẫn thực tiễn thông qua việc vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo các công cụ lý luận và nhanh nhạy trong phát hiện vấn đề,
có khả năng giải mã tốt các hiện tượng phức tạp của điện ảnh trên bình
diện xã hội học, xã hội học nghệ thuật, tâm lý học, truyền thông đa
phương tiện…
Về nguyên
tắc, 3 khâu nghiên cứu, lý luận và phê bình tuy có vai trò riêng rẽ
nhưng lại luôn hỗ trợ, bổ sung chức năng cho nhau. Các hoạt động thực
tiễn của điện ảnh đòi hỏi phải được đúc kết và rút ra những bài học kinh
nghiệm. Dần dà đúc kết này được hệ thống hóa, văn bản hóa để trở thành
những dòng sự kiện chứa đựng các quy luật phát triển, giúp ích cho việc
định hướng bước đi trong tương lai. Như vậy, khởi đầu của mọi nền nghiên
cứu, lý luận và phê bình đều
phải dựa trên bề dày thành tựu nghiên cứu học thuật mà bước đầu tiên là
viết, biên soạn lịch sử ở nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau về điện ảnh.
Ở
khu vực bán chuyên nghiệp, công tác này có phương thức vận hành riêng
của nó với muôn vàn biến thể. Đây là lực lượng đến từ nhiều nguồn khác
nhau, có xuất phát điểm khác nhau và lực lượng đầy đặn hơn hẳn số chuyên nghiệp. Một số đã
tạo dựng được tên tuổi, có tâm huyết và trình độ, có vốn liếng thực tế
dày dặn, đã từng hoặc đang là những cây bút chủ lực trên trang văn nghệ
của các tờ báo uy tín lớn như Tô Hoàng (Lao động, Phụ nữ); Ngô Ngọc Ngũ Long, Thu An, Kim Ửng (Sài Gòn Giải Phóng); Cát Vũ (Người lao động); Thanh Lộc (hiện cộng tác với báo Phụ nữ TP.HCM); Hồng Liên (Tạp chí Điện ảnh Ngày nay sau là Tạp chí Thế giới điện ảnh -
Hội Điện ảnh Việt Nam)… Nối tiếp họ là những gương mặt khá quen thuộc
với làng báo chí trong lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh như Nguyễn Chương (Tuổi trẻ), Thu Nga (Thanh niên) bước đầu đã tạo được dấu ấn và giọng điệu riêng…
Các
tay viết học chính quy từ khoa báo chí hoặc xã hội nhân văn được phân
công nắm điện ảnh hiện nay là lực lượng bề nổi đảm trách nhiệm vụ trên
hầu hết các mặt báo có chuyên mục về văn hóa nghệ thuật. Đây là lực lượng quan trọng, thậm chí một số tên
tuổi đã định hình. Họ còn tỏ ra nổi trội hơn cả tay viết chính quy do
thường xuyên xuất hiện trên mặt báo và có đất để tác nghiệp cố định. Tuy
nhiên, ít người có đủ kiên trì để vừa tích lũy kiến thức sách vở vừa
rèn dũa trong thực tế để trở thành chuyên gia giỏi. Họ có thể nắm kịp
thời và chỉ ra vấn đề cần lưu ý, mổ xẻ trước một sự
việc điện ảnh, nhưng do tính chất của báo ngày nên những điều nêu lên
không được nhìn nhận toàn diện và lý giải đến nơi đến chốn. Có vấn đề nóng
đang là tâm điểm chú ý của dư luận, nhưng sau không thấy xuất hiện trên
mặt báo nữa khiến người đọc băn khoăn và đặt câu hỏi: liệu vấn đề sẽ
được giải quyết đến đâu, ai sẽ là người có tiếng nói cuối cùng, đâu là
quan điểm chính thống có thể làm cho công chúng yên tâm và đồng thuận...
Đóng
góp của các phóng viên thế hệ 8X gần đây cũng rất đáng trân trọng, tuy
nhiên, việc không được đào tạo chuyên ngành, không có thời gian để
nghiên cứu hệ thống các vấn đề điện
ảnh… đã khiến họ khó trở thành những chuyên gia thực thụ. Nếu xét kỹ,
ta không thể trách họ, bởi đặc thù nghề báo cần nắm ngay thông tin và xử
lý kịp thời chuyển đến người đọc. Cách viết trong báo chí cũng khác với
nghiên cứu khoa học.
Một thực
tế khác cho thấy, thị trường và môi trường xã hội của điện ảnh không
chỉ có các nhà lý luận phê bình chuyên nghiệp được đào tạo bài bản mà
còn có khá nhiều đạo diễn, nhà sản xuất phim,
nhà đầu tư trong lĩnh vực văn hóa. Đặc biệt với các đạo diễn và nhà sản
xuất lớn, có kinh nghiệm, họ là những chiến lược gia đưa ra những quyết
định kịp thời và chính xác trong đầu tư và sáng tác. Họ tự xây dựng lý
thuyết riêng, phê bình và điều chỉnh chính hoạt động của mình nhằm tạo
được hiệu quả cao nhất trong các hoạt động điện ảnh, hạn chế thấp nhất
những rủi ro và phát sinh không mong muốn. Steven Spielberg, Quentin
Taratino, Tom Hank… là những ví dụ điển hình và sinh động nhất. Việt Nam
cũng có những tên tuổi như Lưu Nghiệp Quỳnh, Cao Thụy; đạo diễn Vũ Ngọc
Đãng, Nguyễn Quang Dũng, Nguyễn Quốc Hưng. Có thể kể đến một vài tên tuổi chuyên gia đầu ngành về điện
ảnh hiện nay như Phạm Ngọc Trương, Trần Thanh Hiệp, Phan Bích Hà, Ngô
Phương Lan, Vũ Ngọc Thanh... Họ là những người có khả năng nghiên cứu cơ
bản, nghiên cứu ứng dụng, đồng thời là những nhà lý luận chuyên nghiệp,
có thực tế và kinh nghiệm phong phú…
Lực
lượng thứ ba có thể nhắc đến là các tay viết ngoại đạo thỉnh thoảng ghé
qua ngôi nhà điện ảnh, nhưng là những tên tuổi rất có uy tín trong lĩnh
vực khoa học nhân văn. Không thường xuyên viết về điện
ảnh nhưng những bài viết của họ có tính gợi mở quan trọng và thực sự là
những đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu liên ngành, đa ngành của điện
ảnh. Có thể kể những tên tuổi đáng kính như Mai Quốc Liên, Lê Ngọc Trà,
Mai Thúc Luân… Tác giả Đình Quang là một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực sân khấu nhưng những kiến giải, nhận định của ông về bản sắc văn hóa, truyền thống và cách tân… trong điện ảnh rất thú vị, sâu sắc, cả về góc
độ khoa học cũng như giá trị nhận thức. Thực tế tổ chức các buổi hội
thảo cho thấy, đây là lực lượng không thể thiếu giúp cho điện ảnh được
tựa trên bệ đỡ của nền tri thức liên ngành (bất cập trước đây chính là
chỉ đánh giá điện ảnh trong từng phạm vi riêng rẽ như kinh tế, nghệ
thuật, hay kỹ thuật công nghệ…).
Lực
lượng ngoại đạo tiếp theo chính là các nhà văn, nhà biên kịch (có thể
không trực tiếp viết kịch bản điện ảnh) nhưng ít nhiều có khả năng viết
phê bình, nhận định khoa học về những
cái họ bắt gặp trong quá trình sáng tác. Đó là nhà văn Chu Lai, Nguyễn
Quang Sáng, Nguyễn Huy Thiệp hay Nguyễn Mạnh Tuấn. Các tổng kết của một đời viết văn ấy có khi còn quý hơn rất nhiều trang lý luận khô cứng, máy móc và thiếu liên hệ máu thịt, hữu cơ với cuộc sống.
Nhà
lý luận điện ảnh trẻ hay bất cứ ai đam mê công việc phản biện và làm
cầu nối tác phẩm, nghệ sĩ với người xem cần làm gì để tác nghiệp và
khẳng định mình. Theo tôi có mấy gợi ý như sau:
Nắm
thật chắc diễn trình lịch sử điện ảnh thế giới và Việt Nam. Tìm hiểu
sâu và lý giải các bước ngoặt quan trọng trong cả tiến trình ấy. Nếu có
điều kiện, cần tham gia trực tiếp và bổ sung, về những khoảng trống, những sai số về dữ
liệu lịch sử … Tất cả cần được đặt trong bối cảnh lịch sử xã hội cụ thể
có quy chiếu với lịch sử điện ảnh khu vực và thế giới. Nhiệm vụ này
nhằm giúp người nghiên cứu có được năng lực nhận định tổng thể, nắm chắc
quy luật vận động của điện ảnh. Thiếu bước đi này sẽ không có việc tìm
hiểu và khảo sát điện ảnh như một đối
tượng nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Nắm được quy luật mới có thể dự
đoán được sự phát triển tiếp theo của điện ảnh từ đó chủ động đưa ra
những khuyến nghị, đề xuất khoa học kịp thời đối với các nhà quản lý, hoạch định chiến lược.
Quá trình gian khổ tìm về lịch
sử sẽ giúp nhà nghiên cứu trẻ tìm thấy những bài học, kinh nghiệm để từ
đó đúc kết thành lý luận, lý thuyết cơ bản phục vụ quá trình nghiên cứu
lâu dài. Nghiên cứu giúp bồi bổ và làm phong phú thêm lý thuyết, lý
luận. Về phần mình, lý luận tiếp tục soi đường, kiến giải cho các vấn đề nghiên cứu còn khúc mắc, chưa sáng tỏ.
Nghiên cứu bằng các công cụ lý thuyết chỉ là một phần của quá trình và nội dung nghiên cứu. Nhà nghiên cứu nào cũng phải đối mặt với các vấn đề thực tiễn nảy sinh. Toàn bộ dây chuyền sản xuất phim và bản chất xã hội hóa của điện ảnh với các khía cạnh liên quan đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống chính là đối tượng cần được khảo sát và lý giải. Phê bình
là thuật ngữ tóm tắt công đoạn thứ ba, mang tính chất kỹ năng rất cần
thiết của người nghiên cứu. Phê bình ở đây được hiểu theo nghĩa rộng,
bao hàm một quan điểm, thái độ khoa học được thể hiện cụ thể thông qua kỹ năng viết báo cáo, tóm tắt khoa học hay đơn giản chỉ là một bài báo đề cập đến một bộ phim đang được giới trẻ quan tâm.
Vậy
có tồn tại lực lượng lý luận, phê bình điện ảnh hay không. Có thể khẳng
định: không nên quá bi quan cho rằng nền nghiên cứu, lý luận, phê bình
điện ảnh trong nước hiện nay quá yếu kém, hầu như không tồn tại, theo
đuôi sáng tác như một số nhận định cực đoan và có phần thiên lệch hiện nay.
Cũng không nên quy trách nhiệm và đổ lỗi cho đào tạo vì như đã nói ở
trên, năng lực tự học, tự hoàn thiện mình vẫn là quyết định tất cả. Giáo
trình, giáo án và chương trình giảng dạy của các trường sân khấu - điện
ảnh từ những năm 1980 đến nay theo chủ quan, về cơ bản là đáp ứng được cho học viên có nền tảng trở thành chuyên gia điện ảnh và thực tế cũng cho thấy hầu hết họ đều tìm được một công việc khá ổn định dù không theo đuổi đến cùng nghề nghiên cứu và viết lách.
Nguồn: Tạp chí VHNT số 327, tháng 9-2011
Hay
Trả lờiXóaBài viết này rất hay, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa