Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Đi tìm cách tiếp cận bản tính gốc người Việt (Kỳ 2)

Đi tìm cách tiếp cận bản tính gốc người Việt (Kỳ 2)

V

Chắc hẳn tôi cũng mắc cái bệnh “bàn suông” này, nếu như không đưa ra được dù chỉ là một nét bản tính nào đó của tộc người Việt. Nhưng dù chỉ làm như thế, cũng không hề được tha cho sự đòi hỏi khắt khe của công việc nghiên cứu. Những gì tôi nói dưới đây chỉ xin được coi là một giả thuyết làm việc (hypothèse de travail). Tôi xin mạnh bạo nêu lên vài gợi ý về “phong cách tư duy” của người Việt.
Trong đoạn mở đầu, tôi có nhắc tới “bộ lọc” của người Việt đối với các nguồn ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài, trong đó có cái được tôi gọi là “tâm thức”, bên cạnh yếu tố “ứng xử” và “ngôn ngữ”. Ứng xử nói đây bao gồm tất cả những hoạt động sống để một tộc người tồn tại và phát triển, vì đó trước hết là những hoạt động sáng tạo của con người, của tộc người. Ngôn ngữ là một yếu tố dễ hiểu hơn, vì nó có cái “vỏ vật chất” có thể nắm bắt được, tất nhiên là trong những biến hóa ngày càng phong phú của nó. Thế còn “tâm thức”? Khái niệm này tôi muốn hiểu đó là “lối tư duy”, “cách tư duy”, hay nói cho rõ hơn, “phong cách tư duy”. (Từ tương ứng của “tâm thức” trong tiếng Pháp là “mentalité”, được Petit Robert định nghĩa là “Trạng thái tinh thần, những năng lực tâm lý hay đạo đức”, nhưng tôi muốn hiểu khái niệm này một cách hẹp hơn như đã nói trên).
Tôi sẽ không nói tới những điều mọi người đã biết về hoàn cảnh địa lý, về những điều kiện lịch sử trong đó tộc người Việt chúng ta từng tồn tại hàng nghìn năm (chỉ cần lấy hơn một nghìn năm Bắc thuộc và nhiều cuộc chiến tranh xâm lược từ nhiều thế lực bên ngoài đến, cũng đủ hiểu bản lĩnh kiên cường của tộc người Việt phải lớn đến mức nào để nó có thể tồn tại đến hôm nay). Ở đây, vì nói đến “phong cách tư duy” nên chỉ xin đặc biệt nhấn mạnh tới những gì có liên quan trực tiếp.
1. Có lẽ tộc người Việt từ thời xa xưa cũng đã có một thứ vũ trụ luận của mình, giống như ở rất nhiều tộc người khác. Và có lẽ vũ trụ luận của người Mường, như Trần Từ mô tả trong tác phẩm xuất sắc đã nhắc tới trên đây của ông, cũng rất gần gũi, nếu không nói là giống hay gần giống với vũ trụ quan của người Việt, nếu chúng ta chấp nhận những kết luận của tộc người học Việt Nam, theo đó, thật ra tộc người Việt Nam và tộc người Mường thời xa xưa chỉ là một, sau đó phân hóa thành hai. Chắc chắn người Việt ngày xưa cũng thờ cúng tô-tem và vật linh, mà dấu vết vẫn còn lại cho đến nay. Nhưng điều nổi bật ở tư duy về “sống-chết” này (như cốt lõi của mọi tín ngưỡng và tôn giáo), đó là không có sự ngăn cách tuyệt đối giữa người sống và người chết. Dù đó là một thứ vũ trụ “hai bên” đi nữa, thì sự giao lưu giữa “hai bên” vẫn còn thân thiết và bền chặt, như Trần Từ nói về người Mường: “chuyến đưa người chết từ thế giới bên này sang thế giới bên kia là việc diễn ra giữa người và người, giữa người sống và người chết, không có sự can thiệp của các nhân vật siêu nhiên bên trên và bên dưới”. Chết không phải là hết, mà là chuyển từ trạng thái sống này sang trạng thái sống khác, đó chỉ là sự “khuất núi”, nghĩa là vẫn ở trên mặt đất này nhưng là ở bên kia núi, sự xa cách được rút lại. “Ở đây, chúng ta bắt gặp thêm một nét quan trọng trong tâm thức người Việt: cõi âm là cõi vĩnh hằng của con người… Không phải là đi sang cõi âm mà là về cõi âm. Về – từ này hàm nghĩa một sự trở về và là sự trở về nơi cũ. Về không chỉ là có cái gì đó tiếp nối sự sống sau khi chết, đó còn hơn là một sự tiếp nối đơn thuần, đó là sự tồn tại vĩnh hằng sau khi chết…” (Lê Diên, Rồi ai cũng về cõi âm, Đối thoại, số 4, 1994). Chết đối với người Việt không phải là một sự trừng phạt ghê gớm, người ta coi đó là một điều tự nhiên. “Người già lắm khi chứng kiến sự chuẩn bị cho cái chết sắp tới của mình, rất bình thản. Đây, chiếc quan tài sắm trước đặt ngay dưới bàn thờ, chưa sơn quét và còn dùng để chứa vài thùng thóc ngừa lúc giáp hạt… Người già quen với cái chết cũng như quen với những ngôi mộ gần gũi nằm giữa cộng đồng gần gũi, cũng như quen với dãy núi xanh lam ở phương trời tây kia. Một vòng đời đi qua, cũng như một vòng đường từ nhà ra đồng, lên núi, rồi lại về nhà… Vậy đó!” (như trên).
Từ quan niệm về “sống-chết” ấy, người Việt nói chung không thích lắm những mặt đối kháng triệt tiêu, loại bỏ nhau, không sùng bái lối suy nghĩ theo lối đối lập triệt để. Sống và chết có thể dung hòa, mọi mâu thuẫn có thật và không có thật cũng có thể dung hòa. Những hành vi loại bỏ nhau, giết hại nhau không thương xót, không được người Việt Nam đồng tình. Lối nghĩ ấy nhiều khi còn được áp dụng cả cho những quan hệ thù địch nhau. Kẻ thù, dù đã gây hại rất lớn cho mình, người Việt cũng sẵn sàng tỏ thái độ nhân đạo. Người Việt sẵn sàng bỏ mình cho nghiệp lớn được họ coi là chính nghĩa, nhưng không coi “cái chết nhẹ tựa lông hồng” theo lối anh hùng hảo hán.
2. Đến nay, vẫn chưa ai mô tả được thật chi tiết về những đối tượng tư duy của người Việt cổ. Tài liệu quá hiếm hoi! Nhưng chắc chắn là người Việt mang những tư tưởng rất phong phú, ít ra cũng đã được phản ảnh trong folklore, về vũ trụ, đất trời, gia đình, làng nước, xã hội, làm ăn, tình yêu v.v… Chỉ có điều là những suy nghĩ ấy chưa bao giờ được tổng kết thành hệ thống để trở thành những học thuyết, những kinh sách. Ngay cả thờ cúng tổ tiên, một thứ tôn giáo sâu sắc của người Việt như L. Cadière xác định, thật ra đã không thể trở thành một tôn giáo chặt chẽ, với giáo lý, giáo hội và giáo trưởng của nó, ngoài việc tiếp nhận một số nghi thức và bài trí du nhập từ Trung Quốc. Óc khái quát chưa bao giờ là mặt mạnh của người Việt cả. Những đỉnh cao trí tuệ và tâm linh, in đậm sức sáng tạo và tính độc đáo, gần như rất hiếm hoi, có lẽ chỉ trừ lĩnh vực y học và đánh giặc, hai lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến sống chết của con người. Năng lực tư duy của người Việt quá kém cỏi chăng? Tôi không muốn nghĩ như vậy, vì trong lịch sử, thời nào cũng có những trang tài giỏi mà năng lực tư duy không kém ai. Nhưng chính họ cũng không đẩy được những kết quả tư duy của mình lên thành học thuyết, thành hệ thống có tính phổ quát, mà nói chung, chỉ dừng lại ở trình độ “vận dụng” như ta nói hiện nay, dù là “vận dụng sáng tạo” hay “vận dụng tuyệt vời” đi nữa. Nguyên nhân của tình trạng này có lẽ cũng không phải ở sự “nhỏ bé” của đất nước. Biết bao dân tộc và đất nước cũng nhỏ bé như chúng ta, thậm chí còn nhỏ bé hơn, đã cống hiến cho loài người những tư tưởng đặc sắc và có tính phổ quát cao.
Phải chăng đó là do vị trí địa lý và văn hóa của nước ta? Tôi muốn hiểu như vậy. Cách đây khoảng 2000 hay 2500 năm, chẳng hạn, khi nền văn minh thời Văn Lang và Âu Lạc (hay có người còn gọi là “văn minh sông Hồng”) đạt tới một trình độ tương đối cao (có kỹ thuật đồ đồng khá tinh tế), thì tộc người Việt đã bị những nền văn minh lớn, chủ yếu là của Trung Quốc và Ấn Độ, vượt lên rất xa. Trong khi người Việt vẫn chưa có chữ viết (gần đây, có người chủ trương rằng người Việt đã có chữ viết vào thời ấy, nhưng chưa có sức thuyết phục), thì các nền văn minh Trung Quốc và Ấn Độ đã có cả những tòa lâu đài đồ sộ về tư tưởng, kết tinh ở những tôn giáo, những triết thuyết có sức mạnh phổ quát đến mức ngày nay người ta vẫn còn lấy làm kinh ngạc trước sức sống của chúng. Chưa kịp xây dựng những hệ thống tư tưởng riêng của mình, thì người Việt đã có sẵn những câu giải đáp về đời sống tâm linh và hiện hữu của con người nằm sẵn trong những tôn giáo và triết thuyết của hai nền văn minh khổng lồ ấy. Từ Trung Quốc truyền sang (có kèm theo những đạo quân xâm lược hay không) nhiều học thuyết khác nhau, chủ yếu là Khổng giáo và Đạo giáo. Phật giáo thì từ Ấn Độ truyền sang bằng những con đường khác nhau, trực tiếp hay gián tiếp, với sức thuyết phục của nó là chính. Sự tiếp nhận văn hóa từ Trung Quốc tuy mang tính chất tiếp nhận văn hóa đối kháng, theo thuật ngữ của G. Devereux, nhưng do chính sức mạnh phổ quát của Khổng giáo và Đạo giáo, người Việt đã dần dần tìm thấy ở đó những chỗ dựa cần thiết (một viên thái thú như Sĩ Nhiếp, vì có công truyền bá tư tưởng Trung Quốc, chủ yếu là Khổng giáo, được người Việt tôn sùng như một vị thần bản địa, dưới tên gọi Sĩ vương, là một ví dụ).
Nói một cách hình ảnh, ảnh hưởng của những tư tưởng Trung Quốc và Ấn Độ giống như hai bóng cây khổng lồ trùm phủ lên mảnh đất nước ta ngày xưa, khiến cho mọi thứ “cây tư tưởng” của người Việt bị “cớm nắng”. Tình trạng này đưa tới một hệ quả nặng nề: dựa dẫm vào những tư tưởng bên ngoài, và như vậy trong gần hai nghìn năm. Sức sáng tạo tư tưởng bị còi cọc: lối suy nghĩ giáo điều, sao chép và học thuộc lòng sách vở nước ngoài trở thành một tâm thức quá quen thuộc, như một thứ thuộc tính khó dứt bỏ. Phần được dành cho sức sáng tạo về tư tưởng của người Việt rút lại chỉ là ở phần “vận dụng”. Tuy sự vận dụng này không phải không đem lại những thành công nào đó (như khi Nguyễn Trãi “vận dụng” tư tưởng nhân nghĩa của Khổng giáo để chống trả và đánh thắng sự xâm lược của nhà Minh, chẳng hạn), nhưng nếp nghĩ giáo điều vẫn chi phối đời sống tư tưởng của người Việt (chính Khổng giáo càng chi phối mạnh mẽ và sâu sắc hơn ở thời Hậu Lê, sau khi đánh thắng nhà Minh). Nói như ngày nay, người Việt ngày xưa lấy Khổng giáo làm hệ tư tưởng chính thống, tạo ra tâm thức phục tùng chính thống gần như vô điều kiện. Người ta không thể sống mà không dựa vào một hệ tư tưởng chính thống nào đó. Chính tâm thức này, cùng với bản thân các học thuyết mang tính phổ quát bên ngoài, làm cho sức sáng tạo về tư tưởng bị thui chột. Hàng trăm năm như thế.
Nói cho cùng, tộc người Việt có một ưu điểm lớn: không bài ngoại về tư tưởng, sẵn sàng tiếp nhận những tư tưởng bên ngoài nào phù hợp với mình. Nhưng cũng chính vì thế, tâm thức sùng ngoại về mặt này trở thành một nhược điểm cố hữu. Trong quá trình hiện đại hóa hiện nay, có lẽ cần tỉnh táo nhất về mặt này để không biến nước ta thành một “thùng nước gạo” bị đổ vào đó mọi thứ thức ăn ngoại bang (những sự tiếp nhận văn hóa kiểu sùng ngoại hiện nay).
3. Như đã nói, tâm thức “hệ tư tưởng chính thống” là một nét cố hữu của người Việt, đặc biệt trong đời sống tư tưởng. Tâm thức này có mặt tốt: những lúc đất nước đứng trước nguy cơ lớn đối với sự tồn tại của nó, một “hệ tư tưởng chính thống” là cần thiết để có thể tập hợp tất cả những sức mạnh của dân tộc thành một sức mạnh thống nhất có sức chiến đấu cao. Nhưng chính tâm thức này đã cản trở không ít những sức mạnh sáng tạo về tư tưởng. Mọi sáng tạo tư tưởng ít nhiều đều không ăn khớp, thậm chí ngược lại với “hệ tư tưởng chính thống”. Nếu duy trì hệ tư tưởng chính thống như cái gì duy nhất đúng, thì xin dùng lại hình ảnh trên đây, sẽ tạo ra một thứ bóng cây trùm phủ lên tất cả và mọi tư tưởng sáng tạo chắc chắn bị “cớm”. Phải chăng trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, khi phải tìm kiếm những con đường, những phương pháp để hiện đại hóa, sự thống nhất về tư tưởng là cần thiết, nhưng chỉ nên thống nhất ở những mục tiêu, còn về những con đường, những phương pháp thì nên để cho sức sáng tạo được phát triển một cách tự do, dù có những cái không theo chính thống.
4. Nhìn chung trong đời sống tư tưởng của người Việt, do nhiều nguyên nhân xã hội và lịch sử, tâm thức duy cộng đồng luôn luôn chiếm ưu thế đối với tâm thức duy cá nhân. Ở đây, xin nói rõ một điểm, người ta thường cho rằng ở phương Đông, hay nói cụ thể hơn ở các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam, chỉ có tính cộng đồng mà không có tính cá nhân, ngược lại với các nước phương Tây. Đó là một lối nói siêu hình, tách cái cá nhân và cái cộng đồng thành những cái riêng biệt và đem đối lập chúng với nhau một cách tuyệt đối. Không ở đâu có điều đó cả. Ngay cả ở những xã hội cổ xưa, mà theo lời Marx, cá nhân chưa cắt được “cuống rau” của nó khỏi tập thể, khỏi cộng đồng, cũng đã có sự hình thành của cá nhân, của con người cá nhân rồi. Về vấn đề này, C.G. Jung đã có một phân tích sâu sắc trong Biện chứng giữa cái tôi và cái vô thức (Dialectique du Moi et de l’inconscient, Gallimard, Paris, 1986). Theo ông, trong những xã hội này, nhân cách (personnalité) mang hai bộ mặt. Một bộ mặt được gọi là persona, mà theo từ nguyên của nó, đó là cái mặt nạ để làm cho mỗi người có những ứng xử phù hợp với cộng đồng, với tập thể, nó là “một mảnh của tâm thần tập thể để chỉ vai trò của nó trong tập thể, và về thực chất, nó thuộc về cái vô thức tập thể, che giấu một phần của tâm thần tập thể”. Khi lật mặt nạ ấy lên, người ta có thể thấy hiện lên con người cá nhân, hay nói cho đúng, tính cá nhân, ở dưới dạng phác thảo của một sự phát triển cá nhân (ébauche d’un développement individuel), dù rằng về căn bản, nó gắn chặt với tập thể, mang tính tập thể (trong bài Có những quan niệm về con người cá nhân ở phương Đông, tạp chí Văn học, số 5, 1995, tôi đã trình bày rõ vấn đề này, xin không nhắc lại ở đây). Đúng là ở các nước Đông Á, con người cá nhân đã hình thành ít ra như một tiềm năng chực bùng nổ khi có điều kiện, nhưng cũng đúng là con người cá nhân ở đây nói chung phụ thuộc vào cộng đồng, bị cộng đồng chi phối gần như từ đầu đến cuối, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết đi. Nhân vật Chí Phèo của Nam Cao, theo cách hiểu của tôi, tiêu biểu cho con người cá nhân giẫy giụa, chống đối, đập phá, với khát vọng thoát khỏi cái cộng đồng làng xã từng hủy hoại nhân cách của y, nhưng theo lối tiêu cực, phá hoại. Từ đầu thế kỷ XX, trong những hoàn cảnh xã hội đã biến đổi, con người cá nhân có điều kiện để phát triển hơn (với sự hình thành của các đô thị hiện đại, do đó, của các tầng lớp xã hội hiện đại) và đòi hỏi giải phóng cá nhân cũng trở nên mạnh mẽ hơn, không chỉ để đáp ứng với những khát vọng cá nhân, mà còn với sự phát triển xã hội nói chung. Nhưng cả cho đến nay, cá nhân ở nước ta vẫn chưa thoát khỏi cái “tổ kén” cộng đồng để trở thành những cá nhân độc lập trong mối quan hệ mật thiết với cộng đồng kiểu mới văn minh hơn. Vấn đề không phải là lựa chọn giữa cá nhân và cộng đồng (không phải trong cộng đồng thì cá nhân sống ở đâu, phát triển ở đâu và dùng những năng lực của nó vào đâu?). Vấn đề là đảo ngược vectơ của mối quan hệ này: thay “cá nhân vì cộng đồng” bằng “cộng đồng vì cá nhân”, hay nói đúng hơn, cá nhân và cộng đồng cùng phát triển. Nếu không như vậy, con đường hiện đại hóa của nước ta sẽ bị tắc tị. Gần đây, có những người đề xướng lấy những giá trị làng xã làm nền tảng cho sự phát triển xã hội, với lý lẽ “nguồn gốc của văn hóa dân tộc là ở nông thôn”, vì làng xã có tất cả những ưu điểm lớn nhất: đoàn kết, tương trợ, tự chủ, dân chủ… Tôi xin được phép không tin vào những lý lẽ hoài cổ rất mùi mẫn ấy.
5. Xin nói trước, về điểm này tôi chưa đi sâu để có thể nêu thành một tâm thức của tộc người Việt, nhưng vì đó là luận điểm do một học giả uyên bác đưa ra, nên cũng xin giới thiệu ở đây với tất cả sự dè dặt (và chính tác giả của luận điểm này cũng coi đó là một “giả thiết làm việc”). Đó là tinh thần “nhu đạo” của người Việt do Cao Xuân Huy đưa ra trong bài Một “giả thiết làm việc” trong quá trình nghiền ngẫm về lịch trình tư tưởng dân tộc (trong Tư tưởng Đông phương – Gợi những điểm nhìn tham chiếu, Nhà xuất bản Văn học, 1995). Ông nhắc lại lời Lão tử: “Trong thiên hạ không có gì nhu nhược bằng nước, thế mà trong tất cả những cái gì công phá được những vật kiên cường, không có cái gì hơn được nó”, và nói: “Tôi nghĩ rằng tinh thần lập quốc của chúng ta chính là cái tinh thần nhu đạo”. Theo ông, sở dĩ người Việt chiến thắng được bao nhiêu thiên tai, địch họa (mà ông gọi rất đúng là “một hoàn cảnh thiên nhiên ác liệt” và “sức đồng hóa kinh khủng của một dân tộc khổng lồ”), đó là “nhờ ở chỗ dân tộc ta có cái đặc tính mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt, lưu động, như nước”… Thậm chí ông còn đi tới chỗ coi nước “lại còn dễ tính đến nỗi khi người ta rót nó vào chai, thì nó ngoan ngoãn rập khuôn theo hình dạng của chai, rót vào bầu, vào ấm cũng vậy”. Nhưng ông khẳng định: “Đó không phải là vì nó không có cá tính. Trái lại, đó là khả năng thích ứng vô hạn của nó, mà chính cái khả năng thích ứng đó là cái tinh ưu việt, cái bí quyết sinh tồn của dân tộc ta”. Ông cũng nhấn mạnh tới đặc tính của nước là cái “quân thế” (équilibre) tuyệt vời của nó, (cái “quân thế”, tức thế cân bằng, này thể hiện trong kiến trúc đình chùa, nhà cửa, trong niêm luật lục bát của thơ ca, trong trật tự xã hội và tình cảm cá nhân…).
Những nhận định ấy hẳn có nhiều phần đúng, nhưng lẽ nào người Việt chỉ có “mềm” (nhu) mà không có “cứng” trong ứng xử, chỉ có “quân thế” mà không có “mất quân thế”? Ở đây, chúng ta đụng tới tính liên tục và tính đứt đoạn trong sự phát triển của các tộc người. Tộc người nào cũng tồn tại và phát triển trong tính liên tục cũng như qua tính đứt đoạn. Khi dòng chảy mang tính liên tục thì ứng xử của người ta thường “mềm”, thường “cân bằng”, nhưng khi dòng chảy bị đứt đoạn thì khó mà không “cứng” trong ứng xử, không “mất quân thế”. Dường như tộc người nào cũng mang theo bản thân nó những nguyên lý đối lập nhau, vì bản chất con người chính là được tạo nên bằng những nguyên lý đối lập nhau ấy? Nó vừa hướng tới cái tuyệt đối, cái tâm linh, vừa hướng tới cái trần tục, cái hiện hữu, vừa hướng tâm, vừa ly tâm, vừa Đạo vừa Đời. Tác giả người Nga N.F. Rakhmankulova khi bàn về triết học Ấn Độ đã đưa ra một nhận xét rất lý thú: “trong thế giới quan triết học Ấn Độ, có sự kết hợp của chủ nghĩa duy lý (trong việc mô tả “cấu trúc thế giới” và “công nghệ giải cấu trúc thế giới”) và chủ nghĩa tâm linh thần bí (theo hướng tồn tại siêu lý trí)” (Các giá trị và sự xuất hiện của truyền thống triết học dân tộc (Ấn Độ và Trung Quốc), Bản tin Trường Đại học Tổng hợp Moskva, Triết học, số 1, năm 2000).
Xin nhắc lại một lần nữa: tất cả những điểm nói trên về “tâm thức Việt Nam” chỉ là những giả thuyết, và chắc chắn còn phải làm rất nhiều việc để chứng minh, để kiểm chứng và khẳng định và cũng là để bác bỏ nữa. Đối với sức một người không chuyên như tôi, thế là đã quá mạo muội.
*
Cũng như cách đây mươi lăm năm, khi bàn tới vấn đề này, bây giờ tôi vẫn cảm thấy như đứng trước một cái gì vừa mơ hồ, vừa rõ rệt, vừa vô hình, vừa hữu hình, vừa thuộc về vô thức, vừa thuộc về hữu thức. Một vấn đề (hay hệ vấn đề) như vậy không thể được giải quyết nhanh chóng bởi một người hay thậm chí một nhóm người. Tôi chỉ tự nhủ: khi bàn về vấn đề này, cần tránh hai cực đoan: chủ nghĩa dân tộc chật hẹp, đi tới một thái độ tự say mê với dân tộc mình (narcissisme national), tự coi mình là “nhất thiên hạ”, đồng thời cũng tránh rơi vào chủ nghĩa hư vô dân tộc (nihilisme national), với mặc cảm tự ti dân tộc, không tính đến những giá trị dân tộc (dù có nghèo đến đâu cũng rất quý giá).
Con người, theo tôi hiểu, bao giờ cũng tồn tại và phát triển theo ba trục gộp thành một (lại “ba mà một”), hay ba cấp độ lồng vào nhau: cá nhân, dân tộc và tộc loại. Bỏ quên một mặt nào trong ba mặt ấy, “không thể thành người”, như lời một bài hát đầy rung cảm.
Hà Nội, ngày 14 tháng 4 năm 2000
Nguồn: Văn hoá Việt Nam - đặc trưng và cách tiếp cận (Lê Ngọc Trà tập hợp và giới thiệu, NXB Giáo dục, 2001).

1 nhận xét: