Hoa sen trong giếng ngọc
Mạc Ðĩnh Chi tự
là Tiết Phu, người làng Lũng Ðộng, huyện Chí Linh,
tỉnh Hải Dương, sống vào khoảng đầu thế kỷ XIV,
không rõ năm sinh và mất.
Tục truyền làng ông có một gò đất lớn, vốn là khu
lăng tẩm đã lâu đời, cây cối mọc um tùm, rậm rạp
thành rừng, hươu khỉ rất nhiều. Một bữa mẹ ông vào
đó kiếm củi, bị một con khỉ độc hiếp rồi có mang.
Bố ông tức giận, cải trang làm đàn bà đi kiếm củi
và giết chết con khỉ ấy. Ðược vài hôm, ở chỗ xác
con khỉ bỗng thấy mối đùn lên thành một ngôi mộ.
Sau đấy ít lâu thì bố ông mất, lúc hấp hối dặn người
nhà chôn mình vào chỗ mộ con khỉ.
Khi Mạc Ðĩnh Chi
sinh ra, tướng mạo vô cùng xấu xí: lùn, đen, mồm
rộng, mũi tẹt, trán dô. Người làng thường bảo đó
là con tinh khỉ nghiệm vào. Nhưng ông lại rất thông
minh, ngay từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng. Ðời Trần
Anh Tông, niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304), ông
đi thi, văn bài làm trội hơn mọi người nhưng vì
mắt mũi xấu xí nên nhà vua không muốn cho ông đỗ.
Ông bèn dâng bài phú" Ngọc tỉnh lên "(
Hoa sen trong giếng ngọc) để nói lên cái phẩm giá
thanh cao của mình. Trong bài phú có những câu như:
... Phi đào lý chi thô tục, phi mai trúc chi cô
hận, phi tăng phòng chi cẩu kỷ, phi Lạc thổ chi
mẫu đơn, phi Ðào lệnh đông ly chi cúc, phi Linh
Quân cửa uyển chi lan.
Nãi Thái Hoa phong đầu ngọc tỉnh chi liên...
Nghĩa là:
Chẳng phải như đào trần, lý, tục ; chẳng phải như
trúc cỗi, mai gầy
Cẩu kỳ phòng tăng khó sánh ; mẫu đơn đất Lạc nào
bì
Giậu đào lệnh cúc sao ví được; vườn Linh Quân, lan
sá kể gì
Ấ Y LÀ GIỐNG SEN TRONG GIẾNG NGỌC Ở ĐẦU NÚI THÁI
HOA VẬY!...
Vua xem xong bài
phú, tỏ ý rất cảm phục, liền cho Mạc Ðĩnh Chi đỗ
trạng nguyên . Về sau ông làm tới chức tả bộc xạ
( thượng thư) và là ông quan thanh liêm, được nhân
dân rất yêu mến./
Con
cà con kê
Trong giao tiếp hằng ngày, chúng ta thường gặp một
số người có thói quen nói dài, nói dai, nói hết
chuyện này đến đến chuyện khác. Thói quen đó đã
được dân gian đúc kết lại bằng một thành ngữ rất
cô đọng: “Con cà con kê”.
Vì từ “con” mà từ
trước đến nay vẫn có hai cách hiểu khác nhau về
thành ngữ đó.
Nhiều người cho rằng “con cà con kê” là một thành
ngữ có sự kết hợp của hai từ cùng có ý nghĩa trong
tiếng Việt và tiếng Hán, đó là “cà” (trong tiếng
Việt cổ “cà” nghĩa là “gà’) và “kê’ (tiếng Hán có
nghĩa là “gà”). Nghĩa đen của thành ngữ này hiểu
một cách nôm na là: dài dòng, luẩn quẩn và trùng
lặp, “hết con gà lại quay lại con gà”.
Lại có người giải thích theo một
cách khác rằng “cà” và “kê’ trong thành ngữ nêu
trên không phải là “gà” mà là “cây cà” và “cây kê”.
Cà gieo thành đám. Trăm nghìn cây con mọc lên. Kê
gieo thành đám như mạ. Cây cà, cây kê đến tuổi trồng,
người ta nhổ lên, bó thành từng bó nhỏ rồi đưa đi
trồng. Công việc trồng cà, trồng kê đòi hỏi tỷ mẩn.
Vào những ngày mưa, việc tỉa cà , kê ra từng cây
một rất rề rà. Từ đó, nghĩa đen của thành ngữ này
là: dài dòng hết cây cà lại sang cây kê, không dứt.
Hai cách giải thích đều có lý lẽ
riêng khá thuyết phục. Nhưng cách giải thích thứ
hai phù hợp với cách dùng phổ biến hiện nay của
mọi người.
(Theo “Kể
chuyện thành ngữ, tục ngữ)
Sư
tử Hà Đông
Thoạt nghe, không ít người nghĩ rằng, trong nội
dung câu thành ngữ “Sư tử hà Đông” có điều gì đó
liên can đến đất Hà Đông xưa của Việt Nam. Chuyện
thực lại không phải như vậy. Chẳng ra là chuyện
“râu ông nọ cắm cằm bà kia”
Số là, ở đất Vĩnh
Gia bên Trung Quốc đời nhà Tống có một người đàn
ông tính nết thất thường, họ Trần tên Tháo, tự là
Quý Thường. Lúc còn nhỏ, Tháo rất thích chơi trò
đấu kiếm và nghe kể chuyện về các anh hùng hảo hán
một cách say mê, khâm phục.
Lớn lên Tháo thích
lân la đến bên các chí sĩ giang hồ để học hỏi các
môn võ nghệ và cùng họ ngao du nay đây mai đó. Tháo
cũng tự liệt mình vào cùng một hạng với những bậc
chí sĩ kia và lúc nào cũng tỏ ra sẵn lòng làm việc
nghĩa, giúp bạn, cứu người.
Lạ thay vừa bước
sang tuổi trung niên Trần Tháo bỗng thay tính đổi
nết. Tháo chán ghét cuộc sống giang hồ và lạc vào
văn chương, chữ nghĩa và lui về sống ẩn dật. Trần
Tháo thường cùng Tô Thức luận bàn về bút pháp và
sự thành bại của cổ kim, rất thích đạo Phật, đã
từng ăn rau, ở chùa, không màng gì đến thế sự. Vợ
Tháo là Liễu Thị, tính hung hãn, hay ghen. Mỗi lần
Tháo mở tiệc mời khách, nếu có ca kỹ đến hát xướng
mua vui thì Liễu Thị ở nhà trong, máu ghen nổi lên,
lấy gậy đánh sàn sạt vào tường, gầm thét om sòm,
khách không chịu nổi phải bỏ ra về. Tô Thức nhân
đấy có thơ đùa Trần Tháo rằng:
Thùy tự Long Khâu cư sĩ hiền
Đàm không thuyết hữu dạ bất miên
Hốt văn Hà Đông sư tử hống
Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên
Dịch nghĩa:
Ai hiền như cư sĩ đất Long Khâu
Bàn về thuyết không thuyết có của nhà Phật đêm không
ngủ
Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống lên
Gậy chống rơi khỏi tay, lòng bàng hoàng quên phắt
đi hết
Câu thơ trên dựa
theo câu thơ của Đỗ Phủ (nhà Đường)
Hà Đông nữ nhi thâm tính Liễu
(người con gái đất Hà Đông tên Liễu)
Tô Thức mượn chữ
hà Đông để chỉ Liễu Thị, vợ Tháo. Còn sư tử hống
là tiếng Phật dùng để nói về sự uy nghiêm của Phật
tổ, nói giọng thuyết pháp của Phật âm thanh chấn
động thế giới như sư tử gầm. nay Trần tháo thích
đàm luận đạo Phật, Tô Thức bèn mượn tiếng nhà Phật
để đùa, chỉ cái tính hung hãn hay ghen của Liễu
Thị.
Từ tích trên, trong
tiếng Việt, thành ngữ “sư tử Hà Đông” nhằm ám chỉ
những người phụ nữ có tính ghen tuông dữ tợn, khi
nổi máu tam bành có thể làm cho các đức ông chồng
kinh hồn, táng đởm khiến bao dũng khí của giới mày
râu tiêu tan thành mây khói cả.
(Theo “Truyện
Kiều” và “Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ”)
"HỌ",
"vắt"
Một thư sinh ở thành
thị về nông thôn thưởng xuân. Chàng ta là người
học giỏi, mê Kiều và rất thuộc Kiều, thường vẫn
tự phụ về vốn liếng Truyện Kiều của mình.
Nhân đi qua một bãi cỏ rộng,
thấy mấy cô thôn nữ đang vừa chăn bò vừa cười đùa
rất hồn nhiên, vui vẻ, chàng liền sấn đến định tán
chuyện làm quen.
Một cô trong bọn bỗng buột
miệng ngâm:
Trông chừng thấy
một văn nhân...
Rồi cô bỏ lửng. Chàng thư
sinh thấy cô ta khen thế thì hãnh diện lắm, vội
sửa lại bộ cánh và có ý ngong ngóng muốn nghe nốt
câu sau. Chợt một cô khác cất giọng ngâm tiếp:
...Mày râu nhẵn
nhụi áo quần bảnh bao.
Tưởng các cô coi mình là
Kim Trọng, té ra họ chỉ đánh giá mình như Mã Giám
Sinh, chàng thư sinh vừa thẹn vừa bực. Nhưng rồi
nhận thấy các cô động đến thơ Kiều là cái món sở
trường của mình thì anh ta có ý coi thường các cô
lắm, bèn lên mặt hợm hĩnh hỏi:
- Truyện Kiều các cô thuộc
được bao lăm mà cũng dám giở dói ra như vậy?
Bị xem khinh, một cô nhanh
nhảu nói mát:
- Vâng, chúng em quê mùa
đâu có thuộc Kiều bằng anh được. Còn anh thuộc Kiều
nhiều thì mời anh hãy đọc một câu Kiều để bảo con
bò kia đứng lại cho chúng em biết tài với!
Chàng thư sinh nghe nói thế
thì bỗng chột dạ, tự nhủ: "Chết chửa, mình
thuộc Kiều nhưng có biết dùng Kiều để điều khiển
bò bao giờ đâu?". Nhưng rồi anh ta cũng đánh
liều đọc:
Tần ngần đứng
suốt giờ lâu,
Dạo quanh chợt thấy mái sau có nhà.
Anh ta lợi dụng chữ đứng
trong câu thơ và đọc rõ to chữ ấy. Song con bò vẫn
chẳng nghe lời anh ta. Các cô đều cười ầm ỹ. Tưởng
chừng bò nghe chưa rõ, anh ta lại đọc lần nữa và
để tỏ ra mình làu Kiều, anh ta đọc một câu khác:
Trong vòng tên
đạn bời bời,
Thấy Từ còn đứng giữa trời trơ trơ.
Anh ta lại hét to chữ đứng
trong câu thơ này. Nhưng con bò vẫn không nghe thấy
gì cả. Thì ra chàng thư sinh chưa quen tiếng nói
của đồng ruộng; sau phải nhờ các cô bảo cho biết,
bấy giờ chàng ta mới đọc chữa rằng:
Họ Chung có kẻ
lại già,
Cũng trong nha dịch lại là từ tâm.
Anh đọc to và kéo dài tiếng
họ, quả nhiên con bò đứng lại ngay. Kế đó, có một
cô lại thách:
- Bây giờ anh hãy đọc một
câu cho con bò đi rẽ sang phải xem nào?
Chàng thư sinh làm bộ thông
thạo chẳng cần nghĩ ngợi, đọc luôn:
Nàng rằng phận
gái chữ tòng
Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi.
Anh đọc thật to và nhấn mạnh
cả hai tiếng đi, con bò nghe thấy bước đi ngay,
song nó lại đủng đỉnh đi thẳng chứ không rẽ sang
phải. Anh chạy theo đọc lại lần nữa nó cũng chẳng
nghe cho. Chợt anh nhớ ra một câu khác, chắc mẩm
lần này thế nào cũng có kết quả. Anh dõng dạc ngâm:
Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc
cha.
Anh nhấn mạnh và kéo dài
tiếng rẽ. Nhưng khốn thay! Con bò vẫn cứ đi thẳng.
Các cô thấy vậy đều ôm bụng cười như nắc nẻ. Chàng
thư sinh ngượng quá, đỏ mặt tía tai, đành xin chịu
thua. Bấy giờ một cô trong bọn mới đọc chữa cho
rằng:
Một vùng cỏ mọc
xanh rì,
Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu.
Cô nhấn mạnh tiếng vắt, quả
nhiên con bò ngoan ngoãn rẽ sang phải ngay.
Thế là chàng thư sinh hết
lên mặt hợm hĩnh về cái vốn Kiều của mình, vội vã
nói mấy câu đánh trống lảng rồi chuồn thẳng...
Bài viết rất hấp dẫn bạn đọc, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóaBài viết rất hay, cảm ơn bạn đã chia sẻ: Khóa học Pro Marketing Online, Khóa học bán hàng online, Khóa học marketing online, Khóa học Google Marketing, Khóa học facebook marketing, Khóa học quảng cáo google, Khóa học Digital Marketing, Khóa học Seo Website, Khóa học marketing, Học marketing, Học marketing online, Học marketing ở đâu, Học digital marketing, Marketing facebook, Marketing căn bản, Học seo, facebook ads, facebook web, seo web, marketing là làm gì, Ngành marketing, ……………..
Trả lờiXóa