Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Chân dung Nguyễn Du (Kỳ 9)

Chân dung Nguyễn Du (Kỳ 9)

Người em vườn Thuý
[Nguyễn Thị Sâm
Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hy sinh có ở đời,
Tôi sẽ nạm vàng muôn khổ cực,
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.
(H.D.)

Trong Đoạn trường tân thanh, nhân vật Thuý Kiều nổi bật lên vô cùng lộng lẫy. Người cha đẻ tạo thành đã ít nhiều thiên lệch khi thảo bút phác hoạ tài hoa người đẹp của Dư Hoài xa xưa, qua vần điệu, âm thanh.


Làn thu thủy nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.
Một mai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một tài đành hoạ hai.

Rồi hơn trăm năm sau, vì lòng "cảm cựu", vì não lòng tâm sự Tố Như, tao nhân mặc khách giẫm mòn lối cũ; hình ảnh nàng Kiều càng đậm nét vàng son. Và người xưa đến người nay, vô tình hay cố ý, cạnh Kiều, mà xoá đi bao hình bóng. Tôi muốn nói người ta quên rồi người em vườn Thuý: Thuý Vân. Nghĩa là tôi quyết đề cập đến Thuý Vân trong thiên khảo luận hôm nay, gọi là tròn bổn phận phải phá tan một trong nghìn bất công nhân thế, mà cũng gọi là tròn bổn phận kẻ "trót giàu cảm luỵ" dù biết cuộc đời nhiều phi lý, vẫn cố tìm hoa đẹp để làm thắm mãi cuộc đời, cho cuộc đời có nghĩa thêm lên.

Thuý Vân

Để trọn vai trò, chỉ dành riêng cho mươi dòng chữ trong toàn tác phẩm: vô cùng khiêm tốn vô cùng kín đáo, muôn vàn thầm lặng! Cái thầm lặng, cái kín đáo ấy không phải là tất cả hình ảnh người đàn bà gương mẫu Việt Nam trong lịch sử, trong cuộc sống nghìn đời hay sao?

Này vẻ đẹp!

Vẻ đẹp cổ kính mà thùy mị, mà phúc hậu:


Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.

Có bao giờ rực rỡ huy hoàng! Nhưng bảo rằng không đẹp thì nghìn lần vô lý! Đẹp như chiếc áo tứ thân miền Bắc, chiếc áo cụt miền Trung, hay chiếc áo bà ba miền "mưa nắng hai mùa", thô sơ mà vĩnh cửu.

Này tâm tình!

"Vô tri đến độ không tình cảm" thế nhân thường bảo khi phải nhắc nhở Thuý Vân. Có đúng không bao lời phê phán?

Buộc miệng lên lời:


Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa.

quả cũng ít nhiều thờ ơ lãnh đạm trong khi Kiều đã đầm đầm châu sa, nhưng nếu nghĩ người nằm dưới đáy mồ hoang tàn không tình quen biết, thì khóc than van vái đề thơ, cũng thật đáng nực cười nếu không muốn nói rằng bệnh hoạn. Bản tính bình dị nhiều thiết thực, không mơ mộng hão huyền, không ước vọng cao xa của con người Việt, nhất là của người đàn bà Việt Nam lề lối đáng khen nào đáng trách! Nhiều tình cảm nhưng bao giờ cũng đặt tình cảm trong lẽ phải chẳng là một đức tính người đời thường ca tụng, nhờ đấy nước Việt còn bền vững tận ngày nay.

Thế sao còn vì ai mà nặng lời người em vườn Thuý và quên đi bao cao cả của một tâm hồn?

Tôi nói cao cả không là quá đáng. Vì thiếu Thuý Vân, Kiều có vẹn ân toàn nghĩa với chàng Kim?

Khen tặng Kiều sao lại nỡ quên Vân? Ngoài ra, đã là người lẽ tất nhiên nàng vẫn có tình cảm riêng tư cá biệt. Nàng cũng có thể biết yêu và đã yêu. Gán ép nàng cho Kim Trọng, Kiều và cả gia đình Vương ngoại đã chà đạp một tâm hồn, gián tiếp đem nàng làm một con vật hy sinh. Thế mà nàng có phản đối đâu, thế mà nàng có khóc than tru trếu bên tình bên hiếu như Kiều đâu? Lẳng lặng quên mình vì người. Hành động quá âm thầm nhưng và cùng tế nhị. Hành động chỉ do thúc đẩy của tấm lòng.

Tôi lại nhớ mẹ tôi, những ngày khói lửa! Cuộc tản cư kéo dài mãi, từ làng này chúng tôi phải vượt qua làng khác triền miên. Ngày về vô định, mà tiền bạc chẳng còn. Viễn ảnh chồng con sắp chết đói có lẽ làm đau lòng mẹ tôi biết mấy! Vì thế người có ý định vào vùng chiếm đóng tìm lại mớ nữ trang chôn giấu dưới nền nhà (độ một lượng vàng quá ít so với một sinh mệnh!). Tôi hồi tưởng lại khoảng đường mẹ vượt qua mà rùng mình ghê sợ. Máu toàn là máu. Mỗi đoạn đường ngăn ngắn là một tháp canh, là những tên lính ngoại quốc chực hờm. Ai có biết qua Gò Công mùa kháng chiến, thì hiểu rằng vào thành lúc ấy là một chuyện nguy hiểm nhất cho người đàn bà. Và từ đấy, hơn mười năm trôi qua, mẹ tôi chẳng bao giờ nhắc lại hành động trên. Chắc người cho rằng, chỉ là một việc dĩ nhiên phải làm.

Nhưng tôi, tôi lại nhớ nhiều. Hình ảnh mẹ tôi bao lần khiến tôi giữ ý nghĩ cuộc đời không hoàn toàn xấu xa nhơ nhớp! Cũng như tôi vẫn mến Thuý Vân nhiều hơn Kiều, ở đoạn này và những đoạn kế truyện Kiều.

Một kẻ đến sau trong tình ái! Nàng không bao giờ biết mà làm gì? Là một chiếc bóng âm thầm bên cạnh người chồng hờ (Kim Trọng có phút giây nào nghĩ đến Thuý Vân đâu?) nàng cũng chẳng than thân, vẫn tròn bổn phận. Ấy mới gan, ấy mới tài, mới nhiều khả kính. Cắn chặt răng, nén đau thương để mưu hạnh phúc cho người thân, còn gì cao đẹp cho bằng? Lại vì chồng, đồng chung ý nghĩ tìm người chị thân yêu, mà cũng là người tình địch. Chứng cớ đoạn thơ sau:


Phòng xuân trướng rủ hoa đào
Nàng Vân nằm bỗng chiêm bao thấy nàng.
Tỉnh ra mới rỉ cùng chàng,
Nghĩ lời chàng cũng hai đường tin nghi.

thì thật nàng vẫn đã quá hơn người!

Rồi đến phần tái hợp Kim – Kiều. Bao tầm mắt hướng về cô em gái. Không phụ lòng mong mỏi, đoán trước ý muốn của người thân:


Đứng lên, Vân mới giãi bày…
Rằng trong tác hợp cơ trời
Hai bên gặp gỡ một lời kết giao,
Gặp cơn bình địa ba đào
Vậy đem duyên chị buộc vào cho em,
Cũng là phận cái duyên kim,
Cũng là máu chảy ruột mềm có sao?
Những là nay ước mai ao,
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình.
Bây giờ gương vỡ lại lành,
Khôn thiêng lừa lọc đã đành có nơi.
Còn duyên nay lại còn người,
Còn vầng trăng bạc còn lời nguyền xưa.
Quả mai ba bảy đường vừa,
Đào non sớm liệu se tơ kịp thì.

Thật chí tình!

Thuý Vân chỉ nghĩ đến kẻ mười lăm năm luân lạc truân chuyên, nghĩ đến tình ai chung thủy. Nghẹn ngào cho người em ấy? Khách quan ngậm ngùi cho kẻ chỉ luôn vì người, vì người tất cả trong cuộc đời. Nhưng nàng thì chỉ cho là một việc tất nhiên (đọc lại mấy dòng thơ trên, ta sẽ thấy quá dịu dàng, quá chân thành không một lời mai mỉa).

Trách một điều chàng Kim nàng Thuý cũng đành lòng cho đấy là một việc tất nhiên; trước mặt người em đau thương – làm sao tránh khỏi, nàng là một con người kia mà – còn trao đổi những lời thân giao ân ái:


Dẫu rằng vật đổi sao dời
Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh.
Duyên kia có phụ chi tình,
Mà toan chia gánh chung tình làm hai.

Và từ chối cuộc hôn nhân cũng chẳng phải vì nàng Vân mà vì:


Chữ trinh còn một chút này
Chẳng cầm cho vững lại dày cho tan.

hay là:


Thương nhau sinh tử đã liều,
Gặp nhau còn chút bấy nhiêu là tình.
Gương trong chẳng chút bụi trần,
Một lời quyết hẳn muốn phần kính thêm.

nghĩa là họ chỉ vì nhau, thế thôi!

Nát lòng không người em gái!

Thế mà không một tiếng vang, không một phản ứng: nàng trở về kiếp sống âm thầm, khi bổn phận đã tròn. Mặc lời phẩm bình, mặc thế nhân.

Ngày xưa, cũng một cảnh đời na ná, bà Phan Bội Châu, vì cha chồng, vì chồng, tìm kế thất cho ông để tránh cho ông cái tội "đại bất hiếu" không con nối dõi tông đường. Bà Phan Bội Châu còn được nhà cách mạng lão thành ca tụng trong bài văn tế, nghìn năm nêu gương hiền phụ. Chỉ tội cho nàng Vân, muôn thuở bị lãng quên.

Thuý Vân, thế là hết một vai trò! Giở xong trang chót truyện Kiều, tôi cũng biết rằng, nàng cũng như mẹ tôi, cũng như bao người đàn bà gương mẫu khác trên toàn đất Việt, không cần tôi nhắc đến. Tôi cũng có ý niệm rằng vũ trụ bao la vốn dĩ đẹp muôn đời là vì nó câm lặng vô biên. Nhưng tôi vẫn trở về với nàng, với những hình ảnh thân yêu xa xưa, có lẽ chỉ để ấm lòng đôi chút giữa một xã hội xô bồ mà có đẹp chăng chỉ là những giả tạo bên ngoài! Mà cũng có lẽ để làm ngát hương đời trong giây phút – mặc cuộc đời không cần hành động của riêng tôi – với người em gái Thuý Vân, một đoá hoa nhiều hương sắc dù không lộng lẫy huy hoàng.

....................................................
(*): Vũ Hoàng Chương – Nguyễn Sỹ Tế – Nguyễn Văn Trung – Trần Bích Lan – Đinh Hùng – Doãn Quốc Sỹ – Việt Tử – Trần Thanh Hiệp – Phạm Thếng – Thanh Tâm Tuyền – Vũ Khắc Khoan – Nguyễn Thị Sâm

[1]Thanh hiên thi tập tài liệu trong Khảo luận về Kim Vân Kiều, của Đào Duy Anh
[2]Blaise Cendrars
Nguồn: Chân dung Nguyễn Du, in tại nhà in Nam Sơn, 36 Nguyễn An Ninh, Sài Gòn. Kiếm duyệt số 401/XB ngày 08-3-1960. Bản điện tử do talawas thực hiện.

1 nhận xét: