Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

QUYỀN LỰC [Phần 7]

QUYN LC
[Phần 7]
 
Chương VIII
QUYỀN LỰC KINH TẾ
 
 
    Khác với quyền lực quân sự, quyền lực kinh tế không phải là quyền lực bản nguyên mà là quyền lực phái sinh. Trong phạm vi một quốc gia quyền lực này tùy thuộc vào pháp luật; trên trường quốc tế chỉ có những giao dịch nhỏ là tùy thuộc vào pháp luật, còn khi chuyện lớn người ta nhờ vào chiến tranh hay đe dọa chiến tranh giải quyết. Nhiều người có thói quen chấp nhận quyền lực kinh tế mà không cần phân tích, nên vào thời hiện đại, người ta đã nhấn mạnh kinh tế quá mức (mà không chú ý nhiều đến chiến tranh và tuyên truyền) trong khi giải đoán nguyên do lịch sử.
 
    Hãy tạm đặt qua một bên quyền lực kinh tế của lao động, chúng ta thấy sau khi phân tích đến cùng thì mọi quyền lực kinh tế khác nằm ở việc quyết định ai có toàn quyền đối với mảnh đất (ngay cả khi phải dùng tới vũ lực). Điều này hiển nhiên trong một số trường hợp. Dầu hỏa miền Nam Ba Tư thuộc về công ty Anh-Ba tư  vì chính phủ Anh đã quy định không ai được mó tới nó và có đủ sức mạnh hỗ trợ ý chí của mình; nhưng nếu Anh quốc thất trận thì dĩ nhiên quyền sở hữu sẽ thuộc vào tay kẻ khác. Các mỏ vàng xứ Rhodesia của một số tài phiệt vì chính phủ Anh sẵn sàng lâm chiến và tù trưởng Lobengula. Luật pháp Hoa Kỳ chuẩn nhận quyền sở hữu dầu hỏa thuộc về một số công ty và quân đội Hoa kỳ sẵn sàng bảo vệ luật pháp này. Tuy người da đỏ là chủ nhân ông nguyên thủy của những mỏ dầu đó nhưng họ đã mất quyền vì thua trận. Mỏ sắt ở Lorraine tùy thuộc Anh và Pháp tùy ở kết quả trận chiến mới nhất…
 
    Nhưng lối phân tính này cũng áp dụng được trong trong những trường hợp kém cỏi rõ ràng hơn. Tại sao một tá điền phải trả địa tô và tại sao ông ta có thể bán lúa? Ông ta phải trả địa tô vì đất thuộc về địa chủ. Địa chủ đã sở hữu đất đai vì đã mua hay thừa hưởng từ một kẻ khác. Ngược dòng thời gian kẻ sở hữu đầu tiên đã chiếm đất bằng võ lực chẳng hạn như một ông vua lấy đất cho bầy tôi hay những cuộc chiếm đất đai quy mô của dân Saxons và Normans. Sau đó Nhà nước đã dùng quyền để đảm bảo rằng sự sở hữu phải theo luật pháp. Và quyền sở hữu đất đai là quyền cho phép kẻ nào sử dụng đất đai. Để được phép này tá điền phải trả địa tô và nhờ vậy ông ta có quyền bán lúa.
 
    Quyền lực của nhà kỹ nghệ thuộc cùng một loại; phân tích cho cùng nó nằm ở việc chủ nhân ông một xưởng máy có thể nhờ tới lực lượng Nhà nước ngăn cấm những người không phận sự vào xưởng. Đôi khi nhà nước có thể không dám quá mạnh tay. Hậu quả là có những cuộc đình công trong vòng rào xưởng. Ngay khi Nhà nước châm chước cho những cuộc đình công thì quyền sở hữu không còn tập trung ở chủ nhân nữa mà và bắt đầu chia xớt phần nào cho những công nhân.
 
    Tín dụng xem như ra còn là một quyền lực kinh tế trừu tượng hơn cả, nhưng nó không khác biệt xét về phương diện bản chất. Nó tùy thuộc vào quyền hợp pháp chuyển một khoản, dư những vật dụng từ những người đã sản xuất đến tay những người đang làm việc nhưng không trực tiếp tạo ra .Trong trường hợp cá nhân hay công ty vay tiền thì luật pháp quy định mọi nghĩa vụ, nhưng trong trường hợp một chính phủ thì chế tài tối hậu chính là sức mạnh quân sự của các chính phủ khác. Chế tài này có thể thất bại như nước Nga sau cách mạng; khi nó thất bại thì kẻ vay nợ cứ từ từ chiếm đoạt tài sảncủa kẻ cho vay. Chính phủ Sô Viết chứ không phải các cổ đông thời tiền chiến có quyền quyết định ai được đụng đến các mỏ vàng ở Lena (vì chính phủ đã đoạt quyền). Như vậy quyền lực kinh tế của các tư nhân tùy thuộc vào quyết định của chính quyền sử dụng quân lực khi cần thiết theo một số luật lệ cho phép kẻ nào được làm chủ đất đai, trong khi quyền lực kinh tế của chính phủ một phần tùy ở quân lực và một phần ở sự tôn trọng những hiệp ước và công pháp quốc tế của các chính phủ khác.
 
    Mối liên hệ giữa quyền lực kinh tế và chính quyền có tính cách hỗ tương phần nào; nghĩa là một nhóm người phức hợp nào đó đoạt được quyền lực quân sự và sau đó chiếm được được quyền lực kinh tế. Trong thực tế có thể là động lực kinh tế khiến họ kết hợp với nhau. Ta có thể xét trường hợp gần như vô chính phủ trong cuộc đổ xô đi tìm vàng ở California vào năm 1849 hoặc ở Victoria vài năm sau đó. Một người có vàng (do chính tay mình kiếm được) không thể coi là có quyền lực kinh tế cho tới khi anh ta kí thác vàng vào ngân hàng. Cho tới khi gửi vào ngân hàng anh ta có thể bị ăn trộm hoặc hay bị cướp giết chết. Trong một số tình trạng vô chính phủ hoàn toàn (mà mọi người phải chống cự lẫn nhau), vàng vô dụng trừ ra với một kẻ bắn nhanh như chớp có thể đốn ngã bất cứ kẻ xâm phạm nào; và đối với anh ta vàng chỉ vui mắt thôi vì anh ta có thể thỏa mãn mọi nhu cầu của mình với tài bắn nhanh, bắn trúng chứ khỏi cần trả tiền làm chi. Dĩ nhiên tình trạng này tạo ra nhiều rắc rối và không thể kéo dài được. Vườn ruộng cũng vô phương canh tác nếu người ta không thể ngăn chặn được kẻ xâm phạm đất đai và mùa màng. Hiển nhiên là tới lúc một cộng đồng vô chính phủ phải tìm cách thiết lập một chính quyền nào đó (chẳng hạn như Ủy Ban Bảo vệ ở Vigilantes), họ có thể làm bảo tiêu. Trong những xã hội văn minh hơn ta đóng thuế lợi tức. Ngay khi có những luật lệ quy định dịch vụ chechở, sức mạnh quân sự được ngụy trang dưới lớp áo luật pháp và tình trạng vô chính phủ cáo chung. Những căn bản tối hậu của luật pháp và của các tương giao kinh tế vẫn còn là sức mạnh quân sự của các đoàn viên Uỷ ban Bảo vệ.
 
    Dĩ nhiên diễn tiến lịch sử không giống như những việc trên mà nó đã tiếp diễn tuần tự và tùy thuộc vào những kẻ ngang ngược ít quen thuộc với những định chế này kia rắc rối. Tuy vậy tình trạng tương tự cũng đã xảy ra mỗi khi có cuộc viễn chinh nhất là khi các kẻ chinh phục là một nhóm nhỏ; ta có thể truy nguyên quyền sở hữu đất đai (đến những cuộc chinh phục). Chúng ta thấy các tương giao kinh tế quốc tế hãy còn ở tình trạng bán khai, nước mạnh ăn hiếp nước yếu để bóc lột tài nguyên, nhân lực cũng như vật lực. Hãy đọc những điều khoản bồi thường trong hiệp ước Versailes. Bất kể các luật lệ kinh tế ra sao, ta thấy ở căn bản vẫn cần sức mạnh quân sự.
 
    Trong trường hợp các tư nhân, những luật lệ nhà nước soạn thảo là một phần quan trọng của Luật. Phần luật pháp này chỉ sở hữu khi được công luận hỗ trợ. Công luận (theo như điều răn thứ tám) kết án trộm cắp, và định nghĩa trộm cắp là lấy đi tài sản theo như cách bị luật pháp kết án. Như vậy quyền lực kinh tế tư nhân được củng cố do sự kết án trộm cướp về phương diện luân lý, và định nghĩa trộm cướp ra sao. […].
 
    Quyền lực kinh tế trong một quốc gia dẫu rằng phái sinh từ luật pháp và công luận, có thể chiếm được phần nào độc lập. Nó có thể dùng nén bạc “đâm toạc luật pháp” và mua chuộc dư luận với những thủ đoạn tuyên truyền. Nó cũng có thể trói tay các chính trị gia bằng cách gây nên những khủng hoảng tài chính. Nhưng quyền lực kinh tế cũng bị những giới hạn. Những chủ nợ của Caesar đưa ông lên nắm quyền vì họ chỉ có thể lấy được nợ nếu Caesar lên ngôi; nhưng khi thànhcông Caeser liền trở mặt. Charles V vay tiền họ Fuggers để mua ngai vàng, nhưng yên vị rồi thì ông vỗ nợ. Gần đây Thyssen[1] giúp Hitler chiếm quyền mà chẳng được đền bù.
 
    Bây giờ ta hãy xét quyền lực của một đám phú hào trong một nước dân chủ. Họ đã không thể mướn nhân công Á châu vào làm việc ở California hay Úc châu. Họ không bãi bỏ nổi nghiệp đoàn. Họ bị đánh thuế nặng ở Anh Quốc. Họ cũng không thể ngăn cấm việc tuyên truyền chủ nghĩa xã hội. Trái lại họ có thể ngăn một chính phủ gồm những đảng viên xã hội mang chủ nghĩa xã hội ra áp dụng; nếu quyết tâm họ có thể lật đổ chính phủ bằng cách gây ra khủng hoảng; nếu cần họ có thể gây ra nội chiến. Khi vấn đề giản dị và công luận cứng rắn, đám phú hào chẳng có sức mạnh gì; khi công luận yếu thì đám phú hào có ảnh hưởng chính trị quan trọng.
 
    Quyền lực của nghiệp đoàn là nghịch đảo quyền lực của đám phú hào. Các nghiệp đoàn có từ chối nhận thợ da màu, tiếp tục đứng vững và tuyên truyền thả dàn, nhưng cho đến nay họ đã thất bại trong việc áp dụng chủ nghĩa xã hội và không duy trì nổi các chính quyền họ thích (nhưng đa số dân chúng bất tín nhiệm) tại vị lâu dài.
 
    Như vậy, công luận giới hạn ảnh hưởng chính trị của các tổ chức kinh tế. Nhiều khi công luận rất là cố chấp chứ không dễ lay chuyển đâu. Dân chủ là một thực thể có giá trị chứ không phải là một viễn tượng như nhiều người lầm tưởng.
 
    Dẫu rằng quyền lực kinh tế (thứ quyền lực trong vòng hợp pháp) có căn bản là quyền sở hữu đất đai nhưng những địachủ đã mất địa vị ăn trên ngồi chốc trong những cộng đồng thời nay. Vào thời phong kiến hễ làm chủ đất đai là có quyền lực; địa chủ mặc quyền thao túng tá điền. Nhưng ở những nơi kỹ nghệ đã phát triển tín dụng mạnh hơn quyền sở hữu đất đai. Các địa chủ cần vay tiền để phát triển nên lệ thuộc vào ngân hàng. Nơi nào pháp luật suy yếu con nợ thường giết chết chủ nợ và đốt mọi tài liệu chứng tích. Bất cứ ai có liên hệ tới đất đai (từ ông hoàng cho tới nông dân) đều có thói mượn tiền thật nhiều; nhưng chỉ ở những nơi có pháp luật, con nợ mới chịu è lưng trả lãi cho tới khi khánh tận. Quyền lực kinh tế phái sinh từ đất đai đã chuyển từ con nợ sang tay chủ nợ. Trong một cộng đồng mới đây, chủ nợ thường là ngân hàng.
 
    Trong một tổ hợp tân tiến lớn lao, làm chủ chưa chắc đã có quyền và ngược lại. Berle và Means viết về vấn đề này ở Mỹ một cách cặn kẽ trong một tác phẩm quan trọng The Modern Corporation and Private Property (Tổ hợp hiện đại và tư sản) xuất bản năm 1932. Họ cho rằng dù sở hữu quyền có khuynh hướng ly tâm quyền lực có khuynh hướng hướng tâm. Qua một cuộc điều tra tường tận, họ đi tới kết luận là hai ngàn cá nhân nắm quyền kiểm soát một nửa nền kỹ nghệ Hoa Kỳ (trang 33). Họ coi viên giám đốc xí nghiệp thời đại mới có quyền uy chẳng khác những quân vương và giáo hoàng khi xưa. Họ lý luận là sự tập trung quyền lực trong các tổ chức kinh tế lớn tương tự như Giáo hội thời Trung cổ hay Nhà nước quốc gia nên các tổ hợp có thể cạnh tranh ngang ngửa với nhà nước. Sự tập trung quyền lực rất dễ hiểu. Thí dụ như một cổ đông thường trong một công ty hỏa xa không có tiếng nói trong việc điều hành công ty. Quyền lực kinh tế của hỏa xa nằm trong tay một số ít người. Ở Hoa Kỳ, trong tay một người.Ở bất cứ một quốc gia phát triển nào, phần lớn quyền lực kinh tế thuôc về một nhóm cá nhân nhỏ. Đôi khi là những nhà tưbản tư nhân (ở Mỹ, Pháp, hoặc ở Anh), hoặc chính trị gia (ở Đức, Ý, Nga). Ở những nước sau này quyền lực kinh tế và quyền lực chính trị liên kết với nhau. Khuynh hướng tập trung quyền lực vào tay một nhóm nhỏ rất thông thường, nhưng khuynh hướng này có đối với các quyền lực nói chung không riêng gì quyền lực kinh tế. Một hệ thống quyền lực kinh tế liên kết với quyền lực chính trị có sau một hệ thống mà chúng tách rời, giống như Tổ hợp thép xuất hiện sau thời kì có nhiều nhà sản xuất thép nhỏ cạnh tranh với nhau Nhưng bây giờ tôi chưa muốn bàn tới Nhà nước chuyên độc.
 
    Việc thủ đắc quyền lực kinh tế dẫn tới quyền lực tuyên truyền hay quân sự, nhưng tiến trình nghịch chiều có thể xảy ra. Trong những điều kiện sơ khai, quyền lực quân sự là nguồn gốc của mọi thứ quyền lực khác, về phương diện giao dịch quốc tế, Alexander không giàu có bằng người Ba Tư, người La Mã không giàu bằng người Cathage nhưng sau khi thắng trận người đi chinh phục trở nên giàu có hơn kẻ thù. Trước khi bắt đầu những cuộc xâm lăng, tín đồ Hồi giáo nghèo hơn người Byzantine rất nhiều, và các xâm lăng Nhật Nhĩ Man, nghèo hơn đế quốc La Mã. Trong những trương hợp này, quyền lực quân sự đẻ ra quyền ra quyền lực kinh tế. Nhưng trong nội bộ dân Á-rập, quyền lực quân sự và kinh tế của nhà Tiên tri Đấng Allah có được là nhờ tuyên truyền (giống như quyền lực và của cải của giáo hội Tây Phương).
 
    Trong một số trường hợp, Nhà nước có quền lực quân sự là nhờ vào sức mạnh kinh tế. Những thí dụ đáng lưu ý nhất vào cổ thời là những thành phố duyên hải của Hy Lạp và Carthage; vào thời Trung cổ là những xứ Cộng Hòa Ý; vào thời hiện đại là Hoà Lan và Anh quốc. Trong tất cả các trường hợp này (ngoại trừ nước Anh phần nào sau cuộc cách mạng kỹ nghệ) quyền lực kinh tế dựa vào thương mại chứ không phảinguyên liệu. Một số thành phố hay quốc gia đã nắm được một phần độc quyền kinh tế nhờ vào vị trí địa lý ưu đãi. Người ta dùng một phần tiền do thương mại kiến được để mướn lính đánh thuê, nghĩa là trở nên có quyền lực quân sự. Tuy nhiên phương sách này có điều bất lợi là có thể có những cuộc nổi loạn hay phản bội. Chính vì lý do này mà Machiavelli đề nghị chỉ dùng những đạo quân gồm toàn những công nhân của xứ mình thôi. Khuyến cáo này chỉ xác đáng đối với những nước lớn mà lại giàu có nhờ thương mại, nhưng vô dụng trong trường hợp quốc gia đô thị Hy Lạp hay một Cộng Hòa Ý tí hon. Quyền lực kinh tế dựa vào thương mại chỉ bền vững khi nó thuộc vào một cộng đồng hay một nước văn minh vượt bậc so với các nước lân bang.
 
    Tuy nhiên thương mại đã mất tầm quan trọng của nó do sự cải thiện các phương tiện giao thông, vị trí địa lý quan trọng hơn xưa; và do chủ nghĩa đế quốc, các Nhà nước quan trọng ít cần đến ngoại thương hơn trước. Trong bang giao quốc tế ngày nay, hình thức quyền lực kinh tế là sự thủ đắc nguyên liệu và thực phẩm; và những nguyên liệu quan trọng, nhất là những nguyên liệu cần cho chiến tranh. Tuy vậy quyền lực kinh tế và quân sự trở nên khó phân biệt. Dầu lửa chẳng hạn, một quốc gia không thể chiến đấu nếu không có dầu, và không thể làm chủ các giếng dầu nếu không thể chiến đấu. Thiếu một trong hai trường hợp đều có thể dẫn tới thất bại, dầu lửa Ba Tư vô dụng đối với người Ba Tư vì họ không có những đạo quân tương xứng, và những đạo quân Đức sẽ vô dụng nếu họ không có dầu hỏa.
 
    Trong quá khứ quyền lực kinh tế và quân sự chưa bao giờ có liên hệ chặt chẽ với nhau như hiện tại. Không một quốc gia nào trở nên hùng mạnh nếu thiếu kĩ nghệ, nguyên liệu, thực phẩm. Trái lại, chính là nhiều quyền lực quân sự mà nhiềuquốc gia chiếm được nguyên liệu mà nước họ thiếu. Trong chiến tranh, Đức chiếm dầu của Lỗ Mã Ni và mùa màng xứ Ukraine, vai trò của tuyên truyền trong việc xây dựng quyền lực của quốc gia cũng gia tăng với sự phát triển của giáo dục.  Một dân tộc không thể thành công trong một cuộc chiến tranh hiện đại trừ khi đa số người sẵn lòng chịu cực và nhiều người sẵn lòng chịu hi sinh mạng sống.  Để tạo ra sự sẵn lòng này, các nhà cai trị phải thuyết phục dân họ chiến tranh là điều vô cùng quan trọng – quan trọng đến nỗi đáng cho người ta hi sinh. Tuyên truyền chiếm phần lớn trong chiến thắng của Đồng Minh trong Đại Chiến, nó hầu như là nguyên nhân duy nhất của chiến thắng Xô Viết vào những năm từ 1918 đến 1920.  Hiển nhiên là những căn do như thế đang dẫn tới việc liên kết quyền lực kinh tế, quyền lực quân sự và quyền lực tuyên truyền. Trong thực tế có xu hướng chung kết hợp mọi thứ quyền lực vào một mối là Nhà nước. Sự phân biệt giữa các loại quyền lực sẽ biến mất trừ khi có những phản động lực đủ mạnh.
 
    Tới đây chúng ta hãy xét một quan điểm của Marx cho rằng tư bản chủ nghĩa sẽ làm phát sinh cuộc chiến tranh giai cấp rút cuộc sẽ bao trùm hết các hình thức tranh chấp khác.  Hiểu Marx là điều vô cùng khó khăn, nhưng hình như ông nghĩ vào thời bình, tất cả các quyền lực kinh tế đều thuộc về bọn địa chủ và tư bản, bọn này sẽ khai thác quyền lợi của chúng triệt để nên giới vô sản nổi loạn. Giới vô sản, vì là tuyệt đại vô số, sẽ chiến thắng ngay khi họ biết đoàn kết để thiết lập một hệ thống mà quyền lực kinh tế sẽ thuộc về toàn thể cộng đồng.  Không biết ý kiến của Marx có đúng vậy không, nhưng rõ ràng nói chung đây là lý thuyết của những người Cộng sản ngày nay nên ta cần cứu xét cẩn thận.
 
    Quan điểm chủ trương quyền lực kinh tế thuộc về địa chủ và tư bản có nhiều sơ hở quan trọng. Địa chủ và tư bản hoàn toàn bất lực nếu không có lao động; và lao động có thể phát động các cuộc đình công rộng lớn để tranh đấu cho quyền lực của họ.
 
    Câu hỏi thứ hai: Có thực tư bản sẽ khai thác quyền lợi của họ triệt để không? Nếu họ biết nhìn xa trông rộng họ sẽ không dại gì đi quá xa để phải chịu nhưng hậu quả Marx đã thấy. Nếu họ để lao động chia sẻ phần nào quyền lợi, thợ thuyền sẽ không hưởng ứng cách mạng. Ở Mỹ, giới công nhân chuyên môn nói chung bảo thủ vì họ đã có quyền lợi. Còn cho rằng giới vô sản chiếm tuyệt đại đa số chưa chắc hoàn toàn đúng. Nó không đúng ở những xứ nông nghiệp mà ở đó nông dân làm chủ thửa đất của họ.  Ở những nước kỹ nghệ thì tuy có nhiều kẻ thuộc giới vô sản nếu xét về phương diện kinh tế, nhưng họ lại đứng về  phe kẻ giàu về phương diện chính trị vì họ chỉ có việc làm nếu có những nhu cầu xa xỉ. Một cuộc chiến tranh giai cấp nếu xảy ra chưa chắc giới vô sản đã là kẻ chiến thắng.  Sau hết những khi có khủng hoảng, đa số dân chúng cảm thấy cần trung thành với quốc gia hơn là giai cấp. Vào năm 1914 những kẻ theo chủ nghĩa quốc tế vô sản đều trở nên những kẻ ái quốc, hiếu chiến. Chiến tranh giai cấp khó xảy ra khi thế giới còn bị xâu xé bởi những cuộc chiến tranh quốc gia, như hiện nay.
 
    Sau đây tôi tóm tắt nhưng điều đã trình bày trong chương này:  Quyền lực kinh tế tùy thuộc ở:
 
a - Khả năng bảo vệ lãnh thổ,
b - Khả năng đe dọa xâm lăng lãnh thổ nước khác,
c - Nguyên liệu thực phẩm, kỹ nghệ,  
d - Khả năng cung cấp thực phẩm và dịch vụ.
 
    Những yếu tố quân sự và kinh tế liên kết với nhau vô vùng chặt chẽ.  Nhật Bản đã dùng sức mạnh quân sự để chiếm của Trung Hoa những nguyên liệu cần thiết cho sức mạnh quân sự lớn lao; Anh và Pháp chiếm dầu hỏa ở vùng Cận Đông. Tầm quan trọng của các yếu tố kinh tế trong chiến tranh ngày càng gia tăng vì chiến tranh ngày càng trở nên cơ giới hóa và khoa học, nhưng chúng ta đừng vội kinh xuất mà cho rằng bên nào có tài nguyên kinh tế dồi dào hơn chắc chắn sẽ thắng lợi. Vai trò của tuyên truyền trong việc kích động dân chúng cũng gia tăng không thua gì các yếu tố kinh tế.
 
    Trong phạm vi nội bộ một quốc gia, luật pháp giới hạn phương thế làm giàu. Luật pháp có thể tạo nên những độc quyền: Bằng sáng chế, quyền tác giả, quyền sở hữu đất đai. Độc quyền cũng có thể tạo nên do sự phức hợp chẳng hạn như tổ hợp những nghiệp đoàn. Nhà nước giành quyền trưng dụng bất cứ gì nó cần. Những nhóm có ảnh hưởng lớn đều có thể thúc đẩy Nhà nước gây chiến để làm giàu cho họ. Họ cũng có thể khiến Nhà nước làm ra những bộ luật có lợi cho họ. Như vậy quyền lực kinh tế của cá nhân hay phe nhóm tùy thuộc vào sức mạnh quân sự và sự khống chế dư luận cũng nhiều khi tùy vào các yếu tố khác trong kinh tế học. Khoa kinh tế học nếu đứng biệt lập sẽ thiếu thực tế và dẫn dắt ta sai lạc. Nó là một yếu tố quan trọng, hẳn thế - trong một khoa nghiên cứu lớn hơn, khoa học về quyền lực.
 
    (còn tiếp)
 

    Nguồn: Bertrand Russell.Quyền lc. Nguyễn Vương Chấn và Đàm Xuân Cận dịch, Nxb Hiện đại, 1972. Bản điện tửdo triethoc.edu.vn thực hiện.


[1]
  Thyssen: đạt kỹ nghệ gia Đức.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét