—o0o—-
Những kỷ niệm êm dịu nhất, sâu sắc nhất, sinh động nhất trong đời sống văn học của tôi có lẽ là những kỷ niệm tôi còn lưu giữ về những ngày đầu tiên tôi ở Huế, đất kinh đô thương nhớ.
Chuyện ấy xảy ra đã mười một hay
mười hai năm rồi. Lúc đó, đức vua Khải Định bắt đầu trị vì, một triều
đại vô cùng rực rỡ như báo hiệu đặc biệt phong phú, đầy hi vọng và hứa
hẹn; vài năm sau, triều đại này lại phải kết thúc một cách mờ nhạt. Đàn
Nam Giao, nơi làm đại lễ tế Trời và Đất, đã bị bỏ mặc từ lâu, lại sắp
được tiến hành một cuộc tế lễ vô cùng long trọng, điều này là một cử chỉ
biểu tượng khi một ông vua nhà Nguyễn đến tuổi trưởng thành và có ý thức lên ngôi. Đối với tôi, chẳng có dịp nào thuận tiện hơn để làm quen với đất kinh đô của những giấc mơ tôi; đó đúng là thời diểm ngoài những nét quyết rũ tự nhiên, trong trí tưởng tượng của tôi, kinh đô còn phải hiện ra với những trang sức lễ hội diễm lệ nhất, với tất cả sự tráng lệ của vẻ
huy hoàng xưa cũ. Bởi vì, từ lâu tôi đã mơ về những thành phố quyến rũ
có tên là Venise, Sienne, Cordoue, Tolède, những thành phố của nghệ
thuật và thơ ca, ở đây những tâm hồn khát khao cái đẹp và sự hài hòa
đến để tìm một cảnh trí hay một khung cảnh để thổ lộ tâm tình và cất
cánh bay bổng.
Vậy là, theo gương các bậc nhà nho đàn anh, tôi đi du lịch Tràng An; đó là một cuộc hành hương đam mê. Bạn đồng hành của tôi là một nhà thơ thú vị, từ hồi đó anh đã phát triển theo những tư tưởng khác, nhưng khi ấy anh ta chỉ say mê văn chương, nghệ thuật.
Để không làm phiền bạn bè, chúng tôi thỏa thuận không đến nhà ai cả. Thi sĩ của tôi có ý tưởng
độc đáo là thuê một chiếc thuyền tam bản, thứ thuyền có mui che; trên
sông Hương, loại thuyền này là một thứ khách sạn nổi. Ở đó, người ta ăn,
người ta ngủ, người ta tiếp khách; ở đó, những nghệ sĩ tinh tế cùng
những phu nhân lịch thiệp đua trí, hay cất giọng ca và đánh đờn bằng sự
dung dị nguyên sơ của những sắc giọng không thể mô tả được.
Song cũng phải mô tả bẳng cách bắt chước tạm hai câu thơ trong Truyện Kiều nổi tiếng thôi:
Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như nước suối mới xa nửa vời.
[Pure comme le cri de l’oie sauvage traversant l’espace,
Ou troubles comme un torrent descendant des montagnes][1]
Chắc chắn “cuộc sống trên thuyền”
không tiện nghi bằng cuộc sống ở khách sạn. Nhưng với ai biết nếm náp
nó, cuộc sống này lại cho ta những điều thú vị hiếm có. Với chúng tôi,
dù đức vua có dành cho một gian phòng trong lâu đài của người, thì cũng không vì thế mà chúng tôi lại muốn rời bỏ chiếc thuyền tam bản quê mùa này.
Chủ thuyền là một đôi vợ chồng. Ban
ngày, thuyền đậu gần bờ, một chú bé con trông thuyền. Người đàn bà đi
chợ, nấu nướng cho chúng tôi. Người chồng làm công việc kéo xe tay, anh
dẫn chúng tôi vào thành phố, hoặc kéo xe cho chúng tôi khi cần. Khác với
những người “đồng sự” ở Hà Nội, đó là một chàng trai rất lẽ phép, dễ
bảo, và tôi có thể nói, rất có giáo dục. Chị vợ thì dịu dàng, sẵn sàng
phục vụ, nấu ăn ngon – chị nấu cho chúng tôi những món cá tuyệt vời –
thêm vào đó chị còn có một chất giọng rất tuyệt: ban đêm, lúc chèo
thuyền, chị vẫn hát những bài hát buồn buồn mê hồn.
Tóm lại, đó là những con người rất
dễ thương, và chúng tôi quan tâm nhiều tới cặp vợ chồng này. Chúng tôi
sống cùng với họ gần một tuần lễ. Nhờ họ, đã tạo cảm hứng cho ông bạn
tôi làm một bài thơ khá xinh bằng chữ Nho. Tôi vẫn còn nhớ bài thơ ấy,
và xin dịch nó ra đây bằng một bản dịch gần đúng, tôi rất tiếc là đã
không thể diễn dịch được hết cái tuyệt diệu của bản gốc.
I
Tháng sáu, cái nóng nung ngập bầu trời.
Người người bức bối than vãn trong cảnh lò lửa này
Nhưng, trong khắp thế gian, lại có gặp vợ chồng sung sướng.
Trên con thuyền mong manh, họ trữ đầy trăng thanh, gió mát.
II
Chồng trên cạn, vợ dưới sông, họ sống đời ung dung tự tại
Chồng kéo xe, vợ khua chèo lướt chiêc thuyền tam bản.
Nhưng cả xe cả thuyền đều chẳng xứng chở nỗi buồn chia cắt
Đêm về, vợ lại gặp chồng trên con đò sông nước
III
Nước chảy về Đông cản lại triều dâng
Sóng cuộn bùn lầy tràn đầy dòng sông.
Vợ bảo chồng:
“Đừng như con nước khuấy bùn
Để thiếp ôm mặt khóc ròng đêm khuya!”
Bài thơ nhỏ này được sáng tác dưới một hình thức được gọi là “Trúc chi từ”, nó gồm những khổ thơ bốn câu. Nó ca ngợi vẻ đẹp của tình yêu và nỗi buồn chia cách. Thật tuyệt vời.
Bạn tôi ngẫu hứng sáng tác ra nó trong một buổi tuối. Đêm ấy, trên con thuyền tam bản của chúng tôi có mấy nhà nho
đất kinh kỳ cùng nhau họp mặt, hôm ấy còn có cả hai cô đào hát nổi
tiếng. Một chiếc thuyền thứ hai nối theo thuyền chúng tôi, trên đó có
những nhạc công mang theo đàn sáo. Căn phòng độc nhất sau khi được dùng
làm phòng ăn đã biến thành phòng khách nơi trò chuyện. Đã quá nửa đêm.
Từng người đều đã ứng tác vài câu thơ, nhưng bài thơ kể trên được mọi
người tán thưởng hơn cả. Chúng tôi đã bơi xa khỏi thành phố, và đậu
thuyền giữa dòng sông, bên cạnh tháp Thiên Mụ hay là “Người đàn bà nhà trời”,
mà người Âu châu gọi nhầm là “Tháp Khổng Tử”. Trong cái tịch mịch đêm
khuya, bắt đầu đàn hát. Những làn sóng hòa âm tràn ngập chúng tôi, đưa
chúng tôi đến những vương quốc phi thực, đến những miền đất hư ảo. Những
tiếng hát lúc thì ngọt ngào như thứ hương đầy hấp lực của một loài hoa, lúc thì đau lòng xé ruột như tiếng người đang khóc, lúc thì uể oải như cái nhìn của người đàn bà trong một đêm hè xâm xấp mồ hôi, lúc thì vui vẻ, điều này rất hiếm, như tiếng ríu rít của bầy
chim mùa xuân. Và người ta nói rằng thứ âm nhạc ấy thấm vào ta cả thể
xác lẫn tâm hồn, nó len lỏi vào trong huyết quản ta, nó chạy khắp cơ thể
ta, làm ta rùng mình khoái cảm.
Cái quyến rũ mê hoặc của những tiếng hát này, của âm nhạc Huế từ đâu mà ra? Truyền thống nói rằng Ca-lý bắt nguồn từ những âm điệu cổ của người
Chiêm Thành. Người nước Nam chiến thắng người Chăm trong một cuộc tranh
đấu lâu đời; dân tộc thua trận đã có thói quen, như người ta nói, hát
những khúc hát buồn bã để than khóc những đau khổ của tổ quốc đã mất. Những binh lính nước Nam đóng quân trên đất chiêm thành đã bị những làn điệu buồn thảm này gây ấn tượng, chúng đáp ứng mạnh mẽ tình cảm nhớ quê hương của binh lính, họ liền cải biên chúng thành những khúc hát của nước
Nam, và như vậy đã du nhập chúng vào trong xứ sở mình, nơi đây chúng
nhanh chóng trở nên phổ biến. Dù nguồn gốc như thế nào, thì những điệu
Huế như Nam ai, Nam bình, được đàn bầu chơi đệm cũng buồn thảm đến xé ruột, xé gan. Và nếu đúng như Musset đã nói thì:
Les chants les plus beaux sont de purs sanglots[2]
Chúng là cái mà giọng nói của con người đã sản sinh ra hài hòa nhất, và có lẽ cũng bi thảm nhất.
Chúng đặc biệt xúc động khi được hát vào giờ này và trong khung cảnh này, và lại được nghe chính giọng của những con người mà độ nhạy cảm nghệ thuật bị kích thích cực điểm, độ nhạy này hoàn toàn rung động với mọi tiếng vọng của không gian.
Vẻ quyến rũ của chúng tác động theo kiểu ở hai thời kỳ, ở hai mức độ: đàu tiên đó là sự trầm cảm của toàn thể con người, nỗi buồn thảm thắt ruột gan chiếm lĩnh anh ta tới tận đáy thẳm, nó “tiêu hồn”, theo như cách diễn tả của người
nước Nam; từ đó sinh ra một thứ say, như khi say thuốc phiện hay cần
sa. Nhưng tiếp theo sự trầm cảm này, nhanh chóng có sự hứng khởi: một đà
háo hức đánh thức ta dậy, ra khỏi sự đờ đẫn, nó dâng lên trong ta một
nhiệt tình cao độ, khi thì nó đem ra tới những không gian vô hạn, khi
thì nó dìm ta xuống miền sâu thẳm của chủng tộc, mà những giọng tuyệt vọng này hình như là giọng nói của giống nòi, là tiếng gọi xa xăm đến từ đáy thẳm của nhiều
thế kỷ. Ở một số thời điểm, tiếng gọi này vang lên quá khẩn thiết, ám
ảnh đến nỗi ta định kêu lên như Hélène Vacaresco, một nhà thơ nữ mãnh liệt người Rumani:
Et j’entendais, au bruit de mon voeu dévorant
Ma race qui chantait en moi comme un torrent!..[3]
Ôi! Những đêm xứ Huế không thể quên,
những đêm đắm say và nồng nàn sống dưới thuyền tam bản trên sông Hương,
những đêm mê đắm ấy có lẽ sẽ chẳng bao giờ tôi được sống lại nữa!
Đã nhiều lần tôi quay trở lại Huế;
cũng đã nhiều lần tôi lại dạo chơi bằng thuyền tam bản; tôi đã nghe
cũng những khúc hát ấy, cũng thứ nhạc ấy, chúng đem lại cho tôi cũng sự
quyến rũ hơi chút uể oải và buồn bã. Nhưng tôi đã không tìm lại được
những xúc cảm mãnh liệt như cuộc du hành đầu tiên. Tuy nhiên khung cảnh
vẫn là cảnh xưa, vẫn là những ngọn đồi xa xa như xưa, vẫn là con sông
xưa chảy giữa đôi bờ rợp bóng ngày xưa, vẫn là những con thuyền tam bản
rải rác trên dòng nước lười biếng, vẫn là ngọn tháp mộng mơ chiếm lĩnh
cái góc phong cảnh thân thuộc ngày xưa; vẫn là những bức tường cao của tòa
thành cổ tự ngắm bóng mình trong hào nước đầy cỏ lác; tất cả như gợi
một bức tranh tinh tế bằng mực Tàu, bức tranh làm thỏa mãn trí tưởng tượng của những
thi nhân. Chỉ riêng một điều là những người bạn cũ chẳng có mặt ở dấy
nữa. Họ đã phiêu bạt bốn phương trời; họ đã chia cách khỏi ta vì khoảng
cách và vì tư tưởng. Còn tâm hồn cũng vậy, có lẽ nó đã mất đi sức mạnh cảm xúc; tiếp xúc với những thực tế gồ ghề của cuộc
đời, sự rung động bên trong đã giảm, tâm hồn trở nên ít bay bổng, và
than ôi! nó đã quá khôn ngoan. Chính vì vậy mà những cảm xúc đầu tiên ta
nhận được, những cảm xúc dịu dàng nhất, sâu sắc nhất sẽ không bao giờ
gặp lại với cùng cường độ như xưa, và những giờ phút bay bổng nhất của cuộc đời sẽ chỉ sống lại được qua kỷ niệm.
P.Q.
(Nam Phong, tập XXVI, số 146, Tháng giêng 1930, phụ trương trang 3-5.)
Bài thơ rất hay và lời bình cũng rất sâu sắc
Trả lờiXóasông Hương rất đẹp
Trả lờiXóa