Khi
đề cập đến kinh nghiệm đau thương của Hàn Mặc Tử tôi tiếc chưa được đọc
bài của Võ Long Tê, một chuyên gia về văn chương Thiên Chúa giáo về vấn
đề này; nghe nói bài sắp sửa đăng báo, tôi đợi hoài chưa thấy. Tôi cần
nói thêm: Không riêng gì Phúc Âm, những tín ngưỡng khác của
người Á Đông cũng tìm một giải đáp cho đau thương; Phật giáo thì cho đó
là những đợt sóng triền miên của Mê hà hay Khổ hải; Lão giáo thì cho đó
là định luật của Vô Tri. Cái can trường của nhà thơ là do đức tin vững
chắc ở Đấng Cứu Thế, và đức tin đó đã được bồi dưỡng trong cái Dũng của
triết lý Đông phương lẫn cái kiên trì trong lòng dân tộc. Nói đến xác
tín của Hàn Mặc Tử không phải tôi không biết (hay tệ hơn nữa, tôi không
nhớ) đến những giá trị bằng hữu kia. Khi suy nghĩ về khổ lụy của nhân
sinh, tôi đọc lại kinh Coran của Hồi giáo thì có cảm giác như là họ
không chấp nhận Khổ đau như người Ki-tô giáo hay người Á Đông, vì họ cho
là do sự hành hạ của Thượng Đế. Vậy trong Hàn Mặc Tử có sự giao hoà
giữa một đức tin sung mãn và một tâm hồn niềm nở, tạo ra một nguồn thơ
hết sức sâu xa.
Trong tinh thần Phúc Âm,
Hàn Mặc Tử đã sống trọn vẹn Đau Thương của hiện thế, trước hết vì đó là
phương tiện Chúa đã dùng để Cứu Thế, thứ đến để chuẩn bị cho vinh hiển
mai sau, như lời giảng trên núi, sửa soạn cho Ngày sống lại với Đấng
hằng Sống, hằng Ngự Trị. Nhưng trên bình diện sáng tạo, quan niệm Đau Thương đó đã thể hiện ra sao? Tôi tiếc là không được đọc bài báo của Lê Tuyên về những chủ đề trong thơ Hàn Mặc Tử, đăng trên tạp chí Đại học Sư phạm cách đây bảy tám năm gì đó. Nay tôi lại đề cập vài hình tượng quen thuộc trong thơ Hàn Mặc Tử như Trăng, Máu, và Hồn.
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
Đó là điệp khúc độc điệu của một ngư phủ, theo lời kể của Quách Tấn. Đó cũng là khúc nhạc lòng của nhà thơ. Trăng là một thứ ánh sáng vừa của nội tâm, vừa của ngoại giới. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập tới tương quan giữa những hình ảnh thi ca và đức tin.
Ảnh hưởng của đêm trăng đối với bệnh phong đã được ông Trần Thanh Mại triển khai đầy đủ. Còn nét quyến rũ muôn đời của ánh trăng đối với thi nhân thì viết bao nhiêu pho sách cũng còn điều chưa nói. Nhưng không thể nói thơ Hàn Mặc Tử mà không đề cập tới trăng, vì theo Trần Thanh Mại thì hai phần ba của tập Đau Thương nói về trăng, nửa phần còn lại nói về hồn. [1]
Trăng, trước hết là ánh sáng tràn ngập cả vũ trụ Hàn Mặc Tử
Gió ùa ánh sáng vô trong bãi
Trăng ngậm đầy sông chảy láng lai (tr. 54)
Trăng là thứ ánh sáng êm dịu, mầu nhiệm phủ ban đêm, đối với ánh sáng chói chan bỏng rát của mặt trời nhiệt đới; Trăng tạo thi vị cho bóng tối tại những vùng nông nghiệp có sinh hoạt về đêm, và như Xuân Diệu kể, thì có “trăng của tình duyên, trăng của xa xôi, trăng của hão huyền” và trăng của “những đền đài mỏng thoáng”. Văn học của chúng ta từ xưa đến nay, vẫn le lói những ánh trăng bất tận. Tôi không dài dòng về địa hạt rộng rinh không bến này, chỉ muốn đề cập đến khía cạnh tượng trưng của ánh trăng trong giáo lý.
Trăng trước hết là Ánh Sáng, một chủ đề rọi suốt mặc khải Kinh Thánh, từ ngày thứ nhất của sáng thế, khi đức Chúa Trời phân định ánh sáng và bóng tối, (“Gen” I, 3-4), cho đến chương cuối cùng của “Khải Huyền”, khi con người, trong trời đất mới, hưởng được một ánh sáng miên viễn (“Ap.” XXII, 5). Như vậy thế giới di chuyển từ một vùng ánh sáng tương đối, ánh sáng vật chất đối với bóng tối ban đêm, đến một ánh sáng tuyệt đối, ánh sáng vĩnh cửu ngay trong châu thân Thiên Chúa, vì “Ngài là Sự Sống mà Sự Sống là Ánh Sáng” (“Jean” I, 4). Và quá trình từ tương đối nọ đến tuyệt đối kia là sự phấn đấu không ngừng giữa ánh sáng và bóng tối, tựa hồ như một cuộc phấn đấu giữa nguồn sống và cõi chết. Ở Hàn Mặc Tử, ánh trăng là một thứ Ánh Sáng đang tương tranh cùng Bóng Tối, trong một tư thế bi thảm, khác với mặt trời là chiến thắng – dù là tạm thời – của Ánh Sáng
Ánh trăng mỏng quá không che nổi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ
Những nét buồn buồn tơ liễu rủ
Những lời năn nỉ của hư vô (tr. 30)
Mâu thuẫn tâm cảm của nhà thơ là vừa yêu bóng đêm – vũ trụ Hàn Mặc Tử là một vũ trụ về đêm – vừa yêu ánh sáng, và vươn tới một nguồn chói lọi
Ta ước ao đội mũ triều thiên
Và tắm gội trong nguồn ánh sáng (tr. 59)
Sự thật mâu thuẫn đó nằm trong những hình ảnh đa nghĩa của Kinh Thánh, vì bóng tối cũng là một sáng tạo của đức Chúa Trời. (“Gen” I, 1-2) Từ điển Giáo lý Kinh Thánh khai triển điểm tế nhị đó như sau: “Bóng tối tượng trưng cho một kinh nghiệm kép: hoặc nó xác nhận không có ánh sáng, hoặc bao hàm sự hiện hữu của ánh sáng. Con người muốn có ánh sáng tràn đầy nhưng tìm đến bóng tối; Chúa là ánh sáng, là lửa bỏng, mà cũng là bóng mát. Kinh Thánh lý theo sự đa nghĩa đó” [2] . Chúng tôi muốn đề nghị một ý nghĩa mới cho ánh trăng. Ở Hàn Mặc Tử trăng là một sự tương tranh đồng thời tương ứng giữa ánh sáng và bóng tối, vừa tương khắc vừa tương sinh. Trăng là Bóng Tối hết là Bóng Tối và Ánh Sáng chưa đủ là Ánh Sáng. Trong biện chứng Sáng – Tối đó, tâm hồn Hàn Mặc Tử vẫn được xác định bằng Ánh Sáng, tức là “con của Ánh Sáng” khác với con của bóng tối hay “con của Hiện Thế” (“Luc”, XVI, 8). Vậy nhà thơ là Ánh Trăng, vì chàng là con của Ánh Sáng
Không gian đầy đặc toàn trăng cả
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng (tr. 30)
Vì, bên dưới bình diện siêu hình, về mặt đạo đức, vẫn phải có sự phân biệt giữa bóng tối và ánh sáng (“II Co VI”, 14) giữa ánh sáng chân chính và giả trá (“II Co XI”, 14)
Và tình ta sáng láng như trăng thanh. (tr. 55)
Thỉnh thoảng Hàn Mặc Tử không ngại mượn một vài hình ảnh của Kinh Thánh để tả trăng, như
Người trăng ăn vận toàn trăng cả
Gò má riêng thôi lại đỏ hường
(Trần Thanh Mại, tr. 55)
Chúng ta liên tưởng ngay đến một câu của “Thi Thiên” (104, 2) “Chúa bao phủ mình bằng ánh sáng như cái áo”.
Trăng trong Hàn Mặc Tử không những là một thứ ánh sáng ảo huyền và hiu hắt. Nó có hình có trạng, như một vật cụ thể khả xúc. Có khi là một món hàng – ai mua trăng ta bán trăng cho – có khi là châu báu, là hơi nước chảy, hay là một người đàn bà, mà tôi mường tượng phải đẹp lắm trong nhan sắc làm bằng Ánh Sáng và Im Lặng
Tôi lần cho Trăng một tràng chuỗi
Trăng mới là Trăng của Rạng Ngời
(Trần Thanh Mại, tr. 64)
Và nói chung, trăng là hồn, là máu của bóng đêm: tôi có nói đến ba chủ đề, kỳ thật chỉ là ba tiết diện của một thế giới:
Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra
(Trần Thanh Mại, tr. 63)
Hình ảnh máu hoặc nhỏ từng giọt, hoặc ọc từng búng, hoặc đọng thành vũng, hoặc chảy thànhsông, có lẽ là dấu hiệu của bệnh lý. Ý nghĩa của máu là cuộc sống vì máu mang sinh lực đến cho mỗi tế bào, mà đồng thời cũng là cõi chết, khi đã khô, đã đọng thành vũng máu đào trong ác lặn. (27) Về hình ảnh máu vẫn thường gặp trong thơ Baudelaire, Jean-Piere Richard viết: “Sự xuất huyết thiêng liêng ở chỗ nó hội tụ cuộc sống hiển nhiên và cái chết tàn nhẫn.” [3] Máu là cuộc sống đang chết, hay là cái chết tiềm ẩn trong cuộc sống. Máu là hồn của thể xác mà cũng là xác của linh hồn, nói khác đi máu là thơ:
Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng trong máu vọt
Cho mê man chết điếng cả làn da
Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết
Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh
Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết
Cả lòng ai trong mớ chữ rung rinh
(Trần Thanh Mại, tr. 58)
Máu, cũng như thế, vừa là một hành hạ, vừa là một giải thoát. Chúng ta vẫn thường gặp những hình ảnh máu trong Kinh Thánh: máu là nguyên lý sự sống, nhưng khác với linh hồn ở chỗ máu là thành phần hư nát của cơ thể, còn linh hồn vẫn tồn tại đợi ngày Phục Sinh [4] . Từ máu Cứu Thế trên Thánh Giá đến máu chiên con, hình ảnh của đau đớn, của hư nát lại là hình ảnh của Hy Vọng; máu của chúng sinh tuy không vào được nước đức Chúa Trời (I, XV, 50) vẫn là một môi giới, một phương tiện, một ánh sáng, một thẩm mĩ:
Và ai gánh máu đi trên tuyết
Mảnh áo da cừu ngắm nở nang (tr. 38)
Trong bài “Biển hồn ta” (tr. 52) bắt đầu bằng câu Máu tim ta tuôn ra làm biển cả…, người đọc có cảm giác như máu và hồn là một, hay máu là hồn của xác thịt còn thể phách là hồn của toàn cơ thể, vì chính nhà thơ cũng phân biệt hồn ngoài và hồn trong:
Hồn hãy thoát ly ra ngoài tâm tưởng
Là hồn đừng nghĩ ngợi đến hồn trong
Cứ để mặc hồn ngoài bay lưởng vưởng
Ngao du cùng khắp cõi trí mênh mông
… Rồi hồn ngắm tử thi hồn tan rã
Bốc thành âm khí loãng nguyệt cầu xa…
Đã là hồn rồi mà còn có tử thi nữa sao? Lại còn ngắm được tử thi của mình nữa sao? Ở đây, ngoài sự phân biệt “hồn” và xác cố hữu trong tiềm thức người Việt nam, ta còn phải ghi nhận thêm ảnh hưởng phong thổ vùng từ Qui-nhơn đến Phan-thiết nơi Hàn Mặc Tử sống, vùng đất của người Chàm. Nhà thơ thế nào cũng nghe chuyện ma Hời đêm đêm lìa khỏi xác đi chơi hay ăn đêm, và đã nhớ đến những chuyện đó trong cơn mê sảng bệnh hoạn. Nhưng trong Thánh Kinh, nhất là Cựu Ước, chúng ta còn bắt gặp dấu tích sự phân biệt đó, bắt nguồn từ tư tưởng Do-thái giáo, Thân thể, tiếng hébreu (do thái) gọi là basar, dịch ra la-tinh là caro, thành tiếng Pháp là chair. Xác thịt, nếu không có sinh khí, chỉ là một “tử thi”. Hơi thở của Jahweh đã hà sinh khí vào xác thịt, nhưng chỉ tạo nên một quân bình mong manh: “thần khí của ta sẽ không lưu lại mãi trong loài người, vì loài người chỉ là thân xác” (“Gen VI”, 3); vậy trong tư tưởng Do-thái giáo, chẳng những hồn và xác khác biệt nhau, mà hồn là thần khí mà Đức Chúa Trời ký thác vào thân xác con người đó thôi, chứ không hẳn của con người. Do đó, trước khi chết, Chúa Jésus đã nói “Thưa Cha, trong tay Cha con trả lại linh hồn”, (“Luc XXIII”, 46) và Huy Cận đã nhắc lại trong câu Lạy Thượng Đế tôi cúi đầu trả lại, Linh hồn tôi… Linh hồn đó, là cái thần khí của Jahweh nay trở về với Jahweh, chứ không phải là cái hồn lìa khỏi xác của Hàn Mặc Tử. Hồn này lại là một chuyện khác, một biểu hiệu của sự sống; hồn này có thể chết, có thể hư nát như thịt xương (“Ps”, 78, 50) lang thang xuống âm ty sống đời khổ ải, cho đến ngày Thượng Đế cho lịnh hồi sinh những đống xương tản mác [5] . Trong những lời truyền dạy của Thánh Tự, Hàn Mặc Tử đã nhớ những chi tiết phù hợp với tâm hồn hay bệnh trạng mình nhất, nghĩa là sự phân biệt giữa hồn và xác, trong khi giáo lý Thiên Chúa về vấn đề này, phức tạp hơn nhiều.
Vì nhà thơ, trong cơn hành hạ của bệnh lý dĩ nhiên là tìm cách giải thoát, dù chỉ bằng mê sảng
Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên
Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm
Cho trăng ngập dần lên tới ngực (tr. 53)
Ở đây, ta bắt gặp hình tượng Trăng, Hồn và Máu dồn dập lại trong tương quan chặt chẽ: nhà thơkhạc hồn ra khỏi miệng, hay điên cuồng mửa máu ra, hay ngậm cả miệng ta trăng là trăng, cả ba hình ảnh đều oà vỡ từ thân xác, và từ thân xác Đau Thương. Hàn Mặc Tử đã dùng thơ để sống trọn vẹn tín lý của mình. Chàng đã thấy hồn mình trong máu vọt, và hồn mình chính là máu đang tuôn trào lênh láng; chàng đã ghi lại những cảm giác rùng rợn đó, bằng những hình ảnh ta đã gặp trong Cựu Ước: hồn trong máu (“Lv XVII”, 10) hồn là máu (“Lv XVII”, 14), một thứ máu luôn luôn vươn đến ánh sáng, như hình ảnh đức Chúa Trời chói chan trong tấm áo dệt bằng ánh sáng trong “Thi Thiên” (104, 2) và đẫm máu chiên con trong “Khải Huyền” (XIX, 13). Máu chiên con trở thành Ánh Sáng, và chiên con là ngọn đèn bất diệt của Jérusalem mới. Do đó, tôi nói Hồn, Máu và Trăng chỉ là ba màu sắc chiết quang của một Ánh Sáng Duy Nhất. Người đi trong Mơ Ước. Trong mơ ước, Hàn Mặc Tử đã gọi Ánh Sáng Khải Huyền đó là Xuân Như Ý.
Cho mau lên! dồn ánh nguyệt vào đây…
Đưa ra, nào là nhạc thơm, hương gấm, mộng ngọc và hoa trinh bạch, đàn ly tao, tranh tuyệt phẩm…
Vẫn là chưa bưa, chưa đã, chưa nguôi được chí muôn sao!…
Phải mời cho được XUÂN THIÊN ra đời (tr. 65)
Như vậy Xuân Thiên ở đây phải là một mùa xuân khác. Không còn là mùa xuân phảng phất ngày xưatrong làn nắng ửng khói mơ tan. Tuy là trời hạo nhiên trong thế giới đợi chờ của Gái Quê cũng là mộtcông trình châu báu, do phép tắc màu nhiệm của đấng Vô thỉ Vô chung, nhưng là một thế giới hư nát, sẽ vỡ lở, sẽ chấm dứt. Vì công trình châu báu của Thượng Đế, sau khi con người tự dấn thân vào tội ác, cũng đồng thời là một sự phẫn nộ của Thượng Đế; mặt đất, nguyên là Quê Hương của loài người đã trở thành một Lưu Đày, không còn là vườn Địa Đàng long lanh nhũ hương và bích ngọc, cũng không phải là Đất Hứa óng ánh sữa thơm và mật ngọt; trên mặt đất, lúa tốt còn mọc lẫn với cỏ hoang, trái lành ửng chín trong gai bụi, và lương thực loài người còn trộn lẫn cát bụi với mồ hôi; Và con người không những thịt da sượng sần và tê điếng mà còn nứt nẻ như muốn tan rã ra cùng vũ trụ, làm cho mê lẫn máu và hồn ta là ta hay không phải ta. Thế giới hiện tại, tuy vẫn có thanh sắc, nhũ hương, vẫn mang sẵn mục nát trong mầm sống. Và mầm sống đó, có sung mãn đến đâu, thì nhà thơ vẫn lòng thương chưa đã mến chưa bưa, nên phải mời cho được Xuân Thiên.
Chúng ta chưa quên được Người đang say sưa đi trong Mơ Ước đã gặp ở trang đầu. Vậy Xuân Thiên đây là niềm mơ ước ở sự tồn sinh sau cõi chết, sẽ được phục hồi trong cảnh trời mới đất mới, rạng ngời trong danh Cha cả sáng. Những thi phẩm cuối cùng của Hàn Mặc Tử như Xuân Như Ý gom góp xong đầu năm 1939, Thượng Thanh Khí đầu năm 1940, gồm hai vở kịch thơ Duyên Kỳ Ngộ và Quần Tiên Hội viết dở dang, đều nói lên niềm Mơ Ước đó. Trong bài này, tôi tạm xếp ba tác phẩm trên cùng những bài cuối tập Đau Thương vào chủ đề Xuân Như Ý, cho gọn, và như một giai đoạn trong thi trình Hàn Mặc Tử.
Mùa Xuân Thượng Thanh, đó ra sao? Về chủ đề mơ ước trong Thánh Kinh, một chuyên gia về giáo lý Thiên Chúa nhận xét: “Cuộc sống vĩnh viễn được xác nhận rõ rệt bao nhiêu, thì những đường nét của nó lại mờ nhạt bấy nhiêu. Không những mờ nhạt, mà đôi khi còn thiếu sót. Sự tồn sinh không được mô tả, dù dưới những hình ảnh khải huyền”. [6]
Lẫn trong mơ hồ đó, nhà thơ tha hồ mà tưởng tượng quang cảnh trời đất mới. Nếu Xuân Như Ý còn nhiều hình ảnh dựa theo tín lý Thiên Chúa, thì Cẩm Châu Duyên lại gần với huyền tượng của dân gian phảng phất không khí thần tiên của Đạo giáo – một thứ Đạo giáo bình dân, không ăn thua gì đến cái “đạo khả đạo” của Lão Tử. Vì vậy Hoài Thanh cho rằng Hàn Mặc Tử “chốc chốc lạc vào thế giới đồng bóng.” Thật ra trong cái hoa hoè của dự tưởng, nội dung nòng cốt của Xuân Như Ý vẫn là một tín điều Thiên Chúa giáo.
Trước hết đó là một mùa Xuân. Nghĩa là một thế giới mới, một khung cảnh tái tạo, như cảnh thành Jérusalem mới được thánh Jean rao truyền ở chương cuối Phúc Âm, Trời mới đất mới được dựng lên trên cảnh trộn trạo, tán loạn của ngày tận thế
Cả vũ trụ tàn theo ngày Phán xét
Là khủng khiếp cả Trời Đất tiêu diệt (tr. 60)
Mùa Xuân đó ở xa. Ở thật xa nếu nhìn từ thế giới hồn nhiên của Gái Quê
Cửu Trùng là chốn xa xôi ấy
Chim én làm sao bay đến nơi (tr. 37)
Nhưng kinh nghiệm Đau Thương, kinh nghiệm của xác tín trong khổ não, đã chắp lên thân xác nứt nẻ của nhà thơ đôi cánh phượng hoàng. Bằng những bất hạnh, Hàn Mặc Tử đã đến gần với Chúa và gần với mùa xuân Mơ Ước hơn là cánh én bơ vơ:
Phượng trì! Phượng trì! Phượng trì! Phượng trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu
Hồn tôi bay đến bây giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang (tr. 37)
Trong bài “Thánh nữ Đồng Trinh Maria” này, với nguồn rung cảm mãnh liệt của đức tin, nhà thơ đã sống cả thế giới hiện tại lẫn mùa xuân dự tưởng, đã nói đến cơn lậm luỵ đã trải qua dưới thế như là một quá khứ. Và trong đức tin đó, nhà thơ đã vẽ cho ta địa hình của Đất Mới, trong bài tựa tập Xuân Như Ý:
Vì chưng muôn xuân là lương thực ngon ngọt, mĩ vì, ánh xuân là nguồn tơ tưởng thơm tho tinh khiết, khí xuân là mạch trường sinh bất tử, tình xuân là cung cầm nguyệt mê ly, tuổi xuân là NGỌC NHƯ Ý, tên xuân là DẠ LAN HƯƠNG.
Và xuân là phong vị thái hoà của năm muôn năm, trời muôn trời, chân lưu trên thượng tầng không khí, bàng bạc cả giải Hà Sa, chen lấn vô tận hồn tạo vật…
Loài người hãy tận hưởng một hơi cho đã ngán và cao rao danh Cha cả sáng… (tr. 66)
Chúng ta thử khai triển vài nét chính của Xuân Như Ý. Chúng ta đã thấy đó là mùa xuân hồi sinh, sau khi “Trời thứ nhất, đất thứ nhất tan biến.” (“Ap. XXI”, 2) Như đặc biệt mùa xuân này nảy lộc từ mùa đông, nhưng sẽ không bao giờ chuyển sang mùa hạ Mai nầy thiên hạ mới tinh khôi… Và sẽ còn tinh khôi mãi mãi, vì đã đi vào cõi tứ thời xuân non nước. Trong Cầm Châu Duyên nhà thơ gọi là Xuân vô cùng đến ngàn năm ơn phước và mô tả như một tia sáng triền miên:
Liên hồ đây bốn mùa xuân cả bốn
Ngát hương đưa trong gió sớm chơi vơi
Làm nước mát và chưa bao giờ gợn
Vết phong trần đưa lại ở xa khơi
(Trần Thanh Mại, tr. 147)
Đoạn cuối “Khải Huyền” truyền giảng rõ ràng. Đất Mới đây, là châu thân Thiên Chúa; mùa xuân của Hàn Mặc Tử (trường sinh bất tử năm của muôn năm, vì ở “Khải Huyền”, Chúa đã kết luận: “Ta làm mới mọi vật. Ta là Alpha và Oméga, là nguyên lý và cực chung.” (“Ap. XXI”, 5-6)
Xuân Như Ý tiếp đến là một vũ trụ thơm tho và tinh khiết vì là càn khôn mới dựng lên. Ở đây, nhà thơ như rợn ngợp trong trinh nguyên của Đất Mới, mà tượng trưng là con chiên con vô tật và vô tội, làm ngọn đèn trinh bạch rọi sáng cả hoàng thành. Thi sĩ vội nguyện cầu gội rửa:
Tôi van lơn thầm gọi Chúa Giê Su
Ban ơn xuống cho mùa Xuân hôn phối
Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng (tr. 74)
Và để ngợi ca vinh hiển của Nguồn thơm, nhà thơ đã cao ngâm giọng long lanh, thanh thoát:
Ta cho ra một dòng thơ rất mát
Mới tinh khôi và thanh sạch bằng hương (tr. 70)
Theo Hoài Thanh – người may mắn hơn chúng ta, được đọc toàn bộ thi phẩm – thì Cẩm Châu Duyên, thi phẩm cuối cùng, là “trong trẻo hơn cả” [7] . Âu cũng là chuyện lạ. Gái Quê, từ ban sơ, đã là một dòng suối rừng vẩn đục, rồi chảy qua một cuộc đời khổ ải, chuyên chở không biết bao nhiêu trần lụy, ấy mà dần dà lại gạn lọc hết phù trầm, để đổ ra đại dương bằng một giải Cẩm Châu trong vắt. Thật là một đặc điểm trong thẩm mĩ thi ca.
Đất Mới còn là một xứ rực rỡ, cao sang, vì xuân mang tên một loài Ngọc:
Ánh hào quang chan chói ngắt lưu ly
Ôi! Cao sang khôn vi, trọng ai bi
Trên nước cả có vô vàn châu báu (tr. 67)
Những hình ảnh tráng lệ như gấm, ngọc, trân, châu, thất bảo, nhũ hương, mộc dược đều muốn gợi lên một vinh hiển, như khi sứ đồ tả thành Jérusalem mới trong “Khải Huyền”: “Thành ấy chói sáng như một viên bửu thạch, như bích ngọc rạng ngời… Tường thì xây bằng bích ngọc, thành thì xây bằng vàng ròng, tợ như thuỷ tinh trong vắt. Mười hai cửa thì làm bằng mười hai hột châu.” (“Ap.” XXI, 11, 18 và 21) Dựa theo “Khải Huyền”, tôi cho rằng những đền đài dự tưởng trong Hàn Mặc Tử là một phóng thể của đức tin Thiên Chúa, vì cảnh Bồng Lai của Á Đông, cảnh thần tiên của Đạo gia không có cái huy hoàng rực rỡ đó.
Cuối cùng Xuân Như Ý là một thái hoà tuyệt đối, trong không gian và thời gian, thái hoà của năm muôn năm, trời muôn trời. Ở đó, trời thì bình an như nguyệt bạch, còn người thì hoan hảo, no nênhờ trái cây bằng ngọc, vỏ bằng gấm. Còn nói chung:
Thiên hạ thái bình và trời tuôn ơn phước
Như triều thiên vờn lượn khắp không gian (tr. 71)
Ở đây, sầu đau chìm trong quên lãng. Đất Mới không còn cảnh “chết chóc, than khóc, kêu ca hay đau đớn nữa”) (“Ap”, XXI, 4) vì những lậm luỵ dưới thế đã qua. Ở đây tất cả đều là ánh sáng. Và ánh sáng là linh thị cuối cùng bao trùm trọn vẹn thi trình Xuân Như Ý, đồng thời rọi lại toàn bộ tác phẩm Hàn Mặc Tử như một Thánh thể kết tinh triền miên vươn tới Ánh Sáng, vươn tới Ánh hào quang chan chói ngất lưu ly. Hay trở về Ánh Sáng. Ở đây, chúng ta đi sâu vào ngõ ngách cối cùng trong đức tin Hàn Mặc Tử:
Ta ước ao đầu đội mũ triều thiên
Và tắm gội ở trong nguồn ánh sáng
Tôi sẽ dừng lại ở đây, dừng lại ở hình ảnh Nguồn Ánh Sáng, vừa là một vươn tới, vừa là một trở về, Mùa Xuân Như Ý đẹp trước hết vì là Xuân thứ đến vì nó là Như Ý, nó đưa con người về với Chúa, về với Nguồn. Vậy Nguồn Ánh Sáng ở đây là Alpha và là Oméga, vừa là cội rễ vừa là cứu cánh con người. Và cơ cấu thơ Hàn Mặc Tử do đó gói ghém cả mặc khải Thánh Tự lẫn lịch trình Cứu Rỗi. Tôi có cảm giác đã làm xong một bài luận mạch lạc. Bây giờ là kết.
Tham vọng của tôi trong bài này là đề nghị một lối nhìn nhất quán vào tác phẩm Hàn Mặc Tử trong giới hạn những bài thơ còn lưu truyền, nghĩa là trên một sự nghiệp bị thời gian cắt xén. Khai quật cơ cấu nội tại của sự nghiệp đó, chúng tôi lại còn mong ước rọi sáng những bài, những câu thơ mà các nhà phê bình xưa nay, từ Trần Thanh Mại đến Vũ Ngọc Phan, cả thi sĩ Quách Tấn đều cho là khúc mắc. Theo chúng tôi, hiểu tất cả các câu thơ, các bài thơ trong một tập thơ, chưa hẳn đã là hiểu toàn bộ tập thơ, ít nhất cũng đối với người viết phê bình. Chúng ta còn phải hiểu liên hệ nội tại trong mỗi tập thơ để nắm vững cơ cấu sáng tạo của thi sĩ – ít ra cũng trong chủ quan người đọc.
Liên hệ nội tại đó, tôi đặt trên đức tin của Hàn Mặc Tử. Tôi cũng có thể đề nghị một nền tảng khác; tôi chọn chủ đề này với một dụng ý: giải thích những nhận xét cố hữu của các nhà phê bình tiền bối vẫn cho Hàn Mặc Tử là nhà thơ Thiên Chúa giáo, mà không nói rõ, nói đầy đủ, tại sao. Các vị đó thường trích dẫn những bài thơ hay câu thơ có âm vang tôn giáo, có hình thức tín ngưỡng nhưMaria linh hồn tôi… rồi kết luận; theo tôi, thì chưa đủ, vì một người không có đức tin cũng có thể kể rất nhiều tên Thánh, làm thơ ca tụng đấng Tối Linh, như ngày xưa các cụ Nguyễn Hữu Tiến hay Tản Đà nhắc đến Thượng Đế trong Quả Dưa Đỏ hay Giấc Mộng Con. Theo tôi, chúng ta chỉ có thể nói đến tín lý trong một tác phẩm khi toàn bộ tác phẩm đó tiềm ẩn đức tin trong cơ cấu. Nói khác đi, một người Thiên Chúa giáo chưa hẳn là kẻ đọc kinh vanh vách, mà là người đem trọn cuộc đời mình đáp lại lời gọi của ơn Trên, và một thi sĩ Thiên Chúa giáo không hẳn là kẻ tự xưng là thi sĩ của đạo quân Thánh giá (tr. 71) như Hàn Mặc Tử đã tự nhận, mà là kẻ đem cả sự nghiệp thi ca của mình âm vọng lại tiếng gọi của Thượng Đế. Và dĩ nhiên không phải là kẻ “dùng thơ để truyền bá tôn giáo của mình” như Quách Tấn nhận định ở trang 118 số Văn thượng dẫn. Do đó mà tôi cố gắng chứng minh toàn tập thi phẩm Hàn Mặc Tử là một tiếng vọng của Thánh Tự.
Dĩ nhiên, trong tác phẩm Hàn Mặc Tử còn nhiều vết tích của một nhân bản Việt Nam. Tín ngưỡng Thiên Chúa đã nảy mầm trên một nhân bản phiếm thần và đa giáo, thì hồn thơ Hàn Mặc Tử không khỏi làm một lăng kính hội tụ rồi phát huy nhiều nguồn sáng khác nhau, và hỗ tương lẫn nhau, như Giáo hoàng Paul VI đã tuyên bố trên đài phát thanh Véritas chủ nhật 29-11 vừa qua, nhân chuyến công du sang Á Đông: “Chúng ta đang ở một vùng đất mà những tư trào cổ kính của Đông phương và những trào lưu mới mẻ hơn Tây phương đã kết hợp lại và làm giàu cho nhau” [8]
Và bạn đọc sẽ hoan hỉ nếu Quách Tiên sinh thủ lời hứa “nói về đạo Từ bi trong thơ Tử” vì sẽ hiểu thêm một khía cạnh của thi phẩm, qua kiến thức uyên bác của tiên sinh về phương diện Phật lý cũng như tác phẩm Hàn Mặc Tử.
Cuối cùng, viết bài này tôi cũng có hai hậu ý riêng tư. Trước là để giải một lời hứa với anh Trần Phong Giao từ hai năm nay; một đề tài bao quát và hệ trọng như vầy đòi hỏi một suy nghĩ dài hạn, khiến anh Trần Phong Giao cứ trách tôi là “thề cá trê chui ống”.
Thứ đến là hồi đầu năm nay, tôi có viết một bài điểm sách, về vở kịch Ngộ Nhận của Vũ Khắc Khoan. Bài đó đã gây nhiều hiểu lầm, nhất là trong những người thân của tôi, cho là tôi bất kính đối với đức tin Thiên Chúa; và tôi rất khổ tâm; nếu có hiểu lầm đó, dĩ nhiên lỗi về phần tôi, viết không khéo, nói không trọn, lời không thanh, ý không minh. Vậy bài này viết vào mùa Giáng sinh, sẽ là một bổ chính cho bài trước, và cũng là lời tạ lỗi thành khẩn của tôi.
Lòng thành khẩn đó, của riêng tôi, nhân mùa Hy Vọng, còn là cánh hoa huệ một lưu vực xa xôi gửi về cho Quê hương Yêu dấu.
Val de Loire, 12-1970
[1]Trần Thanh Mại, sđd, tr. 61
[2]Vocabulaire de Théologie Biblique, Edit, du Cerf, Paris 1962, tr. 714
[3]Jean – Pierre Richard, Poésie et Profondeur, Seuil, Paris 1955
[4]P. Dhorme, Revue Biblique. Số 4 tháng 10 – 1920 tr. 473 – 474. Loại bài “l’Emploi métaphorique dans la Bible”, chuyên về hình ảnh của thân xác, rất cần cho việc tìm hiểu thơ H.M.T.
[5]Vocabulaire de Théologie Biblique, sđd, tr. 31
[6]Jacques Quillet, tủ sách giáo lý, Thèmes Bibliques, Aubier, 1950, tr. 175
[7]Hoài Thanh và Hoài Chân, sđd, tr. 214
[8]Le Monde, ngày 1 tháng 12-1970, tr. 8, cột 1
Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng, Trăng, Trăng!
Đó là điệp khúc độc điệu của một ngư phủ, theo lời kể của Quách Tấn. Đó cũng là khúc nhạc lòng của nhà thơ. Trăng là một thứ ánh sáng vừa của nội tâm, vừa của ngoại giới. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập tới tương quan giữa những hình ảnh thi ca và đức tin.
Ảnh hưởng của đêm trăng đối với bệnh phong đã được ông Trần Thanh Mại triển khai đầy đủ. Còn nét quyến rũ muôn đời của ánh trăng đối với thi nhân thì viết bao nhiêu pho sách cũng còn điều chưa nói. Nhưng không thể nói thơ Hàn Mặc Tử mà không đề cập tới trăng, vì theo Trần Thanh Mại thì hai phần ba của tập Đau Thương nói về trăng, nửa phần còn lại nói về hồn. [1]
Trăng, trước hết là ánh sáng tràn ngập cả vũ trụ Hàn Mặc Tử
Gió ùa ánh sáng vô trong bãi
Trăng ngậm đầy sông chảy láng lai (tr. 54)
Trăng là thứ ánh sáng êm dịu, mầu nhiệm phủ ban đêm, đối với ánh sáng chói chan bỏng rát của mặt trời nhiệt đới; Trăng tạo thi vị cho bóng tối tại những vùng nông nghiệp có sinh hoạt về đêm, và như Xuân Diệu kể, thì có “trăng của tình duyên, trăng của xa xôi, trăng của hão huyền” và trăng của “những đền đài mỏng thoáng”. Văn học của chúng ta từ xưa đến nay, vẫn le lói những ánh trăng bất tận. Tôi không dài dòng về địa hạt rộng rinh không bến này, chỉ muốn đề cập đến khía cạnh tượng trưng của ánh trăng trong giáo lý.
Trăng trước hết là Ánh Sáng, một chủ đề rọi suốt mặc khải Kinh Thánh, từ ngày thứ nhất của sáng thế, khi đức Chúa Trời phân định ánh sáng và bóng tối, (“Gen” I, 3-4), cho đến chương cuối cùng của “Khải Huyền”, khi con người, trong trời đất mới, hưởng được một ánh sáng miên viễn (“Ap.” XXII, 5). Như vậy thế giới di chuyển từ một vùng ánh sáng tương đối, ánh sáng vật chất đối với bóng tối ban đêm, đến một ánh sáng tuyệt đối, ánh sáng vĩnh cửu ngay trong châu thân Thiên Chúa, vì “Ngài là Sự Sống mà Sự Sống là Ánh Sáng” (“Jean” I, 4). Và quá trình từ tương đối nọ đến tuyệt đối kia là sự phấn đấu không ngừng giữa ánh sáng và bóng tối, tựa hồ như một cuộc phấn đấu giữa nguồn sống và cõi chết. Ở Hàn Mặc Tử, ánh trăng là một thứ Ánh Sáng đang tương tranh cùng Bóng Tối, trong một tư thế bi thảm, khác với mặt trời là chiến thắng – dù là tạm thời – của Ánh Sáng
Ánh trăng mỏng quá không che nổi
Những vẻ xanh xao của mặt hồ
Những nét buồn buồn tơ liễu rủ
Những lời năn nỉ của hư vô (tr. 30)
Mâu thuẫn tâm cảm của nhà thơ là vừa yêu bóng đêm – vũ trụ Hàn Mặc Tử là một vũ trụ về đêm – vừa yêu ánh sáng, và vươn tới một nguồn chói lọi
Ta ước ao đội mũ triều thiên
Và tắm gội trong nguồn ánh sáng (tr. 59)
Sự thật mâu thuẫn đó nằm trong những hình ảnh đa nghĩa của Kinh Thánh, vì bóng tối cũng là một sáng tạo của đức Chúa Trời. (“Gen” I, 1-2) Từ điển Giáo lý Kinh Thánh khai triển điểm tế nhị đó như sau: “Bóng tối tượng trưng cho một kinh nghiệm kép: hoặc nó xác nhận không có ánh sáng, hoặc bao hàm sự hiện hữu của ánh sáng. Con người muốn có ánh sáng tràn đầy nhưng tìm đến bóng tối; Chúa là ánh sáng, là lửa bỏng, mà cũng là bóng mát. Kinh Thánh lý theo sự đa nghĩa đó” [2] . Chúng tôi muốn đề nghị một ý nghĩa mới cho ánh trăng. Ở Hàn Mặc Tử trăng là một sự tương tranh đồng thời tương ứng giữa ánh sáng và bóng tối, vừa tương khắc vừa tương sinh. Trăng là Bóng Tối hết là Bóng Tối và Ánh Sáng chưa đủ là Ánh Sáng. Trong biện chứng Sáng – Tối đó, tâm hồn Hàn Mặc Tử vẫn được xác định bằng Ánh Sáng, tức là “con của Ánh Sáng” khác với con của bóng tối hay “con của Hiện Thế” (“Luc”, XVI, 8). Vậy nhà thơ là Ánh Trăng, vì chàng là con của Ánh Sáng
Không gian đầy đặc toàn trăng cả
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng (tr. 30)
Vì, bên dưới bình diện siêu hình, về mặt đạo đức, vẫn phải có sự phân biệt giữa bóng tối và ánh sáng (“II Co VI”, 14) giữa ánh sáng chân chính và giả trá (“II Co XI”, 14)
Và tình ta sáng láng như trăng thanh. (tr. 55)
Thỉnh thoảng Hàn Mặc Tử không ngại mượn một vài hình ảnh của Kinh Thánh để tả trăng, như
Người trăng ăn vận toàn trăng cả
Gò má riêng thôi lại đỏ hường
(Trần Thanh Mại, tr. 55)
Chúng ta liên tưởng ngay đến một câu của “Thi Thiên” (104, 2) “Chúa bao phủ mình bằng ánh sáng như cái áo”.
Trăng trong Hàn Mặc Tử không những là một thứ ánh sáng ảo huyền và hiu hắt. Nó có hình có trạng, như một vật cụ thể khả xúc. Có khi là một món hàng – ai mua trăng ta bán trăng cho – có khi là châu báu, là hơi nước chảy, hay là một người đàn bà, mà tôi mường tượng phải đẹp lắm trong nhan sắc làm bằng Ánh Sáng và Im Lặng
Tôi lần cho Trăng một tràng chuỗi
Trăng mới là Trăng của Rạng Ngời
(Trần Thanh Mại, tr. 64)
Và nói chung, trăng là hồn, là máu của bóng đêm: tôi có nói đến ba chủ đề, kỳ thật chỉ là ba tiết diện của một thế giới:
Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa
Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô
Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy
Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra
(Trần Thanh Mại, tr. 63)
Hình ảnh máu hoặc nhỏ từng giọt, hoặc ọc từng búng, hoặc đọng thành vũng, hoặc chảy thànhsông, có lẽ là dấu hiệu của bệnh lý. Ý nghĩa của máu là cuộc sống vì máu mang sinh lực đến cho mỗi tế bào, mà đồng thời cũng là cõi chết, khi đã khô, đã đọng thành vũng máu đào trong ác lặn. (27) Về hình ảnh máu vẫn thường gặp trong thơ Baudelaire, Jean-Piere Richard viết: “Sự xuất huyết thiêng liêng ở chỗ nó hội tụ cuộc sống hiển nhiên và cái chết tàn nhẫn.” [3] Máu là cuộc sống đang chết, hay là cái chết tiềm ẩn trong cuộc sống. Máu là hồn của thể xác mà cũng là xác của linh hồn, nói khác đi máu là thơ:
Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta
Bao nét chữ quay cuồng trong máu vọt
Cho mê man chết điếng cả làn da
Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết
Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh
Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết
Cả lòng ai trong mớ chữ rung rinh
(Trần Thanh Mại, tr. 58)
Máu, cũng như thế, vừa là một hành hạ, vừa là một giải thoát. Chúng ta vẫn thường gặp những hình ảnh máu trong Kinh Thánh: máu là nguyên lý sự sống, nhưng khác với linh hồn ở chỗ máu là thành phần hư nát của cơ thể, còn linh hồn vẫn tồn tại đợi ngày Phục Sinh [4] . Từ máu Cứu Thế trên Thánh Giá đến máu chiên con, hình ảnh của đau đớn, của hư nát lại là hình ảnh của Hy Vọng; máu của chúng sinh tuy không vào được nước đức Chúa Trời (I, XV, 50) vẫn là một môi giới, một phương tiện, một ánh sáng, một thẩm mĩ:
Và ai gánh máu đi trên tuyết
Mảnh áo da cừu ngắm nở nang (tr. 38)
Trong bài “Biển hồn ta” (tr. 52) bắt đầu bằng câu Máu tim ta tuôn ra làm biển cả…, người đọc có cảm giác như máu và hồn là một, hay máu là hồn của xác thịt còn thể phách là hồn của toàn cơ thể, vì chính nhà thơ cũng phân biệt hồn ngoài và hồn trong:
Hồn hãy thoát ly ra ngoài tâm tưởng
Là hồn đừng nghĩ ngợi đến hồn trong
Cứ để mặc hồn ngoài bay lưởng vưởng
Ngao du cùng khắp cõi trí mênh mông
… Rồi hồn ngắm tử thi hồn tan rã
Bốc thành âm khí loãng nguyệt cầu xa…
Đã là hồn rồi mà còn có tử thi nữa sao? Lại còn ngắm được tử thi của mình nữa sao? Ở đây, ngoài sự phân biệt “hồn” và xác cố hữu trong tiềm thức người Việt nam, ta còn phải ghi nhận thêm ảnh hưởng phong thổ vùng từ Qui-nhơn đến Phan-thiết nơi Hàn Mặc Tử sống, vùng đất của người Chàm. Nhà thơ thế nào cũng nghe chuyện ma Hời đêm đêm lìa khỏi xác đi chơi hay ăn đêm, và đã nhớ đến những chuyện đó trong cơn mê sảng bệnh hoạn. Nhưng trong Thánh Kinh, nhất là Cựu Ước, chúng ta còn bắt gặp dấu tích sự phân biệt đó, bắt nguồn từ tư tưởng Do-thái giáo, Thân thể, tiếng hébreu (do thái) gọi là basar, dịch ra la-tinh là caro, thành tiếng Pháp là chair. Xác thịt, nếu không có sinh khí, chỉ là một “tử thi”. Hơi thở của Jahweh đã hà sinh khí vào xác thịt, nhưng chỉ tạo nên một quân bình mong manh: “thần khí của ta sẽ không lưu lại mãi trong loài người, vì loài người chỉ là thân xác” (“Gen VI”, 3); vậy trong tư tưởng Do-thái giáo, chẳng những hồn và xác khác biệt nhau, mà hồn là thần khí mà Đức Chúa Trời ký thác vào thân xác con người đó thôi, chứ không hẳn của con người. Do đó, trước khi chết, Chúa Jésus đã nói “Thưa Cha, trong tay Cha con trả lại linh hồn”, (“Luc XXIII”, 46) và Huy Cận đã nhắc lại trong câu Lạy Thượng Đế tôi cúi đầu trả lại, Linh hồn tôi… Linh hồn đó, là cái thần khí của Jahweh nay trở về với Jahweh, chứ không phải là cái hồn lìa khỏi xác của Hàn Mặc Tử. Hồn này lại là một chuyện khác, một biểu hiệu của sự sống; hồn này có thể chết, có thể hư nát như thịt xương (“Ps”, 78, 50) lang thang xuống âm ty sống đời khổ ải, cho đến ngày Thượng Đế cho lịnh hồi sinh những đống xương tản mác [5] . Trong những lời truyền dạy của Thánh Tự, Hàn Mặc Tử đã nhớ những chi tiết phù hợp với tâm hồn hay bệnh trạng mình nhất, nghĩa là sự phân biệt giữa hồn và xác, trong khi giáo lý Thiên Chúa về vấn đề này, phức tạp hơn nhiều.
Vì nhà thơ, trong cơn hành hạ của bệnh lý dĩ nhiên là tìm cách giải thoát, dù chỉ bằng mê sảng
Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên
Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm
Cho trăng ngập dần lên tới ngực (tr. 53)
Ở đây, ta bắt gặp hình tượng Trăng, Hồn và Máu dồn dập lại trong tương quan chặt chẽ: nhà thơkhạc hồn ra khỏi miệng, hay điên cuồng mửa máu ra, hay ngậm cả miệng ta trăng là trăng, cả ba hình ảnh đều oà vỡ từ thân xác, và từ thân xác Đau Thương. Hàn Mặc Tử đã dùng thơ để sống trọn vẹn tín lý của mình. Chàng đã thấy hồn mình trong máu vọt, và hồn mình chính là máu đang tuôn trào lênh láng; chàng đã ghi lại những cảm giác rùng rợn đó, bằng những hình ảnh ta đã gặp trong Cựu Ước: hồn trong máu (“Lv XVII”, 10) hồn là máu (“Lv XVII”, 14), một thứ máu luôn luôn vươn đến ánh sáng, như hình ảnh đức Chúa Trời chói chan trong tấm áo dệt bằng ánh sáng trong “Thi Thiên” (104, 2) và đẫm máu chiên con trong “Khải Huyền” (XIX, 13). Máu chiên con trở thành Ánh Sáng, và chiên con là ngọn đèn bất diệt của Jérusalem mới. Do đó, tôi nói Hồn, Máu và Trăng chỉ là ba màu sắc chiết quang của một Ánh Sáng Duy Nhất. Người đi trong Mơ Ước. Trong mơ ước, Hàn Mặc Tử đã gọi Ánh Sáng Khải Huyền đó là Xuân Như Ý.
Cho mau lên! dồn ánh nguyệt vào đây…
Đưa ra, nào là nhạc thơm, hương gấm, mộng ngọc và hoa trinh bạch, đàn ly tao, tranh tuyệt phẩm…
Vẫn là chưa bưa, chưa đã, chưa nguôi được chí muôn sao!…
Phải mời cho được XUÂN THIÊN ra đời (tr. 65)
Như vậy Xuân Thiên ở đây phải là một mùa xuân khác. Không còn là mùa xuân phảng phất ngày xưatrong làn nắng ửng khói mơ tan. Tuy là trời hạo nhiên trong thế giới đợi chờ của Gái Quê cũng là mộtcông trình châu báu, do phép tắc màu nhiệm của đấng Vô thỉ Vô chung, nhưng là một thế giới hư nát, sẽ vỡ lở, sẽ chấm dứt. Vì công trình châu báu của Thượng Đế, sau khi con người tự dấn thân vào tội ác, cũng đồng thời là một sự phẫn nộ của Thượng Đế; mặt đất, nguyên là Quê Hương của loài người đã trở thành một Lưu Đày, không còn là vườn Địa Đàng long lanh nhũ hương và bích ngọc, cũng không phải là Đất Hứa óng ánh sữa thơm và mật ngọt; trên mặt đất, lúa tốt còn mọc lẫn với cỏ hoang, trái lành ửng chín trong gai bụi, và lương thực loài người còn trộn lẫn cát bụi với mồ hôi; Và con người không những thịt da sượng sần và tê điếng mà còn nứt nẻ như muốn tan rã ra cùng vũ trụ, làm cho mê lẫn máu và hồn ta là ta hay không phải ta. Thế giới hiện tại, tuy vẫn có thanh sắc, nhũ hương, vẫn mang sẵn mục nát trong mầm sống. Và mầm sống đó, có sung mãn đến đâu, thì nhà thơ vẫn lòng thương chưa đã mến chưa bưa, nên phải mời cho được Xuân Thiên.
Chúng ta chưa quên được Người đang say sưa đi trong Mơ Ước đã gặp ở trang đầu. Vậy Xuân Thiên đây là niềm mơ ước ở sự tồn sinh sau cõi chết, sẽ được phục hồi trong cảnh trời mới đất mới, rạng ngời trong danh Cha cả sáng. Những thi phẩm cuối cùng của Hàn Mặc Tử như Xuân Như Ý gom góp xong đầu năm 1939, Thượng Thanh Khí đầu năm 1940, gồm hai vở kịch thơ Duyên Kỳ Ngộ và Quần Tiên Hội viết dở dang, đều nói lên niềm Mơ Ước đó. Trong bài này, tôi tạm xếp ba tác phẩm trên cùng những bài cuối tập Đau Thương vào chủ đề Xuân Như Ý, cho gọn, và như một giai đoạn trong thi trình Hàn Mặc Tử.
Mùa Xuân Thượng Thanh, đó ra sao? Về chủ đề mơ ước trong Thánh Kinh, một chuyên gia về giáo lý Thiên Chúa nhận xét: “Cuộc sống vĩnh viễn được xác nhận rõ rệt bao nhiêu, thì những đường nét của nó lại mờ nhạt bấy nhiêu. Không những mờ nhạt, mà đôi khi còn thiếu sót. Sự tồn sinh không được mô tả, dù dưới những hình ảnh khải huyền”. [6]
Lẫn trong mơ hồ đó, nhà thơ tha hồ mà tưởng tượng quang cảnh trời đất mới. Nếu Xuân Như Ý còn nhiều hình ảnh dựa theo tín lý Thiên Chúa, thì Cẩm Châu Duyên lại gần với huyền tượng của dân gian phảng phất không khí thần tiên của Đạo giáo – một thứ Đạo giáo bình dân, không ăn thua gì đến cái “đạo khả đạo” của Lão Tử. Vì vậy Hoài Thanh cho rằng Hàn Mặc Tử “chốc chốc lạc vào thế giới đồng bóng.” Thật ra trong cái hoa hoè của dự tưởng, nội dung nòng cốt của Xuân Như Ý vẫn là một tín điều Thiên Chúa giáo.
Trước hết đó là một mùa Xuân. Nghĩa là một thế giới mới, một khung cảnh tái tạo, như cảnh thành Jérusalem mới được thánh Jean rao truyền ở chương cuối Phúc Âm, Trời mới đất mới được dựng lên trên cảnh trộn trạo, tán loạn của ngày tận thế
Cả vũ trụ tàn theo ngày Phán xét
Là khủng khiếp cả Trời Đất tiêu diệt (tr. 60)
Mùa Xuân đó ở xa. Ở thật xa nếu nhìn từ thế giới hồn nhiên của Gái Quê
Cửu Trùng là chốn xa xôi ấy
Chim én làm sao bay đến nơi (tr. 37)
Nhưng kinh nghiệm Đau Thương, kinh nghiệm của xác tín trong khổ não, đã chắp lên thân xác nứt nẻ của nhà thơ đôi cánh phượng hoàng. Bằng những bất hạnh, Hàn Mặc Tử đã đến gần với Chúa và gần với mùa xuân Mơ Ước hơn là cánh én bơ vơ:
Phượng trì! Phượng trì! Phượng trì! Phượng trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu
Hồn tôi bay đến bây giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang (tr. 37)
Trong bài “Thánh nữ Đồng Trinh Maria” này, với nguồn rung cảm mãnh liệt của đức tin, nhà thơ đã sống cả thế giới hiện tại lẫn mùa xuân dự tưởng, đã nói đến cơn lậm luỵ đã trải qua dưới thế như là một quá khứ. Và trong đức tin đó, nhà thơ đã vẽ cho ta địa hình của Đất Mới, trong bài tựa tập Xuân Như Ý:
Vì chưng muôn xuân là lương thực ngon ngọt, mĩ vì, ánh xuân là nguồn tơ tưởng thơm tho tinh khiết, khí xuân là mạch trường sinh bất tử, tình xuân là cung cầm nguyệt mê ly, tuổi xuân là NGỌC NHƯ Ý, tên xuân là DẠ LAN HƯƠNG.
Và xuân là phong vị thái hoà của năm muôn năm, trời muôn trời, chân lưu trên thượng tầng không khí, bàng bạc cả giải Hà Sa, chen lấn vô tận hồn tạo vật…
Loài người hãy tận hưởng một hơi cho đã ngán và cao rao danh Cha cả sáng… (tr. 66)
Chúng ta thử khai triển vài nét chính của Xuân Như Ý. Chúng ta đã thấy đó là mùa xuân hồi sinh, sau khi “Trời thứ nhất, đất thứ nhất tan biến.” (“Ap. XXI”, 2) Như đặc biệt mùa xuân này nảy lộc từ mùa đông, nhưng sẽ không bao giờ chuyển sang mùa hạ Mai nầy thiên hạ mới tinh khôi… Và sẽ còn tinh khôi mãi mãi, vì đã đi vào cõi tứ thời xuân non nước. Trong Cầm Châu Duyên nhà thơ gọi là Xuân vô cùng đến ngàn năm ơn phước và mô tả như một tia sáng triền miên:
Liên hồ đây bốn mùa xuân cả bốn
Ngát hương đưa trong gió sớm chơi vơi
Làm nước mát và chưa bao giờ gợn
Vết phong trần đưa lại ở xa khơi
(Trần Thanh Mại, tr. 147)
Đoạn cuối “Khải Huyền” truyền giảng rõ ràng. Đất Mới đây, là châu thân Thiên Chúa; mùa xuân của Hàn Mặc Tử (trường sinh bất tử năm của muôn năm, vì ở “Khải Huyền”, Chúa đã kết luận: “Ta làm mới mọi vật. Ta là Alpha và Oméga, là nguyên lý và cực chung.” (“Ap. XXI”, 5-6)
Xuân Như Ý tiếp đến là một vũ trụ thơm tho và tinh khiết vì là càn khôn mới dựng lên. Ở đây, nhà thơ như rợn ngợp trong trinh nguyên của Đất Mới, mà tượng trưng là con chiên con vô tật và vô tội, làm ngọn đèn trinh bạch rọi sáng cả hoàng thành. Thi sĩ vội nguyện cầu gội rửa:
Tôi van lơn thầm gọi Chúa Giê Su
Ban ơn xuống cho mùa Xuân hôn phối
Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng (tr. 74)
Và để ngợi ca vinh hiển của Nguồn thơm, nhà thơ đã cao ngâm giọng long lanh, thanh thoát:
Ta cho ra một dòng thơ rất mát
Mới tinh khôi và thanh sạch bằng hương (tr. 70)
Theo Hoài Thanh – người may mắn hơn chúng ta, được đọc toàn bộ thi phẩm – thì Cẩm Châu Duyên, thi phẩm cuối cùng, là “trong trẻo hơn cả” [7] . Âu cũng là chuyện lạ. Gái Quê, từ ban sơ, đã là một dòng suối rừng vẩn đục, rồi chảy qua một cuộc đời khổ ải, chuyên chở không biết bao nhiêu trần lụy, ấy mà dần dà lại gạn lọc hết phù trầm, để đổ ra đại dương bằng một giải Cẩm Châu trong vắt. Thật là một đặc điểm trong thẩm mĩ thi ca.
Đất Mới còn là một xứ rực rỡ, cao sang, vì xuân mang tên một loài Ngọc:
Ánh hào quang chan chói ngắt lưu ly
Ôi! Cao sang khôn vi, trọng ai bi
Trên nước cả có vô vàn châu báu (tr. 67)
Những hình ảnh tráng lệ như gấm, ngọc, trân, châu, thất bảo, nhũ hương, mộc dược đều muốn gợi lên một vinh hiển, như khi sứ đồ tả thành Jérusalem mới trong “Khải Huyền”: “Thành ấy chói sáng như một viên bửu thạch, như bích ngọc rạng ngời… Tường thì xây bằng bích ngọc, thành thì xây bằng vàng ròng, tợ như thuỷ tinh trong vắt. Mười hai cửa thì làm bằng mười hai hột châu.” (“Ap.” XXI, 11, 18 và 21) Dựa theo “Khải Huyền”, tôi cho rằng những đền đài dự tưởng trong Hàn Mặc Tử là một phóng thể của đức tin Thiên Chúa, vì cảnh Bồng Lai của Á Đông, cảnh thần tiên của Đạo gia không có cái huy hoàng rực rỡ đó.
Cuối cùng Xuân Như Ý là một thái hoà tuyệt đối, trong không gian và thời gian, thái hoà của năm muôn năm, trời muôn trời. Ở đó, trời thì bình an như nguyệt bạch, còn người thì hoan hảo, no nênhờ trái cây bằng ngọc, vỏ bằng gấm. Còn nói chung:
Thiên hạ thái bình và trời tuôn ơn phước
Như triều thiên vờn lượn khắp không gian (tr. 71)
Ở đây, sầu đau chìm trong quên lãng. Đất Mới không còn cảnh “chết chóc, than khóc, kêu ca hay đau đớn nữa”) (“Ap”, XXI, 4) vì những lậm luỵ dưới thế đã qua. Ở đây tất cả đều là ánh sáng. Và ánh sáng là linh thị cuối cùng bao trùm trọn vẹn thi trình Xuân Như Ý, đồng thời rọi lại toàn bộ tác phẩm Hàn Mặc Tử như một Thánh thể kết tinh triền miên vươn tới Ánh Sáng, vươn tới Ánh hào quang chan chói ngất lưu ly. Hay trở về Ánh Sáng. Ở đây, chúng ta đi sâu vào ngõ ngách cối cùng trong đức tin Hàn Mặc Tử:
Ta ước ao đầu đội mũ triều thiên
Và tắm gội ở trong nguồn ánh sáng
Tôi sẽ dừng lại ở đây, dừng lại ở hình ảnh Nguồn Ánh Sáng, vừa là một vươn tới, vừa là một trở về, Mùa Xuân Như Ý đẹp trước hết vì là Xuân thứ đến vì nó là Như Ý, nó đưa con người về với Chúa, về với Nguồn. Vậy Nguồn Ánh Sáng ở đây là Alpha và là Oméga, vừa là cội rễ vừa là cứu cánh con người. Và cơ cấu thơ Hàn Mặc Tử do đó gói ghém cả mặc khải Thánh Tự lẫn lịch trình Cứu Rỗi. Tôi có cảm giác đã làm xong một bài luận mạch lạc. Bây giờ là kết.
Tham vọng của tôi trong bài này là đề nghị một lối nhìn nhất quán vào tác phẩm Hàn Mặc Tử trong giới hạn những bài thơ còn lưu truyền, nghĩa là trên một sự nghiệp bị thời gian cắt xén. Khai quật cơ cấu nội tại của sự nghiệp đó, chúng tôi lại còn mong ước rọi sáng những bài, những câu thơ mà các nhà phê bình xưa nay, từ Trần Thanh Mại đến Vũ Ngọc Phan, cả thi sĩ Quách Tấn đều cho là khúc mắc. Theo chúng tôi, hiểu tất cả các câu thơ, các bài thơ trong một tập thơ, chưa hẳn đã là hiểu toàn bộ tập thơ, ít nhất cũng đối với người viết phê bình. Chúng ta còn phải hiểu liên hệ nội tại trong mỗi tập thơ để nắm vững cơ cấu sáng tạo của thi sĩ – ít ra cũng trong chủ quan người đọc.
Liên hệ nội tại đó, tôi đặt trên đức tin của Hàn Mặc Tử. Tôi cũng có thể đề nghị một nền tảng khác; tôi chọn chủ đề này với một dụng ý: giải thích những nhận xét cố hữu của các nhà phê bình tiền bối vẫn cho Hàn Mặc Tử là nhà thơ Thiên Chúa giáo, mà không nói rõ, nói đầy đủ, tại sao. Các vị đó thường trích dẫn những bài thơ hay câu thơ có âm vang tôn giáo, có hình thức tín ngưỡng nhưMaria linh hồn tôi… rồi kết luận; theo tôi, thì chưa đủ, vì một người không có đức tin cũng có thể kể rất nhiều tên Thánh, làm thơ ca tụng đấng Tối Linh, như ngày xưa các cụ Nguyễn Hữu Tiến hay Tản Đà nhắc đến Thượng Đế trong Quả Dưa Đỏ hay Giấc Mộng Con. Theo tôi, chúng ta chỉ có thể nói đến tín lý trong một tác phẩm khi toàn bộ tác phẩm đó tiềm ẩn đức tin trong cơ cấu. Nói khác đi, một người Thiên Chúa giáo chưa hẳn là kẻ đọc kinh vanh vách, mà là người đem trọn cuộc đời mình đáp lại lời gọi của ơn Trên, và một thi sĩ Thiên Chúa giáo không hẳn là kẻ tự xưng là thi sĩ của đạo quân Thánh giá (tr. 71) như Hàn Mặc Tử đã tự nhận, mà là kẻ đem cả sự nghiệp thi ca của mình âm vọng lại tiếng gọi của Thượng Đế. Và dĩ nhiên không phải là kẻ “dùng thơ để truyền bá tôn giáo của mình” như Quách Tấn nhận định ở trang 118 số Văn thượng dẫn. Do đó mà tôi cố gắng chứng minh toàn tập thi phẩm Hàn Mặc Tử là một tiếng vọng của Thánh Tự.
Dĩ nhiên, trong tác phẩm Hàn Mặc Tử còn nhiều vết tích của một nhân bản Việt Nam. Tín ngưỡng Thiên Chúa đã nảy mầm trên một nhân bản phiếm thần và đa giáo, thì hồn thơ Hàn Mặc Tử không khỏi làm một lăng kính hội tụ rồi phát huy nhiều nguồn sáng khác nhau, và hỗ tương lẫn nhau, như Giáo hoàng Paul VI đã tuyên bố trên đài phát thanh Véritas chủ nhật 29-11 vừa qua, nhân chuyến công du sang Á Đông: “Chúng ta đang ở một vùng đất mà những tư trào cổ kính của Đông phương và những trào lưu mới mẻ hơn Tây phương đã kết hợp lại và làm giàu cho nhau” [8]
Và bạn đọc sẽ hoan hỉ nếu Quách Tiên sinh thủ lời hứa “nói về đạo Từ bi trong thơ Tử” vì sẽ hiểu thêm một khía cạnh của thi phẩm, qua kiến thức uyên bác của tiên sinh về phương diện Phật lý cũng như tác phẩm Hàn Mặc Tử.
Cuối cùng, viết bài này tôi cũng có hai hậu ý riêng tư. Trước là để giải một lời hứa với anh Trần Phong Giao từ hai năm nay; một đề tài bao quát và hệ trọng như vầy đòi hỏi một suy nghĩ dài hạn, khiến anh Trần Phong Giao cứ trách tôi là “thề cá trê chui ống”.
Thứ đến là hồi đầu năm nay, tôi có viết một bài điểm sách, về vở kịch Ngộ Nhận của Vũ Khắc Khoan. Bài đó đã gây nhiều hiểu lầm, nhất là trong những người thân của tôi, cho là tôi bất kính đối với đức tin Thiên Chúa; và tôi rất khổ tâm; nếu có hiểu lầm đó, dĩ nhiên lỗi về phần tôi, viết không khéo, nói không trọn, lời không thanh, ý không minh. Vậy bài này viết vào mùa Giáng sinh, sẽ là một bổ chính cho bài trước, và cũng là lời tạ lỗi thành khẩn của tôi.
Lòng thành khẩn đó, của riêng tôi, nhân mùa Hy Vọng, còn là cánh hoa huệ một lưu vực xa xôi gửi về cho Quê hương Yêu dấu.
Val de Loire, 12-1970
[1]Trần Thanh Mại, sđd, tr. 61
[2]Vocabulaire de Théologie Biblique, Edit, du Cerf, Paris 1962, tr. 714
[3]Jean – Pierre Richard, Poésie et Profondeur, Seuil, Paris 1955
[4]P. Dhorme, Revue Biblique. Số 4 tháng 10 – 1920 tr. 473 – 474. Loại bài “l’Emploi métaphorique dans la Bible”, chuyên về hình ảnh của thân xác, rất cần cho việc tìm hiểu thơ H.M.T.
[5]Vocabulaire de Théologie Biblique, sđd, tr. 31
[6]Jacques Quillet, tủ sách giáo lý, Thèmes Bibliques, Aubier, 1950, tr. 175
[7]Hoài Thanh và Hoài Chân, sđd, tr. 214
[8]Le Monde, ngày 1 tháng 12-1970, tr. 8, cột 1
Nguồn: Vũ trụ thơ,
tiểu luận của Đặng Tiến, bìa Văn Thanh, Giao Điểm xuất bản lần thứ
nhất. In xong ngày 24 tháng 6 năm 1972. Số thứ tự của nhà xuất bản:
32/72. Nạp bồn: đệ tam cá nguyệt 1972. Giấy phép xuất bản số
982-BTT/PHNT, Sài Gòn ngày 30 tháng 3 năm 1972. Tổng phát hành: Nhà sách
Đời Mới 278-280 đường Vĩnh Viễn, Sài Gòn. Bản điện tử do talawas thực
hiện
Nguồn LLVH
Hàn Mặc Tử là một nhà thơ lớn, tiếc rằng ông ra đi quá sớm
Trả lờiXóađúng đó
Xóa