Phạm Quỳnh
Phàm đã gọi là một dân quốc không thể giây phút thiếu cái tư tưởng, cái tinh thần một dân quốc. Tư tưởng ấy, tinh thần ấy gọi một tên tức là cái quốc hồn vậy. Quốc hồn của Việt Nam ta ngày nay phải tìm ở đâu cho thấy? Thiết tưởng phi ở Huế không đâu thấy vậy.
Ấy trước khi bước chân xuống đất Huế, cái tư tưởng
tôi triền miên như vậy. Tôi chưa biết Huế tôi đã yêu Huế rồi, yêu vì
cái nghĩa cao thượng nó ngụ ở trong cái tên ấy, yêu vì cái cảm tình vô
hạn nó chan chứa trong lòng tôi. Bình sinh tôi học vấn được đến đâu, cảm
giác được đến đâu, tư tưởng được đến đâu, hy vọng được đến đâu, bấy giờ tựa hồ như con sông vỡ đê mà tràn ngập cả trong tâm giới tôi vậy.(…)
Thường đọc câu trong sách Đại Nam nhất thống chí, thiên Kinh sư, có tả địa thế cùng lược lịch sử nơi kinh thành Huế như sau này:
“Chốn Kinh sư gồm cả núi bể trong
nước mà ở vào giữa khoảng Bắc Nam, khí hậu hòa bình, sơn thủy kỳ tú.
Đường bể thì có cửa Thuận An, cửa Tư Hiền
làm hiểm, đường lục thì có ải Quảng Bình, ải Hải Vân làm trở. Sông nhớn
bao mặt trước, núi cao chắn mặt sau. Ba nguồn Bồ Trạch bọc bên tả bên
hữu. Đầm Tam Giang, đầm Thanh Lam, đầm Hà Trung làm then làm chốt. Thực
là một nơi hổ chồm rồng cuốn, địa thắng hình cường; đất hiểm yếu của giời đất, làm thượng đô cho đế vương. Kể từ khi nước Nam dựng nước, thuộc về nhà Trần là đất Thuận Hóa, thuộc về nhà Lê
là Thuận Hóa thừa tuyên, đều xưng là nơi trọng trấn. Về Bản Triều, đức
Thái tổ Gia Dũ Hoàng đế chịu mệnh Giời mở nền nước ở cõi Nam, trước đóng
ở Ái Tử, sau đi ra Trà Bát (tên làng thuộc tỉnh Quảng Trị, huyện Đăng
Xương lại đi ra phía đông Ái Tử nữa ở nơi gọi là Cát Doanh). Đức Hi tôn
Hiếu Văn Hoàng đế lại tự Cát Doanh đi ra Phúc An (tên làng, thuộc
huyệnQuảng Điền). Đức Thần Tôn Hiếu Chiêu Hoàng đế lấy nơi Kim Long là
đất có hình thế, đổi ra đóng đấy. Đức Anh tôn Hiếu Nghĩa Hoàng đế lại
dịch ra Phú Xuân (Kim Long Phú Xuân đều là tên làng). Đức Thế tôn Hiếu
Võ Hoàng đế chia đất trong cõi làm 12 doanh. Ở Phú Xuân thì gọi là
Chính doanh, lại xưng là Đô thành. Đều là đất Thuận Hóa vậy. Phía Bắc
cưỡi lên sông Gianh, phía Nam gồm đất Chân Lạp, Liệt Thánh tương
truyền hơn hai trăm năm. Năm Giáp Ngọ đời đức Duệ tôn Hiếu Định Hoàng
đế, quân Trịnh đến chiếm. Sau bị giặc Tây Sơn trộm giữ trong ba mươi
năm. Kịp đến đức Thế tổ Cao Hoàng đế ta dấy lên như rồng như mây, thay
Giời dẹp giặc, mùa thu năm Mậu Tuất thu phục thành Gia Định, mùa hạ năm
Tân Dậu khắc phục chốn cựu kinh, mùa hạ năm Nhâm Tuất bắt tướng
giặc ở cõi Bắc; từ đó gồm An Nam nhất thống dư đồ, bờ cõi mênh mông,
nam tới Tiêm La Chân Lạp, bắc giáp nước Tàu, đông đến bể, tây đến Ai
Lao. Giở về đất cũ, mở rộng thêm ra, định đô ở Phú Xuân, từ đấy mới xưng
là Kinh sư vậy. Đặt phép tắc, định triều cống, như cái nóc nhà cao
hơn cả, bốn bề đều quay về đấy, như ngôi sao Bắc đẩu tôn hơn cả, trăm
sao đều chầu chung quanh. Cái nền vững vàng thịnh vượng của nước nhà trong ức vạn năm thực là ở đấy vậy. Rực rỡ thay! Vẻ vang thay!”
Lấy cái cảm giác nhà ái quốc mà đọc những nhời đó, trong lòng hứng khởi biết chừng nào! Người vô tình cho là nhời văn chương hư sức, mà người có cảm với nước nhà qua câu văn hình như trông thấy cái hồn trong nước sinh trưởng ở vùng Thuận Hóa Phú Xuân nơi đất cũ vậy. (…)
Người khách mới đến thành Huế tưởng như bước chân vào bức tranh cảnh: chung quanh núi, giữa con sông, nhà cửa
tụ họp hai bên bờ, trên bến dưới thuyền, trông xa một tòa thành cổ bao
la, thâm nghiêm kín cổng. Cái phong cảnh Huế sở dĩ đẹp là thứ nhất bởi
con sông Hương Giang. Con sông xinh thay! Hà Nội cũng có sông Nhị Hà, mà
sông Nhị với sông Hương khác nhau biết chừng nào! Một đằng ví như cô
con gái tươi cười, một đằng ví như bà lão già cay nghiệt. Nhị Hà là cái thiên tai của xứ Bắc, Hương Giang là cái châu báu của xứ
Kinh. Nước trong như vắt, dòng phẳng như tờ, ít khi có tị sóng gợn trên
mặt, đi thuyền trên sông như đi trong hồ vậy. Huế không có con sông
Hương thì tưởng cái đẹp của xứ
Huế giảm mất nửa phần. Nhưng đã có sông Hương lại có núi Ngự nữa, cái
cảnh mới thực là toàn xinh. Ngự Bình không phải là một núi cao như núi
Phú Sĩ nước Nhật, Hương Giang không phải là một sông rộng như sông Hoàng
Hà nước Tàu, nên nói rằng sông ấy núi ấy làm hiểm trở cho chốn Đế kinh
thì cũng là nói quá, nhưng sông ấy núi ấy thực là vẽ nên phong cảnh xứ
Huế vậy. Vả cái khí vị của phong
cảnh Huế không phải là cái khí vị hùng tráng, mà là cái khí vị mĩ diệu;
cảnh Huế xinh mà đẹp, không phải là hùng mà cường, đáng yêu mà không
phải là đáng sợ, có thi vị mà không phải là có khí tượng. Phải nhận kỹ như thế thì mới khỏi nhầm mà hiểu được tinh thần của cái bức sơn thủy hiển nhiên ấy. (…)
Cảnh Huế là một cảnh rất ưa người,
ngoài mặt mới tiếp xúc trong lòng đã sinh cảm tình. Hay là lòng tôi đã
nhiệt thành sẵn mà dễ cảm như thế? Cũng có nhẽ, nhưng bởi cái tinh thần
riêng của phong cảnh cũng nhiều.
Nay đã có cảm tình với cảnh Huế, phải gây lấy mối cảm tình với người Huế nữa. Đó là cái công việc tôi trong mấy ngày về sau này.
Cái mục đích cuộc du Kinh của tôi là chủ xem tế Nam Giao. (…)
Tôi có ý nhận những đám đông người
ở đây rất nghiêm, không như những ngoài Bắc. Lính cảnh sát có ít mà
trên đường vẫn có trật tự, không hề thấy đám đánh nhau chửi nhau, ồn ào
rộn rịp, thứ nhất là không có cái tiếng rất khả ố là tiếng cập kè của bọn sẩm chợ, như những khi hội hè ở ngoài ta.
Cái vui của người
dân đây nghiêm mà không nhả. Đại để dân xứ Huế rất có lễ phép, dù bậc
hạ lưu cũng vậy. Xem đó đủ biết là gần cái phong hóa của Triều
đình. Ngoài ta không hạng người nào bại liệt bằng hạng phu xe: ở Huế
bọn phu xe cũng có lễ phép, không hề nói tục nói láo bao giờ. Cái nhân
phẩm của phu xe Huế, còn cao hơn phu xe Hà Nội gấp mấy lần vậy. (…)
Lấy cái tư tưởng
mới mà xét thì có người cho những sự tế lễ ấy (tức tế Giao – PT chú) là
phiền. Nhưng bất luận rằng việc tế tự có quan hệ với cái thể thống
trong nước thế nào, phải sinh
trưởng ở nơi không có những sự phiền như thế mới biết rằng trong cái
phiền ấy có một cái thú đặc biệt, một cái nghĩa thâm trầm. Tôi nói đây
là lấy cái phương diện nhà hiếu cổ, nhà ái quốc mà nói. Theo phương diện ấy thì phàm cái hình thức gì nó biểu được cái hồn xưa của tổ quốc, dù phiền phức đến đâu cũng không nên bỏ. Bỏ một cái, bỏ mười cái, lên xóa mất cái hình ảnh nước nhà trong con mắt bọn hậu sinh vậy. Tôi thiết tưởng ngày nay có nhiều nhà thiếu
niên đọc Nam sử khao khát muốn được trông cái vết tích nước Nam ngày
xưa thế nào mà khổ vì không tìm đâu thấy; như thế thì cái cảm tình với
nước được bao lâu mà chẳng tiêu mòn đi? Ở cái đời cấp tiến này, người
ta chỉ biết lấy cái chủ nghĩa quyền lợi mà đối đãi nhau, nếu thời hồ
không có dịp nào để biểu cái nghĩa liên lặc của người một dân một nước thì mấy nỗi mà đến quên nhà quên nước vậy!
Trong Giao tự thực là có ngụ một
cái nghĩa sâu ở đó. Tuy là do cái học thuyết đã cổ lắm mà không phải là
không hợp thời. Theo học thuyết ấy thì Vua là con Giời mà là cha mẹ dân.
Vua phải thuận mệnh Giời, lại phải mưu sự hạnh phúc cho dân. Như thế
thì Vua vừa có trách nhiệm đối với Giời, lại vừa có trách nhiệm đối với
dân nữa, nhưng hai trách nhiệm ấy cũng tức là một, vì cái thiên chức của Vua
là phải làm cho dân được sung sướng, dân được sung sướng tức là thuận
mệnh Giời. Tế Giao là Vua thay mặt con dân mà cầu Giời giáng phúc cho
dân.
(…)
Vậy thì Vua tế Giao là biểu cái lòng tôn trọng với Giời và biểu cái tình thân ái với dân. Thân làm chúa tể trong nước mà kính
trọng khúm núm dưới thềm, vái lạy cái hình ảnh thiêng liêng ở trên bàn
thờ kia là vì ai? Vì dân vậy, vì lũ lê thứ mình có cái trách nhiệm phải
chăn nuôi, phải coi sóc vậy. Như thế thì Giao tự cũng có quan hệ với
chính trị, vì nhân đấy mà cái dây thân mật nó buộc Vua với dân, buộc
người dân với nhau lại càng bền càng mạnh thêm ra. Ba năm một lần tế
Giao tức là ba năm lại một lần Vua trịnh trọng ra tuyên cáo với Giời
Đất, với Tổ tiên, với Sông Núi rằng cái hồn trong nước vẫn còn mạnh, vẫn
còn bền, vẫn còn tỉnh táo vậy.
(…)
Ấy là lấy con mắt nhà triết học mà giải nghĩa Giao thì Giao có cái nghĩa như thế. Nếu lại lấy con mắt nhà mĩ học, nhà thi nhân mà xét Giao thì Giao thực là một cảnh tượng rất đẹp, rất trang nghiêm của cái Việt Nam cổ quốc này.
(…)
Nhân dịp Nam giao, trong thành lại mở một hội đấu hoa nữa, ở nơi vườn hoa mới lập sau điện Long An, trước cửa bộ Học. Quan dân nhà ai
có chậu bông đẹp đều đem họp tại đấy, chiều chiều những bậc giai thanh
gái lịch ở chốn Trường An, cũng đến họp mặt đông lắm, như muốn đua tài
đua sắc với trăm hoa. Lại các nhà thi
nhân vinh hoa cũng nhiều; đem chậu bông thường kèm bài thơ theo, kẻ
xướng người họa, thực là một cuộc tiêu khiển rất phong nhã.
(…)
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương
Cả cái hồn thơ của xứ
Huế như chan chứa trong hai câu ca ấy. Chùa Thiên Mụ là một chốn danh
lam, có cái tháp bẩy từng, ở ngay trên bờ sông Hương, làng Thọ Xương thì
ở bờ bên kia. Đêm khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa
văng vẳng ở giữa khoảng giời nước long lanh mà cảm đặt thành câu ca cho
con trẻ hát, ấy mới rõ cái tính tình của người xứ Huế.
Cho nên ở Huế, phong cảnh đã xinh, những nơi cung điện lăng tẩm đã đẹp, mà dễ quí nhất là những nhân vật của xứ
Huế vậy. Tôi tiếc vì không ở được bao lâu, trong khoảng mười ngày lấy
đâu mà biết cho khắp những bậc danh sĩ cao nhân, thường là người ẩn dật,
không phải hằng ngày mà gặp được. Nhưng phàm những người tôi sở biết
đều là có cái tư cách cao thượng cả. Cầm, kỳ, thi, họa, là những ngón chơi thường của các
bậc ấy. Nay không thể biết được hết những người hay ở Huế, không thể
kể được hết những người đã từng biết, chỉ xin nói qua về một nhà nữ sử với một vị cao tăng tôi được tiếp trong khi ở Kinh đô.
Nữ sử hiệu là Đạm Phương, con gái Đức ông Quỳnh Quốc Công là con Đức Minh Mạng, và là em hai Đức ông Tùng Thiện và Tuy Lý.
(…)
Cao Tăng hiệu là Viên Thành Thượng Nhân, trụ trì chùa Ba La Mật, làng Nam Phố, cách Huế bốn năm cây lô mét.
(…)
Ấy người Huế như thế, cảnh Huế như thế. Thiết tưởng cái cảm tình của tôi với Huế cũng không phải là quá đáng vậy. Nếu có người đọc bài này mà cũng sinh lòng yêu mến chốn Kinh đô cũ của nước nhà, nhân đó yêu đến cả nước nữa, thì “mười ngày ở Huế” của tôi cũng không phải là vô ích vậy.
Hà Nội, tháng 4 năm 1918.
người Huế rất dễ thương
Trả lờiXóa