Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

VŨ TRỤ THƠ (phần 6)

VŨ TRỤ THƠ (phần 6)

Thi giới Đinh Hùng 
 
ĐINH HÙNG sinh ngày 3 tháng 7 năm 1920 tại làng Trung Phụng, ngoại vi thành Hà Nội (chánh quán làng Phượng Dực, tỉnh Hà Đông), Bắc Việt. 
Thuở nhỏ, học trường Sinh Từ. Đậu tú tài khi học xong trường Bưởi, Hà Nội. 
Tham gia sinh hoạt văn nghệ từ rất sớm, từ trước 1945, nhưng chỉ chính thức sống bằng nghề văn báo ít lâu trước khi di cư vô Nam (1952-54). Tại Sài Gòn, ông viết truyện dài dã sử (ký Hoài Điệp, Thứ Lang), làm thơ trào phúng (ký Thần Đăng), vẽ tranh, soạn kịch thơ và phụ trách mục thi ca Tao Đàn trên các luồng sóng phát thanh. Năm 1962, ông được trao tặng giải thưởng Văn chương Toàn quốc (về Thơ). 
Ông từ trần ngày 24 tháng 8 năm 1967 tại Bệnh viện Bình-dân Sài Gòn, sau một cơn đau ung thư bao tử, để lại một vợ ba con cùng một sự nghiệp còn dang dở. 
Tác phẩm đã ấn hành: Mê hồn ca (thơ, Tiếng Đông phương, Hà Nội, 1954); Đường vào tình sử (thơ, Nam Chi Tùng thư, Sài Gòn, 1961); Ngày đó có em (thuật ký, Giao điểm, 1967), Đốt lò hương cũ(hồi ký, Lửa Thiêng, 1971) cùng vài cuốn truyện dài dã sử do Nguyễn Đình Vượng xuất bản khoảng 1959-60. 
Đinh Hùng tạo được cho riêng ông một thi giới rất lạ, tựa như một con suối chảy từ trữ tình đến tượng trưng sang siêu thực, mang theo dòng những hình ảnh giàu có, một ngôn ngữ cá biệt và một tâm hồn lạ lùng của miền núi rừng hoang vu, bí ẩn, nguyên sơ… 
*
Những cánh thủy tiên nở muộn sau một cơn mưa, dọc con đường quanh chưa kịp ráo mùi cỏ dại. Tôi muốn dừng lại bên cạnh một cành hoa nhỏ – loài hoa nở muộn lạc loài. Thơ Đinh Hùng. Từ lâu, tôi có vài ý, muốn viết về ông; tôi từng hỏi ý đó với các anh em; gần đây anh Trần Phong Giao có thư cho tôi bảo: Đinh Hùng bị ung thư dạ dày, chắc chết. Cậu có ý gì thì nên viết ngay cho anh được đọc trước khi nhắm mắt. Tôi lần lữa mãi cho đến khi tôi bắt đầu viết thì được tin Đinh Hùng mất. Tôi rất ân hận. Tôi không dám nghĩ là mình có lỗi với người đã khuất vì tôi chưa được quen biết với Đinh Hùng, và nghĩ như thế là một lối tự mãn mà tôi tự xét không xứng đáng, nhưng ít nhất tôi cũng có lỗi với các anh em, nhất là anh Trần, người đã nhắc nhở tôi không phải một lần, mà nhiều lần. 
Tôi đọc lại Mê Hồn Ca và Đường Vào Tình Sử với rất nhiều ân hận. Đinh Hùng là một trong vài nhà thơ lớn nhất của nền thi ca Việt Nam hiện đại, và trước khi lìa đời không được đọc một tác phẩm phê bình nào cho đàng hoàng dành cho thơ mình, cho cuộc đời mình dành trọn cho Thơ. Trong lịch sử văn học thế giới, một người viết tiểu thuyết hay kịch, có thể tự xác định vị trí, nhưng một nhà thơ khó mà quan niệm được chỗ đứng nếu không có môi giới của ngành lý luận văn nghệ. Cái buồn của Đinh Hùng âu cũng là chung cho các thi sĩ Việt Nam, chỉ khác ở chỗ là Đinh Hùng đã mất sớm. 
Đinh Hùng làm thơ và nổi tiếng từ thời tiền chiến; thời đó, thơ ông đã đạt tới một vóc dáng đặc biệt, chứng tỏ khả năng sáng tạo độc đáo, dựng được một thế giới thi ca mới mẻ, khác biệt với dòng thơ tình tự lãng mạn đã cạn nguồn. Trong những tài liệu hiếm hoi còn giữ được trên bước đường lưu lạc, tôi đọc thấy “Bài ca man rợ” đang trên giai phẩm Đời Nay năm 1943, sau này xuất bản trong Mê Hồn Ca (1954), “Liên tưởng” đăng trong Thơ Văn Mùa Xuân của Đại La, năm 1943, mãi đến 1961 mới gặp trong Đường Vào Tình Sử - những năm hồi cư, về soạn thi Tiểu học, tôi còn nhớ đã đọc thơ Đinh Hùng đăng rải rác trên các tuần báo Hồ GươmGiang Sơn… xuất bản tại Hà Nội vào khoảng 52-53; tôi thuộc những câu Khi miếu đường kia phá bỏ rồi và Ôi những người em đi viễn phương từ thời đó. Mười năm sau khi cho ra mắt độc giả những bài thơ hay nhất của thi nghiệp, Đinh Hùng vẫn là một hành tinh lẻ loi. Tập Mê Hồn Ca xuất bản mấy tháng trước Hiệp định Gienève ít người đọc, ít người còn giữ. Sau khi di cư nhờ giữ mục Tao Đàn, Đinh Hùng được nhiều người biết hơn, nhưng vẫn gây cảm giác như là đi bên lề sinh hoạt văn nghệ của miền Nam. 
Những bài thơ cuối cùng, Đinh Hùng vẫn còn giữ mực thước những tác phẩm đầu tiên, hình thức thơ cũ. Bạn đọc trẻ cho là xưa quá; người đọc đứng tuổi cho rằng không truyền cảm bằng thơ Xuân Diệu, Huy Cận. Sự thật không đúng như vậy; so với các nhà thơ tiền chiến, nghệ thuật cấu tứ và tạo hình của Đinh Hùng vượt rất xa, đã dựng được một thế giới thi ca thuần nhất, song song với thực tế trong khi những Xuân Diệu, Huy Cận chỉ mới tô điểm thực tế bằng văn vần. So với các nhà thơ tự do còn đang dò dẫm, thơ Đinh Hùng là một hư cấu đã trưởng thành, một năng lực sáng tạo đã vượt khỏi thực tại. Tôi e rằng một số đông người yêu và không yêu thơ Đinh Hùng, cũng đều vì những ngộ nhận. Hai mươi năm sau khi đăng thơ trên báo của nhóm Tự Lực, Đinh Hùng ký tên trên tạp chíSáng Tạo: một chi tiết này cũng đủ gợi giá trị hằng cửu của thơ Đinh Hùng, giá trị mà chúng ta sẽ tìm hiểu. 
Muốn đi vào thi giới của Mê Hồn ca và Đường Vào Tình Sử, trước hết, phải tách rời nó ra khỏi thực tại. Tách rời hẳn ra. Vì thi giới đó, không phải là một phản ánh thơ mộng của thực tại như ta lầm tưởng. Thi giới đó là một hư cấu, hoàn toàn độc lập với thực tại, nếu có tương quan thì tương quan đó chỉ là tác giả và người đọc, những nhân sự khởi đi từ trần lụy để tìm đến một vũ trụ khác. 
Hai chủ đề chính trong thơ Đinh Hùng là thiên nhiên và tình yêu, cần đặt lại trong một thế giới hư ảo. Cần nhớ Đinh Hùng – cũng như bất cứ một thi sĩ lớn nào – sáng tạo thế giới chứ không tái tạo. Dĩ nhiên là phải sáng tạo từ những vật liệu sẵn có – những yếu tố của thực tại, ở đây vật liệu chỉ thuần là ngôn ngữ. Những từ ngữ cũ kiến trúc một thế giới mới, tôi gọi Đinh Hùng là thi sĩ với tất cả ý nghĩa của danh từ. 
Đặc tính của thế giới Đinh Hùng là một thành tố đều, được hoà giải; khí hậu tình tự giải toả những mâu thuẫn biện chứng, không còn sự khác biệt giữa người-nhìn-vũ-trụ và vũ-trụ-được-nhìn, giữa tâm giới và ngoại giới, giữa bản ngã và vô ngã, giữa thực thể và vô thể, giữa tôi và tha nhân, giữa tình yêu và tình nhân; trong thế giới đó, tôi là rừng núi, rừng núi là tình yêu, tình yêu là Em, Em là mùa Thu, mùa Thu là cơn mưa, cơn mưa là một dòng chữ, dòng chữ là tôi. Chữ tôi đã bao hàm cái không phải tôi, nhưng chủ thể không mâu thuẫn với khách thể vì tất cả chưa đạt tới những hình thể đủ cứng rắn để va chạm. Trong hư cấu của Đinh Hùng, sự vật là những nhu hình tương giao với nhau, thu hút vào nhau trong từ trường ngôn ngữ. Một hư cấu nằm ngoài vận chuyển biện chứng. 
Chúng ta có thể chọn bất cứ đoạn thơ nào của Đinh Hùng cũng nhận diện được thi giới đó. Ví dụ những câu thơ đầu của Đường Vào Tình Sử 
Trên đường ta đi. 
Những đoá hoa nở mặt trời xích đạo 
Những làn hương mang giông tố bình sa 
Những sắc cầu vồng nghiêng cánh chim sa 
Và dĩ vãng ngủ trong hồ cẩm thạch 
Của đôi mắt sáng màu trăng mặc khách 
Thời gian qua trên một nét mi dài 
Núi mùa thu buồn gợn sóng hai vai 
Dòng sông lạ trôi sâu vào tâm sự. 
Mặt trời nở trong một đoá hoa, giông tố nép mình theo một làn hương nhẹ, vũ trụ đổi toạ độ, chuyển mình theo một thái dương hệ mới, theo đó, mọi sự vật luân hoán thành một trật tự mới, trở thành bình đẳng và hỗ tương liên hệ. Trong thực tại, giữa mặt trời và hoa chỉ có tương quan một chiều, mặt trời di chuyển trên thế chủ động, hoa nở trên một vùng thuộc địa, trong hư cấu của thơ Đinh Hùng, tương quan chạy hai chiều, bình đẳng và thân ái. Hoa nở theo mặt trời; nhưng đồng thời tạo ý nghĩa cho mặt trời; không có khoa, không có sinh vật, thì mặt trời chỉ là một thực thể vô nghĩa, vì không có tương quan; từ đó, ta hiểu mặt trời đã tái sinh trong một đoá hoa. 
Thời gian cẩm thạch ngủ trong đôi mắt sau hành trình qua một nét mi: dĩ vãng không phải là thời gian đã mất, mà thời gian chiếm được, thời gian tư-hữu-hoá. Đinh Hùng hoà giải được phút đã qua và phút sắp đến, ở một đoạn sau, chúng cũng như đã phối ngẫu cái tôi với ngoại cảnh, với sông núi mùa thu, tâm giới với dòng sông lạ
Thi giới Đinh Hùng là một thế giới mở. Mở để đón sự vật, trong khi chính sự vật cũng mở lòng đợi nhau. Không gian không có giới hạn, dòng sông không bờ, cánh hoa không viền, con đường không lề, căn nhà không vách. Làm sao tạo được một thế giới không cửa, một khi chữ “cửa” đã là một ngăn đón? Đinh Hùng đã bôi xoá ý niệm ngăn đón trong chữ “cửa”, bằng cách tạo những cánh cửa hư ảo: 
Em đến từ trong giấc hỗn mang… 
Lời ca không mở cửa thiên đàng 
(ĐVTS
Em đi rồi then khoá cả chiêm bao 
Gầy vóc mộng gói tròn manh áo nhớ 
(ĐVTS
Then không thể khoá được chiêm bao, lời ca không thể mở cửa được, nếu, nếu đó là then, là khoá, là cửa thật. Vậy thì cửa phải là cửa không thật. Ngược lại, nếu chiêm bao có cửa thật, thì mọi cái cửa thật đều trở thành hư ảo, tức là mất hẳn tác dụng ngăn đón. Thế giới Đinh Hùng để ngỏ là vì vậy. Không gian là một lời mời, con người là tiếng gọi; giữa cảnh và người là sự đón đưa vĩnh viễn. Không một cánh cửa nào ngăn được tôi vì: 
Hồn tôi bay theo khói kinh thành 
Mộng ngoài sơn hải làm mây trắng 
(ĐVTS
Tôi là mây, là khói, là mộng, tôi vào không gian, tôi trở thành không gian, tôi đầy không gian, tôi không gian: không còn lằn mức giữa chủ thể và khách thể. Thi giới Đinh Hùng đầy sương đầy khói   [1]. Khói là trạng thái đặc đang biến thành hơi, sương là hơi đang đọng thành nước: những thành tố đang biến trạng. Sự vật trong thi giới Đinh Hùng không có cạnh, không có góc, nên không va chạm; không có mâu thuẫn giữa các yếu tố, vì đây chỉ mới là những khiếm thể (moinsétre) đang vươn tới hữu thể (étre) hoặc vô thể (non-étre). Thi giới Đinh Hùng là miền giao thoa giữa người và vật, giữa vật và cảnh, một niềm giao động thường xuyên, giữa giờ phút: 
Những đám tinh vân sắp sửa chia ly
(ĐVTS
tức là giờ phút Thái cực không còn là Lý nữa, nhưng chưa rõ thành Lưỡng nghi, giờ phút Âm, Dương mới sắp sửa thành hình trong giai đoạn khiếm thể. Chúng ta nghe những xao xuyến rộn ràng 
Hôm nay có phải là thu? 
Mây năm xưa đã phiêu du trở về. 
Cảm vì em bước chân đi, 
Nước nghiêng mặt ngọc lưu ly phớt buồn. 
Ai về xa mãi cô thôn 
Một mình trông khói hoàng hôn nhớ nhà? 
Ngày em mới bước chân ra. 
Tuy rằng cách mặt lòng ta chưa sầu. 
Nắng trôi vàng chảy về đâu… 
(MHC và ĐVTS
Thế giới Đinh Hùng nghe như lúc nào cũng xôn xao; thiên nhiên đợi đổi mùa, tình yêu đến giờ gặp gỡ hay lúc chia phôi, nắng chiều đợi tàn phai, tiếng dương cầm hắt hiu lời vĩnh biệt, hoặc vàng thusắp sửa làm thương nhớGió mùa thu sớm bao dư vịSoi màu trăng cũ lẫn vào đêm. 
Vì là một thế giới mở, nên cũng đồng thời là một thế giới đầy. Đầy sương, đầy khói, và đầy: 
Nụ cười phiêu lãng giữa không gian 
Người đọc có cảm giác là một không gian hạnh phúc: 
… Nụ cười Em giữ thiên thu lại… 
hoặc: 
…Nụ cười Em gửi gió thu bay… 
Hạnh phúc vì tràn đầy tâm giới; trong thơ Đinh Hùng nội giới và ngoại giới là một, nên vũ trụ cũng đầy tình cảm và nhan sắc: 
Mảng nhớ thương Em rừng đã vàng 
Dáng chiều giục giã cửa đài trang 
Cảm thương nhan sắc mờ thu thuỷ 
Phơ phất trùng dương khói ải quan. 
Im lặng, thời gian… cũng đầy, nghĩa là vươn tới một sự trọn vẹn. Dung tích của im lặng là một dung tích chất chứa, trong khi thời gian là một sự tích lũy tình cảm. Cho nên không khí trong thơ Đinh Hùng thân mật từ đầu ngọn cỏ, từ phiến đá tình si, từ vì sao cũđoá hoa xưa. Nhưng đặc điểm lớn nhất của vũ trụ đầy là một vũ trụ thường chìm trong mưa, hay bóng tối. Hai nhà thơ Việt nam thường đưa mưa vào tác phẩm là Huy Cận và Đinh Hùng. Ở Huy Cận cơn mưa choàng lên thế giới một tấm màn sầu mộng, tạo cho nhà thơ cảm giác bình an và êm dịu, mưa cướp mất không gian của Huy Cận. Đêm mưa làm nhớ không gian. Nhưng sự mất mát êm ả, vì chỉ khi mất không gian mới biết là có không gian, cũng như bao nhiêu ý thức sở hữu chỉ nảy sinh như những vật sở hữu đã bị thất lạc. Ở Đinh Hùng, cơn mưa cũng êm ả, nhưng êm ả một cách khác. Trên tôi đã nói thế giới Đinh Hùng không phân biệt hữu thể và vô thể. Mưa chính là một khiếm thể môi giới: mưa lấp đầy khoảng trống của không gian, khoảng trống vốn là hình ảnh của vô thể; mưa lấp đầy vô thể bằng một hữu thể bằng một hữu thể nhu nhuyễn, một hữu thể có thể vượt qua được, mưa ngập không gian nhưng không phải vì thế mà không gian bế tắc. Mưa tạo chiều dày cho vũ trụ, mưa làm môi giới cho ba chiều của vũ trụ, con người sống giữa chiều dày đó mà không bị mặt phẳng nào ngăn cản, mưa là một thể tích không có diện tích. Mưa làm cho vũ trụ mềm lại, nhưng cũng làm cho tôi mềm lại nữa. Mưa bọc cái nhìn của tôi bằng tấm màn lụa, nhãn tuyến tôi bị mòn đi, không còn đâm thủng không gian để chinh phục; phản tuyến tôi không còn gây hấn, nhưng cũng không khuất phục như khuất phục trước những mặt phẳng khi trời nắng: tôi vẫn nhìn qua màn mưa, màn mưa xoá nhoà các góc cạnh, cái nhìn len lỏi giữa những sợi tơ đan ẩm đục, đi tới, đi tới mãi, nhưng đi tới một cách nhu hoà, chậm chạp. Mưa hoà giải thị dục của tôi với kháng lực của ngoại cảnh. Mưa làm tan rã các mâu thuẫn giữa bản ngã và vô ngã. Mưa lấp khoảng trống đồng thời cũng lấp khoảng cách. Mưa là môi giới giữa tôi và chân trời, giữa ý niệm và đối tượng của ý niệm. Mưa giăng từ tôi đến chân trời tôi mơ ước, bản ngã tôi loãng trong khoảng ẩm đục giữa tôi và chân trời mơ ước đó, tình yêu tôi thấm vào không gian đi tới người tôi yêu. Khoảng cách mâu thuẫn giữa chủ thể và khách thể, mưa lấp đầy khoảng cách đó: tôi nói thi giới Đinh Hùng không phân biệt chủ thể và khách thể là như thế: 
Dĩ vãng dầm mưa lén bước về 
Áo trùng, mây tỏ, mặt sầu che 
Run tay ấp nửa bàn chân lạnh 
Thương những con đường mưa cuốn đi 
Lác đác trong mê rụng tiếng đàn 
Hồn ai khóc rợn bốn giây oan 
Gót chân thuở ấy vào mưa gió 
Còn thoảng hơi sương đậu cánh màn 
Đường Vào Tình Sử nhoè nhoẹt mưa bay. Thơ Đinh Hùng là một tâm sự vào mưa gió. Hiện tượng mưa cấu tạo chung quanh những hình ảnh liên hệ như bóng tối, lửa, ánh đèn… đều là những hư cấu cần phải được phân tích cặn kẽ; khuôn khổ một bài tiểu luận chỉ cho phép tôi dừng lại ở hiện tượng chính. 
Tôi chỉ cần nói thêm sơ lược về thành tố nước trong thơ Đinh Hùng. Bạn đọc chắc đã từng để ý đến rất nhiều suối, sông, hồ, ao, và biển trong thơ Đinh Hùng. Thơ Đinh Hùng rất ướt át. Dường như hầu hết những câu thơ hay đều có nước hoặc có hình ảnh liên quan đến nước, một cách trực tiếp hay gián tiếp; tôi trích hai đoạn thơ câu nào cũng có hình ảnh trực tiếp của nước: 
Giấc mộng đêm nào cũng gió mưa 
Gối chăn như hải đảo vô bờ 
Sóng dâng bốn vách sầu nghiêng bóng 
Thoáng ngọn đèn trôi ánh mắt xưa 
(ĐVTS
Mộng ơi! thuyền có trao đầu sóng 
Xin nở tươi màu hoa đại dương 
Biển biếccủ lao dài ánh mắt 
Ngàn khơi xa bóng nguyệt hoang đường 
(ĐVTS
Nước có đặc tính hoà giải: nước là hiện tượng liên tục, tiệm tiến của vũ trụ; nước là Nguyên thuỷ mà cũng là mạch sống, nước tạo sinh vật và nuôi sinh vật, nước là sự hiện diện của vũ trụ trong thời gian. Nước là chiều sâu mà cũng là chiều rộng của vũ trụ, đồng thời cũng là của thời gian. Nước mời mọc, làm giảm trọng lực của tôi, tạo cho tôi các cảm giác tiếp xúc với ngoại giới. Trong nước, tôi cảm giác tôi gắn liền với vũ trụ, tôi thân mật với vũ trụ. Nước dày, nhưng không đặc, tôi có thể xuyên qua; nước nhu nhuyễn, nhưng không thể mờ như hơi, tôi có thể sờ. Nước nuôi tôi bằng những giấc mơ. Nước liên tục, nhưng vẫn có thể cắt xén. Mọi vật thể đều có sở-hữu-chủ, chỉ có nước là của tôi, đồng thời cũng là của mọi người. 
Suối là nguồn sống, Sông là cuộc sống trong thời gian. Còn hồ ao
Tôi lây chung buồn của hồ ao… 
(ĐVTS
Hồ ao là sự sống lắng đọng ngoài thời gian có cái tôi trong thời gian, bơ vơ như dòng sông, bâng khuâng khua lái: 
Dòng sông bơ vơ tìm dĩ vãng 
Thuyền trôi bâng khuâng về tương lai 
(ĐVTS
Có cái tôi ngoài thời gian, bình an, tĩnh mịch, như cảnh Tây Hồ
Sen bạch, sen hồng của chúng ta 
Mà bông chưa nở, cánh chưa già 
Trong vùng gió đợi, hương chờ ấy 
Lòng tưởng cùng ai đã dạo qua 
(ĐVTS
Còn biển, trùng dương, đại dương? Gió từ sông lại mưa từ biển? Biển là sự hoá thân của sông, lời hẹn tuyệt đối, sự hoà giải vĩnh viễn của vật thể; nhà thơ chứng kiến điểm trở về giữa vòng luân hồi trường cửu. Còn Lòng nhớ sông hồ gửi đại dương? Đại dương là Nước vô danh, sự sống vô kỷ, vô thuỷ, vô chung, nơi vong thân của những vòng cuồng lưu lảo đảo. Và Phơ phất trùng dương khỏi ải quan: trùng dương là khởi điểm của vô hạn, giờ bắt đầu của chân trời, đặc điểm của trùng dương là một chân trời tôi có thể tiếp xúc được, tôi có thể với tới, tôi có thể cư ngụ. Tóm tắt thì biển, đại dương, trùng dương đều là một hợp đề của vũ trụ, một trạng thái đón đợi để ôm ấp, để chuyển hoá. Biển là sự hoà đồng trong thế giới Đinh Hùng, thế giới không có mâu thuẫn như tôi đã nói. Nhân phân biệt các danh từ đồng nghĩa với biển, tôi thấy cần lưu ý độc giả ở những danh từ đồng nghĩa nhưng có tác dụng khác nhau thường gặp trong thơ ông, như những chữ suối và nguồnsôngvà trường gianggiăng, và nguyệt
Nước, trạng thái trung gian, còn là một yếu tố môi giới giữa người và cảnh, giữa các vật thể với nhau. Tác giả dùng rất nhiều hình ảnh như cỏrong rêu… và những trạng thái như trôinổichìm,ướtthấmdần,… những ý niệm cần khai triển rộng rãi. Tôi chỉ gợi ý môi giới của nước trong lòng vũ trụ: 
Ôi nắng cũ nhạt mùi hương dã thảo 
Lạnh mùi rêu tảng đá nhớ chân đi 
(ĐVTS, tr. 62) 
Rêu là nước của đá, làm môi giới với bàn chân; nước là tình của vật thể vô tri, nhưng cũng là tình của vật thể hữu tri; nói một cách phàm tục hơn cho dễ hiểu thì cực điểm của nhiệt lượng tình yêu giữa người đàn ông và đàn bà là một chất nước. 
Nước là Nguồn Sống, là Nghĩa Mẹ. Cho nên không riêng gì trong thơ Đinh Hùng, mà trong các thi phẩm bất cứ nước nào, nước vẫn chiếm một diện tích quan trọng, vì thi sĩ là kẻ đi tìm nguồn. Đường Vào Tình Sử là đường về tiền sử. 
Tôi muốn đo thể tích của dĩ vãng trong thơ Đinh Hùng. Con người có ba dĩ vãng. Dĩ vãng của tôi hôm nay là thời thơ ấu; dĩ vãng thơ ấu là tiền sinh, và của tiền sinh là tiền sử. Thơ Đinh Hùng là hôn phối của một hiện tại và ba dĩ vãng. 
Chúng ta sẽ không dừng lại lâu ở Độ em còn trèo cây khế hay ở Khi mới lớn tuổi mười lăm mười bảycủa Đinh Hùng; những bài thơ đó đã nói lên đầy đủ vị trí của mình. Chúng ta cũng chỉ cần nhắc lại dung lượng quan trọng của nước đã phân tích ở đoạn trên cũng đủ thấy dấu vết trong tiềm thức của thời tiền sinh, thời kỳ trứng nước của bào thai. Tôi chỉ khai triển hư cấu thời tiền sử trong thơ Đinh Hùng, vì cho có một tầm quan yếu đặc biệt: 
Nàng lớn lên giữa mùa xuân hoa cỏ 
Nửa linh hồn u ám bóng non xanh 
Ngoài thiên nhiên nở bừng thân mỹ nữ 
Nàng yêu ta huyền hoặc mối kỳ tình… 
… Chúng tôi gặp nhau trên dòng suối ngọt 
Làm đôi người cô độc thuở sơ khai 
Nàng bâng khuâng đốt lửa những đêm dài 
Ta từng buổi bơ vơ tìm bộ lạc 
Nàng là Gái-Muôn-Đời không đổi khác 
Bộ ngực tròn nuôi cuộc sống đang xuân 
Ta đến đây làm chủ hội phong trần 
Lấy hoa lá kết nên tình Thái Cổ… 
(MHC, tr. 25) 
Xuân hoa cỏ. Thuở sơ khai. Gái muôn đời. Tình Thái Cổ. Ngần ấy hình ảnh gợi đủ tương quan giữa người và vũ trụ tiền sử, vũ trụ vĩnh cửu vận động. Cuộc sống của loài người thay đổi trên một mặt đất không thay đổi. Con người là hiện thân một phản trắc lớn lao, mỗi lúc một xa lời thề với thiên nhiên. Đinh Hùng muốn dựng lại thiên nhiên đó, vì nó đáp đúng với những khát vọng của thi nhân. Thiên nhiên tiền sử là một thế giới bình đẳng giữa người và ngoại vật, thời muôn chim còn biết nói tiếng người, thời sông núi, cây cỏ đều là thần linh. Thời đó loài người trực tiếp với thiên nhiên, đối thoại với tạo vật, lo cái lo của cỏ cây, vui cái vui của mưa nắng. Thời mà Đinh Hùng gọi là Sông Núi Giao Thần loài người chưa đối diện với thiên nhiên, còn chung sống với cỏ cây. Đã đành là trong thực tế, vũ trụ vẫn ác nghiệt với người tiền sử, nhưng trong hư cấu của Đinh Hùng, vũ trụ đã mất hết nanh vuốt, chỉ còn lại đôi mắt hiền từ. Tình người con-gái-muôn-đời chỉ là khát vọng một thế giới bất biến, một thực tại hằng hữu, Đinh Hùng chọn Buổi Sơ Khai vì đấy là sự chọn lựa hợp lý nhất, đồng thời Buổi Sơ Khai chính là hình ảnh của thi giới Đinh Hùng, một thế giới chưa có mâu thuẫn. Thời đó, cái tiểu ngã còn loãng trong đại ngã, ý thức dị biệt chưa thành hình một cách đầy đủ để thành một ý thức đối kháng: 
Quên đi em hãy sống đời cây cỏ 
Từng linh hồn dan díu với hương hoa 
(MHC, tr. 25) 
Nhưng con người nhớ dễ hơn quên. Trở về ngơ ngác: 
Ta lạc hồn giữa lâu đài kỳ dị 
Suốt muôn đời không hiểu dãy hành lang 
Dưới hiên tây từng thế kỷ điêu tàn 
Gạch ngói cũ nghe hoa thềm rụng cánh 
(MHC, tr. 50) 
Khi về tới thời Thái Cổ – quê hương thật sự – con người ngơ ngác bỗng đâm hốt hoảng. Trong Mê Hồn Ca có những vần thơ quằn quại không có trong Đường Vào Tình Sử. Người đọc cảm tưởng Mê Hồn Ca là một cơn mê sảng, điên loạn, kỳ thật đó chỉ là những phản ứng của con người bình thường nhất lúc trở về quê hương tuyệt đối, vì chúng ta chỉ là: 
Một lũ người vong bản 
Mất tinh thần từ những thuở xa xưa. 
(MHC
Dường như vẫn còn một nghi vấn trong thơ Đinh Hùng tôi chưa giải đáp cặn kẽ. Tôi đưa ra chủ đề: thi giới Đinh Hùng không có mâu thuẫn vì mọi hiện tượng đều được hoà giải. Như thế vì đâu mà có cơn hoảng hốt trong Mê Hồn Ca ? Tôi nghĩ là cơn mê sảng trong tập thơ đầu của Đinh Hùng chính là sự hoảng hốt của con người trong thực tại, khiến thi nhân phải tạo một thi giới, một hư cấu khác để thay vào thực tại đầy rẫy những mâu thuẫn. Thay vì đi tìm cách khắc phục một thực tại chống đối, nhà thơ tạo ra một thực tại hư ảo khác để lẩn trốn sự chống đối. Nghệ thuật nói chung, trong đó có Thơ, là sản phẩm của sự lười biếng, xét dưới một khía cạnh nào đó. Thực tại là một cũi sắt, và nhà thơ là con hổ nhớ cảnh sơn lâm, giải quyết bế tắc bằng cách sống với bóng cả cây già trong tưởng tượng. Chung quy, thi giới của Đinh Hùng là một cảnh tưởng tượng nhưng nó đạt tới những nguyên lý cơ động thuần nhất nên tôi gọi là một hư cấu
Ôi kiến trúc một chiêm bao thần bí… 
(MHC
Hư cấu, giấc chiêm bao cố tình ấy, đoạn trên đã trình bày là một không gian trong không gian. Riêng trong Mê Hồn Ca, đó là một không gian; trong thời gian cơn mê sảng Mê Hồn Ca là sự Hỗn Độn, hiểu theo nghĩa Kinh Dịch, nói cụ thể hơn, là thời gian hỗn độn. Chỉ có một cách xáo trộn trật tự của thời gian là đẩy hiện tại hoặc về quá khứ, hoặc về tương lai. Mà tuyệt đối của quá khứ là thời Thái-cổ, còn tuyệt đối của tương lai? Là cõi chết. 
Trời cuối thu rồi – Em ở đâu? 
Nằm trong đất lạnh chắc em sầu? 
Thu ơi! đánh thức hồn ma dậy 
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu 
(MHC, tr. 37) 
Thi giới Đinh Hùng kết tinh bằng Thiên Nhiên huyền bí, bằng dị thảo, kỳ hoa, biển Giáp, non Thần,bằng xuân phương thảo cũng như xuân tùng bách, nuôi dưỡng bằng một mạch sống mãnh liệt – hay mạch sầu bất diệt – đã nở thành những đoá hoa đẹp nhất trong lịch sử thi ca Việt Nam. Cõi chết – Cõi Rùng Mình tuyệt đối – cũng tuyệt diễm như một Bồng Lai Mới: 
Nàng nằm mộng một đêm hè dưới nguyệt 
Nụ cười buồn lay động ánh trăng sao 
Xa nấm mộ chúng ta cuồng dại hết 
Để yêu tà về khóc dưới trăng sao 
(MHC, tr. 41) 
Thậm chí đến những vật vô tri nhất cũng thăng hoa thành những lâu đài diễm ảo: 
Biết chăng ai trong giấc ngủ hoang tàn 
Hồn gỗ đá nặng nề vừa tỉnh giấc 
(MHC, tr. 51) 
Đinh Hùng đánh thức các vật vô tri, đưa chúng vào vòng tuần hoàn bất tận và Dựng Mê Cung để ru ngủ các vật hữu tri. Thi giới Đinh Hùng là trạng thái nhập nhoè của vật thể và bản ngã. Giá trị của một nhà thơ là giá trị của hư cấu do nhà thơ dựng lên từ ngôn ngữ và linh thị. Hư cấu có thể có hay không có tương quan với thực tại. Nếu có, thì tương quan thay đổi tùy theo mỗi nhà thơ, người đọc phải có nhiều chìa khoá khác nhau nếu muốn đi vào thi giới của nhiều thi sĩ. Một người yêu thơ tầm thường chỉ có thể yêu một thi sĩ trong đời mình cũng như chỉ có thể yêu thật sự một người đàn bà. Những người đàn bà khác chỉ là bóng dáng của Người Đàn Bà Tuyệt Đối. Hoài Thanh và Hoài Chân không thích thơ Đinh Hùng âu đó cũng là một vinh hạnh cho Đinh Hùng, chứ không phải là một điều bất hạnh như nhiều người – trong đó tôi nghe anh Trần Phong Giao nói có cả chính thi sĩ – thường tưởng. Tôi không dám nghĩ là Hoài Thanh và Hoài Chân dốt thơ, nhưng các ông ấy có ít chìa khoá quá – nếu không phải chỉ có một chìa khoá passe–partout – vì cuốn Thi nhân Việt Nam viết trong một giai đoạn mà ý thức thi ca của văn giới Việt Nam còn phôi thai. 
Chúng ta trở lại với thi giới Đinh Hùng. Kỳ ảo biết bao nhiêu. 
Chiều tái tạo bâng khuâng từng ngọn cỏ 
(MHC
Trong thi giới đại đồng không có khác biệt giữa hữu thể và vô thể, tiểu ngã và đại ngã đó, tình yêu mang một sắc thái đặc biệt. Vì Đinh Hùng bị cái ám ảnh gần như mặc cảm thơ ông chỉ là loại thơ tìnhcho nên chúng ta dành riêng một phần bài này cho chủ đề tình yêu. 
Trong thực tại tình yêu dù say đắm đến đâu, cũng bị giới hạn trong mực thước. Giới hạn cụ thể nhất là Người Yêu, hiện thể của tha nhân; người yêu là một đối tượng cần chinh phục, thoả mãn, gìn giữ, nó đối diện với tôi, đôi khi chống lại tôi. Và tôi chỉ có thể yêu một phần của cô ấy, có thể chiếm đoạt một phần người của cô ấy, phần còn lại vẫn thuộc về cô, thuộc về xã hội. 
Người yêu là một khách thể, là một giới hạn. Ngay chủ thể cũng bị giới hạn: trong bản thể, tôi có cáitôi của tôi và cái tôi của kẻ khác, như xã hội, ngoại giới. Tôi không thể xử dụng toàn hữu thể để yêu đương. Trái lại trong hư cấu do tôi dựng lên, chỉ có cái tôi của tôi, tôi làm chủ toàn diện cái tôi, nên tôi có thể yêu đương hết mình. Chỉ trong điều kiện chủ quan đó, tôi mới có thể yêu mãnh liệt, tự đồng hoá trong tình yêu tàn khốc: 
Một chiều nào tắt thở giữa môi hôn 
(MHC
Tình nhân nào mà không muốn chết trên môi người yêu? Nhưng ít ai chết như thế, trước hết vì người mình yêu chưa đáng cho mình chết, sau nữa vì những hệ lụy khác không cho mình chết như vậy. Trong hư cấu, tình yêu hội đủ điều kiện để biến thành khốc liệt: 
Ôi cám dỗ! Cả mình em băng tuyết, 
Rợn xuân tình trên bộ ngực thanh tân 
Ta gần em, mê từ ngón bàn chân, 
Mắt nhắm lại để lòng nguôi gió bão. 
Khi sùng bái ta quỳ nâng nếp áo, 
Nhưng cúi đầu trước vè đẹp trang nghiêm 
Ta khẩn cầu từng sớm lại từng đêm, 
Chưa tội lỗi đã thấy tràn hối hận. 
Em đài các, lòng cũng thoa son phấn, 
Hai bàn chân kiêu ngạo dẫm lên thơ 
Ôi vô lương! trong một phút không ngờ, 
Ta muốn trở nên người vô đạo 
(MHC, tr. 30) 
Một mối tình thật chỉ có thể thực hiện bằng cái tôi không thật, hướng về một người đàn bà không thật trong một thế giới không thật; tôi không thể quan niệm được một người đàn bà lý tưởng mà vẫn còn những nhu cầu bẩn thỉu như đại tiện, tiểu tiện hay kinh nguyệt; nếu ở một chân trời nào đó có một người vừa đẹp vừa thông minh – hai đức tính ít khi đi đôi – thì người đó cũng không cho tôi cơ hội si mê đến đắm đuối. Có thể trong một lứa tuổi nào đó, tôi có lần si mê điên dại, nhưng chính là lúc tôi choàng quanh người đàn bà một làn sương ảo mộng. 
Chỉ trong thế giới mộng tưởng mới có những mối tình ác liệt. Nếu ngoài đời thỉnh thoảng có những mối tình ác liệt, thì chỉ vì tôi phản chiếu đến người yêu thật hình ảnh người yêu tôi mơ tưởng, phản chiếu vào thực tại thế giới tôi ước muốn. Vì thế giới Đinh Hùng thuần túy là cõi mộng, nên tình yêu đã đạt tới cường độ mãnh liệt chưa từng thấy ở một thi sĩ nào khác, và tạo nên những câu thơ tình đắm đuối nhất, tha thiết nhất: 
Em đến hôm nào như hoa bay, 
Tình không độc được mà đắng cay 
Mùa thu tàn nhẫn từ đôi mắt 
Mùi hương sát nhân từ ngón tay 
Em đến hôm nào như mây bay 
Gió mưa triền miên chìm nét mày 
Đường vào lòng nhau toàn sạn đạo 
Bước chân tha hương từ dấu dày 
…Thương nhau gói trọn hồn trong áo 
Mất nhau từ trong tà lụa bay… 
(ĐVTS
Thơ đẹp vì tình không thật. Tình không thật nên thơ tình của Đinh Hùng chỉ dành cho người đọc ở ngoài vòng tình yêu. Còn tuổi trẻ bồng bột yêu đương thật sự, sẽ tìm đọc những tác giả đại khái như Nhất Tuấn, Lệ Khánh, v. v… Nói là trong Đinh Hùng tình không thật, e chưa đúng; phải nói là tình thật trong một thế giới không thật. Ngày xưa Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính… vẽ mộng để tô điểm thực tại, làm cho thực tại thơ mộng hơn; trái lại Đinh Hùng vẽ sự thật lên mộng, để mộng có vẻ gần thực tại hơn. Cho nên thơ Đinh Hùng có những đề tài như Bao giờ em lấy chồng, Gặp nhau lần cuối, Tự tình dưới hoa…, để thực-tại-hoá phần nào hư cấu mộng tưởng. 
Nổi tiếng về thơ tình tại Việt nam có lẽ không ai hơn Xuân Diệu, nhờ những câu hết sức lẩn thẩn kiểu Yêu là chết… Làm sao cắt nghĩa… Thơ đã là Mộng, nghĩa là Đẹp; tình yêu trong thơ Đinh Hùng là mơ trong một giấc mơ, thơ Đinh Hùng chính là thứ bướm hai lần mộng, cho nên xa cách với người đọc hơn là thơ Xuân Diệu. 
Tình yêu hư ảo, vậy người ra sao? Đó là một thứ Nhan Sắc không có Chân Dung, Đinh Hùng có khi gọi bằng những tên mơ hồ như Huyền Diệu, Nữ Chúa Sầu… có khi gọi là Diệu Thư, Diệu Hương, Tần Hương, tức là những danh từ đang bốc thành hơi, tan thành khói. Người tình đó, tôi cho chỉ là vóc dáng của vô thể. 
Vì trên khuôn mặt của Nàng, nhà thơ chỉ gặp những nét của nội tâm: tóc, mắt, nụ cười. Đó là nhân diện hay tâm trạng? 
Mắt em ngây ngất khói hoàng hôn  Mái tóc còn vương một chút hồn… 
Và là tâm trạng của ai? của Nàng hay của thi nhân? Ở đây, tôi trở lại với chủ đề đã đưa ra: trong thi giới Đinh Hùng không có dị biệt giữa nội tâm và ngoại giới, giữa bản ngã và tha nhân. Bóng dáng con người – đây là người tình – mờ nhạt, nhoà lẫn vào nhau, tan biến vào không gian. Tình yêu là vẻ đẹp của không gian, là lời quyến rũ của cuộc sống. Tình yêu lấp bằng cả thời gian, phối ngẫu nguyên thủy và cực chung trong một ánh trăng: 
Em tự ngàn xưa chuyển bước về 
Thuyền trên sóng mắt dẫn trăng đi 
Những dòng chữ lạ buồn không nói 
Nét lửa bay dài giấc ngủ mê. 
Em đến mong manh vóc ngọc chìm 
Tàn canh hồn nhập bóng trăng im 
Ta van từng đoá sao thùy lệ 
Nghe ý thơ sầu vút cánh chim 
(ĐVTS
Em là ánh trăng, là tiếng dương cầm, là cơn mưa, là một làn hương quý, là ly rượu Trường Sinh: em là ngũ quan của tôi, em là tôi-trong-không-gian mà cũng là không-gian-trong-tôi. Tôi yêu em như tôi yêu tôi và tôi yêu cuộc đời. Em đến như mây em vào cùng gió, cùng mưa. Tôi nhìn quanh. Không còn phân biệt đâu là Em và đâu không phải là Em: 
Thu về em đã gặp thu chưa 
Giải nước trường giang lạnh mấy bờ 
Thoảng bóng hoa buồn in lối cũ 
Dặm đường mơ tưởng bước em xưa 
(ĐVTS
Vũ trụ trong những câu thơ có nhiều trùng âm (diphtongues) như uơ, oa, uô, ưa, cơ hồ mềm nhũn lại, các đường thẳng, các góc cạnh bị uốn cong, vật giới dịu dàng và tha thướt, không còn là những thực thể tự tại (être-en soi) mà thành thực thể bằng tơ (être-en soie); trong Pháp, chữ e câm ở đây thật kỳ diệu, hoàn toàn thừa thãi vô ích, vì câm (e muet) nhưng biến đổi cả bản chất của vật thể. 
Em gặp mùa thu hay chính em là mùa thu? Thu là người hay là cảnh? Trong câu đầu, chữ thu sau không viết hoa, là mùa thu; còn chữ thu đầu? Khó phân biệt quá. Thu về em đã gặp thu chưa? Tôi có thể nói. Em về thu đã gặp em chưa? được không? Và nói Dặm đường mơ tưởng bước thu xưađược không? 
Chúng ta đi tới vấn đề cuối cùng là ngữ pháp trong thơ Đinh Hùng. Chúng ta đã thấy có thể hoán chuyển chữ trong một câu, câu thơ chẳng những vẫn có nghĩa, mà nghĩa ấy lại không xa nguyên ý bao nhiêu. Là vì từng câu thơ, từng bài thơ, cũng như toàn thi phẩm không có một cơ cấu cứng rắn; trong một bài, tôi có thể lấy đoạn đầu bỏ xuống dưới hay xen vào giữa, bài thơ vẫn thế; hoặc lấy một đoạn trong bài này đem sang bài khác cũng không sao. Bạn đọc tò mò, thử chọn mười bài thất ngôn trong Đường Vào Tình Sử, mỗi bài lấy ra một đoạn, sắp chung lại, sẽ có một bài thất ngôn mười đoạn… vẫn hay. Dĩ nhiên là điều này không đáng khen cũng không đáng chê, không hay không dở, nhưng có đặc điểm là phản ảnh trung thực hư cấu tôi đề cập ở đoạn trên. Chỉ có một thi phẩm vô cấu (non – structurée) mới phản ảnh được một thế giới vô cơ (inorganique), một thế giới không dị biệt, không mâu thuẫn, trong đó các hữu thể đã được huyền đồng để hoà giải với vô thể. 
Chẳng những thi phẩm Đinh Hùng không có khớp xương, mà ngay ngôn ngữ ông dùng cũng là một hủy thể. Theo văn phạm âu tây, ngày nay ta phân biệt các danh từ, động từ, v. v… mà ngày xưa các cụ tóm lược thành ba loại: thực từ, bán thực từ và hư từ. Danh từ là một chất rắn, chiếm một thể tích nhất định trong câu nói, chỉ định những vật thể rõ rệt trong không gian; mỗi danh từ đều có những vách tường, những biên giới để xác định, tĩnh từ, động từ trái lại không có kích thước, mà chỉ co giãn theo những ý niệm mà chúng phụ thuộc, đó là những bán thực từ. Đinh Hùng ảo hoá ngôn ngữ – một trong những cách ảo hoá thực tại nói ở đoạn trên – bằng cách biến thực từ thành bán thực từ, biến chất đặc của danh từ thành chất lỏng của động từ hay chất hơi của tĩnh từ. Một ví dụ danh từ biến thành tĩnh từ: 
Giữa đêm lòng bỗng hoang vu 
Gối chăn nghe cũng tình cờ quan san 
Bước thu chừng sớm lìa ngàn 
Nhớ dây nguyệt lạnh cung đàn thương hoa 
Em về tóc rũ mưa sa 
Năm canh chuốt ngón tỳ bà khói hương 
(ĐVTS, tr. 24) 
Cách xử dụng liên tự, giới tự của Đinh Hùng cũng có nhiều điểm cần được khai triển. Nhiều động từ dùng bất ngờ: 
Hoa quay đầu, cánh bướm cũng vu quy  Cả một mùa thu đã quá giang. 
Cần được tổng hợp và phân tích. Nhưng tôi ngờ rằng một cuộc mạn đàm quá dài, không dám lạm dụng sự kiên nhẫn của độc giả và độ lượng của anh Trần. 
Vả lại tôi cũng đã trình bày khá đầy đủ những ý chính muốn nói: thi giới Đinh Hùng là một hư cấu biệt lập sáng tạo bằng ngôn ngữ chuyển động bằng nhiệt lượng linh thị của nhà thơ. Thế giới đó huyền giải – hiểu theo nghĩa của Trang Tử – tất cả dị biệt và mâu thuẫn thường có thực tại, giữa hữu thể và vô thể, giữa tiểu ngã và vô ngã; thế giới đó có những đặc tính là một vũ trụ mở và đầy, mở để đón tôi, đầy để tôi tiếp xúc; thành tố đặc trưng là mưa, một khiếm thể môi giới giữa tôi và không gian, giữa không gian và chân trời; theo mưa là nước, nước của sông biển hay hồ ao, là môi giới của thời gian. Trong thế giới thân mật vì lỏng lẻo đó, tình yêu đạt tới cường độ mãnh liệt nhất, vì không có mâu thuẫn, không có ngăn trở; người yêu không phải là một khách thể chủ động, mà chỉ là một chủ thể phân tán trong không gian. Muốn dựng nên không gian đó, Đinh Hùng đã xử dụng một phương pháp tạo hình tu từ độc đáo. Yêu thơ Đinh Hùng là: 
Thương Nước vô danh, người mộng ảo 
Một câu trong Mê Hồn Ca tóm tắt đầy đủ những đặc tính trong thi giới Đinh Hùng, những đặc tính tôi đã lược trình một cách dài dòng, đôi khi tối tăm, luộm thuộm. 
Kích thước một nhà thơ là kích thước thi giới do người ấy sáng tạo. Hư ảo, kỳ diệu, diễm tuyệt thi giới Đinh Hùng vĩ đại. 
Biết đâu bên kia cuộc sống, giờ này nhà thơ đã chẳng đạt tới thi giới đó? 
Berne, Trọng thu năm Mùi 
(17-8-67) 

[1]Tôi được biết Đinh Hùng nghiện nha phiến, nên thơ ông chắc cũng bị ảnh hưởng, qua những hình ảnh như: khói, ngọn đèn, phòng nhỏ, gối chăn, thường gặp trong thơ. Lưu ý đến khía cạnh này, tôi tìm đọc những nhà thơ đồng thời như C. Baudelaire, Th. Gautier, H. Michaux, J. Cocteau, A. Huxley cũng gặp lại cùng một lối tạo hình. Tôi từng có ý định khai thác đề tài theo đường hướng này, nhưng thấy vô ích. Nha phiến quan trọng đối với Đinh Hùng nhưng thơ ông quan trọng đối với độc giả. Phê bình nghệ thuật, tôi chỉ tìm hiểu tác phẩm; còn việc tìm hiểu tác giả thực hiện tác phẩm ra sao, là việc làm của người viết văn học sử.
Nguồn: Vũ trụ thơ, tiểu luận của Đặng Tiến, bìa Văn Thanh, Giao Điểm xuất bản lần thứ nhất. In xong ngày 24 tháng 6 năm 1972. Số thứ tự của nhà xuất bản: 32/72. Nạp bồn: đệ tam cá nguyệt 1972. Giấy phép xuất bản số 982-BTT/PHNT, Sài Gòn ngày 30 tháng 3 năm 1972. Tổng phát hành: Nhà sách Đời Mới 278-280 đường Vĩnh Viễn, Sài Gòn. Bản điện tử do talawas thực hiện

2 nhận xét: