Phần I
Làm trai đã đáng nền trai,
Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng.
Cứ theo lời ca dao đó thì tôi đây có lẽ cũng đã đủ tư cách làm một “nền trai” đất Nam Việt vậy. Mùa xuân năm nay đã trải qua mười
ngày ở Huế, mùa thu này lại từng ở một tháng Nam Kỳ,…không kể trong
ngoại hai mươi năm trời đã sinh trưởng ở chốn Thăng Long đô cũ, trong
khoảng sông Nhị núi Nùng; nếu có thế mà đủ làm trai Nam Việt, thì tôi
đây thật đã thập phần xứng đáng rồi. Nhưng mà đoái nghĩ: nghề làm trai ở đời, nhất là làm trai nước Nam này, há phải dung dị lắm rư? Lời ca dao kia há có thiển nghĩa thế ru? Ôi! Đương buổi Quốc Triều gây dựng cơ đồ, đánh nam dẹp bắc, thiếu gì những kẻ tang bồng hồ thỉ, chí khí nam nhi, nay tòng quân ở Thuận Hóa, mai viễn thú đất Đồng Nai, vào sinh ra tử chốn sa tràng, mong lập công danh cùng xã tắc: lời ca dao kia là tả cái chí của những bậc vô danh anh hùng đó, chớ có đâu lại hợp với cái cảnh một kẻ thư sinh nhỏ mọn như bỉ nhân đây, thừa lúc
trong nước còn hiếm người mới ra lạm một phần ngôn luận với quốc dân,
nghĩ mình lắm lúc đã thẹn thay, có đâu lại mê cuồng đến đem lời khen của cổ nhân mà tự gán chomình!… Song “Đi cho biết đó biết đây. Ở nhà với mẹ đến ngày nào khôn”. Ca dao cũng lại có câu như thế, thì tuy ở Huế mười ngày, Nam Kỳ một tháng, chưa đủ làm được “nền trai” Nam Việt, mà cũng đủ học “khôn” được ít nhiều. Huống tuy khác xứ mà cũng đất nước nhà,
tuy người lạ mà cùng là anh em, thời càng quen biết lại càng đậm đà cái
tình máu mủ, càng đằm thắm cái nghĩa quê hương; như thế thì mấy phen du
lịch cũng là mấy lần đi học cho biết cái nghề làm trai nước nhà vậy.
Lần trước đã từng thuật những sự tư tưởng
cảm giác ở Trường An, lần này lại xin kể những sự kinh lịch kiến văn ở
Lục Tỉnh; không phải là muốn khoe với ai cái văn chương sốc nổi, chỉ
muốn đem lời thành thực mà giãi bày bàn bạc cùng quốc dân, hoặc lòng nhiệt thành có người cảm, lời bàn ngay có kẻ nghe, ấy là mãn nguyện vậy. Nhưng trước khi kể chuyện Nam Kỳ, tưởng nên giải qua cái tính cách hai cuộc du lịch trước sau khác nhau thế nào. Lần trước là đi vãn cảnh một nơi đất cũ, còn đầy những dấu tích đời xưa, mỗi bước như động đến tấm lòng hoài cổ, chạnh những nông nỗi cố hương; nghe tiếng chim kêu trên bãi cát mà nỗi thương nước nhớ nhà không thể cầm được, ngắm bức phong cảnh chốn tôn lăng mà lòng cảm hoài về lịch sử như chan như chứa; bao nhiêu những giọng ngậm ngùi ai oán thủa bình sinh không ngờ mà lâm li trên tờ giấy, khiến người đọc cũng phải lạnh lẽo trong lòng. Đương buổi thế giới cấp tiến, người đời xô đuổi nhau vào con đường tương
lai vô hạn, quay đầu lại nhìn về đời trước, còn gì buồn bằng! Lần này
thì thật khác: cái khí vị lạnh lẽo kia đã đổi ra cái khí vị nồng nàn
rồi. Nam Kỳ là một nơi đất mới, mới đủ đường: địa
chất, lịch sử, văn hóa đều là mới cả; người ta đương hăm hở về đường
tiến thủ, muốn bước cho chóng, lên cho mau, chưa từng bận lòng đến những nỗi
thương cũ tiếc xưa, phiền xa buồn muộn. Đất cũng không từng có những
dấu vết cũ, như tòa thành cổ, góc miếu xưa, đủ nhắc cho người ta tấm
lòng nhớ cũ, mà chỉ mênh mang những đồng rộng không cùng, sức người mở
mang không xuể. Lại thêm Tạo vật đãi người quá hậu, cho cái
đất kia phì nhiêu có một, cách làm ăn không khó nhọc mà đường sinh hoạt
được thảnh thơi; tiền bạc đã nhiều, tiêu dùng càng lắm, đời
người như lấy sự khoái lạc làm cái mục đích không hai. Khoái lạc lại
khoái lạc mà suốt năm như bữa tiệc một ngày! Cho nên cái cảm giác của người mới bước chân tới đây là cái cảm giác vui, vui mà tin cậy ở cái tương
lai, chớ không phải buồn mà thương tiếc cho sự ký vãng. Ấy hai cuộc du
lịch khác nhau như thế, lời kỷ thuật tất cũng không in một giọng. Đó là
một lẽ tự nhiên, không lấy gì làm lạ. Song sự vui sự buồn tuy gốc tự
lòng người mà thực bởi cảnh vật khiến nên. Hoặc giả có kẻ nói có biết
nghĩ mới biết buồn, muốn vui ắt phải vô tâm, thì lỗi ấy tác giả cũng xin nhận một phần, mà cảnh vật xứ Nam Kỳ mới thật là đáng quá nửa vậy.
Từ
Hà Nội vào Sài Gòn muốn đi đường thủy hay đường bộ cũng được. Nhưng
đường bộ đi bằng xe hơi mới giao thông được ít lây nay, vừa khó nhọc và
vừa có khi nguy hiểm nữa. Vì con đường quan lộ về địa phận Trung Kỳ,
nhất là từ Huế trở vào, còn xấu lắm, lại lắm chỗ cách sông cách núi,
thật là chưa tiện cho xe đi lại. Hoặc có những người hiếu kỳ mới đi bằng
xe hơi tự Hà Nội về Sài Gòn như thế, là muốn cho mới lạ, chớ thực chưa
phải là một cách tiện lợi cho hành khách Bắc Nam. Hiện bây giờ xe hơi
dùng chở thơ nhiều hơn là chở khách. Sau này bao giờ đường xe lửa chạy
suốt Đông Dương làm xong thì bấy giờ sự giao thông xứ Bắc với Nam bằng
đường bộ mới thật là tiện lợi. Hiện nay vẫn chỉ có đường bể là hơn. Chỉ
ngặt từ khi có chiến tranh, phần nhiều các tàu bể bị Nhà nước thu để dùng về việc quốc phòng bên Âu châu, ở đây thường thiếu tàu đi lại, sự giao thông có chậm trễ hơn xưa. Vài tháng mới có một chuyến tàu lớn ở Tây đáp sang, còn chạy thường chỉ có vài chiếc nhỏ, khi xuống Tân Gia Ba, khi lên Hương Cảng, đi lại không kỳ, hành khách thường phải chờ đợi đầy tuần. Bắc Kỳ ta có công ti Bạch Thái Bưởi có tàu đi bể được, nếu đủ sức mà đặt được một đường Hải Phòng – Sài Gòn thì đương buổi hiếm tàu này chắc là chóng phát đạt lắm. Các nhà buôn ta trong Nam ngoài Bắc đều ước ao như thế cả. Hồi sửa soạn đi Nam Kỳ vừa gặp có chuyến tàu lớn ở Nhật Bản về. Tàu hiệu Porthos của công ty Hằng hải Á Đông (Cie des Messageries maritimes), vừa to, vừa mau, các chiếc khác đi Hải Phòng – Sài Gòn phải năm ngày năm đêm, chiếc này đi chỉ đầy ba đêm hai ngày.
Được tin có tàu, vội vàng đi xe lửa xuống Hải Phòng. Bữa ấy là ngày 21 tháng tám tây, tức là rằm tháng bảy ta. Sông Nhị Hà đương lên, tin
báo lụt đã thấy truyền lại nhiều nơi. Ngồi trong xe lửa trông ra có chỗ
mênh mang những nước. Thôi, cái nạn lớn hằng năm năm nay cũng lại không
tha cho dân xứ Bắc! Trước khi tạm biệt đất Bắc Kỳ, nhìn lại cái cảnh
nước bùn trời nặng kia mà thương thay cho bọn nông dân
xứ Bắc mình, thật là cất đầu không nổi
với ông Thủy vương cay nghiệt! Khi tới Nam Kỳ, thấy đồng bào ta trong
Lục Tỉnh cách làm ăn dễ dãi như thế, nghĩ đến đường sinh nhai eo hẹp của người mình, cái lòng thương anh em nơi cố quận lại càng thiết tha lắm nữa.
Tới
Hải Phòng được tin đích rằng 3 giờ trưa ngày mai là ngày 22 tàu mới cất
neo ra bến. Vậy còn phải đợi một ngày nữa, muốn nhân dịp sang chơi qua
bên Kiến An. Đi
xe tay mất hơn một giờ, phải qua một cái đò ngang. Kiến An là một tỉnh mới, trước thuộc Hải
Dương, nay gồm mấy phủ huyện quanh thành phố Hải Phòng. Tuy Kiến An đối
với Hải Phòng cũng như Hà Đông đối với Hà Nội, mà tỉnh lỵ sơ sài, phố
phường vắng vẻ, không có cái cơ phát đạt như Hà Đông. Lệ xưa nay, một
tỉnh nhỏ ở cạnh nơi đô hội lớn thì cái sức sinh hoạt hình như bị thu rút
cả vào nơi đô hội ấy: Kiến An đối với Hải Phòng cũng tức như vậy. Hà
Đông có khác là vì Hà Đông ở chốn trung ương, tuy cũng bị Hà Nội át về
đường buôn bán mà vẫn là nơi trung tâm của một miền quê giàu có đông đủ đệ nhất ở Bắc Kỳ. Cả Kiến An hình như núp ở dưới nhà Thiên
văn đài Phù Liễn, xây trên cái đồi cao, nhìn xa như một cái thành lớn
hám chế một địa phương. Khi sắp tới đã thấy đột ngột trước mắt, khi quay
về còn thấy sừng sững sau lưng, mà tiếc trời đã về chiều, giời đã có hẹn, không thể lên xem tận nơi được, khiến cho đến nay cái hình ảnh nhà Thiên văn đài Kiến An vẫn còn phảng phất trong tưởng tượng vậy.
Buổi tối đi dạo chơi trong thành phố. Hải Phòng thật là đáng làm nơi đô hội thứ nhì xứ Bắc Kỳ. Về đường buôn bán hơn Hà Nội đã cố nhiên rồi, mà cái tương
lai xem ra còn có thể bành trướng hơn chốn cổ đô mình nhiều. Hà Nội đã
già quá, cũ quá rồi, cái sức phát đạt hình như có hạn, không thể ra
ngoài được nữa. Chắc cái phong thể riêng không bao giờ mất hết được, cái
nền nếp cũ rồi cũng vẫn còn, về đường học thức, về đường mỹ nghệ, về
cách đàn điếm phong lưu, bao giờ cũng vẫn giữ được bậc nhất mà không đến
nỗi phụ cái thanh danh cũ, cũng tức như cô con gái thế gia dù vào cảnh ngộ nào vẫn ra con người nền nếp. Nhưng về đường buôn bán, đường công nghệ, về cách làm ăn kiếm tiền, thì không saotranh nổi với Hải Phòng được. Hải Phòng còn đương vào cái thời kỳ trai trẻ, chưa biết lớn đến đâu, thịnh đến
đâu là cùng. Vả bởi cái địa thế làm nơi cửa bể chung cho cả Bắc Kỳ,hành
khách đồ hàng đâu đâu cũng tất phải qua đấy, thì Hải Phòng lại hình như
gồm được cả sự sinh hoạt của xứ Bắc Kỳ về đường kinh tế nữa.
Cho nên cái tương lai của Hải Phòng thật không thể lượng được vậy.
Mà
đoái nghĩ cái thành phố lớn ấy, cái cửa bể to ấy, thành lập chưa đầy
năm mươi năm trời. Trước kia chẳng qua là một xóm nhỏ ở gần bể, khi nước
ta bắt đầu giao thông với Đại Pháp, Triều đình mới đặt một tòa Thương chánh để kiểm tra tàu bè cùng hàng hóa
xuất nhập. Kế sau Đại Pháp sang bảo hộ, nhân đấy đặt nên cơ sở một nơi
đô hội lớn, từ đó cứ mỗi ngày một phát đạt mãi lên, thực là bởi công Nhà nước
Bảo hộ sáng tạo ra vậy. Có người làm sách đã nói: “Cửa bể Hải Phòng là
tay người Đại Pháp tự không mà gây dựng nên, trên đống bùn lầy sông Cửa
Cấm”, thực không phải là nói ngoa vậy.
Đường phố Hải Phòng phần nhiều rộng rãi hơn Hà Nội, nhà cửa đều đặn hơn, và thường làm theo một kiểu, không có cái cao cái thấp, cái ra cái vào như nhiều phố cũ ở tỉnh ta. Là bởi những đường phố nhà cửa ấy mới đặt mới làm cả, nên có thể nhất luật theo cách mới, coi rộng rãi thảnh thơi hơn. Buổi chiều, vào sáu giờ, nhất là ở đường Cầu Đất, là đường đi thẳng ra Đồ Sơn, xe ngựa xe hơi chạy lũ lượt không dứt, coi như cảnh tượng ngày hội: đó là xe của những nhà buôn to bán lớn trong thành phố, cả ngày làm việc nhọc mệt, kế lợi thương công, chiều đến ra hóng mát bờ bể. Các chú ở phố khách thì chiều đến cũng xô nhau vào ăn uống om sòm trong các nhà cao lâu: đó tức là cách giải trí của các chú. Mà người mình lắm người cả ngày không nhọc trí chút nào, tối đến cũng đua nhau mà giải trí như người! Bữa đó là tối ngày rầm tháng bảy, phố khách nhà nào nhà nấy đốt đèn nến, bày vàng mã ngay ngoài hè, khói hương nghi ngút, tàn lửa tơi bời, kẻ đi người lại tấp nập, tiếng hò tiếng hét om sòm. Sau này tới Nam Kỳ mỗi lần dạo chơi phố phường Chợ Lớn hay là dạo qua đường Chợ Cũ Chợ Mới Sài Gòn, lại sực nhớ đến cái cảnh tượng
mấy phố khách ở Hải Phòng chiều hôm ấy. Nhưng cái “China họa” (le péril
chinois) ở xứ Bắc mình tuy đã thâm lắm mà tỉ với Nam Kỳ còn chưa thấm
vào đâu: Hải Phòng tức là Chợ Lớn Bắc Kỳ có 8.991 người Khách, mà Chợ
Lớn Nam Kỳ có những 75.000 Khách với 4.873 người Minh Hương! Hà Nội có
3.377 người Khách với 825 người
Minh Hương, mà Sài Gòn có những 22.079 người Khách với 677 người Minh
Hương! Coi đó thì biết cái nguy cho xứ Nam Kỳ to là dường nào. Nhưng
chưa tới Nam Kỳ đã nói chuyện Khách Nam Kỳ, thật là kỷ thuật không có
thứ tự. Vậy xin để sau này sẽ nói tường
hơn. Nay nhân nói về Khách Hải Phòng, chỉ muốn so sánh qua cái số người
Tàu trong Nam ngoài Bắc, cho biết cái vạ China ở hai xứ hơn kém nhau thế nào . Song dù hơn, dù kém, dù ít, dù nhiều, cũng vẫn là một
cái vạ lớn cho nước Nam mình, quốc dân ta nên sớm tỉnh ngộ mà mưu trừ
đi, mới mong có ngày thu phục được mối thương quyền mà ra tranh đua trên thị trường thế giới.
Hai giờ trưa ngày 22 dọn đồ xuống tàu. Tàu to lớn thay! Thật như một cái thành thả trên mặt nước vậy. Bề dài ước một trăm rưởi thước tây, bề rộng ở giữa đến 25, 30 thước. Vào trong không quen như mê li, chẳng biết đường nào vào đường nào, phải
có người dẫn mới tìm thấy buồng. Sau đi dạo qua một lượt các hạng các từng mới biết cách sắp đặt thật là khéo, thật là chỉnh tề, thật là có ngăn nắp mà rõ ra đâu vào đấy, nghĩ người nào vẽ ra cái qui mô ấy thật cũng tài thay. Có ba hạng, hạng tư là đi trên “boong”. Hạng nhất, nhì, ba đều có buồng ăn buồng ngủ, chỗ ngồi chơi chỉnh đốn lắm, mà hạng nhất thì thật là lịch sự: các buồng trang sức
cực đẹp, đồ gỗ bóng lộn, pha lê trong suốt, mặt gương lấp loáng, màn
đệm trắng bong, bồi khách ăn bận sạch sẽ, nhất loạt đầu trọc, áo trắng,
quần táo tầu, hầu hạ rất có phép tắc, thật là nghiễm nhiên như một nhà khách sạn thượng hạng ở Hà Nội hay Sài Gòn vậy. Nghe nói chiếc Porthos này là vào hạng tàu lớn nhất đẹp nhất của công
ty Hằng Hải Á Đông, cũng ngang với chiếc Athos bị trúng thủy lôi ở Địa
Trung Hải năm trước. Nghĩ một chiếc tàu thôi ngôi vĩ đại như thế này mà
không may phải đánh đắm thì thiệt hại biết bao nhiêu, bao nhiêu công mà bao nhiêu của! Từ ngày quân Đức khởi ra cái cách chiến tranh tối dã man, là dùng tàu ngầm mà đánh đắm những tàu buôn của địch
quốc, các công ty hằng hải tổn hại cũng đã nhiều, mà bể Địa Trung Hải
(Méditerranée) đã thành cái vực sâu nuốt mất bao nhiêu những con kềnh
nghê bằng sắt bằng gỗ như chiếc Porthos này, lại thành cái mồ chung của mấy nghìn vạn kẻ vô cô chết vì tay oan nghiệt giống dã man. Cho nên đã lâu nay các tàu lớn về Tây chỉ đi đến Hồng Hải (Mer Rouge) mà thôi, tới đấy đã có tàu riêng nhận lấy
đồ hàng lấy khách, rồi kèm thêm những tàu chiến, như khu trục hạm
(croiseurs de chasse) ngư lô đĩnh (torpillenrs) mới dám đi vào Đại Trung
Hải. Hoặc có tàu ngầm Đức thì những tàu chiến đi kèm ấy phải ra đuổi
đánh. Nghe những người đi Tây thuật lại, thật cũng nguy hiểm thay. Nhưng
mới rồi được tin chiếc Porthos đã đi tới Marseille trót lọt, không phải đậu ở cửa Hồng Hải, như thế thì biết gần đây cái hoạn tàu ngầm đã bớt đi nhiều và sự giao thông đã được dễ hơn mấy tháng trước. Nhưng cũng là cái triệu chứng rằng quân Đức đã kiệt lực, sắp đến ngày không còn sức đâu mà phạm ác với nhân loại được nữa.
Chuyến ấy có chở hơn hai nghìn lính mộ vẫn ở “Bãi Cháy” (Ile de la Table) chờ tàu về Tây đã mấy tháng nay. Tự sáng sớm đến quá trưa quân quan kiểm điểm cho lính xuống tàu, gần nơi bến tàu canh giữ nghiêm lắm. Đứng xa trông nhan nhản những người ăn bận đồ vàng, vai đeo chăn áo, tay sách nồi niêu, lũ lượt kéo đến dưới chân tàu, mà cái thang chỉ đi được người một, nối gót nhau trèo lên, coi xa như một cái chão lớn buộc tàu mà có người đứng
trên từ từ kéo vậy. Mà cứ thế, trong mấy giờ đồng hồ, nhìn cũng vui mắt
thật. Ấy có vài ba nghìn người mà thế, những khi tàu chở đến một quân
đoàn mấy vạn người thì còn oai nghiêm đến thế nào! Khá khen thay là sức cái tàu kia, mạnh đến bao nhiêu mà coi vững như Thái Sơn, có bấy nhiêu người chớ giá tưởng cả bao nhiêu người trong phố phường này trút xuống cũng có thể dung được.
Đúng
3 giờ, tàu thổi hiệu cất cầu. Kẻ trên người dưới xôn xao: những bà con
anh em xuống tiễn nhau, ai nấy tất tả chạy lên cho kịp, mà vừa đi vừa
ngoảnh lại, nhìn mặt bắt tay một lần nữa. Những người đi gần, mươi lăm
hôm, một vài tháng lại về, thì kẻ mừng nhau đi cho bình yên, người chúc
nhau ở lại mạnh khỏe. Đến như những người biệt nhau mà chưa biết
bao giờ lại gặp, nghĩ đến nông nỗi xa xôi, đường đi nguy hiểm, thì cái
cảm tình lúc sau cùng ấy lời mừng lời chúc nào mà nói cho xiết được. Có
kẻ nhịn khóc, có kẻ gượng cười, mà tưởng
bấy giờ lắm người tấm lòng thổn thức khôn cầm. Lại đoái nghĩ đến mấy
nghìn con người quê mùa mộc mạc kia, vị nghĩa quyên thân mà bỏ cửa bỏ nhà đi xa lần này là
thứ nhất, tuy lúc bấy giờ vợ con xa, anh em vắng, không có kẻ đưa người
tiễn như ai, mà trong lòng chắc cũng nao nao, cũng ngậm ngùi thương nhớ
chốn quê hương.
Rồi mà phu tàu cất thang, trong tàu mở máy, kẻ ở người đi mới
thật cách nhau từ đấy. Nay mới cách nhau có vài thước, mà rồi nữa cách
nhau mấy nghìn mấy muôn dặm có khác gì. Cũng là không được gần nhau rồi,
và chỉ trong mấy phút đây là không nhìn thấy mặt nhau nữa. Não nùng thay lúc phân kỳ! Nhân sinh thật không có cái lúc nào đáng nên thơ bằng.
Tàu từ từ quay mũi, rồi cứ xa dần mãi ra. Bẩy giờ mới đến cái lúc phất khăn mặt là đoạn tương biệt sau cùng. Trên tàu dưới bến phấp phới những mảnh vải lụa, cái xanh, cái trắng, cái hồng như đàn bươm bướm bay. Bay mà không tiến được thước nào, bay mà không tới được gần nhau, càng bay lại càng xa, cho đến lúc không trông rõ người nữa.
Tàu đã ra đến ngoài cửa Cấm, đến chỗ nước xanh nước đỏ giao nhau. Tới ngang bãi Đồ Sơn thì trời vừa tối. Gió chiều thổi lộng bốn bề, giải cơn phiền nhiệt lúc ban ngày, mà mát mẻ tấm lòng người viễn khách. Ai nấy sửa soạn buồng the, kiểm điểm hành lý, đành lòng rằng đã gửi thân vào chiếc bách vững vàng; trong mấy ngày mấy đêm phó mặc cho bể khơi sóng biếc. Chợt nghe tiếng chuông, là hiệu ăn bữa tối. Các hành khách đều ra buồng ăn, đèn điện thắp sáng choang, đĩa cốc bày la liệt. n cơm xong, ai nấy đóng cửa phòng, lên trên boong hóng mát. Bấy giờ trăng vừa mọc, – bữa đó là ngày 16 tháng 7 ta, – trước còn ngậm nửa vành dưới nước, áng chiếu một góc trời, sau từ từ cao dần lên, tuy không được sáng tỏ lắm mà cũng không mờ, đủ biến mặt bể thành một áng thủy tinh lấp loáng. Tàu thật là rẽ sóng mà đi: nước bị gạt ra hai bên xa ước vài mươi thước, rồi gặp sóng xô, lại cuốn trở lại, bắn bọt lên trắng xóa. Cứ đẩy ra xô vào như thế đều đặn, tưởng không sai một ly một tấc nào, tưởng như cái bọt mỗi lần bắn lên rơi xuống ấy lần nào cũng đúng bấy nhiêu giọt vậy. Ấy là lúc trời bể bình tĩnh, trên trăng sáng dưới sông êm, mới được thế, chớ những khi phong ba bão táp, trời tối nước đen, thì cái cảnh tượng lại khác nhiều.
Chuyến đi này thật là sóng gió êm đềm, ngồi trong tàu không biết rằng tàu có chuyển động, cũng là một sự may vậy. Chẳng bù với chuyến về, phải một ngày một đêm lắc lư điên đảo, đầu lao đao, ruột xôn xao, thật cũng khổ thay! Là vì trong tuần tháng bảy, bể còn yên lặng, từ tháng chín tháng mười trở đi mới bắt đầu có sóng gió. Đêm đã khuya, trăng đã tà, gió đã lạnh, mới xuống phòng nằm nghỉ. Trong tàu bấy giờ đã vắng kẻ đi người lại, lắng tai nghe như có tiếng rền rĩ âm thầm tự đâu dưới đáy bể đưa lên, lại có lúc như tiếng diều sáo kêu tự đâu trên mấy từng mây vẳng xuống: vo vo ve ve, hu hu hi hi, văng vẳng xa nghe như não như nùng, như ai như oán, như mấy muôn vàn cái oan hồn vừa than vừa khóc trong khoảng trời nước mênh mông. Đêm khuya thanh vắng, nghĩ mà rùng mình, tưởng tượng như đó là oan hồn của những kẻ tử trận bên Âu châu, thừa lúc đêm đã gần tàn, trời sắp sáng, thoát li chốn chiến trường hôi hám mà bay bổng trong khoảng rộng thanh cao thân ngâm nỗi biệt ly sinh tử mà kinh hoàng giấc mộng tàn của lũ người đời say tỉnh… Nhưng nghe kỹ mới biết rằng đêm đã khuya, nằm chưa ngủ, tinh thần mệt nhọc mà cuồng tư loạn tưởng đó mà thôi: cái tiếng vo vo ve ve, hu hu hi hi kia chẳng qua là tiếng gió thổi qua những ống thông hơi thông gió ở xung quanh tàu, ban ngày tiếng người xôn xao nghe không rõ, đêm khuya thanh vắng mới như văng vẳng bên tai. Cho hay không gì vô bằng bằng cái tư tưởng của người ta! Mà cũng không gì huyền diệu bằng!… Mấy bữa sau trời vẫn bình tĩnh như vậy. Ngày tuy có nóng mà gió bể làm ra ấm áp, đêm thì gió mát trăng thanh. Trừ buổi ngủ buổi ăn, còn các giờ khác ở luôn trên boong, hoặc đi bách bộ, hoặc bắc cái ghế dài ngồi đọc sách, hoặc đứng giờ lâu nhìn mặt trăng soi làn sóng, trước mặt là bể khơi vô hạn, sau lưng là dẫy núi Trung Kỳ. Có lúc chợt quay lại, thấy một đám đèn lửa xa xa, lốm đốm như sao sa: tàu bấy giờ vừa đi ngang tỉnh Quảng Ngãi. Nghe người ta nói nếu đi ban ngày mà đi gần bờ thì thấy cái nhà mát của quan cố quận công Nguyễn Thân, xây ngay trên núi, nhìn ra
ngoài bể. Nhưng bữa đi vào đêm mà lại xa bờ, đến hồi về thì tới ngang
Bình Định trời trở gió, tàu lắc lư, người lảo đảo, nằm rí trong buồng, không cất đầu nổi, còn ra ngắm phong cảnh sao được! Mới biết sự đời không cái gì là chắc, tổng thị là một mớ ngẫu nhiên: ngẫu nhiên mà biết cảnh này, ngẫu nhiên mà gặp người kia, chớ có rắp mà không được, đừng có hẹn mà sai nhau, tấm thân
trong trời đất đã như chiếc bách ở giữa dòng, thời trôi dạt vào đâu là
hay đó, đừng có nói tiền định, đừng có nói thiên duyên, đừng có cậy ở câu Nhân định thắng thiên mà làm. Răn thay những kẻ cơ quyền… Tàu đi cả thảy hai ngày rưỡi ba đêm, đường đi tới hơn một ngàn rưởi cây lô mét. Tang tảng sáng ngày thứ tư đã
vào tới cửa Sài Gòn. Đi qua “Vũng Tàu” (Cap Saint-Jacques) vào hồi quá
nửa đêm, nên không được trông rõ phong cảnh một nơi hiểm yếu có tiếng của Đông Dương ta. Đến khi trở về sẽ được hết sức ngắm kỹ. Nay thế là đã tới đất Nam Kỳ rồi. Sài Gòn cách bể những 60 cây lô mét, nên tự cửa Cần Giờ vào, đi ngược con sông Sài Gòn, còn phải mất mấy giờ đồng hồ. 7 giờ sáng thì tàu vừa ghé bến. Trông dưới bến đã thấy nhan nhản những người ra đón anh em bà con sắp ở tàu xuống. Quan cảnh sát lên kiểm giấy thông hành, ước một khắc đồng hồ thì cu li mỗi đứa cái thẻ đồng ở tay ồ vào tranh nhau khiêng đồ hành lý. Tuy vậy coi còn nghiêm hơn cu li Hải Phòng, vì bọn đó chừng có pháp luật riêng phải theo, không dám làm nhũng.
Phần II
Bước xuống đất, ngoảnh lại chào cái tàu lớn kia đã chở mình tới đây được an toàn trót lọt. Càng nhìn càng thấy to lớn thay! Ôi! Ta từ biệt ngươi từ đây, mong rằng có ngày lại được gặp ngươi lần nữa. Người đời đi chuyến đò còn nên nghĩa, huống chi là ngươi với ta, trong mấy đêm ngày đã cùng nhau bềnh bồng trên mặt sóng!… Ta từ biệt ngươi, ngươi có biết không, hỡi kềnh nghê bằng gỗ sắt?…
Khi đã ngồi trên xe kéo, chạy qua cầu Khánh Hội, hô hấp cái không khí mát buổi sáng, mới bắt đầu tiếp xúc cái cảnh sắc, cái khí
vị đất Sài Gòn từ đấy. Ngay lúc mới đầu ấy đã biết ngay cái cảnh sắc ấy
là cảnh sắc một nơi thành phố tây, cái khí vị ấy là khí vị một chốn đô
hội lớn. Tạm để đồ hành lý ở nhà khách sạn, rồi đi thăm các
người quen thuộc, phần nhiều là quen tên thuộc tiếng mà chưa từng tiếp
mặt bao giờ. Nhân thể đi dạo chơi trong mấy đường phố lớn. Đường có
tiếng nhất ở Sài Gòn là đường Catinat. Catinat nguyên là tên một quan
nguyên soái nước Pháp về đời vua Louis thứ 14, sau là tên chiếc chiến
thuyền sang đánh cửa Sài Gòn trước tiên cả. Nay đặt tên cho một đường lớn ở Sài Gòn là có ý muốn lưu một mối kỷ niệm cho người sau vậy. Kể to lớn thì đường Catinat chưa phải là to lớn nhất ở Sài Gòn. Nhưng cũng tức như đường Paul Bert ở Hà Nội là nơi người Tây đến lập phố trước nhất, rồi sau mỗi ngày một bành trướng mãi ra, thành nơi trung tâm, đâu đâu cũng đổ xô về đấy, các đường mở sau đều tiếp phụ xung quanh. Đông đúc phồn thịnh đến nỗi đã phải mở một con đường chạy dọc theo, to lớn rộng rãi hơn nhiều, gọi là đường Charner - tức là tên quan thủy quân phó nguyên súy coi chiếc tàu Catinat vào đánh Sài Gòn – để rút bớt cái sức bành trướng đi ít nhiều, mà vẫnhằng ngày hằng phát đạt, không giảm đi chút nào. Các cửa hàng lớn, hàng tây, hàng ta (phần nhiều người Bắc Kỳ), hàng Chà (phần nhiều người Bombay bên Ấn Độ), hàng khách, chen nhau xin xít. Lại thêm có mấy nhà khách sạn lớn, nhà chớp bóng, nhà hát tây, nên chiều chiều cứ tự năm giờ trở đi kẻ đi người lại như nước chẩy. Người sang trọng, kẻ thượng lưu, tất mỗi buổi phải dạo qua đường Catinat một lượt mới là nền. Những trai thanh gái lịch đất Sài Gòn lấy đấy làm chốn cực phẩm phong lưu. Trên đường thì xe hơi không biết mấy trăm mấy chục mà kể, tiến lên êm như ru, như vô số những làn sóng tự ngoài xa đưa lại, rạt cả bên bờ nhà “Đại lục khách sạn” (Hôtel Continental). Nhất là ngày chúa nhật, sau khi tan lễ nhà Thờ Chánh, không cảnh tượng gì đẹp bằng đường Catinat chừng hồi chín mười giờ. Đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, người Tây, người Nam, ăn bận rất lịch sự, ở nhà thờ ra đi dạo qua các cửa hàng, lũ lượt như ngày hội. Thật là nghiễm nhiên ra cái cảnh tượng một nơi đại đô hội, đương buổi quốc dân phong phú, thiên hạ thái bình. Coi đó không ngờ rằng trong thế giới hiện còn mấy nghìn vạn con người đương lầm than trong vòng máu lửa!
Người ta thường gọi Sài Gòn là cái “hạt báu của Á Đông” (la perle de l Extrême- Orient). Tôi chưa từng được biết những nơi đô hội lớn ở Á Đông, như Hương Cảng (Hongkong), Thượng Hải (Changhai), Tân Gia Ba (Singapore), nhưng chắc rằng những nơi ấy tuy có lớn, có đông, có sầm uất phồn thịnh hơn, mà về cách sửa sang sắp đặt, về cái qui mô các đường phố, các lâu đài, về cái vẻ chỉnh đốn sạch sẽ, mĩ miều khả ái, chơn chu mà sán lạn như hạt châu mới rũa, thì còn kém Sài Gòn nhiều. Đường phố như vẽ bằng tay, kẻ bằng thước, đều đặn, thẳng thắn, rộng rãi khang trang, nhiều đường ở giữa lại để những khoảng rộng trồng cỏ, đặt những tượng đồng kỷ niệm, chiều đến hàng trăm cái đèn điện lớn chiếu sáng như một dẫy dài những quả ba lông lấp loáng thả phấp phới ngay trên giữa đường phố, coi rất là ngoạn mục. Đẹp nhất, coi trang nghiêm nhất là con đường đi thẳng vào phủ Toàn quyền (người Sài Gòn thường gọi là tòa Chánh soái). Hai bên có hai khu vườn trồng những cây lớn, tối trông như hai đám rừng nhỏ, ở giữa một con đường rộng chạy thẳng băng tự đầu tỉnh đằng kia cho tới ngang cửa phủ. Coi thật là có bề thế, có vẻ tôn nghiêm, xứng đáng với một nơi tướng phủ. Mà phủ Toàn Quyền ở đây, qui mô cũng đẹp hơn ở Hà Nội. Phủ Toàn Quyền Hà Nội tựa hồ như một đống gạch xếp vuông, trông có vững vàng bền chặt mà nặng nề biết bao nhiêu! Ở Sài Gòn thì như hình chữ đinh J, nét ngang trên là chánh dinh, nét sổ dưới là các tơ tào. Mặt trước ở gian giữa có bậc lên, hai bên hai con đường dốc quanh lại như hình bán nguyệt, trông ra cái vườn rộng thênh thang, giữa có bãi cỏ phẳng lì như một tấm thảm xanh, trên chỉ trồng hai khóm trúc in nhau như hệt. Còn xung quanh thì vườn trại mênh mông, cây cối rậm rạp. Những khi quan Toàn quyền ở Sài Gòn, tối đến trong dinh đèn điện thắp sáng choang, trông xa tưởng tượng như một tòa lâu đài bằng ngọc có trăng chiếu, chon von ở giữa khoảng rừng rậm tịch mịch u sầu, khác nào như trong truyện thần tiên vậy. Khen cho ông quan tạo tác nào kinh doanh cái phủ Toàn Quyền đó cũng khéo tay. Sài Gòn còn nhiều những dinh thự cùng các nhà công sở đẹp lắm, như nhà dây thép, tòa án, dinh quan Thống đốc Nam Kỳ (tức trong ấy gọi là dinh Phó soái), nhà hát tây, v.v… Nhưng đẹp nhất là nhà Thị sảnh Sài Gòn (Hôtel de ville, trong ấy gọi là nhà “xã tây”, vì ông đốc lý thành phố tục kêu là ông xã tây). Kiểu đại khái cũng giống như các nhà thị sảnh bên Tây, trên có cái chòi vuông mấy từng cao chót vót. Mặt trước trông thẳng ra đường Charner vừa dài vừa rộng, đi đằng xa lại, coi cũng có cái vẻ trang nghiêm, xứng đáng làm nơi công sở của một chốn đô hội lớn như Sài Gòn. Chẳng bì với nhà Đốc lý Hà Nội ta, thật so sánh mà thẹn thay. Mà Hà Nội lại là nơi thủ đô của Đông Dương! Hà Nội có cái nhà hát to quá không biết dùng để làm gì, suốt cả năm bỏ vắng ngắt như chùa bà Đanh, mà đến cái nơi công sở để hằng ngày lo công tính việc cho ngót mười vạn con người, để phòng khi có quan sang khách quí ở nước ngoài qua lại đón tiếp cho xứng đáng, thì coi như cái nhà hầm, bốn bề kín mít, khí trời ánh sáng không lọt tới bao giờ! Xin các ông hội viên phải lưu tâm đến sự đó, thật là có quan hệ cho danh dự Hà thành ta. – Nhà thờ Sài Gòn tuy không có cái nền đá cao như nhà thờ Hà Nội, mà có hai cái tháp nhọn cao ngất trời, những khi trời sáng sủa đi tự ngoài VũngTàu (Cap Saint Jacques) cũng trông rõ. Lại nhà dây thép, trong gian giữa có cái tượng đồng người đàn bà ngồi trên quả địa cầu, để biểu hiện cái tin tức của người ta nhờ dây thép mà truyền được đi khắp thế giới, coi cũng mạnh mẽ và có ý tứ lắm. Chỉ hiềm chỗ đặt khí tối, giá người nào bước vào vô ý không ngửng mặt lên thì không biết! Còn Chợ Mới Sài Gòn cũng có cái nhà chòi ở cửa giữa thật là vĩ đại, vừa cao vừa vững vàng lực lưỡng, coi như một cái pháo đài vậy. Mà trong chợ thì rộng mênh mông, chợ Đồng Xuân Hà Nội chẳng thấm vào đâu. Nói tóm lại, cái hình thức của thành phố Sài Gòn sánh với thành phố Hà Nội còn hơn nhiều. Từ cách đặt đường phố cho đến cách dựng cửa nhà, từ cách thắp đèn điện cho đến cách đặt máy nước ở các nhà,
cho đến cách tuần phòng vệ sinh trong phố xá, nhất nhất đều có tiến bộ
hơn Hà thành ta cả. Ở Sài Gòn thật là có cái cảm giác một nơi đô hội
mới, nghĩa là một nơi đô hội theo lối tây. Vào đến Chợ Lớn thì lại ra cái cảm giác một nơi đô hội theo lối tàu.
Còn các châu thành khác ở Lục tỉnh, thì những nơi quan sở là tây mà
chốn phố phường là tàu, phần An Nam thật ít lắm. Xét về phương diện đó
thì những đô hội Bắc kỳ tuy coi cũ kỹ mà còn có cái vẻ An Nam hơn. Người khách ngoại quốc nào sang du lịch đây, nếu không có cái chủ ý quan sát phong tục người dân thì ở Sài Gòn sướng tiện hơn, nếu muốn biết cái chân tướng sự sinh hoạt dân An Nam thì cứ đi chơi qua phố phường Hà Nội cũng đủ làm một cái kho khảo cứu không cùng. Tuy vậy, các tỉnh thành khác không nói làm gì, mà Hà Nội đã là nơi thủ đô của Đông Dương thì về phần hình thức mới cũng không kém Sài Gòn mới là phải. Nếu cái hình thức mới cũng đủ mà các đặc sắc cũ vẫn còn thì mới thật là xứng đáng vậy.
Ngay chiều bữa tới Sài Gòn, gặp ông chủ bút “Nam Kỳ tân báo” (La Tribune indigène) là một tờ báo bằng chữ Pháp của mấy ông danh giá trong Lục châu lập ra, và rất có thế lực trong các hạng tân học ta. Thường đọc báo đó, biết tiếng các ông, phục cái tài của các ông viết văn Pháp như người Pháp, khen cái chủ nghĩa của các ông muốn bênh vực cho quyền lợi dân An Nam, vẫn ước ao được tiếp mặt. Nay được gặp lấy làm mừng lắm. Chủ nhiệm “Nam Kỳ tân báo” có hai ông Bùi Quang Chiêu và Nguyễn Phú Khai, nhưng đứng tên quản lý chỉ có ông Nguyễn mà thôi. “Quan bác vật Bùi” thì trong Nam ngoài Bắc ai ai cũng đã biết tiếng. Nguyên ngài có chức “nông nghiệp kỹ sư”, sung giám đốc các sở canh nông Nhà nước, trong Nam kêu vắn tắt là quan “bác vật”. Ngài năm nay đã
đứng tuổi, đã từng ở Bắc lâu, ở Kinh cũng nhiều, cái học vấn đã sâu, sự
kiến văn lại rộng, thật là xứng đáng làm một tay lĩnh tụ (leader) cho dư luận xứ Nam Kỳ. Lại thêm người ôn nhã, điềm đạm, lễ độ, tiếp chuyện thật là vui. Ông Nguyễn Phú Khai thì người còn trai trẻ lắm, cũng đã từng đi học bên Tây và có văn bằng “Kỹ sư” (ingénieur). Người lanh lợi thông minh, cũng là một tay lỗi lạc trong bọn tây học nước ta.
Ngay khi mới gặp, hai ông có cho biết bữa đó chính là ngày kỷ niệm “Nam Kỳ tân báo” đã đầy năm và mời đến dự tiệc chiều hôm ấy. Tôi lấy làm vui mừng mà nhận lời ngay, thật cũng là một sự may mới tới Nam Kỳ đã được cái dịp tốt để biểu chút cảm tình với bạn đồng nghiệp. Tiệc dọn tại nhà cao lâu khách ở Chợ Lớn. Vậy 7 giờ chiều cùng ông Bùi và mấy người bạn nữa đi xe ngựa về Chợ Lớn. Nhân thể được ngó qua cái cảnh tượng Chợ Lớn buổi tối, thật ngày thường như ngày hội, các phố khách Hà Nội Hải Phòng chửa thấm vào đâu. Nhưng bữa đó mới đi lượt qua mà thôi, khi tiệc tan rồi thì đã khuya, không thể dạo chơi các phố phường được, định bữa khác sẽ coi kỹ hơn. Tiệc đông lắm, ước đến bốn năm chục người, phần nhiều là những bậc tai mắt ở Sài Gòn và Chợ Lớn. Cũng lại là một dịp may được gặp mặt các ông ấy để nối cái dây thân ái kẻ Bắc người Nam. Bữa tiệc thật vui, có cái vẻ đậm đà thân mật, không có những lối kiểu cách như ngoài ta. Nói chuyện toàn bằng tiếng tây, ông nào cũng nói giỏi, không những nói giỏi mà đến cái giọng nói, cái cách cử động cũng hệt như tây vậy. Trong các ông dự tiệc đấy, có nhiều ông đã vào dân tây. Coi đó thì biết các bậc thượng lưu trong Nam Kỳ tây hóa đã sâu lắm, hầu như không còn chút gì là cái phong thể An Nam nữa. Về đường đó thì ngoài Bắc Kỳ Trung Kỳ còn kém Nam Kỳ nhiều. Đến cách nghị luận cũng đường đột mãnh liệt, trực mà không có những lối khép mở xa xôi như các nhà cựu học ngoài ta. Hai cái tâm lý khác nhau biết dường nào! Cái nào là hơn? Khó mà quyết được. Song thiết tưởng nếu điều hòa được cả hai thì hơn nhất. Nhưng sự điều hòa ấy có thể thành được không? Đó là cái vấn đề rất quan trọng cho cuộc tiến hóa dân ta sau này vậy.
Khi trở về Sài Gòn, vừa ngồi xe vừa nghĩ lan man về cái tương lai nước nhà, thật có lắm sự hi vọng đáng vui mà cũng nhiều cái hiểm tượng đáng buồn. Nhưng mà cái tương lai là cái tương lai, ai là người dự đoán được bao giờ? Vả con đường tiến hóa của mỗi dân mỗi nước là bởi lịch sử, bởi thời thế khiến nên; người ta dẫu hết sức tư tưởng nghĩ ra đường này là hơn hay là đường kia là phải, cũng không thể nào đổi được lịch sử, chuyển được thời thế mà mong khuynh hướng cái cuộc tiến hóa kia về đường mình. Cho nên nghĩ xa xôi lắm mà làm chi?…
Mấy bữa sau đi thăm các bạn “đồng nghiệp”, tức là các anh em làm báo ở Sài Gòn. Gặp ông nào cũng được chuyện trò vui vẻ lắm, mới biết kẻ Nam người Bắc tuy ít dịp gần nhau thân nhau, mà mỗi lần biết nhau, thật là dễ nên cái tình thân ái vậy. Cho hay người một nước một nhà, dẫu xa cách mà cũng là anh em, miễn là đối với nhau lấy lòng thành thực, đừng có cái thói ghẻ lạnh người thường, thì khó gì mà chẳng nên thân mật được? Huống bọn mình lại cùng theo đuổi một nghề, tức là cái nghề khua chuông gõ mõ trong quốc dân, đem những lời hay lẽ phải mà bàn bạc với bạn đồng bào, mong gây lấy một mối tư tưởng cảm tình chung, mưu cho nước nhà giống nhà sau này được cường mạnh vẻ vang, có ngày mở mặt mở mày với thế giới, thì cái mục đích cao xa ấy há lại không đủ khiến cho ta đồng tâm hiệp lực mà cùng nhau đạt cho tới rư?
Ôi! Nếu hết thảy các nhà làm báo ai cũng hiểu cái nghĩa vụ của nghề làm báo thì còn nghề gì đẹp bằng, hay bằng, cao thượng bằng, đủ khiến cho người ta tận tụy một đời mà theo đuổi cho cùng? Đương buổi mới cũ giao nhau, cái tư tưởng
quốc dân chưa biết lấy gì làm chuẩn đích, bọn mình nên đề xướng những
chủ nghĩa hay để dìu dắt quốc dân vào con đường chánh đáng, đừng để cho
xa lạc vào những ngõ ngách hiểm nghèo. Về đường giáo dục, về đường xã
hội, về đường chính trị, về đường phong tục, về đường văn chương, về đường đạo đức, cái thế lực của bọn ta có thể bao gồm hết thảy. Một lời công luận của ta có thể làm cho người ta bỏ đường tà mà theo đường chánh, hay là bỏ đường chánh mà theo đường
tà được. Vậy cái lời công luận đó ta chẳng nên quí báu lắm rư? Ta chẳng
nên cẩn thận lắm rư? Ta há lại nên phản cái mục đích của ta mà dùng lời công luận đó làm cái khí giới để công kích lẫn nhau, bày ra một cái gương xấu cho quốc dân rư? Dám chắc rằng các anh em trong báo giới ta không có ai hiểu lầm cái nghĩa vụ đến vậy. Nếu quả được như vậy thì may cho nước nhà lắm lắm. Bây giờ cần nhất cho dân ta chỉ có sự học, nhất thiết cái gì cũng phải học cả, như đứa con nít mới đến tuổi vào trường vậy. Bọn ta phải hết sức giúp một phần vào sự học ấy, cho cái trình độ quốc dân mỗi ngày một cao thêm lên, cho cái tư tưởng quốc dân mỗi ngày một rộng thêm ra, để có ngày đủ khôn đủ lớn mà ra tranh đua với đời được. Chắc cái trách dạy dân không phải ở đâu bọn mình, mà thực thuộc quyền Nhà nước. Nhưng mình có thể giúp vào đó một phần to: Nhà nước là ông thày dạy dân, thì mình cũng có thể đương được một chân trợ giáo. Có lẽ nhiều điều mật thiết trong dân gian, Nhà nước không xét tới mà mình tường hơn, cái công giáo dục của mình có khi ích lợi hơn Nhà nước nhiều. Thiết tưởng hiện nay cái nghĩa vụ nhà báo phải như vậy mới là chánh đáng, chớ những kẻ coi báo giới như một nơi tranh ăn nói, dành lợi danh, hay là một chốn hí trường để đem những lời nghiêng ngửa, truyện dâm bôn mà mơn man, mà khêu gợi cái dục tình sằng của công chúng, thì thật là làm mất giá một cái nghề rất hay, rất cần, rất có ích lợi cho nước nhà đương buổi bây giờ.
Báo giới trong Nam Kỳ thạnh lắm, phát đạt hơn ngoài Bắc nhiều. Hiện nay có đến mười tờ báo bằng quốc ngữ. Không kể “Nam Kỳ tân báo” (La Tribune indigène) viết bằng chữ Pháp, – gần đây báo ấy cũng mới xuất bản thêm một tập phụ trương bằng quốc ngữ, mỗi tuần lễ một kỳ, đều là Quốc dân diễn đàn, – còn các báo khác thì có những tờ như sau này:Nông cổ mín đàm, chuyên chủ về nông nghiệp, thương nghiệp, mở ra đã lâu, là tờ báo có tuổi nhất ở Nam Kỳ, hiện ông Nguyễn Chánh Sắt làm quản lý và chủ bút, ông cũng là một nhà trước thuật có tiếng ở Nam Kỳ; -Nam trung nhựt báo, chủ nhân là quan huyện Nguyễn Văn Của chủ nhà in Union, là một bậc thân hào danh giá ở Sài Gòn, sinh ra quan hai Nguyễn Văn Xuân hiện tùng chinh bên Đại Pháp; chủ bút là ông Nguyễn Tử Thực, có ông Nguyễn Viên Kiều giúp; -Công luận báo, quản lý ông Nguyễn Kim Đính, chủ bút ông Lê Hoằng Mưu; – Lục tỉnh tân văn, của ông chủ nhà in Schncider, ông phủ Gilbert Trần Chánh Chiến làm chủ bút; Nữ giới chung (Femina annamite) là tờ báo riêng cho các bậc nữ lưu, chủ nhiệm là ông Trần Văn Chim và ông Lê Đức; -Nam Việt tề gia nhựt báo (Journal de la famille annamite), của một bà đầm làm báo ở Sài Gòn mở ra để riêng cho đàn bà con gái An Nam coi; -Nhựt báo tỉnh (Moniteur des provinces), là một tờ công báo, dịch những nghị định công văn của Nhà nước, đăng những tin thuyên chuyển trong quan lại; – Nam Kỳ địa phận, là một tờ báo của nhà Trung. – Lại gần đây nghe nói mới xuất bản một tờ Thời báo, một tờ đặt tên nôm là Đèn nhà Nam. Đèn nhà Nam, cái tên sáng sủa thay! Ước gì đèn được sáng tỏ mà chiếu khắp chốn kẻ chợ nhà quê, nơi hang cùng ngõ hẻm, phá được cái thành hôn mê mà soi tỏ con đường tiến bộ. Đó là cái mục đích chung của cả báo giới ta vậy. Mấy tờ báo trên đó là xuất bản ở Sài Gòn. Còn ở Long Xuyên có Đại Việt tập chí, thể tạp chí, mỗi tháng một kỳ, của hội Khuyến học Long Xuyên, cái chủ nghĩa, cái tôn chỉ cũng giống như Nam Phong vậy. Lại
ở Cần Thơ, có tờ An Hà nhựt báo, ông huyện Võ Văn Thơm làm quản lý, có
một phần chữ tây, một phần quốc ngữ, chuyên về nông nghiệp thương
nghiệp.
Một địa hạt Nam Kỳ mà bấy nhiêu tờ báo kể cũng đã nhiều lắm vậy. Cứ lấy cái “lượng” (quantité) mà xét thì thật đủ khiến cho Bắc Kỳ Trung Kỳ phải thẹn với Nam Kỳ rằng về đường ngôn luận còn chậm kém xa quá. Nhưng cái “phẩm” (qualité) có được xứng đáng với cái “lượng” không? Điều đó thì chưa dám chắc vậy. Xưa nay phàm cái gì muốn cho nhiều tất giá phải kém, không thể vừa nhiều vừa tốt cả được. Muốn giữ cho cái “phẩm” cao, tất phải hạn cái “lượng” lại mới được. Ấy công lệ từ xưa vẫn thế: nghề làm báo, nghề làm sách, có thể ra ngoài được cái công lệ ấy không? Thiết tưởng rằng không. Cho nên xét ra các đồng bào ta trong Lục tỉnh hình như có ý trọng cái “lượng” hơn cái “phẩm” vậy. Đó cũng là một điều khuyết điểm trong học giới báo giới xứ Nam Kỳ.
Ta vừa nói nghề làm sách: nghề làm sách ở Nam Kỳ cũng thịnh lắm, có phần lại thịnh hơn nghề làm báo nhiều. Tuy vài năm gần đây đã bớt đi nhiều, mà trong khoảng năm năm mười năm về trước, cái số những sách quốc ngữ xuất bản ở Sài Gòn không biết bao nhiêu mà kể. Thứ nhất là những bản dịch các tiểu thuyết tàu cũ, như Tam quốc, Thủy hử, Chinh Đông, Chinh Tây, Phản Đường,Tùy Đường, Đông Châu, Phong thần, Đại Hồng bào, Tiểu Hồng bào, v.v… nếu sưu tập cả lại thì làm được một cái thư viện nhỏ! Những tiểu thuyết tàu tự tám mươi đời triều ấy văn chương đã chẳng ra gì mà truyện thì toàn những truyện huyền hoặc quái đản, của mấy bác cuồng nho bên tàu đời xưa ngồi không bịa đặt ra để khoái trá những bọn hạ lưu vô học. Thế mà dịch nhiều như vậy, thịnh hành như vậy, nghĩ cũng khả kinh thay! Không trách cái tư tưởng quốc dân những chìm đắm trong sự mê hoặc không cùng, có khi sinh ra những việc xuẩn động hại đến cuộc trị an trong xã hội cũng vì đó. Có người nói việc phá khám Sài Gòn năm nọ cũng là bởi cái di độc của các tiểu thuyết tàu mà ra, tưởng không phải là nói quá vậy. Cả ngày cả đêm những ca tụng cái tài ông Tiết Đinh Sơn, ông Tiết Đinh Qui, hay những ông tướng kỳ khôi từ đời hồng mang nào, trách sao trong trí không loạn lên mà muốn làm thực những việc mình thường đọc thấy trong truyện? Càng những bọn hạ lưu hung hãn lại càng dễ nhiễm hơn cả. Coi đó thì biết văn chương không phải là không có quan hệ đến nhân quần; các nhà làm sách há chẳng nên cẩn thận lắm rư? Chắc ai cầm bút viết trong bụng cũng có cái ý tốt cả, và như các nhà dịch tiểu thuyết tàu kia là chỉ chủ làm một món mua vui cho các bạn đồng bào trong khi tửu hậu trà dư, lại vừa làm một mối lợi riêng cho mình; nhưng phải nghĩ đến cái ảnh hưởng những truyện vô bằng ấy vào trong óc mộc mạc của những kẻ ít học, chưa biết suy nghĩ sâu xa, thường lấy hư làm thật, lấy giả làm chân,nó hại biết dường nào!
Ấy là cái tệ các tiểu thuyết cũ dịch của Tàu. Đến cái tệ của phần nhiều các tiểu thuyết mới ngày nay thì lại thậm hơn nữa, vì cách đặt để đủ làm cho bại hoại phong tục, điên đảo luân thường vậy. Tôi biết có bộ tiểu thuyết cực là dâm bôn mà lại rất là thịnh hành trong bọn phụ nữ. Coi đó thì biết cái hại sâu biết dường nào! Gia đình tan cũng vì đó, xã hội nát cũng vì đó, cái tương lai nước nhà nguy hiểm cũng vì đó. Các nhà làm sách có nghĩ tới không? Hay
chỉ chủ bán cho chạy hàng, thâu được nhiều bạc, còn những lẽ cương
thường luân lý mặc quách cho ai? Ôi! Cổ nhân đã dạy: làm người sĩ phu
trong nước cái trách là phải phù cho thế đạo, giúp lấy cương thường. Nếu những nhà làm sách lại cố ý làm nghịch thế đạo, đạp đổ cương thường, thì một nước như vậy sống làm sao được? Thiết tưởng các bậc trí thức trong Lục châu ai trông thấy văn vận suy đồi như vậy, phong túc bại hoại như vậy cũng phải lo, mà tìm cách duy trì cho kịp. Nên mau mau, kẻo cái tệ đã sâu lắm rồi.
Song có một điều nên chú ý, là báo nhiều như thế, sách nhiều như thế, mà bán được chạy, có nhiều người mua, thời cũng là một cái chứng rằng dân Nam Kỳ có tính ham đọc sách và có tiền thừa mua
sách. Như vậy mà nếu có những báo thiệt tốt, sách thiệt hay cho mà đọc
thì ích lợi biết bao nhiêu. Chẳng bù với dân Bắc Kỳ Trung Kỳ, trăm người chưa được một người đọc thông chữ quốc ngữ, mười người đọc thông chữ quốc ngữ chưa được một người thích xem văn quốc ngữ, lại thêm dân nghèo, bỏ ra mấy đồng bạc mua báo một năm đã lấy làm một món tiền nặng; đến những bậc sĩ phu thì phần nhiều những quẩn quanh trong vòng danh lợi mà sao nhãng những việc văn chương; nghề làm báo làm sách thật không được đủ điều tiện lợi như Nam Kỳ. Cho nên khá tiếc thay cho những bậc trí thức trong Lục châu không biết khéo lợi dụng cái cơ hội tốt ấy mà đặt để ra những sách vở hay có ích cho phong hóa, nỡ để cho cái lòng ham đọc sách, ham mua sách của người dân ấy ngập vào những sách vở hoặc vô vị, hoặc tầm bậy không ra gì, thật uổng quá.
Nay
nhân nói về nghề làm báo làm sách, nên xét qua cái tình trạng văn quốc
ngữ ở Nam Kỳ thế nào. Chữ quốc ngữ thì đã thông dụng lắm rồi, đàn bà con
trẻ thường biết đọc biết viết cả, nhưng đến văn quốc ngữ thì xem ra chưa được phát đạt lắm. Trừ mấy nhà văn
sĩ có tiếng, còn thì cái trình độ quốc văn đại để hãy còn kém. Sự kém
đó là bởi nhiều lẽ. Thứ nhất là Nam Kỳ bỏ nho học đã lâu, bao nhiêu cái
văn điển cũ đã hầu mất hết không còn. Mà văn quốc ngữ ngày nay muốn cho
thành văn chương, muốn cho phát đạt được, phi nương tựa, phi tổ thuật cái văn điển cũ ngày xưa thì không thể nào được. Lẽ đó tưởng tầm thường ai cũng hiểu, mà thật nhiều người chưa hiểu rõ, là vì nhiều người đặt sai cái vấn đề. Có người nói rằng nếu quả cần phải biết chữ nho mới làm được văn quốc ngữ thì muốn làm văn quốc ngữ tất phải học lâu năm chữ nho, tất phải trở lại những lối giáo dục hủ lậu ngày xưa, tất phải ra công rùi mài kinh sử, nghiền ngẫm một cái “tử văn” (lanque morte) vô dụng cho đời nay, như vậy thì chẳng uổng công lắm rư? Nay ta được nhờ nhà nước Đại Pháp dạy dỗ cho ta, mở mang cho ta con đường văn minh học thuật mới, đã mừng thay được thoát khỏi cái áp chế của chữ tàu trong mấy nghìn năm, có đâu ta lại mê cuồng đến nỗi lại đâm đầu vào cái chốn lao lung ấy lần nữa! Những người nào nói thế là hiểu sai. Nước Nam ta học chữ nho đã mấy nghìn năm, bất luận rằng cái cách học đời xưa hay hay là dở, phải hay là trái, có một điều hiển nhiên, ai cũng phải công nhận, là chữ nho đã tiêm nhiễm vào trong tinh thần ta sâu quá rồi, cái vết nó đã in vào trong óc ta không thể nhất đán đem mà gột rửa đi được, đến nỗi tiếng nói của ta ngoài những tiếng nhật dụng tầm thường phải dùng quá nửa chữ nho mới thành văn được, như vậy mà nếu bỏ hẳn chữ nho không học thì sao cho thuộc hết tiếng nước mình được? Đã không thuộc hết tiếng nước mình thì sao đặt cho thành văn chương được? Nhưng nói rằng cần phải biết chữ nho, không phải rằng phải học chữ nho như lối ngày xưa đâu; không phải rằng phải học cho làm được thơ, được phú, được văn sách kinh nghĩa như xưa đâu; không phải rằng lại phải trở về cái lối thi cử phiền toái, khảo cứu tỉ mỉ như xưa đâu. Xưa học chữ nho là vị chữ nho mà học chữ nho, nay học chữ nho là vị quốc văn mà học chữ nho. Cái mục đích đã khác, cái phương pháp cũng không giống. Xưa phải rùi mài kinh sử, từng trải Thiên kinh vạn quyển mới thi đậu được một chân đại khoa, mới làm nổi được một nhà văn sĩ có tiếng. Nay chỉ học cho đủ sự cần dùng về quốc văn mà thôi, chỉ học cho đủ hiểu hết một quyển Kim Vân Kiều hay một quyển Lục Vân Tiên mà thôi, thì có khó gì? Trước trăm phần nay không được một phần. Nhưng cái một phần ấy rất cần, không biết thời không thể nào cầm ngọn bút mà viết thành bài văn quốc ngữ được, dẫu tài giỏi khôn khéo đến đâu cũng không làm thế nào ra cái “hơi” văn An Nam được, vì cái “hơi” ấy là tự mấy mươi đời truyền lại cho ta, không thể tự mình mà đặt lấy ra được.
Cho nên những người nào đã quyết không cho văn quốc ngữ là cần, đành bỏ
vào cái địa vị yếu hèn, chỉ đợi ngày tiêu diệt cho xong, thì không nói
làm chi, còn ai đã có bụng thương đến tiếng nước nhà, muốn gây dựng cho thành một nền quốc văn có thể sống được ở đời này, thì phải noi theo lấy cái văn điển cũ của ông cha, mà cái văn điển cũ của ông cha ấy ngoài chữ nho không kiếm đâu cho thấy được. Nay ở Nam Kỳ cái văn điển cũ đã xa lạc đi mất rồi. Tuy cũng có mấy nhà có chí muốn ra sức mà vãn hồi lại, nhưng cái phần phản đối với chữ nho, cái phần khảng khái một cách sai lầm, muốn thị hùng ra tay tước hết những cái văn vẻ tốt đẹp thanh tao của mấy mươi đời nho học đã di truyền lại cho tiếng An Nam mình, để bày trần cái khí vũ bỉ li nôm na ra, cái phần ấy thì nhiều lắm. Những người có chí kia thể nào mà chống lại cho nổi, thể nào mà cứu vớt lại cho toàn được. Đó là một cái nhược điểm cho hậu vận quốc văn ở Nam Kỳ vậy. Còn một cái nhược điểm to hơn nữa, là hiện nay phàm những bậc thượng lưu, những người có học thức, thông giỏi chữ Pháp, phần nhiều khinh rẻ tiếng An Nam, không thèm nhìn đến, cho là một thứ chữ đê tiện để cho hạng tầm thường dùng mà thôi. Như vậy thì quốc văn mong sao cho phát đạt được? Những người mong cho quốc văn có thể phát đạt được là thứ nhất trông cậy ở các nhà tân học ngày nay ra công giúp sức vào, đem cái tinh thần của văn minh học thuật Thái Tây mà đúc vào cái khuôn văn cũ của nước nhà, khiến cho thành được một nền văn thiết dụng với đời, không phải chịu mang cái tiếng hư văn như xưa nữa. Nếu những nhà ấy lại khảng tảng, không để bụng sốt sắng vào, không những thế, lại khinh bỉ nữa, thì quốc văn còn trông vào đâu mà sinh tồn, mà phát đạt được? Nếu cái nghề quốc văn chỉ riêng để cho những ông lão hủ ngồi mà ngâm nga đẽo gọt với nhau thì cái văn chương ấy sao cho thích hiệp với đời? Mà rồi những tay lão hủ
kia một ngày một mất lần đi, một hết dần đi, sau này ai kế nghiệp, ai
giữ được cho cái văn An Nam kia còn chút thoi thóp ở đời? Nguy vậy thay!
Hai cái nhược điểm trên kia mà không phá được thì thật khá buồn thay
cho hậu vận quốc văn mình, biết bao giờ cho ra khỏi được cái địa vị kém hèn.
Cái tình trạng văn quốc ngữ ấy không những ở Nam Kỳ, mà ở Bắc Kỳ Trung Kỳ cũng có cái hiểm tượng như vậy. Duy có ở Nam kỳ là cái hiểm tượng ấy trình bày ra một cách rõ ràng hơn mà thôi. Cho nên mỗi lần nghĩ đến cái vấn đề này mà như nóng lòng sốt ruột, không biết giải quyết ra làm sao!…
Phần III
Gần Sài Gòn có tỉnh lỵ Gia Định, cách đô thành một cây lô mét. Có con đường lớn đi vòng quanh, hồi xưa những người Tây ở Sài Gòn lấy làm chỗ đi chơi mát buổi chiều vui lắm, tức như con đường đê Parraud (đường trường thi ngựa) ở Hà Nội vậy. Nay có con đường xe lửa nhỏ, qua Gia Định, Gò Vấp, tới Hóc Môn. Đất Gia Định là đất cổ nhất ở Nam Kỳ, có quan hệ với lịch sử Bản Triều nhiều lắm. Khi Bản Triều mới khai thác xứ Nam dựng cơ sở ở đấy. Rồi sau Đức Cao Hoàng ta hưng đế nghiệp, đánh Tây Sơn, đặt Nam trấn, cũng ở đó. Cho nên trước kia cái tên Gia Định thường dùng để chỉ chung cả đất Nam Kỳ vậy.
Nay Gia Định còn có hai cái cổ tích có tiếng, là nơi “Lăng Ông” và nơi “Lăng Cha Cả”. “Lăng Ông” tức là mộ quan Tả quân Lê Văn Duyệt, “Lăng ChaCả” tức là mộ cụ Giám mục Bách Đa Lộc (évêque d Adran); hai người đều có công to với Đức Cao Hoàng ta ngày xưa. Nay mộ các ngài người dân kêu là “lăng” là có ý suy tôn cái công nghiệp lớn của haingài. “Lăng Ông” ở ngay giữa tỉnh lỵ, sau có cái điện thờ, gọi là “miếu”. Mộ quan Tả quân mà cho là một nơi cổ tích thì cũng khí quá, vì trong đời đức Thánh tổ (Minh Mạnh) đã bị triệt phá đi, rồi đến đức Dực Tôn (Tự Đức) mới được khôi phục lại, còn cái qui mô như ngày nay là mới sửa sang sau này. Hiện bây giờ miếu mạo nguy nga, cây cao rậm rạp, cũng đủ khiến cho người khách viễn du động tấm lòng hoài cổ. Than ôi! Thường đọc truyện quan tảquân, nay tới đất Gia Định này được trông cái di hài của ngài năm đấy, càng cảm phục cái chí khí cương cường, cái thanh danh lẫm liệt của một bậc công thần đệ nhất nước Nam ta. Nhưng càng nghĩ lại càng tiếc thay cho các triều sau thiếu những tay phù tá như quan tả quân Lê, như quan tiền quân Nguyễn, lại không biết trọng mà quá bạc đãi những người cương trực như hai ngài, nên vận nước mới đến nỗi suy đồi như vậy. Tiếc thay! Miếu “Lăng Ông” có tiếng trong dân gian là một nơi thờ linh lắm, nên khách tứ phương lại cầu lễ xin xăm rất đông. Khi bước vào thì thấy một chú “Chệt” cởi trần, mập như con lợn ỷ, cổ ngấn, bụng sệ, đi đi lại lại trước bàn thờ, sỗ sàng tự do như đứng trong nhà bếp cao lâu vậy! Hỏi ra mới biết rằng chú là thủ tự đền này, dân làng sở tại bán cho chú cái lợi quyền ấy. Than ôi! Giống Khách đã cướp hết của ta
các mối thương quyền khác, mà đến cái nghề buôn thần bán thánh An Nam
nó cũng cướp nốt! Nó cướp mà nó khinh rẻ thần thánh mình; thử hỏi đồng
bào ta có nhục không? Tôi tưởng không bao giờ quên được cái cảnh tượng chú “Chệt” đi phơi bụng trước bàn thờ quan tả quân.
Trong miếu ngoài lăng không có cái bi ký tự tích gì là cổ. Duy có một bài bia làm năm Thành Thái thứ sáu của quan quận công Hoàng Thái Xuyên, hồi đó đi tiễn quan Toàn quyền De Lanessan về Sài Gòn, ngài có thừa phép quan Toàn quyền soạn bài văn khắc vào đá để kỷ niệm cái công nghiệp một bậc bầy tôi cũ của Triều đình. Thịnh ý thay!
Lăng Cha Cả thì ở xa hơn về phía Bắc một chút. Nơi đó mát mẻ thanh thú, tĩnh mịch êm đềm, thật là xứng đáng làm chỗ ở sau cùng của một bậc đạo nhân đôn hậu. Công Cha Cả giúp Đức Cao Hoàng ta khi Phú Quốc, khi Xiêm La, khi vượt bể cầu cứu, khi bàn bạc chốn viên mao, trong sử sách còn truyền, muôn năm cũng không quên được. Chỉ tiếc thay khi cái công khó nhọc đã đến ngày thành tựu, Cao Hoàng đã thu phục được thành Bình Định, đánh lấy được chốn cựu đô, thì người bạn cũ đã qua đời rồi, không còn sống mà hưởng cuộc vinh hoa cho bõ lúc phong trần. Cha Cả mất ngày
9 tháng 10 năm 1799 ở cửa Thị Nại (Bình Định), thọ 58 tuổi. Cao Hoàng
nhớ nghĩa cũ ơn xưa đem di hài về Gia Định, làm lễ trọng thể, thân đọc
văn tế, an táng tại nơi tịnh xá cũ của đạo nhân, tức là nơi lăng ngày nay. Lại truy phong chức Thái tử thái phó, tước quận công.
Lăng xây kín như kiểu một cái đình lối ta. Chính mộ Cha Cả là cái sập đá to ở giữa, xung quanh đặt cửa bức bàn. Hai cái mộ nhỏ hai bên thì bên tả là mộ Cha CHARBONNIER; bên hữu là mộ cha MICHE, mới phụ táng về sau. Trong đình trước mộ có tấm bia đá kỷ niệm cái công đức của Cha Cả, xin dịch nôm ra sau nay để giúp sự khảo cứu của các nhà hiếu cổ. Văn rằng: “Thày là người nước Đại Pháp, họ Bi nhu, hiệu Bách đa lộc. Thủa nhỏ phụng đạo giáo, mà sách vở các thánh hiền. Trung Quốc không gì không giảng cứu. Kịp đến khi lớn sang bên nước ta. Thời bấy giờ trong nước nhiều việc, thày làm người bạn bàn bạc việc nước, đem cái học vấn mà thi thố ra việc làm, cùng ta châu tuần trong buổi điên bái lưu ly. Rồi lại nhận cái ủy thác nặng, xuất quân cứu viện, đi lại xa xôi, không hề dư lực. Trong hơn hai mươi năm trời, bàn mưu kế chốn quân trung, tham chánh vụ nơi phiên trấn, những việc hưng kiến hiển thiệt đều đủ truyền về sau cả. Nước ta dần dần có cái thế trung hưng được, thật là nhờ sức của thày nhiều vậy. Năm kỷ vị (1799) tùng chinh ở phủ Qui Nhơn, mùa thu tháng 9 ngày 11 mất tại bến Thị Nại, thọ được 57 tuổi. Mùa đông năm ấy truy tặng Thái tử thái phó quận công, bốc táng ở phía bắc thành Gia Định, nơi thày đặt tinh xá khi xưa.
Nay chép để làm ghi.
Ngày lành tháng trọng thu năm Canh Thân (1800) Đốc học đường Hoa xuyên hầu, NGUYỄN GIA CÁT phụng soạn. Binh bộ hữu tham tri, Định thành hầu, LÊ TRI CHỈ phụng viết. Sau lưng lăng Cha Cả có cái mộ địa chôn các cố đạo.
Lâu nay vẫn nghe nói Nam Kỳ có quan Diệp Văn Cương là một bậc danh sĩ trong Lục châu, khi tới Sài Gòn chỉ ước ao được tiếp mặt ngài. Đương buổi trong nước hiếm nhân tài như lúc này, được biết tiếng một người nào thật trong lòng hâm mộ vô cùng. Quan Diệp có cái biệt thự ở làng An Nhơn, trên Gò Vấp một ít. Vậy một hôm cùng người bạn lên thăm ngài. Ngài tuổi đã cao, ước đến sáu mươi, mà người còn mạnh mẽ tinh anh lắm. Hán học đã thâm, tây học cũng rộng, thật là gồm Âu Á đúc một lò. Lại thêm sự kinh lịch cũng nhiều, đời quan Toàn quyền De Lanessan đã từng sung chức trọng yếu ở Súy phủ, làm tay ngoại giao cho Triều đình. Cái nội dung cuộc chánh trị nước ta vào hồi đó, không gì là ngài không tỏ tường. Ước gì khi nào hồi hưu – vì hiện nay ngài còn dạy học trường Chasseloup -Laubat – ngài sẽ chép ra một tập “Ký ức lục”, thuật
lại những việc hồi bấy giờ thì sau này giúp cho quốc sử được nhiều lắm.
Đương buổi Tây Nam mới giao thiệp, việc chánh trị hai nước còn chưa được phân minh, ví có nhà làm sử nào muốn khảo cứu về thời kỳ ấy thật khó thay. Nếu xét theo phương diện tây thì hiểu lầm phương diện An Nam, nếu xét theo phương diện An Nam thì khó tường được phương diện tây. Nay có một người đương thời đã từng làm một tay môi giới cho hai bên, vừa thuộc cái điển lệ của Triều đình lại vừa hiểu cái chánh thể của Bảo hộ, thuật lại cho mà nghe những việc giao thiệp của hai chánh phủ hồi bấy giờ, thì quí hóa biết dường nào! Lại những điều ký ức về các nhân vật đương thời, về cái tình trạng quan trường ta hồi Đại Pháp mới sang đặt bảo hộ đây, toàn là những tài liệu rất có ích cho nhà sử học vậy. Ta rất trông mong rằng có ngày quan Diệp Văn Cương sẽ cống hiến cho học giới ta những tài liệu quý báu ấy. Nay được nghe chuyện ngài nói cũng đã vui thay. Ngài có cái tài nói chuyện không ai bằng, đủ khiến cho người ta buồn hóa ra vui được. Mà xét kỹ lịch sử sự nghiệp ngài, có lẽ cái chủ nghĩa của ngài tức là cái “khoái lạc chủ
nghĩa” vậy. Chắc ngài tự nghĩ rằng nhân sinh ở đời cốt lấy sự vui sướng
cho mình làm hơn; cõi đời đã là một cuộc phù sinh thì sống
ngày nào nên hưởng hết cái hạnh phúc ngày đó mới là phải, cớ chi mà bận
lòng những sự phiền muộn xa xôi. Vui sướng cho mình mà cũng có ảnh
hưởng sang kẻ khác nữa: tức như kẻ thư sinh đa sầu này ngồi nghe truyện
ngài mà trong lòng cũng du khoái được một lúc. Như thế thì cái “khoái lạc chủ nghĩa” chẳng là một cái chủ nghĩa rất hay mà rất tiện rư? Đời xưa bên nước Hi Lạp chẳng đã có một nhà hiền triết lấy cái chủ nghĩa ấy làm phương châm một đời rư? Tuy vậy cứ theo ngu ý của bỉ nhân đây thì
cái “khoái lạc chủ nghĩa” không thể đi cùng với cái “nghĩa vụ chủ
nghĩa” được. Thế nào gọi là cái “nghĩa vụ chủ nghĩa”? “Nghĩa vụ chủ nghĩa” là cái chủ nghĩa đem nhân thân mình làm hi sinh cho một cái nghĩa vụ, một cái lý tưởng
cao hơn mình. Các bậc cổ thánh hiền ta chẳng đã dạy rằng cái trách kẻ
sĩ phu trong nước là phải ra công phù lấy thế đạo, giúp cho cương
thường. Cái trách sĩ phu ngày nay là phải mơ màng cho cái tư tưởng quốc dân, gìn giữ cho phong tục khỏi suy đồi, ra công giúp cho nước nhà giống nhà một ngày một giàu mạnh khôn ngoan, để mong có ngày nhờ ơn nước lớn dạy dỗ được ra mở mày mở mặt với thế gian, cho khỏi tủi cái cuộc lịch sử hơn hai nghìn năm. Ấy quốc dân trông mong ở bọn sĩ phu như vậy. Ta há nên phụ lòng quốc dân rư?
Song nghĩ cho cùng, đạo xử thế không phải là chỉ có một đường. Cái “nghĩa vụ chủ nghĩa” kia tuy cần cho đời nay hơn là cái “khoái lạc chủ nghĩa”, mà không phải là ai ai cũng phải theo mới nên. Mỗi người có quyền tự do muốn tổ chức cái cuộc đời mình thế nào cũng được. Khoái lạc cho mình mà an trí không ích lợi cho đồng bang? Tức như quan Diệp, cái thanh danh to rộng biết bao nhiêu, thật làm vẻ vang cho cả đất Lục châu. Chỉn tiết thay tài như ngài, học như ngài, Âu Á kiêm thông như ngài, mà không từng nghĩ đến kế lập ngôn để lưu truyền cái thanh danh về sau này. Hay là ngài không ưa cái hư danh nhà văn sĩ? Có lẽ vậy, vì nếu ngài chịu trước thư lập ngôn thì sách vở ngài chắc không phải là những sách vở tầm thường. Nhưng mà lo gì? Diệp tiên sinh tuy tuổi đã cao mà sức còn mạnh, con đường tương lai hãy còn dài… Lệnh lang là ông Diệp Văn Kỳ, người còn trẻ mà đã có tiếng là một tay văn hay trong Lục châu. Ông có đọc tôi nghe mấy bài kịch soạn khéo lắm, điều hòa được cái tinh thần mới của nghề diễn kịch tây với cái hình thức cũ của nghề hát tuồng hát bội ta. Mong rằng ông sớm in thành vở cho bọn ta được đọc.
Trong hai tuần lễ đầu chỉ chơi quanh ở Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, mà cái chủ ý về Nam Kỳ là muốn đi du lịch nhiều nơi, cho rộng kiến văn hơn một chút. Chắc Sài Gòn chỉ là một cái phương diện trong toàn cảnh xứ Nam Kỳ mà thôi. Nay muốn biết các phương diện khác, tất phải đi dạo qua Lục tỉnh. Vậy sau khi đã thiệp liệp hết những phong cảnh nhân vật ở Sài Gòn, bèn sửa soạn đi Lục tỉnh.
Các anh em quen biết cũng thường khuyên: “Ông đã về tới đây, nên dạo chơi cho khắp, cho biết đó biết đây, kẻo không có mấy khi cất ra đi được. Vả có đi Lục tỉnh mới biết dân tình phong tục trong này, ở những chốn phiền hoa như Sài Gòn thì lại biệt ra một cảnh tượng khác. Ông cứ đi, dân Lục tỉnh đã có tiếng là dân mến khách, có qua mới biết cái lòng trung hậu của bạn đồng bang trong này”. Trong bụng đã muốn đi, lại được anh em khuyên nhủ như vậy, cầm lòng sao được?
Chỉ ngại mình là người xa lạ, chửa quen biết ai, cất chân ra đi một mình như vậy, có nhiều nỗi không tiện chăng. Nhưng trong bọn anh em có ông quá yêu, thấy mình du dự, cười mà đọc câu tống biệt trong Đường Thi:
Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ…
Tuy tự xét mình có đâu đã xứng đáng lời thơ của cổ nhân mà nghĩ lại trong ngót hai năm trời nay nhờ ngọn gió Nam đưa khắp mọi nơi có lẽ ở chốn chân trời nơi góc bể cũng được một vài người tri kỷ, biết đâu? Thế giới tuy rộng mà tư tưởng con người ta như cái điện không giây, dẫu cách xa muôn dặm cũng cảm nhau được, lẽ tương ứng tương cầu vẫn là lẽ hằng xưa nay. Vậy quyết chí đi. Nhưng đi hướng nào bây giờ? Đi đông hay đi tây, đi nam hay đi bắc? Khó nghĩ thay! Câu hỏi đó là một cái câu hỏi hằng ngày thường xuất hiện ra trong tâm trí người ta.
Trừ những kẻ túy sinh mộng tử, sống ở đời như nằm trong giấc chiêm bao, u u mê mê, mung mung lung lung, không biết mình sống mà làm gì, thì không kể làm chi, còn những người đã hơi biết suy nghĩ, trong bụng đã có chút tư tưởng, ai cũng từng biết cái khổ trước khi làm việc gì mình lại hỏi mình: “Ta nên làm thế nào bây giờ, đi đông hay đi tây, đi nam hay đi bắc? …”, tựa hồ như mỗi lúc lại thấy mình đứng giữa một nơi ngã tư, không biết đi đường nào là phải, xuôi hay ngược, dọc hay ngang… Cầm bút viết mà
mình lại hỏi mình: “Ta viết cái gì bây giờ? Ta viết cái gì cho có ích
lợi cho người đọc, cho khỏi ngộ hoặc quốc dân, cho công bằng, cho chánh
đáng, cho ngay thẳng, cho phân minh? Ta viết cái gì cho sau này khỏi nhục đến cái tay ta viết, khỏi thẹn cho ngọn bút ta cầm?…”. Rồi mà hạ bút viết, vẫn không bao giờ được bằng lòng! Trước khi nói điều gì cũng vậy, trước khi bước chân đi cũng vậy, trước khi xử trí một việc gì, trước khi khởi hành một công cuộc, bao giờ cũng băn khoăn không biết thế nào cho đạt tới cái mục đích cao xa ở trong lòng. Thành ra suốt đời là một câu hỏi không cùng. Càng đào óc mà càng nghĩ không ra, càng nghĩ không ra mới lại càng thêm khổ. Đó là cái khổ chung của những kẻ đa tư, đa lự, đa cảm, đa tình, mà những người óc rắn như đá, ruột khô như rơm, không bao giờ biết cái khổ cao thượng ấy.
Người viết đây cũng có cái tật nghĩ quẩn nghĩ quanh như vậy, nên mỗi khi cầm bút viết hình như bao nhiêu câu hỏi ở đâu xô lại, đáp mãi không cùng, thành ra một lối văn chiền miên không dứt, phản phúc không dời, lắm khi làm xa lạc cả đầu bài; cũng tự biết là một sự thiên lệch của mình, nhưng sao được?…
Phần IV
Đương khi còn phân vân chưa biết đi đâu trước thì chợt nhớ ở Long Xuyên có nhà báo Đại Việt tập chí, là tập báo có cái chủ nghĩa, cái tôn chỉ giống với Nam Phong mình hơn cả. Bèn định đi thăm các bạn đồng nghiệp ở Long Xuyên. Chủ trương báo Đại Việt là quan phủ Lê Quang Liêm, tức nhất danh là quan Phủ Bảy, chủ hội Khuyến học Long Xuyên, xưa nay vẫn biết tiếng ngài đã lâu. Ngài
tiếp được thơ có trả lời nói rằng được gặp thì lấy làm vui vẻ lắm.
Nhưng mà đã sắp sửa đi mà trong người lại khó ở, không thể đi ngay được.
Nhân nghỉ không, đem các sách khảo cứu về địa dư xứ Nam Kỳ: trước khi đi du lịch một xứ, điều thứ nhất chẳng là cần phải biết tường
địa dư xứ ấy rư? Vậy trong mấy ngày chỉ làm bạn với tập địa đồ, chân
chưa bước khỏi Sài Gòn, mà tinh thần đã mộng du khắp Lục tỉnh, từ Bà Rịa
đến Hà Tiên, tự “bưng”1 Tháp Mười đến bãi Cà Mau.
Đất Nam Kỳ rộng bằng già nửa Bắc Kỳ và chia ba một phần Trung Kỳ2, nhưng phần nhiều là đất đồng bằng, không có nhiều rừng rú như Bắc Kỳ, không có nhiều núi non như Trung Kỳ. Cứ theo các nhà địa dư học thì đất Nam Kỳ là đất mới thành, khi
Trung Bắc đã có hình thế rồi xứ Nam hãy còn là cái vũng bể, ở giữa có
mấy đám cù lao rải rác, như trong vịnh Xiêm La bây giờ. Sau lần lần sông Cửu Long Giang đem đất phù sa phụ đắp mãi vào chung quanh, mỗi ngày một rộng thêm ra, trải đời nọ sang đời kia mới thành ra cái đồng bằng Nam Kỳ ngày nay. Những cù lao kia tức là những trái núi nhỏ ngày nay thường trông thấy đứng tron von giữa đồng. Ấy Nam Kỳ sinh sau thành muộn như vậy, nên sánh với các phần khác ở Đông Dương chất đất còn non và tuổi đất còn trẻ. Các nhà bác học Tây thường nói muốn biết tính chất một dân nên xét ở thổ địa và khí hậu nơi dân ấy sinh thành. Nơi nào khí hậu nóng và thổ địa tốt thì mau thịnh, làm ăn dễ, nhưng
vì dễ quá mà người sinh ra lười biếng, đã lười biếng thì sự tiến hóa
tuy trước có mau mà sau thành ra chậm, trước mau là nhờ sức đất nhờ khí
trời, sau chậm là bởi tính người. Các đất phát tích của văn minh trong thế giới, như đất Ai Cập (Egypte), đất Tiểu Á Tế Á (Asie Mineure), đất Ấn Độ (Inde), toàn là những nơi thổ địa cực tốt và khí hậu cực nóng cả. Bởi thế nên văn minh chóng phát, nhưng cũng chóng tàn, vì chỉ nhờ cái sức ở ngoài, không bởi cái nghị lực của người ta. Đến như những nơi khí hậu lạnh, thổ địa thường, như các xứ Âu châu thì người ta không được tạo vật hậu đãi, phải tự mình suy tính nghĩ ngợi, đặt kế để giữ mình, để kiếm ăn, thành ra mỗi ngày một khôn ngoan tài giỏi thêm ra, văn minh tuy phát chậm hơn các xứ nóng, mà toàn bởi tay người trí người làm ra, theo cái tài lực của người mà tiến lên vô hạn. Nay xét ra Nam Kỳ thật là thổ địa tốt có một và khí hậu nóng suốt năm. Nên Nam Kỳ tuy mới khai thác tự Bản Triều ta, trước sau không đầy ba trăm năm, mà ngày nay giàu có đông đúc như vậy, thật là nhờ cái sức đất nhiều. Lại thêm khí hậu cả năm ấm đều, người ta hình như cứ tự nhiên mà sinh
trưởng, không có khó nhọc gì, không phải thời tiết thay đổi khi nóng
khi lạnh, không phải thiên tai giáng hạ khi hạn khi lụt, suốt năm như
một ngày, thành ra người dân lâu dần mất cái tính chịu khó mà sinh ra lười biếng,
vì không cần phải xuất lực cho lắm mới đủ nuôi thân, đủ giữ mình. Dẫu
có xuất lực cũng là chỉ cho đủ đường sinh nhai mà thôi. Vả khí hậu Nam
Kỳ không phải là cái khí hậu giúp cho sự nỗ lực, chính là cái khí hậu
tiêu sức khỏe, tán tinh thần: buổi trưa từ mười hai giờ đến ba giờ mà
nằm nghỉ thì thấy trong người như không còn khí lực gì nữa, chân tay rời rạc, đầu óc nặng nề, như cái áp lực vô hình của không khí nó đè cả lên thân thể, không muốn nhấc mình lên nữa. Phải đợi cho có trận mưa rào xuống thì người mới được thư thái một chút. Như thế thì người ta còn có gì là cái ham muốn ra công xuất lực mà động tác, hăm hở hăng hái mà mở mang, bao nhiêu tinh lực hình như bị cái khí hậu nó tiêu tán mất cả, không thể chung đúc thành cái chí to mưu lớn mà gây nên những sự nghiệp phi thường. Tôi còn nhớ có tiếp chuyện ông Công sứ Vĩnh Long, ông phàn nàn với tôi rằng: “Dân Nam Kỳ này lười lắm, ông ạ. Đó là bởi cái khí hậu, cái thổ địa nó khiến nên như thế. Ông thử nghĩ, trời cả năm ấm đều, không có khi nóng dữ, khi lạnh quá, người ta không phải lo đến sự ăn mặc. Đói thì ra bới cái miếng đất ngoài kia cũng đủ có gạo, thò tay xuống cái lạch chảy trước cửa cũng đủ có cá mà ăn. Còn cần gì phải ra công khó nhọc. Nếu
có thừa tiền thì ra tiệm Chệc tiệm Chà ở trong phố kia mà sắm sửa các
đồ ngoại hóa đã sẵn sàng cả, còn cần đến công nghệ làm gì. Cho nên đất
Nam Kỳ này cực giàu mà thương quyền về tay giống Khách cả, địa lợi không biết bao giờ khai khẩn cho hết. Hiện nay có hàng muôn mẫu đất chưa phá hoang, chỉ đợi khai kênh rãy cỏ là tự khắc thành đất thuộc, mỗi năm sinh sản thóc lúa không biết bao nhiêu mà kể. Ông là nhà nhật báo, nên cổ động người Bắc vào trong này mà lập đồn điền: thật không gì tốt bằng!…”.
Thật thế, đất Nam Kỳ muốn mở mang cho hết sức, phải cần có người Bắc Kỳ Trung kỳ vào sinh cơ lập nghiệp trong ấy mới được. Không những dân Nam Kỳ có ít người và cũng không có tính chăm làm, nhưng hiện nay đã là thừa đủ ăn rồi, không cần phải làm nữa. Mà ngoài Bắc thì lại nhiều người quá mà ít đất làm, không kể miền thượng du sợ lam chướng không ai dám đi, đến miền trung châu thì bao nhiêu đất cầy cấy được đã cầy cấy cả rồi, bọn nông phu những năm đói kém cực khổ quá. Nếu nay chịu về Nam Kỳ là nơi người ta đương thiếu người làm mà kiếm việc thì lợi biết bao nhiêu, lợi cho cả người Nam, cả người Bắc. Huống đất Nam Kỳ không phải là đất lam chướng gì, toàn là đồng bằng bát ngát, chỉ vì chưa khai khẩn hết nên phải bỏ hoang mà thôi. Nhưng đất hoang ở đây chẳng qua là đất bỏ cỏ chưa phá rãy đến và chưa thành ruộng, không phải là những rừng rậm núi xanh như các nơi mạn ngược ngoài ta. Sự khai khẩn cũng không có khó gì: mùa hanh đến cho mớ lửa là bao nhiêu cỏ khô cháy hết, cái xác, cái rễ ải ra thành một thứ phì liệu không gì tốt bằng; chỗ nào đất thấp nhiều nước thì đào cái kênh cho nước tháo ra con sông nào gần đấy: như thế là trong một vài mùa đất hoang thành ra đất thuộc. Từ xưa đến nay chỉ vì thiếu nhân công nên không thể làm được, không phải vì cớ gì khác. Có người nói rằng dân đường ngoài mộ vào làm nông phu trong Nam Kỳ đã xét ra chỉ được một vài năm đầu, rồi sau hễ không nhớ nhà đòi về thì cũng lại nhiễm cái thói lười biếng ăn chơi của người
trong ấy mà nhãng bỏ công việc làm. Anh nào coi chừng đã nặng túi thì
không ai bắt cho làm được nữa. Cái đó cũng có, nhưng thiết tưởng vì sự mộ phu đó không phải cách. Mộ dân đồn điền không thể làm như mộ phu làm đường xe lửa được, không thể gặp người nào cũng mộ rồi hứa cho công cao mà
cưỡng đem đi. Phi là những hạng không ra gì, vốn du thủ du thực, rồi
sau cũng hoàn là du thủ du thực, còn đứa khác thì xa vợ xa con những nhớ nhà mà cũng không thể ở lâu được. Phải lựa những tay nông phu nghèo, nói rõ cho họ biết sự lợi hại, khi đi thì hoặc Nhà nước, hoặc một công ti nào cấp tiền cho đem cả vợ con đi. Đến nơi, tùy ý muốn vào làm mướn cho người điền chủ nào thì Nhà nước đã định thể lệ, hai bên phải làm giao kèo phân minh. Hoặc muốn độc lập thì Nhà nước cho cái đồn điền mấy chục mẫu, cấp trâu bò và nông khí cho mà làm, bao giờ thành ruộng mới phải nộp thuế. Bao nhiêu người Bắc xin đồn điền như vậy sẽ khu cả vào một vùng, để dần dần nhiều người có thể lập thành một cái ấp được. Nếu lựa được những người có chí làm ăn. – mà hạng đó không phải có thiếu gì – thì sự thực dân Bắc Kỳ ở Nam Kỳ tưởng không lấy gì làm khó như nhiều người thường nghĩ lầm. Chỉ vì từ trước tới nay có mấy nhà buôn bán lấy sự mộ phu làm một mối lợi, chỉ vụ cho có nhiều đầu người, không xét đến hạng người làm gì, bạ đứa nào mộ đứa nấy, có đứa không từng làm ruộng bao giờ, không biết cầm cái cầy cái cuốc thế nào, những hạng bã rả như vậy mà cũng cưỡng đem đi cho đông số người thì trách sao cho tốt được! Còn nói rằng người nhà quê ta không ưa đi xa, khó lòng mà khuyên cho họ bỏ làng đi xứ khác, thì tuy cái thói đó là ở trong tục nước mình, trong tính người mình, nhưng tưởng ngày nay nếu khéo giảng giải cho họ biết điều lợi hại thì tất cũng nhiều người nghe. Người mình cũng như người các nước khác, chỉ sợ chết mà thôi: đem lên nguồn xanh hút gió, nước độc ma thiêng, tất ai cũng xo lại mà không chịu đi. Nếu nói cho rõ là đem đi nơi đất lành ruộng tốt, nước ngọt cá ngon, để mà sinh cơ lập nghiệp, nuôi vợ nuôi con, thì trừ những kẻ co ro không dám bước ra khỏi làng, còn người có chí làm ăn tất ai cũng đậm mà đi. Vả trông quanh mình người ta đi sang Tây làm thợ mấy năm trời còn về nhan nhản cả kia, ai nấy rủng rỉnh những tiền bạc, huống là mình mới đi có đến Nam Kỳ mà thôi, đã lo gì. Dám chắc rằng bởi cái tình thế tất nhiên, bởi đường sinh nhai bắt buộc mà cái tư tưởng của người dân nhà quê
ta rồi mỗi ngày một mở rộng ra, cái nhỡn giới không có đến cây đa đầu
làng làm giới hạn nữa. Đâu kiếm ăn được rồi tất tìm ra mà đi, chẳng có
quản gì những nỗi tha hương biệt xứ. Bọn thợ ở Tây về rồi sẽ truyền cho
những bọn ở nhà cái tính mạo hiểm, là tính người mình ít có xưa nay. Mà mạo hiểm để kiếm ăn, không phải là cái mạo hiểm khó truyền gì! Bởi các lẽ đó nên thiết tưởng rằng dân Bắc Kỳ có thể vào thực dân trong Nam Kỳ đông được. Chỉ nên cổ động hết sức cho người ta biết rõ xứ Nam Kỳ mà đừng tưởng đất Sài Gòn là một đất ở đâu Nam dương Bắc hải nào. Phải giảng cho người ta hiểu rằng đất Nam Kỳ tốt có một, mỗi năm chỉ cấy một mùa mà gấp mấy mươi ngoài ta, nếu chịu khó làm chỉ trúng luôn một vài mùa là giàu to. Bởi ruộng tốt dễ làm mà có những tay điền hộ ruộng tới mười mấy ngàn mẫu tây, tiền thâu nhập chi xuất hàng năm tới bốn mươi năm mươi muôn bạc. Lại có những nhà cai tổng giàu đến một mình có mấy cái xe hơi đi trên bộ, mấy cái tàu máy chạy dưới nước, nhà như lâu đài, không dinh ông tổng đốc nào bằng, cách ăn ở cực kỳ xa xỉ phong lưu, mắt không trông thấy không thể nào tưởng tượng được. Bao nhiêu sự giàu có đó chỉ bởi ruộng đất tốt mà thôi, không phải bởi tay người sảo hoạt mà làm nên. Vì thường những người giàu dữ như thế không phải có tiếng là thông minh trí thức gì; nhiều người lại ngu ngốc mà nổi danh! Thế mà giàu được như vậy, chỉ vì có vườn ruộng to, mỗi năm chỉ ngồi đấy mà thu bạc của các nhà lĩnh canh (trong ấy gọi là tá điền) đem nộp mà thôi, không cần phải khó nhọc chút gì. Ấy cái đất Nam Kỳ nó hậu đãi người ta như vậy. Không khó nhọc gì mà được như vậy, nếu ra công ráng sức mà khai khẩn thì còn hoạch lợi đến đâu. Các quan sở tại ta gần dân và hiểu rõ dân tình, xét ra nơi nào dân có chí làm ăn mà thường bị nghèo khổ, nên giảng giải những điều ấy cho họ nghe, tất nhiều người nghe mà sinh ra cái hứng muốn đi thực dân xứ Nam Kỳ, thật là giúp cho việc kinh tế trong nước nhiều lắm.
Số đất ở Nam Kỳ đã cầy cấy thành ruộng rồi là một triệu 25 vạn mẫu tây (hectares); mỗi mẫu tây là ngót ba mẫu ta thì thành ra cả thẩy là 350 vạn mẫu ta, mỗi năm sinh sản được 1 triệu 70 vạn
tấn (tonnes) gạo, xuất cảng được 96 vạn 5 ngàn tấn, đáng giá là 116
triệu quan tiền tây. Cái số đất hiện hãy còn bỏ hoang mà nếu có người
làm có thể biến thành đất thuộc được, cũng ước chừng đến bấy nhiêu, nghĩa là mỗi một năm xứ Nam Kỳ bỏ hoài đi mất ít là hơn một trăm triệu quan tiền tây, tức là bằng cái số quốc trái kỳ thứ tư của Đông dương mới thâu được. Thiệt là uổng quá! Mà trong khi ấy thì dân Bắc Kỳ, Trung kỳ, và chính cả Nam Kỳ nữa, biết bao nhiêu người bị nghèo đói, không có cơm gạo mà ăn, không có công việc mà làm. Phép kinh tế là thế nào?
Là phải khéo san sẻ các nguồn lợi trong nước, cho ai ai cũng được hưởng chung, không thành ra cái hoạn “bần phú bất quân”, một số ít người giàu đến yếm ứ không biết dùng của để làm gì, mà số nhiều thì lầm than cực khổ, suốt năm cất đầu không nổi với cái ma bần. Nay Nhà nước đã quyết chí giúp cho người các xứ vào Nam Kỳ mà sinh cơ lập nghiệp, mở mang cái kho vô tận là mấy trăm ngàn mẫu đất còn đương bỏ hoang đó, người Bắc Kỳ ta nên
hăm hở mà vào thực dân trong ấy cho đông. Không những là các hạng nông
dân nên vào mà làm thuê làm mướn ở các đồn điền, còn dễ kiếm ăn hơn ngoài này nhiều, mà những người giàu có cũng nên vào xin đất Nhà nước mà mở thêm đồn điền, ra công khai khẩn, tức cũng là một cách doanh nghiệp không gì tốt bằng.
Thế giới ngày nay là cái thế giới tranh cạnh nhau về đường kinh tế; nước nào làm ăn giỏi, có nhiều của nhiều tiền là nước ấy được phần hơn, dân nào quen lười biếng, tiền hiếm của ít là dân ấy phải chịu kém. Nước ta nhờ ơn đời trước mở mang, được một cõi đất rộng thênh thang, lại nhờ công người trước đề tạo, từ Nam chí Bắc một giống người, đường kinh tế có nhiều điều tiện lợi hơn người. Ta nên hết sức chăm chỉ mà lợi dụng lấy cái cơ hội tốt đó; nên san sẻ, lấy người chỗ đông đem về nơi vắng, để cho đâu đâu cũng có kẻ làm, không đến nỗi bỏ hoài mất những nguồn lợi to mà Tạo hóa đã dành để cho mình. Đất đai mầu mỡ thật là nơi trường sở lớn cho cái sức hoạt động của người Việt Nam; nghề nghiệp gì cũng được nhiều sự tiện lợi tự nhiên: nông nghiệp thì có đồng rộng đất tốt, lâm nghiệp thì có cây quí rừng to, khoáng nghiệp thì có mỏ nhiều quặng báu; cho đến ngư nghiệp cũng được một rải
bể dài mấy nghìn dặm, sông, lạch, hồ, đầm, không biết bao nhiêu mà kể.
Đến như công nghệ thời nhờ cái tính chất người dân chăm làm khôn khéo, nhờ những nguyên liệu trong nước vừa nhiều vừa đủ mặt, nước ngoài còn thiếu phải mua của mình, nếu có vốn to thì không mấy nỗi mà nhà máy xưởng thợ dựng lên nhan nhản. Coi đó thì biết cái đường kinh tế của dân mình rộng rãi biết dường nào. Đồng bào ta nên chăm về đường đó mới được. Kiếm tiền, làm giàu, đó là cái yếu thuật của đời nay. Nước có giàu dân mới khôn
được, vì nếu có khôn mà không có tiền, cái khôn cũng bị bó buộc mà
không thi thố ra được. Nhưng cái thuật phú quốc phải cần đến những người tài giỏi thông minh, có con mắt sáng suốt, biết trông rộng
nhìn xa, lại có cái chí mạo hiểm biết coi thường những sự may rủi mới
được. Nếu vào tay những người chỉ biết bo bo những sự lợi nhỏ trước mắt
mà không dám vẫy vùng khởi xướng ra những công cuộc lớn, thì chẳng qua là cái cách làm giàu vụn vặt của từng người, chưa gọi được là cái thuật phú quốc vậy. Nhưng hiện nay trong nước mình, bao nhiêu những bậc gọi được là “nhân tài” một nước, phi mơ màng những chuyện hư văn vô ích, thì trì trục trong chốn quan trường náo nhiệt, có đâu là những người biết để bụng về đường phú quốc lợi dân. Ôi! Bao giờ cái mơ mộng làm quan có tiệt được thì cái yếu thuật làm giàu mới thịnh được. Chớ như nay nhiều người còn lẫn nghề làm quan với thuật làm giàu, làm quan để mà làm giàu, thời thật là hiểu ngược cái nghĩa phú quốc vậy. Người ta làm giàu là thâu được tiền của ở ngoài vào trong nước, người mình làm giàu là hút máu lẫn nhau! than thay!…
Trong các cách làm giàu, nghề nông là cái cách dễ hơn và chóng hơn cả. Vì nông nghiệp mạnh nhờ ở thiên thời địa lợi nhiều, mà nhờ ở nhân lực có một phần, nên chắc hơn các nghề khác. Nếu được thời tiết thuận hòa, ruộng đồng mầu mỡ, thì làm giàu có khó chi? Đất Nam Kỳ thật hiệp cách như vậy, quả là chốn tiên cảnh của nhà nông. Chỉ khuyên đồng bào ta nên hết sức mà khai khẩn,hiệp kẻ Nam người Bắc, người đem nhân công, kẻ xuất tư bản, ra công mở mang cho bao nhiêu đất hoang
thành ruộng cả, thật là giúp được một phần to trong cái thuật phú quốc
vậy. Nay xét địa dư xứ Nam Kỳ, miền tây nam là cái miền mình sắp đi chơi đây, tức là nơi nông nghiệp thịnh hơn cả trong Lục tỉnh. Mấy tỉnh sản thóc nhiều là thuộc miền đó; những nơi hoang địa còn nhiều, khai khẩn chưa hết, cũng là thuộc miền đó. Hiện nay có hai cái bãi lớn đất trũng, nước ngập, không cầy cấy gì được, nhưng
nếu đào kênh thoát được nước đi thì không mấy lâu mà thành đất thuộc:
một cái gọi là “bưng” Tháp Mười (Tây gọi là Plaine des Joncs), giáp bốn
tỉnh Mỹ Tho, Tân An, Sa Đéc, Long Xuyên; hai là “bưng” Lang Biên (tức
tây gọi là bãi Cà Mau) giáp mấy tỉnh Rạch Giá, Cần Thơ, Sốc Trăng, Bạc Liêu. Hai cái bãi ấy kể đến mấy mươi ngàn mẫu tây. Hiện đã đào mấy cái kênh lớn cho nước thoát dần đi, như ở bưng Tháp Mười có kênh Tổng đốc Lộc, kênh Tháp Mười (nhất danh là kênh Ba Sao), kênh Lagrange; ở bưng Lang Biên có kênh Ông Yêm, kênh Bảy Núi, kênh Mạc Cang Dung; nhưng còn chưa thấm vào đâu, phải đào sẻ nhiều nữa mới rút được hết nước ở mấy cái vũng lớn ấy. Nhưng lấy người đâu mà làm? Đó là cái vấn đề tối yếu cho nghề nông xứ Nam Kỳ vậy. Muốn giải quyết cái vấn đề ấy, phi đặt cách tiện lợi cho người xứ Bắc vào thực dân rất nhiều, thì không xong được. Trên Chánh phủ hết sức kinh lý, dưới quốc dân ra công cổ động, có thể mong rằng cái cuộc “Nam tiến” như trên kia đã nói sẽ nối tiếp mãi mà không đến nỗi đứt khúc như trong khoảng một nửa thế kỷ vừa rồi: thật là may cho hậu vận nước nhà lắm lắm.
Nam Kỳ chia ra ba miền thật khác nhau:
Miền Đông giáp Trung kỳ Cao Man, còn rớt những rừng núi của hai xứ ấy lan sang, phần nhiều là đất cao nguyên, không cầy cấy gì được, trừ tỉnh Chợ Lớn ở dưới, còn thường chỉ trồng cao xu, trồng cà phê mà thôi. Miền này có sáu tỉnh: Bà Rịa, số dân 56.756 người; Biên Hòa, 105.605 người; Thủ Dầu Một, 110.616 người; Tây Ninh, 67.085 người; Gia Định, 252.521 người; Chợ Lớn, 194.998 người.
Miền Trung ương đã là đất đồng bằng, nhưng khai thác đã lâu, cầy cấy đã nhiều, sức đất không được tốt lắm nữa, đại khái cũng
sàn sàn như đất Bắc Kỳ; nhưng người dân trong miền này có tiếng là văn
vật nhất ở Lục tỉnh. Chắc hồi xưa người đường ngoài vào thực dân ở đây,
bắt đầu mở mang miền này trước, vì ở ngay vào giữa đất Lục châu, tiện đường giao thông, các tỉnh thành làng xóm hình như tụ họp ngay hai bên bờ sông Tiền Giang Hậu Giang, không có nhiều rừng núi như miền trên, mà cũng không có lắm đất hoang như vùng dưới. Nhân vật thì nhiều hơn hai phần kia, vì đã từng chịu cái văn hóa cũ sâu. Tỉnh Gò Công là quê quan phò mã Võ Tánh tuẫn tử ở thành Bình Định cùng với quan thượng thư Ngô Tòng Châu, có văn tế nôm còn truyền lại, là nơi có tiếng thanh lịch nhất trong Lục châu. Miền này có sáu tỉnh, toàn là những nơi trù mật cả:Tân An, số dân 85.123 người;Gò Công, 88.162 người
(nay là một phân tỉnh thuộc tỉnh Mỹ Tho); Mỹ Tho, 267.321 người; Bến
Tre, 256.816 người; Trà Vinh, 185.164 người; Vĩnh Long, 131.671 người; Sa Đéc, 173.812 người (nay là phân tỉnh thuộc tỉnh Vĩnh Long).
Miền Tây mới thật là miền mới khai thác; đồng rộng mênh mông, đất hoang vô số, tỉnh thành làng xóm phần nhiều là mới dựng lập gần đây, mà nhiều nơi đã giàu có thịnh vượng đệ nhất trong Lục châu. Cái tương lai đất Nam Kỳ là trông mong vào miền này nhiều. Văn vật thì chửa có gì, vì lịch sử trước sau không đầy năm mươi năm. Công khai thácphần nhiều tự Nhà nước Đại Pháp, Triều đình ta trước kia chưa kinh doanh tới. Nên dân có giàu mà chưa từng có cái gốc văn hóa cũ, thường còn mộc mạc hủ lậu lắm, nhất là trong bọn phú hào. Cái cách húng của vô lý của mấy bác điền chủ Bạc Liêu đã truyền thành câu chuyện mĩ đàm trong khắp Lục tỉnh. Miền này chia làm bảy tỉnh: Bạc Liêu, dân số 115.708 người; Sốc Trăng, 135.328 người; Cần Thơ, 214.700 người; Rạch Giá, 89.195 người;Long Xuyên, 142.200 người; Châu Đốc, 145.249 người; Hà Tiên, 12.504 người (nay là phân tỉnh thuộc về Châu Đốc)(1). Tổng cộng cả Nam Kỳ có 20 hàng tỉnh, dân số là 3 triệu 6 vạn 2 ngàn 5 trăm người. Các tỉnh thành lớn thì có: Sài Gòn là thủ đô xứ Nam Kỳ, dân số 6 vạn 5 nghìn người; – Chợ Lớn, là nơi đô hội thứ nhì ở Lục tỉnh, mà dân số nhiều hơn Sài Gòn gấp ba, cộng 19 vạn 1 nghìn 6 trăm 30 người, ngót nửa là dân khách và dân minh hương; – rồi kế đến Mỹ Tho là nơi đô hội thứ ba, chưa đặtlàm thành phố tự trị; – Cần Thơ là tỉnh thành lớn nhất về miền Tây, người ta thường gọi là thủ đô của miền Tây (la capitale de l Ouest), cũng chưa đặt ra thành phố tự trị mà coi cái cơ phát đạt sau này còn to lớn lắm.
Đất Nam Kỳ là đất đồng bằng, núi cao rừng rậm cùng những nơi thắng cảnh thiên nhiên sánh với Bắc Kỳ, Trung kỳ không có gì mấy. Duy có hai giải tràng giang, như hai cái tay của sông Mê Kông vươn ra mà bao bọc lấy một vùng đất mầu mỡ tốt tươi nhất trong hoàn cầu. Người ta thường nói: “Đất Nam Kỳ là sản nhi của sông Mê Kông”. Mà thiệt thế. Nhờ có sông Mê Kông đào đất tự trên cao nguyên Tây Tạng (Tibet), chảy qua mấy nghìn dặm mang tới đây, đời ấy sang đời khác, phụ đắp mãi vào, mới thành ra cái đồng bằng lớn đất Nam Kỳ: cho nên ngày nay hình như sông kia vẫn thương yêu riêng chốn đất này, hai tay dương ra ôm ấp lấy, như người mẹ hiền ãm đứa con quí của mình. Chẳng bù với sông Nhị Hà kia cũng từng ra công ráng sức trong mấy mươi đời tô tạo ra cái đất Bắc Kỳ nọ, mà sao ngày nay đối với con dân như người cha cay nghiệt, mỗi năm đem thủy lạo mà ra tai cho một lần! Hay là vì con dân ngỗ ngược, dám đắp đê mà ngăn sức nước, lấy nhân lực
cự với thiên lực, nên ghét mà làm cực cho cam? Nhưng nghĩ kỹ cũng nên
thương tình mới phải: chúng nó sinh con đẻ cái đã nhiều, ở mãi chật đất, mỗi năm dâng nước lên một lần, biết lánh mình vào đâu? Nên phải ra công đắp đất, ngăn lấy nước lên, để làm cái kế bảo thân mà ngữ cho ruộng nương gia sản khỏi phải ngập lụt, cũng là một kế tự tồn, không thể làm khác được. Không ngờ càng ngăn mà lại càng làm cho cái sức nước mạnh lên, vì tức không thể tràn ra được, lắm khi phá bờ đạp đê mà cuồn cuộn chảy vào đồng như thác như ghềnh, như trăm nghìn con ngựa trắng của vua Hà bá đua nhau rong ruổi trên đống nhà cửa lênh đênh, xác người phiêu rạt! Thảm thay! Ôi! Cái vấn đề trị thủy cho dân xứ Bắc biết bao giờ giải quyết cho xong? Còn chưa giải quyết xong thì người mình còn lắm nỗi cơ cực không sao xiết kể. Cầy bừa mà làm chi, trồng trọt mà làm chi, nếu nhất đán nước dâng lên trôi phăng đi cả, lắm khi người cũng theo của mà đi? Nhân xét về hình thế đất Nam Kỳ mà bàn lan man ra đến bấy nhiêu, thật đã xa lạc đầu bài quá lắm vậy! Mới biết tính trời không sao sửa được, cái tính nghĩ quẩn nghĩ quanh, chiền miên phản phúc của bỉ nhân đây tuy vẫn tự biết mà khi cầm bút viết vẫn không thể tránh được. Tư tưởng con người ta thật như cái lưới trăm dây, đã mắc vào, không sao thoát ra cho khỏi. Mà xét cho cùng, làm người nghĩ lắm mà làm chi! Nếu công việc người ta ở đời là phải sống, thì mệt lòng nhọc trí quyết không phải là cái thuật dưỡng sinh vậy. Tuy vậy mà có người chỉ sống về sự mệt lòng nhọc trí đó thôi, có mệt lòng nhọc trí mới biết rằng mình có thân ở đời, không thì tưởng có cũng như không, thì bảo sao? Vấn đề đó xin để các nhà triết học cứu xét.
Phần V
Nay hẵng trở lại đầu bài mà nói chuyện đi chơi Lục tỉnh. Nghỉ răm ba bữa, người đã thư thái, bèn khởi ra đi. Ngày 9 tháng 9 tây ra xe lửa xuống Mỹ Tho. Muốn đi về mặt Tây nam tất phải do Mỹ Tho. Mỹ Tho ở Nam Kỳ cũng tức như Nam Định ở Bắc Kỳ vậy. Tỉnh thì là một tỉnh trù mật, đông người nhất, và thành phố là một nơi đô hội nhất nhì trong Lục châu. Tự Sài Gòn xuống Mỹ Tho có con đường xe lửa ước 70 cây lô mét, chạy chừng ba giờ đồng hồ. Đường ấy với đường Sài Gòn – Phan Thiết nữa, cả Nam Kỳ chỉ mới có hai đường xe lửa đó mà thôi. Trong này sự giao thông tiện lợi lắm, phần nhiều là bằng đường thủy, sông, lạch, kênh, không biết bao nhiêu mà kể, thử coi trên địa đồ chằng chịt như mắc cửi vậy. Từ tỉnh nọ sang tỉnh kia, từ quận nọ sang quận kia, từ chợ nọ sang chợ kia, đều có đường cái tốt lắm, cây trồng đôi bên, đá đổ phẳng lì, chẳng kém gì đường trong thành phố, chỗ nào qua
sông qua lạch đều có xây cầu xây cống bằng xi-manh cốt sắt
(cimentarmé), xe tay, xe ngựa, xe hơi, đi đi lại lại, dễ dàng lắm. Cho nên không cần đến xe lửa cho lắm. Xe lửa là để đi những dặm dài thôi thẳng, đồng rộng khoảng không, nửa ngày đường mới gặp một cái quán lơ thơ, trăm ngàn thước mới có một nơi tỉnh lỵ nhỏ. Chớ như ở Nam Kỳ này thì dân thôn trù mật, làng xóm liền nhau, đất
đồng bằng cả, đi lại như thường. Trừ mấy tỉnh ở Đông Bắc là đất cao
nguyên, dân cư có ít, đi lại không nhiều, không cần gì phải đặt xe lửa; lại mấy tỉnh Tây Nam hoang địa còn nhiều, nhưng toàn thị là đất thấp đất lầy cả, có đặt cũng không được; còn sự giao thông trong lục tỉnh đường thủy đường bộ đã thừa tiện lợi, không phải cần đến xe lửa lắm như ở Bắc Kỳ và Trung kỳ. Hiện nay Nhà nước đã có dự định đặt mấy đường thêm, nhưng không lấy gì làm khẩn lắm, có cũng được mà không cũng được. Nam Kỳ có ít đường xe lửa như vậy, nên nhà Ga
Sài Gòn coi tầm thường lắm, bé nhỏ lúp xúp, không ra cái phong thể một
nơi công sở. Mỹ Tho thì thật ra cái phong thể một tỉnh lớn; trên bến
dưới thuyền, nhà cửa đông đúc, phố xá rộng rãi. Tỉnh thành ở ngay trên bờ sông Tiền Giang, xe lửa gần đến tỉnh đi men trên bờ sông, trông ra trời nước mênh mông thật rõ cái cảnh tràng giang đại hải. Sông này
tức là sông Mê Kông đây. Nhưng vào đến tỉnh thì giữa sông có cái cù lao
lớn nên trông lòng sông hẹp lại, chỉ bằng sông Nhị Hà trước Hà Nội mà
thôi. Buổi chiều đứng trên nhà lầu trông xuống dưới bến, thuyền bè đậu xan xát, đèn lửa thắp lô nhô, tiếng hát dưới đò, giọng ca trên bến, không gì vui bằng.
Trước khi ra đi, những ngại ngùng rằng không có người quen biết. Tuy vẫn ngâm câu cổ thi để tự lệ, mà không ngờ rằng sự thực được y như lời thơ, khách du lịch được gặp người “tri kỷ”. Người đời thường dạm dùng chữ “tri kỷ” mà cho nó lắm cái nghĩa sai lầm. Nếu người tri kỷ là người biết mình, biết cái bụng mình, biết cái chí mình, biết điều hay điều dở của mình mà vì biết mình nên có lòng yêu chuộng mình, thì bỉ nhân tới Mỹ Tho thật đã gặp người tri kỷ như lòng sở nguyện. Người tri kỷ ấy tên là gì, họ là gì, cái địa vị trong xã hội thế nào, tưởng không cần phải bộc bạch ra làm chi. Ông không ẩn dật mà cũng tức như người ẩn dật, ông tuổi chửa bao nhiêu mà đã mang cái chủ nghĩa chán đời: ông có cầu cạnh gì với đời mà nỡ đem tên họ phô bày cho thiên hạ biết? Chỉ nên biết ông là người có chí mà khổ vì cái chí chưa thành được, ông là người biết nghĩ mà nghĩ quá thành ra buồn nhiều, thường cách xa muôn dặm cảm cái chí của bỉ
nhân, nên một buổi gặp nhau đem lòng quyến luyến, bao nhiêu những điều
nghĩ, những nỗi buồn, những sự mưu toan, những điều mong mỏi, cùng nhau
rãi bày than thở, khi đi thơ thẩn trên bến Tiền Giang, lúc tựa bao lơn mà đàm luận dưới bóng nguyệt tờ mờ. Nhưng nếu chỉ có thế thôi thì chẳng qua là chuyện tri kỷ tầm thường, ai chẳng từng gặp người bạn như vậy, có hề chi mà kỷ thuật làm chi? Tôi cũng nghĩ như thế, nhưng xét kỹ cái chí của hai người cũng hơi có chút quan hệ với xã hội, nên tưởng thuật ra đây cũng không phải là chuyện vô ích. Ông tính trầm mặc, lúc mới giao tiếp coi như lạnh nhạt, nhưng rồi sau mới biết là người chí thành. Ông ưa đọc Nam Phong, mà thích riêng là những bài triết học: cứ coi những câu ông nghi vấn thì đủ biết ông đọc đã kỹ và nghĩ đã thâm. Nhưng ông chủ ý nhất là về những việc quan hệ đến nước nhà; vốn là người hay nghĩ mà lại thường nghĩ tới những chuyện xa xôi, lo cho cái tiền đồ nước mình không biết có được như lòng sở nguyện không. Ông nói: “Tôi thường đọc báo, đã biết cái chí của ông. Chỉ hiềm nhân tài nước mình còn ít lắm, nếu những chủ nghĩa hay có nhiều người tán thành thì lo gì mà nước chẳng chóng tấn bộ như người. Nhưng than ôi! Thời thế này, nhân tâm ấy, còn mong mỏi gì! Tôi kỳ vọng cho ông to lắm, ông ạ. Chưa biết ông tôi đã biết cái chí ông rồi;
nay được gặp mặt lại thêm biết người; cái lòng kỳ vọng trước sau cũng
như vậy. Tuy ông chưa làm nên sự nghiệp gì mà tôi mong mỏi cho ông lắm
lắm, không phải vì ông, vì cái nhân thân ông, nhưng vì một cái mục đích cao xa ông đã biết. Xin ông chớ phụ lòng tôi!” Ôi! Nghe những lời như vậy cầm lòng sao được? Nghe mà không mừng, mà sợ, mà lo, mà tủi, mà thẹn, tưởng mỗi lời
nặng như đá dơi, nghĩ đến mà rùng mình! Người đâu mà quá thâm như vậy,
bỗng dưng trao cho cái gánh nặng không thể kham? Không biết thân này
chẳng qua là một mảnh thư sinh, trả công đèn sách còn chưa rồi, đã đâu dám ra chịu phần trách nhiệm với xã hội. Trước sau chỉ có một chút lòng thành, cũng muốn đem ra làm đại giá với đời, nhưng biết rằng có đắt hay không? Nhưng mà thôi, bạn hiền đã có lòng kỳ vọng cho như vậy, tuy cũng tự biết là quá đáng, mà tổng thị còn là chuyện tương
lai cả, dù phải, dù chăng, dù thua, dù được, xin phó mặc cho cái thần
may rủi. Nay chỉ cam đoan với bạn rằng: xin hết sức hèn tài mọn mà cố
gắng cho khỏi phụ lòng người; mỗi khi làm việc gì, mỗi khi cầm bút viết, xin nhớ rằng ở chốn chân trời nơi góc bể vẫn có một người đương chú ý xem xét mình, mình làm phải tất người trọng, mình làm trái tất người khinh, được người trọng thì dù thất bại cũng cam mà phải người khinh thì dầu đắc thắng cũng hổ. Đã tự miễn tự lệ như vậy, mà không được mỗi ngày một hơn, mà rút cục không thành chuyện gì, thì bấy giờ đành xin cam chịu tiếng hèn với đời. Nhưng mà đã vội lo chi? Đầu còn xanh, tuổi còn trẻ, con đường tương lai còn dài!…
Có lúc bàn chuyện văn chương. Ông nói: “Tôi vẫn biết ông không phải là một nhà văn chương. Cái văn ông không phải là văn chương, theo cái tư tưởng cũ của người mình. Văn không lộ ra ngoài mà ẩn vào trong khó cảm người, người có biết mới cảm được. Dễ cũng vì thế nên ông đối với văn chương không được công bằng. Tôi có đọc cái bài bình phẩm Giấc mộng con của Nguyễn Khắc Hiếu. Ác lắm, ác thiệt! Mới đọc một lượt, tức thay cho Khắc Hiếu. Đọc lại lượt nữa, muốn cố tìm xem có chỗ nào bẻ bác lại được không, nhưng ông khôn quá, ông đã rào trước chắn sau cả. Đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lượt, vẫn tức mà vẫn không thể nói sao, chỉ riêng trách: con người thế mà quá khắc”. Nói đến đấy ông tủm tỉm cười mà lại láy lại: “Ác lắm! ác thiệt!”. – Tôi nghe bấy nhiêu lời, không biết đáp lại làm sao, chỉ dám quyết rằng thủy chung đối với ông Tản Đà không có cái ác tâm gì; những lời bình phẩm đó cũng là xuất ư thành thực cả; nếu có ác thật, thời là cái ác vô tâm mà thôi.
Ấy đó, một lời nói, một câu văn mà cái ảnh hưởng xa như vậy. Đã tự răn mình, lại xin khuyên các nhà làm văn chớ nên lấy việc ngôn luận là sự thường. Lại có lúc, ông ngồi nghĩ giờ lâu, rồi đột nhiên nói: – Tôi thường lo cho ông lắm, ông ạ. – Lo sao? Lo ông ốm. – Ông này lo xa quá. Tôi tuy người yếu, mà không hay tật bệnh. Tôi đi chơi xa như thế này còn chẳng ngại chi, nữa là ở nhà. – Ấy thế mà phải giữ mình lắm mới được, chớ nên làm việc quá cho mệt nhọc…”.
Một người như vậy mà chưa gọi được là tri kỷ thì thật không biết ở đời thế nào mới là người tri kỷ. Ông lo cho tôi, mà tôi cũng lo thay cho ông. Ông là người đa tư, đa lự, đa cảm, đa sầu, bởi ông nghĩ lắm mà cái thể lực ông cũng chẳng hơn gì tôi. Tôi lo rằng ông mắc phải cái bệnh u sầu vậy. Nhưng bệnh này khó chữa biết dường nào! Tôi đương vì ông tìm một phương liệu trị
mà chưa được. Cũng dám xin ông chăm giữ mình mới được. Trong nước được
lắm người biết nghĩ như ông, dù không thi thố việc gì, mà thật là cái
trợ lực vô hình cho những kẻ trì trục trên trường lao động. Tôi được
biết ông thật là một sự hạnh ngộ vậy.
Trước chỉ định qua Mỹ Tho một ngày, rồi đi thẳng về Long Xuyên, nhưng nhân gặp bạn hiền mà du di đến mấy bữa. Ngay hôm đầu, ông muốn cho nếm qua cái thú điền viên ở Nam Kỳ, bèn giắt về chơi vườn(4). Ông có ông cậu làm ruộng và buôn bán ở Chợ Giữa, cách tỉnh thành Mỹ Tho mươi cây lô mét. Chợ Giữa là một làng lớn, có tiếng thanh lịch nhất trong hàng tỉnh. Tự tỉnh về đi “xe kiếng”(5) mất hơn một giờ đồng hồ. Thường gặp chuyến thì đi xe hơi tiện hơn, vì có một đường xe hơi tự tỉnh lên Cay Lậy, qua Chợ Giữa. Không ngờ mà gặp, mong đợi mà sai, cả cái phong thú của đời người là ở sự bất kỳ vậy. Nếu công việc ở đời dự định được như cái học khóa trong nhà trường, việc gì định thế nào tất sẩy ra như thế, thì tưởng đời người không còn thú gì nữa. Nay thế này mà không biết mai thế nào, mỗi ngày một mới, mỗi buổi một lạ, chỉ trong khi du lịch mới có cái thú bất kỳ đó mà thôi. Nhất là người có tính suy nghĩ, đối với người nào, cảnh nào, sự gì, vật gì, thường trong trí đã có cái quan niệm sẵn, khi bước chân ra ngoài thấy sự thực có khi đúng mà lắm khi sai hẳn cái quan niệm của mình, thật không gì vui bằng. Trước khi về Nam Kỳ vẫn an trí rằng đất này chắc không còn đâu cái phong vị cũ nữa; vẫn rắp trong bụng rằng mình vốn con nhà nho mà đã đem mình vào chốn phong trào mới đời nay, trong người hình như có hai cái nhân cách khác nhau, một cái nhân cách cũ, một cái nhân cách mới, khi thường vẫn cố sức điều hòa mà chung đúc làm một, nhưng về đến Nam Kỳ chắc chỉ cần phải biểu lộ cái nhân cách mới, mà cái nhân cách cũ tưởng không nên bày ra cho khỏi mang tiếng hủ lậu với các bạn đồng bang
trong này, đã chịu âu hóa sâu hơn ngoài ta nhiều. Cái thái độ đó tuy ở
nơi tỉnh thành đô hội thì rất là chánh đáng thật, mà về đến chốn điền
viên lắm khi không hợp. Trong này cũng như ngoài ta, chỉ nơi tỉnh thành mới chóng nhiễm cái phong thói mới mà thôi, chốn nhà quê, nhất là ở mấy tỉnh cũ về miền trung ương và miền đông bắc, hiện nay vẫn còn tồn cổ nhiều. Không biết mười năm nữa, hai mươi năm nữa, thì thay đổi đến thế nào, mà hiện bây giờ vẫn còn có nơi giữ được cái phong thể cũ như ngoài mình. Đó thật là một sự mình không ngờ, một sự trái với cái quan niệm sẵn của mình về nhân vật xứ Nam Kỳ. Người Bắc ai là người tin rằng đất Lục tỉnh còn có những bậc lão nho ngâm Đường thi, bàn triết lý, đọc Ẩm băng, sớm giảng kinh truyện cho con cháu, chiều họp nhau dưới đèn mà hùng biện về việc đương thời, ra công bảo tồn lấy cái đạo đức cũ mà duy trì cho nền Hán học xưa? Chắc không ai tin như vậy, tôi cũng không ngờ như vậy, mà về đến Chợ Giữa được gặp mấy bậc trưởng giả ông bạn giới thiệu cho, thật phải chịu rằng mình xét lầm. Có người nói những nhân vật ấy ngày nay cũng không phải là còn nhiều, dễ chỉ có một nơi Chợ Giữa hay là một vài nơi khác nữa còn sót được răm ba người như vậy mà thôi; lượt ấy mất dần đi thì rồi sau này hạng người đó không tìm đâu cho thấy nữa; bọn tân nhân vật mỗi ngày một tiến lên mà tràn khắp cả, mà tính cách bọn tân nhân vật ấy thế nào thì cứ coi ngay ở Sài Gòn là đủ biết. Nếu quả như vậy thì lại là một sự may cho mình lắm nữa, vì tình cờ mà được biết một hạng người sau này tất không còn nữa, đủ làm biểu chứng cho cái tình trạng xã
hội xứ Nam Kỳ hai ba mươi năm về trước. Ở Chợ Giữa một đêm một ngày,
được các cụ có bụng yêu mà tiếp đãi tử tế quá, không biết lấy lời gì mà
tỏ lòng cảm tạ cho xứng. Trông thấy những bậc trưởng giả tuổi cao đức lớn, lấy lễ quốc sĩ mà đãi một kẻ thư sinh bất tài, lắm lúc tự nghĩ lấy làm hổ thẹn vô cùng. Tưởng
giá sinh vào một nước văn minh thì thân này chửa chắc đã làm nổi một
chân bàng thính học sinh trường Đại học, mà sống ở một nước bán khai như
nước mình đã dám tự phụ ra đảm nhiệm một phần ngôn luận trong quốc dân, thật là ngượng thay cho mình tài chưa xứng việc, lại than thay cho nước nhà đương buổi nhu tài mà thiếu kẻ nhân tài xứng đáng! Than ôi! Đã tự biết mình thiếu thốn mà mỗi lần được người ta quá trọng quá yêu lại như nhắc lại sự khuyết điểm của mình, trong lòng thật canh cánh không
được an ủi chút nào, há lại còn dám tự cao tự phụ nữa ru? Khi mới tiếp
mặt, các cụ hơi có ý lấy làm lạ, sau mới nói rằng: “Đọc văn ông, chúng tôi vẫn tưởng ông đến bốn năm mươi tuổi, không ngờ người còn thanh niên như vậy”. Cho hay cũng có cái văn nó làm cho già người đi được, kỳ thay! Đến nhiều nơi khác cũng thường thấy có người trông người mà lấy làm lạ như vậy. Nghĩ kỹ thì tôi thiết tưởng rằng văn tức là lời nói ý nghĩ của người ta, tuy có tùy tính chất người mà khác nhau, nhưng thực là theo cái thời vận chung trong một nước. Nước đương lúc thái bình vô sự thì văn chương tất vui vẻ tươi cười, nhẹ nhàng hớn hở, như người đương buổi thanh xuân, lấy sự đời làm khoái lạc. Nước gặp buổi phân vân đa nạn thì văn chương tất triền miên u uất, thiết thực mà cẩn nghiêm, vì người thường lo đến việc nước, lấy lời văn mà giãi bụng ưu tư. Người mà gặp lúc thảnh thơi, dẫu già cũng trẻ thêm ra được; người mà gặp buổi nhiều việc thì thường để bụng lo nghĩ, dẫu trẻ măng mà cũng ra vẻ chín nục, có khi thổ lộ ra những giọng thiết tha, tưởng như người già sọc. Chắc cái tuổi văn chương cũng có quan hệ ở tính chất, tư tưởng người, nhưng quốc vận thật là có một phần to ở đấy. Cho nên ngày nay những người nào lấy văn chương làm một sự chơi bời, hoặc làm một việc buôn bán thì không nói làm chi, còn ai đã biết để bụng đến việc nước, muốn đem lời quốc văn mà cảnh tỉnh chấn hưng cho nước, thì tất cái giọng phải cẩn nghiêm thiết thực, vì trong lòng thường khắc khoải băn khoăn. Trong bụng “hữu sở tư” thì dẫu trên trán non cũng có lúc thành ngấn trũng được. Già non có ở đâu người?…
Các cụ thấy trẻ tuổi mà không khinh, lại càng khiến cho mình thêm cảm phục cái bụng trưởng giả khoan dung. Trong khi đàm luận thì thật là hết sức vẫy vùng: nào là so sánh dân tình phong tục trong Nam ngoài Bắc, nào là phẩm bình các nhân vật đương thời, khi nói chuyện triết học, lúc bàn việc văn chương. Có điều lạ là tuy người Bắc kẻ Nam, kẻ già người trẻ, mà cái tư tưởng in nhau như một, lời ăn tiếng nói không có gián cách nhau chút nào; lại lạ nhất là tuy giọng Nam giọng Bắc có hơi khác một đôi chút mà nghe ít lâu thật không lấy gì làm khó cả, các cụ nói gì tôi cũng
hiểu mà tôi nói gì các cụ cũng nghe được, dù nói những sự cao xa cũng
vậy. Tôi có ý nhận càng những lời có dùng ít nhiều chữ Hán lại dễ nghe
dễ hiểu hơn là những chỗ thuần nói tiếng nôm, dù các cụ nói cũng vậy, dù
tôi nói cũng vậy. Xét ra thì bởi lẽ như sau này: nói thuần nôm thì tiếng đường trong đường ngoài có chỗ khác nhau, hoặc cùng một vật mà trong gọi một khác ngoài gọi một khác, hoặc cái cách cú có khi không giống nhau, nên lắm lúc nghe hơi ngờ ngợ khi chậm hiểu; nói có chữ thì chữ Hán là chữ công đồng, dẫu đàng trong hay đàng ngoài cũng dùng như vậy, nên nghe hiểu ngay. Ấy đó, chữ nho không những không phải là một mối gián cách kẻ Bắc người Nam, như nhiều người nông nghĩ thường tưởng lầm, mà thiệt là một cách liên hợp người đàng trong đàng ngoài không gì bằng, vì là thứ chữ công đồng chung cho cả nước. Cứ nghiệm ngay chữ Pháp ngày nay thì đủ biết: lấy hai người tây học không biết chữ nho, một người Nam Kỳ một người Bắc Kỳ, nói chuyện với nhau hơi cao một chút, nếu dùng thuần tiếng An Nam lại khó nói khó hiểu hơn là dùng tiếng Pháp, cho nên các bậc đó giao tiếp với nhau, ngoài mấy câu hàn huyên, có nói được tiếng ta bao giờ. Ấy chữ nho đối với quốc dân ta cũng tức như chữ
Pháp đối với hạng tây học đó, không khác gì. Chỉ khác là chữ nho dữ với
tiếng ta còn có cái quan hệ mật thiết hơn là chữ Pháp, vì tiếng ta phần nhiều do ở chữ nho mà ra; lại chỉ khác là các nhà tây
học không nói thông tiếng ta còn có thể mượn tiếng tây mà thay được,
chớ nhất ban quốc dân thì không sao dùng được cái kế đó. Nhưng nghiệt
thay, hiện nay những người biết chữ nho tức là những người thông tiếng
ta, vì có biết chữ nho mới thông tiếng ta được – mỗi ngày một ít dần đi, hết thảy người Nam Kỳ không phải là những bậc lão nho như các cụ Chợ Giữa cả; như vậy thì quốc dân ta, ngoài sự nhật dụng thường đàm, đành không bao giờ có một thứ tiếng, một lối văn riêng hay sao? Đành phải bó tay đợi cho đến ngày chữ Pháp truyền bá khắp trong nước, mà mượn chữ Pháp làm quốc văn hay sao? Mà chữ Pháp có thể truyền bá được khắp trong nước hay không? Có thể mượn làm quốc văn được hay không? Túng sử được nữa có phải là một điều hay, một điều lợi, một sự người mình nên mong mỏi hay không? Đó là mấy cái vấn đề phàm người có bụng với nước nhà phải lưu tâm mà cứu xét và cố giải quyết cho hợp lẽ vậy.
Theo ý kiến các cụ thì nước ta quyết là cần phải giữ Hán học không nên bỏ; thiết tưởng cái ý kiến ấy thật là ý kiến chung của hết thảy mọi người có tri thức trong quốc dân, của hết thảy mọi người có cái trí nghĩ ngay thẳng, không bị những nỗi hiềm kỵ riêng nó làm cho mờ ám con đường chân lý. Các cụ thường khuyến kích con cháu ngoài thì giờ học chữ Pháp nên nghiên cứu thêm chữ Hán, lại thường mua những sách vở cũ như kinh, truyện, sử, tử, mà ngày ngày giảng diễn cho con cháu nghe. Ôi! ước gì cái gương tốt đó được nhiều người theo, Ước gì trong khắp Lục tỉnh, trong suốt nước Nam ta, được nhiều những bậc phụ huynh biết cái phép giáo dục phải đường như vậy, khéo điều hòa mới cũ mà giữ được cái nền nếp nhà, thì sự tiến hóa của dân ta sau này chắc được vững vàng chắc chắn mà không đến nỗi lạc lối sai đường vậy.
Được như vậy, thì may lắm, may lắm.
Trưởng giả lại là những người rất giàu cái lòng nghĩa vụ, rất trọng những việc công ích. Thường nói: “Cổ nhân đã có câu: Nước nhà thịnh suy, dẫu người sất phu cũng có trách. Thật thế, làm người trong xã hội phải biết trọng việc công ích hơn sự tư lợi; nếu ai ai cũng chỉ chăm mối lợi riêng mà bỏ việc ích chung thì xã hội tất có ngày siêu tán; việc công đã đồi nát thì việc riêng còn thịnh sao được. Cho nên nhất cử nhất động phải nên nghĩ đến xã hội, nghĩ đến nước nhà trước. Ích lợi cho xã hội, ích lợi cho nước nhà, tức là ích lợi cho mình vậy. Xã hội có bền, nước nhà có mạnh thì nhân thân mình mới được hưởng cái hạnh phúc lâu dài. Những kẻ chỉ biết ham mê sự cận lợi thật là kẻ vụng suy vậy”. Ôi! Lời lời thâm thiết, thật đáng làm câu cách ngôn trong đạo xử thế vậy.
Người ta thường nói người có tuổi là cái trụ cốt trong xã hội, xã hội nhờ đấy mà được vững bền. Những người có tuổi trong nước mình thường hay mang cái chủ nghĩa chán đời, hoặc tự đặt mình ra ngoài việc đời, mấy người được có cái chí khí cương nghị như mấy bậc trưởng giả trên kia. Ví trong nước được nhiều người như vậy làm trụ cốt cho xã hội, thì phong trào nào mà lay đổ được cái xã
hội mấy nghìn năm này? Tôi được biết các cụ cũng lại là một sự hạnh ngộ
nữa vậy. Được các cụ quá yêu thật lấy làm hân hạnh vô cùng. Không ngờ
mà được gặp, được gặp mặt mà được cả lòng, há chẳng phải là một sự đặc thú trong cuộc du lịch rư? Một ngày một đêm ở Chợ Giữa này, bỉ nhân sẽ lấy làm một sự kỷ niệm không bao giờ quên vậy. Phong cảnh Chợ Giữa cũng lại là cái phong cảnh rất mến người: trên bến dưới thuyền, giữa một tòa Chợ Lớn, chung quanh dãy phố bán hàng, bốn bề thời các ngõ các xóm. Đường rộng thênh thênh như đường cái quan, nhà cửa rộng rãi cao ráo, chẳng khác gì một tỉnh nhỏ ngoài mình. Cứ coi cái cảnh tượng sáng sủa vui vẻ, mĩ miều mà khả ái của một chốn nhà quê đó, thì đủ biết xứ Nam Kỳ giàu có trù mật là dường nào. Ôi! Cũng thì một nhà quê mà sánh với nhà quê này thì nhà quê ngoài mình quê mùa cỏ rả biết bao nhiêu! Mà thật, làm dân xứ Nam Kỳ sướng thật, cầy cấy ít ruộng vườn cũng thừa đủ nuôi thân, không phải khó nhọc, suốt năm vô lo vô lự, nhàn hạ dong chơi, lụt không có, hạn không có, mưa dầm gió bấc cũng không, tiền công trong làng đã nhiều, bổ bán đóng góp không phải chịu, pháp luật Nhà nước đã nghiêm, đàn anh bắt nạt cũng khó lòng, ưu du tuế nguyệt, suốt năm như một ngày, anh áo cánh trắng bong, quần thâm lĩnh bóng, chị kiềng vàng đeo cổ, ô soạn cầm tay; còn cảnh tượng gì vui thú bằng! Cao hơn một bậc nữa thì đến các ông điền chủ lớn, thật là lục địa tiểu thần tiên. Thiết tưởng suốt nước Nam, từ Nam chí Bắc, không có hạng người nào sướng bằng bọn điền chủ lớn ở Nam Kỳ. Giàu hàng ức triệu, sa sỉ thật vô song, cửa nhà như cung điện, trang sức không ai bằng, mà người thường mộc mạc, lo nghĩ chẳng bận lòng; cứ vật chất thượng, thử hỏi trần gian còn gì khoái lạc bằng! Xét về phương diện ấy, đất Nam Kỳ thật là nơi quí địa của cái “vật chất chủ nghĩa” (matérialisme) vậy.
Trở về Mỹ Tho, ông bạn giữ ở thêm vài ba ngày nữa: trong mấy bữa đó, cuộc giao tình lại càng đằm thắm, càng đậm đà, càng thâm thiết, càng thanh cao. Hết chuyện xa đến chuyện gần, hết việc nước đến nỗi lòng, khi đứt, khi nối, khi nói, khi ngừng, có lúc giờ lâu mới cất tiếng mà tưởng càng lẳng lặng lại càng như thấu hiểu mối tâm tình. Có buổi đương trưa nóng nực, ngồi trên lầu cao trông xuống dưới bến, pha chén trà ngon mà đối diện đàm tâm; có lúc đêm khuya gió mát, bắc cái ghế dài ngoài sân gác mà cùng nhau hùng biện cao đàm về văn chương cùng triết lý. Lại buổi chiều kia, trời u ám, gió chiều như giục cơn sầu, cùng nhau thơ thẩn trong vườn hoa, ngay trên bến nước, đương tìm phương giải quyết một nỗi tâm sự gian nan, chợt trông thấy chiếc thuyền thấp thoáng bên kia sông, ngọn đèn lấp ló trong bụi cây um tùm, sực nhớ đến câu Giang phong ngư hỏa đối sầu miên…, mà cái cảnh thê lương như thấu đến cõi lòng…
Cuộc vui nào cũng có lúc chia tay. Vậy thì cuộc tương tri này tưởng đẫy tháng đầy tuần chưa phỉ, cũng phải đến buổi tương biệt vậy. Buổi đó là một buổi sớm mai, còi tàu rúc trên bến nước, giục khách du lịch biệt bạn thâm tình. Trời nước mênh mang, đường xa bát ngát, bỏ chốn quen đi nơi lạ, tấc dạ ngậm ngùi khôn xiết kể. Thôi, vẫn biết đời người là một cuộc lữ hành, đi, đi hoài mà chẳng hay chốn tới là đâu, buổi tới ngày nào; đâu là lạ, đâu là quen, chẳng qua là chiếc quán bên đường làm chốn nghỉ chân một ngày cho khách quan san nghìn dặm. Như vậy thì cái ái tình, cái luyến tình, cái cảm tình, cái thâm tình, phảng phất như hương thơm trước gió, não nùng như tiếng thổi trên cành, biết gởi vào đâu cho chắc chắn? Nếu phải vùi dập trong tâm khảm, không biết chia sẻ cùng ai, thì chẳng là thêm gánh nặng nề cho khách tha hương lắm tá?…
Sáng sớm đánh dây thép cho quan Phủ Bảy Long – Xuyên để báo ngài biết sắp tới. Rồi xuống chiếc “xà lúp” hiện Pluvier của công ti Hỏa Thuyền Nam Kỳ, tự Mỹ Tho đi 7 giờ rưỡi sáng. Tàu chạy hai ngày một chuyến, hành khách không vắng mà cũng không đông, nghe nói bao giờ cũng thường thường như vậy. Tàu coi bộ sạch sẽ bảnh bao, vững vàng xinh xắn, thật là khác những “xà lúp” chạy các sông ngoài ta. Cái cảnh tượng trên tàu cũng khác: hành khách đi thường không đem đồ hành lý nhiều, mỗi người chỉ có cái “va li” con, đàn bà thì cái quả sách bằng gỗ sơn khảm, coi gọn ghẽ lắm, không có những bồ, những bịch, những thúng, những đẫy, ôm đồm sếch mếch, bề bộn ngổn ngang như các hành khách ngoài ta. Coi đó thì đủ biết là những người nhàn hạ đi chơi
bời, không phải là người có công việc tất tả. Đến những hạng buôn bán,
gồng gánh, cất chở các hàng hóa ồn ào rộn rịp như các nơi bến tàu ngoài
ta, thì tịnh không có ai: người Nam Kỳ không cần phải buôn bán, bao nhiêu thương quyền để dành cho chú “Chệt” cả! Cứ coi cái cảnh tượng một chuyến tàu thủy như vậy mà suy biết được cái tình hình một xứ về đường kinh tế, có khi lượng được cả dân tình phong tục xứ ấy nữa. Người biết quan sát thì cái cảnh tượng gì cũng làm một bài học cho mình vậy. Có thế thì sự du lịch mới có ích lợi. Ngó bộ những người hành khách ngồi quanh mình đầy, cũng đủ biết dân Nam Kỳ này không phải là một dân lao động cần cù, nếu có cái đặc tính với dân các xứ khác thì cái đặc tính ấy chắc là tính lười vậy.
Tự Mỹ Tho lên Long Xuyên phải đi ngược sông Tiền Giang (Bassac ou Fleuve antérieur), đi tàu chạy thường vừa mất đầy một ngày, từ sáng sớm đến tối mịt. Vậy suốt một ngày được ngắm phong cảnh sông Mê Kông. Nhưng thật đi trên sông Mê Kông mà không ngờ là sông Mê Kông, lắm khi tưởng ở trong cái kênh cái lạch nào, không mấy lúc có cái cảm giác là ở giữa chốn tràng giang. Vì trong khoảng từ Mỹ Tho lên Châu Đốc, trong sông đầy những cù lao cùng bãi cát, lắm nơi to rộng lắm, từng làng từng tổng ở vừa, đầy những cây cỏ um tùm, chật mất cả lòng sông, nên coi hẹp đi; tàu lại thường chạy len lỏi ở trong kênh trong vàm gần những nơi có dân cư, để đỗ khách đón khách, không mấy khi ra đến mặt ngoài sông, nên không biết sông rộng chừng nào. Cách nửa giờ một giờ, tàu lại đậu vài ba phút, có khi đậu ngoài xa xa, khách lên xuống phải thuê đò ngang để đáp tàu hay là ghé bờ, có khi đậu ngay bên bờ, nhìn vào thì thấy nhà cửa san sát, phố xá đông đảo, thường những cây cối ùm tùm che lấp, đứng ngoài xa trông không rõ. Có khi tưởng tàu đậu ở trước cái bãi bỏ hoang, chỉ trông thấy những cây cỏ xanh dì, nhìn kỹ mới biết là có làng xóm ở trong đám cây đó, và chắc là làng xóm to nên tàu mới dừng như vậy. Coi đó thì biết cây cối trong này sầm uất là dường nào, không phải là những cây cao cỗi lớn như các miền rừng núi, nhưng là những cây cỏ tốt tươi rậm rạp như thi nhau mà mọc, đủ biết chất đất màu mỡ biết bao nhiêu. Lắm khi chiếc tàu như đi ở giữa hai bức tường cây vậy. Mà ở trong đó là có các làng xóm người ở cả, vì những đất ở bờ sông này dễ cầy cấy nên không mấy chỗ bỏ hoang. Chưa khai khẩn đến là phần nhiều những đất ở xa sông lớn, đào kênh thoát nước khó và đi lại giao thông cũng chưa tiện; chớ đất gần sông màu mỡ đệ nhất, tiện lợi có một, thường là những nơi giàu có trù mật cả. Thường trông bên bờ có những nhà ngói nền cao, cửa kính cửa chớp, hàng rào sắt chạy dài, thềm xây ngay trên mặt nước, ngoài đặt cái cầu nhỏ dựng nhà thủy tọa con, lại thấy vài ba cái “thuyền máy” (canots automobiles) để chung quanh; hỏi ra thời là nhà thày cai tổng, cụ điền chủ, hay ông “hội đồng” nào, toàn là những mặt phú hào trong một xứ. Coi những cơ ngơi đó thì đủ biết các bậc chủ nhân ông giàu có là dường nào. Có nơi xây trên bờ sông dài đến mấy trăm thước, trong những nhà, những vườn, những lầu, những gác, nhấp nhô như một cái thành nhỏ, tàu chạy một thôi mới hết, mà toàn là dinh cơ của một người! Thôi, đến sự phong lưu sa sỉ của các bậc giàu có trong này, về đường ăn ở tiêu xài, thì thật không kể sao cho xiết được, mỗi bước như trông thấy cái biểu chứng hiển nhiên vậy.
Mấy nơi tỉnh thành lớn tàu đi qua là Cái Bè, Vĩnh Long, Sa Đéc, đáng lẽ thì lên chơi qua mấy nơi đó rồi mới đến Long Xuyên, nhưng đã có hẹn rồi nên đi thẳng về Long Xuyên trước, định khi trở về hẵng ghé vào. Tàu đến Cái Bè vào 11 giờ, đến Vĩnh Long vào quá trưa và Sa Đéc vào ba bốn giờ chiều, ở ngoài trông vào cũng biết là những nơi đô hội lớn. Còn các nơi khác tàu ghé chỗ răm ba phút, chỗ mươi phút, thì nhiều lắm, không nhớ là những nơi nào. Nói tóm lại thì suốt một ngày ngồi trong tàu mà không mỏi không chán, rất lạ rất vui, tàu chạy dưới sông như cái xe chạy trên phố, tựa hồ như hai bên là cửa nhà phố xá đông đúc cả, chốc chốc lại đỗ một lát, kẻ lên người xuống, coi rất ngoạn mục; lúc nào cũng có cái cảm giác một sự sinh hoạt mạnh mẽ của tạo vật phát hiện ra cây cỏ tốt tươi, đất bùn màu mỡ, đối với sự sinh hoạt êm đềm của người dân hoặc đi lại ung dung trên đường phố không vội không vàng, hoặc đứng ngồi nhàn hạ trong những chốn nhà lầu ủ ê kia xây ngay trên bờ sông dưới bóng mát. Trời thì sáng sủa ấm áp, nước sông lấp loáng, cây cỏ xanh tươi,
người ta hớn hở, thư thả dong chơi, thật là một cảnh rất êm đềm, tựa hồ
như cảnh vật hết sức chiều đãi người ta cho được nhẹn hàng sự sống và
biết hưởng cái thú ở đời. Một cái cảnh như cảnh này không thể nào khiến cho người ta đem lòng “yếm thế” được: tạo vật tươi cười, không lẽ người đời ủ dột. Cảnh này là cái cảnh tối “lạc sinh” vậy. Chừng 7, 8 giờ tối thì tới Long Xuyên. Long Xuyên như chia ra hai tỉnh khác nhau: một bên là chợ có hàng quán phố xá đông, một
bên là tỉnh, có dinh các quan và các công sở. Tàu đến chợ trước, rồi
mới đến tỉnh, cách nhau một thôi đường dài. Quan Phủ đã dặn trước đừng
ghé vào chợ phải đi về xa, đến tỉnh hẵng lên thì tiện hơn. Tôi cũng y lời, đợi cho tàu đỗ ít lâu, rồi quanh lại tỉnh, bấy giờ mới lên bộ. Bên chợ còn đông đúc, kẻ đi người lại, đèn lửa sáng quang, bên tỉnh thì tối mò, vài mươi thước mới có một cây đèn lo ló, không rõ đường đi. Vẫn chắc bụng rằng quan Phủ tiếp được dây thép thế nào cũng cho người ra đón, kẻo mới đến xa lạ khó tìm được nhà. Lên đến bến, nhìn trước nhìn sau chẳng thấy ai cả, phần nhiều hành khách ghé bên chợ hết, chỉ còn một mình với vài người nữa, người ta đi thẳng về nhà, còn mình đứng đấy. Nhận kỹ thật không thấy ai là người ra đón, bèn kêu cái xe bảo kéo về nhà quan Phủ. Té ra quan Phủ cùng cả quí quyến sang chơi bên Cù lao Giềng tự mấy bữa trước, chừng mai mốt mới về. Cái dây thép mình đánh sớm hôm nay tên người nhà có tiếp được mà quan đi vắng không dám dở xem, không biết chuyện gì. Chắc quan Phủ tiếp được thơ đã lâu cũng có ý chờ đợi, nhưng vì mình khó ở chưa đi ngay được, lại khi tới Mỹ Tho lần lữa ở những mấy ngày, nên ngài không biết chừng nào tới mà đợi, thành ra hai bên mới nhật nhau như vậy. Quan Phủ đã vắng nhà, bèn mượn người đưa sang ông quản lý Đại Việt tập chí là ông Nguyễn Văn Cư. Ông cũng đi dự tiệc vắng, đợi ít lâu mới thấy về. Ông tiếp tử tế lắm, nói rằng quan Phủ có nói chuyện mình về chơi, nhưng không rõ ngày nào nên không biết mà ra đón trước, ông lấy làm tiếc lắm. Ông giữ ở chơi ngay nhà ông tức là tòa báo Đại Việt vậy. Bạn đồng nghiệp mà lại là đồng chí, vẫn biết tiếng nhau đã lâu, nay được gặp mặt còn gì vui bằng! Ông nói nếu Phủ đài có đây thì còn vui lắm nữa, vì ngài thật là người tốt bạn và mến khách, nhất là bạn tri thức, khách văn chương thì lại càng quí lắm. Ông cũng là người ôn hậu, chân
thực và giản dị lắm, giao tiếp tự nhiên như thường, không có chút kiểu
sức gì. Hết nỗi hàn huyên đến chuyện chức nghiệp, ông nói chuyện Đại Việt tôi nghe, tôi nói chuyện Nam Phong ông rõ. Càng biết lịch sử nhau, càng rõ sự nghiệp nhau, lại càng hiểu cái chủ nghĩa, cái tôn chỉ thật có một không hai, kẻ Nam người Bắc thật là cùng theo một mục đích chung, tức là thâu nhập các tư tưởng học thuật mới của Thái Tây, duy trì nền đạo đức quốc túy cũ của nước nhà, và thứ nhất là gây dựng lấy một nền quốc văn cho xứng đáng. Các bạn Long Xuyên cũng là chỉ vì một cái mục đích cao đó mà mở ra tập Đại Việt, không phải vị sự doanh lợi gì. Nên các nhà giúp bút vào báo là lấy cái hảo tâm, lấy cái nghĩa vụ mà giúp cả, không phải vị lợi gì, vì báo có tư bản đâu mà cung cấp cho xứng đáng được. Nguyên báo Đại Việt là tự quan Phủ Bảy xướng suất ra, các hội viên hội Khuyến học Long Xuyên tán thành vào, nay làm cơ quan của Hội. Hội xuất tư bản để in mấy số đầu, mong rằng báo phát hành tốt thì chẳng bao lâu cũng có cơ đủ cung sự kinh phí được, không cần phải đợi trợ cấp ở ngoài. Mới xuất bản đã được tới ngót ngàn người mua đồng niên, nhưng phần nhiều còn chưa trả tiền cả, nên việc lý tài của báo còn chưa lấy gì làm dư dụ lắm. Lại thêm các ông soạn báo phần nhiều là những chân làm việc Nhà nước
cả, không kể bận việc quan không chuyên cần được lắm, lại còn có khi
phải đổi đi nơi khác, tòa soạn không thể tổ chức cho vững vàng nhất định
được. Đó cũng là một cái nhược điểm cho tiền đồ báo Đại Việt vậy. Hiện
mấy người chủ trương trong báo thì có quan Phủ Bảy, chuyên về khoa chánh
trị, ông Nguyễn Văn Cư chuyên khoa pháp luật lại kiêm quản lý, ông Hồ
Văn Trung chuyên khoa lý tài, ông Đặng Thúc Liên chuyên khoa văn chương. Tuy có tùy tài phân nhiệm cả, bề ngoài thì coi là chỉnh đốn hoàn bị lắm, mà kỳ thực quan Phủ Bảy bận việc quan, ông Trung mới phải đổi về Gia Định, ông Liên thì ở tận Sa Đéc. Duy có ông Cư đã xin thôi việc Nhà nước ra mở một phòng biện sự riêng, là còn chút thì giờ thư thả mà chăm nom về việc báo được. Ông phàn nàn với tôi rằng một mình đương mọi việc, thật là khó nhọc quá. Ông thấy tôi ngao du tưởng được nhàn hạ lắm, không biết cái phần việc của tôi cũng chẳng nặng nhọc kém gì ông. Một mình coi việc biên tập, việc xuất bản một tập báo trăm trang, muốn làm cho xứng nghĩa vụ, thiệt
không phải là một việc dung dị tầm thường vậy. Nhưng mà thôi, đã để
mình vào báo giới phải biết rằng nghề này chưa phải là chốn sinh nhai dễ
dàng, phải lấy hết lòng nghĩa vụ mà làm
cho xứng chức, chẳng quản chi những sự nhọc nhằn, đường hơn thiệt. Vả
đã tự phụ ra đương một phần ngôn luận trong quốc dân, đương lúc trong
nước hiếm kẻ nhân tài, dầu nặng nhọc đến đâu mà nỡ bỏ cho đành. Nếu cổ
động được điều hay, truyền bá được lẽ phải, có ích cho nước nhà, có lợi cho xã hội, đó tức là cái thưởng vô hình của bọn mình vậy. Thiết tưởng cái thưởng đó cũng đủ cao quí mà đền cho cái công phu tâm huyết của mình những khi đêm khuya thanh vắng một bóng một đèn, ngồi kỳ khu cặm cụi trước tờ giấy trắng ống mực đen mà đào gan nạo óc để mong đem những lời thiết thực cảnh tỉnh cho bạn đồng bào. Ôi! Cái thiên chức của nhà làm báo, há phải là sự thường rư? Lấy báo làm một kế doanh nghiệp thường thì thật là cái kế cùng, không tài nào thành công được, và cứ tình hình nước mình sớm trưa tất đến phá sản; lấy báo làm một cái nghĩa vụ cao, đủ khiến cho mình hết tài hết sức mà làm cho trọn, đừng quản những sự thiệt thòi khó nhọc, thì thật không có nghề gì cao thượng bằng. Nói tóm lại thì nghề báo bây giờ chưa lấy làm một kế sinh nhai, một đường doanh nghiệp được, phải coi là một cái nghĩa vụ và cần đến những người có bụng có chí hơn là những người có của có tài. Nếu có tài có của mà lại có chí có bụng nữa thì còn gì hay bằng, nhưng có tài mà muốn lợi dụng cái tài ấy để cầu lấy sự phú quí cho mình, có của mà muốn lợi dụng cái của ấy để sinh sôi nẩy nở cho nhiều, thì báo giới quyết không phải là một nơi trường sở tốt cho những người yêu hãnh như vậy.
Tuy vậy, xét tình hình báo Đại Việt như trên kia đã nói thì cũng là một việc nặng nhọc cho ông Nguyễn Văn Cư vậy. Tôi có bàn với ông nếu hợp một được Đại Việt với Nam Phong mà làm một cái tạp chí chung cho cả Nam Bắc thì hay lắm. Ông lấy làm đậm lắm, quan Phủ Bảy cũng ưng như thế và cả hội Khuyến học Long
Xuyên cũng tán thành. Nhưng còn phải đợi cho công việc Đại Việt thanh
thả cả, phải đợi cho sổ sách kết toán đâu vào đấy, rồi mới có thể nghĩ cách thực hành được cái lời bàn ấy. Nếu sớm trưa thành được thì còn gì hay bằng.
Ông Cư giữ ở luôn nhà.
Bữa sau ông giắt đi chơi chợ và dạo quanh trong thành phố, lại giới
thiệu cho quen biết các quan lại trong hàng tỉnh. Tỉnh Long Xuyên này
không có gì lạ cả, sánh với các nơi khác thì cũng là
một tỉnh lỵ nhỏ. Tự bên tỉnh sang bên chợ đi qua cái cầu dài; bên tỉnh
thời tẻ lắm, là chốn làm việc quan và nơi quan lại ở mà thôi, bên Chợ
thì có tấp nập một chút, nhưng sự buôn bán công nghệ cũng chẳng có gì.
Buôn bán thì vào cả tay các Chú đặt phố chung quanh Chợ, công nghệ thì hầu như không có. Tỉnh Long Xuyên này là một tỉnh thuần chuyên nông nghiệp mà thôi. Nghe nói ở Cù Lao Giềng có dệt the dệt lụa, nhưng chừng mới thí nghiệm làm nhỏ, chưa thành công nghệ gì…
Xưa như nhà nho ta cùng học một đạo thánh hiền, cùng theo một đường khoa hoạn,
đã quen biết nhau dễ thành bạn chí thiết. Cái giao tình của các cụ ngày xưa còn thâm thiết biết bao nhiêu! Ngày nay trong bọn tây học cũng vậy: cùng học một đường, cùng ra một trường, cùng thi một lớp, khó gì mà không chóng thân mật được.
Thí như các hàng quan lại ở Long Xuyên, tuy về đường giai cấp quan hàm
có người mới kẻ cũ, kẻ thấp người cao, mà cũng là một bọn tây học, các
ông cũng là do chân các thầy mà ra, các thầy rồi cũng thẳng tới các ông, bấy nhiêu người cùng có một cái gốc giáo dục như nhau, lại là những người bụng dạ tốt cả, thì khó gì mà chẳng coi nhau như anh em một nhà vậy. Cho nên nói rằng bất luận cái giá trị của sự giáo dục thế nào, phàm người ta hễ đã có cái giáo dục giống nhau thì dễ thân cận nhau lắm, như người cùng một nền một gốc mà ra. Xét về phương diện ấy thì dù tây học, dù nho học, đã thành một nền giáo dục phổ thông dễ gây nên đoàn thể nhất trí. Nếu cái giáo dục ấy lại là cái giáo dục chánh đáng, hợp lẽ, phải đường, mà phổ cập được suốt trong quốc dân, thì còn thế lực gì mạnh bằng? Biến hóa được xã hội, chuyển dịch được nhân tâm, dựng được nhà, gây được nước, cũng bởi cái thế lực ấy. Sự giáo dục thật là có cái sức “kết tinh” (puissance cristallisatrice) rất mạnh: lấy những người tính chất rất khác nhau mà hóa hợp lại thành một đoàn thể cố kết được. Nếu biết khéo lợi dụng cái sức đó cho phải đường thì làm gì mà chẳng được. Đó là cứ lý tưởng mà nói, cứ thực sự thì trong một xã hội nhỏ cái gương tốt của người trên cũng mạnh lắm. Như ở Long Xuyên này nghe nói cách giao tế của các quan lại sở dĩ được hồn hậu như thế cũng là bởi cái gương tốt của quan Phủ Bảy một phần vậy. Ngài lấy sự bình đẳng tự do, tình thân ái đôn hậu mà xử với các bằng bối, tất ai ai cũng bắt chước mà xử lẫn nhau theo một cách như vậy. Một người hay thật là một cái nguyên động lực rất quí cho xã hội. – Ấy thanh danh quan Phủ Bảy to rộng như vậy, nay chỉ mong đợi ngài kíp về mà tiếp mặt cho phỉ lòng.
Phủ đài mãi đến chiều bữa sau mới về. Ngài vồn vã ân cần, phàn nàn rằng không có ở nhà bữa mới tới. Ngay lúc mới tiếp đã biết là người đôn hậu, rồi càng quen thân mới càng rõ cái tính tình trí thức khác người. Có lắm người có cái thanh danh quá đáng, khi gặp mặt không được bằng lúc mới biết tên. Quan Phủ đây thì thật là xứng cái tiếng ông quan cần, người bạn tốt, và là một tay nhiệt thành muốn khai hóa cho dân trí nước nhà, mở mang những lợi nguyên trong nước. Ngài cũng là một người giàu cái bụng nghĩa vụ, hạng người đó nước ta hiện còn hiếm lắm. Có giàu cái bụng nghĩa vụ mới biết trọng việc công ích hơn việc tư lợi, biết ra công khởi xướng những công cuộc không ích lợi riêng cho mình mà ích lợi chung cho cả quốc dân xã hội. Một nước như nước ta trăm mối còn phải chỉnh đốn cả, nghìn việc còn phải sắp đặt hết, dân trí chưa khai thông, thế nước còn kém cỏi, người hèn của hiếm, tài mọn được sơ, rất cần phải có những người biết vị nghĩa vụ như vậy. Chớ những kẻ dù tài giỏi khôn khéo đến đâu mà chỉ biết khu khu
một mình, mài miệt trong cuộc danh lợi riêng, đi một bước sợ ngã, làm
một việc sợ thua, coi cái danh dự cỏn con, cái địa vị hẹp hỏi của mình làm trọng hơn là cái vận mệnh trong nước, sự sinh tồn của dân, tưởng nước đổ dân tan mà cái sự lợi lộc riêng của mình còn trọn vẹn cũng chẳng động lòng, những kẻ như vậy thì tài mà làm chi, giỏi mà làm chi, khôn ngoan khéo léo mà làm chi, ngoài cái nhân thân của mình còn có bổ ích cho ai, thật là những nhân tài vô dụng cho nước vậy. Cho nên một nước hơn hay kém, thịnh hay suy, không một bởi nhân tài nhiều hay ít, thực bởi cái bụng nghĩa vụ thấp hay cao vậy.
Cách giao tiếp của Phủ Đài cũng đậm đà mà giản dị, có cái vẻ xuân phong hòa hí vậy. Trong mấy ngày lui tới chuyện trò, thật là vui vẻ vô cùng. Có lúc bàn việc chính trị, có lúc nói chuyện văn chương, có lúc đi coi hát, có lúc đi chơi xe, thiếu gì những câu chuyện hay, lời nói thực, ý kiến lạ, tư tưởng cao. Phủ đài là một nhà quan lại, mà không có cái thiên kiến của bọn quan lại. Phàm nghị luận phán đoán rất là chánh trực công bằng, hợp với lẽ phải và thiết với sự tình. Có lắm cái ý kiến mình suy lý mà nhận ra, ngài kinh nghiệm mà nghĩ tới, không hẹn mà gặp nhau, mới biết rằng phàm tư tưởng mà thành thực thì thế nào cũng đồng ý nhau được. Như thuộc về cái vấn đề giáo dục đàn bà con gái, tôi vẫn thường
nghĩ riêng rằng đàn bà con gái ta không cần phải học chữ Pháp làm gì,
chỉ nên học cho thông quốc văn và thêm một ít chữ Hán cho biết lẽ cương
thường đạo lý là đủ vậy. Vì cái phận sự của đàn ông là phải tiến thủ mà cái phận sự của đàn bà lại là phải bảo tồn. Tiến thủ thì phải ra công thâu nhập lấy những tư tưởng học thuật mới, nên phải biết tiếng nước ngoài mới được; bảo tồn thì chỉ cần gìn giữ lấy cái nền nếp trong gia đình, trong xã hội, hà tất phải học tiếng ngoài chữ ngoài làm gì. Đàn bà mà chịu cái giáo dục của ngoài thì phi thành người hư tất ra người hỏng, đàng nào cũng là sai cái chức vụ thiên nhiên làm vị thần chủ trì trong nhà trong nước. Tôi suy lý mà xét ra như vậy, ngài kinh nghiệm mà cũng kết luận như tôi. Ngài nói: “Tôi nghiệm ra con gái ta học tây khôn ra gì, thường hư hỏng cả, không được mấy người thành tài, mà cho dẫu thành tài nữa cũng không được mấy người trọn đức. Năm nọ tôi có tán thành cho trường trung học con gái Sài Gòn, nay coi cái kết quả tôi lấy làm hối. Con gái tôi, tôi không cho học chữ tây nhiều làm gì. Chỉ cho theo các bà Phước học sơ sơ mà thôi, rồi cho chuyên về nữ công, về gia chánh, cho học thêu, học dệt, học may, và dạy cho biết cái bổn phận đàn bà trong nhà thế nào, thế là đủ”. - Lại thuộc về cái chủ nghĩa “Pháp Việt đề huề”, nhiều người tin rằng người Pháp nước Nam có thể lấy tình thân ái mà xum hiệp làm một nhà, coi nhau như anh em và cùng nhau ra công giúp sức cho nước Nam được tiến bộ. Tôi thiết tưởng rằng cái chủ nghĩa ấy cứ
lý thuyết thì còn gì hay bằng, mà cứ thực sự thì khó lòng mà thành hiêu
được. Một người đối với một người, họa may có cái tình thân ái coi nhau như anh em một nhà chăng. Chớ lấy toàn thể mà nói thì khó lòng cho được như vậy. Người Tây bao giờ cũng giữ bề trên, người Nam bao giờ cũng chịu phần dưới, có bình đẳng đâu mà thiệt lòng thân ái nhau như anh em một nhà được. Về đường giao thiệp, về đường chánh trị, thì chắc bao giờ cũng vẫn lấy sự lễ nhượng, sự khiêm kính mà đãi lẫn nhau. Nhưng mong lấy tình thân ái mà gây thành một nền Pháp – Việt vững bền, thì e còn sớm quá. Quan Phủ cũng nghĩ như tôi, và ngài lấy sự kinh lịch, rộng của ngài mà chứng rằng cái chủ nghĩa ấy quả chưa đến ngày thực hành được. Chắc cũng là một cái mộng tưởng hay, nhưng còn lâu nữa cũng vẫn là cái mộng tưởng vậy.
Phần VI
Ngạch quan lại trong Nam Kỳ khác hẳn ngoài ta. Về ngạch chánh trị đại khái có bốn hạng: dưới là hạng các thầy Thông thầy Phán làm giấy ở chánh phủ trung ương và các tòa bố (tức là tòa sứ) các tỉnh, rồi đến hạng Tri huyện, hạng Tri phủ và hạng Đốc phủ, ba
hạng ấy tuy giai cấp khác nhau mà đều là thay quyền quan chủ tỉnh (tức
là quan công sứ) cai trị một quận (circonscription ou délégation), vì
trong này không có phân biệt đường quan với thuộc quan và không có hạng quan tỉnh. Từ hạng thông phán lên hạng tri
huyện có thi, khóa thi này nghe nói khó lắm, có người nói khó gần bằng
thi quan cai trị Tây. Từ hạng tri huyện lên hạng tri phủ đốc phủ, cứ
thăng lần, không có thi nữa. Cứ lệ thi các quan chủ quận là lấy trong hàng phủ huyện và đốc phủ, không phân biệt hạng nào, nhưng thường thì các ông huyện mới còn phải làm phụ với quan chủ tỉnh ở sở tại, còn các ông chủ quận thì cũng tùy quan hàm cao thấp mà lĩnh quận to hay quận nhỏ. Hiện các quan đốc phủ thường lĩnh quận sở tại ở tỉnh lỵ. Coi đó thì biết trong Nam Kỳ này hàng các thày làm việc với hàng các quan không có cách biệt nhau, tức là một ngạch, trong ấy gọi là “ngạch các quan lại hành chánh an man” (cadre des services civils indigènes). Còn các quan lại về bên tư pháp (service judiciaire), thì tôi không được tường lắm, nghe đâu cũng không có thể thức gì riêng.
Quan Phủ Bảy tuy mới có hàm tri phủ mà được lĩnh quận sở tại ở ngay tỉnh lỵ Long Xuyên; coi đó thì biết quan trên trọng dụng vậy. Ngài có tiếng là ông quan cần cán thanh liêm. Mới đến Long Xuyên được vài ba năm mà đã khởi xướng được nhiều việc công ích. Làm chủ hội Khuyến học Long Xuyên thì ngài mở ra báo Đại Việt tập chí, trên kia đã nói. Tỉnh Long Xuyên là một tỉnh chuyên nông nghiệp, ngài bèn lấy cái thế lực quan phụ mẫu mà khuyến khích người dân nên lập hội để giữ lấy lợi quyền nhà nông và mở mang những đất trong tỉnh hiện còn bỏ hoang nhiều. Ngài đã lập thành một hội “canh điền”, họp cổ phần để khai đất mới. Lại cổ võ lập ra một hội “Nông nghiệp tương tế” theo như hội ở Mỹ Tho. Quốc dân ta tất ai cũng đã nghe nói đến các hội “nông nghiệp tương tế” ở Nam Kỳ và biết rằng nếu các hội ấy thành lập và thịnh hành
được trong suốt cõi thì đồng bào ta trong Lục tỉnh có cái thế thu phục
lại được nhiều lợi quyền về nghề nông, hiện nay lọt vào tay các Chú cả. Nhân đây nói qua về cách tổ chức và sự lợi ích của các hội “tương tế”, để giới thiệu cho nhà nông ngoài Bắc ta cũng bắt
chước mà làm như trong Nam kỳ, nhất là lập ra các hội “nông nghiệp ngân
hàng” (sociétés de crédit agricole), ngoài ta đương cần lắm. Về cái vấn đề đó, trong Đại Việt tập chí đã có mấy bài luận rất tường của ông Hồ Văn Trung, tức là người đã có công giúp vào việc lập hội “tương tế” Long Xuyên nhiều lắm. Lại có bài diễn thuyết của quan Phủ Trần Nguyên Lượng, phó chủ hội “Tương tế” ở Mỹ Tho làm ra để cổ động cho dân Nam kỳ biết cái nghĩa hợp quần về đường nông nghiệp. Bài diễn thuyết ấy nói tường tất và hay lắm, hội Mỹ Tho đã in thành sách, dám khuyên những người lưu ý về việc đó nên đọc cho hiểu rõ. Nay tôi tóm tắt những điều đại lược về các hội “tương tế” và phụ thêm những sự kiến văn trong khi du lịch.
Xứ
Nam kỳ là xứ sống về nghề nông mà giàu về nghề nông. Vậy nghề nông ở
đây thật là nghề căn bản, thật là cái nguồn lợi to nhất trong bản xứ.
Cái nguồn lợi ấy nếu thu hoạch được hết thì người dân còn giàu có biết
bao nhiêu. Nhưng xét ra trong nông nghiệp xứ Nam kỳ có cái hiểm tượng càng ngày càng to, không phá được thì cái nguồn lợi kia không mấy nỗi mà về tay người ngoài mất cả. Cái hiểm tượng
ấy như sau này. Người dân bản xứ chỉ biết làm ruộng lấy thóc mà thôi.
Thóc ấy ăn không tài nào hết, phải làm ra gạo mà bán cho ngoài: dân cũng
chỉ mong có bán được nhiều mới có nhiều tiền tiêu. Nhưng cái công xay thóc bán gạo ấy không bởi người mình mà ở cả tay khách trú. Người mình dẫu giàu đến đâu cũng không có thể nào mà đặt nhà máy lớn xay hàng ngàn tấn thóc một ngày được; lại dù giỏi đến đâu cũng chưa thuộc cách buôn bán với nước ngoài bằng người Khách. Vậy thì về hai đường đó hiện chưa thể thoát li người Khách được; thành ra người mình chỉ biết cầy sâu cuốc bẫm mà làm ra cho nhiều thóc, đến khi hoạch lợi thì người ngoài nó chia cho bao nhiêu là được bấy nhiêu mà thôi. Người Khách thừa thế tha hồ mà ép buộc bọn nhà nông; nhân người mình không hiểu cái tình hình trong thị trường thế giới thế nào, chúng nó tự đặt giá mà mua thóc của người nhà quê, thường bắt bí mua rẻ, mình không bán cho nó cũng không bán cho ai được, thành ra bán mất bán lỗ chỉ những thiệt thòi. Đất của mình, công mình cầy cấy, mà bọn Khách trú làm chủ nhân ông ngồi hưởng lợi. Người Khách vốn hiểu nghĩa hợp quần, có chí đoàn thể, họp nhau thành mấy hội vốn cực to, thế cực lớn, vừa đặt nhà máy xay, vừa thuê tàu bể chở, nghiễm nhiên lũng đoạn cả cái quyền
buôn thóc bán gạo trong Lục châu. Nó liên hợp mạnh như vậy, mình đan
độc từng người địch làm sao cho nổi. Đã bao giờ đến giờ vẫn như vậy. Gần
đây người mình mới tỉnh ngộ, biết mỗi năm của trong nước lọt vào tay người ngoài không biết bao nhiêu ức triệu. Những người tri thức lấy làm sốt ruột, muốn tìm phương lập kế
mà vãn hồi lại. Năm 1912, nhờ có ông quan chủ tỉnh giỏi (tức là quan
Maspero, hiện nay làm quyền Thống đốc Nam kỳ, hồi bấy giờ làm công sứ
tỉnh Mỹ Tho), các nhà điền chủ lớn ở tỉnh Mỹ Tho họp nhau lại thành hội để gìn giữ cho lợi quyền nhà nông; hội ấy đặt tên là “Nông nghiệp tương tế hội”, lập theo cách thức các hội nông nghiệp bên Tây mà châm chước tuỳ tình hình bản xứ. Đó là hội “tương tế” đặt ra trước nhất ở Nam kỳ vậy. Điều lệ của Hội dựng ra, rồi sau các hội khác bắt chước cả. Mục đích Hội là trước họp các điền chủ trong mỗi tỉnh, rồi sau họp cả các tỉnh làm một hội cực lớn để đối lại với bọn khách buôn gạo, tìm cách đặt lấy nhà máy, định lấy giá gạo và bán thẳng cho ngoài, không phải qua tay bọn đó. Cái chương trình ấy to rộng quá, không thể thực hành ngay được một lúc; vậy hẵng bắt đầu lập hội “tương tế” trong từng tỉnh một, thí nghiệm xem cách hành động thế nào, rồi bao giờ tỉnh nào cũng có bấy giờ mới nghĩ liên hợp cả làm một cái tổng cục lớn. Hiện nay thì cái mục đích riêng cho mỗi tỉnh là thứ nhất xây lẫm ở tỉnh lỵ và ở các địa phương để mùa đến các người chủ ruộng đem thóc gởi vào đấy, Hội phân giống tốt giống xấu rồi để đợi xét cái tình hình trong thị trường mà định giá bán, bao giờ có được giá mới chịu bán, các chủ ruộng không đến nỗi phải theo cái giá vô bằng của bọn Khách mà bán đổ bán tháo cho thiệt hại; thứ nhì là triêu cổ phần góp lấy tư bản để làm cái vốn cho vay các nhà chủ ruộng có thóc gởi Hội hay là có ruộng đợ cho Hội, nhân đó lập lấy cái “nông nghiệp ngân hàng” (crédit agricole), để cứu bọn nhà nông khỏi một cái hiểm tượng nữa cũng nguy cấp bằng cái trên. Cái hiểm tượng ấy là cái hiểm tượng bọn Chà và (Tây đen) cho vay, trong Nam kỳ gọi là bọn “xả tri” (tức ngoài ta gọi là “xét ty” = chetty). Bọn Chà cho vay này cũng hại cho người dân bằng bọn “Chệt”
buôn gạo kia, khiến cho có người đã nói rằng: “Dân Nam kỳ có hai cái
họa lớn: là cái họa Chệt và cái họa Chà”. Dân làm ruộng thì ở đâu cũng vậy, suốt năm chỉ trông vào mùa gặt mà tiêu dùng cả năm. Ngộ gặp năm mất mùa, hay là giữa năm túng tiền tiêu thì biết hỏi vào đâu? Tất phải đến khất vay bọn “xả-tri”, bọn đó bắt lãi rất nặng, đã túng thì thế nào chẳng phải vay. Đến hạn trả được thì chớ, không trả được thì lãi phụ vào gốc thành món nợ mới, mỗi ngày
lại một nặng lên. Nhiều người cùng không trả được bị tịch ký mất cả
ruộng đất, lắm khi đến thất nghiệp, cùng vô sở xuất. Ấy cái “họa
Chà” ghê như vậy, chẳng kém gì cái “họa Chệt” trên kia, một cái hại
riêng từng người, một cái hại chung cả xứ, hai cái cùng độc bằng nhau.
Muốn đối với cái “họa Chệt” thì phải đặt nhiều hội “nông nghiệp tương tế” mà giữ lấy cái quyền xay thóc bán gạo; muốn đối với cái “họa Chà” thì phải đặt nhiều những nhà “nông nghiệp ngân hàng” để có tiền mà cho vay nhẹ lãi cho những người làm ruộng túng bấn khỏi phải đặt mình vào móng “con diều hâu đen” (le vautour noir = tức là chỉ bọn Tây đen cho vay). Nhà “nông nghiệp ngân hàng” lại có một sự ích lợi to nữa: là khi nào tiền vốn đã to và thế lực đã lớn đủ làm đảm bảo, có thể đứng lên vay các nhà “băng” những khoản tiền to để cho vay lại các tay điền chủ lớn cho có đủ vốn mà khai khẩn thêm các ruộng đất mới, giúp cho nông nghiệp trong bản xứ được phát đạt. Ấy đại khái cái tôn chỉ của các hội “tương tế” trong Nam kỳ như vậy. Cái phong trào hợp quần khởi lên tự tỉnh Mỹ Tho, rồi các tỉnh khác cũng kế tiếp theo sau. Hiện nay thì mấy tỉnh làm ruộng to hoặc đã lập thành hội rồi, hoặc lục tục đương sắp lập. Hiện tỉnh Châu Đốc, Cần Thơ, Long Xuyên đã lập xong rồi. Ta rất mong rằng trong suốt địa hạt Nam kỳ đâu đâu cũng dựng lên những hội nông như vậy. Rồi có một ngày kia sẽ liên hợp lại thành một tổng cục lớn, thế lực gồm cả toàn hạt, bấy giờ đồng bào ta trong Lục tỉnh sẽ có thể ra tay mà thu phục lại những lợi quyền trong tay bọn Chệt bọn Chà, cái “họa Chà họa Chệt” từ đấy mới có thể tiệt được vậy. Ta rất mong mỏi lắm, xin đồng bào ta đã đi vào con đường tốt nên cố mà tiến mãi lên, thật là may lắm, may lắm.
Ở chơi Long Xuyên mấy ngày, bữa thì đến xem các ông cùng các thày đánh bóng (tennis) trong vườn tòa Bố; bữa thì lại ăn cơm ở nhà thày cai tổng gần đấy, nhà lịch sự lắm, cũng là một tay giàu có trong hàng tỉnh; bữa thì đi coi hát. Bữa ấy quan Phủ rủ đi, nói rằng có bọn con hát hay lắm mới qua Long Xuyên, tối hôm ấy hát tuồng Ô thước. Tôi đã phải thú thật với ngài rằng tôi thật “phàm” lắm, đến nghề diễn kịch ta thì mang nhiên không hiểu gì và không biết thưởng giám gì cả. Quả khi đến coi tuồng thì cử tọa đều nức nở
khen con hát giỏi, mà duy một mình không giải được cái hay ở đâu. Kỳ
thay! Xét kỹ ra thì là bởi mình lấy cái quan niệm về nghề diễn kịch tây
mà xét nghề diễn kịch ta, cho nên sai lạc cả. Diễn kịch ta không phải là
“diễn kịch” (art dramatique) theo nghĩa tây. Diễn kịch ta chỉ là múa và hát mà thôi, người xem cũng chỉ chủ coi cái giáng múa, nghe cái điệu hát mà thôi, không ai chú ý đến cái “kịch” (action dramatique) là cái phần hành động trong bài tuồng. Đến như tuồng tây thì thuần là “kịch” cả, hoặc “bi kịch” là diễn những việc bi ai cảm động, hoặc “hí kịch” là diễn những sự hài hí buồn cười, hoặc “bi hí kịch” là nửa bi và nửa hí, vui có buồn có; còn như
nghề hát, nghề múa lại là hai nghề riêng, không lẫn với nghề diễn kịch.
Cho nên khi xem tuồng tây thì cái tinh thần chú cả vào sự hành động trong bài tuồng, không ai chủ nhìn giáng điệu hay là nghe giọng hát của người làm tuồng, chỉ nhận cái cách người làm tuồng diễn cái việc trong bài tuồng đó có được hệt, có được xứng đáng không, có khéo hình dung được các tình cảnh và phô bày được cái thâm ý của nhà soạn kịch không. Khi xem tuồng ta thì thật khác, phần nhiều chỉ chủ nghe giọng ca điệu hát của bọn con hát mà thôi; cho nên người mình đi xem tuồng thường hay nói đi “xem hát”. Xem hát, hai tiếng thật không đúng quá, hát thì xem làm sao được, nhưng xét đó cũng đủ biết rằng ta thường lẫn tuồng với hát, lấy hát trọng hơn tuồng, đến nỗi hát lấn mất cả tuồng mà đi xem tuồng gọi là đi “xem hát”! Ôi! Cái tư tưởng hàm hồ của người nước Nam, nó phát hiện cả ra lời ăn tiếng nói; bao giờ phá tan được cái màn sương mờ ám nó bao bọc cái trí não người mình? Nay muốn cho nghề diễn kịch nước ta phát đạt được thì phải quyết chí cải cách mới xong, thứ nhất phải phân biệt chốn kịch trường với nhà ca quán và nơi võ đài, cho nghề tuồng, nghề hát, nghề múa, mỗi nghề đứng riêng một cõi, nghề nào giữ cho thuần cái tôn chỉ, cái tinh thần của nghề ấy, không lẫn lộn với nhau, thì mỗi nghề mới phát đạt đến cực điểm được. Nghề hát, nghề múa hẵng không nói làm gì, nay thử xét cái tôn chỉ của nghề tuồng thì đủ biết lối tuồng ở nước ta vì hỗn tạp với hai lối kia mà chưa thành tính cách gì, vẫn còn khuyết hám nhiều lắm. Cái tôn chỉ của sự diễn kịch là thế nào? Thế nào gọi là kịch? Kịch là một cái việc mạnh hơn việc thường trong đời người ta, hoặc là cái kết quả của cả một cuộc đời chung đúc lại một lúc, hoặc là sự ngẫu hợp của hai việc trái ngược nhau bỗng xung đột nhau trong giây phút mà sinh ra cái tình trạng hoặc đáng vui, hoặc đáng buồn, hoặc ghê, hoặc thảm;
nói rút lại là việc phi thường ở trong việc thường mà ra, là cái tia
điện sáng bật ra giữa lúc âm dương điện gặp nhau, cái tia sáng ấy vẫn là
điện mà phải có sự xung đột mới nẩy ra được.Đời người ta cũng có thể ví như cái điện lúc bình thường, khi nào có hai luồng trái nhau chợt đến xung đột thì mới nẩy ra tia sáng, tia sáng ấy tức gọi là cái việc phi thường trong việc thường mà ra, tức gọi là một cái “kịch” vậy. Diễn kịch là lấy những lúc có cái việc phi thường trong một đời người ấy mà diễn tả ra, vụ lấy hiển nhiên như lúc việc đương hành động vậy. Nói phi thường không phải là việc hoang đường quái đản gì đâu; phi thường là sánh với việc thường mà nói, có việc phi thường thì mới thành “kịch” được, đời người
trong lúc bình thường thì đời tôi đây với đời bác láng giềng kia có
khác gì nhau mà thành chuyện. Cô Kiều nếu không gặp gia biến thì sao thành truyện Kiều? Sự gia biến đó tức là sự phi thường, tức là một cái “kịch” vậy. Nhà soạn “kịch” khéo phải diễn thế nào cho cái kịch ấy xuất hiện ra hiển nhiên như thực, hình như chung đúc cả sự sinh hoạt một đời vào trong một lúc đó, khiến cho cái “kịch” ấy nên được kịch liệt, mà người xem phải cảm động. Sự cảm động tức là cái hiệu quả của nghề diễn kịch: bài kịch mà cảm động được người ta nhiều ấy là bài kịch hay. Vì người ta lúc bình thường mấy khi gặp những sự phi thường, có người cả đời không có chuyện gì đáng kỷ niệm; vậy đến nơi kịch trường là muốn cho cái tấm lòng mình phải kích thích, phải lay chuyển, phải cảm động ra một cách khác thường. Cho nên nhà diễn kịch phải diễn cái việc gì tuy kịch liệt khác thường mà cũng là ở trong lẽ thường, khiến cho người coi có thể tưởng tượng rằng việc ấy cũng có ngày xẩy vào mình được, lắm khi nhà diễn kịch khéo thì người xem mê đến nỗi tự coi mình như người hành động trong truyện, như thế thì sự cảm động lại càng sâu và mạnh lắm. Diễn kịch mà đến được bậc ấy là tuyệt khéo vậy.- Nay sánh với nghề diễn kịch ta, còn xa cách biết bao nhiêu! Trong tuồng ta, trừ phần múa phần hát ra, còn thật tuồng thì có gì? Thường thường là một cái việc cũ trong lịch sử dàn diễn ra cho dài, pha thêm những chuyện yêu quái hoang đường thậm là vô vị, khiến cho không biết cái phần cốt yếu là cái “kịch” ở đâu. Không phải rằng những chuyện cũ không đủ tài liệu mà làm thành “kịch”, nhưng người mình không biết tiêu biểu diễn xuất cái “kịch” ấy ra, bỏ những phần vô ích mà chỉ hình dung lấy sự hành động mà thôi, thành ra chuyện vô vị, không phiền tạp thì nhạt nhẽo, còn đủ khiến cho người ta cảm động sao được? Rút lại chỉ có mấy câu ca, mấy câu hát, mấy tiếng thét, mấy tiếng hò, mấy cái giáng điệu quay cuồng uốn éo, đỏ gọng dương vây; còn có cái phong thú gì mà khiến cho người phong nhã say mê, kẻ tài tình cảm động? Than ôi! Diễn kịch thật là một cách giáo dục quốc dân không gì mạnh bằng; tiếc thay người mình xưa nay không biết lợi dụng cho phải đường, để biến thành một nghề đê tiện, làm cái kế sinh nhai của bọn phường chèo con hát!
Nay trong Nam ngoài Bắc đã nhiều người có chí muốn ra công cải cách lại nghề diễn kịch cũ, nhưng chưa thấy xuất hiện được bản kịch nào xuất sắc, mà cũng chưa có phường tuồng đủ tư cách mà diễn cho xứng đáng. Trước tôi có nói ông Điệp Văn Kỳ là con quan Điệp Văn Cương cũng là một tay sành về nghề diễn kịch ở Nam kỳ. Ông đã soạn được mấy bài có đọc tôi nghe hay lắm, nhưng tiếc chưa in thành vở. Chủ ý ông là muốn lợi dụng các lề lối cũ mà châm chước theo phương phép mới, nghĩa là đặt bài tuồng mới mà theo giọng cũ, cho con hát có thể diễn được ngay. Mong rằng
ông sẽ chuyên về nghề đó, chắc là trong kịch giới nước ta sẽ nẩy ra một
cái tia sáng vậy. Chính quan Phủ Bảy ở đây cũng đã từng soạn nhiều bài tuồng mới, có một bài đã in thành vở đề là Vị nước quên nhà ngài soạn
chung với ông Hồ Văn Trung và đã đem ra diễn mấy lần ở Long Xuyên và
Sài Gòn để giúp việc lạc quyên cho Hội Hồng thập tự. Bài ấy đặt theo
thuần lối mới, khi diễn toàn là các ông và các thày đóng vai cả, không phải con hát nghề. Truyện là truyện một thày làm việc Nhà nước tình nguyện sang tùng chinh bên Đại Pháp, vì nước mà quên nhà, bỏ mẹ già cho vợ trẻ, đến khi trở về tuy thành công danh mà mẹ chẳng may đã chết mất. Cách kết cấu đã khéo và hệt như lối tuồng tây.
Trước khi từ biệt các bạn Long Xuyên, nhân bữa chủ nhật, Phủ Đài giắt đi chơi Cần Thơ. Tự Long Xuyên ra Cần Thơ ước 60 cây lô mét, đi bằng xe hơi. Phải cái xe hơi chạy khí chậm, nên đi mất
từ sáng đến ngót trưa mới tới nơi, nhưng chậm cũng vì đỗ ở Ô Môn mất
non một giờ đồng hồ. Ô Môn là một quận lớn, giàu có nhất trong hạt Cần
Thơ, ở vào giữa khoảng đường từ Long Xuyên đến Cần Thơ. Cai trị quận Ô Môn là quan Đốc phủ Nguyễn Đăng Khoa,
người đã có tuổi mà tính vui vẻ lắm. Khi trở về ngài có giữ ăn cơm
chiều, nói chuyện khoái trá lắm. Ngài khi xưa có đi theo quân thứ ở mấy
tỉnh Bắc kỳ và qua khắp cả các tỉnh Trung kỳ, có tài săn bắn ít người
bằng. Hiện chỗ ngài ngồi chơi còn bày la liệt các thứ súng. Ngài chỉ một
cái súng lớn mà nói rằng: “Cái súng này tôi đã từng bắn được mấy chục con hổ ở vùng
Bình Thuận Phú Yên đây”. Rồi ngài kể chuyện một bữa bắn được con hổ to
lớn lạ thường, khi nó vươn mình ra từ đầu đến cuối đuôi có tới sáu thước tây, nó làm kinh hoảng cả một vùng đó, ăn hại không biết bao nhiêu người và súc vật, người dân đã cho là hổ thần, đành chịu không ai bắn nổi. Nhà săn bắn tài thấy những miếng nguy hiểm hay
liều mình. Ngài bèn cùng mấy người đầy tớ giỏi, đem chiếc súng lớn vào
rừng. Quả gặp hổ thần thật. Ngài bắn luôn mấy phát trúng, ngã sóng sượt
ra, người nhà tưởng chết thẳng rồi, có một anh
đánh bạo chạy lại gần; té ra hổ ta còn ngắc ngoải, vươn tay ra nắm lấy
gáy anh chàng! Quan đốc phủ nhanh mắt và nhanh tay sao, bắn liền ngay
một phát vào giữa đầu hổ chết cứng. May sao là may, nếu chậm một giây
phút thì anh đầy tớ kia đi đời. Khi khiêng về hồn vía đâu mất cả, nhưng
phúc đức, khỏi chết.- Quan Đốc phủ nói chuyện vui quá, muốn ngồi nghe mãi không chán. Con đường tự Long Xuyên đến Cần Thơ tốt lắm, giữa đổ đá, hai bên trồng cây, cái xe bon bon chạy giữa, coi phong cảnh rất là ngoạn mục. Vả đại để đường lộ trong Nam kỳ này ở đâu cũng tốt như vậy: chẳng bù với đường Bắc kỳ, thứ nhất là đường Trung kỳ, xe hơi chạy có chỗ tưởng bổng lên đến ngọn núi, có chỗ tưởng sô xuống tận vực sâu!
Cần Thơ có cái vẻ mĩ miều xinh xắn, sạch sẽ phong quang, thật xứng tên làm tỉnh đầu về miền Tây (la capitale de l Ouest). Đường phố thênh thang, cửa nhà san sát, các nhà buôn Tây cũng nhiều hơn các tỉnh khác, có chỗ coi xinh đẹp hơn ở Sài Gòn. Tới Cần Thơ vào thăm ông huyện Võ Văn Thơm, chủ bút An hà nhật báo. Ông người đã đứng tuổi, tính trầm mặc, chuyên trị về kinh tế học. Ông không thích chữ nho, giữ cái thuyết muốn lấy chữ Pháp làm quốc văn. Ông kể cái lẽ sở dĩ làm sao ông không ưa hán tự thì nói rằng thủa nhỏ đã từng học năm năm mà chẳng thấy tấn tới gì, ông kết rằng chữ nho quyết không phải là cái lợi khí cho sự học vấn.
Tôi nói rằng đó có lẽ là bởi cái phép dạy học sai lầm, chớ không phải
lỗi tại chữ nho, ngày nay có cách học giản dị, chỉ một vài năm là thông thông. Xem ra ông không lấy làm tin lắm, nhưng sau
bàn đến mấy chữ tây phải dịch ra tiếng ta thế nào, tìm mãi không được,
lại phải tra trong sách Pháp Hoa tự điển mới xong, thì coi chừng ông cũng rõ rằng tiếng ta bỏ chữ nho không được. Nhưng chủ
nghĩa ông là muốn lấy tiếng Pháp làm quốc văn thì không kể chữ nho mà
đến tiếng ta nữa rồi có cần chi! Nghĩ cũng tiện thật!… Bấy giờ ông đương
bận cất một nhà trường Trung học riêng cho con trai con gái ở Cần Thơ, bao nhiêu kinh phí ông chịu cả, lại sửa soạn đón thày tây và đầm về dạy; trường sẽ có đặt nhà ký túc (pensionnat). Ông đặt tên trường là Collège Võ Văn, không biết nay đã khánh thành chưa.
Ông giữ ăn cơm, chừng hai ba giờ đi dạo chơi các phố, vào thăm nhà in và nhà bán sách của báo An Hà. Ở Cần Thơ mới mở một cửa hàng lớn đề là Galerie de l Ouest, của người Tây người Nam chung vốn lập ra, bán đủ các thức hàng hóa vừa tây vừa
ta: cửa hàng này có cơ phát đạt to. Chợt đi qua nhà chụp ảnh, quan Phủ rủ vào chụp cái ảnh ba người, ngài, ông Cư và tôi, để lưu làm kỷ niệm. Năm giờ chiều lên xe đi về, tới Ô Môn quan đốc phủ Khoa giữ
ăn cơm tối, mãi đến quá chín giờ mới lại lên xe về Long Xuyên. Trời
sáng trăng, xe chạy không nhanh lắm, gió thổi không lộng mà mát, ngồi
trong xe vừa ngắm cảnh bóng trăng chiếu xuống cây cỏ đồng điền, vừa
chuyện trò vui vẻ, thật không cảnh gì thú bằng. Quan Phủ nói: “Mai ông sắp biệt
chúng tôi, tôi mong rằng ông sẽ mang được cái kỷ niệm tốt ở chốn Long
Xuyên cô lậu này. Tôi ước ao rằng cái cảm tình kẻ Bắc người Nam từ nay
trở đi sẽ được mỗi ngày một thân mật thêm ra. Nay ông đã
biết chúng tôi, ông nên cổ động cho cái dây liên lạc nó nối người dân
một giống một nòi, một quê hương, một tiên tổ, ngày được bền chặt thêm lên. Tôi lại sở nguyện một điều: là ước gì các hội “khuyến học” liên
hợp với nhau mà đặt cách thế nào cho mỗi năm ngoài Bắc phái một vài
người vào du lịch trong này như ông bây giờ, trong Nam cũng phái một vài người ra du lịch ngoài Bắc, đi khắp các nơi cho rõ nhân tình phong tục, vì có biết nhau thì mới thương yêu nhau được. Tôi rất mong mỏi lắm!” - Ôi! Lời nói trân trọng thay! Nghe mà biết được người dạ cả trí cao, có cái bụng nhiệt thành với nước. Về phần tôi, tôi xin hết sức vun trồng cho cái tình thân ái kẻ Bắc người Nam ngày
một đặm đà thâm thiết hơn lên. Người trong một nước có thương yêu nhau,
bỏ cái lòng hiềm kỵ riêng mà đồng tâm hiệp lực mưu việc lợi ích chung,
thì nước mới giàu dân mới mạnh được. Nhưng đương lúc còn chưa quen biết,
chưa am hiểu nhau lắm, được những người như quan Phủ Bẩy chủ trương mà
liên lạc cái cảm tình người hai xứ, thì thật là một sự may mắn lắm. Nam
kỳ được nhiều người như ngài, thì thiết tưởng cái cảm tình kia không phải
ai cổ động mà tự khắc nẩy ra vậy. Tôi được biết ngài thật là một sự
danh dự, một sự hân hạnh vô cùng. Không bao giờ tôi quên mấy ngày qua ở cùng ngài và các bạn Long Xuyên.
Sáng sớm hôm sau tôi xuống tàu đi Sa Đéc. Đi Sa Đéc là đi xuôi giở xuống, tự Long Xuyên đi 6 giờ sáng, ước 9 giờ tới nơi. Quan Phủ có đánh dây thép giới thiệu cho ông Đặng Thúc Liên là một nhà văn sĩ có tiếng và một tay trợ bút có công của báo Đại Việt. Không may bữa đó ông Đặng lại về vườn vắng, nên tôi lại thăm không được gặp, lấy làm tiếc lắm. Bữa sau tới Vĩnh Long tiếp được điện ông, phàn nàn về sự nhật nhau và tỏ lòng yêu mến, lại càng khiến cho mình thêm tiếc không được cùng một người đồng chí bàn bạc chuyện trò. Song tuy chưa gặp người mà đã biết tiếng, thường đọc văn ông, biết ông là một nhà nho học súc tích, lại được biết cái cảm tình ông đối với mình, nên trong lòng vẫn ham mộ lắm lắm.
Vào trọ ở nhà “bun ga lâu” (bungalow, tức là nhà khách sạn), để đồ hành lí, rồi đi dạo chơi phố phường. Các tỉnh Nam kỳ có cái rất tiện cho những khách lữ hành qua lại: là tỉnh nào cũng có một nhà khách sạn sắp đặt theo lối tây, có buồng ngủ sạch sẽ, cơm ăn chỉnh đốn, thường là người Tây lĩnh chưng mà quan cai trị chủ tình giám đốc, khách lạ mới đến vào trọ đấy vừa tiện và vừa chắc chắn không quan ngại gì, hơn là vào các hàng cơm khách cơm ta. Ngoài Bắc kỳ ta, ngoài Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, còn các tỉnh tuyệt nhiên không có những nhà khách sạn như vậy, thật là tối bất tiện cho những hành khách vào bậc tử tế, hoặc có công việc gì, hoặc đi chơi mà tới nơi không quen biết ai trong tỉnh. Ở Trung kỳ thì cũng có vài ba tỉnh ở gần đường quan lộ xe hơi thường qua lại, gần đây mới đặt những nhà gọi là “nhà hành khách” (maison des passagers), như ở Đồng Hới (Quảng Bình), nhưng những nhà ấy không những chỉ để riêng cho người Tây ngủ trọ đêm, mà chưa gọi là nhà khách sạn được, thường chỉ có một vài buồng nhỏ và cơm ăn không có. Muốn cho sự giao thông trong xứ được tiện lợi, hành
khách đi lại khỏi phiền nhiễu, nhân đó sự buôn bán trong nước mới lưu
thông và phát đạt được, thì mỗi tỉnh Trung kỳ và Bắc kỳ ít ra cũng phải
đặt một nhà khách sạn có quan kiểm đốc như trong Nam kỳ mới được. Duy có các nhà “bun ga lâu” ở Nam kỳ tính tiền ăn tiền trọ đắt quá, ăn hai bữa cơm, ngủ một đêm, lấy tới năm đồng bạc, nên khách không được đông lắm. Muốn cho thật tiện lợi và được nhiều khách qua lại thì phải đặt giá rẻ lắm mới được. Nhưng trong Nam kỳ này sự ăn dùng vốn đắt đỏ và đường tiêu xài thường phí phao lắm, gắp mấy lần ngoài ta. Tỉnh Sa Đéc ở chạy dài hai bên bờ sông, coi phồn thịnh đông đúc lắm. Nhưng phố xá buôn bán cũng chỉ thuần là người Khách, không có một nhà An Nam nào. Vả không một ở Sa Đéc, tỉnh nào cũng vậy, nơi chợ phố toàn thị là Khách với Chà; lại không những các tỉnh thành, đến chốn nhà quê, có ý nhận phàm nơi nào coi ra hơi
có người ở đông đúc, tất có một vài tiệm Chệt bán đồ ăn và đồ tạp hóa,
lại có khi có một bác Chà bán vải kiêm làm đại biểu cho bọn “Xả tri” ở tỉnh hay ở quận. Coi đó thì biết cái “họa Chệt họa Chà” thâm là dường nào, tới đâu cũng thấy trình bày ra trước mắt như
một sự nguy hiểm rất cần cấp mà người dân Lục tỉnh coi đã quen lấy làm
thường vậy. Hiện nay bọn “Chệt” và bọn “Chà” đã chăng lưới khắp đất Nam
kỳ, dù nơi cùng tịch đến đâu cũng không lọt ra ngoài vòng bọn đó. Người mình làm thế nào mà cắt cho đứt được cái lưới trăm nghìn vạn dây chắc như dây sắt, bền như chão thừng vậy? Ác thay là mình ở trong lưới đó đã quen đi rồi, không muốn thoát li ra ngoài nữa! Cái nô lệ nào mà đã vào trong căn tính thì còn lay làm sao cho chuyển, bạt làm sao cho được? Than thay!
Ở Sa Đéc này thì thật nhiều Khách quá, một dẫy phố dài rặt các Chú bán hàng. Coi cũng vui mắt, nhưng không được vui lòng, vì bởi nghĩ đến sự nguy hiểm mà lòng không yên. Trong các phố ta thì thường trông thấy những nếp nhà nho nhỏ xinh xinh, có thềm mà không có lầu, nửa kiểu tây, nửa kiểu tàu, tĩnh mịch êm đềm, coi có cái vẻ phong thú lắm: chắc là nhà của quan phủ huyện, của thày cai tổng, của cụ điền chủ hay của ông “hội đồng” nào. Nhìn cái dáng nhà đủ biết người trong nhà là những bậc an nhàn vô sự, phú quí phong lưu. Những nếp nhà xinh xinh đó, tức là một cái đặc sắc của các tỉnh Nam kỳ vậy.
Ở Sa Đéc có một ngày một đêm, rồi đi đường bộxuống Vĩnh Long. Sa Đéc cách Vĩnh Long ước chừng 20 cây lô mét, đi xe hơi mất chừng một giờ. QuanPhủ Bảy lại có điện giới thiệu cho quan Đốc phủTươi ở Vĩnh Long. Tới nơi vào thăm quan Đốc phủ, ngài đi thanh tra vắng đến quá trưa mới về, phu nhân tiếp, người phong nhã mà lịch thiệp lắm. Phu nhân giữ nghỉ chơi, đợi quan đốc phủ về. Nhân nói chuyện về báo giới mới biết phu nhân cũng là người có kiến thức lắm. Ngài phàn nàn rằng: “Các nhà báo trong này hay có thói khích bác người ta lắm, thường vị việc riêng nay châm chọc người này, mai chỉ trích người kia. Thiết tưởng làm báo như vậy là sai cái nhiệm vụ nhà báo. Nhà báo phải trọng việc công hơn việc tư, lời bàn phải chánh đáng thì mới đủ làm mực thước cho người, nếu chỉ lấy giọng trào phúng làm hay thì còn có bổ ích gì?” Lời phê phán thật là xác đáng vậy. Phu nhân lại chăm việc lễ bái, hay tu bổ các đền chùa. Hiện ngài đương hưng công dựng một cái miếu Công thần ở gần tỉnh, miếu thờ một vị công thần đời Lê, không rõ danh hiệu là gì, đằng sau phối hưởng những cai đội binh lính người hàng tỉnh đi tùng chinh bên Đại Pháp chẳng may bị tử trận. Miếu cất đã xong, trong vài ba bữa nữa sắp làm lễ khánh thành, phu
nhân cố giữ ở lại xem, nhưng đi chơi đã lâu quá, phải kíp về Sài Gòn để
sửa soạn ra Bắc, nên không thể ở lại cho đến ngày làm lễ được. Phu nhân sai người đưa đi xem miếu và xem các đình chùa trong tỉnh. Tỉnh Vĩnh Long này là một tỉnh cũ, nên sánh với các tỉnh khác còn có một vài nơi cổ tích. Cái khí vị trong tỉnh thành cũng ra cái khí vị cũ, hơi giống như các tỉnh ngoài ta. Đi ra ngoài tỉnh một ít, người ta còn chỉ cái nền thành Vĩnh Long cũ. Tôi có thăm miếu thờ quan Phan Thanh Giản, ngài là người tỉnh này; trong miếu có bức tranh họa hình ngài theo một tấm ảnh ngài chụp cùng với bộ sứ hồi sang sứ bên Paris. Đứng trong miếu, trước hình ảnh ngài mà lại hồi tưởng đến lịch sử quan Phan, ngậm ngùi than thay cho cái tâm sự bồi hồi của một vị đại thần gặp giữa lúc bước nước gian nan. Tỉnh Vĩnh Long lại có một cái Văn Miếu, qui mô cũng phỏng theo các nơi văn miếu ngoài ta mà cách sắp đặt sơ sài lắm: ở gian giữa không có bài vị đức Thánh sư, chỉ treo có một cái tranh hình ông Khổng râu xồm tóc bới của các hiệu Khách thường bán! Than ôi! Phu tử lạc loài đến đây làm gì? Ai la người còn biết cúng tế ngài cho hợp lễ, hợp những lễ phép ngài đã đặt ra, vì sách ngài còn mấy người đọc nữa? Trong miếu có đôi liễn khắc của cụ nguyên Hóc bộ Cao Xuân Dục làm mùa thu năm quí mão, tôi sao được như sau này:
Cả trong miếu còn đôi liễn đó là chút văn chương thừa! Đại để các đình chùa miếu vũ ở đây có cái vẻ bỏ hoang cả, coi như người dân không thường tới lui lễ bái. Nhưng rực rỡ phong quang thời là các “nhà làng”, tức là nơi hội sở của các làng. Có lắm nhà, như “nhà làng” Long hồ ở giữa tỉnh Vĩnh Long, nguy nga như tòa Đốc lý, nhà thị sảnh một tỉnh lớn. Trong “nhà làng” Long Hồ, ngay giữa cửa vào có treo một cái biển lớn sơn đen thếp vàng khắc lời nghị định quan “phó soái” Gourbell khen làng ấy đã biết tỏ hết lòng
trung thành với “tân triều” Đại Pháp. (“tân triều” là tiếng Nam kỳ, tức
là Chánh phủ Pháp đối với “cựu triều” ta) Vẻ vang thay! Quá trưa quan
Đốc phủ mới đi việc quan về. Ngài ân cần tử tế lắm, có tiếng là ông quan
cần cán, tính tình trí thức cũng bình thường. Ngài là người yêu của quan nguyên Toàn quyền Doumer, khi xưa đã từng theo quan làm việc ở Bắc kỳ. Nay nói chuyện ngài vẫn thường tỏ bụng hoài mộ quan Doumer. Trong hàng Đốc phủ Nam kỳ, duy ngài là có phẩm tước của Triều đình: đức Thành Thái có sắc ban cho ngài hàm tổng đốc, phẩm phục huy chương đủ cả. Ngài lĩnh chức đốc phủ sứ Vĩnh Long đã mười năm nay, không từng phải đổi đi nơi nào. Buổi chiều xong việc quan, ngài cho đánh xe ngựa cùng đi dạo chơi trong các phố: nhìn cái cảnh tượng thành Vĩnh Long thật có cái vẻ cũ hơn các tỉnh thành khác như Sa Đéc, Cần Thơ, rõ biết là cái đất đã từng có chút lịch sử. Ngài đưa đến chơi
một ông cụ bà con với ngài, người đã có tuổi: cụ có nho học và đã từng
đi du lịch buôn bán ngoài Bắc kỳ Trung kỳ nhiều, kiến văn
rất rộng, nghị luận rất hay. Ngồi nói chuyện với cụ lâu lắm, cụ nói
nhiều lời xác đáng, nhiều câu dĩnh ngộ. Bàn về cái tính tình người Bắc người Nam cụ phán đoán mấy lời rằng: “Người Bắc có khôn khéo hơn chúng tôi thật, nhưng có cái tính duy kỷ, người nào chỉ biết phận người nấy mà thôi, đối với người ngoài hay biến báo, không được thật thà như người trong này. Tôi đi lại buôn bán với các ông nhiều, tôi đã từng nhận biết. Nhà này thiếu thức hàng này, biết rằng nhà láng giềng có, nhưng không hề mách bảo cho người mua biết bao giờ. Chúng tôi thì không thế: “chúng tôi nhẹ dạ và thật thà hơn các ông. Nhà tôi có vườn bầu vườn bí, nhà láng giềng thiếu cứ việc sang cắt mà ăn; khi khác tôi có cần đến trái gì trong vườn họ tôi cũng cứ việc sang mà bứt lấy, tự nhiên như vậy, không ai quan tâm gì về sự đó. Cái bụng ”của anh của tôi”
nó không có cách biệt nhau lắm như ngoài các ông. Chúng tôi được cái
tính đó hơn người Bắc”. Trưởng giả kinh lịch đã nhiều, phán đoán như vậy, tôi cũng xin vâng, không biết đáp lại thế nào. Có lẽ người Bắc cũng có cái lòng duy kỷ mạnh hơn người Nam thật: đã khôn khéo thì hay biến báo, đã biến báo thì biết suy hơn suy thiệt, đã suy hơn suy thiệt lắm thì chỉ biết vị lợi mình mà cái bụng “của anh của tôi” tất thịnh hành; bấy nhiêu cái đặc tính nó liên tiếp nhau mà làm nhân quả cho nhau vậy. Trưa hôm sau từ biệt quan đốc phủ cùng phu nhân và xuống tàu
về Mỹ Tho. Ông bạn lại giữ ở vài ngày nữa, rồi nghe tin sắp có chuyến
tàu ra Bắc bèn vội lên Sài Gòn. TớiSài Gòn mới biết rõ rằng có chiếc
Dumbéa sắp đi, nhưng không ghé vào Bắc kỳ. Vậy lại phải đợi mươi hôm nữa
mới có chuyến khác. Trong những ngày đợi tàu đó nóng ruột lắm, nghĩ đến công việc bề bộn ở nhà mà chỉ vội muốn ra cho chóng. Đã quyết định trở về thì cuộc du lịch tất một thú, lại chỉ những ngóng đợi tàu, không còn có cái hứng muốn đi đâu nữa. Vả ở Sài Gòn đến hai ba tuần lễ thì cũng đã chán lắm rồi; đất Sài Gòn không có cái phong thú gì, chỉ là chốn mài miệt ăn chơi, tiêu xài lãng phí, vốn không phải là sự sở thích của mình.
Một hôm ông Diệp Văn Kỳ lại chỗ trọ, rủ đi xe hơi lên chơi đồn điền cao su của quan Diệp Văn Cương ở trên Biên Hòa. Lúc ra đi đã về chiều, lên đến nơi thì trời tối cũng không xem được gì, nhưng khi đi đường được biết cái phong cảnh miền cao nguyên ở Nam kỳ. Phong cảnh này thật là khác cái phong cảnh mấy tỉnh Tây Nam mình vừa đi qua mới rồi. Đất đây cao và khô, toàn là đất gò đất núi cả, lắm chỗ đường xe đi sẻ ngang vào giữa khoảng rừng cỏ bãi hoang, cảnh tượng cũng đìu hiu tịch mịch như lắm nơi ở Trung kỳ. Vả đất này mới là đất cao nguyên, chưa phải là đất núi: núi thì còn xa lên trên nữa, vào vùng Mọi ở. Đất này chỉ ưa trồng cao su mà thôi. Có nhiều cái đồn điền rộng lắm, phần nhiều là của người Tây cả; vả gần khắp tỉnh Biên Hòa toàn thị là đồn điền cao su hết, ruộng lúa thì không có mấy và khô khan cầy cấy khó lắm. Miền Tây Nam coi ra phong đăng trù mật bao nhiêu thì miền Đông Bắc này coi lơ thơ xơ xác bấy nhiêu. Dân nghèo, người ít, đất rắn, cây cằn, ít những nơi đô hội lớn, thưa những chốn làng xóm to. Quan lại mà bổ vào những châu quận đây chắc không được tốt bổng bằng miền dưới, tức cũng như quan lại ngoài ta phải bổ lên Trung du Thượng du mà không được ở vùng Nam Thái vậy. Nhân tình ở đâu cũng là nhân tình, mà quan trường xứ Nam kỳ chẳng khác gì quan trường xứ Bắc. Ôi! tiếng tham nhũng ở đâu cũng đã thành cái thanh danh riêng của bọn quan lại vậy. Tựu trung có người tốt, mà cả đoàn đã mang tiếng với quốc dân lâu lắm vậy. Tiếng
ấy, quan lại ta có mong bao giờ rửa cho sạch không? Theo ý ông Diệp Văn
Kỳ thì khó lòng mà rửa cho sạch được: ông đối với sự hành động của bọn đó, vốn có cái ác cảm riêng, thường thổ lộ ra lời nói câu chuyện.
Còn phải đợi một tuần lễ nữa mới có chuyến tàu lớn bên Tây sang, đáp vào đây, rồi đi ra Bắc. Làm gì cho qua thì giờ bây giờ? Ngày ngày bèn đi dạo chơi khắp trong các phố phường, khi ở Sài Gòn, khi về Chợ Lớn. Sài Gòn thì đã nghiễm nhiên thành một tỉnh tây rồi. Ngoài các phố tây với mấy phố khách, hàng buôn bán An Nam
ít lắm. Những nghề người mình hay làm nhất là nghề chưng khách sạn – mà
khách sạn cũng là chỉ có buồng ngủ thôi,không có cơm ăn -, nghề húi
tóc, nghề chụp ảnh, nghề chữa máy và cho thuê xe đạp, nghề
thợ kim hoàn, v.v., toàn thị là những nghề nhỏ mọn tầm thường cả. Ở
đường Catinat là đường lớn nhất ở Sài Gòn, có được mươi lăm tiệm bán
hàng Bắc kỳ: đồ thêu, đồ khảm, đồ đồng, đồ the lụa, v.v. Tiệm lớn nhất là tiệm của ông Đào Huống Mai, là nhà mĩ nghệ có tiếng ở Hà Nội ta. Đại biểu cho ông ở Sài Gòn là ông Nguyễn Đắc làm phán sự ở tòa Điện báo. Người Bắc ta ở Sài Gòn
kể cũng lơ thơ chẳng có mấy, và chưa lập thành đoàn thể gì cả. Tôi có
bàn với mấy ông rằng ngày nay Nam Bắc giao thông có lẽ mỗi ngày một
nhiều hơn trước, các ông nên họp thành một hội thân ái gồm cả các người Bắc kỳ ở Nam kỳ, rồi tìm cách đặt lấy một nhà hội quán tại Sài Gòn, trước là để làm nơi cho anh em đồng xứ mình tới lui mà chuyện trò cho vui, sau là làm một chốn công sở để tìm phương đặt kế giúp cho người Bắc vào trong này doanh nghiệp làm ăn. Nói rằng cổ động cho dân Bắc kỳ vào Nam kỳ mà sinh cơ lập nghiệp thì vẫn hay lắm, vẫn phải lắm, nhưng những người vào tới nơi bỡ ngỡ chưa biết đâu vào đâu, chưa biết cách làm ăn ra làm sao, mà không có người cũ khuyên bảo chỉ dẫn cho, thì khó lòng mà tháo vát cho xong. Nếu có một nhà hội như vậy thì người mới đến ở trên tàu xuống đến ngay nhà hội hỏi han các cách, tiện lợi biết bao nhiêu. Hội lại sẽ có những đại biểu ở Lục tỉnh báo cáo về cho Hội biết cái tình hình về nông nghiệp thương nghiệp các nơi thế nào, cùng là chỗ nào làm nghề gì tiện, chỗ nào đất
khai khẩn tốt, hoặc có người hỏi đến thì Hội chỉ bảo cho, chẳng là giúp
đỡ được nhau lắm ru? Ấy là tôi phác họa ra như vậy, xin các ông chú ý
xét xem có thể thực hành được cái việc công ích ấy không. Chiều chiều thường về chơi Chợ Lớn, đi xe lửa không đầy nửa giờ. Cái cảnh tượng Chợ Lớn thật là sầm uất phồn thịnh có một; nhưng nghiễm nhiên là một tỉnh Tàu! Tối đến đèn điện sáng choang,
hàng bày la liệt, đồ tây đồ tàu, đồ ăn đồ uống, tiếng đánh “toan” xì
xồ, tiếng thanh la ánh ỏi, tiếng “hầu sáng” gọi đồ ăn, tiếng hàng rong rao thức bán, ồn ào rộn rịp, tấp nập linh đình, mỗi tối trông thấy cái cảnh tượng ấy không thể không khen thay cho giống Khách có cái sức sinh hoạt lạ lùng, đi trú ngụ ở đất người mà lập thành hẳn một tỉnh riêng của mình, đoạt người bản xứ ra ngoài cái vòng quyền lợi mình! Than ôi! Đất khách quê nhà, quê nhà mà sao thành đất khách? Lợi quyền ở tay mình mà sao để ra tay
người? Ngày nay người Nam kỳ đã tỉnh ngộ, biết hợp quần mà tranh giành
lại với giống Khách về đường nông nghiệp. Nhưng về đường thương nghiệp
thì biết bao giờ cho mình bằng nó? Sự khuyết điểm đó mới thật là to và
cái hiểm tượng này mới thật đáng lo vậy. Vì thương nghiệp với công nghệ có cái quan hệ rất mật
thiết với nhau: một xứ tuyệt nhiên không có công nghệ như xứ Nam kỳ,
thế tất là phải dùng đồ ngoại hóa; đã phải dùng đồ ngoại hóa thì thoát li tay bọn Khách sao được? Làm đôi guốc gỗ người mình cũng không làm được, thì trách sao không phải chịu cái quyền áp chế trong sự buôn bán của nó? Tôi thường trông thấy Khách gánh nước, Khách bán củi: còn nghề gì nữa là nó không tranh hết của mình? Hiện nay trong Lục tỉnh mới nhóm lên cái phong trào phản đối Khách: cái phong trào ấy rất là chánh đáng lắm. Nhưng phần nhiều còn là phản đối ở lời nói cả, chưa từng thấy thi thố ra việc làm. Không kể có lắm kẻ lại phản đối sai lầm, cái nên phản đối thì không phản đối mà phản đối ở cái không cần phải phản đối: có kẻ tạ sự ghét người Tàu mà chỉ ghét riêng một thứ chữ tàu là cái văn tự cổ không có quan hệ gì đến việc cạnh tranh về đường buôn bán cả. Thiết tưởng cái cách phản đối ấy chưa đủ cướp lại được lợi quyền ở tay bọn “Chệt” vậy!…
Đợi chán chê mới có tin chiếc Paul Lecat ở Tây sang đã tới Sài Gòn. Chiếc này cũng to gần bằng chiếc Porthos hồi đi vào đây. Thành ra khi đi khi về đều được ghé tàu to cả, không phải đáp những chiếc chạy thơ nhỏ, như chiếc Manche, chiếc Haiphong, đi không được vững vàng và hay say sóng.
Ngày 8 tháng 10 tây, xuống tàu ra Bắc. Thế là xong cuộc du lịch Nam kỳ.
* * *
Đọc Quốc sử có một điều rất đáng hưng khởi trong lòng: là cái công phu lớn lao của tổ tiên ta trong mấy mươi thế kỷ khai thác
được suốt một cõi đất Đông Dương này, khiến cho ngày nay từ giáp ranh
nước Tàu cho đến vũng bể Xiêm La, từ bến sông Mê Kông cho đến bờ bể Đông
Hải, dân An Nam ta thuần là một giống người, cùng một cỗi rễ mà ra, cùng một tiếng nói, cùng một phong tục, cái tính tình tư tưởng cũng không khác gì nhau. Thử hỏi khắp trong thế giới đã có một dân nào thuần nhất như dân ta chưa? Ngót hai mươi triệu người sinh trưởng ở một cõi đất mênh mông, trong hơn hai mươi thế kỷ, đã từng lắm phen sướng khổ cùng nhau, nguy hiểm có nhau, dần dần gây nên một mối quốc hồn tuy lúc bình thường như u ẩn không hiện ra, mà gặp buổi quốc gia đa nạn đột khởi ra những người anh hùng chí sĩ lập nên những sự nghiệp phi thường. Cái quốc hồn ấy, phàm người có tấm lòng khối óc, những khi trông thấy quốc vận suy vi, ai là người chẳng hình như
nghe thấy cái tiếng kêu ai oán như não nùng than khóc ở trong lòng?
Ngày nay có người lấy lẽ chính trị nhất thời, lấy sự gián cách không
đâu, mà phân biệt ra kẻ Nam người Bắc, coi nhau hầu như khác giống khác giòng, không biết rằng dù kẻ Bắc dù người Nam tuy ăn ở xa cách nhau mà trong lòng cùng là mang nặng một tấm quốc hồn như nhau; chỉ vì cái quốc hồn ấy không thường có dịp phát hiện ra nên không ngờ không tưởng vậy. Tôi còn nhớ một ngày ở Long Xuyên có ông Cả một làng gần đấy đến chơi, ông nói: “Tôi thấy trong báo Nam Phong và báo Đại Việt có nói rằng Hoàng thượng ta ở Huế mới có Dụ đặt ngày mồng 2 tháng 5 An Nam là ngày Đức Thế Tổ Cao Hoàng đế lên ngôi làm ngày quốc hội trong địa hạt Trung kỳ. Tôi lấy làm phải lắm, dám xin các ông cổ động để xin Nhà nước Đại Pháp cho phép đặt hội ấy ở cả Bắc kỳ Nam kỳ nữa, vì dân ta nhờ ơn Cao Hoàng nhiều lắm, Ngài đã gồm Nam Bắc làm một nhà mà dựng ra nước Đại Nam ta, nên bao giờ cũng nhớ ơn Ngài mà biết rằng ta là dân một nước”.
- Nếu người An Nam không có một cái mối tinh thần chung thì sao ông Nam kỳ đó lại nói được những lời quí hóa như vậy?
Tôi càng đi du lịch trong Nam kỳ lại càng thấy cái cảm giác rõ ràng rằng người Nam người Bắc thật là con một nhà, nếu biết đồng tâm hiệp lực thì cái tiền đồ của nước Nam ta không thể nào hạn lượng cho được. Tôi xin đốt lửa thắp hương mà cầu nguyện cho cái mối đồng tâm ấy ngày một bền chặt, thật là may cho nước nhà lắm lắm.
Hà Nội, tháng 11 năm 1918 – tháng 1 năm 1919
Chú giải:
1 Bưng, tiếng đường trong là cái bãi ngập nước, không cầy cấy được
2 Diện tích Nam Kỳ: 58.000 cây lô mét; Bắc Kỳ: 103.500 cây lô mét; Trung Kỳ: 65.000 cây lô mét
3 Số người các tỉnh Nam Kỳ đây là chiếu theo trongsách “Đông Dương địa dư” của ông PAUL ALINOT, bản in tại Sài Gòn năm 1916
4 Trong Nam Kỳ, nhà quê gọi là vườn, tiếng nhà quê có ý bỉ và nghĩa như quê mùa. Người Tây ngày nay thường dùng tiếng nhà quê để nói bỉ, là theo nghĩa Nam Kỳ vậy
5 Trong Nam Kỳ có thứ xe kiểu Ấn Độ, Tây gọi là voiture malabare, hình như xe hòm, chung quanh gióng mặt kính, một ngựa hay một lừa kéo; người Nam Kỳ gọi là xe kiếng (kiếng = kính)
Hết
Đây là bài viết rất hấp dẫn, tôi rất thích
Trả lờiXóatôi cũng nghĩ như vậy
Xóa