Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

QUYỀN LỰC [Phần 6]

QUYỀN LỰC
[Phần 6]
 
Chương VII
QUYỀN LỰC CÁCH MẠNG
 
 
    Một hệ thống cổ truyền có thể sụp đổ theo hai cách. Có thể là vì người ta bắt đầu nghi ngờ những tín niệm và tập quán tinh thần vốn là nền tảng của chế độ cũ; trong trường hợp này muốn duy trì mối liên hệ xã hội cần phải sử dụng tới bạo lực, nhưng hệ thống cổ truyền cũng có thể bị sụp đổ vì một tín niệm mới, với những tập quán tinh thần mới, càng ngày càng chi phối tinh thần con thần con người và cuối cùng đủ mạnh để đưa một chính phủ phù hợp với những tin tưởng mới thế chỗ chính phủ nay đã lỗi thời. Trong trường hợp sau này, quyền lực cách mạng mới có những đặc tính khác cả quyền lực cổ truyền và bạo lực. Ta phải công nhận rằng sau khi cách mạng thành công, hệ thống mới sẽ chẳng bao lâu trở thành cổ truyền, và nếu cuộc đấu tranh cách mạng gay gắt, dai dẳng quá, thì thường nó biến thành cuộc đấu tranh bạo lực. Tuy nhiên về phương diện tâm lý những người tin theo một tín niệm mới rất khác với những tên phiêu lưu nhiều tham vọng, và chắc chắn ảnh hưởng của họ quan trọng và lâu dài hơn.
 
    Tôi sẽ chứng tỏ quyền lực của cách mạng qua bốn thí dụ:
1- Thời sơ khai của Thiên chúa giáo.
2- Cuộc Cải Cách
3- Cuộc Cách Mạng Pháp và chủ nghĩa Quốc gia.
4- Cuộc Cách mạng Nga
 
    1 - Thời sơ khai của Thiên Chúa giáo
 
    Ở đây tôi chỉ xét ảnh hưởng của Thiên chúa giáo đối với quyền lực và đối với tổ chức xã hội; tuy nhiên ở một vài chỗ tôi cũng nói tới khía cạnh tín ngưỡng cá nhân.
 
    Thoạt kỳ thủy, Thiên chúa giáo hoàn toàn phi chính trị. Ở thời đại chúng ta những đại diện chính đáng nhất của truyền thống nguyên thủy này là các Christadelphians[1] những kẻ tin ngày tận thế sắp đến và không buồn dấn thân vào chốn bụi trần làm chi nữa. Tuy nhiên thái độ này chỉ còn tồn tại một giáo phái nhỏ; còn đối với một tôn giáo mà số tín đồ càng ngày càng trở nên có uy thế, dĩ nhiên giáo hội phải tìm cách gây ảnh hưởng với nhà nước. Sự bách hại dưới triềuDiocletian[2] chắc chắn đã tăng cường ước muốn trên rất nhiều. Những nguyên động lực thúc đẩy Constantine tòng giáo còn mù mờ nhưng nhất định có liên quan đến chính trị; như vậy rõ ràng giáo hội có ảnh hưởng đến chính trị.
 
    Nói v quyền lực, học thuyết quan trọng nhất của Thiên chúa giáo có thể tóm tắt như sau: “Chúng ta phải vâng lời Chúa hơn những kẻ phàm tục”. Nguyên tắc này hoàn toàn mới mẻ đối với hệ thống chính quyền cũ, chỉ trừ người Do thái. Dĩ nhiên nghĩa vụ tôn giáo đã có từ lâu nhưng chỉ các người Do thái và các tín đồ Thiên chúa giáo mới thấy những nghĩa vụ này không đi liền với những bổn phận đối với Nhà Nước. Những kẻ ngoại đạo sẵn sàng tôn thờ Hoàng đế dẫu rằng họ nhận thấy việc ông vua tự nhận là thần thánh là bậy, không ăn nhập gì với uy linh cao cả. Trái lại đối với những tín đồ Thiên chúa giáo, Thiên chúa là một sự  thực vô cùng trọng đại; họ tin là nếu họ tôn thờ bất cứ ai khác Thiên chúa họ sẽ bị lửa hỏa ngục thiêu đốt đời đời, nên chẳng thà chịu chết chứ không chối đạo.
 
    Các người theo Thiên chúa giáo đã giải thích nguyên tắc này bằng hai cách. Mệnh lệnh Chúa có thể được chuyển đến lương tâm cá nhân hoặc gián tiếp qua trung gian giáo hội. Cho đến nay không có ai ngoài Henry VIII và Hegel cho rằng những mệnh lệnh này có thể được chuyển qua Nhà nước. Ta thấy ngay lời rao giảng này của Thiên chúa giáo đã làm suy yếu Nhà nướcvà cổ võ hoặc là quyền phán đoán riêng tư hay sự phục vụ Giáo hội trên hết mọi sự. Trên lý thuyết lối giải đoán thứ nhất bao hàm tình trạng vô chính phủ; điều thứ hai liên hệ tới quyền bính của Giáo hội và Nhà nước, nhưng giới hạn không phân biệt rõ ràng. Người ta còn nhớ đến câu nói nổi tiếng mà các tín đồ Thiên chúa giáo thường truyền tụng: “Của Caesar hãy trả cho Caesar”. Tuy nhiên đối với tín đồ Thiên chúa giáo, mọi vật thụ tạo đều là của Chúa. Do đó Giáo hội sẽ đưa ra những yêu sách mà Nhà nước khó chấp nhận. Cuộc tranh chấp giữa Giáo hội và Nhà nước chưa bao giờ được giải quyết ổn thỏa trên lý thuyết và cho tới bây giờ vẫn còn dây dưa trong những vấn đề như giáo dục chẳng hạn.
 
    Có lẽ có người cho rằng việc Constantine[3]tòng giáo sẽ mang lại hòa hợp giữa giáo hội và Nhà nước. Nhưng sự thật không phải như vậy. Những hoàng đế Thiên chúa giáo đầu tiên là Arian, và những hoàng đế chính thống ở phương Tây thường ngự trị trong thời gian rất ngắn ngủi, vì những cuộc xâm lăng liên tiếp của rợ Arian Goths và Vandals. Sau đó trong khi các hoàng đế Đông phương thực tình theo đạo Công giáo, Ai Cập theo Nhất thế giáo (monophysire) và phần lớn Tây Á theo Nhị thể phái (Nestorian); những kẻ dị giáo ở những xứ này hoan nghênh các môn đồ của Chúa, và coi họ dễ chịu hơn chính quyền Byzantine[4]. Giáo hội luôn luôn chiếm ưu thế ở những nước Thiên chúa giáo; chỉ có Hồi giáo mới giao cho Nhà nước quyền lực khống chế Giáo hội.
 
    Bản chất cuộc xung đột giữa Giáo hội và đế Quốc Arian vào cuối thế kỷ thứ tư tỏ lộ trong cuộc tranh chấp giữa Nữ hoàng Justina và Tổng giám mục thành Milan, thánh Ambrose vào năm 385. Con trai của Nữ hoàng là Valentinian còn nhỏ, bà là phụ chính. Cả hai đều là người Aryan. Có mặt tại Milan trong Tuần Thánh, người ta thuyết phục rằng một hoàng đế La Mã có thể đòi hành xử công cộng tôn giáo của mình trong các lãnh địa; và bà đề nghị Tổng giám mục nên nhượng bộ bằng cách ngưng sử dụng một nhà thờ hoặc trong thành phố hoặc ở ngoại ô Milan. Nhưng Ambrose có những nguyên tắc xử thế rất khác. Những lâu đài trần thế có thể thuộc về Casear nhưng các giáo đường là nhà Chúa; và trong giáo xứ của ông, với tư cách là kẻ thừa kết hợp pháp của các thánh tông đồ, ông là đầy tớ duy nhất của Thượng đế. Ông tin rằng chỉ những kẻ thật lòng tin Chúa mới được hưởng các đặc quyền vật chất cũng như tinh thần của Thiên chúa giáo. Tâm hồn Ambrose thỏa mãn khi thấy những ý kiến thần học của riêng ông là tiêu chuẩn của sự thật và chính thống. Vị Tổng giám mục từ chối thảo luận hay thỏa hiệp với tay sai của Quỉ vương, rồi khiêm tốn nhưng cương quyết tuyên bố thà ông chết vì đạo chứ không chịu nhượng bộ.
 
    Tuy nhiên ông không cần sợ hãi chi cả. Khi được gọi tới trước Hội đồng, theo sau ông là đám đông những kẻ ủng hộ nổi giận phừng phừng đe dọa sẽ xâm nhập lâu đài, và có lẽ sẽ giết cả hai mẹ con bà. Những kẻ đánh thuê gốc Gothique dầu cho có dòng máu Aryan trong người, e ngại xâm phạm đến một người thánh thiện như vậy. Nữ hoàng phải nhượng bộ mới mong tránh khỏi một cuộc cách mạng. Tuy vậy bà mẹ của Valentinian không bao giờ có thể tha thứ chiến thắng của Ambrose; và nhà vua trẻ tuổi đã phải lên tiếng than thở rằng những kẻ phò tá ông đã đẩy ông vào tay một tu sĩ hỗn xược.
 
    Trong năm kế tiếp ([năm] 386), Nữ hoàng lại cố gắng lần nữa. Bà cho công bố bản án lưu đày ông. Nhưng ông trốn trong nhà thờ Chính tòa nơi các tín đồ che chở ông ngày đêm. Ông bắt mọi người cầu nguyện to tiếng để có thể luôn luôn giữ được tỉnh táo. Ông làm nhiều phép lạ và cuối cùng “Vua nước Ý phải bó tay trước con yêu của Trời”.
 
    Những cuộc tranh chấp như vậy rất nhiều và đã tạo dựng quyền lực độc lập cho Giáo hội. Thắng lợi của Giáo hội một phần nằm trong đức bác ái, phần khác nằm trong tổ chức qui củ của Giáo hội, nhưng thật ra sự thành công này là nhờ không có một tín niệm hay tình cảm mạnh mẽ nào  đủ sức chống đối lại nó. Khi La Mã lao vào cuộc chinh phục để tạo lập đế quốc, mọi người dân La mã rất hoan hỉ chia sẻ các chiến thắng vinh quang của Nhà nước; nhưng vào thế kỷ thứ tư tình cảm không còn nữa. Lòng nhiệt thành đối với Nhà nước chỉ hồi sinh cùng với sự tiến triển của chủ nghĩa quốc gia trong thời hiện đại.
 
    Cuộc cách mạng thành công nào cũng làm cho quyền lực cũ bị suy chuyển và khiến cho xã hội trở nên chia rẽ. Cuộc cách mạng dành quyền cho Giáo hội cũng có tác dụng như vậy. Không những nó làm suy yếu Nhà nước mà còn là kiểu mẫu cho những cuộc cách mạng sau này. Ngoài ra chủ nghĩa cá nhân, một yếu tố quan trọng trong giáo lý Thiên chúa giáo vào thời kỳ đầu, vẫn còn là mầm mống nguy hiểm dẫn tới những nổi loạn trong phạm vi thần học và thế tục. Lương tâm cá nhân khi nghi ngờ Giáo hội, có thể tìm thấy trong Phúc âm những lý do biện minh cho sự bất phục Giáo hội. Giáo hội rất khó chịu với sự rối đạo, nhưng chính sự rối đạo cũng chẳng có  gì đi ngược lại tinh thần Thiên chúa giáo thời nguyên thủy.
 
    Đây là khó khăn nằm trong bất kỳ một giới nào nắm được quyền bính nhờ cách mạng. Giới này phải tin rằng cuộc cách mạng nguyên thủy thật hợp tình hợp lý về phương diện luận lý không thể cho rằng những cuộc các mạng kế tiếp là nguy hại. Ngọn lửa vô chính phủ trong Thiên chúa giáo ầm ĩ cháy dù đã bị vùi sâu trong suốt thời kỳ Trung cổ, đã đột nhiên bùng lên thành một đám cháy lớn vào thời Cải cách.
 
    2- Cuộc Cải cách
 
    Xét về phương diện quyền lực cuộc Cải cách có hai khía cạnh khiến cho ta lưu ý; một mặt chủ thuyết vô chính phủ thần học làm yếu Giáo hội, mặt khác có gia tăng sức mạnh cho Nhà nước. Cuộc Cải cách đã có một tầm mức quan trọng lớn lao, vì nó phá hủy uy thế của một tổ chức tôn giáo rộng lớn. Tổ chức này đã nhiều lần chứng tỏ mạnh hơn bất kỳ chính quyền thế tục nào. Để chống lại Giáo hội và những kẻ cực đoan, Luther bắt buộc phải dựa vào những ông hoàng thế tục. Cho tới thời Nitler, giáo hội Luther chưa bao giờ chống lại chính phủ không Công giáo nào. Cuộc nổi loạn của nông dân giúp Luther thêm một lý do để rao giảng lòng tuân phục các ông hoàng. Giáo hội từ đó không còn là một quyền lực độc lập ở những nước theo Luther. Họ trở nên một phần của guồng máy và đã cổ võ lòng trung thành với chính quyền “đời”.
 
    Ở Anh quốc Henry VIII đã giải quyết vấn đề mạnh bạo và tàn nhẫn. Coi mình là người cầm đầu Giáo hội Anh giáo, ông ta bắt đầu thế tục hóa và quốc gia hóa tôn giáo. Ông không muốn nước Anh phải là một phần của Giáo hội Công giáo; ông mong muốn Anh giáo phụng sự cho vinh quang của cá nhân ông hơn là cho vinh quang cho Thiên chúa. Ông thay đổi các tín điều với sự tiếp tay của quốc hội gia nô: ông chém ngay bất kỳ kẻ nào tỏ ý chống lại những thay đổi này. Việc bãi bỏ các tu viện giúp ông có tiền dẹp tan các cuộc nổi dậy Công giáo. Thuốc súng và Trận Chiến Hoa Hồng (The War of the Roses) đã làm suy yếu hẳn giới quý tộc phong kiến cũ nên ông muốn chém đầu ai tùy thích. Wolsey, kẻ dựa vào quyền lực xưa của Giáo hội phải sụp đổ; Cromwell và Cranmer chỉ là tay sai trung thành của Henry. Henry chính là kẻ tiên phong chứng tỏ cho thế giới thấy rõ hễ Giáo hội suy thì Quốc gia thịnh.
 
    Công trình của Henry VIII có lẽ đã không liên tục nếu dưới triều đại Elizabeth, một hình thức của chủ nghĩa quốc gia liên kết với Tân giáo không trở nên cần thiết và hấp dẫn ngay tức thời. Vì lý do tự vệ, Anh phải đánh bại Tây Ban Nha Công giáo bằng cách chiếm đoạt những tàu châu báu của xứ này. Sau khi đánh bại tây Ban Nha, phe tả là mối nguy hiểm duy nhất của Giáo hội Anh chứ không phải phe hữu. Những cuộc tấn công của tả phái thất bại, và tiếp theo là:
 
Những ngày tháng vàng ngọc triều đại vua Charles.
Ai không một dạ trung thành?
 
Cuốn Vicar of Bray cho thấy rõ việc Nhà nước đánh bại Giáo hội ở những nước theo Tân giáo. Chừng nào mà lòng khoan dung tôn giáo không được dung nạp, thì chỉ có học thuyết [về] quyền lực tối thượng của Nhà nước là thay thế nổi quyền hành của Giáo hoàng và các Đại Cộng đồng.
 
    Tuy nhiên thuyết này không sao thỏa mãn nổi những kẻ mộ đạo. Vì như ta đã đòi hỏi người ta thừa nhận quyền hành Quốc hội trong những vấn đề như Luyện ngục có hay không là điều quái đản thật. Những tín đồ độc lập không coi cả giáo hội lẫn Nhà nước là có thẩm quyền về những vấn đề thần học và đòi hỏi quyền phán đoán cho mỗi cá nhân cũng như lòng khoan dung tôn giáo. Quan niệm này dễ dàng liên kết với nổi loạn chống độc tài. Nếu mỗi cá nhân có quyền, có ý kiến thần học riêng, người đó hẳn phải có những giới hạn cho những hành động của các chính quyền đối với các công dân sao? Và như vậy học thuyết nhân quyền đã cùng với tư tưởng cách mạng của Cromwell vượt Đại tây dương đã được Jefferson mang vào Hiến pháp Hoa Kỳ và sau đó cuộc Cách mạng Pháp đưa trở lại Âu Châu.
 
    3- Cuộc cách mạng Pháp và chủ nghĩa quốc gia
 
    Như ta biết từ khi có cuộc Cải cách cho tới khi xảy ra cuộc cách mạng 1848, thế giới Tây phương bị xáo trộn liên miên vì cuộc cách mạng  nhân quyền. Năm 1848,phong trào này phát triển thành chủ nghĩa quốc gia ở phía đông sông Rhine. Ở Pháp sự liên kết giữa hai trào lưu này khởi từ 1792, ở Anh từ khi khai quốc, ở Mỹ từ 1776. Khía cạnh quốc gia của phong trào đã dần dần lấn lướt khía cạnh nhân quyền quan trọng hơn.
 
    Ngày nay chúng ta thường coi nhân quyền là một tài liệu tu từ học nông cạn của thế kỷ 18. Đứng về phương diện triết học mà nói học thuyết có quá nhiều sơ hở: nhưng về phương diện lịch sử và thực tiễn nó thực hữu dụng, và nó giúp ta chiếm được nhiều thứ tự do mà ta đang hưởng thụ. Một người theo chủ  thuyết Bentham (dù không chấp nhận quan niệm trừu tượng v quyền) có thể đưa ra cùng một nội dung trong lời lẽ sau đây: “Hạnh phúc chung gia tăng nếu ta có thể xác định được một lãnh vực trong đó mỗi cá nhân được tự do hành động theo ý riêng mình, không có sự can thiệp của bất cứ quyền hành ngoại lai nào”. Việc hành xử công lý cũng là một vấn đề mà các kẻ cổ võ nhân quyền rất lưu tâm tới. Họ chủ trương không ai có thể bị tước đoạt mạng sống hay tự do nếu chưa bị pháp luật kết án. Ý kiến này dù đúng dù sai không dính dáng tới triết học cả.
 
    Hiển nhiên là nguồn gốc tình cảm ẩn sau học thuyết này có ý chống chính quyền. Đó là tâm thức của một công dân sống trong một chính quyền chuyên chế chủ trương tự do lựa chọn tôn giáo, tự do hoạt động kinh doanh bằng mọi cách hợp pháp mà không bị thủ tục giấy tờ phiền nhiễu, cũng như họ mong muốn được tự do kết hôn và sống trong một quốc gia độc lập. Kết quả là người bênh vực học thuyết nhân quyền cho rằng khi quyết định của chính quyền là cần thiết, thì những quyết định này phải do đa số hay là kẻ  đại diện cho đông người chứ không thể của một uy quyền độc đoán hay cổ truyền như vua chúa hay tu sĩ. Những quan niệm này dần dần thắng thế khắp thế giới văn minh và tạo nên tâm thức đặc thù của chủ nghĩa tự do. (Ngay cả khi cầm quyền trong tay, ta thấy những kẻ theo chủ nghĩa tự do vẫn còn nghi ngờ hành động của chính quyền).
 
    Chủ nghĩa cá nhân có những tương quan luận lý và lịch sử rõ rệt với Tân giáo. Tân giáo đã xác quyết những lập luận về phương diện học thuyết của nó trong lãnh vực thần học, dẫu rằng khi đã nắm được quyền bính thì nhiều khi quên khuấy chúng đi. Qua Tân giáo ta còn thấy những điểm tương quan với Thiên chúa giáo thời sơ khai, vốn nuôi ác cảm với Nhà nước ngoại đạo. Ta cũng còn nhận thấy mối liên hệ sâu xa hơn với Thiên chúa giáo vốn rất lưu tâm tới linh hồn cá nhân. Cứ theo đạo đức học Thiên chúa giáo, không một nhu cầu nào của quốc gia có thể biện minh được việc nhà cầm quyền bắt buộc một người phải nhúng tay vào tội lỗi. Giáo hội cũng cho rằng hôn nhân bất thành nếu bất cứ bên nào bị cưỡng ép dù vì lý do nào đi chăng nữa. Ngay cả những lý lẽ nhằm biện minh cho việc hành tội của Giáo hội đối với kẻ rối đạo cũng nặng tính cách cá nhân: mục đích là giúp kẻ rối đạo hối lỗi hơn là làm ích cho cộng đồng. Nguyên lý của Kant cho rằng mỗi người là một cứu cánh tự thân bắt nguồn từ giáo lý Thiên Chúa. Sau này thời kỳ theo đuổi quyền lực của Giáo hội Công giáo khiến chủ nghĩa cá nhân Thiên chúa giáo thời sơ khai thoái trào; nhưng Tân giáo là chủ nghĩa cá nhân hồi sinh, và đưa nó vào lý thuyết chính quyền.
 
    Khi tín niệm cách mạng và tín niệm cổ truyền xung đột nhau (như trong cuộc Cách mạng Pháp) chắc chắn kẻ chiến thắng dùng bạo lực đối với kẻ chiến bại. Và ở những đạo quân cách mạng, ta thấy sức mạnh tuyên truyền của tín niệm mới liên hợp với bạo lực trên quy mô lớn hơn bất cứ thời kỳ nào trước ở Âu Châu và ảnh hưởng của nó còn ám ảnh ta tới mãi bây giờ. Những đảng viên quá khích Jacobins đã thách thức quyền lực cổ truyền khắp nơi, nhưng phải đợi tới khi các đạo binh Nã Phá Luân[Napoleon]lâm trận, quyền lực cổ truyền mới chịu thua. Tuy nhiên những kẻ thù của Nã Phá Luân đã từng có thời kỳ chiến đấu gay gắt nhằm bảo vệ những đặc quyền tồi tệ cũ và họ ráng tái lập một hệ thống phản động khi chiến thắng. Dưới chế độ áp bức buồn nản của họ, người ta bỏ qua sự tàn bạo của Napoleon; trong nền hòa bình chán như cơm nếp nát, chiến tranh có vẻ huy hoàng với lưỡi lê là báo trước tự do. Trong những năm Liên minh thần thánh (Holly Alliance), lòng tôn thờ bạo lực gia tăng đã nhào nặn lên ý nghĩa thường ngày của mọi người. Trong hoàn cảnh như vậy bạo lực Napoleon xuất hiện với những tiếng gào thét đòi giải phóng cách mạng.Hitler, Mussolini [...] sau này thành công nhờ Roesperre và Napoleon.
 
    Trong trường hợp Napoleon đã chứng tỏ quyền lực dễ thoái hóa thành bạo lực. Khi các chủ nghĩa cuồng tín xung đột nhau (dù trong cuộc viễn chinh bách hại tôn giáo hay chiến tranh giai cấp) ta thấy cả một tập thể tìm kiếm quyền lực) (chứ không phải một cá nhân) và sở dĩ điều đó xảy ra là vì tín niệm tập thể. Thứ xung đột này khác với bạo lực. Nhưng vì quyền lực của phương tiện và trong cuộc tranh chấp lâu dài người ta dễ lãng quên cứu cánh của chủ nghĩa cuồng tín khiến nó trở nên một cuộc mưu tìm chiến thắng đơn thuần, nhất là khi cuộc tranh chấp dai dẳng khốc liệt. Vì vậy sự khác biệt quyền lực cách mạng ít hơn ta nghĩ lúc đầu. Cuộc nổi loạn chống Tây Ban Nha ở Châu Mỹ La Tinh khởi thủy cho những đảng viên tự do và dân chủ lãnh đạo, nhưng kết cuộc là trong đa số trường hợp, người ta đã thành lập chế độ độc tài quân phiệt bấp bênh với những cuộc nổi loạn đẫm máu, lâu lâu lại bộc phát một lần. Chỉ ở những nơi lòng tin cách mạng mãnh liệt và quảng bá, cũng như chiến thắng không phải mất công chờ đợi lâu dài, người ta mới giữ được thói quen cộng tác sau cơn kinh hoàng cách mạng đã giúp chính phủ có để tâm tranh thủ sự đồng tình hơn là chỉ dựa vào sức mạnh quân sự mà thôi.
 
    Một chính phủ không được lòng dân chỉ có thể là bạo quyền.
 
    4 - Cuộc Cách mạng Nga
 
    Bây giờ hãy còn quá sớm để ta có thể nhìn thấy tầm quan trọng của cuộc cách mạng Nga trong lịch sử thế giới; chúng ta chỉ có thể bàn về một vài khía cạnh đặc biệt về cuộc cách mạng. Giống như Thiên Chúa giáo vào thời sơ khai, cuộc cách mạng này truyền bá những lý thuyết có tính cách quốc tế; đôi khi phản quốc gia (anti-national); giống như Hồi giáo, nhưng khác với Thiên chúa giáo nó là một phong trào chính trị từ bản chất. Tuy nhiên yếu tố duy nhất trong tín niệm của cuộc cách mạng đã tỏ ra hữu hiệu cho đến nay là sự thách đố chủ nghĩa tự do (Liberalism). Trước tháng II năm 1917 chủ nghĩa tự do chỉ bị chống đối bởi những kẻ phản động; những người Mát xít, giống như những kẻ cấp tiến khác, cổ võ dân chủ tự do ngôn luận, tự do báo chí, v.v.Nhưng khi nắm quyền rồi chính phủ sô viết trở lại những giảng của Gíao hội Công giáo thời cực thịnh; giới cầm quyền có nhiệm vụ truyền bá chân lý bằng cách giáo huấn tích cực và tiêu diệt mọi lý thuyết chống đối. [...]. Điều mới mẻ là sự kết hợp quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế, khiến chính phủ có quyền kiểm soát lớn lao.
 
    Yếu tố quốc tế (the international part) của lý thuyết cộng sản đã tỏ ra không hữu hiệu, nhưng việc gạt bỏ chủ nghĩa tự do thành công ngoài sức tưởng tượng. Suốt dải đất bao la từ sông Rhine đến Thái Bình Dương, chủ nghĩa tự do thoái trào nghiêm trọng; trước tiên là ở Ý rồi Đức áp dụng kĩ thuật chính trị người Bolshevik; ngay cả ở những nước còn theo chế độ dân chủ, tín niệm tự do đã mất hào quang. Chẳng hạn như khi xưa các đảng viên tự do nghĩ rằng khi công ốc bị đốt cháy thì cảnh sát và cơ quan tư pháp phải tận lực tìm ra những kẻ phạm tội thực sự; nhưng con người tân tiến (the modern mided man) theo như Neru nghĩ rằng phải dùng chứng cớ ngụy tạo mà gắn tội cho kẻ thù cho bỏ ghét. Theo St Ambrose hắn cho rằng đảng của hắn phải có tự do ăn nói còn đối lập thì nên khóa họng lại.
 
    Những lý thuyết như vậy có kết quả là trước tiên biến đổi mọi quyền lực thành quyền lực cách mạng rồi dần dần khiến quyền lực cách mạng thành bạo quyền không hơn không kém. Nguy cơ thật hiển nhiên; nhưng tôi sẽ bàn đến việc tránh nguy cơ này trong chương cuối.
 
    Sự suy tàn của chủ nghĩa tự do có nhiều nguyên nhân vừa kỹ thuật vừa tâm lý. Ta thấy những nguyên nhân này nằm trong kĩ thuật chiến tranh, kỹ thuật sản xuất, những phương tiện tuyên truyền tối tân, và chủ nghĩa quốc gia, vốn là kết quả của những lý thuyết tự do. Mọi nguyên do này đã gia tăng quyền lực của chính phủ một cách khủng khiếp nhất là ở những nơi Nhà nước nắm cả quyền lực kinh tế lẫn quyền lực chính trị. Những vấn đề của thời đại chúng ta, xét trong tương quan giữa cá nhân và Nhà nước là những vấn đề mới mà các lý thuyết của Locke và Montesquieu không giúp ta giải quyết nổi. Muốn được sống hạnh phúc và thịnh vượng, một cộng đồng Tân tiến (cũng như vào thế kỉ thứ 18) đòi hỏi một chỗ cho sáng kiến cá nhân, những lãnh vực này phải được xác định lại và được bảo đảm bởi những phương pháp mới.
 
(còn tiếp)
 

Nguồn: Bertrand Russell. Quyền lực. Nguyễn Vương Chấn vàĐàm Xuân Cận dịch, Nxb Hiện đại, 1972. Bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.


[1]
 Christadelphians: giáo hội do Tiến sĩ Thomas sáng lập ở Hoa Kỳ 1833.
 
[2] Diocletian (245 -313) Caiua Aurelius Valerius Diocletianus lên ngôi hoàng đế La Mã năm 284, thoái vị năm 305. Trong triều đại này, các tín đồ Thiên chúa giáo bị bách hại dữ dội.
 
[3] Contantine (274-337) Hoàng đế La Mã (306-37) theo đạo Thiên chúa và biến đạo này thành Quốc giáo; chuyển kinh đô đến Byzantium và đặt tên mới cho thành này là Constantinople vào năm 328 (bây giờ là Istanbul).
 
[4] Byzantine : Đông bộ của Đế quốc La mã, thủ đô là Constantinople, tồn tại từ 395 (đế quốc La mã tại hai con của Thesdosius phân chia) đến 1453 (quân Thổ chiếm đóng Constantinople).
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét