Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

TƯ TƯỞNG NGUYÊN THỦY VẤN ĐỀ NHẬN THỨC CỦA LOÀI NGƯỜI TRONG XÃ HỘI NGUYÊN THỦY [1]

PHỤ LỤC
 
*
 
TƯ TƯỞNG NGUYÊN THỦY
 
VẤN ĐỀ NHẬN THỨC CỦA LOÀI NGƯỜI
TRONG XÃ HỘI NGUYÊN THỦY [1]
 
 
 
1. Phải chăng hiện tượng tôn giáo, nô lệ hóa tinh thần, lúc đầu xuất hiện từ lực lượng thiên nhiên đè bẹp con người?
 
Ý kiến này là một ý kiến có từ lâu, có truyền thống trong khoa học xã hội. Nhưng truyền thống đó không có căn cứ, vì xét những sự kiện lịch sử tôn giáo, tư tưởng sợ những hiện tượng lớn của thiên nhiên (thờ mặt trời, rừng, núi, v. v...), tư tưởng đề cao lực lượng thiên nhiên là xuất hiện sau này, ở một giai đoạn tương đối gần đây - giai đoạn tan rã của thị tộc và đầu tiên của nô lệ. Ở giai đoạn thị tộc sơ kỳ chưa có tư tưởng sùng bái thiên nhiên. Những vật tổ thời sơ kỳ là thông thường (chim, hoa, sâu). Bộ lạc Úc có những thị tộc ếch, sâu, kangourou, thậm chí có thị tộc mỏ của kangourou, thị tộc rắn thằn lằn, v. v... Tư tưởng sùng bái thiên nhiên xuất hiện với giai đoạn phát triển sản xuất rộng rãi. Buổi đầu chưa có sợ thiên nhiên vì chưa có đủ khái niệm để sợ lực lượng thiên nhiên, vì thực tế chưa hình dung được lực lượng thiên nhiên với tính chất mênh mông của nó. Một mặt khác, nếu xét cụ thể nội dung của tư tưởng sùng bái, ta thấy rõ ràng nó là một nội dung xã hội. Ví dụ: trong Đạo Vật tổ, ta thấy những thị tộc lấy sâu hoặc ếch làm vật tổ, nhưng nội dung tư tưởng của vật tổ không phải là nội dung con sâu hay con ếch, mà vấn đề là quan niệm vật ấy là tổ, mà tổ là cha; quan hệ giữa cha và con có tính chất xã hội, dựa trên quan hệ kinh tế nhất định. Uy tín của cha được xây dựng trong lúc cha dạy con, vì sản xuất đến lúc cần có giáo dục mới sử dụng công cụ được. Ở giai đoạn trước đã có công cụ nhưng còn thô sơ thì không có vấn đề giáo dục đặc biệt. Do đó cũng không có lý do gì mà có sự phân biệt giữa lớp trên và lớp dưới.
 
Quá trình nô lệ hóa tinh thần, tức là quá trình tha hóa đầu tiên, là quá trình biến những hình ảnh tưởng tượng thành thực tế, thực tế hơn cả thực tế, lấy tưởng tượng thống trị thực tế. Người ta bị tha hóa, biến thành một cái gì ngoài mình và hoàn toàn tưởng tượng. Quá trình đó rõ ràng xây dựng trên những quan hệ kinh tế có phân biệt giữa lớp này và lớp kia. Bắt đầu từ khi có phân biệt thì sự phân biệt ấy gây ra hiện tượng tha hóa, sùng bái.
 
2. Nói rõ thêm một điểm trong quan hệ thị tộc sơ kỳ
 
Khi lứa trai một thị tộc A lấy lứa gái một thị tộc B thì lứa gái về thị tộc A, những đứa con của họ lại thuộc thị tộc B. Tại sao? Hiện nay chưa có dẫn chứng kinh nghiệm, nhưng dựa theo sự phụ thuộc tương đối của người đàn bà vào anh và của con vào mẹ và cậu, ta có thể ức đoán rằng kết hôn là một sự trao đổi giữa hai thị tộc nhưng người đàn bà vẫn phụ thuộc thị tộc cũ của mình: thị tộc mẹ «cho mượn» lứa gái của mình, nhưng vẫn giữ quyền sở hữu đối với lứa này và con của nó. Nhưng tại sao người đàn bà đào rễ củ, tức là nắm nguồn thức ăn thường xuyên hơn mà thời kỳ này lại bị lép vế, [vì] chỉ cần những công cụ đơn giản, trái lại đi săn nhiều khi làm tập thể và công cụ tương đối phức tạp hơn và tiến bộ hơn. Đi săn cần tổ chức nên tập đoàn đi săn (tập đoàn đàn ông) được tổ chức mạnh mẽ hơn. Bằng chứng là trong lễ phát triển vật tổ (để vật tổ sinh sản ra nhiều) hay chuẩn bị đi săn (để săn được nhiều) họ không cho phép đàn bà trẻ con tham dự mà chỉ có tập đoàn người đi săn thôi. Một lý do khác là bây giờ bắt đầu có hoạt động chiến tranh mà thường do đàn ông tham gia (các cuộc tấn công) nên tổ chức của họ càng chặt chẽ và mạnh mẽ hơn.
 
3. Quan niệm vật tổ
 
Không phân biệt đực cái mà chỉ xem là loài tổ thôi. Nó truyền theo dòng mẹ nhưng không nhất thiết là mẹ, vì trong những chuyện giải thích việc sinh sản con người, họ cho là tổ nhập vào người đàn bà và đẻ ra con chứ không phái là mẹ sinh ra con, nên con là tiếp tục loài vật tổ, nhưng vì nhập vào mẹ nên truyền theo dòng mẹ. Quan hệ giữa vật tổ và người thị tộc được quan niệm như cha với con hơn là mẹ với con, vì trong những lễ vật tổ người đàn bà không được tham dự. Vậy quan hệ đây là một quan hệ căn cứ vào tố chức sản xuất, còn quan hệ sinh lý chỉ là ngoại diện thôi.
 
Tại sao trong tôn giáo phương thuật, ý thức xã hội lại xuất hiện dưới một hình thức ngược?
 
Vấn đề tôn giáo phương thuật là một vấn đề khó, không thể trả lời chính xác được, vì thực sự hiện giờ không có một xã hội nào hoàn toàn chỉ có phương thuật. Nhưng có thể ức đoán được rằng nó là tôn giáo của giai đoạn hạ kỳ cổ thạch, vì hiện giờ phương thuật là một yếu tố có trong tất cả các tôn giáo, đồng thời nó vẫn tồn tại độc lập trong mọi xã hội bên cạnh tôn giáo. Trong mọi xã hội có tôn giáo, thường phương thuật độc lập với tôn giáo, nhưng trong tôn giáo lại có yếu tố phương thuật, ví dụ làm lễ. Những lễ ấy chính thức được công nhận trong xã hội nhưng vẫn có tính chất phương thuật. Ví dụ: nói mấy câu thần chú để người ốm được khỏi, làm lễ để sau đó được mùa... thì căn bản là có tính chất phương thuật, tuy xét về toàn diện có những yếu tố khác phong phú hơn và cao hơn. Đạo Vật tổ căn bản cũng có tính chất phương thuật, vì nó có những cử chỉ, động tác phương thuật; thậm chí còn có những truyền thống những tập đoàn nhỏ của thầy phù thủy xây dựng hội kín bên cạnh Đạo Vật tổ. Do đó có thể ức đoán rằng trước Đạo Vật tổ đã có phương thuật. Đấy chỉ là một ức đoán nhưng có căn cứ. Trong tôn giáo phương thuật, đứng về mặt lịch sử tư tưởng mà nói, có hai yếu tố căn bản:
 
- Yếu tố đúng đắn xây dựng sản xuất, phản ánh một cách tích cực bước tiến của xã hội: ý thức tổ chức, mà có thể ức đoán là ý thức tổ chức ấy xuất hiện với tổ chức đầu tiên của tập đoàn đồng huyết, với lớp già có kinh nghiệm và nhận trách nhiệm tổ chức hoạt động tập thể. Đó là một bước tiến bộ, vì nhờ đó sản xuất có điển hình, có tổ chức và được nâng cao, lớp già giáo dục cách sử dụng công cụ, tổ chức đời sống.
 
- Nhưng ý thức tổ chức ấy lại lộn ngược, vì nó không nhằm trực tiếp cái phần có ích cho xã hội mà là một ý thức siêu hình, lấy lời nói của một người biến thành nguồn gốc của tổ chức. Hình như tổ chức thực tế (việc đi săn chẳng hạn) không phải dựa vào những điều kiện khách quan bắt buộc phải sẵn như vậy, mà lại dựa vào một ý tưởng, một lời nói, một động tác tượng trưng nào đấy. Ví dụ: trước khi đi săn bò, tê, thị tộc hợp nhau lại nhảy múa, hát, làm một số lễ rất gian khổ, có tục đổ máu, bằng cách này cách nọ (xẻo thịt lẫn nhau, nhịn đói mà nhảy hát suốt ngày). Họ quan niệm nhảy múa như vậy là hấp dẫn được đàn bò, có những trường hợp họ nhảy đến khi đàn bò đến. Họ tin rằng một công cụ giết được con vật là vì tính chất thiêng liêng của khí giới, họ phải làm một số lễ. Đến đây ta hỏi: phương thuật có tác dụng gì không?
 
- Có. Vì qua phương thuật ấy thì những người chưa biết sử dụng công cụ học được cách sử dụng công cụ, biết được tổ chức tập thể (đi săn tập thể, phân phối kết quả với nhau). Nhưng trong ý thức, tác dụng ấy bị lộn ngược, hình như vì có ý thức về sự thiêng liêng như vậy thì mới phải tổ chức như vậy, hình như nhờ phép phù thủy ấy mới bắt được vật.
 
4. Tại sao lại lộn ngược như thế?
 
Rõ ràng nó bắt nguồn từ nhu cầu thực tế. Đây, trong thực tế nhất định phải có một yếu tố gì làm cơ sở cho hiện tượng quay ngược ấy. Mác trong «Ý thức hệ Đức» đã nói: Chính sự đối lập giữa tư tưởng và thực tế cũng phản ánh một quan hệ thực tế nào đấy. Tư tưởng có mâu thuẫn với thực tế là vì trong nội bộ thực tế cũng có những mâu thuẫn nào đấy. Mâu thuẫn nội bộ đây là gì?
 
Ngay ở những tổ chức buổi đầu, quyền tổ chức được tập trung vào tay một số người có kinh nghiệm, rồi số người này bắt những người kia phải theo. Do đấy có mâu thuẫn trong phạm vi cộng đồng: hoạt động là hoạt động chung, nhưng chỉ huy lại chỉ ở một số người thôi. Mâu thuẫn ở chỗ tổ chức là của tập đoàn, nhưng lại chỉ có một số người có trách nhiệm tổ chức thôi. Do mâu thuẫn ấy, nội dung tập thể của tổ chức biến thành ra một cái gì hẹp hòi, bị hạn chế vào một số người nắm được nội dung ấy. Họ nắm những ý tưởng tập thể, biến những ý tưởng ấy thành một sức mạnh nào đấy, hình như không xuất phát từ thực tế. Thực tế biến thành ý tưởng đối lập với thực tế, và vì quan hệ xã hội bị tập trung vào tay một số người nên số người này có hiệu lực đặc biệt: hiệu lực dẫn đường chỉ lối cho cả tập đoàn. Lời nói của họ là lời nói mệnh lệnh. Trong ý thức của họ và của người theo, hiệu lực ấy xuất phát từ lời nói, không phải từ kinh nghiệm. Do đấy lời nói có hiệu lực mọi người phải theo, thiên nhiên cũng phải theo (bò phải đến với người), tức là tinh thần sáng tạo thực tế.
 
Chúng ta thấy rõ: hoạt động mệnh lệnh là một hoạt động có căn cứ trong thực tế, nó phải xuất hiện ở một trình độ sản xuất nào đấy, ngay buổi đầu của tổ chức sản xuất trong phạm vi cộng đồng. Nó xuất hiện với tình trạng thấp kém của sức sản xuất lúc bấy giờ, nhưng do điều kiện thực tế khách quan ấy, ý tưởng chủ quan biến thành nguồn gốc của thực tế khách quan (mà thực ra trong phạm vi hoạt động ấy thì điều đó có thực: một lời nói ra là có thể đạt được kết quả). Đó là cơ sở thực tế, nhưng từ đấy đến lúc lớp già tổ chức uy quyền của mình, thì họ phải phát triển tính chất thiêng liêng của lời nói ấy bằng những chuyện hoang đường để củng cố uy quyền lời nói của họ. Không cần có ý thức, mà trong khi phát triển uy quyền tự nhiên những chuyện hoang đường cũng phát triển. Chính nó là ý thức của cái uy quyền ấy. Đồng thời uy quyền đi quá mức. Nó không chỉ được sử dụng để giáo dục thanh niên, để tổ chức hoạt động xã hội (phần đó là phần đúng) mà còn sử dụng đế tập trung kết quả của sản xuất xã hội (lớp già được dành một phần thịt ngon hơn, lớn hơn). Đó là một kết quả tất yếu của hiện tượng tập trung uy quyền. Do đấy phương thuật và những chuyện hoang đường càng phát triển. Ví dụ: ông già kể rằng có những bộ phận trong con vật như gan, tim, chỗ béo, người trẻ ăn thì độc, chỉ người già có tính chất thiêng liêng mới ăn được.
 
5. Tại sao về nhận thức, người đã phân biệt được người này và người kia mà không phân biệt được người với vật tố?
 
Có quy ước nào để chọn vật tổ không?
 
Trong ý thức người nguyên thủy, do sức sản xuất thấp kém, nên chưa đạt được ý thức đại thể, nó mới có những ý tưởng có hướng đại thể, chưa phải là đại thể mà còn liên quan chặt chẽ với cá thể, do đó mà lẫn lộn với nhau. Cụ thể là có một mâu thuẫn trong tư tưởng người nguyên thủy mà ta vẫn phải giải thích vì mâu thuẫn đó sau này còn kéo dài. Đó là mâu thuẫn giữa tính chất chính xác của ý thức cảm tính phát triển trong thực tiễn với những chuyện hoang đường rất mơ hồ mà họ tin hơn cả thực tế. Nghĩa là, đứng về mặt nhận thức cụ thể về thực tế trước mắt thì ý thức người nguyên thủy rất chính xác. Ví dụ: sau khi đi đường môt lần họ có thể nhớ lại tất cả chi tiết hoặc giả, họ có thể kể lại chi tiết những cảnh lân cận một cách rất chính xác. Không những thế mà họ còn phân biệt rất tinh vi. Ví dụ: một trong những đặc tính của ngôn ngữ nguyên thủy là, nói chung, nó rất giàu về những tiếng chỉ định loài này loài kia. Nó có nhiều tiếng để chỉ cây này cây kia, nhưng có khi lại không có tiếng để chỉ cây nói chung, chứng tỏ ý thức cảm tính của họ rất chính xác. Có những ngôn ngữ có 20, 30 tiếng để chỉ các cách đi khác nhau, nhưng không có tiếng chỉ cử động «đi» nói chung. Họ nắm được những chi tiết, những đặc điểm rất tế nhị mà ta bây giờ không nắm được nữa. Họ phân biệt các cách đi mà nay ta thường không phân biệt. Do đó hoạt động của họ rất khéo léo; với công cụ thô sơ mà đạt được kết quả khá.
 
Tại sao phân biệt được đối tượng một cách tinh vi như thế mà lại còn lẫn lộn người với cây, người với chim?
 
Vấn đề này không phải bây giờ đã hết. Có thể nói với trình độ văn minh bây giờ, trong những nước tư sản cũng có thể có nhiều người có trình độ khoa học rất cao nhưng vẫn tin ở tôn giáo. Ví dụ Pasteur, nhà bác học nổi tiếng, nhưng vẫn rất trung thành với tôn giáo. Ông đã làm một bài diễn văn để chứng minh rằng một mặt thì khoa học là chính xác, cần phải có tinh thần khoa học, nhưng mặt khác tôn giáo vẫn đúng. Hai cái cùng song song tồn tại mà còn ảnh hưởng lẫn nhau. Cách đây một, hai năm, Giáo Hoàng La Mã có làm một bài diễn văn nói rằng kết quả khoa học toán lý mới nhất chứng minh Thượng đế tạo ra thế giới. Tại sao lại đi song song? Sở dĩ như thế, vì ít nhất lúc đầu nó có hai phạm vi khác nhau và nay cũng còn một phần nào khác nhau. Vì thế nghiên cứu tư tưởng nguyên thủy, ta thấy nhiều nét rất rõ rệt, cần thiết để giải thích tư tưởng sau này. Thời nguyên thủy có hai phạm vi phân biệt rõ ràng:
 
Phạm vi ý tưởng ứng dụng trong thực tiễn. Trong thực tiễn người nguyên thủy nắm được những đặc tính của các vật, các đối tượng cụ thể một cách chính xác tinh vi, nhưng chỉ nắm được trong trường hợp cụ thể ấy. Nói một cách khác, những đặc tính ấy mới xuất hiện dưới hình thức điển hình chớm nở từ thực tế. Những nét điển hình đó chưa được trừu tượng hóa một cách rõ ràng, chưa tách ra khỏi cụ thể. Ví dụ chưa có khái niệm đi, mới có những nét đi điển hình (đi nhanh, đi chậm, đi khập khiễng, v. v...). Trong đời sống thực tiễn, với mức sản xuất lúc bấy giờ, như thế là đủ. Nhưng trong quan hệ sản xuất, trong thực tiễn giữa người với nhau, có hoạt động mệnh lệnh và liên quan với nó là hoạt động kể chuyện để củng cố uy tín người ra mệnh lệnh. Tất cả những nhà bác học đã khảo cứu tại chỗ vấn đề người nguyên thủy đều có nhận định rằng: người nguyên thủy hay kế chuyện, kể rất nhiều có khi kể suốt mấy ngày, có khi không biết ngôn ngữ của nhau mà vẫn kể, kể bằng những cử động tượng trưng. Trong lúc kể chuyện, những ý tưởng không phải là ý tưởng ấy tức là những nhận thức tương đối đại thể rút từ cá thể. Chỉ có đại thể mới tồn tại trong hoạt động kế chuyện. Không còn sự việc thực tế trước mắt mà kể lại là kể phần đại thể trong thực tế ấy. Chính phần đại thế ấy là phần được cụ thể hóa trong lời nói, nhưng đại thể ấy chưa có một phương thức tồn tại vững chắc, chưa được ổn định, thành ra những ý tưởng dễ lẫn lộn với nhau. Đứng về mặt thực tế mà nói, không những người nguyên thủy phân biệt được người cụ thể với chim, nhưng còn phân biệt được chim này với chim kia một cách rất tế nhị. Chứng cớ: trong nhiều ngôn ngữ nguyên thủy có rất nhiều tiếng để chỉ chim này chim kia, nhưng có khi không có tiếng để chỉ chim nói chung. Nhưng trong hoạt động kế chuyện, họ thoát khỏi thực tế ấy để xây dựng thế giới ngôn ngữ. Vì tính chất đại thể chưa được nắm vững và còn dính líu nhiều với thực tế nên khi ra khỏi thực tế, trong lúc kể chuyện, những nét điển hình dễ lẫn lộn với nhau. Do đó trong ý thức tư tưởng nguyên thủy, ý tưởng này lẫn lộn với ý tưởng kia. Người nguyên thủy không trông thấy vấn đề, vì muốn thấy vấn đề thì đã phải quy định rõ ràng nội dung khái niệm (người, chim, v.v…).  Đối với chúng ta hiện nay, khái niệm người, chim có một nội dung rõ rệt, có thuộc tính rô ràng. Ta nắm vững đại thể, thành ra xây dựng được một thế giới ý tưởng đã đạt được trình độ khái niệm có quy luật nhất định, phản ánh quy luật khách quan một cách tương đối chính xác. Do đấy thế giới ngôn ngữ của ta ăn khớp với thế giới khách quan. Đó là thế giới khoa học. Phần nào mà ta xây dựng được khoa học thì thế giới ý tưởng của ta ăn khớp với thế giới khách quan. Với người nguyên thủy, thế giới ý tưởng ấy còn dính líu chặt chẽ với cụ thể. Ví dụ ở trình độ thị tộc sơ kỳ, trong ngôn ngữ nói chung không có con số cao hơn số ba. Ở Úc có thị tộc chỉ có số 1, số 2, mà số ba, số trăm... đều gọi là «nhiều». Vì muốn đếm một cách có hệ thống, nắm được con số, thì phải phân biệt được rõ ràng cá thể và đại thể (5 là 5 vật gì trong một loài). Nếu phân biệt rõ ràng thì có thể đếm được vô hạn. Con số là khái niệm đế đếm các vật trong cùng một loài, nhưng muốn đếm thì phải phân biệt, vì vật trong loài thì vô hạn mà loài thì độc nhất. Ở trình độ nguyên thủy, ý tưởng về loài chỉ là ý tưởng chưa được trừu tượng hóa. Thành ra khi đếm phải nắm cụ thể trước mắt những vật đó. Do đó không có con số trừu tượng. Số lượng vật trong một tập thể mới là tính chất của tập thể ấy. Một tập thể 10 người hay 8 người có tính chất khác nhau ở một bên to hơn, một bên nhỏ hơn. Do đó về mặt chất lượng thì có phân biệt, còn về số lượng thì không phân biệt được. Nếu có một đàn chó 20 con, mà thiếu một con là họ thấy ngay. Giống như gà mái đẻ, không biết đếm nhưng nếu mất một con gà con nó đương nuôi thì nó biết. Tập thể đây có một hình cụ thể nào đấy. Con số cũng nằm trong hình đó thôi. Họ chỉ nắm được trong chất lượng mà không nắm được trong số lượng. Cơ sở của hiện tượng lẫn lộn giống loài trong chuyện hoang đường là trình độ nhận thức của người nguyên thủy. Trình độ nhận thức ấy tất nhiên cũng xuất phát từ trình độ của sức sản xuất và tổ chức sản xuất. Sở dĩ chưa phân biệt được cá thể và đại thể, là vì chính trong sản xuất cũng chưa phân biệt được cá thể và đại thể. Trong sản xuất, người  nguyên thủy sản xuất để thực dụng. Họ sản xuất cho họ. Nếu sản xuất cho người khác thì chủ yếu cũng là trong gia đình, thị tộc, tức trong phạm vi cộng đồng, chứ chưa phải trong phạm vi thị trường rộng rãi, xã hội phổ cập. Do đó, họ không cần phải có khái niệm, không cần hình dung tính chất của sản phẩm ngoài sản phẩm ấy. Vì họ chỉ sản xuất để sử dụng. Còn người sản xuất cho thị trường thì phải theo một quy mô nhất định, và nhằm quy mô ấy đế thỏa mãn nhu cầu thị trường. Dựa theo nhu cầu ấy, khái niệm đại thể mới được xây dựng, đại thể mới phân biệt dược với cá thể. Ở trình độ kinh tế tự nhiên, làm để ăn không phải để bán, thì không có lý do gì để xây dựng khái niệm đại thể. Vì đại thể chưa được quy định hợp lý, nên thế giới ngôn ngữ không được ổn định, còn lẫn lộn. Đến sau này, khái niệm đại thể càng được qui định hợp lý thì thế giới ngôn ngữ càng chính xác đối với thực tế; nhưng vẫn có khả năng sai lệch, vì về căn bản nguồn gốc của khái niệm đại thể vẫn là thực tế cụ thể. Và dù có qui định đại thể một cách riêng thì nó vẫn từ cụ thể ra. Thành thử lúc vận dụng khái niệm đại thể trong ngôn ngữ, dù nó theo hình thức hợp lý thì vẫn có khả năng sai lệch. Cho nên ở trình độ văn minh vẫn 2 thế giới ngôn ngữ song song:
 
- Thế giới khoa học thích hợp với thực tế,
 
- Thế giới tôn giáo đứng ngoài thực tế.
 
Trong một người, cả hai rất có thể cùng tồn tại song song, có khi ảnh hưởng lẫn nhau và lẫn lộn một cách tai hại. Tóm lại, do tính chất mâu thuẫn của thế giới, ngôn ngữ một mặt xuất phát từ thế giới thực tế và chỉ có chân lý trong sự liên quan của nó với thực tế, nhưng mặt khác thì lại có hoạt động riêng biệt của nó: hoạt động trong lời nói, trong tư tưởng. Do đó nó có thể đi theo một hướng khác thực tế. Đấy là cơ sở của sai lệch, nhưng chỉ là cơ sở của phần tiêu cực của sai lệch: tiêu cực vì nó là mơ hồ, không đúng thực tế. Nhưng trong sai lệch còn có phần cố định, ngoan cố chống thực tế theo một hướng chủ quan nhất định. Ví dụ không có gì qui định tỉ mỉ bằng phương thuật (đọc thần chú không được trật một chữ). Tại sao ngoài phần lẫn lộn do yếu tố tiêu cực lại có phần cố định? Phần ấy ở đâu ra?
 
Không phải chỉ vì ngu muội mà bịa ra chuyện hoang đường. Nếu chỉ vì ngu muội thì có rất nhiều chuyện hoang đường lung tung. Nhưng ở đây chuyện hoang đường có hệ thống và bất buộc người ta phải theo. Vậy rõ ràng là có một cơ sở nào khác. Cơ sở ấy của sai lầm chính là mâu thuẫn trong quan hệ sản xuất. Xuất phát từ mâu thuẫn ấy và giải quyết mâu thuẫn ấy, người ta mới xây dựng một thượng tầng kiến trúc (hệ thống tư tưởng và tổ chức) để củng cố cơ sở đã có hoặc tổ chức một cơ sở mới. Nhưng cũng có phần tiêu cực do tính chất hạn chế trong quan hệ sản xuất. Ví dụ: phần nào những chuyện hoang đường giúp đỡ tổ chức thị tộc, khuôn khổ để đẩy mạnh sản xuất và bảo vệ cơ sở sản xuất. Đây là yếu tố tích cực. Nhưng mặt khác nó phản ánh mâu thuẫn giữa tính chất cộng đồng và tính chất hẹp hòi của quan hệ sản xuất: mâu thuẫn trong cùng một thị tộc (già với trẻ, đàn ông với đàn bà), và mâu thuẫn giữa thị tộc này với thị tộc kia. Mâu thuẫn ấy được phản ánh trong tư tưởng bằng chuyện hoang đường, tức là những quan hệ sản xuất ấy được củng cố trong chuyện hoang đường. Ví dụ qui định mỗi thị tộc là con của một vật tổ, do đó không được lẫn lộn thị tộc này với thị tộc kia. Trong một thị tộc, có liên đới với nhau nhưng liên đới với tính chất hẹp hòi. Ở giai đoạn sơ kỳ, có ưu tiên của đàn ông và người già đối với đàn bà và lớp trẻ. Do tính chất hẹp hòi, thành ra có những lệ cấm ăn vật tổ chẳng hạn, mà lớp già thì được ăn. Đấy là ý nghĩa của Đạo Vật tổ. Còn sự thực hiện lựa chọn vật tổ thì không thành vấn đề. Cái chính là có phân biệt giữa thị tộc này và thị tộc kia. Bất kỳ vật gì cũng làm dấu hiệu được, nhưng một khi đã nhận làm dấu  hiệu rồi thì nó thành thực chất của thị tộc ấy. Tất nhiên, mỗi thị tộc khi nhận một vật tổ, phải có sự trao đổi ý kiến. Vì vật tổ không chỉ do một thị tộc tự nhận, mà còn do thị tộc khác công  nhận, và ngược lại thị tộc này cũng phải được thị tộc kia công nhận vật tổ của mình. Tức là mỗi thị tộc phải công nhận toàn bộ hệ thống thị tộc. Đó là quan hệ thị tộc trong bộ lạc. Lúc đầu chỉ có 2 thị tộc, vì sau này các thị tộc đều sắp xếp dưới hai thị tộc chính (chữ Hy Lạp gọi là Phratrie - chỉ định hai thị tộc chính trong cùng một bộ lạc). Dưới hai thị tộc ấy lại phân chia làm hai, v. v... Có thể ức đoán rằng lần đầu tiên trong tập đoàn nguyên thủy chia làm hai thị tộc anh em; hai thị tộc này có nhưng giao ước, đặc biệt là việc trao đổi con gái. Do đó có lệ cấm giao cấu trong cùng một thị tộc, đồng thời có trao đổi thức ăn. Có một số hệ trao đổi tôn giáo: lễ của vật tổ này thì thị tộc kia phải đến khuyến khích giúp đỡ. Do đó có thể ức đoán rằng lúc chọn vật tổ có giao ước giữa thị tộc này và thị tộc kia để xây dựng hệ thống vật tổ. Hệ thống vật tổ bao quát các vật trong thiên nhiên. Lúc chia thị tộc, mỗi một thị tộc chọn một vật tổ thì cũng được nhận một phần vật trong thiên nhiên theo vật tổ ấy. Giống như ta ngày xưa cũng nhận mỗi một cây, một con vật là thuộc về một loài thần bí: âm, dương (vật này thuộc âm, vật kia thuộc dương). Trong hệ thống ý tưởng chưa có điều kiện để hệ thống hóa một cách hợp lý, nhưng cũng có hệ thống hóa một cách lẫn lộn theo một qui luật nào đấy, chưa phải là quy luật chính xác, nhưng cũng là quy luật vì có phản ánh quan hệ sản xuất. Quy luật đây là quy luật xã hội. Quan hệ xã hội được phản ánh trong toàn bộ thế giới quan và lấn át đến cả phạm vi thiên nhiên, vì lúc đó sức sản xuất chưa cho phép nắm được thực sự thiên nhiên. Có quy luật như vậy thành ra trong thế giới mơ mộng của tôn giáo có đường lối và hình thái phát triển của nó.
 
6. Vấn đề mẫu thần (hay nữ thần)
 
Trong quá trình phát triển tôn giáo, trong xã hội nguyên thủy, có những giai đoạn chính đã được đề ra trong những bài trước đây. Nhưng có nhiều chi tiết chưa nói đến. Ở đây cần giải thích một chi tiết: vẩn đề mẫu thần, vì trong lịch sử tôn giáo trước đây, vấn đề này được nói đến nhiều. Mẫu thần phản ánh mẫu hệ hay mẫu quyền? Căn bản đạo mẫu thần (nữ thần) là gì? Vấn đề này khó vì trong mâu thuẫn có hai yếu tố:
 
- Một yếu tố thuộc về xã hội: đề cao đàn bà.
 
- Một yếu tố thuộc về hiện tượng thiên nhiên, vì bà mẫu thần cũng là bà sinh sản, giúp đỡ phát triển sinh sản, giúp người và động vật đẻ nhiều con, đồng ruộng được nhiều lúa, v. v... Mẫu thần tiêu biểu cho sức sinh sản của thiên nhiên trong các giống loài. Nhưng phải chăng đó là yếu tố căn bản? Nếu là yếu tố căn bản thì thành ra quy luật tôn giáo đây thuộc sức sản xuất, không thuộc quan hệ sản xuất; thành ra sức sản xuất lại gây được những mơ mộng duy tâm. Như thế không ổn. Thực ra ở đây sức sản xuất chỉ có vai trò tiêu cực, vì phần tích cực của nó được phản ánh trong quy luật khoa học, chứ không phải trong tôn giáo. Nếu tôn giáo phản ánh sức sản xuất, thì chỉ phản ánh phần tiêu cực chứ không phản ánh phần tích cực của sức sản xuất. Nhưng tại sao có nữ thần phản ánh sức sinh sản?
 
Theo ý chúng ta: có thể ở một giai đoạn nào đấy, nữ thần dùng để tượng trưng cho sức sinh sản, nhưng nói chung không có quy luật là sức sinh sản phải được phản ánh trong nữ thần. Bằng cớ: ở giai đoạn sơ kỳ, sức sinh sản được phản ánh trong loài vật tổ chứ không có vấn đề nữ thần. Về sau này, thông qua giai đoạn mẫu quyền tức giai đoạn nông nghiệp sơ kỳ thì được xây dựng một truyền thống tượng trưng sức sinh sản trong mẫu thần, vì trong phân công lúc đó, đàn bà chuyên môn trồng trọt (đến trình độ nông nghiệp có cày, đàn ông được phân công cày ruộng) . Tất nhiên sức sinh sản nông nghiệp cũng được tượng trưng trong đàn bà. Mặt khác vì sức sinh sản rô ràng nhất trong người đàn bà. Thần nữ cũng là tượng trưng cho sức sinh sản của loài người và súc vật. Nhưng căn bản là do yếu tố xã hội, do uy quyền mà người  đàn bà đã nắm được trong một thời gian nào đấy. Sau này, lúc quyền chỉ huy trong xã hội tập trung về người đàn ông trong chế độ gia trưởng thì di tích cũ vẫn còn lại.
 
Tại sao di tích cũ còn lại?
 
Tất nhiên phải có cơ sở nào đấy để di tích tồn tại. Cơ sở đây chính là vai trò người đàn bà trong hoạt động sản xuất: đàn bà vẫn sản xuất tuy dưới quyền đàn ông. Đàn bà không phải hoàn toàn biến thành nô lệ mà vẫn giữ một quyền nào đấy trong nhà. Quyền còn lại trong nhà được tượng trưng trong đạo mẫu thần. Tóm lại, nó là một di tích, đồng thời vẫn còn cơ sở. Nhưng bên cạnh đó lại phát triển một đạo thần ông. Uy quyền trong xã hội được tượng trưng trong thần ông chứ không phải trong thần bà. Rõ ràng ý tưởng tôn giáo ở đây phản ánh quan hệ xã hội. Đạo mẫu thần sau này được kéo dài cũng là tượng trưng cho phần uy quyền của đàn bà còn giữ lại trong xã hội. Đặc biệt trong những xã hội tiến nhanh từ thị tộc lên chế độ chiếm hữu nô lệ do những điều kiện nào đấy như Ai Cập (nhờ những điều kiện thiên nhiên thuận lợi: đất phì nhiêu, hoạt động nông nghiệp dù ở trình độ thấp cũng có nhiều kết quả), do đó, chế độ chiếm hữu nô lệ đã phát triển nhanh chóng. Ở đây di tích mẫu quyền còn rất nhiều, kết hợp với hình thái phụ quyền mới. Lúc phụ quyền đã được xây dựng, truyền thống mẫu hệ vẫn kéo dài. Trẻ con đặt tên theo mẹ. Đạo mẫu thần cũng kéo dài. Để kết hợp quyền đàn bà và đàn ông, để đàn ông củng cố phụ quyền và được để của cho con, lúc đầu có tập quán anh chị em ruột lấy nhau. Vì theo tập quán cũ con được hường gia tài mẹ, tức đàn ông không để của cho con mà để cho cháu gọi bằng cậu. Trong một gia đình, em hay chị được hưởng của anh, anh để lại của cho em gái, em gái để của lại cho con. Đến khi phụ quyền phát triển, muốn để lại của cho con thì đàn ông phải lấy em gái của mình. Đến một giai đoạn rất lâu, trong nhân dân dần dần mất tục ấy đi, nhưng tầng lớp trên vẫn còn giữ (vua Ai Cập lấy em gái để giữ ngôi).
 
Chúng ta thấy đây rõ ràng tôn giáo biến chuyển theo biến chuyển của quan hệ sản xuất.
 
7. Các tổ chức nguyên thủy
 
Có một câu hỏi: vì sao lại có hiện tượng hiến vua để củng cố uy quyền nhà vua?
 
Trong hiến tế có ba vấn đề nhưng cũng là một: Ai hiến tế? Hiến tế gì? Cho ai?
 
Về thực chất, ba là một, chính mình hiến tế mình cho mình, tức là; người hiến tế, người bị hiến tế và người được hiến tế là một. Vì người hiến tế nhắc lại quá trình chiến đấu đã xây dựng uy quyền của mình, trong chiến đấu chính mình hy sinh để củng cố uy quyền cá nhân. Trong buổi lễ, căn bản là mình hiến tế mình để củng cố uy quyền của mình. Thực tế thì có lệ lấy trâu, bò, tù binh... để hiến tế, nhưng thực chất là tượng trưng cho người hiến tế thay thế cho người ấy: hiến của cũng là hiến mình. Có thế mới nhắc lại được quá trình chiến đấu; hiến cho thần là hiến cho mình, quyền vua tượng trưng cho quyền thần.
 
Thời nguyên thủy, trong các buổi lễ, có sự đổ máu, dân tự xẻo thịt, đánh đập đau đớn... để thị tộc được củng cố. Do đó, khi chế độ quân chủ bước đầu được xây dựng trong phạm vi chế độ bộ lạc, thì lễ hiến tế cao nhất là hiến vua. Vua có bị hiến thì uy quyền quân chủ và quyền lợi của chủ nô vừa chớm nở mới được củng cố. Ở Lưỡng Hà, chế độ quân chủ chủ nô tương đối ổn định hãy còn giữ một cách tượng trưng lễ hiến vua. Mỗi năm một lần vào mùa xuân, các nô lệ thành Babylone được tự do phóng thích. Làm như chủ một người nô lệ đóng vai trò làm vua, được ngồi ngai ăn mặc sinh hoạt như vua trong suốt những ngày hội. Sau đó thì anh ta bị hiến tế. Rõ ràng hội đó nhắc lại giai đoạn trước với quá trình xây dựng chế độ quân chủ, nhắc lại giai đoạn mà người nô lệ còn là dân tự do. Qua chiến đấu, các thị tộc thắng đã hy sinh để xây dựng quyền làm chủ nô của mình, nên chiến đấu đó được tượng trưng trong hiến tế, là mình tự hiến mình cho mình. Điểm này cũng được nhắc lại trong đạo Gia tô. Thần hiến Thần cho Thần: thần cha (Thượng đế) hiến thần con (Gia tô) - Thượng đế hiến tế, Thượng đế bị hiến tế (Gia tô) và hiến tế cho Thượng đế (Thánh thần). Chính vì trong hiến tế, mình hiến mình cho mình để được chuyển lên một cương vị thống trị nên mới có sự say sưa trong hiến tế, thu hút được nhân tâm. Trong lúc giết một con vật để hiến tế, trong tư tưởng người ta cái bị giết không phải là con vật ấy mà là mình: mình hy sinh để chuyển lên một cương vị thống  trị. Do đó có sự thông cảm của công chúng đứng ở đấy xem lễ (giai cấp thống trị hoặc dân tự do mong được lên cương vị thống trị). Họ say sưa vì họ có cảm tưởng như mình hy sinh mà thành thần. Thần là người đã hy sinh.
 
8. Tại sao thị tộc lại chia đôi?
 
Chia tập đoàn là tất yếu, vì lúc số người tăng lên thì không sống chung được nữa, vậy phải chia. Nhưng tại sao khi chia rồi lại có lệ cấm giao cấu trong tập đoàn, mà thi hành sự trao đổi?
 
Lúc đầu đất đai còn rộng, người còn ít, do đó khi tập đoàn đồng huyết chia đôi, mỗi bên đi ở một phương, hai bên không giữ quan hệ gì đặc biệt. Đến một lúc nào đó, sức sản xuất phát triển, số người đông thêm, những tập đoàn đã chia lại vẫn thường xuyên gặp nhau nên có quan hệ với nhau. Do điều kiện sinh hoạt - người nhiều, đất rừng có hạn - các tập đoàn vấp phải nhau, nảy sinh chiến tranh, trên cơ sở chiến tranh thiết lập quan hệ trao đổi hòa bình. Nội dung trao đổi, lúc đầu là con gái vì ngoài ra thì cũng không có gì khác mà trao đổi (thức ăn thì kiếm ăn ngày nào vừa đủ ngày đó, mỗi người có công cụ của mình, mà vì nay đây mai đó, cũng không thể tích lũy, vậy không cần cướp thêm). Trong chiến tranh chỉ cướp con gái, thì trao đổi cũng chỉ trao đổi con gái thôi. Khi đã có giao ước trao đổi con gái thì tất nhiên con gái không có quyền được kết hôn trong thị tộc, vì phải giữ lại để làm của trao đổi. Đây là một ức thuyết, vì về thời ấy chúng ta không có tài liệu chắc chắn.
 
9. Hình thức của thượng tầng kiến trúc
 
Trong xã hội nguyên thủy, chỉ có một thượng tầng kiến trúc là tôn giáo, tại sao sau này lại chia ra thành nhiều hình thức khác nhau?
 
- Tôn giáo buổi đầu bao gồm: chính trị, luật pháp, nghệ thuật, v. v...; xét theo kinh nghiệm lịch sử, thì cùng một nội dung, lại tiến triển theo từng bộ phận riêng biệt, và các bộ phận có chỗ bất đồng nên các hình thái trong thượng tầng kiến trúc được phân biệt - lúc đầu, trong xã hội nguyên thủy chỉ có tôn giáo thôi, không có Nhà nước, mọi tổ chức xã hội là do tôn giáo bảo đảm. Nghệ thuật lúc ấy cũng có hình thức phương thuật: các bức tranh, tượng là đồ phương thuật dùng để làm phép chài, hoặc làm lễ phát triển vật tổ
 
- Đến lúc nào đấy, Nhà nước được phân biệt đối với uy quyền tôn giáo. Lúc đầu có lễ hiến vua. Nhưng đến lúc đối với các chiến sĩ thì ông ta không chịu bị hiến nữa. Trong tài liệu thuộc về lịch sử Ai Cập, có kể chuyện một ít vua đến lúc bọn tăng lữ cho gọi đến để hiến tế theo thường lệ, thì ông ta gửi quân đi giết các tăng lữ; như vậy là đã khẳng định uy quyền Nhà nước đối với tôn giáo; lúc đó, Nhà nước chủ nô được xây dựng thành một thượng tầng kiến trúc tương đối độc lập đối với tôn giáo.
 
- Trong thời cổ đại Đông phương (quân chủ độc đoán chủ nô), có đấu tranh của bộ phận công thương chống bộ phận tăng lữ (một bộ phận tương đối tiến bộ chống lại bộ phận lạc hậu trong  giai cấp chủ nô), đấu tranh này xây dựng Nhà nước đầu tiên, nhưng ở đây chính trị và pháp lý còn lẫn lộn nhau. Lời nói của vua là luật pháp và ngược lại.
 
Ở Lưỡng Hà, đời Hammourabi (thế kỷ XVIII tr. CN), pháp luật đã xuất hiện, với bộ luật đầu tiên trên thế giới.
 
Tới thế kỷ 7 - 8 tr CN, ở Hy Lạp có cuộc cách mạng nhân dân tự do nổi dậy chống quý tộc, đòi công bố luật pháp; do đó pháp lý được phân biệt đối với chính trị (chỉ phân biệt về hình thức, vì nó liên quan chặt chẽ với chính trị vê nội dung).
 
Mọi bộ phận trong Nhà nước dân chủ chủ nô được phân chia giữa các ủy viên, các hội đồng khác nhau; quyền xử án và quyền lập pháp được chuyên môn hóa do quá trình đấu tranh giai cấp; một bộ phận đặc biệt trong giai cấp chủ nô - công thương – đòi hỏi có một chế độ pháp trị rõ ràng tương đối tách khỏi chính trị, vì chính trị là một hành động có phần công khai và có phần không công khai, do đó không ổn định được hoạt động trao đổi (bộ phận công thương này tương đối tiến bộ). Nhân dân đòi hỏi phải tuyên bố công khai quyền lợi và nhiệm vụ của mỗi người, đòi phân biệt pháp lý và chính trị (pháp lý khác chính trị ở chỗ là nó phải hoàn toàn công khai, người ta chỉ phạm tội khi nào luật pháp đã được công bố).
 
- Cùng với quá trình phân biệt pháp lý, có quá trình phân biệt triết học và nghệ thuật. Vì cho đến thời Hy Lạp nghệ thuật vẫn nằm trong tôn giáo (lúc này mới chỉ có Nhà nước là phân biệt). Nghệ thuật nói chung là phục vụ những công trình kiến trúc tôn giáo, nhưng dần dần có hướng phân biệt.
 
Thần trước kia là động vật (vật tổ), dần dần cũng được chạm vẽ giống như người. Đến thời Hy Lạp thì Thần thành hình người hoàn toàn, tức là trong phạm vi tôn giáo đã có quá trình nhân cách hóa ông thần. (Việc tách riêng nghệ thuật cũng dựa vào quá trình đấu tranh giai cấp) nghệ thuật cũng như tôn giáo đều phục vụ bọn chủ nô, nhưng tôn giáo phục vụ đặc biệt bọn quý tộc và bộ phận liên quan với lớp quý tộc; nghệ thuật phản ánh tình cảm của nhân dân tự do, phản ánh nhân sinh quan của một bộ phận chủ nô tương đối tiến bộ, gần nhân dân hơn  là bộ phận công thương. Ở đây, nội bộ giai cấp thống trị có đấu tranh, đấu tranh này phản ánh cuộc đấu tranh giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị trong xã hội. Cùng với nghệ thuật, triết học cũng được phân biệt. Thế kỷ thứ 7 tr. CN, ở các thành thị Hy Lạp, có cuộc đấu tranh giai cấp giữa bộ phận chủ nô công thương chống bộ phận địa chủ (phản ánh quyền lợi chung của nhân dân, và những đòi hỏi phát triển của sức sản xuất), do đó triết học biểu hiện một nhân sinh quan, một thế giới quan mới có tính chất duy vật và duy lý. Nhưng nó biểu hiện thế giới quan ấy bằng khái niệm tổng quát chứ không bằng hình tượng như nghệ thuật. Sự khác nhau đây là do quyền lợi tương đối khác nhau giữa bộ phận tự giải phóng qua triết học và bộ phận tự giải phóng qua nghệ thuật. Bộ phận giải phóng bằng nghệ thuật thì tuy liên quan với tôn giáo nhiều hơn nhưng lại mộc mạc và gần gũi quần chúng, vì quần chúng đây là quần chúng mê tín nên nghệ thuật vẫn liên quan với quý tộc; mặt khác vì hình tượng có tính chất cảm tính được quần chúng hiểu dễ hơn nên lại liên quan với quần chúng nhiều hơn là triết học. Nghệ thuật Hy Lạp, bắt đầu được phân biệt nhưng vẫn còn giữ đề tài tôn giáo, vẫn vẽ tranh, tạc tượng Thần, nhưng cho Thần một nội dung nhân cách hóa - vẽ Thần như người.
 
Triết học thì chống tôn giáo một cách triệt để hơn với nội dung duy vật, duy lý; ngay cả triết học duy tâm cũng chống tôn giáo dưới hình thức tôn giáo, biến thần thánh thành khái niệm trừu tượng (với Platon chẳng hạn). Nhưng đấu tranh bằng khái niệm cũng xa quần chúng hơn, căn bản là phản ánh quyền lợi của nhân dân nhưng xuyên qua quyền lợi của giai cấp công thương.
 
Trong thời Hy Lạp khoa học và triết học là một, nhưng về cuối thì có hướng tách khoa học ra khỏi triết học, lý do cũng là ở một thế giới quan mới xuất hiện với điều kiện đấu tranh giai cấp đương thời. Vì ở giai đoạn cuối này triết học ngày càng liên quan với tôn giáo, giai cấp công thương không đủ sức mạnh triệt để chống quý tộc, mà còn liên minh với quý tộc để bảo vệ quyền lợi, bộ phận tiến bộ của nó không xây dựng được một triết học mới, một nhân sinh quan chống tôn giáo, chỉ bảo vệ quyền phát triển kỹ thuật, tìm tòi trong phạm vi kinh nghiệm trước mắt; chống tôn giáo duy tâm trong phạm vi kỹ thuật và phạm vi kinh nghiệm thực tiễn.  Đặc biệt đấy là hướng của phái y học cuối thời cổ đại, đề cao kinh nghiệm, đề cao khoa học với tính chất công trình nghiên cứu các sự vật riêng lẻ bằng kinh nghiệm, rút từ đó ra những bài học cụ thể. Về căn bản cũng phản ánh nội dung chung của xã hội, nhưng trong phạm vi quyền lợi riêng của một giai cấp còn vai trò tiến bộ phần nào đấy (bộ phận chuyên môn, tiêu biểu là bộ phận các thầy thuốc). Họ giữ được tinh thần duy vật, nhưng không đủ sức để đưa lên thành thế giới quan, nhân sinh quan mà chỉ bảo vệ trong công tác thực nghiệm.
 
Đến thời phong kiến, khoa học lại sáp nhập vào triết học và triết học sáp nhập vào tôn giáo (kinh viện). Nhưng với quá trình cách mạng tư sản, triết học tách rời thần học.
 
Đến đầu thế kỷ XIX, triết học tư sản trở lại duy tâm; hướng tiến bộ trong tư tưởng tư sản phải tập trung vào khoa học thực nghiệm (tương đối tiến bộ lúc ấy), do đó trong giai cấp tư sản có   tư tưởng tách riêng khoa học và triết học.
 
Với bước đầu cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân đã nhận rõ triết học căn bản là khoa học, chính nó là cơ sở lý luận của khoa học. Nhiệm vụ của nó là nêu ra những quy luật khoa học   phổ cập nhất. Triết học là bộ phận tổng kết kinh nghiệm toàn diện. Triết học Mác không thể tách rời khoa học, nó là bộ phận cao nhất, phổ cập nhất của khoa học; chủ nghĩa duy vật biện chứng, duy vật lịch sử là hệ thống lý luận toàn diện của lịch sử tự nhiên và xã hội.
 
Rõ ràng rằng với cùng một nội dung lịch sử, thì vẫn có sư phân biệt trong thượng tầng kiến trúc, vì trong nội dung lịch sử này có những điểm riêng, có từng bộ phận mâu thuẫn, do đó sự phân biệt hình thức giữa các bộ phận có một nội dung chân chính, có lý do chân chính. Nhà nước được phân biệt đối với tôn giáo, Nhà nước tiêu biểu cho một bộ phận của giai cấp thống trị tương đối tiến bộ hơn, quá trình xây dựng Nhà nước lúc ấy là bước tiến bộ của lịch sử loài người; với mức nào đó, nó phản ánh đòi hỏi của nền sản xuất xã hội, đòi hỏi của nhân dân.
 
Nghệ thuật, khoa học cũng thế, mỗi lúc có một bước tách riêng là do nội dung đấu tranh giai cấp có tính chất tiến bộ; vì thế mà những hình thức còn lại có phần giá trị chân chính ở chỗ nó còn giữ lại trong nó cái nội dung tiến bộ kia.
 
Nay ta sử dụng hình thức cũ; giữ lại cái nội dung tiến bộ ấy. Chính nó xây dựng nên tính chất tương đối độc lập của mỗi bộ phận trong thượng tầng kiến trúc.
 
Trần Đức Thảo
(Lịch sử Tư tưởng trước Marx, tr. 106-126)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét