CHỦ NGHĨA MARX VÀ HIỆN TƯỢNG HỌC
Trần Đức Thảo
Trái với chủ nghĩa cộng sản thô lậu, khi nó chỉ hủy bỏ quyền tư hữu
bằng sự san bằng phổ quát trong đó ngay cả phẩm cách con người cũng bị
chối bỏ, chủ nghĩa Marx đề xuất một sự hủy bỏ tích cực, thực chất là chiếm hữu. Chiếm hữu ở đây không phải là lấy làm của riêng – theo nghĩa là có
– mà là hưởng dụng sản phẩm do con người làm ra bằng sự nhận biết ngay
chính con người trong đó. Ở xã hội «không giai cấp», nhờ sự phát triển
kỹ thuật hiện đại, công thức «đòi hỏi từ mỗi người theo khả năng, phân phối cho mỗi người theo nhu cầu» sẽ tự khắc áp dụng. Những sản phẩm do xã hội tạo ra sẽ được mỗi cá nhân cảm nhận như sự vật hoá
của bản thân hắn; nói cách khác, bằng sự nhận thấy chính mình trong sản
phẩm, mỗi cá nhân sẽ tự hưởng thụ trong nghĩa trọn vẹn nhất của từ này
đối với ý thức con người.
«Con người chiếm hữu bản thể phổ cập của hắn một cách phổ quát, nghĩa là với tư cách con người tổng thể. Mỗi quan hệ mang tính ngườivới thế giới như thấy, nghe, ngửi, nếm, rờ, nhìn, cảm nhận, suy tư,
ham muốn, hành động, yêu thương, nói tóm lại, tất cả các cơ quan tạo
nên cá tính hắn, nếu về mặt hình thức là những cơ quan xã hội trực tiếp,
thì trong quan hệ khách quan hay trong cách ứng xử đối với sự vật,là sự chiếm hữu sự vật đó, nghĩa là sự chiếm hữu thực tại người; nói cách khác, cách
thức ứng xử của các cơ quan tạo nên cá tính mỗi người đối với sự vật là
sự biểu thị của thực tại người. Sự biểu hiện này cũng đa tạp như những xác địnhvà những sinh hoạt của con người, hoạt độngvà đau khổtrong kiếp người, bởi vì hiểu theo nghĩa nhân văn, khổ đau cũng là cách thụ hưởng riêng của con người».
Dường
như đoạn văn này cho ta ý nghĩa đích thực của chủ nghĩa duy vật lịch
sử, đối lập với chủ nghĩa duy vật thông tục. Hiện thực chính là cái gì
ta sản xuất ra, không phải chỉ độc trên bình diện vật
chất, mà theo nghĩa tổng quát, bao gồm tất cả mọi sinh hoạt mang tính
người, kể cả loại sinh hoạt gọi là «tinh thần». «Bản nhạc hay nhất cũng không có nghĩa gìđối với đôi tai không biết thưởng thức nhạc, nó không phải là đối tượng, bởi vì đối tượng của tôi chỉ có thể là sự biểu hiện của một trong những năng lực của tôi» .
Hiện thực chính là cái thế giới đầy ý nghĩa trong đó chúng ta sống, và
đúng là nó chỉ có ý nghĩa bởi ngay chính cuộc sống của chúng ta: thế
giới tự nhiên đã được nhân hoá bởi bao thế hệ cần lao. Ở Marx, sự đảo
lộn biện chứng từ chủ nghĩa duy tâm sang duy vật vẫn giữ lại nội dung
tinh thần của học thuyết Hegel. Sự đồng hoá thế giới tinh thần với cái
thế giới mà chúng ta cảm nhận không làm mất đi sự phong phú của nó về ý
nghĩa: vấn đề không phải là «quy giản» ý tưởng vào hiện thực, mà là vạch ra ngay trong bản thân hiện thực phần chân lý của ý tưởng.
Trong khi chủ nghĩa duy vật thông tục định nghĩa hữu thể một cách trừu tượng như vật chất thuần túy, thì ít nhất trong buổi đầu, hệ quy chiếu của chủ nghĩa duy vật lịch sử là một kinh nghiệm toàn diện, nơi thế giới tự phơi mở trước mắt ta đầy ý nghĩa nhân sinh, xác nhận là nó tồn tại cho ta, trong khi ta sống trong lòng nó. Đấy chính là cái kinh nghiệm nguyên thủy mà Husserl muốn quay lại, khi ông lập ra trường phái hiện tượng học vào đầu thế kỷ 20, bằng cách tập hợp một nhóm triết gia trẻ quanh khẩu hiệu nổi tiếng: «Zu den Sachen selbst»:
trở về với ngay chính sự vật! Tất nhiên, sự vật ở đây không phải là đồ
vật mà ta định nghĩa bằng một hệ thống phương trình toán học; nó là tất
cả những gì tồn tại đối với chúng ta, trong ngay chính cái ý nghĩa là nó
tồn tại cho ta. Đòi hỏi hủy bỏ tính ưu tiên của vật chất chính là để
dẫn tới ý thức về tồn tại cụ thể trong ý nghĩa trọn vẹn của tồn tại.
Chán ngấy sự trừu tượng
khô cứng của phê phán luận và của triết lý khoa học, thế hệ mới đã đón
nhận lời kêu gọi này như giọt sương mai mầu nhiệm sẽ khai mở tất cả sự
phong phú của thế giới cuộc sống.
Trong
thực tế, «sự chiếm hữu» được thực hiện trên bình diện cá nhân và lý
thuyết bằng bước lùi lại với ý thức về cái ta hay ý thức bản ngã, nơi
những ý nghĩa tiềm ẩn – «tha hoá» - của cuộc sống hồn nhiên bỗng rực
sáng. Dưới hình thức hiện sinh chủ nghĩa của nó, hiện tượng
học chỉ mới là hồi kèn động viên cảm thức hành động hơn là cẩm nang
hành động thực hiệu. Sự thiếu vắng bước chuyển tiếp từ cảm thức này sang
một thực tiễn xã hội mạch lạc tố cáo tính chất triết lý tư sản của nó. Dù sao, chí ít nó cũng đã thực hiện được tối đa phần chân lý mà giai cấp tư sản
có thể đạt đến, bằng cách chỉ ra trongnghiệm sinh thực hiệunguồn căn
cuối cùng, nơi con người rút ra ý nghĩa của tồn tại. Chỉ cần thêm vào
đấy ý thức về ý nghĩa khách quan của tồn tại nữa để nhìn thấy trong
những điều kiện kinh tế yếu tố xét đến cùng là quyết định đối với cấu trúc tổng quát của kinh nghiệm về thế giới.
Đúng
thật là những văn bản kinh điển của chủ nghĩa Marx đã định nghĩa ưu thế
của cơ sở kinh tế một cách khó chấp nhận cho các nhà hiện tượng học. Thượng tầng kiến trúc bị xem là ảo ảnh đơn thuần, như chỉ phản ánh những quan hệ «hiện thực» lên bình diện tư tưởng hệ, trong khi nét độc đáo của hiện tượng
học chính nằm ở chỗ nó xem mọi ý nghĩa của nhân sinh là giá trị chân
chính. Nhưng chủ nghĩa Marx đâu chỉ đơn giản khẳng định sự tất yếu của
hạ tầng cơ sở như quy chiếu cuối cùng: dòng lịch sử chỉ giải thích được
bởi đấu tranh giai cấp, nhưng biện chứng đấu tranh lại được xây dựng
trên những kiến trúc thượng tầng tự tồn. Quan hệ sản xuất phải thay đổi
khi đã lỗi thời so với lực lượng sản xuất. Song sự thay đổi này đòi hỏi
phải đấu tranh thực hiện dưới hình thức cách mạng, chính vì quan hệ sản
xuất cũ vẫn được duy trì, nghĩa là vì thượng tầng kiến trúc đồ sộ vẫn
tiếp tục sống mặc dù cơ sở kinh tế đã mất. Để hiểu lịch sử một cách thấu
đáo, tính tự tồn của thượng tầng kiến trúc cũng thiết yếu như sự vận
động của hạ tầng cơ sở. Nhưng làm sao giải thích nó, nếu đấy chỉ là phản ánh của quá trình hiện thực? Cứ cho rằng sức kháng cự của hệ tư tưởng
xuất phát từ một ảo ảnh đi, như ta vẫn thường nghe. Nhưng cái ảo ảnh ấy
tự duy trì như thế nào, và hơn nữa, ngay ý niệm ảo ảnh lại không giả
định ý niệm chân lý hay sao?
Chúng ta thử tìm một giải đáp, không phải qua tranh luận, mà bằng sự khảo sát một ví dụ. Marx đã từng tuyên bố trong Dẫn Vào Phê Phán Kinh Tế Chính Trị như
sau: «Thần thoại Hy Lạp không chỉ là kho tàng mà còn là mảnh đất nuôi
dưỡng nghệ thuật Hy Lạp. Liệu cách nhận thức tự nhiên và quan hệ xã hội
nằm dưới đáy óc tưởng tượng,
và từ đó, của [thần thoại] Hy Lạp nay còn thích hợp chăng với máy kéo
sợi tự động, đường và đầu máy hỏa xa, máy móc điện báo?... Nền nghệ
thuật Hy Lạp giả định thần thoại Hy Lạp, nghĩa là sự tạo tác một cách mỹ
thuật tuy vô thức thế giới tự nhiên và ngay chính những hình thái xã
hội bởi thị hiếu phóng đãng của quần chúng». Ta thấy ngay rằng nghệ
thuật Hy Lạp không chỉ đơn thuần phản ánh điều kiện vật chất của đời
sống cổ đại: đúng hơn, nó là cả một kiến trúc được xây dựng trên loại
sinh hoạt mỹ thuật tự phát, tương giao với một trực quan đầy tính thần thoại về thế giới: «tự nhiên và xã hội được tạo tác một cách mỹ thuật tuy vô thức bởi thị hiếu phóng đãng của quần chúng». Mỹ
thuật tự phát là nền «đất nuôi» của nghệ thuật phản tỉnh, và chính nền
mỹ thuật tự phát đó, như một thời cứ của kinh nghiệm tổng quát, mới lệ
thuộc vào cấu trúc tổng quát của kinh nghiệm sống, nghĩa là vào cấu trúc
kinh tế.
Trong ngôn ngữ hiện tượng
học, ta nói rằng cuộc sống trần gian này, kinh nghiệm về thế giới này
bao gồm một tập hợp ý nghĩa, trong đó có ý nghĩa mỹ thuật. Dángdấptổng
quát của tập hợp này tất nhiên đã được phác họa bởi một số điều kiện sơ
đẳng nào đó - điều kiện kinh tế. Đây không phải là một quy định dưới
dạng nhân quả, mà đơn giản là sự phân ranh cần thiết nhằm định nghĩa
nghiệm sinh đó như kinh nghiệm của thế giới này.
Những thời cứ đặc thù không vì thế mà mất đi phần chân lý của chúng như
loại trực quan đã từng được sống thực, và chính trên phần chân lý đó mà
các sản phẩm văn hoá được xây dựng. Tất nhiên, trực quan nói đây không
phải là sự trực nhận thụ động những tiết lộ về một cõi-bên-kia không ai
biết, nó đơn giản chỉ cái khả năng hiểu ngay tức khắc ý nghĩa của cuộc
sống trong thế giới này, ý nghĩa của những sinh hoạt mà ta tiến hành,
bởi vì và chỉ vì ta sống cuộc đời của một con người. Chính cái thế giới cuộc sống haythế giới nhân sinh [Lebenswelt] này đã gánh chở mọi kiến trúc của thế giới văn hoá.
Cái
đẹp trong nghệ thuật Hy Lạp nói lên phong cách cảm nhận thế giới độc
đáo của xã hội Hy Lạp dưới dạng thức mỹ thuật và trong sinh hoạt nghệ
thuật vô thức. Trong kinh nghiệm mỹ thuật này, với điều
kiện sinh sống vật chất của người Hy Lạp thời đó, cái đẹp đã được biểu
lộ bằng cách duy nhất nó có thể bộc lộ. Giới hạn trên không giảm thiểu
mà diễn đạt tính chân chính của nó như một kinh nghiệm sống có thực
trong thế gian này. Như thế, tương
quan giữa mỹ thuật Hy Lạp với phương thức sản xuất cổ đại không thủ
tiêu mà đặt nền cho giá trị riêng biệt của các kiệt tác đương thời. «Hạ
tầng cơ sở» trên đó toàn bộ lâu đài này được xây dựng không phải là cơ
sở kinh tế, mà nói đúng ra, chính là cái thế giới mỹ thuật tự phát được
cấu tạo bởi óc tưởng tượng
của người Hy Lạp: thế giới thần thoại. Cái thế giới này không phản ánh
những quan hệ sản xuất vật chất; nó diễn tả cách thức người Hy Lạp mang ý
nghĩa mỹ thuật vào đời sống, cách họ sống đời dưới dạng thức mỹ thuật.
Nghệ thuật của họ chỉ là sự soi sáng ý nghĩa và dạng thức mỹ thuật trong
cuộc sống của họ.
Ưu thếcủa
hạ tầng kinh tế không thủ tiêu mà giao trả phần chân lý của các kiến
trúc thượng tầng về nguồn gốc chân chính của chúng trong kinh nghiệm
sống. Các kiến trúc tư tưởng hệ không tương
quan với phương thức sản xuất theo nghĩa là chúng phản ánh các phương
thức này - chuyện phi lý – mà đơn giản vì: một mặt, mỗi kiến trúc tư tưởng rút lấyý nghĩa của nó từ một nghiệm sinh tương
ứng, ở đó các giá trị «tinh thần» không những chỉ được phô bày mà còn
được cảm nhận và sống thực; và mặt khác, vì mọi kinh nghiệm đặc thù đều
xen vào kinh nghiệm tổng quát của con người trong thế giới như một bộ
phận. Do thế giới này có thể được định nghĩa ở mỗi thời điểm như lệ
thuộc vào quan hệ kinh tế đương thời trong các nét chính, và một thay
đổi nào trong quan hệ kinh tế cũng đều kéo theo sự tổ chức lại toàn bộ
cái tổng thể, đúng là xét đến cùng thì vận động lịch sử bị quy định bởi
những điều kiện của cuộc sống vật chất thật. Mỗi mức độ phát triển mới
của kỹ thuật bao hàm một nền «văn hoá» mới; mới không phải bởi vì văn
hoá phải phản ánh trình độ kỹ thuật, mà vì nó chỉ là văn hoá chân chính
nếu nó nói lên được những trực quan độc đáo mà điều kiện sinh sống mới
đã đẻ ra. Mặt khác, cũng đúng không kém là mỗi thượng tầng kiến trúc
được xây dựng trên kinh nghiệm sống trước đấy vẫn tồn tại bởi hoài niệm
về phần chân lý nó đã gánh chở, đến nỗi cần phải làm cách mạng để thay
thế nó bằng một tổ chức mới.
Sự
minh giải chủ nghĩa Marx trên chỉ có trọn vẹn ý nghĩa khi những phân
tích cụ thể về nhà nước, pháp chế, nghệ thuật, tôn giáo, triết học...
của mỗi thời đại đã được gắn liền vào loại trực quan chính trị, pháp
luật, mỹ thuật, tôn giáo, triết lý... tương ứng với nền kinh tế của cùng thời đại và cấu thành cuộc sống của người đương thời. Những hệ tư tưởng
kế tiếp sẽ được hiểu trong phần chân lý lịch sử của chúng, và sự hiểu
biết này sẽ cho phép ta rút ra giá trị vĩnh cửu của các thời cứưu việt,
khi loài người biết gửi gấm lâu dài vào bao kiệt tác văn hoá ý nghĩa của
bản chất người - cái bản chất vẫn còn là của chúng ta trong chừng mực chúng ta còn nhận thấy mình trong đó, như chúng ta thực là nó hiện nay, và như chúng ta vẫn luôn luôn mong mỏi là nó dù trong một phong cách hoàn toàn đổi mới. Marx đã từng lưu ý: «Cái
khó không phải là hiểu rằng nghệ thuật Hy Lạp và sử thi gắn bó ra sao
với các hình thái phát triển xã hội nào đó, mà là hiểu vì sao chúng còn
cho ta cảm khoái mỹ thuật, và dưới nhiều khía cạnh còn được xem như quy
phạm hay mẫu mực khó vươn tới».
«Một
người không thể nào trẻ lại thành đứa bé mà không rơi lại tuổi thơ.
Nhưng bộ anh ta không biết thưởng thức sự ngây thơ của trẻ nhỏ, và đến
một tuổi cao hơn, không ham muốn sống lại sự hồn nhiên ấy hay sao? Bộ
mỗi thời đại không thấy cá tính độc đáo của mình tái hiện như chân lý tự
nhiên nơi bản tính con trẻ hay sao? Tại sao tuổi thơ lịch sử của loài
người, ở điểm khai hoa rực rỡ nhất, lại không thể có được sức quyến rũ
vĩnh cửu dù như một thời đã vĩnh viễn trôi qua?»(Karl Marx, Dẫn vào Phê Phán Kinh Tế Chính Trị, trong Đóng Góp vào Phê Phán Kinh Tế Chính Trị, bản dịch của Laura Lafargue, tr. 351-352).
Việc áp dụng phương pháp mà chúng tôi vừa nêu lên nguyên tắc tất nhiên sẽ kéo theo yêu cầu xét lại triệt để học thuyết Marx trong nội dung chính thống,
mặc dù sự xét lại này được thể hiện bằng bước quặt trở lại với ý hướng
ban đầu. Dưới đây, chúng tôi thử trình bày qua một ví dụ cụ thể vì sao
và như thế nào sự xét lại này lại có thể là một biến đổi toàn diện.
Theo Marx, cuộc Cải Tổ tôn giáo ở thế kỷ 16 chỉ là hình thức tư tưởng hệ mà nỗ lực tự giải phóng của giai cấp tư sản khỏi ách thống trị của giáo hoàng đã đề ra: phản ánh hư ảo của một cuộc tranh giành lợi quyền «hiện thực». Rõ ràng là lối giải thích này đã thủ tiêu ngay chính cái ý nghĩa của hiện tượng phải nghiên cứu, như một hiện tượng tôn giáo. Vì tương quan của Cải Tổ với cơ sở kinh tế đã quá hiển nhiên, về phần chúng tôi, xin diễn giải như dưới đây.
Thời
trung cổ, việc xây dựng Nhà Thờ thành thế quyền là thiết yếu để duy trì
đời sống tinh thần trước sự thô bạo của phong tục tập quán đương thời.
Thời cuộc nhiễu nhương khốn đốn đẩy phần suy niệm tâm linh lánh vào tu
viện, trong khi hàng chức sắc tôn giáo tìm cách bảo vệ di sản của các
Cha Cố bằng tổ chức chính trị và quân sự. Với sự phát triển của giai cấp tư sản
và chính quyền trung ương mà nó ủng hộ, an ninh dần dần trở lại, cho
phép xây dựng một đời sống tôn giáo có ý nghĩa về mặt tinh thần. Không
còn phải rời bỏ thế gian này để tôn thờ Thượng Đế: chỉ cần gán cho công
việc hàng ngày một ý nghĩa tuyệt đối như biểu hiện của ý chí tối cao, và
làm bổn phận một cách lương thiện. Sự sùng bái Thượng Đế siêu thế, hình thức khả thi duy nhất trong thời phong kiến loạn lạc, tự khắc nhường chỗ cho sự tôn thờ Thượng Đế tại thế bằng sự thực thi các đức tính (lương thiện, cần lao, tiết kiệm) và giá trị (nghề nghiệp, hôn nhân) tư sản
trong cuộc sống. Thời trung cổ, trực quan tôn giáo thoát ly thế gian
này để tự thực hiện ở một cõi bờ biệt lập, với những giới luật, nghi lễ
và phương tiện sinh nhai riêng. Sự vật chất hoá đức tin qua các công tác
từ thiện, rồi sự định lượng giá trị tôn giáo của lòng từ thiện một cách
thuần vật chất, ... không phải là hệ quả của sự suy đồi theo nghĩa là
đánh mất ý thức về các giá trị tinh thần; chúng chỉ là biểu hiện của một
kinh nghiệm tôn giáo đòi hỏi phải chuyển hoá cụ thể giá trị của lòng
tin vào một số hành vi, vật thể đặc biệt, hầu tạo dựng một thế giới tôn
giáo như cõi bờ riêng biệt, ở đó và chỉ ở đó thôi, đức tin mới có thể tự
thực hiện. Vào đầu thời hiện đại, với những bước tiến của giai cấp tư sản
và điều kiện sinh sống vật chất mới, tổ chức giáo hội với bộ máy nghi
lễ và giới luật bỗng trở thành vô ích, chẳng còn quan hệ gì với đời sống
tôn giáo tự phát, với kinh nghiệm tôn giáo mới. Những tai tiếng mà ai
cũng biết, mặc dù đã gây ra bao mưu toan ly giáo và dị giáo thời trung
cổ, chưa bao giờ có khả năng làm lung lay uy tín và thế lực của Nhà Thờ,
bởi vì sự hiện diện của tổ chức giáo hội đáp ứng đúng cái dạng thức
sống đạo duy nhất có thể tồn tại dưới thời phong kiến.
Cuộc
Cải Tổ ở thế kỷ 16, trái lại, đã tiếp nhận được sự thành công bền vững,
bởi vì nó biểu đạt những đòi hỏi của một kinh nghiệm tôn giáo thực sự.
Sự tôn thờ Thượng Đế tại thế bao hàm yêu cầu từ bỏ các tu viện cùng nghi
lễ và trật tự giáo phẩm. Sự cứu rỗi được thực hiện qua lòng tin chứ
không nhờ vào công tác từ thiện. Vấn đề không còn là xây dựng một cõi bờ
riêng biệt, mà là cảm nhận sự hiện diện của Thượng Đế trong bất kỳ cử
chỉ, hành động nào của cuộc sống bình thường. Tín điều về số phận tiền
định đáp ứng chính xác cái trực quan về ý chí của Thượng Đế trong mỗi
biến cố phàm trần, và trực quan đó đã tạo cho cuộc sống trên trái đất
này một ý nghĩa tuyệt đối. Rồi sự tích lũy tư bản mang lấy hình thức khổ hạnh, được thi hành trong sự kính sợ Thượng Đế. Tin lành là tôn giáo của giai cấp tư sản,
cái hình thức qua đó nó có thể sống đạo một cách chân thực. Nhờ vậy,
đức tin đã được bảo tồn dễ dàng trong các quốc gia tin lành; ngược lại,
giai cấp tư sản Pháp, bị chính quyền quân chủ bắt buộc phải giữ lấy đạo Cơ Đốc mặc dù nó không còn tương ứng với một kinh nghiệm tôn giáo thực hiệu nào, rơi dần vào tình cảnh chống giáo hội và phi tôn giáo.
Nếu
hiểu kinh nghiệm tôn giáo là trực quan về cái ý nghĩa tuyệt đối của hữu
thể đã khiến cuộc sống tại thế biến thân thành nếp sống trong lòng
Thượng Đế, chúng ta sẽ nói rằng trong xã hội tư bản
- tổng quát hơn, trong mọi xã hội có đấu tranh giai cấp -, tôn giáo tự
thực hiện dưới hình thức một kinh nghiệm siêu nhiên. Thật vậy, do phân
công lao động, mặc dù khách thể đối tượng
là sản phẩm của toàn thể sinh hoạt tập thể, đối kháng giai cấp lại ngăn
cản thành viên xã hội nhìn nhận lẫn nhau. Trong điều kiện đó, dù có cảm
nhận được ý nghĩa tuyệt đối của sự vật nhờ loại trực quan huyền bí đi
nữa, chủ thể vẫn hoàn toàn không hiểu biết bản chất thực của mình; và sự
bất khả tri đó được thể hiện qua quan niệm Thượng Đế siêu nhiên. Trong
xã hội «không giai cấp», chủ thể chiếm hữu đối tượng
qua sự nhận diện chính bản thân mình trong đó; hắn thích thú tự chiêm
ngưỡng trong sản phẩm do con người làm ra. Cái tuyệt đối được hiểu sâu
sắc như sự đồng nhất của vật thể với cái tôi của chủ thể. Cuộc sống tại
thế cũng mang ý nghĩa huyền bí, nhưng không phải do quy chiếu về siêu
nhiên, mà trong sự hưởng thụ cái ý thức đã tự thực hiện được trọn vẹn.
Thật là sai lầm nếu nói rằng tôn giáo sẽ biến mất khi không còn tha hoá
nữa: thật ra, sự chiếm hữu hiện thực người chỉ sẽ nẩy nở trong một thứ
tôn giáo nội tại thuần khiết, nơi «hạnh phúc hoàn toàn không phải là phần thưởng của đạo hạnh mà chính là bản thân đạo hạnh»[1].
Sau
khi đã rọi sáng ý nghĩa của chủ nghĩa duy tâm ở Hegel như chính thật là
một thứ chủ nghĩa hiện thực (tinh thần phổ cập thật ra chỉ là con người
tại thế), sau khi đã phát hiện ý nghĩa của hiện thực người trong tất cả
sự phong phú của nghiệm sinh như thế, Marx còn phải khai triển học
thuyết của ông trong viễn cảnh của thực tiễn cách mạng. Trong cuộc đấu tranh hai mặt mà giai cấp tư sản
tự do phải tiến hành đầu thế kỷ 19, vừa để tiêu diệt tàn dư của chế độ
quân chủ, vừa để kìm hãm một đội quân vô sản cực kỳ khốn khổ trước quy
luật tay làm hàm nhai khắc nghiệt, tầng lớp tiểu tư sản còn là đồng minh của giai cấp bóc lột, luôn luôn đứng về phía tư bản mỗi khi cần phải trấn áp những phần tử bình dân đã được động viên trong cuộc chiến đòi dân chủ. Nhiệm vụ duy nhất của tư duy
cách mạng thời đó nằm ở việc đánh phá những kiến trúc thượng tầng của
giai cấp thống trị. Dường như chưa khẩn cấp phải xây dựng hệ tư tưởng cho xã hội tương
lai, giai cấp vô sản còn quá chật vật vì sinh kế để có thể quay lưng
lại với những tranh chấp cục bộ trước mắt. Công cuộc xây dựng này có thể
quyến rũ giai cấp tiểu tư sản, song do tình cảnh khách quan, nó lại quá gắn bó với giới tư bản để có thể đứng về phía cách mạng như một giai cấp. Vì thế, Karl Marx, nhà tư tưởng thực tiễn, phải dành tất cả mọi nỗ lực cho việc phân tích hạ tầng cơ sở.
Từ nửa sau thế kỷ 19, tiến bộ kỹ thuật kết hợp với cơ chế chính trị của nền dân chủ tư sản đã nâng cao đáng kể mức sống của giai cấp vô sản Âu châu. Hệ quả là sự tư sản hoá một bộ phận của quần chúng lao động song song với sự vô sản hoá giai cấp tiểu tư sản,
cụ thể là ở thành phần trí thức mà sự thiếu vắng ý thức giai cấp đã
không cho phép tự vệ một cách hữu hiệu trong cuộc đấu tranh xã hội. Kết
cấu của giai cấp cách mạng khách quan, do đó, đã chịu nhiều thay đổi cơ
bản. Nó không chỉ đơn giản là một giai cấp vô sản hoàn toàn lệ thuộc vào
quy luật tay làm hàm nhai như hồi giữa thế kỷ 19 nữa, mà bao gồm cả
nhiều tầng lớp lao động quan trọng được tư sản hoá và thành phần tiểu tư sản
bị vô sản hoá. Nhu cầu trí thức của thành phần sau không còn có thể
được thỏa mãn bởi chủ nghĩa Marx dưới hình thức chính thống nữa, trong
khi sự bài bác có hệ thống hệ tư tưởng dưới dạng thức một hệ thống tư tưởng
được xây dựng trên quyền lợi giai cấp lại bỏ mặc nó trong hoài niệm về
những giá trị truyền thống. Đấy là con đường dẫn đến sự phản bội thường
kỳ của cán bộ tiểu tư sản ở các thời điểm quyết định của hành động, kéo theo nó sự thất bại của bao cuộc cách mạng ở Âu châu.
Được nền dân chủ của các nước đế quốc bảo đảm một cuộc sống tương đối cao lúc bình thường, cái giai cấp mà chúng tôi vừa định nghĩa – vô sản ít nhiều đã tư sản hoá và tiểu tư sản
bị vô sản hoá - chỉ ý thức được hoàn cảnh cách mạng khách quan của nó
trong thời khủng hoảng hoặc chiến tranh. Những lúc ấy, xã hội có cơ may
tự giải phóng khỏi loại chế độ đã sản sinh và nuôi dưỡng tha hoá, thứ
chế độ thỉnh thoảng vẫn bắt buộc nó phải tiến hành nhiều cuộc thiêu hủy
khổng lồ để «tiêu thụ» sản phẩm dư thừa của nền kỹ thuật hiện đại. Nhưng
sự bất lực của chủ nghĩa Marx nhằm thoả mãn khát vọng của các tầng lớp
cách mạng mới đã phá hỏng vận hội này, và đẩy họ vào sự phi lý của một
con đường xã hội chủ nghĩa phảng phất mùi vị «duy tâm». Yêu cầu xét lại
là thiết yếu, do chính những bế tắc của thực tiễn áp đặt.
Sự
xét lại này không phải là hành động phản bội, mà đơn giản là sự «trở về
cội nguồn»; nó có thể tận dụng nhiều công trình nghiên cứu của trường
phái hiện tượng
học: mặc dù còn trong tình trạng phác thảo quá tổng quát, chúng đã có
giá trị của những cuộc thám hiểm có hệ thống vào thế giới nghiệm sinh.
Cố gắng tìm hiểu những sự vật «ý tưởng» trong tinh thần phục tùng tuyệt đối dữ kiện, hiện tượng
học đã biết liên hệ giá trị của các sự vật ấy với nguồn gốc vật chất
thế tục của chúng mà không hề làm chúng xuống cấp. Nó chỉ còn thiếu
những khái niệm khách quan để đạt tới một phân tích thực
hiệu ngay chính ý niệm tồn tại. Quan hệ tối hậu với kinh tế đưa ra một
cơ sở bền vững cho phép con người đảm nhận cuộc sống tại thế với niềm
tin chắc chắn rằng nó sẽ thực hiện được những giá trị đích thực. Dự án
tồn tại không hình thành qua một chọn lựa độc đoán mà luôn luôn trên cơ
sở của tri thức; bổn phận của chúng ta là soi rọi kiến thức đó càng
sáng càng tốt, để cái ý nghĩa chúng ta cáng đáng bằng chính cuộc đời
mình đồng nhất với cái ý nghĩa vốn có của nó, cái ý nghĩa mà chúng ta
phải thực hiện như «nhiệm vụ lịch sử».
«Bị
ném vào thế giới», thực tại người chỉ vươn tới tồn tại chân thực nếu
hắn nhìn cảnh ngộ trớ trêu đó không đơn giản như bàn đạp để phóng về một
hướng nào đó, mà như chính bản thể của hắn, cái mà hắn khách quan là,
cái mà hắn phải cưu mang ý nghĩa, nếu muốn đích thực là con người. «Dữ
kiện» không đơn thuần là một tập hợp những quy định thụ động; «dữ kiện
người» mang trong nội thân của con-người-đã-thành ý nghĩa của đòi hỏi
con-nguời-phải-là mà sự hoàn tất chính là định nghĩa của
con-người-chân-thực, và của khái niệm chân thực hiểu theo nghĩa đích
thực. Nếu đúng như câu văn tuyệt vời của Heidegger, «hiện thực người tự chọn lấy những anh hùng của hắn», thì
sự chọn lựa của con người chỉ là hành động tự do thực hiệu, nếu nó đích
thị là chọn lựa trên cái số phận đã được hình dung trước trong cảnh ngộ
khách quan của kiếp người, nghĩa là nếu dự án làm người của hắn không
phải là một dự án bất kỳ nào, mà chính là dự án của kẻ bơ vơ vô chủ.
Tinh hoa của chủ nghĩa Marx, như phân tích thực tiễn, nằm ở chỗ: từ quan sát hiện thực nó rút ra được đòi hỏi siêu vượt biện chứng, nơi phần chân lý
của nó thành tựu. Trong sự đảm đương đòi hỏi siêu vượt, con người tự
thực hiện trong sự vĩnh cửu của hắn, như cái hiện tại của một hữu thểmỗi
lúc tự đặt để chính nó như vẫn luôn luôn là một trong dòng đổi mới
không ngừng, tự xác lập như vĩnh viễn là một sự tự thực hiện. Marx đã
từng nói: «Học thuyết của tôi không phải là giáo điều mà là cẩm nang hành động». Ý nghĩa thực tiễn của tư duy
cách mạng không phải là sự bỏ rơi những đòi hỏi đặc thù của suy luận,
mà chính là sự thực hiện chân chính những đòi hỏi ấy. Hữu thể đích thực
không phải là hữu-thể-cho-đó như dữ kiện, mà là ý nghĩa của hắn như
hữu-thể-phải-là, cái ý nghĩa đã làm cho tồn tại luôn luôn là lời mời gọi
từ ta gửi đến ta: «Trở thành chính mày». Từ nhận định này, lập thuyết
về con người không phải là tính toán những quy định khách quan trong tính vật chất trừu tượng
của chúng, mà là tìm kiếm trong thế giới đã được thực hiện cái ý nghĩa
của tồn tại mà ta phải đảm nhận. Rằng cái ý nghĩa đó không chỉ nằm trong
sự xây dựng một nền kinh tế mới chính là điều đã quá hiển nhiên trong
ngay chính ý niệm về một thực tại người. Sự phân tích hiện tượng học về lao động tinh thần cụ thể, như thời cứ của tồn tại hiện thực, sẽ mang lại cho biện chứng về quan hệ sản xuất cái ý nghĩa trọn vẹn của một sự chiếm hữu phổ quát.
Phạm Trọng Luật dịch
Nguồn: Tran Duc Thao. 1949. “Marxisme et phénoménologie”. Revue Internationale, No 2, p. 168-174. Bản dịch đăng trên http://amvc.free.fr/Damvc/Khoa/Triet/MARXHIENTUONG.htm
[1]Tất nhiên, không nên lẫn lộn sự hưởng thụ cái tuyệt đối do con người sản sinh ra một cách ý thức với tình cảm thụ động về tính đồng nhất chung chung của vạn vật. Ở một nơi như Ấn Độ, thứ cảm thức sau tương ứng với loại trình độ kỹ thuật lạc hậu và bất lực, không làm chủ nổi thiên nhiên phong phú (Chú thích của Trần Đức Thảo)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét