Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

QUYỀN LỰC [Phần 9]

QUYỀN LỰC
[Phần 9]
 
Chương X
 
NHỮNG TÍN NIỆM
COI NHƯ NGUỒN GỐC CỦA QUYỀN LỰC
 
 
    Một cộng đồng có quyền lực nhiều hay ít không chỉ tùy thuộc ở dân số, các nguồn tài nguyên, khả năng kĩ thuật mà còn ở những tín niệm nữa. Một tín niệm nhằm tạo lòng cuồng tín được mọi phần tử tuân theo thường gia tăng quyền lực cộng đồng rất nhiều; tuy nhiên cũng có khi nó làm giảm bớt quyền lực. Vì bây giờ con người dễ tin vào các tín niệm cuồng nhiệt nhiều hơn khi trước nên việc xét ảnh hưởng của chúng trên quyền lực rất hệ trọng. Một trong những lý lẽ mà người ta thường viện dẫn để bài bác dân chủ là một nước gồm những tên điên đánh giặc dễ thành công hơn một nước còn nhiều người tỉnh trí. Chúng ta hãy cùng nhau ngược dòng lịch sử. Trước tiên chúng ta phải nhận rằng người ta biết rõ những trường hợp lòng cuồng tín đưa tới thành công hơn những trường hợp đưa tới thất bại, tự nhiên là vậy. Thí dụ điển hình của thứ quyền lực nhờ cuồng tín là sự bành trướng của Đạo Hồi. Mohammed là kẻ đã chẳng mang lại trí thức hay của cải mới nào cho người Á-rập, vậy mà trong vòng một vài năm trước khi ông chết, người Á-rập đã thiết lập một đế quốc lớn sau khi đánh bại những nước láng giềng rất hùng mạnh. Chắc chắn tôn giáo Mohammed khai sáng ra là một yếu tố chính yếu mang lại thành công cho nước ông. Ngay vào lúc gần chết ông còn tuyên chiến với đế quốc Byzantine. Nhưng những người Hồi giáo đã nản chí. Họ viện cớ thiếu tiền, thiếu ngựa, thiếu lương thực, mùa gặt đã gần kề và mùa hè oi bức quá sức. Khi thấy Mohammed nổi giận phán: “Hỏa ngục còn nóng hơn thế nữa” (Gibbon, Ch L). Chính lòng cuồng tín (khi Mohammed còn sống và một vài năm sau khi ông chết) đã thống nhất các dân tộc Á-rập, khiến họ chiến đấu kiên cường và giúp họ can đảm vì ông hứa kẻ nào gục ngã khi chiến đấu chống lại những kẻ nghịch lại, Thượng đế sẽ đưa lên thiên đàng ngay lập tức.
 
    Dù cho lòng cuồng tín có giúp cho người Á-rập lúc đầu, chính những lý do khác mới giúp họ đạt được nhiều chiến thắng sau này. Vào lúc Hồi giáo bắt đầu bành trướng, các đế quốc Byzantine và Ba tư bắt đầu suy yếu vì những trận đánh dai dẳng; Và các đạo quân La Mã luôn luôn gặp khó khăn khi đương đầu với các kỵ binh Á-rập. Những kỵ mã Á-rập là những chiến sĩ nhanh nhẹn, giỏi chịu cực hơn các sắc dân lân cận vốn quen sống xa hoa. Chính trong hoàn cảnh này mà người Hồi đã chiến thắng.
 
    Nhưng chẳng bao lâu lòng cuồng tín bị gạt khỏi chính quyền. Con rể Mahammed đã ráng duy trì lòng nhiệt thành nơi các tín hữu, nhưng đã bị bại trong cuộc chiến và sau cùng bị ám sát chết. Kẻ kế vị ông trong vương triều là gia đình Ommiyah là những kẻ kình nghịch với Mohammed vì chỉ chấp nhận Hồi giáo vì lý do chính trị. Gibbon viết : “Những kẻ bách hại Mahammed đã đoạt quyền của các con cái Nhà Tiên Tri này, và những kẻ chuyên sùng bái ngẫu tượng đã trở nên những kẻ cầm đầu tôn giáo và đế quốc ông “Abusophian, người chủ tế dòng Moawiyah, đã chống đối dữ dội và ương ngạnh đối với niềm tin Hồi giáo. Ông ta miễn cưỡng trở lại đạo rất trễ: Niềm tin của ông do nhu cầu chính trị thúc đẩy; sau đó ông ta phụng vụ, ông ta chiến đấu, có lẽ ông ta tin tưởng nữa; và các tội lỗi của thời kì không biết đến đạo đã được giải khai nhờ những tài năng của họ Ommiyah” (Gibbon, sách đã dẫn).
 
    Từ đây trở đi, trong một thời gian rất dài, quốc vương quốc Hồi giáo nổi tiếng là có tư tưởng phóng khoáng. Ông không hề tỏ ra cố chấp trong khi những người Thiên chúa giáo vẫn còn giữ lòng cuồng tín. Khi thắng đế quốc Byzantine, người Hồi giáo đã tỏ ra khoan dung đối vơi những người Thiên chúa giáo bại trận và chính lòng khoan dung này (đối nghịch với lòng hăng say trả thù của giáo hội Công giáo) đã khiến cho đế quốc của họ trở nên bền vững.
 
    Một trường hợp nữa chứng tỏ thành công đối với bên ngoài của lòng cuồng tín là thắng lợi của các tín đồ độc lập thời Crommwell. Nhưng thực ra ta không biết thành công của Cromwell[1]  liên hệ tới lòng cuồng tín đến mức nào. Trong các cuộc tranh chấp với Nhà vua, Quốc hội thắng phần lớn vì nắm được quần chúng Luân Đôn và những quận miền đông; trong những giới hạn này, nhân lực và tài lực của họ hơn hẳn nhà vua. Những tín đồ Presbyterians vào thời kì đó dần dần bị loại ngoài vì họ không biết lòng mong mỏi chiến thắng (đó cũng là số phận của những kẻ chủ trương ôn hòa trong cuộc cách mạng). Chính Cromwell khi đã nắm được quyền bính, trở nên một chính trị gia thực tế, và ráng tránh những hành động thái quá gây nên những khó khăn và căng thẳng, nhưng ông không thể không lưu tâm tới lòng cuồng nhiệt của những kẻ theo mình. Sau cùng lòng cuồng tín này đã làm suy sụp đổ guồng máy đảng của ông.
 
    Lịch sử cuộc Cách mạng Pháp cho thấy nhiều điểm tương đồng với Khối Thịnh Vượng Chung ở Anh: cuồng tín, thắng lợi, chuyên chế, rồi sụp đổ và phản động. Thành công của những kẻ cuồng tín không kéo dài lâu được.
 
    Lòng cuồng tín, thường mang lại nhiều tai họa hơn là hạnh phúc, dù chỉ là những thành công tạm bợ. Chính chủ nghĩa cuồng tín đã là căn nguyên của sự tàn phá Jerusalem vào thời Titus và Constantine dị biệt nhỏ nhặt giữa hai giáo hội Đông Tây. Nó cũng đã đưa đến sự tàn tạ của Tây Ban Nha, trước hết do việc trục xuất người Do Thái và người Moors, kế đến việc tạo loạn ở Hà Lan và những cuộc chiến tranh tôn giáo khốc hại. Mặt khác ta cũng nhận thấy rằng những dân tộc gặt hái được nhiều thành công trong việc mưu cầu hạnh phúc cho dân chúng là những dân tộc ít thích bách hại những kẻ có ý kiến nghịch với mình.
 
    Tuy vậy ngày nay vẫn còn nhiều kẻ tin rằng sự đồng nhất tư tưởng là thiết yếu cho sức mạnh quốc gia. Tình trạng ở các nước Đức, Nga, Ý, Nhật vào những năm 30 cho ta một thí dụ cụ thể. Ngay những kẻ chống phát xít ở Anh và ở Pháp, cũng có nhiều kẻ muốn thừa nhận tự do tư tưởng là nguồn gốc của sự thua kém quân sự. Chúng ta hãy xét vấn đề này một cách lí thuyết và rạch ròi hơn.
 
    Tôi không muốn đặt câu hỏi quá rộng sau đây: Ta phải đối xử với tự do tư tưởng như thế nào? Khuyến khích nó hay ít nhất phải có một thái độ khoan dung chăng? Nhưng ít nhất tôi muốn đặt câu hỏi hẹp hơn: Đến mức độ nào thì một tín niệm đồng nhất (tự nguyện hay bắt buộc) là nguồn gốc của quyền lực? Mặt khác tới mức độ nào thì tự do tư tưởng là nguồn gốc của quyền lực?
 
    Ta hãy duyệt xét những thí dụ lịch sử sau:
 
    Năm 1905, khi một đội quân viễn chinh Anh xâm lăng Tây Tạng, người Tây Tạng lúc đầu đã dũng cảm tiến lên vì các vị Lạt Ma đã cho họ những đạo bùa. Nhưng khi có người lăn ra chết, các vị Lạt Ma nhận thấy đầu đạn bằng kền và giải thích rằng bùa của họ cho chỉ khống chế được chì. Sau đó quân đội Tây Tạng ít hung hãn hơn. Khi Bele Kem và Kurt Eisner làm cuộc cách mạng cộng sản họ chắc mẩn là Duy vật biện chứng Pháp đang chiến đấu cho họ. Tôi không còn nhớ những Vị “Lạt Ma” trong chính trị cục họ đã giải thích sự thất bại của những tay làm chính trị nông nổi này ra sao. Duy có điều chắc chắc là trong hai trường hợp kể trên, tín niệm đồng nhất đã không mang lại chiến thắng.
 
    Ta cần dung hòa hai sự kiện trên mới mong tìm kiếm được sự thật trong vấn đề gai góc này. Sự kiện hiển nhiên thứ nhất là những người đồng ý với nhau trong các tin tưởng của họ cộng tác với nhau dễ hơn những người không đồng ý. Sự kiện hiển nhiên thứ hai là những người có tin tưởng đúng đắn (phù hợp với sự thật) dễ  thành công hơn những người tin tưởng tào lao. Chúng ta hãy xét từng sự kiện hiển nhiên một.
 
    Việc đồng ý với nhau về một mục tiêu hay ý kiến nào hỗ trợ cho sự cộng tác thoải mái dễ dàng là chuyện rõ ràng. Trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, những kẻ vô chính phủ, các đảng viên cộng sản và đảng viên quốc gia vùng Basque cộng tác với nhau rất khó khăn dẫu rằng tất cả trong đều mong muốn đánh bại Franco. Chúng ta cũng thấy những người Carlit và Phát xít tân thời hợp tác với nhau một cách miễn cưỡng. Muốn thành công người ta phải thỏa thuận với nhau về những cứu cánh tức thời. Khi người ta thỏa thuận được với nhau như vậy thì dù có ý kiến khác biệt vẫn vô hại. Sir William Napier, sử gia chuyên về thời kỳ xảy ra Trận đánh bán đảo rất phục Napoléon và ghét Wellington; cuốn sử của ông cho thấy ông luyến tiếc cho sự thất trận của Napoléon. Nhưng tình cảm giai cấp và những bổn phận quân sự đã khiến ông tận tình chống lại Pháp như thể một đảng viên bảo thủ cao cấp. Cho nên ta có thể tin được là những đảng viên bảo thủ Anh sẽ chiến đấu chống Hitler mãnh liệt như thể họ không hề ngưỡng mộ nhà độc tài này bao giờ vậy.
 
    Sự đồng nhất cần thiết giúp cho một nước, một tôn giáo hay một đảng phái có quyền lực là sự đồng nhất trong thực tế vốn tùy thuộc vào cảm tình và tập quán. Những xác tín trí thức không cần thiết lắm ở những nơi nào người ta nhất trí với nhau rồi. Tình trạng này xảy ra ở Anh quốc ngày nay nhưng trước 1745 tình trạng này không hề xảy ra. Ở Pháp năm 1792 hay ở Nga trong trận Thế Chiến Thứ Nhất cũng không có tình trạng này. Ở Tây Ban Nha cũng vậy. Một chính phủ thấy rằng tự do tư tưởng là điều có thể chấp nhận được nếu họ tin ở sự trung thành của dân chúng: khi không còn tin dân chúng được thì mọi chuyện khó khăn hơn nhiều. Ta thấy rõ là tự do tuyên truyền không thể có được trong một quốc gia có nội chiến. Vì vậy người ta có lý khi đòi sự thống nhất trong những hoàn cảnh nguy hiểm.
 
    Chúng ta hãy xét sự kiện hiển nhiên thứ hai: có những tin tưởng phù hợp với thực tế rất lợi. Nếu nói đến những lợi lộc trực tiếp thì điều này chỉ đúng với một loại tin tưởng: trước tiên là những vấn đề kỹ thuật, chẳng hạn như những vấn đề liên quan đến đặc tính của chất nổ và hơi độc: thứ đến là những vấn đề liên quan đến sức mạnh tương đối của những lực đối nghịch. Nhưng ngay trong cả những vấn đề này ta chỉ thấy những người phải quyết định chính sách, hoặc quyết định những cuộc hành quân mới thật sự cần có những quan niệm đúng đắn. Đối với dân chúng thái độ tốt nhất cho chính quyền là dân chúng tin chắc ở thắng lợi cuối cùng và sẵn lòng chịu đựng những cuộc không tập ác liệt của địch quân. Như vậy chỉ có chính phủ, các nhà chỉ huy quân sự và các chuyên viên kỹ thuật là cần biết sự thực, còn những kẻ khác ta chỉ cần họ tin tưởng cách mù quáng và cắm đầu vâng lời là tốt hơn cả.
 
    Quan điểm này có phần nào đúng nếu ta tính được chuyện đời như tính nước cờ, và nếu như các chính trị gia cũng như các tướng lãnh cũng giỏi như những kỳ vương. Người ta cũng nhận thấy là một cuộc chiến thành công có lợi hay không thì còn phải duyệt lại, nhưng có điều chắc là một cuộc chiến thất bại sẽ mang lại nhiều tai hại. Cho nên nếu có những siêu nhân cầm cân nẩy mực mọi chuyện trên đời, nếu có thể tiên đoán ai là kẻ thắng trận, chiến tranh ắt không thể xảy ra. Nhưng trong thực tế vẫn có chiến tranh và trong mỗi cuộc chiến phải có một bên (nếu không là cả hai bên) đã tính sai vận mệnh của họ. Có nhiều nguyên do giải thích cho sự kiện này: lòng kiêu hãnh, tính ham danh, sự ngu si và lòng hăng hái truyền nhiễm bởi kẻ khác. Một khi ta đã làm cho dân chúng mù quáng tin tưởng ở những điều mà chúng ta vẽ vời ra thì chính lòng tin và hiếu chiến của họ cũng có thể lan đến cấp lãnh đạo vốn chẳng thích thú những tin tưởng bất lợi mà họ biết là bị dấu nhẹm, và họ cũng bị luôn cuốn bởi những tin tức phấn khởi do báo chí đăng tải và đài phát thanh loan truyền. Về khía cạnh này chính quyền cũng dễ bị ảnh hưởng chẳng kém gì nhân dân.
 
    Khi chiến tranh bùng nổ, chính sách che giấu có thể đưa đến những kết quả trái nghịch hẳn với ý những kẻ chủ trương. Ảo tưởng càng lớn nỗi thất vọng càng cao khi chạm trán với thực tế. Cách mạng hay một cuộc sụp đổ bất thình lình dễ xảy ra hơn trong những hoàn cảnh trên hơn là khi ta thành thực công bố cho dân chúng biết các biến cố đau thương.
 
    Kẻ dễ dàng tuân phục khó mà có thông minh. Trong một cộng đồng mà ta bắt buộc phải tin theo một học thuyết phi lý thấy rõ thì kẻ thông minh nhất cũng phải trở thành những kẻ ngu đần hay ít ra cũng làm bộ ngu ngơ. Trí thông minh bị hạ thấp như vậy sớm muộn rồi cũng ảnh hưởng tai hại đến tiến bộ kỹ thuật. Đảng Quốc xã Đức đã lưu đầy những công dân lỗi lạc nhất của họ và chắc chắn điều này làm suy giảm kỹ thuật quân sự của họ. Kỹ thuật không thể tiến bộ mà không có khoa học và khoa học không thể phát triển nếu không có tự do tư tưởng. Kết quả là sự đồng loạt về học thuyết ngay cả trong những vấn đề không liên quan gì đến chiến tranh, kết cục cũng làm suy giảm tiềm năng quân sự trong thời buổi khoa học này.
 
    Bây giờ chúng ta thử tổng hợp hai sự kiện hiển nhiên trên. Sự liên kết giữa các giai tầng xã hội đòi hỏi phải có một tín niệm hay một lề luật xử thế mà cả xã hội đồng thuận, hoặc một thứ tình cảm nào đó chiếm ưu thắng trong lòng dân chúng (như tình cảm quốc gia chẳng hạn), hoặc cả ba thứ kể trên. Nếu không có những điều kể trên, một cộng đồng sẽ phân hóa và rơi vào ách ngoại bang. Về phương diện lịch sử ta thấy lòng trung thành với lãnh tụ đã kém hiệu quả vì sự truyền tập không còn và vì quyền tự do tư tưởng là đe dọa nặng nề cho lòng sùng tín. Ngày nay chỉ có tình tự dân tộc còn là một yếu tố mạnh mẽ, hơn cả thời xưa nữa.
 
    Nhưng muốn duy trì tự ái quốc gia phải giảm thiểu tự do tới chừng nào? Ở Nga hễ ai quan niệm khác với những tin tưởng chính quyền có lẽ bị gán cho tội thiếu lòng yêu nước. Ở Đức và Ý sức mạnh của chính phủ tùy thuộc vào chủ nghĩa quốc gia, và kẻ nào chống đói sẽ bị kết án theo Nga (có nghĩa là kẻ phản quốc), ở Pháp người ta viện dẫn lí do cấm tự do làm ngăn ngăn chặn những kẻ muốn làm phản theo Đức. Khó khăn của những quốc gia này là đấu tranh giai cấp, tranh chấp quốc gia và nó khiến cho những tay tư bản, những đảng viên xã hội và những cộng sản phải có lý do khác hơn là quyền lợi quốc gia. Đối với mọi chính phủ đây là một vấn đề khó khăn. Giải pháp tốt nhất của họ là dùng một khẩu hiệu quốc tế chẳng hạn như dân chủ, cộng sản hay an ninh chung.
 
    Tóm lại ta thấy cần có một tín niệm hay một tình cảm nào đó mới tạo nên sự liên kết xã hội được, và muốn có hữu hiệu thực sự thì tín niệm hay tình cảm phải được chia sẽ bởi đa số dân chúng, kẻ cả những chuyên viên kỹ thuật. Nơi nào không có điều kiện thì chính phủ tạo ra liên kết xã hội bằng kiểm duyệt và bách hại; nhưng sự kiểm duyệt và bách hại khiến cho các người sống trên mây và quên hay không biết những sự thực quan trọng. Và vì những kẻ nắm quyền hành làm sa đọa, họ thường chế tự do quá mức cần thiết.
 
    Suốt những trang trên ta chỉ mới xét những hậu quả trực tiếp của một tín niệm. Những hậu quả về lâu dài khác xa. Một tín niệm được dùng làm nguồn gốc quyền lực tạo nên những cố gắng lớn lao trong một thời gian, nhưng nếu những cố gắng này không đưa đến những thành công thỏa đáng, sẽ dẫn tới mệt mỏi, và mệt mỏi đưa đến hoài nghi. Khi đó càng tuyên truyền nhiều để tạo hứng khởi càng tạo nên những hậu quả trái nghịch và sau cùng ai cũng chỉ cầu an. Sau một thời gian nghỉ ngơi, quần chúng có thể bị kích thích trở lại, nhưng cần phải có một kích thích tố mới vì những kích thích cũ đã trở thành vô hiệu. Cho nên chúng ta lạm dụng tín niệm ta chỉ có thể gây được hậu quả tạm thời. Vào thế kỉ 13, tâm trí con người bị ám ảnh bởi 3 vĩ nhân: Giáo hoàng, Hoàng đế La Mã và Hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ không còn nữa, còn quyền lực của Giáo hoàng chỉ là vang bóng một thời. Vào thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17 Âu châu là nơi tranh chấp giữa Công giáo và Tin lành. Người ta áp dụng đủ mọi phương kế tuyên truyền, xách động. Nhưng không bên nào đạt chiến thắng sau cùng; thắng lợi đã rơi vào tay những kẻ không coi trọng những tranh chấp tôn giáo. Swift đã châm biếm cuộc tranh chấp này khi mô tả các cuộc chiến tranh của Big-Endians (thằng rợ lớn và thằng rợ nhỏ). Nếu cộng sản đánh nhau với Phát xít, thắng lợi kết cục sẽ rơi vào tay những kẻ nhún vai mà nói giống như Candide: “Cela est bien dit, mais il faut cultiver notre jardin”. Giới hạn của sự yêu thích quyền lực là sự chán nản, mệt mỏi và đưa đến sự tìm quên trong tiện nghi. Xét cho cùng con người bao giờ cũng là con người với những thói hư tật xấu cố hữu của nó vậy.
 
   (còn tiếp)
 

Nguồn: Bertrand Russell. Quyền lực. Nguyễn Vương Chấn và Đàm Xuân Cận dịch, Nxb Hiện đại, 1972. Bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.


[1]
  Cromwell : người đã lập nền cộng hòa ở Anh quốc, sinh tại Huntingdon (1599-1658) ông đã đánh bại quân đội hoàng gia ở Nesby (1645) đưa Charles I lên đoạn đầu đài (1649), sau này ông biến thành một nhà độc tài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét