QUYỀN LỰC
[Phần 4]
CHƯƠNG V
VƯƠNG QUYỀN
Nguồn gốc của vua chúa cũng như của tu sĩ có từ thời tiền sử; ta
chỉ có thể suy ra những giai đoại tiến hóa đầu tiên của vương quyền từ
những lề lối còn sót lại của những bộ tộc man rợ chậm tiến nhất. Khi
mà thể chế đã hoàn toàn phát triển, nhưng chưa bắt đầu suy yếu, vua
là người đưa bộ tộc hoặc quốc gia lâm chiến, là người quyết định chiến
tranh hay hòa bình. Thường thường ông ta đặt ra luật lệ và kiểm soát
luôn việc hành xử công lý. Việc lên ngôi có phần nào truyền tập. Hơn
thế nữa nhà vua còn là một nhân vật linh thiêng: nếu không phải là một
vị thần ít nhất ông cũng thay mặt cho Thượng Đế. Nhưng trước khi đạt tới
vương quyền đã tiến hóa đến như thế, ta phải giả thiết là đã có chính quyền lâu
dài và đã có một cộng đồng tổ chức hoàn bị hơn cộng đồng của những kẻ
man di mọi rợ rất nhiều. Ta không thấy ở những bộ lạc thật sự sơ khai
hình ảnh vị chúa mọi gần với tưởng tượng của phần đông người Âu. Người
mà người ta coi là tù trưởng có lẽ chỉ có những nhiệm vụ nghi lễ và tôn
giáo mà thôi; đôi lúc ông ta chỉ tổ chức tiệc tùng, tiếp tân giống như
vị thị trưởng. Đôi khi ông ta tuyên chiến, nhưng ông sẽ không tham dự
chiến trận, vì ông thiêng liêng quá. Đôi khi không có thần dân nào dám
nhìn thẳng vào mặt ông vì sợ vía của ông, điều này hiển nhiên ngăn chặn
không cho ông hoạt động trong những lãnh vực công cộng. Ông ta không thể
làm luật vì luật được quyết định theo tập quán; người ta cũng chẳng cần
tới ông khi thực thi luật pháp vì trong một cộng đồng nhỏ hẹp chính kẻ
láng giềng có thể tự động áp dụng hình phạt. Một vài cộng đồng man rợ có
tới hai thủ lãnh, một thủ lãnh đời và một thủ lãnh đạo; giống như Tướng
quân và Thiên hoàng ở nước Nhật cổ xưa chứ không giống như Hoàng đế và
Giáo hoàng vì vị thủ lãnh tôn giáo chỉ có quyền lo việc tế tự. Giữa những kẻ man rợ nói chung, tập tục quyết định quá nhiều trong khi chính quyền quyết định quá ít nên những kẻ nổi bật mà người Âu châu mệnh danh là tù trưởng chỉ có những hình thức hết sức mờ nhạt của vương quyền.
Sự di dân và ngoại xâm là hai sức mạnh phá hoại tập quán nên cũng góp phần không nhỏ tạo ra nhu cầu phải có chính quyền.
Ở mức văn minh thấp khi người cai trị đáng gọi là vua, hoàng gia đôi
khi có nguồn gốc ngoại lai và tạo được kính trọng lúc đầu do một ưu thế
rõ rệt nào đó. Nhưng vấn đề đây có là một giai đoạn thông thường hay
hiếm hoi trong việc tiến hoá của nền quân chủ vẫn là một vấn đề mà các
nhà nhân chủng tộc vẫn đang còn tranh luận.
Chiến tranh hiển nhiên góp phần gia tăng quyền lực vua
chúa rất nhiều, vì khi chiến tranh việc thống nhất chỉ huy trở thành
một nhu cầu rõ ràng. Cách dễ dàng nhất để tránh sự nguy hại do việc
tranh giành ngôi báu là việc áp dụng quyền truyền
tập; vì vậy ngay khi nhà vua phải chỉ định kẻ kế vị, hầu như chắc chắn
ông ta chọn một người trong gia đình. Nhưng không triều đại nào tồn tại
mãi được và kẻ khai sáng một hoàng tộc thường là một tên thoán nghịch
hay một kẻ chinh phục ngoại bang. Thường thì tôn giáo hợp thức hoàng gia
mới bằng một nghi thức cổ truyền nào đó. Vào những dịp may này quyền lực tu
sĩ được lợi vì được coi là hỗ trợ uy tín hoàng gia. Charles I đã nó:
“Không có giám mục, không có nhà vua”, và điều này thật đúng trong mọi
thời đại vua chúa. Chính vì vậy mà những kẻ nhiều tham vọng thấy ngôi
vua hấp dẫn đến độ chỉ có những chế tài tôn giáo quyết định mới khiến họ
gạt bỏ hy vọng làm vua.
Dù ta không biết rõ những giai đoạn phát triển từ một thủ lãnh sơ khai
thành một vị vua, ta thấy tiến trình này đã hoàn tất ở Ai cập và
Babylonia vào thời tối sơ của lịch sử thành văn. Ta biết rằng
Đại-kim-tự-tháp được xây cất vào khoảng 3000 năm trước Thiên chúa và chỉ
có một vị vua có uy quyền vô
hạn mới có thể thực hiện một đại công tác tốn kém như vậy. Vào thời kỳ
này ở Babylonia có một vị vua tuy không ai có lãnh thổ so sánh nổi với
Ai cập, nhưng họ là nhà cai trị có đầy đủ uy quyền trên
lãnh thổ của họ. Trước khi kỷ nguyên thứ ba ngàn năm trước Thiên chúa
chấm dứt, chúng ta thấy xuất hiện đại đế Hammurabi (2123-2081 trước Tây
lịch) một vị vua xứng danh. Ông nổi tiếng nhất nhờ bộ luật do Thần Thái
Dương trao phó và Ông làm được một việc mà các nhà Trung-Cổ bất lực là đặt các Toà-Án tôn giáo dưới quyền các
Toà-Án quân sự. Ông còn là một quân nhân và kỹ sư tài ba. Các thi sĩ ái
quốc đã nhiệt liệt ca ngợi những chiến thắng của ông:
Hammurabi đại đế anh hùng
Chẳng bao giờ ngưng tỏ lộ uy-phong
Quyết đánh gục quân thù Cơn địa chấn
Phải san bằng bình địa đất tàn hung
Chính ông đã nghi lại những công trình dẫn thuỷ nhập điền của mình như
sau: “Khi thần Anu và nữ thần Enlil cho ta đất đai vùng Summer và Akkad
để cai trị và giao phó cho ta quyền trượng
của các vị, ta đào con kinh Hammurabi sự phồn thịnh của dân chúng để
dẫn thuỷ vào vùng Summer và Akkad. Ta đã quy tụ những dân cư sống rải
rác ở Summer và Akkad về một chỗ; ta đem đến cho họ đồng cỏ và nước; ta
đem lại cho họ sự sung mãn và phồn thịnh và để cho họ vui sống trong
những căn nhà bình yên”.
Thể chế vương quyền đã phát triển đến tuyệt mức ở thời Ai cập vào thời Đại-Kim-Tự-Tháp và ở Babylonia dưới triều vua Hammurabi. Quyền lực của các vua Ai cập chỉ chấm dứt do ngoại xâm, chứ không phải bị nổi loạn. Đúng là họ không thể để xảy ra sự rắc rối với giáo quyền vì ý nghĩa tôn giáo của vương triều có sự ảnh hưởng đến sự phục tòng của thần dân; không kể tới phương diện này họ có quyền năng vô hạn.
Ở đa số các đô thị, người Hy Lạp không coi các nhà vua là những nhà cai
trị chính trị cho tới lúc khởi đầu thời kỳ hữu sử. Các vua chúa La mã
có từ thời kỳ tiền sử, nhưng người La Mã không ngừng tỏ lộ ác cảm của họ
với danh vị hoàng đế trong suốt lịch sử của họ. Ở Tây phương, Hoàng đế
La Mã không bao giờ là một quân vương đúng nghĩa. Nguồn gốc của họ không
có ghi trong luật pháp của họ, và ông phải tuỳ vào quân đội ông có thể
xưng mình là thần thánh với dân chúng, nhưng với binh sĩ ông chỉ là viên
tướng giỏi hay không mà thôi. Trừ một vài thời kỳ ngắn ngủi, đế quốc
thường không thế tập. Quân đội luôn luôn nắm quyền và
Hoàng đế là người được ủy nhiệm vào giai đoạn đó. Cuộc xâm lăng của
những rợ phương Bắc lại được tái lập chế độ quân chủ, nhưng lần này chế
độ đã biến cải. Những ông vua mới này là những thủ lãnh của những bộ lạc
Nhật Nhĩ Man, và họ không có được những quyền lực tuyệt
đối. Họ phải dựa vào sự cộng tác của một số Hội Đồng Bô Lão hay những
tổ chức tương tự. Khi một bộ lạc Nhật Nhĩ Man chinh phục xong một bộ
tỉnh La Mã, vị thủ lĩnh trở nên vua nhưng những tùy tướng quan trọng của
ông được nâng lên hàng quý tộc; và thường là họ được tự do hành động
tới một mức độ nào đó. Từ đó nảy sinh ra hệ thống phong kiến khiến các
quân vương Tây âu đã bị các công hầu lấn át.
Do đó chế độ quân chủ còn yếu cho tới khi quy tụ được những phần tử ưu
tú của cả Giáo hội lẫn giới phong kiến quý tộc. Chúng ta đã xét qua
những nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu của Giáo hội trong chương IV. Ở Anh và Pháp những quý tộc lao mình vào tranh chấp với nhà vua nên khó có tổ chức chính quyền đàng
hoàng. Ở Đức những lãnh tụ quý tộc trở nên những ông vua tầm thường và
kết quả là Đức suy yếu hơn Pháp. Ở Ba Lan tình trạng vô chính phủ quý
tộc tiếp tục cho tới khi xảy ra cuộc Phân Ly. Ở Anh và Pháp sau trận
Chiến Tranh Trăm Năm Và Những Trận Chiến Hoa Hồng (The Wars of The
Roses)[29] dân chúng chỉ tin vào những vị vua mạnh.
Edward IV chiến thắng nhờ sự giúp đỡ của thành Luân Đôn và ông cũng đã
chọn hoàng hậu ở đó. Là bạn gái của giai cấp trưởng giả thượng lưu.
Louis XI là một kẻ thù của giai cấp quý tộc phong kiến. Giai cấp này
giúp ông chống lại bọn quý tộc, còn ông giúp họ đè bẹp bọn thợ thuyền.
Trong cuốn Đại Bách Khoa Từ Điển Anh, người ta ghi: “Louis XI cai trị theo lề lối của một nhà đại tư bản”.
Các vương triều thời Phục hưng có một lợi điểm lớn khi ta nhìn lại các
cuộc tranh chấp với Giáo hội của các vị vua trước. Lợi điểm này chính là
giới tu sĩ không còn giữ độc quyền giáo dục. Các luật gia thế tục cũng đã góp phần không nhỏ trong việc thiết lập chế độ quân chủ mới.
Các chế độ quân chủ mới ở những quốc gia Anh, Pháp và Tây Ban Nha ở trên giáo hội và trên cả quý tộc. Quyền lực của họ được sự hỗ trợ của hai thế lực đang
lên: chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa thương mại. Các chế độ này còn tồn
tại vững vàng khi nào chúng còn hữu ích đối với sự phát triển của chủ
nghĩa quốc gia và thương mại, nhưng khi chúng thất bại thì cách mạng
phải bùng nổ. Dòng Tudors không có lỗi lầm vào về cả hai phương diện.
Nhưng họ Stuarts đã cản trở công việc giao thương khi các quần thần một
số độc quyền khiến cho Anh quốc bị hết Tây Ban Nha đến Pháp dày xéo. Vương triều ở Pháp ưu đãi thương mại và cũng cố thế lực quốc
gia cho tới cuối thời của Colbert. Sau đó một loạt chiến tranh và sưu
cao thuế nặng cũng như việc miễn thuế cho giới tu sĩ và quý tộc đã khiến
cho phong trào quốc gia và dân thương mại chống lại nhà vua, và sau
cùng tình trạng đó đưa đẩy đến cách mạng. Tây Ban Nha tránh được cuộc
loạn ly nhờ cuộc chinh phục Tân thế giới, nhưng rồi chính Tân thế giới
thuộc Tây Ban Nha nổi loạn để có thể giao thương với Anh, Mỹ.
Dù thế giới thương mại có giúp vua chống lại tình trạng rối loạn phong
kiến chăng nữa, nó luôn luôn có tính cách cộng hoà khi nó cảm thấy đủ
mạnh. Tình trạng này đã xảy ra từ cổ thời, ở các đô thị Bắc Ý và
Hansiatic và ở Hà Lan vào những ngày rực rỡ nhất. Do đó sự liên minh
vương quyền và thương mại có nhiều sóng gió. Các vua chúa thường viện dẫn tới Thiên ý và tìm mọi cách làm cho quyền lực của
họ trở nên truyền thống và nhuốm tính cách tôn giáo. Họ đã thành công
một phần: việc hành quyết Charles I bị coi là phạm thánh nghĩa là còn
nặng hơn tội thường rất nhiều. Ở Pháp thánh Louis được tôn sùng đến nỗi
người ta coi vua Louis XV như một vị vua mộ đạoThiên chúa nhất dù ông ta
tồi tàn về đủ mọi phương diện. Vì đã tạo được một nhóm quý tộc trưởng
giả trong triều, các vua chúa thường có khuynh hướng ưa chuộng nhóm này
hơn là bọn trưởng giả tư sản. Ở Anh quốc bọn quý tộc cao cấp và bọn đại
trưởng giả tư sản liên kết với nhau để đặt một ông vua với danh nghĩa
đại nghị bù nhìn chẳng còn chút uy quyền cũ
nào cả: Chẳng hạng George I chẳng thể sửa đổi tình trạng lép vế của nhà
vua dù cho nữ hoàng Anne có thể làm được điều đó. Ở Pháp nhà vua chiếm
được giai cấp quý tộc và rồi cả nhà vua lẫn giai cấp quý tộc đều chết
chém.
Sự liên minh giữa chủ nghĩa quốc gia và thương mại bắt đầu từ khi có
liên minh Lombard dưới thời Frederic Barbarossa, dần dần lan khắp Âu
Châu, tạo ra chiến thắng cuối cùng những ngắn ngủi nhất trong cách mạng
tháng hai tại Nga. Bất cứ nơi nào sự liên minh này nắm được quyền lực dựa
trên đất đai, lúc đầu liên kết với chế độ quân chủ rồi sau này nghịch
lại. Rốt cuộc các vua chúa biến mất ở khắp nơi hoặc trở thành bù nhìn.
Nay thì chủ nghĩa quốc gia và thương mại đã tách khỏi nhau; ở Đức, Ý và
Nga chính chủ nghĩa quốc gia đã thắng thế. Phong trào tự do đã bắt đầu
thắng thế ở Milan vào thế kỷ mười hai đã hoàn tất vai trò của nó.
Quyền lực cổ truyền nếu không bị huỷ hoại từ bên ngoài hầu như tiến triển theo một chiều hướng nào đó. Vì quyền lực cổ
truyền thường được người ta có thói quen kính trọng nên sau này dễ trở
nên khắc nghiệt và bất cần lưu tâm tới sự đồng tình chung, mà nó tin là
không bao giờ mất được. Nó dần dần khiến người ta nghi ngờ không hiểu
đằng sau quyền lực cổ
truyền có phải là Thiên ý hay không, sau biết bao nhiêu lười biếng,
điên rồ và độc ác. Vì những kính trọng này chỉ là thói quen nên một khi
công kích nổi dậy, nó dễ bị đánh đổi. Một vài tín niệm mới có ích cho
những phản kháng, thay thế cho những tín niệm cũ; hay đôi khi như trường
hợp Tahiti khi được Pháp trao trả tự do, chỉ có rối loạn thôi. Thường
phải có một thời gian cai trị tồi tệ lâu rồi ý thức nổi loạn mới lan
rộng; và trong nhiều trường hợp hững kẻ nổi loạn chiếm được chính họ một
phần hay tất cả quyền uy
cũ. Cho nên Augustus đã thu hút được danh dự cổ truyền của Thượng viện;
các tín đồ thệ phản vẫn giữ lòng tôn kính với thánh kinh trong khi từ
chối tôn sùng Giáo hội Công giáo, quốc hội Anh dần dần đoạt quyền của vua trong khi giữ nguyên niềm kính trọng đối với chế độ quân chủ.
Tuy nhiên tất cả các biến cố trên chỉ là những cuộc cách mạng giới hạn;
những cuộc cách mạng triệt để hơn gặp nhiều khó khăn hơn. Sự thay thế
đột ngột nền quân chủ bằng chính quyền cộng
hoà thường đưa tới nhiều rối ren vì một hiến chế mới khó khắc phục ngay
được những thói quen tinh thần, và nó chỉ được kính trọng khi nó phù
hợp với tư lợi. Do đó những kẻ nhiều tham vọng sẽ tìm cách trở thành nhà
độc tài và sẽ chỉ suy bại sau một thời kỳ thất bại trầm trọng. Nếu
không có giai đoạn như vậy, một hiến chế cộng hoà sẽ không thu hút được
tâm tình quần chúng, điều rất cần cho ổn định. Hoa Kỳ là một thí dụ hầu
như duy nhất của một tân cộng hoà ổn định từ khởi thủy.
Phong trào cách mạng chính của thời đại chúng ta là cuộc tấn công của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội vào quyền lực kinh
tế của các tư nhân. Chúng ta có thể hy vọng tìm thấy ở đây những đặc
điểm chung của các phong trào như Tân giáo hoặc dân chủ chính trị vào
hồi hưng thịnh của Thiên chúa giáo. Nhưng tôi sẽ bàn về vấn đề này nhiều
hơn trong phần sau.
(còn tiếp)
Nguồn: Bertrand Russell. Quyền lực. Nguyễn Vương Chấn vàĐàm Xuân Cận dịch, Nxb Hiện đại, 1972. Bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét