Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

QUYỀN LỰC [Phần 2]

QUYỀN LỰC
[Phần 2]
 
 
Chương III
 
CÁC HÌNH THỨC CỦA QUYỀN LỰC
 
 
    Ta có thể coi quyền lực là sản phẩm của những hiệu quả có chủ ý. Định nghĩa này là một ý niệm định lượng. Giả dụ có hai người với những ham muốn tương tự nếu một người hoàn thành được mọi ham muốn như người kia cộng thêm một số khác nữa, anh ta là người có nhiều quyền lực hơn. Nhưng ta không có cách nào để so sánh hai người đạt được những ham muốn thuộc hai loại khác nhau. Thí dụ có hai họa sĩ (cả hai đều muốn vẽ tranh đẹp và trở nên giàu có), một người vẽ tranh đẹp và người kia trở nên giàu có chẳng hạn. Tuy nhiên, nói một cách đại khái thì A có quyền lực hơn B nếu A hoàn thành nhiều hiệu quả có chủ ý hơn B.
 
    Có nhiều cách sắp loại các hình thức của quyền lực, mỗi cách có ích lợi riêng. Trước tiên ta phân biệt quyền lực trên con người và quyền lực trên vật chất hay những hình thứcsinh hoạt ngoài con người. Tôi sẽ chỉ lưu ý tới quyền lực trên con người, nhưng ta cần nhớ rằng quyền lực gia tăng trên vật chất nhờ khoa học là nguyên nhân chính của mọi sự biến đổi trong thế giới hiện tại.
 
    Ta có thể sắp loại quyền lực trên con người theo cách nó ảnh hưởng tới các cá nhân hay theo loại tổ chức liên hệ.
 
    Một cá nhân có thể chịu ảnh hưởng của: A; quyền lực vật lý trực tiếp trên thân thể, thí dụ như bị cầm tù hay bị giết, B, thưởng hay phạt, thí dụ được tuyển dụng hay mất việc, C, ảnh hưởng trên dư luận, thí dụ như tuyên truyền hiểu theo nghĩa rộng nhất. Ở mục C tôi muốn kể thêm cơ hội tạo ra thói quen nơi người khác, thí dụ như bằng việc huấn luyện quân sự.
 
    Những hình thức của quyền lực này được phơi bày trắng trợn và giản dị nhất khi ta đối xử với loài vật vì trong trường hợp này chúng ta không cần giả vờ hay che giấu gì hết. Khi ta thòng dây qua bụng con heo và lôi nó lên tàu, nó đau và kêu eng éc; con heo chịu quyền lực vật lý trên chính thân xác nó. Mặt khác khi chú lừa theo sau củ cà rốt trong truyện ngụ ngôn, ta xúi giục con lừa làm theo ý ta bằng cách thuyết phục nó rằng chính là vì lợi của nó. Các thú vật làm xiếc là trường hợp ở giữa hai trường hợp trên, ta tạo cho chúng các thói quen bằng thưởng và phạt; cũng cần kể tới bầy cừu bị quyến dụ lên tàu, khi con đầu đàn bị lôi kéo lên tàu bằng sức mạnh, rồi các con khác tự ý chạy theo.
 
    Tất cả những hình thức này có nơi con người.
 
    Trường hợp con heo chứng tỏ quyền lực quân sự và cảnh sát.
 
    Con lừa với củ cà rốt điển hình cho quyền lực của tuyên truyền.
 
    Những thú vật làm xiếc cho thấy quyền lực của giáo dục.
 
    Đàn cừu riu ríu theo con đầu đàn bất đắc dĩ của chúng là hình ảnh của chính trị đảng phái mỗi khi một vị lãnh tụ khả kính phải miễn cưỡng hành động theo ý của một phe nhóm hay các tay tổ trong đảng.
 
    Chúng ta hãy mang những thí dụ mượn của Aesop này ra để giải thích việc nắm quyền của Hitler[1]. Củ cà rốt là chương trình của đảng Quốc xã (bao gồm việc bãi bỏ tiền lãi chẳng hạn): con lừa là giai cấp hạ trung lưu. Bầy cừu và con đầu đàn là những đảng viên Dân Chủ Xã Hội và Hindenburg[2] những con heo (ở đây chỉ nói tới những bất hạnh của chúng) là những nạn nhân trong trại tập trung, và những thú vật làm xiếc là hàng triệu đảng viên quốc xã.
 
    Các loại tổ chức quan trọng nhất khác nhau tùy loại quyền lực chúng hành xử. Quân đội và cảnh sát dùng quyền lực áp chế trên thân xác các tổ chức kinh tế chính yếu dùng phần thưởng và hình phạt làm phương tiện khuyến khích hay ngăn chặn, nhà trường, nhà thờ và đảng chính trị nhằm gây ảnh hưởng với dư luận. Nhưng những phân biệt này không rõ ràng hoàn toàn vì mỗi tổ chức có thể dùng nhiều hình thức quyền lực ngoài hình thức điển hình nhất.
 
    Quyền lực của luật pháp sẽ minh dẫn những phức tạp này. Quyền lực tối hậu của luật pháp là quyền lực cưỡng chế Nhà Nước. Đặc tính của những cộng đồng văn minh nằm trong sự cưỡng chế vật lý trực tiếp là độc quyền của Nhà Nước và luật pháp chính là một bộ luật theo đó Nhà Nước hành xử quyền này trong khi giao tiếp với công dân. Nhưng luật pháp dùng trừng phạt không nhằm cấm chỉ hẳn những hành động xấu xa mà còn để dẫn dụ, thí dụ một hình phạt vi cảnh không khiến một hành động chẳngthể xảy ra, mà chỉ làm cho nó trở nên ít hấp dẫn hơn. Hơn nữa và đây còn là điều thật quan trọng luật pháp hầu như bất lực khi nó không được lòng dân, như ta thấy ở Hoa Kỳ vào thời kỳ cấm rượu hay ở Ái Nhĩ Lan vào những năm 80 khi những kẻ khủng bố chiếm được nhiều cảm tình của đa số dân chúng. Muốn hữu hiệu, luật pháp phải nhờ vào dư luận và tình cảm còn hơn là trông cậy ở cảnh sát. Mức độ cảm tình tán thành luật pháp là một trong những đặc tính quan trọng nhất của cộng đồng.
 
    Tới đây chúng ta hãy phân biệt quyền lực cổ truyền với quyền lực mới thủ đắc. Quyền lực cổ truyền được thói quen tăng cường; người ta không cần phải bênh vực nó hoài hủy, cũng không cần phải bô bô tuyên bố là mọi chống đối đều vô ích. Hơn nữa quyền lực này luôn luôn liên kết với những tin tưởng tôn giáo vốn đã phá mọi thứ chống đối. Thường thì công luận hỗ trợ quyền lực cổ truyền nhiều hơn quyền lực cách mạng hay thoán đoạt. Sự kiện này đưa đến hai hậu quả mâu thuẫn ít nhiều: một mặt quyền lực cổ truyền không cần phải rình mò theo dõi những kẻ phản bội và đã được an toàn, và không muốn có nhiều hành động chính trị bạo ngược; mặt khác, ở những nơi còn những định chế xưa tập quán chấp nhận những hành động bất công mà các kẻ cầm quyền hay phạm phải nên những bất công này sẽ  trắng trợn hơn là nếu có một hình thức chính quyền mới, vì chính quyền mới này còn cần lưu tâm tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng.
 
    Tôi gọi quyền lực không đặt căn bản trên truyền thống hay đồng tình là bạo lực. Bạo lực có những đặt tính khác xa quyền lực cổ truyền. Và nơi nào quyền lực cổ truyền còn tồn tại, tính chất của chế độ gần như hoàn toàn tùy thuộc vào việc chế độ bền vững hay lung lay.
 
    Bạo lực thường là quyền lực quân sự thể hiện hoặc trong hình thức chuyên chế quốc hội hay chinh phục quốc ngoại. Quyền lực quân sự có tầm mức quan trọng rất lớn, hơn là các sử gia khoa học hiện đại chấp nhận. Những chiến công hiển hách của Alexander the Great[3]và Julius Caesar[4] đã thay đổi hẳn dòng lịch sử. Nếu không có Alexander the Great người ta hẳn đã không dùng tiếng Hy lạp mà chép Phúc âm, và không rao giảng Thiên Chúa giáo khắp đế quốc La Mã. Không có Julius Caesar hẳn người Pháp đã không nói một thứ tiếng bắt nguồn từ tiếng La Tinh và giáo hội Công giáo khó mà thành hình. Ưu thế quân sự của người da trắng đối với người da đỏ Mỹ châu là bằng chứng hùng hồn của thứ quyền lực gươm giáo hơn bất cứ thứ nào khác trong lịch sử loài người. Tuy vậy, trong hầu hết các trường hợp quyền lực quân sự dựa trên một hình thức quyền lực khác, chẳng hạn như tài sản, kiến thức, kỹ thuật hay một chủ thuyết cuồng tín. Dĩ nhiên không phải lúc nào cũng vậy, thí dụ như trong trận chiến Thừa kế Tây Ban Nha, thiên tài Marlborough là yếu tố quyết định thắng bại. Nhưng đây chỉ là trường hợp đơn lẻ.
 
    Khi một hình thức quyền lực cổ truyền chấm dứt, hình thức kế tiếp có thể không là bạo lực mà là một quyền lực cách mạng có sự thuận tình của đa số hay một thiểu số dân chúng đáng kể. Chúng ta hãy đọc lại lịch sử cuộc chiến tranh độc lập tại Hoa Kỳ. Quyền hành của Hoa thịnh đốn đãkhông có đặc tính nào của bạo lực. Trong cuộc cải cách nhiều giáo hội mới được thành lập để thế chỗ Giáo hội Công giáo đã thành công nhờ vào thuyết phục hơn là áp chế. Một chính quyền cách mạng muốn cũng cố địa vị mà không cần bạo lực phải có sự hỗ trợ của quần chúng mạnh mẽ hơn một chính quyền truyền thống rất nhiều. Khi Cộng hòa Trung Hoa được khai sinh vào năm 1911, những người hấp thụ giáo dục Tây phương đã biểu quyết chấp thuận một hiến pháp đại nghị, nhưng vì quần chúng quá thụ động nên chẳng bao lâu chế độ trở thành một chế độ bạo lực gồm các sứ quân xâu xé tranh giành nhau. Công cuộc thống nhất do Quốc Dân đảng hoàn thành tùy thuộc vào chủ nghĩa quốc gia, chứ không phải là nhờ vào chế độ đại nghị. Tình trạng này thường thấy ở những quốc gia châu Mỹ Latinh. Trong những trường hợp có lẽ các quốc hội đã làm cách mạng nếu quần chúng hỗ trợ đầy đủ; nhưng quyền lực quân sự thuần túy chiến thắng chỉ là bạo lực.
 
    Sự phân biệt quyền lực cổ truyền, quyền lực cách mạng và bạo lực có tính tâm lý thôi. Tôi không coi một thứ quyền lực là cổ truyền chỉ bởi nó mang những hình thức cổ; nó cũng được coi trọng còn vì tập quán nữa. Khi lòng kính trọng này không còn, quyền lực cổ truyền dần dần biến thành bạo lực. Ta thấy tiến trình này ở Nga khi phong trào cách mạng tiến tới thành công vào năm 1917.
 
    Tôi coi quyền lực quyền lực cách mạng khi nó tùy thuộc vào một nhóm lớn nắm được quyền lực nhờ vào một tín niệm mới, một chương trình hoạt động mới, hay một tình cảm mới kết hợp như Tôn giáo hay Chủ nghĩa cộng sản, hay lòng khao khát thống nhất quốc gia. Tôi coi quyền lực là bạo lực khi nó chỉ bắt nguồn từ những khuynh hướng ham muốn quyền lực của các cá nhân hay các nhómvà chỉ được người ta tuân theo vì sợ hãi chứ không có sự cộng tác thành thật nào. Thực ra mức độ bạo lực của quyền lực chỉ là vấn đề cấp độ. Trong một xứ dân chủ chính phủ không dùng bạo lực với các đảng phái chính trị đối lập nhưng bắt buộc phải nặng tay với một tên vô chính phủ bất trị. Giáo hội dùng bạo lực khi xử trí với các kẻ rối đạo nhưng ôn hòa với các tín đồ phạm tội của mình.
 
    Chúng ta hãy xét tới quyền lực của tổ chức và quyền lực của cá nhân. Cách thủ đắc quyền lực của một tổ chức không giống như cách một cá nhân thủ đắc quyền lực trong phạm vi một tổ chức. Dĩ nhiên hai cách này có liên hệ nhau. Nếu bạn muốn làm thủ tướng Anh, bạn phải có thế lực trong đảng của bạn và đảng của bạn phải có quyền hành trong quốc gia. Nhưng nếu bạn sống vào thời kỳ mà nguyên tắt thế tập còn duy trì, bạn phải là kẻ thừa kế một ông vua mới hòng chiếm được quyền lãnh đạo chính trị một quốc gia.Tuy nhiên điều này chưa chắc giúp bạn chinh phục được các quốc gia khác vì bạn cần có những đức tính mà con cái các vua thường không có. Hiện nay tình trạng này cũng xảy ra trong lãnh vực kinh tế, vì cảnh cha truyền con nối vẫn tiếp tục. Các đảng viên xã hội Pháp vẫn tiếp tục sách động chống lại khoảng hai trăm gia đình phú hào ở Pháp. Những triều đại các phú hào thường không bền vững như các triều đại và cảnh thất thế rất thường. [Người] Việt Nam có câu(a): “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”.
 
    Tùy theo mỗi loại tổ chức mà một loại người nào đó tiến đến hàng lãnh đạo và các trạng thái xã hội cũng đưa đẩy một hạng người tới chỗ nắm được quyền lực. Một thời đại nổi bật hẳn lên trong lịch sử qua những cá nhânxuất chúng, và mặc lấy những tính chất tổng quát của thời đại do cá tính của những nhân vật này, như ta thường thấy nơi câu nói: “Anh hùng tạo thời thế”. Và bởi vì những đức tính này thay đổi tùy theo hoàn cảnh lịch sử nên các cá nhân xuất chúng cũng thay đổi về phương diện cá tính. Có lẽ đãcó những người như Lenin[5] vào thế kỷ 12 và những người như Richard Coeur De Lion[6] vào thời  đại chúng ta nhưng lịch sửđã không biết đến họ chỉ vì họ đã đầu thay nhằm thế kỷ. Chúng ta hãy xét những loại cá nhân do những loại quyền lực khác nhau tạo nên.
 
    Quyền lực thế tập đã đưa ra những tiêu chuẩn về con người quân tử. Đây là hình thức biến cải của một quan niệm đã có từ lâu đời, từ những khả năng pháp luật của các thủ lãnh, qua tính cách thần thánh của các vua chúa, cho tới tinh thần mã thượng và nhà quý tộc. Nơi nào có quyền lực truyền tập những đức tính đáng trọng là sự khoan thai nhàn hạ và ưu thế gia đình rõ rệt. Nơi có quyền lực quí (hơn là hoàng tộc) lề lối cư xử đúng đắn là phong cách lịch lãm đối với kẻ ngang hàng và thái độ kẻ cả đối xử với người dưới. Mặc dầu quan niệm về phép xử thế thay đổi ra sao thì ta cũng chỉ xét người qua phong thái ở những nơi còn quyền lực truyền tập. Kẻ trưởng giả học làm sang chỉ đáng chê cười khi hắn len lỏi vào cái thế giới đàn ông, đàn bà chỉ biết làm bộ làm tịch. Một kẻ đóng vai một người quân tử nếu anh ta được hưởng gia tài đồ sộ. Nhưng anh tasẽ bị khinh khi ngay khi gia đình suy sụp, và khi đó anh sẽ lộ rõ vẻ rách rưới thê thảm ngay. Cháy nhà ra mặt chuột mà.
 
    Ta lại thấy một mẫu người rất khác ở nơi nào quyền lực dành cho những người thông thái hay khôn ngoan, tạm cho là thế, chẳng hạn như ở Trung Hoa cổ thời và Giáo hội Công giáo. Trong thế giới ngày nay thứ quyền lực hiền triết chẳng còn bao nhiêu so với các thời đại lịch. Thật lạ lùng là những cộng đồng man rợ nhất lại coi trọng kẻ sĩ hơn hẳn những xã hội văn minh. Tôi dùng chữ học vấn theo nghĩa rộng, gồm cả cái học của những nhà ma thuật và thầy thuốc. Phải mất hai mươi năm học mới lấy nổi văn bằng tiến sĩ của đại học Lhasa, cần để đảm nhiệm những chức vụ cao quý, chỉ trừ có đức Đạt Lai LạtMa. Ta cũng nên nhớ lại tình trạng Âu châu vào năm 1000 Giáo hoàng Silvester II nổi tiếng là một nhà pháp thuật vì ông chịu sưu tầm sách vở nên sau đó đã gia tăng quyền lực của Giáo hội rất nhiều bằng cách tạo nên những khủng khiếp siêu hình.
 
    Người trí thức là hậu duệ trí thức của nhà tu, nhưng giáo dục càng ngày càng lan tràn làm ông mất quyền. Khi xưa quyền lực của nhà trí thức lớn lao là vì dân chúng còn mê tín: họ thường tôn sùng thần chú hay sách thánh. Điều này còn di tích trong thái độ của người Anh đối với lễ Đăng quang và lòng tôn sùng Hiến pháp của người Mỹ; cho nên vị Tổng giám mục thành Canterbury và các thẩm phán Tối cao Pháp Viện Hoa kỳ còn được hưởng phần nào quyền lợi truyền thống của người trí thức. Quyền lợi của các giáo sĩ Ai Cập hay của những nhà nho Trung Hoa ngày nay thì cũng đã tiêu ma mất rồi.
 
    Đặc tính điều hành của người quân tử là danh dự, còn đức tính của con người đạt tới quyền lực do sở học là sự khôn ngoan. Để được tiếng khôn ngoan, một người phải tinh khôn kinh nghiệm xử thế. Ngay tuổi tác cũng là điều đáng trọng. Những tiếng ‘presbyter’, ‘seigneur’, ‘alderman’, và ‘elder’dùng để chỉ lòng kính trọng ở trung hoa một kẻ hành khất thường van xin những người qua lại bằng tiếng: “lạy ông già cao trọng”. Nhưng ở nơi nào quyền lực của kẻ không ngoan được tổ chức hẳn hoi, thì các tu sĩ và những nhà trí thức thường kết tập với nhau, và sự khôn ngoan được người đời coi là ngưng tụ nơi họ, nhà hiền triết rất khác mẫu người hiệp sĩ, và xã hội dưới ảnh hưởng của họ cũng khác hẳn. Trung hoa cho ta một thí du khác hẳn Nhật bản.
 
    Chúng ta đã lưu tâm đến một việc khá kỳ quặc là dù rằng vai trò của trí thức hiện nay lớn hơn bất cứ thời nào trước đây, nhưng xem ra kẻ có trí thức mới chẳng thấy quyền lực của mình gia tăng cách tương xứng. Dẫu cho người thợ điện hay người thợ sửa điện thoại có thể làm nổi những công việc khá ly kỳ, chúng ta vẫn không coi họ là thầy thuốc xưa, hay tưởng tượng rằng họ có thể tạo nên sắm chớp nếu ta quấy rấy họ. Lý do là trí thức khoa học dù có khó khăn tới đâu chăng nữa cũng chẳng có gì là bí hiểm và ai cũng có thể biết dược nếu chịu khó. Cho nên người tri thức hiện tại chẳng làm cho ai ngán sợ mà chỉ là một kẻ làm công không hơn không kém. Trường hợp tổng giám mục thành Canterbury khá đặc biệt, ông vừa là một tiến sĩ thông thái vừa là một nhà lãnh đạo uy quyền.
 
    Sự thực là người có học được kính trọng không phải là vì sở học mà vì người ta e ngại ông ta có quyền lực pháp thuật. Khoa học làm mất miền tin vào pháp thuật, làm mấtcả người tri thức. Và dù rằng các phát minh cũng như các phát kiến của họ đã có những ảnh hưởng khó lường đối với lịch sử, nhưng đứng riêng lẻ như những cá nhân, người ta coi họ không bằng một pháp sư trần trụi ở Ấn Độ hay một thầy thuốc ở Châu Đại Dương. Các nhà tri thức trở nên bất mãn với thế giới mới vì chính những công việc họ làm đã lấy đi quyền năng của họ. Những người ít bất mãn hơn xoay qua chủ nghĩa cộng sản; những kẻ thất chí nhiều tự khép mình trong tháp ngà. 
 
    Sự lớn mạnh của những tổ chức kinh tế to tát đã tạo ra một loài người đầy quyền năng mới: nhà quản trị như danh hiệu họ thường gọi tại Hoa Kỳ. Nhà quản trị điển hình(b)là người có quyết định mau lẹ, nhìn thấy rõ vấn đề và có ý trí sắt đá: ông là người cương nghị, môi luôn mím chặt và có lời nói tắt rạch ròi. Ông vừa phải có những đức tính của một viên tướng tài lại đồng thời có đức tính của một nhà ngoại giao lỗi lạc: quyết liệt khi xung trận, mềm dẻo khi thương thuyết. Nhờ những đức tính đó mà họ kiểm soát những tổ chức kinh tế quan trọng.
 
    Quyền lực chính trị trong một nền dân chủ có khuynh hướng khác với mấy mẫu vừa kể. Muốn thành công, một chính trị gia phải chiếm được tín nhiệm nơi guồng máy của ông và tạo được hứng khởi nào đó nơi đa số cử tri. Hai đoạn đường đưa tới quyền lực này đòi hỏi những đức tính không hẳn y hệt nhau, nên có chính trị gia chỉ thành công ở một giai đoạn thôi. Nhiều ứng cử viên vào chức vị Tổng Thống ở Hoa Kỳ không sao lôi cuốn nổi quần chúng dẫu rằng họ có thừa tài lấy lòng những tay tổ đảng phái. Những người này thường bị đánh bại, trái với những ước đoán củanhững tay điều hành guồng máy đảng. Tuy nhiên, đôi khi guồng máy có thể đem lại thắng lợi cho một ứng cử viên xoàng xĩnh, và một người như vậy chẳng bao giờ có thực quyền vì luôn luôn chịu sự khống chế của guồng máy đảng.Trái lại cũng có khi một người có thể tạo nên guồng máy cho chính mình, thí dụ như Napoleon III, Mussolini và Hitler. Thường hơn cả là trường hợp một chính trị gia có thực tài thì mặc dù ông ta sử dụng một nguồn máy đã có sẵn nhưng rồi ông cũng sẽ làm chủ thực sự.
 
    Tính chất của mỗi thời đại cũng làm thay đổi những đức tính của những chính trị gia. Thời đại hòa bình khác với thời buổi chiến tranh hay cách mạng. Vào thời bình một người tài đức thường thôi cũng đã đủ thành công, nhưng vào thời loạn cần có nhiều đảm lược hơn. Vào lúc đó cần có người ăn nói giỏi (không cần hùng biện theo nghĩa thông thường) vì ngay cả Robespierre và Lenin cũng không cần hùng biện theo nghĩa này) nhưng cương quyết say mê và nồng nhiệt. Những lúc tình thế sôi nổi chính trị gia không cần lý luận, cũng chẳng cần tỏ ra mình khôn ngoan. Ông chỉ cần có khả năng thuyết phục đám đông rằng điều họ ham muốn mãnh liệt có thể đạt được và chính ông ta là người đủ sức làm việc đó.
 
    Những chính khách dân chủ thành công nhất là những kẻ bãi bỏ dân chủ và trở nên độc tài. Dĩ nhiên, điều này chỉ xảy ra trong một số trường hợp; không ai thành công ở Anh vào thế kỷ 19. Nhưng có điều chắc đây là chuyện có thể nằm trong tầm tay của các chính trị gia dân chủ có ít nhiều tài năng. Lenin, Hitler và Mussolini đã nhờ vào dân chủ mà thắng lợi.
 
    Một khi chế độ độc tài đã vững, kẻ kế vị phải có những đức tính khác hẳn kẻ khai sinh độc tài. Khi quyền thế tập bị gián đoạn, những phương pháp quan trọng nhất là những trò giật dây, âm mưu và ân sủng hoàng gia. Vì lý do này, nền độc tài sẽ thay đổi rất nhiều sau cái chết của kẻ sáng lập. Và cũng vì những kẻ kế vị thường thiếu bản lĩnh nên đã nảy sinh tình trạng bất ổn, bạo động, đảo chính, chỉnh lý để sau hết lại có một hệ thống mới nảy sinh. Tuy nhiên ta có thể tin tưởng là những phương pháp tuyên truyền tân tiến sẽ làm cho một vị quốc trưởng gần gũi với dân chúng hơn dù trong thực tế không mấy dễ dàng và tự nhiên với đám đông. Có điều ta chưa thể tiên đoán xem những phương pháp này sẽ thàng công tới đâu.
 
    Còn một hình thức quyền lực cá nhân nữa là quyền lực hậu trường: quyền lực của những công nhân, những gián điệp và những kẻ giật dây. Trong bất kỳ một tổ chức lớn nào mà những kẻ cầm đầu có quyền lực đáng kể, ta thấy có những người khác ít tài hơn dùng tới những phương pháp cá nhân để gây ảnh hưởng với những người lãnh đạo. Những kẻ giật dây và những tay tổ đảng phái thuộc về một loại, dù họ sử dụng những kỹ thuật khác nhau. Họ âm thầm gài bạn bè vào những địa vị then chốt và sẽ nắm được tổ chức khi thời cơ đến. Trong một nền độc tài không thế tập những kẻ này có thể kế vị nhà độc tài khi ông mất đi, nhưng nói chung thì họ không ham hoạt động công khai. Họ vốn yêu thích quyền lực hơn danh vọng; họ có thể kém xã giao lắm. Nhiều khi họ chỉ là những tên hoạn quan hoặc các ái phi của nhà vua. Nơi nào quyền lực là thế tập ảnh hưởng của họ lớn nhất, và nơi quyền lực chỉ dành cho những kẻ có thực tài quyền lực của họ nhỏ nhất. Tuy nhiên ngay cả trong những lĩnh vực chính quyền mới mẽ nhất, những người này thường có quyền lực đáng kể ở nhữngchỗ có vẻ huyền bí đối với người thường như trong lãnh vực tài chánh hoặc ngoại giao. Vào thời William II, huân trước Holstein (người cầm đầu thường trực bộ ngoại giao Đức) có quyền lực vô biên dù không bao giờ ông xuất hiện công khai. Bây giờ chúng ta còn mù mịt đối với những gì xảy ra trong bộ ngoại giao Anh; mai này con cháu chúng ta mới được để mắt tới những tài liệu cần thiết ấy.
 
    Tuy nhiên những đức tính cần cho quyền lực hậu trường rất khác với những đức tính cần cho những loại khác, và chúng thường là những đức tính không đáng chuộng. Một hệ thống quyền lực nay nhiều quyền hành vào tay những cung nhân hay những kẻ giật dây, nói chung không phải là một hệ thống phụng sự công ích.
 
(còn tiếp)
 

Nguồn: Bertrand Russell. Quyền lực. Nguyễn Vương Chấn – Đàm Xuân Cận dịch, Nxb Hiện đại, 1972. Bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.


[1]
 Adolf Hitler (1889-1945) Lãnh tụ đảng Quốc xã Đức. Cầm quyền từ 1934-1945.
 
[2] Paul von Hindenburg (1847 – 1934) Tổng thống Cộng Hòa Đức từ 1925 – 1934.
 
[3] Alexander the Great (356 – 323 trước Tây lịch) Vua xứ Macedon, một nhà chinh phục nổi tiếng.
 
[4] Julius Caesar (khoảng 101 -44 trước Tây lịch) nhà độc tài La Mã, tác giả De Bello Gallico và De Bello Civili bị ám sát ngày Ides of March 44.
 
(a) Nguyên văn trong bản dịch là : “Việt Nam ta có câu”, chúng tôi đã sửa lại (chú thích của triethoc.edu.vn).
 
[5] Vladimir Lenin (1870 – 1924) lý thuyết gia, cha đẻ cách mạng 1917 thành công.
 
[6] Richard I (cũng gọi là Richard Coeur de Lion) (1157 – 99) trị vì từ 1189 -99.
 
(b) Nguyên văn trong bản dịch là “điển hình”, chúng tôi đã sửa lại (chú thích của triethoc.edu.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét