VĂN CHƯƠNG VÀ SIÊU HÌNH HỌC
Hoàng Thái Linh
Muốn giới thiệu một sự kiện gì (người hay vật), thiết tưởng nên nói lên cái đặc điểm nhất của người hay vật đó. Để giới thiệu văn chương Âu châu hiện đại nói chung và văn chương Pháp nói riêng, chúng tôi đã chọn đầu đề: «Văn Chương và Siêu hình học», vì nét đặc biệt của văn chương đó là tính cách triết lý của nó.
Dĩ
nhiên, những A. Camus, J. P. Sartre, André Malraux, v. v... mỗi người
có sắc thái riêng, không ai giống ai; nhưng tất cả đều gặp nhau trên một
vài nét chính. Lời nói, giọng nói của họ khác nhau, nhưng hình như họ đều bắt đầu từ một khởi điểm, cùng bàn đến một vấn đề.
Trước khi giới thiệu từng người, chúng tôi xin trình bầy cái căn bản chung của các nhà văn đó.
KHỞI ĐIỂM CHUNG
Tháng
chạp 1946, trong buổi diễn thuyết do Ủy Ban Văn Hóa Liên Hiệp Quốc
(UNESCO) tổ chức ở giảng đường đại học Sorbonne, Malraux đã nói: «Cuối
thế kỷ XIX, Nietzsche lớn tiếng tuyên bố Thượng Đế đã chết với một
giọng bi đát. Và ai cũng hiểu câu đó muốn nói gì; câu đó có nghĩa là từ
đây người sẽ làm chủ cuộc đời mình vì Thượng Đế đã chết. Nhưng ngay này,
vấn đề đặt ra cho chúng ta là ở trên mảnh đất Âu châu cũ kỹ này, con
người đã chết hay chưa?».
Câu hỏi trên của A. Malraux đưa chúng ta vào bầu không khí chung của văn
chương Âu châu. Đó là một bầu không khí thắc mắc, hoài nghi, băn khoăn,
muốn đặt vấn đề lại những giải pháp đã biến thành tin tưởng của những thế hệ trước.
Một cách hết sức tổng quát, ta có thể xác định văn hóa Âu châu từ Phục Hưng đến đầu thế kỷ XX như một nỗ lực giải phóng con người - tư tưởng, cảm xúc, chính trị - khỏi vòng cương tỏa của Thiên
Chúa giáo thời Trung Cổ, để tiến lên chỗ Độc Lập. Con người cận đại
muốn tự trách nhiệm lấy cuộc đời mình, xây dựng nó mà không cần đến tôn
giáo, thần thánh giúp đỡ, vì nghĩ rằng chính tôn giáo làm cho người ỷ
lại, mất tự tin. Nói khác đi, tôn giáo chống lại một nhân bản lấy người
làm căn bản và cứu cánh sau cùng. Từ chỗ tin tưởng đó, con người cận
đại Âu châu tin rằng có thể xây một xã hội hạnh phúc, tốt đẹp, người
thân ái với người. Những Saint-Simon, Marx, Proudhon, v. v... mơ ước
thực hiện một
thế giới đại đồng... Những Kant, Hegel, Auguste Comte... nuôi triển
vọng đặt một cơ sở lý thuyết cho sự thống nhất nhân loại, căn cứ vào lý
tính phổ biến.
Đặc biệt là tính cách lạc quan của lòng tin tưởng đó. Lạc quan vì cho rằng có thể thực hiện được
trên đời này sự hòa hợp giữa người với người về tư tưởng, quyền lợi, và
hạnh phúc, hoà bình bằng sức cần lao, phát minh khoa học, kỹ thuật.
Nhưng tại sao lạc quan? Vì tin tưởng đó chỉ là mơ ước, lý thuyết trừu
tượng. Nhưng thực ra có sự ly dị bi đát
giữa cuộc đời thiết thực và lý thuyết. Trên lý thuyết, đời có thể đẹp,
chứa chan hy vọng... Nhưng thiết thực, đời sống hằng ngày không thế. Con
người Âu châu hiện đại đã sống qua hai kỳ đại chiến, phải chịu đựng tất cả những kết quả của chiến
tranh. Tù đầy, giết chóc đã làm cho họ tỉnh giấc mơ thần thánh hóa con
người, đã giúp họ khám phá được bộ mặt thực thân phận con người, và do
đó làm cho họ chán ghét những hệ-thống trừu-tượng, những danh từ tự do,
dân chủ, hạnh phúc, v. v... đẹp, nhưng rỗng tuếch.
Vũ trụ của chiến tranh là vũ trụ bạo động ; Luật chiến tranh là tàn sát, ức hiếp, mạnh được yếu thua, vì người là kẻ thù với người. Khi người ta chưa muốn giết, người ta bắt đi đầy trong những trại tập trung. Sibérie của Liên xô, Ravensbrück, Dachau, Büchenwald của Đức quốc xã là những nơi hàng triệu con người bị chà đạp, trước khi chết một cách vô ích.
Những
cực hình chỉ làm khổ thân xác không đáng kể khi đem so sánh với những
cực hình mà Gabriel Marcel gọi là «kỹ thuật làm nhơ bẩn» (techniques
d'avilissement) tâm hồn, tinh thần, nhân phẩm con người mà ta thường
định nghĩa như một giá trị, vẻ đẹp. Mục đích những người coi trại tập
trung nhằm là tạo ra một bầu không khí ghen ghét, thù hằn, ích kỷ, đê
tiện giữa các người tù, và bắt họ phải sống theo những bản năng thú tính
(mặc cho đói, rồi cho ăn ít để tranh nhau, v. v...). Cực hình ghê gớm,
vì phải sống với nhau như những con vật trong một hỏa ngục trần gian.
Cực
hình ghê gớm đó, dưới một hình thức khác, là sự làm việc bó buộc một
cách vô ích, không nghĩa lý gì, vì mục đích là làm nhục con người ý
thức, tự do bằng cách bắt làm việc như con vật mà không gán cho nó một ý
nghĩa nào.
«Tôi
nghĩ rằng nếu người ta muốn tiêu diệt một người bằng thứ cực hình làm
ghê rợn cả đứa giết người độc ác nhất, chỉ cần làm cho việc làm bó buộc
(travail forcé) trở nên hoàn toàn vô lý và vô ích... Nếu người ta bắt
một người tù đổ nước từ thùng này sang thùng kia, rồi đổ lại thùng thứ
nhất, hay nghiền cát hoặc bắt san phẳng một đống đất rồi lại vun thành
đống đất, tôi tin rằng chỉ vài ngày như thế là người tù kia sẽ đi thắt
cổ hoặc phạm những tội tầy đình, vì họ thà chết còn hơn chịu đựng mãi
một nhục nhã, một tủi hổ và một cực hình như thế»( trong Les Souvenirs de la maison des morts).
Thật
thế, cực hình không phải ở chỗ làm việc khó nhọc, nhưng ở tại làm việc
không nhằm một mục đích gì. Người tù trong các trại tập trung đau khổ,
nhưng đau khổ hơn cả là không thể gán cho sự chịu đựng đau khổ của mình một ý nghĩa nào. Đau khổ vô ích, chết vô ích.
Trong La Condition humaine và Le Temps du mépris của Malraux,
cái chết bao giờ cũng cô đơn, nhưng dù sao cũng còn là sự cô đơn được
nâng đỡ bằng một viễn ảnh thế giới mới đang lên. «Một người ngã xuống, muôn người đứng dậy»,
hay bằng mối tình huynh đệ giữa những người cùng một chí hướng. Trái
lại, cái chết trong trại tập trung là một cô đơn tuyệt đối, hoàn toàn vô
ích vì người tù chết trong bùn nhơ, trong cái đê tiện của một tinh thần sa đọa.
Trong
cái xã hội bạo động đó, con người không còn nhận ra mình và người khác
là người nữa. Đó cũng là lý do có nghĩa tại sao các họa sĩ Âu châu
không dám vẽ mặt người lành lặn, nhưng vẽ một bộ mặt «tan tành» sứt mẻ,
hay mỗi bộ phận một nơi như bức họa Guernica của Picasso. Hội họa đã muốn nói lên sự ly dị, phân tán tinh thần của con người với chính mình và với người khác. Không còn thống nhất, hoà hợp nữa.
Trước
hoàn cảnh ấy, văn nghệ sĩ, triết gia không thể đứng ngoài làm khách
bàng quang, tiếp tục sáng tác không dính líu đến cuộc đời thiết thực.
Triết gia bỏ tháp ngà, văn sĩ bỏ tao đàn, lăn lộn với con người ngoài
phố, di cư, tù đầy...
Như
thế, văn chương chỉ có tính cách tiểu thuyết, nghĩa là tưởng tượng hay
phân tách tâm lý, hay kỹ thuật hành văn đều không còn nghĩa lý gì. Văn
chương trở thành những suy nghĩ (méditations) về thân phận con người, về
ý nghĩa sau cùng người đời và đời người. Văn chương là Siêu-hình-học.
TIỂU THUYẾT TRIẾT LÝ
Thường thường, tác phẩm nào của một
đại văn hào cũng đều bao hàm một vài tư tưởng triết lý. Khi nói triết
lý, không nên vội cho đó chỉ là những suy luận trừu-tượng bên lề cuộc
đời; Triết lý ở trong cuộc đời và bắt đầu từ cuộc
sống hàng ngày. Con người triết lý là con người trong khi sống, dừng
lại, thắc mắc và muốn hỏi ý nghĩa sau cùng những hành động của mình
để xác định một thái độ trước cuộc đời. Nếu coi triết lý là vấn đề lập
trường, ai cũng có triết lý, phải triết lý, vì không ai tránh được sống
và hành động. Péguy nói: «Ai cũng có một Siêu-hình-học, rõ rệt hay công khai, nếu không, không thể sống được» (Notre Jeunesse).
Như thế, văn chương, triết học, chính trị chỉ là những hình thức biểu lộ khác nhau lập trường của con
người trước người đời và đời người. Khi nói văn chương có tính cách
triết lý, không có ý bảo văn nghệ sĩ suy luận về cuộc đời và xếp những
tư tưởng đó vào một hệ thống chặt chẽ, mạch lạc như các triết gia, giáo
sư ở nhà trường. Vấn đề không phải là cắt nghĩa cuộc đời hay xác định những điều kiện để sống, nhưng là thể hiện ngay lối sống, thái độ trước cuộc đời đó lên.
«Chính
trong con người, trong những tình yêu, ghen ghét, trong cuốn sử đời
mình hay xã hội mà con người là triết lý, và Siêu hình học không còn
phải chỉ là công việc một vài giờ trong một tháng như Descartes tưởng.
Siêu hình học hiện diện trong từng cử động của con tim như Pascal đã nói»(M. Merleau-Ponty, Sens et Non Sens, tr. 55).
Như thế, tiểu thuyết không còn nhằm mục đích kể chuyện, mô tả tâm tình nhân vật hay hoàn cảnh xã nói. Tiểu thuyết Pháp hiện đại là một trình bầy thân phận con người trong những khía cạnh sâu xa và phổ biến nhất của nó.
Sartre, Camus, G. Marcel, là những nhà triết học, đồng thời cũng là nhà
văn, viết kịch, tiểu thuyết. Họ là những người vừa suy tưởng vừa viết
văn. Do đó, ta không hiểu các tác phẩm văn chương họ viết, nếu không
hiểu tư tưởng của họ. Ví dụ, không thể hiểu tất cả những tiểu thuyết, kịch của Sartre nếu không đọc L'Être et le Néant; không hiểu l'Invitée của Simone de Beauvoir nếu không đọc Pyrrhus et Cinéas. Vì thế, chúng ta đứng trước một thứ văn chương triết lý, không phải tưởng tượng. Mô tả địa vị con
người trong mối tương quan với người khác, với cuộc đời, vũ trụ, lịch
sử thay thế cho mô tả tâm lý, hành động thời trước. Dĩ nhiên nếu muốn
gọi là phân tách tâm lý cũng được, nhưng như thế là còn nông cạn, mới
nhìn bề mặt thôi, chưa đi sâu vào cái cốt yếu là ý nghĩa những cử chỉ
tâm lý đó.
Ta có thể trình bầy bi kịch trong truyện l'Invitée của S. de Beauvoir bằng những danh từ tâm lý học: Pierre yêu Françoise. Xavière quyến rũ, Pierre thèm muốn Xavière, Françoise ghen.
Nhưng
thế nào là yêu? Yêu là tự hiến cho người mình yêu và muốn người yêu
cũng tự hiến cho mình hoàn toàn: Chúng ta là một. Yêu cũng không phải
yêu một phần, một cái gì của người yêu (mái tóc, đôi mắt, v. v...), nhưng là yêu một ai (quelqu’un) và toàn thân, tất cả con người là cái vũ trụ của người
đó. Đang khi sống yêu đương, hai người thấy như thời gian dừng lại, hay
mình đã ra khỏi thời gian biến đổi để hoà hợp trong vĩnh viễn. Nhưng
cảm giác ra khỏi thời gian chỉ là lòng tin tưởng của hai người thôi, vì lòng tin tưởng ấy thực sự là ảo vọng khi Françoise thấy Pierre yêu Xavière. Cho nên tình yêu chỉ là những khoảnh khắc biến đổi trong cái biến đổi của thời gian, vì chúng ta không thoát khỏi thời gian. Hơn nữa, yêu thực sự bao giờ cũng chỉ là muốn được yêu,
vì nếu có sự tự hiến hoàn toàn, sao Françoise lại ghen. Ghen là ý chí
muốn chiếm đoạt người yêu như vật sở hữu, nghĩa là chỉ muốn một mình
được yêu. Như thế không có tình yêu chân chính tự hiến, vì sự thực ai
cũng chỉ nghĩ đến mình. Tương giao thất bại. Rút cục, mỗi người lại trở
về cái cô đơn của lòng mình mỗi khi không được yêu. Trên mặt đất, có một chỗ Françoise sẽ bị loại ra, đó là nơi hẹn hò gặp nhau của Pierre
và Xavière. Vậy bi kịch không phải là tâm lý, nhưng siêu hình.
Françoise tưởng rằng có thể sống đời đời với Pierre trong tình yêu.
Xavière xuất hiện, xen vào tình yêu hai người, làm cho Françoise tỉnh ngộ, nhận thấy cái không tưởng của kết hợp, và sự cô đơn tuyệt đối của mỗi ý thức. Vấn đề triết lý ở đây là xem giữa người với người có tương giao đích thực không.
Một truyện khác: cuốn La Peste của A.
Camus. Cái bi kịch trong sách cũng không thuộc loại tiểu thuyết xã hội,
mà là siêu hình. Bệnh dịch hạch lan tràn trong thành phố Oran bên
Algérie. Thành phố bị cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài, sống
tranh đấu với bệnh dịch trong cô lập, đau thương, hy vọng. Bệnh dịch là
văn ảnh những tai nạn, lầm than của thân phận con người. Ai chịu trách nhiệm? Tại sao những đứa trẻ vô tội cũng thành nạn nhân của dịch? Nếu loài người được dựng nên bởi tình yêu của Thượng Đế, tại sao có Đau khổ vô lý? «Tôi từ chối không yêu mến sự sáng tạo trong đó những đứa trẻ bị quằn quại đau khổ» (Camus).
Đời
sống có ý nghĩa gì không, «đời đáng sống hay không đáng sống» trước
những cái vô lý cuộc đời? Cái gì làm cơ sở cho hànhđộng! Một nhân bản
xây trên những nhận xét đó phải như thế nào?
Đọc chuyện, chúng ta chỉ thấy hiện lên trong trí những câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời, cái chết, mối tương quan giữa người với người, với vũ trụ.
Tiểu thuyết vì thế không còn tính chất lãng mạn, xa thực tế, thoát ly. Văn chương hiện đại Pháp nhập thế (engagée) không phải để xoa dịu, giải trí,
nhưng là gây thắc mắc, suy nghĩ để nhận định một thái độ sống. Trong
viễn tượng đó, cái cốt yếu không phải là hành văn, nhưng là thể hiện được ý nghĩa, nội dung của chữ hay lời muốn nói.
Văn chương hiện đại cũng không tả chân. Tả chân biểu lộ thái độ khoa học, khách quan. Nhà khoa học đứng ngoài điều mình tả, tự xóa và chỉ cốt mô tả đúng sự thực, có thế nào nói lên thế. Trái lại, nhà văn bây giờ đứng trong
điều mình diễn tả, vì tác giả muốn gửi vào lời nói một lối nhìn về cuộc
sống hay một quan niệm về đời người, với một tấm lòng tin tưởng tha
thiết và thẳng thắn.
MỘT NHÂN BẢN BI ĐÁT
Những
vấn đề triết lý đó nêu lên trong một không khí bi đát. Bi đát trong
việc tìm cho cuộc đời một ý nghĩa; Bi đát trong việc thực hiện ý nghĩa đó. Trong cuốn l'Etranger của A. Camus, con người khi ý thức cuộc đời thấy mình xa lạ
với cái thế giới vô hồn này, xa lạ với cả những người khác. Không có gì
sẵn sàng cả, ta chỉ việc hưởng dụng; phải tự tìm, tự tạo. Bi đát vì con
người hiện đại
không còn muốn bị lừa, sa vào cạm bẫy những hệ thống triết lý tốt đẹp,
nhưng trừu tượng, lý thuyết, dễ dàng quá; Bi đát vì không còn tin tưởng
vào một ý nghĩa cuộc đời do tôn giáo ban cho, hay do tiến bộ khoa học,
kỹ thuật. Nhìn vào thực tại, chỉ thấy hỗn độn phức tạp hay đổ vỡ mênh
mang.
Nhưng con người hiện đại
không sợ nhìn thẳng thực tại đó, trái lại muốn đi đến cùng, vì không
muốn tự lừa dối, an ủi bằng những giải pháp quá đơn giản, dễ dãi.
Thái
độ đó bao hàm một nhân bản mới. Văn chương không còn là mô tả, tri
thức, nhưng là một giải phóng, muốn bênh vực con người trước mọi hình
thức chà đạp, giản lược con người vào phương tiện, đồ dùng.
Chính
trong hoàn cảnh bi đát đó, con người mới khám phá thấy người đồng loại
cùng chung một thân phận, một kiếp người. Văn chương không còn phải là
tiếng nói của cảm
xúc cá nhân, nhưng là tình yêu bao trùm cả loài người, lo lắng số phận
cả nhân loại và bảo vệ những giá trị phổ biến trong con người.
Không còn vấn đề gì sôi nổi hơn vấn đề sống chết của nhân
loại trước đe dọa bạo động, những «kỹ thuật làm nhơ bẩn», trước chiến
tranh, tàn sát, tù đày. Văn chương là tiếng kêu phản kháng sự giết chóc,
là chứng minh liên tục những thực tại đau đớn kia để chống lại thói
quen hay quên của người
ta. Phải làm cho mọi người luôn luôn cảm thấy những thực tại bi đát, để
họ không thể đọc như đọc tiểu thuyết khi những sự thực tàn nhẫn đã rơi
vào dĩ vãng, biến thành lịch sử nghĩa là tạm thời ở ngoài không liên hệ đến đời sống hiện tại của họ.
Hoàng Thái Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét