Triết lý nhân sinh*
- Kim Định
1. Phù hà viễn chi hữu?
Triết
lý hiện đại khác với triết lý cổ điển ở hai điểm: một là đả kích lý trí
trừu tượng, hô hào trở lại với cụ thể. Hai là tuyên dương đời sống tự
nhiên, chú trọng đến tình cảm và cả bản năng,
do đó nổi lên một trào lưu triết lý mang những tê nhu Hiện sinh, Duy
sinh, Toàn sinh, nghĩa là chú ý đến sống mà sống là hình là bản năng.
Đấy
là hai điểm rất hợp với Việt, một triết lý vốn trọng đức sinh: "thiên
địa chi đại đức viết sinh". Và cũng là một triết lý chủ trương tìm đạo
ngay trong đời sống con người, trong những việc thường nhật gần gũi cụ
thể trong gia đình trong xã hội của mình.
Sự gần gũi trong Nho triết không còn là cái gì thêm vào nhưng chính là
yếu tố cấu tạo nên Đạo đến nỗi thiếu nó Đạo hết còn là Đạo. "Khả li phi
Đạo dã, 可離非道也" TD.I và câu "Đạo bất viễn nhơn, nhơn chi vi Đạo vi viễn
nhơn, bất khả dĩ vi Đạo, 道不遠人.人之為道而遠人,不可以為道" TD 13 có thể được coi như
tiêu chuẩn. Hễ triết lý bàn những chuyện gì không thiết vào thân tâm đều
là triết học để chơi làm cảnh.
Nếu
sự gần gũi đã là yếu tố cấu tạo như thế thì theo chốt Đạo học cũng
chính là đi vào nội tâm sâu thẳm, vì chỉ nơi đó mới có sự tiếp xúc trực
tiếp với nguồn sống bao là vũ trụ, nên càng lặn sâu vào nội tâm thì càng
tiếp cận với dòng sống, vũ trụ càng giàu khả năng thâu hóa và sinh lực thần khí càng thâm hậu.
Do đó mục đích tối hậu của việc
học triết là phải nhằm vào tác động nội tâm hóa được bản chất cái học,
nghĩa là phải đạt đến sự nhận thức, sự cảm nghiệm được mối liên hệ sâu
xa của mọi tư tưởng làm sao cho chúng ăn vào mình, bắt rễ tự tâm thức của mình.
Bao nhiêu tư tưởng dù cao xa như Thượng Đế, Hồn thiêng, Thần linh…
không nối liền được với tâm thức mình thì sẽ trở thành ứ đọng, khô cứng,
nên dù có phong phú cũng ví như sữa người mẹ dồi dào như ống chuyển
sang bào thai đã bị cắt đứt không sao nuôi dưỡng được bào thai nữa.
Đó là tình trạng của những
ý niệm trừu tượng trong triết cổ điển như sự hữu, bản thể, yếu tính,
chân lý… Những tư tưởng triết Đông thuộc Tam tài, Tứ tượng, Ngũ hành,
Biến dịch… nếu không duy trì được mối liên hệ nòng cốt với thân tâm cũng
chịu chung số kiếp. Muốn cứu vãn phải nhận thức ra mối liên hệ căn cơ
bao trùm được tất cả toàn thể. Vì chỉ có toàn thể mới sống, từng phần đã
chặt ra thì chỉ có khô cừng mà thôi.
Do đó ta hiểu tại sao thánh hiền lại năng đề
cao cảnh giác về điểm "Đạo bất viễn nhơn"… và nhiều câu mới đọc tưởng
như lẩm cẩm, chẳng hạn "quân tử chi đạo thí như hành viễn bất tự nhĩ,
thí như đăng cao tất tự ti" T.D. Đi tất nhiên phải tự gần, trèo núi tất
nhiên phải khởi từ dưới chân… Sao lại phải nói chi những điều quá rõ rệt
đó để bị tiếng là tầm thường?
Nhưng
trong thực tế thì khác: con người là giống mơ tiên toàn đi tìm Đạo ở
những miền xa xôi, ngoài bồng đảo hay trên núi rừng, hoặc trong cõi ý
niệm trừu tượng xa xăm, trăm ngàn người đều thế. Đạo kia là một cái gì
cao cả linh thiêng chứ phải chơi đâu mà tìm ngay trong đời sống thường
nhật.
Tuy ít người nói minh nhiên ra như vậy, nhưng thái độ và lối sống của con
người là như thế dọc dài qua từng hai ba ngàn năm, lâu lắm mới lại xuất
hiện được một người biết tìm Đạo ở gần, biết trèo núi tự chân lên đỉnh,
nghĩa là biết "hạ học chi thượng đạt" còn đại đa số vẫn là đi xa, khởi
đầu từ cao viễn vì cho rằng nói về nhân sinh tức là nói về những chuyện
thường nhật. "Paler de la vie c'est parler des plus grandes banalités".
Mãi cho tới nay những phần tử thức thời nhất mới giật mình nhận ra lối
triết lý cao xa đó chẳng bổ ích cho một ai hết trọi, mới tri hô làng
nước bảo phải trở lại với những gì cụ thể. Câu "Retour au Concret" mới
vang lên khắp đó đây giúp cho ta hiểu tại sao Khổng Tử lại tán thán
viết: "Phù! Hà viễn chi hữu?" Trời đất ơi! Đạo có xa chi đâu mà phải lặn
suối trèo đèo, thăm tây ghé bắc. Đạo nằm ngay trong những cái bé nhỏ
thường nhật.
Đi tìm xa
xôi cao viễn chỉ là mắc cái bệnh đứng núi nọ trông núi kia. Cái thông
bệnh đó hết sức tế vi khéo núp ẩn, cho nên ngày nay chúng ta nhận thấy
những trào lưu tư tưởng mới hò trở lại gần và mang tên là Sinh: Hiện
sinh, Duy sinh, Toàn sinh thì vẫn cứ phải thận trọng, vì đồng danh chưa
hẳn đồng tính. Tuy danh là sinh, mà tính không cùng: một bên là Hiện
sinh, là Duy sinh, bên này là Nhân sinh. Do đó thâu nhận y nguyên có thể
lại làm ta xa Đạo. Vì thế mà chúng ta cần cứu xét. Huống chi ngay tiếng
nhân sinh cho tới nay cũng chỉ mới là một ý niệm đại khái, chưa bao giờ
được xác định nội dung, nên nhiều khi gây nên những hiểu lầm tai hại
không kém những chướng ngại vật mà các triết lý nhân sinh có ý vượt qua.
2. Nhân sinh là gì
Để hiểu nhân sinh là gì chúng ta hãy khởi đầu gạt ra ngoài những lối hiểu nhân sinh không trúng nghĩa.
Trước hết nhân sinh không là khoa học thực nghiệm như nhiều người quen hiểu. Lối hiểu này xuất hiện ngay từ buổi bình minh của triết
học Tây Âu, nơi những nhà triết học được mệnh danh là tự nhiên học, vật
lý học (naturaliste, physiciens) và trải qua hơn hai ngàn năm lịch sử
cả triết lẫn khoa học ở chung một ngăn có thể gọi là của đại
tượng (représentation) nghĩa là đại biểu cho hình tượng cũng như tượng
hìn đại biểu cho sự vật. Thế nghĩa là hai lần đại diện cho nên cả vật
lẫn người trở thành những ý niệm trừu tượng xa xôi. Về triết cổ điển đọc
nhiều tác giả chúng ta không thể không nhớ tới cấu phê bình của Kierkegaard
gọi chúng là "discours fantastiques sur des êtres fantastiques": những
lời kỳ ảo về những vật thể kỳ ảo. Nhiều khi khiến người đọc trải qua
trạng thái như mơ trong lúc thức vậy. Chính lối quan niệm diệu viễn kia
đã kìm hãm cả triết lý lẫn khoa học thực nghiệm không tiến được bước
nào, cho tới lúc khoa học thoát ách trừu tượng của triết
học mới tiến vượt bực, còn chính triết học vì nấn ná mãi lại trong
"vùng trăng úa" thì không nhúc nhích nổi một bước tiến trung thực nào
cả. Nên nhiều người như K.Marx bắt triết học phải nhịp theo chính trị,
kinh tế, đấu tranh ý hệ, nghĩa là biến triết học thành cái gì bèo bọt
tùy phụ mà không phải là một khoa độc lập.
Hiện nay
các triết gia tên tuổi đã từ giã chủ trương đặt căn bản triết trên khoa
học, chính trị, kinh tế, nhưng cũng chưa đưa ra được một lập trường vững
chắc, nên sự dẵm chân lên khoa học và chính trị vẫn còn xảy ra khá
nhiều, tuy hình thức có trở nên tế vi hơn. Nhiều người vẫn theo thông
bệnh hễ nói nhân sinh là hiểu ngay vào cái gì cụ thể như khoa học, chính
trị, kinh tế, hay mưu sinh… thì là tiếp tục con đường cũ kỹ đã quá lệch
lạc.
Thứ đến nhân sinh cũng không phải là bách khoa.
Vừa
rồi có một bài trong nguyệt san nọ nhan đề: "triết lý không phải để mà
triết lý" tác giả biểu lộ sự ngạc nhiên khi "thấy có những ông tú tài
triết học hỏi bạn: người em gái của cha mình gọi là gì?" Ngạc nhiên như thế là tác giả tỏ ra mình chưa quy định được rành rẽ hoạt trường của triết, nên tưởng triết là bách khoa: cái gì người học triết cũng phải biết.
Nếu
thực người học triết phải có óc bách khoa, thì triết là một môn học tồi
nhất, vì nó chỉ còn là bản tóm tắt các khoa học nhưng lại kém hẳn quyển
bách khoa. Vì bách khoa do những tay chuyên môn của mỗi ngành đúc kết nên nhất định phải chu đáo hơn của một
người phải biết tất cả. Khi Phàn Trì hỏi về canh nông trồng tỉa, Khổng
Tử không ngần ngại đáp: ta không bằng nhà nông hay nhà vườn chuyên môn
(ngã bất như lão nông). Hơn thế nữa ông còn nói quân tử bất khí: người
học triết không nên để chú ý bị ám ảnh vì một khoa nào, phải để lòng vào
Đạo tức là vào cái toàn thể. Đó mới là chỗ chú tâm của triết.
Không biết những vấn đề liên hệ tới đó mới nên ngạc nhiên, chứ việc
biết tên gọi như nói trên kia nó thuộc thói tục hay luật pháp tùy không
gian thời gian mà thay đổi, chứ có thuộc cùng đích tối hậu đời sống con
người đâu mà bắt triết phải biết.
Tất nhiên
người học triết cũng là người sống trong xã hội cần một số kiến thức
thông thường như ai khác… Nhưng chỉ cần như người thường thường là đủ,
có thiếu sót cũng không phạm vào cương vị triết. Không biết thêm chẳng
thiệt hại cho triết. Ngược lại có khi còn làm hại triết ở chỗ lôi người
học triết ra khỏi cương vị tư tưởng để giấu họ vào vùng thường thức sáo
ngữ (domaine des lieux communs) như thế là mở dịp sa đọa cho triết học
vậy. Triết học phải đi từ đa tạp (information) tới thống nhất
(formation) hay quý hơn nữa là transformation: biến hóa.
Cuối cùng nhân sinh không có nghĩa là phổ thông.
Cuối cùng nhân sinh không có nghĩa là phổ thông.
Nhiều người trách triết lý nói những chuyện sâu xa quá tầm hiểu biết của đa
số quần chúng. Trách như thế là muốn cho triết phải bám riết ở đợt phổ
thông. Nếu sự muốn như thế là chính đáng thì triết học hết còn có thể
tiến bước. Vì mỗi bước tiến đều phải do một số người rất nhỏ lưu tâm đến
những điều vượt xa tầm hiểu biết của đại chúng, nên thoạt coi như xa lìa đời sống, không ơn ích gì. Đó là một ý nghĩ có sự lầm, cần phải phân biệt.
Nhiều
khi một phát minh rất đơn giản đòi phải có biết bao suy luận, tìm tòi
phức tạp qua cả từng trăm ngàn phân tách uổng phí, rốt cuộc may ra gặp
một sáng chế mà nhiều khi cũng không đạt. Những phân tách thử thách kia
ít khi ở tầm tay với của đại chúng, như thuyết tương đối của Einstein
lúc đầu đã mấy người dẫu là đại trí thức hiểu nổi. Hoặc như máy móc nào
bất kỳ, rađio chẳng hạn, "dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi" nghĩa
là thường nhân chỉ cẩn biết dùng (do chi) chứ có bắt mọi người phải hiểu
máy móc bên trong ra sao đâu (tri chi).
Huống hồ
câu đó còn thật biết mấy về Đạo là vấn đề linh thiên vi tế, nếu không
phải là "trung nhơn dĩ thượng" thì hiểu sao được những phần u áo ngay
thánh nhơn còn hữu sở bất tri kia kìa. Vậy không phải nói nhân sinh là
bó buộc phải ở lại đợt phổ thông mà không được khám phá tìm tòi. Trái
lại bám riết đợt phổ thông rất chóng trở thành nhàm. Tout ce qui est de
la vulgarisation devient vite vulgaire.
Tuy thế
cũng phải ghi chú rằng vì muốn khám phá, hay yên trí triết bao giờ cũng
phải cao siêu nên rất dễ mất chân đứng trên thực tại. Và đó là cái bệnh
triết học lý niệm vì đã khởi đầu tự chỗ xa xôi như nói trên kia. Ai sẽ
phân biệt thứ cao siêu nào là thực tế, thứ nào là viễn vông? Thưa chỉ có
triết gia, nghĩa là những người có tâm trạng ám hợp mới nhận ra, còn
triết công hay những nhà thông thái vị tất đã phân biệt nổi. Vì học thức
là điều cần nhưng không đủ để hiểu triết.
Tuy nhiên ta có thể lấy lối tiến của Nho
giáo làm tiêu chuẩn: "quân tử chi đạo tạo đoan hồ phu phụ, cập kỳ chi
giả sát hồ thiên địa" T.D. Đạo quân tử khởi đầu từ việc thông thường vợ
chồng trai gái, dẫn tới cùng cực quán thông trời đất. Thiếu thông thường
là mất chân đứng trong thực tế nhân sinh, thiếu cao sâu u dáo là thiếu
phần linh thiêng của con người vậy.
Theo mấy điều vừa trình bày ta có thể nhận xét chung như sau:
Theo mấy điều vừa trình bày ta có thể nhận xét chung như sau:
Một người
ngay chính lương thiện, về mặt thói tục luật lệ công dân không ai bắt
bẻ được gì, chưa hẳn là người có triết lý nhân sinh. Đó mới là người
lương thiên, một lương tâm tốt với một tính nết lành đủ cho được như
thế, đó chưa hẳn là nhân sinh, nhưng chắc chắn đó là người lương nhân
lương thiện theo sự xét đoán thông thường.
Vậy thế
nào mới là nhân sinh? Thưa nhân sinh phải hiểu ở bình diện triết lý
nghĩa là trên một bình diện khác hẳn với đời sống công dân, kinh tế,
chính trị thông thường. Đời sống triết lý nhân sinh phải là một đời sống
có thống nhất mọi hành vi cử chỉ phải quy hướng theo một tiết điệu, một
đích điểm. Đích điểm đó trong triết lý nhân sinh chính là Tính Bản
Nhiên con người.
- Với người tôn giao điểm đó có thể là giới truyền của thần minh.
- Với triết học lý niệm là lý với sự kết thành ý hệ.
- Với nhân sinh là "tương dĩ thuận tính mệnh chi lý" H.T. Thuận theo cái Đạo của Tính Mệnh. Làm thế nào để có thể sống theo Tính mệnh?
3. Tính mệnh
Chữ Mệnh đi với cặp đôi Tính Mệnh chỉ trỏ vào những sự hạn cục vốn gắn liền với sự xuất lộ của Tính
Thể. Tính thể là Đại thể Viên Dung tròn đầy sung mãn không thể thêm gì
vào được. Nhưng khi "dấn thấn" vào quá trình xuất lộ và tự ý đi vào thời
gian kế tiếp có trước có sau, thì cũng có đây có đó, nghĩa là Thiên bao
la như chịu khuôn mình vào những giới mốc hạn hẹp là Mệnh. Và do đó khi
con người muốn đạt Đại thể bao la là trung tâm thì lại phải khởi đầu từ
"Mệnh" bé nhỏ, bắt buộc phải khởi đầu từ đó để đi lên.
Nho triết đã hình dung Tính Mệnh bằng hai biểu tượng quy và củ. Quy là thập tự nhai mà bản chất của nó
là bốn đầu xa cách trung tâm bằng nhau. Trung tâm hiện diện đồng thời
với hết mọi điểm chu vi, y như nhau, nghĩa là trọn vẹn, đầy đủ, hết
mình, y như tính thể ở trong mọi vật thể. Tính thể đó chỉ có thể biết
bằng cái biết trí tri trực giác u linh, nên Quy là thâp tự nhai + ở
trong tay bà Nữ Oa biểu tượng cho tài trực thị cũng như cho âm tàng của bà nội tướng, nghĩa là cái Tính Viên Dung không xuất lộ, nhưng tàng ẩn đối với giác quan của con người. Còn Củ là thước vuông tức ¼ của Quy
= nằm trong tay Phục Hy chỉ dương biểu lộ. Cái luật biểu lộ là hạn cục y
như mọi hiện tượng: đã là cái này thì thôi là cái kia, đã là mộc thì
thôi là hỏa, đã là kim thì thôi là thủy, người dân quen gọi là "phần"
tức là một phần. Chu Hy gọi Mênh là cái dụng của lý "Mệnh lý chi mệnh" đã nói đến dụng là đã biểu lộ mà đã biểu lộ là đã phải có giới hạn. Vì vậy Củ chỉ có một góc của Quy. Cái huyền đức của Tính
là phải nhận cả Quy lẫn Củ, cả Tính lẫn Mệnh: cả cái nội vô biên lẫn
cái ngoại hữu hạn (tính chi đức dã, hợp ngoại nội chi đạo dã) chấp nhận
cả ngoài cả trong là điều quan trọng nên gọi là Đạo: vì thế nếu không
chấp nhận Củ thì thiếu mất đường về với Quy là trung điểm. Thế mà Mệnh
là chi nếu không là mọi hạn hẹp dính liền với thân tâm chúng ta, với
những hoàn cản, môi trường ta đang sống, với những lân nhân mà ta cần
phải có liên hệ trong xã hội. Tất cả bấy nhiêu đều làm nên cái mệnh, nên
đều hạn cục, nhưng cũng đều là phần tử cốt yếu của Tính
thể, đều là Chính Đạo. Ngòai ra không còn chi cả. Vì không có chi xảy
ra bên ngoài Tính Mệnh hết. "Mạc phi mạng dã. Thuận thụ kỳ chính, 莫非命也.
順受其正" không chi là không phải mạng, biết chấp nhận thí mình đi trong
chính đạo. Đi hết cái đường đó cho đến chết thì cũng là chính mạng rồi,
tức cũng là Chính Đạo đó. "Tận kỳ đạo nhi tử giả, chính mệnh dã,
盡其道而死者,正命也" (Tận Tâm, Mạnh Tử VII.2). Mà ai chinh được Mênh thì sẽ đắc
Đạo. Đắc Đạo là đắc kỷ khi hiểu kỷ theo nghĩa sơ nguyên là Đại ngã tâm
linh tròn đầy viên mãn. "Cố sĩ đắc kỷ yên, 故士得己焉(Tận Tâm, Mạnh Tử
VIIb.9). "Cho nên kẻ sĩ đắc kỷ". Đắc kỷ khi kẻ sĩ biết "thuận tính mệnh
chi li".
Thường
người ta ít nghĩ tới điều đó bởi lẽ bị ràng buộc trong nhị nguyên với
lối giải quyết chọn một bỏ một, thành ra không chấp nhận trọn vẹn cái
mệnh, coi mệnh như phát xuất từ một nguyên do khác, và vì thế không nhìn
ra rằng "tất cả là đạo", và không một vật thể nào dầu bé mọn tới đâu
cũng như không một biến cố nào dầu bi thảm tai họa tới mấy mà không do
Đạo, chứ không thể do nguyên ủy nào khác như lân nhân, tha nhân, ma quỷ,
tà đạo… Tại cái này hay cái kia gây tai họa cho tôi… y như trong thế
giới này có cái chi bên ngoài cái mệnh, tức là bên ngoài cái "muốn" cáii
mệnh lệnh của Đại thể, của Tính thể.
Cũng
vì chưa nhận thức ra chiều kích vũ trụ nơi mình nên chưa bao gồm được
tất cả nên mới đâm hoang mang ngời vực và tưởng còn có cái gì xuất hiện
bên ngoài mình mà không bắt nguồn từ tính thể của mình, của Kỷ,
như từ một nguồn suối phát sinh. Và nguồn suối đó không ở đâu xa nhưng
lại ở ngay chính nơi mình. Do đó tất cả mọi sự đều do mình, do Kỷ nơi
mình muốn, do Tâm mình. Đó gọi là tính mệnh còn khi không thấu vào được
vòng sinh tức không nhận thức được chiều kích vũ trụ nơi mình thì gọi là
định mệnh, tức coi mệnh như cái chi tự ngoài mình, nếu xem tự trong thì
mọi cái bé nhỏ, cái xấu xa đau khổ đều mang ý nghĩa y như cái chấm đen
trong bức họa, xem một mình nó thì không có ý nghĩa nhưng xem toàn thể
bức họa, ta thấy cái chấm đen rất cần cho sự hòa hợp, cho cái tuyệt mỹ của toàn
bức họa. Cũng thế nếu ta chỉ đứng ở Mệnh tức là xem mọi biến cố rời rạc
không liên hệ với cái Tính thể thì không thấy được ý nghĩa và do đó
không chịu chấp nhận mọi biến cố đau thương gian khổ và tưởng đâu như do
người này hay tại trời đất chi ở đâu nên đâm ra oán thán, lo sầu buồn
tủi. Như thế là chỉ xem có Mệnh mà bỏ Thiên thì không còn là Tính, và
không phải là sống theo Tính thể nữa, vì Thiên với Mệnh mới là Tính, mà
có theo được Tính trọn vẹn (suất tính) cả hai phần tàng ẩn (Thiên) và
biểu lộ (Mệnh) mới là Đạo mới là sống nhân sinh. Để giúp vào việc suất
tính, Nho triết có phép gọi là Cư kính.
4. Cư kính
Cư kính là một phép chuyên nhất, nhưng không chuyên nhất vào cái chi cả, để có thể quan sát tham dự vào mọi cái.
Chữ
Cư phản lại chữ suy nghĩ để ý vào một vật, vì suy nghĩ là để ý vào một
vật, một ý niệm đã trừu tượng nên khô cứng, và đó là lý do gây nên ứ
đọng thiên lệch, vì khi chú trọng quá mạnh vào một điểm, nhìn tròng trọc
vào có một đối tượng như kẻ si tình nghĩ đến tình nhân, kẻ hà tiện nghĩ
đến tiền của, kẻ tham chức tước nghĩ đến quyền bính,
thì nhiều khi những vật đó không có, mà nạn nhân cảm tưởng như thấy
hiện tiền, nếu điều đó xảy ra trong lúc thức thì ta gọi hắn là rồ dại
điên cuồng. Còn khi chưa đạt độ điên thì cũng làm cho tâm thức hắn bị
bóp thắt lại để không còn thấy sự vật như là chúng có, vì chỉ thấy như
vậy trong cái toàn thể, bởi trong thực sự sâu thẳm không có sự vật cô
đọng lẻ loi.
Cư
kính muốn tránh cho người học đạo cái nạn bị ti hí mắt lại vì những đối
tượng nhỏ bé, nên đưa ra phép cư là ở lại, còn kính là kính cái Đại thể
nơi mình, nên tự mình đặt vào tư thế kính tôn khỏi cần chờ đối tượng nào
khác. Đại học khen vua Văn vương biết luôn luôn kính tôn chú trọng vào
cái bao la "Mục mục Văn Vương, ô! Tập hi kính chỉ, 穆穆文王,於緝熙敬止!". Chữ Tập
là luôn luôn. Chữ Hi là cái gì tế vi nhỏ bé, nhưng đồng thời cũng là
cái chi bao la. Biết luôn luôn dừng lại nơi cái Hi đó là biết sống trọn
vẹn cái bây giờ. Cái đã qua và sẽ đến là thời không của cái
tiểu ngã, nó kền cơi trải dài ra, đo đếm được. Còn cái bây giờ là cái
phi không gian, bé nhỏ mắt không thấy, tai không nghe, nhưng nhờ mình
sống trọn vẹn thì nó sẽ trở thành đường dẫn tới cái tâm bao la rộng như
vũ trụ. Áp dụng vào luật thời gian không gian mà nói thì là cái sống bây
giờ cách sung mãn. Nói cụ thể là cần gạt bỏ những mối tình thuộc tiểu
thể cá nhân tức là những mối tình liên hệ đến dĩ vãng như sầu, hận, oán
trách, khổ… hoặc thuộc tương lai như ưu tư, láu đáu, âu lo về mai sau…
Tất cả những mối tình đó chỉ gây thêm rắc rối làm yếu cái Kỷ Đại thể.
Vậy cần để lòng vào hiện tại với các mối tình của nó
như hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục. Khi sống những mối tình đó cho thâm
sâu thì đấy là vun tưới làm cho cường tráng thêm cái Đại ngã tâm linh.
Dần dần như nó xuất hiện trên chân trời ý thức để quan sát bao mối tình
đang tùy mọi biến cố mà lần lượt thay phiên nhau xuất hiện: hết hỉ đến
lạc, hết ai đến ái, ố, dục… Tất cả đều nhịp theo cái tiết điệu căn cơ của Kỷ, nên làm cho Kỷ trở thành mạnh mẽ để cuối cùng nhận thức ra mình như chủ thể trường tồn trước dòng sống của mọi
tình tứ hỉ, nộ, ai, lạc… luôn luôn xiết chảy ngày đêm không ngừng (bất
xả trú dạ). Đó là phương pháp Cư Kính hay Tập Hi Kính Chỉ nó cũng có
chuyên nhất nhưng không hướng đến một đối tượng một ý niệm bên ngoài đã
bị khách quan hóa, cô đọng hóa cũng như không chuyên nhất trên cái vô
niệm, vô tình, cái không không. Vì một khi quá chú trọng đến thì cái vô
tình, vô niệm, hư không kia lại biến thành một ảnh hình, một đối tượng,
nên là cái hữu trá hình dưới cái vô, vì thế tâm tư tránh chấp Vô.
Phép
Cư Kính cũng khác với lối để trí tưởng chạy tào lao loạn xạ, nhưng cư
là chuyên nhất vào kỷ như bức gương trong sáng sẵn sàng phản chiếu mọi
vật, mọi biến cố đi qua mà lý trí không can thiệp vào nghĩa là không
phân tích, lên khuôn, tổ chức thành ý hệ, nhưng để cho sự vật hoàn toàn
tự do xuất hiện và khi nào tâm thức của người học, của hành
giả đã được chuẩn bị, đã có đủ điều kiện thuận lợi thì đột nhiên sẽ đắc
Đạo, nghĩa là sẽ có một cái nhìn thấu triệt để thấy sự vật xuất hiện
nguyên hình trọn vẹn mà Nho giáo kêu là "cách vật" nghĩa là "tới đến cái
lý tối hậu của Vật". Và sẽ nhận ra cái lý đó với cái Kỷ cũng là một, nên nói "trí tri" (tức cái biết của Kỷ
Đại Thể) "tại cách vật". Hoặc cách vật tại trí tri. Nghĩa là cuối cùng
chỉ cần có cái Kỷ Tri mà không còn đối tượng sở tri. Biết mà không có
đối tượng biết, tức là chủ tri thể nghiệm mà không còn qua trung gian của hình
hay tượng nào. Đó sẽ là động tác không đi ra đối vật và gọi là an hành,
an vi. Khi áp dụng cho suy tư thì đợt đó gọi là tâm tư: một lối suy tư
không đối tượng khác các lối suy tư hay tâm lý thường ở chỗ đó. Các khoa
tâm lý đều có đối tượng. Đối tượng của khoa
tâm lý là những ý niệm về tình cảm, trí nhớ, chú ý… được coi như những
đối tượng cố định có thể phân tách, kết nạp thành hệ thống…
Lân tâm (parapsychologie) cũng có những đối tượng riêng như các phép thần giao cách cảm, thấu thị, viễn thị, viễn thính, các hiện tượng ném đá, gõ cửa, rung chuông, gọi nôm là ma. Khoa này trước kia gọi là siêu tâm: métapsychologie và nghiên cứu không được nghiêm chỉnh bằng khoa lân tâm hiện nay… Còn một ngàn gọi bằng danh từ không biết chọn là đạc tâm (psychométrie) tức phép rờ vào một vật dụng của người nào mà nói lên được tất cả những gì liên hệ tới người đó…
Lân tâm (parapsychologie) cũng có những đối tượng riêng như các phép thần giao cách cảm, thấu thị, viễn thị, viễn thính, các hiện tượng ném đá, gõ cửa, rung chuông, gọi nôm là ma. Khoa này trước kia gọi là siêu tâm: métapsychologie và nghiên cứu không được nghiêm chỉnh bằng khoa lân tâm hiện nay… Còn một ngàn gọi bằng danh từ không biết chọn là đạc tâm (psychométrie) tức phép rờ vào một vật dụng của người nào mà nói lên được tất cả những gì liên hệ tới người đó…
Tâm phân
có đối tượng là tiềm thức được coi như những mảnh ý thức bị dồn ép xuống
nên phát phì ra qua mơ mộng, qua những kiểu nói lỡ miệng, lỡ tay, mà
bệnh thần kinh tâm phân do Freud khám phá.
Uyên tâm cũng lấy tiềm thức làm đối tượng nhưng không coi đó là sản phẩm của ý thức, nhưng là nền móng con người có tính cách vô biên và phổ biến và thường biểu lộ qua những thần thoại của nhân
loại, mà Jung, người đã sáng lập ra khoa Uyên tâm gọi là Sơ tượng
(Archetypes) đã được kết tinh thành những chuyện thần thoại…
Nói chung
ra thì khoa Uyên tâm gần với tâm tư nhất ở chỗ hướng tới phổ biến,
nhưng vì nó chuyên khảo cứu những sơ tượng đã xuất phát, nên còn có đối
tượng, tức là những giấc mơ, những thần thoại… Chí như Tâm tư thì không
còn đối tượng, hay đối tượng nó là Kỷ, là Tâm, là Đại thể, không phải là
đối tượng theo nghĩa đối tượng là cái gì đã trừu tượng ra từ sự vật để
có thể so đo, đối chiếu, phân tách nên là cái chi bên ngoài có thể nắm
bắt. Còn Tâm không là cái chi đã trừu tượng nên không thể cầm bắt, chiếm
đoạt được. Bởi vì hễ đã có được đều là cái hữu hạn còn ở bên ngoài. Còn
Tâm tư không có gì bên ngoài mình cả, nhưng ở trong chính mình, hay
đúng hơn đó là dòng sống tâm linh mà con người "lặn ngụp trong ấy" và
nơi mà con người có thể "hội thông" với nó lại ở ngay tại thẳm cung
mình, nên người xưa dùng chữ Kỷ mà nói Tâm, như trong câu châm ngôn
"triết nhân tri kỷ" và nếu không biết kỷ mà cứ chạy theo các đối tượng
bên ngoài thì không phải triết nhân. Chính trong ý đó mà ta phải hiểu
câu "cổ nhân học vị kỷ", người xưa học vì Kỷ. Tất nhiên không phải ích
kỷ tiểu ngã, mà là Kỷ Đại Thể Tâm Linh, nên mỗi khi làm mà chưa đạt thì
trở về với kỷ để xem lại cái tiết điệu uyên nguyên phổ biến không vật
nào thoát khỏi. Nhờ đó mà Tâm tư chính vì không có đối tượng riêng nên
bao hàm được mọi khoa khác. Cũng chính vì không có đối tượng riêng nên
phương pháp có thể gọi được là không phương pháp.
5. Phương pháp không phương pháp
Trước hết
nó ở tại việc không đưa lý trí vào để phân tích một hai khía cạnh ra để
làm đối tượng suy tư riêng rẽ bằng cách trừu tượng nhưng là sống trọn
vẹn cái Sống. Không những với các đua thương khổ lụy (như đã nói trên về
chữ mệnh) nhưng cũng là chấp nhận mọi sinh thú ở đời. Vì cho rằng đấy
cũng là con đường trung thực nhất dẫn đến chỗ Đắc Kỷ.
Người
hành khổ diệt sinh nếu có màu đạo hay triết học cũng là giả tạo, vì về
mặt toàn diện họ đã gây loạn động vào thân tâm và thường là khó khăn lắm
mới khôi phục lại được thế quân bình thiết yếu cho sự tiến bộ. Các nền
triết trung thực không phải là con đẻ của những giới diệt sinh. Phật tổ chỉ đắc đạo khi từ bỏ lối sống hành khổ là một bằng chứng.
Nhưng Nho
triết cũng chống lối sống "buông thả" không phải vì lý do tội phúc hoặc
vì lý do thuần phong mỹ tục, vì những điều đó là tùy phụ có thể có mà
cũng có thể không… Nhưng vì lý do rất cụ thể là lối sống ố sinh diệt
sinh có thể gây thiên lệch làm mất thế quân bình có lợi cho toàn thể,
còn lối sống buông thả thường chỉ lợi cho những nhu yếu sinh lý mà thôi,
bởi chỉ do hứng khởi nhất thời là cái thường hay sủng ái có một khuynh
hướng mà gạt bỏ các khuynh hướng khác.
Câu nói "tứ chi nhi dĩ, vật ủng vật át, 恣之而以勿壅勿遏". Buông thả tự do, không thúc đẩy, không cản trở một khuynh hướng nào của Quản
Di Ngô trả lời An Bình Trọng hỏi về thuật dưỡng sinh (Liệt tử VII.E)
nếu chú ý được cả nhu yếu xã hội nữa thì câu trên có thể dùng để nói lên
luật toàn sinh hay hóa sinh, nhưng thi hành trong phạm vi lãng mạn của nhóm
dưỡng sinh thì yếu tố hợp quần thường bị coi nhẹ. Vì thế mà chúng ta
phải tìm một nguyên lý khác để điều lý cái sống toàn sinh và đó là
nguyên lý Trung Dung.
Trung
Dung hiểu được theo Thể và Dụng. Nếu hiểu theo Thể thì là Thường Hằng,
là Thiên Quân. Nhưng ở khởi đầu ta không thể hiểu như vậy, vì đấy là
đoạn đạt đích. Nên phải hiểu theo Dụng = là đừng thái quá, đừng bất cập,
nghĩa là nhu yếu nào cũng được thỏa mãn đến một mức độ vừa đủ không để
nó cưỡng đoạt phần của nhu
yếu lân cận, nói cụ thể là đừng thái quá trong bất cứ việc gì để không
lỗi đến nguyên lý liên đới căn cơ. Nguyên lý này nhằm tiến mau chứ không
phải có ý diên trì trong sự tầm thường như bị ngộ nhận: trong khi chờ
tâm sáng tỏ lên để soi đường thì nó xài đỡ lương tri (bon sens) là hướng
đạo không đi xa được, nhưng ít bị sai lầm ở đợt thường nghiệm. Thực tế
nó là lối sống bình hành an nhiên tự tại, chấp nhận mọi sinh thú ở đời:
có thi, ca, nhạc, kịch, có cầm kỳ, vũ, họa có trống quân, trống quít,
trồng quần. Thoạt coi tưởng bấy nhiêu thứ không ăn nhằm chi tới đạo thế
mà cứ sự sống đó lại đi được xa nhất trên đường đạo!
Đấy là lý
do cắt nghĩa tại sao trong lối sống Viễn Đông có nhiều sinh thú được
chấp nhận hơn hẳn bên Tây Âu cổ đại (nên đọc bài "Les joies de
l'existence" trong quyển La Naissance de la Chine [Payot tr.
303] trong đó giáo sư Creel so sánh với đời sống Tây phương lúc trước).
Lúc ấy Tây phương chỉ có thú đứng cửa sổ xem tuyết rơi… đây có bầu rượu,
túi thơ, ca vũ, có cái thú xem tranh, phong cảnh (qui faisait défaut à
l'Européen). Tôi gạch chữ chấp nhận nghĩa là có được điều lý trong triết
học, đạo học, chứ còn "hàng lậu" thì đâu không có, nhất là thứ "trống
quần", nhưng hàng lậu thì phải dùng lén, hay ít ra nhiều khi thẹn lương
tâm, thiếu hẳn tính chất thành thực khi được đạo truy nhận một nhu yếu
tự nhiên nên cũng là thánh thiện. Theo đó việc ăn uống nhiều khi bị bọn
hương nguyện cho là "nhục". Nhưng khi được Đạo truy nhận thì đầu bếp hay
có thể được nhắc tới ngang hàng với các quan tứ trụ (tr.380) vì ăn là
một nhu yếu cần phải được đáp ứng. Tôn giáo cũng là một nhu yếu. Ong
Creel khói cái chỗ sĩ phu Viễn Đông đích thân điều khiển những buổi lễ
như gia tiên đầy thành khẩn trong năm có một ít lần.
Đó là lối
sống có sinh thú, thoạt đọc ta coi như lãnh đạm với Đạo nhưng xem dài
rộng mới thấy nó vững và hiện nay đời sống văn minh đang ngả dần về
hướng này cách vô ý thức (vì chưa có triết nên chưa nhận thức được).
Trí
thức trên thế giới hiện bừng tỉnh nhận ra rằng hạnh phúc không chỉ có ở
chỗ lý trí ý thức được mình, nhưng nó còn là hậu quả một nội tâm tinh
thần khi nó biết nhận ra được những mối liên hệ với khu vực bao quanh… của sự hòa nhịp với những thế lực của nội
tâm và vũ trụ đến độ làm nảy sinh một cảm giác hạnh phúc rất chính
đáng, và đem vào quá trình tiến hóa con người những cái đẩy êm và mạnh.
Đấy là cái bí quyết của Nho
triết mà trước đây nhiều người phán đoán với quan điểm đạo mạo diệt
sinh cho là một lối sống duy vật. Người có cảm tình với Nho triết bênh
che bằng giả thuyết đó mới là phần công truyền, còn lại phần tâm truyền
nữa… Thật ra Nho triết không có bí truyền (ésotérique) mà chỉ có trình
độ thâu nhận khác nhau, chứ không giâu ai điều chi: đặc trưng của Nho
triết là thế: "Nhị tam tử dĩ ngã vi ẩn hồ! Ngô vô ẩn hồ nhĩ. Ngô vô
hành nhi bất dữ nhị tam tử giả. Thị khâu dã,
二三子以我為隱乎?吾無隱乎爾.吾無行而不與二三子者,是丘也." [L. VII. 23]. "Các trò tưởng ta có điều
chi giấu giếm các trò sao. Không, ta chẳng có giấu giếm điều chi hết. Ta
chẳng có làm chi mà không cho các trò hay với. Khâu này vậy đó". Cái
đặc điểm Nho triết là thanh thiên bạch nhật, bình hành như thế thôi.
(Một nét của phương pháp khoa học, ngược với sự che đây của ma thuật).
Phương pháp đó cũng giống như phương pháp của các
nhà huyền niệm ưu tú mà Otto gọi là vô phương pháp (leur méthode est
sans méthode), tức là đã vượt qua được hết mọi phương pháp do trí óc bày
bịa, và nay nhận ra là không cần thiết, chỉ còn có tuân theo cái tiết
nhịp vô biên của vũ trụ, vì đó chính là nhịp thở của Đại ngã tâm linh to bằng vũ trụ vậy, nên chi còn cần có sống cho trúng tiết.
6. Trúng Tiết
Thế
nào là trúng tiết? Người "đạt ư trung" sẽ hiểu biết Tiết là gì và sẽ ý
thức được thực tại nằm trong những câu Kinh Dịch nói về Tiết: "Nhất hạp
nhất tịch", "nhất động nhất tĩnh"… Đó là nhịp nhàng vận hành của vũ
trụ và là tiết điệu muôn vật. Tất cả phải theo: "thiên nhân tương dữ"
trời đất cùng theo một luật tức là cùng nhịp theo một luật tức là cùng
nhịp theo một tiết điệu uyên nguyên phổ biến đó. Đưa lên nhịp điệu tư
riêng của mình vào là pha trộn chất nhơn vi vào Đạo giáo: lợi ít hại nhiều.
Nhưng
vì ta chưa "đắc đạo", chưa đạt nổi đợt thể nghiệm nên những ý niệm đó
không thể đủ sáng và nóng để dìu ta theo tiết điệu vũ trụ và ta cứ hay
theo thể điệu riêng tư thúc đẩy do tư ý, tư dục, nên thường là lạc nhịp,
đọng lại một nơi, hay là quá hối thúc. Vì đó đứng ở Dụng mà nói chúng
ta nên chú trọng đến thời tiết theo nghĩa thông thường là thời gian: mọi
sự vật đều phải có thời gian của nó (omnia tempus habent).
Yếu tố
này thường bị quên lãng trong triết học lý niệm vì xây trên những lý
niệm trừu tượng, thành thử khỏi cần chú tâm đến tiết điệu. Đi mau hay
chậm không có nghĩa gì với những cái chết khô. Xếp sao cũng được, ý
ni65m không phản đối. Ngược hẳn lại với triết lý nhân sinh vì không tiến
tự ý niệm này đến ý niệm kia như kiểu suy luận, nhưng từ tâm trạng này
đến tâm trạng khác (sinh sinh chi vị dịch) nghĩa là mỗi lần tiến bước
cần biến đổi tâm trạng, mà biến đổi được một tâm trạng, cần phải có thời
gian. Y như phải có thời gian mới tiêu hóa được thức ăn vậy, trái cây
phải có thời gian mới chín mọng vậy.
Thâu hợp,
xếp đống thì làm mau được, nhưng thâu hóa cho vật biến thành chất nuôi
sống, cho trở thành đồng thể với mình là chuyện đòi thời gian, do đó ta
hiểu tại sao Mạnh Tử lại chú trọng đến thời gian. Ong nói: "vật trợ
tưởng", đừng giúp cho mọc mau khi ông đưa ra câu truyện Tống nhơn nâng
cây lúa để giúp cho mọc mau (trợ miêu trưởng hĩ) rồi hí hửng về khoe
thành tích với con. Nhưng lúc con trở ra xem ruộng thì lúa đã héo cả
rồi: "miêu tắc cáo hĩ". Đã có người bảo Mạnh Tử đặt truyện để bỉ báng
người nước Tống, chứ có ai ngu như vậy đâu. Tôi cũng nghĩ không có ai
ngu như thế trong địa hạt nông trại, vì nó thô dại ai cũng nhận ra,
nhưng trong cương vị đạo đức thì sự việc vi tế hơn nhiều, nên không
thiếu chi người làm như nhà nông nước Tống nọ do lòng tham lam, muốn đi
mau hơn người, nên trong phạm vi đạo, người ngu lại chiếm đa số "thiên
hạ chi bất trở miêu trưởng giả, quả hĩ" [Mạnh II.2], trong thiên hạ số
người không giúp lúa mọc là ít có vậy. Nói khác số người sống theo tiết
nhịp thiên nhiên rất họa hiếm. Đa số sống theo cái tiết nhịp riêng đầy
nhóc tham lam.
Do đó câu
nói "vật trở trưởng" rất quan trọng không những cho bản thân trên đường
tu đức, nó giúp cho ta giữ thái độ "quân tử thảm đãng đãng", mà còn cần
thiết luôn trong đường giao thiệp người với người ta không thể mong
người tiến mau lẹ theo nhịp điệu ta muốn được. Trẻ mới học a, b đã nhét
đại số cho nó là ngu. Cả trong việc xã hội cũng vậy bắt dân nước chạy
theo một nhịp điệu cóp nhặt ở ngoại lai là ngốc. Biện chứng có nhảy thì
cũng chỉ nhảy khi chín mùi, những bước "nhảy vọt" cưỡng ép trở thành
bước lùi vậy. Trong việc tu học cũng như việc cải tạo xã hội theo tiết
độ đúng cho mỗi nơi vẫn là đi mau hơn. Khổng Tử nói "cố quân tử cư dị dĩ
sĩ mạng, tiểu nhơn hành hiểm dĩ kiểu hạnh, 故君子居易以俟命,小人行險以徼幸" T.D, người
quân tử an nhiên, sống bình hành để chờ ngày thụ mạng, chờ lúc được văn
đạo; ngược lại tiểu nhơn làm những việc nguy hiểm để cầu may. Những
điều nguy hiểm là cố theo những tiết nhịp do ý chí tư riêng đặt ra, bắt
toàn thể phải tuân theo phần mớ là ý riêng mình.
Những
điều nguy hiểm đó là pháp môn, vu nghiễn, thuật số… là những việc quái
đản dị thường, vượt mức thông lệ. Tất cả đều biểu lộ một sự hiểu lầm coi
Đạo thể như cái chi có thể đuổi bắt được, như bắt một đối vật, ít hay
nhiều lại trở thành nạn nhân của những vọng phát tâm thức mà thôi.
Bí quyết của Nho triết có thể lấy câu "qui và piano va lontano" làm then chốt. "Muốn đi xa phải đi êm ái" muốn êm ái phải điều hợp đời sống của thâm
tâm không để cho nhu yếu nào eo sèo vì bị cưỡng đoạt do nhu yếu khác
được đặc ân. Vậy phải liệu cho mọi nhu yếu được vun tưới đồng đều sao
cho "vạn vật tịnh dục nhi bất tương hại, 萬物並育而不相害" [T.D 30]. Hiểu theo
nghĩa nội thì nhu yếu nào cũng được sinh nở mà không làm hại nhau: lý,
tình, chí, thân, tâm, chiều hướng nào cũng tham dự theo một sự quân phân
sinh lực bình hành. Tổ chức "nội bộ" đựơc như thế tức là đi đúng phương
pháp nhân sinh.
Nhờ
không một xu hướng nào eo sèo xuống đường xách động, mà có thể nghĩ lâu
dài đến đích điểm, thực hiện câu "quân tử chi động, trinh phù nhất,
君子之動貞夫一", người quân tử có biến động, có trải qua bao trạng huống thăng
trầm, cũng vẫn luôn luôn thành tín với dòng suối của mình là sức sinh sinh vũ trụ. Đấy là đạo làm người: nó không xa người và nếu người đi theo tiết nhịp tự nhiên của nó,
thì đến một lúc nào đó sẽ được nghe Đạo. Khổng nói: sáng được nghe Đạo
chiều chết cũng cam, hay là chiều chết cũng được lắm "triêu văn đạo tịch
tử khả hĩ, 朝聞道夕死可矣". Nghe câu đó ta muốn hỏi lại để đến chiều? Tại sao
không chết ngay?
Có thể
trả lời rằng "thánh nhân thể đạo": thánh nhơn với Đạo cùng một thể,
nghĩa là toàn thân phải mặc Đạo, để giữa Đạo và người không còn kẽ hở,
vậy mà sáng mới nghe Đạo qua tai, còn phải chờ đền chiều Đạo mới ngấm
vào tâm, can, tì, phế và giải tỏa ra thủ túc tứ thể, hầu lúc chết không
còn chỗ nào không thánh. Như vây là tuân theo tiết điệu: "omnia a tempus
habent".
"Tam
thập nhi lập, 三十而立," là lúc quyết tâm lên đường. Đó là lúc có thể nói
đã tìm ra đường. Tuy nhiên tìm ra đường là một chuyện, mà đi hướng nào
là chuyện khác: vì có thể tìm ra đường mà đi ngược khuynh hướng của mình. Đó là điều chưa thể chắc tâm, mãi cho đến 40 tuổi mới hết nghi hoặc.
"Tứ
thập nhi bất hoặc, 四十而不惑", bốn mươi tuổi là tuổi đáng sợ vì là tuổi mà
chúng ta trở thành chính chúng ta, nghĩa là ta không còn sống theo tha
lực điều động. Quarante ans est un âge terrible, car c'est l'âge òu nous
devenons ce que nous sommes". [Charles Péguy]. Vì thế tôi nói tuổi 40
là tuổi triết lý.
Khi đã hết ngờ vực tất sẽ vững tâm tiến vào khuynh hướng của mình
để hiện thực sứ mạng riêng. Cho tới năm mười tuổi thì "biết mạng trời:
ngũ thập nhi tri thiên mệnh, 五十而知天命", hơn tuổi 40 ở chỗ Thiên là yếu tố
phổ biến đi kèm mạng, nên thường phải một giai đoạn học tập khá lâu mới
nhận ra. Đó có thể gọi là lúc nhận phần thưởng, khác với tôn giáo để
dành phần thưởng đến lúc chết; còn triết lý thường tổ chức phát thưởng
sau thời chiến đấu cam go xảy ra quanh tuổi "tứ thập". Rồi đến "ngũ
thập" thì lãnh thưởng đặng có đủ giờ mở ra xem xét nội dung để thưởng
thức, và sẽ thú vị vô cùng vì nhận ra "thiên mệnh ở ngay trong lòng
mình". Nói vô cùng vì Thiên mệnh chính là Đại Thể Viên Dung sung mãn mà
mình lại có chỗ "hội thông" với thì còn vui nào bì kịp "lạc mạc đại
yên"!
"Lục
thập nhi nhĩ thuận, 六十而耳順", đến sáu mươi tuổi thì mới có "tri thiên
mệnh". Đây có thể là đợt "kiến tính", đến sáu mươi tuổi mới là "triêu
văn Đạo" và lúc đó có thể bỏ hết cái "tri thức thế gian lưu tục" (tịch
tử khả hĩ). Như thế là quá trình thấm nhập của Đạo
tiến hoài từ mắt (kiến tính) rồi ngấm ra tai (nhĩ thuận) để nhập tâm ở
tuổi bảy mươi. "Thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ 七十而從心所欲, 不踰矩"
[L.N II.4], có tòng tâm (qui) một cách tiên thiên thì cũng không sai
chạy kể cả những điều bé nhỏ hậu thiên là củ. Và như thế là "vâng ý cha
dưới đất (củ) bằng trên trời (qui hay tâm)". Hiện thực xong cuộc tiến của Đạo
làm người. Xong không phải để nghỉ, nhưng xong có nghĩa là cùng với
trời đất xoay vần mà không sai chạy: "thánh nhân dữ thiên địa hợp kỳ
đức" và như vậy là đạt đích, là "thuận tính mệnh chi lý" tức cứu cánh của con người cũng là cùng đích của cái
Đạo Nhân sinh đã khởi công vào tuổi 15, sớm hơn một năm cái tuổi nhị
bát: "Ngô thập hựu ngũ nhi chí vu học, 吾十有五而志于學" [LN. II. 4]. Từ 15 đến
70 vị chi 55 tuổi. Trời! Sao mà học lâu thế! Và học xong mỗi tháng mấy
ngàn? Thưa không có ngàn nào cả, chỉ biết được có đạo làm người thôi ạ.
Và đó cũng là những số tiêu biểu chỉ tâm trạng an hành không mong cầu
lợi lộc chi hết, nên là hai số trùng ngũ (tết mùng 5 tháng 5) với ý
nghĩa của ngũ
hành là an vi: không chờ mong chi ngoài mình, nên cũng không nong nả
nóng tiết để phải "trợ trưởng" hối thúc. Chỗ này có thể xem kinh lễ
chương đầu số 27 nhận ra ngày xưa cho con người cứ mười năm thì đổi tâm
trạng theo tuổi, nên cứ 10 năm lại có một quy chế riêng: nhơn sinh thập
niên viết ấu học. Nhị thập viết nhược quan. Tam thập viết tráng hữu
thất. Tứ thập viết cường nhi sĩ. Ngũ thập viết ngãi phục quan chính…)
Và
dù cho có hiểu theo nghĩa đen là 55 năm học tập mới biết được cái Đạo
làm người thì cũng còn hơn biết bao cái học được đủ thứ mà cuối cùng
không thoát ra ngoài được cái biết một chiều của thế
gian lưu tục. Cũng có thể là lâu khi so với các vị Sinh nhi tri chi.
Nhưng sinh nhi tri chi hình như chỉ có trong các ngành tiểu tri như các
thần tài trong toán học, âm nhạc, văn chương, tuy là tài nhưng đó mới là
tiểu tài, còn đại tài tức Đạo làm người thì hình như chưa có ai sinh
nhi tri chi. Về Lão tử có truyền thuyết là ông sinh ra đã 80 tuổi với bộ
râu trắng xóa. Hiển nhiên đó là ẩn dụ rằng ông đã đắc đạo (sinh ra) vào
lúc 80 tuổi dưới cây Lý hay có họ Lý gì đó cũng chỉ là Đạo. Vì chữ Lý
cũng có một nghĩa là Đạo. Đạo vô hình y như lý là vân ngọc thạch không
có hình tích rõ rệt, mà chỉ mập mờ thấp thoáng.
Còn
Phật tổ có sinh nhi tri chi như trong câu chuyện khi mới sinh đã bước 7
bước chăng? Chúng ta biết rằng Phật chỉ đắc Đạo sau nhiều năm học tập
khổ hạnh và từ lúc đắc Đạo dưới gốc bồ đề (lối 30 tuổi) cho tới giai
đoạn Linh sơn niêm hoa là cả một lộ trình tiến bước có nhịp điệu. Vậy
câu chuyện 7 bước trên chỉ là ẩn dụ xưng tụng tài xuất chúng của Phật tổ như vị Sinh nhi tri chi, mà không cần có thực.
Biết
như thế để chúng ta khỏi nóng lòng quên câu "vật trở trưởng" để rồi
muốn đốt giai đoạn, là không xuôi. Hơn đâu hết trong việc học tập đạo
làm người, câu "dục tốc bất đạt" rất nên lưu ý, vì đó là luật không thời
gian là tiết nhịp của thiên cầu vũ trụ.
Bởi
thế cần nhẫn nại, lúc đầu hãy theo cái biết ban chiều (connaissance
vespérale) mà thánh hiền không cho là Biết, nhưng chỉ coi là cái biết
lưu tục, xài đỡ cho tới lúc đạt cái biết ban mai (connaissance
matinale). Với cái biết này người biết được trực tiếp, hay nói theo
tiếng tôn giáo là thấy qua Thượng Đế, chứ không qua ý niệm, nên gọi là
"triêu văn Đạo" ngược với lối biết ban chiều nhìn sự vật theo ánh sáng
"tự nhiên" theo nghĩa bì phu, tương đối của tai
mắt. "Il existe deux connaissance: l'une dans la lumière de crépuscule,
l'autre dans la lumière du matin. Dans la connaissance du matin on voit
tout dans Dieu. Dans la connaissance de crépuseule on voit tout dans
leur lumière naturelle". [M.Eckhart. Otto. 70]
Nếu
hiểu Dieu theo nghĩa Thượng Đế nội tâm (thiên viên) và lumière
naturelle theo nghĩa cái biết thông thường lưu tục (tứ địa) thì bản văn
vừa trưng áp dụng vào câu "triêu văn Đạo tịch tử khả hĩ" rất đúng. Tức
là ở khởi đầu chúng ta dùng cái biết ban chiều hay là cái biết bé nhỏ
làm bằng tại sao… để làm gì… Đó là cái biết "địa phương" cho tới lúc đạt
độ tiêu hóa đủ để "nhập ư thất" nghĩa là có được sự "khải minh triêu
triệt" để hiểu được nhân tính, thì ta có được cái nhìn trực giác cũng
gọi là cái biết ban mai, nó cao xa hơn vạn lần cái biết ban chiều của thường
nghiệm. Lúc ấy có thể thôi xài cái biết thường nghiệm và chỉ cần cái
biết ban mai triêu triệt. Tuy nhiên đây cũng chỉ là một sự đối chiếu
nhằm dọi ít tia sáng vào bản văn trên. Trong thực tế theo quan niệm
triết lý nhân sinh là về không gian đừng tìm đạo ở xa nhưng ngay trong
đời sống hàng ngày về thời gian đừng nong nả tìm cầu vì đó là một sự
tham lam có nguy làm chậm bước tiến trung thực. Vậy cứ nhịp theo Tiết
điệu Thiên nhiên mà sống an nhiên thư thái là được.
(*): Bài viết này là toàn văn chương VIII trong cuốn Tâm tư hay là Khoa Siêu lý Viễn Đông của tác giả Kim Định, do Nxb. Khai Trí ấn hành năm 1970.http://dunglac.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét