Triết lý cái đình
- Kim Định
Cái
đình hiện nay chỉ còn là một ngôi nhà rách nát, chẳng đâu nghĩ đến sửa
lại, mà chỉ còn thấy xây hội đồng xã với các loại đền đài khác thay vào.
Chúng ta cũng không cần chống lại khuynh hướng đó, vì hoàn cảnh đã đổi
thay cần phải biến hóa. Tuy nhiên tiến hóa có nghĩa là tinh thần còn
nhưng chỉ tuỳ thời mà mặc những mô thức mới cho hợp thời hơn và vươn lên
cao hơn. Vì vậy mà cần tìm xem tinh thần cái đình ở chỗ nào.
Cái đình có thể coi là đỉnh chót vót của nền văn minh Viêm Việt.
Nền văn minh này đặt nền tảng trên gia đình, nhiều gia đình họp thành
khu, xóm, ấp và đợt cuối cùng là làng. Nhà của làng là đình, và đến đấy
là biên cương để gặp nền văn minh du mục Bắc phương được biểu thị từ
trên mà xuống tức từ triều đình xuống đến tỉnh, phủ và đơn vị cuối cùng
là huyện hay quận. Còn Tổng thì có thể coi như một tổ chức lưng chừng
giữa hai bờ cõi văn minh và thường chỉ đóng một vai trò mờ lạt. Người
đại diện thực cho dân là lý trưởng. Lý trưởng thu thuế và tuyển lính cho triều đình, cũng như hiện thực các chương trình của làng xã, nên lý trưởng mới thực là người nối hai văn minh du mục của Hán tộc và nông nghiệp của Việt Nho. Cũng như rất có thể chữ đình là nhà đại biểu cho Viêm Việt, còn triều là của Hoa tộc, hai văn minh hòa trộn thành ra triều đình.
Ta hãy trở lại văn minh Việt Nho
để tìm hiểu những nét đặc trưng của nó. Đó là một nền văn minh dân chủ
theo nghĩa trung thực nhất nghĩa là dân có cả tiếng lẫn miếng. Người xưa
quen nói “miếng ở làng sang ở nước” cho nên chữ miếng ở đây nói lên cái
gì có thực, ăn được, đó là thể chế bình sản. Cho nên làng trước hết là một đơn vị kinh tế trong đó kỳ mục bàn việc làm sao cho ai cũng là điền chủ, ít ra theo hiến pháp, còn thực thì có nhiều thời đại không đạt tới. Dầu sao có thể nói đặc tính thứ nhất của làng là bình sản.
Làng còn là đơn vị chính trị tổ chức theo lối dân chủ đặc biệt là trọng hiền mà biểu hiệu cụ thể là kinh nghiệm. Kinh nghiệm đi với tuổi tác, chữ Nho kêu là xỉ, nên gọi là trọng xỉ. Khác với trọng hoạn tức là trọng quan
tước do ảnh hưởng Hán tộc, nên cũng nhiều làng trọng hoạn thay vì trọng
xỉ, tuỳ theo hương ước mỗi làng. Trong thực tế thường là tham bám cả
hai xuýt xoát như sau.
Mỗi làng có một hội đồng kỳ mục gồm hai ban: một thuộc kỳ hào, hai là ban chức dịch. Ban kỳ hào gồm các bô lão (trọng xỉ) và một số thân hào cùng những người đã đỗ đạt, đã làm quan… (trọng hoạn). Ban kỳ hào này tương đương với quốc hội lập pháp đặt bên cạnh hành pháp, tức ban chức dịch mà người đứng đầu là lý trưởng. Nói là hành pháp vì quả thực làng là một thứ nước, và ta có thể nói nước Việt Nam xưa là một nước liên bang mà mỗi bang có sự độc lập của nó, được nói lên qua câu
“lệnh vua thua phép làng”. Vua thua vì làng là một tiểu bang, mà lệnh
vua chỉ đạt tới độ liên bang chứ không được đi vào nội bộ của tiểu bang,
đây là đặc tính thứ hai “dân chủ”.
Đặc
tính thứ ba thuộc văn hóa và đây mới là điểm có thể nói là hợp thời hơn
hết. Bởi vì cái đình là tiêu biểu cho nền văn hóa của Lạc Việt cách
cụ thể và sống động nhất, tức nền văn hóa xây trên thái hòa, là hòa đất
hòa trời, nói cụ thể thì hòa đời với đạo, hòa siêu nhiên với thiên
nhiên.
Muốn
thấy rõ điểm này chúng ta nên so sánh với một hai văn minh khác. Nếu
văn minh Ai Cập được biểu thị bằng kim tự tháp, văn minh Hy Lạp bằng đền
thờ Parthénon, văn minh Ấn Độ bằng chùa chiền (xứ chùa tháp) thì biểu
hiện kiến trúc của văn minh Việt Nho
là cái đình. Cái đình có đặc tính là thiết thực và toàn diện. Để hiểu
rõ hai điểm này ta chỉ việc so sánh mục tiêu của mỗi kiến ốc.
Kim tự tháp lo giữ xác chết.
Đền chùa lo cho kiếp sau hoặc phụng sự nhà vua như đền Đế Thiên Đế Thích.
Riêng Đình là chú ý ngay vào đời sống hiện tại ở đây và bây giờ.
Điểm thứ hai là toàn diện,
tức không phải cái bây giờ hạn cục, nhưng là cái bây giờ sâu thẳm nên
bắt liên lạc với dĩ vãng và tương lai, cũng như với những chiều sâu của
siêu hình mà có chỗ tôi có nói đặc trưng của Minh triết Lạc
thư là tìm ra và vun tưới ngay trong đời sống hiện tại, là tìm cái phi
thường ngay trong những cái thường thường: ăn, ngủ, làm việc, những mối
giao liên… tất cả mọi động tác đó làm nên đời sống gia đình. Vì thế triết lý Việt Nho tìm hết cách đôn đốc tình gia tộc, nâng lên hàng nền tảng. Nền móng xã hội Việt Nam là gia đình chứ không phải cá nhân như Tây phương. Do lẽ đó mà không để cho thể chế nào làm sứt mẻ đời sống gia đình.
Nhưng
nếu vậy thì các gia đình sẽ bị bó trong tổ kén các gia tộc mà không còn
chỗ hội thông với nhau, để người trong một làng tham dự vào đời sống
công thể? Thưa có, và đó là nhiệm vụ cái đình. Đình là nơi hội tụ nhiều gia đình. Nói khác, đời sống cái đình cũng một loại với đời sống gia đình, nếu ở gia đình có ăn uống thì ở đình cũng có đình đám
tức cũng là ăn uống, khác hẳn với việc làm khi người ta đến chùa cầu
kinh chứ không phải để ăn uống như có thể xảy ra ở đình. Như vậy đình là
nơi tụ họp của dân làng trong những ngày tư ngày tết ngày lễ lạy, ta
quen gọi chung là đình đám. Chữ đám gắn liền với chữ đình làm tỏa ra cho
các giác quan
khứu, thị, thính, cảm một vẻ tưng bừng thơm ngát với những nét hân hoan
tràn đầy sinh thú, những khuôn mặt say sưa. Nếu đối với văn minh chuyên
về kiếp sau hoặc những sự “cao siêu” thì “miếng ăn là miếng hèn”. Trái
lại với văn minh chăm lo cho con người toàn diện có tâm mà cũng có thân
thì miếng ăn lại là đầu: “dân dĩ thực vi tiên”, nói là tiên hay thiên cũng được, cả hai tiếng đều nói lên sự quan trọng của việc ăn. Tiếng ta quen nói ăn ở, ăn làm, ăn chơi, ăn hỏi, ăn cưới, ăn xin, ăn học… là nằm trong cái triết lý đầy
thành thực đó. Cho nên những đình đám, những bữa ăn công cộng đều được
coi là những cao độ của triều sống để mọi người hội thông nhau trong
niềm hân hoan toàn triệt. Toàn triệt theo nghĩa thể chế tức là có việc
cảm thông qua những
việc rất cụ thể: từ việc tế thần ở làng đến việc ăn chơi vui nhộn, để
nhu cầu con người toàn diện đều được đáp ứng thoả thê. Nói cho hợp tiếng
ngày nay là cả hồn (tức tâm tình) lẫn xác đều được tham dự. Nếu theo
thuyết nhị nguyên của Platon khinh dể trần thế coi “thế gian xác thịt”
là kẻ thù, thì với triết lý nhân
sinh thân xác lại là bạn thiết và vì thế coi sự đáp ứng nhu cầu của xác
thân, của tình cảm đều quý trọng ngang nhau. Bởi vậy những ngày “đình
đám” nghĩa là những ngày có đám ở đình, chỉ làm tôn vẻ linh thiêng của
cái đình lên độ tuyệt cao. Ta quen nói đình làng mà làng là nước ở tỉ
xích mọi người nên đình làng cũng là đình nước vậy.
Cho
nên có thể coi cái đình là chính gạch nối giữa nhà và nước. Nói là gạch
nối còn mang hơi sách vở, chính ra phải nói là mối liên hệ sống động
nối kết hai đầu là nhà và nước. Cần dùng chữ sống động vì cái đình không
làm tổn thương đến đời sống gia đình. Các lễ lạy đình đám không làm
giảm mức sống của gia tộc chút nào… Đây chính là nét đặc biệt của cái
đình, và do đó ngày nay nó mới bị tranh giành ảnh hưởng, để đi đến tình
trạng ngấp ngoái hiện nay. Người ta tố cáo cái đình đã gây nên óc xôi
thịt, thì điều ấy đúng nhưng chỉ đúng trong vòng thường tình, tức bất cứ
thể chế nào cũng bị lạm dụng, bị sa đọa. Thời nay chúng ta hết xôi thịt
thì lại có óc khác chưa biết kêu là gì nhưng thực chất là thụt két, hối
lộ, tham nhũng v.v… Cũng còn có những nhóm tố cáo cái đình là vì nếu
phá bỏ được đình đám thì đám đó sẽ đi về một nơi khác, và lợi cho những
ai khác hơn là cho những dân đến đình làng. Chung quy cũng tại miếng ăn
nhưng không được nói toạc ra như trong triết lý cái đình.
Về
phía nước, cái đình cũng bị cùng một số phận, bởi vì nó là tiêu biểu
sống động cho nhà gắn liền với nước nên đình là cái gai trong con mắt
người Pháp. Mà cụ thể hơn hết là sắc thần làng do vua phong thì mới “có
giá trị” (mới valide nói theo luật Roma) và đấy là cái phiền cho thực
dân. Họ đã muốn cho người Nam
kỳ “tự trị” theo nghĩa cắt đứt mọi liên hệ với triều đình Huế, thế mà
sắc thần lại phải do triều đình phong thì đấy là cả một sự đi ngược lại
chương trình của họ. Đành rằng cái sắc chẳng qua là
một mảnh giấy nhưng đối với những người dân “nặng tinh thần hơn vật
chất” thì miếng giấy đó gây rất nhiều trở ngại trong công việc đồng hóa
người Việt.
Vì thế có sự âm mưu phá hoại tinh thần cái đình, hạ giá cách này hay
cách khác để cho giới trí thức chỉ còn thấy đình là cái lò “xôi thịt”
hầu tự nguyện đứng ra đảm nhiệm việc bôi xấu cái đình. Và thế là vô tình
trí thức đã đồng công lấp hộ cửa đình để dọn đường cho các ý hệ ngoại
lai tràn vào đập tan chút vốn liếng tinh thần của dân tộc. Cho đến hôm
nay nước nhà tan rã, nhìn trở lui mới nhận ra thâm ý của ngoại nhân, và
ta phải băn khoăn hỏi liệu còn có thể cứu vớt được triết lý cái đình nữa chăng? Câu thưa sẽ như sau: cái đó còn tuỳ ở trình độ thức tỉnh của đồng bào.
Để giúp vào việc lay thức đó hôm nay chúng ta quay
trở lại học về nguồn gốc và ý nghĩa của cái đình. Về nguồn gốc thì khó
có thể xác định, chỉ biết rằng nó phát hiện ngay từ thời khai quốc, lúc
nước ta còn chìm trong thời khuyết sử mà tôi quen gọi là huyền sử. Có
thể nghĩ rằng cái đình đã xuất hiện ở thời xa xăm này và được ghi lại
bằng tên vua huyền sử Hữu Sào, tức giai đoạn đã biết làm nhà ở. Đó là
loại nhà sàn lúc trước kêu là cái rong, về sau kêu là cái đình, nhiều
nơi ngoài Bắc xưa còn làm đình cao cẳng. Về sau dưới ảnh hưởng của Hoa
tộc cái nhà cao cẳng rút ngắn dần chân lại để cuối cùng làm thẳng trên
đất liền (xem tạp chí Sử địa số 4, trang 44). Dầu sao chúng ta cũng có lý tin rằng đình chính là cái nôi mà nước Việt Nam cổ đại mà nước Việt Nam cổ đại khi sinh ra đã được mẹ Âu Cơ đặt vào và chính trong đó nó đã lớn lên và trải qua biết
bao cuộc thăng trầm: vinh có, nhục có nhưng bao giờ nó cũng vẫn mang
theo cái nôi nọ. Là bởi vì cái nôi này cũng chính là cái cơ cấu nguyên sơ,
tức là những yếu tố căn để tác tạo nên tinh thần dân tộc, nên gắn liền
với dân tộc cho tới tận nay. Bởi chưng cái đình cũng chính là hiện thân
cái triết lý Tiết
Liệu, tác giả cặp bánh dầy bánh chưng, là cặp bánh bao hàm ý tưởng cao
cả ngay trong cái thường thường, để bớt hao tốn: chỉ một cái nhà mà làm
nơi quy tụ cả kinh tế, chính trị lẫn tôn giáo. Vì chính trong cái đình
làng mà ban kỳ mục tế thần làng vào những ngày sóc ngày vọng. Tức là
tinh thần lồng lên các việc ăn làm. Thật là tiết giảm. Vậy mà tinh thần
vẫn mạnh đủ để gìn giữ nước non qua bao nguy nan để trao lại cho ta nay.
Cái triết lý Tiết
Liệu đó chúng ta đã quên, hiện dân nước đang tốn phí biết bao để xây
thêm điện đài cao ngất khắp nơi thế mà tinh thần vẫn mỗi ngày mỗi sút
kém. Hồn nước tức óc lo lắng chân thành cho công ích vẫn sa sút trầm
trọng. Xét lại thì ra chúng ta đã quên mất nền triết lý lưỡng nhất tính của cái đình để chạy theo những triết lý nhị
nguyên đạo đời riêng rẽ. Cho nên đền đài có mọc lên đầy rẫy và cao mất
hút vào mây thì cũng không tiêm vào cho đời được chút tinh thần nào, các
con đạo cũng tham nhũng như ai… Vì thế mà hồn nước hấp hối. Hấp hối vì
bầu khí hiện tại càng ngày càng trở nên duy vật một chiều do tư trào
ngoại lai đưa vào, để chống lại tinh thần của cái đình lại là lưỡng nhất
tính:
Một động một tĩnh.
Một tròn một vuông.
Vuôngtượng trưng bằng cái nhà ở giữa chung quanh là ao nước hình tròn chỉ đạo thể lung linh nên gọi là động hồ bao lấy cái đình ra Động Đình Hồ. Và đấy là thâm nghĩa của ba chữ Hồ Động Đình. Nó là nước biểu thị cho nền minh triết lưỡng
thê bao gồm cả thân lẫn tâm, cho nên có đình có đám. Đám là bữa ăn
chung cho thân, đình là sự thông giao, là tình liên đới cho tâm. Và nhờ
đó mà nó đã duy trì được một nền minh triết duy
nhất trên thế giới đã không mắc vòng nhị nguyên. Mắc vào vòng nhị
nguyên có nghĩa là mắc vòng bị sâu xé, sâu xé trong tâm hồn không tìm ra
mối thống nhất nên thiếu sự an nhiên tự tại, và sâu xé trong xã hội
biểu thị bằng phân chia giai cấp và đẳng cấp với những đặc ân dành cho
nhóm nọ phá nhóm kia gây nên tranh chấp. Đó là tệ trạng đã được các tư
trào ngoại lai đưa vào nước ta. Vì chưa nhận ra nên giới trí thức của ta
đã gia công vun tưới tài bồi cho các thứ đặc ân đó. Và vì vậy nước ta
mới lâm vào cảnh phân hóa trầm trọng khiến cho người trong nước sa lần
vào bệnh cô đơn tan rã suy yếu tinh thần. Nghĩa là cũng lâm vào tình
trạng bi đát của con người thời đại mà H. Marcuse gọi là con người một
chiều kích unidimensionalman chỉ biết có duy vật hay duy tâm, nên đời
trở nên vô đạo, đạo trở nên trống rỗng. Không còn vòng đai tinh thần tẩm
nhuận cho những việc ăn làm được biểu thị bằng cái hồ bọc lấy cái đình
như xưa nữa, mà chỉ còn là các thứ duy tượng trưng bằng hội đồng xã duy
đời, đền chùa duy linh. Đó không là biểu tượng suông nhưng có thực. Có
sự phân ly trong văn hóa của nước nhà: kẻ theo cộng sản, người theo các
thứ tôn giáo. Có cách nào làm cho các duy kia ngưng việc sâu xé con dân
đất Việt chăng? Chúng tôi cho rằng cách đó nằm trong sự phục hoạt triết lý cái Đình.
Nguồn: Triết lý cái đình, Nxb Nguồn sáng, Sài gòn, 1971, trang 31 - 42/triethoc.edu.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét