Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

TRIẾT HỌC CỔ ĐIỂN ĐỨC NỘI DUNG KHÁI NIỆM CỦA TRIẾT HỌC KANT

Trần Đức Thảo
LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG TRƯỚC MARX
Nxb. Khoa học xã hội, 1995
--- o0o ---
 
TRIẾT HỌC CỔ ĐIỂN ĐỨC
 
NỘI DUNG KHÁI NIỆM CỦA TRIẾT HỌC KANT
 
 
I -  NỘI DUNG TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC KANT
 
+ Giai đoạn «tiền phê phán» ở thời tuổi trẻ của Kant là một giai đoạn ngắn, có hướng duy vật. Trong quyển sách nổi tiếng «Lịch sử phổ cập của tự nhiên và lý thuyết về bầu trời»[1](1755), lần đầu tiên được trình bày một quan niệm duy vật có tính cách lịch sử về tư tưởng. Kant quan niệm bầu trời với những tinh tú, mặt trời, quả đất, đều là kết quả của một quá trình lịch sử tự nhiên.
 
+ Giai đoạn «phê phán», khi Kant đặt vấn đề về triết học căn bản tức là vấn đề quan hệ giữa tư tưởng và thực tại, thì Kant lại chuyển sang duy tâm.
 
Năm 1781, ông viết cuốn «Phê phán lý tính thuần túy», tiếp theo đó là những cuốn «Phê phán lý tính thực tiễn» (1788) và «Phê phán năng tính nhận xét» (1790)[2].
 
+ Cách đặt vấn đề của Kant. Kant đặt vấn đề triết học trên lập trường phê phán. Đó là một mặt thay đổi mới so với hướng huyền học. Hướng huyền học đặt vấn đề: thực tại là gì? Trái lại, Kant đặt vấn đề: chúng ta hiểu biết đối tượng khách quan thế nào, làm thế nào mà hiểu biết được thực tế khách quan - Do chỗ phê phán năng lực hiểu biết mà quy định được đối tượng thực tế.
 
Kant quan niệm cách đặt vấn đề như vậy là cách mạng, giống như Copenic[3] đã đảo lộn vũ trụ quan cũ bằng cách chủ trương rằng quả đất chạy chung quanh mặt trời, trái hẳn với quan niệm cũ là mặt trời xoay quanh quả đất. Trước kia, người ta quan niệm lý tính hướng theo thực tại, người ta cải thiện lý tính theo thực tại. Kant cho rằng đặt vấn đề như vậy thì không giải quyết được, vì chúng ta chưa biết thực tại là gì. Do đó Kant đặt vấn đề: chúng ta hiểu biết thực lại bằng cách thế nào?
 
Nhưng cách mạng của Copernic đi từ chủ quan sang khách quan, trái lại cách mạng của Kant đi từ khách quan vào chủ quan, cho lý tính quy định thực tại chứ không phải thực tại quy định lý tính như trước nữa. «Cách mạng» của Kant là một «cách mạng duy tâm».
 
Sự đảo ngược đó thực hiện thế nào? Thực hiện bằng cách phê phán chủ quan của ta xem nó đạt được đến đâu.
 
+ Cách phê phán của Kant. Kant phê phán chủ quan theo 3 hướng:
 
1 - Phê phán lý tính thuần túy.
 
[Kant] chứng minh rằng lý tính thuần túy không đạt được đối tượng, mà thực tế nó cũng không có đối tượng, nên nó không đạt được chân lý - muốn có đối tượng thì phải có kinh nghiệm. Ở chỗ này, Kant có phần tiến bộ vì đã chống lại hướng huyền học cũ (huyền học đòi đặt đối tượng là tinh thần và Thượng đế bằng lý tính thuần túy. Kant cho lý tính thuần túy không có đối tượng, tức là không có khoa học nào nắm được Thượng đế, chỉ có khoa học tự nhiên. Vấn đề Thượng đế không thể đặt ra được trên cơ sở lý luận).
 
b - Phê phán lý tính thực tiễn.
 
Trong hoạt động thực tiễn, chúng ta thường bám vào sự việc trước mắt. Đó là chủ quan của sự hoạt động. Trong chủ quan nghiên cứu, chúng ta có hướng bỏ quên kinh nghiệm, nhưng trong hành động thực tiễn, chúng ta lại hay quên mục đích cao xa, quên quy luật phổ cập.
 
Kant phê phán luân lý kinh nghiệm chủ nghĩa, tức là luân lý linh báo dựa vào Giáo hội của chế độ cũ, luân lý dựa vào tình cảm. Ông nói hoạt động thực tiễn của ta cần phải nhằm một mục đích cao xa là thực hiện một lý tưởng phổ cập của nhân loại hoạt động theo lý tính (có nghĩa là lý tính thuần túy), chứ không để cho cảm tính làm chủ, không theo điều kiện sự việc vụn vặt trước mắt.
 
Phần thực hiện nhằm ngó lên trời.
 
c - Phê phán năng 1ực phán đoán (tính nhận xét)
 
Thống nhất hai điểm mâu thuẫn trên như thế nào? Lý tính và kinh nghiệm, lý tưởng và thực tế sẽ phối hợp làm sao? Kant cho rằng có thể tìm giải pháp trong vấn đề năng lực của sự nhận xét. Trong những nhận xét của chúng ta, có hai hạng nhận xét độc lập, tự túc, không dựa vào cái gì hết, chỉ dựa vào nội dung của nó, đó là nhận xét thẩm mỹ và nhận xét về mục đích trong tự nhiên. Nhận xét mỹ thuật là cái này đẹp, cái kia đẹp; nhận xét mục đích tự nhiên là vật này có mục đích của nó. Nội dung của những nhận xét ấy bao hàm một sự điều hòa căn bản giữa lý tính và kinh nghiệm, lý tưởng và thực tế.
 
Trong hai hạng nhận xét trên, hạng nhận xét thẩm mỹ là quan trọng hơn cả. Kant là người đầu tiên sáng lập khoa thẩm mỹ học, sau đó có hai quan niệm thẩm mỹ nữa của Hegel và Marx. Kant nhận định sở dĩ chúng ta nhận xét một vật đẹp, mà nhận xét đúng, là vì tư tưởng về vật chất ấy thống nhất được những điểm đối lập về 4 mặt:
 
- Nhận xét thẩm mỹ bao hàm phổ cập không khái niệm: nó là nhận xét phổ cập về một cá thể, nhằm tính chất cá thể.
- Nó bao hàm một cái lý thú vô tư, không dựa vào cảm giác khoái lạc.
- Nó có tính chất mục đích tuy không nhằm một mục đích cụ thể.
- Chân lý thẩm mỹ không nhằm một thực tế khách quan.
 
Tóm lại, triết học Kant bộc lộ một nhân sinh quan đòi hỏi [con] người thực hiện mọi giá trị nhân bản trong đời sống thực tế: đấy là phần tiến bộ.
 
Nhưng khi nêu ra vấn đề làm việc theo cách nào, thì Kant lại không xuất phát từ thực tế. Ông cho quy luật của mục đích đời sống người ta, tiêu chuẩn quy định mục đích ấy là ở lý tính xa rời kinh nghiệm, xa rời thực tế. Về điểm này, Kant lại còn lạc hậu hơn cả nhà duy vật thế kỷ XVIII. Các nhà triết học thế kỷ XVIII còn cho mục đích của đời sống, tiêu chuẩn sự hoạt động là ở trong thực tế, nguyên lý khoa học và luân lý đều xuất phát từ thực tế.
 
II - CƠ SỞ XÃ HỘI ĐỨC CUỐI THẾ KỶ XVIII PHẢN ÁNH TRONG TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC KANT
 
Xã hội Đức cuối thế kỷ XVIII còn là một nước lạc hậu so với  các nước Tây Âu chung quanh. Tập đoàn phong kiến Đức đang thống trị vững mạnh. Giai cấp tư sản Đức còn yếu đuối, nhỏ mọn, chưa có điều kiện lên nắm chính quyền. Giai cấp tư sản chưa đòi thực hiện nhân sinh quan của nó trong thực tế khách quan, trong xã hội thực tại; mà trong thực tế khách quan là thực tế xã hội phong kiến Đức, tư sản không thể tìm tiêu chuẩn để hoạt động được.
 
Trong khi đó, ảnh hưởng cách mạng tư sản các nước xung quanh, nhất là cách mạng tư sản Pháp, đã vang dội mạnh vào tư tưởng của giai cấp tư sản Đức; giai cấp tư sản Đức cũng đặt vấn đề cách mạng, nhưng trong tư tưởng thôi, chứ không phải là trong thực tế.
 
Lý tưởng đó thực hiện như thế nào, cái gì bảo đảm cho lý tưởng đó có thể thực hiện được? Kant chỉ nêu ra nhận xét là có lý tưởng đã thực hiện được, như có tác phẩm mỹ thuật hay trước tác tự nhiên có giá trị, thành công, thì sao trong thực tế xã hội lại không thực hiện được. Chẳng qua những tác phẩm mỹ thuật thống nhất được lý tính và cảm giác, lý tưởng và thực tế chỉ là một sự gặp gỡ ngẫu nhiên, không có một nguyên lý gì làm cơ sở cho sự thành công chắc chắn cả. Kant còn cho nó nguồn gốc của sự điều hòa đó là Thượng đế.
 
Sau khi đã phê phán mọi mặt hoạt động chủ quan của người ta, sau khi đã chứng minh không thể để hoạt động của người ta ngoài thực tế (phủ định huyền học), thì Kant lại trở lại tôn giáo, không có cách gì thực hiện khác. Sự bất lực trong tư tưởng của Kant phản ánh sự bất lực của giai cấp tư sản Đức nằm trong một hệ thống Châu Âu đã tiến bộ nhiều, đã hoặc đang làm cách mạng tư sản. Tính chất bất lực ấy phản ánh trong quan niệm bị động về nhận xét thẩm mỹ, cho nó là sự gặp gỡ giữa lý tính và cảm giác, có mục đích mà không tiến tới mục đích.
 
III - ẢNH HƯỞNG CỦA TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC KANT
 
Giai cấp tư sản Âu Tây sau khi làm cách mạng thành công, sau khi đã nắm chính quyền thì nó hết vai trò của nó. Lực lượng kinh tế của nó đã được thỏa mãn, đồng thời nó đang phải e sợ, chống đối với một lực lượng xã hội mới đang lên là giai cấp vô sản. Giai cấp tư sản trở thành lạc hậu, phản động. Những mục đích cao xa mà nó đề ra khi đứng lên làm cách mạng như công lý, bình đẳng, bác ái... chỉ còn là lý tính, lý tưởng, không phải là cái để thực hiện nữa. Những mục đích đó chỉ còn được nhớ lại như một lý tưởng, một lý tưởng cần thực hiện và là một lý tưởng có thể thực hiện được.
 
Tư tưởng triết học Kant ở cuối thế kỷ XVIII đã phù hợp với tư tưởng giai cấp tư sản Âu Tây của thế kỷ XIX và sang thế kỷ XX này. Triết học Kant thành tư tưởng thống trị, mang dạy trong các trường học ở Âu châu, đến nỗi sách giáo khoa tư sản Âu Tây phân hai giai đoạn tư tưởng nhân loại về cổ điển và cận đại, lấy Kant làm mốc.
 
Ba cuốn phê phán của Kant tương đương với 3 phần trong Triết học: triết học lý thuyết, triết học thực tiễn, triết học thẩm mỹ; nó nghiên cứu ba vấn đề căn bản: giá trị của Chân lý, Luân lý, Mỹ cảm.
 
IV - TRIẾT HỌC LÝ THUYẾT
       (Phê phán lý tính thuần tuý)
 
A - BỐI CẢNH VÀ CÁCH ĐẶT VẤN ĐỀ
 
Cuối thế kỷ XVIII, nước Đức còn ở trình độ rất lạc hậu vì hai lý do:
 
Về địa lý đứng ngoài những đường thương mại quốc tế lớn, chủ yếu bấy giờ đang phát triển ở bờ biển Đại Tây Dương (tư bản phát triển ở Anh, Hà Lan, Pháp), trong tình trạng bấy giờ Đức không có điều kiện phát triển ngoại thương.
 
Trong lịch sử thế kỷ thứ XVI vả XVII, các lực lượng tiến bộ ở Đức đã bị đàn áp và tiêu hủy phần lớn, đặc biệt là trong «Chiến tranh nông dân» là cuộc chiến tranh trong đó cải cách tôn giáo của Luther chống phong kiến. Phong trào Luther lúc đầu lôi cuốn nông dân đi với công thương và tiểu phong kiến chống lại phong kiến và Giáo hội. Nhưng kết quả của nó chỉ là sự thất bại của nông dân, và chỉ đi đến sự xóa bỏ một phần quyền lợi Giáo hội, đề cao quyền lực các hoàng thân (Chúa chư hầu) với cải cách của Luther. Nó chỉ là thắng lợi của chế độ hoàng thân dựa vào tiểu phong kiến và lôi cuốn bọn tư sản và tiểu tư sản đầu hàng, còn nông dân thì bị đàn áp hoàn toàn. Sau đó, những hạng tiểu tư sản và tư sản cũng bị đàn áp không ngóc đầu lên được. Chế độ thắng là chế độ phân quyền, các hoàng thân cát cứ ngăn trở kinh tế tư sản phát triển. Qua nửa đầu thế kỷ XVII, lại có chiến tranh 30 năm  với sự can thiệp của hầu hết các cường quốc Âu châu, đã tiêu hao gần hết lực lượng của Đức.
 
Do những nguyên nhân đó, tới thế kỷ XVIII, Đức rất lạc hậu: phong kiến còn phân quyền, nhưng giai cấp tư sản lại được ảnh hưởng tư tưởng giai cấp tư sản Âu Tây nói chung (nhất là Anh, Hà Lan, Pháp). Mức yêu cầu đứng về khái niệm là mức yêu cầu của cách mạng Âu Tây, nhưng lại mâu thuẫn với tình trạng thực tế rất thấp, chỉ đi đến liên minh các chư hầu mở đường cho giai cấp tư sản phát triển phần nào về kinh tế, tham gia hành chính phần nào, nhưng chưa có vấn đề nắm chính quyền. Do đó tư tưởng Đức cuối thế kỷ XVIII, một mặt về nội dung thì rất tiến bộ, đặt vấn đề sâu sắc, nhưng về lập trường thì lại lạc hậu, chỉ quan niệm những khái niệm tiến bộ trên một lập trường duy tâm thôi. Về văn học có phong trào nổi tiếng là Sturm und Drang[4], một phong trào lãng mạn có tính chất cách mạng tư sản đề cao cá nhân tuyệt đối -- cá nhân đây là những đức tính tự phát của cá nhân -- nhưng lại đầu hàng về chính trị. Về tư tưởng triết học, cái gọi là Cổ điển Đức (danh từ của Marx) có 4 triết gia: Kant, Fichte[5], Schelling[6]và Hegel. Đặc biệt là tư tưởng Kant và Hegel phản ánh trong phạm vi duy tâm (vì hoàn cảnh nghèo nàn của Đức) những yêu cầu của Cách mạng tư sản Âu châu nói chung, nhất là Cách mạng tư sản Pháp. Lập trường thì duy tâm, nhưng nội dung thì lại có phần sâu sắc hơn những nhà tư tưởng Pháp, Anh, vì những người này hạn chế những vấn đề nghiên cứu trong phạm vi những đòi hỏi thực tế trước mắt. Cụ thể Kant đặt vấn đề: về mặt triết học lý thuyết, phải tiêu diệt những mơ hồ của huyền học và tôn giáo, biện chính khoa học mới. Các nhà tư tưởng tư sản tiến bộ Anh, Pháp đã thực hiện trên nhiệm vụ ấy về hai mặt: xây dựng vũ trụ quan duy vật, và xây dựng lý thuyết kinh nghiệm chủ nghĩa về quá trình hiểu biết của người ta (Locke, Condillac[7], Diderot, Helvétius[8]...). Kant cũng đặt vấn đề phê phán huyền học, phê phán khoa học giả dối chứng minh bằng lý tính những cái mơ hồ như tồn tại của Thượng đế, bất diệt của Linh hồn, tuyệt đối của Tự do. Chúng ta hiểu biết thế nào mà dám chứng minh những vấn đề lớn lao như thế?  Đặt vấn đề phê phán lý tính thuần túy, Kant có điều kiện đi sâu vào cơ cấu sự hiểu biết. Nhưng mặt khác, yêu cầu lại hữu hạn, không triệt để: Kant không trực tiếp phê phán tôn giáo và huyền học mà phê phán những nhận thức có tính chất trước kinh nghiệm. Trong ấy, Kant lại đặt một số vấn đề về những khoa học mà Kant cho là thực tế có trước kinh nghiệm và có giá trị chân chính. Cạnh huyền học, Kant nhận thấy có hai khoa học có trước kinh nghiệm và chân chính: toán pháp thuần túy và vật lý học thuần túy (toán học đi từ những nguyên lý không phụ thuộc vào kinh nghiệm; về vật lý, Kant lấy một số nguyên lý mà người ta bấy giờ cho là thuần túy: nguyên lý hoả lực, thăng bằng giữa động lực và phản lực, v.v..., vì bấy giờ khoa học còn chịu nhiều ảnh hưởng của huyền học). Sự phê phán lý tính thuần túy của Kant không triệt để ở chỗ phá bỏ huyền học có tính chất tôn giáo, nhưng lại biện chính cho toán học và vật lý học thuần túy, như thế Kant đã giữ lại một phần những thành kiến huyền học mà không cho đó là những thành kiến huyền học. Vì duy trì nó nên phải tìm cho nó một nguyên lý triết học có tính chất huyền học. (Sau này, Kant viết «Nguyên lý huyền học của khoa học tự nhiên» (1786) và «Nguyên lý huyền học về pháp lý»(1785)[9], và đều cho là chân chính). Đó là phần hữu hạn của phê phán luận của Kant.
 
Sở dĩ hữu hạn như thế, vì với mức độ khả năng thực tế của giai cấp tư sản Đức bấy giờ, chỉ có thể đặt vấn đề phê phán những khái niệm huyền học có tính chất tôn giáo, và sự phê phán ấy ăn khớp với cuộc đấu tranh thực tế chống uy quyền chính trị của Giáo hội liên minh với bọn đại phong kiến,  nhưng những khái niệm huyền học có tính chất vật lý hay pháp lý thì chưa thể giải phóng được. Chưa thể nhận thức được nguồn gốc của nó, vì những kinh nghiệm vật lý phản ánh sự cấu kết giữa tư sản và phong kiến về phương diện sản xuất, phương diện kinh tế và pháp lý, ở đây chỉ có vấn đề dàn xếp thôi. Vấn đề tư hữu, đối với tư sản Đức, chỉ thực hiện với sự bảo hộ của nhà vua thôi, chứ chưa thể độc lập được. Một số vấn đề mà tư sản Đức chưa thể yêu cầu một cách thực tế và triệt để được thì vẫn nằm trong phạm vi huyền học, và Kant cho nó là chân chính. Kết quả là trong phạm vi tư tưởng, Kant chỉ có thể phê phán lý tính thuần túy trên một lập trường duy tâm, nếu không thì không thể biện chính được những mệnh đề có phần tiến bộ và lạc hậu ấy, phản ánh ảnh hưởng tư tưởng Cách mạng tư sản Âu Tây trong hoàn cảnh lạc hậu của nước Đức.
 
B - TRIẾT HỌC LÝ THUYẾT CỦA KANT
 
I - CẢM GIÁC LUẬN TIÊN NGHIỆM
     (Esthétique transcendantale)
 
Cái hình thức huyền học mà Kant trực tiếp phê phán là Leibnitz bấy giờ đang thống trị tư tưởng Đức. Lập luận căn bản của Leibnitz để phát triển huyền học là liên hệ chặt chẽ bằng cách lẫn lộn cảm giác và nhận thức. Ông cho căn bản hai cái là một, và chỉ phân biệt ở chỗ cảm giác có tính chất mập mờ và nhận thức thì rõ rệt. Ví dụ: cùng trong bản nhạc, nếu ta tiếp thu bằng cảm tính thì ta chỉ nắm một cách mập mờ những quan hệ toán lý mà nhà toán học có thể phân tích rõ rệt bằng lý tính - những quan hệ thẩm mỹ mà ta nắm mập mờ bằng cảm tính cũng chính là những quan hệ mà toán lý phân tích được một cách rõ rệt bằng lý tính. Nếu căn bản hai cái là một, thì nhà lý luận thuần túy có thể nhận định về thực tế khách quan mà không cần kinh nghiệm, do đó dùng lý luận thuần túy mà biện chính những mệnh đề của huyền học.
 
Kant phê phán điểm căn bản là sự lẫn lộn cảm thức và nhận thức. Sự khác nhau không chỉ ở chỗ mập mờ và rõ rệt, mà trong cảm thức thì đối tượng xuất hiện trước chúng ta, còn nhận thức là sự nhận xét, nhận định về đối tượng, do đó cảm thức phải đi trước, như thế không thể nào với lý luận thuần túy mà nắm được đối tượng. Đó là phần tiến bộ trong cảm giác luận tiên nghiệm.
 
Phần lạc hậu của nó là ở chỗ Kant nói thêm rằng, sở dĩ cảm giác có giá trị độc lập như thế mà không thể thay thế bằng lý luận thuần túy, là nó có điều kiện căn bản là những hình thức của cảm giác có trước kinh nghiệm, đó là không gian và thời gian. Một vật không thể nào xuất hiện trong cảm thức nếu không xuất hiện trong không gian và thời gian, đó là điều kiện của đối tượng, và nó có trước đối tượng. Nếu nó có trước kinh nghiệm ấy, và nó có một giá trị không phụ thuộc kinh nghiệm, đó là toán pháp thuần túy nghiên cứu không gian và thời gian. Tại sao nó có trước kinh nghiệm? Kant cho nó là điều kiện của kinh nghiệm không phụ thuộc vào thực thể tự tại, vì nếu phụ thuộc vào thực tại thì nó không thể có trước kinh nghiệm. Nó là điều kiện phổ cập và tất yếu nhưng lại chủ quan, nó là hình thức trước kinh nghiệm (à priori) của kinh nghiệm. Kant có đề cao giá trị độc lập của cảm thức đối với nhận thức, và do đó gây cơ sở phê phán huyền học, nhưng một mặt muốn bảo vệ tính chất thuần túy của những kỳ vọng của toán pháp thuần túy, nên lại tuyệt đối hóa hình thức của cảm giác - không gian và thời gian -, biến những hình thức ấy thành hoàn toàn chủ quan, do đó tách rời đối tượng xuất hiện trong kinh nghiệm và vật tự tại. Kant đề cao kinh nghiệm, nhưng lại cho nó căn bản là chủ quan, không phản ánh thực tại, nên học thuyết của Kant là duy tâm tiên nghiệm. Nó đối lập với duy tâm kinh nghiệm chủ nghĩa, cả hai đều lấy chủ quan làm xuất phát điểm, nhưng chủ quan của Kant có tính chất phổ cập và tất yếu, nó là điều kiện tiên thiên của tất cả các cảm giác chủ quan có tính chất phổ cập và tất yếu, nó là điều kiện của đối tượng thực tại tương đối trong kinh nghiệm, tuy không phải là thực tại tuyệt đối, không phải là tự tại (ta không biết được tự tại mà chỉ biết được thực tại trong không gian và thời gian).
 
Kant có phê phán huyền học, nhưng lại hạ thấp giá trị của khoa học cho là không nắm được thực tại tuyệt đối, và như thế đã mở hé cửa cho sau này trở lại tôn giáo. Đó là hai mặt của lý thuyết, phản ánh thực trạng xã hội và tình trạng giai cấp tư sản Đức: trong khi đả phá cái thuần tuý của huyền học, Kant lại bảo vệ một thứ thuần túy khác gần kinh nghiệm hơn -- thuần túy Toán lý. Kant chưa công nhận thế giới vật chất quan niệm theo cơ lý là thực tại tuyệt đối. Giai cấp tư sản Đức đã thấy cái hình thức thực tại xuất hiện trong cuộc Cách mạng tư sản, nhưng chưa đi tới chỗ thấy được chỉ có thực tại ấy mà thôi. Chỗ tiến bộ của nó là công nhận giá trị của cảm thức, không cho nó là lý luận mập mờ như Leibnitz. Do đó, sau này triết học Kant ảnh hưởng rất nhiều trong tư tưởng tư sản Âu Tây, biến thành một học thuyết giáo khoa xem như học thuyết mở đầu cho một thời kỳ mới. Thực ra, nó chỉ xây dựng một cơ sở duy tâm, để một mặt thì hoạt động trong kinh nghiệm thực tế, nhưng một mặt khác thì lại chống lại lập trường duy vật của phong trào xã hội chủ nghĩa, và một phần nào hé cửa để đến lúc cần trở lại tôn giáo. Điểm tiến bộ nữa là nó sẽ mở đường cho sự phân tích những hiện tượng tinh thần. Sự nghiên cứu quan hệ giữa cảm thức và nhận thức sẽ mở đường cho sự nghiên cứu quá trình tiến triển của ý thức của Hégel, cung cấp điều kiện để phát triển chủ nghĩa duy vật về sự hiểu biết của người ta từ thực tế lên lý luận. Đó là công trình lớn nhất của Triết học Cổ điển Đức.
 
II - PHÂN TÍCH LUẬN TIÊN NGHIỆM
      (Analytique transcendantale)
 
Phân tích những khái niệm căn bản vận dụng trong nhận thức, đó là đối tượng của phần này. Mục đích của nó cũng giống phần trên, là một mặt phê phán huyền học, một mặt biện chính vật lý học thuần túy của vật lý học. Kant phê phán huyền học có tính chất tôn giáo đứng về mặt nhận thức. Nhận thức không phải là một cảm thức được phân tích, mà chỉ là tổng hợp cảm giác và chỉ tổng hợp thôi, vậy nếu không có cảm giác thì nó cũng bất lực, như thế không thể có huyền học. Ở đây, Kant đi rất sâu vào vai trò tổng hợp cảm giác của nhận thức, nhận thức có tính chất khách quan nhờ thông qua cảm giác. Ví dụ, khi ta nói một đối tượng là khách quan là khi ta có khả năng nhận thấy tính chất đồng nhất của vật lý qua những cảm giác mà nó gây trong ý thức, những cảm giác ấy phải thống nhất trong một khái niệm, không phải thống nhất của vật ấy qua những cảm giác mà nó gây trong ý thức, không phải thống nhất một cách máy móc. Trong kinh nghiệm, phải có một nguyên lý thống nhất các cảm giác trong một khái niệm, và thông qua nó ta mới nhận thức tính chất đồng nhất của đối tượng. Cái gì cho ta phân biệt các cảm giác thâu nhận trong kinh nghiệm thực tế và cảm giác trong mơ mộng? Kant cho cái phân biệt đó là: trong kinh nghiệm thực tế, những cảm giác liên kết với nhau theo quy luật phổ cập và tất nhiên, còn trong mơ mộng sự liên kết ấy không theo quy luật. Vậy sự phân biệt là khái niệm quy định sự liên kết các cảm giác: nếu có sự liên kết phổ cập tất nhiên thì đối tượng có tồn tại khách quan.
 
Trong số 12 phạm trù mà Kant gọi là phạm trù của trí tuệ có  ứng dụng tất nhiên trong hiện tượng khách quan, thì có hai phạm trù chủ yếu là:
 
 - Phạm trù số lượng.
 
 - Phạm trù nhân quả.
 
Những hiện tượng thế giới khách quan đều có số lượng quy định một cách khách quan, và đều theo quy luật nhân quả, hiện tượng trước liên kết với hiện tượng sau một cách tất nhiên. Những quy luật ấy là do sự ứng dụng tất nhiên của những phạm trù của trí tuệ vào hiện tượng. Phạm trù số lượng ứng dụng vào hiện tượng thì đẻ ra quy luật số lượng. Phạm trù nhân quả ứng dụng vào hiện tượng thì đẻ ra quy luật nhân quả. Phạm trù là khái niệm căn bản quy định tính chất khách quan của bất kỳ đối tượng nào. Vật này và vật nọ có thể khác nhau về số lượng, hiện tượng này và hiện tượng nọ có thể khác nhau và nguyên nhân, nhưng tất cả đều phụ thuộc vào phạm trù số lượng và nhân quả.
 
Cái gì chứng minh rằng những hiện tượng khách quan đều phụ thuộc vào những phạm trù của trí tuệ?Phần phân tích tiên nghiệm sẽ chứng minh điều đó. Sự chứng minh xuất phát từ phân tích cái ý thức nhằm vào đối tượng, giải thích thế nào là tri giác được một đối tượng khách quan? Ví dụ: cái cây là một thực thể khách quan. Điều kiện của một thực thể khách quan, như khi trông thấy cây, là do chỗ một số cảm giác được liên kết trong ý thức một cách nhất định. Không phải trông thấy màu xanh mà đã trông thấy một cây xanh, vì trong lúc mơ mộng cũng có thể có cảm giác màu xanh nhưng chỉ là một cảm giác. Hai bên khác nhau ở chỗ màu xanh không phải tự nhiên xuất hiện bất cứ lúc nào, mà nó phải xuất hiện theo quy luật khách quan tất yếu và phổ cập, tức là chắc chắn rằng đứng theo một phương diện nào đó thì sẽ có một cảm giác nào đấy. Những cảm giác kế tiếp trong ý thức một cách tất yếu, phổ cập, có giá trị với tất cả mọi người. Có nắm cảm giác theo quy luật ấy, thì mới nói được rằng qua cảm giác kế tiếp nhau lung tung nên không nhằm đối tượng của thế giới khách quan. Tính chất khách quan của thế giới, theo Kant, là quy luật tính của luồng cảm giác kế tiếp nhau trong ý thức. Ví dụ nước sông chảy xuôi tức là cảm giác của ta lúc trông thấy sông phải kế tiếp theo một trật tự nhất định, từ ngược về xuôi. Chỉ có theo quy luật khách quan ta mới nhận định được đối tượng.
 
Nhưng tại sao cảm giác lại sắp xếp một cách tất yếu và phổ cập? Tại sao quy luật tất yếu, phổ cập đó lại thiết lập tính chất khách quan của thế giới?
 
Kant trả lời rằng: vì nó ở trong cùng một tư tưởng. Nếu nó không liên kết một cách tất yếu và phổ cập, thì ý thức của ta cũng không thống nhất, không phải một ý thức nhất định, mà mỗi lúc một ý thức khác, do đó sẽ không thành một ý thức nữa. Đã không có quy luật nào để liên kết những cảm giác, thì sẽ không thể nói tới tư tưởng, không có bản ngã nữa. Nhưng thực tế thì mọi người đều có bản ngã, có ý thức tư tưởng, mà ý thức thì là một. Được thế, vì những cảm giác được liên kết theo những phạm trù nhất định của trí tuệ. Ví dụ, khi trông thấy một cái nhà, con mắt có thể liếc từ trên xuống dưới, rồi từ dưới lên trên, nhưng trong lúc đi lại như thế vẫn nắm được cùng một chiều của cái nhà. Ý thức dù đi từ trên xuống hoặc từ dưới lên trên thì cũng chỉ là một ý thức, vì những cảm giác kế tiếp nhau phải liên kết với nhau theo quy luật số lượng, nghĩa là nắm một chiều nhất định của cái nhà.  Nếu không liên kết cảm giác như thế, thì chỉ có một số cảm giác lung tung chứ không thành một ý thức. Cái  chứng minh giá trị của phạm trù trí tuệ (số lượng và nhân quả) là tính chất căn bản của đối tượng khách quan, và tính chất căn bản của đối tượng khách quan dựa vào sự thống nhất của bản ngã trong luồng ý thức. Nếu ý thức không nắm đối tượng theo quy luật nhất định, phổ cập thì không thành ý thức nữa, mà thực tế ta có ý thức thống nhất. Do lý lẽ trên mà Kant kết luận rằng những phạm trù của trí tuệ có giá trị khách quan. Phạm trù chính của trí tuệ là số lượng, nhân quả. Dựa vào những phạm trù đó có thể xây dựng được một vật lý học thuần túy, trong đó phát triển phần thuần túy của vật lý học. Như nguyên lý thăng bằng giữa động lực và phản động lực, và nguyên lý hỏa lực. Đứng trên lập trường duy tâm, Kant không cho rằng thế giới mà ta gọi là khách quan là tuyệt đối, mà căn bản nó chỉ có ở trong ý thức. Ý thức có tính chất thống nhất thực, nhưng không thống nhất trong ý thức thực sự áp dụng những phạm trù của trí tuệ vào cảm giác, trong lúc liên kết những cảm giác thành đối tượng khách quan. Nó chỉ có trong hoạt động thực sự của trí tuệ để liên kết những cảm giác, chứ nó không phải là một thực thể có thể nắm được như một thực thể trong vũ trụ. Nhà huyền học cũ đã biến tính chất thống nhất trong hoạt động thực sự của trí tuệ thành một thực thể là linh hồn bất diệt. Làm như thế là không đúng. Chúng ta không có quyền biến hoạt động của trí tuệ thành một vật có tính chất thực thể. Sở dĩ những nhà huyền học cũ đã biến hoạt động thực sự của trí tuệ thành một thực thể tinh thần, là vì họ đã đi quá phạm vi chân chính của trí tuệ là hoạt động sắp xếp những hiện tượng khách quan, tức là xây dựng vũ trụ quan khoa học. Do đó, các nhà huyền học cũ đã đi đến một thực thể thống nhất vô điều kiện,  tức là đi ra ngoài phạm vi chân chính của tính chất thống  nhất của ý thức. Sai lầm của huyền học về vũ trụ quan cũng xuất phát từ sai lầm tương tự như trên.
 
1 - Phê phán lý thuyết về vũ trụ quan.
 
Nhà huyền học cũ cũng đòi hỏi một điều kiện vô điều kiện, vận dụng phạm trù của trí tuệ một cách tuyệt đối, ngoài phạm vi kinh nghiệm, do đó mà trong lý thuyết về vũ trụ quan, họ đã tất nhiên phải gặp những mâu thuẫn. Có 4 mâu thuẫn:
 
a - Về mặt số lượng:
 
Có thể nói thế giới là vô hạn trong không gian và thời gian, nhưng cũng có thế nói thế giới là có hạn trong không gian và thời gian. Vì nếu không có lúc nào là lúc đầu tiên thì cũng không có lúc nào là lúc bây giờ. Nếu là vô hạn thì sẽ không nắm được thế giới. Thế giới đã có. Có là vì có hạn. Đã có thế giới thì có thể quy định được chiều của nó tức là có hạn trong không gian rồi. Nhưng cũng có thể nói sau một khu lại có một khu khác, vậy thế giới là vô hạn.
 
b - Về mặt chất lượng:
 
Thực thể có thể phân chia một cách vô hạn, vì nhỏ bao nhiêu thì cũng có thể phân chia được nữa. Nhưng cũng có thể nói, đến một lúc nào đó có những yếu tố đơn giản thuần túy không thể phân chia được, vì nếu không có yếu tố đơn giản thuần túy thì không thể thành thế giới được. Cả hai mặt đều có lý cả.
 
c - Về quan hệ nhân quả:
 
Có thể nói những quan hệ nhân quả kế tiếp một cách vô hạn. Trước một hiện tượng thì có một hiện tượng làm nguyên nhân, trước hiện tượng làm nguyên nhân này lại có một hiện tượng khác làm nguyên nhân cho nó. Hiện tượng nào cũng có nguyên nhân. Cứ thế, dây chuyền nguyên nhân này sang nguyên nhân kia tuyệt đối đầu tiên, vì nếu chúng ta cứ đi mãi từ nguyên nhân này đến nguyên nhân trước thì rốt cuộc không bao giờ nắm được một nguyên nhân nào hết, tức là không có sự việc bao giờ hết.
 
d - Về phương thức tồn tại:
 
Có thể nói mọi hiện tượng đều có tính chất có điều kiện, nghĩa là không có thực thể nào tuyệt đối vô điều kiện (nghĩa là không có Thượng đế). Nhưng mặt khác, cũng có thể nói có thực thể tất nhiên tuyệt đối, vì nếu không thì những điều kiện không biết dựa vào cái gì. Phải có một cái gì tuyệt đối để mọi vật dựa vào.
 
Đó là 4 mâu thuẫn trong vũ trụ quan cũ. Theo Kant, sở dĩ những mâu thuẫn ấy xuất hiện và thành nội dung của những cuộc tranh luận liên miên giữa những nhà huyền học cũ, vì ở đây lý tính đã sử dụng trí tuệ ngoài phạm vi kinh nghiệm thực sự. Ví dụ thế giới quan khoa học vô hạn đã đi ra ngoài kinh nghiệm thực sự. Do đó, không thể đặt vấn đề là hữu hạn hay vô hạn. Kant cho rằng mâu thuẫn này xuất phát từ cách đặt vấn đề sai lầm, đáng lẽ chỉ sử dụng những phạm trù của lý tính trong phạm vi kinh nghiệm, nhưng ở đây đã đặt vấn đề sử dụng trong toàn bộ. Thực tế, trong kinh nghiệm không bao giờ nắm được toàn bộ. Đó là những mâu thuẫn của lý tính thuần túy.
 
2 - Phê phán lý thuyết về Thượng đế.
 
Cuối cùng, nếu xét đến khái niệm Thượng đế tức phần cuối cùng của huyền học cũ, thì chúng ta cũng thấy khái niệm Thượng đế xuất phát từ sự sử dụng bất chính một phạm trù của trí tuệ. Phạm trù ấy có ý nghĩa trong thực tế kinh nghiệm. Đó là phạm trù hỗ tương tác dụng. Mọi vật tác dụng lẫn nhau thì đó là đúng, nhưng nhà huyền học vận dụng phạm trù ấy ra ngoài kinh nghiệm, đặt vấn đề hỗ tương tác dụng trong toàn hộ tức là vấn đề thực thể tuyệt đối. Khái niệm Thượng đế là do một phạm trù chân chính của trí tuệ nhưng bị sử dụng một cách bất chính.
 
Căn cứ vào đấy, Kant phê phán tất cả những cái trước kia gọi là dẫn chứng của sự tồn tại của Thượng đế. Có 3 dẫn chứng:
 
- Dẫn chứng thực thể chủ nghĩa;
- Dẫn chứng vũ trụ quan chủ nghĩa;
- Dẫn chứng mục đích chủ nghĩa.
 
a - Dẫn chứng thực thể chủ nghĩa.
 
Nói rằng khái niệm Thượng đế là khái niệm của toàn bộ tất cả cái gì có thể có được. Toàn bộ tất cả cái gì có thể có được tất nhiên là có, vì trong khái niệm ấy đã có sự tồn tại. Kant cho rằng nói như thế không được, vì nói Thượng đế là thực thể tuyệt đối nhưng không có cái gì chứng minh là cái đó có thực, mà nó chỉ là một định nghĩa có tính cách danh từ. Chúng ta có thể xây dựng khái niệm với bất kỳ thuộc tính gì, nhưng trong thuộc tính không thể để sự tồn tại, nghĩa là không thể xây dựng cái tồn tại bằng khái niệm. Sở dĩ chuyển từ danh từ sang thực tại, vì căn bản đã sử dựng phạm trù một cách toàn bộ ngoài kinh nghiệm thực sự, đặt một thực thể toàn bộ tuyệt đối mà không đặt những điều kiện kinh nghiệm. Nắm như thế chỉ là nắm một danh từ thôi. Dẫn chứng thực thể chủ nghĩa là một lập luận sai, nhưng sai có hệ thống, vì lý tính đã sử dụng một phạm trù của trí tuệ, nhưng sử dụng một cách không chân chính, ngoài kinh nghiệm. Trong kinh nghiệm, ta chỉ nắm được những toàn bộ tương đối, trong đó những bộ phận thực sự tác dụng lẫn nhau, mà không bao giờ nắm được một toàn bộ tuyệt đối, vì thực sự nó không có trong kinh nghiệm. Vì chúng ta đã quen vận dụng phạm trù hỗ tương tác dụng trong kinh nghiệm, vả lại muốn dùng nó ngoài kinh nghiệm, tuyệt đối hóa phạm trù thì sẽ sai lầm. Ví như con chim càng bay cao bao nhiêu càng thấy nhẹ nhàng bấy nhiêu, rồi nghĩ đến chuyện thoát khỏi phạm vi không khí để được tuyệt đối nhẹ nhàng, nhưng đã quên rằng bay cao mấy vẫn phải dựa vào không khí chứ không thể thoát khỏi thế gian mà bay cao hơn nữa. Đấy là nhận xét dẫn chứng căn bản của thần học cũ.
 
b - Dẫn chứng vũ trụ quan chủ nghĩa
 
Vũ trụ quan chủ nghĩa dựa vào tính chất có điều kiện của mọi hiện tượng trong vũ trụ. Tất cả mọi hiện tượng đã có điều kiện, thì toàn bộ phải dựa vào một cái gì vô điều kiện, nếu không thì không bao giờ có cái gì hết. Cái toàn bộ phải dựa vào một cái vô điều kiện tức là Thượng đế.
 
Đây cũng là sự vận dụng phạm trù của trí tuệ một cách không chân chính, ngoài kinh nghiệm (vì trong kinh nghiệm cái gì cũng phải có điều kiện).
 
c - Dẫn chứng mục đích chủ nghĩa
 
Thuyết này dựa vào nhận xét rằng mọi vật đều có mục đích. Nhưng nếu muốn đi đến Thượng đế, tức là thực thể tất nhiên tuyệt đối, tất nó phải dựa vào dẫn chứng thực thể chủ nghĩa.
 
Kết quả của phê phán luận của Kant là ta đã có một số phạm trù có giá trị có thể ứng dụng trong kinh nghiệm, tức là xây dựng một khoa học tự nhiên, nhưng không có quyền vận dụng những phạm trù ấy ngoài phạm vi kinh nghiệm, để xây dựng khái niệm vũ trụ toàn bộ, khái niệm Thượng đế, thực thể tuyệt đối. Huyền học không thể đi xa hơn khoa học, vì nếu đi xa hơn, nó căn bản cũng phải vận dụng những phạm trù của khoa học, nhưng nó vận dụng ngoài kinh nghiệm. Kant là người đã có công chấm dứt huyền học cũ, bằng cách phê phán dứt khoát. Sau Kant, trừ tổ chức Giáo hội là còn dạy 3 dẫn chứng cũ, còn các triết gia thì không một ai sáng tác theo kiểu ấy nữa.
 
Công trình của Kant có tính chất lịch sử, nhưng mặt khác, trong khi phê phán huyền học, Kant lại tuyệt đối hóa phạm trù của khoa học tự nhiên, nên lại sa vào một thứ huyền học mới. Cơ sở giai cấp của huyền học ấy đã đưa nó tới chỗ không nắm được khách quan tuyệt đối, mà chỉ nắm được một đối tượng của ý thức có tính chất khách quan đối với chúng ta. Những hiện tượng đó có tính chất khách quan trong ý thức mà thôi, nhưng trong ý thức nó vẫn có tính chất khách quan. Thế giới khách quan mà Kant biện chính trên lập trường duy tâm là thế giới khoa học mới theo quy luật số lượng và nhân quả. Nó là thế giới khách quan của khoa học máy móc, do giai cấp tư sản đang lên xây dựng. Kant công nhận và biện chính nó, nhưng chỉ công nhận nó là do những quy luật sắp xếp cảm giác, không công nhận nó là một thế giới thực sự. Vì Kant đã biện chính thế giới quan mới, nên trong đoạn này, Kant có phần tiến bộ ở chỗ chống thế giới quan cũ. Trong thế giới quan cũ thì những phạm trù của trí tuệ được áp dụng một cách tuyệt đối vô điều kiện - vô điều kiện tức là ngoài kinh nghiệm.
 
Ở đây, Kant chứng minh rằng những phạm trù ấy chỉ có thể ứng dụng với điều kiện là hạn chế trong phạm vi kinh nghiệm. Những phạm trù ấy chỉ có giá trị lúc nó được ứng dụng vào cảm giác. Ngoài việc ứng dụng vào cảm giác, nó không có đối tượng nữa, tức là vô giá trị. Quá trình ứng dụng những phạm trù để xây dựng một thế giới quan có tính chất khoa học theo quy luật nhất định, phổ cập và tất yếu, là quá trình trong ý thức chủ quan phản ánh quá trình thực sự xây dựng thế giới mới theo kỹ thuật máy móc mới. Kant đã mô tả quá trình xây dựng một đối tượng trong ý thức theo những quy luật máy móc của kỹ thuật thực sự mới xuất hiện trong xã hội. Chính sức sản xuất mới là kiểu mẫu của quá trình xây dựng ý thức mà Kant đã mô tả trên lập trường duy tâm. Kant nói: cái đó đối với tôi là vật mà tôi xây dựng trong ý thức theo quy luật. Trong thực tế khách quan, cái mà người ta xây dựng thực sự theo quy luật nhất định, chính là sản phẩm sản xuất theo kỹ thuật máy móc. Nhưng Kant đã duy tâm hóa quá trình xây dựng ấy, biến quá trình xây dựng thiết thực thành một quá trình xây dựng trong tinh thần, theo quy luật tinh thần. Nội dung thì có tính chất tiến bộ vì nó phản ánh sức sản xuất mới, nhưng lập trường thì phản ánh điều kiện thực tế của giai cấp tư sản Đức đương thời, tức là chỉ hiểu biết kỹ thuật mới trong phạm vi duy tâm chứ không nắm được một cách thực sự. Do đấy sau này, đến lúc giai cấp tư sản Âu Tây đã nắm được quyền thống trị rồi thì cái mà Kant gọi là suy luận tiên nghiệm của phạm trù (tức là suy luận giá trị thuần túy trước kinh nghiệm của phạm trù của trí tuệ) được rất nhiều tác dụng, vì nó chứng minh phương thức sản xuất tư sản có giá trị khách quan. Nhưng mặt khác, giá trị khách quan ấy chỉ có trong ý thức mà thôi. Nó dựa vào kinh nghiệm, có ứng dụng trong kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm đó chỉ được công nhận trong phạm vi ý thức chủ quan. Nó đã biện chính tất cả những điều kiện thiết thực để phát triển phương thức sản xuất tư sản, nhưng không cho đi xa hơn, nghĩa là không công nhận rằng phương thức sản xuất là thực tế khách quan, có thực ngoài ý thức. Do đấy, nó chống được lập trường duy vật, tức là chống được tư tưởng tiến bộ của giai cấp công nhân. Để kiểm tra kết quả của suy luận tiên nghiệm của phạm trù, Kant xét lại những lập luận giáo khoa của huyền học cũ, và chứng minh rằng sở dĩ đã có những lập luận ấy là vì lý tính đã sử dụng những phạm trù của trí tuệ ngoài phạm vi kinh nghiệm, mà sử dụng như thế tất nhiên phải sai lầm.
 
III - BIỆN CHỨNG PHÁP TIÊN NGHIỆM
        (Dialectique transcendantale)
 
Tức là giới thiệu và phê phán những lập luận của huyền học cũ. Những lập luận mà Kant gọi là biện chứng, nghĩa là không có giá trị thức tế, chỉ có giá trị chủ quan của nó. Về căn bản, biện chứng của Kant chỉ là một lập luận có giá trị chủ quan, xuất phát từ chủ quan của ý thức nhưng không có giá trị thực tế: nó là lý luận suông nhưng có thật, theo quy luật nhất định, chứ không phải lung tung. Biện chứng pháp tiên nghiệm phê phán 3 phần của huyền học giáo khoa là:
 
- Lý thuyết về tâm lý
 
- Lý thuyết về vũ trụ
 
- Lý thuyết về Thượng đế.
 
l - Phê phán lý thuyết về tâm lý
(tức phê phán tâm lý học lý tính)
 
Nói chung, trong huyền học cũ, phần đó nhằm chứng minh rằng tâm hồn có giá trị tuyệt đối, là một đơn vị tuyệt đối, bất di bất dịch, không phụ thuộc vào vật thể: không chết sau khi vật thể chết. Ý thức có một tính chất thống nhất tuyệt đối. Tính chất thống nhất ấy bảo đảm sự tồn tại của ý thức ngoài những hiện tượng biến chuyển của vật thể. Vật thể có thể chết nhưng linh hồn thì bất diệt, vì linh hồn có tính chất thống nhất. Vật thể thì có thể phân tán. Kant đã phê phán lý thuyết đó như sau:
 
Ý thức có tính chất thống nhất thực, nhưng thống nhất trong ý thức thực sự áp dụng những phạm trù của trí tuệ vào cảm giác, trong lúc liên kết những cảm giác thành đối tượng khách quan. Nó chỉ có trong hoạt động thực sự của trí tuệ để liên kết những cảm giác, chứ nó không phải là một thực thể có thể nắm được như một thực thể trong vũ trụ. Nhà huyền học cũ đã biến tính chất thống nhất trong hoạt động thực sự của trí tuệ thành một thực thể là linh hồn bất diệt. Làm như thế là không đúng. Chúng ta không có quyền biến hoạt động của trí tuệ thành một vật có tính chất thực thể. Sở dĩ những nhà huyền học cũ đã biến hoạt động thực sự của trí tuệ thành một thực thể tinh thần là vì họ đã đi quá phạm vi chân chính của trí tuệ, là hoạt động sắp xếp những hiện tượng khách quan tức là xây dựng vũ trụ đi đến chỗ muốn nhằm cái thống nhất vô điều kiện (sắp xếp điều kiện là cảm giác). Sai lầm về vũ trụ quan cũng xuất phát từ sai lầm tư tưởng.
 
2 - Lý thuyết về vũ trụ
 
Nhà huyền học cũng đòi hỏi một điều kiện vô điều kiện, vận dụng phạm trù của trí tuệ một cách tuyệt đối, nhằm thế giới là kinh nghiệm, nhưng không hạn chế trong kinh nghiệm mà lại đi quá, nên tất yếu gặp mâu thuẫn, có 4:
 
a - Về mặt số lượng: có thể nói thế giới vô hạn trong không gian và thời gian, nhưng cũng có thể cho là có hạn trong không gian và thời gian (nếu không có lúc đầu tiên, không có hạn thì sẽ không nắm được cái gì có hạn hay không có hạn).
 
b - Về chất lượng: có thể nói thực thể có thể phân chia vô hạn, nhưng cũng có thể nói có hạn, đến một lúc nào có những yếu tố đơn giản thuần túy và chia được, nếu không không thể có một toàn thể.
 
c - Quan hệ nhân quả: có thể nói rằng quan hệ này kế tiếp một cách vô hạn, nhưng cũng có thể có một nguyên nhân tuyệt đối, nếu không không bao giờ chúng ta nắm được nguyên nhân nào hết và không thể có bây giờ;     
 
d - Phương thức tồn tại: có thể nói mọi hiện tượng đều có tính chất có điều kiện (không có thực thể tất nhiên tuyệt đối, vô điều kiện - Thượng đế), nhưng mặt khác có thể nói có một thực thể tất nhiên tuyệt đối, nếu không mọi vật không biết dựa vào gì.
 
Theo Kant, đó là mâu thuẫn căn bản trong huyền học cũ, và trở thành nội dung tranh luận của các nhà huyền học cũ, cũng vì lý tính sử dụng phạm trù trí tuệ ngoài kinh nghiệm thực sự (kinh nghiệm có hạn nhưng phát triển được mãi), và đặt vấn đề toàn bộ. Đó là những mâu thuẫn của lý tính thuần túy. Cuối cùng xét đến kinh nghiệm Thượng đế thì nó cũng xuất phát từ việc sử dụng một cách không chân chính, «quá mức» một phạm trù của trí tuệ mà nó có giá trị trong phạm vi kinh nghiệm.
 
3 - Lý thuyết về Thượng đế
 
Thượng đế: Phạm trù «hỗ tương tác động» có giá trị trong thực tế kinh nghiệm, nhưng nhà huyền học đặt vấn đề trong toàn bộ tất cả cái gì có thể có được là thực thể tuyệt đối.
 
Căn cứ vào đó, Kant có thể phê phán tất cả dẫn chứng về tồn tại Thượng đế. Đó là những dẫn chứng: thực thể chủ nghĩa – vũ trụ quan chủ nghĩa - mục đích chủ nghĩa.
 
a - Thực thể [chủ nghĩa] là dẫn chứng căn bản: kinh nghiệm Thượng đế là kinh nghiệm về toàn bộ tất cả cái gì có thể có được, do đó phải có. Trong điều kiện kinh nghiệm đã có sự tồn tại, Thượng đế là một thực thể tất nhiên, tuyệt đối, tồn tại vô điều kiện.
 
Kant cho rằng không được, vì không thể định nghĩa danh từ rồi tự mình bắt buộc mình công nhận. Tồn tại không phải là một tính chất thường mà ta có thể định nghĩa được bằng những thuộc tính của khái niệm. Tồn tại chỉ nắm được bằng kinh nghiệm, không thể xây dựng tồn tại bằng khái niệm, như thế đã chuyển từ danh từ sang thực tại. Sở dĩ như thế vì đã sử dụng phạm trù ngoài phạm vi kinh  nghiệm thực tế, nên chỉ là danh từ, vì không đặt cho tồn tại những điều kiện trong kinh nghiệm. Vì lý tính đã sử dụng một phạm trù chân chính của trí tuệ ra ngoài kinh nghiệm: trong kinh nghiệm, ta chỉ nắm được giống như một con chim càng bay cao càng nhẹ, có ý nghĩ là nếu thoát khỏi thế gian thì bay rất nhẹ nhàng, bay cao mãi, mà không biết là thoát khỏi không khí thì không bay được.
 
b - Vũ trụ chủ nghĩa: mọi hiện tượng trong vũ trụ đều có điều kiện, nhưng như thế nó phải dựa vào một cái gì vô điều kiện, nếu không thì không thể có nó; đây cũng là sự vận dụng ra ngoài kinh nghiệm một phạm trù chân chính: trong kinh nghiệm thì cái gì cũng có điều kiện, nhưng ta chỉ có thể đi từ hiện tượng này đến hiện tượng khác, không thể đi tới một thực thể tuyệt đối ngoài vũ trụ.
 
c - Mục đích chủ nghĩa: mọi vật trên thế giới đều có mâu thuẫn. Ở đây, Kant phê phán đứng về mặt khái niệm. Khái niệm của mục đích luận không chân chính. Chúng ta có một số phạm trù chân chính, có thể dựa vào đấy chắc chắn để xây dựng khoa học tự nhiên, nhưng không thể sử dụng nó ra ngoài kinh nghiệm để chứng minh những khái niệm của huyền học, không có gì có thể đi xa hơn khoa học.
 
Kant có công lớn trong việc chấm dứt huyền học cũ. Ông đã phê phán đứt khoát và thực tế không trở lại nữa (trừ trong các nhà tu) phạm vi triết học. Nhưng mặt khác, trong khi phê phán huyền học thì lại tuyệt đối hóa những phạm trù của khoa học tự nhiên, đi đến một thứ huyền học mới.
 
C - Ý NGHĨA TRIẾT HỌC LÝ THUYẾT CỦA KANT
 
Ý nghĩa triết học lý thuyết của Kant là một chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm, xây dựng khách quan trên cơ sở chủ quan, nhưng không phải là chủ quan cá nhân, mà là chủ quan có giá trị phổ cập. Nhưng nó vẫn là chủ quan, là duy tâm: Kant có phê phán tôn giáo của thần học cũ, nhưng lại mở đường tái lập tôn giáo một cách khác. Trong phê phán huyền học của Kant, có phần tiến bộ là: Kant đã đề cao:
 
- Điều kiện của kinh nghiệm cảm giác: thời gian và không gian.
 
- Kinh nghiệm làm nội dung tất yếu của cảm thức chân chính. Trong phần cảm giác luận, Kant đã chứng minh rằng không thể lẫn lộn điều kiện của cảm giác với điều kiện của tư tưởng. Những điều kiện ấy là điều kiện của đối tượng kinh nghiệm trong cảm giác. Tư tưởng phải phục tùng điều kiện ấy. Đó cũng là cơ sở để phê phán huyền học tôn giáo.
 
Kant tuy đứng trên lập trường duy tâm nhưng đề cao kinh nghiệm, đề cao lao động trong kinh nghiệm, tuy chỉ là lao động tinh thần. Kant tuy đứng trên lập trường duy tâm, có quy định một số điều kiện của khoa học, phản ánh hoàn cảnh thực tế của khoa học bấy giờ, và xét tới cùng, cũng là do hiệu lực của phương thức sản xuất (phương thức sản xuất tư bản, đương tiến bộ). Lao động trí óc của nhà khoa học xây dựng vũ trụ theo quy luật lý tính, nó phản ánh điều kiện lao động thực sự, thực hiện một phương thức sản xuất có tổ chức chính xác, tức là phương thức sản xuất máy móc.
 
Trên cơ sở ấy, Kant chứng minh rõ ràng không thể có quyền vận dụng lý tính một cách thuần túy ngoài kinh nghiệm, để biện chính cho những mệnh đề cựu truyền của huyền học như sự bất diệt của linh hồn, sự tồn tại của Thượng đế, v.v... Tính chất tuyệt đối, bất di bất dịch, mà nhà huyền học xây dựng trong khái niệm linh hồn đó chỉ là tính chất thống nhất của tư tưởng trong quá trình xây dựng kinh nghiệm thực sự. Những giá trị thống nhất ấy chỉ có trong quá trình xây dựng ấy thôi, ta không thể biến nó thành một thực thể như linh hồn bất diệt. Cũng như những khái niệm của chúng ta về vũ trụ chỉ có giá trị trên cơ sở kinh nghiệm, do đó không thể quy định một thế giới ngoài kinh nghiệm thực sự. Đó là công trình lớn của Kant: ông nắm vững những điều kiện hoạt động thực sự của trí tuệ (kinh nghiệm thực tế). Nó phản ánh sự tiến bộ nói chung của giai cấp tư sản Âu Tây bấy giờ: đã đi đến yêu cầu Cách mạng tư sản Pháp, ảnh hưởng đến toàn bộ Âu Tây. Tư tưởng của Kant đã phản ánh được cái mức độ cao đó, nhưng trong phạm vi hoàn cảnh giai cấp tư sản Đức, thì chỉ quan niệm cách mạng trong tinh thần: đánh đổ huyền học trong tinh thần, với vũ khí tinh thần, tức là dựa vào các điều kiện chủ quan của kinh nghiệm thực tế (không gian và thời gian) quan niệm như là hình thức của cảm giác, đồng thời cũng dựa vào những phạm trù của trí tuệ. Do đấy, Kant đi đến chỗ định nghĩa một thế giới duy lý và có hình thức khách quan, nhưng cũng là một thế giới tinh thần, chỉ có trong phạm vi ý thức. Thành ra, Kant không tin tưởng thực sự ở thế giới mới mà cho nó là một thế giới hiện tượng (không phải là một thế giới tự tại), do đó ta có thể tưởng tượng một thế giới tự tại trong đó tái lập những khái niệm cũ về linh hồn và Thượng đế. Kant đã dựa vào đâu để tái lập sự bất diệt của linh hồn và sự tồn tại của Thượng đế một khi đã bác bỏ nó ra ngoài thế giới khoa học? Kant đã dựa vào luân lý trong cuốn Phê phán lý tính thực tiễn.
 
V – TRIẾT LÝ THỰC TIỄN
       Phê phán lý tính thực tiễn
 
I - LẬP LUẬN CỦA KANT
 
Lý tính thực tiễn của Kant gồm có 3 phần:
 
1 - Phân tích khái niệm ý thức nhiệm vụ:
 
Kant phân tích những ưu điểm trong người ta và những động cơ của người ta:
 
Người ta có tài về mọi mặt và có phúc thì lại phụ thuộc vào điều kiện khách quan. Tài ấy, phúc ấy, có thể coi lại cũng phải đặt vấn đề: tài, của dùng như thế nào, ở đâu mà ra? Vì cũng có người có tài mà không được tôn trọng, nếu họ sử dụng tài của họ một cách không chính đáng.
 
Cho nên cái ưu điểm tuyệt đối mà chúng ta đề cao vô điều kiện là ý thức về nhiệm vụ, thực hiện với khả năng của mình. Ví dụ: một người không có tài, không có của, nhưng có ý thức nhiệm vụ, thực hiện nhiệm vụ theo khả năng thì được chúng ta đề cao hơn là người có tài, có của mà không có ý thức nhiệm vụ. Vì tài, của đó có thể sử dụng một cách không tốt. Xét về động cơ hoạt động, thì động cơ nào được người ta trọng? Động cơ vì quyền lợi hay tình cảm có phải là những động cơ được ta đề cao một cách vô điều kiện không? Không, vì tình cảm hay quyền lợi có khi là những động cơ tốt, có khi là những động cơ xấu. Ý thức nhiệm vụ thì chúng ta lại đề cao vô điều kiện. Ý thức nhiệm vụ có khi đối lập với tình cảm hoặc quyền lợi, nhưng bao giờ nó cũng phải trước. Ý thức nhiệm vụ thực hiện với khả năng sẵn có thì được đề cao một cách vô điều kiện. Đó là cái tài sản chung của tư tưởng nhân dân, trong nhân dân người ta đề cao cái ấy. Nhưng ý thức nhiệm vụ chỉ là một trạng thái chủ quan thôi. Vậy nhiệm vụ ấy là nhiệm vụ gì? Đối tượng của nó là gì? Nếu đề cao nó một cách tuyệt đối, thì chúng ta không thể nào quan niệm cái đối tượng của nó ngoài cái hình thức nhiệm vụ ấy: nếu nói là vì gia đình, vì Tổ quốc, v. v... thì nó vẫn hữu hạn. Cái vô điều kiện là cái mệnh lệnh pháp luôn luôn có trong lương tâm là chúng ta phải hoạt động với ý thức nhiệm vụ.
 
2 - Công thức và tính chất của mệnh pháp luân lý.
 
Công việc của một người làm có thể sai lầm hoặc thất bại, nhưng nếu hành động với ý thức chân chính thì vẫn được tôn trọng. Nội dung của nó là hình thức mệnh pháp của lương tâm, quy định cho người ấy phải hoạt động với ý thức nhiệm vụ theo đúng với một mệnh pháp phổ cập. Trong điều kiện ấy, ai ai cũng có bổn phận phải làm như thế, nếu làm khác thì không phải là theo hình thức mệnh pháp phổ cập. Thí dụ: một người có thể ăn cắp, nhưng có thể đặt ai ai cũng ăn cắp được không? Không được, như thế hành động ăn cắp không phải là hành động theo mệnh pháp phổ cập. Nhưng làm thế nào không dựa vào một động cơ cụ thể như quyền lợi hay tình cảm mà có được một hành động thực sự? Nói một cách khác, làm thế nào hoạt động ấy không dựa vào quyền lợi tự nhiên của con người mà có thể làm thỏa mãn được con người, thực hiện được ưu điểm cao nhất? Vấn đề này Kant trả lời trong phần biện chứng pháp của lý tính thực tiễn.
 
3 - Biện chứng pháp của lý tính thực tiễn
 
Kant đã trả lời : Điều kiện thực sự thực hiện ý thức nhiệm vụ ấy là:
 
a - Ý thức nhiệm vụ có thể hoạt động ngoài động cơ tự nhiên, vì chúng ta có quyền tự do đối với tự nhiên, ta không chỉ là một vật thể tự nhiên mà còn là một thực thể tự do. Kant đã đặt quyền tự do tuyệt đối ngoài tự nhiên.
 
b - Làm sao khi thực hiện nhiệm vụ ấy, nó thỏa mãn chúng ta một cách đầy đủ, nghĩa là cái gì bảo đảm cái ưu điểm tuyệt đối ấy tiến lên ưu điểm cao nhất. Còn có những người trong thực tế làm đầy đủ nhiệm vụ mà vẫn phải chịu gian nan đau khổ. Vậy thì có thể nói cái ưu điểm tuyệt đối ấy là ý thức nhiệm vụ, nhưng nó chưa là cao nhất, mà cái ưu điểm cao nhất là làm nhiệm vụ mà được hạnh phúc. Cho nên ý thức nhiệm vụ mà không thống nhất với hạnh phúc vẫn không đủ. Giải quyết vấn đề này, Kant đã đi ra ngoài tự nhiên và trở lại với Thượng đế. Kant bảo phải tin tưởng ở Thượng đế, vì thực tế không bảo đảm được sự thống nhất giữa nhiệm vụ và hạnh phúc trong trần gian.
 
2 - PHÊ PHÁN
 
1- Phê phán lập luận của Kant
 
Công trình phân tích của Kant có tính chất chân chính, nhưng rất hữu hạn và bị phê phán rất nhiều, ngay cả trong thời ông.
 
a - Nếu nói ý thức nhiệm vụ là ưu điểm tuyệt đối, và muốn nắm được, phải gạt bỏ động cơ tự nhiên. Vậy ông bắt buộc chúng ta phải hành động như thế nào? Phải chăng chúng ta có thể gạt bỏ hết tình cảm mà thực hiện được nhiệm vụ thuần túy không?
 
Có phải vì tôi thích mà tôi làm thì ưu điểm kém đi hay sao? và càng ghét nhiệm vụ, nhưng vì nhiệm vụ mà làm thì lại càng được trọng dụng hay sao? Phân tích như Kant thì đến kết luận muốn có ưu điểm thì phải ghét nhiệm vụ. Vậy thì lấy động cơ gì? dựa vào đâu? và làm cái gì?
 
Vì thế phần chân chính của Kant chỉ có giá trị tương đối: đề cao hình thức nhiệm vụ. Nhưng chỗ sai của Kant là tuyệt đối hóa nó, lấy hình thức của nó làm ưu điểm, tuyệt đối không có nội dung.
 
b - Theo Kant thì ý thức nhiệm vụ dựa vào một mệnh pháp phổ cập, mơ hồ, phát hiện quyền tự do của con người trên mọi quyền lợi cá nhân, nhưng mệnh pháp phổ cập ấy dựa vào đâu, thì Kant cũng không giải quyết được. Kant cũng đã nói hình thức ấy cũng là nội dung. Đối tượng của mệnh pháp luân lý là nhân tính thuần túy, còn nhân tính là mục đích chứ không phải là phương tiện. Xét đến cùng, nhân tính ấy cũng chỉ là hình thức không có nội dung, bắt nguồn ở một động cơ siêu nhiên là Thượng đế.
 
2- Phê phán theo nội dung giai cấp
 
Tại sao đến Kant mới đề cao ý thức nhiệm vụ đó một cách tuyệt đối, đến nỗi không còn nội dung gì nữa. Sở dĩ Kant đã gạt bỏ tất cả những ưu điểm trước kia đặt ra, là vì với cách mạng tư sản, một hình thức mới trong những quan hệ giữa người với người đã được xây dựng. Đó là hình thức pháp lý đối lập với các quan hệ trước như ban ơn, như quan hệ gia đình, nghĩa hiệp v. v... Với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, quan hệ này đã chấm dứt mọi quan hệ được quy vào một hình thức chung phổ cập có tính chất duy ý: quan hệ trao đổi hàng hóa. Đây là quan hệ bình đẳng hình thức giữa những người trao đổi không có vấn đề tình cảm cá nhân.
 
Pháp lý được xây dựng là một hình thức phổ cập gạt bỏ những động cơ trước. Chính cái đó mà tư tưởng tư sản đã lý tưởng hóa trong khái niệm ý thức thuần túy về nhiệm vụ. Tất nhiên, trong thực tế sự trao đổi hàng hóa cũng phải dựa vào động cơ cá nhân, nhưng trong hình thức nó gạt bỏ động cơ cá nhân ấy. Pháp lý mới được lý tưởng hóa trong luân lý của Kant. Nó có tính chất tiến bộ, vì nó đả phá quan niệm cũ: đề cao ý thức nhiệm vụ; nhưng nó duy tâm và phản ánh pháp lý tư sản, đại diện cho quyền lợi giai cấp tư sản dưới hình thức tự do và bình đẳng. Nó có tính chất khô khan, vì nó phản ánh tính chất khô khan của pháp lý tư sản, vì quan hệ sản xuất hàng hóa gạt bỏ động cơ có nội dung tình cảm, đặt quan hệ giữa người và người có tính chất duy lý theo một nguyên tắc tự do và bình đẳng. Cái bình đẳng tự do này có phần chân chính, nó đã đả phá phong kiến, bảo đảm một phần nào quyền lợi nhân dân, nhưng trên hình thức thôi; còn nội dung là quyền lợi của giai cấp tư sản. Đó chính là nội dung luân lý của Kant. Trong phạm vi của Kant, mâu thuẫn được giải quyết như thế nào? Khi Kant đề ra quyền tự do tuyệt đối của lý tính con người, thì lại có mâu thuẫn giữa quyền tự do tuyệt đối ấy và thế giới quan quy luật tính của khoa học mới mà Kant đã thiết lập trong cuốn phê phán lý tính thuần túy.
 
Theo Kant, mọi vật đều theo quan hệ nhân quả, và nằm trong những hình thức tiên nghiệm không gian và thời gian. Chúng ta chỉ có thể biết thế giới tự nhiên ấy thôi. Với cuốn «Phê phán lý tính thực tiễn», hình như lại xuất hiện một thế giới quan luân lý mới có một quyền tự do tuyệt đối, có một mệnh pháp tuyệt đối chống lại tự nhiên (quyền lợi và tình cảm). Kant tìm cách giải quyết mâu thuẫn này bằng thẩm mỹ học.
 
VI - THẨM MỸ HỌC CỦA KANT
        Phê phán năng 1ực phán đoán
 
1 - NỘI DUNG
 
Làm sao trong tự nhiên lại có một vật không theo quy luật tự nhiên, lại theo lý tính, do đó có quyền tư do đối với tự nhiên theo hình thức mệnh pháp phổ cập ngoài siêu nhiên? Kant đã trả lời: vấn đề này không thể biện chính theo lý luận được, vì nó có hai hệ thống song song tồn tại. Khoa học tự nhiên và luân lý mâu thuẫn nhau. Ta chỉ có thể biện chính tương đối bằng thí dụ thẩm mỹ. Trong thẩm mỹ, có sự điều hòa không thể giải thích bằng lý luận, nhưng có thực trong tự nhiên và lý tính. Nếu phân tích nhận xét của ta về cái đẹp, thì thấy hình thức nhận xét về thẩm mỹ khác với nhận xét về đối tượng tự nhiên vì:
 
a - Một vật đẹp gây cho ta một trạng thái khoan khoái không phụ thuộc vào động cơ hay một xu hướng tự nhiên nào cả. Ví dụ trông thấy một bức tranh vẽ một nải chuối chẳng hạn, nếu bức tranh đẹp, chúng ta cảm thấy khoan khái, một khoan khoái vô tư vì không thỏa mãn một nhu cầu vật chất gì cả (ăn ngon).
 
b - Nhận xét thẩm mỹ có giá trị phổ cập nghĩa là được mọi người công nhận: nhưng giá trị ấy là không phụ thuộc vào một khái niệm nào cả. Thí dụ: đo chiều dài, chiều rộng của một vật, hay xét quả đất quay chung quanh mặt trời trong một năm, thì những nhận xét ấy có giá trị phổ cập và đưa đến khái niệm đúng đắn. Nhưng trong thẩm mỹ học, thì không dựa vào khái niệm như trên được.
 
c - Nhận xét thẩm mỹ học có tính chất mục đích, nhưng không nhằm một mục đích cụ thể: cái đẹp có một sự điều hòa giữa các bộ phận, hình như các bộ phận được sắp xếp theo một quy luật mục đích, nhưng không thể đặt cho nó một mục đích cụ thể được.
 
d - Nhận xét ấy đúng thì có chân lý, nhưng nó không dựa vào một thực tế khách quan. Chính vì nhận xét cái đẹp là một chân lý nên nó là một thực tế khách quan, có ý kiến thống nhất, nhưng không dựa vào một thực thể có thật.
 
2 - PHÊ PHÁN
 
a - Nhận xét thẩm mỹ của Kant dựa trên 4 đặc điểm trên có phần đúng là không thể máy móc quy định cái đẹp, cái mà trước kia gọi là thiên tài (nghệ thuật sáng tác) và thưởng thức (trí nhận xét). Nhưng một mặt khác, nhận định như vậy thì không còn cách gì nhận định ý nghĩa của tác phẩm nữa, không thể đặt một lý do gì biện chính cho sự nhận xét của chúng ta, chỉ còn thống nhất trên hình thức, không còn nội dung gì nữa. Đi xa hơn thì không phải nhận xét thẩm mỹ nữa. Sở dĩ có hình thức đẹp cũng là do ở nội dung của nó. Một vật đẹp thì phải biểu hiện một cái gì, một nội dung chân chính gì.
 
b - Quan niệm thẩm mỹ trên cũng xuất phát từ cơ sở giai cấp của Kant trong quá trình cách mạng tư sản: nghệ thuật có được giải phóng, nó không phục vụ trực tiếp một số người có địa vị rõ rệt như trong xã hội phong kiến nữa; nhà nghệ thuật không phải bám vào phong kiến mà có thể sinh sống bằng nghệ thuật của mình, trên cơ sở quan hệ trao đổi hàng hóa. Nhưng sự giải phóng đó cũng chỉ là hình thức. Vì thực tế thì tranh bán cho ai? Và ai có tiền mua? Tranh phải thỏa mãn người mua. Cho nên hình thức tự do cũng phục vụ tư sản, phủ định cái nội dung cũng là phục vụ cho tư sản. Giai cấp tư sản sống về hình thức, với hình thức ấy, nó phản ánh sâu sắc phương thức sản xuất tư sản là tự do cạnh tranh: cứ cạnh tranh rồi sẽ được điều hòa hết. Hình thức tự do này đã được tư sản đề cao trong quan niệm «nghệ thuật vị nghệ thuật».
 
VII - KẾT LUẬN
 
Tư tưởng của Kant biểu hiện những ưu và khuyết điểm của cách mạng tư sản một cách đặc biệt đúng đắn. Triết học của ông đã có nhiều ảnh hưởng trong giai đoạn đế quốc chủ nghĩa (tư bản tiếp tục phát triển khuyết điểm của ông). Trong triết học tư sản, đối lập với tư tưởng của giai cấp công nhân lúc bấy giờ, có hai hướng chính là Kant và Herder[10], nhưng hướng phổ cập vẫn là hướng của Kant, vì một mặt tư tưởng ông sát với quyền lợi của giai cấp tư sản, một mặt biện chính cho mọi kinh nghiệm thực tế của giai cấp tư sản: phê phán lý tính thuần túy (khoa học), phê phán lý tính thực tiễn (pháp lý) và thưởng thức thuần túy (thẩm mỹ học).
 
Đó là thế giới quan hình thức chỉ dựa vào hình thức mà đòi nắm được nội dung.
 

  
GHI CHÚ
Triết học của Kant
 
 
+ Thực tại: kinh nghiệm này khác nhau tùy triết gia. Trong Kant nó chỉ là thực tại tương đối, trong chúng ta kháclà thực tại tuyệt đối[11].
 
+ Duy tâm trên dựa vào những phạm trù chủ quan trước kinh nghiệm: phạm trù trí tuệ, tiên thiên của cảm giác - chủ quan có tính phổ cập.
 
+ Duy tâm kinh nghiệm không công nhận phạm trù nào. Nó dựa vào chủ quan cá nhân.
 
+ Phạm trù: kinh nghiệm của trí tuệ quy định tính chất căn bản của thực tế khách quan nào đó. Phạm trù ứng dụng vào hiện tượng mà rút ra quy luật. Phạm trù của Kant có trước kinh nghiệm, nhưng phải có kinh nghiệm nó mới có nội dung (Platon cho ý niệm là cần kinh nghiệm), Kant tiến bộ tương đối ở đây.
 
+ Ngộ tính: năng lực nhận xét. Lý tính: năng lực lý luận.
 
+ Kant phê phán cuộc tranh luận của các phái đối lập về Thượng dế, cho rằng không thể có vấn đề ấy được vì lý tính đã làm việc ngoài vốn liếng của ngộ tính.
 
- Vấn đề hữu hạn hay vô hạn là vô ích.
 
- Vấn đề nguyên nhân có hai phương diện: về hiện tượng vũ trụ thì vô hạn; về mặt tự tại có thể là một nguyên nhân tuyệt đối.
 
+ Thế giới quan: gồm vũ trụ quan và xã hội quan.
 
+ Trong huyền học Kant công nhận huyền học kinh nghiệm tự nhiên và về pháp lý.
 
+ Hại cho trật tự cũ, vì huyền học cũ chỉ nắm được phần máy móc mà không nắm được phần hoạt động, ở đây nó đi vào duy tâm. Hoạt động -- trong Kant là sự xây dựng cảm giác theo phạm trù, và ở Hégel là biện chứng pháp duy tâm -- có giá trị thực tế, vì nó phản ánh thực tế là quá trình xây dựng nhận thức phản ánh phương thức sản xuất. Sự hạn chế của tư tưởng Pháp, một phần do tình trạng khoa học bấy giờ, nhưng phần chính vì nó là duy vật máy móc, chỉ có thể máy móc thôi.
 
+ Kant cho những biến chuyển của thực tế theo những quy luật của trí tuệ. Kant cho kinh nghiệm là sự ứng dụng những phạm trù của trí tuệ - đó là vì có sự hạn chế làm cho không tin tưởng ở mình mà đi tìm chỗ khác. Huyền học đặt nó Thượng đế. (Thượng đế là điều kiện phát triển khoa học, vì trong thực tế nhà vua cần cho phát triển sản xuất tư sản), còn Kant không cho là Thượng đế, nhưng là trí tuệ thì cũng là một quyền lực duy tâm tinh thần, phản ánh tư sản còn phần nào chưa tin tưởng nó, và còn dựa vào giai cấp phong kiến, nhưng không nói rõ nó cần một nhà vua.
 
+ Yêu cầu cách mạng là yêu cầu của mức cao nhất.
 
Lập trường của Kant duy tâm, nhưng về nội dung chịu ảnh hưởng yêu cầu cách mạng tư sản Pháp, nên không thể đặt vấn đề Thượng đế.
 
+ Từ sự sắp xếp mệnh đề của huyền học, Kant rút ra phạm trù (mệnh đề sắp xếp theo số lượng, theo nhân quả...).
 
Métaphysiqueđều dịch bằng siêu hình, và huyền học. Nhưng siêu hình nhấn mạnh về phương pháp, sau này Mác, Engel dùng để đối lập với biện chứng; còn huyền học nhấn mạnh về nội dung, và tồn tại trong Trung Cổ và thế kỷ XVI.
 
Cảm giác: kết quả của tác dụng của khách quan vào cảm giác. Cảm giác là nguyên liệu xây dựng nên kinh nghiệm, kinh nghiệm có đối tượng.
 
Locke cho kinh nghiệm do cảm giác và tư duy (kinh nghiệm bên trong). Kant cho kinh nghiệm từ cảm giác, theo từng phạm trù của trí tuệ.
 
Kant phân biệt trí tuệ và lý tính, lý tính chỉ kinh nghiệm huyền học, lý tính là trí tuệ được sử dụng một cách toàn bộ, với hướng hệ thống hóa. Trí tuệ ứng dụng vào nhận xét.
 
Kinh nghiệm của Kant có tác dụng trong thế giới thực nhưng không áp dụng trong thế giới tự tại, nhưng đứng về luân lý thì có thể có ứng dụng được, tự tại đó là thế giới cũ; nó là đòi hỏi của lương tâm con người mà lương tâm không được thỏa mãn trong cuộc sống thực tại.
                                                                                                              
Sau khi phân tích ý thức, Kant nhận định ý thức con người về phương diện vật tự tại lên ở trên để: tự do tuyệt đối, linh hồn  bất diệt, Thượng đế - giả thuyết tất nhiên.
 
Tiêu chuẩn luân lý là mệnh pháp phổ cập.
 
Quan điểm thế giới tự tại
 
 - Khoa học sau này được thế giới quan khoa học thuần túy ứng dụng, khoa học về thực nghiệm nhưng duy tâm về luận lý, tư tưởng kinh nghiệm phê phán của Mach[12]và Avénarius[13]: khoa học chỉ có cảm giác và quan hệ giữa cảm giác thôi - phát triển khoa học thực nghiệm, nhưng phủ định giá trị của nó, phủ định thế giới quan, nhân sinh quan khoa học; đây là một hướng chính chống Mác -xít.
 
- Trong lịch sử cũ, vật lý học lý tính là toàn bộ vật lý chân chính, Kant phân biệt vật lý học thực sự nghiên cứu thế giới thực tại, nhưng trước đó có vẻ thuần túy nắm phần nguyên lý hình thức dựa vào quy luật trí tuệ, hình thức không gian và thời gian (quy luật hỏa lực kết hợp quy luật nhân quả với không gian và thời gian).
 
+ Nhân tính: nội dung của lương tâm.
 
+ Biện chứng pháp: Phương pháp tranh luận để tìm ra chân lý. Tranh luận là thước tư tưởng - qua một quá trình tư tưởng có thể đi đến sự thực, tư tưởng tự nó tới chân lý, không cần kinh nghiệm. Aristote cho biện chứng là nguy biện. Kant dựa vào đấy, cho lý luận cũ là một thứ biện chứng pháp, nhưng Kant công nhận giá trị quy luật về chủ quan của nó, và xuất phát điểm một cơ sở chân chính của nó, và như thế vì nó đòi tuyệt đối hóa 1 cơ sở chân chính và hướng tuyệt đối hóa cũng là chân chính, nhưng ông lại thực tế hóa hướng đó và xem là xong rồi.
 
Trong biện chứng pháp này có mang những tính chất của nó bấy giờ: Kant nắm được hướng hệ thống hóa, quy luật hỗ tương tác dụng, cơ sở của mọi quy luật biện chứng ngày nay, và Kant đã bộc lộ những sai lầm do sự vận dụng nó một cách tuyệt đối.
 
- Goethe[14]: tổng hợp mọi nhân văn từ trước. Đề cao lý tính nhưng cũng đề cao những hoạt động ngoài lý tính - nhân sinh quan nhằm lý tính, nhưng vẫn đề cao những hoạt động ngoài lý tính: bản năng, say mê...
 
Tiên thiên: (A priori): có trước kinh nghiệm.
 
- Vềthế giới tự tại, theo Kant, ta không hiểu biết gì hết, cũng không gọi là thế giới được, nó không bao hàm một khái niệm nào, nhưng vì đòi hỏi của thực tiễn ta có quyền tin có Thượng đế, v. v...
 
Nó phản ánh sự bất lực của giai cấp tư sản, là vì sáng tạo ra khoa học này và thể hiện trong phương pháp lý tính thực tiễn - nó phản ảnh ảnh hưởng phong kiến: ta không biết gì về thực tại ấy, nhưng có thể tin theo tín ngưỡng cũ (trên dưới, ban ơn, biết ơn có tính chất cá nhân), trái lại xóa bỏ nó và nêu một tiêu chuẩn mới mệnh pháp phổ cập - quan hệ tư sản, pháp lý tư sản – bình đẳng và tự do, hình thức quan hệ giữa người và người, quan hệ này được Kant tuyệt đối hóa đặt thành mệnh pháp luân lý, một thứ tiêu chuẩn phổ cập.
 
Công kích động cơ quyền lợilà công kích quan hệ biết ơn và ban ơn, đưa quyền lợi để biện chính cho quan hệ tư sản. Quan hệ trao đổi tư bản căn bản vẫn là quyền lợi, nhưng trên hình thức nó không nói ra, quan hệ tư sản được che đậy như thế để biểu hiện ra như một công lý chân chính.
 
- Vì không dựa vào một tiêu chuẩn cụ thể nào, nên Kant phải dùng tới linh hồn bất diệt, Thượng đế, để chứng minh làm theo luân lý đạt được ưu điểm tuyệt đối và ưu điểm cao nhất (hạnh phúc và tài) trong biện chứng pháp thực tiễn.
 
 
Trần Đức Thảo
(Lịch sử Tư tưởng trước Marx, tr. 386-423) 
 

Nguồn: Trần Đức Thảo. 1995. Lịch sử tư tưởng trước Marx. Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội. Bản điện tử: http://amvc.free.fr


[1]
 Allgemeine Naturgeschichte und Theorie des Himmels =  General History of Nature and Theory of the Heavens (1755) -  (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[2] Kritik der reinen Vernunft  = Critique of Pure Reason  = Critique de la raison pure (1781), Kritik der praktischen Vernunft = Critique of Practical Reason = Critique de la raison pratique (1788),  Kritik der Urteilskraft  = Critique of Judgement  =  Critique de la faculté de juger (1790) -  (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[3] Nicolaus Copernicus (1473 – 1543) nhà thiên văn học đầu tiên đã đưa ra thuyết nhật tâm (Mặt Trời ở trung tâm). Tác phẩm chính:  De revolutionibus orbium coelestium (Về sự chuyển động quay của các thiên thể, 1543) -  (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[4] Sturm und Drang(Dông tố và Đam mê, khoảng 1760-1780), phong trào văn học nghệ thuật Đức, đề cao chủ quan cá nhân và chủ trương giải phóng tất cả mọi tình cảm mãnh liệt của con người trước những gò bó xuất phát từ chủ nghĩa duy lý và thế kỷ Khai Sáng trong lĩnh vực này. Hai tác giả điển hình nhất của phong trào là triết gia Johann Georg Hamann (1730-1788) và văn hào Johann Wolfgang von Goethe -  (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[5] Johann Gottleib Fichte (1762-1814), triết gia duy tâm Đức. Tác phẩm chính: Principes fondamentaux de la Doctrine de la science (1794), Fondements du Droit naturel (1796-1797), Destination de l'homme (1800), Discours à la nation allemande (1807-1808) -  (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[6] Friedrich Wilhelm Joseph von Schelling (1775 – 1854), triết gia duy tâm Đức. Tác phẩm chính: Idées pour une philosophie de la nature (1797). Système de l'idéalisme transcendantal (1800) -  (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[7] Étienne Bonnot de Condillac (1714 – 1780), tu sĩ và triết gia duy cảm Pháp. Tác phẩm chính: Essai sur l’origine des connaissances humaines (1746), Traité des sensations (1754), La Logique ou l’Art de penser (1780) -  (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[8] Claude Adrien Helvétius (1715 – 1771), triết gia duy cảm Pháp. Tác phẩm chính: De l'Esprit (1758), De l’Homme (1773) -  (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[9] Grundlegung zur Metaphysik der Sitten = Groundwork of the Metaphysics of Morals= Fondation de la métaphysique des mœurs(1785), Metaphysische Anfangsgründe der Naturwissenschaft = Metaphysical Foundations of Natural Science = (1786) 
 
[10] Johann Gottfried von Herder (1744 – 1803), nhà thần học, và triết gia Đức. Tác phẩm tiêu biểu: Traité de l’origine du langage (1771), Idées pour une philosophie de l’histoire de l’humanité (1784-1791), Ecrits chrétiens (1796-1799), Entendement et expérience: une métacritique de la critique de la raison pure (1799) -  (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[11] ... trong chúng ta khác là thực tại tuyệt đối. Có lẽ phần ghi lại này của câu bị thiếu sót -  (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[12] Ernst Mach (1838 - 1916), nhà vật lý và triết gia Áo. Tác phẩm chính: Analyse des sensations (1886), La connaissance et l'erreur (1905), La mécanique: Exposé historique et critique de son développement (1883) -  (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[13] Richard Heinrich Ludwig Avenarius (1843 – 1896), triết gia Đức, bố đẻ của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán. Tác phẩm chính: Critique de l'expérience pure (1888-1890), Le concept humain du monde (1891) -  (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[14] Johann Wolfgang von Goethe (1749  – 1832), văn hào, triết gia và nhà khoa học Đức. Tác phẩm tiêu biểu: Les Souffrances du jeune Werther (1774), La métamorphose des plantes et autres écrits botaniques (1790), Le serpent vert (1795), Traité des couleurs (1810) -  (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét