Thứ Hai, 4 tháng 6, 2012

[TRIẾT HỌC ANH-PHÁP] THẾ KỶ XVII & XVIII

Trần Đức Thảo (1917-1993)
LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG TRƯỚC MARX
Nxb. Khoa học xã hội, 1995
--- o0o ---
 
[TRIẾT HỌC ANH-PHÁP] THẾ KỶ XVII & XVIII
 
 
Thế kỷ thứ XVII và XVIII, đặc biệt là thế kỷ thứ XVII, là thời gian hình thành của giai cấp tư sản Âu Tây - xuất hiện từ thế kỷ XVI nhưng chưa thành hình hẳn hoi, mới mạnh ở bên Ý còn đại bộ phận Âu Tây thì còn phôi thai. Sau khi những bọn con buôn, cướp biển, tìm ra những đất mới ở Mỹ, Á, Phi, cướp được nhiều của cải của các dân tộc ít phát triển hơn mang về, thì tư sản Âu Tây phát triển mạnh mẽ. Đó là yếu tố quyết định sự tăng cường bóc lột nhân dân Âu Tây. Do đó, cuối thế kỷ thứ XVI, chế độ tư sản phát triển ở toàn bộ phương Tây (Pháp, Hà Lan, Anh). Nước Đức bấy giờ đứng ngoài hệ thống buôn bán, Ý cũng thế, vì đường buôn bán không theo đường cũ Cận Đông - Bắc Ý - Nam Đức - Bắc Đức mà vòng qua Đại Tây Dương, và làm giàu những nước có cửa biển ở Đại Tây Dương: Pháp, Anh, Ý, Hà Lan, Thụy Điển. Y-pha-nho bấy giờ cướp được nhiều của nhất, nhưng không xây dựng tư bản được vì vào thẳng nhà Vua - phân phát cho quý tộc, mua hàng của tư sản láng giềng chứ không phát triển công nghiệp trong nước, nên tư bản phát triển chủ yếu ở Pháp, Hà Lan, Anh. Trong thời gian ấy, giai cấp tư sản thành hình, lấn vào chính quyền, xây dựng chế độ quân chủ độc đoán và chuẩn bị cho cuộc cách mạng tư sản. Tùy tương quan lực lượng giữa tư sản và quý tộc bấy giờ trong mỗi nước mà phong trào tư tưởng chống Giáo hội, xây dựng một hệ thống lý tính khoa học có tính chất quyết liệt hoặc dung hòa với tư tưởng tôn giáo. Ở Anh: quyết liệt, ở Pháp: dung hòa.
 
I - TƯ TƯỞNG TƯ SẢN Ở ANH
 
Ở Anh, giai cấp tư sản phát triển rất mạnh nhờ nghề cướp biển, buôn bán với lục địa Âu Tây, và xây dựng một nền công nghiệp mới trong nước, đặc biệt là công nghệ dệt và than mỏ. Ở đây phong trào chống truyền thống kinh viện chủ nghĩa có tính chất quyết liệt. Phủ định cả tư tưởng Cổ đại (Platon, Aristote) và theo truyền thống duy danh ở Anh đời Trung Cổ (William Occam [01]  , Roger Bacon [02]  ). Triết học Anh phát triển theo duy vật kinh nghiệm chủ nghĩa. Đặc biệt là Francis Bacon [03]  viết Novum organum (Công cụ mới) để đặt một phong trào khoa học mới, tên này xuất phát từ tên một bộ sách cũ của Aristote là Organon. Nhưng về nội dung và hình thức đều chống lại Aristote, đề cao kinh nghiệm chủ nghĩa, nói rằng lý tính hình thức là cái biến hình và xuyên tạc sự thật, chỉ có kinh nghiệm cho ta biết đúng. Nhưng kinh nghiệm thì linh tinh, làm thế nào để hệ thống hóa thành khoa học? Theo Aristote, dùng phương pháp quy nạp. Đối lập với phương pháp suy luận hình thức của Aristote đi từ những mệnh đề (đại thể xuống mệnh đề biệt thể - xuống mệnh đề cá thể: từ lý tính đến thực tế), quy nạp của F. Bacon đi từ cá thể lên đại thể bằng phương pháp làm những bảng ghi kinh nghiệm (có 3 bảng: bảng có, bảng không có, và bảng biến chuyển: bảng có ghi trường hợp có một hiện tượng; bảng không có ghi những trường hợp không có mặt một hiện tượng nào; bảng biến chuyển ghi trường hợp hiện tượng biến chuyển). So sánh những bảng này, ta quy nạp lên quy luật phổ cập, liên hệ với hiện tượng. Chúng ta thấy hiện tượng luôn luôn đi với nó. Do đó chỉ ghi chép kinh nghiệm thôi, nhưng nếu có phương pháp ta sẽ quy nạp được quy luật. Đây là tư tưởng duy vật dựa vào thực tế khách quan mà xây dựng khoa học, nhưng nó máy móc thô sơ, không đề cao được vai trò cần thiết của lý luận, đặc biệt là Bacon không chú ý đúng mức đến vai trò của toán pháp trong khoa học tự nhiên.
 
Vai trò này có được đề cao với Thomas Hobbes [04]  . Ông này đứng hẳn trên lập trường duy vật mà đồng thời nhìn thấy sự cần dùng toán pháp trong khoa học và cả trong triết học nữa. Về phần chính trị học thì đặt một lý thuyết mới biện chính quyền tuyệt đối của nhà  Vua, nhưng không dựa vào quyền Thượng đế, phá bỏ lý luận thần bí trước mà chỉ dựa vào lợi ích xã hội - là một biến chuyển lớn (người là một con sói đối với người, sẵn sàng ăn thịt nhau - cần một quyền tuyệt đối để bảo vệ trật tự trong xã hội). Hobbes đại biểu cho nhân sinh quan tư sản thành hình, mới bắt đầu nắm xã hội, chưa đủ sức xây dựng một chế độ cộng hòa mà chỉ xây dựng trên một cơ sở độc tài.
 
Bacon và Hobbes là nguồn gốc của tư tưởng duy vật máy móc cận đại nhưng có tính chất khoa học; trái với Bruno [05]  hoặc tư tưởng duy vật Trung Cổ nhiều biện chứng pháp hơn nhưng thiếu khoa học.
 
II - TƯ TƯỞNG TƯ SẢN PHÁP: DESCARTES [06]  
 
Là một trong những người quan trọng nhất của tư tưởng tiến bộ Âu Tây, René Descartes làm nguồn cho 2 truyền thống đối lập:
 
- Khoa học toán lý duy vật máy móc, phát triển nhiều vào thế kỷ thứ XVII, XVIII. Đó là một đặc tính của tư tưởng tư sản.
- Tư tưởng phân tích tâm lý và duy tâm chủ quan (lấy ý thức cá nhân làm thực thể tuyệt đối, khác duy tâm khách quan lấy ý chí siêu nhiên hay Thượng đế làm tuyệt đối).
 
Hai hướng này phát triển song song trong thế kỷ XVII, XVIII và sau này nữa, bây giờ vẫn còn duy trì - có thể nói Descartes một phần nào đấy làm nguồn gốc cho cả hệ thống tư tưởng tư sản với 2 hướng trên. Ông tiêu biểu cho những ưu và khuyết điểm của tư tưởng tư sản.
 
Ưu điểm: đòi hỏi một khoa học toàn bộ, triệt để lý tính, tuyệt đối chắc chắn, tin tưởng tuyệt đối ở loài người và ở từng cá nhân con người đủ lý trí để xây dựng khoa học, tiêu biểu cho tinh thần khoa học. Nó còn có tác dụng tinh thần nữa là làm cho con người phấn khởi.
 
Khuyết điểm: Lý tính ấy ghi một cách trừu tượng, thực tế thì không hoàn toàn tách rời kinh nghiệm, nhưng đứng về nguyên tắc nó không cần kinh nghiệm. Đứng về chân lý, nó không phụ thuộc kinh nghiệm. Hệ thống khoa học tồn tại trên cơ sở lý tính của nó (về nguyên tắc là tách rời kinh nghiệm); về chủ quan chỉ nhằm lý tính cá nhân của mỗi người, không trông thấy cơ sở lịch sử xã hội của tư tưởng cá nhân. Do 2 khuyết điểm này, nó thành máy móc - không nắm được quy luật biến chuyển mà chỉ nắm được quy luật máy móc (vì nắm được biến chuyển thì về khách quan phải gắn vào kinh nghiệm, và về chủ quan phải đứng trong biến chuyển đó).
 
Mấy ưu và khuyết này (đặc tính của tư tưởng tư sản) đạt một mức rất cao trong tư tưởng Descartes - Descartes là một nguồn của tư tưởng tư sản.
 
Sở dĩ như thế vì Descartes lại là đại biểu tư tưởng của giai cấp tư sản Pháp trong thế kỷ thứ XVII, đấu tranh không phải để nắm chính quyền thực tế, mà để tham gia chính quyền với sự câu kết với phong kiến, hình thức quân chủ tuyệt đối, quân chủ độc đoán, để bảo đảm quyền lợi kinh tế và pháp lý, nhưng chưa nhằm quyền lợi chính trị tuyệt đối. (Đầu thế kỷ thứ XVII, Marie de Médicis [07]  nhiếp chính thay Louis XIII [08]  đã triệu tập États généraux [09]  , đặt thuế mới, bọn kia kêu nài, đưa những đề nghị lung tung, đòi giải tán một hội nghị toàn quốc có đại biểu tư sản mà không ai nói gì, vì đòi hỏi chính trị của tư sản hữu hạn). Chế độ quân chủ bấy giờ xây dựng trên sự thăng bằng quyền lợi đôi bên (tư sản và quý tộc), bảo đảm quyền áp bức bóc lột phong kiến (đối với nông nô) và tư sản (đối với công nhân), nhưng không được quyền chính trị, cả hai bên chỉ có quyền tham gia chính quyền dưới hình thức bộ máy quan liêu của nhà Vua (trạng thái thăng bằng này Marx gọi là Bonapartisme). Descartes là đại biểu cho tình trạng thăng bằng này:
 
Bảo đảm quyền làm ăn, thể hiện về tư tưởng là bảo đảm phát triển khoa học (vì khoa học đối với họ là phát triển sản xuất), và trong phạm vi này nó phải đánh đổ tư tưởng Trung Cổ, và trong mức độ này nó đề cao lý tính, nhưng nó lại không tin tưởng nó, nó không quan niệm rằng khoa học đó chỉ dựa trên cơ sở của người ta (quy nạp trên kinh nghiệm) mà còn của một cái gì bảo đảm cao hơn là Thượng đế (phản ánh của Vua trong xã hội).
 
Trong tác phẩm Descartes có 2 phần:
 
+ Xây dựng khoa học mới - sau này nhiều kết quả.
+ Biện chính khoa học mới ấy trên cơ sở siêu hình: sự tồn tại của Thượng đế và sự bất diệt của linh hồn.
 
Hệ thống của Descartes có 5 điểm chính:
 
1) Hoài nghi theo phương pháp (doute méthodique);
2) Sự tồn tại tuyệt đối của tinh thần, linh hồn, bản ngã;
3) Do sự tồn tại tuyệt đối của linh hồn thì phải có Thượng đế;
4) Vì có Thượng đế nên chúng ta mới tin tưởng được ở lý tính và ở khoa học;
5) Do có Thượng đế ta có thể tin tưởng vào sự tồn tại của vật thể.
 
*
 
1 - Hoài nghi theo phương pháp (doute méthodique)
 
Muốn đạt một chân lý tuyệt đối, chúng ta phải hoài nghi, thậm chí phủ định tất cả cái gì có thể hoài nghi được mới nắm chắc chắn:
 
 + Tất cả nhận thức thuộc cảm tính (thậm chí có thể so sánh với giấc mơ, kinh nghiệm cho biết nhận thức cảm tính nhiều khi sai);
  + Cái gì thuộc lý tính thậm chí toán pháp mà ta nắm vững nhưng vẫn có thể hoài nghi được, vì ta có thể giả sử có một ông Thần Ác làm ta mỗi lần tính đều sai lầm.
 
2 - Sự tồn tại tuyệt đối của tinh thần, linh hồn, bản ngã
 
Đến mức ấy thì chỉ có bản ngã là có thực dù có ông Thần Ác «Tôi tư tưởng vậy tôi có». Ta đạt được một chân lý tuyệt đối: tồn tại của tinh thần trong phạm vi tinh thần (không có gì chứng tỏ có vật thể). Tôi tư tưởng trong hiện tại thì hiện tại của tôi không thể phủ định được. Do đó, cái tồn tại chủ quan hiện sống và chỉ trong phạm vi tư tưởng thôi.
 
3 - Sự tồn tại tuyệt đối của linh hồn thì phải có Thượng đế
 
Từ ý thức chủ quan hiện tại này mà đi tới được hệ thống khoa học. Phân tích nội dung ý thức thì trong ý thức ấy có một ý niệm đặc biệt, ý niệm một thực thể vô hạn: Thượng đế. «Tôi» là một chủ thể hữu hạn lại có thể có ý niệm về một cái vô hạn. Cái đó chứng tỏ có thực thể vô hạn. Thượng đế có thực in trong chúng ta một cái dấu, đó là ý niệm một thực thể vô hạn.
 
4) Vì có Thượng dế nên chúng ta mới tin tướng được ở lý tính và ở khoa học
 
Do đó, ta có thể tin tưởng ở lý tính được. Thượng đế là thực thể tốt tuyệt đối, vậy không phải ông Thần Ác, do đó, tôi có thể tin tưởng được toán pháp, được hệ thống công thức toán lý.
 
5) Do có Thượng đế ta có thể tin tưởng vào sự tồn tại của vật thể
 
Thượng đế là tuyệt đối tốt thì chẳng những những cái tôi nắm được trong lý tính là có thật, mà những cái ta nắm được trong bản tính thì từng điểm nhỏ có thể sai nhưng nói chung là có được, nếu nó không có thì Thượng đế hóa ác quá.
 
Tóm lại, phải dựa vào Thượng đế ta mới tin được những chân lý tuyệt đối của lý tính và chân lý tương đối của cảm tính.
 
Hệ thống này đã làm cho tất cả thời đại bấy giờ, làm cho mọi tầng lớp đều say mê (bác học, nghệ sĩ, phòng trà, v. v... giáo, lương, ở Pháp, Anh, Hà Lan, v.v...) và không phải nhất thời mà ngày nay Descartes vẫn được nhiều nước xem là một bậc tiên sư cao nhất.
 
Engels nói rằng ngày nay vẫn nhiều nhà bác học tên tuổi trong công việc thực nghiệm thì duy vật, nhưng trong tư tưởng thì duy tâm tuy không hệ thống như Descartes (Pasteur [10]  , Eddington [11]  , v. v...). Đó là tình trạng khá phổ biến của những bác học tư sản hiện tại, đặc biệt ở Anh Mỹ.
 
Ý nghĩa hệ thống
 
1 - Hoài nghi kiến thức kinh nghiệm và kiến thức lý luận (hoài nghi 2 bước)
 
Trong kinh nghiệm chúng ta có sai lầm, nhưng chỉ sai lầm chi tiết thôi; nhưng trên lập trường tư tưởng, tư sản nắm máy móc và lấy máy móc làm tuyệt đối thì kinh nghiệm không vững nữa, chỉ có sự suy luận máy móc là tuyệt đối, chỉ có sự biến chuyển của tiền vốn theo một quy luật máy móc là tuyệt đối. Tư sản nắm được điểm ấy mà phải phủ định điểm kia: vật chất. Vì vật chất là do người lao động và họ nắm vững. Cái có đối với tư bản là sự tính toán lời lãi của hắn chứ không phải sức sáng tạo của công nhân, và sự tính toán ấy là hợp lý và công lý nữa.
 
Nhưng tại sao lại còn giả sử có ông Thần Ác, hoài nghi cả lý tính? Do vị trí đấu tranh của tư sản Pháp không đòi nắm giữ chính trị mà chỉ nhằm đối tượng tương đối: bảo đảm quyền làm ăn, duy trì nhà  Vua và sức lực của nó, bấy giờ tư sản cũng đòi hỏi phải có ông  Vua và còn có quyền Vua là còn có Thần Ác (không chắc bảo đảm làm ăn). Giai cấp tư sản Pháp bấy giờ chưa có sức bảo đảm quyền lợi của nó và tự nhận thấy chưa có sức, lại còn muốn phong kiến hóa (quân chủ tuyệt dối).
 
2) Nhưng đứng về cá nhân thì mỗi người tư bản bảo vệ quyền lợi mình đến cùng - quí tộc nhượng bộ để xây dựng một chế độ quan liêu. Đấu tranh kinh tế là đấu tranh giai cấp nhưng trong phạm vi nhằm quyền lợi cá nhân, nó nắm vững sự tồn tại của cá nhân. Nhưng với tồn tại cá nhân nó vẫn chưa bảo đảm được gì. Muốn bảo đảm được quyền lợi chung, trong đó có quyền lợi cá nhân, phải có một quyền tuyệt đối - trong xã hội là nhà Vua và trong tư tưởng là Thượng đế. Mà lý luận Descarts phản ánh rõ rệt và trung thành: «Không thể tôi là một thực thể hữu hạn tại sao có thể có một ý niệm vô hạn». Rõ ràng là giai cấp tư sản tự nhận chưa đủ sức. Nhưng một khi công nhận quyền tuyệt đối này thì hoạt động của tư bản là sự tính toán lời lãi, sắp xếp một cách máy móc trong công trường. Quyền Vua bảo đảm hoạt động kinh tế này và đồng thời nó cũng bảo đảm có một kết quả thực trong thế giới vật chất - vật chất là có thực và có thể lý luận được. Có quyền hoạt động và lao động thực tế cũng có lãi (trước không biết dựa vào đâu, nhưng khi có quyền nhà Vua thì tư bản được bảo đảm) (Trong tác phẩm Descartes thì những tư tưởng này có hệ thống vững chắc, nhưng trong các nhà bác học tư sản bấy giờ thì hướng này có tính chất tự phát). Đó là:
 
- Phần tích cực trong tư tưởng Descartes là với cả một hệ thống huyền học bao gồm khoa học mới, Descartes đã đề cao khoa học toán lý và định nghĩa rõ ràng đối tượng cụ thể của toán lý. Ông đại biểu cho nhược điểm giai cấp tư sản Pháp với phương thức đấu tranh không triệt để của nó trong thế kỷ XVII - liên kết chặt duy tâm - duy vật (lập trường), nhưng về phần nội dung tư tưởng cũng đại biểu cho công trình xây dựng của tư sản Pháp và Âu Tây nói chung trong thời tiến bộ của nó (nội dung đấu tranh triệt để chống giáo hội, phong kiến; đối tượng của toán lý là vật chất có thể tính toán được chứ không phải cái ta nhằm trong cảm tính với cái tính chung chung, triệt để gạt bỏ những tính chung chung liên quan cảm giác và đặt rõ ràng sự tồn tại của vật chất với một nội dung hoàn toàn khoa học).
 
Phần tiến bộ của Descartes là ở phần nội dung tuy hữu hạn (chưa quan niệm vật chất trong biến chuyển) nhưng rất chính xác.
 
Bắt đầu từ Descartes, xuất hiện phát triển tư tưởng tiêu biểu cho tư tưởng tư sản trong lúc đang lên. Trong Descartes, ta thấy những mặt của tư tưởng tư sản - chống phong kiến, dựa vào nhân dân (kinh nghiệm và khoa học, duy vật) - có phần cấu kết phong kiến - yêu cầu xây dựng quân chủ độc đoán bảo đảm quyền kinh tế (chưa chính trị) - phát triển rõ trong Descartes.
 
 - Khẳng định giá trị khoa học hiện tại (cơ lý máy móc xây dựng một khái niệm lý tính mới (toán pháp) chống lại khoa học lý tính cũ xây dựng theo tính chất trừu tượng, sắp xếp theo giống loài) mà nó xây dựng theo đặc tính và quy luật một cách máy móc của sự vật. Nó giúp hiểu biết một cách chi tiết hơn sự sắp xếp cũ. Ta thấy trong Descartes quan niệm thế giới có tính chất lý tính đó (cơ học), nhưng mặt khác ta thấy yếu tố tiêu cực: con người - lý trí xây dựng, khoa học - tách rời hoàn toàn thế giới vật chất (là linh hồn bất diệt). Yếu tố đó phản ảnh sự yếu ớt của giai cấp tư sản (mới khẳng định được về phương diện tinh thần) - trở lại những quan niệm huyền học, tồn tại của Thượng đế và bất diệt của linh hồn. Sự tồn tại ấy là đặc tính của tư tưởng tư sản đang lên trong thế kỷ XVII, XVIII. Nhưng tùy hoàn cảnh mỗi nước, nó có những đặc sắc riêng phản ánh trong những hệ thống tư tưởng khác nhau nhưng thống nhất ở chỗ đều xuất phát từ khởi điểm là sự phân biệt hai yếu tố đó. Descartes khẳng định sự thống nhất như một sự hiển nhiên, không cần biện chính do kinh nghiệm thực tế.
 
III - NHỮNG HƯỚNG CHÍNH CỦA PHONG TRÀO SAU DESCARTES
 
Huyền học và tâm lý học
 
Huyền học phát triển ở lục địa Âu Tây với Spinoza [12]  (Hà Lan: duy vật), Malebranche [13]  (Pháp: duy tâm), Leibnitz [14]  (Đức: duy tâm).
 
Ở Anh, phát triển hướng tâm lý có: Locke [15]  (duy vật), sống với cách mạng Anh, nhưng sau tư sản Anh hoàn toàn cấu kết với phong kiến; Berkeley [16]  ; và Hume [17]  (duy tâm).
 
Huyền học
Là hướng đặt vấn đề thống nhất giữa linh hồn và cơ thể, liên quan với nó là vấn đề thống nhất tư tưởng và thực tại.
 
Tâm lý học
Đặt vấn đề: Từ đâu xuất phát sự hiểu biết (cũng là vấn đề quan hệ tư tưởng và thực tại nhưng đặt một cách gián tiếp, và đặt vấn đề trong tư tưởng đã do quá trình xây dựng sự hiểu biết, trong ý thức chủ quan thôi - ta sẽ biết cái đúng và cái sai, do đó giải quyết được vấn đề). Đây ta cũng thấy đặc điểm của lịch sử Anh so với Âu châu.
 
Giai cấp tư sản Anh từ Phục hưng đã có một cơ sở vững chắc để cấu kết với phong kiến - quá trình tư sản hóa của nông nghiệp Anh (cấu kết trong sự sản xuất len) - phong kiến tư sản hóa trong sản xuất mục súc, cung cấp lông cừu - và nói chung phong kiến Anh tư sản hóa trong phương thức nông nghiệp của nó: địa chủ chia ruộng thành từng khối, tạo cho phú nông, bọn này khai thác theo lối tư sản. Nó có một sự cấu kết căn bản - vấn đề chính của giai cấp tư sản Anh là dàn xếp nội bộ, dàn xếp với phong kiến, căn bản là vấn đề chủ quan.
 
Trái lại, ở lục địa ít có phong trào tư sản hóa nông nghiệp nên phong kiến và tư sản căn bản đối lập cho tới cách mạng tư sản - tư tưởng tư sản vẫn khẳng định sự tồn tại của ngoại giới.
 
Trong những nước tư sản phát triển nhiều, các tư sản từ thế kỷ XVI đã thành công (Hà Lan) tư tưởng do chuyển lên mạnh - Spinoza là đại biểu. Trái lại. những nước phong kiến còn mạnh (Pháp và đặc biệt là Đức) phong trào tư tưởng lại hướng về duy tâm: tìm trong tinh thần một cách biện chính khoa học mới, lý tính mới xuất phát từ sự phát triển của sức sản xuất tư sản.
 
A - Hướng huyền học
 
1 - SPINOZA: Trong lịch sử tư tưởng và lịch sử nói chung, tên của Spinoza tiêu biểu cho đấu tranh tư tưởng trong triết học cũ. Spinoza là một người rất yếu, sống bao giờ cũng cô độc, ăn uống rất ít để làm ít, thừa thời giờ thỉ xây dựng triết học. Sống nghề mài kính. Tên ông tiêu biểu cho một đạo đức trí thức đã tìm được trong đời sống tư tưởng và hoàn toàn tư tưởng, sống hoàn toàn vì lý tính, xây dựng được một hệ thống tư tưởng toàn bộ. Sử cũ nêu Spinoza như một trí thức anh hùng tìm được một hệ thống đã giải quyết được toàn bộ mọi vấn đề bằng lý tính.
 
Tác phẩm của ông đặc biệt là trình bày theo kiểu toán pháp tất cả mọi vấn đề (thứ tự: định nghĩa - nguyên lý - suy luận ra những định lý theo kiểu kỷ hà, nội dung bao gồm toàn bộ các vấn đề: từ Thượng đế, đến nhân tâm, đến đời sống người thường, và đời sống hiền nhân. Vì tham vọng to tát và được thực hiện một cách chính xác như thế - trong lý luận theo kiểu kỷ hà - nên tên tuổi Spinoza được xem như một anh hùng, giải quyết toàn bộ mọi vấn đề bằng lý tính một người.
 
Vấn đề chính mà Descartes để lại là quan hệ giữa linh hồn và cơ thể, liên quan vào đấy là quan hệ tư tưởng và thực tại.
 
Vấn đề này theo hướng duy tâm (Malebranche - Leibnitz) chỉ giải quyết bằng Thượng đế. Theo Malebranche – Leibnitz, cứ mỗi chốc linh hồn và vật chất chia làm 2 nhưng vẫn đi đôi với nhau; cứ giây giây lại tạo lại linh hồn và vật chất một cách tương đương với nhau. Theo Leibnitz, không phải từng phút tạo lại, nhưng tạo một lần thôi nhưng rất khéo, khiến luôn đi đôi với nhau như 2 cái đồng hồ, 2 cái phát triển theo quy luật riêng và độc lập nhưng vẫn hòa nhịp. Đặc điểm của tư tưởng Spinoza là triệt để chống hướng ấy, và khẳng định sở dĩ có liên quan vì nó cùng một chất mà thể chất ấy xét về thực tính của nó có thể quan niệm hoặc là tinh thần hoặc là vật chất, chỉ là hai cách tồn tại của cùng một thể chất, thể chất ấy chính là Thượng đế, và chính Thượng đế là tự nhiên - tự nhiên hóa Thượng Đế: thực thể tuyệt đối, trước kia người ta quan niệm là Thượng đế chính là tự nhiên; thực thể ấy xuất hiện dưới vô số hình thức mà hai trong đó là vật chất và tinh thần. Ở đây, chúng ta thấy yếu tố tiến bộ trong tư tưởng Spinoza và đồng thời thiếu sót của nó: nó đi đến một lập trường gần hoàn toàn duy vật, chấm dứt những tư tưởng cũ: đối lập tinh thần, vật chất. Thượng đế tự nhiên gạt bỏ những vấn đề của tư tưởng duy tâm cũ (làm sao cứu thế được linh hồn nếu nó khác vật chất). Spinoza khẳng định chỉ có một thế giới, trong đó căn bản có một thể chất thôi, không thể có vấn đề gì ngoài tự nhiên, ngoài đời sống thực tế. Nhưng mặt khác, quan hệ giữa hai bên lại là quan hệ máy móc: hai thuộc tính đó đi với nhau một cách song song, mọi hiện tượng hoặc trong tinh thần hoặc trong vật thể là những cách tồn tại của hai thuộc tính đó, và những thể thức đó phát triển song song với nhau, một tư tưởng là một hiện tượng tinh thần thì song song với nó có một vận dụng trong cơ thể - trong bộ óc chẳng hạn. Đứng về mặt quan hệ giữa tư tưởng và thực tại - tinh thần và vật chất - bất cứ một cái gì tồn tại trong thực tại thì nó đều có một cơ sở của nó. Một tư tưởng đúng hay sai đều có một lý do trong thực tại làm cơ sờ cho nó và tương đương với nó.
 
Tư tưởng tức là một thể thức của linh hồn tương đương với một thể thức của vật chất. Spinoza không quan niệm được vật chất tiến triển tới một mức cao thì thành tinh thần mà quan niệm một cách máy móc: tồn tại song song, không thấy được quan hệ đúng giữa tư tưởng và thực tại, không giải quyết được liên quan giữa tinh thần và cơ thể, tư tưởng và thực tại (tư tưởng với cây - tư tưởng với vận động trong bộ óc). Spinoza không thấy đến một mức nào đấy mới đặt được vấn đề quan hệ giữa tư tưởng và thực tại, và nó được xây dựng trên một trình độ tổ chức nào đấy của cơ thể (đến mức nào đấy mới có và càng phát triển lên nó càng chặt chẽ). Đó là quan điểm máy móc của Spinoza, nhưng phần căn bản là ưu điểm của ông. Do đó ông đã gây nhiều ảnh hưởng trong lịch sử tư tưởng. Sự thống nhất giữa tinh thần và vật chất, căn bản nó là một chất, nên những vấn đề tinh thần cũng phải giải quyết trong thế giới vật chất.
 
2 - MALEBRANCHE tiếp tục Descartes vào thời đại giai cấp phát triển trên cơ sở tư sản quân chủ độc đoán đến trình độ cao nhất: Louis XIV. Trong tình cảnh ấy, hướng chính của giai cấp tư sản tham gia chính quyền dưới hình thức làm công cho nhà Vua bằng cách công nhận quyền tuyệt đối của nhà Vua. Vấn đề đảm bảo quyền lợi của giai cấp tư sản trong tư tưởng là vấn đề thống nhất linh hồn và cơ thể chỉ giải quyết được bằng cách công nhận quyền độc đoán của nhà Vua. Sự hoạt động luôn luôn của Thượng đế tạo tác kết hợp hai bên lại: ví dụ cơ thể ốm, tinh thần thấy âu sầu. Theo Malebranche, không có một ảnh hưởng trực tiếp từ cơ thể sang tinh thần, nhưng đó là nhờ sự luôn luôn tái lập và điều hòa của Thượng đế. Nó tiêu biểu rất rõ rệt cho chế độ quân chủ độc đoán của Pháp (Louis XIV [18]  : «nhà nước là ta»). Tư tưởng này cũng thường, nhưng ở Tây Phương là một điều lạ vì phong kiến thường phân tán.
 
3 - LEIBNITZ. Ở Đức, vị trí phong kiến mạnh hơn nhiều, tư sản Đức rất yếu nên những khái niệm khoa học cơ lý mà giai cấp tư sản xây đựng được - trong Leibnitz - chỉ được bảo vệ với cương vị hình thức ngoại diện. Thế giới cơ lý mới xây dựng được với khoa học toán lý theo Leibnitz là chân lý, nhưng là chân lý ngoại diện; nhưng cản bản là tồn tại của tinh thần, vật chất là ngoại diện của tinh thần, tư tưởng phong kiến nặng, phủ định sự tồn tại của ngoại giới. Nó chỉ là ngoại diện. Nhưng ngoại diện này có, và có những quy luật quy định sự liên quan giữa ngoại diện và tinh thần. Sự liên quan do Thượng đế tạo ra nhưng chỉ một lần thôi.
 
Tóm lại, vấn đề quan hệ giữa linh hồn và cơ thể xuất phát từ tình trạng đấu tranh không triệt để, từ sự yếu ớt của giai cấp tư sản Âu châu lục địa, một mặt nó không định khoa học có lý, khẳng định sự tồn tại của ngoại giới, vật chất có tính chất cơ lý. Nhưng đồng thời nó chưa quan niệm được bản thân nó cũng là một thực thể trong thế giới vật chất, vì nó còn vướng vít với những vấn đề cũ: bất diệt của linh hồn và tồn tại của Thượng đế. Vì trong căn bản nó còn cần đến giai cấp phong kiến, chưa giải quyết được mâu thuẫn với phong kiến. Chưa giải quyết được nhưng vẫn là mâu thuẫn căn bản, nên trong tinh thần giải pháp vẫn là giải pháp huyền học, cuối cùng phải gọi đến Thượng đế như trong thực tế cần đến quyền Vua.
 
B - Hướng tâm lý ở Anh
 
Muốn biết xuất phát điểm của hướng tư tưởng này, ta cần phải xét qua những đặc điểm của lịch sử nước Anh hồi bấy giờ.
 
Khác hẳn với các nước lục địa, ở Anh từ thời Phục hưng, giai cấp tư sản đã có cơ sở để câu kết với giai cấp phong kiến. Đó là quá trình tư sản hóa của kinh tế nông nghiệp Anh, nên ở cơ sở hai giai cấp đã cấu kết với nhau, đặc biệt trong ngành sản xuất len dạ. Phong kiến tư sản hóa nghề chăn nuôi. Dần dần bọn đại địa chủ chia ruộng ra từng khoảng lớn cho phú nông khai thác theo phương thức sản xuất. Do đó, cái thế giới kinh nghiệm căn bản đã có tính chất duy lý (có thể hiểu biết được cho giai cấp tư sản). Vấn đề là: làm sao từ kinh nghiệm tiến lên khoa học.
 
- LOCKE nhận định rằng căn bản những hiểu biết của con người ta là phát sinh ở một quá trình cảm giác kết hợp với nhau, thí dụ cảm giác cái cây do nhiều cảm giác họp lại mà thành. Các cảm giác được kết hợp đó đã xây dựng cho ta sự hiểu biết đối tượng. Đồng thời, Locke khẳng định rằng cảm giác xuất phát từ thế giới khách quan rồi phản ánh vào tinh thần. Hiểu biết đó có giá trị, vì căn cứ vào thế giới khách quan, nhưng không có giá trị tuyệt đối vì kinh nghiệm hay thay đổi, cho nên người ta chỉ nắm được phần nào chân lý mà thôi chứ không nắm được toàn bộ. Tư tưởng đó, xét về mặt chính trị, là yêu cầu xây dựng một chính thể tương đối có công lý, không thể nào có một quyền tuyệt đối chuyên chế. Phải để cho nhân dân tự do lựa chọn tôn giáo. Quyền tự do cá nhân mà Locke đòi hỏi chính là quyền tự do mà giai cấp tư sản đòi hỏi để phát triển phương thức sản xuất của nó.
 
- BERKELEY. Sau Locke, giai cấp tư sản thắng thế hẳn với hình thức câu kết với phong kiến, nên tư tưởng hoàn toàn chuyển về hướng duy tâm, không còn biện chính sự hiểu biết của con người chống lại một chế độ áp bức. Sự hiểu biết đó, trong phạm vi duy tâm cũng phải xuất từ chủ nghĩa kinh nghiệm của Locke, nhưng nó tách rời nội dung kinh nghiệm với thực tế khách quan. Tiêu biểu cho hướng đó là Berkeley. Ông này chủ trương rằng tất cả sự hiểu biết đều xây dựng trên cảm giác, nhưng đó chỉ là trạng thái chủ quan trong phạm vi ý thức thôi, vì theo ông, «cái mà tôi nắm được chỉ là nắm được trong ý thức». Ông đề ra một công thức hẳn hoi hoàn toàn chủ quan, và từ ngày ấy trở nên công thức của phong trào tư tưởng duy tâm cận đại: «Tồn tại là ở chỗ cảm giác được», chỉ có chủ quan chứ không có thực tế khách quan, làm sao các cảm giác ấy thành đối tượng được, đó không phải là do thực tế khách quan, mà là do các cảm giác được Thượng đế sắp xếp trong chủ quan chúng ta. Berkeley phủ nhận sự tồn tại của vật chất. Berkeley tiêu biểu cho một truyền thống duy tâm của giai cấp tư sản cận đại. Khác với truyền thống duy tâm Cổ đại, duy tâm của Berkeley dựa trên kinh nghiệm chủ nghĩa. Tư tưởng đó phản ánh rõ rệt sự phát triển của giai cấp tư sản: công nhận giá trị của kinh nghiệm, nhưng chúng vẫn dựa trên bóc lộc, mua bán nhân công tự do theo các quy luật lừa bịp, che đậy bởi hình thức tự do. Cho nên chúng căn bản vẫn phải dựa trên kinh nghiệm, nhưng là kinh nghiệm của giai cấp bóc lột: nắm phần hiểu biết có thể sử dụng được trong kinh nghiệm và gạt bỏ nguồn gốc của kinh nghiệm ấy, vì «không có Thượng đế làm sao sắp xếp được cảm giác có hệ thống như vậy». Tư tưởng của Berkeley sẽ đưa đến «chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán» sau này, chủ trương rằng kinh nghiệm không xuất phát từ thực tế khách quan mà chỉ là một cách sắp xếp theo chủ quan.
 

  
GHI CHÚ
 
 
- Có 3 danh từ trong huyền học nói chung và đặc biệt trong thế kỷ XVII: thực thể (substance), thuộc tính và thể thức.
 
Ba danh từ ấy là sự quan hệ giữa những bộ phận trong mệnh đề. Thực thể là cái mà về cái ấy tôi nói, thuộc tính là cái mà tôi nói (ví dụ: cái bàn vuông), những cái mà tôi nói về một thực thể là căn bàn. Nếu dùng thuộc tính để chỉ những cái căn bản, thì những cái không căn bản tức là thuộc thể thức của vật ấy. Vấn đề đặt ra trong thế kỷ XVII: thực thể là gì? thuộc tính là gì?
 
- Đứng về giai cấp phong kiến (về hình thức vẫn là giai cấp thống trị), tinh thần là thực thể, vật thể chỉ là ngoại diện - gắn liền với quyền lợi giai cấp. Quyền bóc lột của phong kiến dựa trên một hệ thống biện chính (Thượng đế ban ơn; dân chịu thống trị vì quyền lợi căn bản con người là tinh thần, chịu nhận là được cứu thế). Không những nhân sinh quan ấy liên quan với quyền lợi của chế độ phong kiến mà còn liên quan tới quá trình xây dựng phong kiến nữa (quá trình hình thành của Gia Tô. Trong các đạo Cổ đại, cứu thế chỉ cho dân tự do, nhưng trong Gia Tô mọi người đều bình đẳng - được cứu thế - trước Thượng đế, phản ánh sự bình đẳng hữu hạn và bề ngoài của chế độ phong kiến - chỉ có trong tinh thần thôi).
 
- Lúc giai cấp tư sản lên, nó xây dựng một thế giới quan mới: thực thể không phải là linh hồn phụ thuộc Thượng đế mà là thế giới vật chất mà nó có thể tổ chức được trong phương thức sản xuất của nó (duy lý, tính toán được)
 
Cuộc đấu tranh giai cấp phản ánh trong tư tưởng ở 2 cách quan niệm định nghĩa thực thể. Trước thời tư sản, vật chất và linh hồn lẫn lộn không phân biệt. Tới tư sản, với toán lý mới có quan niệm vật chất thuần túy có trọng lượng, có khối, cứng, có vận động.
 
Cuộc đấu tranh này có ảnh hưởng trực tiếp ngay trong đời sống xã hội (cách quan niệm quyền lợi con người trong đời sống xã hội). Cuộc đấu tranh này có ý thức (Giáo hội động viên nội bộ và quần chúng của nó khủng bố phái tự do chủ nghĩa libertin [19]  , cho họ là vô luân 1ý, vô đạo đức, chống xã hội, gây nguy hại cho chế độ - và phe duy vật libertin đề cao vật chất với tính chất vật lý thuần túy - đánh đổ giáo hội của giai cấp phong kiến, chế độ quân chủ).
 
- DESCARTES xây dựng nhị nguyên rất có ý thức, vì lúc đầu ông viết một cuốn sách rất duy vật, định nghĩa thực thể hoàn toàn là vật chất có những quy luật của nó, nhưng sau thấy khủng bố ghê gớm (hoả thiêu Vanini [20]  ), Descartes thêm vào một phần nữa: cái duy nhất chắc chắn là linh hồn (Cogito ergo sum), và linh hồn chắc chắn là vì dựa vào Thượng đế. Tuy nhiên không thuần là vấn đề sợ mà còn có cả cơ sở giai cấp trong vấn đề này: tư sản Pháp chỉ đặt yêu cầu là cấu kết phong kiến dưới quyền Vua. Những người tiếp thu Descartes cũng có ý thức. Định nghĩa thực thể vừa là vật chất (tư sản), vừa là tinh thần (hệ thống phong kiến), thống nhất do Thượng đế (Vua). Nhưng trong nhị nguyên luận này có phần tiến bộ và là tiến bộ căn bản, là ông định nghĩa thuộc tính một cách thuần toán lý: tính căng dãn, vận động trong thời gian không gian.
 
Ở Hà Lan, tư sản đã nắm chính quyền tuy vẫn bị uy hiếp, vì đế quốc Ý và Pháp là hai đế quốc phong kiến. Nhiệm vụ đặt ra cho giai cấp tư sản Hà Lan nặng hơn là thực tế lên nắm chính quyền, và cũng có sự tham gia nào đấy của giai cấp phong kiến (vì toàn bộ Âu châu đang phong kiến). Nó phản ánh trong Spinoza: không phân tán thực thể một cách linh tinh như Descartes. Với Spinoza là yêu cầu hoàn toàn đặt cho thực thể tính chất duy lý. Có bọn phong kiến tham gia, nhưng căn bàn là tổ chức tư sản. Spinoza đặt thực thể hoàn toàn duy lý, chỉ có một và tính toán được. Thực tế, ta chỉ tính toán vận động của vật chất trong thời gian và không gian. Spinoza cho thực thể là toàn bộ tự nhiên và cũng là Thượng đế. Tự nhiên có nhiều mặt, nhưng trong đó ta quan niệm rõ ràng hai là vật chất và tinh thần. Những thực thể linh tinh của Descartes (linh hồn cá thể, vật thể cá thể), với Spinoza là những thể thức không căn bản, nhưng nó theo những quy luật căn bản của thực thể.
 
Thực tế nó đi đến đâu? Nó bảo đảm cho một tổ chức duy lý toàn bộ: toàn thể là một thực thể toán lý - nhân sinh quan tư bản đã thắng, nhưng nó chưa thắng với danh nghĩa của nó (còn giữ danh từ cũ, còn có Thương đế, thực thể không hoàn toàn là vật chất).
 
Đức, tư sản còn yếu, yêu cầu tư sản chỉ là bảo vệ quyền lợi kinh tế, tham gia hành chính phần nào, chỗ căn bản là phong kiến - thực thể căn bản là tinh thần và vật chất toán lý chỉ là ngoại diện thôi (các vật thể vô cơ cũng có linh hồn, và đó là căn bản)
 
Ở Anh, cuộc đấu tranh giai cấp căn bản cũng phản ánh bằng cuộc đấu tranh duy vật - duy tâm, nhưng nó lại theo hình thức tâm lý. Không đặt ra thực thể là gì, mà đặt chúng ta hiểu biết thực thể thế nào? Toàn thể triết học bên Anh bấy giờ (cả hai bên) đều công nhận chúng ta hiểu biết bằng kinh nghiệm, lý tính xây dựng bằng kinh nghiệm (trái với truyền thống đem lý tính mâu thuẫn kinh nghiệm như ở Âu châu lục địa). Điểm khác nhau hai bên là cho kinh nghiệm xuất phát từ vật chất, hay cho kinh nghiệm chỉ là cảm giác, chỉ là trạng thái chủ quan (nó đã đưa kinh nghiệm từ khách quan về chủ quan, và để giải thích hệ thống, sự tổ chức của kinh nghiệm, Berkeley chứng minh bằng Thượng đế). Từ đâu xuất phát?
 
Cả hệ thống kinh nghiệm chủ nghĩa xuất phát từ cuộc đấu tranh giai cấp của tư sản Anh ngay từ Trung Cổ, và cuộc đấu tranh giai cấp ấy qua từ Scot [21]  , Occam, Locke, Hobbes, được phản ánh trong tư tưởng bằng chủ nghĩa kinh nghiệm (ở Pháp được phê phán bằng chú nghĩa duy lý, lấy lý tính đối lập với kinh nghiệm, lấy lý tính làm chân lý, cảm giác là nguồn gốc sai lầm), lấy kinh nghiệm làm căn bản của sự hiểu biết chân chính. lý tính chỉ là kết quả của sự tổ chức kinh nghiệm.
 
Đó là điều kiện đấu tranh đặc biệt của tư sản Anh. Nó có nhiều điều kiện cấu kết phong kiến, và ngược lại phong kiến nhiều tư sản hóa - do đó, yêu cầu tư sản căn bản là yêu cầu chính trị, vấn đề là «giai cấp nào nắm chính quyền» (vấn đề kinh tế không trầm trọng như Âu châu lục địa) - giải pháp chính trị ở Âu châu dứt khoát (cách mạng và tiêu diệt phong kiến mà tư sản hóa, và tư sản Anh một phần phong kiến hóa). Yêu cầu đặt ra là tổ chức chính trị để đảm bảo quyền chính trị cho tư sản, về tư tưởng quyền chính trị là quyến hiểu biết. Hiểu biết từ đâu? Nếu kinh nghiệm từ vật chất thì tư sản thắng, vì nó nắm được sự sống thực tế. Phong kiến chỉ duy trì quyền lợi bằng cách dựa vào hệ thống cũ thôi. Trong giai đoạn cách mạng của tư sản Anh, yêu cầu tư tưởng chỉ là bảo đảm nguồn gốc vật chất của sự hiểu biết: bao gồm cả vấn đề của huyền học. Khi tư sản đã lên cầm quyền (sau cách mạng 1789), giai cấp tư sản câu kết với phong kiến, sau cách mạng trở lại tư tưởng phong kiến, sự câu kết phong kiến - tư sản trên chính trị biểu hiện trong Berkeley - Berkeley chuyển duy vật sang duy tâm trên cơ sở vấn đề mà phe duy vật đặt ra «chúng ta hiểu biết từ kinh nghiệm».
 
Ta có thể rút ra ở sự phát triển của triết học Anh:
 
- Tuy triết học tư sản Âu Tây có tính chất trừu tượng (hơn Cổ đại), nhưng tính chất giai cấp bộc lộ một cách rõ rệt, đi hẳn vào chi tiết và có thể nói nó có ý thức (cao hơn Cổ đại). Ta kiểm tra rõ ràng quy luật phát triển của tư tưởng xuất phát từ cơ sở xã hội, đấu tranh giai cấp, ta nắm tính chất tiến bộ của duy vật và tính chất phản động của duy tâm. Quy luật chủ đạo của duy tâm là khi thất bại trên một cơ sở nào đấy thì chuyển sang một cơ sở khác (cụ thể, ở Anh tư tưởng tôn giáo thua trên thần học - chuyển sang kinh nghiệm chủ nghĩa). Ở Pháp với Descartes: tư tưởng tôn giáo thua trên cơ sở thần học thì chuyển sang huyền học, dựa hẳn vào toán lý, đặt Thượng đế làm bảo đảm tuyệt đối của khoa học toán lý. Nhưng ta cũng thấy vì sao tư tưởng tôn giáo có thể lợi dụng được những cơ sở mới - căn bản do ở tình hình đấu tranh giai cấp, tình hình mà giai cấp phong kiến còn giữ được trong hệ thống mới. Tính chất bất lực của tư sản mới tương ứng với những nhược điểm trong tư tưởng - tính chất máy móc - đặt một hệ thống duy lý nhưng hệ thống có tính chất máy móc (vật chất và Thượng đế ngang bằng vận động trong không gian và thời gian, không thấy khả năng phát triển của vật chất lên những bậc cao hơn nên không hiểu được các hiện tượng cao). Khuyết điểm của tư tưởng tư sản mở lối cho tư tưởng duy tâm trở lại. Nhưng thực tế có trở lại hay không thì tùy tình hình đấu tranh giai cấp.
 
Thế kỷ XVIII có lợi cho tư sản Pháp hơn, nên truyền thống Descartes hướng về duy vật, nhưng sau cách mạng 1789 lại hướng về duy tâm, và lấy danh nghĩa Descartes là công cụ để tái lập tư tưởng duy tâm: một khi công nhận khoa học mới, vẫn phải khẳng định bất diệt của linh hồn và tồn tại của Thượng đế. Hướng này kết hợp với Berkeley theo một truyền thống trong tư tưởng tư sản sau thời kỳ cách mạng của nó. Cả cố gắng của tư tưởng tư bản sau cách mạng là một cố gắng chứng minh khoa học đúng, nhưng sở dĩ đúng vì tinh thần xây dựng nó nên, và cái bảo đảm tinh thần xây dựng của tư tưởng tư sản là Thượng đế. Nó lấy cả những yếu tố tiến bộ cũ (Descartes) để củng cố hướng ấy. Chúng ta học Descartes và tư tưởng thế kỷ XVII để phân tích phần tiến bộ chân chính của nó (không phải ở cogito ergo sum mà cả truyền thống triết học tư sản, nhưng thực tế đó là cái đảo lộn phần chủ lý mà Descartes đã tìm ra. Cũng như trong chủ nghĩa kinh nghiệm, chân lý của nó là ở chỗ nó nắm được định nghĩa chân chính của thực thể là thế giới khách quan, và đồng thời học tập được cách chuyển chủ nghĩa kinh nghiệm thành một chủ nghĩa duy tâm tách cảm giác khỏi thực tế, biến kinh nghiệm thành một trạng thái chủ quan). Tư tưởng tư sản lấy chủ nghĩa kinh nghiệm và duy lý để xây dựng lập trường duy tâm.
 
Đối với chúng ta những truyền thống này tương đối xa, nhưng đối với giới văn học và triết học Âu châu là một truyền thống sống. Ở ta nó chỉ xuất hiện dưới hình thức tâm lý nhiều hơn, chứ không thành hệ thống, nó có trong quan niệm sai lầm về kinh nghiệm (quan niệm kinh nghiệm chỉ là cảm giác chủ quan) không đặt thành hệ thống. Quan niệm khoa học là thuần khoa học, như vậy chân lý của khoa học mất cơ sở khách quan mà được giải thích bằng một cơ sở duy tâm khác. Tư tưởng triết học bên ta cũng có quan niệm ấy, nhưng có trong tâm lý cá nhân: thực thể là cái ta coi là có, cũng biến chuyển tùy cuộc đấu tranh giai cấp, và vị trí mỗi người trong đó. Ở Âu Tây, những truyền thống này phát triển trong những trạng thái tâm lý, vì đã được xây dựng thành khái niệm hẳn hoi. Cái mà ta có thể phân tích trong lịch sử tư tưởng cũng có thể phân tích trong tâm lý cá nhân.
 
Chỉ phân biệt căn bản không phải là huyền học hay tâm lý mà là phân biệt duy tâm hay duy vật trong mỗi hướng. Nó tùy cách giải quyết đối với vấn đề căn bản.
 
- Quan hệ giữa thực tại và tư tưởng. Huyền học đặt vấn đề này về phía thực tại (thực tại là gì?) vì thực tế kinh tế Âu châu bấy giờ có hai thực tại đối lập nhau: kinh nghiệm của phương thức sản xuất phong kiến và kinh nghiệm phát triển sản xuất tư bản mới bắt đầu.
 
Theo quan niệm phong kiến thì thực tại là một số thực thể có thể trực tiếp hiểu biết được. Chúng ta có thể sắp xếp thành giống loài theo tính chất trực tiếp của chúng (vì phát triển sản xuất phong kiến với sức sản xuất người, ta mới nắm được đối tượng bằng tính chất trực tiếp chứ không qua tính toán: tiểu nông và thủ công. Về quan hệ sản xuất, xã hội phong kiến sắp xếp nhân vật theo hệ thống ngôi thứ có tính chất tính của giống loài - đẳng cấp, phường hội).
 
- Với chủ nghĩa tư bản cũng xuất hiện một thế giới khác không theo giống loài nữa, mà là một thế giới có thể tính toán một cách duy lý theo quá trình sản xuất của nó, và mọi vật có thể đánh đồng loạt trong quá trình sản xuất ấy (phường hội có vẻ khác chất); trong phong kiến qua tư bản các xưởng thủ công không còn sự khác nhau về chất mà đều là những đơn vị sản xuất (hai hình thức bỏ vốn khác nhau). Tất cả mọi vật đều có thể nắm và tính toán được trong quy trình sản xuất có tính chất máy móc, tính chất căng, dãn. Cái khác nhau giữa các sản phẩm là sự sắp xếp các nguyên liệu một cách khác nhau trong không gian. Còn những tính chất kia bấy giờ chỉ có ý nghĩa là những hiện tượng bề ngoài, ngoại diện. Những tính chất khác nhau xuất hiện trong cảm giác không còn giá trị nữa, và quy ra đến cùng cũng chỉ là một cách sắp xếp khác nhau trong không gian thôi - phân biệt chất quy ra chỉ còn là sự phân biệt về lượng - bản chất của thực tại là một.
 
- Ở lúc đó, hai phương thức sản xuất (phong kiến và tư sản) phát triển song song - hai thế giới quan khác nhau về quan niệm thực tại cũng đi song song (sắp xếp giống loài là kinh viện chủ nghĩa - quan niệm cơ lý). Quan niệm cơ lý nắm được tính toán, được tự nhiên, cố nhiên phải thắng. Nhưng quan niệm cũ được cả tổ chức chính quyền bảo vệ: Giáo hội đại biểu quyền lợi của giai cấp phong kiến. Nó quay ngược lại và bảo rằng thế giới theo lý tính giống loài căn bản là tinh thần - do đó khẳng định được linh hồn. Còn cơ lý không định nghĩa được linh hồn. Khoa học cơ lý mới xuất hiện đã bị đả phá trên cơ sở tôn giáo vì nó phản đối cả trật tự cũ phong kiến (tượng trưng trong hệ thống tinh thần, trật tự linh hồn) cho là chống xã hội, chống trật tự.
 
Vấn đề đặt ra là «cái gì là thực tại». Ngay từ thế kỷ XVII đã có một phái nói chân lý tuyệt đối và thế giới vật chất định nghĩa theo kiểu mới. Phái này phát triển chủ yếu ở Anh (Hobbes), Pháp có Gassendi [22]  . Nhưng ở lục địa, cả 2 phương thức đều tồn tại, nên cả những nhà tư tưởng tiêu biểu nhất đều công nhận cả 2 thực tại, nhưng ưu thế về bên nào tùy hoàn cảnh đấu tranh giai cấp thực tế trong xã hội (Pháp thăng bằng - nhị nguyên của Descartes; ở Hà Lan, đấu tranh giai cấp xa hơn nên vẫn có một yếu tố đi song song, nhưng có một ưu thế tuyệt đối về bên vật chất; ở Đức, tư sản yếu, vật chất không được xem là một thực thể mà chỉ là ngoại diện - Leibnitz). Ở Anh. trong phương thức là có ưu thế của tư sản - căn bản kinh nghiệm đã có tính chất duy lý nên quan niệm cũ không thể dựa vào kinh nghiệm, mà chỉ dựa vào lý tính cũ - từ Bacon, Locke là đả phá lý tưởng cũ. Nhưng kinh nghiệm quan niệm Anh cũng chỉ tiến bộ trong giai đoạn tư sản lên thôi, khi giai cấp tư sản lên nắm chính quyền, nó cắt đứt kinh nghiệm cảm giác với thực tại. Berkeley, Hume phát biểu: «định luật khách quan của khoa học là do cảm giác liên kết với nhau theo thói quen, do đó ta tưởng có một thế giới khách quan có định là nhất định». Đó là một phương tiện lý luận vừa giữ được hệ thống lý luận kinh nghiệm cũ, vừa biến chất đi, phủ định nguồn gốc của nó.
*
+ Duy lý chủ nghĩa (rationalisme) tin và chứng minh sự tồn tại bằng tính chất duy lý, chống với tín ngưỡng chủ nghĩa (fidéisme) cho sự tồn tại hay không là ở lòng tin, không phải là vấn đề chủ nghĩa; ngược lại là ngẫu nhiên chủ nghĩa, phản lý chủ nghĩa. Duy lý dựa trên cơ sở khoa học.
 
+ Vận động là đặc tính (Descartes). Descartes cho thuộc tính của vật chất là căng dãn và vận động là một đặc tính trong sự căng dãn đó, về ý nghĩa vận động thì cũng chỉ nhận vận động là thể thức thôi.
 
+ Duy thực: một cách dịch chữ réalisme, nhưng theo nghĩa xuyên tạc của một phái muốn gạt chữ duy vật ra ngoài, họ quan niệm duy vật và duy tâm đều là duy tâm, và theo họ tất cả mọi hiện tượng kể cả tinh thần đều là vật chất.
 
+ Lý tính biện chứng: nhận thức, tìm tòi sự vật theo lý tính trong thời gian, nhưng không chỉ theo tính toán máy móc mà theo quá trình tiến triển của nó từ biến lượng sang biến chất.
 
+ So sánh tình hình Anh và lục địa trong thế kỷ XVI - XVII:
 
Đời sống kinh tế ở Anh bấy giờ đã tư sản hóa nên có thể khai thác được theo phương thức tư sản: vấn đề của tư sản Anh là khai thác cơ sở đó - phản ánh vào tư tưởng là chủ nghĩa duy lý đã thành hình nên chỉ khai thác kinh nghiệm để củng cố lý tính.
 
Ở lục địa, giai đoạn này căn bản vẫn là phương thức bóc lột phong kiến (lấy tô phẩm của tiểu nông, tá điền, nông nô chuyển lên), trong tình hình tư sản không thể nhận kinh nghiệm được - thế giới kinh nghiệm của nó đi với thực tế khách quan. Đại biểu phong kiến không công nhận cho tư sản giá trị gì trong cải cách của Giáo hội, trong Jésuites (Giáo đội). Jésuites tiêu biểu cho phong trào phong kiến hợp lý hóa, chủ trương dùng vũ khí tư sản đánh tư sản: trường học tư sản cùng với tư tưởng nhân văn chủ nghĩa, khoa học, v. v... Phong kiến chuyển kiến thức ấy để bảo vệ tôn giáo. Đó là biểu hiện của phong trào chống tư sản có ý thức, có tổ chức, trong đời sống hàng ngày. Tư tưởng đó không thể công nhận kinh nghiệm là nguồn gốc chân lý (rõ hơn là phái công nhận kinh nghiệm là chân lý và chân lý là Thomiste [23]  , chỗ dựa của Giáo đội. Sự thực, Thomas d'Aquin chủ trương lý tính và quan niệm những lý tính này là lý tính chung chung cũng trực tiếp dựa vào kinh nghiệm: những quan niệm cũ cho ánh sáng, nhiệt độ, vận động cơ lý là những chất khác nhau - phương thức bóc lột của phong kiến không tính toán mà chỉ dựa vào chất - chất đất tốt xấu, mùa được hay mất mùa mà thu tô, v. v... Do đó, tư sản phải đề cao một lý tính mới không dựa vào kinh nghiệm chung mà chỉ là kinh nghiệm bộ phận của nó mà thôi. Nó đem lý tính đối lập với kinh nghiệm, lý tính cũ chỉ là kinh nghiệm mù quáng, lý tính chân thực là lý tính mới trái hẳn với quan niệm kinh nghiệm cũ. Phần tiến bộ của triết gia Âu châu lục địa là đề cao toán lý, đề cao quan niệm vật chất cơ lý, chống lý tính cũ. Đứng về khoa học, vấn đề này rất quan trọng; lý tính cũ bảo vệ trật tự, hệ thống ngôi thứ của phong kiến. Giáo hội và bọn này giới thiệu lý tính cũ như kinh nghiệm. Nếu quan niệm theo lý tính mới thì mọi người đồng loạt là những đơn vị có thể tính toán được.
 
Từ thế kỷ XIV, ở Anh, trung, phú nông phát triển nhanh, do đó phương thức sản xuất đã có hướng tư sản hóa - phản ánh trong Roger Bacon, d’Occam. Cuộc đấu tranh của tư sản Anh không dựa vào duy lý mà theo duy vật (kinh nghiệm).
 
+ Tây Ban Nha: sau một hồi phát triển mạnh của tiền tư bản – hình thức phú thương - lại trở về phong kiến nặng nề và là chiến sĩ Cơ đốc, mạnh hơn cả ở Ý.
 
+ Hobbes, đại diện cho một tư tưởng tư sản khác tính chất phong kiến, chủ trương chính trị độc đoán, khủng bố nhưng cũng phần nào hạn chế bọn phong kiến cát cứ.
 
+ Đấu tranh tư sản có hai hướng: lên nắm chính quyền (Cộng hòa), và nếu yếu là quân chủ độc đoán.
 
+ Hướng hình học vào kinh nghiệm là điểm thỏa hiệp với phong kiến: dựa vào nguyên lý lý tính quy định
 
+ Phong trào tư sản Pháp có 2 bậc: lớp tiến bộ thể hiện trong phái tự do và duy vật; lớp ít tiến bộ hơn thể hiện trong Descartes.
 
+ Bấy giờ ở lục địa Âu châu giai cấp tư sản cũng đến giai đoạn cách mạng, các triết gia của họ thu thập những tài liệu của hai truyền thống này mà xây dựng chủ nghĩa duy vật Pháp thế kỷ XVIII. Nỏ có hai yếu tố càn bản:
 
- Yếu tố xuất phát lừ Descartes: giải quyết triệt để thực tại là vật chất theo định nghĩa cơ lý.
 
- Yếu tố tiếp thu của Anh - nhất là Locke - cho rằng hiểu biết của ta có được là nhờ kinh nghiệm và kinh nghiệm do đời sống thực tế của ta (không cần đến linh hồn của Descartes).
 

 
PHỤ LỤC
 
*
 
HUYỀN HỌC VÀ TÂM LÝ HỌC
 
 
Thật ra, vấn đề mà huyền học và tâm lý học nhằm giải quyết căn bản chỉ là một. Đó là vấn đề: quan hệ giữa tư tưởng và thực tại. Có khác nhau là khác nhau về cách đặt vấn đề, nghĩa là về hình thức mà thôi. Huyền học đặt vấn đề: thực tại là gì? rồi từ đó mới đặt vấn đề tại sao ta có thể hiểu biết được thực tại? Còn tâm lý học hay kinh nghiệm chủ nghĩa lại đặt vấn đề: tư tưởng ta hình thành thế nào? hiểu biết như thế nào?
 
Tại sao ở lục địa Âu châu, đặt vấn đề về phía thực tại với hình thức thực tại là gì? (huyền học).
 
Về trình độ đấu tranh giai cấp trong giai đoạn ấy ở lục địa Âu châu, rõ ràng là có 2 hình thức thực tại đối lập nhau trong đời sống kinh tế hàng ngày, tức là kinh nghiệm phương thức sản xuất phong kiến và kinh nghiệm phương thức sản xuất tư sản mới phát sinh.
 
Trong kinh nghiệm phương thức sản xuất phong kiến, thực tại tức là thế giới vật chất, căn bản là một số thực thể có những hình thức mà người ta có thể hiểu biết được một cách trực tiếp, vì nó được sắp xếp theo từng giống, từng loài. Sự sắp xếp giống loài là dựa vào tính chất trực tiếp của sự vật, vì trong phương thức sản xuất phong kiến, về mặt sản xuất người ta cũng mới nắm được đối tượng theo tính chất trực tiếp, chứ chưa nắm được quá trình xây dựng của vật phẩm theo phép tính toán. Phương thức sản xuất tiểu nông và thủ công trong phương thức sản xuất phong kiến là hai phương thức mới nắm đối tượng theo kinh nghiệm trực tiếp mà chưa đặt vấn đề tính toán quá trình sản xuất sản phẩm.
 
Về quan hệ sản xuất, xã hội phong kiến xếp đặt ngôi thứ trật tự có tính chất giống như trật tự giữa các giống loài. Thế giới sắp xếp theo loài là thế giới của kinh nghiệm phong kiến. Đến khi chủ nghĩa tư bản xuất hiện thì đồng thời cũng xuất hiện một thế giới khác, một thế giới không phải sắp xếp theo giống loài mà một thế giới có thể hiểu biết bằng tính toán. Trong sản xuất tư bản mọi sản phẩm đều có tính toán một cách duy lý theo quá trình sản xuất của nó. Căn cứ vào quá trình sản xuất ấy, người ta có thể đánh giá đồng loạt các vật, nghĩa là có thể định nghĩa mọi vật bằng giá tiền. Ví dụ: trong thế giới phong kiến, một cái nhà thường của dân nghèo và một cái lâu đài của một quí tộc hình như là thuộc hai loài khác nhau, không thể lẫn lộn được; nhưng đối với thế giới tư sản, người ta đánh giá đồng loạt hai cái nhà đó. Hai nhà đó chỉ khác nhau về giá tiền, nghĩa là về lượng, chứ chất thì không khác nhau gì. Trong phương thức sản xuất phong kiến, trong tổ chức sản xuất, chia thành phường chuyên môn, biệt lập hẳn với nhau. Ví dụ giữa phường dệt vải và phường làm xe thì được xem như hai giống khác nhau, không dính líu gì với nhau. Nhưng đến phương thức sản xuất tư sản thì hai cái đó chỉ là hai bộ phận của cùng một phương thức sản xuất. Một người tư bản có thể bỏ vốn ra để vừa sản xuất vải, vừa sản xuất xe. Xe, vải đều có một tính chất chung là có thể tính toán theo giá tiền được.
 
Như thế, chứng tỏ rằng thế giới kinh nghiệm của tư sản mới lên đã có một ý nghĩa mới. Theo nó, mọi vật đều có một tính chất chung, do đó, có thể tính toán được. Tính chất căn bản đó có thể nắm được trong quá trình sản xuất máy móc. Tính chất đó là tính chất căng dãn. Mỗi một cái máy vận động là một cách sắp xếp nguyên liệu theo một kiểu khác nhau. Sự khác nhau giữa các sản phẩm chỉ là chỗ các nguyên liệu được sắp xếp khác nhau trong không gian. Ví dụ: bông và vải thì vài căn bàn vẫn là bông nhưng được xếp khác đi mà thành vải. Nhờ tính chất căng dãn mà có thể tính toán được mọi sự vật, mọi hiện tượng trong thế giới. Những tính chất trực tiếp kia nay chỉ là những hiện tượng ngoại diện, không có giá trị nữa. Những tính chất ấy suy đến cùng cũng là kết quả sự sắp xếp trong không gian. Ví dụ: màu sắc, theo vật lý mới, là do sự sắp xếp của những quang tuyến. Hai màu khác nhau là do hai quang tuyến chuyển động khác nhau gây nên. Mọi sự phân biệt về chất đều được quy thành những điểm phân biệt về lượng, và những điểm phân biệt về lượng thì đều có thể tính toán được. Với thế giới kinh nghiệm tư sản mới lên, với phương thức sản xuất máy móc, bản chất của thực tại bộc lộ là một. Chỉ có một vật chất với tính chất căng dãn. Trọng lực, xét đến cùng cũng là thuộc tính chất căng dãn.
 
Lúc bấy giờ, hai thế giới xuất hiện và đối lập với nhau là thế. Ở lục địa Âu châu lúc đó, hai phương thức sản xuất, hai kinh nghiệm đời sống, một của phong kiến, một của tư sản, đi song song với nhau, do đó mà cũng có hai quan niệm về thực tại tồn tại song song với nhau:
l) Một quan niệm thì theo sự sắp xếp giống loài. Theo quan niệm đó, ánh sáng và vận động cơ giới, sức nóng thuộc những loại khác nhau căn bản.
 
2) Một quan niệm cho rằng các vật đều là những hình thức tồn tại của cùng một vật chất. Tính chất của vật chất có thể quy thành một là căng dãn. Trong căng dãn có vận động, nhưng vận động máy móc. Quan niệm sắp xếp theo giống loài không làm cho ta nắm được cái gì cả. Trái lại, quan niệm cơ lý có thể giúp người ta nắm được vật chất một cách dễ dàng. Vì lẽ đó, quan niệm mới đã thắng quan niệm cũ. Nhưng quan niệm cũ vẫn được cả chế độ, tổ chức xã hội, phương thức sản xuất phong kiến bảo vệ. Giáo hội biết nếu chỉ dựa vào quan niệm lý tính cũ thì không đứng vững được, bèn quay sang phương diện tinh thần. Nó thấy rằng không thể định nghĩa linh hồn theo tính chất căng dãn được. Nó đưa ra chủ trương rằng thế giới vật chất định nghĩa theo tính chất căng dãn không phải là thế giới chân thực. Thế giới chân thực theo họ là thế giới linh hồn, là Thượng đế. Thế giới đó phải định nghĩa theo cảm giác. Giáo hội sở dĩ phủ nhận thế giới vật chất định nghĩa theo căng dãn vì nếu theo thế giới đó thì linh hồn mất chỗ đứng. Một vật đã có tính chất căng dãn thì có thể phân chia ra được, chứ linh hồn thì không thể phân chia ra được. Linh hồn chỉ là một. Không thể nói có một linh hồn vận động trong không gian được. Trật tự trong hệ thống tinh thần là tượng trưng cho trật tự trong hệ thống xã hội phong kiến. Do đó, nếu để thế giới linh hồn mất thì rất nguy cho chế độ phong kiến.
 
Xuất phát từ tình hình xã hội trên, về mặt tư tưởng, vấn đề căn bản để tranh luận là: cái gì là thực tại? Là thế giới định nghĩa theo tính chất căng dãn hay là thế giới linh hồn xuất hiện trong cảm giác.
 
Vì có hai thế giới quan như thế song song với nhau nên tưởng như có hai thực tại. Nhưng thực tại nào là chân lý, ngay từ thế kỷ XVI đã có một phái chủ trương rằng: chính thế giới định nghĩa theo cơ học là chân lý tuyệt đối. Đó là chủ trương của Hobbes ở Anh và một số nhà tư tưởng Pháp trong phong trào tự do chủ nghĩa.
 
Ở lục địa Âu châu, vì hai thế giới quan đi song song với nhau thành ra những nhà tư tưởng tiêu biểu nhất cho thời đại vẫn phải công nhận cả hai phương thức tồn tại là vật chất và linh hồn. Nhưng mức độ công nhận của họ là tùy theo mức độ của cuộc đấu tranh giai cấp. Nói cách khác, tùy theo cuộc đấu tranh giai cấp ở mỗi nơi mà vật chất được đề cao hay bị dìm xuống.
 
- Ở Pháp: lực lượng thăng bằng. Do đó, hai thế giới quan cũng song song tồn tại, trong đó tinh thần có phần chiếm ưu thế tương đối. Tình trạng đó phản ảnh trong thuyết nhị nguyên luận của Descartes. Descartes thừa nhận vật chất và tinh thần song song tồn tại, nhưng tinh thần chiếm ưu thế. Quan niệm Descartes xuất phát từ thực tế của chế độ quân chủ độc đoán dựa trên bộ máy hành chính tư sản ở Pháp hồi bấy giờ. Hồi đó, tư sản Pháp chỉ ước mong tham gia bộ máy hành chính chứ chưa đặt vấn đề nắm chính quyền, lật đổ nhà  Vua. Trái lại họ còn nhằm tập trung quyền cho nhà Vua.
 
- Ở Hà Lan: cuộc đấu tranh giai cấp cao hơn. Do đó, tuy hai thế giới quan vẫn song song tồn tại, nhưng vật chất chiếm ưu thế tương đối. Họ định nghĩa: vật chất và tinh thần là một thuộc tính của cùng một thực thể tự nhiên.
 
- Ở Đức: giai cấp tư sản lạc hậu hơn. Do đó, vật chất không còn là thực thể nữa mà chỉ là ngoại diện. Leibnitz định nghĩa: vật chất có thật nhưng chỉ là ngoại diện. Tinh thần mới chính là chân lý
 
- Ở Anh: hai phương thức sản xuất cũng vẫn song song tồn tại, nhưng phương thức tư sản có hướng lan sang nông nghiệp. Ngay từ cuối thời Trung Cổ, nông nghiệp Anh cũng đã có hướng tư sản hóa. Do đó, thế giới kinh nghiệm ở Anh đã có tính chất duy lý. Vấn đề chủ yếu nó đặt ra là hiểu biết như thế nào. Lúc này, phe Giáo hội chỉ có thể tự bảo vệ trong phạm vi lý tính cũ, với tính cách hoàn toàn duy tâm, chứ không như ở Âu châu lục địa, dựa vào thế giới kinh nghiệm trực tiếp để bảo vệ quyền lợi.
 
Kinh nghiệm chủ nghĩa ở Anh trong giai đoạn tư sản đang lên, nghĩa là từ Bacon đến Locke thì tiến bộ, nó có tác dụng đả phá lý tính cũ, vì nó dựa vào một thế giới mới đương hình thành; trái lại, ở lục địa Âu châu, nó lại dựa vào một lý tính mới để đả phá kinh nghiệm cũ, vì nó chưa nắm được kinh nghiệm, nghĩa là chưa nắm được thế giới thực tại.
 
Kinh nghiệm chủ nghĩa ở Anh cũng chỉ tiến bộ trong giai đoạn giai cấp tư sản Anh chưa nắm chính quyền. Đến lúc nó đã nắm được chính quyền thì nó chuyển sang hướng duy tâm. Mặc dù nó vẫn là kinh nghiệm chủ nghĩa, nhưng nó cắt đứt cảm giác với thế giới thực tại, cho rằng cảm giác chỉ là chủ quan. Đó là sự nghiệp của Berkeley. Berkeley đánh ngược cái ý nghĩa thực tế của kinh nghiệm, cho cảm giác kinh nghiệm chỉ là chủ quan. Sau Berkeley, có Hume đã phát triển tư tưởng của Berkeley. Hume cho rằng mọi định luật khách quan của khoa học là do những cảm giác liên quan với nhau theo luật thói quen. Vì thế ta mới có cảm tưởng rằng có một thế giới khách quan có định luật nhất định. Ví dụ: khi lấy gậy đẩy hòn bi thì bi lăn, nhưng có cái gì để chứng minh rằng gậy đã làm bi chuyển động, chẳng qua ta chỉ có cảm giác theo thói quen là gậy chuyển vị trí thì bi cũng chuyển vị trí mà thôi. Chứ không thể chứng minh được rằng cái này là nguyên nhân cái kia. Đó chỉ là một sự liên quan giữa hai cảm giác trong chủ quan.
 
Giai cấp tư sản lúc này giữ được bộ máy chính quyền. Nhưng biến thế giới thành chủ quan; trái với ngày trước, thế giới có tính chất khách quan, nhờ đấy mà nó đã đánh đổ phong kiến.
 
Đến lúc giai cấp tư sản Pháp chuyển lên giai đoạn cách mạng gay go, thì những nhà tư tưởng đại biểu cho nó cũng thu thập tài sản tiến bộ của truyền thống đó (huyền học và tâm lý học) mà xây dựng nên chủ nghĩa duy vật Pháp ở thế kỷ XVIII. Chủ nghĩa duy vật Pháp thế kỷ XVIII có hai yếu tố căn bản:
 
l) Một yếu tố xuất phát từ Descartes nói rằng: thực tại là vật chất, vật chất được định nghĩa theo cơ giới.
 
2) Một yếu tố khác do sự tiếp thu truyền thống kinh nghiệm chủ nghĩa ở Anh, đặc biệt là của Locke nói rằng: chúng ta có thể hiểu biết được thế giới vật chất bằng kinh nghiệm.
 
Descartes định nghĩa vật chất là căng dãn, nhưng về đời sống con người thì Descartes lại quan niệm một cách duy tâm. Các nhà duy vật Pháp thế kỷ XVIII đã nhờ truyền thống kinh nghiệm chủ nghĩa Anh để giải quyết vấn đề đời sống là do sự tổ chức của kinh nghiệm.
 
 
Trần Đức Thảo
(Lịch sử Tư tưởng trước Marx, tr. 342-373)

 

Nguồn: Trần Đức Thảo. 1995. Lịch sử tư tưởng trước Marx. Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội. Bản điện tử: http://amvc.free.fr  

 
 
[01]  Guillaume d’Occam (William of Ockham, 1285-1374), triết gia Anh, chủ trương thuyết duy danh. (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[02]  Roger Bacon (k. 1220-1292), nhà thần học, triết học và khoa học Anh. (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[03]  Francis Bacon (1561-1626), luật sư, chính khách và triết gia. Tác phẩm chính: Novum Organum (1620). (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[04]  Thomas Hobbes (1588-1679), triết gia được xem là người đặt nền cho triết lý đạo đức và chính trị Anh. Tác phẩm chính: De Cive (1642 = Philosophical Rudiments concerning Government and Society, 1651), Leviathan (1651), De Corpore (1655, bản dịch tiếng Anh De Corpore, 1656), De Homine (1658). (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[05]  Giordano Bruno (1548-1600), nhà thiên văn và triết gia Ý, bị Giáo hội thiêu sống vì «tà đạo». (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[06]  René Descartes (1596-1650), nhà khoa học và triết gia Pháp đã đặt nền cho triết học hiện đại. Tác phẩm triết chính: Règles pour la Direction de l’Esprit (1628), Discours de la Méthode (1637), Méditations métaphysiques (1641). (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[07]  Marie de Médicis (1573-1642), hoàng hậu Pháp (vợ của Vua Henri IV, mẹ của Louis XIII). (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[08]  Louis XIII (1601-1643), trị vì từ 1610 đến 1643, nhưng trong 7 năm đầu chịu ảnh hưởng nặng nề của mẹ, và từ 1624 trở đi ảnh hưởng của Richelieu. (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[09]  Đại hội đại biểu chính giới (tăng lữ, quý tộc, tư sản) trong nền quân chủ Pháp, do nhà Vua triệu tập trong trường hợp khẩn trương. (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[10]    Louis Pasteur (1822-1895), nhà khoa học Pháp. (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[11]  Arthur Stanley Eddington (1882-1944), nhà khoa học Anh. (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[12]  Baruch (Benedictus) Spinoza (1632-1677), triết gia Hà Lan gốc Do Thái. Tác phẩm chính: Principes de la Philosophie de Descartes (1663), Pensées métaphysiques(1663),Traité Theologico-Politique (1670), Ethique (1677), Traité Politique (1677), Traité de la Réforme de l’Entendement (1677). (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[13]  Nicolas Malebranche (1638-1715), triết gia Pháp. Tác phẩm chính: La Recherche de la Vérité (1674-1675), Traité de la Nature et de la Grace (1680), Entretiens sur la Métaphysique, sur la Religion et sur la Mort (1688). (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[14]  Gottfried Wilhelm Leibniz (1646-1716), triết gia và nhà toán học Đức. Tác phẩm triết chính: Discours de Métaphysique (1686), Nouveaux Essais sur l’Entendement Humain (1704-1705), Essais de Théodicée (1710), Monadologie (1714). (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[15]  John Locke (1632-1704), triết gia Anh. Tác phẩm chính: Two Treatises of Government (1690),An Essay concerning Human Understanding (1690). (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[16]  George Berkeley (1685-1753), triết gia Anh. Tác phẩm chính: Principles of Human Knowledge (1710), Three Dialogues between Hylas and Philonous (1715). (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[17]  David Hume (1711-1776), triết gia, sử gia người Scotland. Tác phẩm triết chính: A Treatise of Human Nature (1739-1740), Essays moral and political (1741, 1758), Philosophical Essays concerning Human Understanding (1748, 1751), Enquiry concerning the Principles of Morals (1751). (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[18]  Louis XIV (1638-1715): Vua Pháp, trị vì từ 1643 đến 1715. Nắm thực quyền từ 1661 sau khi Thủ tướng Mazarin mất, mở ra vương triều dài nhất và một trong những triều đại huy hoàng của nước Pháp. Được gọi là Louis le Grand. (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 
[19]  Libertin, libertinismengày nay thường được hiểu là phóng đãng, chủ nghĩa phóng đãng theo nghĩa luân lý. Trong thế kỷ VII, libertin (xuất phát từ libertinus, từ la tinh chỉ kẻ nô lệ được giải phóng, chỉ có nghĩa là người đặt lại vấn đề tin tưởng vào các giáo điều, nghĩa là người tư duy tự do (libre penseur, libertin d’esprit), trong chừng mực y đã thoát ly khỏi sự ràng buộc của các hệ thống siêu hình hoặc tín ngưỡng.
 
[20]  Lucilio hay Giulio Cesare Vanini (1585-1619),  nhà khoa học, triết gia Ý có khuynh hướng libertinisme (xem ở trên), sau bị Tòa án dị giáo hỏa thiêu tại Toulouse.
 
[21]  Jean Duns Scot (John Duns Scotus, k. 1270-1308), nhà thần học và triết gia Scotland.
 
[22]  Pierre Gassendi (1592-1655), nhà khoa học và triết gia Pháp, linh mục Kitô giáo.
 
[23]  St Thomas d’Aquin (Tommaso d’Aquino, 1225-1274), triết gia, tu sĩ và nhà thần học Ý. Tác phẩm chính: Summa Contra Gentiles (Somme contre les Gentils, 1261-1263), Summa Theologica(Somme théologique, 1265-1272), De ente et essentia (L’Être et l’essence, 1252-1256). (chú thích của Phạm Trọng Luật).
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét