Phan Chu Trinh
Tiểu sử
Phan Chu Trinh, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, sinh năm 1872 ở làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Cha ông là Phan Văn Bình giữ một chức võ quan nhỏ, sau năm 1885
theo phong trào Cần Vương trong tỉnh, làm chuyển vận sứ phụ trách việc
quân lương. Sau khi kinh thành Huế thất thủ (1885), ông theo cha, tập
luyện võ nghệ, bắn cung, cưỡi ngựa.
Năm cha mất, Phan Chu Trinh mới 16 tuổi, gia đình phải dựa vào sự
lo liệu của người anh cả. Năm 1892, ông đi học, bạn cùng học là Huỳnh
Thúc Kháng kém ông 4 tuổi. Ông nổi tiếng học giỏi.
Năm 1900, Phan Chu Trinh đỗ cử nhân; năm sau (1901), ông đỗ phó
bảng. Năm 1902, ông vào học trường Hậu bổ, rồi ra làm quan với chức quan
Thừa biện bộ Lễ. Tại triều đình, ông được chứng kiến cảnh mục nát hủ
bại của quan trường, nên sinh ra chán nản, có khi vài tháng không đến cơ
quan. Nhưng chính vào thời gian đó, ông giao du với nhiều người có tư
tưởng canh tân như Thân Trọng Huề, Đào Nguyên Phổ, Vũ Phạm Hàm..., được
đọc Thiên hạ đại thế luận của Nguyễn Lộ Trạch, Tân thư giới thiệu tư
tưởng duy tân của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, tư tưởng dân quyền của
Rousseau, Montesquieu..., phong trào Duy Tân ở Nhật Bản, cách mạng ở
Pháp, Mỹ.
Tháng 7-1904, Phan Chu Trinh gặp Phan Bội Châu, hai người trở thành
đôi bạn tâm đắc. Cuối năm đó, lấy cớ phải chăm lo việc thờ phụng tổ
tiên thay anh cả đã mất, ông cáo quan về quê. Từ đó, ông dốc lòng vào
công cuộc cứu nước.
Mặc dù rất đau xót trước cảnh người Pháp ngược đãi người Việt Nam, quan điểm của ông trước mắt chưa nên đặt nhiệm vụ khôi phục chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc, mà nhiệm vụ cấp bách là phải:
- Chấn dân khí: thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường, mọi người giác
ngộ được quyền lợi của mình, giải thoát được nọc độc chuyên chế.
- Khai dân trí: bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ Quốc ngữ, kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa.
- Hậu dân sinh: phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa...
Phan Chu Trinh yêu cầu chính quyền thuộc địa sửa đổi chính sách cai trị hiện hành để có thể giúp nhân dân Việt Nam từng bước tiến đến văn minh. Ông đề cao phương châm "Tự lực khai hóa", vận động những người cùng chí hướng thức tỉnh dân chúng, tuyên truyền tư tưởng dân quyền.
Với phương châm đó, Phan Chu Trình cùng Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp đi khắp tỉnh Quảng Nam và các tỉnh phía nam (đến Phan Thiết). Ông lại một mình ra bắc, lên tận căn cứ Phồn Xương (Yên Thế, Bắc Giang) tìm gặp Hoàng Hoa Thám.
Năm 1906, nghe tin Phan Bội Châu lại mới lên đường xuất dương cùng
Cường Để, ông cũng ra nước ngoài, định sang Nhật Bản tham gia. Nhưng đến
nhà Lưu Vĩnh Phúc tại Quảng Đông, ông đã gặp Phan Bội Châu đang ở đấy.
Hơn 10 ngày ở Quảng Đông, hai ông cùng nhau bàn bạc việc nước.
Sau đó, ông cùng Phan Bội Châu và Cường Để lên đường sang Nhật Bản.
Ông tham quan các trường học, khảo cứu tình hình giáo dục, chính trị
của Nhật Bản. Phan Chu Trinh rất hoan nghênh việc Phan Bội Châu đã vận
động được một số học sinh ra nước ngoài học tập và phổ biến những tài
liệu tuyên truyền giáo dục quốc dân trong nước. Song, ông phản đối chủ
trương bạo động và tư tưởng quân chủ muốn dựa vào ngôi vua của Phan Bội
Châu.
Về nước, sau một thời gian, ông gửi cho Toàn quyền Paul Beau một bức thư dài đề ngày 15-8-1906.
Trong thư, Phan Chu Trinh chỉ trích Chính phủ Pháp không lo mở mang
khai thác hóa cho dân mà chỉ lo thu thuế cho nhiều, do đó dân đã khổ
càng khổ hơn.
Ông đề nghị chính phủ Đông Dương nên thay đổi thái độ đối với sĩ dân nước Nam, cải tổ mọi chính sách cai trị.
Trong bức thư ông tỏ ra quá tin vào truyền thống cũ của cách mạng
Pháp và lòng tốt của thực dân Pháp. Có đoạn có những lời lẽ có phần
nghiệt ngã, cứng nhắc đối với chủ trương bạo động và phong trào đấu
tranh vũ trang của dân tộc. Mặt khác, Phan Chu Trinh còn phê phán đánh
giá trình độ của nhân dân ta quá kém, để từ đó dẫn đến mức không tin cậy
vào khả năng cách mạng của nhân dân.
Mặc dù vậy, bức thư một khi được công bố đã gây tiếng vang lớn
trong nhân dân, công khai nói lên tâm trạng bất mãn của dân chúng và
khẳng định quyết tâm cải biến hiện trạng của đất nước.
Tháng 7-1907, Phan Chu Trinh ra Hà Nội tham gia giảng dạy ở Đông
Kinh nghĩa thục, những buổi diễn thuyết của ông có rất đông người đến
nghe. Ông mở rộng giao du với cả một số người Pháp.
Đầu tháng 3-1908, cuộc nổi dậy đòi giảm sưu thuế của nông dân bùng nổ tại Quảng Nam,
rồi lan ra các tỉnh. Khâm sứ Trung Kỳ nhờ Thống sứ Bắc Kỳ cho bắt Phan
Chu Trinh tại Hà Nội ngày 31-3, sau đó giải về Huế giao cho Nam triều giam giữ. Hội đồng xét xử gồm các quan lại Nam triều,
có Khâm sứ Trung Kỳ ngồi dự đã kết án chém. Nhưng do sự can thiệp kịp
thời của những người Pháp có thiện chí và những đại diện của Liên minh
nhân quyền tại Hà Nội, Phan Chu Trinh chỉ bị đày đi Côn Đảo.
Đầu mùa hè năm 1910, Thống đốc Nam Kỳ theo lệnh của Toàn quyền Đông Dương ra Côn Đảo thẩm vấn riêng Phan Chu Trinh.
Tháng 8 năm đó, ông được đưa về đất liền. Tại Sài Gòn, một
hội đồng xử lại bản án được thiết lập, ông được "ân xá", nhưng buộc phải
xuống ở Mỹ Tho để quản thúc. Sau đó ông viết thư cho Toàn quyền đòi
được sang Pháp hoặc trở lại Côn Đảo, nhất định không chịu cảnh bị giam
lỏng ở Mỹ Tho. Vì vậy, nhân dịp có nghị định ngày 31-10-1908 của Chính
phủ Pháp về việc lập một nhóm giảng dạy tiếng Hán tại Pháp, chính quyền
Đông Dương cử một đoàn giáo dục Đông Dương sang Pháp, Phan Chu Trinh
cùng con trai là Phan Châu Dật đi theo đoàn này. Sang tới Pháp, ông tìm
cách liên hệ với những người trong Liên minh nhân quyền và Đảng Xã hội
Pháp. Nhiều Việt kiều tại Pháp cũng đến với Phan Chu Trinh. Phan Chu Trinh cùng với Phan Văn Trường đã lập Hội đồng bào thân ái gồm những Việt kiều gắn bó với quê hương.
Ông viết bản điều trần về cuộc đấu tranh chống sưu thuế năm 1908 ở miền trung Việt Nam gửi Liên minh nhân quyền.
Cũng trong thời gian này, ông viết Pháp - Việt liên hiệp hậu chi Tân Việt Nam, cho rằng không thể nhìn Việt Nam một
cách cô lập mà phải đặt trong mối quan hệ với thế giới, trước nhất là
với các nước mạnh và với nước Pháp, cũng như không thể chỉ nhìn hiện tại
mà phải nhìn lại lịch sử đã qua và phải tìm hiểu xu thế phát triển sắp tới, tạo nên cách nhìn cả thời lẫn thế.
Trong những năm sống ở thủ đô Pháp, ông làm nghề sửa ảnh, sống thanh bạch. Năm 1926, ông về nước và mất ở Sài Gòn.
Phan Chu Trinh là một tấm gương sáng trong phong trào Duy Tân đầu
thế kỷ 20. Ông là một nhà nho yêu nước chân chính, có nhiều suy nghĩ
tiến bộ. Có thể khẳng định rằng ông là người có tư tưởng dân chủ sớm
nhất trong số các nhà nho yêu nước tiến bộ đầu thế kỷ. Tuy nhiên, Phan
Chu Trinh coi dân chủ còn cấp bách hơn độc lập và tưởng rằng có thể dùng
luật pháp, cách cai trị có quy củ theo kiểu Âu Mỹ - dù là do thực dân
nắm giữ - để quét sạch những hủ bại của phong kiến. Sai lầm chính của
ông chính là ảo tưởng về chế độ dân chủ tư sản, về những khẩu hiệu tự
do, bình đẳng, bác ái của nước Pháp.
Dân chủ vốn không phải là một phần thưởng có thể ban phát.
Nếu nhân dân không có nhân cách thì sao xứng đáng có quyền dân chủ? Lấy
ai mà giành quyền dân chủ? Đại đa số nhân dân ta nhiệt tình yêu nước,
sẵn sàng "đem máu đổi lấy quyền tự do" (Phan Bội Châu), đó chính là điểm
căn bản của nhân cách Việt Nam.
Phan Chu Trinh rất sắc sảo nhìn ra yêu cầu dân chủ hóa đất nước,
nhưng ông cũng không có điều kiện suy nghĩ kỹ càng về các chủ trương dân
chủ hóa. Trong tư tưởng dân chủ của Phan Chu Trinh những thiếu sót quan
trọng mà ông không nhận ra không chỉ ở chỗ Phan Bội Châu nói: "Nước
không còn nữa thì chủ cái gì".
Song với tinh thần yêu nước nồng nhiệt, suốt đời gắn bó với vận
mệnh đất nước, với cuộc sống sôi nổi, sóng gió, gian khổ và thanh bạch,
ông xứng đáng để hậu thế ngưỡng mộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét