Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

QUYỀN LỰC I -Bertrand Russell

Bertrand Russell
QUYỀN LỰC
Nguyễn Vương Chấn & Đàm Xuân Cận dịch
Nxb. Hiện đại, 1972
--- o0o ---
 
QUYỀN LỰC
[Phần 1]
 
 
Chương I
 
SỰ THÔI THÚC CỦA QUYỀN LỰC
 
 
    Giữa con người và thú vật có nhiều dị biệt hoặc về phương diện trí năng hoặc về phương diện cảm xúc. Khác với thú vật, con người có một số ham muốn tự bản chất đã vô hạn nên không thể được thỏa mãn hoàn toàn. Khi no mồi con trăn ngủ yên cho tới lúc cơn thèm đói mới thức giấc; nếu những con thú khác không ngủ sau bữa ăn chính là vì chúng chưa đủ no hay chúng sợ kẻ thù. Các hoạt động của loài vật bắt nguồn từ những nhu cầu về tồn sinh và truyền sinh, và không những đòi hỏi của những nhu cầu này – ngoại trừ một vài biệt lệ hiếm hoi.
 
    Với loài người vấn đề khác hẳn. Thật tình mà nói, đa số nhân loại phải làm việc vất vả để kiếm miếng ăn đến nỗi chỉ còn ít năng lực dành cho những mục đích khác: nhưng những kẻ có đời sống bảo đảm cũng vẫn không ngừng hoạt động. Xerxes[1]không thiếu thực phẩm hoặc cung tần mỹ nữ vào lúc ông ta lên đường viễn chinh Athenes. Từ khi được bổ nhiệm chức giảng sư Trinity, Newton[2]chắc chắn được hưởng đầy đủ tiện nghi vật chất, nhưng sau này ông mới viết cuốn Principia nổi tiếng. Thánh Francis[3]và Ignatius Loyola[4]không cần lập dòng tu để thoát khỏi cảnh túng bấn. Những vị vừa kể là những nhân vật phi thường, nhưng ta thấy mọi người đều có đặc tính hiếu động ở những cấp độ khác nhau, ngoại trừ một thiểu số u mê, đần độn rất nhỏ. Nếu chẳng phải làm việc, bà A sẽ cố sao ăn mặc lịch sự hơn bà B mới được. Có lẽ bà A muốn chồng bà có ngày được vào quốc hội. Mỗi người chúng ta đều có quyền mơ tới những vinh quang chiến thắng bất tận, và nếu như ta có thể thực hiện được bất kỳ giấc mơ nào, hẳn ta sẽ không ngại nhọc mệt mà cố gắng làm việc.
 
    Tưởng tượng chính là kích thích tố thúc đẩy con người vào những hoạt động không ngừng sau khi những nhu cầu căn bản đã được thỏa mãn. Phần lớn chúng ta rất hiếm khi có được những phút giây thực sự hạnh phúc:
 
Nếu ta phải chết lúc này
Ta vui vẻ sẵn sàng
Ôi ta sợ
Hồn ta chẳng còn khi nào hoan lạc như bây giờ.
 
    Và thật tự nhiên nếu trong những giây phút được hưởng hạnh phúc toàn vẹn ta ước mơ nỗi chết giống như Othello, vì ta biết sự thỏa mãn không thế kéo dài. Chỉ có  Thượng Đế mới có hạnh phúc tuyệt đối với chính ngài “là Thiên quốc, là quyền năng, là vinh quang”. Các vương quốc trần gian bị giới hạn những vương quốc khác; quyền lực trần gian bị chấm dứt bởi sự chết; danh vọng trần thế phai tàn với thời gian cho dù ta có xây kim tự tháp hay được lời thơ bất diệt xưng tụng. Những ai chỉ có một ít quyền lực và danh vọng thường hay nghĩ là được thêm chút nữa họ sẽ thỏa mãn, nhưng họ đã lầm: những ước muốn này vô hạn và chỉ trong vô cùng của Thượng Đế họ mới được nơi an nghỉ.
 
    Trong khi thú vật  thỏa mãn tồn sinh và truyền sinh. Con người muốn được bành trướng, và những ước muốn về phương diện này bị giới hạn bởi những gì mà tưởng tượng đã gợi ra. Mỗi người đều muốn làm Thượng Đế nếu như điều này có thể  xảy ra được; một số người không chịu chấp nhận lý do họ không thể trở thành Thượng Đế. Hẳn đây là những kẻ tạo dựng theo khuôn mẫu Santan trong tác phẩm của Milton [5]nên không thừa nhận giới hạn cho quyền lực con người. Nơi đó họ có cả những yếu tố cao cả lẫn lòng bất kính. Sự kết hợp này dễ nhận thấy nơi các nhà chinh phục lừng danh, nhưng còn hiện diện cách mờ nhạt nơi tất cả mọi người. Chính điều này làm cho sự hợp tác xã hội trở nên khó khăn vì mỗi người chúng ta thường thích quan niệm nó theo mẫu mực của sự hợp tác giữa Thượng Đế và các kẻ tôn kính Ngài, và chúng ta ở vào vị thế của Thượng Đế. Từ đó nảy sinh cạnh tranh, sự cần thiết của thỏa hiệp và chính quyền, khuynh hướng nổi loạn, sự bất ổn định và bạo động. Và chúng ta thấy có đạo đức để kìm hãm những hành động vô chính phủ.
 
    Lòng đam mê quyền lực và danh vọng là những ước muốn vô hạn chính của con người. Hai đam mê này không hoàn toàn giống nhau dù chúng liên kết chặt chẽ với nhau. Thủ tướng có nhiều quyền lực hơn danh vọng, nhưng Vua Anh có nhiều danh vọng hơn quyền lực. Thường thường cách dễ nhất để có danh vọng là đoạt được quyền lực, nhất là đối với những người hoạt động trong đời sống công cộng. Do đó tác động của lòng ham muốn danh vọng gần giống như ở lòng ham muốn quyền lực. Ta có thể coi hai động lực là một trong thực tế.
 
    Những kinh tế gia chính thống (Marx đồng ý với họ về điểm này) thật đã lầm lẫn khi cho rằng quyền lợi kinh tế có thể coi là động lực căn bản trong những khoa học xã hội. Những ước muốn vật chất khi tách khỏi quyền lực và danh vọng thì hữu hạn và có thể thỏa mãn hoàn toàn với một khả năng vừa phải. Lòng yêu thích tiện nghi vật chất không tạo nên những tham vọng thật sự (tốn kém). Người ta muốn có chẳng hạn một quốc hội gia nô hay một phòng trưng bày những danh tác của những bậc thầy hội họa là để thỏa mãn quyền lực hay danh vọng, chứ không phải vì muốn kiếm chỗ nghỉ ngơi thoải mái. Khi đã có một đời sống tiện nghi vừa phải, cả cá nhân lẫn cộng đồng sẽ theo đuổi quyền lực hơn là muốn làm giàu: dĩ nhiên người ta có thể kiếm giàu có vì giàu có là phương tiện đưa tới quyền lực, hay làm giàu thêm để có thêm quyền lực. Nhưng ta cần nhìn rõ là trong cả hai trường hợp động lực nền tảng không phải là động lực kinh tế.
 
    Chúng ta nêu ra sai lầm căn bản này trong kinh tế chính thống và Mácxít không phải là nói chuyện lý thuyết cho vui, nó  đã khiến chúng ta hiểu sai một số biến cố chính yếu trong thời gian gần đây. Chỉ khi nào nhận ra rằng lòng yêu quyền lực là căn do của những hoạt  động xã hội quan trọng ta mới có thể giải thích lịch sử xưa nay một cách đứng đắn.
 
    Tôi sẽ cố gắng chứng tỏ quyền lực là ý niệm căn bản trong khoa học xã hội, cũng như ý niệm năng lực trong khoa vật lý. Giống như năng lực, quyền lực có  nhiều hình thức, chẳng hạn như tài sản, vũ khí, thẩm quyền dân sự, ảnh hưởng trên dư luận. Không một hình thức nào có thể bị coi là  phụ thuộc vào hình thức khác, mà cũng không hình thức nào gây ra hình thức còn lại. Toan tính xét một hình thức quyền lực (chẳng hạn như tài sản) một cách riêng rẽ chỉ có thể thành công một phần, đúng như việc nghiên cứu một dạng của năng lực sẽ khiếm khuyết ở một số điểm, trừ khi ta xét nó trong tương quan với các dạng quyền lực khác. Tài sản có thể là kết quả của quyền lực dân sự hay do ảnh hưởng trên dư luận mà nói quyền lực quân sự hay ảnh hưởng trên dư luận do tài sản mà có cũng không sai. Ta chỉ có thể trình bài các luật của động lực học xã hội (social dynamics) theo tác dụng của quyền lực. Thời xưa, quyền lực quân sự đứng biệt lập nên thắng bại có vẻ như do tài năng của viên tướng. Bây giờ người ta thường coi quyền lực kinh tế là nguồn gốc của mọi loại quyền lực khác. Đây cũng là một lầm lẫn không kém lầm lẫn của các sử gia quân sự thuần túy. Lại còn có những người coi tuyên truyền là hình thức quyền lực căn bản. Ý kiến này thật ra không mới mẻ gì. Nó được thể hiện trong những thành ngữ cổ như “magna est veritas et prevalebit”(sự thực vĩ đại sẽ thắng) và “máu của các thánh tử đạo là hạt giống của giáo hội”. Quan điểm tuyên truyền cũng có phần sai, phần đúng như quan điểm quân sự hay quan điểm kinh tế. Nếu tuyên truyền gây nên được một dư luận đồng tình, nó tạo ra một truyền lực bất khả kháng; những người có quyền lực quân sự hay kinh tế có thể dùng nó vào mục đích tuyên truyền. Trở lại luận cứ vật lý học, ta thấy quyền lực giống như năng lực, có thể liên tục chuyển từ hình thức này sang hình thức khác, và khoa học xã hội có nhiệm vụ tìm kiếm những luật chi phối những chuyển dạng này. Toan tính cô lập bất kì hình thức quyền lực nào (hiện nay là quyền lực kinh tế) là một sai lầm nghiêm trọng.
 
    Những xã hội hành xử quyền lực theo nhiều cách khác nhau. Trước hết là mức độ quyền lực trong tay cá nhân hay tổ chức, rõ ràng bây giờ Nhà Nước có  nhiều quyền hành hơn thời trước vì guồng máy tinh vi hơn. Mỗi xã hội lại có một tổ chức riêng: chế độ độc tài quân sự, thần quyền, tộc quyền rất khác nhau. Chúng cũng khác biệt về những phương thế thủ đắc quyền lực: việc vua chúa cha truyền con nối đưa ra một loại người ưu tú, không giống như loại người của dân chủ, hay chiến tranh chẳng hạn.
 
    Nơi không có định chế xã hội nào (thí dụ chế độ quý tộc hay chế độ tập ấm) giới hạn số người nắm quyền thì nói đại khái ai ham quyền nhất chắc sẽ có quyền. Ta suy ra những kẻ làm lớn trong một xã hội cởi mở thường là những kẻ ham quyền khác hẳn người thường. Dù là một trong những động lực mạnh nhất của nhân loại, lòng yêu quyền lực được phân phối rất không đồng đều, vì bị giới hạn bởi nhiều động lực khác như lòng ham tiện nghi, lòng ham khoái lạc, và đôi khi lòng ham đồng ý. Nó được ngụy trang nơi những kẻ rụt rè thành khuynh hướng phục tùng khiến cho những kẻ bạo tợn càng khoái nắm đầu thiên hạ. Ít khi những người của thời thế lại là những người không ham quyền lực cho lắm. Những kẻ thay đổi xã hội thường là những kẻ nhiều đam mê. Do đó lòng yêu quyền lực là đặc tính của những kẻ quan trọng. Dĩ nhiên ta sai lầm nếu coi lòng yêu quyền lực là động lực duy nhất của con người, nhưng cho dù ta có nghĩ vậy thì cũng không có gì nghiêm trọng lắm. Tôi nhấn mạnh lòng yêu quyền lực là động lực chính yếu tạo nên những thay đổi mà khoa học xã hội phải coi là đối tượng nghiên cứu.
 
    Tôi sẽ chứng tỏ người ta chỉ có thể trình bày những luật động lực học xã hội theo tác dụng của quyền lực dưới các hình thức khác nhau của nó. Muốn khám phá những luật này, trước hết cần phải phân loại các hình thức quyền lực rồi xét tới cách gây ảnh hưởng trên đời sống tha nhân của các tổ chức và  cá nhân trong lịch sử.
 
    Tôi có hai mục đích rõ ràng. Mục đích thứ nhất là trình bày một lối phân tích những thay đổi xã hội nói chung theo tôi thỏa đáng hơn phương pháp của các kinh tế gia. Mục đích thứ hai là giúp cho những người còn bị ám ảnh bởi các thế kỷ mười tám vá mười chín có thể hiểu thời hiện tại và tương lai gần đây rõ ràng hơn. Những thế kỷ này đặc sắc về nhiều phương diện và dường như chúng ta đang trở lại một số lề thói sinh hoạt và tư tưởng quen thuộc của thời đại cũ.
 
    Phải nghiên cứu lịch sử thượng cổ và lịch sử trung cổ để hiểu thời đại của chúng ta và các nhu cầu của nó. Chỉ có làm như vậy chúng ta mới  đạt được một tiến bộ khả quan không bị các định đề của thế kỷ mười chín chế  ngự quá đáng.
 
 
ChươngII
 
NGƯỜI LÃNH TỤ  VÀ KẺ TUÂN HÀNH
 
 
    Sự thôi thúc của quyền lực hiển nhiên nơi những lãnh tụ và những ẩn tàng nơi những kẻ tuân hành. Người ta theo một lãnh tụ là để chiếm quyền cho phe nhóm mình và  để chia sẻ các chiến thắng của lãnh tụ mình. Số đông người cảm thấy thiếu khả năng lãnh đạo kẻ khác nên mới tìm tới một lãnh tụ xem ra có đủ đảm lược đem lại chiến thắng. Ngay trong tôn giáo cũng vậy. Nietszche[6]kết án Thiên chúa giáo rao giảng một nền luân lý nô lệ, những người nô lệ này cũng tìm tới chiến thắng cuối cùng. “Phúc thay cho những kẻ vâng lời vì trái  đất sẽ là của họ”. Hay một bản thánh ca nổi tiếng đã minh thị:
 
Xông pha thời chinh chiến
Tìm kiếm ánh quang vinh
Dưới lá cờ  hoen máu
Quyết một lòng tiến lên
Ta hãy quên thống khổ
Và nén tiếng thở  dài
Đưa thập giá lên vai
Vui trên đường phụng sự.
 
    Nếu là một thứ nô lệ thì ta phải coi người lính nghề  đã từng chịu đựng gian khổ nơi chiến trường và các chính trị gia “cầm cờ” làm việc cực nhọc trong mùa tranh cử là những kẻ nô lệ. Nhưng về phương diện tâm lý kẻ tuân hành không là nô lệ hơn người lãnh tụ trong bất kỳ một cuộc hợp tác thành thật nào.
 
    Chính điều này khiến cho các bất bình đẳng về quyền lực phải có trong một tổ chức vẫn tồn tại được và có khuynh hướng gia tăng hơn là giảm đi khi xã hội trở nên ngày càng phức tạp.
 
    Chúng ta thấy việc phân phối quyền lực không đều luôn luôn tồn tại trong các cộng đồng nhân loại. Đó là do nhu cầu ngoại tại một phần và cũng vì những căn nguyên nằm sẵn trong nhân tính. Ta chỉ có thể thực hiện được phần lớn các công tác tập thể nếu có một ban quản đốc điều hành công việc, nếu xe lửa chạy điều hòa thì thời biểu không thể cho các tài xế đầu máy quyết định; nếu ta muốn xây một căn nhà hẳn phải có người quyết định chọn đồ án; nếu muốn đắp một con đường ta phải xác nhận lộ trình trước đã. Một chính phủ có bầu cử đàng hoàng vẫn là một chính phủ. Do đó phải có kẻ chỉ huy và những người tuân hành nếu các công tác tập thể muốn thành tựu vì những lý do không liên hệ chi tới tâm lý học cả. Nhưng khi giải thích ta phải dùng tâm lý học và sinh lý học cá nhân. Một số người có những đức tính khiến họ luôn luôn ở vào cương vị chỉ huy trong khi những kẻ khác phải vâng lời; giữa hai thái cực này là khối đông đảo quần chúng thích chỉ huy trong vài trường hợp nhưng lại muốn phục tùng trong những trường hợp khác.
 
    Trong cuốn Tìm Hiểu Nhân Tính (Understanding Human Nature), Adler phân biệt mẫu người phục tùng và mẫu người hiên ngang. Ông viết: “Kẻ phục tùng sống theo lề lối và luật lệ của kẻ khác, và hầu như bị thôi thúc tìm tới một địa vị tuân hành. Trái lại kẻ hiên ngang luôn luôn tự hỏi phải làm thế nào để hơn người khác.”Mẫu người hiên ngang chỉ có thể giữ những chức vụ quan trọng và leo tới tột đỉnh trong các cuộc biến động. Theo Adler cả hai mẫu người này đều xấu (ít nhất là ở những hình thức cực đoan) và đều là sản phẩm của giáo dục. Bất lợi lớn nhất của một nền giáo dục độc đoán là đào tạo cả mẫu người nô lệ lẫn độc tài vì theo nền giáo dục này chỉ có kẻ ra lệnh và kẻ tuân lệnh hợp tác với nhau được.
 
    Lòng yêu thích quyền lực dưới nhiều hình thức gần như phổ quát, nhưng hình thức tuyệt đối của nó rất hiếm. Một người đàn bà thích ăn hiếp chồng con chưa chắc đã muốn ra làm việc nước; trái lại Abraham Lincoln không ngán cai trị Hiệp chủng quốc lại rất sợ cảnh lục đục gia đình. Nếu chiếc Bellerophon bị đắm có lẽ Napoleon đã ngoan ngoãn tuân lệnh các viên sĩ quan người Anh thoát lên thuyền cấp cứu. Con người ưa thích quyền lực chừng nào có đủ tự tin, nếu không họ thích theo một lãnh tụ cho chắc ăn hơn.
 
    Khuynh hướng phục tùng cũng còn bắt nguồn từ nỗi sợ hãi. Trong trường hợp nguy cấp như trong một trận hỏa tai đám trẻ còn ngỗ nghịch nhất sẵn sàng nghe theo một người lớn đủ uy quyền, khi thế chiến thứ nhất bùng nổ, những phụ nữ thuộc phong trào Pankhurst[7]làm hòa với thủ tướng Lloyd George[8]. Mỗi khi có nguy cơ thật sự, phần đông sẵn sàng đặt mình dưới sự che chở và sử dụng của nhà cầm quyền; những lúc này ít ai mơ tưởng tới cách mạng. Nếu chiến tranh bùng nổ, chính phủ sẽ lên chân vì dân chúng tự nhiên bớt cứng đầu cứng cổ hơn thường lệ.
 
    Chỉ có một số ít tổ chức được đặt ra là nhằm vào việc đối phó với những nỗi nguy hiểm. Một tổ chức kinh tế như nghiệp đoàn công nhân mỏ than có thể gặp nguy hiểm, nhưng chỉ khi có tai nạn mà thôi.
 
    Nếu loại trừ được các nguy hiểm, các tổ chức kinh tế sẽ phát triển tốt đẹp hơn. Nói chung đối phó với những nguy hiểm không hề là mục đích chính yếu của các tổ chức kinh tế hay những cơ quan công quyền đặc trách nội vụ. Nhưng chắc chắn người ta đóng thuyền cấp cứu, tổ chức đội nón đồng cứu hỏa, lục quân và hải quân để đương đầu với nguy hiểm. Điều này cũng đúng nơi các đoàn thể tôn giáo, vì chúng tồn tại phần nào nhằm giải tỏa những lo âu siêu hình ẩn sâu nơi bản tính chúng ta. Ai nghi ngờ xin đọc lại bản thánh ca sau đây:
 
Hỡi tảng đá thiên thu
Hãy cho ta trú ngụ
 
    Hay:
 
Chúa Jêsu yêu mến
Xin đón con vào lòng
Mặc biển đời bão tố
Và gió gào sóng dâng.
 
    Trong niềm tuân phục Thánh Ý có hàm chứa niềm an toàn sau cùng khiến nhiều quân vương trở nên sùng đạo dẫu họ không thể hạ mình trước bất cứ hiện diện trần thế nào. Lòng tuân phục trong trường hợp này bắt rễ từ nỗi lo sợ dù rằng kẻ được tuân phục là người trần hay thần thánh.
 
    Nhiều người cho rằng tính hiếu thắng cũng bắt rễ từ nỗi lo sợ. Tôi nghĩ thuyết này đi quá xa. Có thể nó đúng với một loại tính hiếu thắng nào đó, như của D.H.Lawrence chẳng hạn; nhưng tôi không tin những người trở thành trùm thảo khấu lại sợ cha như cọp dữ hay Napoleon thực sự buồn phiền vì mẫu hậu lúc ở Austerlitz[9]. Tôi mù tịt về bà mẹ của Anila nhưng tôi ngờ rằng bà đã quá nuông chiều đứa con yêu dấu của bà nên khi lớn lên Anila không thấy hài lòng với thế giới lắm vì nhiều khi dám làm nghịch lại ý muốn của hắn. Tính hiếu thắng do nhát sợ không tạo nên những lãnh tụ vĩ đại. Nói cho rõ, những lãnh tụ vĩ đại phải có lòng tự tin phi thường, không phải chỉ hời hợt bên ngoài mà còn ăn sâu vào tiềm thức.
 
    Lòng tự tin cần thiết cho một lãnh tụ có thể được tại nên do nhiều đường lối khác nhau. Theo lịch sử, lối thông thường nhất là có địa vị chỉ huy thế tập. Ta hãy đọc câu ca dao Việt Nam sau đây:
 
Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa lại quét lá đa.
 
    Ta cũng hãy đọc lại các diễn văn của nữ hoàng Elizabeth [10] trong các thời kỳ khủng hoảng, bạn sẽ thấy con người quân vương lấn át bản tính phụ nữ và Nữ hoàng biết phải làm gì để cứu nước. Quyền lợi của quốc gia và quyền lợi của Nữ Hoàng là một. Đây là lý do khiến Nữ hoàng được tôn xưng là “Nữ Hoàng Đáng Tôn Kính”. Bà có thể tán dương phụ thân mình mà không khiến ai khó chịu hết. Chắc chắn thói quen ra lệnh khiến ta dễ nhận trách nhiệm và đưa ra các quyết định mau lẹ. Một bộ lạc theo vị lãnh tụ thế tập chắc là hăng hái hơn khi vị lãnh tụ được chọn bằng cách rút thăm. Mặt khác khi một đoàn thể như Giáo hội thời trung cổ chọn lựa lãnh tụ theo tài đức (thường là trong số những người đã có kinh nghiệm cai trị) thì đoàn thể này gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp hơn là các nền quân chủ thế tập trong cùng một thời kỳ.
 
    Đọc lịch sử ta thấy một số lãnh tụ lỗi lạc nhất đã bắt đầu sự nghiệp trong những hoàn cảnh biến động. Ta hãy xét các đức tính đã mang lại thành công cho Cromwell[11], Napoleon, Lênin. Cả ba đã làm chủ xứ sở của họ vào những thời kỳ khó khăn và dùng được những kẻ có khả năng nhưng chưa chắc dễ bị sai khiến. Cả ba đều can đảm và tự tin vô biên, thêm vào óc phán đoán mẫn tiệp vào những giây phút khó khăn. Tuy nhiên họ không giống nhau. Cromwell và Lênin thuộc cùng một loại, còn Napoleon thì ở loại khác. Cromwell và Lenin bị nung nấu bởi lòng tin mãnh liệt vì họ tự coi được giao phó sứ mạng siêu nhân. Họ cho những thúc đẩy quyền lực nơi họ là chính đáng. Họ chẳng màng tưởng những phần thưởng vật chất như một cuộc đời xa hoa nhàn hạ, vốn là những điều tầm thường khó mà hòa điệu với các mục đích siêu phàm. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp Lênin, còn Cromwell đã ý thức sa ngã của mình vào những năm cuối đời. Dẫu sao sự phối hợp giữa niềm tin và tài năng xuất chúng đã giúp cả hai có thừa tự tin và gây được tin tưởng nơi kẻ dưới.
 
    Trái với Cromwell và Lenin, Napoleon là điển hình của lính nghề. Ông hưởng ứng cuộc cách mạng vì nó giúp ông cơ hội thi thố tài năng mà thôi, chứ  thực ra thì ông rất thờ ơ. Dẫu rằng ông cảm  thông với lòng ái quốc Pháp đối với ông chỉ là một cơ hội không hơn không kém. Lúc còn trẻ ông từng có ý tưởng sẽ chiến đấu cho Corsica chống lại nước Pháp. Ông thành công không hẳn do những đức tính đặc biệt mà vì ông thấu đáo kỹ thuật chiến tranh: ông đã chiến thắng trong nhiều trường hợp kẻ khác nắm chắc thất bại. Vào những giây phút quyết định như ngày 18 Brumaire và Marengo ông biết chớp thời cơ cướp đoạt công lao của kẻ khác. Ta cũng nên nhớ quân đội Pháp lúc đó có nhiều người trẻ tuổi nhiều tham vọng. Những chiến thắng liên tiếp khiến ông tin tưởng vào số mệnh, nhưng trớ trêu thay sự tin tưởng thái quá này đã đưa ông tới thất bại ê chề vào lúc chung cuộc.
 
    Ta phải xếp Hitler vào một loại với Lenin và Cromwell, Mussolini với Napoleon về phương diện tâm lý. Thực ra tên lính nghề hoặc trùm thảo khấu là loại người quan trọng trong lịch sử hơn là những sử gia khoa học thường tưởng. Một đôi khi hắn may mắn trở thành lãnh tụ của những tổ chức mục đích phần nào vượt khỏi cá nhân, giống như Napoleon. Có nhiều người tin đạo quân cách mạng Pháp là những kẻ giải phóng Âu châu, nhưng chính Napoleon lại chỉ nghĩ tới việc giải phóng khi nào cần tăng uy tín cho cá nhân mình. Rất nhiều khi người ta chẳng cần giả vờ mang một mục đích cao cả nào hết. Có lẽ Alexander cho rằng ông đã bắt tay vào việc Hy Lạp hóa phương Đông, nhưng những người lính Macedonians của ông chẳng quan tâm tới khía cạnh này làm chi. Trong thế kỷ cuối cùng của nền Cộng hòa những viên tướng La Mã chỉ đánh giặc vì tiền và mua chuộc lòng trung thành của thuộc hạ bằng đất đai, của cải Cecil Rhodes bày tỏ lòng tin tưởng thần bí của đế quốc Anh nhưng chính niềm tin tưởng này đã mang lại nhiều lợi lộc. Ông ta dùng tiền bạc để khuyến dụ các binh sỹ theo ông trong cuộc chinh phục Matabeleland. Lòng tham lợi, dù được che đậy hay không, đóng vai trò quan trọng vào những cuộc chiến tranh trên thế giới.
 
    Có thể rằng một công dân bình lặng phục tùng một lãnh tụ do sợ sệt nhưng điều này không đúng với bọn thảo khấu, trừ khi chúng bị bắt buộc đi ăn cướp. Một khi quyền lợi của một lãnh tụ đã được xác định đàng hoàng, ông ta có thể khiến cho những cá nhân lộn xộn khiếp sợ, nhưng trước khi trở nên lãnh tụ và được đa số công nhận ông ta không làm cho ai ngán cả. Muốn trở thành lãnh tụ, ông ta phải có đầy đủ lòng tự tin, quyết đoán mau lẹ và chọn những biện pháp đúng. Tuy vậy, quyền lãnh đạo chỉ tương đối. Ceasar là người duy nhất có thể sai khiến Antony. Đa số người thấy sinh hoạt chính trị khó khăn và tốt hơn cả là theo một lãnh tụ như thể những con chó có nghĩa với chủ. Không vậy thì làm sao quan niệm hành động chính trị tập thể được.
 
    Vậy thì lòng yêu quyền lực (coi như một nguyên động lực) và  cả ý muốn tự chỉ huy bị hạn chế bởi tính nhút nhát. Vì quyền lực giúp ta thực hiện nhiều tham vọng và khiến kẻ khác trọng nể ta, tự nhiên chúng ta mong muốn quyền lực đến một mức độ nào đó. Quá độ mức độ này, tính nhút nhát sẽ can thiệp. Tính nhút nhát sẽ giảm bớt nếu ta quen nhận lãnh trách nhiệm có khuynh hướng muốn gia tăng ước muốn quyền lực. Kinh nghiệm về sự tàn ác và bất thân thiện có thể làm cho những kẻ nhát sợ tha mình vào một chỗ trong khi những kẻ bạo tợn thì ráng kiếm những việc hành hạ kẻ khác.
 
    Sau tình trạng vô chính phủ gần như chắc chắn đối có chế độ độc tài vì thiên hạ đã làm quen với lề thống trị và bị trị ở trong gia đình quốc gia hay lĩnh vực kinh doanh. Sự hợp tác bình đẳng khó hơn là độc tài và không dính dấp tới bản năng (chỉ huy và tuân phục). Trong một cuộc hợp tác bình đẳng người ta phải tự chủ hoàn toàn không được để lộ ý muốn phục tùng. Mỗi bên đều phải trung thành với một điều thiêng liêng nào đó. Ở Trung Hoa những công việc kinh doanh trong gia đình thường thành công nhờ lòng trung thành gia đình đúng theo truyền thống Khổng Mạnh, nhưng những công ty tổ hợp xem chừng không hoạt động được bởi chẳng có lý do gì bắt buộc kẻ này phải đối xử thân thiện đối với người góp vốn khác. Muốn cho một chính quyền do bầu cử làm việc người ta phải tôn trọng luật pháp hay chính quyền hoặc một nguyên tắc chung nào đó được mọi người chấp nhận. Hội Liên Hữu không tổ chức bầu cử. Khi có vấn đề nào khó xử, họ thảo luận bàn cải cho đến khi đạt tới “thực chất” của cuộc họp, tin là do Chúa Thánh thần mặc khải. Dĩ nhiên Hội Liên Hữu là một cộng đồng nhất khác thường. Nhưng nếu thiếu một dức độ đồng nhất nào đó không thể cai trị bằng thảo luận được.
 
    Một gia đình như họ Fuggers hoặc họ Rothchilds, một tổ chức như nhóm Thanh giáo, một bộ lạc man rợ hay một quốc gia lâm chiến hoặc sắp lâm chiến thường có  một tình liên đới đủ mạnh để thảo luận mọi vấn  đề mà khỏi phải dùng các biện pháp cực đoan. Nhưng ta nên nhớ cần có áp lực từ bên ngoài: các hội viên bám lấy nhau vì sợ phải đứng một mình. Một cơn nguy biến chung là cách dễ nhất để tạo ra sự đồng nhất. Tuy nhiên đây không phải là giải pháp cho vấn đề quyền lực cho toàn thế giới. Hiển nhiên là chúng ta ngăn ngừa những hiểm họa như chiến tranh chẳng hạn, nhưng vấn đề này khó khăn về phương diện tâm lý cũng như chính trị và chúng ta thấy có lẽ chỉ có thể giải quyết nổi nếu có một nền độc tài chuyên chính ở một quốc gia nào đó. Việc các quốc gia hợp tác với nhau cũng khó giống như đám quý tộc Ba Lan trước khi phân ly. Nhân loại cần có tổ chức chính quyền, nhưng ở những nơi mà trước kia tình trạng vô chính phủ đã từng chế ngự, lúc đầu người ta chỉ thuần phục chế độ chuyên chế. Do đó, việc đầu tiên là phải nắm vững chính quyền, dù là một chính quyền chuyên chế, và chỉ khi nào chính quyền này trở nên quen thuộc ta mới mong biến nó thành chính quyền dân chủ một cách êm thấm. Quyền lực tuyệt đối hữu ích trong việc xây dựng tổ chức. Tuy áp lực xã hội đòi hỏi rằng quyền lực phải phục vụ mọi người liên hệ phát triển chậm hơn nhưng cũng không kém chắc chắn. Áp lực này thường xuyên trong lịch sử giáo quyền và lịch sử chính trị đã xuất hiện trong phạm vi kinh tế.
 
    Tôi đã nói về những kẻ chỉ huy và những kẻ tuân hành, nhưng còn phải nói về kẻ thứ ba: những kẻ đứng bên lề. Nhiều người có can đảm từ chối tuân lệnh kẻ khác, nhưng cũng không thích chỉ huy. Họ đứng bên lề xã hội và tìm nơi trú ẩn mà họ có thể hưởng một thứ tự do phần nào cô độc, nhiều lúc loại người này rất quan trọng; chẳng hạn những tín đồ Thiên chúa giáo thời sơ khai hay các kẻ tiền phong ở  Hoa Kỳ. Nơi trú ẩn có thể là tinh thần, có thể là thân xác, có khi là một sự cô đơn hoàn toàn của một nơi ẩn dật, có khi là sự cô đơn tập thể của một tu viện. Trong số những kẻ trú ẩn về phương diện tinh thần, có những ẩn sĩ, những kẻ thích thú những đam mê vô hại, những kẻ ám ảnh bởi những hình thức bí hiểm và không mấy quan trọng của ti thức. Trong số những kẻ trú ẩn về phương diện thân xác là những kẻ đi tìm biên cương văn minh và những nhà thám hiểm, ví dụ như Bates nhà vạn vật học của vùng Amazon, kẻ đã sống sung sướng suốt mười lăm năm chỉ bầu bạn với người da đỏ. Kẻ ẩn dật cũng có một số đức tính có thể khiến họ tạo dựng những công trình tuyệt hảo vì họ cặm cụi làm việc mà chẳng màn danh lợi, mặc cho thiên hạ lãnh đạm hay đả kích. Họ là những kẻ dám có những ý kiến nghịch đời.
 
    Một số kẻ đứng ngoài không hẳn là thờ ơ với quyền lực, nhưng chỉ vì họ không thể chiếm được quyền lực theo phương thức thông thường. Những người này có thể nên thánh hay trở thành những tư tưởng gia tiên phong, kẻ sáng lập dòng tu hay trường phái văn chương nghệ thuật. Họ thâu nhận những đệ tử vừa có khuynh hướng phục tùng, vừa có khuynh hướng phản kháng, những kẻ không theo chính thống và chấp nhận cái mới. Ta còn nhớ trường hợp Tolstoy và các môn đệ của ông. Loại cô đơn hoàn toàn thì khác. Tên hầu cận rầu rỉ sẵn sàng chia sẽ đời sống lưu đày với tướng công tốt lòng của mình và dù sao này vị tướng công có đổi tính đổi nết đi chăng nữa, hắn vẫn sẵn lòng ở lại rừng xanh hơn là về với triều đình. Ta cũng đã biết nhiều tên khai phá tiền phong Hoa Kỳ đã bán trang trại của họ và lên đường tây tiến trước khi bị văn minh bắt kịp. Với họ, thế giới ngày càng khan hiếm cơ hội. Một số nhúng tay vào tội ác, một số trở buồn phiền chán đời. Tiếp xúc với người đồng loại nhiều quá khiến họ chán chường đến độ nếu không sống cô đơn được thì họ bạo động chém giết.
 
    Tổ chức được tăng cường vì những người nhút nhát dễ tuân phục lãnh tụ và cảm thấy an tâm được thuộc về một đám đông có cảm nghĩ giống nhau. Trong một buổi họp công cộng hào hứng, ta thấy sảng khoái, pha lẫn ấm cúng và an tâm; cảm xúc được chia sẽ càng lúc trở nên càng mạnh mẽ đến khi nó lấn át mọi cảm nghĩ khác trừ ý thức quyền lực sôi nổi do sự gia tăng bản ngã. Khích động tập thể chính là một nhiễm độc ngọt ngào dễ dàng làm quen sự tỉnh táo, lòng nhân đạo và ngay cả bản năng sinh tồn. Những đám đông bị kích động dễ dàng phạm tội tàn sát ghê tởm hay chịu hy sinh anh hùng. Loại nhiễm độc này, như những loại khác, thật khó cưỡng lại khi ta đã một lần nếm mùi. Nhưng cuối cùng cũng chỉ là nỗi chán chường hờ hững, để rồi phải có liều kích thích tố ngày càng mạnh hơn nếu ta muốn tạo lại hăng say ban đầu.
 
    Xúc động này có thể do âm nhạc tuyệt diệu hay một biến cố sôi nổi tiếp diễn trước mặt đám đông, nhưng lời nói của một nhà hùng biện dễ quyến rũ đám đông nhất. Vậy một yếu tố quan trọng trong quyền lãnh tụ là khả năng ăn nói hấp dẫn. Nhà lãnh tụ không cần phải chia xẻ những cảm xúc do ông gây ra. Ông ta có thể tự nhủ như lời lẽ của Antony[12] (trong kịch bản của Shakespeare) như sau:
 
Hỡi sức mạnh hãy mặc sức hoành hành
Đám đông kia nào đáng kể băn khoăn.
 
    Người lãnh tụ khó mà thành công nếu ông không có tâm lý sài sễ, hành hạ những kẻ theo mình. Ông ta sẽ thích một loại hoàn cảnh, một loại đám đông nào đó dễ đưa thành công lại cho ông. Hoàn cảnh tốt nhất là một nỗi nguy hiểm đủ trầm trọng khiến người ta muốn tòng quân cứu nước nhưng đừng khủng khiếp tới độ làm người ta sợ hãi chẳng hạn như chiến tranh bùng nổ với một kẻ thù đáng ngại nhưng không hẳn đã là vô địch. Muốn khích động lòng hiếu chiến, nhà hùng biện ráng gây nên hai lớp tin tưởng: bề ngoài ông bảo họ rằng kẻ thù rất mạnh nên ta phải có nhiều can đảm: sâu hơn ông đoán chắc là họ sẽ chiến thắng. Nói nhẹ nhàng thì ta có thể dùng những biểu ngữ đại loại như: “Công lý thắng cường quyền”, hay những câu bất hủ như:
 
Ta nhất định thắng
Địch nhất định thua.
 
    Đám đông lý tưởng của nhà hùng biện là loại dễ bị xúc động lôi cuốn hơn là suy tư, dễ sợ hãi, dễ căm thù, không thích những biện pháp đúng đắn nhưng chậm chạp, dễ tuyệt vọng nhưng cùng lúc lại tràn đầy hy vọng. Nếu chẳng phải là một kẻ quá quay quắt, nhá hùng biện sẽ ráng kiếm một số tin tưởng biện minh cho việc ông làm. Ông cho rằng người ta nên hành động theo cảm xúc hơn là theo lý trí, rằng mọi ý kiến nên xuất phát từ con tim hơn là do não tủy, và những yếu tố tốt đẹp nhất trong con người có tính cách tập thể hơn là cá nhân. Nếu ông ta có quyền, ông sẽ biến giáo dục thành một cuộc tập luyện xen lẫn với việc nhồi sọ tập thể, và trí thức cũng như phán đoán chỉ giữ vai trò hết sức thứ yếu.
 
    Tuy nhiên không phải mọi cá nhân yêu thích quyền lực đều thuộc loại người hùng biện. Có hạng người mà lòng yêu thích quyền lực là do kiểm soát được cơ động. Chúng ta hãy nghe Bruno Mussolini mô tả những chiến công của mình trong trận chiến tranh Abyssinia:
 
    “Chúng ta phải đốt cháy những ngọn đồi rậm rạp, những cánh đồng, và những đồi nhỏ bé kia… thú vị thật… những trái bom chưa chạm đất đã nổ tung thành những đám khói trắng và một ngọn lửa cực lớn và cỏ khô bắt đầu cháy. Tôi nghĩ đến những con vật: Chúa ơi! Chúng chạy cuống cuồng… sau khi các máng bom đã hết, tôi bắt đầu ném bom bằng tay… thích thú quá chừng: một zariba lớn bao bọc bởi những tàn cây không dễ chi đụng tới được. Tôi phải nhắm vào mái rơm kia cho cẩn thận và chỉ ném trúng với cú thứ ba. Những tên khốn khổ bên trong thấy mái rơm cháy, vụt nhảy ra và chạy như điên.”
 
    “Bị vòng lửa bao vây, khoảng năm ngàn tên Abyssinians tới bước đường cùng. Chẳng khác gì địa ngục vậy”.
 
    Nhà hùng biện phải sử dụng tới thứ tâm lý trực giác mới mong thành công. Tên phi công thuộc loại Bruno Mussolini thấy thống khoái đâu có cần biết chết cháy chẳng thú vị gì. Nhà hùng biện thuộc mẫu người xưa: mẫu người dựa vào cơ động mới chỉ có đây. Thực ra không phải hoàn toàn như vậy. Chẳng hạn chúng ta hãy đọc lại những trang sử chép về cuối trận đánh Punic thứ nhất khi ở thành Carthage người ta đã dùng những con voi dày xéo những kẻ đánh thuê cho tới chết, chúng ta thấy cùng một thứ khoái lạc thú vật như của Bruno Mussolini, dẫu rằng một bên thì dùng voi, đằng khác dùng khoa học tân tiến. Nói một cách tương đối, quyền lực cơ động tiêu biểu cho thời đại chúng ta hơn bất kỳ thời đại nào trước đây.
 
    Người ta chưa hề mô tả cặn kẽ tâm lý một kẻ chủ trương độc quyền chính trị dựa vào quyền lực cơ khí. Mà đây là một sự kiện khả hữu chứ không phải viễn vông đâu. Bằng việc kiểm soát phi cơ, tàu bè, nhà máy điện, các phương tiện chuyển vận… một nhóm thiểu số có huấn luyện kỹ thuật có thể thiết lập một nền độc tài tuyệt đối mà kẻ bị trị chỉ có quyền răm rắp tuân lệnh. Đế quốc Laputa được duy trì vì có khả năng ngăn chặn mặt trời chiếu vào một khu vực nổi dậy; vậy thì một tập đoàn các kỹ thuật gia khoa học có thể thi hành một biện pháp ít ra là như thế. Họ có thể bỏ đói một vùng bất trị, cúp ánh sáng, cúp hơi nóng, cúp điện lực sau khi làm cho những vùng này quen với các tiện nghi tối tân trên. Họ có thể phun hơi độc và vi trùng. Trong trường hợp này chống cự hoàn toàn vô ích. Và vì được huấn luyện cẩn thận về cơ động những người nắm quyền sinh sát sẽ nhìn con người chẳng khác gì máy móc, nghĩa là những vật vô tri giác bị chi phối bởi những luật lệ nằm trong tay họ. Một chế độ như thế phi nhân hơn bất kỳ một chế độ khắc nghiệt nào từ trước tới giờ.
 
   Đề tài của tôi trong cuốn này là quyền lực trên con người chứ không phải quyền lực trên vật chất. Thế nhưng tôi vẫn đôi khi phải nói tới quyền lực trên vật chất vì hiện nay người ta có thể tạo được một quyền lực kỹ thuật lý học (a technicological power) trên con người, đặt căn bản của quyền lực trên vật chất. Những kẻ có thói quen kiểm soát những cơ động mạnh mẽ, và qua sự kiểm soát này thành ra có quyền lực đối với con người sẽ nhìn con người một cách khác hẳn lối nhìn của những kẻ dựa trên thuyết phục, dẫu chỉ là lối thuyết phục láo khoét. Đã có khi nhiều người trong chúng ta ra tay đập nát một tổ kiến và khoái trá nhìn kiến vỡ tổ. Khi ta nhìn xuống đường phố Nữu – Ước từ nóc một tòa nhà chọc trời, những người ở dưới trông không còn vẻ người, và trở nên như con sâu cái kiến vậy. Giả dụ ta có mang một lưỡi tầm sét như anh chàng Jove[13]có lẽ ta sẽ khoái quật vào đám đông, vì cùng thứ nguyên động lực đã làm ta ngứa tay phá tổ kiến chơi. Đây cũng là cảm nghĩ của chàng phi công Bruno Mussolini khi anh ta ngồi trên máy bay nhìn đám dân Abyssinians khiếp đảm. Hãy tưởng tượng một chính phủ khoa học, vì sợ bị ám sát, nên lúc nào cũng sống trên phi cơ, lâu lâu mới đáp xuống bãi đậu trên các đỉnh tháp cao hay các chiếc bè neo ngoài khơi. Một chính phủ như vậy có thể nào có chút lưu tâm đến hạnh phúc của dân chúng chăng? Chắc là không rồi. Trái lại gần như chắc chắn chính phủ này sẽ nhìn dân chúng chẳng khác máy móc khi mọi chuyện êm đẹp. Nhưng khi có gì chứng tỏ rằng đám đông không hẳn là máy móc, thì chính phủ này hẳn sẽ nổi điên và lập tức ra lệnh dập tắt mọi chống đối một cách quyết liệt, tàn nhẫn.
 
    Bạn đọc có thể cho tôi là mê hoảng rồi. Tôi mong rằng quả thực tôi đã quá bi quan. Nhưng tôi tin chắc quyền lực cơ khí có khuynh hướng tạo nên một tâm thức mới, cho nên điều cần thiết là phải tìm mọi cách kiểm soát các chính phủ. Nền dân chủ có thể trở nên khó khăn hơn vì các tiến bộ kỹ thuật, nhưng nó cũng trở nên quan trọng hơn. Kẻ nào có quyền lực cơ khí lớn lao mà không bị kiểm soát sẽ cho mình là một vị thần không phải là vị thần của tình yêu, nhưng là ác thần Thor[14]hay Vulcan[15].
 
    Leopardi [16] đã mô tả  cảnh núi lửa hoành hành trên ngọn Vesuvius với những dòng thơ bi thiết:
 
Những giải đất ngổn ngang bọt đá khô ran
Những giải đất tràn ngập giòng phún thạch kết tinh
Reo vang dưới gót chân kẻ hành hương cô độc
Kìa con rắn cuộn tròn trong tô dưới mặt trời chói bỏng
Kìa con thỏ vội về hang trong khe hông tảng đá
Ngọn núi bất trị đã tuôn trào trăm giòng thác lửa
Nơi xưa kia có nông trại hạnh phúc
Có giải đất phì nhiêu, có mùa lúa chín vàng
Và tiếng kêu của bầy thú vật
Nơi có vườn tược, có lâu đài
Nơi ẩn trú mến yêu của những lãnh chúa đầy uy quyền
Nơi có những thành phố hoa lệ
Ngọn núi bất trị đã tuôn trào trăm giòng thác lửa
Thiêu đốt tất cả và tàn sát dân cư
Ôi! Nơi đây chỉ còn hoang tàn đỗ nát.
 
    Sức tàn phá của con người khốc hại không kém. Ta hãy nhớ lại những bi thảm ở Guernica[17]. Có thể chẳng bao lâu nữa sẽ tới kinh thành Luân Đôn. Ta có thể hòng mong những gì ở những kẻ đã leo lên tới địa vị thống trị bằng những tàn phá như thế? Và nếu cho là các thành phố  thù nghịch Bá Linh và La-Mã (chứ không phải Luân Đôn hay Ba-lê) bị các vị thần mới dùng lưỡi tầm sét triệt hạ, liệu có còn chút tình nhân loại nào nơi những kẻ tàn phá sau hành động tệ hại đó chăng? Liệu những kẻ còn chút tình người có tránh khỏi điên dại vì lòng trắc ẩn bất lực, và trở nên xấu xa hơn những kẻ chẳng cần phải đè nén lòng thương xót (vì chúng không có) hay không?
 
    Ngày xưa con người bán linh hồn cho quỷ để đạt tới những quyền lực ma thuật. Ngày nay khoa học cho họ quyền lực và họ thấy bị bắt buộc phải trở thành quỷ dữ. Nhân loại không còn hy vọng nào trừ khi quyền lực được thuần hóa, và được sử dụng vào việc phụng sự, không phải phụng sự bọn bạo chúa này hay bọn bạo chúa khác nhưng phụng sự cho cả nhân loại vì khoa học ngày nay đã đưa chúng ta tới tình trạng hoặc tất cả được sống hoặc tất cả phải chết.
 
    (còn tiếp)
 

Nguồn: Bertrand Russell. Quyền lực. Nguyễn Vương Chấn – Đàm Xuân Cận dịch, Nxb Hiện đại, 1972. Bản điện tử do triethoc.edu.vn thực hiện.


[1]
Xerxes: Vua Ba Tư từ 456 đến 485 trước Tây lịch.
 
[2] Newton: triết gia khoa học Anh (1612-1727) phát kiến những luật động lực học.
 
[3]  Thánh Francis (1181?-1226) sáng lập dòng Franciscan vào khoảng năm 1209.
 
[4] Thánh Ignatius Loyola (1491 – 1556) sáng lập dòng Jesuit.
 
[5] Milton(1608-74) thi hào Anh tác giả “Paradise Lost” paradise Regained và nhiều thi bản khác.
 
[6] Nietzsche (1844-1900). Triết gia Đức, cha đẻ của thuyết siêu nhân.
 
[7] PanKhurs (1858-1928) lãnh tụ phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ.
 
[8] Lioy George (1863-1945) chính trị gia tự do Anh, làm thủ tướng từ 1916-1922.
 
[9] Austerlitz. Nơi Napoleon đánh bại quân Áo và Nga năm 1805.
 
[10] Elizabels I (1533-1603) Nữ hoàng Anh trị vì từ năm 1558 đến 1603.
 
[11] Oliver Cromwell (1599-1658) lãnh đạo Anh quốc từ 1653 đến 1658.
 
[12] Antony (khoảng 82-30 trước Tây lịch) bị Cleopatra quyến rũ, mất hết quyền bính và sau đó tự tử chết.
 
[13] Thần chiến thắng Jupiter.
 
[14] Thần sấm sét, chiến tranh.
 
[15] Thần chiến thắng Jupiter.
 
[16] Giacomo Leopardi (1798-1837) Thi sĩ Ý đại lợi, cũng là một học giả.
 
[17] Địa danh nổi tiếng trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Đây cũng chính là tên mà Picasso đã dùng để chỉ bức họa ông mô tả nỗi rợn người của cuộc chiến tranh thảm khốc này.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét