Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012

Nhân bàn về cách hiểu sai câu tục ngữ "Học thầy chẳng tày học bạn

Nhân bàn về cách hiểu sai câu tục ngữ "Học thầy chẳng tày học bạn


             Lê Huy Thực

TCNV
- Học thầy chẳng tày học bạn ([1]) là câu triết luận trong kho tàng tục ngữ Việt Nam rất đáng lưu tâm và cần được hiểu chính xác để mỗi người lấy đó làm phương châm hành động. Nguyễn Lân, một giáo sư, nhà giáo nhân dân, người nghiên cứu, trước tác vào hàng tầm cỡ của nước ta nhưng lại tỏ ra hiểu không đúng câu tục ngữ rất quen thuộc và nổi tiếng này. Học giả đó giải thích chữ "tày" nghĩa là "được bằng", rồi dẫn câu "Học thầy chẳng tày học bạn" để minh họa cho chữ "tày" với nghĩa mà ông đã gán cho nó một cách không đúng trong trường hợp cụ thể này. Vậy, theo giáo sư nói trên thì câu tục ngữ "Học thầy chẳng tày học bạn" nghĩa là: Học thầy chẳng được bằng học bạn ([2]).
Giải thích và đi đến cách hiểu câu tục ngữ đã dẫn như thế là sai, tỏ ra vô tình hoặc có ý thức hạ thấp vai trò, công sức quan trọng của người thầy, ngược lại, khẳng định, đánh giá quá cao đến cực đoan tác dụng của sự học hỏi từ bạn bè.
Tác giả Hoàng Thái Sơn cũng hiểu không chính xác câu triết luận "Học thầy chẳng tày học bạn" do nghĩ là chữ "tày" ở đây chỉ được dùng với nghĩa là "bằng". Theo ông, đấy là câu nói "vô ơn trực diện". Ông lập luận tiếp: "Có phải người ta sổ toẹt công lao của ông thầy không? Hoàn toàn không! Vấn đề nằm ở chỗ khi cần đề cao vai trò về sự giúp đỡ của bạn bè, ta phải tạm thời đặt ông thầy xuống hàng thứ yếu mà thôi, không có ông thầy làm nền thì làm sao việc "học bạn" trở nên quan trọng" ([3]).
Tôi, người viết những dòng, trang này, không nhất trí với cách hiểu và lập luận khiên cưỡng đó của tác giả Hoàng Thái Sơn. Trong di sản tư tưởng của dân tộc, cha ông ta luôn tôn kính, đề cao vai trò quan trọng của người thầy. Tại nhiều văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam, vị trí, tác dụng tích cực của người thầy đều được khẳng định. Hầu hết dân Việt Nam luôn có ý thức "tôn sư trọng đạo", nhận thức được một chữ cũng nhờ thầy, nửa chữ cũng nhờ thầy truyền thụ, giảng giải cho mới có, mới hiểu được sâu sắc và nếu như không có thầy thì thật khó làm nên nhiều việc. Không bao giờ nhân dân ta vốn có truyền thống quý trọng người thầy như vậy lại phải đặt những nhân vật đáng được sùng kính đó xuống hàng thứ yếu. Có những cách hiểu sai lầm đến mức đáng tiếc trong giới nghiên cứu, giảng dạy về câu tục ngữ nói trên, chung quy chỉ là vì chưa thấy hết ý nghĩa một chữ "tày" trong vốn từ của dân tộc ta. Thiết nghĩ, chữ đó phải được hiểu cho đúng và chính xác hơn để tránh lối giải thích sai lầm. Tôi hoàn toàn đồng ý với người định nghĩa và giải thích mục từ "tày" trong quyển Đại từ điển tiếng Việt được Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin ấn hành từ Hà Nội năm 1999.
Chữ "tày" trong tiếng Việt thường được dùng với một trong ba nghĩa: 1) không nhọn (thí dụ: cây gậy tày); 2) bằng (thí dụ: Ước gì sông rộng tày gang/ Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi); 3) có thể sánh được (thí dụ: Học thầy không tày học bạn) ([4]). Chữ "tày" trong câu tục ngữ đang xem xét ("Học thầy chẳng tày học bạn") được dùng với nghĩa thứ ba. Cả câu tục ngữ, triết luận này có nghĩa là: Học thầy chẳng (không) có thể so sánh với học bạn.
Người Việt Nam nói chung và tác giả câu triết luận "Học thầy chẳng tày học bạn" nói riêng quan niệm học thầy là một phương thức học tập quan trọng, học bạn cũng là một phương thức cần được chú tâm áp dụng; hai phương thức học tập này có sự khác nhau đáng kể. Một phương thức thông qua thầy giảng giải, tại trường lớp, có sách vở, bài bản, v.v... cụ thể. Một phương thức nhờ bạn góp ý, chỉ dẫn, giảng giải thường là không tại trường lớp, không cần sách vở, bài bản, v.v... gì cả. Hai lối học tập này đều quan trọng, rất cần, hình thành, gia tăng, bổ túc tri thức, sự  hiểu biết cho tất cả những ai có nhu cầu, vì thế nên được nhiều người áp dụng sao cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mình. Nhưng, rõ ràng là chúng có sự khác khá xa nhau, thậm chí là đối lập nhau (như đã nói ở trên), bởi vậy, không nên đem hai cách học đó ra để so sánh.
Vậy là, theo tác giả tục ngữ, thơ ca dân gian Việt Nam thì người thầy có vai trò quan trọng trong việc chỉ giáo truyền đạt kiến thức cho học trò, và ngoài thầy, người học còn cần học tập, bổ sung kiến thức từ người già, từ lớp trẻ, từ bạn bè, từ quần chúng nhân dân, từ những người ít học, thậm chí là không được học hành qua trường lớp, v.v... Những phương thức học tập này đã, đang và chắc chắn sẽ còn được thực thi ở Việt Nam, nhất là trong giai đoạn cả nước ta đang tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá, từng bước xây dựng, phát triển kinh tế tri thức, nền kinh tế hiện đại rất cần đẩy mạnh việc học tập, nâng cao trình độ tri thức cho toàn dân (chính vì thế mà nó còn có tên gọi khác là nền kinh tế học tập) và sự góp sức của đội ngũ trí thức trong đó bao gồm những người thầy, nhà giáo được Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đào tạo.
Cả quá khứ cũng như hiện tại trong công cuộc đổi mới để phát triển, dân tộc ta đều đã có đề xuất và áp dụng nhiều phương thức học tập đã trình bày ở trên, tức là già trẻ học hỏi lẫn nhau, học thầy, học bạn, học trong nhà trường, học ngoài xã hội. Về vấn đề học tập bàn luận tại đây, giáo sư Trần Quốc Vượng đã viết một câu mang tính chủ quan và đầy trách nhiệm cá nhân như sau: "Riêng tôi nghĩ, từ nghìn xưa (cổ truyền) cho đến ngàn sau (hiện đại) chiến lược con người của Việt Nam vẫn là và nên là: già trẻ học tập lẫn nhau" ([5]).
Người viết tiểu luận này thấy câu mà giáo sư họ Trần nhấn mạnh đó chính là chỉ dẫn của ông cha ta đã được nhiều tác giả bình dân ghi rõ trong kho tàng tục ngữ Việt Nam, chứ không phải là đề xuất, ý kiến của cá nhân ông hoặc của một ai khác. Giáo sư Trần Quốc Vượng khẳng định đấy là suy nghĩ, đề xuất riêng của ông, xem ra có phần chưa ổn, thiếu nghiêm túc trong nghiên cứu, do vậy, không thuyết phục được người đọc về mặt khoa học.
Cha ông ta đã có tư tưởng, quan điểm, chủ trương già trẻ học tập lẫn nhau từ trước, từ lâu và đã được tác giả tục ngữ việt Nam ghi lại rồi.
Câu mạo nhận của nhà khoa học danh tiếng đó còn được nói sau tương đối lâu so với nhiều luận điểm trong tư tưởng Hồ Chí Minh và tại văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định dân tộc ta đã, đang và còn tiếp tục thực thi phương thức già trẻ, anh em bạn bè, cán bộ và quần chúng học tập lẫn nhau trong quá trình lao động sản xuất, chiến đấu và tiến hành nhiều nhiệm vụ khác để bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước ngày một trở nên cường thịnh, văn minh.
Hồ Chí Minh đã từng chỉ giáo: cần "ra sức học tập lý luận khoa học tiên tiến của các nước bạn". Người còn có nhận xét, biểu dương những tấm gương, phương thức và tinh thần học tập trong nhân dân "có nhiều người cố gắng đi học... Già, trẻ, gái, trai... đều tìm cách vượt khó khăn để đi học... Thật là một phong trào sôi nổi, một cảnh tượng tưng bừng của một dân tộc quyết rời bỏ chỗ tối, bước lên chỗ sáng...  Cảm động nhất, có những cụ tuổi đã cao, mà cũng xung phong đi học để khuyến khích con cháu... Học sinh các trường công và tư là quân chủ lực tinh nhuệ của đội ngũ giáo viên bình dân học vụ. Nhưng cũng có nhiều cụ phụ lão..., các em nhi đồng, nhiều anh chị em công nhân và cán bộ... cũng không quản ngại khó nhọc, xung phong đi dạy" ([6]).
Tuân thủ nghiêm túc huấn thị của Hồ Chí Minh và theo xu thế phát triển chung của thời đại, tại Đại hội IV (1976) Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương "ra sức mở rộng hợp tác khoa học, kỹ thuật với các nước xã hội chủ nghĩa anh em và các nước khác" ([7]). Đến Đại hội VI (1986), Đảng tiếp tục nhấn mạnh chủ trương mỗi người cộng sản "phải suốt đời học tập", và thực hiện hằng ngày khẩu hiệu "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" ([8]). Mấy trích dẫn trên trong tư tưởng Hồ Chí Minh và tại văn kiện Đảng đã chứng tỏ, ở nước ta từ trước và trong quá trình đổi mới đã đẩy mạnh truyền thống hiếu học của dân tộc, già, trẻ, gái, trai, cán bộ, dân thường, đều ham học, học lẫn nhau, dạy cho nhau, trong đó bao hàm cả việc Đảng tôn trọng, học tập, tiếp thu những ý kiến đóng góp xây dựng đúng, có giá trị của quần chúng nhân dân, hơn nữa, còn chú trọng việc học tập, hợp tác về tri thức, khoa học với các nước anh em và các nước khác để tích cực góp phần vào việc xây dựng Tổ quốc Việt Nam trở nên giàu mạnh, văn minh. Phương thức học tập như thế đã được Hồ Chí Minh, Đảng ta, nhân dân ta bàn luận nhiều, và hơn nữa, còn chủ trương, thực hiện có hiệu quả, chứ không phải mới chỉ là suy nghĩ của riêng một tác giả, nhà nghiên cứu nào đấy.
Một trong 10 chính sách lớn của Trung Quốc về phát triển văn hóa đã ghi rõ, xưa: trẻ học già, nay: già học trẻ ([9]). Đó là một chính sách, cách làm để phát triển của Trung Quốc rõ ràng là mang tính cực đoan, không biện chứng. Bởi vì từ xưa đến nay, không phải ở đâu, lớp trẻ ngày xưa và lớp già hiện nay mới là những người cần được bổ túc kiến thức; và, không phải ở đâu, lớp già ngày xưa và lớp trẻ hiện nay cũng đều là những tấm gương cho người khác học tập. Ngày xưa cũng có nhiều người già cổ hủ, lạc hậu; ngày nay cũng có không ít thanh thiếu niên càn quấy, dốt nát cần được giáo dục.
Thiết nghĩ, phương thức học tập mà cha ông ta, dân tộc ta đã đề xuất và thực hiện như nói ở trên (là già, trẻ, gái trai, cán bộ, dân thường học hỏi lẫn nhau, dạy cho nhau, v.v...), đến nay vẫn nên được áp dụng vì nó đã và đang cho kết quả khả quan.

L.H.T

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét